Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

Ký sự hành hương

Trục trung tâm của Vườn Lumbini - Ảnh: risingnepaldaily.com

 2- VƯỜN LUMBINI

Sáng 8-2-2013, chúng tôi dậy sớm. Nhiệt độ ngoài trời khoảng 7 độ C. Anh Sagar Gurung – người Nepal, bạn của con trai tôi – lái ô tô đưa chúng tôi ra sân bay quốc tế Tribhuvan. Khoảng 10 giờ, máy bay cất cánh. Bên ngoài ô cửa máy bay, làng mạc, đồi núi Kathmandu nhỏ dần. Chỉ ít phút sau, một khung cảnh hùng vĩ hiện ra sau mây: những ngọn núi tuyết của dãy Himalaya nối tiếp nhau lấp lóa dưới ánh mặt trời. Nếu vị trí ngồi trên máy bay của bạn phù hợp, có thể nhìn thấy/ chụp ảnh đỉnh Everest huyền thoại.
Sau nửa giờ bay, chúng tôi đến thị trấn Lumbini, cách Kathmandu khoảng 260km về hướng Tây Nam. Nhờ Sagar Gurung đặt xe trước, chúng tôi có ngay ô tô đưa về khách sạn Siddhartha ở Lumbini.
Đầu giờ chiều, từ khách sạn, chúng tôi cùng anh hướng dẫn viên Nepal đi ô tô đến Vườn Lumbini. Chiều nắng vàng se lạnh. Hai bên đường là đồng lúa xanh và những cánh đồng vàng hoa cải.
Theo thông tin của một đơn vị điều hành du lịch địa phương: Vườn Lumbini hiện tại có chiều dài gần 5km tính theo hướng Bắc Nam và chiều rộng khoảng 1,6km tính theo hướng Đông Tây. Phía Bắc của Vườn là Làng Lumbini mới với các công trình: Chùa Hòa bình Thế giới, khách sạn, nhà nghỉ, Trung tâm văn hóa Lumbini, Bảo tàng Lumbini, khu bảo tồn chim… Chùa Hòa bình Thế giới là điểm bắt đầu của trục trung tâm (hướng Bắc Nam) trong Quy hoạch tổng thể Vườn Lumbini; điểm cuối là đền thờ Hoàng hậu Maya – Thân mẫu của Đức Phật; khoảng cách giữa hai điểm khoảng 3,2km.


Kênh Lumbini

Một trong những điểm nhấn của Vườn Lumbini là kênh đào Lumbini, dài khoảng 1,5km nằm trên trục trung tâm. Kênh bắt đầu từ khu vực Trung tâm văn hóa Lumbini, cuối kênh là biểu tượng Ngọn lửa hòa bình vĩnh cửu, được đặt trên một bệ đá. Hai bên bờ kênh có lối đi rộng lát gạch đỏ và vườn cây. Phía Đông và phía Tây của kênh có nhiều tu viện, chùa của các nước châu Á, châu Âu và Phật giáo Tây Tạng, trong đó có Việt Nam Phật quốc tự - Lâm Tỳ Ni của Phật tử Việt Nam. Chính phủ Nepal cho phép các nước thuê đất tại Lumbini trong 100 năm để xây dựng tu viện, chùa chiền của mình.


                                                         Ngọn lửa hòa bình vĩnh cửu

Từ điểm cuối kênh Lumbini, có một con đường chạy trên trục trung tâm đi đến khu Vườn thiêng (diện tích khoảng 2,5km2), nơi có đền thờ Hoàng hậu Maya. Vườn Lumbini được quy hoạch với ý tưởng mô tả hành trình của người Phật tử: Lối vào Vườn được đặt ở phía Bắc, trong Làng Lumbini mới. Người hành hương bắt đầu cuộc hành trình từ đây, nơi có các hoạt động thế gian. Sau đó, người hành hương đi đến khu vực có Trung tâm văn hóa và các tu viện, để tìm hiểu kiến thức và thanh lọc tinh thần. Chặng cuối là con đường đi đến khu Vườn thiêng, nơi bắt đầu hành trình giác ngộ.


                                       Đường vào khu Vườn thiêng ở Lumbini

Theo quy định, trong phạm vi của Vườn chỉ được xây dựng các cơ sở giáo dục và tôn giáo; không được xây dựng cửa hàng, khách sạn, nhà hàng hoặc các cơ sở du lịch thương mại. Năm 1997, UNESCO công nhận Vườn Lumbini là Di sản thế giới.
Xe đỗ trước cổng Vườn Lumbini. Theo con đường đất, chúng tôi đi bộ vào bên trong. Điểm đầu tiên chúng tôi tham quan là Ngọn lửa hòa bình vĩnh cửu, được xây dựng năm 1986, kỷ niệm Năm Quốc tế Hòa bình của Liên Hợp Quốc. Tiếp đó, chúng tôi theo con đường trên trục trung tâm đi vào khu Vườn thiêng. Hai bên đường là những bãi cỏ, vườn cây. Bên trái đường, ở phía xa có một hồ nước rộng nằm bên cánh rừng thưa, trông rất thơ mộng.
Hơn 2.500 năm trước, Đức Phật được sinh ở nơi đây. Tương truyền, Hoàng hậu Maya cùng đoàn tùy tùng trên đường về thăm quê, đi qua cánh rừng Lumbini có nhiều cây sala. Bỗng Hoàng hậu cảm thấy chuyển dạ. Đoàn tùy tùng liền che một chiếc màn quanh bà rồi đi ra chỗ khác. Trong lúc bà đứng, tay bám lấy một cành cây sala thì người con được sinh ra. Đó chính là Đức Phật. Ngài được sinh ra dưới cây. Về sau, Ngài chứng ngộ dưới cây và nhập Niết bàn cũng dưới cây.


                                Đền thờ Hoàng hậu Maya bên hồ thiêng Puskami

Đến gần khu đền thờ, chúng tôi gặp nhiều người hành hương các nước châu Âu, châu Á. Mọi người xếp hàng gửi hành lý, mũ nón. Bắt đầu từ đây, người hành hương bỏ lại giày dép, chân mang bít tất đi vào đền thờ. Nhiệt độ ngoài trời lúc này khoảng 19-20 độC.
Con đường nhỏ dẫn đến đền thờ được lát bằng những viên gạch nung, hai bên là thảm cỏ với những giậu cây duối nở hoa vàng. Đền thờ Hoàng hậu Maya được sơn màu trắng, nổi bật trên nền trời xanh.
Theo đoàn người hành hương, chúng tôi xếp hàng đi vào cửa sau của đền thờ. Nền của thánh tích có nhiều móng nhà làm bằng gạch và đá. Lối đi cho người hành hương được làm bằng những giá đỡ sắt, cao hơn nền di tích khoảng 1m. Sau này tôi mới biết, phần tường và mái đền thờ (được xây dựng sau này) chủ yếu để bảo vệ nền móng di tích bên trong khỏi bị mưa nắng làm hư hại.


           Trụ đá do vua Ashoka cho xây dựng, xác nhận nơi Đức Phật ra đời
Ở khoảng giữa nền di tích có một phù điêu bằng đá, mô tả cảnh Hoàng hậu Maya tay nắm một cành sala khi sinh Đức Phật. Các nhà nghiên cứu cho rằng, vào thế kỷ 14, vua Ripu Malla đã cho làm phù điêu này. Ở gần lối ra của di tích có phiến đá khắc một dấu chân nhỏ, được đặt trong hộp kính chống đạn. Theo sử sách, vua Ashoka (A Dục) đã cho làm phiến đá này vào năm 249 trước Công nguyên để đánh dấu vị trí Đức Phật ra đời.
Để cúng dường khi thăm đền, tôi đem từ Việt Nam sang chuỗi hạt đeo tay làm bằng gỗ hóa thạch, đặt trong hộp mica. Được nhân viên bảo vệ đồng ý, tôi đặt chuỗi hạt bên cạnh hộp kính, chắp tay tạ ơn Hoàng hậu Maya và Đức Phật.
Đi ra mặt trước đền, chúng tôi chiêm bái cột đá do vua Ashoka cho xây dựng, xác nhận nơi Đức Phật ra đời. Cột đá có rào sắt xung quanh. Trên cột có khắc nhiều hàng chữ cổ Brahmi. Nhờ những hàng chữ này mà các nhà khảo cổ biết được di tích đền thờ Hoàng hậu Maya.
Tiếp đó, chúng tôi thăm hồ thiêng Puskami ở bên phải đền. Đây được cho là nơi Hoàng hậu Maya đã tắm trước khi sinh Thái tử Tất Đạt Đa. Cạnh hồ có cây Bồ Đề thiêng với nhiều dây cờ ngũ sắc. Cùng với Phật nhiều nước, chúng tôi đã ngồi thiền dưới tán Bồ Đề linh thiêng này…


                         Ngồi thiền dưới tán Bồ Đề linh thiêng

Sau đó, chúng tôi đi ra cổng. Trời chiều lộng gió. Tôi bước đi trong chánh niệm, lòng thư thái và cảm nhận rõ ràng từng hơi thở ra vào buồng phổi. Ở bên đường – trên cột điện, trên cây, dưới hồ nước – có những tấm biển ghi lời Đức Phật:
“Mọi sự đều vô thường, do đó bám víu hay ghét bỏ chỉ mang lại đau khổ”.
“Nếu một người nói hoặc hành động với tâm địa xấu xa thì đau khổ sẽ đi theo người đó, giống như chiếc xe kéo theo sau con bò”.
“Hận thù không bao giờ chấm dứt bởi hận thù. Hận thù chấm dứt thông qua tình yêu. Đây là luật bất di bất dịch”.


              Vườn Lumbini - tấm biển ghi lời Đức Phật

Lumbini – tiếng Nepal có nghĩa là “đẹp đẽ” – là một trong những địa chỉ hành hương thiêng liêng nhất của Phật tử toàn thế giới. Tạm biệt Vườn thiêng Lumbini, nơi sinh ra Đức Phật – người chỉ cho nhân loại con đường thoát khỏi sinh tử, luân hồi…

*
Ô tô đưa chúng tôi đến thăm Việt Nam Phật quốc tự - Lâm Tỳ Ni, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên và cũng là ngôi chùa nước ngoài đầu tiên được xây dựng ở Lumbini.
Theo chia sẻ của Thầy Huyền Diệu: Năm 1969, lần đầu tiên khi đến thăm Lumbini, thấy cảnh thánh địa hoang tàn, Thầy ước nguyện được nhìn thấy Lumbini hồi sinh trước khi từ giã cõi đời và phát tâm xây dựng một ngôi chùa Việt Nam ở đây. Năm 1993, Quốc vương Nepal đồng ý cấp cho Thầy mảnh đất 2ha trong Vườn Lumbini để xây dựng chùa. Ngày 8-8-1993, chùa được khởi công. Sau nhiều năm xây dựng, Đại lễ hoàn nguyện Việt Nam Phật quốc tự - Lâm Tỳ Ni được tổ chức tại chùa vào lúc 12 giờ 12 phút 12 giây, ngày 12-12-2012, với sự tham dự của đại diện chính quyền Nepal và các đoàn đại biểu Phật giáo của nhiều nước trên thế giới.


                                      Việt Nam Phật quốc tự - Lâm Tỳ Ni

Ô tô dừng trước cổng chùa. Chúng tôi đi bộ qua cổng tam quan vào bên trong. Con đường rợp bóng cây dẫn chúng tôi đi về phía tòa chánh điện ba tầng. Phía trước ngôi chánh điện là mô hình ngọn núi Everest tuyết phủ. Tiếp đến là lối đi lên chánh điện với 53 bậc tam cấp. Hôm ấy, Thầy trụ trì Huyền Diệu đi vắng. Một chú tiểu người Việt dẫn chúng tôi lên chánh điện. Thắp hương lễ Phật xong, chúng tôi ra ngoài, ngắm cảnh xung quanh.
Từ tầng ba chánh điện nhìn ra cổng tam quan, vườn chùa xanh mát gợi nhớ hình ảnh đất nước Việt Nam: Ở giữa vườn là mô hình bản đồ Tổ quốc làm bằng xi măng với địa giới 63 tỉnh thành. Bên trái là thửa ruộng nhỏ với tượng mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo. Gần đó là mô hình chùa Một Cột, với lối vào chùa là 7 lá sen được làm bằng xi măng, tượng trưng cho 7 bước chân đầu tiên của Đức Phật khi mới ra đời.
Bên phải chánh điện là giảng đường và khu cư xá hơn 100 phòng. Phía trước cư xá là khu vườn có hồ nước nhỏ với hàng dương liễu và chiếc cầu xi măng bắc qua. Những chú hồng hạc mảnh mai thong thả lội nước kiếm mồi. Thầy Huyền Diệu kể: Khi bắt đầu xây chùa, một hôm có đôi hồng hạc hạ cánh xuống vườn với cử chỉ thân thiện. Là người yêu thiên nhiên, chim chóc, Thầy Huyền Diệu cùng đệ tử tạo môi trường thuận lợi cho hồng hạc sinh sống, đồng thời vận động dân làng xung quanh bảo vệ loài chim quý này. Nhờ thế, hồng hạc bay đến vùng này ngày càng nhiều.
Tạm biệt Việt Nam Phật quốc tự - Lâm Tỳ Ni, ô tô đưa chúng tôi đi trên con đường lớn có nhiều chùa chiền, tu viện của các nước. Mỗi chùa, tu viện giống như một đại sứ quán của Phật tử ở Lumbini, là cầu nối trên con đường hành hương về đất Phật.
*
Chiều tối, chúng tôi trở về khách sạn Siddhartha. Theo kế hoạch, sáng mai chúng tôi lên đường sang Ấn Độ. Để hành trình thuận tiện, chúng tôi nhờ Sagar Gurung thuê ô tô Innova 7 chỗ. Đi cùng chúng tôi có tài xế và hướng dẫn viên du lịch người Nepal là anh Sagar Adhikari.
Đêm Lumbini hôm đó rất lạnh. Bên ngoài gió thổi ào ào, mưa như quất mạnh vào cửa kính. Nệm và chăn đều dày, nhưng chúng tôi vẫn phải mặc thêm quần áo cho đủ ấm. Trải qua một ngày di chuyển liên tục từ sáng sớm đến tối, nhưng tôi không thấy mệt.
Đêm nay, tôi được ngủ trên quê hương Đức Phật, nơi cách xa Sài Gòn hơn 3.000km. Duyên nghiệp nào đã đưa tôi đến đây, đã dẫn lối cho tôi trên hành trình trở về nguồn cội?
Thiền sư Ajahn Brahm nói: “Tất cả các truyền thống Phật giáo đều nói rằng đời người rất đáng quý, nhất là một cuộc sống như thế này, nơi mà bạn gặp được những lời Phật dạy. Bây giờ, bạn có cơ hội để hành tập. Bạn có thể không nhận ra đã phải mất bao nhiêu kiếp, và bạn đã phải tích lũy biết bao công đức mới đến được nơi bạn đang ở, ở ngay bây giờ. Bạn đã đầu tư bao nhiêu kiếp thiện nghiệp mới đạt được sự gần gũi này với giáo pháp”.
Có lẽ, chuyến hành hương này là tâm nguyện của tôi trong nhiều kiếp rồi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét