Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

CHIA RẼ: Giới thiệu


CHIA RẼ

Tác giả  Tim Marshall

Giới thiệu

Bức tường biên giới giữa Israel và Bờ Tây là một trong những nơi hung hãn và thù địch nhất trên thế giới. Nhìn ở khoảng cách gần, dù ta ở phía nào, bức tường dựng lên từ mặt đất, gây choáng ngợp và áp chế ta. Đối mặt với dải thép và bê tông trơ trụi đó, ta trở nên nhỏ bé không chỉ bởi kích thước, mà cả bởi những gì bức tường đó đại diện. “Ta” ở một phía, “địch” thì ở phía bên kia.

Ba mươi năm trước, một bức tường đã sụp đổ, đưa tới thời đại mới có vẻ như là thời của sự cởi mở và chủ nghĩa quốc tế. Năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan ghé thăm cổng chào Brandenburg ở Berlin lúc đó còn đang bị chia đôi và kêu gọi người đồng cấp với ông ở phía Liên bang Xô Viết, “Ngài Gorbachev - kéo sập bức tường này đi[1].” Hai năm sau, nó đã sập. Berlin, Đức, và rồi châu Âu lại được thống nhất lần nữa. Trong thời đại đầy phấn khích đó, một số học giả đã tiên đoán lịch sử đã kết thúc. Tuy nhiên, lịch sử đã không kết thúc.

Trong những năm gần đây, tiếng hô “Hãy kéo sập bức tường” đang thất thế trước “não trạng pháo đài”. Tiếng hô đó chật vật tìm người nghe, không thể cạnh tranh được với những cao điểm đáng sợ của nhập cư ồ ạt, phản ứng dữ dội trước toàn cầu hóa, sự nổi lên trở lại của chủ nghĩa dân tộc, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và vụ tấn công 11 tháng Chín và những gì diễn ra sau đó. Đó là những lằn ranh đứt gãy sẽ định hình thế giới chúng ta trong những năm sắp tới.

Chúng ta nghe nói rất nhiều về bức tường Israel, bức tường biên giới Hoa Kỳ-Mexico, và một số bức tường ở châu Âu, nhưng điều nhiều người không nhận ra là các bức tường đang được xây lên dọc biên giới ở khắp nơi. Hàng nghìn dặm tường và hàng rào mọc lên trên khắp thế giới trong thế kỷ 21. Ít nhất sáu mươi lăm nước, hơn một phần ba các nhà nước quốc gia [nation state] trên thế giới, đã xây lên những hàng rào dọc đường biên giới của họ, một nửa số bức tường xuất hiện sau Thế chiến II mới chỉ được xây từ năm 2000 tới giờ.

Riêng tại châu Âu, trong vài năm qua, những bức tường, hàng rào và rào chắn có thể đã được dựng lên nhiều hơn so với thời đỉnh điểm chiến tranh lạnh. Chúng bắt đầu bằng sự chia tách giữa Hy Lạp và Macedonia, Macedonia và Serbia, và Serbia với Hungary, và khi chúng ta ngày càng ít thấy sốc hơn với mỗi dãy hàng rào dây thép gai mới, những nước khác nối bước - Slovenia đã bắt đầu xây dựng ở biên giới với Croatia, Áo đã lập hàng rào với Slovenia, Thụy Điển lập lên các rào chắn để ngăn người nhập cư bất hợp pháp vượt sang từ Đan Mạch, trong khi Estonia, Latvia và Lithuania đều đã bắt đầu các công cụ phòng ngự ở biên giới của họ với Nga.

Nhưng chắc chắn không chỉ có mình châu Âu: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã xây dựng một hàng rào dọc theo biên giới với Oman, Kuwait làm tương tự với Iraq. Iraq và Iran duy trì sự chia cắt hữu hình, tương tự là Iran và Pakistan - tất cả 435 dặm (khoảng 700 kilômét) hàng rào. Ở Trung Á, Uzbekistan, bất chấp là một nước không có biển, đã đóng cửa với năm nước láng giềng, Afghanistan, Tajikistan, Kazakhstan, Turkmenistan và Kyrgyzstan. Biên giới với Tajikistan thậm chí còn được gài mìn. Và câu chuyện cứ thế tiếp tục, qua những rào chắn chia tách Brunei và Malaysia, Malaysia và Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ, Ấn Độ và Bangladesh, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, cứ như thế trên toàn thế giới.

Những bức tường này nói với chúng ta nhiều điều về nền chính trị quốc tế, nhưng sự lo lắng mà chúng đại diện vượt ra khỏi các biên giới nhà nước quốc gia nơi có chúng. Mục đích chính của những bức tường xuất hiện khắp châu Âu là để ngăn làn sóng người nhập cư - nhưng chúng cũng nói lên nhiều điều về sự chia rẽ và bất ổn sâu xa hơn trong chính cấu trúc của Liên minh châu Âu, và nội trong các nước thành viên của nó. Bức tường do Tổng thống Trump đề xuất dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico là nhằm ngăn cản dòng người nhập cư từ phía nam, nhưng nó cũng đụng tới nỗi sợ sâu xa hơn mà nhiều người ủng hộ bức tường đó cảm nhận được về sự thay đổi nhân khẩu học.

Sự chia rẽ định hình nền chính trị ở mọi cấp độ - cá nhân, địa phương, quốc gia và quốc tế. Mỗi câu chuyện đều có hai mặt, giống như mỗi bức tường vậy. Điều tối quan trọng là ý thức được điều gì đã chia rẽ chúng ta, và điều gì tiếp tục chia rẽ chúng ta, để hiểu được những gì đang diễn ra trong thế giới ngày nay.

* * *

Hãy hình dung phần khởi đầu kiệt tác khoa học giả tưởng năm 1968 của Stanley Kubrick[2] 2001: A Space Odyssey [tạm dịch: Hành trình không gian], trong trường đoạn mang tựa đề “Bình minh của loài người”. Ở thảo nguyên châu Phi thời tiền sử, một bộ lạc nhỏ những sinh vật người nguyên thủy/người vượn đang cùng nhau uống nước bình yên ở một vùng nước thì một bộ lạc khác xuất hiện. Những cá nhân đó rất vui lòng chia sẻ giữa những thành viên trong nhóm mình - nhưng không phải với bộ lạc “khác” mới đến. Một cuộc thi gào rú diễn ra sau đó, và nhóm mới đã chiếm được vũng nước, buộc những kẻ cũ phải rút lui. Ở đây, nếu những kẻ mới tới đủ sáng tạo để làm ra gạch và trộn được xi măng, họ có thể sẽ xây một bức tường bảo vệ tài sản của họ. Nhưng bởi chuyện này diễn ra vài triệu năm trước, họ phải đấu tranh một lần nữa khi vài ngày sau bộ lạc đầu tiên quay trở lại, sẵn sàng tham chiến, để giành lại lãnh thổ của mình.

Chúng ta luôn thích không gian của riêng mình. Việc nhóm lại thành những bộ lạc, cảm giác bất an trước những kẻ bên ngoài và sự phản ứng với những mối đe dọa nhận thức được đều là những việc đậm chất con người. Chúng ta hình thành những mối quan hệ không chỉ quan trọng cho sự sinh tồn, mà còn cho cả sự cố kết xã hội nữa. Chúng ta phát triển một bản sắc nhóm, và điều này thường dẫn tới xung đột với những nhóm khác. Các nhóm tranh giành nhau nguồn lực, nhưng cũng có yếu tố xung đột về bản sắc - một tường thuật về “chúng ta và chúng nó”.

Trong lịch sử loài người thời kỳ đầu, chúng ta là những người săn bắt-hái lượm: chúng ta chưa định cư, hay chưa có được các nguồn lực cố định lâu dài mà những kẻ khác có thể thèm muốn. Rồi, ở vùng mà ngày nay chúng ta gọi là Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông, loài người bắt đầu làm nông nghiệp. Thay vì lang thang khắp nơi để tìm cái ăn, hay chăn bầy gia súc, họ cày cấy trên những cánh đồng và đợi mùa thu hoạch. Bỗng nhiên (trong bối cảnh tiến hóa) ngày càng nhiều người chúng ta cần xây lên những rào chắn những bức tường và mái nhà để chúng ta và bây gia súc của chúng ta trú ngụ, những hàng rào để đánh dấu lãnh thổ của chúng ta, những pháo đài để rút lui vào nếu lãnh thổ của chúng ta bị tấn công, và những chòi canh để bảo vệ hệ thống mới này. Những bức tường đó có công năng và thường là có hiệu quả.

Thời đại của những bức tường đã đến với chúng ta và những pháo đài to lớn đã túm chặt lấy trí tưởng tượng của chúng ta kể từ đó. Chúng ta vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện về các bức tường của Troy, Jericho, Babylon, Vạn Lý Trường Thành, Đại Zimbabwe, trường thành Hadrian, bức tường Inca ở Peru, Constantinople và nhiều bức tường khác nữa. Chúng cứ nối dài mãi, theo thời gian, khu vực và văn hóa, cho tới thời hiện đại - nhưng giờ chúng có thêm lưới điện, có đèn pha quét ở trên cao và máy quay an ninh.

Tuy nhiên, những sự chia rẽ vật lý này được phản chiếu qua sự chia rẽ trong tâm trí - những ý tưởng lớn đã dẫn dắt nền văn minh của chúng ta và trao cho chúng ta bản sắc và một cảm nhận thuộc về nơi nào đó - chẳng hạn như cuộc đại ly giáo của Kitô giáo, sự chia tách Islam [Hồi giáo] thành Sunni và Shia, và gần đây hơn trong lịch sử là những trận chiến giữa chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và dân chủ.

Tựa đề cuốn sách năm 2005 của Thomas Friedman The World is Flat[3] dựa trên niềm tin rằng toàn cầu hóa tất sẽ đưa chúng ta lại gần nhau hơn. Toàn cầu hóa đã gia tăng thương mại quốc tế: ta có thể nhấp chuột và có người ở Thượng Hải sẽ đặt một món đồ vào trong một chiếc hộp và gửi nó cho ta - nhưng đó không nhất thiết là sự thống nhất. Toàn cầu hóa cũng truyền cảm hứng để chúng ta xây lên những rào chắn, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi chúng ta không còn tiền nữa. Khi đối mặt những mối đe dọa tăng thêm theo cảm nhận chủ quan - chủ nghĩa khủng bố, xung đột bạo lực, người tị nạn và nhập cư, khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo - người ta lại càng bám chặt vào nhóm của mình.

Thời đại mới của sự chia rẽ mà chúng ta đang sống được phản ánh và làm trầm trọng hơn bởi những tiến bộ của thế giới số. Người đồng sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, tin rằng mạng xã hội sẽ thống nhất chúng ta. Sau đó ông thừa nhận rằng ông đã lầm. Trong một số khía cạnh, mạng xã hội đã mang chúng ta lại gần nhau hơn, nhưng nó đồng thời trao tiếng nói và khả năng tổ chức cho những bộ lạc mới trên mạng, một số bỏ thời gian để buông lời công kích và gây chia rẽ khắp thế giới mạng. Có vẻ như chưa bao giờ có nhiều bộ lạc như thế, và nhiều xung đột giữa họ như thế. Câu hỏi chúng ta đối mặt ngày nay là: Các bộ lạc thời hiện đại có hình dạng thế nào? Liệu chúng ta định nghĩa chính mình theo giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, hay quốc tịch chăng? Và liệu những bộ lạc đó có thể cùng tồn tại?

Tất cả đều quy về ý niệm “chúng ta và chúng nó” cùng những bức tường mà chúng ta dựng lên trong tâm trí mình. Đôi khi “kẻ khác” có một ngôn ngữ hay màu da khác; một tôn giáo khác hay một hệ thống niềm tin khác. Một ví dụ xảy ra gần đây khi tôi ở London với một nhóm ba mươi nhà báo trẻ hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới mà tôi nhận đào tạo. Tôi nhắc tới cuộc chiến tranh Iran-Iraq, trong đó có tới một triệu người đã chết, và tôi sử dụng cụm từ có thể là vụng về: “người Hồi giáo giết người Hồi giáo”. Một nhà báo Ai Cập trẻ tuổi đã nhảy ra khỏi ghế và hét lên rằng anh ấy không cho phép tôi nói thế. Tôi chỉ ra số liệu thống kê từ cuộc chiến kinh hoàng đó và anh ấy đáp, “Phải, nhưng người Iran không phải người Hồi giáo.”

Bỗng nhiên tôi ngộ ra, và trái tim tôi chùng xuống. Đa số người Iran là người Shia, nên tôi hỏi anh ấy, “Anh đang nói rằng người Shia không phải người Hồi giáo?”

“Phải,” anh ta đáp. “Shia không phải là người Hồi giáo.”

Những sự chia rẽ như thế không vì cạnh tranh nguồn lực, mà vì lời tuyên bố rằng những gì ta nghĩ chính là chân lý duy nhất, và những ai có quan điểm khác biệt là những kẻ thấp kém hơn. Với sự chắc chắn về tính ưu việt của bản thân như thế, những bức tường nhanh chóng mọc lên. Nếu ta đưa thêm vào sự cạnh tranh nguồn lực nữa, chúng còn mọc lên cao hơn. Có vẻ như đó chính là hiện trạng của chúng ta.

Thế giới theo nhiều nghĩa đang tốt đẹp hơn bao giờ hết. Trong những thập niên gần đây, hàng trăm triệu người đã thoát khỏi nghèo đói cùng cực; tỷ lệ mắc bệnh sốt rét đang giảm; bệnh bại liệt gần như đã được thanh toán; tỷ lệ tử vong trẻ em giảm xuống. Bạn muốn sống ở thế kỷ 16 hay thế kỷ 21? Bất chấp quyền lực và của cải của bà, Nữ hoàng Elizabeth I[4] phải chịu đựng những cơn đau răng khổ sở hơn rất nhiều so với hầu hết những người dân thường sống ở phương Tây ngày nay. Nhưng chúng ta đang gây ra nhiều mối nguy cho sự tiến bộ đó. Thời đại hậu Thế chiến II rốt cuộc dẫn tới sự sụp đổ của bức tường Berlin đã nhường chỗ cho một giai đoạn mới, trong đó lập trường trung dung ngày càng chịu nhiều áp lực, trong khi những tiếng loa lớn tiếng kêu gọi cực đoan ngày càng mạnh hơn. Không hẳn là chúng ta đang tụt hậu, nhưng chúng ta cần hiểu, công nhận - và đôi khi thậm chí là chấp nhận - sự chia rẽ vẫn đang tồn tại nếu chúng ta muốn dựng xây sự thống nhất.

Vì mục đích của cuốn sách này, tôi sử dụng từ bức tường thay cho những rào chắn, vách ngăn và các kiểu chia rẽ khác nhau. Chúng ta quả có nhìn thấy các bức tường vật chất ở mỗi chương, hầu hết chúng bằng gạch và vữa, hay bê tông và dây thép gai, nhưng những bức tường đó là phần “cái gì” của sự chia rẽ, không phải là phần “tại sao” - và chúng chỉ mới là phần mở đầu câu chuyện.

Tôi không thể viết về mọi vùng miền bị chia rẽ. Thay vì thế, tôi tập trung vào những khu vực minh họa tốt nhất cho thách thức với bản sắc trong một thế giới đã toàn cầu hóa: những tác động của nhập cư (Hoa Kỳ, châu Âu, tiểu lục địa Ấn Độ); chủ nghĩa dân tộc như một thế lực vừa thống nhất vừa chia rẽ (Trung Quốc, Anh, châu Phi); và những sự giao cắt về tôn giáo và chính trị (Israel, Trung Đông).

Ở Trung Quốc, chúng ta chứng kiến một nhà nước quốc gia mạnh mẽ với nhiều chia rẽ bên trong biên giới của đất nước đó - chẳng hạn như bất ổn ở địa phương và chênh lệch giàu nghèo - những chia rẽ tạo ra nguy cơ cho sự thống nhất quốc gia, đe dọa sự phát triển kinh tế và quyền lực; do đó chính quyền phải thực thi sự kiểm soát với người dân Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng chia rẽ, vì những lý do khác: thời đại của Trump đã làm các quan hệ chủng tộc thêm gay gắt ở Xứ Tự do, nhưng đồng thời bộc lộ sự chia rẽ chưa từng thấy giữa phe Cộng hòa và Dân chủ, những người đang kình chống nhau quyết liệt hơn bao giờ hết.

Sự chia rẽ giữa Israel và Palestine đã lâu đời, nhưng với quá nhiều sự chia rẽ nhỏ hơn trong dân chúng ở mỗi bên, việc nhất trí được một giải pháp gần như là bất khả. Chia rẽ tôn giáo và sắc tộc cũng làm bùng lên bạo lực khắp vùng Trung Đông, thể hiện rõ cuộc tranh đấu then chốt giữa những người Hồi giáo Shia và Sunni - mỗi sự kiện là kết quả của những thành tố phức tạp, nhưng phần lớn sự chia rẽ tới từ tôn giáo, đặc biệt là từ mối kình địch trong vùng giữa Saudi Arabia và Iran. Ở tiểu lục địa Ấn Độ, những sự dịch chuyển của dân cư, hiện nay và trong những năm sắp tới, cho thấy cảnh ngộ của những người chạy trốn sự truy bức tôn giáo cũng như của rất nhiều người tị nạn kinh tế và khí hậu.

Ở châu Phi, các đường biên giới do chủ nghĩa thực dân bỏ lại đang tỏ ra khó tương thích với những bản sắc bộ lạc vẫn còn đậm nét. Khắp châu Âu, chính ý tưởng về một khối Liên Âu đang bị đe dọa khi các bức tường mọc lên trở lại, cho thấy những khác biệt từ thời Chiến tranh Lạnh chưa được giải quyết hoàn toàn, và cho thấy chủ nghĩa dân tộc chưa bao giờ thật sự biến mất ở thời đại của chủ nghĩa quốc tế. Và khi Anh rời EU, Brexit bộc lộ sự chia rẽ khắp vương quốc - những bản sắc khu vực lâu đời, cũng như những căng thẳng xã hội và tôn giáo gần đây hơn, vốn đã định hình trong thời đại toàn cầu hóa.

Trong một thời kỳ của sợ hãi và bất ổn, mọi người sẽ tiếp tục tụ lại với nhau, để bảo vệ bản thân họ khỏi những mối đe dọa mà họ nhận thức được. Những mối đe dọa này không chỉ tới từ những đường biên giới. Chúng cũng có thể đến từ bên trong - như Trung Quốc biết rất rõ…

Chú thích.

[1] Ý chỉ cuốn sách in năm 1992 của học giả chính trị quốc tế Francis Fukuyama, The End of History and the Last Man (tạm dịch: Kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng), trong đó đại ý lập luận rằng nền dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản kiểu phương tây là hình thái kinh tế-xã hội cuối cùng của loài người, sau khi khối cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. (ND)

[2] Stanley Kubrick (1928-1999), đạo diễn điện ảnh người Mỹ. (ND)

[3] Tựa tiếng Việt: “Thế giới phẳng”. (ND)

[4] Elizabeth I (1533-1603), Nữ hoàng Anh từ 1558 tới khi qua đời. Bà là vị quân chủ cuối cùng của nhà Tudor. (ND)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét