Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Chương Sáu HIỆN TRẠNG CÁC QUỐC GIA CHÂU PHI

 Bức tường cát dài 2.700 km được gọi là "Tường Tây Sahara Maroc"

CHIA RẼ

Tác giả  Tim Marshall

Chương Sáu HIỆN TRẠNG CÁC QUỐC GIA CHÂU PHI

“Những lực thống nhất chúng ta lại có tính nội tại và lớn hơn

những ảnh hưởng siêu áp đặt khiến chúng ta chia rẽ.”

- Kwame Nkrumah

Có một bức tường ở trên cùng của châu Phi. Đó là một bức tường của cát, của hổ thẹn và của im lặng. Bức tường Morocco chạy dài hơn 2.735 kilômét qua Tây Sahara và vào những vùng thuộc Morocco. Toàn bộ công trình này chia cắt những gì mà Morocco gọi là các tỉnh miền nam của họ dọc theo bờ biển Đại Tây Dương với vùng Tự do ở sâu trong sa mạc - một vùng mà người Sahrawi gọi là nước Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Sahrawi. Nó được xây bằng cát, cao hơn 2 mét, với một con hào và hàng triệu quả mìn trải khắp vài dặm vào sâu trong sa mạc ở mỗi phía của lằn ranh. Nó được cho là bãi mìn liên tục dài nhất thế giới. Mỗi 4,8 kilômét hay tương đương có một trạm gác của quân đội Morocco bao gồm bốn mươi binh lính, một số người đi tuần tra ở những khoảng trống giữa các căn cứ, trong khi cách mỗi điểm đóng quân lớn khoảng 4 kilômét là những đơn vị cơ động phản ứng nhanh, và đằng sau đó là các căn cứ pháo binh. Dọc theo bức tường là lấm chấm những cột radar có thể “nhìn” sâu 80 kilômétvào vùng Tự do. Tất cả những điều này là để buộc các tay súng của lực lượng quân đội Sahrawi, Mặt trận Polisario (PF), tránh xa bức tường và những khu vực mà Morocco coi là lãnh thổ của họ.

Một cô gái Sahrawi với lá cờ nước Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Sahrawi trước Bức tường Morocco

Đó là một nơi khắc nghiệt. Vào ban ngày nhiệt độ có thể lên tới 50°C, và ban đêm nhiệt độ hạ xuống gần zero. Thường xuyên những trận gió sirocco[1] đầy cát thổi qua vùng đất khô cằn, biến không khí thành một màu vàng là nhờ hạn chế tầm nhìn. Với người bên ngoài, nó là một vùng hung hiểm, thù địch, nhưng với người Sahrawi, nó là quê hương.

Trước khi Tây Ban Nha rút khỏi vùng này vào năm 1975, đã có một phong trào độc lập Tây Sahara. Khi người Tây Ban Nha rời đi, 350.000 người Morocco đã tham gia vào cuộc “Hành quân xanh” - họ đi qua vùng này và tuyên bố nó là lãnh thổ của Morocco. Tây Ban Nha sau đó đã chuyển quyền kiểm soát cho Morocco và Mauritania; chính quyền ở Rabat trên thực tế đã sáp nhập lãnh thổ này và cử tới 20.000 binh sĩ, những người ngay lập tức đối đầu với PF. Chiến sự kéo dài mười sáu năm và tước đi sinh mạng hàng chục nghìn người. Bất chấp số lượng nhiều hơn và trang thiết bị hiện đại, quân đội Morocco đã không thể dập tắt chiến thuật du kích của PF. Vào năm 1980, họ bắt đầu xây dựng bức tường sẽ được gọi là “Bức tường hổ thẹn”, hoàn tất vào năm 1987.

Và giờ là sự im lặng. Tây Sahara là một cuộc xung đột chẳng mấy người từng nghe nói tới, hơn là một cuộc xung đột bị quên lãng. Người Sahrawi sống ở mỗi phía của bức tường nói phương ngữ Hassaniya của tiếng Ả Rập, cảm thấy khác biệt về văn hóa với người Morocco và theo truyền thống là một dân tộc du mục, dù giờ họ chủ yếu sống ở đô thị và hàng chục nghìn người thì sống trong các trại tị nạn. Di dân người Morocco đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu dân số của Tây Sahara khi chính quyền khuyến khích người dân định cư ở đó bằng cách đưa ra các miễn giảm thuế, trợ cấp và những khoản tài trợ một lần. Tổng dân số Sahrawi còn lại là điều không ai biết, nhưng ước tính là từ 200.000 tới 400.000 người. Cho tới giữa thế kỷ 20, họ không có khái niệm gì về các biên giới; họ đơn giản di chuyển trên một khu vực rộng lớn, theo sau những trận mưa không thể đoán trước. Giờ, 85% lãnh thổ mà họ coi là thuộc về mình theo truyền thống là do Morocco kiểm soát. Từ Sahrawi có nghĩa là “những cư dân sống ở sa mạc” và đó là điều họ muốn - chứ không phải những dân sống ở Morocco. Giống như những dân tộc mà chúng ta sẽ gặp trong suốt chương này,họ là nạn nhân của những lằn ranh do kẻ khác vẽ ra - trong trường hợp này là một lằn ranh khổng lồ làm từ cát, và ở giữa miền cát.

Morocco không đơn độc trong việc xử lý các phong trào ly khai. Khắp châu Phi đã có những nỗ lực chia tách, những cuộc xung đột đã biến thành những cuộc nội chiến cực kỳ bạo lực, như chúng ta đã thấy ở Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Tại sao nhiều nước châu Phi lại hứng chịu những xung đột kinh khủng như thế? Có nhiều lý do khác biệt, nhưng lịch sử của sự hình thành các quốc gia nhà nước khắp châu lục có vai trò quan trọng.

Các phong trào độc lập chật vật tìm kiếm sự thừa nhận và quyền tự quyết. Ý tưởng về quốc gia nhà nước, đã phát triển ở châu Âu, lan đi như lửa đồng cỏ vào thế kỷ 19 và 20, kêu gọi chính quyền tự quyết vì một “quốc gia” cho một dân tộc - một nhóm người mà ở mức độ nào đó chia sẻ một cộng đồng lịch sử, sắc tộc, văn hóa, địa lý hay ngôn ngữ.

Khi những thực dân châu Âu vẽ các đường biên giới của họ trên bản đồ và tạo ra những quốc gia nhà nước, mà phần lớn số đó đến nay vẫn tạo thành lục địa châu Phi, họ đang xử trí một mảng đất mênh mông với rất đa dạng những dân tộc, tập quán, văn hóa và sắc tộc mà không hề đếm xỉa gì tới chúng và các quốc gia nhà nước mà họ tạo ra thường không liên quan gì tới các quốc gia đã có mặt ở đó từ trước. Những quốc gia - hay dân tộc này - đôi khi được gọi là các bộ lạc. Những tác giả phương tây thường khó chịu với việc sử dụng từ “bộ lạc”, và một số học giả phương tây và châu Phi thậm chí sẽ nói với bạn rằng những thực dân đã phát minh ra khái niệm đó. Họ đơn giản là bắt câu bẻ chữ vì họ xấu hổ rằng từ bộ lạc với một số người, thật sai lầm, đồng nghĩa với sự lạc hậu. Dẫu vậy, ở nhiều quốc gia nhà nước tại châu Phi và những nơi khác, các bộ lạc vẫn tồn tại - có vẻ là vô nghĩa nếu bác bỏ tầm quan trọng của nó.

Tôi có một người bạn ở London là dân Tây Phi. Điều đầu tiên anh ấy nói với tôi về bản thân là tên anh, rồi anh là người Bờ Biển Ngà, và rồi anh là người bộ lạc Mandinka. Với anh, đó là một nguồn gốc đáng tự hào, và một sự nhận dạng với một dân tộc trải khắp vài nước Tây Phi mà ở mỗi nước đó họ tạo thành một thiểu số đáng kể. Anh không có gì khác thường: số lượng lớn người châu Phi sử dụng từ bộ lạc để chỉ quốc gia hay dân tộc họ, và đồng nhất mình với bất cứ bộ lạc nào mà họ thuộc về. Trong bộ lạc đó sẽ có, với những mức độ khác nhau, một lịch sử, phong tục, ẩm thực và có thể là ngôn ngữ và tôn giáo chung. Về việc này người châu Phi không có gì khác bất kỳ dân tộc nào khác trên toàn thế giới; điều phân biệt họ là tinh thần bộ lạc đó còn mạnh mẽ ra sao ở nhiều quốc gia nhà nước châu Phi. Một gia đình người Anh ở nước ngoài, khi gặp nhau, cũng có thể có một cuộc đối thoại miễn cưỡng như sau: “A, một người Anh. Anh người ở đâu?” “Milton Keynes.” “À, Milton Keynes”, theo sau đó là khoảng im lặng có lẽ sẽ được phá vỡ bởi một cuộc đối thoại về việc đường nào là tốt nhất để tới Milton Keynes. Một người Mandinka từ Bờ Biển Ngà gặp một người Mandinka khác từ Gambia khi tới thăm Nigeria sẽ có nhiều điều để trao đổi hơn nhiều.

Phân loại là điều thật khó khăn, nhưng châu Phi ước tính có ít nhất 3.000 nhóm sắc tộc bao gồm sự đa dạng rất lớn về ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa. Trong những nhóm lớn nhất có người Amhara và Oromo có khoảng 54 triệu người. Nigeria là nơi có bốn trong mười bộ lạc lớn nhất châu lục - Yoruba, Hausa, Igbo và ljaw, tổng cộng gần 100 triệu người ở một quốc gia 186 triệu dân. Người Shona ở Zimbabwe, Zulu ở Nam Phi và Ashanti ở Ghana, mỗi bộ lạc đều có khoảng 10 triệu người. Tuy nhiên, có rất nhiều nhóm và tiểu nhóm nhỏ hơn. Như một chỉ dẫn rất đại khái, và phụ thuộc vào việc đếm họ ra sao, ước tính có từ 250 tới 500 bộ lạc ở riêng Nigeria.

Tinh thần bộ lạc có thể có rất nhiều khía cạnh tích cực, mang lại một cảm nhận cộng đồng, lịch sử, giá trị và phong tục chung, một nguồn ủng hộ vào những thời kỳ khó khăn. Ngay cả với sự đô thị hóa tăng lên, những truyền thống bộ lạc này vẫn có thể tiếp tục và tạo ra những cộng đồng mới khi người ta tập hợp lại với nhau.

Thông thường, là người mới tới một thành phố, bạn sẽ tới một khu mà bạn cảm thấy được chấp nhận về mặt xã hội và nơi có những người sẽ chỉ cho bạn đường đi nước bước. Thường thì đó sẽ là nơi có những người mà bạn đồng cảm, cho bạn cảm giác an toàn nhờ số lượng - điều này nhanh chóng dẫn tới việc tái tạo một bộ lạc. Chúng ta chứng kiến điều đó khắp nơi, ở mỗi khu “phố Tàu” trên thế giới chẳng hạn, và chúng ta chứng kiến điều đó ở các thành phố châu Phi như Nairobi ở Kenya, nơi người từ các bộ lạc khác nhau trên cả nước thường sống ở những quận trong thành phố có đông người ở cùng bộ lạc. Một người Luhya từ một vùng nông thôn Kenya chuyển tới thủ đô có thể nhanh chóng cảm thấy như ở nhà tại quận Kawangware, ngay cả nếu đó là một trong những khu vực nghèo khó hơn của thành phố. Các bộ lạc ở Kenya tạo ra những ngôi làng mở rộng của bộ lạc ở Nairobi. Điều này đã diễn ra vài thập kỷ khắp châu lục. Trong cuốn tiểu thuyết năm 1986 Coming to Birth [tạm dịch: Hạ sinh] của tác giả người Kenya Marjorie Oludhe Macgoye, nhân vật chính, một cô gái mười sáu tuổi tên là Paulina, vốn là người bộ lạc Luo, tới Nairobi từ vùng nông thôn Kisumu và tới quận Makongeni. Makongeni đã, và vẫn là, khu vực đông người Luo nhất.

Trong khi thuộc về một bộ lạc là điều tích cực, một nguồn gốc tự hào với nhiều người, ở châu Phi - cũng như nơi khác - một câu hỏi then chốt là ở mức độ nào sự tồn tại của các bộ lạc kéo lùi việc hình thành bộ lạc lớn nhất, quốc gia nhà nước, và sự cố kết mà nó lẽ ra phải đại diện. Vấn đề nằm ở cách mà các quốc gia nhà nước được thành lập.

* * *

Lái xe vài giờ về phía đông Lagos và bạn có thể thấy, dù chút khó khăn, những đống đổ nát của một thành phố có tường bao lớn đã mất vào trong rừng rậm, và rồi trong lịch sử, qua nhiều thế kỷ. Những bức tường này được cho là đã bắt đầu vào thế kỷ 8 để ngăn chặn những kẻ xâm nhập. Tới thế kỷ 11, thành phố Benin là thủ đô của Đế quốc Benin, đế quốc phát triển cao nhất ở Tây Phi.

Khi người Bồ Đào Nha tình cờ phát hiện ra nó vào năm 1985, trong sự kinh ngạc của họ, họ thấy một vùng đô thị lớn hơn chính thủ đô của họ, Lisbon. Nằm trên một đồng bằng cách bờ biển khoảng bốn ngày đi bộ, thành phố này được vây quanh bởi những bức tường khổng lồ cao tới hơn 20 mét và những hào cực sâu, tất cả đều có lính gác. Phiên bản năm 1974 của Sách Kỷ lục thế giới Guinness nói rằng “những bức tường thành phố, cùng những bức tường khác nói chung trong vương quốc, là hệ thống công trình bằng đất lớn nhì thế giới được thực hiện trước thời đại cơ giới hóa”. Một bài báo những năm 1990 của Fred Pearce trên tạp chí New Scientist (dựa vào công trình của nhà địa lý và khảo cổ học người Anh Patrick Darling) tuyên bố rằng những bức tường đã có lúc “dài hơn bốn lần so với Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc”, dù chúng sử dụng ít vật liệu hơn. Ước tính chúng từng dài tới gần 16.000 kilômét và vây quanh một dân chúng lên tới 100.000 người.

Thiết kế của thành phố có vẻ đã được hoạch định theo các quy tắc của điều mà giờ chúng ta gọi là thiết kế phân dạng [fractal design] - một mô thức toán học lặp đi lặp lại phức tạp cho thấy những mô thức giống nhau ở các quy mô ngày càng nhỏ. Ở trung tâm thành phố là cung điện của nhà vua, nơi giám sát một xã hội quan liêu hóa cao độ. Từ đó tỏa ra ba mươi con đường chính, rộng khoảng 36 mét, tạo thành các cạnh vuông góc với nhau, tất cả lại có những con đường hẹp hơn dẫn ra từ đó. Thành phố được chia ra thành mười một khu. Một số được thắp sáng vào ban đêm bằng đèn kim loại cao có bấc đốt bằng dầu cọ, chiếu sáng những tác phẩm nghệ thuật khắp thành phố. Bên trong thành phố là những căn nhà, một số cao hai tầng, và những khu phức hợp có tường bao làm bằng đất đỏ. Bên ngoài là 500 ngôi làng có tường bao, tất cả kết nối với nhau và với thủ đô. Nó có một hệ thống hào, vốn bao gồm hai mươi hào nhỏ hơn xung quanh một số ngôi làng và thị trấn.

Những nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha thời kỳ đầu rất ấn tượng với quy mô thành phố và những công trình nghệ thuật và kiến trúc đáng kinh ngạc bên trong đó. Vào năm 1691, Lourenco Pinto, thuyền trưởng một chiếc tàu Bồ Đào Nha, nhận xét: “Tất cả những con đường thẳng bằng và chạy hút tầm mắt. Những căn nhà lớn, nhất là của vị vua, được trang trí đẹp mắt với những cây cột thật đẹp. Thành phố giàu có và sôi động. Nó cũng được cai quản tốt tới mức không có trộm cắp và người ta sống trong an ninh tới mức nhà họ không có cửa.”

Vào năm 1897, viên ngọc của Tây Phi này bị quân đội Anh phá hủy khi họ tìm cách mở rộng sự kiểm soát vào trong châu lục. Sau vài năm người Anh nỗ lực củng cố quyền lực của họ trong vùng, tình hình rơi vào bạo lực. Một lực lượng khoảng 1.200 lính hải quân hoàng gia đổ xuống thành phố, đốt cung điện và nhà dân và cướp bóc các ảnh tượng tôn giáo và tác phẩm nghệ thuật. Nhiều bức tượng đồng ăn cắp từ Benin vẫn còn lại ở các nhà bảo tàng trên toàn thế giới đến ngày nay. Vị vua đã trốn thoát, nhưng trở lại vài tháng sau đó và phải lưu vong sang miền nam Nigeria, nơi ông qua đời vào năm 1914.

Tới khi đó, hầu hết những bức tường của thành phố lớn đã bị phá hủy khi người Anh ghi dấu quyền hành của họ lên vương quốc, cho nổ tung nhiều phần lớn của bức tường và sáp nhập thành phố và vùng xung quanh vào “Nigeria thuộc Anh”. Dân địa phương lấy nốt những gì còn lại làm vật liệu xây dựng để xây những căn nhà mới, và từ từ dân cư tản mát khỏi thành phố. Những gì còn lại gần như bị lãng quên hoàn toàn, ngoại trừ với những người trong vùng. Vào đầu những năm 1960, các nhà khảo cổ bắt đầu thám hiểm vùng này và vẽ nên bản đồ cho nơi giờ là một Khu Di sản Thế giới của UNESCO, cũng như những gì còn lại của một hệ thống tường và hào phức tạp tương tự ở nơi giờ được gọi là Eredo của Sungbo, cách đó khoảng 225 kilômét về phía tây.

Dù gần như không còn lại gì để chỉ ra rằng thành phố đó thậm chí từng tồn tại, nó là một ví dụ lớn về sự giàu có, đa dạng và của cải của các nền văn minh châu Phi tiền thuộc địa. Khi những vương quốc đó vươn lên đỉnh quyền lực, họ là những thực thể riêng biệt; giờ họ chẳng là gì ngoài những phần nhỏ của một tổng thể lớn hơn nhiều - Nigeria. Những đường biên giới của người châu Âu, giống như biên giới của “Nigeria thuộc Anh”, thường được vẽ dựa vào việc những nhà thám hiểm người châu Âu đã đi xa được đến đâu, thay vì tính tới các quốc gia và vương quốc đã tồn tại, vốn đã tiến hóa một cách hữu cơ xung quanh những sự phân chia bộ lạc. Họ đã cưỡng bức gom hàng trăm đất nước, hay bộ lạc, lại với nhau.

Vô số các quốc gia châu Phi này chưa bao giờ là những nền dân chủ, nhưng một nhà cai trị thường đến từ cùng một bộ lạc lớn hơn giống các thần dân của ông trong một hệ thống chính quyền bắt nguồn từ bên trong bộ lạc đó. Khi những kẻ thực dân rút đi, những dân tộc khác nhau được thông báo họ giờ bị tập hợp lại với nhau cùng một nhà cai trị mà, trong mắt nhiều người, không có quyền cai trị họ. Và có một sự mâu thuẫn kép trong di sản thuộc địa. Đầu tiên là việc tạo ra những quốc gia nhà nước đơn lẻ từ nhiều quốc gia và bộ lạc; thứ hai là cùng lúc dân châu Âu để lại cho họ những ý tưởng về dân chủ và quyền tự quyết. Phần lớn bất đồng và xung đột hiện giờ chúng ta thấy ở châu Phi có nguồn gốc trong thí nghiệm của sự thống nhất vội vã này.

Thế hệ những nhà lãnh đạo đầu tiên của các nước châu Phi độc lập hiểu rằng bất cứ nỗ lực nào vẽ lại các bản đồ thuộc địa cũng có thể dẫn tới hàng trăm cuộc chiến tranh nhỏ, và bởi thế quyết định họ sẽ xoay xở với những đường biên giới hiện hữu với hy vọng họ có thể xây dựng nên những quốc gia nhà nước thật sự và qua đó giảm bớt sự chia rẽ sắc tộc. Tuy nhiên, hầu hết các nhà lãnh đạo khi đó đã không thể triển khai được các chính sách đoàn kết những tộc người bên trong các biên giới này, thay vì thế phải dựa vào vũ lực và lặp lại mẹo mực của những kẻ thực dân chia để trị. Những tộc người khác nhau gom lại với nhau trong những quốc gia nhà nước mới tạo thành này đã không có được trải nghiệm có ích là dàn xếp những khác biệt của họ và sống cạnh nhau trong hàng thế kỷ. Một số nhà nước vẫn đang vật lộn với những mâu thuẫn cố hữu trong các hệ thống của họ do chủ nghĩa thực dân đưa vào.

Bản đồ Châu Phi chỉ ra những vùng thuộc địa
của các nước châu Âu tại châu lục này vào đầu Thế chiến I

Angola là một ví dụ nổi bật: đất nước này lớn hơn các bang Oklahoma, Arkansas, Kansas và Mississippi của Hoa Kỳ hợp lại. Khi người Bồ Đào Nha tới vào thế kỷ 16, vùng này đã là nơi cư ngụ của ít nhất mười nhóm sắc tộc lớn chia nhỏ ra nữa thành khoảng một trăm bộ lạc. Người Bồ Đào Nha sẽ đi xa hơn nữa và tích hợp còn nhiều quốc gia hơn nữa vào thuộc địa của họ, nhưng họ đụng phải những tuyên bố lãnh thổ của Anh, Bỉ và Đức. Những nhóm sắc tộc khác nhau không có nhiều điểm chung - ngoài việc không ưa các ông chủ thực dân của họ. Vào đầu những năm 1960, họ đã có thể tập hợp đủ người để mở một cuộc chiến tranh giành độc lập. Người Bồ Đào Nha ra đi vào năm 1975, nhưng họ bỏ lại sau lưng một quốc gia nhân tạo tên là Angola, được kỳ vọng vận hành như một quốc gia nhà nước thống nhất.

Trong chốc lát, hãy tưởng tượng rằng chủ nghĩa thực dân không xảy ra, và thay vì thế, trong quá trình hiện đại hóa, châu Phi đi theo cùng mô thức với châu Âu và phát triển những quốc gia nhà nước tương đối đồng nhất của họ. Một trong những tộc người ở Angola là Bakongo, họ nói tiếng Kikongo, một ngôn ngữ Bantu, và là những người vào thời tiền thuộc địa có một vương quốc lãnh thổ liên tục, trải khắp nhiều vùng lãnh thổ bao gồm khu vực ngày nay là Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo và Gabon. Họ cảm thấy mối quan hệ họ hàng với những người đồng bào nói tiếng Kikongo ở Cộng hòa Congo và Cộng hòa Dân chủ Congo - kết hợp lại gồm khoảng mười triệu người. Ở Cộng hòa Dân chủ Congo, họ là nhóm sắc tộc lớn nhất, nhưng ở Angola họ là thiểu số, điều giải thích cho sự nổi lên của phong trào Bundu dia Kongo, vốn có mặt ở cả ba nước và muốn một quốc gia nhà nước của những người nói tiếng Kikongo dựa trên các ý tưởng về lãnh thổ thời tiền thuộc địa. Họ vẫn đang nỗ lực xây dựng một quốc gia nhà nước thống nhất - như nhiều tộc khác với câu chuyện tương tự.

Không có cách nào thoát khỏi chủ nghĩa dân tộc tha thiết của những tộc người đã bị xé tan bởi thời thuộc địa. Họ không đồng ý gia nhập các liên bang mà tên do người châu Âu đặt. Vì thế, khi họ cuối cùng có thể tống cổ người châu Âu, họ thất vọng vì họ giờ được trông đợi cảm thấy trung thành với một hệ thống áp đặt lên họ trái với mong muốn của họ, và trong đó quá thường xuyên nhóm sắc tộc chính thống trị những nhóm khác. Ở một số nước, những sự chia rẽ này có thể kiềm chế trong không gian chính trị, nhưng ở nhiều nơi khác, nắp nồi đã bung ra, đưa tới nội chiến và sự nổi lên của các phong trào ly khai.

Ví dụ là tranh cãi biên giới trên bộ và trên biển giữa Cameroon và Nigeria, vốn bắt đầu vào năm 1994. Cả hai nước tuyên bố chủ quyền với một bán đảo giàu dầu mỏ tên gọi Bakassi. Tình hình xấu đi nghiêm trọng tới mức thỉnh thoảng đã xảy ra xung đột vũ trang, dẫn tới sự nổi lên của Mặt trận Tự quyết Bakassi (BSDF), tổ chức đã công bố các đoạn băng ghi hình những thành viên của họ mặc đồng phục và cầm súng trường, và điều hành một đài phát thanh bất hợp pháp tên gọi “Dayspring” kêu gọi giành quyền tự trị. Và Cameroon còn có những vấn đề khác với những người muốn độc lập. Đó là một nước chủ yếu nói tiếng Pháp, nhưng trong dân số hai mươi ba triệu người, có một thiểu số khoảng năm triệu là những người nói tiếng Anh. Một số người nói tiếng Anh tuyên bố họ bị phân biệt đối xử, và giờ đang có ngày càng nhiều lời kêu gọi tự trị cho hai tỉnh miền tây giáp biên giới Nigeria, nơi hầu hết họ sống. Thậm chí họ có cả một “Tổng thống” lưu vong, một lá quốc kỳ và một bài quốc ca sẵn sàng trong trường hợp khó xảy ra là hai tỉnh đó hợp nhất thành quốc gia “Nam Cameroon”.

Còn có rất nhiều ví dụ khác. Tỉnh Casamance ở miền nam Senegal đã đấu tranh đòi tự trị. Kenya có “Hội đồng Cộng hòa Mombasa”, vốn muốn độc lập cho vùng bờ biển của nước này, lập luận rằng họ có nền văn hóa riêng và không nên là một phần của Kenya khi nước này giành độc lập từ Anh. Khẩu hiệu của họ, bằng tiếng Kiswahili, là “Pwani si Kenya” - “bờ biển không phải là Kenya”. Người Kenya cũng có vấn đề với chủ nghĩa khủng bố tới từ Somalia và vì thế nhà chức trách đã dành phần lớn năm 2017 xây lên hàng rào một phần có điện dọc theo biên giới chung, nay đã gần hoàn tất. Như với nhiều ví dụ trên toàn thế giới, những cư dân sống ở cả hai bên biên giới nói hàng rào làm đảo lộn việc làm ăn, các mối quan hệ gia đình và việc di chuyển đàn gia súc khi tìm đồng cỏ.

Rất ít trong rất nhiều các phong trào ly khai (như thấy ở trên) có khả năng thành công ở tương lai gần hay trung hạn, nhưng những cuộc ly khai là không thể loại trừ - một số phong trào đã thành công trong những năm gần đây. Ethiopia mất Eritrea vì một phong trào độc lập và vẫn đối mặt với những phe phái ly khai ở các vùng Ogaden và Oromia của họ, trong khi Sudan chia ra làm hai nước, Nam Sudan đã trở thành nhà nước mới nhất thế giới vào năm 2011. Thật đáng buồn, tình hình đã tồi tệ tới mức trở thành nội chiến: bộ lạc Dinka thống trị đã nhanh chóng bị cáo buộc phân biệt đối xử chống lại người Nuer, Acholi và những tộc khác, điều dẫn tới tranh đấu giữa họ với nhau. Cuộc chiến đã cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng, và khiến hơn một triệu người mất nhà cửa.

Đó là một câu chuyện quen thuộc trong lịch sử gần đây của châu Phi. Có lẽ một trong những ví dụ tồi tệ nhất là ở Nigeria, nơi một cuộc thảm sát người Igbo diễn ra trước cuộc nội chiến 1967-70 và nước “Cộng hòa Biafra” yểu mệnh; tổng cộng hơn ba triệu người đã bị giết và Nigeria tiếp tục có vấn đề với ý tưởng về một nhà nước Biafra. Nhưng đây còn lâu mới là trường hợp duy nhất. Burundi là một ví dụ nữa. Về mặt sắc tộc, nước này có khoảng 85% người Hutu, nhưng thiểu số 14% người Tutsi hùng mạnh về chính trị và kinh tế và đất nước từ lâu đã bị tàn phá bởi những căng thẳng giữa họ. Vào năm 1965, một nỗ lực đảo chính chống lại vị vua, một người Tutsi, đã dẫn tới giao tranh sắc tộc khiến ít nhất 5.000 người thiệt mạng. Vào năm 1972, những vụ tàn sát hàng loạt đã dẫn tới một cuộc xâm lược của các nhóm nổi dậy Hutu đóng ở Zaire. Người ta cho rằng trong bốn năm tiếp đó, gần 200.000 người đã chết. Những vụ bùng phát bạo lực nhỏ hơn kéo dài suốt những năm 1980 trước khi nội chiến toàn diện nổ ra vào năm 1993 và kéo dài tới năm 2005. Lần này Tổng thống người Hutu Melchior Ndadaye bị những sát thủ người Tutsi giết chết, khởi đầu cho một chuỗi sự kiện mà hai phe đối đầu nhau. Những năm cuối cùng có mức độ bạo lực thấp, với khoảng 400.000 người Burundi rời bỏ đất nước, hầu hết sang Tanzania.

Ở Rwanda, khoảng 800.000 người Tutsi và người Hutu ôn hòa bị sát hại trong cuộc diệt chủng năm 1994. Cộng hòa Dân chủ Congo bao gồm hơn hai trăm nhóm sắc tộc đã hứng chịu bạo lực kinh khủng kể từ năm 1996 - các ước tính khác nhau, nhưng một số ước tính nói tổng số người chết lên tới sáu triệu, và những đau thương của cuộc xung đột này ngày nay vẫn tiếp diễn, hàng loạt các quốc gia khác, bao gồm Liberia và Angola, cũng đã trải qua xung đột lan rộng và kéo dài như thế. Những yếu tố đằng sau bạo lực rất phức tạp và bao gồm sự áp đặt các đường biên giới, tình trạng kém phát triển và nghèo khó; nhưng chắc chắn những chia rẽ sắc tộc là quan trọng. Và bởi các dân tộc vẫn thường xuyên vượt qua các biên giới quốc gia nhà nước, xung đột ở một nước có thể lan nhanh sang một nước khác.

Tất cả các quốc gia nhà nước đều có khác biệt với láng giềng của họ, nhưng ở phần lớn những vùng khác trên thế giới, xung đột lãnh thổ dựa trên địa lý và sắc tộc nổi lên từ nội tại qua những giai đoạn dài. Trong nhiều trường hợp các khác biệt đã được dàn xếp. Tuy nhiên, trải nghiệm của châu Phi là về những xung đột địa lý và sắc tộc tương đối gần đây được tạo dựng trong cả vùng bởi bàn tay bên ngoài. Phải, chúng ta đang trở lại với chủ nghĩa thực dân - vì không có cách nào thoát ra khỏi nó cho tới khi người châu Phi có thể tạo ra khoảng cách với những tác động của nó. Bởi quy mô của sự điều chỉnh xã hội, sáu bảy mươi năm độc lập là chưa đủ xa.

Tất nhiên, cũng không ích gì khi các biên giới châu Âu áp đặt vẫn là cơ sở cho bất kỳ giải pháp ngoại giao nào về những tranh chấp lãnh thổ - như chúng ta thấy ở Morocco và Tây Sahara, vốn vẫn phải tuân theo những đường biên giới do Tây Ban Nha vẽ. Không chắc phải phản ứng thế nào hay đứng về phía ai, cộng đồng quốc tế đã không công nhận cả tuyên bố của Morocco lẫn Mặt trận Polisario với Tây Sahara; vùng này nằm trong danh sách các lãnh thổ không tự trị của Liên Hợp Quốc, có nghĩa vùng này chưa chính thức giải thuộc địa hóa. Nên về mặt kỹ thuật, Tây Ban Nha vẫn có quyền cai quản Tây Sahara, dù trên thực tế phần lớn vùng này thuộc sự kiểm soát của Morocco.

Một ví dụ khác là tranh chấp giữa Cameroon và Nigeria, vốn cuối cùng đã được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và được dàn xếp vào năm 2002. Thật thú vị, cả hai nước đã ra tòa không trích dẫn các tuyên bố bộ lạc xa xưa, hay mong muốn của cư dân ngày nay, mà trích dẫn những tài liệu thời thuộc địa được vẽ ra và được ký bởi người châu Âu, khi Anh cai trị Nigeria và Cameroon là một phần của Đế chế Đức. Những tài liệu này là cơ sở cho phán quyết của ICJ, được đưa ra có lợi cho Cameroon, tuyên bố “chủ quyền với bán đảo Bakassi thuộc về Cameroon và rằng biên giới đã được hạn định bởi thỏa thuận Anh-Đức ngày 11 tháng Ba năm 1913”. Tòa án lưu ý rằng tranh chấp biên giới trên bộ “rơi vào khung lịch sử bao gồm sự chia cắt của các cường quốc châu Âu vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các quyết định ủy trị của Hội Quốc Liên, các trách nhiệm ủy trị của Liên Hợp Quốc và độc lập của hai nhà nước”.

Không phải mọi người Nigeria đều hài lòng với phán quyết của ICJ, cũng như với việc chính quyền khi đó của họ tuân thủ quyết định đó. Một số muốn đặt lại vấn đề này. Báo Vanguard của vùng đồng bằng Niger đã vận động trong nhiều năm để đảo ngược phán quyết, và xét lại vấn đề trên cơ sở các tuyên bố với đất đai từ thời xa xưa. Một bài xã luận gần đây kết thúc với tuyên bố: “Tuyên bố lại chủ quyền bán đảo Bakassi là một nhiệm vụ phải làm!”

Đã có những tranh luận trong giới học giả về mức độ cốt lõi sắc tộc thực sự của nhiều tranh chấp và xung đột. Một số học giả cho rằng các chính trị gia chỉ sử dụng những phe phái khác nhau để thúc đẩy mục đích của riêng họ. Điều này đôi khi có thể đúng, nhưng nó không có nghĩa là những khác biệt không bị khai thác, hay rằng chúng không sâu sắc.

Trong một số trường hợp, những mối liên kết bộ lạc mạnh mẽ có thể gây sao nhãng với giới làm chính sách, khiến họ không còn tập trung vào lợi ích quốc gia và có thể chia rẽ nền chính trị theo các lằn ranh bộ lạc. Nền dân chủ Nam Phi tương đối ổn định chẳng hạn, lẽ ra là phải phi sắc tộc, nhưng hệ thống chính trị được chia ra theo các lằn ranh sắc tộc và bộ tộc: người Zulu gắn với Đảng Tự do Inkatha chẳng hạn, trong khi người Xhosa thống trị Đại hội Dân tộc Phi. Hiến pháp của đất nước này công nhận những chia rẽ đó và lập nên Nghị viện Hàng tỉnh Các lãnh đạo Truyền thống ở Limpopo, KwaZulu-Natal, Eastern Cape, Free State, Mpumalanga và North West. Đó về cơ bản là sự phản chiếu những “dân tộc” hay bộ tộc khác biệt ở Nam Phi.

Một vấn đề chính trị khác là chủ nghĩa bộ tộc còn khuyến khích thói thiên vị - hay nói cách khác, tham nhũng. Đây là một vấn đề lớn khắp châu lục, được cựu Tổng thống Kenya, Daniel arap Moi gọi là chứng “ung thư”, vốn tác động theo đủ cách. Những bổ nhiệm chính trị, những thỏa thuận làm ăn và phán xét pháp lý đều có thể bị nó ảnh hưởng, điều có nghĩa người giỏi nhất cho công việc thường không phải là người được nhận việc. Nó ngăn trở hôn nhân bên ngoài một nhóm xác định, và nó chống lại đại đoàn kết dân tộc. Nó cũng hủy hoại ghê gớm sức khỏe kinh tế của đất nước. Những nguồn ngân quỹ lẽ ra dành cho phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng hay bất cứ khoản chi tiêu công nào được chuyển vào túi những cá nhân ngày càng giàu có và hùng mạnh. Liên Hợp Quốc ước tính tham nhũng khiến châu lục này thiệt hại khoảng 50 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Tham nhũng xảy ra ở mọi nước trên thế giới, tất nhiên, nhưng châu Phi nổi tiếng vì nó đặc biệt lan rộng. Đó là lý do tại sao Liên minh châu Phi coi năm 2018 là năm “Chiến thắng cuộc chiến chống tham nhũng”.

Mặt khác, một số người đã cho rằng một số sự kiểm tra và cân bằng quyền lực đã được tích hợp trong hệ thống bộ tộc, và rằng những điều đó có thể bảo đảm sự phân phối của cải và quyền lực công bằng hơn trên cả nước. Nigeria chẳng hạn, như chúng ta đã thấy, có sự chia rẽ sâu sắc về sắc tộc và tôn giáo. Nhiều vùng do một nhóm này hay nhóm khác thống trị áp đảo, và trong khi miền nam đất nước chủ yếu là người Kitô giáo, miền bắc chủ yếu là người Hồi giáo. Miền nam có tỷ lệ biết chữ cao hơn, y tế tốt hơn và nhiều tiền hơn. Bản đồ chính trị quốc gia đi theo những lằn ranh tương tự. Kết quả là có một quy luật bất thành văn để dàn đều bất cứ sự phân biệt đối xử hay mất cân bằng nào về quyền lực trên cả nước: ghế Tổng thống (vốn kiểm soát phần lớn ngân sách) sẽ là thay phiên giữa một người Kitô giáo và một người Hồi giáo. Đây là một ví dụ ở cấp cao nhất, nhưng ở nhiều nghị viện và chính quyền, quyết định được đưa ra có tính tới tác động của chúng lên nhiều bộ tộc khác nhau trong cả nước, với mục tiêu để tránh bất ổn và bất mãn. Nếu các đảng chính trị đại diện cho những bộ tộc A, B và C không tính tới quan điểm của bộ tộc D, họ có thể gặp phải rắc rối từ vùng đó của đất nước. Ở một mức độ, điều này không khác với những hoạt động của bất kỳ hệ thống chính trị nào, nhưng ở châu Phi điều này có cơ sở bộ tộc/sắc tộc hơn ở hầu hết những nơi khác.

Một số nước thành công hơn những nước khác trong việc hạn chế các tác động chính trị của những sự chia rẽ này. Tổng thống Kwame Nurumah của Ghana chẳng hạn, đặt ra ngoài vòng pháp luật các đảng phái dựa trên liên kết bộ tộc, và ở Bờ Biển Ngà, Tổng thống Félix Houphouét-Boigny, Tổng thống từ 1960 tới 1993, chia sẻ đều quyền lực ra ở mức độ giúp đậy nắp lên chiếc nồi căng thẳng vùng miền. Botswana đã tương đối ổn định, một phần vì đó là một trong số ít các nước châu Phi có mức độ thuần nhất cao, cộng thêm một hệ thống dân chủ và một nền kinh tế vận hành tốt. Tanzania là một ngoại lệ khác, dù có hơn một trăm bộ tộc. Tổng thống đầu tiên của nước này, Julius Nyerere, đã cương quyết hình thành một bản sắc dân tộc với ngôn ngữ toàn quốc duy nhất sẽ là tiếng Swahili. Đã được sử dụng rộng rãi trong nước, nó trở thành chất keo gắn kết một quốc gia. Nhưng ngay cả Tanzania cũng đang cho thấy những rạn nứt nhỏ: người Hồi giáo ở Zanzibar hiện đang kêu gọi trưng cầu dân ý để kết thúc liên minh Tanganyika và Zanzibar, vốn đã tạo ra nước Tanzania vào năm 1964.

Tinh thần bộ lạc tác động ra sao tới sự phát triển của các quốc gia mà nó có ảnh hưởng mạnh? Có lẽ khó mà đo đếm chính xác được, vì chúng ta không có một ví dụ về một quốc gia không có bộ lạc để so sánh. Dẫu vậy, an toàn khi nói rằng nhu cầu phải liên tục cân bằng những tuyên bố đối địch nhau của các nhóm chồng lấn lên nhau là điều gây xao nhãng cho việc phát triển đất nước như một thực thể đơn nhất. Và chắc chắn là khi xung đột trở nên bạo lực, chúng có thể gây bất ổn cho cả một nước, làm đảo lộn nền kinh tế, khiến hàng triệu người mất nhà cửa và gây thương vong cho hàng triệu người. Chúng có thể hết sức đắt giá, cả với đất nước nói chung và từng cá nhân công dân, và chúng đóng một vai trò trong chu kỳ kinh khủng của nghèo đói và bất bình đẳng diễn ra trên khắp châu lục.

* * *

Châu Phi là châu lục nghèo nhất thế giới. Toàn cầu hóa đã đưa hàng trăm triệu người thoát nghèo, nhưng cùng lúc khoảng cách giữa người giàu và người nghèo đã mở rộng hơn. Sự chia rẽ này đặc biệt gay gắt ở châu Phi, nơi có bảy trong mười quốc gia bất bình đẳng nhất. Khắp châu lục có những thành phố hiện đại, nhanh chóng lấp đầy nhà cao tầng, các công ty đa quốc gia và tầng lớp trung lưu tăng lên. Nhưng trong tất cả những trung tâm đô thị sôi động đó, bên cạnh người giàu có là những người hết sức nghèo khổ, những người có thể phải vật lộn ở mức không tới 2 đô la Mỹ một ngày. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2016 thấy rằng tỷ lệ người châu Phi sống trong mức nghèo khó đã giảm từ 56% vào năm 1990 xuống còn 43% vào năm 2012, nhưng số lượng người sống trong những điều kiện đó thực ra đã tăng từ 280 triệu lên 330 triệu người vì tăng trưởng dân số.

Zimbabwe là một trong những nước nghèo ở châu Phi, và số lượng lớn dân chúng quyết tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở nơi khác, nhất là ở hai nước láng giềng giàu hơn nhiều - Botswana và Nam Phi - ở phía nam. Tuy nhiên, các nước giàu hơn không nhất thiết muốn có một dòng chảy lớn những người di dân nghèo, nhiều người trong đó vất vả vượt biên. Botswana có một hàng rào điện dài khoảng 480 kilômét dọc biên giới với Zimbabwe. Họ nói điều này là để ngăn sự lan ra của bệnh lở mồm long móng ở gia súc, nhưng trừ khi những con bò Zimbabwe có thể nhảy cao, thật khó hiểu tại sao hàng rào lại cao như thế. Zimbabwe, và dân chúng nghèo khó của họ, cũng bị hàng rào ngăn cách với Nam Phi. Là một trong những nước giàu nhất ở phía nam châu Phi, Nam Phi cũng là một thỏi nam châm với người nhập cư - điều một phần giải thích tại sao họ có một hàng rào dọc biên giới với Mozambique.

Bất chấp những rào chắn này, nhiều người vẫn vượt biên vào Nam Phi, và mức độ di cư cao đã gây ra căng thẳng giống như ở những nơi khác trên thế giới. Vào năm 2017, giới lãnh đạo Nigeria đã kêu gọi chính quyền Nam Phi can thiệp để ngăn điều họ gọi là “những cuộc tấn công mang màu sắc bài ngoại” trong một đợt bạo lực chống người nhập cư, sau những bình luận được cho là của vị vua Zulu, Goodwill Zwelithini kathekuzulu, nói rằng người nước ngoài phải “cuốn gói” và ra đi. Ông nói người ta dẫn sai lời ông, nhưng tác hại là chuyện đã rồi và nhiều người bạo động đã hét vang, “Nhà vua đã lên tiếng”. Những người thuộc cộng đồng ba triệu người Zimbabwe là các mục tiêu chính, nhưng cũng có khoảng 800.000 người Nigeria ở Nam Phi và trong vụ rắc rối không người nước ngoài nào an toàn nếu bị đám đông tìm thấy. Những căn nhà và cá nhân người Nigeria bị tấn công, một số doanh nghiệp nhỏ thuộc sở hữu người Nigeria bị cướp bóc và đốt cháy, xảy ra vài vụ chết người, và hàng trăm người bị buộc phải rời nhà cửa của họ và bỏ chạy tới những khu trại do chính quyền lập nên. Vụ rắc rối cũng dẫn tới những cuộc biểu tình chống Nam Phi ở Nigeria trong đó các doanh nghiệp Nam Phi bị tấn công giữa những lời kêu gọi người Nam Phi “cút về nhà đi”.

Ở đây chúng ta thấy một cảnh tượng giống với các nước khác trên toàn thế giới: nỗi sợ hãi và giận dữ nhằm vào người nhập cư, vốn bị cáo buộc không chỉ lấy mất các công ăn việc làm của dân địa phương mà còn tạo ra tình trạng tội phạm cao hơn vì bán ma túy, hình thành các băng đảng, vân vân. Tội ác không nhất thiết liên hệ với nhập cư, nhưng có liên hệ với nghèo đói, và cả hai điều đó lan tràn khắp châu Phi. Thống kê cho thấy châu Phi chỉ đứng thứ hai sau châu Mỹ về tỷ lệ tội ác, nhất là tội giết người. Một báo cáo về tỷ lệ tội ác toàn cầu của Liên Hợp Quốc năm 2012 cho thấy có 437.000 vụ sát nhân trong năm đó, 36% là ở châu Mỹ và 31% ở châu Phi. Để so sánh, chỉ 5% tội giết người diễn ra ở châu Âu. Cũng báo cáo đó cho biết ở một số khu vực của châu Phi, tỷ lệ các vụ giết người đang tăng lên.

Nghèo đói có vẻ vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của tội ác, và người nghèo mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn đó. Hầu hết những ai sống những cuộc đời tuyệt vọng ở các thị trấn nghèo khổ không phạm vào tội ác, bất chấp việc thiếu những điều mà những người giàu có hơn sẽ coi là cơ bản với một đời sống dễ chịu. Dẫu vậy, họ hứng chịu những hậu quả của tội ác - cướp bóc, bạo lực, vũ khí, băng đảng, bán ma túy, thực thi pháp luật quá tay, lạm dụng - tất cả những điều đó xoáy ngược trở lại tạo thành sự bất an và kém phát triển và như thế góp phần duy trì sự nghèo khó mà họ đã sinh ra.

Nhưng trong khi người nghèo mắc kẹt trong vòng xoáy đó, người giàu lại càng giàu hơn và sử dụng của cải của họ để ngăn họ không phải đối mặt với những khó khăn của sự nghèo khó thường nhật bằng cách rút vào đằng sau những bức tường của riêng mình: các khu dân cư có cổng rào, một dấu hiệu rõ ràng về sự chia rẽ kinh tế và bất bình đẳng ghê gớm có thể thấy khắp châu lục. Có rất nhiều điều hấp dẫn với lối sống như thế, như một quảng cáo đã nói rõ: “Đừng làm đời bạn phức tạp! Hãy trốn lánh ở khu ngoại ô mới nhất của Lusaka. Một khu bất động sản dân cư riêng biệt và an ninh… Muka Munya được bảo vệ bằng hàng rào điện có gắn báo động, cổng vào và một hệ thống an ninh 24 giờ chỉ cho những người được mời vào… con đường chính cũng trải nhựa, khiến ta có thể tùy ý lái chiếc xe sang trọng gầm thấp như trong mơ. Hãy tận hưởng rất nhiều tiện ích… Nhà câu lạc bộ ở công viên có hai sân tennis, một sân squash, một hồ bơi 25 mét và một quầy bar lúc nào cũng đầy các loại đồ uống. Ngay gần bên là những trường học tốt nhất của Lusaka, đường đua ngựa và con đường dễ lái xe vào trung tâm.” Những bức tường của các khu dân cư có cổng rào hứa hẹn sự xa xỉ, an toàn và biệt lập. Nếu tên bạn không có trong danh sách, bạn không được vào, và để vào được danh sách bạn phải trả tiền. Rất nhiều tiền. Muka Munya có nghĩa là “Chỗ của tôi” trong tiếng Soli, một trong các ngôn ngữ Bantu của Zambia, nhưng phần lớn dân địa phương chỉ có thể nằm mơ về việc sở hữu một căn nhà ở đó..

Các cộng đồng có tường vây không hẳn là điều mới. Ngay từ đầu thời nông nghiệp, qua suốt thời La Mã và Trung Cổ, các bức tường xung quanh những khu dân cư đã trở thành cách sinh sống bình thường. Phải đến tương đối gần đây - với sự nổi lên của quốc gia nhà nước và an ninh nội bộ, bao gồm các lực lượng cảnh sát - những thành phố mới chịu hạ các bức tường xuống, hay bắt đầu mở rộng ra ngoài những bức tường. Giờ thì những bức tường đã bắt đầu mọc lên trở lại. Nhưng khi mà trong quá khứ, toàn bộ cộng đồng khi gặp đe dọa sẽ có thể rút vào đằng sau những bức tường của họ để nhận lấy sự bảo vệ, thì giờ chỉ một thiểu số sống lâu dài ở đó.

Xu thế sống trong các khu dân cư có cổng rào bắt đầu xuất hiện trở lại trong thế kỷ 20 và đã tăng tốc kể từ đó. Giờ thì các khu dân cư như thế đang được xây lên rộng lớn và khắp châu Phi, với Zambia, Nam Phi, Kenya và Nigeria dẫn đầu. Nam Phi tiên phong trong xu hướng cổng rào châu Phi. Theo The Economist, ngay từ năm 2004, riêng Johannesburg đã có 300 khu dân cư biệt lập và 20 khu bất động sản có bảo vệ riêng, trong khi đó vào năm 2015 Graça Machel, vợ góa của Nelson Mandela, ra mắt “khu dân cư công viên” Steyn City ở Nam Phi - một khu bất động sản lớn gấp bốn lần Monaco - trong đó có căn nhà đắt nhất Nam Phi.

Điều đó không chỉ giới hạn ở châu Phi, tất nhiên. Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, việc sử dụng “các thị trấn tường bao” có vẻ bắt đầu ở California vào những năm 1930 với các khu đất cổng rào tách biệt như Rolling Hills Estate. Một số học giả xác định sự tăng tốc trong việc xây các khu dân cư tường rào vào năm 1980 và cho rằng bởi chính quyền cắt giảm phúc lợi và chi ít tiền hơn cho các khu cộng đồng, những người có đủ tiền đã rút lui khỏi các không gian công cộng. Một nghiên cứu vào năm 1997 ước tính tới khi đó Hoa Kỳ đã có 20.000 khu dân cư có tường rào với khoảng ba triệu dân cư.

Nói ví dụ, những mô thức tương tự thật rõ ràng ở châu Mỹ Latin, vốn cũng đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ “các cộng đồng pháo đài” trong thế kỷ này. Ở Lima, Peru, Bức tường hổ thẹn chia cắt Las Casuarinas, một trong những khu giàu có nhất thành phố, với Pamplona Alta, một trong những khu nghèo nhất. Một số bức tường đã mọc lên để gần như tạo thành những thành phố trong thành phố: Alphaville ở São Paolo, Brazil chẳng hạn, có hơn 30.000 dân cư, thay đổi hoàn toàn cách các trung tâm đô thị vận hành và tổ chức, và người Trung Quốc còn xây các khu bất động sản lớn hơn thế nhiều.

Kiểu sống hiện đại này cũng không chỉ dành cho những người cực giàu. Sự tăng trưởng nhanh chóng tầng lớp trung lưu ở nhiều nước châu Phi đã dẫn tới việc xây dựng các khu bất động sản có tường rào được tiếp thị nhắm vào những ai không mua nổi các căn nhà đơn lập cao cấp, mà chỉ có thể trả tiền cho một căn hộ trong một khu phức hợp lớn các tòa nhà cao tầng hiện đại. Lấy ví dụ là Nigeria: ở thành phố Lagos của nước này, nơi có dân số 21 triệu người, ta có thể tìm thấy một số những người nghèo nhất thế giới, sống trong những khu ổ chuột ở các thị trấn nổi xập xệ tại các hồ nước của thành phố, hay chen chúc nhau trên những hòn đảo xung quanh khu đất liền, gần với các biệt thự trị giá nhiều triệu đô la. Trong các khu bất động sản cao cấp, không khó thấy một căn hộ hai phòng ngủ được rao bán với giá hơn 1 triệu đô la Mỹ. Bạn chắc chắn sẽ không được giảm 1 xu nào từ khoản tiền 1 triệu đó nếu bạn mua nhà ở một trong những “thành phố” mới đang phát triển như Eko Atlantic, vốn được xây trên chỉ chưa tới 6,4 kilômét đất lấn biển lấy từ đáy Đại Tây Dương ở gần Lagos. Thành phố được bao bọc bởi các khu bất động sản như thế. Chúng là lời tuyên bố cho thực tế rằng quốc gia giàu dầu mỏ có 186 triệu dân này có một tầng lớp thượng lưu và trung lưu đang nảy nở, và việc phân phối của cải đang thay đổi những khu vực đô thị của nó ra sao.

Sự bùng nổ ở các dự án như thế một phần là để ứng phó với tỷ lệ tội phạm cao, như chúng ta đã thấy. Tuy nhiên thật trớ trêu, một nghiên cứu vào năm 2014 đăng trên Journal of Housing and the Built Environment (tạm dịch: Tạp chí chuyên ngành về môi trường xây dựng và nhà ở) cho thấy việc chuyển đến ở tại một căn nhà trong một pháo đài” thực ra có thể làm tăng khả năng có người tìm cách lọt vào khu bất động sản của bạn. Bất cứ ai đủ giàu có để sống trong một cộng đồng có tường rào được bọn kẻ cướp cho là có thứ gì đó đáng để cướp.

Báo cáo quả có công nhận rằng những khu phức hợp đó có mức độ bảo vệ cao hơn nói chung so với ở bên ngoài, nhưng nói rằng chúng khiến các không gian công cộng vắng vẻ và có nguy cơ tội ác cao hơn. Các cộng đồng có cổng rào đe dọa làm yếu đi sự cố kết xã hội ở bất cứ nơi nào chúng được xây lên. Tất nhiên đã luôn có những khu vực trong thành phố nơi người giàu có sinh sống, nhưng cũng từng có những không gian xã hội chung, dù chúng là các quảng trường thành phố, các khu chợ, công viên hay khu vực giải trí mở cho tất cả mọi người. Mô hình sống mới ở đô thị và ngoại ô được thiết kế để có tính loại trừ: ta chỉ có thể tới được quảng trường thành phố nếu đi qua những đảm bảo an ninh xung quanh thành phố. Sự thiếu tương tác này có thể làm giảm cảm giác về sự tham gia dân sự, khuyến khích tư duy theo nhóm với những người ở bên trong và dẫn tới sự chia rẽ về tâm lý, khi những người nghèo hơn cảm thấy họ là “những người ngoài”, như thể họ đã bị xây tường ngăn cách. Sự giàu có tăng lên mà không mang tới một mức độ thịnh vượng tương đối cho tất cả mọi người thì củng cố sự chia rẽ.

Có những hậu quả với cả cộng đồng, và tác động nối theo về thái độ với cả chính quyền địa phương và nhà nước. Nếu số lượng lớn người sống trong các cộng đồng mà họ trả tiền cho các công ty tư nhân để cung cấp cơ sở hạ tầng, như đường ống nước và đường sá, và rồi bảo vệ họ bằng cảnh sát và các cơ quan cứu hỏa tư nhân, trong khi chỉ sử dụng bảo hiểm y tế tư nhân, thì vai trò của chính quyền địa phương và quốc gia xói mòn. Và nếu phận sự của chính quyền chỉ là cai quản những lĩnh vực nhỏ hơn của xã hội, thì sự gắn kết của quốc gia nhà nước cũng sẽ suy yếu đi. Trong kịch bản đó sẽ rất khó cho một chính trị gia đưa ra một khẩu hiệu như khẩu hiệu mà David Cameron của Anh đã sử dụng vào năm 2016 nói về những khó khăn tài chính - “Chúng ta đều cùng nhau mắc kẹt trong đó.”

Hay nói như Liên Hợp Quốc trong báo cáo UN Habitat của họ: “những tác động của cổng rào đã thấy được trong sự phân mảng không gian và xã hội thực sự và tiềm tàng ở các thành phố, dẫn tới việc sử dụng và sự sẵn có các không gian công cộng bị suy giảm và sự phân cực kinh tế xã hội gia tăng. Trong bối cảnh đó, cổng rào đã có đặc điểm là phản tác dụng, thậm chí là làm tăng tội phạm và nỗi sợ hãi tội phạm khi tầng lớp trung lưu bỏ lại đường phố công cộng cho những người nghèo dễ tổn thương, cho trẻ em và các gia đình sống ngoài đường phố, và cho những kẻ tội phạm hãm hại họ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng trong nội bộ những khu dân cư, cổng rào đã giúp khuyến khích cảm nhận về sự gắn kết xã hội và cộng đồng vượt lên trên cả bộ tộc và sắc tộc. Đó là nơi mà khái niệm bộ tộc dựa trên sắc tộc bị xóa bỏ.

Trong một nghiên cứu năm 2015 về những khu dân cư có tường rào “Ghana, khi cư dân được hỏi tại sao họ lựa chọn sống trong những khu bất động sản đó, câu trả lời nhiều nhất là “nhà ở chất lượng”, rồi “an toàn và an ninh” xếp thứ hai và “đẳng cấp của cư dân” thứ ba. Một “cảm nhận cộng đồng” xếp thứ sáu, và một ngụ ý về tác động của các cộng đồng có cổng rào với văn hóa xếp thứ tám: “một khoảng đệm với hệ thống gia đình mở rộng”. Dù lý do này xếp thứ tám, đó là một tri kiến thú vị về cách thức mà sự diễn giải đương đại này về một thành phố có tường bao sẽ từ từ đóng góp vào việc làm suy yếu những mối liên hệ gia đình mở rộng gần gũi từng xuất hiện khắp lục địa này.

Ở những nơi mà phúc lợi do nhà nước cung cấp yếu ớt, và nơi mà việc làm có tính tạm bợ và không chính thức, thường một hoặc hai thành viên có thu nhập tương đối cao trong gia đình sẽ sử dụng thu nhập của họ để trợ giúp cho hàng chục thành viên của gia đình mở rộng. Trao việc làm cho một thành viên trong gia đình không bị coi là gia đình trị mà là trách nhiệm gia đình. Ở châu Phi từ lâu mọi chuyện đã như thế, nên dựng lên một rào chắn hữu hình giữa các thành viên của gia đình mở rộng sẽ có một tác động tiêu cực bởi lẽ hầu hết các bất động sản được xây lên cho gia đình hạt nhân, chứ không phải gia đình mở rộng. Những khu bất động sản này là một thế giới khác, và không chỉ theo nghĩa vật lý. Với những ai ở bên trong đó, “bộ tộc” mới mẻ, lỏng lẻo hơn nhiều là đẳng cấp xã hội của những hàng xóm ngay gần họ.

Những bộ tộc mới này sống đằng sau các bức tường tự xác định họ giống nhau vì họ có những thứ đáng để đánh cắp, chứ không phải vì những người mẹ và người cha của họ gốc gác từ một vùng cụ thể hay nói một thứ ngôn ngữ cụ thể. Họ có phong cách sống giống nhau, thường là những mối bận tâm giống nhau, vốn được bảo vệ giống nhau. Khi ta có đủ tiền, ta trả cho những người khác bảo vệ ta; khi ta không có đủ tiền thì ta tập hợp lại với nhau, và vì thế đằng sau những bức tường, cảm nhận về “chúng ta” hay “cho chúng ta phai nhạt đi, đôi khi chỉ còn là “tôi”.

* * *

Bản sắc sắc tộc vẫn áp đảo ở hầu hết các quốc gia châu Phi. Trong khi những đường biên giới quốc gia nhà nước là có thật, chừng nào chúng còn tồn tại trong một khuôn khổ pháp lý và đôi khi được đánh dấu bằng một kiểu ranh giới hiện hữu nào đó, chúng không phải lúc nào cũng tồn tại trong tâm trí những người sống bên trong và xung quanh các biên giới đó. Giống như người Sahrawi, mà lãnh thổ truyền thống đã bị chia cắt bởi bức tường Morocco, nhiều người vẫn cảm thấy sự lôi kéo của những vùng đất cổ xưa của họ.

Sự nhất trí thời hậu thuộc địa của các nhà lãnh đạo châu Phi về việc không thay đổi các đường biên giới là dựa trên nỗi sợ rằng làm như thế sẽ dẫn tới xung đột không ngừng, và với hy vọng rằng họ có thể xây dựng những quốc gia nhà nước thực sự và qua đó làm giảm sự chia rẽ sắc tộc. Điều này hết sức khó khăn, đặc biệt là vì ở châu Phi, các dân tộc vẫn thường xuyên vượt qua biên giới quốc gia nhà nước, trong khi, lấy ví dụ ở Tây Âu, thường thì đã có những lằn ranh địa lý và ngôn ngữ rõ ràng nơi một quốc gia kết thúc và một quốc gia khác bắt đầu.

Chúng ta giờ đã sang thế kỷ 21 được nhiều năm và châu Phi đang ở một thời điểm mà, khi nhìn lại, luôn là sắp đến: họ cần cân bằng việc tái khám phá cảm nhận tiền thuộc địa của họ về tinh thần dân tộc với những thực tế của các quốc gia nhà nước đang vận hành. Đó là một lằn ranh mong manh, đầy rủi ro, nhưng phớt lờ hay chối bỏ sự chia rẽ đã diễn ra dọc theo chiều dài và chiều rộng của không gian mênh mông này sẽ không làm chúng biến mất.

Đã một thời từng có “cuộc tranh giành châu Phi”, giờ thì đang có một cuộc đua để đưa tới một mức độ thịnh vượng khiến mọi người có thể được thuyết phục sống hòa bình cùng nhau, trong khi tìm kiếm giải pháp ở những nơi mà họ muốn sống tách biệt với nhau.

Chú thích.

[1] Gió thổi từ sa mạc Sahara qua Địa Trung Hải. (ND)

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét