Bức tường biên giới Mỹ - Mexico
CHIA RẼ
Tác giả Tim Marshall
Chương
Hai. HÃY XÂY BỨC TƯỜNG ĐÓ! HOA KỲ
“Hãy
chỉ cho tôi một bức tường cao 15 mét và tôi sẽ cho quý vị xem một cái thang 16
mét.”
- Janet Napolitano, cựu
Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ
Chỉ một ngày sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, nhà bình luận tân bảo thủ khôn khéo Ann Coulter đã tăng tải một “lịch trình chi tiết” các ưu tiên được lên kế hoạch tỉ mỉ cho một trăm ngày đầu ông Trump tại nhiệm. Bà bắt đầu bằng: “Ngày 1: bắt đầu xây bức tường.” Rồi tiếp theo: “Ngày 2: tiếp tục xây bức tường.” Và cứ thế: “Ngày 3: tiếp tục xây bức tường. Ngày 4: tiếp tục xây bức tường.” Lịch trình đó tiếp tục tới: “Ngày 100: báo cho người dân Mỹ về tiến triển của bức tường. Tiếp tục xây bức tường.” Đó là một chuyện tiếu lâm lý thú, dựa trên kiểu làm báo ngạo mạn và câu “view”, và điều đó giúp bà kiếm được tiền, nhưng khó có khả năng rằng bà Coulter lại ngớ ngẩn tới mức nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Và tất nhiên, nó đã không xảy ra.
Trong nhiều tháng trời, ông Trump đã hứa
hẹn xây một bức tường ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico nhằm làm giảm bớt nhập cư bất hợp
pháp vào Hoa Kỳ. Dù ông có vẻ như chủ yếu chỉ “tham vấn bậc thiên tài là chính
bản thân mình” (nhại lại câu tiếng Pháp nói về Tổng thống Giscard d’Estaing),
thậm chí trước khi vào Nhà Trắng, ông đã được thông báo về chi phí xây bức tường,
về sự phản đối chính trị với nó, và quan trọng không kém là địa hình mà trên đó
bức tường sẽ được xây lên. Những bài phát biểu về “một bức tường, một bức tường
lớn đẹp đẽ” hấp dẫn với đội ngũ cử tri cốt lõi ủng hộ ông, nhưng đó là một cơ sở
yếu ớt để đặt một dự án kỹ thuật khổng lồ như thế, và các kế hoạch trong đầu
ông nhanh chóng đâm vào bức tường của thực tế - và sa vào bãi cát lún thủ đô
Washington.
Trong vài tuần sau khi Trump đắc cử,
các thượng nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ như Lindsey Graham đã cố vùng thoát khỏi
bãi cát lún đó. Ông Graham, một trong những người vận động thông minh nhất ở
Capitol Hill, bắt đầu nói về từ “bức tường” như một “từ mã hóa về an ninh biên
giới tốt hơn”, như thể những bài phát biểu của Tổng thống đã được mã hóa theo
kiểu các bản tin phát thanh của BBC cho phe kháng chiến Pháp trong Thế chiến II
vậy - “Đây là London! Jean có một bộ ria mép dài.” [1]
Nhưng đó không phải là một từ mã hóa;
Trump thậm chí đã chỉ rõ rằng bức tường sẽ được xây từ các phiến bê tông đúc sẵn
với chiều cao trung bình 30 feet [hơn 9 mét]. Tuy nhiên, vờ vịt rằng đó là một
cụm từ có tính ước lệ là một chiêu trò tung hứng từ ngữ có ích mà nhờ đó Đại cựu
đảng [Grand Old Party] [2] có thể tiếp tục mà không bị
thiệt hại nhiều. Tổng thống Trump tiếp đó ký một dự luật 1,1 nghìn tỉ đô la Mỹ
tài trợ ngân sách cho chi tiêu chính phủ trong phần còn lại của năm tài khóa.
Tiền phân bổ cho bức tường là một số không tròn trĩnh.
Đó có lẽ là bức tường không-hề-tồn-tại
nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng mặc dù nó chưa được xây lên, nó đã là một biểu
tượng mạnh mẽ cho thấy sự chia rẽ đã thúc đẩy, và đang tiếp tục thúc đẩy, cỗ
máy văn hóa và chính trị khổng lồ mang tên Hoa Kỳ ra sao.
Dẫu vậy, thiếu tiền không thể ngăn được
Tổng thống. Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ đã mời thầu để xây dựng bức
tường của Trump, với yêu cầu rào chắn đó phải đủ mạnh để kháng cự những cú đập
bằng “búa tạ, kích xe hơi, cuốc chim… khí propane, khí butane hoặc các thiết bị
cầm tay có tác dụng tương đương” trong tới bốn tiếng đồng hồ. Những quy định
khác là nó phải “đủ tầm cao hoành tráng” và “không thể trèo qua được”. Thú vị
là đã có khoảng hai trăm hồ sơ đấu thầu đã được nộp sau đó.
Một hồ sơ là từ Rod Hadrian ở
California, người đã lặng lẽ bỏ qua thành công rất hạn chế của người cùng tên với
ông trong việc ngăn chặn đám quân du mục từ bên ngoài[3]. Một hồ sơ khác,
của công ty Clayton Industries ở Pittsburgh, nói họ đã có giải pháp - ở đường
biên giới là một hàng rào lưới mắt cáo bên phía Mexico, và một bức tường bên
phía Mỹ. Ở giữa đó họ sẽ đào một con hào lấp đầy chất thải hạt nhân. Từ
Clarence, bang Illinois, hãng Crisis Resolution Security Services trình một thiết
kế giống với Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, kể cả các tháp canh và lỗ châu mai.
Nó bao gồm hai bức tường bê tông gần 8 mét được xây trên một ụ đất cao hơn 9
mét. Dọc theo đỉnh bức tường sẽ là một lối đi bộ, giống như Vạn Lý Trường Thành
của Trung Quốc, nhưng người sáng lập công ty, Michael Hari, cũng thấy triển vọng
đạp xe dọc bức tường và biến nó thành một điểm thu hút khách du lịch. Ông Hari,
một cựu phó cảnh sát trưởng, nói ông thông cảm với những ai tìm cách vào Hoa Kỳ
bất hợp pháp, nhưng cho biết ông đã nộp các thiết kế của ông vì lòng ái quốc,
ông nói với Chicago Tribune: “Chúng ta sẽ nhìn vào bức tường không
chỉ như một ranh giới vật lý ngăn cản người nhập cư, mà còn như một biểu tượng
của lòng quyết tâm của nước Mỹ bảo vệ nền văn hóa của chúng ta, ngôn ngữ của
chúng ta, truyền thống của chúng ta, trước những kẻ xâm nhập bên ngoài.”
Đó chính là trung tâm của vấn đề. Các
bức tường có thể làm giảm sự xâm nhập bất hợp pháp, dù ranh giới biên giới cụ
thể này đặc biệt có nhiều lỗ hổng, nhưng chúng còn làm được hơn thế - chúng khiến
những ai “muốn có hành động” cảm thấy rằng đã có hành động. Như tiến sĩ Reece
Jones của Đại học Hawaii, và tác giả cuốn Violent Borders[4],
đã nói, “Chúng là những biểu tượng mạnh mẽ của hành động chống lại những vấn đề
được cảm nhận.” Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc nhắm tới việc chia tách thế
giới văn minh với bọn man di; bức tường của Trump nhắm tới việc chia tách người
Mỹ với người không phải Mỹ. Chính ý niệm quốc gia là điều đoàn kết người Mỹ -
và hiện giờ, với một số người, bức tường của Trump phát đi tín hiệu về sự bảo tồn
và tính thiêng liêng của ý niệm đó. Nó ủng hộ ý tưởng khiến “nước Mỹ vĩ đại trở
lại” và là biểu tượng hóa cho sự ủng hộ hiện có để đưa “nước Mỹ lên trên hết”.
Tất cả các quốc gia đều có những vấn đề
chia rẽ. Những người sáng lập nước Mỹ[5] biết điều này và cố gắng thiết
lập một quốc gia dưới quyền của Chúa, với sự bình đẳng cho tất cả. Những sai lầm
trong những ngày đầu, đáng chú ý là chế độ nô lệ, đã quá nổi tiếng, nhưng sau một
lịch sử nhiều trục trặc, Hoa Kỳ đã trở thành một đất nước tự do, theo nghĩa hiến
pháp và pháp luật bảo vệ những quyền và sự bình đẳng cho các công dân của nó và
nỗ lực phá vỡ sự chia rẽ nội bộ. Điều này bản thân nó là một thắng lợi lớn:
bình đẳng trước pháp luật là một nền tảng vững mạnh để đạt được bình đẳng trên
thực tế.
Một trong những lý tưởng của Hoa Kỳ là
mọi công dân của đất nước được xác định là người Mỹ, một dân chúng gắn kết với
nhau bởi những giá trị chung, chứ không phải bởi xuất thân sắc tộc, tôn giáo
hay chủng tộc. Câu khẩu hiệu ở mỏ con đại bàng trên quốc huy của Hoa Kỳ là: “E
pluribus unum” (từ nhiều thành một). Hơn hầu hết các quốc gia khác, Hoa Kỳ đã
thành công phần nào trong việc pha trộn các dân tộc từ khắp nơi trên thế giới
thành một quốc gia. Ở Lebanon hay Syria chẳng hạn, bản sắc dân tộc xếp xa đằng
sau bản sắc sắc tộc, tôn giáo hay bộ lạc. Dẫu vậy, ta không cần phải nhìn quá kỹ
vào “thành phố tỏa sáng trên đồi” [6] mới thấy được một số phần của
đất nước đó còn lâu mới tỏa sáng và những vùng khác thì đang sa sút.
Mỗi bức tường kể câu chuyện của riêng
nó. Rào chắn của Saudi dọc theo biên giới Iraq có chức năng, và nó đã phát huy
hiệu quả. Nó không phải là đại diện cho một tuyên bố về sự nghi ngờ của Saudi với
“người khác”, vì bên kia biên giới, “những người khác” chủ yếu là những người
có cùng tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa với người của vương quốc Saudi. Nước Mỹ
thì khác. Chính “đặc tính Khác” của những ai vào nước này, và nỗi sợ rằng họ có
thể làm loãng điều được nhìn nhận là văn hóa “Mỹ”, đã khiến bức tường trở nên
quan trọng đến thế với những người ủng hộ nó. Với những người phản đối nó, bức
tường chống lại các giá trị Mỹ như tự do, khai phóng, bình đẳng và một nước Mỹ
cho tất cả. Sự tranh cãi về bức tường nằm ở trung tâm của cuộc tranh luận về việc
ai được quyền định nghĩa “Mỹ” là gì trong thế kỷ tới.
* * *
Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, vào
năm 2015, có 27,5 triệu người ở Texas, trong đó 38,8% là người Hispanic [có gốc
gác Tây Ban Nha). Các nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, một tổ chức
nghiên cứu không đảng phái, cho thấy vào năm 2014, có 4,5 triệu người nhập cư ở
bang này, phần lớn là người nói tiếng Tây Ban Nha. Xu hướng này cũng thấy được ở
một số bang khác trong vùng. Hướng về phía nam từ Phoenix, bang Arizona, qua những
vùng đất sa mạc bằng phẳng, về phía đường biên giới cách đó gần 290 kilômét: bạn
càng đi xa về phương nam, bạn càng nghe người ta nói tiếng Tây Ban Nha nhiều
lên, và đời sống càng trở nên đậm chất Hispanic hơn. Khi xu hướng này tăng lên,
có thể là trong vài thập niên tới, một số bang sẽ trao cho tiếng Tây Ban Nha sự
bình đẳng về pháp lý với tiếng Anh trong vai trò ngôn ngữ chính thức ở các trường
học và hệ thống chính quyền. Ở tầm mức liên bang, Hoa Kỳ không có ngôn ngữ
chính thức, nhưng ở ba mươi trong năm mươi bang, hiện ngôn ngữ chính thức là tiếng
Anh. Tuy nhiên, một số bang, bao gồm Texas và New Mexico, đã sử dụng cả tiếng
Anh và tiếng Tây Ban Nha trong các tài liệu chính phủ rồi và nhiều bang hơn nữa
không thể tránh khỏi sẽ nối bước trong những năm sắp tới. Khi ngôn ngữ và văn
hóa Tây Ban Nha trở nên ngày càng áp đảo, một số vùng có thể bắt đầu kêu gọi thậm
chí là quyền tự trị lớn hơn từ hệ thống liên bang. Chuyện này có thể còn nhiều
thập kỷ nữa mới tới, nhưng đó là một khả năng rất thật, lịch sử đầy rẫy những
ví dụ về các quốc gia nhà nước tiến hóa theo cách như thế.
Nên một số bộ phận cử tri Mỹ đang lo lắng
rằng Hoa Kỳ sẽ không còn là một quốc gia da trắng chiếm đa số, nói tiếng Anh nữa,
khi cơ cấu nhân khẩu học thay đổi, và đây là một trong những vấn đề đang thúc đẩy
nền chính trị Hoa Kỳ hiện giờ. Chủ nghĩa duy bản xứ [nativism] [7] có
vẻ đã đạt tới đỉnh cao với việc bầu ra Trump, và việc dựng lên một bức tường bê
tông sẽ là biểu tượng cho một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Mỹ. Nhưng điều
quan trọng là phải hiểu rằng biên giới Hoa Kỳ-Mexico từ lâu đã là một đường
biên giới đầy bất ổn. Hình dạng của nó hiện giờ được vẽ ra sau hiệp ước
Guadalupe Hidalgo 1848, hiệp ước chấm dứt chiến tranh Mexico-Mỹ. Khả năng một
ngày nào đó đường biên giới lại thay đổi không phải là không tưởng.
Đường ranh giới nằm ở đâu đã trở thành
một vấn đề an ninh quốc gia sau vụ mua lại Louisiana vào năm 1803, đưa toàn bộ
hệ thống sông Mississippi, vốn chảy qua cảng New Orleans tối quan trọng, vào nội
địa Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ, vùng Texas do Tây Ban Nha kiểm soát là một phần của
“Tân Tây Ban Nha”, nay đã trở thành một mối lo với những người Mỹ khi nó có
nghĩa một lực lượng quân sự có thể là thù địch giờ có thể tiếp cận và tấn công
New Orleans dễ dàng. Họ muốn kiểm soát vùng này. Người Mỹ tuyên bố rằng Texas
là một phần của Vùng đất mua lại Louisiana; người Tây Ban Nha nghĩ khác, nhưng
họ ở vị thế yếu ngay từ đầu. Theo một cuộc thăm dò dân số của Tây Ban Nha vào
năm 1793, có không tới 5.000 người là những người định cư không phải dân châu Mỹ
bản địa ở Texas. Tây Ban Nha thì ở xa, các cuộc chiến ở châu Âu đã khiến họ trở
thành một cường quốc yếu ớt, còn Hoa Kỳ ở ngay cạnh Texas, với tham vọng bành
trướng.
Vào năm 1819,như một phần trong các cuộc
thương lượng tiếp nối, hai nước nhất trí rằng Florida sẽ là của Hoa Kỳ và Tây
Ban Nha sẽ tiếp tục kiểm soát Texas, với việc Hoa Kỳ từ bỏ mọi tuyên bố với
vùng này. Tuy nhiên, vào năm 1821, Mexico giành độc lập từ Tây Ban Nha và tuyên
bố rằng Texas là một phần lãnh thổ của họ. Vẫn ít người hơn hẳn so với dân
chúng bản địa thời bấy giờ, Mexico cảm thấy mối đe dọa lớn nhất với bá quyền của
họ là tộc người da đỏ Comanche,nên ưu tiên của họ là tăng dân số ở Texas nhằm củng
cố sự kiểm soát - nhưng điều này thực ra lại dẫn tới kết quả ngược lại.
Cho rằng một dân số người Mỹ lớn hơn sẽ
đóng vai trò vùng đệm giữa Comanche và những người định cư của Mexico, và sẽ dễ
bị hấp thu vào dân Mexico, chính quyền Mexico đã dùng mọi cách lôi kéo để thu
hút những người định cư từ Hoa Kỳ và Mexico. Thật vậy, những người mới tới được
đề nghị tư cách công dân Mexico ba năm sau khi đến. Tuy nhiên, những người nhập
cư mới chống đối một số khía cạnh nhất định của văn hóa Mexico, và không bị đồng
hóa như chính quyền đã hy vọng. Hai trở ngại cụ thể cản đường chuyện đó: tôn
giáo và chế độ nô lệ.
Phần lớn người Mỹ tới đó là người Tin
lành, một số rất sùng đạo. Họ không muốn đón nhận Công giáo, mà Mexico khăng
khăng phải là tôn giáo duy nhất của vùng lãnh thổ này. Nhiều người họ cũng là
chủ nô, trong khi Mexico ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ, chính thức đặt chế độ này
ra ngoài vòng pháp luật vào năm 1829. Nhận ra vấn đề, Mexico cố gắng hạn chế nhập
cư, nhưng người Mỹ cứ tiếp tục đổ vào bất hợp pháp, và tới năm 1834 đã đông hơn
đáng kể so với người định cư Mexico, với tỷ lệ gần gấp mười. Sự thù địch gia
tăng rất hợp ý chính quyền Washington, vốn đã khuyến khích một cuộc nổi dậy chống
lại sự cai trị của Mexico; kết quả là Texas tuyên bố là một nước Cộng hòa độc lập
vào năm 1836. Sau đó họ tìm cách nhập vào Hoa Kỳ, nhưng trong vài năm,
Washington đã từ chối yêu cầu đó. Có hai vấn đề chính. Thứ nhất, một vùng đệm
trên thực tế giữa New Orleans và Mexico đã được tạo ra và người ta nghĩ chọc giận
người Mexico là việc không đáng. Thứ hai, Liên bang miền bắc Hoa Kỳ đang rối bời
vì chế độ nô lệ và Texas là một bang ủng hộ chế độ nô lệ. Dẫu vậy, tới năm
1845, Washington đã chấp thuận: Texas trở thành bang thứ hai mươi tám, và biên
giới phía nam Hoa Kỳ giờ kéo dài tới Rio Grande.
Hoa Kỳ sau đó mở rộng mãi về hướng
tây, làm bùng lên cuộc chiến tranh Mexico-Mỹ. Vào năm 1846, một vụ đụng độ dọc
sông Rio Grande đã làm bùng lên xung đột. Cuộc chiến kéo dài tới năm 1848, và
khi nó kết thúc, Mexico mất khoảng một phần ba lãnh thổ của họ theo hiệp ước
Guadalupe Hidalgo, bao gồm gần như toàn bộ vùng ngày nay là New Mexico,
Arizona, Nevada, Utah và California. Và như thế đấy. Mexico yếu, Mỹ mạnh. Nhưng
tình hình đó không nhất thiết kéo dài mãi mãi. Những đường biên giới từng thay
đổi trước kia, và có thể lại thay đổi nữa. Người Mỹ ý thức được điều đó: họ đã
dựng hàng rào ở biên giới phía nam của họ một thời gian dài, và đó không chỉ là
đặc điểm của phe Cộng hòa.
Sau khi chiến tranh Mexico-Mỹ kết thúc
vào năm 1848, một nỗ lực kéo dài sáu năm đã được thực hiện để đo đạc và thiết lập
một đường biên giới giữa hai quốc gia, nhưng ban đầu chỉ có 52 cột mốc được thiết
lập dọc tuyến biên giới dài hơn 3.200 kilômét, một đường ranh mà về cơ bản chỉ
được tôn trọng có chừng mực. Tuy nhiên, trong những năm giai đoạn cấm rượu ở
Hoa Kỳ (1920-33), đồ uống có cồn buôn lậu tăng mạnh từ Mexico, và để đối phó với
vấn nạn đó, Cơ quan Biên phòng Hoa Kỳ đã được thành lập vào năm 1924. Một năm
sau đó, thị trấn El Paso được khuyến khích xây dựng một “hàng rào không chui
qua được, không nhảy qua được, và có dây thép gai để ngăn rượu lậu”. Tất nhiên
họ không bao giờ hoàn toàn thành công trong việc chấm dứt dòng chảy rượu bất hợp
pháp xuyên biên giới - vì rốt cuộc lợi nhuận là quá lớn. Khi thời gian trôi đi,
lệnh cấm rượu kết thúc, nhưng sự di chuyển sản phẩm lậu qua biên giới thì
không. Người Mỹ bắt đầu tăng việc sử dụng ma túy, nên thay vì rượu, thì lượng cần
sa, heroin và cocaine ngày càng lớn được tuồn qua biên giới để đáp ứng nhu cầu,
và cùng lúc, số người lên miền bắc tìm việc làm cũng tăng lên.
Một thời điểm bước ngoặt với dòng chảy
di dân từ Mexico sang Hoa Kỳ là giai đoạn Đại Suy thoái. Với những vấn đề kinh
tế trầm trọng khắp Hoa Kỳ, vấn đề dân nhập cư lấy mất công ăn việc làm của người
Mỹ trở thành chuyện quan trọng, và người Mexico đặc biệt bị nhắm tới - trong thời
kỳ hồi hương dân Mexico, từ năm trăm ngàn tới hai triệu người đã bị trục xuất
trở lại Mexico, rất nhiều người thực ra là các công dân sinh ở Hoa Kỳ. Hoa Kỳ
đã thay đổi chiến lược khi họ tham gia Thế chiến II; với phần lớn lao động Mỹ
được hút vào nền kinh tế thời chiến từ năm 1942, đã có nỗ lực có tổ chức để thu
hút lao động, đặc biệt là vào các ngành nông nghiệp, nhằm phục vụ cho một nước
Mỹ bùng nổ kinh tế hậu chiến, một xu hướng tiếp tục tới giữa những năm 1960.
Chính sách của chính phủ với vấn đề nhập
cư lại thay đổi lần nữa khi kinh tế suy thoái và nhập cư gia tăng gợi lại những
lời kêu gọi thực thi các biện pháp hạn chế nhập cư, và những rào cản bắt đầu xuất
hiện một cách kiên quyết. Vào năm 1978, Cơ quan Nhập cư và Nhập tịch (INS) gọi
thầu xây một hàng rào cao hơn 3,6 mét ở trên có dây thép gai tại Texas. Một nhà
thầu ở Houston đảm bảo với INS rằng các thiết kế của ông sẽ “cắt đứt ngón chân
bất cứ kẻ nào tìm cách leo qua” bởi độ sắc bén của dây thép gai mà ông cung cấp.
Việc xây hàng rào đã tăng lên, nhưng tuyên bố cụ thể này thu hút sự chú ý và giận
dữ trên toàn quốc, những người chỉ trích gọi kế hoạch đó là “Bức màn tortilla” [8].
Vấn đề này vốn dĩ đã được lưu tâm trên
toàn quốc rồi, nhưng sự kiện đó giúp nâng cao hơn nữa nhận thức của công chúng
- và nhận thức đó ngày càng cao cho tới giờ.
Việc xây dựng hàng rào tiếp tục, dù với
ít lời ca ngợi hơn cho những kế hoạch cắt ngón chân và ngón tay, nhưng mức độ
nhập cư không giảm đáng kể. Vào năm 1986, Tổng thống Ronald Reagan ký một thỏa
thuận: khoảng ba triệu người nhập cư không có giấy phép đã sống ở Hoa Kỳ từ trước
năm 1982 được “ân xá”. Đổi lại, Quốc hội chấp thuận những quy định ngặt nghèo
hơn để ngăn các công ty thuê mướn người nhập cư bất hợp pháp cũng như siết chặt
an ninh biên giới.
Trong những năm tiếp đó, thêm các rào
chắn được xây lên, nhưng với một ngân sách hạn chế và thỉnh thoảng sử dụng
nguyên vật liệu còn sót lại từ cuộc chiến tranh Việt Nam, như các tấm thép đục
lỗ, từng được sử dụng làm đường băng tạm cho máy bay. Một dải tường ở nam
California được xây lên sử dụng hàng chục nghìn tấm kim loại này, nhưng để cắt
giảm chi phí, chúng được dựng ngang thay vì thẳng đứng. Chúng che được nhiều đất
hơn, nhưng tất nhiên là rào chắn thấp hơn và, bởi những tấm kim loại có nếp lượn
sóng, nó cũng trở thành những nơi bám víu thuận tiện cho ai muốn chút trợ giúp
để trèo qua. Dù hàng rào nào mọc lên, người ta vẫn có thể vượt qua khá dễ dàng.
Các sĩ quan biên phòng bắt đầu nghĩ tới nhiều loại rào chắn khác nhau đơn giản
như một cách để giảm tốc độ người tràn vào Hoa Kỳ, nhờ thế bắt được họ dễ dàng
hơn, chứ không phải như một phương tiện ngăn chặn họ hoàn toàn.
Vào đầu thập niên 2000, với George
Bush làm Tổng thống và sau vụ 11 tháng Chín, chính phủ Hoa Kỳ mở một chương
trình củng cố toàn tuyến biên giới, áp đặt mức độ chia tách chưa từng có tiền lệ
với phần lớn đường biên giới. Quốc hội thông qua đạo luật Hàng rào an ninh, chuẩn
thuận cho 1.126 kilômét tường nữa được xây lên - trong số những người bỏ phiếu
thông qua biện pháp đó có Hillary Clinton và Barack Obama nhưng ngay cả sau những
cải thiện đó và với sự ủng hộ liên đảng phái, bức tường, như người phát ngôn của
Cục Biên phòng Mike Scioli nói vào năm 2008, vẫn chẳng là gì ngoài “một mô giảm
tốc giữa sa mạc”.
Khi Tổng thống Obama vào Nhà Trắng, đã
có hơn hơn 960 kilômét rào chắn, và ông tiếp tục xây dựng - mở rộng hàng rào, ở
một số khu vực còn làm hàng rào hai lớp, thỉnh thoảng thậm chí là ba lớp. Trong
nhiệm kỳ của ông, vẫn còn một xu hướng ổn định việc trục xuất cưỡng chế di dân
bất hợp pháp và số lượng người bị ngăn vào Hoa Kỳ tăng lên. Điều này không có
gì quá ngạc nhiên bởi trong bài phát biểu của ông với Thượng viện vào tháng Tư
năm 2006, ông mô tả hệ thống nhập cư là “hỏng bét”, cho phép “một dòng thác lũ
những kẻ phi pháp” vào Mỹ:
Người Mỹ là những con người hiếu khách
và độ lượng. Nhưng những ai vào nước ta bất hợp pháp, và những ai thuê mướn những
người đó, đã không tôn trọng pháp quyền. Và vì chúng ta sống trong một thời đại
mà những kẻ khủng bố đang thách thức các đường biên giới của chúng ta, chúng ta
đơn giản không được phép để người tràn vào Hoa Kỳ không bị phát hiện, không có
giấy tờ, và không được kiểm tra. Người dân Mỹ có lý khi đòi hỏi an ninh biên giới
tốt hơn và việc thực thi pháp luật nhập cư tốt hơn… Và trước khi bất kỳ công
nhân vãng lai nào được thuê mướn, người Mỹ phải có công ăn việc làm với một mức
lương đi kèm các phúc lợi chấp nhận được đã.
Obama đã sử dụng giọng điệu mềm mại
hơn khi ông kêu gọi để những người nhập cư không có giấy tờ bước ra khỏi bóng tối
và “bước lên để đủ tư cách gia nhập vào xã hội chúng ta… không chỉ vì những lý
do nhân đạo; không chỉ vì những người đó, dù đã vi phạm pháp luật, làm vậy với
động cơ tốt đẹp nhất, cố gắng mang tới một cuộc đời tốt đẹp hơn cho con cái họ,
mà còn vì đó là cách thực tế duy nhất mà chúng ta xử lý được những người giờ đã
ở trong biên giới của chúng ta rồi”. Đây là một cách tiếp cận thực dụng với vấn
đề, nhận ra những khó khăn liên quan trong việc xác định và trục xuất người nhập
cư, vốn đã ở đó rồi, và tạo ra không gian cho họ ở lại, nhưng cùng lúc thừa nhận
rằng nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề và thực hiện các bước để ngăn cản “dòng
thác” đó.
Tuy nhiên, thành công từ mọi nỗ lực của
Obama và những người tiền nhiệm của ông trong việc dựng lên những rào chắn dọc
biên giới để ngăn cản dòng người nhập cư là điều đáng đặt câu hỏi. Số lượng người
nhập cư không giấy phép quả có giảm từ 12,4 triệu vào năm 2007 xuống còn 11,1
triệu vào năm 2011. Tuy nhiên, khó mà xác định chính xác bao nhiêu phần trăm
trong đó là bởi những rào chắn, bởi sự trục xuất tăng lên, hay bởi những điều
kiện kinh tế thay đổi.
Một phần của vấn đề là vẫn còn những
cơ hội ở Hoa Kỳ - không chỉ cho những ai tìm kiếm việc làm mà cả những người sử
dụng lao động vô lương tâm sẵn sàng bóc lột nhân công của họ, và ở đây chúng ta
đối mặt với một khía cạnh đạo đức giả đằng sau một số lập luận chống nhập cư.
Vô số các công ty Mỹ, lớn và nhỏ, sử dụng một lượng lớn người nhập cư bất hợp
pháp, trả công họ rẻ mạt, không cho họ quyền pháp lý nào, và che giấu sự hiện
diện của họ với nhà chức trách. Chính quyền có thể bắt đầu bắt giữ vô số các
ban giám đốc công ty Mỹ thừa biết mình đang thuê người nhập cư bất hợp pháp.
Hành động bắt giữ này được ủng hộ ra sao với những công ty dựa vào lao động giá
rẻ để thực hiện các hợp đồng xây dựng và hái trái cây lại là chuyện khác.
Rốt cuộc, chỉ có rất ít rào chắn là
không thể xâm nhập. Con người rất tháo vát, và những ai đủ tuyệt vọng sẽ tìm thấy
đường lách qua, dù là qua phía trên hay ngầm phía dưới. Dựng thêm rào chắn đơn
giản là đẩy những người sẽ là người nhập cư bất hợp pháp xa hơn về phía những
vùng chưa được canh gác, còn thưa thớt dân cư. Những vùng này thường ở trong sa
mạc và thường phải vượt qua bằng cách đi bộ, nghĩa là hàng nghìn người sẽ chết
khi họ cố gắng tới với miền đất hứa.
Có một sự mỉa mai trong việc xây nên
thứ có vẻ để giải quyết vấn đề - ngăn chặn người ta xâm nhập, nhưng đồng thời
cũng thứ đó ngăn không cho họ thoát ra. Nhiều người thực ra vào Hoa Kỳ hợp
pháp, với thị thực du lịch. Trong thập niên hiện tại, hơn một nửa những người
vượt biên từ miền nam lên miền bắc đã ở lại[9]; tuy nhiên, một bức tường có hiệu quả
lại khiến họ khó trở về nhà hơn một khi họ đã trở thành kẻ “bất hợp pháp”. Nếu
bạn đang làm việc bất hợp pháp, lấy ví dụ, tại Phoenix, ngay cả nếu mọi chuyện
không ổn với bạn, vẫn có rất ít động cơ để ra đi khi biết rằng bạn rất có thể sẽ
bị bắt trên đường về.
Một sự trớ trêu khác trong toàn bộ
tình thế này là Mexico bản thân họ có luật nhập cư rất ngặt nghèo, và hàng năm
trục xuất nhiều người hơn Hoa Kỳ. Chính sách nhập cư của họ được xác lập theo
Luật Tổng quan dân số năm 1974, trong đó quy định rằng những ai muốn tới Mexico
có thể bị từ chối nếu sự hiện diện của họ gây hại cho “sự cân bằng nhân khẩu học
của quốc gia”. Luật pháp Mỹ nghiêm khắc về vấn đề người nước ngoài, nhưng luật
Mexico còn nghiêm hơn. Lấy ví dụ, nếu bạn bị bắt mà không có giấy tờ hợp pháp ở
Mexico lần thứ hai, bạn có thể đối mặt với mười năm tù giam. Những chính trị
gia Cộng hòa ở Hoa Kỳ thích thú nhắc nhở các đồng sự Mexico của họ về những điều
luật này. Một số trêu chọc họ bằng cách cho rằng cả ba nước thuộc Hiệp định
Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đều có cùng một luật nhập cư dựa trên luật của
Mexico.
Các chính sách nhập cư của Mỹ cũng chịu
ảnh hưởng từ sự nổi lên của các vụ khủng bố ở Hoa Kỳ và khắp thế giới phương
tây. Trump đã đáp lại với lập trường cứng rắn hơn về nhập cư so với những người
tiền nhiệm, với các lệnh cấm đi lại, bức tường và một quyết tâm trục xuất và
răn đe. Tất cả những điều đó có ích gì hay không, là điều còn gây tranh cãi, nhất
là bức tường. Trước hết, không có bằng chứng nào cho thấy khủng bố đã vào Hoa Kỳ
qua đường biên giới với Mexico - Bộ An ninh Nội địa đã ra một số tuyên bố bác bỏ
những nhận xét về mối đe dọa từ biên giới phía nam; lấy ví dụ, vào năm 2014, bộ
này nói họ “không có thông tin tình báo khả tín để cho rằng các tổ chức khủng bố
đang chủ động âm mưu vượt qua biên giới tây nam”.
Cũng không có nhiều thông tin tình báo
(ít ra là những gì công chúng tiếp cận được) chỉ ra rằng có một mối đe dọa lớn
trong việc để người tị nạn vào nước Mỹ. Alex Nowrasteh, chuyên gia về nhập cư ở
Viện Cato, một tổ chức nghiên cứu có khuynh hướng tự do ở Washington, đã nghiên
cứu các vụ tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ trong bốn thập kỷ qua, và kết luận rằng
trong 3,25 triệu người tị nạn được phép vào trong giai đoạn đó, chỉ hai mươi
người bị kết tội tìm cách hay tiến hành khủng bố trên đất Hoa Kỳ, và “chỉ ba
người Mỹ bị giết trong những vụ tấn công do người tị nạn thực hiện - tất cả là
những người tị nạn Cuba hồi những năm 1970”. Thật ra, kể từ vụ 11 tháng Chín,
hơn 80% những ai liên quan tới các sự cố khủng bố đều là những công dân hay người
cư trú hợp pháp của Hoa Kỳ.
Bill Clinton chỉ ra rằng các bức tường
không thể ngăn chặn sự lan truyền ý tưởng, nêu ra ví dụ vụ tấn công khủng bố
năm 2015 ở San Bernardino, California, trong đó mười bốn người đã bị giết và
hai mươi hai người khác bị thương. Vụ tấn công do Syed Rizwan Farook và
Tashleen Malik tiến hành, cả hai đã cải sang đạo Hồi cực đoan trên mạng xã hội
- Farook sinh ra ở Hoa Kỳ và là một cư dân thường trú hợp pháp. Clinton bình luận:
“Ta cũng có thể xây một bức tường dọc biên giới của chúng ta với Canada. Tạo ra
những bức tường khổng lồ trên biển dọc theo Đại Tây Dương và Thái Bình Dương…
Chúng ta có thể cử toàn bộ hải quân Hoa Kỳ tới vùng Gulf Coast [Vùng duyên hải
vịnh Mexico] và ngăn không cho ai vào đó. Chúng ta có thể sử dụng mọi máy bay
Không lực Hoa Kỳ có trên bầu trời để ngăn các máy bay hạ cánh. Ta vẫn không
ngăn được mạng xã hội.” Ông có lý, nhưng Tổng thống Trump không lung lạc trước
lời khuyên từ người tiền nhiệm. Lập luận rằng mạng xã hội khó giám sát, hay khủng
bố không vào Hoa Kỳ bất hợp pháp theo đường biên giới Mexico, tạo ra ít rung động
cảm xúc đối với rất nhiều người, so với những lợi ích của một bức tường thực thụ.
Những gì vẫn tiếp tục chảy qua biên giới
là các sản phẩm bất hợp pháp - và đó là một tuyến đường hai chiều. Ma túy sản
xuất ở Mexico có thể được bán với giá gấp nhiều lần chi phí sản xuất vì hàng
triệu người Mỹ sẽ trả giá cao cho thứ chất bất hợp pháp mà họ lựa chọn. Đi theo
chiều kia, súng mua hợp pháp ở Hoa Kỳ có thể bán được ở Mexico với khoản lãi lớn.
Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy những rào chắn không can thiệp được nhiều vào những
hoạt động buôn bán này, và rằng thực ra ma túy đi qua các điểm kiểm soát chính
thức nhiều hơn là qua đường sa mạc - với những tay buôn ma túy thì chi phí hối
lộ cho một quan chức rẻ hơn là tổ chức một cuộc chạy bộ qua những vùng biên giới
có tuần tra hay đào một đường hầm. Đó chính xác là lý do khiến các trùm băng đảng
bắn giết nhau để kiểm soát các thị trấn biên giới. Có được các đô thị đó thì ta
sẽ có được quyền tiếp cận các quan chức. Những tay buôn lậu súng và ma túy thường
là những tên côn đồ giết người máu lạnh, nhưng cũng là các doanh nhân nữa.
Sẽ là hợp lý nếu hai nước hợp tác với
nhau về vấn đề này, không chỉ để kiểm soát sự di chuyển của con người và hàng
hóa cùng các chất bất hợp pháp, mà còn để khuyến khích thương mại và thịnh vượng
kinh tế trong vùng. Mexico và Hoa Kỳ là những nơi rất khác nhau về ngôn ngữ,
màu da, tôn giáo, khí hậu và lịch sử, nhưng họ ngày càng gắn kết với nhau qua
kinh tế, và nếu có bất cứ thứ gì có thể di chuyển qua biên giới, dù là chui bên
dưới, đi vòng quanh hay vượt qua bên trên, thì đó là động cơ lợi nhuận. Và
trong khi có nhiều cách để ngăn chặn dòng nhập cư không mong muốn, một điều là
chắc chắn: một nền kinh tế năng động, tăng trưởng ở phía nam sông Rio Grande[10] sẽ
giúp làm giảm dòng người nhập cư tốt hơn là một bức tường, bởi vì như vậy sẽ có
ít hơn hẳn những người tìm việc làm sẽ tìm cách vượt biên.
Lấy ví dụ ngành sản xuất xe hơi trong
vùng, vốn đã được biết tới là siêu cụm công nghiệp sản xuất xe hơi
Texas-Mexico. Ở Texas và bốn bang biên giới của Mexico có 27 nhà máy lắp ráp xe
hơi dựa vào nhau để xuất xưởng những mẫu xe thành phẩm. Hợp tác với nhau, họ đã
thiết lập thành công một ngành công nghiệp phát đạt trong vùng ở cả hai phía của
đường biên giới, tạo ra công ăn việc làm, khuyến khích sáng tạo và thúc đẩy những
nền kinh tế địa phương. Việc đảm bảo để những cách làm như thế có thể tiếp tục
không bị cản trở nằm trong lợi ích tốt nhất của cả hai nước.
Bất chấp điều này, trong hai năm đầu của
nhiệm kỳ Tổng thống Trump, Hoa Kỳ tiếp tục rút dần khỏi mô hình quan hệ quốc tế
đa phương, bãi bỏ các hiệp định thương mại, tăng thuế với các sản phẩm nước
ngoài, thúc đẩy đàm phán lại NAFTA[11] , và gây ra nghi ngờ về cam kết
của Mỹ với NATO. Mức độ khôn ngoan của những động thái này rất đáng tranh cãi,
nhưng điều không thể tranh cãi là chỉ Hoa Kỳ mới làm được điều đó. Mỹ chiếm khoảng
22% nền kinh tế thế giới. Quan trọng hơn, họ có thể cắt cầu vì họ chỉ xuất khẩu
khoảng 14% GDP, theo Ngân hàng Thế giới, và 40% lượng xuất khẩu đó là sang các
nước láng giềng Mexico và Canada, nên mặc dù cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu
khiến Mỹ phải trả giá đắt, họ là cường quốc lớn duy nhất có thể hứng chịu những
tổn thất tiềm tàng của việc rút khỏi toàn cầu hóa mà không tự gây hại nghiêm trọng
cho bản thân trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy chủ nghĩa
cô lập thực sự có hại cho Hoa Kỳ trong dài hạn; bất cứ khi nào họ rút lui, thì
họ sẽ luôn phải trở lại, và không phải lúc nào cũng sẵn sàng như vậy. Trong
dòng chảy của nước Mỹ, những ủng hộ và chống đối chủ nghĩa cô lập là một trong
nhiều sự xung đột xảy ra vào thời điểm mà nước Cộng hòa vĩ đại này có vẻ như
đang bị chia rẽ theo rất nhiều cách.
* * *
Vậy thì, liệu bức tường to lớn, đẹp đẽ
của Trump có được xây lên không?
“Súng, ma túy, cư trú bất hợp pháp” -
đó có thể là các từ ngữ gây nhiều cảm xúc trong đối thoại chính trị, và người
ta muốn có giải pháp cho vấn đề, nên ngay cả sau khi đã vào Nhà Trắng, Tổng thống
Trump vẫn tiếp tục ăn nói hùng hổ, ông nói với Hiệp hội Súng trường Quốc gia,
“Chúng ta sẽ xây bức tường. Thậm chí không cần nghĩ tới chuyện đó làm gì, đó là
việc hiển nhiên”, và đảm bảo với những người ủng hộ ông, “Nếu chúng ta phải
đóng cửa chính quyền, chúng ta vẫn cứ xây bức tường đó.”
Ngài Donald có thể không biết cụm từ
tiếng Anh: “Những lời khéo léo chẳng giúp phết bơ lên được củ cải” (sẽ chẳng đạt
được gì chỉ với những lời hứa suông hay bợ đỡ), nhưng câu đó chắc chắn đúng ở
đây. Và bất chấp luận điệu trước và sau bầu cử đó, ý tưởng về bức tường của
Trump gặp phải nhiều vấn đề mà ông đã được cảnh báo, cũng những vấn đề mà những
người tiền nhiệm của ông đã gặp với việc kiểm soát biên giới: chính trị, ngân
sách, luật của bang, luật liên bang, thiên nhiên và những hiệp ước quốc tế. Lấy
ví dụ, Mexico và Hoa Kỳ mỗi nước đều có các bản sao tài liệu họ ký vào năm
1970, tuyên thệ trịnh trọng để mở vùng bãi bồi ven sông Rio Grande. Tổng thống
Obama bất chấp và vẫn bắt tay vào xây lên các hàng rào, nhưng các điều khoản
trong hiệp ước buộc hàng rào này nằm sâu trong lãnh thổ Hoa Kỳ tới mức phải chừa
ra những khoảng trống rất lớn để người Mỹ về được nhà họ. Đây là một lỗi thiết
kế nhanh chóng bị dân Mỹ Latin tìm đường lọt vào đất nước tự do một cách bất hợp
pháp nhận ra.
Khoảng hai phần ba bất động sản và đất
đai ở biên giới phía nam thuộc sở hữu tư nhân. Rất nhiều người họ không muốn một
bức tường bê tông lớn ở sân sau nhà mình, và có thể kiện để ngăn việc xây bức
tường. Nếu nhà nước mua lại đất, những chủ sở hữu trước phải nhận được mức “đền
bù thỏa đáng”, và xác định được mức đó có thể là một quá trình kéo dài. Những bộ
lạc người Mỹ bản địa cũng có thể, và đã, mở các chiến dịch kiện tụng. Lấy ví dụ,
bộ lạc Tohono O’odham sở hữu vùng đất nằm ở cả hai nước và đã kiện ra tòa để đất
đai của họ không bị chia cắt.
Địa hình bản thân nó cũng là chướng ngại.
Đường biên giới trải rộng 2.000 dặm [hơn 3.200 kilômét] từ Thái Bình Dương tới
vịnh Mexico, đi băng qua California, Arizona, New Mexico và Texas. Tối đa thì
cũng chỉ xây được một bức tường hơn 1.600 kilômét trên đường biên, bởi các trở
ngại tự nhiên như địa hình dốc, nền đá cứng và nước cản trở phần còn lại.
Ngay cả như thế, những con số đã được
bàn bạc về dự án này lớn tới mức chúng gần như vô nghĩa với hầu hết chúng ta.
Hãy chọn một con số, bất kỳ số nào, rồi thêm vào đó kha khá vì không ai thực sự
biết chắc một bức tường tốn kém bao nhiêu - ngoài việc nó tốn “rất nhiều”.
Trump đã ước tính cái giá là từ 10 tới 12 tỉ đô la Mỹ, nhưng phần lớn các nguồn
khác cho rằng con số phải cao hơn nhiều. Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT)
đã đưa ra một ước tính (dù từ những ước đoán khá đại khái về chi phí nguyên vật
liệu, lao động và một khung thời gian rất không chắc chắn) cho biết 1.000 dặm
bê tông cao 9 mét sẽ tiêu tốn từ 27 tới 40 tỉ đô la Mỹ. Những ước đoán khác là
25 và 21 tỉ đô la Mỹ, con số sau từ Bộ An ninh Nội địa. Đó đã là những số tiền
khổng lồ rồi, nhưng nếu ta chào bán ý tưởng đó, có lẽ ta có thể nói nó chỉ tốn
21 triệu đô la Mỹ một dặm… Những con số này đều chưa bao gồm chi phí bảo trì. Dẫu
vậy, nhiều người không lấy làm phiền lòng bởi chi phí - rốt cuộc, Trump đã
tuyên bố rằng phía Mexico sẽ chi cho bức tường, một đề xuất được những người ủng
hộ ông chào đón đầy phấn khích, dù nó khó thuyết phục hơn ở phía nam biên giới,
khi cựu Tổng thống Mexico, Vicente Fox Quesada tuyên bố, “Mexico sẽ không chi
trả cho bức tường chó chết đó.”
Một cách rẻ tiền hơn để thực hiện sẽ
là chấp nhận tuyên bố giữ thể diện của Thượng nghị sĩ Graham rằng từ “bức tường”
là từ mã hóa để chỉ “an ninh tốt hơn”. Rốt cuộc, một hàng rào có thể thực hiện
một phần công việc đó. Song song với các biện pháp khác, nó sẽ tiết kiệm chi
phí hơn nhiều, và nó sẽ có được hiệu ứng tâm lý làm hài lòng nhu cầu của một số
cử tri muốn có một ranh giới vật chất để khiến họ cảm thấy an toàn hơn. Giới
chính trị gia không lạ gì những lợi ích của cử chỉ biểu tượng so với thực tế.
Nhưng cho tới giờ, Trump vẫn khẳng định rằng một bức tường là điều người dân muốn,
và đó là điều họ sẽ có. Tới đầu năm 2018, một số bản mẫu bức tường đã được dựng
lên, nhưng sự phản đối của Quốc hội không chịu chi tiền cho dự án vẫn chưa giảm
xuống.
Những trở ngại với việc xây dựng bức
tường là rất đáng kể. Các vụ kiện tụng là những cản trở về mặt ý tưởng, một
chuyện đúng là đôi khi vượt qua được, nhưng có thực đáng làm thế không, bởi còn
có những cản trở vật chất khác trên hành trình thật sự xây dựng bức tường? Nếu
bức tường là một tuyên bố chính trị, thì với những người ủng hộ nó, câu trả lời
sẽ là CÓ, và điều đó không đếm xỉa tới những khó khăn về địa hình. Càng nhiều
bê tông, thông điệp càng mạnh mẽ, lực lượng ủng hộ cốt lõi càng lớn lên. Chừng
nào còn có sự suy giảm về nhập cư (điều rất có thể sẽ xảy ra, bởi sự kết hợp của
các biện pháp an ninh khác hay các yếu tố kinh tế), thì nhiều cử tri có thể bỏ
qua thực tế là có những khe hở trong bức tường đó, nó sẽ được ca ngợi là một
chính sách then chốt trong việc ngăn người nước ngoài vào và bảo vệ các giá trị
Mỹ.
Một bức tường là một biểu tượng hữu
hình làm yên lòng người - và đôi khi tính biểu tượng có thể áp đảo tính thực tế.
Tổng thống Trump có thể đơn giản đứng trước chỉ vài dặm bê tông mới xây thêm, đặt
lên một tấm biển nói “Nhiệm vụ đã hoàn thành” và khả năng cao là sẽ làm hài
lòng cơ sở cử tri cốt lõi của ông về việc “đã có hành động”.
* * *
Các Tổng thống khác từng củng cố biên
giới với Mexico, những bức tường của Trump đặc biệt gây chia rẽ vì nó đại diện
cho một thời điểm cụ thể trong lịch sử Hoa Kỳ. Chính trị của việc xây tường
không chỉ là về việc ngăn chặn những người Mexico. Một biên giới định nghĩa một
quốc gia, và bức tường của Trump đang nỗ lực định nghĩa xem nước Mỹ là gì - cả
về mặt vật chất và ý thức hệ. Để hiểu được điều đó phản ảnh và làm sâu sắc những
chia rẽ lịch sử ra sao, chúng ta cần nhìn lại những rạn nứt đang chia tách đất
nước này.
Trong tất cả những sự chia rẽ ở Hoa Kỳ,
chủng tộc có vẻ là sâu sắc nhất. Có khoảng 324 triệu người ở Hoa Kỳ. Theo CIA
World Factbook, dựa trên cuộc thăm dò dân số năm 2010, trong đó 72,4% là da trắng,
12,6% da đen, 4,8% người gốc Á, và chỉ dưới 1% người châu Mỹ và Alaska bản địa.
Những người thuộc về “hai chủng tộc trở lên” chiếm 2,9%, và người Hawaii bản địa
và dân đảo Thái Bình Dương 0,2%,với phần“khác” là 6,2%. Bạn hẳn đã lưu ý sự vắng
mặt của dân chúng Hispanic đang tăng mạnh. Sở dĩ như thế vì Cục Điều tra Dân số
Hoa Kỳ coi Hispanic có nghĩa là một người có gốc Tây Ban Nha/Hispanic/Latino[12] “vốn
có thể thuộc bất kỳ nhóm sắc tộc hay chủng tộc nào”. Nhóm đa dạng này là nhóm
thiểu số lớn nhất ở Hoa Kỳ, chiếm 17% dân số Hoa Kỳ.
Và con số đó sẽ tăng lên trong thế kỷ
21. Như chúng ta đã thấy, đa số da trắng đang giảm dần trong tỷ lệ dân số (nhất
là ở các bang miền nam) trong một quốc gia vốn đã vật lộn để hòa hợp một cách
trọn vẹn rồi. Ước tính con số dân số khác nhau, nhưng hầu hết các chuyên gia nhất
trí rằng đa số da trắng sẽ chấm dứt trong vài thập niên nữa. Bao gồm cả người
Hispanic, những người không phải da trắng hiện chiếm khoảng 40% dân số, một con
số được tiên đoán là sẽ tăng lên 53% vào năm 2050, với người Hispanic chiếm khoảng
29%, biến họ thành nhóm sắc tộc tăng trưởng nhanh nhất trong ba mươi năm tới. Với
những ai coi xu hướng này là một mối quan ngại thật sự, thì xây lên một bức tường
và triển vọng ngăn chặn dòng nhập cư là nơi gửi gắm hy vọng ngăn chặn sự dịch
chuyển nhân khẩu học đó, dù trên thực tế nó sẽ chẳng làm được gì mấy để thay đổi
tình hình.
Có rất nhiều luận điệu chống nhập cư
có xu hướng đi kèm với sự ủng hộ bức tường. Tuy nhiên, sẽ là bất công nếu tự động
coi một lá phiếu cho Trump là một lá phiếu cho sự phân biệt chủng tộc. Khoảng
8% cử tri người da đen đã chọn ông làm Tổng thống của họ, tương tự là 29% người
Hispanic. Nếu chúng ta nghĩ rằng những cử tri đó không bỏ phiếu cho chủ nghĩa
phân biệt chủng tộc, thì sẽ là bất công khi chê bai các cử tri da trắng của
Trump, như một số người vẫn làm, là phân biệt chủng tộc. Có nhiều lý do khiến
người ta ủng hộ Trump. Ba mươi năm trước, hãng sử dụng lao động lớn nhất ở Hoa
Kỳ là General Motors và mức lương trung bình của một công nhân ở đó (theo thời
giá ngày nay) là khoảng 30 đô la Mỹ một giờ. Hiện giờ thì hãng sử dụng lao động
lớn nhất là Walmart và mức lương theo giờ là khoảng 8 đô la. Những người lao động
tin rằng họ đang kém cỏi hơn cha mẹ họ, hay những người lao động đã chứng kiến
các công ăn việc làm trong ngành thép chuyển ra nước ngoài và ra khỏi
Pennsylvania, có thể thấy họ muốn ủng hộ một người hứa hẹn sẽ đảo ngược điều
đó. Một số người lao động này là người da đen hay Hispanic, và người Mỹ đủ mọi
màu da đều có thể lo lắng về những tác động của nhập cư bất hợp pháp mà không nhất
thiết phải là người phân biệt chủng tộc.
Dù nói như thế, rõ ràng là trong nhóm
cử tri cốt lõi của Trump có chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cốt lõi, và tác động
của ngôn ngữ và hành vi của ông trong việc khuyến khích niềm tin phân biệt chủng
tộc là không thể coi thường. Luận điệu đó làm gia tăng căng thẳng trong dân
chúng Mỹ và có lẽ đạt tới đỉnh điểm vào mùa hè năm 2018. Tới khi đó, 2.000 trẻ
em đã bị ép rời khỏi cha mẹ chúng sau khi chính quyền Trump bắt đầu thực thi
chính sách “không chút nhân nhượng” với tình trạng vượt biên bất hợp pháp từ
tháng Tư năm đó. Điều này đã đảo ngược một chính sách linh hoạt trước đó là thường
xuyên trục xuất, nhưng không nhất thiết phải truy bức những người nhập cư. Giờ
thì họ đang bị giam giữ và đi qua hệ thống tòa án trong khi con cái họ được đưa
tới những “trung tâm tạm giữ, đôi khi suốt nhiều tuần. Đã có những cảnh tượng
thật đau lòng khi những trẻ em kêu khóc đòi cha mẹ, và các nhân viên bị cấm
không được dỗ dành chúng. Ý định của Tổng thống Trump có vẻ là gửi đi một thông
điệp cho những ai tìm cách vượt biên: “đừng có cố làm gì”, và cho cả những người
Dân chủ - “hãy hợp tác với dự luật đề xuất của tôi”.
Người
nhập cư thường xuyên được tô vẽ dưới ánh sáng tiêu cực, và Trump mô tả họ là
“những người tồi tệ”: “Khi Mexico đưa người của họ sang đây, họ không đưa sang
những người giỏi nhất… họ đưa sang những người gặp rất nhiều vấn đề và họ mang
theo những vấn đề đó cùng với chúng ta [sic] [13]. Họ mang theo ma
túy. Họ mang theo tội ác. Họ là những kẻ hiếp dâm. Và tôi cho rằng có một số là
người tốt.” Cách ăn nói này đã góp phần vào mức độ phân biệt chủng tộc gia tăng
chống lại người Latino
được báo cáo trong thập kỷ qua. Một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew
vào năm 2016 chẳng hạn, cho thấy 52% những người Hispanic nói họ đã bị đối xử bất
công vì sắc tộc của họ, con số đó tăng lên thành 65% ở những người từ 18 tới 29
tuổi. Thật thú vị, con số cũng tương tự cho cùng nhóm tuổi với người da đen,
nhưng nhìn chung người Hispanic ít có khả năng hơn so với người da đen nói rằng
họ gặp phải vấn đề với “el racismo” [14].
Chắc chắn là rất nhiều tiến bộ đã đạt
được trong vấn đề bình đẳng chủng tộc, và mỗi ngày hàng chục triệu người Mỹ thuộc
mọi màu da cùng tồn tại hạnh phúc cạnh nhau, sống trộn lẫn, ăn uống, làm việc
và chơi đùa với nhau. Vậy nhưng phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề lớn trên
cả nước.
Trong khi dân số Hispanic đang tăng
nhanh chắc chắn đối mặt với sự phân biệt đối xử, sự chia rẽ chủng tộc rõ ràng
nhất ở Hoa Kỳ là giữa người da trắng và da đen, vốn có nguồn gốc từ thời chế độ
nô lệ và tiếp diễn tới ngày nay. Hiệu ứng tiêu cực của điều này với cuộc sống mọi
người thật rõ ràng: gần như theo mọi thước đo, sinh ra là người da đen ở Mỹ khiến
bạn nhiều khả năng nghèo hơn, ít học hơn và kém khỏe mạnh hơn so với sinh ra là
người da trắng. Điều đó không đúng một cách phổ quát: một gia đình da đen giàu
có, trung lưu, sống ở ngoại ô có lẽ có nhiều cơ hội trong đời hơn so với một
gia đình da trắng nghèo khó ở vùng nông thôn. Một nghiên cứu của Viện Brookings
cho thấy dù bạn thuộc nhóm sắc tộc nào - da trắng, da đen hay Hispanic - nếu bạn
sinh ra trong nghèo khó, ngay cả khi có bằng đại học, thu nhập của bạn trong cuộc
đời sau này vẫn sẽ thấp hơn so với một người từ một gia đình giàu có hơn.
Nhưng dù nói như thế, một quy luật chung
là trong trò xổ số cuộc đời, vận hội sẽ không tốt nếu bạn sinh ra là người da
đen. Thật rõ ràng là sự phân biệt chủng tộc trong lịch sử và hiện giờ là một yếu
tố lớn trong sự chênh lệch gây sửng sốt giữa các nhóm sắc tộc. Điều này đúng
ngay cả ở giai đoạn đầu cuộc đời. Ở nước giàu nhất Trái đất, tỷ lệ tử vong trẻ
em là 4,8 trên mỗi 1.000 ca sinh ở dân chúng da trắng, nhưng là 11,7 với người
da đen - gần tương đương với ở một quốc gia hạng trung như Mexico.
Sức khỏe kém hơn, của cải ít hơn và kỳ
vọng thấp hơn đều đóng góp vào trình độ giáo dục kém hơn, điều đã rõ ràng ngay
từ năm hai tuổi. Ở độ tuổi đó, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế
(OECD) và các thống kê giáo dục ở Hoa Kỳ, số trẻ em da đen bộc lộ đầy đủ các kỹ
năng phát triển ít hơn một chút so với trẻ em da trắng. Tới ba đến năm tuổi,
khoảng chênh lệch đó lại tăng nhẹ lần nữa trong khả năng đọc, điều này được cho
là liên quan tới việc thiếu tương đối các tài liệu đọc ở các gia đình da đen,
cha mẹ ít thời gian hơn để đọc với con cái, và có thể là thiếu quan tâm tới
sách vở vì sách chẳng có mấy các nhân vật không phải người da trắng. Khi chúng
ta di chuyển lên cao nữa trong hệ thống trường học, chúng ta thấy rằng người Mỹ
da đen bị đình chỉ và/hoặc bị cho thôi học cao gấp ba so với học trò da trắng. Ở
các trường mà đa số học trò là từ các nhóm thiểu số, giáo viên cũng có xu hướng
kém kinh nghiệm và được trả lương thấp hơn.
Đằng sau những con số này là thực tế của
đời sống hằng ngày trong một gia đình thường là cha/mẹ đơn thân với thu nhập thấp.
Hai mươi lăm phần trăm các bậc cha mẹ người da đen nói rằng con cái họ sống ở
những khu không an toàn, trong khi với cha mẹ da trắng, tỷ lệ này là 7%. Tới tuổi
tốt nghiệp, người Mỹ da đen có khả năng bỏ học cấp ba cao gấp đôi so với các bạn
học da trắng. Một nghiên cứu nói rằng nếu tỷ lệ theo học của người Mỹ da trắng
và da đen ở trường cấp ba được đo đếm như các quốc gia riêng biệt, thì quốc gia
của người da trắng sẽ tương đương với Anh, và của người da đen tương đương với
Chile. Ở trình độ đại học, 36,2% người da trắng tốt nghiệp, so với 22,5% người
da đen. Sau khi cầm bằng cấp đó tới chỗ làm, người Mỹ da đen lại kiếm được mức
lương thấp hơn. Người Mỹ da đen cũng nhiều khả năng đi tù hơn: họ chiếm khoảng
14% dân số Mỹ, nhưng lại chiếm 38% tổng số tù phạm.
Và cứ như thế, từ trong nôi cho tới nấm
mồ. Nước Mỹ là một quốc gia bạo lực so với châu Âu, nhưng nếu bạn là người da
đen thì đó còn là một nơi nguy hiểm hơn nữa. Tỷ lệ các vụ giết người trong dân
số da trắng là 2,5 vụ mỗi 100.000 người. Với người Mỹ da đen, con số đó là
19,4%, bằng với nhiều nước thế giới thứ ba hoặc đang phát triển. Con số thống
kê khác nhau, nhưng theo CNN, nếu bạn trẻ tuổi, da đen và là nam giới, bạn có
khả năng bị bắn và bị giết bởi một sĩ quan cảnh sát cao gần gấp ba lần so với
người cùng trang lứa da trắng. Không có gì lạ khi tuổi thọ kỳ vọng của người Mỹ
da đen thấp hơn bốn năm so với người da trắng. Cùng nhiều vụ bắn những đàn ông
da đen không vũ trang trong những năm gần đây, các con số đối lập này đã gây bất
ổn và biểu tình trên cả nước - lấy ví dụ các cuộc bạo động ở Ferguson vào năm
2014 - và đã làm nổi lên những phong trào như Mạng người da đen là quan trọng
(Black Lives Matter). Và với những phản ứng của cả các quan chức và cộng đồng bị
soi mói sau mỗi sự cố, điều đó đã trở thành một vấn đề ngày càng gây chia rẽ.
Dễ tìm ra các thống kê làm nổi bật những
vấn đề đó. Giải thích được nguyên nhân của chúng thì khó hơn, nhưng rõ ràng là
chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn có vai trò trong xã hội Mỹ. Không thể thoát
khỏi sự khởi đầu - chế độ nô lệ. Những người nô lệ đã được giải phóng, nhưng hầu
hết bị bỏ mặc sống trong tình trạng nghèo đói, đối mặt với sự phân biệt đối xử
về mặt xã hội; trong những tình thế này, rất khó để họ nhanh chóng đạt được sự
bình đẳng với số dân đang áp đảo. Bao lâu là nhanh? Đã hơn 150 năm trôi qua, và
bất chấp những tiến bộ đã đạt được, nhất là trong 50 năm qua, rõ ràng là vẫn
còn rất nhiều việc phải làm.
* * *
Tất nhiên, chủng tộc không phải là sự
chia rẽ duy nhất ở Hoa Kỳ. Khi nói về tôn giáo chẳng hạn, một trong những điểm
mạnh nhất của Hoa Kỳ là nước này là một nhà nước thế tục, nhưng có sự đa dạng về
đức tin tôn giáo và nơi thờ tự của tín ngưỡng cá nhân. Đức tin của họ vẫn chủ yếu
là Kitô giáo, chia ra giữa nhiều nhóm Tin lành khác nhau và Công giáo, nhưng từ
những năm 1960, Hoa Kỳ đã được bổ sung các đức tin khác với số tín đồ lớn đáng
kể. Khoảng 80% người Mỹ xác định họ là một người Kitô giáo, trong đó Tin lành
là đông nhất với 46,6% dân số, tiếp theo là Công giáo với 20,8%. Sau đó là người
Do Thái giáo (1,9%), Mormon (1,6%), Hồi giáo (0,9%), Phật giáo (0,7%), Ấn Độ
giáo (0,7%) và rất nhiều các nhóm nhỏ hơn khác.
Tất cả những điều này có tạo ra một nồi
lẩu thập cẩm? Ở mức độ nào đó thì đúng. Lý tưởng nền móng “E pluribus unum” đã
sống sót ở một mức độ nào đó, bất chấp một số ví dụ rành rành về sự không nhất
quán và đạo đức giả. Tuy nhiên, trong thế kỷ hiện tại, tinh thần hòa nhập trong
một xã hội đa sắc tộc [multi-ethic society] đã bị thách thức bởi chủ nghĩa đa
văn hóa [multiculturalism]. Sự chia rẽ sắc tộc và chủng tộc hỗ trợ cho những rạn
nứt trong xã hội Mỹ và giúp làm nổi lên nền chính trị bản sắc lan tràn khắp nước
Cộng hòa. Những người Mỹ ngày càng nhìn nhận bản sắc của mình bởi sắc tộc, tôn
giáo, hay giới tính, qua đó càng phân cực và chia rẽ quốc gia hơn. Các sắc tộc
khác nhau đã được khuyến khích duy trì một cảm thức công khai về bản sắc, thay
vì dẫn tới chấp nhận sự đa dạng, cách tiếp cận này trong một số trường hợp có vẻ
dẫn tới sự chia tách một số nhóm nhất định ra khỏi phần còn lại của xã hội, ở một
mức độ nào đó khiến họ ngày càng dễ bị phân biệt đối xử.
Chúng ta đã chứng kiến điều này trong
chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, khi Donald Trump chỉ trích cha mẹ của
Humayun Khan, một sĩ quan người Mỹ theo đạo Hồi nhiều công trạng bị giết ở
Iraq, sau khi cha của Humayun lên tiếng phản đối lời kêu gọi cấm người nhập cư
Hồi giáo của ông. Khizr và Ghazala Khan là những người mà người Mỹ gọi là “những
bậc cha mẹ sao vàng”. Cụm từ có nguồn gốc từ Thế chiến I, khi các gia đình có
người thân ra chiến trường cắm những lá cờ với một ngôi sao màu xanh da trời
cho mỗi thành viên ra trận. Nếu thành viên đó hy sinh, ngôi sao xanh sẽ được
thay bằng một ngôi sao vàng.
Giọng điệu tấn công bằng lời nói của
Trump với gia đình Khan là điều ông hẳn sẽ không thốt ra nếu gia đình đó là người
Kitô giáo da trắng. Trong nền chính trị Mỹ, các bậc cha mẹ sao vàng được coi là
không thể bị chỉ trích vì sự hy sinh của gia đình cho đất nước. Trump nói cả
ông cũng đã “hy sinh” bởi số công ăn việc làm mà ông tạo ra ở Mỹ. Ông cho rằng
bà Khan đã bị chồng không cho lên tiếng, ngụ ý rằng nguyên do là tôn giáo của họ.
Bất chấp việc ông Khan từng đưa Humayun lúc còn nhỏ tới đài tưởng niệm
Jefferson và đọc cho anh nghe những lời khắc trên đó - “Chúng tôi khẳng định những
chân lý này là hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng…” Đằng sau những
nhận xét của ứng viên Trump có vẻ là ý tưởng rằng gia đình sao vàng đặc biệt
này khác với các gia đình khác. Cũng có cảm giác là ông đang nói với và nói cho
một bộ phận nước Mỹ định nghĩa những người Mỹ theo nghĩa rất hẹp. Thượng nghị
sĩ John McCain, một người Cộng hòa và cựu tù binh chiến tranh Việt Nam, đã lên
tiếng cho phần còn lại của đất nước khi ông nói về Trump, “Dù đảng của chúng
tôi đã trao cho ông ấy quyền ứng cử, nó không đi kèm với cái quyền tự tiện lăng
mạ những người tài giỏi nhất trong chúng ta.”
Ý tưởng về “sự khác biệt” là một ý tưởng
được cả phe hữu và tả sử dụng, nó là một khía cạnh của nền chính trị bản sắc
làm sâu sắc thêm sự chia rẽ ở Hoa Kỳ. Ở thời điểm này trong lịch sử Hoa Kỳ, dù
thống nhất bởi ý tưởng về quốc gia, nhiều nhóm vẫn tách rời khỏi các nhóm khác.
Điều này có thể thấy được qua sự phân kỳ gia tăng trong địa hạt chính trị.
Hai năm trước cuộc đụng độ gay gắt
Trump/ Sanders/ Clinton năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã tiến hành nghiên
cứu lớn nhất từ trước tới giờ của họ về các thái độ chính trị của người Mỹ. Họ
thấy rằng quan điểm của mọi người ngày càng bị hằn sâu,và người ta ngày càng miễn
cưỡng chấp nhận ý kiến của người khác. Lấy ví dụ, 38% những người Dân chủ tham
gia tích cực vào chính trị mô tả họ là những người trung thành với tư tưởng tự
do”, tăng từ 8% vào năm 1994, trong khi 33% những người Cộng hòa là “trung
thành với tư tưởng bảo thủ”, tăng từ 23% quãng hai mươi năm trước đó. Đáng lo
ngại hơn là số lượng gia tăng những người Cộng hòa và Dân chủ khinh thường lẫn
nhau, nhất là giữa những người tích cực về chính trị. Vào năm 1994, 17% những
người Cộng hòa có ấn tượng rất không ưa những người Dân chủ, nhưng con số này
giờ đã tăng lên 43%. Ở phía bên kia, các con số là 16% tăng lên 38%.
Có một cơ sở địa lý cho hiện tượng
này, với những cử tri trung thành của đảng Dân chủ ngày càng nhiều ở các khu vực
liên đô thị khổng lồ, và những người Cộng hòa ở các thị trấn nhỏ và vùng nông
thôn. Preston Stovall, một học giả ở Đại học Nevada, Las Vegas, viết về những
công dân toàn cầu hóa đô thị và những người dân tộc chủ nghĩa
phi đô thị, mà ông tin rằng “phản ánh sự chia rẽ ‘Dân chủ’ và ‘Cộng hòa’
tương đối tốt hơn”. Ông buồn cho thực tế là những ý tưởng của người phi đô thị
“giờ chỉ còn là những lời chửi bới của kẻ vô tri”, trong khi của phía thị dân
“được bôi trát thành chủ nghĩa tinh hoa và suy đồi về đạo đức”:
Tôi thất vọng bởi cách mà những người
Mỹ thị dân có xu hướng xem thường các cộng đồng nông thôn và nông nghiệp. Chưa
bao giờ mà một nhận xét chê bai thiếu suy nghĩ về người Mỹ ở nông thôn lại được
bỏ qua hay được tán đồng như bây giờ… chúng ta cần tránh xu hướng nghĩ rằng các
cử tri Cộng hòa là bọn phân biệt chủng tộc vô giáo dục, còn các cử tri Dân chủ
là đám vô lại tinh hoa.
Điều quan trọng là phải nhớ rằng những
cụm từ và thống kê này chủ yếu liên quan tới những người tích cực tham gia
chính trị, còn ở bên ngoài các ngóc ngách ý thức hệ và những căn buồng vọng âm
[nhai lại cùng một quan điểm] vẫn có nhiều sự chấp nhận lẫn nhau hơn và sự sẵn
sàng nhượng bộ lớn hơn. Ngay cả như thế, sự không khoan dung ngày càng tăng với
các quan điểm đối lập đã dẫn tới luận điệu bạo lực ngày càng tăng mà chúng ta
nghe được ở truyền thông chủ lưu và những phiên bản la hét inh ỏi mà chúng ta
tìm thấy trên internet. Những ngày tháng phát sóng tương đối êm đềm các bản tin
buổi tối của ba mạng truyền hình lớn[15] giờ đã nhường đường cho
sự nổi lên của các kênh tin tức truyền hình cáp cạnh tranh nhau về chính trị suốt
24 giờ một ngày, những phát thanh viên công kích và không gian internet không
có ai cai quản, nơi mà những sự lăng mạ và dọa giết là tiêu chuẩn. Sự nổi lên của
các nền tảng mạng xã hội 24 giờ cũng đã trao một chiếc loa phóng đại cho những
người cực đoan, trong khi truyền thông tin tức nói chung lại khuếch đại những
chiếc loa phóng thanh đó, dẫn tới ấn tượng là người Mỹ liên tục lao vào chặn họng
nhau (hay chặn dòng tin trên Twitter của nhau), trong khi trên thực tế hầu hết
rất hòa hợp với nhau trong đời sống hằng ngày. Một số những kẻ kém khoan dung
nhất giờ thuộc một thế hệ trẻ hơn, nhiều người trong số đó đang chống đối lại
các lý tưởng tự do ngôn luận và lập luận rằng sự không khoan dung về chính trị
là biện minh được khi nó liên quan tới những người mà họ không đồng ý. Điều này
đối lập một cách thú vị với Trung Quốc. Ở đó, nhà nước tìm cách chia rẽ dân
chúng bằng cách hạn chế khả năng của họ trong việc tạo ra những trao đổi mở với
nhau, và với thế giới bên ngoài, hòng duy trì sự thống nhất; ở Hoa Kỳ, quê
hương của tự do ngôn luận, nhiều bộ lạc mạng xã hội đang lựa chọn chia rẽ họ với
đồng bào của mình và đang xé nát nhau ra.
Rồi còn có chủ nghĩa cực đoan trong giới
cây đa cây đề của giáo dục Hoa Kỳ, được thực thi qua một nhóm thiểu số các sinh
viên, với một chút ủng hộ từ các giáo sư. Số lượng lớn những học giả thuộc thế
hệ lớn tuổi hơn ngày càng giống những con thỏ bị đèn pha chiếu vào mặt khi những
đứa con cách mạng quay ra chống lại chính những người đã dạy dỗ để họ trở nên
cuồng tín về tư tưởng như thế. Điều đó đã tạo ra một bầu không khí trí thức khó
chịu ở Mỹ, với những kẻ “không cần nền tảng” quấy rối, đầy hăm dọa tiến lên,
còn những giáo sư rụt rè, yếu ớt về học thuật rút lui. Họ là một mối nguy cho sự
gắn kết vì những ồn ào trong các chiến dịch của họ được khuếch đại trong cuộc
tranh luận trên mạng. Nếu ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học
bị cực đoan hóa, dù theo phía tả hay hữu, thì có nguy cơ là những quan điểm cực
đoan của họ sẽ trở nên thịnh hành hơn.
Một trong những ví dụ rõ nhất xảy ra
vào năm 2017 ở Đại học Bang Evergreen tại Washington. Một giáo sư da trắng đầu
óc tự do, Bret Weinstein, phản đối ý tưởng cho rằng trường phải giải thích và
biện minh cho mọi quyết định bổ nhiệm các vị trí giảng dạy dựa trên cơ sở chủng
tộc. Ông sau đó bất đồng với một tổ chức của sinh viên yêu cầu các sinh viên da
trắng không nên đến trường trong một ngày cụ thể để tạo ra môi trường an toàn
cho sinh viên da màu thảo luận các vấn đề. Lớp học của ông sau đó bị các sinh
viên xâm nhập, họ la hét về sự phân biệt chủng tộc và đặc quyền da trắng. Họ
đòi sa thải ông và hai nhân viên khác, và khi chủ tịch trường, George Bridges,
cố dàn hòa, ông liên tục bị chửi bới và bị bắt phải im miệng. Một đoạn băng ghi
hình sự kiện lúc đầu cho thấy các sinh viên la hét những câu hỏi với Weinstein,
khi ông hỏi lại họ, “Các bạn có muốn nghe câu trả lời hay không?”, họ hét vang,
“Không!” Biến cố này tiêu biểu cho những nỗ lực ngày càng cuồng nộ nhằm bôi nhọ
những người có quan điểm khác biệt, khi mà một nhóm tin rằng nhóm khác là điển
hình của cái ác và không được phép có cơ hội bày tỏ quan điểm của họ. Nó có thể
trẻ trâu, nó có thể thô sơ, nhưng nó cũng nguy hiểm nữa, và nó đe dọa lý tưởng
tự do ngôn luận.
Sự khép kín của tâm trí Mỹ ở thời hiện
đại này tới từ cả hai phía của phổ chính trị và đang làm suy giảm không gian của
phần ở giữa. Trong số những người vi phạm tệ hại nhất có những kẻ tích cực tìm
cách thúc đẩy sự nghi kỵ và thù hận đối với phía bên kia. Ở mức độ cực đoan, họ
bao gồm cả các nhóm ly khai da trắng và da đen, một số có vũ trang, những cuộc
biểu tình thường dẫn tới bạo lực. Vào năm 2017 chẳng hạn, ở Charlottesville là
khung cảnh của một cuộc biểu tình phản đối việc di dời một bức tượng viên tư lệnh
Hợp bang miền nam Robert E. Lee[16]; nhưng nó liên quan tới những nhóm
da trắng thượng đẳng và một cuộc tuần hành có cả cờ Quốc xã và những biểu ngữ
phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Bạo lực tiếp nối, dẫn tới cái chết của người
phản biểu tình Heather Heyer, người đã bị một kẻ theo thuyết da trắng thượng đẳng
cán lên và giết chết. Cơn thịnh nộ sau đó càng thêm trầm trọng bởi phản ứng của
Trump: ông liên tục từ chối lên án phe cánh hữu phiên bản mới, bao gồm KKK và
những kẻ tân Quốc xã, tuyên bố rằng bạo lực là từ cả hai phía.
Ở bên kia lằn ranh chia rẽ, nhưng cách
không xa, là các nhóm ly khai da đen; họ có thể chỉ là một kiểu phản ứng với sự
phân biệt đối xử mang tính xã hội của người da trắng, nhưng dù thế ý thức hệ của
họ vẫn là phân biệt chủng tộc. Một ví dụ kinh điển là tổ chức Quốc gia Hồi giáo
[Nation of Islam: NOI], mà thủ lĩnh Louis Farrakhan của nó tin rằng 6.600 năm
trước, một nhà khoa học da đen tên là Yacub đã tạo ra người da trắng, “những
con quỷ mắt xanh” được thiết kế với bản chất là xấu xa và tội lỗi. Ông
Farrakhan cũng nói rằng người Do Thái thực hành một “tôn giáo thấp hèn” và săn
lùng người da đen; giải pháp của ông cho những vấn đề mà người da đen phải đối
mặt là ủng hộ sự chia tách về chủng tộc và chấm dứt các quan hệ liên chủng tộc.
Trong số những bài phát biểu nổi tiếng
nhất của nước Mỹ mọi thời có bài phát biểu “Một căn nhà chia rẽ” của Abraham
Lincoln[17] .
Ông có bài phát biểu đó vào năm 1858 khi chấp thuận đề cử của đảng Cộng hòa ở
Illinois vào ghế thượng nghị sĩ. Cụm từ đó rút ra từ Thánh Kinh và được trích dẫn
lại trong Tin mừng Mark, 3:25; Luke, 11:17, và Matthew, 12:25. Trong đó Jesus
nói, “Nếu nhà nào tự chia rẽ nhau, thì nhà ấy đổ xuống.” Lincoln đang nói tới sự
chia rẽ về vấn đề chế độ nô lệ, nhưng giờ Hoa Kỳ đang rơi vào sự chia rẽ sâu sắc
một lần nữa: chia rẽ về sắc tộc, chủng tộc và xu hướng chính trị đều khiến căng
thẳng và cảm xúc bùng lên.
Căn nhà Mỹ đang ngày càng chia rẽ cần
một cách tiếp cận lý trí hơn, hòa hợp hơn và cởi mở hơn, nhưng cuộc tranh luận
quá thường xuyên diễn ra - ở cả hai phe hữu và tả - với sự cuồng loạn và một
quyết tâm điên rồ sử dụng nền chính trị bản sắc để nhấn chìm “kẻ khác”. Trong bầu
không khí phát sốt đó, luận điệu của Trump về bức tường đã đánh đúng vào sự
chia rẽ trong quá khứ và chia rẽ mới của quốc gia, nói đến một định nghĩa hẹp
cho “người Mỹ”. Những chia rẽ sắc tộc, chủng tộc và chính trị, tất cả đều thống
nhất trong câu hỏi về bức tường đó - về việc Hoa Kỳ là gì, nên là gì, và cần
mang theo những lý tưởng tự do và bình đẳng của họ để tiến lên ra sao.
Barack Obama khó có thể là người thành
công nhất trong các Tổng thống Mỹ, và giống như những người khác, có các chính
sách đây chia rẽ, nhưng nền tảng cho quan điểm của ông về đất nước ông là lòng
tin rằng một quốc gia là một nơi mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn, khi nó đón nhận ý tưởng
“E pluribus unum”. Ông đã lui vào lịch sử, những vị trí của ông được đảm bảo và
là một ví dụ của những gì mà nước Mỹ hiện đại có thể đạt được. Điều này điển
hình qua bài phát biểu chính của ông ở Đại hội đảng Dân chủ năm 2004:
Những chuyên gia thích cắt vụn đất nước
chúng ta rồi gieo súc sắc cho ra… các bang màu đỏ của những người Cộng hòa,
bang màu xanh của Dân chủ… Nhưng tôi có tin tức mới cho họ… Chúng ta thờ phụng
một đấng tối cao tuyệt vời ở các bang xanh, và chúng ta không thích các đặc vụ
liên bang nhòm ngó vào thư viện của ta ở các bang đỏ. Chúng ta là huấn luyện
viên giải Little League[18] ở các bang xanh, và phải,
chúng ta có những bạn bè đồng tính ở các bang đỏ… Chúng ta là Một.
Chú thích.
[1] Đài
phát thanh kháng chiến ở Pháp đặt ở London. Họ thường nói bằng tiếng Pháp: “Đây
là đài Luân Đôn, người Pháp nói với người Pháp. Trước khi chúng tôi bắt đầu,
hãy lắng nghe các thông điệp cá nhân”. Đây rõ ràng là một cách nói công khai
“sau đây là các thông điệp mã hóa.” Các thông điệp này không có thông tin bổ
sung và thường là rất kỳ quặc và chỉ có các nhóm kháng chiến mới có thể hiểu được.
Ví dụ “Jean có bộ ria mép dài”, hoặc “Có đám cháy ở đại lý bảo hiểm”. Nhưng nhiều
thông điệp mã hóa này được cho là động tác giả, cốt để gây tác động tâm lý lên
kẻ thù. (ND)
[2] Tức
Đảng Cộng hòa. (ND)
[3] Ý
nói Hoàng đế La Mã Hadrian (76-138), ở ngôi từ 117 tới 138. Ông nổi tiếng với
việc xây Trường thành Hadrian, đánh dấu biên giới phía bắc của Đế quốc La Mã,
nay thuộc miền bắc nước Anh. (ND)
[4] Tạm
dịch: “Những đường biên giới bạo lực”. (ND)
[5] Tức
Nhóm các nhà lập quốc Hoa Kỳ. Vào năm 1973, sử gia Richard B. Morris xác định
nhóm này gồm bảy người: John Adams, Benjamin Franklin, Alexander Hamilton, John
Jay, Thomas Jefferson, James Madison, và George Washington. (ND)
[6] “Thành
phố trên đồi” - “A city upon a hill”, nguyên là một câu trong Kinh Thánh
Matthew 5:14: “Các ngươi là sự sáng của thế giới, một thành xây trên núi thì
không thể nào bị che khuất.” Các Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Ronald Reagan
đều đã sử dụng hình tượng này để nói về các giá trị Mỹ, về vai trò dẫn dắt hay
làm gương (tự trao) của nước này về dân chủ và tự do. (ND)
[7] Chủ
thuyết duy bản địa cổ xúy các chính sách bảo hộ lợi ích của dân bản địa chống lại
dân nhập cư. (BT)
[8] Loại
bánh làm bằng bột ngô, là thứ thức ăn điển hình của người Mexico. (BT)
[9] Trong
phần này khi nói “nam bắc”, tác giả hàm ý Mexico (phía nam biên giới Mỹ) và Mỹ.
(BT)
[10] Dòng
sông này chảy từ bang Colorado rồi đổ ra vịnh Mexico, làm thành biên giới tự
nhiên giữa Mỹ và Mexico. (BT)
[11] Tức
Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement). (ND)
[12] “Latino”
được hiểu là dạng rút gọn của “Latinoamericano”, từ tiếng Tây Ban Nha nghĩa là
châu Mỹ Latin, để chỉ những người gốc Mỹ Latin sống ở Mỹ. Hispanic nhìn
chung được chấp nhận là một thuật ngữ hẹp hơn để chỉ những người ở các vùng Mỹ
Latin nói tiếng Tây Ban Nha (tức không bao gồm Brazil, hay có thể là Guiana thuộc
Pháp và Suriname thuộc Hà Lan). Cả hai nhóm này đều không chỉ các nước châu Âu
sử dụng cùng nhóm ngôn ngữ Romance như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý…, và do được
định nghĩa dựa trên ngôn ngữ, người Hispanic có thể là da đen, da trắng, hoặc
người châu Mỹ bản địa. (ND)
[13] Trump
dùng từ sai trong nguyên văn, lẽ ra nên là “đến với chúng ta thì đúng hơn. (ND)
[14] Tiếng
Tây Ban Nha trong nguyên văn, nghĩa là “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”. (ND)
[15] Tức ba mạng truyền hình lớn có truyền thống
lâu đời ở Mỹ: ABC, CBS, và NBC. (ND)
[16] Robert
E. Lee (1807-1870), đại tướng thống lĩnh quân đội Hợp bang miền Nam trong cuộc
Nội chiến Mỹ (1861-1965). Ông nhận được sự ngưỡng mộ của cả hai phe miền Nam và
miền Bắc. (ND)
[17] Abraham
Lincoln (1809-1865), Tổng thống thứ mười sáu của Hoa Kỳ. Ông đã lãnh đạo nước Mỹ
vượt qua cuộc nội chiến, chấm dứt chế độ nô lệ mà vẫn duy trì được sự thống nhất
quốc gia. Ông bị ám sát khi đang làm Tổng thống nhiệm kỳ hai. (ND)
[18] Little
League Baseball, tổ chức phi lợi nhuận chuyên tổ chức các giải bóng chày thiếu
nhi và giải trẻ ở quy mô địa phương. Những điều Obama nói ở đây theo định kiến
là điển hình của người Dân chủ hay người Cộng hòa, nhưng vẫn diễn ra ở các bang
được dán nhãn ngược lại. (ND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét