CHIA RẼ
Tác giả Tim Marshall
Chương
Bảy. MỘT LIÊN MINH GẦN GŨI HƠN BAO GIỜ HẾT? CHÂU ÂU
“Ngày nay, không bức
tường nào có thể chia rẽ những cuộc khủng hoảng nhân đạo hay nhân quyền ở một
vùng của thế giới với những cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia ở một vùng khác.
Những gì bắt đầu bằng thất bại trong việc gìn giữ phẩm giá của một cuộc đời sẽ
thường xuyên kết thúc với một thảm họa cho cả nhiều quốc gia.”
- Kofi Annan
Vào một sáng sớm xám xịt năm 1979, tôi lên một chuyến tàu lửa quân sự ở Tây Đức đi qua Đông Đức tới ga Charlottenburg ở phần Berlin thuộc Tây Đức[1], trước kia là thủ đô của nước Đức thống nhất. Tới lúc đó, bức tường Berlin đã mọc lên được mười tám năm và nó tỏ ra là một thành phần lâu bền trong cuộc sống của chúng tôi, một vấn đề sẽ khiến chúng tôi chia tách vĩnh viễn. Có vẻ không có bất kỳ triển vọng nào để sống khác đi - hiện tại được cố định trong bê tông, dây thép gai, thuộc về một cuộc xung đột đe dọa sẽ phân chia đủ số nguyên tử giết chết tất cả chúng ta.
Là một thành viên tại ngũ của Không
quân Hoàng gia Anh, tôi có căn cước quân đội và bởi thế không cần hộ chiếu cho
hành trình đặc biệt này. Ở biên giới, chúng tôi dùng tại một nhà ga có hàng rào
dây thép gai và một tháp canh. Những lính gác biên giới Liên Xô kiệm lời, không
biết cười, lên toa xe lửa và kiểm tra giấy tờ của chúng tôi trong khi cảnh sát
giao thông Đông Đức, “TraPos”, dùng chó nghiệp vụ kiểm tra bên dưới các toa xe.
Đầu máy và nhân viên toa xe của phe tư bản bị thay thế bằng phiên bản tốt đẹp của
phe cộng sản, và sau khoảng hai tiếng đồng hồ, chúng tôi lại bình bịch đi vào
hành lang quân sự nối Tây Đức với Tây Berlin.
Người
dân tập trung tại Bức tường Berlin khi nó bắt đầu bị phá bỏ vào tháng Mười một
năm 1989.
Những cánh cửa toa xe đã bị khóa bằng
dây xích từ bên ngoài và cửa sổ bị niêm phong khi chúng tôi tiến vào thế giới tồi
tàn, ảm đạm, u ám trong đó thực tại có vẻ như là một màu xám vĩnh viễn. Chúng
tôi bị cấm đứng lên khi chiếc xe lửa dừng ở những nhà ga và bị cấm nói chuyện với
mọi sĩ quan hay thường dân Đông Đức hay Liên Xô. Suốt chiều dài của hành lang
khoảng 232 kilômét đó vây kín bởi hàng rào dây thép cao, rải rác các tòa tháp
canh có bổ sung đèn pha và lính gác với súng máy. Đằng sau những hàng rào là
các “vùng bắn bỏ” để trống, tạo ra tầm ngắm trống trải trong trường hợp có người
đủ can đảm - hay ngu ngốc - tìm cách vượt qua biên giới. Sau một hành trình
lanh canh, hết ngừng lại chạy, kéo dài bốn tiếng, chúng tôi vào Berlin và hướng
về biểu tượng của sự chia rẽ ý thức hệ lớn nhất thế kỷ 20. Đây là một bức tường
thành phố không giống ở bất kỳ đâu - được xây lên không phải để ngăn cản những
kẻ xâm nhập, mà để giữ mọi người lại bên trong.
Khi thế hệ của tôi lớn lên, bài toán
chia thật đơn giản: chỉ có “bọn họ” và “chúng tôi”. Đó là một thế giới hai cực,
tương đối dễ hiểu. “Họ” sống đằng sau “Bức màn sắt” trong một vùng đất xa lạ
nơi nếu một công dân muốn đi từ thành phố này sang thành phố khác - lấy ví dụ,
từ St. Petersburg tới Moscow - họ phải xin phép.
Ngày nay hầu hết dân châu Âu coi ý tưởng
tự do đi lại là chuyện đương nhiên. Nhưng cách đây chưa lâu, đi xuyên qua lục địa
là điều bị giới hạn nghiêm ngặt. Trong Chiến tranh lạnh, để vượt qua những đường
biên giới ở Tây Âu, bạn phải có hộ chiếu, nhưng đó là chuyện thường tình. Vượt
qua Bức màn sắt vào Đông Âu, hồi đó, đòi hỏi phải có hộ chiếu, thủ tục giấy tờ
và kiểm tra an ninh, và được thực hiện với ý thức rằng mỗi chuyển động của bạn
đều sẽ bị theo dõi. Bức màn sắt và bức tường Berlin là những lời nhắc nhở hữu
hình nghiêm khắc rằng một châu lục với lịch sử chung, những nền văn hóa liên kết
nội tại và những tuyến đường thương mại lâu đời đã bị chia cắt hoàn toàn bởi ý
thức hệ và chính trị của các siêu cường.
Sau Thế chiến II, khi những người thắng
trận cộng sản và tư bản đánh giá nhau dọc theo sự chia rẽ mới này, hệ thống
kinh tế Liên Xô đã nhanh chóng làm các công dân của nó thất vọng. Chỉ cần nhìn
ra cửa sổ hay sang bên kia đường, người dân bình thường ở phía đông có thể thấy
công cuộc tái thiết thành công ngoạn mục của Tây Đức. Truyền hình Tây Đức phủ
sóng gần như toàn bộ Đông Đức, mang theo những hình ảnh về một xã hội tiêu dùng
đang sinh sôi nảy nở vào từng căn nhà người dân bình thường. Dân Đông Đức thậm
chí nói đùa rằng những vùng xa nhất về phía đông, ngoài tầm với của sóng vô tuyến
Tây Đức, là vùng “Thung lũng không ai biết gì”. Mỗi ngày mà người dân có thể chứng
kiến sự tiến bộ đều là một đòn giáng mạnh vào ý tưởng rằng hệ thống Liên Xô là
ưu việt. Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức cầm quyền đã tự hào vào năm 1958
rằng nhiệm vụ chủ yếu của họ là vượt qua Tây Đức trong tiêu thụ hàng tiêu dùng
trong vòng hai năm. Điều này không xảy ra, nhưng Liên bang Xô Viết quả đã dẫn
trước trong cuộc đua lên vũ trụ, một câu giễu nhại phổ biến ở Đông Đức với khẩu
hiệu cộng sản của thời bấy giờ là, “Ohne Butter, ohne Sahne, auf dem Mond die
rote Fahne” (“Không có bơ, không có kem, nhưng trên mặt trăng cờ đỏ bay phần phật”).
Trước khi bức tường mọc lên, rất nhiều
người Đông Berlin đã lựa chọn di cư sang vùng phía tây, để làm việc hoặc để sống
lâu dài, tới mức nền kinh tế Đông Đức rơi vào tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng.
Khoảng hai triệu người đã bỏ phiếu bằng chân trong thập niên trước đó, và dòng
người tiếp tục tăng lên. Từ tháng Một năm 1960 tới cuối tháng Bảy năm 1961,
thêm 330.000 người nữa đã di chuyển sang phía tây. Đông Đức đang đánh mất lực
lượng lao động và sự khả tín của họ.
Vào nửa đêm ngày 13 tháng Tám, với sự
chấp thuận của Moscow, quân đội Đông Đức bắt đầu xây tường ngăn cách để chia
đôi một trong những thành phố thủ đô lớn nhất thế giới. Nhà chức trách ở một
phía gọi đó là Antifaschistischer Schutzumall (tường thành bảo
vệ chống phát xít), những người ở phía bên kia gọi đó là “bức tường tủi hổ”.
Trong vài năm đầu nó chỉ gồm vài vạt tường, và chủ yếu là những con phố bị ngăn
lại, những cửa sổ bị che lại và những dãy hàng rào dây thép gai. Nhưng trong một
thập niên, một bức tường bê tông đã mọc lên với những tháp canh, boong ke, hàng
rào điện, chó nghiệp vụ, các khu vực nổ súng tự động và hàng trăm lính gác vũ
trang.
Ở phần phía đông, người ta bị cấm lại
gần bức tường, nhưng bên phía tây ta có thể đi tới những con đường kết thúc nơi
bức tường được xây và chạm vào sự điên rồ logic của việc chia rẽ dân tộc Đức và
các dân tộc châu Âu. Ở phía này, sự hài hước đen của những năm chiến tranh lạnh
có thể được vẽ lại bằng cách phun sơn lên tường. Tôi nhớ hai ví dụ những bức vẽ
trên tường, đều bằng tiếng Anh: “Hãy nhảy qua bức tường và vào đảng”, và “Cảnh
cáo! Khu vực huấn luyện nhảy cao của Đông Đức”. Trên thực tế không ai nhảy qua
được bức tường, nhưng hàng chục nghìn người đã thử những cách khác để vượt biên
từ đông sang tây,và ít nhất 140 người đã bị giết trong nỗ lực đó, dù một số nhà
nghiên cứu cho rằng con số cao hơn nhiều. Những đường hầm có vẻ là con đường
thoát rõ ràng nhất, nhưng còn có những nỗ lực đáng nhớ và thành công khác.
Chỉ bốn tháng sau khi bức tường mọc
lên, tài xế xe lửa hai mươi tám tuổi Harry Deterling đã hướng chuyến xe lửa chở
khách anh đang lái vào bức tường, tăng tốc lực và lao qua nó. Không hề ngẫu
nhiên khi sáu thành viên gia đình anh có mặt trong số hành khách. Hai năm sau,
Horst Klein, một nghệ sĩ nhào lộn, để ý thấy có một dây thép không sử dụng vắt
qua đường biên giới. Ở độ cao hơn 18 mét phía trên các lính gác tuần tra bên dưới,
anh dùng tay đu từng chút một sang Tây Berlin. Có lẽ cuộc đào thoát táo bạo và
thông minh nhất là vào năm 1979. Hans Strelczyk và Gunter Wetzel sử dụng kiến
thức cơ khí của họ để chế tạo một hệ thống khí cầu hơi nóng thô sơ sử dụng xi
lanh propane. Vợ họ đã làm khí cầu bằng vải toan và khăn trải giường. Tập hợp bốn
đứa con lại (và đã thử trước hướng gió), họ bay lên độ cao hơn 2.400 mét và vài
dặm sang phía tây để đến với tự do.
Dẫu vậy, bức tường, tính theo lý do tồn
tại của nó, có thể được gọi là một thành công. Không thể biết bao nhiêu người
đã vượt biên thành công, nhưng ước tính con số đó chỉ vào khoảng 5.000; cuộc ra
đi hàng loạt đã bị chặn lại. Nền kinh tế Đông Đức bắt đầu ổn định sau khi lực
lượng lao động của họ đã bị cầm tù, và vào giữa những năm 1960, nhà nước đã kiểm
soát được thương mại và tiền tệ của nó và có thể vận hành nó, cùng với phần còn
lại của các nhà nước chư hầu của đế quốc Nga.
Tuy nhiên, dân Đông Đức đã không có lựa
chọn, và hầu hết họ biết điều đó. Họ mắc kẹt đằng sau một bức tường đã giam hãm
về mặt thể chất và tinh thần một vài thế hệ. Không lâu sau khi nó mọc lên, các
nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần bắt đầu sử dụng cụm từ “căn bệnh bức tường” (Mauerkrankheit).
Theo lý thuyết, ranh giới đó đã tạo ra một hội chứng trong đó một số người nghĩ
họ bị giam cầm, điều tới lượt nó dẫn tới những rối loạn tâm lý và hành vi như
tâm thần phân liệt, nghiện rượu, trầm cảm và thậm chí là tự sát. Nhà phân tâm học
người Thụy Sĩ Carl Jung[2] có quan điểm rộng hơn, lập luận
rằng Bức màn sắt có nghĩa là châu Âu nói chung đã “bị phân
tách như một người loạn thần kinh”. Tất nhiên, đằng nào cũng có một mức độ bệnh
tật tâm thần trong dân chúng, nhưng cũng khó tin được rằng bức tường không có
vai trò gì.
Bản đồ châu Âu thời Chiến tranh lạnh
(1947–89) bị chia cắt bởi Bức màn sắt.
Các nước
thuộc khối Warszawa ở phía đông của Bức màn sắt được tô màu đỏ. Thành
viên khối NATO về phía bên trái được tô màu xanh. Các nước trung lập
về quân sự được tô màu xám. Nam Tư (tô xanh lá), dù là một nước cộng sản,
vẫn độc lập với Khối phía đông. Tương tự, nước Albania cộng sản mâu thuẫn với Liên Xô vào đầu thập niên 1960, và nghiêng về phía Trung
Quốc sau khi Trung-Xô chia rẽ.
Với những người chúng tôi ở phương
Tây, phương Đông là “phía bên kia” - đằng sau Bức màn sắt. Một vài thế hệ những
nhà tư duy và học giả tin rằng hệ thống của Đông Đức ưu việt hơn so với ở
phương Tây cả về kinh tế và đạo đức. Khi điều rõ rành rành hiện ra với họ vào
năm 1989, đã thật khó, và vẫn còn khó, để một số người thừa nhận rằng lòng tin
cả một đời người là dựa trên đống đổ nát của một hệ thống nhà tù khổng lồ. Với
phần còn lại chúng tôi, chúng tôi không đi “xe lửa liên vận” trong các kỳ nghỉ
hè để thăm Budapest, Dresden và Warsaw[3], hay có các chuyến thăm cuối tuần tới
Prague hay Tallinn. Hầu hết chúng tôi ở độ tuổi ba mươi trước khi chúng tôi gặp
bất kỳ ai từ “phía bên kia” vì thật khó tới được đó - và gần như là bất khả để
họ tới được “đây”. Nhiều người đằng sau Bức màn sắt sống trong một hệ thống mà
họ cần giấy phép mới được đi từ thành phố này sang thành phố khác ngay trong nước
họ, chứ đừng nói vượt qua biên giới quốc tế sang phương Tây. Trong hai mươi tám
năm, mọi chuyện cứ như thế. Và rồi bỗng nhiên, nó không như thế nữa.
Vào năm 1985, Mikhail Gorbachev đã trở
thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ từ ông bắt đầu nới lỏng những xiềng
xích với đời sống người dân. Từ “perestroika” bắt đầu được sử dụng, có nghĩa là
“tái cấu trúc”, nhưng cũng ngụ ý “lắng nghe”. Trong khuôn khổ này là ý tưởng-glasnost”,
hay mở cửa. Theo hàng nghìn cách nhỏ lẻ, xã hội và chính trị mở ra và mọi người
lắng nghe nhau. Tới cuối mùa xuân năm 1989, ý tưởng đó đã lan rộng tới mức
Hungary, đằng sau Bức màn sắt, bắt đầu dỡ bỏ một phần hàng rào biên giới của họ
với Áo. Mùa hè đó, hàng nghìn người Đông Đức đã quyết định đi nghỉ hè ở
Hungary.
Tới tháng Tám, hàng trăm gia đình Đông
Đức đã cắm trại ngay bên ngoài lãnh sự quán Tây Đức ở Budapest, và hàng trăm
gia đình nữa đã tị nạn ở sân Nhà thờ Gia đình Thánh linh, tất cả dưới cặp mắt
theo dõi của các sĩ quan Cơ quan Mật vụ Đông Đức - Stasi. Tin đồn lan đi về một
cuộc “picnic toàn châu Âu” sẽ được tổ chức ở biên giới với Áo, và người dân bỗng
nhiên di chuyển. Tới cuối buổi chiều ngày 19 tháng Tám, hàng trăm người đã tập
hợp gần một cánh cửa gỗ, hàng chục người nữa đi về phía đó, và rồi hàng trăm
người thực sự chạy qua lỗ hổng, một số người khóc vì vui mừng, một số người cười
to, và một số người đơn giản là tiếp tục chạy, không thể tin được là họ đã thực
sự băng qua biên giới. Ba tuần sau, Hungary mở cửa hoàn toàn các điểm cửa khẩu
và 60.000 người đã tràn qua. Thủ tướng Đức, Helmut Kohl, sau này nói, “Chính ở
Hungary, hòn đá đầu tiên đã được dỡ khỏi bức tường Berlin.”
Vào mùa thu, đã có những cuộc biểu
tình chống chính phủ quy mô lớn ở Đông Đức. Vào tháng Mười, nhà lãnh đạo bị căm
ghét Erich Honecker từ chức và bị thay thế bởi nhân vật chỉ ít bị ghét hơn một
chút Egon Krenz. Không có sự hướng dẫn từ những ông chủ Nga, bộ chính trị đã ra
quyết định chính sách một cách hấp tấp. Họ quyết định để dân Đông Berlin đăng
ký thị thực du lịch để sang thăm Tây Đức. Đó là một quy trình hẳn có thể quản
lý được, và nhà chức trách cộng sản hẳn có thể kéo dài thời gian và tính toán
những cách kiểm soát tình hình, nhưng một trong những chi tiết nhỏ có khả năng
thay đổi lịch sử đã diễn ra. Người chịu trách nhiệm tuyên bố quyết định về thị
thực vào ngày 9 tháng Mười một là Bộ trưởng Tuyên truyền, Günter Schabowski.
Ông vừa đi nghỉ về, đã không tham dự cuộc họp quyết định chính sách đó, và
không biết gì về những chi tiết của quy trình, vốn bao gồm thông báo với các tư
lệnh biên phòng vào ngày hôm sau để họ có thể theo lệnh. Khi ông được hỏi “Bao
giờ các quy định mới bắt đầu?” ông lưỡng lự, rồi đáp,“Theo tôi biết thì ngay lập
tức, ngay bây giờ.” Đã có hàng nghìn người Đông Berlin ở bức tường lúc đó rồi;
trong vài giờ, đã có hàng chục nghìn người ở cả hai phía.
Ban đầu các lính gác Đông Đức không
cho ai qua hết, nhưng rồi, giữa những bối rối, họ đóng mộc cho vài hộ chiếu và
rồi lùi lại để cho đám đông lao lên. Những khung cảnh này, mà một năm trước
không ai đoán được, thật đáng kinh ngạc. Người Tây và Đông Đức ôm chầm lấy
nhau, những chai sâm panh được bật, và những “kẻ đục tường”, những người Đông
và Tây Đức bình thường, trèo lên trên bức tường với cây đục, búa và rìu, và bắt
đầu san phẳng ranh giới lớn đó. Từ được dùng cho buổi tối đó là wahnsinnig -
sững sờ.
Đó là một ngày cuồng loạn, đầy cảm xúc
cho mọi người dân châu Âu. Tôi đang sống ở Paris lúc đó và khoảng ba mươi sáu
tiếng sau đã thấy một chiếc xe Trabant Đông Berlin mòn vẹt, với bốn người Đông
Berlin trẻ tuổi trong đó, ì ạch trên đại lộ Champs-Élysées. Với đường biên giới
đã mở, họ quyết định điều đầu tiên họ muốn thấy là Kinh đô Ánh sáng, và đã lái
xe gần như không nghỉ để tới đó. Suốt dọc đại lộ lớn đó, dân Paris ngừng lại để
hoan hô những láng giềng người Đức của họ và cả một thời đại mới.
Hai nước Đức đã thống nhất về mặt
chính trị vào năm 1990, sau 45 năm chia cắt. Vào năm 1989, Willy Brandt, cựu Thủ
tướng Tây Đức, đã nói: “Giờ những gì thuộc về nhau sẽ tăng trưởng cùng nhau.”
Câu đó được cho là để chỉ nước Đức, dù thực ra ông đang nói về châu Âu nói
chung.
Vậy là một nước Đức thống nhất ư? Một châu
Âu thống nhất ư? Tới một mức độ nào đó thì đúng vậy. Vẫn còn sự chia cắt mà những
cây đục và búa không thể phá hủy được - “bức tường trong đầu”. Bức tường đó
không chỉ ngăn mọi người đi lại, nó đã tạo ra những hố sâu - về kinh tế, chính
trị và xã hội - những hố sâu sẽ tỏ ra còn khó vượt qua hơn đường ranh vật chất.
Vậy là, sau những giọt nước mắt vui mừng và những tuyên bố về tình anh em, chặng
đường tái thống nhất gian khó bắt đầu. Đây không phải là sự sáp nhập của những
quốc gia bình đẳng. Vào năm 1990, Đông Đức có dân số 16,1 triệu người, Tây Đức
63,7 triệu, và nền kinh tế Tây Đức lớn hơn nhiều so với Đông Đức. Hệ thống dân
chủ tư bản của phương tây bắt đầu hủy diệt cỗ máy Cộng sản được trang bị sự ủy
nhiệm qua những cuộc bầu cử thống nhất, trong đó Đảng Cộng sản cũ ở Đông Đức bị
đè bẹp.
Tất cả những nước lớn đều có khác biệt
về văn hóa vùng miền, nhưng đây là một nước lớn trong đó người dân không hề có
liên hệ gì với nhau và sống dưới những hệ thống khác nhau. Lấy ví dụ, ở Tây Đức,
lòng tin vào Chúa và việc đi lễ nhà thờ đang giảm từ từ, trong khi ở Đông Đức,
nó đã trở thành một di tích quá khứ. Người Đông Đức có thể chối bỏ chủ nghĩa cộng
sản, nhưng điều đó không có nghĩa là họ được chuẩn bị cho những khía cạnh khắc
nghiệt hơn, ích kỷ hơn của chủ nghĩa tư bản. Ở phía bên kia, nhiều người Tây Đức
có thể chào đón sự thống nhất, nhưng nhanh chóng bắt đầu kêu ca về phí tổn tài
chính của việc hấp thu một nền kinh tế thất bại và một dân chúng cần được “giáo
dục lại” những cách thức của thế giới hiện đại.
Tất cả cô đặc lại thành một phiên bản
Đức “chúng ta và bọn họ” - Ossis (dân miền Đông) và Wessis (dân miền Tây). Các
cuộc thăm dò ý kiến vào năm 2004 thấy rằng cứ tám người Đông Đức thì một người
hoài nhớ những ngày cũ trước khi bức tường sụp đổ, và vào năm 1999, nhiều người
Đông Đức vẫn nói về cảm giác bị sĩ nhục vì mất việc làm, vì những chương trình
tái đào tạo bắt buộc và những khó khăn của họ trong việc hòa nhập với hệ thống
và nền văn hóa tiêu dùng mới. Thậm chí vào năm 2015, một nghiên cứu của Viện
Dân số và Phát triển Berlin kết luận rằng ít nhất một nửa người Đức vẫn cảm thấy
sự khác biệt về cả khía cạnh kinh tế và văn hóa. Những khu vực miền đông vẫn
còn được gọi là “những bang mới”, vốn là một lời nhắc nhở rằng với một số người,
Đông Đức gia nhập Tây Đức, chứ không phải hai thực thể nhất trí hợp nhất với
nhau.
Bất chấp khoản đầu tư hơn hai nghìn tỉ
đô la Mỹ, các vùng miền đông vẫn nghèo hơn miền tây, và vào cuối năm 2017, tỷ lệ
thất nghiệp là 12% trăm, gấp đôi so với miền tây. Đó không phải là một câu chuyện
thất bại: vùng này đã trở nên giàu có và hiệu quả hơn nhiều so với trước kia -
Dresden, Leipzig và các thành phố khác đang phát triển, mức sống đã tăng lên -
nhưng hơn một phần tư thế kỷ sau khi thống nhất, sự chia rẽ vẫn còn. Trong hai
mươi thành phố phồn thịnh nhất của nước Đức, Jena là thành phố duy nhất ở miền
đông vào được danh sách. Điều đó không chỉ vì lương ở Đông Đức thấp hơn; mà
cũng bởi, do hệ thống cộng sản, tỷ lệ sở hữu bất động sản rất thấp. Khi thống
nhất, mọi khoản tiết kiệm người dân có được chuyển đổi với tỷ giá hai mark Đông
Đức sang một mark Tây Đức.
Vào năm 2010, các nhà xã hội học ở Đại
học Bielefeld thấy rằng bất chấp bao gồm khoảng 20% dân số, không tới 5% những
người mà họ xác định là “tinh hoa” trong chính trị, kinh doanh và truyền thông
là người Đông Đức, mặc dù trình độ giáo dục ở đó cao hơn, nhất là toán và khoa
học - một phần nhờ vào mức đầu tư cao vào các trường học kể từ khi thống nhất.
Khoảng cách về giáo dục đó bản thân nó có nghĩa là những người sáng láng nhất từ
các vùng miền đông sang miền tây để tìm những việc làm được trả lương cao nhất.
Với việc phụ nữ đạt được trình độ giáo dục cao hơn nam giới, tỷ lệ phụ nữ trẻ
so với nam giới đã giảm xuống ở Đông Đức, đồng thời tỷ lệ sinh ở đó cũng giảm.
Mối quan hệ lâu dài và hôn nhân giữa người Đông và Tây Đức một thời là khác thường,
nhưng giờ đã bắt đầu xuất hiện. Dẫu vậy, đa số mối quan hệ này là giữa đàn ông
miền tây và phụ nữ miền đông; việc các quan hệ đó còn lâu mới là bình thường được
thể hiện qua biệt danh cho một cặp Ossi/Wessi - “Wossis”. Tất cả những điều đó
đã góp phần vào dân số suy giảm ở miền đông nước Đức, dù tỷ lệ đó đã chậm lại.
Một số tin tức cho rằng sự suy giảm đã ngưng lại, một phần nhờ vào thành công của
những thành phố như Dresden và Leipzig (“thành phố ngầu nhất nước Đức”), mặc dù
điều này diễn ra với cái giá là những người trẻ đổ xô ra từ vùng nông thôn.
Cũng có những khác biệt vùng miền về
văn hóa: cả thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng đều có vai trò trong bản sắc Đức hậu
thống nhất. Hai mươi lăm năm trước, người Đông Đức đã tràn vào những cửa hàng
bán quần jean Levi’s, máy quay video và sô cô la chất lượng cao. Nhưng việc
tiêu thụ các sản phẩm “mới” một lần nữa nhấn mạnh sự thống trị của miền tây
trong mối quan hệ chung mới. Rất ít sản phẩm Đông Đức vào được các siêu thị ở
Tây Đức, và chiếc xe hơi ì ạch, phì phò“Trabbie” trở thành đề tài cho chuyện tiếu
lâm khắp châu Âu. Những trò đùa về xe Trabant giờ đã biến mất (cũng như nhiều
nhà máy sản xuất hàng hóa miền đông cũ), và những khác biệt văn hóa và vùng miền
trở nên ít tính chính trị hơn khi năm tháng trôi đi, nhưng ngay cả vào năm
2010, báo chí vẫn ồn ào khi Thủ tướng Merkel, một Ossi, được hỏi về đồ ăn bà
thích nhất và đã chọn một loại xúp thịt và dưa muối Đông Đức có gốc Nga tên là
solyanka. Qua thời gian, những đồ ăn bản xứ như solyanka và dưa chuột Spreewald
sẽ đơn giản trở thành một yếu tố của bản sắc ẩm thực vùng miền, và sẽ không còn
những âm vang chính trị gắn với nó. Sẽ không còn sự trở lại khi những màu sắc Ostalgie (một
sự pha trộn giữa hai từ “hoài niệm” và “phương Đông” [4] phai nhạt.
Những chia rẽ ở nước Đức hiện đại còn
lâu mới gay gắt như đã từng trong chiến tranh lạnh, và một số là do các yếu tố
trước khi có sự chia rẽ cộng sản/tư bản. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy được những
đường nét của bức tường và Bức màn sắt - và có thể cảm nhận những điều đó. Ta
có thể thấy những tàn tích vật chất dọc theo đường Bernauer Strasse, ở đường
Niederkirchnerstrasse, cạnh Bundestag, tòa nhà quốc hội ở Berlin, và ở Bảo tàng
Bức tường nằm tại nơi từng là chốt kiểm soát Charlie. Ở khu chợ cóc, ta thậm
chí có thể mua được một mảng tường “được đục ra từ bức tường vào buổi tối nổi
tiếng năm 1989 đó”, dù khả năng nó là mảng tường thật rất thấp, bởi số lượng mảng
tường bán ra, nếu đúng là thật, đã biến bức tường đó thành một trong những kiến
trúc lớn nhất thế giới từng được dựng lên. Dẫu thế nào, ta vẫn có thể đưa về
nhà một biểu tượng xám xịt bé nhỏ của lịch sử, của những đau thương con người,
của sự chia rẽ chính trị tối thượng trong thế kỷ 20 đã chia rẽ châu Âu theo
cách có vẻ không thể tưởng tượng được với nhiều người ngày nay.
* * *
Lẽ ra phải tràn đầy niềm vui và tình
yêu sau khi bức tường Berlin sụp đổ, và chúng ta đã cảm thấy được thống nhất thực
sự. Cảm giác đó giờ đang mờ nhạt đi - thật nhanh chóng.
Sau khi bức tường sụp đổ, mọi thứ thay
đổi nhanh chóng. Khi dân Đông Âu gia nhập trở lại và nước Đức được thống nhất,
sự nhất trí chính trị là tương lai thuộc về một châu Âu thống nhất, không biên
giới với một đồng tiền chung duy nhất, trong đó quốc gia nhà nước sẽ dần tàn lụi.
Liên bang EU[5] này sẽ tương tác với các khối lớn khác trong
một thế giới toàn cầu hóa ngự trị bởi những hiệp định thương mại lớn. Con người,
hàng hóa, dịch vụ và tiền bạc đều sẽ có thể di chuyển tự do giữa các quốc gia
thành viên.
Những người cha sáng lập của EU đã
giúp tái thiết một châu Âu tan hoang và chia rẽ sau Thế chiến II, dựa trên việc
khôi phục sự thịnh vượng ở các quốc gia nhà nước trong một khu vực thương mại
chung, mà vì vậy ban đầu được gọi là Cộng đồng Kinh tế châu Âu. Những hậu bối của
họ đón nhận tầm nhìn rằng các nhà nước châu Âu có thể được xây dựng thành một
quốc gia duy nhất gắn kết với nhau bởi ý thức hệ. Đó là một khao khát cao cả có
nguồn gốc từ mong muốn chấm dứt 2.000 năm các bộ lạc châu Âu đã chinh chiến
liên tục với nhau. Vào những năm 1990, Nam Tư phát hiện muộn màng rằng họ đã
không dập được những mồi lửa của chủ nghĩa dân tộc Balkan dưới tấm khăn phủ chủ
nghĩa xã hội Slav và chứng kiến cả đất nước bị thiêu trụi, những ai tìm kiếm một
siêu nhà nước châu Âu coi Nam Tư là bằng chứng chính xác cho lý do dự án EU phải
thành công. Tuy nhiên, hàng loạt các chi tiết nhỏ và một vài yếu tố quy mô lớn,
tác động lớn đã cho thấy những vấn đề trong hệ thống đó.
Khi cộng đồng các quốc gia nhà nước
này bắt đầu biến đổi thành một liên minh các nhà nước thành viên vào những năm
1980, ngày càng nhiều quyền lực được chuyển cho Brussels trong một sự thoái lui
của chủ quyền mà không phải ai cũng ủng hộ. Qua năm tháng, các quốc gia đã kêu
gọi độc lập nhiều hơn và khả năng ra quyết định vì lợi ích tốt nhất của người
dân nước họ về ngân sách, pháp luật, các quy định thương mại, vân vân. Họ không
muốn bị chỉ đạo bởi một quyền lực tập trung ở Brussels. Và những chỉ thị từ EU
sau đó đã dẫn tới các vấn đề kinh tế nghiêm trọng ở một số nước. Đạo luật châu
Âu duy nhất vào năm 1986 thiết lập một thị trường duy nhất, và một đồng tiền
duy nhất, đồng euro, được hình thành năm 1999. Tuy nhiên, đã không có một chính
sách tài khóa hay tài chính duy nhất đồng thời, cũng không có sự linh hoạt
trong hệ thống đồng euro để hấp thu những cú sốc tài chính khu vực. Vào thời tốt
lành, người ta ít có xu hướng nghi ngờ sự khôn ngoan của việc tạo ra hệ thống
phụ thuộc vào nhau này. Tuy nhiên hiện giờ, đồng euro đôi khi gặp khó khăn
trong việc đứng vững trên các thị trường thế giới, và có thể biến động một cách
đáng báo động, khó có thể là một yếu tố hấp dẫn với những ứng viên xin gia nhập
EU; và đã có những kẻ chiến thắng và thất bại về mặt tài chính. Hy Lạp chẳng hạn,
gánh chịu tình trạng thất nghiệp kinh khủng ở người trẻ, một phần vì những
chính sách kinh tế áp đặt lên họ từ Berlin và Brussels.
EU cũng đối mặt với thách thức đoàn kết
Đông và Tây Âu, sau khi mở rộng vào năm 2004 để kết nạp một số nước Đông Âu. Tự
do đi lại là một trong những lý tưởng của EU, cho người châu Âu quyền được sống,
làm việc và đi lại khắp các nước thành viên. Ý đồ là để vừa tạo điều kiện cho sự
tăng trưởng khắp châu Âu, vừa khuyến khích sự hội nhập dân chúng châu Âu. Đó là
một lý tưởng nhiều người đón nhận, việc đi lại khắp châu lục vốn là bất khả chỉ
vài thập niên trước, nhất là tới những nơi trước đó nằm sau Bức màn sắt. Theo một
số cách, điều đó làm giảm cảm nhận về “kẻ khác” vốn đã lan rộng trong thời chiến
tranh lạnh. Nhưng giống như nước Đức đã trải qua một tác động lâu dài từ bức tường
Berlin, vẫn có nhiều khác biệt giữa Tây và Đông. Các nước như Hungary, Ba Lan
và Bulgaria đã phải chịu những hạn chế đi lại và sự mất quyền lợi kinh tế giống
như Đông Đức, và nền kinh tế của họ bị đảo lộn nghiêm trọng vì sự sụp đổ của
Liên bang Xô Viết. Dẫu có tiến bộ, nhưng nhiều nước nghèo nhất EU là những nước
một thời thuộc khối Đông Âu.
Liên Minh châu Âu đã mở rộng hơn kể từ
ngày đầu thành lập.
Khi các quốc gia phía đông được tích hợp
vào EU, GDP đầu người ở những nước như Anh và Pháp cao gấp gần sáu lần so với ở
Ba Lan. Bất chấp điều đó, nhiều người trong giới chính trị ở các nước Tây Âu
đánh giá thấp một cách nghiêm trọng việc bao nhiêu người có thể sang phương tây
để tìm việc làm và không được chuẩn bị khi vài triệu người đã làm thế. Có một
thực tế kinh tế là họ cần người lao động nhập cư, và thường là cho những công
việc mà một số dân bản địa không chịu làm. Tuy nhiên, logic kinh tế học chắc nịch
đó không phải lúc nào cũng hiệu quả khi thuyết phục một thợ nước, một thợ xây
hay một tài xế taxi người Pháp, Hà Lan hay Anh về lợi ích với đất nước của lao
động nhập cư khi họ phải cạnh tranh với những người mới tới để có việc làm, nhà
ở và chăm sóc y tế. Khi quá nhiều di dân kinh tế bắt đầu di chuyển từ những nước
nghèo ở châu Âu sang các nước giàu, người ta bắt đầu kêu ca về dòng lao động nhập
cư Đông Âu và nghi ngờ lợi ích của việc tự do đi lại. Có thể cảm thấy điều này
mạnh nhất ở Anh với sự vươn lên của UKIP[6], và cuối cùng đã góp phần vào cuộc bỏ
phiếu Brexit.
Thêm vào sự bất mãn gia tăng đó là cuộc
khủng hoảng tài chính năm 2008 và những cắt giảm tiếp nối của chính phủ với chi
tiêu và đầu tư xã hội khắp Liên minh. Trong khi các ngân hàng đang suy sụp, người
dân đóng thuế ở mỗi quốc gia nhà nước phải dọn dẹp đống hỗn loạn. Với tỷ lệ thất
nghiệp tăng cao và nhập cư tăng lên qua một vùng không còn biên giới, những điểm
yếu của hệ thống bắt đầu lộ ra. Các nước Scandinavia đã gặp nhau để thảo luận về
khả năng một Liên minh Phương Bắc trong trường hợp EU sụp đổ. Nhóm Visegrad
(Slovakia, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Hungary) đang ngày càng trở thành một mặt
trận thống nhất chống lại Brussels. “Nỗ lực” cho “Một châu Âu” bị thách thức bởi
Brexit, bởi những phong trào ly khai ở Scotland, Bỉ, Ý và Tây Ban Nha, và bởi sự
nổi lên của các đảng nghi ngờ châu Âu ở gần như tất cả các nước. Giai đoạn cuối
năm 2017 với cuộc khủng hoảng ở Catalonia khiến điều này được chú ý rất nhiều,
nhấn mạnh những căng thẳng hiện hữu khi có một vài dân tộc ở trong một nhà nước.
Ý tưởng “Một châu Âu” vẫn còn nhiều
người ủng hộ. Người nổi bật nhất trong số đó là Tổng thống Macron của Pháp, người
đã vạch ra kế hoạch để trao lại nhiều chủ quyền hạn trong EU và quan trọng là đề
xuất một vị bộ trưởng tài chính cho tất cả các nước. Ông Macron có vẻ nghĩ rằng
vị trí “Người lãnh đạo thế giới tự do” đang trống chỗ và đặt mình vào vị thế
đó, nhất là sau thành tích nghèo nàn của Thủ tướng Merkel trong cuộc bầu cử năm
2017. Tuy nhiên, với những người khác, giấc mơ châu Âu của ông là một cơn ác mộng.
Chỉ vài nước là nghe theo những ý tưởng của ông, và ngay cả Đức cũng thận trọng
bởi họ lo lắng sẽ phải chi trả cho mọi vấn đề kinh tế trước mắt.
Những người tin tưởng thật sự sẽ ủng hộ
dự án châu Âu dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, những người dân tộc chủ nghĩa hăng
hái sẽ luôn chống lại nó, nhưng những người theo thuyết bất khả tri sẽ chỉ ủng
hộ nó nếu nó có lợi cho họ - và những bộ phận rộng lớn các cử tri châu Âu bắt đầu
cảm thấy rằng nó không còn tác dụng nữa. Không có sự phồn thịnh về kinh tế để gắn
kết họ, và với sự ủng hộ suy giảm cho một hệ thống thất bại, mức độ chủ nghĩa
dân tộc tăng lên không còn có thể bị đè nén hay phớt lờ nữa.
EU chưa bao giờ thực sự thành công
trong việc thay thế quốc gia nhà nước trong trái tim hầu hết người châu Âu. Có
thể tranh luận rằng những người sáng lập nó đã hành động quá nhanh, quá kiêu ngạo,
khi tin rằng việc tạo ra châu Âu sẽ dẫn tới một dân chúng với bản sắc châu Âu
trên hết, còn quốc gia nhà nước đứng thứ hai. Vào năm 1861, một trong những người
tiên phong của công cuộc thống nhất nước Ý, Massimo d’Azeglio, đã nói, “Chúng
ta đã tạo ra nước Ý; giờ chúng ta phải tạo ra người Ý.” Ngay cả điều đó cũng đầy
thách thức, và trên một số khía cạnh vẫn là điều đang diễn ra, điều này đúng
ngay cả ở nơi mà các vùng đã có một tôn giáo, lịch sử và, ở mức độ nào đó, địa
lý chung. Để tạo ra EU và khu vực dùng đồng euro và rồi bắt tay vào tạo ra người
châu Âu là một dự án tuyệt đối khó khăn hơn, trong đó những mối bận tâm, nhu cầu
và ưu tiên rất khác nhau của Phần Lan và Hungary phải chen chúc với những thứ
đó của Hy Lạp và Bồ Đào Nha.
Nhiều học giả thích tranh luận rằng chủ
nghĩa dân tộc là một “cấu trúc sai lạc” vì nó dựa trên “những cộng đồng tưởng
tượng”, nhưng chẳng có gì sai lạc về cảm xúc của con người liên quan tới bản sắc
dân tộc của họ, và “tưởng tượng” không có nghĩa là không tồn tại. Người
Palestine chẳng hạn, qua ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa, đã phát triển một cảm
nhận về bản sắc mạnh mẽ và như thể tin tưởng rằng họ là một dân tộc, và là một
dân tộc xứng đáng có một nhà nước. Ít học giả thách thức diễn giải đó, vậy mà về
mặt học thuật, họ lại tiếp tục lập luận rằng chủ nghĩa dân tộc đã lỗi thời, thậm
chí là sơ khai. Về vấn đề sau họ có thể đúng, nhưng phớt lờ thực tế của chủ
nghĩa dân tộc, vốn có thể thấy trên toàn thế giới, là ngớ ngẩn. Một số học giả,
nhà trí thức và những bộ phận truyền thông, doanh nghiệp và chính trị coi họ là
đã được giải phóng khỏi chủ nghĩa dân tộc. Vào năm 2016, chủ tịch Ủy ban châu
Âu, Jean-Claude Juncker, đã mô tả các đường biên giới quốc gia là “phát minh tồi
tệ nhất trong lịch sử”. Ông có thể có lý, nhưng lên án nó thẳng thừng không nhiều
khả năng giúp ông giành được sự chấp thuận của những người dân tộc chủ nghĩa với
ý tưởng của ông về một siêu nhà nước châu Âu.
Tầng lớp tinh hoa mới, mà ông Juncker
là một ví dụ điển hình, không có vẻ thực sự hiểu chủ nghĩa dân tộc và bác bỏ nó
quá nhanh. Như sử gia quá cố Tony Judt viết vào năm 1996, trong khi miễn cưỡng
lập luận rằng mối liên kết cứ mãi gần gũi hơn giữa người châu Âu là bất khả,
“Chúng ta nên công nhận thực tế các dân tộc và quốc gia, và xét đến loại rủi ro
mà khi bị phớt lờ sẽ trở thành nguồn gốc phiếu bầu cho những người theo chủ
nghĩa dân tộc độc hại.”
Đó là những gì đã xảy ra. Khi các quốc
gia trải qua thay đổi nhanh chóng vì nhập cư, những thái độ với người nhập cư
đã cứng rắn hơn, và sự ủng hộ cho các đảng dân tộc chủ nghĩa độc hại đã tăng
lên. Áp lực của thách thức mới nhất này, cùng với thực tế là EU đang vật lộn để
đoàn kết các thành viên của nó, những nước vốn vẫn đang giận dữ vì tác động của
cuộc khủng hoảng tài chính, đã làm trầm trọng thêm những rạn nứt vốn bắt đầu xuất
hiện trong tòa lâu đài EU từ Baltic tới Địa Trung Hải, và đang đe dọa giấc mơ
châu Âu. Những hàng rào, những bức tường và những sự chia rẽ giờ là một phần của
đời sống châu Âu.
Cuộc khủng hoảng nhập cư lớn dần từ
năm 2011, đạt tới đỉnh điểm vào năm 2015. Đầu tiên hầu hết các nhà lãnh đạo
châu Âu đều chào đón người nhập cư, nhưng vào lúc ngày càng nhiều người tị nạn
đổ sang, rõ ràng là EU không được chuẩn bị để đối phó với số lượng lớn như thế
- hơn một triệu người chỉ trong năm 2015 - và ngày càng nhiều người đang trở
nên ngày càng miễn cưỡng làm như thế. Khi thái độ bắt đầu thay đổi, những đường
biên giới nhất định trong EU bắt đầu siết chặt lại lần nữa, khi nhiều nước tìm
cách giành lại sự kiểm soát với số lượng người nhập cư vượt qua biên giới nước
họ.
Không liên quan tới cuộc khủng hoảng
nhập cư, một nước Nga trỗi dậy trở lại cũng đóng vai trò trong sự gia tăng của các
lằn ranh ở châu lục. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Ukraine bắt đầu xây dựng các
pháo đài phòng thủ dọc theo biên giới miền đông của họ. Vào năm 2015, Estonia
và Latvia bắt đầu xây lên những hàng rào ở biên giới của họ với Nga và vào năm
2017, Lithuania, vốn đã áp dụng lại chế độ nghĩa vụ quân sự vì những hành động
của Nga, làm theo. Cả ba nước biết việc các thành viên NATO đồng minh của họ bảo
vệ cho họ là khó khăn ra sao. Việc xây hàng rào không thật sự là một rào chắn vật
lý với một cuộc xâm lược từ Nga, một chiếc xe tăng đơn giản sẽ đi thẳng qua
chúng, nhưng sự phân định lãnh thổ là một phản ứng mang tính tâm lý với Moscow.
Nó nói rằng “chúng tôi đã sẵn sàng tự vệ” và khiến quân đội Nga đang tập trận
khó “vô tình” đi lạc vào một trong các nước Baltic này hơn.
Tất cả đều quan ngại về hành lang
Suwalki, còn được gọi là khoảng trống Suwalki. Đó là một dải đất rộng khoảng
hơn 100 kilômét ở Ba Lan kết nối vùng lãnh thổ tách rời của Nga, Kaliningrad, với
đồng minh của Moscow - Belarus. Quân đội Nga được phép đi qua Lithuania ở vùng
nằm dọc theo hành lang này để tiếp viện cho những căn cứ đáng sợ của họ ở
Kaliningrad. Trong tình huống có xung đột, Nga có thể dễ dàng khép chặt khoảng
trống đó và như thế cắt rời hoàn toàn các nước Baltic với các đồng minh NATO còn
lại của họ. Tình thế phức tạp bởi thực tế là vùng Suwalki từng một thời thuộc
Lithuania và những căng thẳng giữa Ba Lan và Lithuania vẫn còn. Tuy nhiên,
chính mối đe dọa được cảm nhận từ Nga mới giải thích tại sao nó trở thành một
trong những vùng biên giới nguy hiểm nhất và được phòng vệ nhiều nhất ở châu
Âu.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nhập cư là
lý do lớn khiến cho châu Âu giờ cũng có những ranh giới vật lý dọc theo các đường
biên giới quốc gia dài tương đương với thời chiến tranh lạnh. Tình hình đó bắt
đầu dọc theo chính những đường biên giới của EU. Đã có những hàng rào và bức tường
ở một vài chỗ, chẳng hạn như các vùng lãnh thổ tách rời của Tây Ban Nha nằm
trong Morocco là Melilla và Ceuta - một mẩu của châu Phi mà Tây Ban Nha giả vờ
là của Tây Ban Nha. Ở Melilla, như với nhiều rào chắn, hàng rào hai lớp cao khoảng
6 mét này thủng lỗ chỗ. Vào đầu năm 2018, ít nhất hai trăm người nhập cư châu
Phi đã tràn qua hàng rào, một số tuyệt vọng tới mức họ tấn công các sĩ quan cảnh
sát đang tìm cách ngăn họ lại. Phần lớn sau đó bị bắt và bị đưa tới một trung
tâm giam giữ người nhập cư, nhưng hàng nghìn người đã tới được Tây Ban Nha qua
đường này trong vài năm qua.
Một trong những rào chắn đầu tiên mọc
lên vào năm 2011 là một hàng rào có dây thép nhọn dọc theo biên giới Hy Lạp với
Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn người nhập cư và tị nạn từ vùng Trung Đông và châu Phi rộng
lớn hơn lọt vào. Tới năm 2015, Bulgaria tiếp bước.
Tuy nhiên, những ranh giới ở biên giới
tại các điểm vào này đã không ngăn được làn sóng mới người nhập cư tràn tới. Những
con đường nhập cư có xu hướng thay đổi - nhiều người lựa chọn con đường vượt biển
nguy hiểm từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp chẳng hạn - và dù một thỏa thuận năm 2016 giữa
EU và Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm việc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý nhận lại số lượng lớn những người
nhập cư này, nhiều người vẫn tìm được đường tới EU. Đáp lại, một số chốt kiểm
soát và hàng rào biên giới đã bắt đầu xuất hiện dọc theo biên giới giữa chính
các nước EU.
Hungary là một trong những nước đầu
tiên, hai mươi năm sau khi các hàng rào chiến tranh lạnh bị phá bỏ, những rào
chắn mới bắt đầu mọc lên. Họ bắt đầu xây một hàng rào, đầu tiên là dọc theo
biên giới với Serbia, rồi một hàng rào với Croatia, kết thúc với hơn 480
kilômét hàng rào dây thép nhọn nhằm ngăn chặn con người. Trong mùa hè năm 2015,
nhiều nghìn người nhập cư đã vượt biên vào Hungary mỗi ngày; tới năm 2017, con
số đó đã giảm xuống gần như bằng không. Chính quyền Hungary là một trong những
chính quyền lớn tiếng nhất chống nhập cư và chống các kế hoạch của EU hòng tái
định cư cho những người đó. Thủ tướng Viktor Orbán công bố tổ chức trưng cầu
dân ý vào năm 2016 về việc người Hungary có muốn EU có quyền chỉ đạo hạn ngạch
nhập cư hay không. Một đa số lớn bỏ phiếu đồng thuận với chính quyền, dù số cử
tri đi bỏ phiếu thấp. Dẫu vậy, đa số dân chúng quả có vẻ thông cảm với quan điểm
này: theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 76% người Hungary nghĩ
rằng người tị nạn sẽ làm tăng các biến cố khủng bố và 82% nhìn nhận họ là một
gánh nặng cho đất nước, lấy mất việc làm và phúc lợi xã hội. Chính quyền
Hungary tiếp tục thúc đẩy nghị trình của họ, đánh vào nỗi sợ của người dân với
những mối đe dọa từ nước ngoài và tập trung vào những mối đe dọa của nhập cư
liên quan tới khủng bố và sự lan ra của đạo Hồi, và siết chặt chính sách nhập cư
của họ hơn nữa. Dù Hungary đã bị chỉ trích nhiều vì thái độ và chính sách của họ
với người nhập cư, họ đã không bị EU áp các lệnh trừng phạt và Thủ tướng
Hungary vẫn rất được lòng dân; ông Orbán đã giành chiến thắng trong cuộc tổng
tuyển cử năm 2018 với một đa số phiếu rõ ràng nữa.
Còn có điều có vẻ là một sự chia rẽ về
văn hóa đang mở ra giữa các nước EU phía đông và phía tây. Như chúng ta đã thấy,
ở một số nước phía đông EU, dân chúng, và các chính trị gia họ bầu ra, hiện phản
đối nhập cư công khai hơn nhiều so với những người đồng cấp phương tây của họ.
Orbán chẳng hạn, đưa ra những tuyên bố chống nhập cư công khai ở mức đã có thể
chấm dứt sự nghiệp của một chính trị gia phương tây. Một trong những khác biệt
lớn nhất là nhiều chính trị gia cảnh hữu ở phía đông đặt cuộc tranh luận chính
trị về nhập cư trong bối cảnh văn hóa, chứ không phải kinh tế. Điều quen thuộc
là nghe họ tuyên bố rằng nước họ có nền văn hóa Kitô giáo, và bởi thế sẽ là sai
trái khi mở cửa cho tất cả những người từ các xã hội không phải Kitô giáo. Một
số người ủng hộ quan điểm này thất kinh vì cách Tây Âu đã trở thành đa sắc tộc
và đa văn hóa, và đã quyết định rằng điều đó sẽ không xảy ra ở nước họ. Trong
việc này, họ đã phản đối mạnh mẽ những giá trị của EU. Đây là một vấn đề nghiêm
trọng với tổ chức, đe dọa chia rẽ nó theo những lằn ranh địa lý.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, một số quốc
gia khác - cả ở phía đông và phía tây - đã theo bước ví dụ của Hungary, và nhiều
điểm kiểm soát biên giới “tạm thời” đã mọc lên, bao gồm bên trong khu vực
Schengen “không biên giới”. Slovenia đã dựng lên một hàng rào dọc theo biên giới
của họ với Croatia; Macedonia với Hy Lạp; Áo trên những điểm vượt biên đông đúc
nhất của họ với Slovenia và Ý; và đang có những kế hoạch để xây dựng một bức tường
ở Calais nhằm ngăn người nhập cư vượt eo biển Anh. Ở phía bắc, Na Uy đã xây một
hàng rào dọc theo biên giới của họ với Nga, và Thụy Điển bắt đầu hạn chế dòng
người nhập cư vào thành phố Malmö qua cầu Öresund nối với Đan Mạch. Dọc theo những
bức tường và hàng rào đó, các nước khác đã bắt đầu siết chặt biên giới của họ bằng
các biện pháp mạnh tay hơn. Những biện pháp này chủ yếu được sắp xếp để hạn chế
sự di chuyển của người nhập cư và tị nạn không phải châu Âu đã xoay xở vào được
EU qua những đường biên giới ít an ninh hơn - và làn sóng các cuộc tấn công khủng
bố trong những năm gần đây đã giúp ý tưởng về sự kiểm tra được nhiều người chấp
nhận hơn. Tuy nhiên, chính sự hiện diện của những ranh giới này vẫn có tác động
và đe dọa một trong những lý tưởng cơ bản đằng sau EU.
Các rào chắn cũng có tác động nghiêm
trọng lên những nước mà di dân hiện đang mắc kẹt ở đó - nhất là những nơi mà họ
vẫn tiếp tục đến. Hy Lạp chẳng hạn, có hàng chục nghìn người giờ mắc kẹt trên
những trại ngoài đảo mà không biết đi đâu, khiến các nguồn lực bị kéo căng. Với
cuộc khủng hoảng nhập cư ảnh hưởng tới một số nước nhiều hơn những nước khác,
và một số nước từ chối chia sẻ gánh nặng, quan hệ giữa các nước thành viên càng
bị thử thách hơn nữa.
Dẫu vậy, số lớn dân châu Âu quả có
quan điểm tích cực về nhập cư và hài lòng chào đón những người mới tới đất nước
họ. Nhiều người cảm thấy phương Tây có nghĩa vụ đạo đức giúp đỡ những người trốn
chạy bạo lực và truy bức, trong khi những người khác ủng hộ lập luận do nhiều
chính trị gia, kinh tế gia và nhà lãnh đạo kinh doanh đưa ra, rằng các nước
châu Âu thực ra cần người nhập cư: bởi dân số đang già hóa và tỷ lệ sinh thấp,
một số nước - Đức chẳng hạn, nơi tuổi trung bình là 46,8 - đối mặt với sự suy
giảm dân số và bởi thế cần người nhập cư để đảm bảo một nền kinh tế lành mạnh
trong tương lại. Nhưng mặc dù các chính quyền liên tục cố gắng giải thích điều
này, người dân có xu hướng dựa cảm xúc của họ trên tình hình hiện tại, không phải
trên một vấn đề mơ hồ trong tương lai, và số người ủng hộ nhập cư đang giảm xuống.
Bởi thế những cuộc thăm dò dư luận như của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2014 thấy
rằng 86% người Hy Lạp và 80% người Ý muốn cho ít người nhập cư hơn vào nước họ.
Cuộc thăm dò được tiến hành khi cuộc khủng hoảng nhập cư đang tăng lên, nhưng
hơn một năm trước khi nó đạt đỉnh vào năm 2015. Còn về việc muốn có thêm người
nhập cư? Chỉ 1% người Hy Lạp và 14% người Đức được hỏi ý kiến cảm thấy như thế.
Nhiều nhà lãnh đạo EU có vẻ đã không
được chuẩn bị cho phản ứng ngược chống nhập cư. Điều này bắt nguồn từ một số lý
do, khi người ta bắt đầu nhìn thấy và cảm thấy tác động lên đời sống của họ vì
quá nhiều người mới tới. Khắp châu lục đã có, và vẫn có, sự phân kỳ rõ ràng
trong khía cạnh này theo trình độ giáo dục. Số lượng người không có giáo dục đại
học muốn giảm nhập cư nhiều hơn hẳn, và điều này nhiều khả năng liên hệ với thực
tế là họ thường cạnh tranh với người nhập cư bên trong và bên ngoài EU cho các
công việc trả lương thấp. Nhiều người thuộc loại này đặc biệt không thích bị
nói rằng họ là những người mù quáng vì cảm thấy bất an với quy mô và tốc độ của
những thay đổi họ đang thấy xung quanh họ; sự đánh đồng giữa thiếu giáo dục và
mù quáng bị nhìn nhận là xúc phạm họ gấp bội.
Sự gia tăng các sự cố khủng bố khắp
châu Âu đã khiến người ta liên hệ chủ nghĩa khủng bố với mức độ nhập cư cao.
Người ta sợ rằng những kẻ khủng bố đang vào EU đóng giả làm người tị nạn và xin
tị nạn, và sau đó có thể đi lại thoải mái giữa các nước châu Âu. Một số những kẻ
tấn công trong các vụ tấn công tháng Mười một năm 2015 ở Paris đã vào qua các
kênh nhập cư, nhưng trên thực tế hầu hết các vụ tấn công là do các công dân EU
thực hiện.
Một số người còn cảm thấy một mối đe dọa
với dịch vụ công của họ, lo lắng rằng họ không thể thích nghi với gánh nặng
tăng thêm, và điều này cũng gắn với một cảm nhận về sự công bằng. Hãy tưởng tượng
việc đang ở trong phòng đợi của một bác sĩ phẫu thuật, ở Hungary hay Pháp chẳng
hạn, trong đó một số đáng kể những người xung quanh bạn không sinh ra ở quốc
gia đó. Bạn có thể rất muốn những người đó được chữa trị, nhưng bạn cũng có thể
nghĩ rằng bạn đã chi trả cho hệ thống y tế nhiều thập kỷ trong khi người cạnh bạn
thì không. Bạn đợi tới lượt của mình càng lâu, thì càng nhiều khả năng bạn nghĩ
điều đó là không công bằng. Đấy có thể là những bản năng cơ bản, nhưng là khả
đoán. Tất nhiên, hệ thống EU được lập nên để đảm bảo sự công bằng chừng nào mà
các quốc gia thành viên còn chịu chi trả, và công dân mọi quốc gia thành viên đều
có thể hưởng lợi dù họ ở nước nào. Nhưng nếu người trong phòng đợi đó thậm chí
không phải là dân một nước EU, thì cảm nhận bất công, với một số người, càng mạnh
mẽ.
Khắp EU, các nhà lãnh đạo đang tìm kiếm
những cách thức quản lý mức độ nhập cư và bất mãn trong dân chúng. Vào năm
2016, Đan Mạch giới thiệu một đạo luật theo đó những người xin tị nạn tới nước
này mang theo tiền mặt và trang sức chỉ được giữ lại số tài sản giá trị 10.000
kroner (khoảng 1.000 bảng); và bất cứ thứ gì nhiều hơn thế sẽ được dùng để đóng
góp vào chi phí “bảo dưỡng cơ bản, y tế và chỗ ở”. Những món đồ vật mang tính cảm
xúc cao như nhẫn cưới được loại trừ sau khi người ta so sánh việc đó với cách
mà Đức Quốc xã đối xử với người Do Thái. Một số bang ở Đức và Thụy Sĩ đã bắt đầu,
một cách lặng lẽ, đưa ra các biện pháp tương tự, dù cách làm đó ít lan rộng
hơn: Thụy Sĩ chẳng hạn, mới ghi nhận 112 vụ tịch thu tài sản, trong số 45.000
người tị nạn đã tới vào năm 2015.
Không mấy người nghi ngờ rằng ở Đan Mạch,
biện pháp này, và các biện pháp khác cùng trong dự luật đó, được đưa ra để trấn
an nỗi lo ngày càng tăng về số lượng người tị nạn gia tăng, chi phí chăm lo cho
họ, và rất có thể là để làm nản lòng người tị nạn muốn tới đó. Chính quyền cũng
phải để mắt tới sự ủng hộ gia tăng dành cho các nhóm cực hữu. Tuy nhiên, điều bị
bỏ qua là thực tế rằng chính pháp luật Đan Mạch yêu cầu người Đan Mạch thất
nghiệp và không có bảo hiểm phải bán các tài sản trên một mức giá trị nhất định
trước khi họ được phép nhận sự hỗ trợ từ nhà nước. Đã chào đón 21.000 người xin
tị nạn vào năm 2015, các chính trị gia ngày càng khó tuyên truyền ý tưởng từ
thiện với một nền văn hóa ăn sâu nguyên lý Scandinavia về sự bình quân xã hội.
Người Đan Mạch đang nhận nhiều người xin tị nạn hơn Pháp, bất chấp việc có dân
số chỉ bằng một phần mười hai - và dù có những chỉ trích với các quy định mới
này từ chính trong Đan Mạch, điều khiến nhiều người khó chịu là sự chỉ trích
cho rằng các biện pháp đó là phân biệt chủng tộc, và so sánh với chế độ Quốc
xã.
Cũng có một số người quan ngại về việc
những người mới tới không chia sẻ “các giá trị châu Âu”. Những điều đó thật khó
định nghĩa, nhưng hầu hết mọi người sẽ nhất trí rằng các nước EU có những ý tưởng
giống nhau về tự do cá nhân: bình đẳng giới, bình đẳng trong tình dục, tự do
tôn giáo và tự do ngôn luận. Dòng người từ các nền văn hóa khác nơi những điều
này không phải là tiêu chuẩn có thể khiến nhiều người cảm thấy các giá trị của
chính họ đang bị đe dọa. Khắp các nước EU, những cuộc chiến tranh văn hóa đã nổ
ra liên quan đến ý tưởng chủ nghĩa đa văn hóa và các giá trị. Lấy ví dụ, liệu sự
phân tách về giới có được phép ở những định chế giáo dục bậc cao? Liệu việc mặc
một bộ burka kín mít có tương thích với ý tưởng Pháp về laicité - tách rời tôn
giáo khỏi đời sống công cộng? Phải tuyên án như thế nào với tội cắt xẻo bộ phận
sinh dục nữ nếu một số công dân lại coi đó là một tiêu chuẩn văn hóa? Liệu tự
do ngôn luận có bao gồm cho phép phát tán những niềm tin như việc lên án một số
nhóm người cụ thể là những sinh vật tồi tệ nhất”, lấy ví dụ là những người Do
Thái và Kitô giáo được mô tả trong kinh Koran? Hay liệu trong các vấn đề tôn
giáo, một phụ nữ không thể “có quyền hành với một người đàn ông; cô ta phải im
lặng”, như Tân Ước đã dạy?
Châu Âu giờ là quê hương của mọi người
từ khắp nơi trên thế giới. Họ đã đón nhận hàng trăm nghìn người Việt Nam vào cuối
những năm 1970 và những năm 1980, một số lượng lớn người Trung Quốc và Ấn Độ đã
tới, và có những cộng đồng Mỹ Latin ở thủ đô hầu hết các nước. Họ là một phần của
sự pha trộn châu Âu mới mà mọi người đều đang thích nghi, nhưng những điều chỉnh
khó khăn nhất có vẻ là giữa những người không phải Hồi giáo và Hồi giáo. Có nhiều
lý do, nhưng một thứ có vẻ nổi lên thường xuyên là cảm nhận rằng người Hồi giáo
đã sang với số lượng quá lớn, áp đảo dân chúng địa phương.
Người Hồi giáo ở châu Âu thực ra chiếm
một tỷ lệ khá nhỏ trong dân chúng khắp EU. Nghiên cứu sâu nhất trước cuộc khủng
hoảng nhập cư/tị nạn vừa rồi là của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2010. Họ
thấy rằng ở EU, dân số Hồi giáo đông nhất là ở Đức (4,8 triệu) và Pháp (4,7 triệu).
Những con số này chiếm 5,8% và 7,5% dân số tương ứng với từng nước. Ở Anh là
2,9 triệu (4,8%), Thụy Điển 430.000 (4,6%) và Hy Lạp 610.000 (5,3%). Những con
số này đang tăng lên - đã có một mức tăng ổn định 1% mỗi thập niên trong vòng
ba mươi năm qua, nên trong khi 6% dân số EU (13 triệu người) là người Hồi giáo
vào năm 2010, con số đó dự kiến sẽ tăng (trước làn sóng lớn vào năm 2015) lên
8% vào năm 2030. Nhưng những con số đó vẫn thấp hơn nhiều so với nhiều người vẫn
tin.
Sự cảm nhận sai đó có thể vì một số lý
do: lấy ví dụ, một số đại diện của những cộng đồng Hồi giáo (thường là tự xưng)
lớn tiếng hơn nhiều về các vấn đề tôn giáo so với các cộng đồng khác, và bởi thế
được chú ý hơn nhiều trên truyền thông. Tuy nhiên, yếu tố lớn hơn có lẽ là có sự
tập trung cao độ dễ thấy về sắc tộc ở các trung tâm đô thị. Khoảng 20% dân
chúng ở Stockholm là Hồi giáo,13% Amsterdam, 15% ở Brussels, và 12% ở Cologne.
Sẽ thật dễ khiến nhiều người cho rằng những gì họ thấy xung quanh họ trong đời
sống thường nhật cũng là giống như trên cả nước. Lấy ví dụ, một báo cáo của
chính quyền Anh vào cuối năm 2016 thấy rằng trong những vùng người Hồi giáo áp
đảo ở các thành phố miền bắc như Bradford, bản thân người Hồi giáo nghĩ rằng ở
Anh có hơn 50% là Hồi giáo.
Cuộc thăm dò tiến hành vào năm 2010
cũng cho thấy có sự chia rẽ rõ ràng giữa Tây Âu và Nam và Đông Âu về thái độ với
người Hồi giáo. Ở miền nam và miền đông, thái độ tiêu cực áp đảo, lấy ví dụ 72%
người Hungary có quan điểm tiêu cực với người Hồi giáo, tương tự là 69% người
Ý, 66% người Ba Lan và 65% người Hy Lạp. Khi chúng ta di chuyển về phía bắc và
phía tây, những đa số lớn đánh giá tích cực về người Hồi giáo. Ở Anh, “chỉ” 28%
người trả lời có thái độ tiêu cực; ở Đức là 29%.
Tuy nhiên, ở một số vùng của Tây Âu, cảm
xúc chống Hồi giáo có vẻ đang gia tăng. Sự lo lắng của dư luận về Hồi giáo có lẽ
cao nhất ở Pháp. Trong cuộc thăm dò dư luận vào năm 2010 chẳng hạn, chỉ 29% có
thái độ tiêu cực với Hồi giáo, nhưng từ đó tới nay tỷ lệ đó đã tăng ổn định, điều
có thể liên hệ với cả làn sóng tấn công khủng bố mà Pháp phải hứng chịu và tình
trạng nhập cư gia tăng. Một cuộc thăm dò của Ipsos đăng trên Le Monde tựa
đề “Những rạn nứt của Pháp 2017” thấy rằng 60% người được hỏi “tin rằng đạo Hồi
không tương thích với những giá trị của Cộng hòa Pháp”. Về vấn đề nhập cư, 65%
nói có quá nhiều người nước ngoài ở Pháp. Về điểm này có sự chia rẽ về thái độ
mang tính chính trị rõ ràng - 95% các cử tri bỏ phiếu cho Mặt trận Dân tộc đồng
ý với điều đó so với 46% những người xã hội chủ nghĩa. Vài tháng trước, Tổng thống
khi đó, François Hollande, là một trong 46% đó. Trong một cuốn sách tựa đề A
President Shouldn’t Saw That[7], ông được trích dẫn nói rằng, “Tôi
nghĩ có quá nhiều người mới đến, những người nhập cư lẽ ra không nên ở đây.”
Ông cũng thừa nhận rằng Pháp có “vấn đề với đạo Hồi… Không ai nghi ngờ điều
đó”.
Pháp chắc chắn là có vấn đề với việc hội
nhập. Hiện giờ có những vùng rộng lớn các thị trấn và thành phố Pháp nơi người
Hồi giáo áp đảo. Các khu này có xu hướng nằm ở rìa những vùng đô thị và gần như
luôn là những vùng nghèo nhất trong thành phố. Chúng ta từng trải qua chuyện
này trước kia. Thay một vài từ trong tiểu luận đặc sắc dưới đây năm 1928 trên tạp
chí Foreign Affairs của Charles Lambert, và có thể hình dung
nó được viết ra vào năm 2018:
Những người nước ngoài di cư tới Pháp
có xu hướng nhóm lại với nhau, và chắc chắn các tỉnh của chúng ta đã trở thành
những trung tâm thực sự của thuyết phục hồi lãnh thổ. Một vài ngôi
làng ở tỉnh Nord tràn ngập toàn những người Ba Lan đã mang theo cùng vợ, con
cái, những linh mục và hiệu trưởng của họ. Người nhập cư từ Ba Lan chiếm 20%
dân số Lens, 40% dân số Courrières, 68% dân số Ostricourt. Ba mươi nghìn người
Ý đã định cư ở vùng tây nam. Cuộc chinh phục các tỉnh biên giới của chúng ta bằng
một tiến trình thâm nhập đang diễn ra một cách có hệ thống. Ở quận Riviera, gần
một phần ba toàn bộ dân số là người nước ngoài, trong khi tỷ lệ đó lên tới gần
một nửa ở Nice.
Những cộng đồng này rốt cuộc đã bị đồng
hóa, và điều này rất có thể sẽ xảy ra lần nữa với dân chúng Hồi giáo đang tăng
lên. Tuy nhiên, có những khác biệt - những khác biệt đúng với trải nghiệm của
châu Âu nói chung về các làn sóng người nhập cư mới nhất. Trước hết, nếu chúng
ta thừa nhận rằng sự phân biệt chủng tộc vẫn còn hiện hữu khắp châu lục, thì
màu da của hầu hết người Hồi giáo châu Âu có thể níu chân họ, cả về mặt xã hội
và kinh tế. Thứ hai, không giống các cộng đồng Ba Lan và Ý hồi những năm 1920,
có những tiếng nói trong các cộng đồng Hồi giáo nói với họ rằng nơi họ đã đến
là đáng ghê tởm và cần chống lại nơi đó. Những kẻ rao giảng hận thù này, thường
dẫn giải một thế giới quan tôn giáo cực đoan, có thể không đại diện cho số
đông, nhưng trong những cộng đồng mà đức tin đóng một vai trò trung tâm, họ có
một diễn đàn và ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với những kẻ cực hữu da trắng cùng hội
cùng thuyền. Các cộng đồng nhập cư thường gặp khó khăn trong việc ổn định cuộc
sống ở môi trường không quen thuộc và nhận được sự chấp thuận của dân chúng bản
xứ, và cuộc tranh đấu này thêm phức tạp nếu một số “lãnh đạo” trong cộng đồng của
họ nói với họ hãy đón nhận sự chia rẽ.
* * *
Một thập niên trước, đảng cực hữu duy
nhất của châu Âu mà hầu hết mọi người có thể nêu tên (không tính việc người dân
của một nước cụ thể biết tên một đảng cực hữu ở nước đó) có lẽ là Mặt trận Dân
tộc của Pháp. Giờ thì có tới vài đảng quen thuộc khắp châu Âu, trong đó có Bình
minh Vàng (Hy Lạp), Đảng Dân chủ Thụy Điển, Đảng vì Tự do (Hà Lan), Đảng Tự do
(Áo) và Jobbik (Hungary). Phần lớn các đảng dân tộc cực đoan này chống lại sự hội
nhập EU, nhưng một tín điều trọng tâm với tất cả họ là nỗi sợ Hồi giáo, và điều
này rõ ràng là một lực lượng thúc đẩy với nhiều người ủng hộ họ. Những người
dân tộc chủ nghĩa lập luận rằng họ đơn giản chống lại Hồi giáo trong hình thức
Hồi giáo cực đoan mang tính chính trị, nhưng những người dân tộc cực đoan thường
xuyên vượt qua lằn ranh đó đi tới chỗ bài Hồi giáo thẳng thừng và căm ghét người
theo đạo Hồi.
Khi Angela Merkel mở cánh của nước Đức
cho di dân và người tị nạn vào năm 2015 - rất nhiều người là từ các nước Hồi
giáo chiếm đa số ở Trung Đông và châu Phi - bà đã bị những nhà lãnh đạo EU khác
chỉ trích, rõ rồi, nhưng bà cũng bắt đầu đối mặt với sự chống đối ngày càng
tăng từ chính nước Đức. Nói thế không có nghĩa là nước Đức thiếu chào đón. Quốc
gia đó đã hết sức nỗ lực để có chỗ cho những người mới tới, và hàng nghìn người
bình thường đã tình nguyện hỗ trợ trong các trung tâm tị nạn, cũng như đưa ra rất
nhiều sự trợ giúp bao gồm dạy tiếng và dạy nghề. Dẫu vậy, khi ngày càng nhiều
di dân tới, vấn đề nảy sinh bởi người ta bắt đầu thấy được quy mô của nhiệm vụ
phía trước trong việc tạo ra một xã hội dung hợp. Chỉ trong năm 2015, gần một
triệu công dân không phải EU đã tới Đức; phần lớn là người Syria, rồi người
Afghanistan, Iraq, Iran và Eritrea. Người Đức chưa từng trải qua sự di chuyển
con người ở quy mô như thế kể từ cuối Thế chiến II.
Một trong những vấn đề đầu tiên là khi
mọi người tới, họ có xu hướng đổ về những khu vực mà các cộng đồng cùng sắc tộc
với họ đã sống ổn định, điều có thể dẫn tới vấn đề với việc hội nhập và có thể
thay đổi nhanh chóng đặc điểm nhân khẩu học và văn hóa của một số vùng nhất định.
Như Văn phòng Liên bang về Nhập cư và Tị nạn nhận xét, “Người tị nạn muốn tới
những nơi mà họ tìm thấy người giống mình: người Pakistan muốn tới vùng
Rhine-Main, người Afghanistan chuyển tới Hamburg, người Syria tới Berlin. Nhưng
ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở khó tìm và giá thuê cao. Những khu ổ chuột
mọc lên nhanh chóng.”
Vào lúc làn sóng thiện chí ban đầu từ
dư luận đã hạ xuống, cũng bởi các sự cố như nhiều vụ tấn công tình dục ở
Cologne vào đêm trước năm mới 2015, phần lớn được quy cho dân nhập cư (dù nhà
nước không truy tố ai), đã có sự gia tăng ổn định bạo lực trên khắp nước Đức.
Vào năm 2015, có hơn 1.000 vụ tấn công vào các trung tâm tị nạn. Đó là ở đỉnh
cao của cuộc khủng hoảng nhập cư, nhưng vào năm 2016, khi số người tới đã giảm
mạnh xuống dưới 300.000 bởi một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để giảm dòng người đổ
qua biển Aegean, số sự cố vẫn là tương tự.
Ở Đức, những đường nét của bức tường
Berlin và Bức màn sắt vẫn còn để lại dấu vết trong những vấn đề nghiêm trọng
hơn thực phẩm và giọng nói, và điều này đặc biệt đúng khi nói về nhập cư. Thái
độ với người nhập cư tiêu cực hơn nhiều khi ta vượt qua sông Elbe. Nói một cách
đơn giản, có nhiều người nhập cư ở tây Đức hơn là đông Đức (trừ Berlin), bởi một
hệ thống hạn ngạch được sử dụng để phân bổ người tị nạn và xin tị nạn khắp cả
nước; bởi các bang miền đông nghèo hơn và thưa dân hơn, họ nhận ít người mới đến
hơn. Trong cả hai năm 2015 và 2016, ba bang miền tây, Bavaria, Bắc Rhine Westphalia
và Baden Württemberg, đã nhận gần 50% người nhập cư/tị nạn. Ngược lại, vào năm
2015, Saxony-Anhalt nhận 2,8%, Mecklenburg-Vorpommern 2% và Brandenburg 3,1%.
Nhưng bất chấp điều đó, có xu hướng diễn ra nhiều cuộc tấn công vũ lực vào người
nhập cư ở miền đông hơn. Cơ quan tình báo nội địa Đức (BV) công bố một báo cáo
năm 2016 cho biết ở các bang miền tây, có trung bình 10,5 vụ tấn công cực đoan
trên một triệu người. Ở bang miền đông Saxony, con số đó tăng lên 49,6 vụ, ở
Brandenburg lên 51,9, và ở Mecklenburg Vorpommern là 58,7. Ba vùng này cũng là
nơi có những nhóm tân Quốc xã có tổ chức lớn nhất nước.
Vào năm 2016, báo cáo thường niên của
chính phủ Đức về “Tình trạng thống nhất của nước Đức” lưu ý không chỉ tác động
với những người bị phân biệt đối xử, mà, theo Iris Gleicke của Bộ Các vấn đề
Kinh tế và Năng lượng Liên bang, cả những khó khăn nhằm bảo đảm “sự hòa hợp xã
hội ở đông Đức” đang gây ra “mối đe dọa rất nghiêm trọng với sự phát triển kinh
tế” của các bang miền đông. Bà cũng lưu ý: “phần lớn dân đông Đức không bài ngoại
hay không phải là những người cực hữu”. Người Đức rất cẩn trọng với các dẫn giải
lịch sử, nhưng quy mô của các vụ tấn công đã khiến Gleicke gợi lại ký ức những
năm 1930 và lực lượng Áo nâu của Hitler: “Những người Đức ở miền đông chúng ta
phải tự đảm nhiệm vấn đề và quyết định xem liệu chúng ta muốn bảo vệ các thành
phố và làng mạc của mình hay để mặc chúng cho cơn ác mộng màu nâu. Xã hội không
được quyền ngoảnh mặt khi người ta bị tấn công hay các khu trú ẩn của người tị
nạn bị đốt.” Những bình luận như thế vang vọng sâu xa trong tâm lý Đức, nhưng
ngày càng có nhiều người không muốn những sai lầm quá khứ của đất nước quy định
cảm xúc của họ, hay những gì họ được và không được quyền nói. Điều đó đưa chúng
ta tới tổ chức Người châu Âu Yêu nước chống Hồi giáo hóa phương Tây (PEGIDA) và
Đảng Giải pháp khác cho nước Đức (AfD).
Ngay từ năm 2014, các thành viên
PEGIDA đã tuần hành ở Dresden và các thành phố miền đông khác. Sự thù địch công
khai của họ đặt họ ra khỏi dòng chính trị chủ lưu, nhưng tới đầu năm 2015, họ
thu hút được những đám đông lớn và đã lan ra khắp đất nước. Một cuộc biểu tình ở
Leipzig đã thu hút 30.000 người, 20.000 người nữa xuống đường ở Munich, 19.000 ở
Hanover và 10.000 ở Dresden. Như đã xảy ra quá thường xuyên khi chính trị chuyển
từ bên lề sang một nhóm xã hội rộng hơn, nhiều tiếng la hét hiệu triệu nghe được
ở các cuộc biểu tình ban đầu vang lên trên những khán đài sân bóng đá. Một ví dụ
đáng chú ý là những cổ động viên “Ultra” của Dynamo Dresden, nhóm đã nói tới cụm
từ Lügenpresse (“báo chí dối trá”) trước Tổng thống Trump ít
ra là một năm. Từ những khán đài của Dresden, tiếng la ó lan xuống đường phố.
Những đám đông cảm thấy nhà chức trách, bắt tay với truyền thông, không nói cho
họ biết sự thật về nhập cư.
Tới đầu mùa hè, sự ủng hộ cho đảng này
đã giảm xuống, bởi một kết hợp của “sự mệt mỏi vì biểu tình” và hàng loạt vụ bê
bối liên quan tới các lãnh đạo PEGIDA, bao gồm một vụ có mặt người sáng lập
phong trào, Lutz Bachmann, đã được chụp ảnh tạo dáng như Hitler. Nhưng những
tình cảm nền tảng cho nó không biến mất, và khi cuộc khủng hoảng nhập cư lên tới
đỉnh điểm vào mùa hè năm 2015, những tình cảm đó đã trở lại, tạo ra không gian
chính trị cho một phiên bản PEGIDA “dễ chấp nhận” hơn - và đó là AfD, giống với
UKIP mà có thêm chất kích thích.
Đảng AfD thực ra thành lập từ năm
2013,nhưng khi đó họ tập trung vào việc vận động chống đồng euro. Khi cuộc khủng
hoảng nhập cư bắt đầu gia tăng, họ chuyển sự chú ý sang nhập cư và hình thành
những mối liên hệ với PEGIDA. Tới mùa hè 2016, khi PEGIDA lung lay, họ ở vị thế
rất tốt để tiếp quản phong trào cực hữu lớn nhất. Họ nhanh chóng lớn mạnh về cả
số thành viên và sự hiện diện ở các nghị viện bang. Hồi chuông cảnh báo thực sự
bắt đầu vang lên khi họ về nhì trong cuộc bầu cử ở Mecklenburg-Vorpommern, nhận
21% số phiếu và bỏ lại Đảng CDU của Thủ tướng Merkel về thứ ba. Tới cuộc tổng
tuyển cử vào cuối năm 2017, họ đã được tổ chức tốt và đủ uy tín để vào
Bundestag[7] với
số lượng lớn. Đó là lần đầu tiên phe cực hữu xuất hiện ở đấy kể từ đầu những
năm 1960. Dù đảng của Angela Merkel giành được tỷ lệ phiếu cao nhất, AfD đã có
những bước tiến lớn, đặc biệt là ở miền đông đất nước, khi về thứ ba trong cuộc
tổng tuyển cử. Trọng tâm chính trị của châu Âu đang lung lay.
Những chính sách của AfD bao gồm chối
bỏ khu vực Schengen và tạo ra những điểm kiểm soát biên giới lâu dài ở cả mức độ
quốc gia và EU. Họ ủng hộ tăng cường kiểm tra người xin tị nạn và nói ở Đức
không có chỗ cho các thực hành tín ngưỡng và đức tin Hồi giáo nếu những điều đó
trái với “nền tảng xã hội tự do dân chủ, pháp luật của chúng ta và những cơ sở
nhân văn cùng cơ sở Do Thái-Kitô giáo của nền văn hóa chúng ta”, theo tuyên
ngôn của đảng. Mềm hóa lập trường này, họ quả chấp nhận người Hồi giáo có thể
là “những thành viên giá trị của xã hội”, nhưng lập luận rằng chủ nghĩa đa văn
hóa sẽ không có tác dụng. Họ cũng chống lại đồng euro, vận động để thiết lập lại
đồng mark Đức, và muốn quyền lực trở lại với quốc gia nhà nước.
Tất cả những ý tưởng này vang vọng khắp
châu lục. Những rạn nứt vùng miền và chính trị chúng ta thấy ở Đức đang mở ra ở
tất cả những nơi khác. Trong cuộc tổng tuyển cử ở Hà Lan vào tháng Ba năm 2017,
Đảng vì Tự do cực hữu đã trở thành đảng lớn thứ hai. Vào tháng Năm, Marine Le
Pen của Mặt trận Dân tộc vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và giành được
33,9% số phiếu, gần gấp đôi so với cha bà Jean-Marie vào năm 2002. Đảng Tự do của
Áo cũng nhận được sự ủng hộ gia tăng, về thứ ba trong cuộc bầu cử tháng Mười
năm 2017. Vào mùa hè 2018, cuộc bầu cử ở Slovenia dân tới việc phe cực hữu
giành được tỷ lệ phiếu lớn nhất. Ngay cả Thủ tướng Merkel cũng chuyển mạnh sang
phía hữu trong chiến dịch tranh cử năm 2017, khi bà tìm cách ngăn chặn sự gia
tăng của phe cực hữu. Có một sự thật về những nền dân chủ tự do: những nền dân
chủ nào không thể đè bẹp các phong trào phản dân chủ trong nước cần phải tìm
cách khác để xử lý chúng. Với một số bộ phận của truyền thông châu Âu, đã có sự
tự mãn khác thường về những kết quả bầu cử đó. Câu chuyện được kể từ góc độ là
châu Âu đẩy lùi những ý tưởng cực đoan: nhưng việc tăng gấp đôi số phiếu, như
trong trường hợp Le Pen, chắc chắn không có vẻ gì cho thấy Mặt trận Dân tộc
đang bị đẩy lùi.
Ngay từ năm 2014, những nhấn mạnh vào
vấn đề nhập cư đã khiến Thủ tướng Hungary, Viktor Orbán, nói rằng ông muốn tạo
ra một nền dân chủ phi tự do”. Đằng sau cụm từ này là ý tưởng rằng các chính
sách và giá trị tự do có thể bị bác bỏ bởi một cử tri đoàn bỏ phiếu cho một đảng
dân tộc chủ nghĩa chống đối những giá trị đó, nhưng đất nước vẫn là một nền dân
chủ. Chính quyền Ba Lan được bầu lên vào năm 2015 có quan điểm tương tự. Ý thức
hệ này đi ngược với những lý tưởng của EU, và là một trong những sự chia rẽ gia
tăng đe dọa làm tan tác cả liên minh. Như Viện Brookings tuyên bố trong một báo
cáo về nhập cư: “Cuộc khủng hoảng đã làm lung lay nền chính trị của toàn bộ
châu Âu lục địa, khuấy động các hệ thống chính trị ở từng nước và đe dọa sự
đoàn kết của toàn EU.”
Đó là một thách thức mang tính nền tảng
với một châu Âu chia rẽ. Vấn đề không chỉ là nhập cư, vấn đề cũng là kinh tế,
thương mại, chủ quyền và chủ nghĩa tự do nói chung. Nhưng khi mà chúng ta thích
nghi với những thực tế mới của cuộc di dân hàng loạt và sự cần thiết về mặt đạo
đức đón nhận những người tị nạn, chúng ta không được quên những giá trị cốt
lõi. Nếu chúng ta quên, chúng ta có thể đẩy mọi người châu Âu trong tương lai,
từ mọi xuất thân, tới chỗ sống trong một xã hội mang tính đàn áp hơn so với hiện
tại. Cần nhớ rằng hầu hết những ai tới châu Âu đang cố gắng thoát khỏi những chế
độ độc tài đã làm họ thất vọng. Chúng ta cần xử lý chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan,
quản lý nhập cư quy mô lớn và chăm lo cho những người tị nạn, nhưng theo cách
không làm xói mòn những giá trị tự do và các hệ thống pháp trị.
Những luật pháp, giá trị và hệ thống
đó là những gì rốt cuộc đã chữa lành cuộc ly tán lớn gần đây nhất ở châu Âu, cuộc
ly tán phát triển sau năm 1945. Giờ những sự chia rẽ, mới và cũ, đang xuất hiện
lại lần nữa. Vài năm sắp tới sẽ cho thấy liệu chúng ta có thể tạo ra một ngôi
nhà châu Âu an toàn hay không, hay sẽ thụt lùi vào một tương lai đầy chia rẽ.
Chú thích.
[1] Trong
thời kỳ chia cắt Tây Đức-Đông Đức, thành phố Berlin nằm trong Đông Đức, cho nên
để đi từ Tây Đức tới được Tây Berlin (do đồng minh phương Tây kiểm soát), tác
giả phải đi qua lãnh thổ Đông Đức. Bức tường trong chương này chính là bức tường
chia cắt Đông Berlin và Tây Berlin. (BT)
[2] Carl
Jung (1875-1961), nhà phân tâm học, bác sĩ tâm lý lỗi lạc người Thụy Sĩ. Ông
cũng là một nghệ sĩ và tác giả lớn. (ND)
[3] Tên
các thành phố Đông Âu, tức là ở bên kia “Bức màn sắt”. (BT)
[4] Tiếng
Anh là “nostalgia” và “East”, còn tiếng Đức là “Nostalgie” và “Osten”. (ND)
[5] Tức
“European Union”: “Liên minh châu Âu”. (ND)
[6] Tức
“UK Independence Party”: “Đảng Độc lập Vương quốc Anh”, một đảng chính trị dân
túy cảnh hữu, nghi ngờ Liên minh châu Âu. SKIP dẫn đầu nỗ lực đưa nước Anh ra
khỏi Liên minh châu Âu, được hiện thực hóa sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, tức
sự kiện Brexit. (ND)
[7] Tức
Quốc hội Liên bang Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét