Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Tại Sao Chúng Ta Đang Sống Trong Thời Đại Của Những Bức Tường

 

Chia Rẽ - Tại Sao Chúng Ta Đang Sống Trong Thời Đại Của Những Bức Tường

by  Tim Marshall,

Trần Trọng Hải Minh (Translator)

Nguyet Minh's review

Mar 06, 2022

Sau “Những tù nhân của địa lý”, một lần nữa ta gặp lại Tim Marshall trong “Chia rẽ”. Vẫn là vấn đề chính trị và địa chính trị nhưng trong cuốn sách này, then chốt cho những con bài chính trị lẫn xã hội nằm ở những đường biên giới trải dài từ vài đến hàng ngàn dặm khắp mọi lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó là những bức tường hữu hình lẫn vô hình được dựng lên khắp nơi bởi các đế quốc hay những quốc gia lớn - nơi mà hàng năm trong suốt nhiều thế kỷ, phải đón nhận làn sóng nhập cư bất hợp pháp từ các nước liền kề.


Tim Marshall nhấn mạnh vào việc “chia rẽ” khi mỗi năm, số lượng các bức tường mới được dựng lên ngày càng nhiều, ngăn cản lẫn làm chậm việc di dân bởi nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan từ hai bên biên giới. Tuỳ tình hình địa lý và chính trị mà những bức tường đó mang những hình thái khác nhau. Khi thế giới xem “Vạn lý hỏa thành” của Trung Quốc là bức tường lửa “ngăn cách Trung Quốc về kỹ thuật số với thế giới bên ngoài “ thì Trung Quốc lại xem đó là tấm khiên “để bảo vệ dân Trung Quốc khỏi những ý tưởng nguy hại như dân chủ, tự do ngôn luận và văn hoá đồi trụy”. Vì thế mà sự chia rẽ trong dân chúng ngày càng sâu sắc hơn, chưa kể đến việc những vùng tự trị bị can thiệp và kiểm soát, đúng như nhận định “thúc đẩy sự thống nhất thông qua chia rẽ”.


Có vẻ như Tim Marshall luôn viết về những vấn đề của nước Mỹ bằng văn phong nhuần nhuyễn và phong cách thoải mái nhất. Vấn nạn nhập cư bất hợp pháp luôn là bài toán nan giải qua nhiều đời tổng thống. Quá nhiều cuộc thảo luận, quá nhiều phí tổn cho những bức tường đã được dựng lên trong thực tế nhưng dường như các nhà cầm quyền không thể ngăn chặn được quyết tâm di dân của người từ Mexico sang. Sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ ngày càng lan rộng, người Hispanic (gốc Tây Ban Nha) chiếm ưu thế, người da đen vẫn bị phân biệt đối xử trong đời sống lẫn công việc, thông tin và mạng xã hội không được kiểm soát làm cho tự do dân chủ trở thành con dao hai lưỡi. Tất cả những điều đó gây chia rẽ nghiêm trọng. Dù có uyển chuyển lẫn cứng rắn, có trợ giúp nhân đạo lẫn đàn áp, nhưng cũng không thể giải quyết một cách rốt ráo và thỏa đáng.


Chính trị và địa chính trị bên bờ Tây dải Gaza vẫn là vấn đề muôn thuở. Israel dù là một quốc gia nhỏ bé, ít dân nhưng lại xuất thân từ quá nhiều sắc tộc. Dải Gaza đâu chỉ là bức tường bên ngoài chia rẽ họ với Palestine, có một bức tường bên trong chia rẽ họ bởi nền chính trị, từ Đảng cánh tả, hữu, Đảng Ả Rập và các Đảng tôn giáo. Từ đó Tim Marshall cho rằng “Sự chia rẽ này không bao giờ khép lại trừ khi có sự bình đẳng ở Israel và giải pháp hai nhà nước công bằng với người Palestine”.


Ta bắt gặp những bức tường cát sa mạc giữa các nước trong khối Ả Rập với khái niệm “chủ nghĩa dân tộc giả mạo”, bức tường núi của Ấn Độ, bức tường kẽm gai, bức tường trang bị công nghệ tối tân dọc các biên giới. Tiểu lục địa Ấn Độ cũng đã và luôn trở thành mái nhà tạm trú của vô số sắc tộc nhưng đó cũng chính là nơi mà đẳng cấp xã hội là thước đo cứng ngắc và gây bất bình đẳng nhất. Còn Bangladesh - một quốc gia quá khiêm tốn về diện tích và có địa hình ngang bằng mặt nước biển dường như cũng quá tải về dân số lẫn dân nhập cư từ biên giới Myanmar hay Pakistan. Từng là Đông Pakistan một thời, Bangladesh phải gánh vác tôn giáo cho một nhóm nhỏ dân tộc khác bên kia biên giới, không có khoản hỗ trợ, thay đổi khí hậu là một thách thức khổng lồ trong tương lai gần.


Châu Phi một thời đã từng lừng lẫy bao nhiêu thì nay thụt lùi và kiệt quệ bấy nhiêu. Những hình thức “bộ lạc” vẫn là cách vận hành xã hội ở khá nhiều nước thuộc châu lục này. Người Bồ Đào Nha xưa hay người Anh khi xâm chiếm Phi Châu, họ đã để lại những gì ngoài tôn giáo ngoại lai. Châu Phi vẫn chưa thể tự lực, đói nghèo, sinh đẻ không kế hoạch, khoảng cách giàu nghèo quá cách biệt lẫn thất học chính là những chia rẽ dài hạn khó có thể nối lại sau rất nhiều năm nữa.


Các nước Châu Âu nói chung, nước Anh nói riêng có nhân đạo không khi đón nhận làn sóng nhập cư từ vô số nước, trong đó có cả Việt Nam từ thập niên 70, người da đen thuộc địa và cả cộng đồng người Hồi Giáo. Bức tường Berlin giữa hai bờ Đông Tây nước Đức trước đây chẳng là gì so với những bức tường của thời điểm hiện tại. Những định kiến về tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc và phân biệt chủng tộc gây nên những rạn nứt, những bạo động và thậm chí là khủng bố. Đó chẳng phải là sự chia rẽ điển hình của thế giới hiện đại hay sao?


Tóm lại, lịch sử dân tộc, vấn đề nhân chủng và tôn giáo luôn là những nguyên nhân chính gây lên xung đột và chia rẽ. Quá khứ và hiện tại luôn bị va đập nhau ở những bức tường vừa hữu hình lẫn vô hình. Nhiệm vụ của các nhà cầm quyền là ở mức độ quy mô. Ngạo mạn và hung hăng thì gây hại và tổn thất, nhân đạo thì dẫn đến lấn lướt và mất kiểm soát. Chỉ khi nào con người có thể bình đẳng về sắc tộc, tôn giáo, đẳng cấp và giai cấp, chỉ khi nào tiếng nói chính trị được đồng nhất, có lẽ khi đó sẽ không còn sự hiện diện của những bức tường.


Khó có thể gói gọn những chủ đề luôn là dầu sôi lửa bỏng của thế giới qua nhiều thế kỷ cho đến hiện tại trong vài trăm trang sách. Nhưng với Tim Marshall, vấn đề địa chính trị với nhà báo kỳ cựu ấy giống như được ăn, được thở mỗi ngày. Ông hài hước, thẳng thắn, không ngại chỉ trích về đường lối chính trị. Những trải nghiệm thực tế cùng kho tư liệu thông tin về các vấn đề toàn cầu khổng lồ ấy đã giúp ông đúc kết thành những quyển sách tưởng chừng khô khan mà cuốn hút. Chúng giúp người đọc tiếp cận được những khái niệm căn bản và phổ quát về tình hình thế giới thông qua địa chính trị, qua đó có cái nhìn đúng đắn cởi mở hơn trong vấn đề thời sự. Dù có những chủ kiến và hạn chế trong thông tin, dù giữ thái độ trung lập khi viết sách tốt đến đâu thì việc tranh cãi là điều không thể tránh khỏi. Nhưng Tim Marshall đã làm cực tốt trong góc nhìn của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét