Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Chương Năm THỎI NAM CHÂM VỚI NGƯỜI NHẬP CƯ TIỂU LỤC ĐỊA ẤN ĐỘ

 


Đường biên giới điên rồ  giữa Ấn Độ và Bangladesh

CHIA RẼ

Tác giả  Tim Marshall

Chương Năm THỎI NAM CHÂM VỚI NGƯỜI NHẬP CƯ TIỂU LỤC ĐỊA ẤN ĐỘ

“Giống như tất cả những bức tường, nó có tính nước đôi, hai mặt.

Những gì bên trong nó và những gì bên ngoài nó, phụ thuộc vào bạn ở bên nào.”

- Ursula K. Le Guin, The Dispossessed

Ở biên giới của Ấn Độ với Bangladesh là hàng rào biên giới dài nhất thế giới. Nó chạy dài gần suốt đường biên giới hơn 4.000 kilômét mà Ấn Độ bọc quanh nước hàng xóm nhỏ hơn nhiều; phần duy nhất của Bangladesh hoàn toàn không có tường bao là bờ biển dài gần 580 kilômét của họ với vịnh Bengal. Hàng rào chạy theo hình dích dắc từ vịnh lên phía bắc, dọc theo vùng đất gần như hoàn toàn bằng phẳng, tới vùng nhiều đồi núi hơn gần Nepal và Bhutan, rẽ phải dọc theo cực bắc đất nước, rồi lại quay sang hướng nam, thường là qua những vùng rừng rậm, trở lại biển. Nó đi qua những bình nguyên và rừng rậm, dọc theo các con sông và trên những ngọn đồi. Những địa hình này ở mỗi bên đều có đông đúc cư dân sinh sống và ở nhiều vùng, đất đai được canh tác gần ranh giới tới mức tối đa, điều có nghĩa là mùa màng mọc lên thường chạm vào hàng rào chia rẽ.

Hàng trăm dặm rào chắn này có hai lớp, một phần có dây thép gai, một phần là những bức tường, một phần có điện và một phần có đèn pha. Ở một số khoảng, ở Tây Bengal chẳng hạn, vốn chiếm khoảng một nửa chiều dài biên giới, hàng rào đầy những cảm biến nhỏ, những máy dò phương hướng, các thiết bị chụp ảnh nhiệt và máy quay quan sát ban đêm được kết nối với một hệ thống chỉ huy phát tín hiệu dựa vào vệ tinh.

Người Ấn Độ đang cố chuyển từ một hệ thống vốn từng dựa vào số lượng lớn binh lính tuần tra dọc theo những tuyến biên giới dài gần như liên tục sang một hệ thống mà họ có thể dễ dàng phát hiện những vụ xâm nhập qua hàng rào và cử đi các đơn vị phản ứng nhanh. Giống như với các biên giới khác trên toàn thế giới, công nghệ đã đơn giản hóa điều trước kia sẽ cần hàng trăm giờ lao động để giám sát, báo cáo và hành động phản ứng nhanh chóng theo đó. Ngay cả nếu một cảm biến bị kích hoạt cách phòng điều khiển nhiều dặm, chỉ trong một phút, một chiếc máy bay không người lái có thể bay phía trên đó và tiến hành cuộc tuần tra, công nghệ trở nên ngày một tinh vi.

Bất chấp những biện pháp này, hàng rào của Ấn Độ đã không thể ngăn người vượt biên. Họ tiếp tục làm thế bất chấp dây thép gai, và bất chấp thực tế là lính tuần biên đã bắn chết hàng trăm người tìm cách lọt vào Ấn Độ, cũng như nhiều người khác muốn trở lại Bangladesh lén lút sau khi đã ở Ấn Độ bất hợp pháp. Trong số đó, vào năm 2011, có cô bé mười lăm tuổi Felani Khatun.

Gia đình của Felani đã làm việc bất hợp pháp ở Ấn Độ mà không có hộ chiếu hay thị thực, bởi sự phức tạp về pháp lý và chi phí để có được cả hai thứ đó. Để trở về nhà thăm gia đình, Felani và cha cô đã trả cho một tay buôn lậu 50 đô la Mỹ để đưa họ vượt biên. Ngay sau bình minh, với hàng rào biên giới che phủ trong sương mờ, cô bắt đầu trèo lên một chiếc thang tre mà tay buôn lậu đặt ở hàng rào. Bộ váy shalwar kameez[1] vướng vào dây thép gai. Cô hoảng loạn và bắt đầu la hét cầu cứu cha. Sau hàng loạt vụ khủng bố xâm nhập, Lực lượng An ninh biên giới Ấn Độ (BSF) đã được lệnh nổ súng bắn bỏ, và lính tuần biên đã tuân lệnh. Đó là một cái chết từ từ. Cô gái vẫn đung đưa trên hàng rào, chảy máu nhưng vẫn còn sống, suốt vài giờ liền. Khi mặt trời lên và sương mù tan đi, có thể thấy cô ở đó đang kêu khóc xin nước uống trước khi gục ngã vì những vết thương. Cái chết dần mòn kinh khủng đầy bạo lực của một cô gái trẻ như thế đã thu hút sự chú ý và lên án quốc tế với chính sách bắn bỏ. Không thể tránh khỏi, sự chú ý dần giảm bớt, nhưng chính trị thì vẫn ở đó, và hàng rào cũng vậy. Cái chết của cô trở thành bằng chứng cho tổn thất về con người với những rào chắn như thế. Ấn Độ không phải là duy nhất trong chuyện này, đã có sự gia tăng những cái chết kiểu như thế trên toàn thế giới. Tiến sĩ Reece Jones chỉ ra rằng “năm 2016 thiết lập kỷ lục về những cái chết ở đường biên giới (7.200 vụ trên toàn cầu) vì sự gia tăng của an ninh biên giới”.

Những biện minh cho hàng rào ở biên giới của Ấn Độ với Bangladesh bao gồm để ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí, hàng lậu và răn đe những kẻ nổi loạn vượt biên; nhưng chủ yếu thì hàng rào đó là để ngăn nhập cư bất hợp pháp ở mức độ đã dẫn tới những cuộc bạo động và giết hại hàng loạt người nước ngoài. Mục đích chính của nó là để ngăn chặn con người. Nhưng đây là một vùng lộn xộn, và nhập cư không phải là vấn đề duy nhất ở đây. Những chia rẽ khắp tiểu lục địa (Ấn Độ), như chúng ta thường xuyên thấy trên toàn thế giới, có nguồn gốc một phần từ những đường biên giới do các cường quốc thực dân vẽ nên, kết hợp với định kiến tôn giáo và sắc tộc trong vùng cùng các thực tế chính trị. Nhiều rạn nứt về tôn giáo có thể lần lại từ thời người Hồi giáo cai trị Ấn Độ vào thời Trung Cổ.

Sau những cuộc xâm lược đầu tiên của Hồi giáo từ Trung Á, đã xảy ra sự cải đạo ở quy mô lớn với dân chúng chủ yếu là người Ấn Độ giáo, nhưng chỉ quy mô của Ấn Độ thôi đã gây ra nhiều vấn đề cho những kẻ xâm lược: giống như với Trung Quốc, một cường quốc bên ngoài gần như không thể kiểm soát hoàn toàn Ấn Độ mà không xây dựng những liên minh. Vì thế dù hàng chục triệu người đã cải sang đạo Hồi, vẫn còn lại hàng trăm triệu người Ấn Độ giáo. Ngay cả dưới triều đại Mughal (1526-1857), khi quyền lực Hồi giáo mở rộng ra gần như toàn bộ Ấn Độ, những kẻ chinh phục đã nhận ra điều sau này người Anh sẽ nhận ra: để tận dụng sự giàu có của tiểu lục địa, chia rẽ và cai trị những vùng khác nhau dễ hơn là tìm kiếm quyền lực tuyệt đối. Đa số người dân ở phía tây sa mạc Thar và lòng chảo đồng bằng sông Hằng (cũng những vùng ngày nay là Pakistan và Bangladesh) đã cải sang đạo Hồi, nhưng gần như ở mọi nơi khác, đa số người vẫn theo Ấn Độ giáo.

Vào năm 1947, khi người Anh rút đi, những người cha sáng lập nước Ấn Độ, nhất là Mahatma Gandhi, có tầm nhìn tạo ra một nhà nước dân chủ đa tín ngưỡng trải rộng từ đông sang tây, từ dãy Hindu Kush tới dãy Rakhine, và từ bắc xuống nam từ dãy Himalaya tới Ấn Độ Dương. Nhưng Muhammad Ali Jinnah[2], người rồi sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Pakistan, tin rằng vì người Hồi giáo sẽ là thiểu số ở nhà nước đó, họ cần một quốc gia của riêng họ. Ông muốn “một quốc gia Hồi giáo cho người Hồi giáo” và giúp tạo ra một biên giới được vẽ một phần theo những đường ranh tôn giáo, chứ không phải địa lý. Các đường biên giới được vẽ - bởi người Anh - để cắt những vùng có chủ yếu là dân chúng

Hồi giáo ra. Và vì thế năm đó hai quốc gia được thành lập, Ấn Độ và Pakistan, quốc gia sau bao gồm Tây và Đông Pakistan. Những chia rẽ tôn giáo đã trở thành chia rẽ chính trị, hằn sâu trong tâm trí và trên thực địa.

Nhưng thật thường xuyên, đường biên giới phân chia các cộng đồng hiện hữu, và tất nhiên mọi vùng đều có sự pha trộn ở mức độ nào đó, nên nhiều người bắt buộc phải di chuyển. Sự chia rẽ lớn này của tiểu lục địa vào năm 1947 đi kèm với một cuộc đổ máu điên loạn. Hàng triệu người đã bị giết trong cuộc di chuyển khổng lồ những dân theo đạo Sikh, Ấn Độ giáo và Hồi giáo tới những vùng mà họ sẽ cảm thấy an toàn. Về mặt tâm lý, không quốc gia nào liên quan tới cuộc di chuyển đó thực sự hồi phục, những sự chia rẽ giữa họ hiện giờ cũng lớn như bất cứ khi nào và ngày càng được thể hiện qua bê tông và dây thép gai.

* * *

Ấn Độ là một thỏi nam châm với dân nhập cư. Đó là một nền dân chủ, có pháp luật bảo vệ những người thiểu số, và so với các nước láng giềng, họ có một nền kinh tế phát đạt. Người tị nạn và người nhập cư bất hợp pháp đã đổ về đó từ Afghanistan, Sri Lanka, Myanmar (trước kia là Burma), Tây Tạng, Pakistan và Bangladesh. Có ít nhất 110.000 người Tây Tạng đã bỏ chạy kể từ khi Trung Quốc sáp nhập vùng lãnh thổ này vào năm 1951, khoảng 100.000 người Tamil Sri Lanka đã tới trong thời nội chiến ở hòn đảo này, vốn kết thúc vào đầu thế kỷ, và những đảo lộn ở Afghanistan đã chứng kiến dòng người đều đặn đổ sang Ấn Độ. Nhưng dứt khoát đông đảo nhất là người nhập cư từ Bangladesh, nước mà ba mặt là Ấn Độ bao bọc.

Kể từ sự phân chia Ấn Độ vào năm 1947,những làn sóng người từ vùng khi đó là Đông Pakistan đã tràn vào Ấn Độ để trốn tránh sự truy bức, không khoan dung và khó khăn kinh tế, nhưng con số tăng lên sau xung đột bạo lực với Tây Pakistan. Nhìn qua bản đồ nhanh chóng cho thấy tại sao hai nước này chưa bao giờ có định mệnh là một quốc gia. Họ cách nhau khoảng 2.090 kilômét ở những vùng địa lý và ngôn ngữ khác nhau. Sau nhiều năm bị Tây Pakistan phân biệt đối xử, vào năm 1971, những người Bengal ở Đông Pakistan bắt đầu đòi độc lập. Chính quyền Pakistan tìm cách đàn áp họ không thương tiếc, và trong bạo lực kéo theo, mà hàng triệu người đã thiệt mạng, hàng triệu người cũng bỏ chạy sang Ấn Độ. Và ngày nay người ta cho rằng hàng nghìn người tiếp tục vượt qua biên giới mỗi năm.

Đời sống rất khó khăn cho nhiều người ở Bangladesh [tức Đông Pakistan trước kia]. Khoảng 12,9% dân chúng sống dưới mức nghèo quốc gia, theo định nghĩa của Ngân hàng Phát triển châu Á. Những nỗ lực lớn đã được thực hiện để giải quyết vấn đề, nhưng cuộc sống vẫn hết sức khó khăn với hàng chục triệu người. Ở những vùng nông thôn công việc bao gồm lao động ở nông trại nặng nhọc, và ở các thành phố đang tăng trưởng những khu ổ chuột khổng lồ đã mọc lên để có chỗ cho những người tới tìm công việc ở nhà máy. Các nhóm thiểu số, như người Ấn Độ giáo và Kitô giáo, nói họ bị truy bức, và nhìn chung, sự thiếu khoan dung về tôn giáo đang tăng lên, được tiếp sức bởi những người Hồi giáo cực đoan. Có rất nhiều tin tức về những vụ cải đạo ép buộc người Ấn Độ giáo sang Hồi giáo và việc bắt cóc các bé gái. Hiến pháp Bangladesh không thừa nhận các nhóm thiểu số. Điều 41 bảo đảm tự do tôn giáo, nhưng trên thực tế, vài năm qua đã chứng kiến những nhóm cực đoan tấn công hàng chục ngôi đền Ấn Độ giáo, đốt cháy hàng trăm căn nhà và tấn công hàng nghìn người. Một cách tự nhiên, nhiều người đã bỏ chạy sang Ấn Độ, nơi người Ấn Độ giáo chiếm đa số. Thêm vào những trận bão và lũ lụt hằng năm ở Bangladesh, và thật dễ hiểu tại sao nhiều người như thế lựa chọn vượt biên.

Tuy nhiên, với nhiều người, đó không đơn giản là việc di cư tìm việc làm hay trốn chạy việc bị truy bức: biên giới Ấn Độ-Bangladesh chia cắt những cộng đồng đã sống nhiều thế kỷ với nhau mà không chia rẽ về địa lý. Một số cộng đồng chia sẻ những đặc điểm ngôn ngữ và văn hóa giống nhau - ý tưởng rằng láng giềng của họ mang một quốc tịch khác thật xa lạ với họ - và kể từ khi chia cắt, họ đã tiếp tục qua lại vùng này.

Khó có được các con số chính xác, nhưng phần lớn ước tính cho rằng số người đã chuyển hẳn từ Bangladesh sang Ấn Độ trong thế kỷ này là hơn 15 triệu. Điều đó đã gây ra những vấn đề lớn cho các bang Ấn Độ ở gần biên giới nhất - Tây Bengal, Assam, Meghalaya, Mizoram và Tripura - nơi đa số người Bangladesh (chủ yếu là Hồi giáo) đã đến định cư, nhưng những người nhập cư trái pháp luật Bangladesh xuất hiện ở tất cả các thành phố lớn. Một trong những bang bị ảnh hưởng nhiều nhất là Assam ở đông bắc Ấn Độ. Trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Bangladesh[3], phần lớn người chạy sang Ấn Độ theo Ấn Độ giáo, nhưng rất nhanh chóng, số lượng lớn ngày càng tăng người Hồi giáo đi cùng họ. Từ năm 1971 tới 1991, dân số Hồi giáo đã tăng thêm 77%, từ 3,5 triệu lên 6,3 triệu người, dẫn tới phản ứng ngược nghiêm trọng về sắc tộc chống lại họ ở Assam, nơi dân địa phương than phiền rằng điều đó gây ra áp lực không chỉ lên công ăn việc làm và nhà cửa, mà còn thách thức cả bản sắc và văn hóa của họ. Một số người Ấn Độ giáo đâm ra đổ tất cả những gì xấu xa cho những kẻ mới tới dù cho xuất thân của họ có là gì, vì họ không phải dân Assam, nhưng người Hồi giáo chịu nhiều đau khổ nhất trong phản ứng ngược đó. Những gì về cơ bản là các khác biệt nhỏ, lấy ví dụ việc ăn thịt lợn hay thịt bò, được khuếch đại khi căng thẳng gia tăng.

Vào năm 1982, những cuộc biểu tình chống người Bangladesh quy mô lớn bắt đầu, dẫn tới việc thành lập lực lượng dân quân và cuối cùng tới bạo động, trong đó hàng nghìn người không phải người Assam bị giết. Người Hồi giáo là các nạn nhân chính, nhưng trong nhiều trường hợp, người ta không buồn phân biệt giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo. Indira Gandhi[4] đáp lại bằng những kế hoạch hàng rào dây thép gai, điều mà chính phủ sau đó của Rajiv Gandhi[5] hứa sẽ thực hiện.

Assam có vai trò hữu ích để hiểu những vấn đề rộng lớn hơn mà Ấn Độ đối mặt. Giống như ở những nơi khác, tính chất địa hình của Assam khiến bang này gần như không thể bảo đảm hoàn toàn an ninh biên giới. Họ chỉ chia sẻ khoảng 262 kilômét đường biên với Bangladesh, nhưng một phần của tuyến biên giới này là Sông Brahmaputra, năm nào cũng tràn bờ và đổi dòng chảy, khiến nó khó có thể là một mốc biên giới cố định.

Từ năm 1971, dân số Assam đã tăng hơn gấp đôi, từ 14,6 triệu lên hơn 30 triệu người, phần lớn là bởi nhập cư bất hợp pháp. Những người dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ giáo đã lập luận rằng tới năm 2000 khu vực này có thể có đa số là người Hồi giáo. Vào năm 2015, có 19 triệu người Ấn Độ giáo và 11 triệu người Hồi giáo, ở 9 trong 27 quận, người Hồi giáo đã là đa số. Quan trọng không kém, điều tra dân số năm 2017 cho thấy những ai về mặt sắc tộc là người Assam giờ là thiểu số trên toàn bang, và khi người ta tiếp tục kéo tới, tỷ lệ của họ sẽ tiếp tục giảm.

Sau những cuộc bạo động đẫm máu vào năm 1982, quốc hội đã thông qua thỏa ước Assam vào năm 1985, do cả chính quyền toàn quốc và chính quyền bang cùng ký, cùng các nhà lãnh đạo những phong trào bạo lực đã góp phần kích động bất ổn ba năm trước đó. Thỏa ước dự tính giảm số người nhập cư trong khu vực, và nhắc lại cuộc chiến tranh Pakistan năm 1971. Những người tới trước năm 1971 có thể ở lại với những điều kiện nhất định, nhưng tất cả người nước ngoài đã vào Assam từ ngày 25 tháng Ba năm đó trở đi - ngày mà quân đội Pakistan bắt đầu những chiến dịch quy mô tổng lực chống lại dân thường - sẽ bị tìm lại và bị trục xuất, bởi tới năm 1985, Bangladesh đã được coi là đủ ổn định để những người tị nạn trở về.

Thỏa ước không hiệu quả. Trong 10 triệu người đã bỏ chạy khỏi Bangladesh trong cuộc chiến, hàng triệu ở lại Ấn Độ và nhiều người nữa tiếp tục tới. Kết quả là qua nhiều năm, các hàng rào đã trở nên dài hơn, cao hơn và ngày càng hiện đại về công nghệ. Chính quyền trung ương đã tập trung vào việc xây tường thay vì thực thi thỏa ước và tạo ra khung pháp lý cho một giải pháp. Tất cả diễn ra cùng lúc với việc cái giá phải trả về mặt con người tăng lên: theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này, các binh sĩ của BSF đã bắn hạ khoảng 900 người Bangladesh khi họ tìm cách vượt qua biên giới.

Phần lớn những ai sẵn sàng mạo hiểm đều tới được Ấn Độ. Nhưng một khi đã ở đó, họ sẽ thấy mình rơi vào một cơn ác mộng về luật pháp. Ấn Độ không có luật quốc gia nào có hiệu lực cho người tị nạn hay nhập cư bất hợp pháp. Họ đã không ký Công ước Người tị nạn của Liên Hợp Quốc năm 1951 trên cơ sở Công ước đó không tính tới những phức tạp của các vấn đề trong vùng. Thay vì thế, pháp lý của mọi người nước ngoài được điều chỉnh theo đạo luật Người nước ngoài năm 1946, trong đó định nghĩa người nước ngoài là “một người không phải là công dân Ấn Độ”, điều có thể có lợi ích là ngắn gọn, nhưng không có nhiều phạm vi áp dụng trong việc xác định ai là người tị nạn thực sự, những người đủ tiêu chuẩn được tị nạn, và ai là di dân kinh tế.

Những vấn đề đang diễn ra - sự căm ghét trong bộ phận dân chúng Ấn Độ, tình trạng nhập nhèm của chính người di cư - nhấn mạnh những khó khăn ở khắp mọi nơi trên thế giới khi không có các hệ thống phù hợp để giải quyết vấn đề dòng người di cư lớn, nhưng nhất là khi dòng người đó di chuyển từ một nước đang phát triển này sang một nước đang phát triển khác.

Sanjeev Tripathi, cựu giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài của Ấn Độ, Cánh Nghiên cứu và Phân tích, lập luận rằng Ấn Độ cần một đạo luật mới để định nghĩa người tị nạn và di dân bất hợp pháp. Họ cũng phải đi tới một thỏa thuận với Bangladesh là Dhaka sẽ nhận lại những người Bangladesh và cấp giấy tờ cho họ, và rằng “điều này sẽ cần tiếp nối bằng hành động có phối hợp để phát hiện di dân Bangladesh, phân loại họ thành những hạng mục tị nạn và di dân bất hợp pháp, cho họ tái định cư hoặc trả về, và ngăn chặn bất cứ dòng người nào để sang trong tương lai”. Như ông nói, hệ thống hiện giờ đã “đóng góp lớn vào việc thay đổi mô thức nhân khẩu học ở các bang đông bắc Ấn Độ, nơi dân địa phương cảm thấy bị người bên ngoài áp đảo. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực lên lối sống của họ và dẫn tới căng thẳng âm ỉ giữa hai phía.”

Khía cạnh pháp lý của vấn đề là có thể đạt được qua ý chí chính trị trong nước; tuy nhiên, sự hợp tác ngoại giao cần thiết từ Bangladesh rắc rối hơn. Không chỉ họ lập lờ về các tài liệu hành chính đôi khi cần phải có để nhận lại những người di dân, mà còn có vô số các câu chuyện về những lính phòng biên Bangladesh ép người Bangladesh trở về phải ở lại Ấn Độ, nhất là nếu họ thuộc về cộng đồng thiểu số Ấn Độ giáo.

Còn một vấn đề nữa của việc bắt giữ những người bị coi là bất hợp pháp. Có hàng triệu người như thế, và họ đã sống yên ổn ở Ấn Độ; họ thường có thẻ căn cước aadhaar, vốn không phân biệt họ với công dân Ấn Độ vì các mục đích nhận dạng đơn giản, dù các thẻ đó không sử dụng được để tiếp cận mọi cơ sở dành cho một công dân Ấn Độ. Hơn nữa, ở những vùng như Tây Bengal, vấn đề thêm phức tạp, bởi những đặc điểm và phương ngữ của một người Bangladesh và một người Tây Bengal là gần như không thể phân biệt được.

Cũng có một cuộc chiến đang diễn ra trong nền chính trị Ấn Độ về việc người Bangladesh theo Ấn Độ giáo có nên được trao tư cách công dân hay không, trên cơ sở họ đã trốn chạy sự truy bức. Khi đảng Dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ giáo Bharatiya Janata (BJP) nắm quyền, họ đã nêu vấn đề này ra: rốt cuộc, tuyên ngôn năm 2014 của đảng bao gồm những lời như “Ấn Độ phải tiếp tục là một nơi trú ngụ tự nhiên cho những người Ấn Độ giáo bị truy bức và họ phải được chào đón khi tìm một nơi trú ẩn ở đây.” Tuy nhiên, BJP đã rất chậm chạp trong hành động do ý thức rằng dù di dân Hồi giáo là mối quan tâm lớn hơn với nhiều cử tri ở các bang biên giới, nhưng có những mức độ thù địch nhất định với tất cả những kẻ từ bên ngoài.

Nhiều người ủng hộ chính quyền BJP có quan điểm vững chắc về những gì cần thiết và đòi hỏi các chính sách có thể có vẻ khắc nghiệt với một số người. Những chính sách này bao gồm truy tố hình sự bất kỳ ai che giấu người nhập cư bất hợp pháp, và cấm người nhập cư bất hợp pháp làm việc nếu họ không tình nguyện đăng ký với nhà chức trách. Trong chiến dịch tranh cử toàn quốc năm 2014, Narendra Modi, lãnh đạo BJP, đã hứa đi hứa lại rằng ông sẽ siết chặt kiểm soát biên giới và cảnh báo người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh rằng họ cần “gói ghém đồ đạc”. Ông đã thắng cử và thành Thủ tướng.

Vào năm 2017, chủ tịch BJP, Amit Shah, cáo buộc các chính trị gia của đảng Quốc đại đối lập, những người chống việc trục xuất, là họ muốn biến bang Assam thành một phần của Bangladesh. Và nhiều người trong chính quyền nhìn nhận vấn đề từ góc độ an ninh quốc gia. Nhìn qua lăng kính an ninh của Ấn Độ, vấn đề là thế này: Pakistan chưa bao giờ tha thứ cho Ấn Độ vì việc giúp Bangladesh giành độc lập. Để gieo rắc bất hòa, họ thúc đẩy chiến lược gọi là “đẩy mạnh chiều sâu chiến lược”. Họ khuyến khích di dân bất hợp pháp và tài trợ cho khủng bố xuyên biên giới từ Bangladesh, ủng hộ hoạt động của các nhóm như Harkat-ul-Jihad al-Islami và Jamaat-ul-Mujahideen ở Bangladesh và sự di chuyển của hàng trăm tay súng của những nhóm này vào Ấn Độ. Giả thuyết này nói tiếp là bằng cách thay đổi nhân khẩu học Ấn Độ giáo-Hồi giáo ở các vùng Ấn Độ gần Bangladesh, các đảng chính trị sẽ được thành lập sẽ đòi hỏi tự trị và cuối cùng là độc lập, qua đó tạo ra một quê hương Hồi giáo mới. Thậm chí đã có một cái tên cho quốc gia tương lai tưởng tượng này, được thành lập từ Assam và Tây Bengal: Bango Bhoomi. Như thế, giả thuyết này kết luận, Ấn Độ sẽ yếu đi và Pakistan giành được một chỗ đứng ngay cạnh Bangladesh.

Những người ủng hộ cho ý tưởng rằng có một kế hoạch như thế không tìm ra được mấy bằng chứng rõ ràng, nhưng chỉ ra sự thay đổi về nhân khẩu học để củng cố cho lập luận của họ. Ở mức độ nhà nước với nhà nước, quan hệ giữa Ấn Độ và Bangladesh là thân thiện, nhưng nền chính trị nội bộ đầy rủi ro của tiểu lục địa ở thời hậu phân chia, của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo và Hồi giáo, có nghĩa là các chính trị gia thường tìm cách thỏa mãn những cảm xúc về bản sắc.

Dù giả thuyết Mango Bhoomi có đúng hay không, nhiều chuyên gia phi chính phủ về kiểm soát biên giới lập luận rằng các bức tường và hàng rào không có nhiều giá trị sử dụng trong việc ngăn chặn dòng người, và rằng chúng đặc biệt thiếu hiệu quả trong việc ngăn chặn khủng bố. Về điểm này, tiến sĩ Reece Jones nói rằng bất chấp những khoản tiền lớn đã được chi ra để xây một hàng rào công nghệ cao Ấn Độ-Bangladesh mới, nó “nhiều khả năng không ảnh hưởng gì” lên sự xâm nhập của khủng bố vì “một kẻ khủng bố thường có tiền để trả cho những giấy tờ giả mạo và đơn giản là vượt qua biên giới ở những điểm kiểm soát hay đi lại bằng giấy tờ hợp thức”. Ông cũng nhận xét rằng “mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố được dùng để biện minh cho bức tường, nhưng vấn đề nền tảng gần như luôn là sự di chuyển chưa được phép của người nghèo”. Dẫu trong trường hợp nào, thật dễ hiểu là những trao đổi về Bango Bhoomi không được chào đón ở Bangladesh, vốn coi hành động xây hàng rào của Ấn Độ là ngạo mạn, hung hăng và gây hại cho mối quan hệ hai nước.

Không có gì ngạc nhiên, nhiều người Bangladesh có cảm giác họ bị bỏ tù: ở phía đông, tây và bắc của họ là hàng rào của Ấn Độ, và phía nam, hướng vịnh Bengal, là biển. Và biển mỗi năm lại đang tiến gần hơn.

Bangladesh là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới. Đất nước này nhỏ hơn bang Florida của Hoa Kỳ, nhưng có 165 triệu dân, so với 20 triệu của Florida, và dân số đang tăng lên nhanh chóng. Phần lớn đất nước nằm ngang mực nước biển trên đồng bằng sông Hằng. Đất nước có hàng trăm con sông, nhiều sông bị ngập lụt mỗi năm, khiến hàng triệu người mất nhà cửa. Hầu hết họ quả thực sau đó trở về với đất đai của mình sau khi nước rút đi; tuy nhiên, nhiều chuyên gia khí hậu dự đoán rằng trong 30 năm tới, ít nhất nhiệt độ bề mặt đất sẽ tăng 2°C và mực nước biển dâng lên hơn 0,9 mét. Nếu điều đó xảy ra, một phần năm diện tích Bangladesh sẽ biến mất dưới biển. Một số vùng gặp rủi ro nhất là các vùng ven biển tiếp giáp Ấn Độ như Khulna, Satkhira và Bagerhat, nhưng khoảng 80% đất nước này cũng chỉ nằm ngay trên mực nước biển.

Phía thượng nguồn, băng tan chảy ít dần từ dãy Himalaya đã biến một số đất đai màu mỡ quý giá của Bangladesh thành sa mạc rồi. Điều này dự kiến sẽ tiếp tục, và đang đẩy hàng trăm nghìn người từ nông thôn ra thành phố, đôi khi đơn giản để tìm nước ngọt sau khi nguồn cung cấp nước của họ bị nhiễm mặn vì biển tiến vào các con sông. Những vùng đô thị đang lớn lên nhanh chóng không được chuẩn bị tốt để có chỗ cho họ. Tổ chức Di dân Quốc tế ước tính rằng 70% dân số ở các khu ổ chuột của Dhaka tới thủ đô vì những thảm họa môi trường như lũ lụt hay bão.

Đã có rồi “những người tị nạn khí hậu” ở nhiều vùng trên thế giới, và chắc chắn sẽ còn hàng chục triệu người nữa, hầu hết đang hướng tới những vùng đô thị, khi ngay cả những thay đổi nhỏ về khí hậu vẫn có thể gây ra những hậu quả tai họa cho dân chúng địa phương. Ở châu Phi chẳng hạn, hạn hán trong vài thập kỷ qua đã tạo ra nạn đói nghiêm trọng ở nhiều vùng, trong khi sa mạc Sahara cũng đang dần mở rộng về phương nam. Nhưng những người tị nạn khí hậu châu Á chủ yếu tìm cách thoát khỏi ngập lụt. Một nghiên cứu năm 2010 của Trường Kinh tế London thấy rằng trong mười thành phố ven biển bị ảnh hưởng nhất bởi ngập lụt, thì chín là ở châu Á. Dhaka đứng thứ ba sau Kolkata và Mumbai.

Khi ta áp dụng tương lai đã được tiên đoán này vào một nước như Bangladesh, nơi chăm sóc y tế hiện đại là hiếm có và trình độ giáo dục thấp, rõ ràng là nếu một phần năm đất đai bị ngập, và một phần những gì còn lại không còn thích hợp để làm nông nghiệp, thì số lượng lớn con người sẽ di chuyển. Một số sẽ cố gắng sang phương tây, nhưng hàng triệu người, nhất là những người nghèo nhất, sẽ tới Ấn Độ và gặp phải bức tường và những binh sĩ canh gác biên giới. Ở thời điểm đó, Ấn Độ sẽ còn gặp phải vấn đề nhân đạo và chính trị thậm chí còn lớn hơn so với vấn đề mà giờ họ đang phải vật lộn.

Người Hồi giáo chiếm khoảng 15% dân số Ấn Độ, đang gần 200 triệu người. Nhưng ở Bangladesh, khoảng 90% người dân là người Hồi giáo. Một cuộc khủng hoảng nhập cư hàng loạt sẽ nêu ra nhiều câu hỏi. Bởi những căng thẳng hiện hữu với người nhập cư bất hợp pháp, Ấn Độ sẽ nhận bao nhiêu người Bangladesh? Dân chúng đa số sẽ chấp nhận bao nhiêu người, nhất là ở những bang biên giới, mà không có bạo động nổ ra và không khiến các đảng chính trị lao về phía cực đoan? Liệu Ấn Độ có ưu tiên cho người Bangladesh theo Ấn Độ giáo trên cơ sở họ chịu nhiều đau khổ nhất, bởi mức độ bị phân biệt đối xử về tôn giáo mà họ nói họ phải gánh chịu? Những vấn đề này là điều cả hai nước đều đã phải vật lộn, nhưng những kịch bản tồi tệ nhất của trận hồng thủy sẽ khiến chúng thêm trầm trọng: biến đổi khí hậu và khó khăn về kinh tế khiến nhiều người di chuyển hơn, những người này bị mất nhà cửa và không dễ hòa nhập về mặt văn hóa và kinh tế vào các quốc gia khác.

Bangladesh cũng có những khó khăn của riêng họ trên phương diện này. Người Rohingya ở Myanmar là một nhóm thiểu số Hồi giáo ở một nước đa số là Phật giáo. Khoảng 750.000 người sống ở vùng Arakan, giáp ranh Bangladesh. Về mặt sắc tộc họ liên quan tới những người Chittagon ở miền nam Bangladesh, và họ gặp phải một vấn đề. Người Rohingya không có tổ quốc, đã bị từ chối quyền công dân trên cơ sở sắc tộc. Vào năm 1982, chế độ độc tài Myanmar viết ra luật Công dân liệt kê 135 “dân tộc” mà họ tuyên bố đã sống ở đất nước đó trước thời Anh thuộc địa hóa vùng Arakan vào năm 1823. Bất chấp bằng chứng rằng người Rohingya đã sống ở khu vực đó từ tận thế kỷ 7, chính quyền quân đội nhân loại họ không thuộc về Myanmar. Người Rohingya hứng chịu những hạn chế đi lại nghiêm trọng, gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, và đối mặt với cuộc tranh đấu thường là vô ích nhằm được đăng ký khai sinh và kết hôn trong cộng đồng của họ, do đó ngày càng bị cô lập.

Vào đầu những năm 1990, có tới 250.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh giữa những báo cáo về sự truy bức tôn giáo, giết người, cưỡng hiếp, tra tấn và lao động cưỡng bức do quân đội Myanmar thực hiện. Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) coi họ là người tị nạn và Bangladesh ban đầu đã cho họ chỗ trú ẩn. Nhưng đối mặt với số lượng ngày càng tăng, họ bắt đầu buộc phải trục xuất hàng chục nghìn người trở lại bên kia biên giới, thường là trong những vụ xung đột giữa người tị nạn và quân đội Bangladesh. Tới giữa thập niên này, trừ 20.000 người, tất cả đã trở lại Myanmar. Tuy nhiên, giờ khó mà biết chắc có bao nhiêu người bởi chính quyền Bangladesh đã ngưng cho họ đăng ký, và theo đó yêu cầu các cơ quan viện trợ thôi giúp đỡ những người không được đăng ký - trên cơ sở họ muốn ngăn cản những người khác lại tràn sang. Dù là một trong những nước nghèo nhất thế giới, Bangladesh đã đón nhận tới nửa triệu người tị nạn trong thế kỷ này, nhưng được trang bị rất nghèo nàn khi đối phó với họ.

Vào năm 1998, UNHCR đã viết thư cho chính quyền quân sự ở Myanmar yêu cầu sự đối xử bình đẳng cho người Rohingya sau những cáo buộc về sự phân biệt đối xử và sự ngược đãi rộng khắp. Chính quyền quân sự phản hồi: “Họ khác biệt về mặt sắc tộc, chủng tộc, văn hóa với những dân tộc khác trong nước chúng tôi. Ngôn ngữ cũng như tôn giáo của họ cũng khác biệt.” Trong những năm gần đây, bạo lực chống lại người Rohingya lại gia tăng, với những ngôi làng và hội đường Hồi giáo bị đốt cháy và nhiều người bị sát hại, đặc biệt là để đáp lại một cuộc tấn công vào cảnh sát biên giới do một nhóm vũ trang Rohingya thực hiện vào tháng 8 năm 2017. Số người tìm cách sang Bangladesh do đó đã tăng mạnh lần nữa: hơn 600.000 người đã di chuyển chỉ trong nửa sau của năm 2017.

Hiện giờ có hàng trăm nghìn người Rohingya sống trong những khu ổ chuột xung quanh thị trấn cảng của Bangladesh, Cox’s Bazar, hay trong các khu trại của UNHCR. Ở một đất nước nghèo khó, đông đúc đang vật lộn để chăm lo cho chính các công dân của mình, những nguồn lực nhân đạo bị dàn ra rất mỏng, và những di dân đó thường bị e sợ là nguồn gốc của tình trạng vô pháp luật và tội ác, bị loại ra ngoài xã hội mà không có cách thức hợp pháp nào cho họ làm việc. Một số người ở Bangladesh đã đòi hỏi kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn trước làn sóng người tị nạn mới nhất, tuy nhiên, cũng đã có những kêu gọi phản ứng nhân đạo mạnh mẽ hơn. Cũng có những nỗi sợ rằng sự bất ổn trong vùng có thể thu hút các tổ chức khủng bố vốn sẽ lợi dụng cuộc xung đột, đánh vào sự chia rẽ tôn giáo và sắc tộc và lan truyền các ý tưởng cực đoan trong các nhóm thiểu số bị ảnh hưởng. Tôn giáo có thể trở thành nơi gieo rắc sự cực đoan hóa, càng làm bùng lên bạo lực vốn đã nổ ra ở đó.

Bangladesh đang chuẩn bị trả lại những người tị nạn ngay khi có thể; Myanmar có xu hướng lập lờ, cho rằng một mặt những người tị nạn sẽ được đón nhận lại, trong khi mặt khác, lại lên kế hoạch nâng cấp và mở rộng rào chắn dọc theo đường biên giới dài 273 kilômét. Cũng đã có các cáo buộc rằng người ta đặt mìn để ngăn người tị nạn quay lại. Hơn nữa, không rõ là những người Rohingya có thể trông đợi gì từ việc quay lại: hơn hai trăm ngôi làng đã bị đốt trụi và sự phân biệt đối xử có hệ thống chống lại họ vẫn tồn tại.

Không có giải pháp rõ ràng trước mắt chừng nào nhà nước Myanmar tiếp tục săn lùng những người thiểu số; một đường biên giới nữa, bởi thế, có vẻ sẽ vẫn là nguồn gốc cho căng thẳng và bất ổn.

* * *

Dân số tăng lên ở tiểu lục địa đang đối mặt với những thách thức của thế kỷ 21 trong một thứ địa lý của hàng rào do con người tạo ra và những đường biên giới quốc gia không mấy tôn trọng lịch sử.

Ở miền nam Assam,dãy núi Rakhine chia cắt Ấn Độ và Myanmar, với rừng rậm che phủ. Người ta vượt qua khu rừng để cố gắng xin tị nạn ở Ấn Độ, nhưng không phải với những số lượng lớn tới mức biến đó thành một vấn đề quốc gia. Đáng quan ngại hơn là cuộc nổi dậy của người bộ lạc Naga từ Myanmar thỉnh thoảng tràn sang Ấn Độ, đã dẫn tới việc xây dựng một hàng rào, không phải bởi Ấn Độ, mà bởi Myanmar, dọc theo những phần đó của đường biên giới.

Người Naga là một tập hợp các bộ lạc sống ở vùng rừng núi. Họ có những truyền thống văn hóa chung, dù ngôn ngữ của họ rất đa dạng - hầu hết nói những phương ngữ khác với tiếng Naga gốc, mà người bên ngoài, và thậm chí là đôi khi nội bộ họ với nhau, cũng không hiểu. Một số bộ lạc từ bỏ việc săn đầu người chỉ mới vài thập niên trước, sau khi cải sang Kitô giáo, nhưng họ vẫn gắn kết với những thực hành văn hóa ban đầu và nhìn nhận họ không phải là người Myanmar lẫn Ấn Độ

Sau tuyên bố độc lập của nhà nước Ấn Độ vào năm 1947 và nhà nước Myanmar (Burma) năm sau đó, người Naga thấy họ bị chia đôi bởi những đường biên giới chủ quyền vừa tuyên bố. Một cuộc đấu tranh vũ trang nổ ra vào những năm 1950, khi một số người bộ lạc Naga bên phía Ấn Độ bắt đầu đòi độc lập khỏi New Delhi. Việc tạo ra bang Nagaland (bang nhỏ nhất của Ấn Độ) vào năm 1963 đã giảm mức độ bạo lực, nhưng không dẫn tới một thỏa thuận bền vững. Tới những năm 1970, các tay súng đã bị đẩy sang Myanmar, nhưng tiếp tục cuộc tranh đấu của họ ở đó bên cạnh các bộ lạc Naga khác. Giờ ước tính có hai triệu người Naga rải rác ở hai bên biên giới, một vùng mà những người dân tộc chủ nghĩa Naga muốn biến thành một quê hương thống nhất.

Chính quyền Myanmar, mà ở bất cứ thời điểm nào thường xuyên phải đối phó với vài cuộc nổi dậy nội bộ một lúc, không làm gì nhiều để ngăn chặn người Naga sử dụng vùng này nhằm huấn luyện và trang bị cho các tay súng của họ và thực hiện những cuộc tấn công thường xuyên qua bên kia biên giới. Một cách tự nhiên, đây đã là một nguồn gây kích động lớn với chính quyền nhà nước ở Ấn Độ và chính quyền các bang Assam, Manipur và Nagaland. Vào năm 2015, sau một cuộc tấn công giết chết mười tám binh sĩ Ấn Độ, quân đội Ấn Độ đã tiến hành một chiến dịch chớp nhoáng ban đêm xuyên biên giới, chiến dịch đầu tiên trong nhiều năm. Trực thăng đã thả lính đặc nhiệm Ấn Độ ở biên giới, rồi họ tiến sâu nhiều dặm vào trong lãnh thổ Myanmar trước khi tấn công hai khu trại nổi dậy của người Naga. New Delhi tuyên bố khoảng ba mươi tám tay súng nổi dậy đã bị tiêu diệt, dù đó là một con số gây tranh cãi.

Công khai thì chính quyền Myanmar phải giả vờ giận dữ với cuộc xâm nhập, nhưng trên thực tế họ đã thỉnh thoảng vượt biên vào các bang Ấn Độ Manipur và Mizoram trong những cuộc săn đuổi ráo riết “bọn khủng bố” từ các nhóm nổi loạn ở Chin và Arakan, và vì thế ở nơi riêng tư, họ chấp nhận cuộc xâm nhập vào lãnh thổ chủ quyền của mình. Thiếu tinh ý ngoại giao, chính quyền Ấn Độ đã rêu rao về toàn bộ vụ việc, khiến Myanmar phải cân nhắc nghiêm túc cách ngăn chặn những hành động như thế trong tương lai. Một động lực cộng thêm là ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Myanmar, điều có thể được cân bằng nhờ xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với Ấn Độ.

Vào đầu năm 2017, với các chiến dịch của quân đội Ấn Độ tiếp diễn chống lại quân nổi dậy, Myanmar bắt đầu xây dựng một hàng rào biên giới ngắn ở “Khu tự quản Naga”, một vùng mà người Naga có sự tự trị hạn chế. Chính thức thì Ấn Độ không liên quan gì tới hàng rào; tuy nhiên, New Delhi quả đã cho Myanmar 5 triệu đô la Mỹ mỗi năm nhằm thúc đẩy phát triển ở khu vực biên giới” trong vùng này. Hàng rào có mặt ở đó nhân danh an ninh quốc gia chung, vừa để ngăn phiến quân Naga vào Ấn Độ, vừa để đảm bảo rằng không ai từ phía Ấn Độ xây dựng bất cứ nhà cửa gì ở phía Myanmar của đường biên giới. Chính quyền nói rằng mục đích của nó không phải là để hạn chế sự đi lại của người dân thường, nhưng dẫu sao nó vẫn đe dọa chia rẽ các cộng đồng và gia đình, những người cho tới giờ coi các ranh giới quốc gia nhà nước chỉ là tưởng tượng. Hai chính quyền đã ưng thuận việc này với Cơ chế di chuyển tự do, vốn cho phép người Naga đi lại trong phạm v khoảng 16 kilômét ở hai phía đường biên giới mà không cần thị thực. Điều này giúp phát triển các thị trường biên giới, nơi người Naga Myanmar có thể mua các sản phẩm của Ấn Độ mà về cơ bản không có ở quê nhà và vốn trước đó được buôn lậu qua biên giới. Tất cả những điều này giờ bị đe dọa và sẽ chia rẽ hơn nữa một dân tộc vốn đã coi họ không phải là Ấn Độ hay Myanmar, mà là Naga.

* * *

Không phải mọi đường biên giới của Ấn Độ đều gặp nhiều rắc rối tới mức chúng phải có hàng rào. Ấn Độ và Bhutan có quan hệ gần gũi, và vì Ấn Độ chiếm 98% kim ngạch xuất khẩu của Bhutan, không bên nào nghĩ tới việc “cứng hóa đường biên giới. Và dù quan hệ của Ấn Độ với Nepal căng thẳng hơn, nhất là sau “cuộc phong tỏa” kéo dài bốn tháng ở đường biên giới vào năm 2015, New Delhi không thấy nhu cầu phải làm hàng rào trên một tuyến biên giới dà khoảng 1.600 kilômét, nhất là khi họ quyết duy trì ảnh hưởng ở quốc gia này và không cho phép tạo ra một khoảng không mà họ biết Trung Quốc sẽ nhảy vào.

Khi nói tới Trung Quốc, có một đường ranh tự nhiên - dãy Himalaya - chia cách hai nước dọc theo đường biên giới chung dài hơn 4.000 kilômét của họ, nên họ về cơ bản đã có tường ngăn cách nhau rồi. Có một sự bất đồng dai dẳng giữa họ và bang của Ấn Độ Arunachal Pradesh, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng tranh cãi đã không dẫn tới một đường biên giới thù địch. Dẫu vậy, Trung Quốc quả có giám sát đường biên giới bằng cách sử dụng hàng chục vệ tinh trên vũ trụ.

Nơi mà chúng ta lại thấy rắc rối là dọc theo biên giới của Ấn Độ với Pakistan. Từ khi chia tách, quan hệ giữa hai nước đã đầy khó khăn, và đây thực sự là một đường biên giới “nóng”. Ấn Độ đã xây một ranh giới dà khoảng 547 kilômét dọc theo “Lằn ranh kiểm soát” (lằn ranh ngừng bắn) đầy tranh cãi ở Kashmir, một vùng cả hai nước tuyên bố là lãnh thổ chủ quyền của họ. Phần lớn ranh giới này nằm sâu khoảng 137 mét trong vùng Ấn Độ kiểm soát và bao gồm một hàng rào kép cao 3,6 mét. Nó giống với hàng rào Tây Bengal-Bangladesh, với các cảm ứng phát hiện chuyển động và công nghệ chụp ảnh nhiệt kết nối với một hệ thống chỉ huy để cảnh báo cho lực lượng tuần biên phản ứng nhanh về bất cứ cuộc xâm nhập nào. Dải đất nằm giữa hai lớp hàng rào có cài mìn.

Vào năm 1947, theo đạo luật Độc lập Ấn Độ, các bang được trao quyền lựa chọn gia nhập Ấn Độ hoặc Pakistan hoặc độc lập. Maharaja Hari Singh, người cai trị Kashmir, là một người Ấn Độ giáo, trong khi phần lớn dân chúng của ông là người Hồi giáo. Maharaja đã lựa chọn trung lập, gây ra một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo được Pakistan khuyến khích, điều tới lượt nó khiến Maharaja nhượng Kashmir cho Ấn Độ. Điều đó làm bùng lên một cuộc chiến tranh tổng lực: kết quả là vùng lãnh thổ này bị chia ra, nhưng ở cả hai phía, đa số đều là người Hồi giáo. Một cuộc chiến nữa tiếp nối vào năm 1965, và đã nổ ra những cuộc đụng độ nghiêm trọng vào năm 1999 giữa lực lượng Ấn Độ và các nhóm được Pakistan tài trợ. Tới lúc này cả hai nước đều đã trang bị vũ khí hạt nhân, và việc ngăn ngừa xung đột giữa họ trở nên còn quan trọng hơn nữa. Một cuộc nổi dậy quy mô nhỏ tiếp diễn ở phía Kashmir do Ấn Độ kiểm soát và mối tranh cãi gay gắt nhất giữa hai cường quốc này thỉnh thoảng lại có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. Những cuộc thương lượng tới rồi đi, những cử chỉ hữu hảo được thể hiện, thường qua các trận cricket, nhưng Ấn Độ đã đi tới kết luận rằng cho đến khi những vấn đề này được giải quyết, một cách để duy trì hòa bình là xây lên các rào chắn nhằm ngăn sự xâm nhập của những nhóm nổi dậy, điều có thể làm bùng lên chiến tranh tổng lực.

Đó là một dự án khổng lồ mất nhiều thập kỷ,nhưng New Delhi giờ đang lấp vào các khoảng trống ở những tuyến phòng ngự biên giới phía bắc và phía tây, sau khi đã lập hàng rào ở những phần của Punjab và Rajasthan vào các năm 1980 và 1990, và đang cố gắng “phong tỏa” toàn bộ đường biên giới phía tây, từ Gujarat trên biển A-rập tới Kashmir ở dãy Himalaya, bằng cái gọi là Hệ thống quản trị biên giới tích hợp toàn diện (CIBMS). Một số địa hình ở đây vốn đã khó băng qua rồi vì vùng đồng lầy ở phía nam và sa mạc Thar phía bắc.

CIBMS là một hệ thống giống với ở biên giới Bangladesh, nhưng là một biên giới sôi động hơn nhiều và mối đe dọa hành động quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan luôn hiện diện. Những hàng rào mới được dựng lên đều có radar, hệ thống chụp ảnh nhiệt, quan sát ban đêm và các thiết bị khác kết nối các phòng điều khiển xuất hiện mỗi 4,8 kilômét. Đã có kế hoạch lắp đặt 200.000 đèn pha, và 130 khu vực ở ven sông sẽ có tia laser dưới mặt nước liên kết với các trung tâm điều khiển.

Quân đội Ấn Độ cũng đang tìm cách mua các phương tiện bay không người lái (UAV) đủ sức xác định một tờ báo từ khoảng cách 18.200 mét. Cũng như thiết bị có thể xác định được chuyển động của con người cách đó hàng chục kilômét. Pakistan đã chỉ trích việc xây rào chắn này, nói rằng chúng vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và các thỏa thuận khu vực, nhưng Ấn Độ nói những sự cố bắn pháo qua biên giới và các cuộc tấn công của phiến quân đang giảm bớt nhờ những biện pháp họ đang thực thi.

Những vấn đề như thế này có nhiều cách diễn giải. Trong khi Ấn Độ có thể nhìn nhận việc xây dựng một trạm quan sát được pháo đài hóa là biện pháp phòng ngự, Pakistan có thể coi đó là bàn đạp cho một bước đi mang tính tấn công. Thỏa thuận các quy tắc biên giới trên bộ Ấn Độ - Pakistan (1960-61) định ra cách thức dung hòa cả hai quan điểm đó, nhưng nó chưa bao giờ được bên nào ký, và trên thực tế những thỏa thuận như thế đạt được dựa trên cơ sở từng tình huống cụ thể. Mỗi năm có thể nêu ra một vấn đề bất đồng mới vốn không nhất thiết đã được làm rõ vào đầu những năm 1960. Lấy ví dụ, vào năm 2017, Ấn Độ dựng lên một cột cờ cao gần 110 mét ở khu vực biên giới Attari tại Punjab. Pakistan ngay lập tức cáo buộc Ấn Độ vi phạm thỏa thuận và nói cột cờ đó, nhìn thấy được từ thành phố Lahore, có thể gắn máy quay cho phép Ấn Độ do thám Pakistan.

Tình hình ở Kashmir có tính chính thức hơn. Mặc dù không có thỏa thuận nào về đường biên giới nên ở đâu, trên lý thuyết, hành vi ở hai bên của Lằn ranh kiểm soát được quy định theo thỏa thuận Karachi năm 1949. Thỏa thuận này nói rằng không được có công trình quốc phòng nào trong phạm vi 457 mét cách lằn ranh ở mỗi phía, một quy định thường xuyên bị cả hai phía phớt lờ. Thỏa thuận ngừng bắn mong manh cũng thường xuyên bị phá vỡ. Không chỉ có những vụ nổ súng qua biên giới giữa các lực lượng chính quy của Ấn Độ và Pakistan, mà New Delhi còn cáo buộc Islamabad tài trợ các nhóm khủng bố vượt qua vùng Ấn Độ kiểm soát nhằm kích động bạo lực và thậm chí là tiến hành những vụ tấn công vào các thành phố Ấn Độ. Kể từ đầu những năm 1980, hai nước đã tham gia vào các cuộc đấu pháo thỉnh thoảng diễn ra tận trên sông băng Siachen gần Lằn ranh kiểm soát. Nằm ở rặng Karakoram thuộc dãy Himalaya, đây là vùng chiến sự cao nhất thế giới. Ở độ cao hơn 6.000 mét so với mực nước biển, các binh sĩ Pakistan và Ấn Độ đối mặt nhau ở một trong những khu vực khắc nghiệt nhất về khí hậu. Những chuyến làm nhiệm vụ ở các độ cao lớn hơn chỉ kéo dài mười hai tuần bởi việc thiếu ôxy có thể gây mất ngủ và ảo giác. Các binh sĩ bắn nhau, nhưng thương vong vì giá lạnh cao hơn so với vì súng đạn.

Kashmir tiếp tục là vấn đề lớn nhất giữa hai nước. Họ chia sẻ một đường biên giới do người ngoài vẽ; đường biên giới đó chia rẽ các cộng đồng và giờ đứng đó như một tượng đài được gia cố cho mối tình địch giữa hai quốc gia vũ trang hạt nhân.

Đường biên giới phía tây của Pakistan dài khoảng 2.430 kilômét với Afghanistan cũng do những kẻ bên ngoài định hình. Những người chinh phục theo Hồi giáo ban đầu đã sử dụng Afghanistan làm bàn đạp để xâm lược Ấn Độ, và người Anh sử dụng nơi đó để phác ra ngoại vi phía tây của viên ngọc trên vương miện đế chế của họ. Đường biên giới này vẫn được gọi là đường biên Durand, theo tên Sir Henry Mortimer Durand. Vào năm 1893, ông và vị emir [chỉ huy Hồi giáo] của Afghanistan, Abdur Rahman Khan, đã vẽ đường biên trên thực tế xác định Afghanistan là vùng đệm giữa Ấn Độ do Anh kiểm soát và Trung Á do Nga kiểm soát.

Nó đã, đang, và sẽ tiếp tục là một đường biên giới nhiều rắc rối. Nó chia tách người Pashtun ở hai bên thành công dân các quốc gia khác nhau, một sự chia tách mà nhiều người không chấp nhận. Vì lý do đó, và vì Afghanistan tuyên bố chủ quyền với một số lãnh thổ phía đông lằn ranh, Kabul không công nhận đường biên giới đó.

Pakistan quyết không để chủ nghĩa dân tộc Pashtun dẫn tới việc ly khai, họ muốn một Afghanistan yếu ớt. Điều này là một phần lý do khiến có những bộ phận trong giới cầm quyền quân đội Pakistan bí mật ủng hộ Taliban và các nhóm khác ở Afghanistan - mặc dù các nhóm này lại quay lại tấn công họ ở phía đông đường biên Durand. Giờ đây có cả Taliban Afghanistan lẫn Taliban Pakistan, vốn có quan hệ gần gũi và quan điểm giống nhau, và cả hai đều sát hại người Pakistan, cả thường dân và quân nhân.

Tới mùa xuân năm 2017, mọi chuyện đã trở nên tồi tệ tới mức Pakistan tuyên bố các kế hoạch xây dựng một hàng rào ở hai quân dọc biên giới trong vùng bộ lạc do liên bang quản lý. Họ nói điều đó là để chống lại các chiến dịch xuyên biên giới của Taliban. Tuy nhiên, ngay cả nếu Pakistan xoay xở xây được hàng rào ở địa hình hiểm trở và nhiều đồi núi này, vị thần đã bị thả ra khỏi chai rồi: Taliban đã ở trong Pakistan và đã có thể di chuyển khắp nơi.

Trong khi đó, về phía nam đường biên Durand là biên giới Pakistan-Iran, và ở đây Iran là phía muốn xây tường. Một bức tường bê tông cao hơn 3 mét, dày gần 1 mét đang mọc lên ở một số vùng của đường biên giới. Điều này diễn ra sau nhiều năm buôn lậu thuốc phiện, nhưng còn có cả sự xâm nhập của những nhóm phiến quân Sunni từ Pakistan vào Iran, vốn là một nước người Shia chiếm đa số. Kết quả là vào năm 2014, quân đội Iran đã vượt qua biên giới để tấn công một nhóm phiến quân; họ sau đó chiến đấu với các binh sĩ biên phòng Pakistan. Quan hệ vẫn hữu hảo giữa hai nước, nhưng trong thời đại của những bức tường, Iran đã lựa chọn cố gắng chia tách về mặt vật lý nhằm ngăn chặn tình hình tồi tệ thêm, qua đó tiếp tục xu hướng mà Ấn Độ, Bangladesh và các nước khác trong khu vực đã tiến hành.

Tất cả những ví dụ trên thật trái ngược so với giấc mơ của một số chính trị gia, và nhiều người trong cộng đồng kinh doanh, về việc tạo ra một khu vực thương mại mở rộng lớn ở tiểu lục địa. Ấn Độ nói riêng muốn vươn tới Myanmar, Nepal, Bhutan và Bangladesh để phát triển các kế hoạch đi lại và thương mại dễ dàng hơn trong cả vùng. Những tuyến đường bộ và đường sắt xuyên quốc gia đã được hình dung ra, với những của khẩu được lên kế hoạch và thậm chí cuối cùng, giảm mạnh sự kiểm soát ở biên giới giống như với đường biên giới ở một số khu vực thuộc Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, tiến độ còn chậm chạp, các chương trình xây dựng ở biên giới lúc này ở gần như tất cả các nước đang đi ngược lại với những hoàn cảnh thực tế và tinh thần của sự hợp tác khu vực.

Chính trên những đường biên giới Ấn Độ-Pakistan và Ấn Độ-Bangladesh mà chúng ta chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc nhất, vì ở trung tâm của nó, đây là một vấn đề tôn giáo. Ấn Độ là một nước người Ấn Độ giáo chiếm đa số với hệ thống và các truyền thống dân chủ thế tục, nhưng trong những năm gần đây, nước này đã chứng kiến sự gia tăng mạnh chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo. Pakistan là một nước Cộng hòa Hồi giáo với một nền dân chủ nhiều trục trặc và một lịch sử cai trị của quân đội, trong khi Bangladesh, dù trên danh nghĩa là một nước Cộng hòa thế tục, đã trở nên ngày càng tôn giáo cả trong lĩnh vực nhà nước và đời sống công cộng, với các nhóm thiểu số và những người vô thần gặp rủi ro lớn bị sát hại vì lòng tin của họ.

* * *

Không phải mọi bức tường ở tiểu lục địa đều làm từ đá hay dây thép gai; một số là vô hình, nhưng chúng vẫn hiện diện. Ấn Độ có những chia rẽ nội bộ lớn ở quy mô và mức độ định kiến mà nếu lặp lại ở một số quốc gia khác sẽ bị coi là một vụ bê bối gây sốc đòi hỏi sự lên án từ quốc tế - vậy mà thế giới gần như im lặng về những kinh hoàng của hệ thống phân chia đẳng cấp ở Ấn Độ.

Có những điểm trong hệ thống đó gợi lại chế độ apartheid, dù với những khác biệt quan trọng - đặc biệt là nó không hiện hữu trong pháp luật quốc gia. Dẫu vậy, nó đã tạo ra một xã hội chia rẽ mà trong đó một số người được phân loại là ưu việt hơn và những người khác là không thanh sạch, và con người ta phải “ở vị trí của mình”. Kết quả là một số đẳng cấp người bị từ chối không được làm một số nghề nghiệp và việc đi lại của họ bị hạn chế. Hệ thống đó bảo đảm rằng đẳng cấp cai trị duy trì được vị thế đặc quyền, và buộc chặt những người khác vào một cuộc đời nghèo khó trong đó họ dễ trở thành mục tiêu của bạo lực mà không được cầu viện pháp luật giúp đỡ. Những bức tường giữa các đẳng cấp này về cơ bản người ngoài không thấy được.

Gốc rễ của hệ thống đẳng cấp có tính tôn giáo và có tuổi đời hơn 3.000 năm. Người Ấn Độ giáo được chia thành các nhóm thứ bậc cứng nhắc dựa trên nghề nghiệp của họ. Điều này được biện minh trong Manusmriti - cuốn sách quyền lực nhất của luật Ấn Độ giáo, vốn coi hệ thống này là “cơ sở cho trật tự và sự ổn định của xã hội”. Những người đẳng cấp cao sống với nhau, nơi ăn uống được phân tách, hôn nhân liên đẳng cấp thường bị cấm, hay ít ra là bị lên án, và trên thực tế nhiều nghề nghiệp không chào đón những đẳng cấp thấp hơn làm.

Một số xã hội châu Âu tiền công nghiệp cũng dựa trên tính cha truyền con nối về nghề nghiệp, điều đảm bảo hệ thống giai cấp không bị tác động, nhưng điều đó không dựa trên tôn giáo và đã yếu đi nhiều trong thời hiện đại. Hệ thống đẳng cấp Ấn Độ cũng suy yếu ở một số nơi vì áp lực của đời sống đô thị, nhưng nền tảng tôn giáo của nó đảm bảo rằng nó ăn sâu vào đời sống hằng ngày. Ấn Độ tiếp tục là một xã hội nông thôn áp đảo, và bởi thế ít có khả năng che giấu cội rễ của mình và tránh né các di sản tôn giáo. Tuy nhiên, ngay cả khi dân chúng dần chuyển sang các thành phố, hệ thống đẳng cấp vẫn kéo dài vì hệ thống tôn giáo vẫn còn.

Có bốn phân loại người chính theo hệ thống này: Brahmin, Kshatriya,Vaishya và Shudra. Brahma là thần tạo hóa, và người Brahmin áp đảo trong lĩnh vực giáo dục và trí óc, được cho là sinh ra từ đầu vị thần. Người Kshatriya (sinh ra từ cánh tay của ông) là những chiến binh và nhà cai trị, trong khi Vaishya (từ bắp đùi của ông) là thương nhân, và Shudra (từ chân của ông) làm công việc chân tay. Bốn phân loại này được chia ra thành khoảng 3.000 đẳng cấp mà tới lượt chúng lại được chia thành 25.000 đẳng cấp nhỏ hơn.

Nằm ở ngoài hệ thống là những kẻ từng được gọi là Không ai muốn chạm đến, nhưng giờ chủ yếu được gọi là Dalit (“những người bỏ đi”). Ở Ấn Độ, nếu bạn thấy một người đang dọn xác một con vật chết hay quét đường, khả năng cao họ là một Dalit. Bất cứ ai lau dọn nhà vệ sinh hay làm việc trong cống rãnh gần như chắc chắn cũng là một Dalit. Họ có khả năng cao hơn nhiều trở thành nạn nhân của tội ác, nhất là cưỡng hiếp, sát nhân và đánh đập, còn tỷ lệ kết tội với những người bị cáo buộc các tội ác nhắm vào người Dalit thấp hơn nhiều so với các tội ác nhắm vào những nhóm khác. Ở nhiều vùng nông thôn, tới giờ họ vẫn không được phép lấy nước từ các giếng công cộng hay vào các đền thờ Ấn Độ giáo. Đẳng cấp mà ta sinh ra quy định công việc ta sẽ có, và thông thường một người “đẳng cấp thấp” sẽ phải cầm chổi ngay cả nếu họ tốt nghiệp đại học. Tất cả những đẳng cấp “thấp hơn” đều bị phân biệt đối xử, nhưng ở dưới đáy là những người Dalit.

Có cả yếu tố màu da liên quan tới hệ thống đẳng cấp mà nhiều người muốn nói giảm đi, nhưng vẫn có. Một nghiên cứu di truyền năm 2016 của Trung tâm Sinh học Tế bào và Phân tử Hyderabad phát hiện ra “ảnh hưởng sâu sắc của màu da” trong cấu trúc đẳng cấp, những người màu da sáng hơn chiếm ưu thế áp đảo trong các đẳng cấp “cao hơn”. Pháp luật thế tục quốc gia trên lý thuyết cấm sự phân biệt đối xử, nhưng bởi hệ thống do những người ở các đẳng cấp cao hơn thống trị, cũng là những người muốn duy trì điều đó, nên luật pháp đã không được thực thi. Nhiều chính trị gia cũng miễn cưỡng trong việc có hành động thực sự bởi họ dựa vào các khối cử tri thuộc một số đẳng cấp nhất định.

Hệ thống này đã ăn sâu vào nền văn hóa quốc gia. Lấy ví dụ, Mahatma Gandhi, vốn thuộc một đẳng cấp “cao hơn”, từng nói: “Tôi tin rằng nếu xã hội Ấn Độ giáo đã có thể đứng vững, đó là vì nó được hình thành trên hệ thống đẳng cấp… Phá vỡ hệ thống đẳng cấp và áp dụng hệ thống xã hội Tây Âu đồng nghĩa người Ấn Độ giáo phải từ bỏ nguyên lý nghề nghiệp cha truyền con nối vốn là linh hồn của hệ thống đẳng cấp. Nguyên tắc cha truyền con nối là một nguyên tắc vĩnh cửu. Thay đổi điều đó sẽ gây ra hỗn loạn.” Công bằng mà nói về Gandhi, sau này ông sẽ lên tiếng chống lại hệ thống đẳng cấp và sự đối xử với những người Không ai muốn chạm tới. Tuy nhiên, ông tiếp tục bảo vệ ý tưởng về varna, hay các đẳng cấp xã hội. Ông nói mọi người được phân công cho một nghề nghiệp cha truyền con nối cụ thể định nghĩa công việc mà họ sẽ làm, nhưng điều đó không ngụ ý các mức độ ưu việt hơn. Varna, ông viết, là “luật của đời sống phổ quát cho toàn thể gia đình nhân loại”.

Cảm giác được hưởng đặc quyền và “luật tự nhiên” này vẫn còn phổ biến. Những người Dalit, và các đẳng cấp khác, đã sử dụng luật thế tục để cố tạo ra sự bình đẳng. Họ đã có những thành công nhất định, nhưng điều đó cũng dẫn tới mức độ bạo lực gia tăng nhắm vào họ. Hồ sơ hình sự toàn quốc 2014 của Ấn Độ cho thấy mức tăng 29% tội ác chống lại những người đẳng cấp thấp trong hai năm mà họ tăng cường việc viện tới pháp luật để tìm kiếm công lý. Người Dalit sở hữu hay mua đất là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bạo lực chống lại họ từ những cộng đồng địa phương quyết giữ họ ở dưới đáy xã hội.

Khó mà tìm được những thống kê toàn quốc đáng tin về các con số liên quan tới đẳng cấp, vì lần gần nhất thăm dò dân số Ấn Độ có bao gồm đẳng cấp là năm 1931. Khi đó những người không ai muốn chạm tới chiếm 12,5% dân số. Hiện giờ, bất chấp hai mươi bảy năm thực hiện các biện pháp hành động tích cực với họ, họ vẫn là những người nghèo nhất và bị áp bức nhất ở Ấn Độ. Các vị trí chính yếu trong chính quyền, tư pháp, ngoại giao và quân đội, cũng như các vị trí cấp cao ở nhiều công ty lớn, tổ chức học thuật, hãng truyền thông và hệ thống giáo dục, chủ yếu thuộc về người Brahmin, bất chấp thực tế là họ chỉ chiếm khoảng 3,5% dân số. Mọi xã hội đều xây dựng trên sự phân tầng xã hội, nhưng ngay cả hệ thống trường công tinh hoa trong xã hội dựa trên giai tầng của Anh cũng không dẫn tới cấu trúc xã hội cứng nhắc, chai sạn như thế. Với cơ sở nông thôn và tôn giáo của văn hóa Ấn Độ như vậy, sẽ mất một thời gian dài để vượt qua những định kiến đó - nếu có đủ người Ấn Độ muốn thế. Hệ thống sống sót một phần vì những người ủng hộ nó công khai lập luận là nó gắn kết xã hội lại với nhau: Ấn Độ cần được bảo vệ trước sự phân mảng xã hội đã thấy ở châu Âu sau Cách mạng công nghiệp. Những người phản đối hệ thống đó đáp lại rằng nó là vô đạo đức và kéo lùi đất nước bởi nó không thể tận dụng hết những tài năng con người của quốc gia.

Qua nhiều thập kỷ từ khi độc lập, một số người Dalit đã vượt qua những trở ngại để vươn lên các vị trí cao, đáng chú ý là K. R. Narayanan, làm Tổng thống từ 1997 tới 2002. Với việc người ta di chuyển ngày càng nhiều từ nông thôn ra các thành phố, những bức tường vô hình bắt đầu trở nên yếu hơn: bạn thuộc đẳng cấp nào là điều ít rõ ràng hơn ở thành phố, một số thị dân không coi hệ thống này là chuyện nghiêm trọng, và giờ thậm chí đã có những trường hợp hôn nhân liên đẳng cấp. Nhưng P. L. Mimroth của Trung tâm Quyền cho người Dalit tin rằng gốc rễ của sự phân biệt đối xử vẫn ăn sâu trong tâm lý quốc gia tới mức sẽ cần nhiều thế hệ nữa thì tinh thần pháp luật chống lại hệ thống đẳng cấp mới được chấp nhận thật sự: “Chúng ta đã sai khi tin rằng giáo dục sẽ loại bỏ tính chất không ai muốn chạm tới”. Sẽ cần hơn trăm năm nữa để thay đổi điều đó.”

Như thống kê cho thấy, hệ thống này vẫn còn sống tốt trên khắp cả nước: hàng chục triệu người bị từ chối các quyền con người cơ bản, không phải theo luật mà theo văn hóa. Đó không phải là hình ảnh về Ấn Độ mà hầu hết mọi người nghĩ tới. Nhiều thế hệ du khách và sinh viên du lịch ba lô trở về từ Ấn Độ đầy cảm hứng về tinh thần Ấn Độ giáo, vốn thúc đẩy tình bằng hữu, phi bạo lực, tâm linh và chay tịnh. Ít người thấy rằng bên cạnh đó là một trong những hệ thống xã hội mất phẩm giá nhất hành tinh.

Vào năm 1936, nhà trí thức lớn của Ấn Độ B. R. Ambedkar được mời tới phát biểu tại hội nghị thường niên của một nhóm cải cách Ấn Độ giáo. Ông đã nộp bài phát biểu, mà trong rất nhiều những tuyên bố có tính thách thức khác, còn những lời như “Không có hệ thống tổ chức xã hội nào làm mất phẩm giá hơn là hệ thống dựa trên đẳng cấp… Đó là một hệ thống đã làm chai lì, tê liệt và hủy hoại con người, không để họ có ích.” Bài phát biểu bị hủy trên cơ sở một số phần trong đó là “không thể chấp nhận”. Sau đó, cũng cùng năm, Ambedkar xuất bản tác phẩm của ông dưới dạng một bài luận văn.

Vào thế kỷ 21, xã hội Ấn Độ còn lâu mới bị “chai lì” - thật ra Ấn Độ là một quốc gia năng động, ngày càng quan trọng, đón nhận hàng loạt những ngành công nghệ cao - vậy mà trong quốc gia đó vẫn còn hàng triệu rào cản tới tiến bộ với hàng chục triệu công dân của nó. Những bức tường bao quanh Ấn Độ được thiết kế để ngăn chặn con người, và những bức tường bên trong để kéo họ lùi lại.

Những chia rẽ khắp tiểu lục địa đang trở nên ngày càng rõ ràng, thêm trầm trọng vì sự di chuyển liên tục và ngày càng tăng những người muốn thoát khỏi đói nghèo, truy bức và biến đổi khí hậu. Nếu đa số các nhà khoa học tiên đoán đúng về biến đổi khí hậu, thì rõ ràng là người dân sẽ tiếp tục di chuyển trong thế kỷ này. Chưa có bức tường nào được dựng lên có thể chịu được từng ấy sức ép. Những rào chắn có thể và sẽ được xây lên như “giải pháp” tạm thời, phần nào đó là đơn phương, nhưng trừ phi họ cũng xây nên sự thịnh vượng còn tất cả mọi người sẽ chịu thiệt. Trong một nỗ lực kiểm soát nhân khẩu học của vùng, những rào chắn dọc theo phần lớn hàng nghìn dặm đường biên giới giờ được xây cao hơn và rộng hơn và đang ngày càng trở nên tinh vi về công nghệ. Như chúng ta đã thấy, những rào chắn như thế đằng nào cũng không ngăn được những người tìm cách vượt biên - nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài cố gắng làm thế - và việc kiểm soát ngày càng bạo lực ở các đường biên giới có thể dẫn tới những hậu quả tồi tệ về mặt con người. Felani Khatun đã trả giá bằng mạng sống của cô, và ở dưới vùng đồng bằng Bangladesh kia còn hàng triệu người nữa như cô.

 

Chú thích.

[1] Váy dài và quần dài phổ biến ở tiểu lục địa Ấn Độ. (ND)

[2] Muhammad Ali Jinnah (1876-1948), luật sư, chính trị gia, người sáng lập đất nước Pakistan. (ND)

[3] Đã nhắc ở trên, là cuộc chiến tranh của Đông Pakistan (sau này là Bangladesh) tách ra khỏi Pakistan, diễn ra từ tháng 3 tới tháng 12 năm 1971. (ND)

[4] Indira Gandhi (1917-1984), nhũ danh Indira Nehru, bà là Thủ tướng Ấn Độ 1980-1984, và là con gái của Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru. Bà bị ám sát chết khi đang tại chức. (ND)

[5] Rajiv Gandhi (1944-1989), ông là Thủ tướng trẻ nhất Ấn Độ, 40 tuổi khi nhận chức, và là con trai của Indira. Ông cũng bị ám sát chết. (ND)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét