Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 129 HÓA THỰC LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

QUYỂN 129 

HÓA THỰC LIỆT TRUYỆN

Sách Lão tử viết: “Tột đỉnh của nền thịnh trị, các nước lân cận trông thấy nhau, nghe thấy tiếng gà chó của nhau, dân mỗi nước đều cho thức ăn của mình là ngon, cho y phục của mình là đẹp, an lòng với phong tục của mình, vui vẻ với nghề nghiệp của mình, đến phi già chết cũng không qua lại với nhau.” Nếu nhất định theo cách đó, trừ phi bịt tai che mắt người đời gần đây, không thì cơ hồ không thi hành được.

Thái sử công bàn rằngPhàm đời Thần Nông về trước, tôi không được biết. Đến như ghi chép trong Thi, Thư về thời Ngu, Hạ trở đi, tai mắt muốn hưởng hết cái đẹp về thanh sắc, miệng muốn hưởng hết vị thịt của các loài, thân thể an vui dật lạc, còn trong lòng hãnh diện với vinh hoa của quyền thế, tài năng. Phong khí ấy ngấm vào phong tục của dân từ lâu, dẫu đem lời lẽ vi diệu đi gõ cửa từng nhà thuyết phục, rốt cuộc cũng không thể khiến họ thay đổi. Cho nên tốt nhất là nương theo ý dân, thứ đến là dùng lợi dẫn dắt, kế đến là dạy bảo họ, rồi đến chỉnh đốn họ, kém nhất là tranh giành với họ.

Xét lẽ, Sơn Tây nhiều gỗ, trúc, cốc [để làm giấy], cây gai, đuôi trâu [trang điểm trên cờ], ngọc thạch; Sơn Đông nhiều cá, muối, sơn, tơ, âm nhạc và mỹ nữ; Giang Nam sản sinh cây trầm, gỗ tử, gừng, quế, vàng, thiếc, chì, đan sa, tê, đồi mồi, trân châu, ngà voi da thú; Long Môn, Kiệt Thạch về phía bắc nhiều ngựa, trâu[1], dê, lông và da thú để làm áo cừu, gân, sừng; trong khoảng ngàn dặm núi có đồng, sắt, đâu đâu cũng có, như bày bàn cờ vậy. Những thứ ấy, dân trong nước đều yêu thích, trong phong tục dân gian dùng làm y phục, ăn uống, nuôi dưỡng người sống, tống tiền người chết vậy. Nên phải dựa vào nông phu để có cái ăn, dựa vào quan coi việc núi chằm để có các sản vật, dựa vào thợ để chế tác thành đồ dùng, dựa vào thương nhân để lưu thông sản vật. Như thế, đâu cần chỉnh lệnh, giáo hóa để trưng dụng người làm? Chỉ cần mỗi người phát huy khả năng, dốc hết sức mình, để có thứ mình muốn. Cho nên sản vật giá thấp sẽ được bán ở chỗ giá cao, sản vật giá cao sẽ được đổi chác ở chỗ giá thấp, mỗi người ra sức làm nghề của mình, vui với việc mình làm, như nước chảy chỗ trũng, ngày đêm không ngừng nghỉ, không gọi mà tự đến, không cầu mà dân làm ra. Há không phù hợp với đạo, thuận ứng tự nhiên ư?

Sách Chu thư[2] chép: “Nhà nông không sản xuất thì thiếu ăn, thợ thuyền không làm thì thiếu vật dụng, lái buồn không bán thì ba quý phẩm không được lưu thông, quan coi việc núi chằm không làm thì của cải khan thiếu.” Của cải khan thiếu nhưng núi đầm không thể mở mang khai thác. Bốn hạng đó là nguồn cung cái ăn mặc cho dân vậy. Nguồn lớn thì sung túc, nguồn nhỏ thì khan hiếm. Trên có thể làm giàu cho nước, dưới có thể làm giàu cho nhà. Con đường của nghèo khó hay sang giàu, không phải ở cướp đoạt hay ban tặng, mà là ai khéo thì có thừa, ai vụng thì thiếu thốn. Cho nên Thái công Vọng được phong ở Doanh Khưu, đất nhiễm mặn, dân chúng ít, thế là Thái công khuyến khích nữ công, khiến tay nghề cực khéo léo, lưu thông cá và muối, thế rồi người và của đều theo về, như lấy dây nối các xe vào nhau để kéo đến. Cho nên mũ, đai, quần áo, giày dép nước Tề bán khắp thiên hạ, vùng biển Đông Hải và núi Thái Sơn, người ta đều chỉnh trang y phục đến triều bái nước Tề. Sau đó, nước Tề nửa chừng suy yếu, Quản tử tu chỉnh, lập quan Cửu phủ định độ nặng nhẹ[3], Hoàn công nhờ đó xưng bá, chín lần tụ hội chư hầu, một phen khuông phò thiên hạ; còn họ Quản cũng có đài Tam Quy, địa vị là bồi thần[4] nhưng giàu ngang vua chư hầu. Vì thế Tề giàu mạnh hơn cả vào thời Uy vương và Tuyên vương.

Cho nên nói: “Kho đụn đầy thì biết lễ tiết, ăn mặc đủ thì biết vinh nhục.” [5] Lễ nghĩa sinh ra ở giàu sang, mà dẹp bỏ ở nghèo khó. Cho nên quân tử giàu có, thích thi hành đức của mình; tiểu nhân giàu có, ra sức cố gắng. Vực sâu thì cá sinh sôi, núi thẳm thì thú đến ở, người giàu thì nhân nghĩa theo về. Người giàu được thế lại càng rạng rỡ, thất thế thì tân khách không đến nữa, nhân đó không vui. Vùng di địch lại càng như thế. Ngạn ngữ nói: “Đứa con của nhà nghìn vàng, không bị xử tử ngoài chợ.” Đó không phải lời suông vậy. Cho nên nói: “Thiên hạ hăm hở, đều vì lợi mà đến; thiên hạ nháo nhào, đều vì lợi mà qua.” Xét lẽ, ông vua nước có nghìn cỗ xe, liệt hầu được phong vạn hộ, quân tử được phong trăm nhà, còn lo nghèo khó, huống chi hạng dân thường trong sổ hộ tịch!

Xưa, Việt vương Câu Tiễn bị vây khốn trên núi Cối Kê, bèn dùng Phạm Lãi, Kế Nhiên. Kế Nhiên nói: “Biết có chiến tranh thì phải lo chuẩn bị từ trước, muốn dùng theo thời thì phải biết rõ các vật dụng, biết hai điều này thì tình hình của muôn hàng hóa vật dụng có thể nắm được. Cho nên sao Thái tuế ở vị trí hành kim thì được mùa; vào hành thủy thì lụt lội; ở hành mộc thì đói kém; hành hỏa thì hạn hán. Hạn hán thì trữ sẵn thuyền, nước lụt thì trữ sẵn xe, là lý của sự vật vậy. Sáu năm lại được mùa, sáu năm lại khô hạn, mười hai năm một lần nạn đói lớn. Phàm lương thực bán một đấu hai mươi tiền thì tổn hại cho nhà nông, chín mươi tiền thì tổn hại cho thương nhân. Thương nhân bị tổn thất thì của cải không lưu thông, nhà nông bị tổn thất thì cỏ dại không được khai phá[6]. Mỗi đấu cao không quá tám mươi tiền, thấp không đến ba mươi tiền, nhà nông và thương nhân đều được lợi. Bình ổn giá các vật phẩm, sẽ khiến sản vật qua cửa quan vào chợ không thiếu, đó là đạo trị nước vậy. Đạo lý của sự tích trữ, chuộng trữ đủ sản vật, không để tiền ứ đọng. Dùng sản vật để trao đổi, sản phẩm dễ mục nát thì phải ăn, không để lưu lâu, không dám tích trữ để chờ giá cao. Bàn về những thứ có thừa, hay không đủ, phải biết giá cao hay thấp. Giá lên cực cao thì sẽ chuyển giá thấp, giá đã cực thấp thì sẽ lên cao. Lúc giá cao thì bán như bùn đất, lúc giá rẻ lại mua như châu ngọc. Của cải và tiền bạc phải lưu hành như nước chảy vậy.” Trị lý mười năm, nước giàu, thưởng hậu hĩnh cho binh sĩ, binh sĩ xông pha tên đạn, như khát được uống, rốt cuộc báo thù được nước Ngô hùng mạnh, giương quân uy tại Trung nguyên, được xưng tụng hàng “ngũ bá”.

Phạm Lãi rửa được phục ở Cối Kê, bèn ngậm ngùi than rằng: “Kế Nhiên có bảy kế sách, nước Việt dùng năm mà đắc ý. Đã dùng để trị quốc, ta muốn dùng để trị nhà.” Bèn cưỡi thuyền lênh đênh nơi sông hồ, thay tên đổi họ, đến Tề đổi thành Si Di Tử Bì, đến đất Đào đổi thành Chu Công. Chu Công cho đất Đào là trung tâm thiên hạ, bốn phía thông sang chư hầu, là chỗ trao đổi hàng hóa. Bèn lo tạo dựng sản nghiệp, tích trữ của cải, đợi thời kiếm lợi mà không mong cầu ở người khác. Cho nên người giỏi tạo dựng sản nghiệp, sẽ giỏi chọn người, nắm bắt thời cơ. Trong vòng mười chín năm, ba lần kiếm lợi nghìn vàng, hai lần phân phát cho những người nghèo, bạn bè, anh em họ xa. Đó là người giàu mà thích thi hành ân đức của mình vậy. Về sau, tuổi đã già, bèn giao cho con cháu, con cháu gây dựng sản nghiệp khiến sinh lời thêm, dần đến ức vạn. Cho nên nói, người giàu đều xưng tụng Đào Chu công.

Tử Cống sau khi theo học Trọng Ni, về làm quan ở nước Vệ, buôn bán sản vật ở vùng đất Tào đất Lỗ, trong số bảy mươi học trò của Khổng tử, Tứ[7] là người giàu nhất. Nguyên Hiến[8] tấm mẳn cũng không đủ no, ẩn cư trong ngõ sâu. Tử Cống đóng xe tứ mã, mang theo nhiều bó lụa trắng để tặng chư hầu, đến đâu, vua nước ấy không vị nào không xuống sân hành lễ xem như ngang hàng. Xét, người khiến danh tiếng Khổng tử truyền khắp thiên hạ, chính là nhờ Tử Cống vậy. Đó gọi là được thế mà càng rạng rỡ đấy chăng?

Bạch Khuê là người đất Chu, thời Ngụy Văn hầu, Lý Khắc muốn khai thác hết nguồn lợi từ đất, còn Bạch Khuê lại thích xem thời thế đổi dời, cho nên người khác vứt thì mình lấy, người khác lấy thì mình cho. Năm được mùa thì mua thóc gạo, bán tơ và sơn; mùa tằm thì mua lụa, sợi, lại bán lương thực. Sao Thái âm ở vị trí của Mão, được mùa; sang năm thất bát. Đến vị trí của Ngọ, hạn hán, năm sau sẽ tốt. Đến vị trí của Dậu, được mùa; sang năm lại thất bát. Đến vị trí của Tý, hạn hán lớn; năm sau lại tốt, có nước. Đến vị trí của Mão, số lượng tích trữ mỗi năm tăng gấp đôi. Muốn tiền tăng thêm, thu mua thóc rẻ; muốn lương thực trong tay nhiều, hãy mua loại lương thực tốt nhất. Biết ăn uống tằn tiện, nhịn những thức ngon, ăn vận tiết kiệm, đồng cam cộng khổ với tôi tớ nô bộc, gặp lúc kiếm tiền thì như mãnh thú vồ mồi. Cho nên nói: “Tôi lo tạo sản nghiệp, như mưu tính của Y Doãn, Lã Thượng, cách dùng binh của Tôn tử, Ngô Khởi, việc thi hành pháp luật của Thương Ưởng vậy. Cho nên người nào trí không đủ để quyền biến, dũng không đủ để quyết đoán, đức nhân không đủ để mua bán, sức mạnh không đủ để giữ vững, dẫu muốn học thuật của tôi, rốt cuộc cũng không bảo cho đâu.” Đại để thiên hạ nói về buôn bán, đều noi theo Bạch Khuê. Bạch Khuê biết cách làm thử, biết thử lại có sở trường, không phải tùy tiện được đâu.

Y Đốn dấy lên từ ruộng muối[9], còn Quách Tùng ở Hàm Đan nhờ luyện sắt mà gây dựng nên sản nghiệp, giàu có ngang bậc vương giả.

Khỏa, người huyện Ô Chi làm nghề chăn nuôi, khi gia súc nhiều, bán bớt mua lụa quý và hàng hóa, ngầm hiến tặng Nhung vương. Nhung vương tặng lại gấp mười, tặng cho gia súc, nhiều đến mức phải dùng hang núi để ước lượng số ngựa, trâu. Tần Thủy hoàng đế cho Khỏa được ngang hàng các bậc được phong tặng[10], chiếu theo thời gian, được vào triều kiến như bề tôi khác. Còn góa phụ ở đất Ba tên là Thanh, tiên tổ có mỏ đan sa, được hưởng lợi riêng mấy đời, gia sản nhiều không kể xiết. Thanh là góa phụ, giỏi giữ gìn gia nghiệp, dùng của cải để tự bảo vệ, không bị kẻ khác xâm phạm. Tần Thủy hoàng cho là người vợ trinh liệt nên coi như tân khách, xây cho đài Nữ Hoài Thanh. Xét Khỏa là người đứng đầu đám quê mùa làm nghề chăn thả, Thanh là góa phụ ở miền quê xa xôi, lại được đối đãi ngang hàng vua nước vạn cỗ xe, danh tiếng lẫy lừng thiên hạ, há không phải là nhờ giàu có ư?

Nhà Hán hưng khởi, bốn bể thống nhất, mở cửa quan, làm cầu, bãi bỏ lệnh cấm các nơi núi chằm, nhân đó các nhà buôn lớn, giàu có đi khắp thiên hạ, sản vật được trao đổi, không chỗ nào không thông, đúng như mong muốn của họ, lại chuyển hào kiệt, chư hầu, các họ giàu mạnh về kinh sư.

Đất Quan Trung từ huyện Khiên, huyện Ung về phía đông đến Hoàng Hà, Hoa Sơn, cánh đồng phì nhiêu ngàn dặm, từ thời Ngu, Hạ thu thuế cống[11], cho đây là ruộng hạng nhất, còn Công Lưu chuyển đến đất Bân[12], Chu Thái vương, Vương Quý ở đất Kỳ, Văn vương kiến lập đất Phong, Vũ vương cai trị đất Cảo, nên dân ở đó vẫn còn di phong của thời tiên vương, thích cấy lúa, trồng ngũ cốc, coi trọng đất đai, không làm việc tà vạy. Đến thời Tần Văn Công, Đức công, Mục Công cư trú ở ấp Ung, trên con đường trọng yếu trao đổi hàng hóa vùng đất Lũng đất Thục, có nhiều nhà buôn. Hiến công chuyển đến Dược Ấp, phía bắc Dược Ấp đẩy lui nhung địch, phía đông thông đến Tam Tấn, cũng có nhiều nhà buôn. Tần Hiếu Công, Chiêu công cai trị Hàm Dương, nhà Hán nhân đi làm kinh đô, có các lăng Hoàng đế ở Trường An, bốn phương kéo về hội tụ, đất nhỏ người đông, nên dân ở đây ngày càng thích trí xảo rồi theo nghề buôn. Phía nam có đất Ba đất Thục. Ba, Thục cũng là vùng đất phì nhiêu, đất sản sinh nhiều hạt chi tử[13], gừng, đan sa, đá, đồng, sắt, trúc, đồ gỗ. Phía nam không chế vùng đất Điền đất Bặc. Đất Bặc có nhiều nô bộc. Phía tây gần đất Cung, đất Tạc. Đất Tạc có ngựa và bò lông dài[14]. Còn bốn phía bế tắc, nhưng có sạn đạo dài nghìn dặm, nên không chỗ nào không thông đến, duy có hang Bao Gia án ngữ trước cửa, phải dùng hàng có nhiều đổi lấy hàng vùng mình thiếu. Phong tục ở Thiên Thủy, Lũng Tây, Bắc Địa, Thượng Quận giống với Quan Trung, nhưng phía tây có sự tiện lợi của Khương Trung, phía bắc có súc vật của nhung dịch, chắn súc vật là nghề đứng đầu thiên hạ. Song đất cũng xa xôi hiểm trở, chỉ có kinh đô án ngữ tại đường thông ở vùng đó. Cho nên đất Quan Trung chiếm một phần ba thiên hạ, mà người đông chưa quá ba phần mười, còn xét sự giàu có thì mười phần chiếm đến sáu.

Trước đây, người Đào Đường đóng đô ở Hà Đông, người Ân đóng đô ở Hà Nội, người Chu đóng đô ở Hà Nam. Xét, Tam Hà [Hà Đông, Hà Nội, Hà Nam] nằm ở trung tâm của thiên hạ, như vạc ba chân, là chỗ vương giả thay nhau cư trú, mỗi triều dựng nước mấy trăm đến nghìn năm, đất đai nhỏ hẹp, dân cư đông đúc, là chỗ đô thành, các nước chư hầu tụ hội, cho nên phong tục dân chúng ở đó dè sẻn, tiết kiệm, quen việc. Người đất Dương, Bình Dương đi buôn bán, phía tây đến đất Tân đất Địch, phía bắc đến đất Chủng đất Đại. Đất Chủng và đất Đại ở phía bắc ấp Thạch, giáp giới Hung Nô, nhiều lần bị cướp. Người dân cương cường, hiếu thắng, thích hiện nghĩa, không làm nông thương. Nhưng do gần người di ở phương bắc, quân đội nhiều lần qua đó, của cải vận chuyển từ Trung nguyên đến thường sung túc. Người dân nơi đó mạnh mẽ hung hăng, không chịu an phận, từ khi Tấn bị chia tách, vốn đã lo lắng về sự hung mãnh của họ, rồi Vũ Linh vương khiến họ thêm lợi hại[15], phong tục của họ còn chút di phong của Triệu. Cho nên dân vùng đất Dương và Bình Dương kinh doanh buôn bán, thỏa được ý muốn. Người đất Ôn và đất Chỉ sang phía tây buôn bán ở Thượng Đảng, sang phía bắc đến Triệu, Trung Sơn. Trung Sơn đất cằn người đông, lại còn người dân ở Sa Khưu, nơi dâm bôn trụy lạc của vua Trụ khi trước, dân tính khí nóng nảy, chỉ nhằm cơ hội có lợi để kiếm ăn. Đàn ông tụ họp chơi bời, hát những bài bi ca khảng khái, ban ngày theo nhau giết người cướp của, tối đến đào mả, làm đồ giả, đúc trộm tiền, có nhiều người đẹp, đi làm phường hát múa. Phụ nữ thì đánh đàn sắt, mang giày, chơi bời nịnh nọt những nhà giàu sang, được sung vào hậu cung, có mặt khắp các chư hầu.

Nhưng Hàm Đạn cũng là vùng đô hội ở khoảng sông Chương sông Hà. Phía bắc thông đến đất Yên đất Trác, phía nam có nước Trịnh nước Vệ. Phong tục nước Trịnh và nước Vệ giống nước Triệu, nhưng do gần nước Lượng nước Lỗ, có phần trọng khí tiết hơn. Nước Vệ từ ấp Bộc Thượng dời đến Dã Vương, tục ở Dã Vương chuộng vũ dũng, hiệp nghĩa, là di phong của nước Vệ vậy.

Nước Yên cũng là nơi đô hội ở khoảng Bột Hải và núi Kiệt Thạch. Phía nam thông đến nước Tề nước Triệu, phía đông bắc giáp đất Hồ. Từ Thượng Cốc đến Liêu Đông, đất đai xa xôi, dân chúng thưa vắng, nhiều lần bị đánh cướp, phong tục đại thể giống nước Triệu và nước Đại, còn dân chúng hung hãn, cạn nghĩ. Có nhiều cá, muối, táo, hạt dẻ. Phía bắc gần Ô Hoàn, Phù Dư; phía đông gắn với nguồn lợi từ đất Uế Lạc, Triều Tiên, Chân Phan.

Người ở Lạc Dương đến buôn bán ở nước Tề và nước Lỗ phía đông, nước Lượng nước Sở phía nam. Vốn vì phía nam Thái Sơn là nước Lỗ, phía bắc là nước Tề.

Nước Tề núi biển bao bọc, đất đai màu mỡ nghìn dặm, thích hợp để trồng dâu gai, dân chúng có nhiều lụa màu, vải, lụa trắng, cá, muối. Lâm Truy cũng là vùng đô hội ở khoảng biển và Thái Sơn. Phong tục ở đây khoan hòa thoáng đạt mà đủ trí mưu, thích nghị luận, trọng đất đai, khó dời chuyển, nhát gan khi đánh đông người, dũng cảm khi đi hành thích, cho nên có nhiều kẻ đi cướp của người khác, là phong thái của nước lớn vậy. Trong vùng có đủ năm loại dân[16].

Còn đất Trâu đất Lỗ nằm bên bờ sông Thu sông Tứ, hãy còn di phong của Chu công, tục chuộng nho học, lễ nghi đầy đủ, cho nên dân vốn cẩn trọng. Phần nhiều dựa vào dâu, gai gây dựng sản nghiệp, không có nguồn lợi núi chằm. Đất nhỏ, người đông, tiết kiệm, dè sẻn, sợ bị phạm tội, tránh xa gian tà. Đến khi suy vi, thích buôn bán, chạy theo lợi, hơn cả người đất Chu.

Từ Hồng Câu sang phía đông, núi Mang núi Nãng về phía bắc, cho đến Cự Dã, là nước Lượng nước Tống. Đất Đào, Thư Dương cũng là một vùng đô hội vậy. Xưa, vua Nghiêu khởi lên ở Thành Dương, vua Thuấn đánh cá ở Lôi Trạch, vua Thành Thang dừng chân ở đất Hào. Phong tục ở đó còn di phong của các bậc tiên vương, trang trọng, trung hậu, nhiều quân tử, thích trồng cây, tuy không có nguồn lợi phong phú từ núi chằm, nhưng biết ăn mặc tiết kiệm, tích trữ được nhiều của cải.

Đất Việt và Sở phong tục chia ba. Từ các vùng Bái, Trần, Nhữ Nam, Nam Quận ở phía bắc sông Hoài, đó là Tây Sở. Phong tục vùng này hung hăng khinh suất, dễ nổi giận, đất đai cằn cỗi, ít của cải tích trữ. Giang Lăng vốn là Dĩnh Đô, phía tây thông đến đất Vu đất Ba, phía đông có đầm Vân Mộng giàu nguồn lợi. Đất Trần tiếp giáp giữa Sở và Hạ, lưu thông các hàng hóa như cá, muối, dân nhiều người làm nghề buôn. Đất Từ, Đồng, Thu Lư phong tục liêm khiết khắt khe, coi trọng lời hứa.

Từ Bành Thành về phía đông, Đông Hải, Ngô, Quảng Lăng, đó là Đông Sở. Phong tục giống ở đất Từ và đất Đồng. Từ đất Cù đất Tăng về phía bắc, phong tục như nước Tề; phía nam Chiết Giang giống phong tục Nam Việt. Xét, nước Ngô từ ba vị vua Hạp Lư, Xuân Thân quân, Vương Tỵ vời gọi kẻ thích du thuyết trong thiên hạ đến, phía đông có nguồn muối biển dồi dào, có đồng ở Chương Sơn, nguồn lợi từ Tam giang, Ngũ hồ, cũng là một nơi đô hội ở Giang Đông vậy.

Hành Sơn, Cửu Giang, Giang Nam, Dự Chương, Trường Sa là Nam Sở, phong tục đại để giống Tây Sở. Dĩnh Đô về sau chuyển đến Thọ Xuân, cũng là một nơi đô hội. Còn Hợp Phì nhận được nước triều dâng ở phía nam và bắc, có da thuộc, bào ngư, là nơi chuyển vận gỗ. Đan xen phong tục vùng Mân Trung, Can Việt, nên người Nam Sở thích lời hay, khéo nói mà ít giữ tín. Giang Nam địa thế thấp ẩm, đàn ông chết sớm. Nhiều tre gỗ. Dự Chương có nhiều vàng, Trường Sa có chì, thiếc, nhưng khoáng vật không nhiều, dẫu khai thác cũng không chi phí. Vùng Cửu Nghi, Thương Ngô về phía nam đến đất Đam Nhĩ, phong tục phần lớn giống Giang Nam, trong đó Dương Việt nhiều điểm giống nhất. Phiên Ngung cũng là một vùng đô hội, nơi tập trung ngọc quý, sừng tê, đồi mồi, các loại quả, vải vóc.

Dĩnh Xuyên, Nam Dương là nơi người Hạ cư trú. Nền chính trị của người Hạ chuộng trung hậu, chất phác, còn có di phong của các bậc tiên vương. Người Dĩnh Xuyên đôn hậu thực thà. Cuối thời Tần, lưu đày người dân không tuân khuôn phép đến Nam Dương, Nam Dương phía tây thông đến Vũ Quan và Vân Quan, phía đông nam liền với sông Hán, Trường Giang và sông Hoài. Đất Uyển cũng là một vùng đô hội. Phong tục pha tạp, có nhiều tục tốt, phần nhiều làm nghề buôn bán. Dân thích hành hiệp, thông với vùng Dĩnh Xuyên, cho nên đến nay vẫn gọi là “người Hạ”.

Phàm sản vật trong thiên hạ chỗ ít chỗ nhiều, tập tục của người dân, Sơn Đông ăn muối bể, Sơn Tây ăn muối ao, Lĩnh Nam và Sa Bắc vốn đều có muối, đại thể là như thế.

Nhìn chung, vùng Sở và Việt, đất rộng người thưa, ăn cơm với các món chế từ cá, đốt lửa để diệt cỏ, hoặc dẫn nước diệt cỏ, dưa và sò ốc không cần mua cũng đủ dùng, địa thế khiến nơi này nhiều đồ ăn, không lo đói khát, vì thế dân sống tạm bợ qua ngày, không trữ nhiều của nên lắm người nghèo. Do vậy, từ sông Trường Giang và sông Hoài về phía nam, không có người đói rét, cũng không nhà nào có ngàn vàng. Từ sông Nghi sông Tứ về phía bắc, thích hợp trồng ngũ cốc, dâu gai, lục súc, đất hẹp người đông, nhiều lần bị hạn hán, lụt lội, dân thích tích trữ, nên các nước Tần, Hạ, Lương, Lỗ thích nghề nông và trọng chúng dân. Các vùng Tam Hà, Uyển, Trần cũng vậy, lại thêm nghề buôn bán. Dân Tề và Triệu thông minh khéo léo, chỉ chờ cơ hội kiếm lợi. Đất Yên đất Đại thì làm ruộng, chăn nuôi và nuôi tằm.

Từ đó mà xét, bậc hiền nhân mưu tính sâu xa trên miếu đường, bàn luận ở triều đình, kẻ sĩ thủ tín, chết vì tiết tháo, ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc, dựng danh vọng cao sẽ hướng về đâu? Hướng về giàu có sung túc vậy. Vì thế quan lại thanh liêm thì giữ chức lâu, giữ chức lâu thì càng giàu có, thương nhân buôn bán ngay thẳng sẽ thành cự phú. Làm giàu, là bản tính của con người, là điều không cần học mà đều mong muốn. Cho nên tráng sĩ trong quân, xông lên trước đánh thành trì, phá trận đẩy lùi quân địch, chém tướng nhổ cờ, tiến lên hứng chịu tên đạn, không tránh gian nguy dẫu vào nơi nước sôi lửa bỏng, vì trọng thưởng khiến nên như thế. Người tuổi trẻ ở làng xóm, dùng chùy giết người chôn xác, cướp bóc làm việc gian trá, đào trộm mả, đúc trộm tiền, giả danh hành hiệp để chiếm đoạt, giúp bạn bè báo thù riêng, lẩn lút chỗ tối để tránh bị bắt, không sợ pháp luật cấm đoán, như ngựa phóng vào chỗ chết, kỳ thực đều vì của cải mà thôi. Nay, những người con gái nước Triệu nước Trịnh, chỉnh chuốt dung nhan, gảy đàn cầm, sắt, múa ống áo dài, đi trên hài nhẹ, liếc mắt đưa tình, không cần đi xa nghìn dặm, không phân biệt già hay trẻ, chỉ cốt chạy theo giàu có. Các công tử rảnh rỗi ngao du, trang sức mũ, kiếm, xe ngựa nối nhau, cũng là biểu hiện sang giàu vậy. Người đánh cá, săn bắn, bất kể sớm khuya, dãi dầu tuyết sương, vào tận hang cùng hốc thẳm, không sợ thú dữ làm hại, cũng vì muốn nếm vị ngon. Cờ bạc đua ngựa, chọi gà thi chó, đỏ mặt tía tai, nhất định tranh thẳng, vì trọng việc thua thiệt mất mát. Các thầy thuốc, phương sĩ dùng thuật để kiếm ăn, lao khổ tinh thần, dốc hết khả năng, là mong báo đáp hậu hĩ. Quan lại văn sĩ thì khoe văn múa bút, khắc ấn chương ngụy tạo văn thư, không sợ bị giết bằng đao bằng cưa, đắm chìm vào của hối lộ tặng biếu. Nông dân, thợ thuyền, thương nhân, người tích lũy nhiều, vốn mong giàu có, tăng thêm của cải. Họ chỉ biết dốc hết khả năng kiếm sống, rốt cuộc không còn hơi sức mà tranh giành của cải nữa.

Ngạn ngữ nói: “Ngoài trăm dặm thì không mua bán củi, ngoài ngàn dặm thì không mua bán thóc.” Cư trú một năm thì trồng cây lương thực, cư trú mười năm thì trồng cây cối, cư trú trăm năm thì dùng đức dẫn dụ người. Đức là nói người tài đức. Nay, không được phụng dưỡng từ quan chức bổng lộc, không có nguồn thu từ tước vị ấn phong mà đòi vui sướng sánh ngang người có bổng lộc, tước vị, ấp phong, đó gọi là “tố phong” [phong hờ]. Người có ấp phong thì hưởng tô thuế ở đó, mỗi năm một hộ là hai trăm tiền. Người được phong nghìn hộ thì hưởng hai mươi vạn tiền, vào chầu thiên tử, sính lễ, lễ phẩm tế tự đều lấy trong đó. Dân thường như nông dân, thợ thuyền, thương nhân, mỗi năm một vạn được lợi tức hai nghìn, nhà có trăm vạn thì lợi tức hai mươi vạn, các khoản lao dịch, tô thuế lấy trong số đó. Nhu cầu ăn mặc, tùy ý hưởng thụ như mong muốn. Cho nên nói, trên mặt đất nuôi năm mươi con ngựa, một trăm sáu mươi bảy con bò, hai trăm năm mươi con dê, trên vạt cỏ nuôi hai trăm năm mươi con lợn nái, dưới nước có đầm ao ngàn thạch cá, trên núi có nghìn cây gỗ lớn. Ở An Ấp có nghìn gốc táo, ở nước Yên nước Tần có nghìn cây dẻ, ở đất Thục đất Hán, Giang Lăng có nghìn cây quýt, Hoài Bắc, Thường Sơn về phía nam, ở khoảng sông Hoàng Hà và sông Tế có nghìn cây thu[17]; ở đất Trần đất Hạ có nghìn mẫu cây sơn; ở đất Tề đất Lỗ Có nghìn mẫu dâu gai; ở Vị Xuyên có nghìn mẫu trúc, cùng các thành lớn chốn danh đô muôn nhà, đất đai ngoài thành ngàn mẫu mỗi mẫu sản lượng một chung[18], hoặc nghìn mẫu cây chi tử, nghìn luống gừng, hẹ. Những người giàu có như thế đều sánh ngang tước hầu nghìn hộ. Nhưng đó là nguồn thu để có cuộc sống giàu có, không phải ngó ngàng đến chợ búa, không cần đến ấp khác, chỉ ngồi đợi thu, bản thân mang danh ẩn sĩ mà có thu hoạch dồi dào. Còn như hạng nhà nghèo, cha mẹ già cả, vợ con gầy yếu, các tiết trong năm không biết lấy gì tiến cúng, ăn mặc không tự lo được, thế mà không thấy hổ nhục, thì không biết lấy gì so sánh. Cho nên, không có của thì phải bỏ công sức, ít tiền tài thì phải biết đấu trí, đã sung túc lại cần tranh thủ thời cơ, đó là nguyên tắc cơ bản. Nay để mưu sinh, bản thân không chịu nguy hiểm mà vẫn trở nên giàu có, như thế hiền nhân cũng cố gắng vậy. Cho nên trước hết phải là gốc giàu[19], kế đó là ngọn giàu[20], thấp nhất là dựa vào gian trá mà giàu có. Không có đức hạnh của kỳ sĩ ẩn cư núi rừng mà cứ nghèo hèn mãi, chỉ thích nói nhân nghĩa, thế cũng đáng hổ thẹn.

Phàm dân được ghi trong hộ tịch, với người giàu hơn mình mười lần thì hạ mình với họ, giàu hơn trăm lần thì nể sợ họ, giàu hơn nghìn lần thì bị sai khiến, giàu hơn vạn lần thì làm nô bộc cho họ, đó là lẽ thường. Xét, vì nghèo muốn giàu, nhà nông không bằng thợ thuyền, thợ thuyền không bằng thương nhân, người làm may vá chẳng bằng người dựa cửa bán hàng, đó là nói nghề ngọn, tức là vốn liếng của người nghèo vậy. Ở đô thành lớn đường sá thuận tiện; một năm bán nghìn vò rượu; nghìn hũ tương; nghìn bình đồ uống; mổ trâu, dê, lợn lấy hàng nghìn tấm da; bán thóc lúa hàng nghìn chung, củi, cỏ nghìn xe; thuyền nối nhau dài nghìn trượng; gỗ lớn nghìn cây; sào tre vạn chiếc; trăm cỗ xe ngựa; nghìn cỗ xe bò; nghìn đồ gỗ quét sơn; nghìn quân[21] đồ đồng; đồ gỗ trơn, đồ sắt cùng nghìn thạch thuốc nhuộm; bảy mươi sáu con ngựa; hai trăm năm mươi con bò, dê và lợn nghìn con; đầy tớ trăm người; gân, sừng, đan sa hàng nghìn cân; lụa trắng, bông, vải mịn hàng nghìn quân; vải có hoa văn sặc sỡ hàng nghìn xấp; vải thô và da hàng nghìn thạch; sơn hàng nghìn đấu; men rượu, muối, đậu muối hàng nghìn lọ; cá nục, cá đao hàng nghìn cân; các loại cá nhỏ hàng nghìn thạch; cá mắm nghìn quân; táo và hạt dẻ ba nghìn thạch; da cáo và da điều hàng nghìn tấm; da dê nghìn thạch; chăn đệm nghìn chiếc; các loại hoa quả hàng nghìn chung; lợi tức cho vay hàng nghìn xâu; khách mua bán điều tiết giá cả, thương nhân tham lam được lợi ba phần mười, thương nhân công bằng được lợi năm phần mười, nơi đó có thể so với nước nghìn cỗ xe, tình hình đại để như vậy. Còn các nghề khác nếu lợi nhuận chưa đến hai phần mười, không phải nghề mà ta nói đến.

Xin trình bày đại lược về đời nay trong nghìn dặm, nguyên nhân khiến bậc hiền nhân trở nên giàu có, để đời sau tiện bề xem xét lựa chọn.

Tổ tiên họ Trác đất Thục là người nước Triệu, nhờ luyện sắt mà giàu có. Tần phá Triệu, lưu đày họ Trác. Họ Trác bị cướp, hai vợ chồng đẩy xe đến nơi lưu đày. Những người đi lưu đày lại bị cướp hiếm khi có của dư, đều tranh nhau luồn lót quan lại, xin được ở gần, xếp cho ở Hà Manh. Duy có họ Trác nói: “Chỗ ấy đất hẹp, cằn cỗi. Tôi nghe nói dưới chân núi Vân Sơn, đồng đất phì nhiêu, phía dưới có nhiều khoai nước như hình con cú ngồi, sống đó đến chết cũng không bị đói. Dân giỏi chợ búa, dễ buôn bán.” Bèn xin lưu đày đến nơi xa. Bị đày đến Lâm Cùng, cả mừng, liền rèn sắt ở núi có mỏ sắt, tính toán kế sách, thế lực áp đảo dân đất Điền đất Thục, giàu đến mức có hàng nghìn tôi tớ, hưởng thú vui điền viên săn bắn, khác nào ông vua.

Trình Trịnh là tù binh bị đày đến từ Sơn Đông, cũng làm nghề rèn sắt, buôn bán với dân búi tó[22], giàu có ngang ngửa họ Trác, đều ở Lâm Cùng.

Tổ tiên họ Khổng ở đất Uyển là người nước Lương, làm nghề luyện sắt. Tần chinh phạt Ngụy, đày họ Khổng đến Nam Dương. Họ Khổng rèn sắt với quy mô lớn, quy hoạch đầm ao, xe ngựa nối nhau, chu du khắp chư hầu, nhân đó mở ra mối lợi buôn bán, được tiếng là công tử nhàn nhã ngao du. Dẫu họ thu được lợi nhiều hơn phần cho đi, nhưng còn hơn hạng thương nhân keo kiệt, nhà cực giàu có đến mấy nghìn vàng, cho nên người làm nghề buôn ở Nam Dương đều học phong thái thung dung của họ Khổng.

Phong tục người nước Lỗ tiết kiệm, dè sẻn, nhất là họ Bỉnh ở đất Tào, lập nghiệp bằng nghề luyện sắt, giàu đến cự vạn. Nhưng từ cha anh con cháu trong nhà có quy định, hễ cúi xuống phải nhặt được thứ gì đó, ngẩng lên phải thu được cái gì đó[23]. Cho vay và buôn bán khắp các quận trong nước. Đất Trâu và đất Ngụy nhiều người bỏ văn chương học vấn để chạy theo lợi, đều vì họ Bỉnh ở đất Tào vậy.

Phong tục nước Tề coi rẻ nô bộc, riêng Đao Nhàn yêu quý, trân trọng họ, nô bộc hung tợn, giảo hoạt, mọi người lo sợ, chỉ có Đao Nhàn thu nhận, sai họ đi kiếm lợi qua việc buôn cá và muối, có người đưa cả đoàn xe ngựa, kết giao với các quận thú, Tướng quốc, càng được Đao Nhàn tín nhiệm. Cuối cùng nhờ sự giúp sức của họ, giàu tới mấy ngàn vạn tiền. Cho nên nói: “Dẫu mong làm quan tước cũng không bằng làm nô bộc nhà họ Đao”, là để nói Đao Nhàn có thể khiến nô bộc làm giàu cho mình và dốc hết sức lực.

Người Chu từng rất hà tiện, nhất là Sư Sử, vận chuyển hàng trăm xe hàng, buôn bán khắp quận trong nước, không đâu không đặt chân đến. Phố Lạc Dương ở trung tâm các nước Tề, Tần, Sở, Triệu, người nghèo học theo nhà giàu, ra ngoài buôn bán lâu ngày, nhiều lần qua ấp mình mà không ghé về nhà, dùng những hạng người như thế, nên Sư Sử mới có thể có bảy nghìn vạn tiền.

Tổ tiên họ Nhâm ở Tuyên Khúc, làm viên lại ở kho Đốc Đạo. Nhà Tần suy bại, hào kiệt tranh nhau lấy vàng ngọc, riêng họ Nhâm lấy lương thực cất vào hầm. Sở, Hán đối địch ở Huỳnh Dương, dân không thể trồng cây, một thạch gạo giá đến vạn tiền, nên vàng ngọc của hào kiệt đều về hết họ Nhâm, họ Nhâm nhân thế trở nên giàu có. Người giàu thì đua nhau xa xỉ, còn họ Nhâm lại nhún mình tiết kiệm, dốc sức vào việc đồng ruộng, chăn nuôi. Đối với ruộng đất và gia súc người ta tranh mua với giá rẻ, họ Nhâm thì mua với giá cao nhưng phải tốt. Giàu đến mấy đời. Nhưng Nhâm công có gia quy rằng, không phải thứ do nhà trồng nhà nuôi thì không được mặc được ăn, việc công chưa xong thì bản thân chưa được uống rượu ăn thịt. Vì thế họ Nhâm trở thành tấm gương cho làng xóm, do giàu có nên được hoàng thượng xem trọng.

Khi mở mang vùng biên tái, riêng Kiều Diêu có đến bảy nghìn con ngựa, số trâu bò nhiều gấp đôi, dê có vạn con, thóc hàng vạn chung. Khi bảy nước vùng Ngô, Sở dấy binh, các công hầu được phong tước trong Trường An tòng quân xuất chinh, vay tiền trả lãi, nhà nào cho vay thì được xem như liệt hầu được áp phong ở Quan Đông, thắng bại ở Quan Đông chưa phân, không ai chịu cho vay. Riêng họ Vô Diêm bỏ ra ngàn vàng cho vay, lợi tức gấp mười lần. Sau ba tháng, Ngô, Sở được bình định. Trong một năm, lợi tức của họ Vô Diêm gấp mười lần, nhờ đó trở nên giàu có ở vùng Quan Trung.

Các phú thương ở Quan Trung, hầu hết đều người họ Điền, như Điền Sắc, Điền Lan. Họ Lật thuộc gia tộc họ Vi, họ Đỗ ở An Lăng và huyện Đỗ cũng có gia tài cự vạn.

Đó là những trường hợp rõ ràng, tiêu biểu, đều không có tước vị, ấp phong, bổng lộc hay gian dối phạm pháp mà trở nên giàu có, đều dốc sức xem xét sự lý để quyết định, đều biết nắm bắt thời cơ, nhìn trước ngó sau thu lợi về mình. Nhờ buôn bán mà giàu có, dùng nghề nông giữ gia sản, dùng võ để có hết thảy, dùng văn để nắm giữ lấy, có cách thức khi thay đổi, cho nên đáng ghi chép lại. Còn như những người dốc sức làm ruộng, chăn nuôi, làm thợ, coi việc núi chằm, buôn bán, dựa vào quyền biến thu lợi rồi giàu có, hạng đại phú bao trùm cả quận, hạng trung bao trùm cả huyện, hạng thấp bao trùm một hương một lý, không sao kể xiết.

Xét lẽ, tằn tiện vất vả, là con đường mưu sinh chính đáng, còn muốn giàu ắt phải dùng cách lạ mới được. Làm ruộng là nghề cuốc đất, vất vả nhưng Tần Dương nhờ đó giàu có trùm cả một châu. Đào trộm mả, làm việc gian dối nhưng Điện Thúc nhờ đó mà nên. Cờ bạc, làm nghề bất chính mà Hoàn Phát nhờ đó trở nên giàu có. Bán rong, đàn ông cho là nghề hèn mọn mà Lạc Thành ở đất Ung trở nên sung túc. Bán phấn sáp là việc hổ nhục mà Ung Bá kiếm được ngàn vàng. Bán tượng là nghề mọn mà họ Trương kiếm được ngàn vạn. Mài dao là kỹ năng đơn giản mà họ Chất được liệt vào hàng đỉnh thực[24]. Ruột dê là đồ ăn tầm thường mà họ Trạc nhờ đó có đoàn dãy xe ngựa. Chữa bệnh cho ngựa là phương thuật thô thiển mà Trương Lý phải gõ chuông báo hiệu giờ ăn[25]. Những trường hợp ấy đều nhờ thực sự chuyên tâm vào nghề của mình mà làm nên.

Từ đó mà xét, làm giàu không phải do nghề nhất định, thì của cải cũng không có một chủ nhất định, ai giỏi thì của cải đổ về, ai kém thì của cải như ngói xô. Nhà có ngàn vàng sánh ngang quân trưởng một độ ấp, người có của cải cự vạn thì hưởng lạc như bậc vương giả. Cái gọi là “phong hờ” là vậy chăng? Không phải vậy chăng?

------

QUYỂN 130 THÁI SỬ CÔNG TỰ TỰ

Nội dung quyển này đã được đưa lên đầu cuốn Sử ký I - Bản kỷ.

 

Chú thích.

[1] nhiều ngựa, trâu Nguyên là "ngưu", thời cổ, có khi chỉ bò.

[2] Chu thư: là một bộ phận của sách Thượng thư - tức Kinh Thư.

[3] Chỉ việc Quản Trọng lập ra tám quan phủ để phụ trách việc điều tiết lưu thông và giá cả hàng hóa.

[4] Bồi thần: quan đại phu của nước chư hầu.

[5] Đoạn này trích từ thiên "Mục dân", sách Quản tử.

[6] Ý nói nông dân không muốn khai phá ruộng đất để canh tác nữa.

[7] Tử Cống họ tên là Đoan Mộc Tứ.

[8] Nguyên Hiến: học trò Khổng tử, tự là Tử Tư, người nước Tống.

[9] Y Đốn: đại thương nhân người thời Chiến quốc, nhờ kinh doanh muối ở Hà Đông mà thành cự phú.

[10] Nguyên là "phong quân", chỉ những người có con cháu hiển quý, được triều đình phong tặng.

[11] Thuế cống: tương truyền là chế độ thuế khóa thời nhà Hạ.

[12] Thủ lĩnh nước Chu, người đầu tiên của nước Chu tự xưng là "công". Do thường xuyên bị người di địch tấn công quấy nhiễu, địa bàn nhỏ hẹp nên người Chu quyết định dời đô đến đất Bân.

[13] Chi tử: hạt cây dành dành, dùng để nhuộm tóc.

[14] Nguyên là "mao ngưu", một giống bò lông dài, gần giống bò tót.

[15] Chỉ việc Vũ Linh vương nước Triệu chủ trương mặc trang phục người Hồ, cưỡi ngựa bắn cung, khiến phong tục nơi đó càng thêm chuộng sự hung mãnh.

[16] Năm loại dân: chỉ sĩ - người đi học, nông - người làm ruộng, thương - người đi buôn, công - thợ, cổ - người tích hàng cho khách đến mua.

[17] Thu: một loại cây lấy gỗ.

[18] Chung: đơn vị đo lường, mỗi chung bằng sáu hộc (10 đấu) bốn đấu.

[19] Gốc giàu: gốc, chỉ nghề nông, nông nghiệp.

[20] Ngọn giàu: ngọn, chỉ thương nghiệp.

[21] Quân: đơn vị đo lường thời xưa, ba mươi cân là một quân.

[22] Thường chỉ dân các tộc người thiểu số. Đây dùng chỉ các tộc người thiểu số ở khu vực phía tây nam.

[23] Ý nói nhất cử nhất động đều phải được lợi ích mới làm.

[24] Đỉnh thực: ăn cơm vạc, ý nói nhà giàu có.

[25] Ý nói nhà giàu có, đông người hầu kẻ hạ.

Nguồn bài đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét