Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 127 NHẬT GIẢ LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

QUYỂN 127 

NHẬT GIẢ LIỆT TRUYỆN

Từ xưa, người được nhận mệnh trời thì làm vua, sự hưng thịnh của vương giả chưa từng không dựa vào bốc phệ[1] để đoán mệnh trời? Thời Chu việc bói toán rất thịnh hành, đến thời Tần vẫn có thể thấy. Đại vương vào chầu[2], cũng nghe theo người bói mai rùa. Chức Thái bốc[3] được lập, từ thời Hán hưng khởi đã có chức này.


Tư Mã Quý Chủ

Tư Mã Quý Chủ, người nước Sở. Xem bói mai rùa ở chợ đông Trường An.

Tống Trung làm Trung đại phu, Giả Nghị làm bác sĩ, cùng ngày cả hai đều ra ngoài triều nghỉ ngơi, vừa đi vừa bàn luận, nói về thuật cai trị của các tiên vương, thánh nhân, xét khắp nhân tình, nhìn nhau than thở. Giả Nghị nói: “Tôi nghe bậc thánh nhân ngày xưa, không ở triều đình[4], ắt ở trong số thầy bói, thầy thuốc. Nay tôi đã thấy các tam công, cửu khanh cho đến sĩ đại phu trong triều, họ ra sao tôi đều biết cả. Thử coi trong đám thầy bói xem sao.” Hai người liền cùng ra ngoài chợ xem, chơi trong phường bói toán. Trời vừa mưa xong, đường vắng, Tư Mã Quý Chủ ngồi rảnh rang, có ba bốn đệ tử đứng hầu, đang biện bác về đạo của trời đất, sự vận hành của mặt trời mặt trăng, gốc của âm dương cát hung. Hai quan đại phu vái hai vái. Tư Mã Quý Chủ nom dáng vẻ họ, ra dáng là người hiểu biết, liền đáp lễ, sai đệ tử mời vào ngồi. Ngồi xong, Tư Mã Quý Chủ lại tiếp tục giảng giải, biện biệt sự khởi đầu và kết thúc của trời đất, quy luật vận hành của mặt trời, mặt trăng và các vì sao, xét rõ thứ tự của nhân và nghĩa, trình bày điềm báo cát hung, nói hàng nghìn lời, không điều nào không thuận lý.

Tống Trung, Giả Nghị kinh ngạc rồi hiểu ra, chỉnh trang mũ áo, ngồi nghiêm trang, nói: “Trông dáng vẻ của tiên sinh, nghe lời nói của tiên sinh, vãn bối trộm xem trên đời, chưa từng thấy ai. Nay cớ sao ở địa vị thấp kém, làm việc bẩn thỉu vậy?”

Tư Mã Quý Chủ ôm bụng cả cười, nói: “Xem chừng đại phu giống người có đạo thuật, nay sao nói lời nông cạn, ngôn từ quê kệch đến thế? Nay, ngài cho ai là người hiền năng? Ai là người cao khiết? Nay các ngài dựa vào đâu cho là thấp kém, bẩn thỉu hay trưởng giả?"

Hai người đáp: “Quan cao lộc hậu, người đời đề cao, hiền tài đó. Nay tiên sinh không ở vị trí đó, cho nên nói là thấp kém. Lời nói không đáng tin, việc làm không hiệu quả, lấy nhận không đích đáng, cho nên bảo rằng bẩn thỉu. Xét lẽ, người bói mai rùa cỏ thi, thế tục thảy đều xem thường. Người đời đều nói: 'Ôi, người bói mai rùa phần nhiều nói quá để được lòng người, đề cao tài lộc, số mệnh người xem để họ vui lòng, chuyên nói tai họa khiến người thương tâm, nói xằng chuyện quỷ thần để bòn hết của nả, khiến người ta cầu xin bái tạ nhiều để lợi riêng cho mình.' Đó là điều chúng tôi cho là nhục, cho nên bảo thấp kém bẩn thỉu vậy.”

Tư Mã Quý Chủ nói: “Các vị tạm an tọa. Các vị có thấy những đứa trẻ xõa tóc không? Mặt trời mặt trăng chiếu sáng thì đi ra đường, không chiếu thì thôi, hỏi tì vết[5], điềm lành dữ của mặt trời mặt trăng thì không thể hiểu được. Từ đó mà xét, ít người có thể biện biệt được bậc hiền tài và kẻ kém cỏi vậy.

Người hiền hành sự, theo chính đạo để can gián thẳng thắn, nhiều lần can không nghe thì lui về. Người hiền khen người khác cũng không mong báo đáp, chê người khác cũng không sợ oán trách, cốt sao tiện cho quốc gia, lợi cho chúng dân. Cho nên chức quan không xứng với mình thì không làm, bổng lộc không phải công của mình thì không nhận. Thấy người bất chính, dẫu sang cũng không kính trọng, thấy người làm điều bẩn thỉu, dẫu tôn quý cũng không hạ mình. Được, không lấy làm vui; mất, không lấy làm hận. Không phải tội của mình, dẫu bị lụy bị nhục cũng không hổ thẹn.

Nay người ngài cho là hiền, đều đáng xấu hổ. Hạ mình xu phụng, nói năng nịnh nọt; dùng thế để lôi kéo, đem lợi để dẫn dắt; kết bè đảng để bài xích bậc chính nhân, đặng cầu tôn sủng, danh tiếng, đặng nhận bổng lộc quốc gia; làm việc tư lợi, bẻ cong vương pháp, tước đoạt của nông dân; dựa vào chức quyền để ra oai, dựa vào pháp luật làm công cụ, cầu lấy tư lợi mà làm việc bạo nghịch; thế khác nào cầm dao sắc cướp của vậy. Lúc mới làm quan thì dốc sức xảo trá, thổi phồng công lao, cầm văn thư rỗng tuếch để dối lừa chúa thượng, nhờ đó được ở bên phải hoàng thượng[6]; làm quan mà không nhường người hiền, lại tự khoe công lao, lấy giả làm thực, biến không thành có, lấy ít làm nhiều, đặng cầu thế lớn chức cao; ăn to uống lớn, xe ngựa ruổi rong, mang theo hầu thiếp ca nhi, không đoái hoài đến cha mẹ, phạm pháp hại dân, khiến công quỹ trống không, như thế là trộm cắp mà không cần đến giáo đến tên; tấn công mà không cần dùng cung dùng mác, dối cha mẹ mà chưa bị tội, còn giết vua mà chưa bị thảo phạt vậy. Sao cho họ là hiền năng tài cao?

Trộm cắp nổi lên mà không thể ngăn cấm, man di không thần phục mà không thể trấn áp, gian tà dấy lên mà không thể dẹp yên, phủ quan hao tổn mà không thể xử trí, bốn mùa không thuận mà không thể điều hòa, hằng năm lúa má không chín mà không thể xử lý thích hợp. Hiền tài mà không làm gì, đó là bất trung; không phải hiền tài mà dựa vào chức quan, cốt lợi từ bổng lộc của hoàng thượng, hại đến việc làm quan của người hiền, đó là trộm chức vị vậy; có người nâng đỡ thì tiến dụng, có của thì tỏ ra có lễ, đó là giả dối vậy. Riêng ngài không thấy chim cú bay liệng cùng phượng hoàng ư? Cỏ thơm lan chỉ, khung cùng bị vứt ngoài đồng hoang, cỏ hao cỏ tiêu mọc thành rừng, khiến người quân tử lui gót mà không hiển đạt giữa đám đông, vì người như các ngài vậy.

Truyền thuật lại mà không làm mới, là đạo nghĩa của quân tử vậy. Nay người làm nghề bói mai rùa, ắt phải nói theo khuôn phép của trời đất, dựa vào biến hóa của bốn mùa, thuận theo nhân nghĩa, phân biệt mai rùa, cỏ thi để định quẻ, xoay chuyển la bàn để xem hình trạng cỏ thi, sau mới nói về lợi hại trong trời đất, thành bại trong công việc. Xưa các tiên vương yên định quốc gia, trước tiên ắt dùng mai rùa cỏ thi để bói xem nhật nguyệt, rồi sau mới dám thay trời trị dân; chọn ngày giờ đẹp mới vào trong nước; sinh con nhất định phải bói lành dữ trước, sau đó mới dám nuôi dưỡng. Từ Phục Hy làm Bát quái, Chu Văn vương diễn giải ba trăm sáu mươi tư hào rồi thiên hạ yên trị. Việt vương Câu Tiễn phỏng theo Bát quái của Văn vương để phá nước địch, xưng bá thiên hạ. Từ đó mà nói, bói mai rùa cỏ thi có gì đáng lo đâu.

Vả lại, phàm người bói mai rùa cỏ thi, quét thêm sắp đặt chỗ ngồi, mũ đai ngay ngắn, sau đó mới nói sự việc, đó là có lễ vậy. Bàn chuyện quỷ thần nhân đó được hưởng lễ, bàn chuyện tôi trung nhân đó thờ chúa của mình, bàn chuyện con hiếu qua đó nuôi dưỡng cha mẹ mình, bàn chuyện cha hiền từ theo đó chăm chút con cái mình, đó là có đức vậy. Còn người xem vì đạo nghĩa mà trả mấy chục mấy trăm tiền, người bệnh có thể vì thế mà khỏi, sắp chết có thể vì thế mà sống, lo lắng có thể vì thế mà tránh được, công việc có thể vì thế mà thành, gả con gái cưới con dâu có thể vì thế mà được sinh dưỡng, đó là có đức, há chỉ đáng mấy chục mấy trăm tiền thôi ư! Vậy nên, Lão tử có nói: 'Người có đức tột cao thì không cầu có đức, vậy mà vẫn có đức.'[7] Nay người làm nghề bói mai rùa cỏ thi làm lợi thì lớn mà nhận đáp tạ thì nhỏ, lời của Lão tử há có khác gì chăng?

Trang tử nói: 'Quân tử bên trong không có nỗi lo đói lạnh, ra ngoài không có nỗi lo cướp bóc, ở địa vị cao mà cung kính, ở địa vị thấp mà không bị hại, đó là đạo của quân tử vậy.' Nay người làm nghề bói mai rùa cỏ thi, tích chứa mà không chồng chất, cất giữ không dùng kho lẫm, dời đi không dùng xe chở, hành trang trên lưng không nặng, dừng lại mà dùng cũng không lúc nào hết. Mang thứ không bao giờ hết, du ngoạn ở cõi vô cùng, dẫu việc làm của họ Trang[8] cũng không hơn thế, sao ngài lại nói không thể làm nghề bói mai rùa? Trời không đầy đủ ở góc tây bắc, các vì sao chuyển rời về tây bắc; đất không đầy đủ ở góc đông nam, lấy biển làm ao; mặt trời đứng bóng ắt chuyển rời, mặt trăng tròn đầy ắt phải vơi; đạo của tiên vương, chợt còn chợt mất. Các ngài đòi người bói mai rùa lời nói phải đáng tin, chẳng cũng mê hoặc lắm sao!

Các ngài có thấy kẻ sĩ giỏi đàm luận, người giỏi biện bác không? [9] Suy nghĩ các việc, hoạch định kế sách, ắt là những người này vậy, nhưng không thể dùng một lời nào để làm vui lòng bậc nhân chủ, cho nên hễ nói ắt xưng là tiên vương, bàn luận thì nói theo thời thượng cổ; suy nghĩ các sự việc, hoạch định kế sách, tô điểm bằng sự thành công của tiên vương, hay bàn về sự thất bại hay họa hại của họ, để khiến nhân chủ của mình lo sợ hoặc vui mừng đặng cầu đạt được như ý. Phần nhiều nói lời phóng đại thì không ai hơn những người đó. Nhưng muốn đất nước hùng mạnh thành công, tận trung với chúa thượng, không làm thế không đứng được. Nay người làm nghề bói mai rùa là người dẫn dắt kẻ mê hoặc, giáo hóa kẻ ngu tối vậy. Xét người ngu si mê hoặc, há có thể dùng một lời mà khiến họ nhận ra ư? Cho nên không ngại nói nhiều.

Vì thế, ngựa kỳ ngựa ký không thể chung xe với con lừa gầy, còn chim phượng chim hoàng không chung đàn với chim én chim sẻ, người hiền cũng không thể chung hàng với hàng kém cỏi. Cho nên quân tử ở nơi thấp kín để lánh đám đông, tự giấu mình tránh ràng buộc của thế tục, âm thầm nhận thấy sự thuận ứng của đạo đức để tiêu trừ những điều nguy hại, làm sáng tỏ tính trời, giúp hoàng thượng nuôi dưỡng chúng dân, lập nhiều công lao, mang về lắm lợi mà không mong được tôn sủng, khen ngợi. Hạng người ú ú ớ ớ như các ngài, sao biết được đạo của bậc trưởng giả!"

Tống Trung, Giả Nghị hoảng hốt như đánh mất vật gì, mơ màng thất sắc, buồn bã im lặng không thốt nên lời. Thế rồi nhắc áo đứng lên, vái hai vái từ biệt. Đi mà không biết về đâu, ra khỏi cổng chỉ biết lên xe, rạp trên đòn ngang, cúi đầu, trước sau như không thở ra hơi.

Được ba hôm, Tống Trung gặp Giả Nghị ở ngoài cổng điện, bèn kéo nhau vào nói chuyện riêng, cùng than thở: “Đạo cao thì càng an toàn, thế cao thì càng nguy thêm. Ở vị thế hiển hách, có ngày sẽ mất mạng. Phàm bói mà không chuẩn, không bị mất miếng ăn; vạch kế cho chúa mà không đúng, thân không còn chỗ mà đứng. Hai cái đó cách nhau xa, giống như đầu đội trời ở trên, chân đạp đất ở dưới vậy. Thế nên Lão tử có nói: 'Không tên gọi, là khởi đầu của muôn vật.'[10] Trời đất mênh mông, muôn vật vui hòa, chỗ an chỗ nguy, không ai biết mình phải ở chỗ nào. Tôi và ông, sao đủ dự vào đó được! Chúng càng lâu thì càng yên ổn, dẫu nghĩa lý Tăng tử[11] đề cập cũng không có gì sai khác.”

Lâu sau, Tống Trung đi sứ Hung Nô, chưa đến nơi thì quay về, bị khép tội. Còn Giả Nghị làm Thái phó cho Lương Hoài vương, Lương Hoài vương ngã ngựa chết, Nghị bỏ ăn, ôm hận rồi chết. Như thế là chuộng vinh hoa mà đứt gốc vậy[12].

Thái sử công bàn rằng: Thời xưa, sở dĩ những người làm nghề bói toán không được chép lại, phần nhiều do không thấy ghi trong sách vở. Đến Tư Mã Quý Chủ, tôi chép rồi viết ra.

Chử tiên sinh bàn rằngLúc tôi làm quan Lang, du ngoạn quan sát Trường An, thấy có bậc đại phu hiền năng hành nghề coi bói, để ý thấy ngày thường đi lại, ngồi đứng tự nhiên, cẩn thận chỉnh trang áo mũ rồi mới tiếp người trong làng, có phong cách của quân tử. Gặp người đàn bà tính tình dễ mến đến coi bói, đối diện mà vẻ mặt nghiêm trang, chưa từng cười mà hở răng. Từ xưa đến nay, hiền giả lánh đời, có người ở nơi đầm lớn hoang vu, có người ở trong dân gian nhưng ngậm miệng không nói, có người ẩn cư giữa phường bói toán để giữ vẹn thân mình. Xét Tư Mã Quý Chủ là bậc đại phu hiền năng nước Sở, du học Trường An, tinh thông Kinh Dịch thuật lại đạo của Hoàng Đế, Lão tử, hiểu biết rộng, tầm nhìn xa. Xem lời ông đáp hai vị đại phu quý nhân, dẫn chứng đạo của minh vương, thánh nhân thời xưa, vốn không phải tài năng nông cạn của hàng thuật số tầm thường. Còn như người nhờ bói toán mà nổi danh nghìn dặm thì nơi nào cũng có. Sách truyện viết: “Giàu là cao nhất, sang đứng thứ hai, đã sang, mỗi người phải học một ngón nghề để lập thân.” Hoàng Trực là bậc đại phu, Trần Quân Phu là vợ, nhờ tài xem tướng ngựa mà nổi danh thiên hạ. Trương Trọng, Khúc Thành hầu nước Tề, nhờ giỏi đánh kiếm và học dùng kiếm, nổi danh thiên hạ. Lưu Trường Nhụ nhờ xem tướng lợn mà nổi danh. Họ Chử ở Huỳnh Dương nhờ xem tướng trâu mà nổi danh. Người có thể nhờ một nghề mà có danh tiếng thì rất nhiều, họ đều có phong thái cao hơn thế tục, vượt hơn người người, sao kể hết được. Cho nên nói: “Không phải đất thích hợp, trồng cây không lên; không phải ý mong muốn, dạy cũng không thành.” Phàm trong gia đình muốn dạy con cháu, phải xem xem chúng thích học gì, niềm yêu thích nếu hợp đạo nghĩa cuộc sống, nhân đó mà thành toàn cho. Vì thế nói: “Dựng nhà như thế nào, cho con danh vị gì, qua đó đủ thấy chí hướng của kẻ sĩ; con có chỗ an thân, có thể gọi là người hiền rồi.”

Lúc tôi làm quan Lang, cùng quan Thái bốc, Đãi chiếu làm quan Lang trong một sở quan, họ nói: “Thời Hiếu Vũ đế, tụ hội những người chuyên về bói toán đến hỏi, ngày này có thể cưới vợ hay không? Người theo thuyết Ngũ hành nói có thể, thầy địa lý bảo không thể, thầy kiến trừ[13] nói không tốt, thầy tùng thời[14] bảo cực tốt, thầy lịch số phán hơi xấu, thầy thiên nhân[15] bảo hơi tốt, thầy thái nhất[16] bảo cực tốt. Tranh biện không quyết định được, bèn đem tấu lên hoàng thượng. Hoàng thượng hạ chế rằng: 'Tránh những sự chết chóc kiêng kỵ, lấy theo thầy Ngũ hành làm chính'.” Thế nên người ta lấy theo thầy Ngũ hành.

 

Chú thích.

[1] Bốc phệ: bốc là bói bằng mai rùa, phệ là bói bằng cỏ thi.

[2] Chỉ việc Hán Vũ đế vào triều kế vị.

[3] Chức quan phụ trách việc xem bói.

[4] Không ở triều đình: ý nói không làm quan trong triều.

[5] Ý nói hiện tượng nhật thực, nguyệt thực.

[6] Ý nói được chức vụ cao.

[7] Câu này trích từ chương 38 sách Đạo đức kinh của Lão tử.

[8] Họ Trang: tức Trang tử, tác giả sách Nam Hoa kinh.

[9] Ý nói các biện sĩ, thuyết khách.

[10] Câu này trích từ chương thứ nhất sách Đạo đức kinh của Lão tử.

[11] Có bản ghi là Trang tử.

[12] Ý nói ham vinh hoa mà mất mạng.

[13] Kiến trừ.  Một dạng thuật số thời cổ. Do lấy 12 địa chi để xác định phương vị, tháng năm, từ đó đoán cát hung, khởi đầu của 12 phương vị là chữ "kiến" và chữ "trừ", nên gọi là "kiến trừ".

[14] Tùng thời. Một dạng thầy thuật số thời cổ, dựa theo 12 canh giờ, mỗi canh giờ ứng với một vị thiện thần hay ác sát nào đó để định cát hung.

[15] Thiên nhân: trời và người. Một dạng thầy thuật số, chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa trời và người, cho giữa trời và người có sự tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau.

[16] Thái nhất: đây chỉ đạo sĩ theo phái Đạo gia.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét