Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Ký sự hành hương


Người hành hương đến thánh địa Kushinagar
 

3- THÁNH ĐỊA KUSHINAGAR

Sáng 9-2-2013, khi sương mù còn giăng khắp, ô tô đưa chúng tôi đến cửa khẩu Lumbini. Sau khi làm thủ tục xuất cảnh, chúng tôi nhập cảnh Ấn Độ tại cửa khẩu Sonauli.
Hai nước ngăn cách bởi một cái cổng, nhưng nhịp sống khác hẳn. Lumbini tĩnh lặng, thong thả. Còn thị trấn Sonauli người xe đông đúc, phố xá ồn ào. Nhưng khi ô tô chạy ra vùng ngoại ô thì phong cảnh yên bình, thoáng đãng. Hai bên đường là ruộng lúa, vườn cọ và những cánh đồng bạt ngàn hoa cải… Trong nắng sớm, học sinh đạp xe đến trường, xe bò thong dong lăn bánh trên quốc lộ… Vượt quãng đường khoảng 150km, vào đầu giờ chiều, ô tô chở chúng tôi đến thị xã Kushinagar.
Theo kinh sách nhà Phật, sau khi chứng ngộ, Đức Phật đã thuyết pháp 45 năm và nhập Niết bàn vào năm 80 tuổi - thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, để ghi dấu ngày Đức Phật nhập Niết bàn ở Kushinagar, vua Ashoka đã cho xây dựng đền Parinirvana và bảo tháp tại nơi Ngài nhập Niết bàn. Bảo tháp có tên là Parinirvana, còn gọi là tháp Niết Bàn. Trong những triều đại sau đó, nhiều bảo tháp và điểm hành hương đã được xây dựng ở đây; trong đó có nhiều thánh tích Phật giáo quan trọng như: Đền Matha Kuar, nơi Đức Phật giảng bài kinh cuối cùng; tháp Angrachaya (còn được gọi là tháp Ramabhar, tháp Trà Tỳ), nơi hỏa táng Đức Phật… Theo sử sách, sau lễ hỏa táng, xá lợi Phật được chia thành 8 phần cho 8 vương quốc và bộ tộc thờ phụng. Khi vua Ashoka thống nhất Ấn Độ, ông cho thu hồi xá lợi Phật ở các nơi, chia thành 84.000 phần, cho vào 84.000 hộp nhỏ, rồi xây dựng 84.000 bảo tháp để thờ.


                                                   Tháp Niết Bàn ở Kushinagar
Chúng tôi cùng hướng dẫn viên Sagar Adhikari vào đền Parinirvana. Khuôn viên đền rất rộng, với nhiều thảm cỏ, vườn cây. Tháp Niết Bàn được xây dựng trên nền cao khoảng 3m, sơn màu trắng, nổi bật trên nền trời xanh. Xung quanh tháp có nhiều dấu vết của đền đài xưa như nền móng, tường gạch cũ… Lối vào Tháp Niết Bàn được lát gạch nung, hai bên là dậu cây hoa vàng lấm tấm. Leo lên bậc tam cấp của tháp, chúng tôi gặp hai nhân viên cảnh sát đứng gác. Sau khi kiểm tra, họ cho chúng tôi vào bên trong. Ở giữa gian phòng vắng lặng là pho tượng Đức Phật thếp vàng, nằm trên bệ đá, nghiêng bên phải, mặt quay về hướng Tây, được đắp tấm y màu vàng. Xung quanh tượng có lan can inox và vách ngăn bằng kính trong suốt. Người đàn ông giữ đền cho biết: Tượng Đức Phật được tạc từ đá nguyên khối, dài khoảng 6,1m, nằm trên bệ đá cao khoảng 1m.
Được cô bạn tu Hoàng Thắng hướng dẫn từ trước, tôi đem theo một tấm vải màu vàng cà sa kích thước 6m x 2m. Sagar Adhikari nói với người giữ đền là chúng tôi muốn dâng y lên Đức Phật. Người giữ đền và Sagar Adhikari dỡ tấm y cũ trên tượng Đức Phật và đắp tấm y mới của chúng tôi dâng lên Ngài. Sau khi sửa lại tấm y cho ngay ngắn, tôi chắp tay tạ ơn Đức Phật. Đi đến bên chân Đức Phật, tôi đặt hai tay và trán lên bàn chân Ngài, cầu nguyện…

                                         Tháp Niết Bàn - dâng y lên Đức Phật
Dâng y xong, tôi xin phép người giữ đền được ngồi thiền bên Ngài. Trong không gian tĩnh lặng, tôi bỗng nhớ lời cuối của Đức Phật nói tại nơi đây từ hơn 2.500 năm trước: “Là ánh sáng lên bản thân mình!”.
                            

                                                Tháp Niết Bàn - tạ ơn Đức Phật
*
Tạm biệt thánh địa Kushinagar, chúng tôi tiếp tục hành trình 331km và đến thị trấn Bodh Gaya lúc tối mịt. Nơi chúng tôi nghỉ là khách sạn Lumbini, cách Bồ Đề đạo tràng không xa.

                                                 Thánh địa Kushinagar - kỷ niệm không quên...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét