Ký sự hành hương
Tìm về nơi chón linh thiêng
Tác giả Trần Xuân Hòa
LỜI TẠ ƠN
Con xin tạ ơn các chư Phật, các vị Bồ tát, các Bậc thầy!
Xin cảm ơn Migola Travel, Vietnam CEO Club & Himalaya Vietnam Buddhist Foundation đã giúp tôi hành hương về đất Phật!
Cảm ơn con trai Việt Phương đã đưa bà nội, bố, các cô, chú hành hương Nepal, Ấn Độ 4 lần!
Ebooks này sử dụng một số thông tin trên Internet và trong sách của Osho bằng tiếng Việt. Xin cảm ơn các tác giả, dịch giả!
Ảnh: Trước núi Kailash linh thiêng (chinadiscovery.com
)
MỞ ĐẦU
Dịp tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, tôi dự định du lịch châu Âu.
Tôi chia sẻ ý định này với nữ nhà báo Hoàng Thắng, một đồng nghiệp cùng cơ quan Báo Thanh Niên. Cô ấy nói: “Anh muốn đi đâu cũng được, nhưng trước hết hãy đến Bồ Đề đạo tràng, Ấn Độ”.
1-THUNG LŨNG DI SẢN KATHMANDU
Ngày 6-2-2013, từ Sài Gòn, tôi và con trai Việt Phương bay đi Bangkok. Sáng sớm hôm sau, từ sân bay quốc tế Đôn Mường, chúng tôi bay đến Kathmandu, gần trưa thì đến nơi. Theo lịch trình, sáng hôm sau chúng tôi sẽ bay đi Lumbini. Vì vậy, buổi chiều cùng ngày, chúng tôi tranh thủ tham quan một số điểm hành hương nổi tiếng ở thủ đô Kathmandu.
Một quần thể kiến trúc ở quảng trường Durbar, Kathmandu
Theo tài liệu nghiên cứu, thung lũng Kathmandu có diện tích khoảng 570km2, độ cao 1.425m so với mặt biển, gồm nhiều huyện và đô thị, trong đó có thành phố Kathmandu. Thung lũng có hơn 130 di tích lịch sử, văn hóa quan trọng; 7 địa danh được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Trong số 7 địa danh này, có hai địa chỉ hành hương quan trọng là đền Pashupatinath và bảo tháp Boudhanath.
Từ khách sạn, chúng tôi đi taxi cùng một nam hướng dẫn viên du lịch người Nepal. Chiều Kathmandu se lạnh, bầu trời trong xanh rực nắng. Xe chạy qua những đường lớn xe cộ ồn ào, những con phố nghèo đông đúc rồi dừng tại một con đường vắng rợp bóng cây. Từ đây, chúng tôi đi bộ vào đền Pashupatinath.
Pashupatinath là quần thể đền thờ Hindu giáo, nằm bên sông Bagmati, cách thủ đô Kathmandu khoảng 5km về phía Đông Bắc. Đền tọa lạc trên diện tích 264 hecta, với 518 đền thờ và di tích liên quan. Quần thể đền thờ này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1979.
Sau khi hai nữ cảnh sát Nepal kiểm tra giấy tờ, chúng tôi vào đền từ cổng phía Tây. Hai bên đường vào khu vực đền chính là những dãy nhà xây gạch đỏ, với nhiều cột gỗ được chạm khắc công phu. Trên khoảng sân rộng bên phải đường có nhiều bồ câu và bò.
Đến trước cổng vào đền thờ chính, người gác đền cho biết chỉ tín đồ Hindu mới được vào. Chúng tôi trở ra và gặp một ô tô nhỏ dừng ở sân đền. Từ trên xe, người ta khiêng ra một xác người quấn vải màu vàng. Hai thanh niên dùng cáng khiêng xác ra phía bờ sông. Chúng tôi đi theo.
Con sông nhỏ nước đen, nhiều rác và than củi. Dọc mép nước có nhiều bệ hỏa táng làm bằng đá và xi măng. Ở phía hạ lưu, khói nghi ngút bốc lên từ những bệ hỏa táng. Dưới bến sông có nhiều bậc tam cấp, người ta khiêng một xác người quấn vải, rồi nhúng xuống nước. Hình như đó là một nghi thức của người địa phương trước khi hỏa táng. Sau đó, thi thể người quá cố được khiêng lên và đặt trên một giàn củi xếp sẵn trên bệ hỏa táng. Một người dùng ngọn đuốc châm lửa vào giàn củi tẩm xăng. Hỏa táng xong, tro cốt sẽ được rải xuống sông, thân người trở về cát bụi…
Đi qua chiếc cầu nhỏ, chúng tôi sang bờ sông bên kia. Ven sông, bọn khỉ leo trèo, chạy nhảy trên dãy miếu vòm (người Hindu gọi là Gumbaz Mandir). Cạnh một ngôi miếu nhỏ, mấy đạo sĩ Hindu mặc áo vàng, đầu quấn khăn đang ngồi phơi nắng. Chúng tôi bắt chuyện, chụp ảnh cùng các đạo sĩ, rồi biếu họ ít tiền.
Từ bờ sông, chúng tôi theo con đường dốc với nhiều bậc tam cấp đá đi lên đồi. Hai bên đường rợp bóng cây có những dãy miếu vòm và tháp cổ. Có lẽ ở nơi đây, tôn giáo đã phát triển rực rỡ một thời. Điều đáng khâm phục là qua nhiều thăng trầm, đất nước Nepal nghèo khó vẫn giữ được những công trình kiến trúc cổ kính và bản sắc tôn giáo xa xưa.
*
Điểm thứ hai chúng tôi đến thăm là bảo tháp Boudhanath. Đây là một trong những bảo tháp lớn nhất thế giới, là đền thờ Phật giáo linh thiêng của người Tây Tạng ở Nepal. Theo sử sách, khu bảo tháp này có từ thế kỷ thứ 5, nằm trên tuyến giao thương cổ của người Nepal và Tây Tạng. Bảo tháp hiện tại có đường kính khoảng 100m, cao hơn 36m. Năm 1979, UNESCO công nhận bảo tháp là Di sản thế giới.
Bên trong khu vực bảo tháp có nhiều đền thờ, tu viện, nhà cửa với phong cách kiến trúc và sắc màu Tây Tạng. Người định cư, buôn bán ở đây phần lớn là Phật tử người Tạng. Hàng hóa bày bán chủ yếu là đồ lưu niệm và các vật phẩm tôn giáo như: tượng Phật, khăn kata, chuỗi hạt… Đi qua cổng vào khu bảo tháp, bạn sẽ thấy khung cảnh nhộn nhịp: cờ ngũ sắc giăng trên nhà cửa, lối đi; người hành hương với nhiều sắc màu quần áo đi như trảy hội. Có người lầm rầm đọc kinh, có người quay dàn bánh xe mani dưới chân bảo tháp với lời cầu nguyện Om Many Padme Hum. Thỉnh thoảng, từng đàn bồ câu sà xuống khoảng sân ăn thóc rồi vỗ cánh bay lên…
Sau khi đi một vòng quanh bảo tháp Boudhanath, chúng tôi vào một ngôi đền nhỏ, quay bánh xe mani, thắp hương, cúng dường; rồi thăm xưởng vẽ tranh thangka, dệt thổ cẩm của người Tạng. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc gần với người Tạng. Trông ai cũng thư thái, gương mặt bình thản, đôn hậu.
*
Chiều đến, ô tô đưa chúng tôi về nghỉ tại một resort ở ngoại ô Kathmandu. Resort này nằm sát một sân golf, bên cạnh là cánh rừng thông. Ở đây có nhiều quạ, kền kền và khỉ nhưng người ta không săn bắt. Có thể thấy khỉ leo cây, chạy trên nóc nhà, vặt bóng đèn trên cột điện. Vì vậy, du khách được thông báo hạn chế mở cửa sổ, đề phòng khỉ đột nhập quấy phá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét