SỰ ĐA TÌNH ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN CỦA BẢO NGỌC
Thứ Hai, 24 tháng 2, 2025
SỰ ĐA TÌNH ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN CỦA BẢO NGỌC
Thứ Năm, 20 tháng 2, 2025
VƯƠNG HY PHƯỢNG: ĐÁNG YÊU VÀ ĐÁNG GHÉT
![]() |
Trang phục của Phượng Thư |
VƯƠNG
HY PHƯỢNG: ĐÁNG YÊU VÀ ĐÁNG GHÉT
Vương
Hy Phượng xếp thứ chín trong Kim Lăng Thập Nhị Thoa chính sách. Nàng là tiểu
thư nhà họ Vương, một trong bốn đại gia tộc Giả, Sử, Vương, Tiết, nổi tiếng với
câu thơ:
"Vua Đông Hải thiếu
ngọc trắng làm giường, phải đến vay Kim Lăng Vương".
Vương
Hy Phượng được gả vào nhà họ Giả. Chồng nàng, Giả Liễn, là con trai của Giả Xá,
thuộc phủ Vinh Quốc. Cô ruột của nàng, Vương phu nhân, là vợ của Giả Chính, đồng
thời là mẹ của Giả Bảo Ngọc. Như vậy, Vương Hy Phượng và Giả Bảo Ngọc có quan hệ
chị em họ bên Vương phu nhân, nàng còn là chị dâu thúc bác với Giả Bảo Ngọc ở
nhà chồng. Nàng cũng có quan hệ biểu tỷ muội với Tiết Bảo Thoa, còn Lâm Đại Ngọc
là biểu muội bên nhà chồng của nàng. Vương Hy Phượng đứng giữa một mối quan hệ
máu mủ và hôn nhân vô cùng phức tạp trong phủ họ Giả.
Trước
khi dẫn dắt vào phủ họ Giả, Tào Tuyết Cần đã để Lãnh Tử Hưng tạo tiền đề:
"Ai mà ngờ, từ khi cưới người vợ ấy về, cả trên dưới không ai không ca ngợi
nàng. Công tử Liễn gia lại bị lui một bước. Nàng vừa xinh đẹp, nói năng hoạt
bát, tâm cơ sâu sắc, quả là hiếm thấy một người đàn ông nào bì kịp."
Thế
nhưng, nàng dâu quản gia của phủ họ Giả này lại chưa xuất hiện ngay. Khi khách
của phủ - Lâm Đại Ngọc - đến trước, sau khi yết kiến Giả mẫu,
các vị phu nhân và ba tiểu thư trong nhà, nàng mới xuất hiện trong sự ngạc
nhiên của Đại Ngọc. Chỉ có ngòi bút của Tào Tuyết Cần mới có thể vẽ nên một màn
xuất hiện quanh co, tinh tế mà không hề gượng gạo như thế này.
Lâm Đại Ngọc lấy làm lạ:
“Ở đây ai cũng im hơi lặng
tiếng, khép nép nghiêm trang, không biết người nào mà lại dám vô lễ, ăn nói bô
bô như thế”.
Vương
Hy Phượng, được một nhóm nha hoàn vây quanh, xuất hiện. Cha của Lâm Đại Ngọc,
Lâm Như Hải, xuất thân là Thám hoa, đương nhiệm Tuần Diêm ngự sử. Với xuất thân
như vậy, khi lần đầu gặp Vương Hy Phượng, Đại Ngọc cũng bị bộ trang phục lộng lẫy
khác thường của nàng thu hút.
“Người này trang sức
không giống các cô kia, gấm thêu lộng lẫy, trông như một vị thần tiên! Trên đầu,
đỡ tóc bằng kim tuyến xâu hạt châu, cài trâm ngũ phượng Triệu Dương đính hạt
châu, cổ đeo vòng vàng chạm con ly, mình mặc áo vóc đại hồng chẽn thêu trăm bướm
lượn hoa bằng chỉ kim tuyến, ngoài khoác áo màu xanh lót bằng lông chuột bạch
viền chỉ ngũ sắc, mặc quần lụa hoa màu cánh trả; mắt phượng, mày cong lá liễu,
khổ người óng ả, dáng điệu phong lưu”.
Sau
khi quan sát kỹ bộ trang phục rực rỡ châu ngọc, ánh mắt của Đại Ngọc cuối cùng
dừng lại trên gương mặt Vương Hy Phượng: “Mặt phấn đầy xuân trông vẻ dịu. Làn
son chưa hé miệng như cười.”.
Đây chính là người mà mẹ nàng từng kể lại – cô gái thường giả trai đi học
Trong
mắt mọi người, Vương Hy Phượng xinh đẹp, khéo ăn nói, giỏi nắm bắt thời thế, có
tài quản lý, nhưng cũng tham lam, độc ác, hai mặt. Theo tôi, nàng vừa ghen
tuông nhưng cũng rộng lượng, vừa thực dụng nhưng cũng có hiếu. Vương Hy Phượng
là người như vậy: nếu bạn có quyền thế, nàng nương theo quyền thế của bạn; nếu
bạn có tài năng, nàng kính nể tài năng của bạn; nếu bạn là người đáng ngưỡng mộ,
nàng cũng sẽ ngưỡng mộ bạn.
Ví
như đối với Thám Xuân. Mẹ ruột của Thám Xuân là Triệu di nương, địa vị thấp
kém, nhưng Thám Xuân lại rất tự trọng, mạnh mẽ, hiểu lễ nghĩa. Trong số các chị
em trong phủ, Vương Hy Phượng lại nhìn nàng bằng con mắt khác, không hề coi thường
nàng như đối với Giả Hoàn. Khi Thám Xuân phụ trách trông nom gia đình, Phượng
Thư còn đặc biệt dặn dò Bình Nhi phải giữ thể diện cho Thám Xuân trước mặt mọi
người. Khi Thám Xuân phản bác Bình Nhi, Phượng Thư lập tức khen ngợi tài năng của
nàng. Đây chính là sự rộng rãi của Phượng Thư.
Nếu
nói Phượng Thư khinh thường Giả Hoàn và Triệu di nương là vì thực dụng, vậy
cách nàng đối đãi với Thám Xuân có thể giải thích thế nào?
Đối
với Nghênh Xuân – người em gái nhu nhược, con vợ lẽ Giả Xá, Phượng Thư cũng không lạnh nhạt với
nàng. Phượng Thư và mẹ chồng – Hình phu nhân – vốn không hợp nhau, thường xuyên
tránh mặt bà. Nhưng khi Hình phu nhân đưa cháu gái Hình Tụ Yên đến Giả phủ, Phượng
Thư đối xử với nàng thế nào?
“Từ đó trở đi, trừ khi
Hình Tụ Yên về nhà không kể, nếu ở lại trong vườn Đại Quan độ một tháng trở
lên, Phượng Thư cũng cấp tiền lương cho cô ta như Nghênh Xuân. Phượng Thư thấy
Tụ Yên tâm tính ôn hòa, đáng mến, không giống như Hình phu nhân và cha mẹ nó, lại
nhà nghèo vất vả, nên thương nó hơn các chị em khác. Hình phu nhân thì chẳng để
ý gì đến.”
Người
ta thường nói chị dâu – em chồng khó hòa hợp, nhưng Phượng Thư lại hòa thuận với
cả ba cô em chồng trong Giả phủ – Nghênh Xuân, Thám Xuân, và Tích Xuân
Tính
cách của Phượng Thư rất sắc sảo, nàng cũng yêu thích những người có cá tính mạnh.
Ví dụ như Lâm Đại Ngọc thẳng thắn, bà cụ Lưu biết ăn nói, Tình Văn sắc sảo,
Thám Xuân giỏi giang, hay Tiểu Hồng nhanh nhẹn.
![]() |
Phượng Thư thường luôn ở bên hầu hạ làm vui Giả mẫu |
Đối
với Giả Mẫu, nếu nói Phượng Thư tận tụy hầu hạ bà chỉ vì địa vị của bà trong phủ
Giả, e rằng không hoàn toàn đúng. Giả Mẫu và Phượng Thư có nhiều điểm tương đồng.
Khi còn trẻ, Giả mẫu cũng từng là quản gia, thậm chí tài năng còn hơn cả Phượng
Thư, vì thế hai người có thể coi như "anh hùng tương tiếc" (một cụm từ
gốc Hán, có nghĩa là người anh hùng trân trọng, tiếc thương nhau). Giả mẫu vốn
thích náo nhiệt, mà Phượng Thư lại rất biết cách trêu chọc, làm bà vui vẻ. Điều
này không chỉ cần lòng hiếu thảo mà còn phải có sự nhạy bén, cả hai điều này
Phượng Thư đều có, nên rất được Giả mẫu yêu quý.
Trong
bữa tiệc gia đình mừng năm mới, khi Phượng Thư nói
“ - Thôi,
thôi! Rượu nguội mất rồi, xin bà uống một chén cho ráo cổ, rồi hãy vạch hết
chuyện nhảm ấy ra. Hồi này có thể gọi là hồi “vạch chuyện nhảm”, chuyện xảy ra
đúng giờ này, ngày này, tháng này, năm này, nơi này, triều đại này. Bà ơi! Mở
miệng khó nói được hai việc “Hai bông hoa nở chung một cành”, “Thực giả chưa cần
nói rõ”, cháu hãy sắp đặt người xem đèn, xem hát đã. Bà mời hai vị thân thích
đi uống chén rượu, xem vài vở hát rồi sẽ vạch những chuyện nói nhảm từ mấy đời
trước ra có được không?”
“Trong nhị thập tứ hiếu
có chuyện “múa áo ban”, các anh ấy không mặc áo hoa múa cho cụ tôi vui thì tôi
phải khó khăn mới làm cho cụ tôi cười, để ăn thêm được một ít, cho cả nhà vui mừng.
Đáng ra phải cảm ơn tôi mới phải, không lẽ lại cười tôi à?”.
Phượng
Thư luôn tìm cách làm Giả mẫu vui vẻ, giống như con cái hiếu thảo mua vui cho
cha mẹ. Vào mùa đông, khi Bảo Ngọc cùng các chị em thưởng tuyết làm thơ trong
am Lư Tuyết, Giả Mẫu cũng đến góp vui. Phượng Thư thấy Giả mẫu không ở trong
phòng, bèn tìm đến vườn. Là độc giả còn cảm thấy ấm lòng, huống chi là Giả mẫu!
Có một người cháu dâu thông minh, biết lấy lòng như vậy, chẳng phải là một điều
may mắn hay sao?
Phượng
Thư và Bảo Thoa là chị em họ bên ngoại, nhưng Phượng Thư không thích tính cách
“không liên quan đến mình thì không mở miệng”, “hỏi gì cũng chỉ lắc đầu không
biết” đầy mơ hồ của Bảo Thoa. Trái lại, sự sắc sảo trong lời nói, yêu ghét rõ
ràng lại là điểm chung giữa nàng và Đại Ngọc.
Khi
Phượng Thư cùng các chị em đến thăm Bảo Ngọc bị bỏng, nàng và Đại Ngọc trêu đùa
qua lại, lời lẽ thoải mái, cho thấy hai người vốn dĩ hòa hợp. Cũng trong đoạn
này, Phượng Thư chẳng hề giấu giếm việc mình đứng về phía Đại Ngọc trong “cuộc
chiến” giữa Bảo Thoa và Đại Ngọc. Ngay trước mặt các chị em trong Giả phủ, Phượng
Thư đùa với Đại Ngọc rằng: “Đã uống trà của
nhà ta, sao không làm dâu nhà ta?”
Khi
Đại Ngọc mới vào phủ, Phượng Thư rơi nước mắt xót xa hoàn cảnh của nàng, bị Giả
Mẫu trách móc thì liền nhanh chóng chuyển sang vui vẻ. Nhiều người cho rằng đó
chỉ là cách nàng lấy lòng Giả Mẫu. Nhưng suốt cả 80 hồi đầu, chưa từng thấy Phượng
Thư có bất kỳ hành động nào không tốt với Đại Ngọc. Đại Ngọc vốn nhạy cảm, đa
nghi, nhưng chưa bao giờ nghi ngờ thái độ của Phượng Thư đối với mình. Khi bàn
về chuyện cho yến sào, Đại Ngọc nói với Bảo Thoa: “Bây giờ lại giở cái món cháo yến sào mới lạ ra, bà tôi, dì tôi và chị
Phượng thì chẳng nói gì đâu…” có
thể thấy nàng luôn cảm nhận được sự quan tâm của Phượng Thư.
Ở
Phượng Thư có một mặt chân tình, điều này thể hiện rõ qua cách nàng đối xử với
Giả Mẫu, Đại Ngọc và Bảo Ngọc. Khi đi ra ngoài cùng Bảo Ngọc, Phượng Thư gọi Bảo
Ngọc vào xe mình để tránh gió. Khi ấy Bảo Ngọc vẫn là một cậu bé ham chơi, lập
tức vui vẻ chui vào xe Phượng Thư. Ở đây ta thấy một thứ tình cảm tự nhiên của
người chị dành cho em trai
Bà
cụ Lưu cũng là người rất tinh tế, biết nói đùa, giỏi khuấy động bầu không khí,
khiến Phượng Thư thích thú. Vì vậy, nàng mới rộng tay giúp đỡ bà, vô tình gieo
nhân thiện để sau này Xảo Thư được cứu. Khi Uyên Ương kiên quyết chống lại việc
bị gả làm thiếp cho Giả Xá, Phượng Thư biết nàng sẽ không bao giờ đồng ý, kính
trọng phẩm cách của nàng. Khi Vương phu nhân muốn đuổi Tình Văn đi, Phượng Thư
cũng không hề nói lời nào để hãm hại nàng.
Đối
với Tiểu Hồng, khi phát hiện cô bé nhanh nhẹn, ăn nói lanh lợi, Phượng Thư lập
tức xin Bảo Ngọc nhường lại cho mình. Với tư cách một người quản gia, Phượng
Thư có con mắt nhìn người và biết cách dùng người.
Phượng
Thư có tính cách phức tạp và đa chiều. Nàng vừa thông minh, quyết đoán, biết
nhìn người và sắp xếp công việc, nhưng cũng tàn nhẫn, thủ đoạn, sẵn sàng làm mọi
thứ để đạt được mục đích. Kết cục bi thảm của nàng, ở một mức độ nào đó, chính
là do nàng tự tạo ra, đúng như câu: “Mưu sự quá khôn ngoan, lại lỡ mất chính
sinh mạng mình.”
Lược
dịch, chỉnh sửa từ: https://www.epochtimes.com/b5/11/12/26/n3468116.htm
ĐIÊN, SI, CUỒNG trong HÔNG LÂU MỘNG
“ĐIÊN, SI, CUỒNG - TỪ TÂM LÝ CÁC NHÂN VẬT HỒNG LÂU MỘNG, LUẬN VỀ CÁI CHẤP VÀ ĐIÊN CUỒNG CỦA TÀO TUYẾT CẦN”
Là
một kiệt tác văn học vượt thời gian, Hồng Lâu Mộng lấy bối cảnh xoay quanh sự
thăng trầm của bốn đại gia tộc Giả, Sử, Vương, Tiết cùng hai mối tình nổi bật - Mộc
Thạch Tiền Minh và Kim Ngọc Lương Duyên. Tác phẩm phản ánh sâu sắc thời đại, và
mỗi nhân vật trong đó đều độc nhất vô nhị.
Chính
sự độc nhất vô nhị ấy đã tạo nên tính kinh điển của Hồng Lâu Mộng. Cá tính, cử
chỉ, và tâm tư được khắc họa tài tình làm nên sự sống động cho các nhân vật. Những
đặc trưng như “Điên” của Bảo Ngọc, “Si” của Đại Ngọc, “Cuồng” của Vương Hy Phượng
- dù có phần bất thường, thậm chí mang sắc
thái tiêu cực - lại
chính là những điểm sáng đặc biệt nhất ở họ.
Hóa thân của mâu thuẫn - nhân cách cô lập của Diệu
Ngọc
Là
một trong số ít các nhân vật trong “Kim Lăng thập nhị thoa chính sách” không được
xuất hiện nhiều, Diệu Ngọc là hiện thân của sự mâu thuẫn tự nhiên.
Cô
như một cuộc đời khác của Đại Ngọc.
Sinh
ra yếu ớt, hay bệnh tật, Diệu Ngọc bị cha mẹ đau lòng gửi vào chùa làm ni cô để
dưỡng bệnh. Nhưng trước khi xuất gia, cô cũng từng là tiểu thư danh giá. Điều
này khiến cô vừa có vẻ kiêu kỳ, ngạo mạn của một tiểu thư quyền quý, vừa mang nỗi
tự ti và sầu muộn của một thân phận lưu lạc.
Chính
sự mâu thuẫn này khiến cảm xúc của Diệu Ngọc trở nên lo âu hơn, tâm lý phòng bị
cũng nặng nề hơn, dẫn đến một nhân cách cô lập.
Sự
cô lập ấy cũng khiến cô mang một chút phản kháng.
Từ
hồi 41, khi Giả Mẫu, Lưu Lão Lão cùng đoàn người tham quan Vườn Đại Quan và đến
thăm Lương Thúy Am, điều này được thể hiện rõ.
Với
Lưu Lão Lão mà cô không thích, chỉ cần bà dùng qua một cái chén, cô sẵn sàng vứt
đi. Nhưng với "nhà tài trợ chính" là Giả Mẫu, cô lại lịch sự, lấy trà
ngon và nước mưa năm trước để pha trà đãi khách.
Tuy
nhiên, sự tiếp đón có vẻ tôn trọng này, nếu so với cách cô tiếp đãi các tiểu
thư bạn bè mà cô yêu quý, thì lại không đáng kể gì.
Khi
tiếp đón Đại Ngọc và những người bạn, cô chuẩn bị những bộ chén tinh xảo, trà
thượng hạng, và dùng tuyết trên hoa mai để pha trà. Điều đó rõ ràng vượt qua sự
ưu ái dành cho Giả Mẫu.
Khi
Bảo Ngọc tìm đến, thái độ của Diệu Ngọc lại thay đổi. Đối với Đại Ngọc, cô có
thể nói những câu châm chọc như:
“Cô là người như thế
nào, hóa ra cũng là một kẻ thô tục, ngay cả nước cũng không phân biệt được.”
Nhưng
khi đối diện với người cô cảm mến là Bảo Ngọc, cô chỉ mỉm cười nhỏ nhẹ, đùa giỡn
cho qua chuyện, để Bảo Ngọc dùng chén trà của mình.
Thái
độ vừa lạnh lùng vừa không quên tình cảm ấy khiến Diệu Ngọc trở thành một trong
những Kim Sai với câu thơ:
“Muốn
sạch mà không sạch.
Rằng
không chửa hẳn không.”
Mâu thuẫn giữa tình đời và cửa Phật khiến sự lo âu, bất an trong cô càng gia tăng. Nếu các cô gái Kim Sai khác vẫn còn hy vọng về tình yêu, gia đình, hay con cái, thì Diệu Ngọc lại chìm sâu vào sự giằng xé của câu hỏi:
"Ở đời làm sao có
thể vẹn cả đôi đường?"
Nhân
cách cô lập của Diệu Ngọc phần lớn được hình thành từ hậu thiên (một khái niệm
xuất phát từ triết học phương Đông, đặc biệt trong Đạo giáo và Nho giáo, được
dùng để chỉ những gì mà con người đạt được hoặc phát triển sau khi sinh ra,
thông qua môi trường sống, giáo dục, kinh nghiệm, và các tác động từ bên
ngoài.)
Trải
qua nhiều biến cố, mất cả cha mẹ, từ một tiểu thư quyền quý trở thành ni cô sống
ẩn dật, Diệu Ngọc đã trở nên vô cùng thiếu cảm giác an toàn. Nỗi sợ hãi đối với
việc giao tiếp giữa người với người của cô lớn hơn nhiều so với nhu cầu được
giãi bày.
Dưới
tác động của kiểu nhân cách và hoàn cảnh sống này, cái "si" của Diệu
Ngọc thể hiện rõ trong cách hành xử hoàn toàn trái ngược với tinh thần
"chúng sinh bình đẳng". Đồng thời, nó cũng được phản ánh qua sự giằng
co không thể vượt qua những nút thắt trong lòng.
Từ
một góc độ nào đó, sự cô lập của Diệu Ngọc là sự phản chiếu cảm xúc của tác giả.
Một cuộc đời cũng đầy biến cố với những nỗi sợ và sự trốn tránh thế giới, đồng
thời càng nhìn rõ sự tương phản giữa cái gọi là "ô uế" và "trong
sạch". Tuy nhiên, chính sự giằng co sau khi đã nhìn thấu mới khiến con người
đau đớn hơn.
Cái
đấu tranh giữa tỉnh và mê, giữa nhìn thấu và không vượt qua được, là hiện thân
cho nhân cách cô lập của Diệu Ngọc. Đây cũng chính là minh chứng rõ ràng nhất
cho việc Diệu Ngọc vẫn đang "sống".
“Chân” và “Si” - nhân cách né tránh của
Lâm Đại Ngọc
Trong
hồi thứ 26, Đại Ngọc đến Di Hồng Viện tìm Bảo Ngọc. Không may gặp lúc Tình Văn
đang giận, cô không nghe rõ tiếng Đại Ngọc gọi nên không mở cửa. Đại Ngọc hiểu
lầm điều này là do Bảo Ngọc, lòng tràn đầy suy nghĩ và nỗi buồn. Trong cơn đau
khổ, cô:
“Đứng lặng một mình dưới
bóng hoa ở góc tường, vừa buồn vừa khóc nức nở.”
Khi
về Tiêu Tương Quán, cô vẫn:
“Dựa vào lan can giường,
hai tay ôm gối, mắt đẫm lệ, trông như tượng gỗ tượng bùn, cứ ngồi lặng yên suốt
cả hai ngày.”
Nhân
cách né tránh này mang lại đau khổ cho Đại Ngọc, nhưng cũng tạo nên sự chân thật
của cô.
Người
có nhân cách né tránh thường theo đuổi sự hoàn mỹ nhưng lại tự ti. Tuy nhiên, họ
lại khá gần gũi với những người thân quen. Đại Ngọc, với tâm hồn tinh tế và
không để ý đến lễ giáo phân cấp, đã khiến sự chân thành của cô trở nên quý giá
nhưng lại mâu thuẫn với các chuẩn mực xã hội.
Giữa
Đại Ngọc và Bảo Thoa - hai cô gái đều có duyên với Bảo Ngọc, trong phủ họ Giả
luôn tồn tại một bầu không khí cạnh tranh ngấm ngầm.
Bảo
Thoa có vẻ hòa nhã, thiện lương, nhưng thực tế lại đối xử khác biệt với từng
người: từ bề trên, các tiểu thư đến các a hoàn. Cô hành xử bằng cách giữ im lặng
và quan sát, tuân thủ nguyên tắc “lạnh nhạt không nói nhiều”, cho thấy sự khôn
khéo giữ mình. Vì thế, trong mắt mọi người, Bảo Thoa được đánh giá là một người
“hiểu đại cục.”
Nhưng
Lâm Đại Ngọc lại khác, cô trở thành "vầng trăng sáng" trong lòng Bảo
Ngọc chính vì sự tương đồng trong tư tưởng. Đại Ngọc cũng không bận tâm đến lễ
giáo hay đẳng cấp, dù đối với người mình yêu, cô thường đa nghi, nhưng vẫn có
thể không chút kiêng dè mà ngủ chung giường với Bảo Ngọc.
Trong
hồi thứ 48, Hương Lăng khát khao học làm thơ. Dù Bảo Thoa là người đưa Hương
Lăng đến, nhưng cô không đáp ứng nguyện vọng này. Ngược lại, Đại Ngọc cười nói:
"Nếu muốn làm thơ,
thì cứ nhận ta làm thầy. Tuy ta không thông suốt, nhưng cũng đủ để dạy ngươi
đôi điều."
Việc
dạy Hương Lăng chẳng mang lại lợi ích gì cho Đại Ngọc. Hương Lăng, vốn là người
được Tiết Bàn mua về, có thân phận hoàn toàn cách biệt với các tiểu thư chính
tông. Dù Bảo Thoa thương Hương Lăng và đưa vào vườn để bầu bạn, cô vẫn không muốn
quá thân cận với Hương Lăng. Nhưng Đại Ngọc không xem thường thân phận thấp kém
của Hương Lăng, cũng không toan tính được mất. Cô chỉ nhìn thấy sự chân thành của
Hương Lăng mà sẵn lòng gần gũi, thậm chí tận tình chỉ dạy.
Khi
Bảo Ngọc đem chuỗi hạt được Bắc Tĩnh Vương tặng cho Đại Ngọc - một báu vật quý giá từ hoàng cung - Đại Ngọc lại không thích. Cô cho rằng
đó chỉ là món đồ chơi từ "gã đàn ông hôi hám", rồi quăng nó sang một
bên.
Sự
chân thành và nét ngây thơ của Đại Ngọc bắt nguồn từ khuynh hướng phản xã hội
và tâm lý trốn tránh. Nhưng chính điều đó tạo nên sự đáng yêu khác biệt của cô.
Sự
chân thật của Đại Ngọc giống như một dòng suối trong giữa thế gian đầy vẩn đục.
Cái gọi là "tính trẻ con" của cô làm tổn thương những chiếc mặt nạ giả
tạo. Mọi sự công kích nhắm vào Đại Ngọc chẳng qua chỉ là cơn giận dữ khi bị cô
nhìn thấu, cũng như thái độ chân thực của thế giới đối với "sự thật."
Sân si và điên cuồng - Nhân cách hoang
tưởng
của Bảo Ngọc
Trong
thế giới "Hồng Lâu Mộng," những con người lênh đênh giữa dòng đời ít
nhiều đều có chút "si mê". Một trong những đoạn kinh điển là khi Đại Ngọc chôn hoa
và ngâm rằng:
"Người cười ta chôn
hoa thật là si, ai sẽ chôn ta khi lìa đời… Một khi xuân tận, nhan sắc phai tàn,
hoa rụng người mất, cả hai đều hóa hư vô."
Nghe
những lời này, Bảo Ngọc không khỏi đau lòng, ngã quỵ xuống sườn núi, làm rơi hết
những cánh hoa đang ôm trong lòng. Đại Ngọc nghe thấy động tĩnh, nghĩ thầm:
"Mọi người đều cười
ta mắc bệnh si mê, chẳng lẽ lại có thêm một kẻ si khác sao?"
Người
xưa có hai quan niệm về "si": một là kém trí tuệ, hai là "kẻ si,
thần trí bất túc, cũng là một dạng bệnh." Cái "si" của Bảo Ngọc
rõ ràng thuộc về ý nghĩa thứ hai. Ở một mức độ nào đó, cái "si" này
chính là một biểu hiện của tình yêu.
Bảo
Ngọc là người đàn ông đa tình nhất thế gian. Anh không chỉ si mê với các cô
gái, mà cả những chàng trai thanh tú, những đóa hoa, con chim, cũng đều khiến
anh si mê. Nhưng người mà anh dành trọn trái tim vẫn là Đại Ngọc.
Chỉ
cần một câu nói đùa của Tử Quyên rằng Đại Ngọc sắp về nhà, Bảo Ngọc lập tức rơi
vào trạng thái như mất hồn. Anh "đưa gối thì ngủ, đỡ dậy thì ngồi, mang
trà thì uống," thậm chí tưởng con thuyền đồ chơi Tây Dương là chiếc thuyền
đến đón Đại Ngọc, rồi giấu kỹ nó đi.
Kiểu
nhân cách bệnh lý như "hoang tưởng" này cũng là một dạng cố chấp. Sự
cố chấp của Bảo Ngọc là bảo vệ sự thuần khiết của các cô gái. Chính sự cố chấp ấy
đã khiến anh mang thêm phần điên cuồng.
Sinh
ra trong một gia tộc "cường thịnh, phú quý, truyền thống thi thư lễ nghi,"
Bảo Ngọc xem thường những giá trị phong kiến. Anh gọi các trọng thần triều đình
là "bọn sâu mọt quốc gia," không muốn theo đuổi con đường làm quan,
mà đặt tình cảm cá nhân lên vị trí cao nhất. Anh bất chấp lợi ích gia tộc hay
bè phái, tùy ý kết giao với người mà mình yêu thích.
Cách
hành xử và nét "si" của Bảo Ngọc rất tương đồng với nhân cách kịch
tính trong tâm lý học. Những hành động của anh thực chất là sự phản kháng với
thế tục bằng suy nghĩ chân thật nhất trong lòng, giống như con thiêu thân lao
vào ngọn lửa, chế giễu sự hèn nhát và thấp hèn của người đời.
Tính sân si và điên cuồng
của Tào Tuyết Cần
Người
đời thường nói rằng Giả Bảo Ngọc chính là hình bóng của Tào Tuyết Cần, rằng
chàng công tử phong lưu, tài hoa nhưng "vô dụng" trong việc nước, việc
nhà thực chất chính là bản thân tác giả. Sự "si mê" của Bảo Ngọc và
Tào Tuyết Cần cũng không khác nhau. Gia tộc lừng lẫy một thời của ông sụp đổ,
nhưng trong lòng ông chỉ có các chị em, sự thanh tịnh của Phật môn, và chưa từng
có khát vọng vực dậy gia tộc.
Ngay
từ đầu truyện Hồng Lâu Mộng, hai bài từ "Tây Giang Nguyệt" đã nhận định
về Bảo Ngọc:
"Thiên hạ vô năng đệ
nhất, cổ kim bất hiếu vô song."
Câu
này phản ánh ấn tượng chung của người đời về Bảo Ngọc - một công tử lười biếng, không học vấn,
không tài cán. Nhưng thực ra, đây cũng chính là "tự đánh giá" của Tào
Tuyết Cần về bản thân mình.
Tuy
vậy, trong bài từ lại miêu tả Bảo Ngọc là người "vô cớ tìm sầu, kiếm hận,
đôi lúc ngờ nghệch như kẻ điên." Trong truyện, anh lại là người cực kỳ
thông minh, học một biết mười, lời nói ra thành thơ. Điều này cho thấy các biểu
hiện nhân cách "kịch tính" hay "phản xã hội" của Bảo Ngọc
không phải vì anh kém trí, mà xuất phát từ sự không chịu khuất phục trước xã hội.
Chính
tinh thần phản kháng này đã biến Bảo Ngọc trở thành một kẻ lạc loài trong mắt
người đời, nhận lấy biết bao lời chê bai, phỉ báng.
Vậy
trong mắt Tào Tuyết Cần, Bảo Ngọc thực sự là một kẻ vô dụng, hư hỏng sao?
Chắc
chắn tác giả không căm ghét nhân vật chính của mình. Trong mắt Tào Tuyết Cần,
dù Bảo Ngọc chỉ dùng trí thông minh cho những thú vui phong lưu, anh vẫn sở hữu
một phẩm chất mà người đời không thể sánh kịp - sự tỉnh táo.
Cái
mà người đời gọi là "kẻ si" thực chất lại là người sớm nhận ra sự ô uế
của thế gian. “Khi con gái chưa đi lấy chồng, khác nào một hạt châu rất quý; lấy
chồng rồi, không hiểu sao lại sinh ra rất nhiều tật xấu. Dù vẫn là hạt châu đấy,
nhưng đã trở thành hạt châu chết, phai mờ ánh sáng; đến già thì không phải là hạt
châu, mà là mắt cá đấy! Cũng là một người, sao lại hóa ra ba dạng như thế?” .
Phải biết rằng, trong những người phụ nữ thân thiết nhất với Bảo Ngọc có bà nội
Giả mẫu hết mực yêu thương, mẹ anh là Vương phu nhân luôn xem anh như báu vật,
Vương Hy Phượng sắc sảo, khéo léo, hay chị dâu Lý Hoàn hiền lành, thông minh,
Những người này đều đối xử với Bảo Ngọc bằng tình yêu thương và chiều chuộng.
Nhưng
trong sự yêu thương ấy, Bảo Ngọc vẫn nhận ra những toan tính lợi ích, sự phân cấp
rõ ràng, và cả những mưu mô tàn nhẫn. Trong khi đó, những cô gái chưa xuất giá ở
nhà mẹ đẻ chưa phải vướng vào những mối quan hệ lợi ích ấy, nên được ví như sự
thuần khiết của dòng nước.
Sự
theo đuổi cái thuần khiết này vừa là cái "si" của Bảo Ngọc, vừa là
cái "si" của Tào Tuyết Cần.
Trong
một thế giới ô uế, để giữ gìn sự trong sạch này, Bảo Ngọc sẵn sàng vứt bỏ gia tộc,
tình cảm, thế sự, thậm chí cả sinh mệnh và danh tiếng. Chính sự quyết tuyệt này
ẩn sau vẻ "bất cận nhân tình" càng khiến người ta phải kinh ngạc.
Bảo
Ngọc và Tào Tuyết Cần đều mang trong mình sự tỉnh táo sắc bén đối với thế gian:
cái gọi là yêu thương luôn đi kèm tham vọng, cái gọi là chân thành thường ẩn chứa
toan tính, cái gọi là vinh hoa chỉ là ảo ảnh, và cái gọi là danh gia vọng tộc
chẳng qua là bọt nước.
Khi
một cá nhân không thể thay đổi quy tắc của thế giới, họ đành chọn cách dùng nụ
cười, tiếng mắng và dáng vẻ điên cuồng để tự bảo vệ mình.
Cái
mà người đời gọi là nhân cách phản xã hội thực chất là sản phẩm phụ của cuộc đối
kháng giữa sự thuần khiết và ô uế. Cái "sân si" của Bảo Ngọc không phải
là sự mù quáng, mà là một cơ chế bảo vệ bản thân, là một "Vườn Đại
Quan" trong tâm hồn, nơi giấu đi tất cả những mong manh và khát vọng ẩn
sau sự chống đối với lễ giáo xã hội.
Kết Luận
Sự
phản kháng với thế tục, sự bất tuân lễ giáo, sự theo đuổi tự do và tình yêu,
cùng mối giao tình không màng cấp bậc - những gì Bảo Ngọc tìm kiếm thực chất là một dạng “đại
ái”. Nhưng giữa thế giới Hồng Lâu đã đi đến hồi kết, ngoài những con người mang
cùng "bệnh" như anh, anh không tìm được nơi nào tinh khiết để trú ngụ.
Tất
cả những suy tư trong lòng anh chỉ có thể được giãi bày qua dáng vẻ si mê, và từ
đó hình thành nên nhân cách phản xã hội của anh.
Chính
sự phản kháng này là lý do mà Tào Tuyết Cần chọn Giả Bảo Ngọc làm nhân vật để bộc
lộ thế giới nội tâm của mình. Vì thế, sự nổi loạn của Bảo Ngọc cũng chính là sự
phản kháng của Tào Tuyết Cần, và điều này đã làm nên ý nghĩa thực sự của những
nhân cách đa dạng được khắc họa trong Hồng Lâu Mộng.
Lược
dịch, chỉnh sửa từ: https://www.163.com/dy/article/GS2DTJN405437K5L.html
Ảnh: https://www.ifensi.com/index.php?m=home&c=View&a=index...