CHIA RẼ
Tác giả Tim Marshall
Chương
Ba. THỰC TẾ TRÊN THỰC ĐỊA ISRAEL VÀ PALESTINE
“Các
ngươi hãy xem tình cảnh khổ nạn của chúng ta đương đây,
Jerusalem
bị phá hoang, và các cửa nó bị lửa thiêu đốt.
Hãy
đến, xây cất các vách thành Jerusalem lại, hầu cho chúng ta chẳng còn bị sỉ nhục
nữa.”
- Sách Nehemiah 2:17
Sau vài phút lái xe về hướng nam từ những
bức tường của Thành Cổ[1] ở Jerusalem, những bức tường mới
của Bethlehem mọc lên ở đằng xa. Khi bạn tới gần, bạn thấy chúng bao gồm những
mảng bê tông cao gần 8 mét, ở trên có dây thép gai. Một số khu vực có điện chạy
qua dây thép, và xen lẫn là các tòa tháp canh cao với kính phủ bụi bặm, dày cộp,
chống đạn, mà đứng đằng sau là các binh lính trẻ người Israel đang canh gác cả
hai phía. Ở bên Israel là đất trống, nhưng khi đi qua một chốt kiểm tra và sang
phía bên kia, bạn có thể lái xe dọc theo những con đường chỉ vừa đủ rộng cho một
chiếc xe hơi, với những khối nhà tập thể thấp tầng đối diện bức tường. Không
khí thật buồn nản, đầy hăm dọa, ngột ngạt và lạ lùng. Nhà cửa và những bức tường
cao lẽ ra không nên gần nhau đến thế.
Vượt qua biên giới là một trải nghiệm căng thẳng, nhưng sự căng thẳng là gấp bội khi ta vượt qua biên giới ở những khu vực dựng rào bằng bê tông, như hầu hết những người từ bên ngoài tới đây vẫn phải đi qua. Đây là những khu vực được bố trí cạnh các vùng đô thị nhằm ngăn chặn các tay bắn tỉa nã súng từ các tòa nhà cao tầng. Phần lớn phần còn lại của ranh giới dài 708 kilômét này là một hàng rào.
Bất chấp thực tế là chỉ có 3% “rào chắn
ngăn cách” giữa Israel và Bờ Tây của Palestine là bằng bê tông, nó thường được
gọi là “Bức tường”. Tại sao? Vì 3% đó thu hút sự chú ý về mặt thị giác hơn nhiều
so với 97% còn lại. Chẳng đoàn quay phim hay phóng viên ảnh nào lại sử dụng một
hàng rào dây thép gai làm phông nền khi ta có một rào chắn bê tông cao 8 mét với
các tháp canh và phủ kín tranh vẽ graffiti để có thể tập trung góc máy vào? Điều
này là dễ hiểu vì những lý do của mối quan tâm mang tính người, và vì tác động
thị giác của sự trần trụi nơi bức tường, và những gì nó nói lên về cuộc xung đột
và sự chia rẽ. Dù cho rào chắn có được gọi là gì, nó vẫn là tượng đài cho một
trong những bất đồng khó xử lý nhất trên thế giới.
Từ “nan giải[2]” sẽ là một mô tả
đúng với tình hình, dù nó còn phụ thuộc vào định nghĩa của bạn, trong khi một số
nguồn tài liệu định nghĩa nó là “khó kiểm soát hay khó xử lý” thì những nguồn
khác, chẳng hạn như từ điển Cambridge, cho rằng từ đó là rất khó hay không thể
kiểm soát, quản lý hay giải quyết”. Trong bối cảnh đó, từ này sai, vì trong khi
câu đố hóc búa Palestine/ Israel chắc chắn là một câu đố khó, nó không phải là
không thể kiểm soát. Và trong khi đó, có thể nó không phải là một câu đố mà
chúng ta có thể giải đáp được trong tương lai trước mắt, người Israel đã “quản
lý” nó hàng thập niên. Trong thời đại mới của những bức tường, họ có thể chủ yếu
là kiềm chế được những địch thủ của họ.
Ở những phần bê tông, nghệ sĩ cổ động
người Anh Banksy[3] đã tận dụng sự gần gũi kỳ lạ của
bức tường với đời sống thường nhật. Trong vài năm, ông đã vẽ các bức tranh tường
bên phía Palestine. Một số bức giờ đã nổi tiếng: một bé gái lục soát một binh
sĩ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tìm vũ khí, một con bồ câu trắng mặc áo chống
đạn, một bé gái được bong bóng bay mang qua bức tường. Có một câu chuyện (có lẽ
là ngụy tác) kể rằng một người đàn ông Palestine đã nói với nghệ sĩ rằng ông đã
làm bức tường trở nên đẹp đẽ. Banksy cảm ơn ông, để rồi được nghe, “Chúng tôi
không muốn nó đẹp đẽ. Chúng tôi ghét bức tường này. Cút về nhà đi.”
Một hình ảnh kém “đẹp đẽ” hơn thường
có thể thấy trên một số đoạn của bức tường là hình ảnh Handala, một cậu bé tị nạn
chân trần mười tuổi cô độc. Handala, đầu tiên do họa sĩ quá cố người Palestine
Naji al-Ali[4] vẽ,
thường quay lưng lại với chúng ta - hàm ý cậu sẽ không quay mặt lại cho tới khi
có công lý cho người Palestine. Bản thân al-Ali, người cũng chỉ trích giới lãnh
đạo Ả Rập, đã ra đi và không bao giờ trở lại Palestine. Ông bị bắn vào mặt ở
London vào tháng Bảy năm 1987 và qua đời năm tuần sau đó. Một người đàn ông
Palestine mà cảnh sát Anh nói là thành viên của Tổ chức Giải phóng Palestine
(PLO) đã bị bắt liên quan tới vụ ám sát, nhưng không bao giờ bị truy tố.
Nhớ lại al-Ali và Handala, tôi nhớ đến
một người bạn Palestine ở London. Anh quê ở Bethlehem nhưng ra đi vào cuối những
năm 1980, và nói anh sẽ không “quay đầu”, có nghĩa là không quay lại. “Tôi
không thể đối mặt với việc đi qua các điểm kiểm soát của Israel để về chính thành
phố quê hương,” anh nói với tôi. “Như thế sẽ giống như chấp nhận quyền hành của
họ.”
Tuy nhiên, Banksy đã trở lại, và có
thêm một số bước tiến xa hơn nữa. Để đánh dấu kỷ niệm 100 năm Tuyên bố Balfour
1917, vốn hứa hẹn với người Do Thái một quê hương ở vùng khi đó được gọi là
Palestine, ông khai trương “khách sạn Úp Mặt Vào Tường” ở Bờ Tây. Cả mười phòng
ngủ đều quay vào bức tường, cách đó hơn 3,6 mét bên kia con đường. Banksy nói
khách sạn đó có “view tệ hại nhất trong mọi khách sạn trên thế giới”, nhưng nó
“nhiệt tình chào đón mọi người từ mọi phía của cuộc xung đột và trên toàn thế
giới”. Nó đã trở thành một cảnh tượng mà nhiều du khách tới Bethlehem giờ muốn
nhìn thấy, tạo ra điều mà những người chỉ trích mô tả là một phiên bản của “du
lịch ở vùng xung đột”; nhưng những người ủng hộ nói nó có vai trò trong việc
xây dựng những cầu nối giữa Palestine và thế giới bên ngoài. Dẫu vậy, những
chuyến du lịch Banksy, những đồ lưu niệm Banksy và ảnh tự chụp với tranh của
Banksy giờ là nghi thức bắt buộc với nhiều du khách tới thăm nơi Jesus ra đời.
Ở khách sạn có một mái hiên họp để ghế
và bàn nơi đồ uống được phục vụ cho những du khách đã phiêu lưu ra khỏi những
khu di tích lịch sử Kitô giáo quen thuộc. Từ hàng hiên bạn có thể đọc được chữ
graffiti trên tường, từ dòng chữ lạ thường “Hãy tạo ra món sốt hummus, không phải
những bức tường” cho tới hy vọng “Chúa sẽ phá hủy bức tường này” tới những dấu
thập ngoặc tạo thành hình dáng ngôi sao David[5]. Nội thất khách sạn
được trang hoàng với những biểu tượng của phong trào kháng chiến Palestine chống
lại sự cai trị của Israel, chẳng hạn như những chiếc ná và những máy quay an
ninh bị phá hỏng. Phòng ngủ có các bức tranh tường của Banksy, bao gồm tranh một
binh lính Israel và một người biểu tình Palestine đang có trận đánh nhau bằng gối.
Ở tầng dưới là một bảo tàng nhỏ phác thảo lịch sử cuộc xung đột, và ở lối vào của
nó là một mô hình bằng người thật nhà ngoại giao người Anh Arthur Balfour[6].
Khi ta nhấn vào một nút, cánh tay phải gắn mô tơ của ông sẽ bắt đầu di chuyển như
thể ông đang ký bản tuyên bố nổi tiếng của ông.
Tuy nhiên, điều còn thiếu trong tác phẩm
nghệ thuật là bất cứ thứ gì mô tả lý lẽ của Israel đáp lại điều xấu xí trần trụi
đối diện với khách sạn. Không có chỗ trên con đường hẹp dành cho một mô tả mang
tính nghệ thuật hình ảnh một chiếc xe buýt của Israel bị nổ tung, mặt khác, nghệ
thuật không bị yêu cầu phải trung lập.
Nhưng trên bức tường, một mảng
graffiti, có lẽ không cố ý, gợi ra một khía cạnh của quan điểm từ phía bên kia
về việc bức tường đang “quản lý” tình hình, chứ không giải quyết nó: “Có thể bức
tường này xử lý hiện tại, nhưng nó không có tương lai.” Trong chính trị, hiện tại
thường quan trọng hơn tương lai, nhất là khi bạn muốn đắc cử.
Tại sao bức tường tồn tại, và nó đạt
được gì, là một vấn đề gây tranh cãi. Nhưng đồng thời, biên giới giữa hai nước
đã là một vấn đề tranh cãi dữ dội kể từ khi Israel lập quốc, bắt đầu với cuộc
chiến tranh Ả Rập Israel vào năm 1948. Vào cuối cuộc xung đột đó, một lệnh ngừng
bắn được thiết lập, dưới dạng đường biên giới Xanh[7]. Nhưng vào năm
1967, trong chiến tranh Sáu ngày, Israel chiếm Bờ Tây và dải Gaza, cũng như
thâu tóm vùng Sinai và cao nguyên Golan. Sau hai thập kỷ sống dưới sự cai trị của
Israel, nỗi thất vọng và giận dữ của người Palestine đã lan tràn khắp lãnh thổ
Palestine, dẫn tới những cuộc nổi dậy và biểu tình bạo lực trong phong trào
Intifada lần thứ nhất (1987-93). “Intifada” có gốc từ từ tiếng Ả Rập nafada,
có nghĩa là thoát khỏi, và trong cảnh huống này được dịch là tự do trước sự đàn
áp. Sau một số năm hòa bình mong manh, trong đó Israel tiếp tục chiếm đóng dải
Gaza, cuộc tranh chấp đất đai đã hàng thập kỷ lại bùng nổ thành bạo lực kéo dài
một lần nữa vào năm 2000, và ngay khi phong trào Intifada lần thứ hai nổ ra, bức
tường bắt đầu mọc lên.
Quan điểm của Palestine là ranh giới
này là cái cớ để chiếm đóng đất đai và để tạo ra “sự đã rồi”, tạo ra một đường
biên khả dĩ cho giải pháp hai nhà nước, nhưng theo quy định của Israel, điều sẽ
khiến Palestine mất ít nhất 10% đất đai ở Bờ Tây, bởi vị trí của bức tường hiện
tại nằm rất sâu bên trong lãnh thổ Palestine. Israel dẫn những lý do về mặt địa
hình cho việc xây bức tường. nhưng ở một số khu vực nhất định, nó vươn ra về
phía đông biên giới Xanh, bao lấy các khu định cư Do Thái[8].
Có khoảng 400.000 người Do Thái sống ở
Bờ Tây. Từ “khu định cư” lẽ ra chỉ những lán trại nhỏ, có thể là nằm trên các
ngọn đồi khô cằn, đầy gió. Tuy nhiên, dù nhiều khu định cư đã khởi đầu như thế,
một số khu phát triển thành những thị trấn đầy đủ với tòa thị chính, siêu thị
và trường học. Những con đường kết nối chúng lại với nhau và với Israel, khiến
người Palestine gặp nhiều khó khăn khi di chuyển ở Bờ Tây hay duy trì những
vùng lãnh thổ rộng lớn không ngắt quãng. Giờ đây cũng có hơn 200.000 người Do
Thái sống ở Đông Jerusalem, mà Israel đã sáp nhập vào năm 1967, nhưng lại là
vùng người Palestine tuyên bố là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Người
Do Thái Israel có xu hướng nghĩ tới Đông Jerusalem và Bờ Tây như những thực thể
tách rời, trong tâm trí người Palestine thì không có sự chia tách đó.
Vấn đề khu định cư chia rẽ ý kiến dư
luận ở Israel, và luôn có một cuộc tranh cãi dữ dội về sự khôn ngoan, hợp pháp
và tính đạo đức trong sự tồn tại của chúng. Những người định cư Do Thái sùng đạo
tuyên bố họ có thể sống ở Bờ Tây vì đó là một phần của Israel cổ đại và là vùng
đã được hứa trao cho họ trong Thánh Kinh. Những người định cư thế tục lập luận
rằng Israel đã giành lấy lãnh thổ đó từ Jordan, nước sau đó đã từ bỏ tuyên bố của
họ về quyền chiếm đóng vùng đất này, và bởi thế sự hiện diện của họ không phải
là bất hợp pháp - một quan điểm không được cộng đồng quốc tế chia sẻ.
“Hãy nhìn những bức tường đó mà xem!”
một người bạn Palestine tham gia hoạt động xã hội dân sự không muốn được nêu
tên, nói. “Chúng thật đáng ghê tởm! Chúng đều thuộc về một kế hoạch ăn cướp đất
đai. Họ di chuyển bức tường hàng trăm mét vào trong đất đai của Palestine để
sau này họ có thể nói chúng tôi phải thương lượng lại dù từ đầu tới cuối đó là
của chúng tôi.”
Vào lúc chúng tôi lái xe dọc theo bức
tường, anh làm cử chỉ đầy giận dữ về những vùng của Palestine, vốn một thời đầy
những cây ô liu, giờ bị nhổ lên để tạo ra một vùng đất hoang mà anh sợ rằng một
ngày sẽ là lãnh thổ của Israel. “Họ đã luôn luôn làm thế,” anh nói. “Tạo ra điều
mà họ gọi là thực tế trên thực địa [facts on the ground],
nhưng đó là thực tế của họ, và thực địa là của chúng tôi.”
Trong khi đó, những người Israel có
quan điểm rất khác về bức tường: ngay cả những hình graffiti và tranh vẽ ở bên
phía họ tại đường ranh giới cũng kể một câu chuyện khác. Một số tranh là chống
Palestine và lập luận bảo vệ cho sự cần thiết của bức tường, một số là thân
Palestine và mô tả nỗi thống khổ của họ, nhưng rất nhiều tranh đơn giản chỉ là
những hình ảnh phong cảnh được thiết kế để khiến cho bức tường trở nên “vô
hình” - và quả thật nó là như thế với đa số dân chúng Israel. Hầu hết những người
sống ở Israel không có mấy lý do để tới gần nó, hay đi qua nó. Phần lớn không
đi tới các khu định cư Do Thái bên trong Bờ Tây, và với những người định cư đi
đi về về thì đó chỉ là một phần của vùng lãnh thổ xa xôi mà họ được ưu tiên đi
qua.
Phần lớn người Israel ủng hộ bức tường,
và tin rằng nó có tác động tích cực. Chính quyền Israel chỉ ra rằng trong ba
năm trước khi bức tường mọc lên, hàng loạt vụ đánh bom tự sát và tấn công từ
phía Palestine đã khiến hàng trăm người Israel thiệt mạng. Có thời điểm những kẻ
chế tạo bom và đánh bom hoạt động tự do bên ngoài những thị trấn ở Bờ Tây vốn
cách các mục tiêu không tới một giờ lái xe, như Tel Aviv, Netanya và Jerusalem.
Trong ba năm sau khi giai đoạn một của bức tường hoàn tất, chỉ hơn sáu mươi người
Israel bị giết. Đó là sự biện minh của Israel cho bức tường - nó đơn giản là một
biện pháp an ninh được thiết kế để chấm dứt những vụ giết chóc bạo lực. Có một
thiểu số phản đối nó; họ coi ranh giới đó - và đặc biệt là con đường hiện tại của
nó - là một trở ngại để đạt được một giải pháp lâu dài, hòa bình với người
Palestine. Phần lớn họ ở phe cánh tả trong nền chính trị Israel và họ có thể rất
lớn tiếng trong những cuộc biểu tình, nhưng ngay cả trong phe cánh tả họ cũng
là thiểu số. Với những vụ giết chóc thường dân ở mức tương đối thấp, nhiều người
Israel đã rút lui về mặt tâm lý ra đằng sau rào chắn đó. Họ còn nhiều vấn đề
khác, và những sự chia rẽ khác cần phải đối phó, và kinh tế học của “sự an toàn
đằng sau bức tường” đôi khi chiến thắng cả nỗi lo an ninh trong các cuộc thăm
dò những mối lo lắng của toàn quốc.
David Kornbluth, một trong những nhà
ngoại giao lỗi lạc nhất của Israel, giờ đã nghỉ hưu, tin ở giải pháp hai nhà nước
và nói ông “cảm thương cho cảnh ngộ của người Palestine”, nhưng khi nói tới
ranh giới an ninh, ông có một quan điểm sáng tỏ, thẳng thừng, trực tiếp và
không nhượng bộ, được nhiều người lặp lại: “Bức tường là một thành công lớn. Nó
ngăn chặn những kẻ đánh bom tự sát giết chóc. Sẽ không có một ranh giới an ninh
nào nếu như điều đó là không cần thiết. Chi phí cho nó rất lớn; không ai muốn
nó, phe cánh tả, đảng cầm quyền đều không muốn. Theo ý tôi, những rắc rối không
may, không mong muốn đối với người Palestine không cân bằng được với tác dụng
ngăn chặn việc giết chóc mà ranh giới đó đã mang lại. Tất nhiên tôi cảm thương
cho cảnh ngộ của họ, nhưng điều đó không liên quan gì tới việc họ tìm cách giết
hàng trăm thường dân của chúng tôi.” Tôi nhắc ông rằng những người chống lại
ranh giới đó coi nó là một biểu tượng của sự áp bức và quyền lực của kẻ áp bức.
“Nó không liên quan gì tới biểu tượng của quyền lực hay sự áp bức, nếu là thế
thì chúng tôi đã dựng nó lên từ năm 1967. Nó ở đó để trả lời cho một nhu cầu thực
tế.”
Theo một nghĩa nào đó, bức tường đã
đưa tư tưởng của Ze’ev (Vladimir) Jabotinsky (1880-1940) và lý thuyết của ông về
“bức tường sắt” vào thực tế. Jabotinsky là một nhà lý luận của cộng đồng Do
Thái thời tiền độc lập tại Palestine. Ông là kiến trúc sư chính của chiến lược
đối phó với người Ả Rập, những người phản đối quyết liệt việc thành lập nhà nước
Israel, từ một vị thế với sức mạnh quân sự không thể bị tấn công. Một khi phía Ả
Rập đã nhận ra rằng họ không thể tiêu diệt Israel, ông lập luận, chỉ khi đó họ
mới chịu tới bàn đàm phán và các thỏa thuận mới đạt được. “Tôi hy vọng và tin
tưởng.” Jabotinsky tuyên bố, “rằng chúng ta sẽ đưa ra cho họ những bảo đảm làm
hài lòng họ và cả hai dân tộc sẽ sống trong hòa bình như những láng giềng tốt.
Nhưng cách duy nhất để đạt được một thỏa thuận như thế là qua bức tường sắt.”
Vào lúc rào chắn dần bao quanh Bờ Tây,
những vụ tấn công đánh bom tự sát và nổ súng ở Israel đã giảm mạnh, và chính
quyền Israel nói có sự tương quan trực tiếp giữa rào chắn và số liệu thống kê đó;
tuy nhiên, những người chỉ trích không đồng ý. Họ lập luận rằng bức tường được
xây lên cùng lúc với việc những kẻ thù của Israel đã chủ động giảm nhịp độ các
vụ tấn công, bởi họ quyết định rằng các vụ đánh bom tự sát gây hại cho sứ mệnh
của họ trong mắt thế giới bên ngoài, và rằng chúng không đáng bởi những tổn thất
quá lớn cho họ khi Israel đáp trả. Fawaz Gerges, giáo sư quan hệ quốc tế ở Trường
Kinh tế học London, tin điều đó: “Hamas và các nhóm Palestine khác đã ra quyết
định có ý thức ngưng tiến hành các cuộc tấn công trong lãnh thổ Israel vì các bất
lợi về chính trị và chiến lược.”
Dẫu vậy, Israel vẫn cho rằng bức tường
đóng một vai trò tối quan trọng trong an ninh quốc gia, cùng các rào chắn khác
mà họ đã dựng lên để duy trì sự kiểm soát với biên giới. Ngoài bức tường ở Bờ
Tây, họ đã xây một rào chắn an ninh nữa ở biên giới với dải Gaza; bắt đầu từ
năm 1994, rào chắn này dài khoảng 64 kilômét. Cũng có một hàng rào dài khoảng
244 kilômét chạy dọc biên giới Ai Cập-Israel, hoàn tất năm 2013, ngăn chặn người
nhập cư bất hợp pháp từ nhiều nước châu Phi. Từ năm 2000 tới 2012, gần 50.000
người châu Phi, chủ yếu từ Sudan, Eritrea và Ethiopia, đã vượt qua biên giới
sau những hành trình rất hung hiểm, thường bị các toán tuần tra biên phòng của
Ai Cập bắn bỏ. Hầu hết định cư ở Israel vì những rào cản pháp lý với việc trục
xuất họ, và việc các nước châu Phi không muốn nhận họ lại. Một hàng rào thứ tư,
ít được biết đến hơn, là hàng rào được xây dọc biên giới với Syria sau khi nước
này rơi vào nội chiến. Với nhiều nhóm Hồi giáo jihad, chẳng hạn như Mặt trận
Nusra và Nhà nước Hồi giáo (IS), đang tiến gần lại biên giới ở cao nguyên Golan
bên phía Syria, Israel lại một lần nữa bắt đầu dựng lên những phòng tuyến của họ.
Vậy, nếu Israel chắc chắn rằng những bức
tường đó có vai trò trong việc giảm bạo lực, thì chúng giờ có phải là những cấu
trúc vĩnh viễn không? Đó là một vấn đề gây chia rẽ, nhưng nhiều người không coi
chúng là một giải pháp lâu dài cho những vấn đề trong vùng, mà chỉ là một bước
đi hướng tới đó, và nói chúng chỉ nên là một giải pháp tạm thời. Ông Kornbluth,
một trong những nhà ngoại giao đã tham gia vào hoạch định ranh giới đó, nói,
“Giải pháp cuối cùng phải đi theo nhiều giai đoạn… Tôi nghĩ bức tường sẽ bị phá
bỏ, và nó không nhất thiết nằm trên bất kỳ đường biên giới nào sau này, mục
đích của nó không phải là thế, mục đích của nó là để giảm mạnh tấn công khủng bố…
nó có thể sẽ bị phá bỏ nhanh như khi nó mọc lên vậy, tôi thấy điều đó thật rõ
ràng.” Để điều đó xảy ra, sẽ cần sự nhất trí không chỉ giữa hai phía, mà trong
nội bộ hai phía nữa - và cả hai giờ đều đang chia rẽ sâu sắc.
* * *
Israel là một quốc gia tiêu biểu cho
khái niệm chia rẽ theo nhiều nghĩa, với những người rất khác nhau sống cạnh
nhau - hay trong một số trường hợp, không thể sống cạnh nhau.
Israel là một quốc gia mới, một nồi lẩu
thập cẩm. Đó là một đất nước nhỏ với dân số 8,6 triệu người, nhưng những người
đó có xuất thân từ các sắc tộc rất khác nhau. Lấy ví dụ, có một số lớn người
Nga, hơn một triệu người như thế đã tới Israel vào những năm 1990 khi dân số nước
này mới là năm triệu. Điều phản ánh nhiều rạn nứt trong xã hội Israel, đó là nền
chính trị của nước này rất chia rẽ - chia rẽ hơn so với hầu hết các nền dân chủ
- với các đảng chính trị cánh tả, các đảng cánh hữu, các đảng Ả Rập và các đảng
tôn giáo, và những chia rẽ nhỏ hơn nữa trong từng hạng mục đó.
Cuộc tổng điều tra dân số đầu tiên của
Israel diễn ra năm 1948, năm mà nhà nước Israel tuyên bố thành lập. Khi đó, 86%
tổng dân số là người Do Thái, 9% Hồi giáo, 3% Kitô giáo và 1% Druze[9].
Tới cuộc tổng điều tra dân số năm 2014, dân số Hồi giáo đã tăng gần gấp đôi lên
16,9%, người Druze 2%, trong khi tỷ lệ dân Do Thái đã giảm xuống còn 75% và
Kitô giáo còn 2%. Bốn phần trăm còn lại là từ rất nhiều nhóm thiểu số khác.
Tuy nhiên, ngay cả trong đa số Do Thái
giáo cũng có những chia rẽ sâu sắc. Hầu hết họ rơi vào một trong hai nhánh -
Ashkenazi hoặc Sephardi. Tất cả cuối cùng đều quy nguồn gốc của họ về thời kỳ
Israel trước khi các bộ lạc bị người La Mã truy bức phải tỏa đi khắp nơi, nhưng
người Ashkenazi thường có da sáng hơn, và nguồn gốc gần đây hơn của họ là châu
Âu. Người Sephardi được đặt tên theo từ tiếng Hebrew dùng để chỉ Tây Ban Nha
- Sepharad - và chủ yếu có nguồn gốc từ hàng trăm nghìn người
Do Thái đã bị ép buộc rời các nước Ả Rập sau khi nhà nước Israel tuyên bố độc lập
vào năm 1948.
Người Ashkenazi có xu hướng là giới
tinh hoa, chiếm số đông trong giới chính trị và kinh doanh kể từ khi nhà nước
ra đời, một phần vì quá nhiều người họ có học hành tử tế, và một phần vì họ đã
tới Israel từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều thập niên trước khi người
Sephardi bỏ chạy khỏi những cuộc tàn sát của người Ả Rập. Tuy nhiên, trong những
năm gần đây, người Sephardi đã gia tăng ảnh hưởng, và các đảng mang tính tôn
giáo của họ thường đóng vai trò cân bằng quyền lực và bởi thế được mời vào các
chính phủ liên minh. Không có nhiều khác biệt về thực hành tôn giáo giữa hai hệ
phái, nhưng những khác biệt về văn hóa và chính trị chịu ảnh hưởng từ xuất thân
Trung Đông và châu Âu của họ có nghĩa là: trong khi hôn nhân chéo giữa hai hệ
phái là không hiếm, nhưng đó vẫn không phải là chuyện bình thường. Khi nói về
văn hóa, người Sephardi nghiêng hơn về Trung Đông trong cả âm nhạc và các lựa
chọn ẩm thực, trong khi thực đơn của người Ashkenazi bám vào cội rễ Do Thái
Đông Âu.
Dù là Ashkenazi hay Sephardi, còn một
sự chia rẽ tôn giáo khác, gay gắt hơn trong dân cư Do Thái: chia rẽ giữa những
người thế tục (49%), nệ truyền thống (29%), sùng đạo (13%) và Do Thái Chính thống
cực đoan (9%) - còn gọi là Haredi, những người run rẩy vì kính sợ Chúa. Trong
những sự phân loại này, đa số vẫn liệt kê tôn giáo của họ là Do Thái giáo: 87%
những người thế tục vẫn dự lễ Vượt qua, và một nửa nói họ thắp nến vào các tối
thứ Sáu[10].
Nhưng có nhiều khác biệt rõ ràng giữa họ có thể quan sát được khắp xã hội.
Tất cả những nhóm này chung sống trong
một quốc gia nhỏ bé và nói cùng một ngôn ngữ, nhưng họ hiếm khi tương tác về mặt
xã hội. Thật ra, nhiều khu dân cư được chia ra theo những lằn ranh này, và hiện
giờ có những vùng ở Jerusalem, những vùng ở Tel Aviv và các thành phố khác, nơi
cả khu vực gần như chỉ toàn người thế tục hoặc sùng đạo. Hôn nhân chéo giữa hai
nhóm này là rất hiếm. Nhiều người Do Thái thế tục nói họ không thoải mái với ý
tưởng một đứa con của họ lấy một người Haredi cũng ngang với việc lấy một người
Kitô giáo. Con cái họ có lẽ đã được giáo dục ở các định chế tách biệt - người
Haredi ở những trường Haredi vẫn còn phân chia giới tính của họ, còn người thế
tục học ở các trường phi tôn giáo.
Có những khu pha trộn tôn giáo/thế tục
ở các vùng đô thị, nhưng ngay cả ở đây ta vẫn có thể nhận ra chỉ trong tích tắc
ai là người Chính thống và ai không phải. Ngay cả kiểu mũ kippah[11] mà
những người đàn ông sùng đạo đội cũng nói lên điều gì đó về các đức tin của họ.
Lấy ví dụ, để nhận dạng thì nhiều người định cư ở Bờ Tây đã giữ thói quen đội
mũ kippah đan bằng len, lớn hơn so với mũ bằng nỉ của người Chính thống hiện đại
và một số người Haredi. Người sành sỏi những chuyện này có thể nói được một người
Haredi đang theo vị giáo sĩ [thầy rabbi] Do Thái nào từ kiểu cách chiếc mũ lông
mà ông ta đội. Những người cực kỳ sùng đạo và những người thế tục, mặt khác, gần
như vô hình với nhau. Đó là một con đường hai chiều. Người đàn ông Haredi với một
chiếc mũ lông, những lọn tóc mai, bít tất dài trắng, mặc lên người bộ đồ mà người
ngoài thấy giống một áo chùm, sẽ không hỏi đường một phụ nữ thế tục, và ngược lại.
Sự khác biệt giữa các nhóm này là rõ
ràng về cả phương diện kinh tế nữa. Nền kinh tế Israel khá phát triển so với hầu
hết các nước, nhưng sự thịnh vượng của họ được phân phối rất bất bình đẳng và
khoảng cách giữa các nhóm đang mở rộng. Nghèo khổ là chuyện phổ biến - cứ năm
người Israel thì một người sống trong hộ gia đình với thu nhập thấp hơn một nửa
so với thu nhập bình quân toàn quốc (gấp đôi so với mức trung bình của các nước
OECD) - và người Haredi có xu hướng kém hơn trong phương diện này, vì nhiều lý
do. Các gia đình đông thành viên góp phần vào mức nghèo khó, và người Haredi có
xu hướng có nhiều con hơn so với người Chính thống và thế tục hiện đại. Trong
cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 28% người Haredi nói họ có từ bảy
con trở lên, trong khi chỉ 1% những người thế tục có nhiều con như thế. Người
Haredi cũng nhiều khả năng thất nghiệp hơn, bởi một số lượng lớn lựa chọn
nghiên cứu kinh Torah[12] thay vì làm việc.
Ta có thể nhìn ra những rạn nứt này
trong xã hội Do Thái bất cứ nơi nào ta đến, dù chúng đặc biệt rõ ràng ở các di
tích tôn giáo. Xin lấy ví dụ Bức tường phía tây, bức tường chịu lực, tàn tích
còn sót lại của Ngôi đền thứ hai, vốn bị người La Mã phá hủy vào năm 702[13].
Các học giả tôn giáo có ý kiến rất lẫn lộn về việc bức tường “thiêng liêng” tới
mức nào, vì nó không thuộc về phần bên trong ngôi đền. Dẫu vậy, không thể phủ
nhận thực tế rằng đó là nơi có tầm quan trọng lớn với gần như mọi người Do
Thái, dù có sùng đạo hay không. Phía trên đó là khu Al-Aqsa, nơi có hội đường
Viên Đỉnh[14],
được xây vào thế kỷ 7 và được coi là địa điểm thiêng liêng thứ ba của Hồi giáo.
Người Hồi giáo Israel và Palestine, và du khách nước ngoài, được phép vào thăm
khu này, mà người Ả Rập gọi là “Cung thánh cao cả”, nhưng người Do Thái gần như
bị cấm vào, một chính sách mà chính quyền thường duy trì vì các lý do an ninh.
Khi tiếp cận Bức tường phía tây, bạn sẽ
ngay lập tức nhìn thấy sự chia rẽ. Một hàng rào chạy từ quảng trường tới bức tường
chia cách khoảng không gian mở với tỷ lệ một phần ba/hai phần ba. Ở phần nhỏ
hơn, bên phía tay phải, bạn nhìn thấy những phụ nữ, bên tay trái là đàn ông. Có
một vài phong trào tôn giáo ở Israel với những giáo đoàn pha trộn trong các hội
đường của họ, nhưng họ là một thiểu số nhỏ xíu và hầu như không có ảnh hưởng gì
về các vấn đề tôn giáo. Các hội đường Do Thái Chính thống nhiều quyền lực hơn,
và các giáo đoàn của họ chia ra theo giới tính, bởi thế Bức tường phía tây cũng
vậy.
Không phải mọi phụ nữ đều thoải mái với
tình thế đó; có một số người tin rằng họ phải được cầu nguyện thành nhóm, và
đeo khăn choàng để cầu nguyện, giống như nam giới. Điều này đã dẫn tới tranh
cãi gay gắt giữa một nhóm tên gọi Những phụ nữ của bức tường (Women of the
Wall, hay WOW), những người đã tổ chức các nghi thức tôn giáo ở khu vực đó, và
người Haredi, vốn tìm cách - thường là đầy bạo lực - ngăn chặn họ. Cuộc tranh
luận đã kéo dài được ba mươi năm, suốt từ khi khoảng một trăm phụ nữ đầu tiên cầu
nguyện ở bức tường và bị quấy rối bởi những cuộc tấn công cả bằng lời lẽ lẫn bạo
lực của đàn ông và phụ nữ Haredi. Điều đó thiết lập mô thức cho một cuộc tranh
cãi vẫn còn diễn ra ở các tòa án và ở quảng trường của Bức tường phía tây.
Khi WOW xuất hiện cho cuộc gặp lễ cầu
kinh hàng tháng, họ thường bị cả nam giới và phụ nữ xô đẩy và la ó, và luôn cần
tới sự bảo vệ của cảnh sát. Vào năm 2013, những chuyến xe buýt với các bích
chương ủng hộ phụ nữ đã bị đập vỡ cửa kính khi chúng đi qua những khu Do Thái
Chính thống cực đoan ở Jerusalem. Kinh Talmud[15] tuyên bố rõ
ràng là Chúa trời đã phá hủy Ngôi đền thứ hai vì sự thù hận của người Do Thái với
nhau - một sự trớ trêu mà một số người tham gia những cuộc đập phá có lẽ đã
không để ý tới.
Những khác biệt này trong xã hội cũng ảnh
hưởng tới không gian chính trị. Hầu hết những người thuộc nhóm thế tục chẳng hạn,
coi họ trước hết là người Israel, rồi mới là người Do Thái, hầu hết người Do
Thái Chính thống coi họ là người Do Thái trước, rồi mới là người Israel; và điều
này có thể ảnh hưởng và đánh động tới sự chia rẽ chính trị trong nước. Xét tổng
thể, những người Israel Sephardi có xu hướng thiên hữu trong chính trị, trong
khi người Ashkenazi chia rẽ hơn. Những hệ phái sùng đạo hơn có xu hướng ủng hộ
các đảng chính trị tập trung vào tôn giáo, trong khi người Haredi sẽ đơn giản bỏ
phiếu cho người nào mà giáo sĩ của họ yêu cầu. Điều này có nghĩa là các đảng
chính trị mang tính tôn giáo luôn là một thành tố trong các chính phủ liên
minh, và họ thường có các quan điểm hoàn toàn đối lập trong nhiều chủ đề then
chốt, bao gồm sự cải đạo, quân dịch, các khu định cư Bờ Tây, hôn nhân, ly dị và
sự phân tách giới tính.
Những đảng phái có tính tôn giáo có xu
hướng thống trị các vấn đề giáo dục và tôn giáo, chẳng hạn, và như chúng ta đã
thấy, các quan điểm của họ không nhất thiết là khớp với quan điểm của phần còn
lại trong dân chúng. Những người Chính thống cực đoan vận động không ngừng nghỉ
để duy trì quyền giám sát các hôn lễ trong địa hạt của họ, và cố gắng áp đặt,
thường một cách bạo lực, quan điểm của họ rằng không ai được lái xe trong lễ
Sabbath, nhất là ở các khu họ sinh sống - một niềm tin đôi khi được củng cố bằng
những vật cản để ngăn không cho xe hơi đi qua. Nhiều người phản đối bất cứ hình
thức nhân nhượng về lãnh thổ nào với người Palestine: trong khi 66% người Do
Thái Israel nói chung ủng hộ một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột, khoảng
60% những người bỏ phiếu cho một đảng có tính tôn giáo sẽ nghiêng hơn về kết quả
một nhà nước.
Trong khi đó, những người Israel thế tục
ghét cay ghét đắng thực tế là, bất chấp những cuộc chiến chính trị và pháp lý
đang diễn ra, phe Chính thống cực đoan không phải phục vụ trong quân đội, nhưng
đồng thời lại nhận được vốn tài trợ từ trung ương cho các khoản phúc lợi hỗ trợ
các cộng đồng và dự án của họ. Phe thế tục cũng sợ bị áp đảo về số lượng và bị
đẩy ra khỏi Jerusalem bởi tỷ lệ sinh trong các hệ phái sùng đạo cao hơn nhiều -
yếu tố cũng được coi là một mối đe dọa kinh tế với đất nước, bởi một tỷ lệ cao
những người Haredi thất nghiệp.
Bất chấp tất cả những chia rẽ “sắc tộc”
mang tính tôn giáo và giai cấp trong người Do Thái Israel, David Kornbluth nói
rằng những sự chia rẽ này, và đôi khi các lập trường đối lập nhau, che đậy một
sự đoàn kết sâu xa khi đối mặt với những mối đe dọa từ bên ngoài, khi dân chúng
thường tập hợp lại với nhau: “Israel là một quốc gia cực kỳ mạnh mẽ cố kết những
khi có chiến tranh… khi chiến tranh tới, đất nước đoàn kết. Nhiều người nói mối
đe dọa thực sự với Israel là những chia rẽ, rằng những chia rẽ đó có thể làm nó
suy sụp. Nhưng nó vẫn là một đất nước mạnh mẽ thực sự.” có thể là mạnh mẽ,
nhưng dù người Israel Do Thái có đoàn kết tới đâu, có lẽ Còn một sự chia rẽ nữa
- giữa họ và dân Ả Rập ở Israel - và sự chia rẽ này có lẽ không bao giờ khép lại
trừ khi có sự bình đẳng ở Israel và một giải pháp hai nhà nước công bằng với
người Palestine.
Phần lớn những người Ả Rập ở Israel, một
phần năm dân số, không muốn sống ở một nước Palestine nghèo khổ, và biết rằng,
là công dân Israel nên mức sống của họ cao hơn so với hầu hết những người Ả Rập
khác ở Trung Đông. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ hài lòng với số phận của
mình - ngược lại thì đúng hơn. Trong khi người Ả Rập ở Israel đã tăng mạnh về số
lượng, và tỷ lệ sinh của họ cao hơn so với những láng giềng Do Thái, họ đã
không bắt kịp trong các mặt kinh tế và xã hội. Khi số lượng người tăng lên, sức
ảnh hưởng chính trị của họ có thể cũng thế, bởi họ sẽ có thể bầu ra nhiều chính
trị gia Ả Rập hơn vào Knesset (quốc hội); nhưng trong trung hạn, quyền bỏ phiếu
hạn chế của họ khó có khả năng thay đổi bối cảnh chính trị của các chính phủ ở
Israel.
Người Ả Rập ở Israel có tư cách công
dân đầy đủ, với các quyền xã hội và tôn giáo được pháp luật bảo đảm. Họ điều
hành các đảng chính trị, các tờ báo, và kênh truyền thông của riêng họ. Những
người Ả Rập có mặt trong Tòa án Tối cao, họ chơi cho đội tuyển bóng đá quốc
gia. Tuy nhiên, dù sống ở cùng một quốc gia với những người Israel, và có sự
bình đẳng theo pháp luật, theo nhiều cách khác, họ sống những cuộc đời tách biệt.
Phần lớn trẻ em Ả Rập ở Israel được
giáo dục ở các trường nói tiếng Ả Rập. Các em sống trong những ngôi làng Ả Rập,
hay nếu ở vùng đô thị, thì ở các quận Ả Rập. Haifa có lẽ là thành phố đa dạng
nhất của Israel, nhưng ngay cả ở đó, ta có thể thấy rõ sự chia tách giữa các
khu vực. Khi các em lớn lên, các em sẽ đọc báo tiếng Ả Rập và nghe đài phát
thanh tiếng Ả Rập, và thậm chí khi các em xem các chương trình truyền hình quốc
gia, các em cũng sẽ thấy những người Ả Rập không xuất hiện nhiều tương ứng. Gần
như tất cả sẽ nói trôi chảy tiếng Hebrew, nhưng sẽ chỉ sử dụng thứ tiếng đó ở
những nơi làm việc chung. Giống như những người Haredi, người Ả Rập thường xuất
hiện nhiều hơn ở đáy của kim tự tháp thu nhập, nhưng trong khi nhiều người Do
Thái Chính thống cực đoan lựa chọn không làm việc, người Ả Rập ở Israel thường
thiếu khả năng tiếp cận những công việc được trả lương cao. Tỷ lệ nghèo đói ở mức
50% với các gia đình Ả Rập, với mức cao tương tự ở người Haredi.
Trong nhiều thập niên, chi tiêu công
vào giáo dục cho mỗi đứa trẻ thấp hơn nhiều ở các địa phương người Ả Rập, mặc
dù một Kế hoạch năm năm ra mắt vào năm 2016 được cho là sẽ xử lý vấn đề này. Hiệu
ứng tiếp nối của các tiêu chuẩn giáo dục thấp đã góp phần vào thực tế rằng tám
trong mười thành phố nghèo nhất của Israel là các thành phố Ả Rập. Khoảng 79%
người Ả Rập ở Israel tin rằng họ bị phân biệt đối xử. Các chính quyền liên tiếp
đã cố gắng xây dựng khung pháp luật chống lại điều đó, và đã có những hạn ngạch
việc làm cho các nhóm thiểu số ở khu vực công, nhưng các hạn ngạch này hiếm khi
được đáp ứng, và pháp luật lại thiếu hiệu lực.
Những cộng đồng phi Do Thái cũng chia
rẽ thành nhiều nhóm tôn giáo và sắc tộc - lấy ví dụ, giữa người Hồi giáo định
cư, người Bedouin[16], người Kitô giáo, và người theo đạo
Druze. Một số nhóm làm ăn tệ hơn những nhóm khác trong dân chúng Ả Rập: những
người theo Kitô giáo chẳng hạn, có xu hướng ở cùng đẳng cấp kinh tế - xã hội so
với người Israel Do Thái, trong khi người Bedouin là nhóm thất thế nhất trong
các nhóm dân bản xứ ở Israel. Họ cố gắng sống tách biệt với mọi người khác,
nhưng họ đang thấy ngày càng khó làm thế trong thế kỷ 21. Tranh chấp đất đai giữa
nhà nước và các bộ lạc Bedouin đã đẩy gần một nửa trong số 200.000 người
Bedouin vào cảnh sống ở “những ngôi làng không được thừa nhận”, một số không có
nước hay điện. Những ngày sống du mục lang thang của họ gần như đã chấm dứt, và
ngay cả một số ít người quả thực vẫn đang cố gắng di chuyển cùng bầy gia súc của
họ giờ chắc chắn không thể lang thang khắp vùng này như họ từng làm trước thời
có quốc gia nhà nước Do Thái nữa.
Trải nghiệm của người Bedouin có khác
đôi chút với phần còn lại của cộng đồng Ả Rập: vì một lẽ, họ ít gắn bó về cảm
xúc hơn với “tinh thần quốc gia”, cũng là một trong những lý do tại sao một số
người mỗi năm lại tự nguyện phục vụ trong Lực lượng phòng vệ Israel [IDF], dù họ
được miễn nghĩa vụ quân sự, giống như những người Israel Hồi giáo đồng bào của
họ. Một số người Hồi giáo Israel không phải dân Bedouin quả có xung phong phục
vụ quân đội, cùng một số người Ả Rập Israel Kitô giáo, và nhiều người Druze,
nhưng với đa số người Israel không phải Do Thái, đó là một lĩnh vực cấm kỵ. Nhiều,
có lẽ là hầu hết, những người Ả Rập Israel tự xác định họ là người Palestine.
Vì phục vụ trong IDF thường đồng nghĩa hoạt động ở Bờ Tây và các chất kiểm tra
biên giới, điều đó sẽ bị nhìn nhận là tham gia vào việc đàn áp những đồng bào Ả
Rập hay đồng bào Palestine. Nhà nước Israel sẽ không đồng ý rằng có bất cứ hình
thức đàn áp nào đang diễn ra, nhưng đủ khôn ngoan để biết rằng nghĩa vụ quân sự
bắt buộc với các công dân Ả Rập đơn giản là sẽ không có tác dụng.
“Tính chất Ả Rập” này chính là điều thống
nhất người Ả Rập ở cả hai bên của đường biên giới - đó là một bản sắc vượt qua
các ranh giới quốc gia - nhưng dẫu vậy, vẫn có nhiều khác biệt giữa họ. Chúng
ta thường sử dụng những mô tả đơn giản hóa thái quá, tổng quát hóa như “người
Israel”, “người Ả Rập” và “người Palestine”. Đây có thể là những từ rút gọn hữu
ích để hiểu được chính trị và địa chính trị ở mức độ vĩ mô, nhưng cào qua bề mặt
thì bạn sẽ thấy sự phức tạp, và thấy những chia rẽ vi mô tạo thành điều chúng
ta cảm nhận được là bức tranh lớn, dù là của “người Israel” hay “người
Palestine”.
* * *
Một khi ta băng qua các lãnh thổ
Palestine, sự chia rẽ lớn nhất là về lãnh thổ. Có rất nhiều rào cản với việc
thành lập một nhà nước Palestine duy nhất, trong đó có thực tế là có tới hai,
chứ không chỉ một, vùng lãnh thổ Palestine - Bờ Tây và dải Gaza. Khoảng cách giữa
chúng không phải là vấn đề thực sự. Nếu tất cả nhất trí, vùng lãnh thổ rộng hơn
40 kilômét của Israel có thể vượt qua bằng một đường trên cao hay đường ngầm.
Tuy nhiên, hai vùng này chia rẽ nhau không chỉ bởi địa lý,mà cả bởi chính trị
và ý thức hệ.
Trên lý thuyết, ngay cả nếu Israel sẵn
sàng thương lượng, họ không thể làm thế, vì người Palestine còn lâu mới nhất
trí về chủ đề này. Phong trào Fatah tương đối thế tục là lực lượng chính trị áp
đảo trong Chính quyền Dân tộc Palestine (PA), hiện cai quản 2,5 triệu người
Palestine ở Bờ Tây, và phong trào Hồi giáo cực đoan, Hamas, lãnh đạo 1,7 triệu
người ở dải Gaza; họ có ý kiến rất khác nhau về chính sách với Israel. Hamas vẫn
là một phong trào Hồi giáo, mà bất chấp việc công nhận trong Hiến chương mới của
họ vào năm 2017 về khả năng xây dựng một nhà nước Palestine dựa trên những biên
giới năm 1967, vẫn tuyên bố trong điều 20 của tài liệu đó: “Hamas bác bỏ bất cứ
giải pháp nào khác ngoài sự giải phóng trọn vẹn và đầy đủ cho Palestine, từ
sông tới biển”, ý chỉ sông Jordan và Địa Trung Hải, mà Israel nằm ở giữa. Hiến
chương mới giảm nhẹ một số ngôn ngữ chống Do Thái quá độc hại của hiến chương
ban đầu, nhưng nó không chính thức thay thế hiến chương gốc và tổ chức này tiếp
tục gắn kết với các biện pháp bạo lực để đạt được mục tiêu của họ. Họ vẫn bị hầu
hết phương tây coi là một nhóm khủng bố. Trong khi đó, Fatah là một phong trào
thế tục, ít ra là trên lý thuyết, và chính thức chấp nhận ý tưởng “hai nhà nước
cho hai dân tộc”.
Vào năm 2006, năm sau khi Israel rút
khỏi Gaza, Hamas đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử ở Gaza và Bờ Tây,
chủ yếu vì các cử tri đã mất kiên nhẫn với sự tham nhũng lan tràn trong các
quan chức Fatah. Nhiều chính phủ hợp nhất chật vật tồn tại, với Fatah mạnh hơn ở
Bờ Tây và Hamas mạnh hơn ở Gaza, cho tới khi mọi chuyện biến thành đối đầu vào
năm 2007.
Hamas, tuyên bố rằng các lực lượng an
ninh trung thành với Fatah sẽ không tuân theo mệnh lệnh từ Bộ trưởng Nội vụ của
Hamas, đã thành lập một “Lực lượng thực thi” mới, lực lượng sau đó đã sát hại một
quan chức an ninh cấp cao của Fatah ở Gaza. Tổng thống Abbas[17] đã
tuyên bố Hamas là bất hợp pháp, và những vụ đụng độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng
nổ ra, lên tới đỉnh điểm vào tháng Sáu khi các lực lượng Hamas giành quyền kiểm
soát tất cả các tòa nhà chính quyền ở Gaza và sát hại nhiều người ủng hộ Fatah.
Đấu tranh phe phái đã khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng trước khi các
lực lượng an ninh của Fatah bỏ chạy về phía biên giới Israel. Tổng thống Abbas
tuyên bố các diễn tiến này là một “cuộc đảo chính” và đã đàn áp các trung tâm
quyền lực của Hamas ở Bờ Tây. Bất chấp những nỗ lực lặp đi lặp lại, hai bên đã
không thể dàn hòa. Không bên nào chịu nhượng bộ quyền hành, nhưng cũng không
bên nào nhận được sự ủng hộ hoàn toàn. Vào tháng Mười năm 2017, họ ký một thỏa
thuận hòa giải, mà Tổng thống Abbas ca ngợi là một “tuyên bố chấm dứt sự chia rẽ”.
Tuy nhiên, thỏa thuận này nhanh chóng gặp khó khăn bởi cả hai phía vẫn tuyên bố
về sự chính danh của họ. Dẫu vậy, một mức độ đoàn kết nhất định là cần thiết để
bất kỳ thỏa thuận hòa bình mới nào ở Trung Đông thậm chí là có thể khởi sự.
Hamas, mà tên đầy đủ dịch ra là “Phong
trào kháng chiến Hồi giáo”, đã thực thi phiên bản Hồi giáo của họ ở Gaza và cố
gắng áp đảo trong mọi khía cạnh đời sống. Điều này gây xa cách với không chỉ những
người ủng hộ Fatah còn lại, mà cả một số người có xu hướng trung dung hơn trong
dân chúng. Cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé, số lượng có lẽ không tới 3.000 người, cảm
thấy áp lực và nhiều người cố gắng tìm cách ra đi, giống như nhiều người Kitô
giáo đang mắc kẹt khắp Trung Đông.
Hamas đã tiếp tục bắn tên lửa không
phân biệt [quân sự, dân sự] vào các khu vực dân sự của Israel, hay đã không thể
ngăn cản các nhóm khác làm như thế. Điều này cũng gây ra chia rẽ về ý kiến giữa
những người ủng hệ điều họ nhìn nhận là một cuộc kháng chiến chống lại “sự
phong tỏa của Israel” và những người tin rằng sự trả đũa của Israel cho những
việc này khiến các hành động thách thức về cơ bản là vô nghĩa và không đáng.
Bất chấp việc Israel rút đi, dải Gaza
tiếp tục mắc kẹt giữa rào chắn dài khoảng 64 kilômét do Israel xây lên và một
hàng rào ở biên giới Ai Cập. Về phía tây, dân Gaza có thể nhìn ra Địa Trung Hải,
nhưng họ thường thấy ở phía xa một tàu tuần tra hoặc tàu chiến của Israel. Cũng
không có con đường nào an toàn theo hướng đó. Cả Israel và Ai Cập hạn chế việc
đi lại ra vào dải Gaza, gây ra khó khăn lớn, nhưng cả hai nhà nước lập luận rằng
họ tin Hamas và những nhóm khác sẽ mưu tính những mức độ bạo lực không thể chấp
nhận được từ Gaza nếu việc đi lại được tự do. Ai Cập lo ngại về điều này cũng
ngang với Israel vì Hamas nguyên gốc xuất phát từ phong trào Anh em Hồi giáo
(Muslim Brotherhood, tức MB) ở Ai Cập. Chính quyền do quân đội thống lĩnh ở
Cairo, đã lật đổ chính quyền MB ngắn ngủi vào năm 2013, không muốn thấy Hamas
hoạt động trong lãnh thổ của họ.
Israel để cho hàng trăm chuyến xe tải
chở lương thực, thuốc men, và cung cấp năng lượng vào Gaza mỗi ngày, nhưng những
chuyến nhập khẩu này bị hạn chế khi xung đột xuyên biên giới nổ ra. Hàng trăm
đường hầm buôn lậu, được xây bên dưới biên giới với Ai Cập, đảm bảo cho một thị
trường chợ đen phát triển với đủ loại hàng hóa và một lối thoát ra cho những ai
chấp nhận rủi ro đường hầm có thể sập. Tôi thậm chí đã chứng kiến một chiếc máy
cày kéo một chiếc Mercedes mới tinh đi qua đó, và những nơi trưng bày xe hơi ở
Gaza đầy xe, nhưng đây khó có thể là cơ sở cho một nền kinh tế thông thường.
Đôi khi người Israel ngăn chặn việc nhập khẩu bê tông để cố hạn chế việc xây đường
hầm, cho rằng sẽ tốt hơn cho người dân Gaza nếu số bê tông đó được dùng cho trường
học và bệnh viện. Ước tính Hamas chi khoảng 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm cho quân
sự, trong đó 40 triệu đô la Mỹ là vào việc xây đường hầm.
Người Ai Cập tái gia cố hàng rào của họ
qua nhiều năm và đôi khi cho nước tràn vào ngập các đường hầm để ngăn vũ khí và
các tay súng tuồn vào Sinai, nơi thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công khủng
bố. Hành động của Ai Cập và Israel chống lại những đường hầm này quả có giảm khả
năng xảy ra những cuộc xâm nhập bạo lực, nhưng cũng có cái giá đối với nền kinh
tế chợ đen, mà không có nó thì những dân chúng bị mắc kẹt sẽ gặp vô vàn khó
khăn. Vào năm 2016, Israel công bố kế hoạch xây một bức tường dưới lòng đất,
sâu hơn 30 mét, để ngăn chặn các nhóm vũ trang xuất hiện từ các đường hầm tấn
công những thị trấn biên giới của Israel.
Mùa xuân và hè năm 2018 chứng kiến nhiều
tuần lễ bạo lực khi trong các thứ Sáu liên tiếp, hàng nghìn người Palestine đã
tìm cách tấn công hàng rào ở Gaza để chứng tỏ “quyền quay về” của họ với nơi mà
một số thành viên gia đình họ đã sống vào năm 1948 ở vùng nay là Israel.
Hàng chục người Palestine đã bị bắn chết
và hàng trăm người khác bị thương khi các binh sĩ Israel sử dụng đạn thật bắn
đi từ bên kia biên giới. Một số thủ lĩnh Hamas tham gia những cuộc biểu tình và
đã kêu gọi người biểu tình sẵn sàng chết một cái chết của người tử đạo. Nhiều
người chết và bị thương là các tay súng Hamas, một số có vũ trang, và có những
trường hợp hàng rào đã bị xuyên thủng, nhưng thiệt hại nhân mạng chủ yếu là những
người không vũ trang và bị bắn từ xa, gây ra những cáo buộc về việc sử dụng vũ
lực quá thiếu cân xứng. Những người chỉ trích nói các lực lượng Israel đôi khi
nổ súng ngay cả khi không có hai điều kiện tối quan trọng theo luật pháp quốc tế
để sử dụng vũ lực gây chết người: cá nhân bị nhắm đến là một mối đe dọa và mối
đe dọa là ngay tức thì. Do không có mấy khả năng vươn tới chỗ những người
Israel, dân Gaza bắt đầu thả hàng trăm con diều bị đốt cháy qua đường biên giới,
phá hủy mùa màng trên hàng nghìn mẫu[18] đất nông nghiệp.
Mỗi bên nhìn nhận những diễn tiến qua
lăng kính của riêng họ. Người Palestine lập luận rằng chính sự tồn tại của hàng
rào cho thấy sự bất công mang tính lịch sử nhắm vào họ. Người Israel nói có những
ngôi làng Israel trong vòng một dặm tính từ bức tường phải được bảo vệ và không
có bức tường, nhiều người ở đó sẽ bị giết.
Khắp Bờ Tây, cuộc sống thật khó khăn,
nhưng dễ dàng hơn ở Gaza. Người Palestine ở đây có thể vào Israel hay Jordan,
dù đôi khi gặp khó khăn, và đi tiếp. Mỗi năm, hàng chục nghìn người được điều
trị ở các bệnh viện của Israel vì chăm sóc y tế ở Bờ Tây kém hơn. Giấy phép lao
động thì khó có được hơn nhiều. Vào cuối những năm 1980, người Palestine từ Bờ
Tây và Gaza chiếm khoảng 8% lực lượng lao động Israel; giờ con số đó là khoảng
2%. Sự suy giảm này một phần là vì các vấn đề an ninh trong các đợt Intifada lần
thứ nhất và thứ hai, và một phần vì công nhân từ các nước khác, chủ yếu là châu
Á, đã chiếm mất chỗ của họ.
Như thế, đằng sau rào chắn an ninh lớn
là 2,5 triệu người Palestine đang tự hỏi tại sao tình trạng này lại xảy ra.
Trong những thập kỷ trước đó không có gì nhiều để tranh luận: đó là vì sự phân
chia Palestine, được thế giới bên ngoài ủng hộ, rồi “Nakbha”, nghĩa đen là tai
họa, của việc thua cuộc chiến nhằm ngăn chặn sự thành lập nhà nước Israel vào
năm 1948, tiếp nối là thảm họa năm 1967 và sự chiếm đóng. Những yếu tố này vẫn
là lời giải thích gốc rễ nguyên nhân với người Palestine, nhưng chúng không còn
là đủ.
Nhiều người Palestine trẻ hơn đang đặt
câu hỏi, mà không hề mềm lòng thông cảm với Israel, là tại sao chính giới lãnh
đạo của họ đã khiến họ thất vọng trong nhiều thế hệ. Người ta nhìn chung công
nhận rằng phần lớn Chính quyền Dân tộc Palestine là tham nhũng và giờ còn lại rất
ít sự ủng hộ cho thế hệ các chính trị gia đã vươn lên nắm quyền trong thời
Arafat[19] và
rồi trong những năm Abbas. Một số người đã quay sang Hamas, vẫn tin rằng vũ lực
một ngày sẽ làm thay đổi cục diện, nhưng sự chia rẽ giữa Fatah và Hamas gây ra
nguy cơ tái diễn nghiêm trọng vụ đấu đá năm 2007 - nhưng lần này ở Bờ Tây. Nhiều
người hơn đang thực sự phát bệnh với cả hai phe, và ở Bờ Tây giờ không phải là
lạ khi nghe thấy người ta nói, khe khẽ, rằng sự hợp tác của PA với Israel về vấn
đề an ninh biến họ thành “nhà thầu phụ” của việc chiếm đóng.
Nhưng phải làm gì đây; về mặt chính trị,
phải đi đâu đây? Palestine khó lòng là một xã hội cởi mở. Bất đồng chính kiến
có thể dẫn tới bị bắt và bị tra tấn, như nhiều nhà báo Palestine có thể xác nhận
và vào mùa hè 2018, những cuộc biểu tình chống chính phủ cả ở Gaza và Bờ Tây bị
đàn áp dữ dội trên đường phố. Nền dân chủ tự do, như được hiểu ở phương tây,
không tồn tại ở Palestine. Một đảng tự do ôn hòa, tán thành các quyền cho người
đồng tính chẳng hạn, sẽ chẳng nhận được mấy ủng hộ và sẽ hoạt động trong một
môi trường mà rao giảng những quan điểm như thế công khai sẽ là nguy hiểm. Những
lá cờ cầu vồng[20] ít ỏi được sơn trên bức tường/ranh
giới chia cắt luôn nhanh chóng bị che lại.
Chuyện này không có gì ngạc nhiên:
Trung Đông có xu hướng là vùng cực kỳ bảo thủ so với châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng
những cơ hội cho nền dân chủ tự do xuất hiện ở Palestine cũng bị cản trở vì sự
chiếm đóng của Israel. Những người bảo thủ có thể, và quả đã, nói rằng cuộc đấu
tranh vì quyền tự quyết của dân tộc phải là ưu tiên so với bất kỳ thứ gì khác.
Vì những lý do đó, sự căm ghét lan rộng với giới lãnh đạo ở Bờ Tây hiện nay sẽ
không nhất thiết biến thành một nỗ lực cho nền dân chủ tự do thực sự, và những
căng thẳng giữa Bờ Tây và Gaza đảm bảo rằng Palestine vẫn sẽ là một ngôi nhà bị
chia rẽ.
Người Palestine không thể hy vọng mấy
từ sự hỗ trợ của các láng giềng Ả Rập. Các chính quyền ở Trung Đông đã luôn chỉ
sử dụng người Palestine như công cụ chính trị, trong khi phân biệt đối xử với
những người tị nạn mà họ đang chứa chấp và đảm bảo rằng những người này ở mãi
trong các trại tị nạn bẩn thỉu. Ở hầu hết các nước Ả Rập, họ, và con cái họ,
ngay cả nếu sinh ra ở nước đó, không thể có tư cách công dân, quyền bỏ phiếu
hay chạy đua tranh cử trong các cuộc bầu cử toàn quốc. Jordan đã linh hoạt hơn
hầu hết các nước, nhưng ngay cả ở đó, những người gốc Palestine vẫn đối mặt với
sự phân biệt đối xử và không có đại diện tương xứng trong quốc hội. Ở Lebanon,
nơi hơn 400.000 người Palestine đang sống, có khoảng 50 hạng mục công việc cấm họ
làm: lấy ví dụ, họ không thể trở thành luật sư, nhà báo hay bác sĩ. Ở cả
Lebanon và Syria, họ không được phép sở hữu bất động sản và phải sống trong các
khu trại. Những ai lách được các quy định này không thể để lại nhà cửa của họ
cho con cái thừa kế.
Lý luận đằng sau một số sự phân biệt đối
xử này là mọi người Palestine, kể cả những người là cháu chắt của những người tị
nạn đã bỏ đi từ năm 1948, có quyền “trở về”. Điều đó không phủ nhận nghĩa vụ đảm
bảo nhân quyền cho họ, nhưng điều thuận tiện với các chính quyền Ả Rập là duy
trì người Palestine trong một tình trạng nghèo khó để họ không thể bước vào
dòng chủ lưu chính trị, và để nhấn mạnh cảnh ngộ của họ nhằm đánh lạc hướng những
chỉ trích với các chính sách thất bại trong nước của chính các chính quyền đó.
Khi mà vẫn có quá nhiều chia rẽ trong
dân chúng, cũng như giữa họ với nhau, ít có khả năng việc thiết lập một giải
pháp hai nhà nước được tất cả các bên chấp nhận trong tương lai gần, mặc dù nhiều
người ủng hộ ý tưởng đó. Có quá nhiều thách thức và vật cản - đường biên giới sẽ
nằm ở đâu, làm sao xử lý cả người định cư và người tị nạn, chuyện gì sẽ xảy ra
với Jerusalem - đến mức cả hai nước đều có vẻ không thể vạch ra một chính sách
cố kết mà tất cả mọi người đều ủng hộ ngay trong đường biên giới của họ, chứ đừng
nói một chính sách mà cả hai phía có thể nhất trí. Và bởi thế hiện giờ, rào cản
vẫn còn đó, trong một nỗ lực kiềm chế bạo lực vốn đã bùng nổ dữ dội và thường
xuyên kể từ khi Israel xuất hiện.
Nhà nước Israel hiện đại sinh ra trong
bạo lực, và cảm thấy họ buộc phải chiến đấu trong từng thập niên tồn tại của
mình. Nhưng trong khi Israel một thời từng được coi là tâm điểm của vạc dầu
sôi, giờ họ được nhiều người nhìn nhận là một ốc đảo tương đối bình yên trong một
vùng ngày càng hỗn loạn. Quan điểm này đã khiến cựu Thủ tướng Ehud Barak mô tả
đất nước ông bằng cụm từ có phần gây hấn, “một biệt thự giữa rừng hoang” - và
phần nào đó đã thúc đẩy việc xây dựng các rào chắn ngày càng gia tăng mạnh.
Và hiện giờ, nó tương đối ổn định - ít
ra là so với phần còn lại của Trung Đông. Trong những năm gần đây, khi thế giới
Ả Rập rung chuyển vì những cuộc cách mạng và xung đột, tâm điểm không phải là
Israel. Tuy nhiên, người Israel biết điều này sẽ thay đổi. Hezbollah, Hamas và
nhiều nhóm và tổ chức khác vẫn chưa xong việc với Israel. Tình hình thật mong
manh và việc xung đột tái phát là rất dễ dàng, như chúng ta đã thấy vào cuối
năm 2017, khi Tổng thống Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của
Israel, làm bùng lên bất ổn trong cả vùng. Hiện giờ, tất cả các bên đang xây dựng
cho tương lai. Những bức tường sẽ quản lý được bạo lực - ít ra là lúc này.
Chú thích.
[1] Khu
vực phố cổ rộng 0,9 km², có tường vây nằm trong thành phố Jerusalem hiện giờ.
(ND)
[2] Nguyên
văn: “intractable”. (ND)
[3] Nghệ
danh của một nghệ sĩ (hoặc một nhóm nghệ sĩ) ẩn danh người Anh với các tác phẩm
thị giác mang theo nhiều thông điệp chính trị. Sự nghiệp của Banksy được cho là
bắt đầu vào đầu những năm 1990. (ND)
[4] Naji
Salim Hussain al-Ali (1938-1987), họa sĩ chuyên thể loại biếm họa người
Palestine. Ông bị ám sát chết khi đang ở London. (ND)
[5] Ngôi
sao sáu cánh David là biểu tượng trên quốc kỳ Israel, Bức vẽ so sánh nhà nước
Israel với chế độ Đức Quốc xã, vốn dùng biểu tượng chữ thập ngoặc. (ND)
[6] Arthur
Balfour (1848-1930), Bộ trưởng Ngoại giao Anh 1916-1919, Thủ tướng Anh
1902-1905. Ông là người ký tên vào Tuyên bố Balfour 1917 về việc
sắp xếp một nhà nước cho người Do Thái ở vùng Trung Đông. (ND)
[7] Chiến
tranh Ả Rập-Israel diễn ra từ tháng Năm năm 1948 tới tháng Ba năm 1949, kết
thúc với chiến thắng cho quân đội Israel, việc thành lập nhà nước Israel, và một
đường biên giới tạm thời được gọi là biên giới Xanh. Ai Cập chiếm dải Gaza và
Jordan chiếm Bờ Tây. (ND)
[8] Tức
vào sâu trong lãnh thổ mà theo thỏa thuận là của Palestine. (ND)
[9] Một
tôn giáo độc thần lâu đời xuất hiện từ khoảng thế kỷ 11 ở vùng Lưỡi Liềm và Lưỡng
Hà. Hiện còn khoảng 800.000 tới một triệu tín đồ, chủ yếu ở Syria, Lebanon, và
Israel. (ND)
[10] Lễ
Vượt qua là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Do Thái, thường trong
khoảng tháng Ba hoặc tháng Tư. Việc thắp nến là một nghi thức trong ngày
Sabbath, ngày nghỉ của người Do Thái để cầu nguyện và thực hiện các nghi lễ tôn
giáo, từ tối thứ Sáu tới tối thứ Bảy hàng tuần. (ND)
[11] Loại
mũ chỏm hình đĩa mang tính tôn giáo điển hình của người Do Thái. (ND)
[12] Tiếng
Hebrew nghĩa là “hướng dẫn”, “dạy dỗ”, cũng được gọi là Ngũ thư, là
hàng loạt các kinh điển và bài giảng tôn giáo của Do Thái giáo. (ND)
[13] Bức
tường phía tây, tức Bức tường than khóc, một trong những địa điểm tôn giáo
thiêng liêng nhất của người Do Thái trong Thành Cổ Jerusalem. Ngôi đền thứ hai
là ngôi đền thiêng của người Do Thái xây trên Núi Đền ở Jerusalem trong thời kỳ
Ngôi đền thứ hai (516 trước Công nguyên). Bức tường phía tây là một phần của
ngôi đền này, bị quân La Mã phá hủy vào năm 702 nhằm trả đũa một vụ nổi loạn của
người Do Thái.
[14] Hội
đường Viên Đỉnh (Dome of the Rock), được hoàn tất vào năm 691 dưới thời Caliph
(Đại đế Hồi giáo) Abd al-Malik nhà Umayyad. Hội đường được xây chồng lên khu đất
trước kia là Ngôi đền thứ hai của người Do Thái. (ND)
[15] Một
tập hợp những văn bản cổ về luật lệ, quy tắc thần học, và truyền thống Do Thái
giáo, là nền tảng cơ bản cho tôn giáo này. (ND)
[16] Người
Bedouin, chủ yếu theo Hồi giáo, là những dân du mục Ả Rập trong lịch sử sống ở
vùng nay là Bắc Phi, bán đảo Ả Rập, Iraq và vùng Lưỡi Liềm. Hiện tại ước tính
có khoảng hơn 20 triệu người Bedouin, nhiều nhất là ở Sudan, Algeria, Iraq… Thống
kê năm 2012 cho thấy Israel có khoảng 250.000 người Bedouin. (ND)
[17] Mahmoud
Abbas (sinh năm 1935), là Tổng thống nhà nước Palestine và Chủ tịch PA từ năm
2005. Ông là một người Fatah. (ND)
[18] Một
mẫu Anh (acre) tương đương khoảng 0,4 ha.
[19] Yasser
Arafat (1929-2004), Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine từ 1969 tới 2004, rồi
Chủ tịch Chính quyền Dân tộc Palestine từ 1994 tới 2004. (ND)
[20] Cờ
cầu vồng khởi nguồn từng có 8 màu, biểu tượng cho người đồng tính. Nhưng về sau
thì phổ biến còn 6 màu, và đại diện chung cho cả cộng đồng LGBT. (ND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét