Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Chương Tám NHỮNG THAN VAN CỦA NGƯỜI ANH

 

CHIA RẼ

Tác giả  Tim Marshall

Chương Tám NHỮNG THAN VAN CỦA NGƯỜI ANH NƯỚC ANH

“Mỗi người là một hòn đảo của riêng mình. Nhưng dù một biển cả khác biệt

có thể chia tách chúng ta, phía dưới đó là cả một thế giới tương đồng.”

- James Rozoff

Hãy tưởng tượng bạn là một binh lính La Mã được cử ra trường thành Hadrian vào khoảng năm 380. Bạn quê ở vùng Etruria/Tuscany, một trong số hiếm hoi các binh lính trong binh đoàn lê dương của bạn thực sự là người quê ở bán đảo Ý. Bấy giờ là tháng Hai, trời lạnh cóng, và bạn đang trong ca gác đêm nhìn ra từ thành lũy. Bạn thậm chí không nhìn thấy những ngôi sao vì trời mù mịt mây, đang có mưa phùn và bình minh đang tới. Một cơn gió lạnh thổi vào áo choàng của bạn, và bạn đang cảm ơn thần Jupiter vì đã mang tới những chiếc braccae (quần len), vốn đến nơi này tuần trước và chỉ muộn ba tháng. Thật khó biết chuyện gì tồi tệ hơn, thời tiết hay những đợt tấn công thỉnh thoảng của đám mọi rợ từ phía bắc bức tường. Đồng đội trong phiên gác đêm trên dải tường của bạn không thấy thoải mái lắm bởi anh là người quê miền bắc Gaul, không nói được mấy tiếng Latin, và anh nhập ngũ chỉ để sau hai mươi lăm năm phục vụ, anh có thể có tư cách công dân La Mã.

Bạn nhìn ra những đường ranh mờ nhạt của vùng hoang địa này, những cụm cỏ và bụi cây rải rác rạp mình trong gió, bạn nghĩ về quê nhà, về các thị trấn Lucca và Siena, về vùng thôn dã, về bờ biển. Tới đó thì bạn thở dài và tự nhủ, “Pro di immortales, quid hic facio?” (“Mình đang làm cái quái gì ở đây vậy?”) Hay điều gì đó tương tự.


Một phần Bức tường Hadrian chạy xuống dốc từ góc đông bắc của Pháo đài La Mã Housesteads.

Bức tường, hay dãy Trường thành Hadrian, hẳn phải là một cảnh tượng ngoạn mục với những bộ lạc “sơ khai” trên hòn đảo. Được xây lên vào năm 122, nó dài khoảng 117 kilômét và có những phần cao khoảng 4,5 mét và sâu khoảng 3 mét. Một “hào chiến đấu” sâu gần 4 mét, rộng hơn 9 mét được đào phía trước bức tường. Giữa hào và tường là những lớp chông nhọn. Có vô số cổng thành có quân đồn trú và cứ mỗi dặm La Mã[1] dọc theo bức tường lại có một pháo đài nhỏ, và cứ cách một pháo đài là hai tháp canh. Ở một bên của bức tường là “nền văn minh”, bên kia là “những kẻ man rợ”. Tới ngày nay, một số người dân Anh và Scotland đùa rằng mọi chuyện vẫn như thế, dù bức tường không còn chia tách họ nữa.

Trong 1.500 năm, trường thành Hadrian, biểu tượng của tầm với vĩ đại của Đế quốc La Mã - cũng như giới hạn của nó - gần như đã biến mất hoàn toàn. Sau khi người La Mã ra đi, nó trở thành đống đổ nát. Nông dân phá nó ra để xây nhà và làm chuồng cừu, và các cộng đồng Kitô giáo lớn mạnh phá thêm nữa để làm nhà thờ, và từng chút một, ký ức về La Mã ở Anh phai nhạt, tương tự, bức tường của họ hòa dần vào trong phần cảnh quan của nơi mà họ từng tìm cách chinh phục.

Người La Mã chưa bao giờ thống nhất được vùng đất đó. Trường thành Hadrian được xây lên để phòng thủ cho vùng lãnh thổ chinh phục được chống lại những vùng mà họ không thể cai trị. Khi lần đầu tiên tới vùng đông nam Anh vào năm 43, họ đã tìm thấy ở đó hàng loạt bộ lạc đang sống trong thời đồ sắt. Những bộ lạc này có biết người La Mã, họ hẳn đã có một số tương tác văn hóa và kinh tế với đế quốc, và hẳn đã nghe những câu chuyện về năng lực quân sự của La Mã từ những lần xâm nhập của Julius Caesar gần một thế kỷ trước đó. Lúc bấy giờ các bộ lạc này đã kháng cự quyết liệt, nhưng khi các đoàn quân lê dương tràn vào lần này, họ không có chuẩn bị và quan trọng là họ không đoàn kết. Họ bị người La Mã đè bẹp, những kẻ sau đó đẩy họ lên Colchester vào lúc sắp sửa chiếm đóng toàn bộ đảo.

Các sử gia tin rằng tới năm 47, mười một bộ lạc vùng đông nam đã đầu hàng và người La Mã kiểm soát vùng đất từ phía nam Humber tới của sông Severn gần biên giới với Wales. Từ đó trở đi, một cuộc tấn công cam go vào Wales và miền bắc bắt đầu. Tới năm 84, họ đã tiến tới Moray Firth, vào sâu vùng nay là Scotland khoảng 240 kilômét. Có bằng chứng là người La Mã đã đi thuyền lên tận bán đảo Kintyre và các đoàn quân lê dương đã thăm dò vùng Cao nguyên, nhưng Moray Firth là giới hạn quyền lực ổn định của họ ở Anh. Nếu họ có thể tiếp tục, họ đã đặt toàn bộ hòn đảo dưới một chính quyền duy nhất và duy trì điều đó, lịch sử Vương quốc Anh có thể đã rất khác.

Nhưng những biên giới của Đế quốc La Mã đang bị đe dọa ở những nơi khác, và quân đội cần bảo vệ vùng trung tâm, chứ không đẩy lên thêm ở các vùng ngoại vi. Người La Mã đã quay trở lại, dừng lại đâu đó ở vùng biên giới Anh-Scotland ngày nay. Và sau khi họ dừng lại, họ đã xây lên bức tường [Hadrian] của mình: tuyên bố quan trọng nhất còn lại về sức mạnh và tầm với của lòng can trường của quân đội La Mã. Về mặt địa lý vùng này không có những con sông hay những rặng núi thường tạo thành các ranh giới tự nhiên. Nhưng đó là nơi người La Mã đã vạch ra đường biên giới về mặt quân sự.

Bức tường đã giúp định hình nơi sau này sẽ được gọi là Vương quốc Anh. Trong hai thế kỷ rưỡi, đường biên giới đó đứng vững. Phía dưới đường biên, cuộc sống ngày càng bị La Mã hóa; phía trên đường biên, một nền văn hóa Celt khác biệt tiếp tục. Vùng Wales và Scotland tương lai chưa bao giờ bị đánh bại hoàn toàn và vẫn sẽ luôn giữ lấy một cảm nhận khác biệt với vùng sau này sẽ là Anh - vùng Britannia mà nền Thái bình dưới bóng La Mã thống trị và là vùng phần lớn đường sá và thị trấn La Mã được xây lên.

Tới năm 211, miền nam Anh được gọi là “Britannia Thượng đẳng” trên cơ sở nó gần với Rome hơn. Thủ phủ được chuyển tới London. Miền bắc Anh là “Britannia Hạ đẳng” (một sự phân biệt vẫn còn liên quan đến tận ngày nay), và York được tuyên bố là thủ phủ. Tới năm 296, vùng đất lại bị chia ra nữa. Giờ miền nam được gọi là “Britannia Prima”, phía bắc cho tới trường thành Hadrian là “Maxima Caesariensis”, vùng miền trung là “Flavia Caesariensis”, và Wales là “Britannia Secunda”. Không cái tên nào được truyền lại, nhưng những phác họa của sự phân chia này vẫn có thể thấy ngày nay.

Tuy nhiên, rốt cuộc thì những biến cố ở lục địa đã hiệp lực chống lại người La Mã. Vài năm sau khi anh lính La Mã của chúng ta tự hỏi mình câu hỏi tu từ như đã nói trên, tướng Magnus Maximus đã tự hỏi ông câu tương tự, và vào năm 383, câu trả lời của ông đã khiến ông đưa những người lính lê dương của mình về nhà để thách thức hoàng đế ở Rome. Vài năm sau đó, toàn bộ bộ máy ở tiền đồn xa nhất của đế quốc về phương bắc gói ghém hành lý và quay lại Rome.

Sau khi Maximus rời đi, “những kẻ mọi rợ (dân Pict và dân Scot) đã tấn công phương nam, dẫn tới việc người Anh kiến nghị Rome cử đến một binh đoàn hàng đánh đuổi họ, và họ đã làm thế. Tới lúc này, trường thành Hadrian đã bị bỏ hoang, nên người La Mã khuyên người Anh xây nên một tường chắn ở đường biên giới nhằm ngăn chặn những kẻ xâm lược phương bắc. Tuy nhiên, họ đã không thể cung cấp tri thức về cách sử dụng đá và người Anh làm nên một bức tường bằng đất. “Những kẻ man rợ lại vượt qua, dẫn tới lần thứ hai nhờ cậy Rome - lần này giống như lần đầu: “Hãy cứu chúng tôi với!” Một lần nữa đoàn quân trở lại, đánh bại những kẻ xâm lược, và lần này chỉ cho dân địa phương cách xây một tường thành bằng đá.

Chẳng ích gì. Không có người La Mã thì ngay cả đá cũng không ngăn được những đoàn người từ phương bắc. Lại một lần kêu gọi thứ ba - lần này được gọi là “Những than van của dân Anh”. Lần này câu trả lời không phải điều họ muốn, nhưng nó đã đi vào các biện niên sử trong lịch sử Anh và tới ngày nay vẫn được sử dụng trong tranh luận chính trị ở nước này. Rome đáp lại: “Hãy tự bảo vệ lấy mình.” Quyền lực thống nhất ở châu Âu đã chối bỏ dân Anh, dân Anh đã chối bỏ quyền lực thống nhất, và họ thực sự chỉ có một mình, “tự bảo vệ lấy mình”. Những so sánh với vụ Brexit thật thú vị, nhưng không hẳn là thích hợp. Vấn đề khi đó là họ không biết phòng ngự ra sao. Những chiếc bóng đang đổ dài; thời chạng vạng của nước Anh La Mã đang nhường đường cho thời kỳ đen tối.

Vào cuối những năm 600, vẫn còn đủ tường thành đứng vững để học giả lớn người Anglo Saxon, Bede Khả kính[2], mô tả một phần bức tường gần sông Tyne là “rộng khoảng 2,4 mét và cao khoảng 3,6 mét, theo một đường thẳng từ đông sang tây thật rõ ràng với những người ngắm nhìn đến tận ngày nay”. Nhưng nó đã trở thành một cấu trúc suy sụp. Tới những năm 1700, nó còn ít ý nghĩa với mọi người đến mức đã xảy ra điều có lẽ là một trong những hành động phá hoại văn hóa lớn nhất lịch sử Anh.

Vào năm 1745, thống chế George Wade được giao nhiệm vụ chặn quân Jacobite của hoàng thân Charlie Anh tuấn[3] khi đoàn quân này đang tiến về phương nam. Quân đội và pháo binh của Wade, hành quân về phía tây từ Newcastle, không thể làm được như thế vì thiếu một con đường chắc chắn. Điều đó khiến Wade xây nên một con đường mới, băng qua vùng nông thôn tới Carlisle, dọc theo tuyến đường cổ xưa của trường thành Hadrian. Ông đã có một lịch sử dài xây đường ở Scotland, và danh tiếng của một quân nhân nghiêm khắc. Những vật liệu xây dựng ở gần nhất thì ông có thể nhìn thấy - thật rõ ràng những gì cần làm là hạ các mảng tường lớn xuống và sử dụng chúng làm nền hạ cho khoảng 48 kilômét đường của ông.

Việc phá hủy bức tường đã tiếp tục tới cuối những năm 1800, khi giá trị của nó trong vai trò một tượng đài lịch sử vĩ đại bắt đầu được thừa nhận rộng rãi hơn. Những người bảo tồn đã lãnh sứ mệnh đó và những mảng tường được dọn sạch các đống đổ nát và cây cối và được bảo trì. Những phần tường được bảo tồn tốt nhất là một khoảng rộng chừng 32 kilômét ở Northumberland giữa Hexham và Haltwhistle và giờ là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn ở Anh. Vào những tháng mùa hè, hàng nghìn người đi bộ hăng hái đi theo tuyến đường ngang qua miền thôn dã quạnh quẽ vinh quang mà người La Mã đã đối mặt bao thế kỷ trước. Tuy nhiên, vào mùa đông, ta có được cảm nhận tốt hơn về những gì họ cảm thấy ở bên rìa của nền văn minh. Phần lớn những tòa tháp, lỗ châu mai và cổng đã không còn, những bức tường vẫn đứng đó, cả về mặt vật chất lẫn trong trí tưởng tượng chung của dân Anh. Nó nhắc nhở họ về quãng thời gian khi họ lần đầu tiên kết nối về mặt chính trị với châu Âu lục địa, khi lằn ranh chia rẽ được vạch ra giữa hai thực thể lớn nhất của hòn đảo - Anh và Scotland.

Và ngay cả hiện giờ, trong thế kỷ 21, với bức tường đã biến mất gần hết từ lâu, mặc dù phần lớn bức tường thực ra nằm ở phía nam biên giới của Scotland, công trình pháo đài của La Mã vẫn tượng trưng cho một trong những sự chia rẽ chính yếu, thật nghịch lý, trong một nơi còn được gọi là một Vương quốc Thống nhất.

* * *

Trong khi ở châu Âu, chúng ta thấy sự khó khăn của việc khiến các quốc gia nhà nước và những người họ đại diện thống nhất dưới một lá cờ chung, thì Vương quốc Anh đã thống nhất những dân tộc và bản sắc khác nhau trong hàng trăm năm.

Ngay lúc này, Vương quốc Anh đang trải qua một khoảnh khắc “chúng ta và bọn họ” thực sự, giữa các quốc gia tạo thành nó và trong nội bộ dân chúng của nó, và nhiều người cảm thấy bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Điều này đã trầm trọng hơn trong những năm gần đây, với cuộc bỏ phiếu năm 2016 để rời Liên minh châu Âu và những gì diễn ra sau đó. Các nền văn hóa và bản sắc dân tộc đang phân kỳ, tương tác theo những cách thức mới với những vấn đề lớn hơn của toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc và EU.

Đa số người Anh gắn kết với nhau về mặt pháp lý, ngôn ngữ và ở một mức độ cao là văn hóa nữa. Scotland và Anh là hai quốc gia khác biệt trong phần lớn lịch sử, với mối quan hệ thường đầy trục trặc. Phần lớn rắc rối bắt đầu vào thế kỷ 13, khi Edward I của Anh tìm cách chiếm Scotland. Sau nhiều năm chiến đấu chống lại những kẻ xâm lược Anh, Scotland giành lại độc lập nhờ Robert the Bruce vào năm 1314. Trong những thế kỷ sau đó, đường biên giới thường là một điểm nóng đầy rắc rối, với những cuộc tấn công và xâm nhập từ cả hai phía, nhưng hai nước được đưa lại gần nhau hơn vào năm 1603 khi James VI của Scotland cũng trở thành James I của Anh, và cuối cùng họ chính thức kết hợp lại theo đạo luật Thống nhất 1707.

Scotland có thể không phải là một quốc gia nhà nước riêng rẽ, nhưng người Scot là một dân tộc khá khác biệt so với người Anh - và có lẽ điều quan trọng nhất là họ chắc chắn cảm thấy như thế. Những khác biệt giữa họ có thể bị phóng đại, nhưng chúng là có thật, và không chỉ vì phía bắc đường biên giới tỷ lệ đàn ông mặc váy cao hơn.

Cho tới vài thế kỷ trước, chỉ có sự khác biệt nhỏ về sắc tộc. Người Scot có tổ tiên là những dân tộc Celt, giống như người Wales và Cornwall. Họ tới quần đảo vào khoảng 4.000 năm trước và thậm chí đã sống ở vùng nay là Anh, dù ở đó họ dần bị thay thế bằng người Frisia, người Angle, người Jute và người Saxon. Dù những khác biệt về di truyền giữa người Anh và người Scot giờ khó mà thấy được, tới ngày nay người Anh đôi khi vẫn được người Scot gọi là “Sassenach” - tức tiếng Gaelic chỉ “người Saxon”.

Tiếng Gaelic, hay “Gaidhlig”, là ngôn ngữ đầu tiên của hầu hết những người ở tây bắc Scotland trong thế kỷ 17. Nhưng trong vòng năm mươi năm sau đạo luật Thống nhất, còn lại chỉ khoảng 23% dân chúng nói ngôn ngữ đó; con số này giảm xuống 4,5% vào năm 1901, và 1,2% vào chuyển giao thế kỷ này. Hiện còn khoảng 60.000 người nói tiếng Gaelic, hầu hết là ở quần đảo Western Isles, và họ đều nói song ngữ. Người Scot ý thức rất rõ rằng tiếng nói bản địa của họ hiện nay không bắt nguồn từ ngôn ngữ gốc của họ. Điều còn lại với họ là ký ức về lịch sử - kiến thức rằng họ từng một thời rất khác biệt. Người Anh chỉ có ký ức mơ hồ về việc họ là thế lực lớn hơn nhiều và đôi khi thống trị trong mối quan hệ đó, người Scot thì có cảm nhận sự áp bức rõ ràng hơn nhiều.

Tuy nhiên, câu hỏi về quyền tự quyết đã không biến mất, bất chấp sự độc lập ngày càng tăng cho Scotland bên trong liên hiệp. Khi Anh và Scotland lần đầu kết hợp lại, Scotland giữ quyền kiểm soát với các hệ thống giáo dục và luật pháp - lấy ví dụ, luật Anh chỉ có “có tội” hoặc “không có tội”, nhưng luật Scotland có thêm một hạng mục thứ ba là “không chứng minh được”. Bỏ qua một bên câu đùa rằng hạng mục đó đôi khi được diễn dịch là “không có tội - và nhớ đừng tái phạm”, nó thỏa mãn một trong những tín điều cơ bản của sự tự cai trị: tự giám sát hệ thống tư pháp của mình. Nhưng Scotland và Anh về cơ bản được cai trị như một nước. Phải tới năm 1885, vị trí Bộ trưởng phụ trách Scotland mới được lập ra, và ngay cả thế, đó vẫn là một vị trí cấp thấp. Nó cuối cùng trở thành một vị trí nội các cấp cao với chức danh Bộ trưởng Nhà nước về Scotland, vào năm 1926.

Vào năm 1997, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức với các đề xuất về việc chuyển giao quyền lực, và một đa số rõ ràng đã bỏ phiếu đồng ý. Vào năm 1998, đạo luật Scotland được đưa ra, thành lập một cơ quan hành pháp Scotland và nghị viện Scotland đóng ở Edinburgh với những quyền lực quan trọng lấy lại từ London, trong những việc được xác định là các vấn đề cụ thể của Scotland. Vào năm 2007, cơ quan hành pháp tự gọi tên mình như cũ là chính phủ Scotland, một cụm từ được thừa nhận về mặt pháp lý vào năm 2012. Năm sau đó, họ kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập vào năm 2014. Sự chia tách khỏi Vương quốc Anh giờ có vẻ là một khả năng rõ ràng. Chỉ hai ngày trước cuộc bỏ phiếu, ba đảng chính trị chính ở Anh, đang rung chuyển dữ dội và mong một kết quả “không” trong cuộc bỏ phiếu, họ mời gọi rằng nếu dân Scotland từ chối độc lập thì “thêm những quyền lực mới rộng khắp” sẽ được trao cho quốc hội Scotland. Đó có lẽ là một lý do cho kết quả cuối cùng: 55% bỏ phiếu phản đối độc lập.

Sau cuộc trưng cầu dân ý, Westminster đã thông qua đạo luật Scotland 2016, vốn trao cho quốc hội Scotland quyền kiểm soát hàng loạt vấn đề, bao gồm khả năng chỉnh sửa đạo luật Scotland 1998, quyền quản lý cơ quan Cảnh sát giao thông Anh ở Scotland, quyền giữ lại một nửa thuế VAT thu được ở Scotland, và ra quyết định với giới hạn tốc độ và biển báo trên đường. Hai quyền sau có vẻ là chuyện khá vặt vãnh so với các quyền về giáo dục và luật pháp, nhưng sự kiểm soát những vấn đề nhỏ, cũng như các vấn đề lớn của nhà nước, giúp thỏa mãn nhu cầu về sự kiểm soát những gì được nhìn nhận là việc riêng của một quốc gia.

Có lẽ đó là lý do dẫn tới sự suy giảm rõ ràng những người ủng hộ độc lập. Không lâu sau khi có kết quả, người ta lại nói về một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, và vào cuộc tổng tuyển cử năm 2015, đã xuất hiện sự ủng hộ lớn dành cho Đảng Dân tộc Scotland, vốn đã tăng số ghế của họ ở Hạ viện từ 6 lên 56. Tuy nhiên, kể từ đó, với những quyền lực mới, người dân có vẻ đã ít quan tâm hơn và việc đảng Dân tộc Scotland tập trung vào cuộc trưng cầu dân ý thứ hai có lẽ là lý do tại sao họ đánh mất sự ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017, mất 21 ghế. Giờ có vẻ như trong một tương lai nhìn thấy được, vương quốc vẫn sẽ thống nhất. Bản sắc Scotland là mạnh mẽ, nhưng không đủ mạnh mẽ để cho đa số dân chúng muốn bản sắc đó được phản ánh qua một nhà nước độc lập. Vương quốc Anh là một khái niệm vẫn vượt trên những khác biệt về bản sắc vốn đã tồn tại giữa nhiều quốc gia bên trong nó.

Phần lớn những gì đã nói ở đây về quan hệ Scotland Anh cũng có thể nói về quan hệ giữa xứ Wales và Anh. Một lần nữa, người Anh không ý thức nhiều về sự đàn áp họ gây ra bằng người xứ Wales, vốn thỉnh thoảng cũng gây ra những lần căng thẳng cho mối quan hệ đó. Nhưng quyền lực giờ đã được chuyển cho một quốc hội dân tộc Wales, vốn đã đi một hành trình dài trong việc trả lời câu hỏi về quyền tự trị. Sự đàn áp ngôn ngữ Wales đã kết thúc từ lâu: vài luật của quốc hội đã đảm bảo vị thế bình đẳng theo luật của nó với tiếng Anh, và các đài truyền hình và phát thanh tiếng Wales đã được thành lập; điều này khuyến khích sự nổi lên trở lại việc sử dụng ngôn ngữ này. Khoảng 20% người Wales nói tiếng “Cymraeg” - tức là vào khoảng nửa triệu. Đó là một trong các ngôn ngữ Celt, rất gần gũi với tiếng Cornwall, và cả hai có thể truy nguyên về ngôn ngữ đã được nói ở vùng này vào thế kỷ 6.

Người Cornwall cũng coi họ là một vùng tách biệt với phần còn lại của đất nước - những người dân tộc chủ nghĩa Cornwall nói rằng Anh bắt đầu “ở phía đông sông Tamar”, vốn chia cắt Cornwall với Devon. Người Cornwall được chính thức công nhận là một nhóm thiểu số toàn quốc vào năm 2014; dẫu vậy, sự ủng hộ cho độc lập của người Cornwall chưa vượt ra khỏi bờ rìa chính trị.

Trong khi có một cảm thức rất mạnh mẽ về bản sắc của riêng họ, hầu hết người dân trên đảo Anh sống hòa hợp với nhau, chấp nhận những giá trị giống nhau và chấp nhận ý tưởng bao quát về liên hiệp. Tất nhiên có những câu chuyện về tình cảm chống Anh đã được thể hiện ở cả Wales và Scotland, và điều đó có xảy ra - tôi từng một lần thực sự bị từ chối phục vụ trong một câu lạc bộ của những người lao động ở Perthshire. Tuy nhiên, những sự cố đó hiếm gặp, và ứng với mỗi kẻ mù quáng có hàng nghìn người khác hiếm khi nào nghĩ ngợi gì về những khác biệt trừ khi tham gia vào những “trò đùa” hay giễu cợt thường là với ý tốt.

Là một người Anh trẻ tuổi, tôi có đặc ân được lên một chuyến xe lửa đi cùng vài trăm người Scot khác tới Wrexham để xem Scotland đá với Wales. Hành trình đó là một cuộc nhậu nhẹt kéo dài ngắt quãng bằng những bài hát bao gồm “Nếu anh ghét bọn Anh chó chết, vỗ tay nào”. Tay tôi đã đỏ tấy vì vỗ, nhưng tôi không nhầm lẫn cảm xúc của một số cổ động viên bóng đá với toàn bộ người dân Scotland. “Ghét” là một từ lan truyền trên những khán đài; nhưng bên ngoài các sân bóng, hầu hết mọi người hành xử một cách chín chắn. Cũng như nhiều người Anh đã bỏ phiếu để rời EU không làm thế vì tư duy sô vanh, dân tộc chủ nghĩa cực đoan, nhiều người Scot bỏ phiếu rời Vương quốc Anh không chống Anh.

Phần lớn các “bộ lạc” Anh cổ xưa trộn lẫn với nhau, làm việc, sống và chơi bời cùng nhau. Vào lúc dân số của hòn đảo tương đối đông đúc này sắp là 70 triệu người, điều tối quan trọng là sự cố kết được duy trì - hay nếu một trong các dân tộc quyết định phá vỡ những liên hệ mang tính pháp lý, thì điều đó được thực hiện một cách hòa bình. Trong thế kỷ qua chỉ ở một góc của vương quốc là điều đó không phải lúc nào cũng đúng - Bắc Ireland.

Bắc Ireland là vùng nhỏ nhất trong bốn vùng chính của Vương quốc Anh, chỉ chiếm 5,7% diện tích đất, và với 1,8 triệu người, 2,9% dân số. Nó được tạo ra vào năm 1921 sau khi chính quyền Anh chia Ireland thành hai vùng tài phán. “Nam Ireland” độc lập vào năm 1922, trong khi Bắc Ireland vẫn thuộc về Vương quốc Anh. Một số người nghĩ rằng cụm từ “Vương quốc Thống nhất” và “Đại Anh[4]” là có thể thay thế cho nhau, nhưng từ sau dùng để chỉ chỉ Anh, Scotland và Wales (và một số đảo nhỏ lân cận), trong khi Vương quốc Thống nhất bao gồm cả Bắc Ireland. Tên đầy đủ là “Vương quốc Thống nhất của Đại Anh và Bắc Ireland”.

Ngay từ đầu, dân chúng Bắc Ireland đã bị chia rẽ giữa những người Tin lành (đa số) và người Công giáo. Người Tin lành thường là hậu duệ của những người định cư đến từ Scotland, và ở mức độ ít hơn từ Anh. Hầu hết là những người ủng hộ liên hiệp”, và muốn ở lại với Vương quốc Anh; còn phần lớn người Công giáo là “những người dân tộc chủ nghĩa”, vốn muốn một Ireland thống nhất, dù họ bất đồng về cách đạt được điều đó. Đã luôn có một mức độ căng thẳng giữa hai cộng đồng, điều thường xuyên bùng phát thành bạo lực, những vụ tồi tệ nhất xảy ra trong ba thập kỷ “Rắc rối”, bắt đầu vào cuối những năm 1960 và đã khiến hơn 3.500 người thiệt mạng, và thêm 50.000 người nữa bị thương.

Thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành để chia sẻ quyền lực vào năm 1998 đã chấm dứt phần lớn bạo lực và dẫn tới “những thành quả hòa bình” giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp. Dẫu vậy, Bắc Ireland vẫn là một nơi chia rẽ sâu sắc - với một nền văn hóa “chúng ta và bọn họ” ăn sâu bén rễ. Ít có yếu tố nào của đời sống lại bị chia đôi nhiều như giáo dục và nhà ở, điều trở nên rất rõ ràng ở thủ đô Belfast, bởi những bức tường hữu hình được xây lên giữa hai phía. Chúng được gọi chung là “những bức tường hòa bình”, nhưng sự mỉa mai đáng buồn là chúng tượng trưng cho xung đột. Đây không phải là ranh giới liên tục, áp đặt như dọc theo bờ Tây hay biên giới Saudi-Iraq, mà là một loạt những cấu trúc bê tông và kim loại hơi xiêu vẹo chạy ngoằn ngoèo qua một số quận nghèo hơn của Belfast, chủ yếu là ở phía bắc thành phố. Chúng bắt đầu xuất hiện vào đầu thời kỳ Rắc rối. Nhiều mảng tường bắt đầu và kết thúc có vẻ không có lý do, nhưng dân địa phương biết tại sao: chúng đánh dấu sự phân chia các lãnh thổ Tin lành và Công giáo mà nếu không có những bức tường, bạo lực có thể nổ ra thường xuyên.

Henry Robinson là người hiểu độ rộng và sâu của những chia rẽ này hơn hầu hết mọi người. Là một thành viên cũ của lực lượng IRA Chính thức, ông đã bị bỏ tù hồi trẻ vì bắn vào chân một người đàn ông của lực lượng IRA Lâm thời[5] đối địch. Tuy nhiên, sau khi thụ án ở nhà tù Crumlin Road, ông đã dành cuộc đời mình cho việc giải quyết xung đột ở Bắc Ireland, cũng như trên toàn thế giới, ở những nơi như Colombia. Ông tin rằng những bức tường cản trở sự hòa giải: “Tôi gọi chúng là những bức tường xung đột hay những bức tường thù hận”. Cuộc xung đột này đã qua, nhưng sự chia tách đã được phép tiếp tục ăn sâu trong xã hội, và bằng chứng cho điều đó là sự gia tăng những bức tường kể từ khi cuộc xung đột kết thúc.”

Tính tất cả, có khoảng một trăm bức tường như thế Belfast. Chúng thậm chí đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch, và trong những tháng hè, bạn có thể thấy du khách từ những tàu thủy du lịch đi tới bằng xe buýt để nhìn ngắm chúng. Chúng là một thứ lạ lùng đặt các lợi ích kinh tế mà “những thành quả của hòa bình” đã mang lại cạnh lời nhắc nhở rằng hòa bình thật mong manh. Ở mỗi phía của những bức tường là các khu dân cư được trang trí với những biểu tượng và thông điệp của các địch thủ. Nhìn lên từ các bờ lát đường, sơn màu các lá cờ của Ireland hay Vương quốc Anh, và bạn sẽ thấy những bức tường đầy các khẩu hiệu như “Người Anh đã không đi - chúng ta cũng thế” để ủng hộ “IRA Đích thực” hay “Ulster[6] sẽ luôn thuộc về Anh - không đầu hàng”. Toàn bộ phần vách một số tòa nhà được vẽ các bức tranh tường vinh danh những nhóm bán quân sự như IRA và Các chiến binh Tự do Ulster. Henry không thấy ấn tượng với sự trung thành mang tính bộ lạc này: “Tôi nghĩ cả hai cộng đồng đã trở nên thoải mái với những lời rao giảng khủng bố và gần như lấy làm tự hào một cách ngang ngạnh, kinh tởm khi những tượng đài của thù hận đó tiếp tục. Đó là thước đo cho thấy mọi thứ có thể trục trặc trong tương lai nếu không được xử lý.”

Sự chia rẽ tồn tại khắp cả nước, và có những bức tường ở các khu vực đô thị khác như Londonderry/ Derry, dù ở mức độ thấp hơn. Ở những thị trấn nhỏ, khó phát hiện những lằn ranh mong manh này - nhưng chúng có ở đó. Một khu dân cư sẽ gồm chủ yếu người Tin lành, khu kia là Công giáo. Một dòng sông thị trấn có thể là đường biên giới. Thật dễ tìm được những khu nơi 90% dân cư hoặc là người theo liên hiệp, hoặc là người dân tộc chủ nghĩa. Trong đời sống hằng ngày, nhiều người quả có tương tác, và trong những khu vực trung lưu hơn có sự đa dạng lớn hơn về nhà ở, nhiều người không lựa chọn một cách có ý thức việc không hòa hợp với láng giềng của họ. Nhưng những cấu trúc chính trị và tôn giáo xây dựng trong xã hội định hình cách họ sinh hoạt và bảo đảm rằng các cộng đồng sống những cuộc sống song song những tách biệt.

Thật khó mà tìm được cách phá vỡ những sự chia rẽ tự duy trì này. Giống như các khu dân cư bị phân chia, nhất là các khu nhà ở xã hội, trường học cũng thế. Một kế hoạch tích hợp hệ thống này đã thất bại, và nghiên cứu gần đây thấy rằng trong gần một nửa các trường của Bắc Ireland, 95% học sinh có tôn giáo giống nhau. Một thế hệ trẻ em nữa sắp sửa lớn lên thuộc về một trong hai phe phái chính trong hệ thống giáo dục được Peter Robinson, khi đó là Bộ trưởng Thứ nhất phụ trách Bắc Ireland, mô tả vào năm 2010 là một hình thức hòa nhã của chế độ apartheid, điều hủy hoại sâu sắc xã hội chúng ta”. Henry Robinson đồng ý: “Những bức tường đó là biểu tượng của các bức tường phi vật chất và sự chia rẽ nơi mà phần lớn mọi người giáo dục con cái họ trong những trường tôn giáo tách biệt. Có một nền văn hóa của sự tách biệt ở Bắc Ireland và một chính sách hội nhập, vốn không ăn khớp với nhau… Không có đủ sự hỗ trợ cho cộng đồng hay sự tập trung vào việc bắc cầu nối ở cả hai phía. Tại sao lại không có những ràng buộc ngân sách của Vương quốc Anh cho Bắc Ireland gắn với tôn giáo và giáo dục và sự hòa hợp cộng đồng? Sẽ không cần chuyển hướng quá nhiều nguồn lực để các cộng đồng đó đi tới những giải pháp khôn ngoan nhằm học cách chung sống.”

Trong khi những nỗ lực nhằm chấm dứt sự chia rẽ có vẻ đi vào bế tắc, có một điều có thể sớm tạo ra ảnh hưởng: nhân khẩu học đang thay đổi. Sau sự phân chia Ireland vào năm 1921, những người Tin lành động hơn những người Công giáo ở Bắc Ireland với tỷ lệ hai-một, một tỷ lệ kéo dài tới đầu những năm 1970. Tuy nhiên, hiện giờ những người Tin lành thậm chí không còn là đa số trong tổng dân số nữa: theo cuộc điều tra dân số năm 2011,họ chiếm 41,6% (với nhiều hệ phái khác nhau), còn người Công giáo là 40,8%. Khía cạnh tôn giáo của cuộc xung đột đã lu mờ trong những thập niên gần đây với sự suy giảm trong thực hành tôn giáo, nhưng được thay thế bằng một bản sắc văn hóa: việc một người là tín đồ Công giáo hay Tin lành chỉ ra liệu họ là người theo liên hiệp hay dân tộc chủ nghĩa. Với tỷ lệ sinh và sự tự nhận dạng tôn giáo suy giảm nhanh hơn ở các vùng Tin lành, nhiều khả năng người Công giáo sẽ trở thành đa số, một tình thế sẽ đưa tới những ngụ ý chính trị và những câu hỏi về vị thế của Bắc Ireland trong Vương quốc Anh.

Vị trí đó vốn đã rắc rối rồi sau cuộc bỏ phiếu Brexit. Biên giới Bắc Ireland-Ireland là biên giới trên bộ duy nhất ở Vương quốc Anh; biên giới đó giờ sẽ được xử lý ra sao? Người và các doanh nghiệp trong vùng quen với việc có thể đi lại và buôn bán tự do xuyên biên giới. Việc điều đó thay đổi như thế nào có thể có những hậu quả sâu xa, và có nguy cơ làm xáo trộn nền hòa bình mong manh cũng như tăng cường sự ủng hộ cho việc hợp nhất Bắc Ireland và Ireland. Chính quyền Anh đã nói họ không có kế hoạch lập các chốt kiểm soát biên giới, nhưng điều đó bản thân nó cũng nêu lên một số vấn đề - có khả năng cho phép một tuyến đường mở cho cả người và hàng hóa giữa Vương quốc Anh và EU, một trong chính những điều mà những người bỏ phiếu rời EU muốn kiểm soát.

Trưng cầu dân ý về tư cách thành viên Liên minh châu Âu của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland

23 tháng 6 năm 2016


Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu, hay rời khỏi Liên minh châu Âu?

Kết quả

Bỏ phiếu

%

Rời

17.410.742

51,89%

Ở lại

16.141.241

48,11%

Phiếu hợp lệ

33.551.983

99,92%

Không hợp lệ hoặc phiếu trống

26.033

0,08%

Tổng số phiếu

33.578.016

100.00%

Cử tri đã đăng ký/đã bỏ phiếu

46.501.241

72.21%

      Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Vương quốc Anh 2016 (Brexit).

Brexit đã làm phát lộ những chia rẽ sâu sắc khắp Vương quốc Anh. Nó đã làm trầm trọng thêm những chia rẽ cũ - đa số ở cả Scotland và Bắc Ireland bỏ phiếu để ở lại nhưng cũng bộc lộ hàng loạt các khác biệt trong nội bộ dân chúng.

* * *

Một trong những sự phân chia ranh giới rõ ràng nhất trong xã hội Anh luôn là giai cấp, và điều này vẫn còn tới ngày nay. Điều này có thể ít rõ ràng hơn so với trong quá khứ - một thầy giáo thuộc tầng lớp trung lưu có thể kiếm được ít hơn một thợ nước giai cấp lao động, một tài xế xe lửa có thể kiếm được nhiều hơn so với một người ở vị trí quản lý cấp trung - và nay đã có sự cơ động xã hội và đa dạng xã hội lớn hơn. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu về sự cơ động xã hội thấy rằng những nam giới và phụ nữ đã đi học các trường tư và học lên một trong các trường đại học thuộc nhóm Russell (24 trường học hàng đầu của Vương quốc Anh) vẫn thống trị những vị trí cao nhất của đất nước với những con số cao hơn nhiều so với tỷ lệ của họ trong tổng dân số. Có thể nói rằng những người này thực ra là những người được giáo dục cao nhất, và trong nhiều trường hợp những người giỏi nhất cho các công việc đó, nhưng cũng có thể tranh luận rằng hệ thống hiện giờ ngăn cản mỗi quốc gia tìm và sử dụng được những tài năng giỏi nhất của họ.

Chỉ 7% dân số Vương quốc Anh học ở các trường độc lập, nhưng họ thống trị những cấp bậc cao nhất trong ngành tư pháp, quân đội, đài BBC, các tập đoàn lớn, dịch vụ công và cả hai đảng chính trị lớn. Lấy ví dụ, 55% thư ký thường trực của dịch vụ công đã tốt nghiệp trường tư, tương tự là 71% các thẩm phán hàng đầu. Khoảng một nửa các nhà báo giữ chuyên mục ở Vương quốc Anh học trường tư. Một báo cáo của Ủy ban Cơ động Xã hội và Nghèo đói ở Trẻ em vào năm 2014 thấy rằng trong chương trình đầy ảnh hưởng của BBC, Question Time [tạm dịch: Đã đến lúc đặt câu hỏi], 43% các khách mời từng học Đại học Oxford hoặc Cambridge. Và có những yếu tố khác giúp duy trì sự mất cân đối khắp xã hội. Nhiều công ty lớn đề nghị chỉ mở ra những vị trí tập sự không lương, trên thực tế ngăn cản một người trẻ tuổi xin việc trừ khi cha mẹ họ có thể tài trợ chi phí sinh hoạt. Kết quả là những người giàu hơn, nhiều người học trường tư, có được kinh nghiệm và các mối quan hệ giúp họ thành công trong thế giới việc làm.

Với cả chính trị lẫn truyền thông quá đông những người học trường tư, mà truyền thông thì thống trị nghị trình dư luận, điều đó có thể tác động lớn lên công luận. Nhưng như thế cũng có thể có nghĩa là họ đại diện cho một quan điểm thiểu số, điều tới lượt nó có nguy cơ xóa mờ sự phổ biến thật sự của quan điểm đối lập, dẫn tới tình thế trong đó một số đông người ngày càng thất vọng vì tiếng nói của họ không được lắng nghe. Đây là một phần những gì đã xảy ra với Brexit, điều giải thích tại sao vào tháng Sáu năm 2016, các giai cấp chính trị, kinh doanh và truyền thông nhận cú sốc trong cuộc đời họ khi Vương quốc Anh bỏ phiếu ủng hộ rời Liên minh châu Âu với kết quả sít sao. Những người ít kiêu ngạo hơn thức tỉnh và nhận ra họ đã xa rời những mảng lớn cử tri thế nào.

Kể từ Brexit, người ta đã nói nhiều về “những người bị bỏ lại”, vốn thường chỉ những ai mà với họ tư cách thành viên EU và toàn cầu hóa không dẫn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, mà tới sự cạnh tranh cho những công việc kỹ năng thấp và đôi khi là thất nghiệp. Những ai đã bỏ phiếu rời EU làm thế vì nhiều lý do và thuộc đủ mọi thành phần xã hội, nhưng chắc chắn nhiều người sống ở những vùng nghèo hơn của Anh và Wales, những vùng trước kia là của giai cấp công nhân, phản ánh sự chia rẽ giai cấp truyền thống giữa người giàu và người nghèo.

Những chia rẽ cũ thật khó vượt qua, và đồng thời một số nhà bình luận đã bắt đầu xác định những rạn nứt mới trong xã hội.

Tác giả David Goodhart nêu rõ một khác biệt mới trọng đại trong cuốn sách năm 2017 của ông The Road to Somewhere [tạm dịch: Con đường tới đâu đó] “giữa những người nhìn nhận thế giới từ Bất kỳ đâu và những người nhìn nhận nó Từ đâu đó”. Trong đó ông lập luận: “Những người bất kỳ đâu thống trị nền văn hóa và xã hội của chúng ta. Họ có xu hướng học tốt ở trường và rồi thường chuyển từ nhà đến một đại học nội trú vào cuối tuổi thiếu niên và tiến lên một sự nghiệp trong đó những nghề nghiệp có thể đưa họ tới London hay thậm chí là ra nước ngoài một hoặc hai năm.” Những người Bất kỳ đâu có thể cảm thấy như ở nhà bất kỳ đâu họ tới, dù đó là Berlin, New York, Thượng Hải hay Mumbai. Mặt khác, những người Từ đâu đó có xu hướng có cảm nhận về bản sắc rõ ràng hơn nhiều. Giống như phần lớn người ở Anh, họ sống trong vòng 20 dặm nơi họ lớn lên và tự định dạng mình với địa phương, vùng và đất nước đó - họ gắn bó với “cội rễ” hơn.

Trong số những người Từ đâu đó có nhiều người mà công việc của họ đang dần biến mất bởi những thay đổi kinh tế liên quan đến toàn cầu hóa và những người mà nền văn hóa giai cấp lao động của họ gần đây đã bị đẩy ra bên lề, nhất là trong những nghị luận toàn quốc. Từ “công dân toàn cầu” xuất phát từ gốc từ Hy Lạp có nghĩa là “công dân của thế giới[7]”. Chúng ta thật ra là một dân tộc, nhưng thật thách thức để thuyết phục được một người sống gần nơi họ lớn lên, có bản sắc địa phương mạnh mẽ và không sở hữu những kỹ năng công việc có thể chuyển đổi được khắp các châu lục rằng họ là “công dân toàn cầu”.

Goodhart cho rằng tới 25% dân số Vương quốc Anh là những người từ Bất kỳ đâu, khoảng 50% là Từ đâu đó và phần còn lại là Những người ở giữa. Đó là những ước đoán và những định nghĩa đại khái, nhưng chúng có ích trong việc hiểu được nước Anh hiện đại qua lăng kính không chỉ của giai cấp mà của cả thế giới quan. Nhiều người từ Bất kỳ đâu “cấp tiến” có thể thấy xấu hổ khi bày tỏ lòng yêu nước, những người Từ đâu đó thì ít vậy hơn - thế giới quan của họ là một “những gì có thật” được chấp nhận trong xã hội Anh cho tới ít ra là cuối những năm 1970, nhưng sự nổi lên của xã hội đa văn hóa, những nền văn hóa song song và sự lan tỏa của giáo dục bậc cao đã thách thức điều đó.

Đảng Lao động Anh, đảng truyền thống của giai cấp công nhân, ngày càng trở thành đảng của “những người cấp tiến” trung lưu, nhiều người trong đó sẽ nghiêng về thế giới quan từ Bất kỳ đâu. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1966, Đảng Lao động của Harold Wilson lên nắm quyền với khoảng 11 triệu phiếu của giai cấp lao động và 2 triệu từ tầng lớp trung lưu, vào năm 2015, những con số đó là vào khoảng 4,2 triệu phiếu của giai cấp lao động và 4,4 triệu của tầng lớp trung lưu. Mô thức đang thay đổi này là vì hàng loạt các yếu tố, bao gồm sự suy giảm của các công việc truyền thống cho tầng lớp lao động, nhưng cũng là vì đảng vốn truyền thống tập trung vào những vấn đề trọng đại với giai cấp lao động này - công ăn việc làm, nhà ở và tội phạm - giờ có vẻ tập trung hơn vào những vấn đề khác, bao gồm chính trị bản sắc.

Những bản sắc khác nhau này - toàn cầu hơn hoặc là gắn chặt hơn với cội rễ - đã xung đột nhau trong những cuộc tranh luận về bản sắc, chủ nghĩa dân tộc và vâng, nhập cư, trước và sau cuộc bỏ phiếu Brexit. Trong nhiều thập kỷ, theo nhiều cách, đây là một nghị trình ẩn giấu, khi giới chính trị và truyền thông có vẻ từ chối tham gia cuộc tranh luận. Nhưng bất chấp điều đó, số lượng lớn dân chúng vẫn thảo luận về nó rộng khắp đất nước.

Những chính quyền kế tiếp nhau đã ủng hộ ý tưởng rằng vì sức khỏe của nền kinh tế hiện tại và tương lai, Vương quốc Anh cần người nhập cư hàng loạt. Thật ra lý lẽ cho điều đó rất mạnh. Nhìn thoáng qua bất cứ thành phố lớn nào ở Vương quốc Anh là đủ để thấy giao thông, y tế và nhiều ngành nghề khác sẽ ngưng trệ nếu mọi người nhập cư trong nước đồng thời nghỉ làm. Tuy nhiên, điều thiếu ở đây là tài trợ cho nhà ở xã hội và chăm sóc y tế kèm theo, và những ai nắm quyền có xu hướng bác bỏ các quan ngại của những người dân mà không dừng lại để lắng nghe họ cho đúng.

Một ví dụ diễn ra trong chiến dịch tranh cử ở Vương quốc Anh năm 2010. Thủ tướng khi đó, Gordon Brown, tham gia một cuộc đối thoại trên đường phố có ghi hình với một cử tri giai cấp lao động lâu năm của Đảng Lao động, một phụ nữ sáu mươi lăm tuổi tên là Gillian Duffy, ở thị trấn miền bắc Rochdale. Bà Duffy đưa ra hàng loạt quan điểm về nợ quốc gia, giáo dục và dịch vụ y tế, rồi nói, “Ông không thể nói gì về người nhập cư vì ông đang nói rằng ông đang… nhưng tất cả những dân Đông Âu đó là cái gì đang đổ về đây, họ đổ về từ đâu?” Bà [diễn đạt không rõ nhưng] có vẻ có ý nói rằng bà cảm thấy nếu bà bày tỏ quan điểm là bà không chắc về tốc độ thay đổi ở thị trấn quê nhà của mình, thì bà sẽ bị coi là người phân biệt chủng tộc. Không hề hay biết, Thủ tướng đã xác nhận quan điểm của bà. Sau khi đùa với bà, cười, vỗ vai bà và chúc bà tất cả những điều tốt lành, ông vào trong xe hơi. Rồi, quên rằng micro của ông vẫn còn bật, ông nói với một người trợ lý, “Đó là một thảm họa. Tôi chỉ… đáng lẽ đừng để tôi nói chuyện với mụ đó. Đây là ý kiến của ai hả?” Và rồi, đáp lại câu hỏi của người trợ lý là bà ấy đã nói gì, “Ôi mọi thứ, bà ấy chỉ là kiểu phụ nữ mù quáng.” Tới đó, hàng triệu người ở Vương quốc Anh lo lắng về việc những thị trấn quê nhà của họ đang thay đổi nhận ra rằng Thủ tướng của họ nghĩ rằng họ là những kẻ mù quáng.

Nhiều kinh tế gia lập luận rằng Vương quốc Anh thực sự cần người nhập cư; vấn đề là điều đó đã xảy ra quá nhanh, và chính quyền không tính tới những hậu quả khi đánh giá dự báo về nhập cư sau khi mười nước Đông Âu gia nhập EU vào năm 2004, Những dự báo hóa ra cách rất xa thực tế. Một báo cáo năm 2003 cho Văn phòng Nội vụ nói chỉ có 13.000 người mỗi năm sẽ tới từ những nước như Ba Lan và Hungary, nếu Đức và các nước lớn khác ở EU cũng để ngỏ thị trường lao động của họ. Đó hóa ra là một chữ “nếu” quan trọng. “Hãy đến đi,” chính quyền Vương quốc Anh nói: “Đừng đến,” hầu hết các nước EU khác nói - thực ra chỉ có ba nước Anh, Ireland và Thụy Điển) cho phép người Đông Âu tiếp cận thị trường lao động của họ ngay lập tức vào năm 2004. Các nước thành viên còn lại đưa ra hàng loạt những hạn chế, nhắm tới một quy trình từ tốn qua nhiều năm. Tới giữa năm 2015, khoảng 900.000 người đã tới Vương quốc Anh từ riêng Ba Lan. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, từ 2004 tới 2016, số người nhập cư thuần vào Vương quốc Anh trung bình là 250.000 người mỗi năm. Kết hợp lại, con số đó cộng vào tương đương với số dân sáu thành phố quy mô như Liverpool.

Bởi những thống kê đấy, không có gì ngạc nhiên khi trong một cuộc thăm dò của YouGov vào năm 2011, 62% những người trả lời nhất trí với tuyên bố “nước Anh đã thay đổi trong thời kỳ gần đây không còn nhận ra được, đôi khi có cảm giác đó là một đất nước xa lạ và điều đó khiến tôi khó chịu”. Một số người bài bác ngay rằng những tình cảm như thế là bằng chứng về sự bài ngoại và phản ứng phi lý với những lợi ích của cả tư cách thành viên EU và của toàn cầu hóa. Điều này ít nhiều bất công với những người bình thường, những người đã chứng kiến các khu phố của họ hay các vùng đô thị mà họ ghé thăm trải qua sự thay đổi nhanh chóng. Việc một số vùng đã biến đổi là một thực tế, việc điều đó có thể khiến một số người Anh thấy khó chịu cũng là một tuyên bố rõ ràng như nói rằng nếu một số lượng lớn người nước ngoài bỗng nhiên chuyển tới một vài quận mới ở Thành phố Hồ Chí Minh, người dân địa phương cũng sẽ cảm thấy khó chịu tương tự.

Thật trớ trêu là thường thì cùng kiểu người lên án giai cấp trung lưu rằng họ đang “cao cấp hóa[8]” một khu dân cư lao động, và những người hiểu rằng giai cấp lao động có thể không thực sự đón nhận sự thay đổi như thế, lại rất hay nhanh chóng chỉ trích những người thấy không thoải mái với cách mà người nhập cư có thể thay đổi một khu phố. “Cao cấp hóa” thậm chí đôi khi bị gọi là “thanh lọc hóa xã hội”, trong khi nhập cư lại được gọi là “đa dạng hóa”. Điều gần như luôn đúng là nhiều người trong số những ai sử dụng các cụm từ đó ít bị chúng ảnh hưởng hơn so với những người sống ngay tại đó. Việc bài bác những người tận hưởng nền văn hóa tương đối thuần nhất của họ và những người không chắc chắn về vị trí của họ trên thế giới này chỉ đẩy họ vào tay những kẻ lợi dụng nỗi lo lắng của họ - những kẻ cuồng tín thật sự.

Hầu hết người Anh giờ chấp nhận các ý tưởng về bình đẳng sắc tộc, bình đẳng giới và hôn nhân đồng tính. Chống nhập cư không nhất thiết đi kèm với chống người nhập cư. Giống như có sự khác biệt giữa việc không thấy thoải mái với những thay đổi và việc là kẻ phân biệt chủng tộc, điều tương tự cũng đúng với lòng ái quốc và chủ nghĩa dân tộc. Tôi định nghĩa lòng ái quốc một phần là “tình yêu với đất nước của ta và sự tôn trọng với đất nước của những người khác” còn chủ nghĩa dân tộc là “tình yêu với đất nước của ta và sự khinh thường đất nước của những người khác”. Lịch sử đã cho thấy sẽ mất thời gian để chúng ta có thể cảm thấy thoải mái với “người khác”. nhưng cũng cho thấy rằng nếu được xử lý phù hợp, cả Chúng ta và Bọn họ đều có thể học cách đón nhận nhau.

Điều này cũng đúng như thế khi nói tới vấn đề tôn giáo gai góc. Cuộc điều tra dân số năm 2011 cho thấy có hàng mấy chục tôn giáo ở Anh và Wales trong một danh sách bao gồm “Những hiệp sĩ Jedi[9]”, “Rock siêu nặng” và “Thờ Satan”. Tuy nhiên, những đức tin này, cùng với Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo, chỉ được thực hành bởi một thiểu số trong 65 triệu người dân.

Khoảng hai phần ba dân chúng không có mối liên hệ mang tính tham gia nào với một tôn giáo hay một nơi thờ phụng, điều cho thấy Bắc Ireland là một nơi khác thường ra sao - những bản sắc tôn giáo mạnh mẽ ở đó không phản ánh thực tế ở phần còn lại của Vương quốc Anh. Việc đi nhà thờ nói chung tiếp tục giảm qua từng năm, một xu thế bắt đầu từ những năm 1950 và đã tăng tốc. Bất chấp sự suy giảm mạnh của Kitô giáo, 59,3% những người được hỏi trong cuộc điều tra dân số 2011 - 33 triệu người - vẫn nhận họ là “người Kitô giáo”. Đây rõ ràng là một di tích văn hóa từ những thời đại mà gần như cả nước có đức tin Kitô và cho thấy ngay cả nếu nhiều người không chấp nhận những tín điều của đức tin đó, họ vẫn nhận dạng mình về mặt văn hóa gắn với lịch sử và các truyền thống của nó. Nhưng cả điều này nữa cũng đang mờ nhạt dần trong cuộc điều tra dân số năm 2001, 72% dân chúng nhận họ là người Kitô giáo.

Ngoài con số 59,3% người Kitô giáo, cuộc điều tra dân số 2011 thấy có 4,8% nhận mình là người Hồi giáo, 1,5% Ấn Độ giáo, 0,8% đạo Sikh và 0,5% Do Thái giáo. Điều đó tương ứng với xấp xỉ 2,7 triệu người Hồi giáo, 800.000 người Ấn Độ giáo, 423.000 người Sikh và 263.000 người Do Thái. Cùng với “Không tôn giáo”, đây là sáu nhóm dẫn đầu về số lượng. Để biết thêm, tôn giáo Những hiệp sĩ Jedi đứng thứ bảy với 176.000 tín đồ - hay có lẽ họ là những người có khiếu hài hước đặc biệt. Chỉ có 1.800 người tự nhận là thờ Satan.

Sự gia tăng Những hiệp sĩ Jedi trong tương lai, và thật ra là cả những người tin vào Beelzebub[10], có thể khó tiên đoán, nhưng với các tôn giáo chính thì dễ hơn. Tôn giáo tăng trưởng nhanh nhất ở Vương quốc Anh là Hồi giáo, một phần vì tỷ lệ sinh, nhập cư và sự sùng tín. Trong khi hầu hết người Anh xác định họ thuộc về truyền thống Kitô giáo không phải người sùng đạo - trên thực tế không tới 7% dân số xếp loại họ là những người Kitô có thực hành tín ngưỡng - một cuộc thăm dò vào năm 2014 cho thấy 93% người Hồi giáo nói họ có thực hành tôn giáo này. Trong đó bao nhiêu người là sùng tín và bao nhiêu là vì áp lực văn hóa là điều khó phán đoán, bởi trong hầu hết các nền văn hóa Hồi giáo, việc tuyên bố “tin tưởng” ở chủ nghĩa vô thần là điều không được chấp nhận. Bởi sức mạnh của những người theo tôn giáo đó, và thực tế là cứ ba người Hồi giáo ở Vương quốc Anh thì một người dưới 15 tuổi, sự vươn lên của Hồi giáo với tư cách tôn giáo công khai lớn thứ hai ở Anh có vẻ sẽ còn tiếp tục. Và với sự nhập cư tiếp diễn và sự suy giảm trong việc đi nhà thờ trong cộng đồng Kitô giáo, Hồi giáo có lẽ sẽ trở thành tôn giáo được thực hành nhiều nhất trong nước.

Tuy nhiên, chuyện này khác với quy mô thực sự của người Hồi giáo. Vào năm 2011, cứ hai mươi người Anh thì có khoảng một người là người Hồi giáo, nhưng cảm nhận của công chúng về tỷ lệ này rất khác, giống như ở khắp châu Âu: một cuộc thăm dò của Ipsos Mori cho thấy hầu hết người Anh đánh giá quá cao số lượng người Hồi giáo ở mức gấp ba lần. Điều này đúng với cả dân chúng Hồi giáo lẫn phi Hồi giáo và một phần có thể là vì sự tập trung người Hồi giáo ở các vùng đô thị - 80% người Hồi giáo sống ở chỉ bốn vùng: Yorkshire, vùng tây bắc, vùng Trung Tây, và vùng Đại London.

Sự tập trung này đã dẫn tới một tình huống mà các xã hội song song xuất hiện, điều có thể dẫn tới sự chia rẽ và thách thức sự cố kết xã hội. Có một số vùng ở các khu vực đô thị (Luton, Burnley, Manchester và Oldham chẳng hạn) mà số người Hồi giáo áp đảo và ít có liên lạc với các khu lân cận chủ yếu là không Hồi giáo. Chủ nghĩa đa văn hóa đã không có ích trong khía cạnh này - nó ngăn cản sự đồng hóa và làm xói mòn sự cố kết xã hội: chúng ta có nguy cơ trở thành nhiều xã hội với những nền văn hóa khác nhau, với tâm lý cùng phong cách sống “chúng ta và bọn họ” được củng cố.

Trong những năm tháng hậu chiến, Vương quốc Anh, ở một số vùng, đã vật lộn để làm quen với một xã hội đa văn hóa. Người Anh giờ đang cố gắng điều chỉnh tương tự trong một thời đại nhập cư hàng loạt gia tăng, nhưng là một thời đại bao gồm một yếu tố bổ sung quan trọng - tôn giáo, điều như chúng ta đã thấy ở Bắc Ireland, có thể là một trong những rạn nứt khó hàn gắn nhất. Bởi hầu hết các đức tin vẫn lập luận, ở cốt lõi của vấn đề, rằng chỉ có đức tin ấy mới là con đường đúng đắn, và những đức tin khác có tốt nhất thì cũng là nhầm lẫn, nên chúng thường chia tách con người - một diễn tiến không được chào đón mà một số nhà lãnh đạo tôn giáo khuyến khích một cách tích cực. Điều này đặc biệt đúng với Hồi giáo vì so với các tôn giáo khác, các nhóm Hồi giáo tham gia nhiều hơn vào chính trị, và đi kèm là mức độ chú ý của truyền thông. Chắc chắn có vô số ví dụ về những phụ nữ và nam giới sùng đạo liên đức tin đang nỗ lực bắc các cầu nối, nhưng quá nhiều hội đường Hồi giáo giữ lại những người thầy giảng với một văn hóa thúc đẩy tâm lý “bọn họ và chúng ta” - và nhiều người bên cánh hữu trong nền chính trị Anh cũng có lỗi tương tự.

Sự hiện diện của Hồi giáo ở Vương quốc Anh là rất lâu đời - một tài liệu năm 1641 đã nhắc tới một “hệ phái những người Mahomat”, và bản dịch kinh Koran đầu tiên xuất hiện ở Anh vào năm 1649. Tuy nhiên, năm mươi năm trước, dân số Hồi giáo ước tính là 50.000; giờ con số đó đang tiến gần mức ba triệu. Đó là một sự gia tăng nhanh chóng, gần như tất cả diễn ra trong năm mươi năm qua, cùng với những thay đổi nhanh chóng trong thái độ xã hội ở Vương quốc Anh. Như chúng ta đã thấy, số lượng người đi nhà thờ đã giảm, đức tin đang xói mòn, đồng thời tự do tôn giáo lại ngày càng được chấp nhận. Quyền nạo phá thai được hợp pháp hóa, tương tự là quyền của người đồng tính. Hôn nhân đồng tính và quyền nhận con nuôi của người đồng tính giờ là chuyện thường, và đa số dân chúng, bất chấp những gì một số người Kitô giáo nói, chấp nhận phần lớn những thay đổi này.

Căng thẳng ở đây tới từ sự gia tăng của một tôn giáo mà nhiều tín đồ và nhà lãnh đạo của nó không chấp nhận những ví dụ nói trên của đời sống tự do hiện đại vì những điều đó chống lại các tín điều cơ bản trong đức tin của họ. Một cuộc thăm dò của ICM Research vào năm 2016 thấy rằng 52% người Hồi giáo Anh trả lời tin rằng luật pháp Anh phải thay đổi để khiến quyền đồng tính lại là bất hợp pháp. Thái độ này không phải là vấn đề khi số lượng tín đồ còn ít, ở mức họ không có quyền lực gì để thay đổi nguyên trạng. Lấy ví dụ, nhóm dân chúng rất ít ỏi những người Do Thái Hasidic “Chính thống cực đoan” thường không tham gia vào các cuộc chiến văn hóa của đa số dân chúng và hài lòng theo đuổi nghị trình của riêng họ trong cộng đồng của họ. Tuy nhiên, Hồi giáo hiện giờ đang, và sẽ ngày càng như thế, ở một vị thế khiến các quan điểm của họ được biết đến và được chú ý, điều có thể tác động mạnh lên xã hội, phụ thuộc vào đó là Hồi giáo kiểu gì - một tôn giáo đa nguyên và hòa hợp với văn hóa của số đông, hay một tôn giáo tìm cách đảo ngược những thay đổi tự do nhắm vào tất cả mọi người, hay một tôn giáo khăng khăng rằng phải có luật pháp khác nhau cho những người khác nhau.

Ở Vương quốc Anh và những nơi khác, liệu sẽ diễn ra sự châu Âu hóa đạo Hồi, hay sự Hồi giáo hóa những đô thị lớn ở châu Âu? Hiện có những ví dụ cho cả hai. Có hàng triệu người châu Âu hiện đại tình cờ là người Hồi giáo và tham gia đầy đủ và là một phần của kết cấu xã hội ở bất cứ quốc gia châu Âu nào mà họ là công dân. Nhưng cũng có những ví dụ về những vùng đô thị đa số người Hồi giáo nơi tư tưởng Hồi giáo cực đoan (thường là bạo lực) được truyền bá qua những người tìm cách kiểm soát những nơi đó. Điều sau càng được phép phát tán rộng, càng khó để cho điều trước chống lại nó.

Câu trả lời cho câu hỏi “Tôn giáo của tôi thì liên quan gì tới quý vị?” là chúng ta đều là người Anh, và nhờ thế tận hưởng quyền có quan điểm và quyền bày tỏ quan điểm về việc chúng ta muốn kiểu xã hội như thế nào. Vào khoảnh khắc mà tôn giáo đụng độ với vũ đài chính trị của pháp luật do con người tạo ra, chúng ta đều được quyền lên tiếng: bất cứ chủ khu nghỉ trọ Kitô giáo nào tìm cách cấm người đồng tính sẽ sớm nhận ra điều này. Những ai tuyên bố ủng hộ xã hội tương đối cấp tiến đã được tạo ra rồi phải bày tỏ sự tin tưởng vào tính chính danh của quá trình đó để tiếp tục được hưởng những thành quả của lao động chính trị từ những thế hệ trước. Sự tin tưởng này có vẻ đã suy giảm trong nhiều năm qua với sự nổi lên của “tính thích đáng về văn hóa”, và một nỗi sợ tê liệt rằng bất cứ sự chỉ trích nào với những khía cạnh của một nền văn hóa khác sẽ bị dán nhãn phân biệt chủng tộc. Một cách tự nhiên, có những người đủ thông minh để phát hiện ra sự lo lắng này và sử dụng nó để dẹp đi cuộc tranh luận. Phân biệt chủng tộc là một cụm từ ngày càng được ném ra khắp nơi một cách dễ dàng, nông cạn, và trong nhiều trường hợp, làm chệch hướng hiểu biết của chúng ta về những gì đang thực sự diễn ra trong xã hội chúng ta.

Ở gốc rễ, nỗi sợ này có vẻ bắt nguồn từ nỗi hổ thẹn tràn ngập, có lẽ là tội lỗi, về vô số những tội ác của chủ nghĩa thực dân. Bởi thế có thể rắc rối nếu kéo cao ngọn Cờ Anh, nhưng việc giường ngọn cờ của một cựu thuộc địa Anh tại một sự kiện văn hóa ở Vương quốc Anh lại là biểu hiện chính đáng của niềm tự hào văn hóa. Một kiểu lòng ái quốc thì xấu - còn kiểu kia thì tốt. Thái độ này là một sự pha trộn thú vị của tội lỗi, chủ nghĩa gia trưởng và chủ nghĩa toàn trị. Nhiều người bình thường ở Vương quốc Anh lấy làm rối trí vì sự yếu hèn về văn hóa đó, vì họ không sống trong vùng đất tri thức của những người truyền bá câu chuyện áp đảo. George Orwell đã ý thức về tất cả những chuyện này. Ngay từ những năm 1940, ông đã viết trong luận văn của ông “Sư tử và ngựa một sừng”:

Anh có lẽ là quốc gia vĩ đại duy nhất mà giới trí thức của nó thấy hổ thẹn về quốc tịch của chính họ. Trong giới cánh tả luôn có cảm giác là có điều gì đó hơi hổ thẹn trong việc là một người Anh và rằng họ có phận sự phải cười khẩy vào mọi định chế Anh, từ đua ngựa tới bánh pudding mỡ quả cật. Đó là một thực tế lạ lùng, nhưng điều chắc chắn đúng là gần như mọi trí thức Anh sẽ cảm thấy xấu hổ khi đứng lên chào cờ trước bài “Xin Thượng đế phù hộ cho nhà vua[11]” còn nhiều hơn là khi ăn cắp của một người nghèo.

Orwell đang nhắc cụ thể tới nước Anh, và có lẽ những quan sát của ông đưa ra một đầu mối về kiểu tư duy của một số cử tri ủng hộ Brexit người Anh - những ai quả có cảm nhận mạnh mẽ về bản sắc và lòng tự hào quốc gia, và lấy làm khó hiểu với một giai cấp chính trị và truyền thông có vẻ lạc lõng với cuộc sống của người dân thường. Orwell là một phần của giai cấp truyền thông trước khi điều đó được phát minh ra. Ông là một ví dụ khác thường khi đó vì cùng những lý do ông vẫn sẽ là một ví dụ khác thường hiện giờ - ông bận tâm tới việc trải nghiệm văn hóa Anh như nhiều người đã sống với nó. Điều đó dạy ông cách hiểu họ tốt hơn.

Vương quốc Anh đã đứng vững trước những tình cảm dân tộc chủ nghĩa và sự chia rẽ giai cấp và tôn giáo trong quá khứ. Nó một lần nữa lại bị thử thách - liệu nó có thể vượt qua những chia rẽ đó lần nữa và tái tạo những xã hội tương đối cố kết như thế kỷ 21 hay không là điều chưa rõ. Trường thành Hadrian cho thấy sự chia rẽ của chúng ta đã lâu đời ra sao, và những bức tường Belfast cho thấy chúng ta vẫn còn phải đi xa đến đâu, và mọi chuyện còn có thể diễn biến tồi tệ thế nào.

Có thể nhìn vào những chia rẽ trong xã hội Anh hiện đại, và những câu chuyện cạnh tranh với nhau, và nhận ra tầm quan trọng của việc cân bằng những quan ngại hợp lý của các nhóm khác biệt. Dù là ở Anh, Bắc Ireland, Scotland hay Wales, các cộng đồng cần phải gắn kết với nhau trong một trải nghiệm chung, gộp lại thành tổng thể quốc gia nhà nước - gắn kết với nhau, ở một mức độ nào đó, qua những giá trị chung, dù chúng quả là khó định nghĩa. Cơn ác mộng tồi tệ nhất của chúng ta là một tương lai trong đó chúng ta rút lui vào vô số những vùng đất riêng khác nhau của chúng ta - tổng của các thành phần không bằng với, mà thậm chí còn làm suy yếu, tổng thể.

 

Chú thích.

[1] Đơn vị đo thời cổ La Mã, vào khoảng hơn 1,4 kilômét. (ND)

[2] Bede Khả kính (672/73-735), tu sĩ, nhà thần học và học giả lớn ở Anh thời Cổ đại. Ông được Giáo hội La Mã phong thánh năm 1999. (ND)

[3] Tức Charles Edward Stuart (1720 - 1788), cháu nội của vua James II của Anh, con trai James Francis Edward Stuart. Ông xưng nhận nhà Stuart mới là người thừa kế của ngai vàng nước Anh, lúc bấy giờ trong tay nhà Hanover. Ông đã cầm đầu các cuộc nổi loạn Jacobite vào năm 1745, liên minh với Pháp từ Scotland để đòi lại ngai vàng, nhưng thất bại. George Wade (1673-1748) là một viên tướng Anh dày dạn trận mạc và là tổng tư lệnh quân đội Anh chỉ huy cuộc chiến với phe nổi loạn Jacobite. (ND)

[4] “United Kingdom” và “Great Britain”. (ND)

[5] Tức “Provisional Irish Republic Army”: “Quân đội Cộng hòa Ireland Lâm thời”, tổ chức cách mạng muốn chấm dứt sự cai trị của Anh ở Bắc Ireland bằng bạo lực và khủng bố. Đối địch với họ là “Official Irish Republic Army” - “Quân đội Cộng hòa Ireland Chính thức”, dù cả hai đều chỉ đơn giản gọi chính họ là Quân đội Cộng hòa Ireland. IRA Chính thức cũng muốn chấm dứt sự cai trị của Anh, nhưng có đường lối khác, thiên tả và liên kết với các nhóm theo chủ nghĩa Marx ở Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. (ND)

[6] Tên gọi truyền thống của một tỉnh ở cực bắc đảo Ireland. Sáu quận của tỉnh này tạo thành Bắc Ireland thuộc Anh, ba quận còn lại thuộc Cộng hòa Ireland. (ND)

[7] Tiếng Anh: “cosmopolitan”, tiếng Hy Lạp: “kosmopolitēs”. (ND)

[8] Ý nói hiện tượng xã hội ở các nước phương tây, trong đó những người trung lưu hoặc người giàu chuyển tới một khu lao động, kéo theo họ các cửa hàng và dịch vụ đắt tiền, rồi dần biến khu đó thành một khu của người trung lưu và người giàu với mức sống quá cao mà dân lao động bản địa không thể theo kịp và cảm thấy bị đẩy ra khỏi nơi mình từng sống lâu đời. (ND)

[9] Một giáo phái hư cấu, linh thiêng, huyền bí, lâu đời và nhiều nhân tài khoa học trong loạt phim viễn tưởng ăn khách Star Wars. (ND)

[10] Một vị thần trong tín ngưỡng cổ đại của người Philistine, mà trong đức tin Kitô thường bị coi là quỷ dữ. (ND)

[11] Tức quốc ca của Vương quốc Anh. Tùy thuộc vào giới tính của nhà quân chủ mà bài hát sẽ là “Xin Thượng đế phù hộ cho Nữ hoàng” hay “… cho Đức vua”. Ở thời Orwell viết tiểu luận này, nhà quân chủ của nước Anh là Vua George VI, người tiền nhiệm của Nữ hoàng Elizabeth II hiện nay.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét