Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Chương Bốn. NHỮNG LẰN RANH TRÊN CÁT TRUNG ĐÔNG

 


CHIA RẼ

Tác giả  Tim Marshall

Chương Bốn. NHỮNG LẰN RANH TRÊN CÁT TRUNG ĐÔNG

“Hãy lựa chọn một nhà lãnh đạo sẽ đầu tư vào việc xây dựng những cây cầu,

chứ không phải những bức tường.

Những cuốn sách, chứ không phải vũ khí.

Đạo đức, chứ không phải băng hoại.”

- Suzy Kassem, Rise Up and Salute the Sun: The Writings of Suzy Kassem

Chủ nghĩa toàn vẹn Ả Rập đã va phải một bức tường. Thực ra, nó đã va phải nhiều bức tường, hàng rào, và những chia rẽ. Giấc mơ về một liên hiệp các nước nói tiếng Ả Rập từ Đại Tây Dương tới biển Ả Rập chưa bao giờ là thực tế, và điều đó giờ đã bộc lộ trên thực địa bởi sự xuất hiện của hàng loạt những biên giới cứng khắp vùng này. Nhiều lằn ranh trên cát, do các cường quốc thuộc địa vẽ ra, có những bức tường lớn xây trên đó, nhấn mạnh sự chia rẽ sâu sắc của chính trị và văn hóa Ả Rập thế kỷ 21.

Nhưng những bức tường không chỉ hiện diện trên các đường biên giới. Có những bức tường nhỏ khắp Trung Đông. Mỗi bức tường là một bằng chứng về bạo lực khủng bố giờ đã lan tràn trong khu vực. Ta có thể thấy chúng ở Baghdad, Damascus, Amman, Sana’a, Beirut, Cairo, Riyadh - thật ra, ở gần như mọi thành phố thủ đô. Đó là những rào cản bằng bê tông và những bức tường ngăn bom mọc lên xung quanh các đại sứ quán, những trụ sở từ thiện, các tổ chức quốc tế, các đồn cảnh sát, các doanh trại quân đội, các tòa nhà chính phủ, các khu nhà ở, nhà thờ, khách sạn và thậm chí là bao quanh toàn bộ một khu dân cư.

Ở một bên là đời sống bình thường, xe hơi bóp còi, những người bán hàng rong với hàng hóa của họ, khách bộ hành làm việc của mình ở một thành phố thủ đô nhộn nhịp, ở bên kia là một phiên bản của cuộc sống bình thường, với các nhân viên văn phòng, các quan chức chính phủ, công chức, nhà ngoại giao. Cả họ nữa cũng đang làm công việc thường nhật của họ, nhưng với ý thức rằng nếu không có những khối bê tông bên ngoài cửa sổ của họ, những lính gác ở lối vào các khu dinh thự, và có thể là một chốt kiểm tra an ninh ở cuối đường, bất kỳ lúc nào một chiếc xe tải chở bom cũng có thể đánh sập tòa nhà của họ, hay một nhóm khủng bố có thể xông vào nơi làm việc của họ.

Đó không hề là một mối đe dọa vu vơ. Danh sách những cuộc tấn công trước khi các bức tường được dựng lên rất dài. Đã có hơn 150 vụ ở vùng Trung Đông mở rộng trong thế kỷ này, bao gồm các khu phức hợp ở Riyadh nơi công nhân nước ngoài trú ngụ, những khách sạn khắp tỉnh Sinai của Ai Cập và ở Amman của Jordan; các cơ sở dầu khí ở Yemen và Algeria; các nhà thờ ở Baghdad; lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi; bảo tàng Bardo ở Tunis; và tòa nhà Quốc hội Iran và điện thờ của Ayatollah Khomeini.

Những bức tường này mọc lên ở các khu trung tâm đô thị có nguy cơ cao, nhằm phản ứng lại nhiều cuộc tấn công như thế. Khuôn mẫu cho kiểu xây dựng tường này là “vùng Xanh” [Green Zone] ở Baghdad, nơi hàng rào được xây lên sau cuộc xâm lược Iraq năm 2003 nhằm bảo vệ “chính quyền lâm thời” do Mỹ chỉ đạo trong những năm hậu Saddam. Bao gồm một vùng rộng lớn ở trung tâm Baghdad, vây quanh vùng Xanh là những mảng bê tông khổng lồ, giống với những gì chúng ta thấy ở khu vực có tường bao ở Bờ Tây. Trong trong bán kính vùng Xanh, người ta từng quen với việc nghe thấy tiếng nổ từ các phát hỏa tiễn bắn cầu vồng đưa hỏa tiễn rơi vào bên trong ranh giới, nhưng một âm thanh quen thuộc hơn là tiếng uỳnh mờ đục xa xôi của một vụ nổ do đánh bom xe hay tấn công liều chết gây thương vong lớn ở bên ngoài, một lời nhắc nhở liên tục về việc cuộc sống có thể ra sao với những người Iraq bình thường và với quân đội Mỹ ở ngoài thế giới thực.

Một số những con đường chính từ sân bay xuống vùng xanh được chắn bằng các mảng bê tông trong một cố gắng ngăn chặn các vụ đánh bom ven đường. Khi mối đe dọa tăng lên, những khối bê tông ở các con đường phụ cũng mở rộng ra. Chúng trở nên phổ biến tới mức quân đội có những tên gọi chính thức cho các kiểu bê tông khác nhau. Chúng được đặt tên theo các bang của Hoa Kỳ: một khối “Colorado” là kích thước trung bình, cao 1,83m và nặng 3,5 tấn, “Texas” là khối lớn, cao 2,03m và nặng 6 tấn, và “Alaska” 3,66m và 7 tấn[1]. Có chi phí, cả bằng máu và bằng tiền, cho những bức tường đó. Các rào chắn như thế chắc chắn cứu được các sinh mạng, nhưng còn lâu mới là hoàn hảo khi đối mặt những vụ đánh bom “nổ lõm” ven đường, vốn tính toán để lực vụ nổ đi theo một hướng nhất định và có thể xuyên qua một số bức tường. Và mỗi khối bê tông tiêu tốn hơn 600 đô la Mỹ. Nhân số đó lên hàng nghìn khối và tám năm chiếm đóng - chi phí tài chính lên tới hàng tỉ đô la.

Dẫu vậy, các bức tường trở thành một phần của việc chiến đấu trong một cuộc chiến tranh đô thị, và xây chúng là một phần cố hữu của việc hoạch định quân sự của Mỹ. Các binh sĩ trở nên thành thạo những kỹ năng cần thiết và có thể dựng lên hơn một trăm khối chỉ trong một đêm, đôi khi dưới làn đạn. Khi mà căng thẳng tôn giáo giữa dân chúng người Sunni và Shia tăng lên, và bị cố tình kích động hơn nữa qua các tay súng dân quân ở cả hai phía, nguyên những khu dân cư bắt đầu được dựng tường. Bê tông cứu mạng người, làm giảm khả năng các tay súng Sunni và Shia tấn công thường dân và công nhân nước ngoài, nhưng mỗi tấm bê tông giống như một bia mộ và đóng vai trò đó trong việc chôn vùi ý tưởng rằng lật đổ Saddam sẽ dẫn tới một nước Iraq ổn định.

Thay vì thế, cuộc xâm lược Iraq góp phần gây bất ổn với một số nước, làm tăng lên ý thức hệ Hồi giáo bạo lực, và rốt cuộc là tạo ra một không gian vô pháp mênh mông mà từ đó bạo lực tuôn đi mọi hướng. Những cuộc nổi loạn Ả Rập theo sau đó, vốn bắt đầu vào năm 2011 ở Tunisia, Ai Cập và Libya (mà nhiều người đã gọi sai là Mùa xuân Ả Rập, với hy vọng rằng nó sẽ dẫn tới cải cách quy mô lớn khắp vùng này) hẳn đằng nào cũng xảy ra - chúng ta không bao giờ biết được, nhưng khi chúng quả xảy ra thì mỗi nước đều có một nhóm then chốt các tay súng jihad được huấn luyện ở Iraq.

Nhiều người từng tin rằng giải quyết vấn đề Israel - Palestine sẽ dẫn tới sự ổn định lớn hơn trong vùng rộng lớn hơn này, nhưng lý thuyết đó đã tan tành bởi những náo loạn ở thế giới Ả Rập vài năm qua. Giờ, với những cuộc xung đột ở Iraq, Libya, Syria, Ai Cập và Yemen, chúng ta đã thấy rằng sự bất ổn khắp vùng này liên quan rất ít tới tình hình ở thành phố Gaza, Ramallah, Tel Aviv và Haifa.

* * *

Vào năm 2014, chỉ 5% dân số toàn cầu sống ở thế giới Ả Rập, nhưng họ hứng chịu 45% các cuộc tấn công khủng bố trên toàn thế giới, 68% những vụ tử vong liên quan tới xung đột, và là nơi có 58% người tị nạn toàn cầu. Ở một số quốc gia, toàn bộ đất nước đã sụp đổ, ở những nước khác, các rạn nứt đang xuất hiện; và có những nước mà sự chia rẽ đã được che giấu dưới bề mặt và có thể xuất hiện trở lại bất cứ khi nào. Những cuộc chiến tranh và nổi dậy đã bóc trần những rạn nứt lớn trong các nước mà người Ả Rập chiếm đa số. Vẫn còn lại cảm nhận về sự đoàn kết Ả Rập, họ chia sẻ một không gian, một ngôn ngữ và ở mức độ nào đó, một tôn giáo, nhưng triển vọng về sự hợp nhất toàn Ả Rập vẫn là một giấc mơ xa vời.

Tôn giáo là một trong những yếu tố gây chia rẽ lớn nhất. Vào năm 2004, Vua Abdullah của Jordan đã nghĩ ra một cụm từ gây tranh cãi khi nói về một “lưỡi liềm Shia”. Ý ông là sự mở rộng ảnh hưởng của Iran, mở ra một vòng cung từ thủ đô Shia của Iran, là Tehran, sang thủ đô Iraq giờ do người Shia nắm áp đảo, là Baghdad, tới Damascus ở Syria, nơi gia đình Assad đang cai trị có nguồn gốc từ một hệ phái Shia (Alawi), và kết thúc ở căn cứ địa Shia của Hezbollah ở nam Beirut thuộc Lebanon. Đây là thứ ngôn ngữ hết sức khác thường ở một vùng mà mọi người có biết những căng thẳng hệ phái từng tồn tại, nhưng không muốn nhấn mạnh tới chúng. Tuy nhiên, Vua Abdullah ý thức được những rủi ro mà sự chia rẽ hệ phái gây ra. Trong một bài phỏng vấn trên báo vào năm 2007, bốn năm trước khi chiến tranh nổ ra ở Syria, ông đã đưa ra cảnh báo tiên tri về những gì sắp tới: “Nếu sự phân liệt hệ phái sâu sắc hơn và lan rộng, tác động hủy diệt sẽ phản ánh lên tất cả mọi người. Nó sẽ nuôi dưỡng sự chia rẽ, phân cực và chủ nghĩa Cô lập. Vùng đất của chúng ta sẽ chìm đắm trong một cuộc xung đột mà kết quả là không thể biết trước.”

Sự chia rẽ Sunni/Shia trong nội bộ đạo Hồi đã tồn tại từ thế kỷ 7, và bởi thế cũng lâu đời gần như chính tôn giáo này vậy. Sự ly giáo là do tranh cãi về việc ai sẽ lãnh đạo Hồi giáo sau cái chết của Muhammad vào năm 632. Những “Shi’at Ali” hay những “người theo phe Ali” là những người giờ chúng ta gọi là Shia. Họ cho rằng quyền lãnh đạo phải dành cho gia đình của Muhammad và ủng hộ em họ và con rể của ông, Ali ibn Abi Talib, làm caliph. Những người mà giờ chúng ta gọi là Sunni không đồng ý với điều đó, cho rằng quyền lãnh đạo phải được trao cho những người có học trong cộng đồng, và họ ủng hộ Abu Bakr, một bạn đồng hành của nhà tiên tri. Phe “Sunni” hay “con đường” của Muhammad cuối cùng chiến thắng sau khi giết chết một con trai của Ali, Hussein, trong trận Karbala (680) ở vùng nay là Iraq, và phần lớn người Hồi giáo, khoảng 85%, hiện là người Sunni.

Kể từ khi sự ly giáo diễn ra, mỗi truyền thống này cho rằng truyền thống kia không phải là con đường Hồi giáo đích thực; người Shia chẳng hạn, chỉ công nhận các lãnh đạo tôn giáo nói rằng họ bắt nguồn từ Nhà tiên tri qua Ali và Hussein. Tua nhanh 1.400 năm sau, và sự khác biệt đó giờ bộc lộ qua những điểm rất nhỏ, nhưng với những người có đức tin thì lại rất quan trọng, nhằm phân biệt hệ phái này so với hệ phái kia.

Những khác biệt này đều không phải là luật theo Koran, nhưng giống như ở mọi nơi khác trên thế giới, khi các thế kỷ trôi qua và các cộng đồng tụ họp với nhau trong những khu vực phân cách, những khác biệt xuất hiện - và những khác biệt nhỏ trong đời sống hằng ngày có thể lớn lên khi đó là chuyện chính trị. Những cái tên đặt cho các đứa con gần như không có gì khác ở phía này hay phía kia, nhưng có những sự tổng quát hóa có thể chỉ ra được. Lấy ví dụ, khó có khả năng một người tên Yazid lại là người Shia, do Yazid được cho là người đã giết Hussein. Ở một số nước, cách một người ăn mặc hay bộ râu của một người đàn ông sẽ cho biết rằng họ là Sunni hay Shia, và khi bạn vào nhà của những gia đình tôn giáo, bạn có thể thấy các bức tranh và bích chương chỉ ra họ theo hệ phái nào. Những giáo sĩ Sunni và Shia có trang phục khác nhau - việc một giáo sĩ Sunni đội một chiếc khăn choàng đen là điều bất thường, nhưng không phải không thể xảy ra. Cách thức cầu nguyện cũng khác nhau: người Sunni có xu hướng khoanh tay lại những khi thực hành nghi lễ, trong khi người Shia để cánh tay bên hông.

Phần lớn người Ả Rập là người Sunni, nhưng người Shia là đa số ở Iran, Iraq và Bahrain, và họ tạo thành thiểu số đáng kể ở Lebanon, Yemen, Kuwait và Saudi Arabia, nơi họ tập trung ở miền đông đất nước. Điều đoàn kết họ - lòng tin vào Năm trụ cột của đạo Hồi[2] - thường là đủ để họ cùng tồn tại hòa bình, nhưng những ai thấy họ là thiểu số đôi khi quả có than phiền rằng họ bị phân biệt đối xử, không được làm việc cho chính quyền và bị loại khỏi các khía cạnh khác của đời sống công cộng. Và đã luôn có những giai đoạn căng thẳng thỉnh thoảng dẫn tới những đợt bùng phát bạo lực kéo dài cả ở cấp địa phương và khu vực. Chúng ta đang sống qua chính một đợt bùng phát như thế hiện giờ.

Trong thời Saddam, Iraq do thiểu số người Sunni cai trị, nhưng sau khi ông bị lật đổ, các nhóm Shia trở nên hùng mạnh hơn; các nhóm phiến quân ở cả hai phía đã tiến hành nhiều vụ đánh bom và bắn giết để thúc đẩy các mục đích chính trị của họ. Iraq là nước hứng chịu nhiều đợt tấn công khủng bố nhất thế giới - gần 3.000 vụ vào năm 2016, với hơn 9.000 người thiệt mạng - Nhà nước Hồi giáo (IS) chịu trách nhiệm cho những vụ tồi tệ nhất. Có nguồn gốc từ Iraq sau cuộc xâm lược năm 2003 của Hoa Kỳ, IS trở thành một trong những tổ chức khủng bố khét tiếng và lan rộng nhất, mở rộng sự hiện diện của chúng khắp Trung Đông, bao gồm Syria, Libya, Yemen và Ai Cập. Phần lớn các chính phủ trong vùng ý thức rằng IS có thể xâm nhập và gây bất ổn ở những vùng khác với các quan điểm cực đoan và những hành động bạo lực của chúng, và quyết tâm ngăn chặn điều đó xảy ra.



Tỉ lệ dân mỗi nước theo đạo Hồi.

Ở Yemen, nội chiến nổ ra vào năm 2005 giữa lực lượng người Houthi Shia nổi dậy và chính phủ do người Sunni đứng đầu, với Iran ủng hộ những người Houthi trong khi Saudi Arabia và các nước khác ủng hộ các nhóm Sunni; cả IS và Al Qaeda cũng đã tham gia tích cực vào cuộc xung đột. Bạo lực tăng mạnh và lan ra khắp đất nước này sau năm 2015, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và ba triệu người mất nhà cửa. Tới tháng Mười một năm 2017, tình hình được UNICEF mô tả là “cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới”, thêm phần tệ hại bởi nạn đói lan rộng và những đợt bùng phát dịch tả.



 Phân bố của các nhánh Sunni và Shia.

Syria bị chia rẽ chủ yếu theo các lằn ranh hệ phái và sắc tộc: Sunni, Shia, Alawi, Kurd, Kitô giáo, Druze, vân vân. Cha của Tổng thống Assad, Hafez, đã gắn kết đất nước lại với nhau dưới một nền độc tài thế tục tàn bạo, nhưng một khi bạo lực bắt đầu vào năm 2011, những xiềng xích đó nhanh chóng tan vỡ. Cuộc nội chiến Syria là một trong những cuộc xung đột bạo lực và phức tạp nhất thế giới, với rất nhiều tay chơi tham gia. Cuộc chiến Syria đã bắt đầu từ một cuộc nổi loạn chống lại Tổng thống Assad, nhưng ngay từ năm 2013 đã trở thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm của các cường quốc nước ngoài. Iran ủng hộ chế độ Assad, trong khi Saudi Arabia ủng hộ một số nhóm Sunni nổi dậy. IS lại một lần nữa có một vai trò lớn trong cuộc xung đột, dù tới cuối năm 2017 đã mất gần như toàn bộ lãnh thổ trước đó chúng giành được cả ở Syria và Iraq. Tới cuối năm 2018, Nga, Iran, Anh, Pháp, Saudi Arabia, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Iran, Hezbollah và những tay chơi khác đều đã can dự. Sự chia rẽ giữa Iran và Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, Nga và phương Tây, Shia và Sunni ở Trung Đông, tất cả đều bộc lộ trên chiến trường của một quốc gia nhà nước giờ đã hoang tàn. Tất cả các bên đều đã phạm tội ác; chính quyền thậm chí bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào chính người dân của họ. Kết quả của bạo lực lan rộng là hàng triệu người đã mất nhà cửa ở trong nước, và hàng triệu người đã chạy trốn để tị nạn.

Những cuộc xung đột đó và các cuộc xung đột khác Trung Đông còn có những nguyên nhân sâu xa khác, nhưng không có cách nào thoát khỏi thực tế là tôn giáo đóng một vai trò lớn trong những sự chia rẽ ngày càng sâu sắc. Và sự chia rẽ giữa người Sunni và Shia giờ lớn hơn bao giờ hết trong nhiều thế kỷ. Điều này một phần bị thúc đẩy bởi chính trị của các nhà nước: mối kình địch gay gắt trong vùng giữa người Sunni ở Saudi Arabia và Shia ở Iran đã làm trầm trọng thêm vấn đề khi cả hai đều muốn mở rộng ảnh hưởng. Sự khác biệt giữa họ cũng là vì sắc tộc, một là Ả Rập, một đa số là Ba Tư, và vì mối kình địch quen thuộc giữa các nhà nước hùng mạnh, nhưng rõ ràng là có khía cạnh hệ phái trong thứ ngôn ngữ mà cả hai phía sử dụng. Người Sunni cứng rắn giờ đang nói về “safawi” - tên tiếng Ả Rập dùng để chỉ triều đại Ba Tư (Iran) Safavid, vốn từng đối đầu với đế quốc Ottoman Sunni. Cả hai đều muốn là cường quốc dẫn dắt của các nước Hồi giáo; họ có chính sách kinh tế xung đột nhau, lấy ví dụ trong sản xuất và bán dầu, và như chúng ta thấy, họ chọn những phe đối lập trong các cuộc xung đột mang tính tôn giáo nổ ra ở những nước khác trong vùng. Cả hai đã cáo buộc nhau ủng hộ các nhóm khủng bố và hoạt động của các nhóm này. Đáp lại, khắp Trung Đông và Bắc Phi, thời đại chia rẽ này đang nhường bước cho thời đại của những bức tường.

Saudi Arabia đã xây hàng trăm dặm hàng rào dọc theo các biên giới phía bắc và phía nam của họ, Kuwait đã xây hàng rào ở biên giới, và Jordan đã pháo đài hóa biên giới với Syria, xây lên một trong những hàng rào công nghệ cao nhất thế giới; về hướng bắc, những người Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xây một bức tường cao hơn 3 mét và dày hơn 2 mét dọc theo biên giới của họ với Syria, trong khi những hỗn loạn ở Libya đã khiến Tunisia và Ai Cập xây lên những hàng rào dọc theo các đường biên giới của họ.

Việc xây hàng rào ở Jordan là ấn tượng nhất về mặt công nghệ, ngay cả khi những lý do để xây là rất đáng buồn. Những cuộc chiến tại Syria ở phía bắc và Iraq phía đông đã khiến hàng trăm nghìn người tị nạn tràn vào nước này. Vương quốc Hashemite[3] bắt đầu dựng lên những tuyến phòng vệ của họ vào năm 2008, ý thức rằng bạo lực và hỗn loạn ở Iraq có thể lan ra. Điều này diễn ra ba năm trước khi cuộc chiến Syria bùng nổ, nhưng ngay cả khi đó, sự bất ổn và gia tăng khủng bố quốc tế ở vùng này đã lôi kéo chính quyền Obama cung cấp hỗ trợ cho đồng minh của họ rồi. Ban đầu sáng kiến này thật khiêm nhường, với các kế hoạch xây những tháp canh dọc một dải biên giới với Syria ở một khu vực nhạy cảm dài khoảng 48 kilômét thường được bọn buôn lậu sử dụng. Vào lúc Syria chìm trong hỗn loạn và IS đe dọa đưa khủng bố vào Jordan, dự án đó mở rộng, và chi phí cho nó cũng thế. Jordan có 95% dân số là người Sunni và IS có ý định thúc đẩy những niềm tin cực đoan của chúng ở một quốc gia mong manh và sùng đạo.

Chính quyền Washington đã chi tiền cho “Chương trình an ninh biên giới Jordan” từ Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng của Lầu Năm Góc (DTRA), công ty Raytheon đã được trao phần lớn gói thầu. Giờ đã có một hàng rào an ninh công nghệ cao dài khoảng 257 kilômét dọc theo biên giới với Syria. Nó có các tháp canh, máy quay quan sát ban đêm và cảm biến mặt đất có thể phát hiện chuyển động ở cách 8 kilômét cả hai phía của đường biên giới. Một cấu trúc tương tự che phủ khoảng 185 kilômét biên giới với Iraq. Trang web của DTRA nói thế giới “hoàn toàn có thể rất đáng sợ và lưu ý việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt cả ở Syria và Iraq. Nỗ lực của họ ở khu hàng rào, họ nói, “là một ví dụ tuyệt vời về cách chúng tôi đang làm thế giới an toàn hơn trước các vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Điều họ không nói là rào chắn đó cũng giúp các binh sĩ quân đội Mỹ ở Jordan an toàn hơn. Chính thức thì chỉ có vài chục binh sĩ Hoa Kỳ đóng ở Jordan; trên thực tế, thường xuyên có tới ít nhất vài trăm, nhưng họ làm việc chủ yếu khuất tầm mắt trong các căn cứ quân sự của Jordan. Con số thấp hư cấu này có thể được chấp nhận trong các tài liệu chính thức chừng nào các binh sĩ được triển khai” chứ không phải “đồn trú” tại quốc gia này. Jordan có thể là một đồng minh của Mỹ, nhưng chính quyền không muốn bị nhìn nhận là quá gần gũi với siêu cường này để tránh thổi bùng lên cảm xúc chống Mỹ trong thiểu số dân chúng được coi là những người Hồi giáo cực đoan.

Những hàng rào biên giới được người Saudi xây lên thậm chí còn dài hơn, và đắt đỏ hơn, so với ở Jordan, nhưng chúng cũng được xây lên với sự hỗ trợ của Mỹ. Dự án Biên giới phía bắc chạy dọc hơn 885 kilômét biên giới với Iraq. Nó có một hàng rào ba lớp, một rào cát khổng lồ, 32 “trạm phản ứng nhanh” kết nối với bảy trung tâm chỉ huy và kiểm soát, tất cả được hỗ trợ bởi 240 xe phản ứng nhanh.

Quan hệ giữa Saudi Arabia và Iraq là không dễ dàng. Nhiều người Iraq cho rằng Saudi Arabia có trách nhiệm trong việc xuất khẩu một lối diễn giải quá gay gắt của Hồi giáo Sunni và bởi thế giúp tạo ra IS, tổ chức đã gây quá nhiều đổ máu ở đất nước họ; và kể từ khi Saddam Hussein bị lật đổ, một nước Iraq mà người Shia áp đảo đã trở nên ngày càng gần gũi với Iran. Tuy nhiên, vào năm 2017, trong một nỗ lực để lôi kéo Iraq rời xa Iran, Riyadh đã khởi động một chiến dịch thu hút và thậm chí mời các chính trị gia nổi bật của Iraq sang thăm Saudi Arabia. Mối quan hệ giữa hai nước đã cải thiện trong những năm gần đây, nhưng hiện giờ thì Iraq đang gắn bó thân mật hơn với Iran.

Ở phía nam, Saudi Arabia đã dựng lên hàng rào một phần biên giới với Yemen. Dự án này đã bắt đầu vào năm 2003, và giống như với kế hoạch ban đầu của Jordan cho hàng rào với Syria, lúc đầu được thiết kế để giảm việc đưa lậu vũ khí, và người, từ nước Yemen nghèo khổ sang Saudi Arabia giàu hơn nhiều. Lúc đầu người Saudi tập trung vào việc ngăn cản xe cộ bằng cách đặt những túi cát và khối bê tông ở những điểm vượt biên giới thuộc địa hình đồi núi tây nam. Tuy nhiên, vào năm 2009, sau khi lực lượng nổi dậy người Houthi Shia từ Yemen mở một cuộc tấn công qua bên kia biên giới và giết chết hai lính gác Saudi, Riyadh đã tán thành việc xây dựng hàng rào với những cảm ứng điện tử nhằm ngăn số người vượt biên bằng cách đi bộ qua dọc theo một tuyến biên giới dài khoảng 161 kilômét. Chiến dịch quân sự của người Houthi nhắm vào việc giành quyền tự trị lớn hơn ở Yemen, nhưng thỉnh thoảng nó tràn vào tỉnh Jizan của Saudi Arabia, khiến người Saudi quay sang chống lại họ. Sự thù địch tăng lên một khi người Saudi nhìn nhận rằng kình địch chính của họ trong khu vực, Iran, đang hỗ trợ những người Houthi.

Khi cuộc nội chiến Yemen nổ ra, Al Qaeda đã có thể củng cố vị thế của họ ở đấy và sử dụng nước này làm bàn đạp để đưa người vào Saudi Arabia. Nên giờ Saudi Arabia có một bộ ba vấn đề gồm các tay súng Houthi Shia và những cuộc tấn công qua biên giới, người nhập cư bất hợp pháp và Al Qaeda, vốn thề sẽ lật đổ gia đình hoàng gia Saudi, tất cả đều gây ra sức ép lên biên giới phía nam; nên hàng rào được cho là càng cần thiết hơn nữa. Hàng rào này vẫn để hở hàng trăm dặm biên giới ở vùng sa mạc về phía đông, nhưng ở đây khoảng cách là quá lớn, và điều kiện tự nhiên quá khắc nghiệt, tới mức tránh né được các đoàn tuần tra còn khó hơn và có ít vụ vượt biên hơn.

Ngoài những vấn đề dọc theo biên giới, Saudi Arabia cũng ý thức về mối đe dọa chia rẽ nội bộ. Dù đất nước chủ yếu là người Sunni, với người Shia chiếm cùng lắm là 15% một dân số 33 triệu người, thiểu số đó chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền đông, nơi có phần lớn các mỏ dầu của Saudi Arabia. Các tỉnh đông người Shia đang trở nên bất an: họ nói rằng các cộng đồng của họ không được đầu tư đúng mức và bị loại trừ khỏi đời sống quốc gia - những cáo buộc mà chính quyền phủ nhận. Bởi nguồn gốc gây rắc rối tiềm tàng này, cùng tình trạng bất ổn đang diễn ra ở Yemen và những rạn nứt ở Iraq, Saudi Arabia không có tâm trạng nào mà cân nhắc dỡ bỏ những rào chắn họ đã lập nên và liên tục tìm cách cải thiện chúng.

Kuwait cũng quyết tâm duy trì một vùng đệm giữa họ và Iraq, bất chấp việc lật đổ Saddam Hussein vào năm 2003, bởi hai nước có một lịch sử xung đột lâu dài. Kuwait được thành lập là một vương quốc Hồi giáo theo hiệp ước Anh-Ottoman năm 1913, nhưng các chính quyền Iraq chưa bao giờ chấp nhận những gì về cơ bản là biên giới do Anh vẽ và đã nhiều lần tuyên bố quốc gia giàu dầu mỏ này là tỉnh thứ mười chín của họ.

Các lực lượng Iraq đã xâm lược Kuwait vào năm 1990, nhưng bị liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu đẩy lui. Kuwait sau đó đã dựng lên, theo nghĩa đen, một lằn ranh trên cát giữa hai nước. Rào chắn lùi sâu vào hơn 9,6 kilômét này bao gồm ba bức tường cát song song mọc lên dọc theo toàn tuyến biên giới. Một số phần có dây thép gai ở trên và những hào chống tăng phía trước chúng. Rào chắn là để ngăn người Iraq, nhưng vào năm 2003, trong cuộc xâm lược Iraq tiếp theo do Hoa Kỳ chỉ huy, nó trở thành một chướng ngại mà người Mỹ phải vượt qua mới vào được. Đó là một chiến dịch lớn đòi hỏi phải đồng thời phá vỡ bức tường cát ở một số điểm và với một tốc độ mà lực lượng phòng thủ của Iraq không thể tấn công những đoàn xe nối đuôi nhau từng chiếc một và cản trở cuộc tiến quân. Người Mỹ đã làm được và 10.000 xe cộ đã đi qua, cuối cùng tới thẳng Baghdad.

Năm sau đó, Iraq có thể không còn là một mối đe dọa chiến lược với Kuwait, nhưng người Kuwait vẫn muốn một rào chắn mới, tốt hơn. Dưới sự giám sát về pháp lý của Liên Hợp Quốc, một địa điểm được hai phía nhất trí và một hàng rào dài 217 kilômét đã được dựng lên từ thị trấn biên giới của Iraq Umm Qasr dọc theo tam giác biên giới chung nơi Iraq, Kuwait và Saudi Arabia gặp nhau. Giống như nhiều nước khác ở Trung Đông, Kuwait đang cố gắng tự bảo vệ mình trước sự lan tràn bạo lực ở Iraq, và cũng ngàn người nhập cư bất hợp pháp tràn vào nền kinh tế giàu có hơn nhiều của họ.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại hơn về mối đe dọa từ Syria và vào tháng Sáu năm 2018 đã xây xong một bức tường bê tông dọc theo phần lớn biên giới. Nó được bổ trợ bằng các con hào, một hệ thống đèn pha, tháp canh, các khí cầu do thám, máy quét hình ảnh nhiệt, radar, một hệ thống xác định mục tiêu và những xe thiết giáp nhỏ Cobra II chạy dọc theo bức tường, xe có máy quay lắp trên cần cẩu để nhìn qua tường. Đã đứng về phía phe đối lập chống Assad và có vai trò tích cực trong cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ giờ cố ngăn người tị nạn và những kẻ khủng bố từ Syria. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có một mối lo khác trong cuộc xung đột Syria, và đó là sức mạnh gia tăng của các nhóm người Kurd tham gia vào cuộc xung đột đó.

* * *

Khi chúng ta nói về Trung Đông, chúng ta thường nghĩ tới “người Ả Rập” như thể hai khái niệm này có thể thay thế cho nhau, hay chỉ là một, trong khi thực ra vùng này là nơi cư ngụ của rất nhiều dân tộc, tôn giáo, hệ phái và ngôn ngữ, với những nhóm thiểu số như người Kurd, người Druze, người Yazidi[4] và Chaldea[5].

Người Kurd là nhóm thiểu số lớn nhất, có khoảng 30 triệu người ở Trung Đông. Các ước tính khác nhau, nhưng cho rằng có khoảng 2 triệu ở Syria, 6 triệu ở Iraq, 6 triệu ở Iran và 15 triệu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta thường nói đó là dân tộc lớn nhất trên thế giới không có một quốc gia, dù những sự chia nhỏ dân tộc ở trên lại bị chia rẽ thêm nữa thành khoảng một trăm bộ lạc gắn bó với những hệ phái tôn giáo khác nhau và nói nhiều thứ ngôn ngữ, tới lượt chúng lại phân chia thành các phương ngữ và bảng chữ cái hay hệ thống chữ viết khác nhau.

Chắc chắn là có một phong trào để tạo ra một quốc gia nhà nước Kurdistan, nhưng bởi những khác biệt của họ, vị trí địa lý của họ, và sự phản đối của các quốc gia hiện hữu, người Kurd khó có khả năng thống nhất thành một nhà nước. Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đều có dân số lớn người Kurd và sẽ không để họ tìm kiếm sự thống nhất với nhau hay trở thành những nhà nước mini. Hoa Kỳ, vốn có đôi chút thông cảm với người Kurd, khó có khả năng giúp họ - nhất là bởi Thổ Nhĩ Kỳ, giờ đang chiến đấu với người Kurd cả ở Iraq và Syria, là một thành viên NATO giống Mỹ. Người Kurd luôn bị lật lọng.

Cuộc trưng cầu dân ý với kết quả không mang tính ràng buộc vào năm 2017 ở vùng Kurdistan thuộc Iraq, ủng hộ độc lập, được cho là một bước tiến tới giấc mơ lớn của người Kurd, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ không cho phép một quốc gia Kurdistan thống nhất bao gồm dù chỉ một tấc lãnh thổ của họ. Ở Iraq, chính quyền trung ương đáp lại lá phiếu đòi độc lập bằng cách đưa quân đội tới chiếm thành phố dầu mỏ Kirkuk do người Kurd kiểm soát, truyền đi thông điệp là cả kế hoạch độc lập lẫn sự mở rộng những vùng lãnh thổ mà theo truyền thống do người Kurd chiếm ưu thế đều là không được phép. Bản thân người Kurd ở Iraq cũng tách thành hai nhóm bộ lạc với những nứt rạn tương tự tại các vùng khác. Trong khi đó, người Kurd phải chịu đựng sự phân biệt đối xử ở chính các quốc gia mà họ bị chia cắt ra. Những người Kurd ở Iraq có ký ức đặc biệt tồi tệ về Đảng Baath “xã hội chủ nghĩa” của Saddam Hussein. Họ đã dùng hơi ngạt giết hàng nghìn người Kurd trong chiến dịch quân sự Anfal tàn bạo vào những năm 1980, và giết hàng nghìn người nữa trong thập kỷ sau đó.

Sự độc tài tàn bạo này không phải là khác thường với các chính quyền khắp Trung Đông, và nhiều dân tộc - không chỉ người Kurd - đã nhận lãnh hậu quả.

Điều gì đã sai với thế giới Ả Rập? Gần như là mọi thứ. Người ta đã thử những giải pháp gì? Gần như là mọi thứ.

Có nhiều lý do dẫn tới vấn đề. Lấy ví dụ, tôn giáo đã gây ra những rạn nứt lớn, như chúng ta đã thấy. Chủ nghĩa thực dân dẫn tới sự tạo dựng các quốc gia nhà nước mà đường biên giới phớt lờ những phân chia văn hóa truyền thống - những dân tộc một thời từng nghĩ họ là khác biệt, và đã được cai quản khác biệt, giờ được trông đợi tuyên thệ trung thành với một thực thể mà một số người cảm thấy họ có ít điều chung, trong khi những dân tộc khác trước đó đã tự xác định là một cộng đồng đơn lẻ nay bị chia ra. Địa lý của vùng này khiến hầu hết các lãnh thổ không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, và không phải nơi nào được trời phú - hay bị nguyền rủa, tùy theo quan điểm của bạn - nguồn dầu mỏ cũng chia sẻ lợi ích từ nó một cách công bằng. Những của cải có được ở đó có vẻ thường bị giới tinh hoa phung phí hết, và bởi thế sự nghèo đói lan tràn và nhìn chung là thiếu tiến bộ về kinh tế và xã hội.

“Báo cáo phát triển con người Ả Rập 2002”, do một nhóm học giả Ả Rập hàng đầu chấp bút, đúng đầu là nhà thống kê người Ai Cập Nader Fergany và do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tài trợ, đã tổng kết tốt nhất tình hình hai mươi hai nước Ả Rập. Báo cáo lưu ý rằng trình độ giáo dục và tuổi thọ kỳ vọng tăng lên, và tỷ lệ tử vong trẻ em giảm, nhưng đó là toàn bộ những điểm tích cực. Các tác giả đã loại khỏi những thống kê của họ một phương pháp đo đếm thành công truyền thống, “thu nhập đầu người”, trên cơ sở sự giàu có về nhiên liệu cực lớn của một số ít nước, có điều chảy xuống chỉ cho một ít người, làm các con số lệch lạc. Họ sau đó bổ sung mức độ tiếp cận internet và những mức độ quyền tự do để tạo ra “Chỉ số phát triển con người thay thế”. Trong một câu sắc bén, họ đã kết luận rằng “vùng này giàu hơn mức phát triển của nó”.

Cụ thể, họ nhấn mạnh điều mà họ gọi là “Ba điểm thiếu hụt” đang níu chân khu vực: trước hết, vì vùng này thiếu những quyền tự do nhất định, thế giới Ả Rập đã không thể bắt kịp tri thức toàn cầu về khoa học, tư duy chính trị và tôn giáo so sánh. Số sách vở dịch từ các ngôn ngữ khác tiếng Ả Rập có thể tiếp cận được trong toàn vùng là tương đối ít. Thứ hai, và có liên quan với điều đó, là thất bại trong việc đón nhận những phát triển về viễn thông để phát tán những tri thức đã có. Thứ ba, sự tham gia của phụ nữ vào chính trị và việc làm vào loại thấp nhất thế giới.

Việc thiếu các quyền dân sự và tự do ngôn luận cùng tình trạng kiểm duyệt trắng trợn thể hiện ở hầu hết các nước Ả Rập tới lượt nó có nghĩa là, bất chấp chi tiêu tương đối vào giáo dục, tiền bạc bị sử dụng sai mục đích và các kết quả thật nghèo nàn. Báo cáo nói rằng trong một ngàn năm qua, có ít sách được dịch sang tiếng Ả Rập hơn so với số sách dịch sang tiếng Tây Ban Nha ở Tây Ban Nha chỉ trong một năm. Sử dụng internet hạn chế ở mức chỉ 0,6% dân chúng.

Một thế hệ các trí thức và chính trị gia Ả Rập cấp tiến đã coi bản báo cáo là một lời kêu gọi thức tỉnh,nhưng những người cấp tiến là thiểu số trong thế giới Ả Rập và số người ở những vị trí quyền hành để đưa tới sự thay đổi tích cực là không đủ. Sau gần hai mươi năm, việc sử dụng internet đã tăng lên, nhưng sự đàn áp tiếp tục. Tới năm 2016, theo “Báo cáo phát triển Ả Rập” của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ người sử dụng internet đã tăng rất mạnh lên trên 50%, nhưng xét tổng thể, ba điểm thiếu hụt vẫn đang kềm bước khu vực. Các chế độ Ả Rập vẫn đàn áp không thương tiếc bất đồng chính kiến, các quyền tự do cá nhân vẫn bị ngăn cấm, nhiều ý tưởng của thế giới bên ngoài tiếp tục không được chào đón, và mười một nước Ả Rập đang rơi vào trong xung đột nội bộ.

Nhiều người Ả Rập thế tục đổ các vấn đề và sự thiếu tự do cho điều đôi khi được gọi là “sự khép kín của tâm trí Ả Rập”. Điều này là để chỉ việc chấm dứt thực hành “ijtihad”. Dịch thẳng từ đó theo nghĩa đen là “nỗ lực”, nhưng nó liên quan tới việc diễn dịch các vấn đề tôn giáo không được nói tới một cách chính xác trong kinh Koran hay Hadith - ghi chép về những gì Nhà tiên tri Muhammad đã làm và nói. Trong vài thế kỷ, bất cứ học giả Hồi giáo có học thức nào cũng có thể tự nảy ra tư duy sáng tạo đối với các câu hỏi tôn giáo, nhưng vào cuối thời đế quốc Hồi giáo Sunni Abbasid (750-1258), người ta tuyên bố rằng cánh cửa ijtihad đã đóng lại. Giờ không được phép nghi ngờ giới luật và những diễn giải do những người vĩ đại của các thế hệ trước đặt ra nữa.

Người ta cho rằng “sự khép kín” này đã níu chân thế giới Ả Rập, và trong thời hiện đại đã trở thành một trong những điểm chia rẽ lớn trong các xã hội Ả Rập giữa những ai tìm kiếm cải cách và những ai bám chặt lấy truyền thống. Nếu lý thuyết này đúng, nó sẽ giúp giải thích tại sao các nền văn hóa khác, vốn chia sẻ cùng sự thiếu tự do và thiếu nhân quyền, đã xoay xở phát triển được và thách thức các nước phương Tây về mặt công nghệ và tiến bộ kinh tế; có thể nghĩ tới Singapore và Trung Quốc.

Chắc chắn là nền văn hóa Ả Rập hết sức tôn trọng truyền thống và quyền hành, và ít cởi mở hơn với thay đổi so với nhiều vùng khác. Một người có vẻ đang cố gắng thay đổi điều đó là vị tân thái tử của Saudi Arabia, Mohammed bin Salman (thường được gọi là MMS). Trong một kế hoạch có vẻ đã được suy xét cẩn trọng, Vua Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz al Saud, đã trao ngôi vị hoàng thái tử và rất nhiều quyền lực đi kèm cho người con trai ba mươi hai tuổi của ông. Cả hai người có vẻ kết luận rằng vương quốc sẽ không sống sót được với nền tảng kinh tế và những tiêu chuẩn xã hội hiện tại. Vào năm 2018, luật cho phép phụ nữ lái xe và đi xem bóng đá được thông qua, và lần đầu tiên cho phép mở các rạp phim. Một số người chỉ trích ở các nước phương Tây chế nhạo những động thái này là quá cẩn trọng. Nhưng khi chế nhạo thế, họ đã cho thấy họ không hiểu những biện pháp này có tính chất đảo lộn ra sao, nhất là trong việc gửi đi một thông điệp cho giới lãnh đạo tôn giáo đầy quyền lực rằng thời đại của họ đang từ từ kết thúc. Họ cũng có vẻ không biết rằng ngay cả những biện pháp “cẩn trọng” đó cũng có nguy cơ bị phản đối, có thể là bằng bạo lực. Những tin đồn thổi về một cuộc đảo chính được lên kế hoạch chống lại nhà Saud đã lan khắp vùng Vịnh suốt năm.

Vị hoàng thái tử của Saudi cũng ra mắt mô hình kinh tế Tầm nhìn 2030 của ông, đa dạng hóa nền kinh tế, tránh sự phụ thuộc vào nhiên liệu. Một phần của việc này là cuộc cải cách gây nhiều tranh cãi cho phép phụ nữ lái xe khi ông nhận ra rằng một nền kinh tế hiện đại không thể phớt lờ 50% lực lượng lao động của nó. Ông tiếp nối điều đó với một cuộc thanh trừng những kẻ có đầu óc cứng rắn. Hoàng thái tử, cùng các đồng minh ở vùng Vịnh như hoàng thái tử Abu Dhabi, Mohammed bin Zayed Al Nahyan, đang cố gắng phá vỡ những trói buộc của truyền thống, nhưng biết rằng ông phải cẩn trọng. Trong những việc này, các vị hoàng thái tử chủ yếu nhận được sự ủng hộ từ những thế hệ trẻ hơn trong xã hội của họ.

Về mặt chính trị, người Ả Rập đã thử nghiệm chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội giả mạo, và họ đã được chứng kiến những nhà lãnh đạo mạnh tay. Cuộc sống dưới sự cai trị của những người jihad trong hình thức IS là một hệ thống thất bại khác, trong khi một số khác sống dưới quyền lực cha truyền con nối của các gia đình hoàng tộc. Trong tất cả những chế độ này, chế độ cuối cùng có xu hướng ổn định nhất và, dù xuất phát từ một cơ sở thấp tới đáng kinh ngạc, lại tương đối ôn hòa, nhưng không hệ thống nào mà người Ả Rập thử nghiệm cho tới giờ thành công trong việc đoàn kết họ thành một quốc gia nhà nước thành công, hòa bình, hay một khu vực đoàn kết, bất chấp yếu tố thống nhất về ngôn ngữ.

Giấc mơ lớn về một đại Ả Rập thống nhất rõ ràng trong những tuyên ngôn của cuộc nổi dậy Ả Rập 1916[6]. Nhưng nó vẫn chỉ là một giấc mơ, và những chia rẽ giữa các dân tộc Ả Rập khiến nó gần như chắc chắn không bao giờ thành hiện thực. Giáo sư người Ả Rập Fawaz Gerges công nhận rằng viễn cảnh u ám: “Hết lần này tới lần khác, những nhà cai trị Ả Rập đã đấu đá với nhau giành ảnh hưởng và quyền lực và thường xuyên can thiệp vào công việc nội bộ của nhau… những mối kình địch quyết liệt này đã gây suy yếu cho hệ thống nhà nước Ả Rập và đã gây ra hỗn loạn và nội chiến. Hệ thống đã đổ vỡ.”

Không có một nền tảng dân chủ vững chắc để dựng xây, các quốc gia nhà nước Ả Rập đã thất bại trong việc giành được lòng tin của đa số dân chúng. Như báo cáo năm 2016 của Liên Hợp Quốc đã nói, “Những người trẻ thấm thía một cảm giác cố hữu bị phân biệt đối xử và bị loại trừ”, do đó dẫn tới “cam kết của họ yếu đi trong việc bảo vệ những định chế của chính quyền”.

Chúng ta đã chứng kiến những rạn nứt xuất hiện trong tòa lâu đài Liên minh châu Âu, và ở đó chúng đang dẫn tới sự rút lui một phần vào chủ nghĩa dân tộc. Sự khác biệt ở Trung Đông là người Ả Rập ít gắn bó hơn với khái niệm quốc gia nhà nước, và chưa hoàn toàn đón nhận những ý tưởng về tự do cá nhân; bởi thế, khi các định chế chính quyền tan vỡ, nhiều người rút lui vào những định chế tiền thân của quốc gia nhà nước - tôn giáo, sắc tộc và bộ lạc.

Khi mà người Sunni, người Shia và các bộ lạc và sắc tộc khác rút ra sau những bức tường hữu hình và tâm lý của họ, và quốc gia nhà nước yếu đi, tôn giáo mang tới cho họ sự tự trọng, bản sắc và cảm giác chắc chắn. Trên cơ sở đó, những người Hồi giáo cực đoan có thể xây dựng một thế giới quan theo đó chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc hay thậm chí là bản thân quốc gia nhà nước cũng chỉ là một chứng ung thư, và đạo Hồi là câu trả lời. Họ xây dựng những lằn ranh ý thức hệ xung quanh họ, những lằn ranh trở nên cao tới mức những người đằng sau đó không còn nhìn thấy bên ngoài nữa. Như thế, bị cầm tù trong tâm trí hẹp hòi, một số người nhìn nhận “kẻ khác” là “đồ tà giáo”, một kẻ “không có đức tin”, hay một “safawi”, từ dùng để chỉ triều đại Safavid theo Shia ở Ba Tư (1501-1736), và bởi thế chỉ đáng bị trấn áp hay giết chết. Một số còn đi xa hơn, bước vào những địa hạt cao hơn của các thuyết âm mưu và hoang tưởng, sử dụng cụm từ cực đoan hơn nhiều “Sahiyyu-Safawi” (Phục quốc Do Thái-Safavid), vốn cho rằng có một âm mưu hiểm độc Israel/Iran chống lại thế giới Hồi giáo Sunni. Một khi ta đã đi xa như thế, nhiều người sẽ thấy thật khó trở lại.

Một lời giải thích cho điều này là sự nghèo đói và giáo dục yếu kém. Cả hai yếu tố này không thể bị phớt lờ, tuy nhiên, hai yếu tố này được gán cho tầm quan trọng quá nhiều, dẫn tới lòng tin rằng nếu ta loại bỏ nghèo đói và cải thiện giáo dục, ta sẽ loại bỏ được tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Điều này đã không tính đến số lượng lớn những người jihad là những người học cao, mà hàng ngũ cứ tăng lên mỗi năm bởi các sinh viên tốt nghiệp đại học, nhất là những người học ngành kỹ sư. Điều đó cũng không giải thích được tại sao một số ý thức hệ bạo lực nhất xuất phát từ quốc gia giàu nhất trong vùng - Saudi Arabia. Không nghi ngờ gì nữa, mức sống tốt hơn và giáo dục thế tục chất lượng cao hơn là một phần của giải pháp, nhưng thật trớ trêu, thêm một bức tường nữa là cần thiết ở đây, bức tường được xây lên trong những xã hội hiện đại thành công nhất - đó là bức tường giữa tôn giáo và chính trị.

Vì đạo Hồi bao trùm mọi đường hướng của cuộc sống, nhiều người thực hành tôn giáo này thấy khó mà loại trừ tôn giáo và sắc tộc khỏi chính trị. Không có gì trong kinh Koran đại loại giống như những lời gắn với Jesus - “Hãy trả lại cho Caesar những gì của Caesar; và cho Chúa những gì của Chúa.” Không có sự ngắt kết nối này, giáo luật có xu hướng làm nền tảng và thậm chí áp đảo luật pháp thế tục, và tôn giáo hay hệ phái ngự trị sẽ bảo đảm rằng phiên bản tôn giáo và pháp luật của họ là phiên bản phải được tuân thủ.

Ngược lại, ở châu Âu, sự hình thành và tổ chức của các đảng chính trị chỉ theo những lằn ranh sắc tộc hay tôn giáo về cơ bản đã bị loại bỏ. Hầu hết các đảng chính trị thu hút sự ủng hộ khắp các bộ phận rộng lớn và đa dạng trong xã hội, và tôn giáo không có vai trò nhiều trong chính quyền và việc quyết định chính sách.

Tuy nhiên, ở Trung Đông, những ký ức về “chính trị thế tục” là những ký ức về sự cai trị độc tài - các Đảng Baath của Syria và Iraq là những ví dụ. Cả hai giả vờ là các đảng xã hội chủ nghĩa thế tục đứng trên những chia rẽ sắc tộc và tôn giáo, nhưng cả hai đàn áp tàn bạo dân chúng của mình. Điều này đã khiến một số người đánh mất lòng tin vào khả năng các đảng thế tục có thể bảo vệ lợi ích của họ, và vì thế quay sang đảng ủng hộ cho tôn giáo của họ.

Hiện giờ thì các nước và dân tộc Ả Rập vẫn bị chia rẽ và tàn phá bởi xung đột, cả trong và ngoài nước. Người Saudi và Iran tiếp tục cuộc chiến địa chính trị trong khu vực, điều mà khi tới tầm mức địa phương lại thể hiện qua sự chia rẽ lâu đời Shia/Sunni, điều tới lượt nó cũng thể hiện trong các cuộc xung đột bên ngoài biên giới của chính họ. Nên nhiều cuộc xung đột trong cả vùng - như cuộc chiến ở Iraq - đã cho phép những rạn nứt tương tự nổi lên, với bạo lực và chủ nghĩa cực đoan kéo theo lan ra khắp những đường biên giới. Mắc kẹt trong hỗn loạn là các cộng đồng thiểu số như người Kitô giáo, người Yazidi và Druze.

Giấc mơ về sự thống nhất toàn Ả Rập đã trở thành cơn ác mộng của sự chia rẽ toàn Ả Rập. Một khi những con quỷ dữ hệ phái tôn giáo này được thả ra, sự nghi kỵ và sợ hãi với “kẻ khác” sẽ mất nhiều năm, đôi khi là nhiều thế hệ, mới có thể đảo ngược. Mảnh vải chắp vá của các quốc gia nhà nước như Syria đã bị xé tan tành, và mô thức thiết kế cho bất kỳ các nhà nước tương lai nào vẫn chưa rõ ràng. Có một thế hệ người Ả Rập trẻ tuổi có học ở đô thị đang tìm cách bỏ lại sự chia rẽ sau lưng, nhưng sức mạnh của lịch sử đã níu chân họ.

Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat[7] đã nói những lời sau trong một bài phát biểu ở Knesset, Israel vào năm 1977, về cuộc xung đột Ả Rập-Israel; nhưng hơn bốn mươi năm sau, chúng vẫn đúng, trên khắp vùng này: “Dẫu vậy, vẫn còn một bức tường khác. Bức tường này tạo ra một rào cản tâm lý giữa chúng ta; rào cản của sự nghi kỵ; rào cản của sự chối bỏ; rào cản của nỗi sợ, của sự lừa gạt; rào cản của ảo giác mà chúng ta không hề có bất kỳ hành động, việc làm hay quyết định nào để thay đổi.”

 

Chú thích.

  [1] Alaska là bang có diện tích lớn nhất nước Mỹ, Texas thứ hai, và Colorado thứ tám. (ND)

[2] “Năm trụ cột của Hồi giáo” là những yêu cầu cơ bản với một tín đồ: sự tuyên xưng đức tin (“Không có Thượng đế nào khác ngoài Allah”); cầu nguyện (năm lần một ngày, quay mặt hướng về Mecca); bố thí, nhịn ăn (tháng chay Ramadan); và hành hương (ít nhất một lần trong đời phải hành hướng tới thánh địa Mecca). (ND)

[3] Tên gọi đầy đủ của Jordan là Vương quốc Hashemite Jordan. Hashemite là dòng họ hoàng tộc cai trị Jordan từ năm 1921 đến nay. (ND)

[4] Một nhóm thiểu số người Kurd theo một tôn giáo riêng là sự kết hợp của Hỏa giáo, Hồi giáo, Kitô giáo và Do Thái giáo. Hiện có khoảng nửa triệu tới 1,2 triệu người Yazidi, chủ yếu tập trung ở Iraq. (ND)

[5] Người Chaldea là hậu duệ của người Assyria, theo Kitô giáo phương Đông (Chính thống giáo), hiện có hơn 600.000 người, tập trung ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. (ND)

[6] Cuộc nổi dậy của người Ả Rập khắp Trung Đông và bán đảo Ả Rập chống lại sự cai trị của Đế chế Ottoman, do vị Sharif của Mecca, Hussein bin Ali, khởi phát vào năm 1916, và kết thúc năm 1918, thường được coi là một phần của Thế chiến I. (ND)

[7] Anwar Sadat (1918-1981), Tổng thống thứ ba của Ai Cập, từ 1970 tới 1981. Ông bị ám sát và chết khi đang tại chức. (ND)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét