Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

LỄ VU LAN

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân là Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, đói khát và bị hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do mẹ đói ăn lâu ngày nên khi ăn đã dùng một tay che bát cơm đi tránh không cho các cô hồn khác tranh cướp, vì vậy khi đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.(Theo Wikipedia).
                      

             
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương...
                           
Bài thơ "Ở nghĩa trang Văn Điển).
 

Xuanduc.vn : Với Trần Đăng Khoa, có lẽ tôi không cần giới thiệu gì nhiều về thơ văn của anh, chỉ xin nói một ý này. Thật là lạ, cả Thơ và Văn xuôi của Khoa như một khối thủy tinh hình lục lăng, mỗi mặt phản quang một Trần Đăng Khoa khác nhau để có thể đồng cảm với mỗi tâm thức, một nỗi niềm khác nhau của thế sự. Chân quê ấm áp, tếu táo hóm hỉnh, kĩ lưỡng sâu sắc, thế rồi bỗng nhiên lại thâm trầm chiêm nghiệm trong nỗi buồn thăm thẳm...
Sắp đến rằm tháng 7- tôi chép bài thơ này của Khoa như là cách nói thay bao nỗi ưu tư của mình.

Ở nghĩa trang Văn Điển
Nhớ Diệu Hương
Người hạnh phúc và người đau khổ
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này
Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may.

Ôi thiên nhiên, cảm ơn người nhân hậu
Những so le, người kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là khi nằm xuống
Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng...

Những nắm đất lặng thinh như trăm ngàn nắm đất
Ai hay đâu đây là những con người
Với bời bời nỗi niềm tâm sự
Đến bây giờ có lẽ cũng chưa nguôi...

Tôi đi giữa nổi chìm bao số phận
Người xưa vẫn đây mà, có xa cách chi đâu
Tôi thầm gọi. Sao không ai lên tiếng
Chỉ hoang vắng dưới chân và sương khói trên đầu...

Cháu bé nào đây, vài tháng tuổi
Rợn mình nghe tiếng gió khóc u oa
Một cái với tay giữa lưng chừng trời đất
Cõi đời này thôi thế đã qua...

Cụ già từ nơi đâu không rõ
Lặn lội tìm ai về thành phố xa xôi
Rồi vấp ngã trước một tia nắng quái
Con cháu, anh em là sỏi đá quê người...

Và em gái xinh tươi, hiền dịu
Bao trái ngọt chín vì em, em đã nhận được gì ?
Tấm áo hoa chờ em vào tiệc cưới
Có ai ngờ thành áo liệm lúc em đi..

Trời rộng vô cùng, đất cũng rộng vô cùng
Bởi khoảng trống mỗi con người bỏ lại
Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng chính vóc họ thôi
Mà cả thế giới này cũng không sao bù nổi..

Cái chết vẫn rình ta sau từng ngưỡng cửa
Cua đường hẹp, chiều mưa, vài sải nước gần bờ
Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc
Chỉ tích tắc khôn lường ta đã hóa người xưa..

Ta đâu muốn ví đời mình cùng ngọn cỏ
Ngọn cỏ yếu mềm, ngọn cỏ nhỏ nhoi
Nhưng khi ta đã nằm dưới mộ
Cỏ vẫn xanh biêng biếc ở bên trời..

Trước thiên nhiên, con người như khách trọ
Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa
Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác
Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga...

Mặt trời lặn rồi, mặt trời còn mọc lại
Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi
Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá
Con ngưòi ơi ! Hãy thương lấy Con Người..

( Đây là bản mới nhất do đích thân nhà thơ TĐK chữa sau khi đã nhận được các lời comment của bạn đọc. Quả thật trang Web tôi cũng đã làm được một việc hay )

Bác Đức ơi! Cháu là bạn của Diệu Hương, người được anh TĐK tặng bài thơ này. Bạn cháu đã mất vì tai nạn giao thông, khi đang học ở trường Đại học ngoại ngữ, chuẩn bị đi Nga. Cháu đã thuộc bài thơ này ngay từ khi nó mới ra đời kia. Theo trí nhớ của cháu, thì trong văn bản của nhà thơ, trong bản chép tặng bác Khái Vinh, bố Diệu Hương, còn có một đoạn viết về cái chết của một ông già, mộ số 1176, bên cạnh mộ Diệu Hương ở nghiã trang Văn Điển, ngôi mộ không có tên, chỉ có dòng chữ viết nghuệch ngoạc trên tấm ván cắm trên mộ: "Cụ già khoảng 75 tuổi chết kẹp tàu hỏa". Đoạn đó thế này: "Cụ già quê quán đâu không rõ/ Cụ lặn lội tìm ai về thành phố xa xôi/ Rồi gục ngã trước một làn nắng quái/ Con cháu anh em là sỏi đá quê người"

Gửi bởi: Trần Đăng Khoa - 09/08/2008

Tôi thực sự cảm động khi các quý vị quan tâm đến bài thơ của tôi. Đúng là văn bản đầu còn thêm một đoạn viết về cái chết tha hương của một cụ già. Nhưng sau tôi cắt đi, đúng như nhà văn XĐ nói, thơ cần cô đọng, tôi cũng đã liệt kêi: Và cụ, và ông, và cô và bác...rồi mà, nên không cần dẫn thêm cụ già nứa. Tôi chỉ điểm hai trường hợp cụ thể: Đó là cháu bé vài tháng tuổi và em gái đang yêu, là những người trẻ, rất trẻ mà lại hóa người xưa thì đau xót lắm. Đoạn kết, kính nhờ nhà văn Xuân Đức chỉnh lại cho hai câu cuối cùng: "Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá:/ - Con người ơi! Hãy thương lấy con người!". Như thế chuẩn hơn. Vì bia đá nói ta thương lấy những con người thì chả nghĩa lý gì. Chỉ Con người thương yêu con người thì hành tinh này mới được yên ổn. Trái đất sẽ không còn chiến tranh, không còn khủng bố và bạo hành, chỉ có con người mới mang lại niềm vui hạnh phúc cho nhau và cũng lại chính con người đã biến cuộc sống tươi đẹp trên cõi đời vô cùng ngắn ngủi này thành địa ngục trần gian. Rất cám ơn các quý vị. Cầu chúc các quý vị hạnh phúc, bình an trong cõi đời đày rủi ro, bất trắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét