Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 126 HOẠT KÊ LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

QUYỂN 126 

HOẠT KÊ LIỆT TRUYỆN

Khổng tử nói: “Lục nghệ xét về trị lý chỉ là một vậy. Kinh Lễ dùng để tiết chế con người, Kinh Nhạc để khai mở sự hài hòa, Kinh Thư dùng để thuật lại sự việc, Kinh Thi dùng để biểu đạt ý tứ, Kinh Dịch nói sự biến hóa thần kỳ, Xuân thu dùng để phát huy điều nghĩa.”

Thái sử công bàn rằngĐạo trời lồng lộng, há không lớn ru? Cách nói bóng gió xa xôi cũng có thể dùng để gỡ rối.

Thuần Vu Khôn

Thuần Vu Khôn là người gửi rể ở Tề. Cao chưa đầy bảy thước, khôi hài, giỏi biện luận, nhiều lần đi sứ chư hầu, chưa từng nhún mình chịu nhục. Thời Tề Uy vương, vua Tề thích những lời kín đáo, ham đắm những cuộc vui thâu đêm, chìm trong rượu không lo trị nước, giao chính sự cho khanh đại phu. Bá quan bê trễ, thác loạn, chư hầu cùng xâm phạm lãnh thổ, nước sắp nguy vong trong sớm chiều, tả hữu không ai dám can gián. Thuần Vu Khôn dùng lời kín đáo nói: “Trong nước có con chim lớn, đậu ở sân của đại vương, ba năm liền không chịu bay, cũng không hót, đại vương biết đó là chim gì không?” Tề vương nói: “Chim đó không bay thì thôi, một khi đã bay thì vút lên tận trời; không hót thì thôi, một khi đã hót thì khiến người kinh ngạc.” Thế rồi tiếp kiến bảy mươi hai Huyện lệnh, Huyện trưởng, thưởng một người, giết một người, khích lệ quân sĩ rồi kéo quân nghinh địch. Chư hầu kinh sợ, đều trả lại đất đã chiếm được cho Tề. Uy danh đến ba mươi sáu năm. Việc này ghi chép trong Điền Hoàn thế gia.

Tề Uy vương năm thứ tám, nước Sở huy động đại quân đánh Tề. Tề vương sai Thuần Vu Khôn đến Triệu xin quân cứu viện, mang theo trăm cân vàng, mười cỗ xe tứ mã. Thuần Vu Khôn ngẩng mặt lên trời cả cười, dải mũ đứt tung. Tề vương hỏi: “Tiên sinh cho là lễ vật ít ư?" Khôn đáp: “Đâu dám!" Tề vương hỏi: “Cười vì có điều gì cần nói ư?” Khôn đáp: “Nay thần từ hướng đông đến, thấy bên đường có người cúng cầu mùa màng bội thu, tay cầm một giò lợn, một vò rượu, khấn rằng: 'Ruộng xấu đầy cót, ruộng thấp đầy xe, ngũ cốc nặng trĩu, chồng chất đầy nhà.' Thần thấy người đó cúng lễ vật ít mà cầu quá nhiều, cho nên cười y.” Thế là Tề Uy vương bèn đưa thêm nghìn dật vàng, mười chuỗi ngọc trắng, trăm cỗ xe tứ mã. Khôn từ biệt lên đường, đến Triệu. Triệu vương cấp cho Khôn mười vạn tinh binh, nghìn cỗ chiến xa. Nước Sở nghe tin, đang đêm dẫn quân rút về.

Tề Uy vương cả mừng, bày tiệc rượu ở hậu cung, triệu Khôn đến, ban rượu cho. Tề vương hỏi: “Tiên sinh uống được bao nhiêu thì say?” Khôn đáp: “Thần uống một đấu cũng say, một thạch cũng say.” Uy vương hỏi: “Tiên sinh uống một đấu đã say thì sao có thể uống được một thạch?[1] Ta có thể nghe đạo lý trong đó chăng?" Khôn đáp: “Được ban rượu trước mặt đại vương, quan chấp pháp bên cạnh, quan Ngự sử ở phía sau, Khôn sợ hãi quỳ mọp mà uống, chưa đầy một đấu đã say. Nếu song thân có khách quý, Khôn vấn tay áo ngồi xuống, hầu rượu trước mặt, được ban rượu còn lại, nâng chén chúc thọ, nhiều lần đứng lên, uống không quá hai đấu thì say. Nếu bạn bè giao du, lâu ngày không gặp, bất chợt tụ họp, vui vẻ ôn lại chuyện xưa, cùng nhau thổ lộ niềm riêng, chừng dăm sáu đấu thì say. Còn tụ hội ở làng xóm, trai gái ngồi chung, mời rượu dùng dằng, chơi trò gieo lục bác, ném hồ lô, túm năm tụm ba, nắm tay không phạt, mắt liếc không cấm, phía trước có khuyên tai rơi, sau có chiếc trâm bỏ lại, Khôn trộm lấy làm vui, có thể uống tám đấu, mới đôi ba phần say. Chiều tối rượu tàn, dồn chén ngồi kề, trai gái chung chiếu, giày dép lẫn lộn, chén mâm bừa bộn, trên nhà tắt đuốc, chủ nhân giữ Khôn lại rồi tiễn khách về, cởi bỏ áo là, mùi hương thoang thoảng, lúc ấy trong lòng khôn vui thích nhất, có thể uống một thạch. Cho nên nói: 'Rượu quá hóa loạn, vui quá hóa buồn.' Muôn việc thảy đều như thế. Nói không quá lời, quá lời thì hỏng.” Thuần Vu Khôn dùng những lời ấy để khuyên can. Tề vương nói: “Phải.” Bèn thôi những cuộc rượu thâu đêm, giao cho Khôn làm quan phụ trách tiếp đãi chư hầu. Tông thất bày tiệc rượu, Khôn thường hầu ở bên.

Hơn trăm năm sau, nước Sở có Ưu Mạnh.

Ưu Mạnh

Ưu Mạnh vốn hành nghề nhạc hát ở Sở. Cao tám thước, giỏi biện bác, thường dùng lối nói khôi hài để can gián. Thời Sở Trang vương, vua có ngựa yêu, đem gấm vóc mặc cho ngựa, cho nhà hoa lệ, cho nằm giường không nằm, cho ăn quả táo khô. Con ngựa bị bệnh béo phì mà chết, sai quần thần làm tang lễ, muốn dùng quan quách mai táng theo lễ dùng với quan đại phu. Tả hữu can ngăn, cho là không thể. Sở Trang vương hạ lệnh rằng: “Ai lấy chuyện ngựa ra khuyên can, sẽ xử tội chết.” Ưu Mạnh nghe chuyện đó, vào cổng điện, ngẩng mặt lên trời khóc lớn. Sở vương ngạc nhiên hỏi nguyên do. Ưu Mạnh đáp: “Ngựa là ngựa nhà vua yêu, Sở đường đường là nước lớn, muốn gì chẳng được, thế mà dùng lễ hàng đại phu để táng ngựa, bạc lắm, xin dùng lễ dành cho nhà vua để an táng.” Sở vương hỏi: “Làm thế nào?" Đáp rằng: “Thần đề nghị dùng ngọc chạm trổ làm quan, dùng gỗ tử có vấn làm quách, dùng gỗ tiện, phong, dự, chương[2] lót bên ngoài, huy động giáp sĩ đào huyệt, người già yếu thì vác đất, Tề, Triệu bồi tế phía trước, Hàn, Ngụy hộ vệ phía sau, lập miếu dùng lễ thái lao để tế, phong ấp vạn hộ. Chư hầu hay chuyện, đều biết đại vương coi rẻ người mà quý ngựa vậy.” Sở vương hỏi: “Sai lầm của quả nhân đến mức ấy ư? Làm sao bây giờ?” Ưu Mạnh đáp: “Xin đại vương chôn như các loài lục súc[3], lấy bếp làm quách, nồi đồng làm quan, thêm gừng táo làm gia vị, gỗ mộc lan để dâng tiến, dùng gạo nếp làm đồ tế, dùng ánh lửa làm áo, táng vào trong bụng ruột người.” Thế là Sở vương bèn sai đem ngựa giao xuống cho Thái quan[4], không muốn để thiên hạ nói mãi về việc này.

Tướng quốc nước Sở là Tôn Thúc Ngao biết Ưu Mạnh hiền năng, đối đãi rất tốt. Tôn Thúc Ngao bị bệnh sắp chết, dặn con rằng: “Ta chết, mi ắt nghèo khó. Nếu vậy hãy đi gặp Ưu Mạnh, nói: 'Tôi là con trai của Tôn Thúc Ngao'.” Được mấy năm, người con của Tôn Thúc Ngao lâm cảnh cùng khốn phải đi vác củi, gặp Ưu Mạnh, liền nói rằng: “Tôi là con trai của Tôn Thúc Ngao. Lúc cha tôi sắp mất, dặn nếu tôi nghèo khốn thì gặp Ưu Mạnh.” Ưu Mạnh nói: “Anh đừng có đi đâu xa.” Liền mặc áo đội mũ giống Tôn Thúc Ngao, mô phỏng lời nói cử chỉ. Được hơn một năm, giống hệt Tôn Thúc Ngao, Sở vương cùng tả hữu không thể phân biệt được. Trang vương bày tiệc rượu, Ưu Mạnh bước đến trước chúc thọ. Trang vương hết sức kinh ngạc, cho là Tôn Thúc Ngao sống lại, muốn cho làm Tướng quốc. Ưu Mạnh nói: “Xin cho thần về bàn tính với vợ, ba ngày sau sẽ làm Tướng quốc.” Trang vương đồng ý. Ba hôm sau, Ưu Mạnh lại đến. Sở vương hỏi: “Vợ bảo thế nào?" Mạnh đáp: “Vợ thần bảo cẩn thận đấy, chớ có làm, Tướng quốc nước Sở không đáng để làm đâu. Như Tôn Thúc Ngao làm Tướng quốc nước Sở, cai trị nước Sở tận trung, liêm khiết, Sở vương nhờ đó xưng bá. Nay chết rồi, con ông ta không tấc đất cắm dùi, khốn quẫn phải vác củi tự kiếm ăn. Nếu giống Tôn Thúc Ngao, thà tự sát còn hơn.” Nhân đó hát rằng: “Trong núi cày ruộng khổ, khó được miếng ăn. Dậy mà đi làm quan, thân tham lam bỉ ổi, của cải dư thừa, không đoái nhục nhã. Thân chết nhà giàu có, lại sợ nhận của đút, bẻ cong pháp luật, làm điều gian dối mắc tội lớn, thân chết nhà bị diệt. Làm quan lại tham lam làm gì! Nghĩ làm quan thanh liêm, phụng theo pháp luật, giữ đúng chức phận, đến chết không dám làm điều phi pháp. Làm quan thanh liêm mà làm gì! Tướng quốc nước Sở là Tôn Thúc Ngao, thanh liêm cho đến chết, nay vợ con khốn quẫn, phải vác củi kiếm ăn, chẳng đáng để làm đâu!” Thế là Trang vương tạ lỗi với Ưu Mạnh, bèn triệu con trai Tôn Thúc Ngao đến, phong cho bốn trăm hộ ở Tẩm Khưu, để phụng thờ tế tự Tôn Thúc Ngao, mười đời sau còn chưa dứt. Trí tuệ như thế có thể nói là hợp thời vậy.

Hơn hai trăm năm sau, ở nước Tần có Ưu Chiên.

Ưu Chiên

Ưu Chiên là con hát thấp bé người nước Tần, giỏi nói cười mà đều hợp với đạo lớn. Thời Tần Thủy hoàng, bày tiệc rượu nhưng trời đổ mưa, các viên cầm khiên hầu dưới thềm đều bị lạnh. Ưu Chiên thấy thì thương, bảo họ rằng: “Các anh có muốn nghỉ không?" Họ đều đáp: “Được thế thật may mắn lắm.” Ưu Chiên nói: “Khi nào ta gọi các anh, các anh phải dạ ngay.” Được một lát, trên điện dâng chén chúc thọ hô vạn tuế, Ưu Chiên đến bên lan can gọi lớn: “Các viên Lang cầm khiên dưới thềm!” Các quan Lang đáp: “Dạ.” Ưu Chiên nói: “Các anh dẫu cao lớn, cũng có ích gì, chỉ may khi đứng dưới mưa thôi. Ta dẫu thấp, may lại được nghỉ ngơi.” Thế là Tần Thủy Hoàng sai một nửa đám cầm khiên hầu dưới thềm được nghỉ để thay phiên nhau.

Thủy hoàng từng bàn việc mở rộng vườn Thượng uyển, phía đông đến Hàm Cốc quan, phía tây đến đất Ung và Trần Thương. Ưu Chiên nói: “Tốt. Thả nhiều cầm thú vào vườn, giặc cướp từ phía đông sang, sai hươu nai húc chúng cũng đủ rồi.” Thủy hoàng vì thế không mở rộng vườn nữa.

Nhị Thế lên ngôi, lại muốn quét sơn tường thành, Ưu Chiên nói: “Tốt. Chúa thượng tuy không nói, thần cũng vốn định đề nghị như thế. Sơn thành tuy khiến trăm họ sầu khổ tốn phí, nhưng mà đẹp! Sơn thành láng bóng, giặc cướp đến không thể trèo lên. Nếu muốn làm việc đó, sơn thành thì dễ thôi, mà khó làm được nhà để che cho thành.” Thế là Nhị Thế cười, không sơn tường thành nữa. Không lâu sau, Nhị Thế bị giết, Ưu Chiên quy phục nhà Hán, được mấy năm thì chết.

Thái sử công bàn rằngThuần Vu Khôn ngửa mặt lên trời cả cười mà Tề Uy vương tung hoành thiên hạ. Ưu Mạnh lắc lắc đầu hát mà kẻ cõng củi được phong đất. Ưu Chiên đến bên lan can hô vội mà một nửa đám cầm khiên hầu dưới thềm được nghỉ để thay phiên nhau. Há chẳng phải cùng kỳ vĩ lắm ư!

Chử tiên sinh bàn rằngTôi may nhờ kinh thuật[5] nên được làm quan Lang, lại thích đọc lời truyền của các nhà khác. Trộm không tự lượng sức mình, lại chép sáu chương về những truyện hoạt kê, biên thêm vào đây[6]. Để có thể mở rộng kiến văn, đặng khiến những người hiếu sự về sau đọc các truyện này sướng tai thích chí, ngõ hầu phụ sau ba chương trước của Thái sử công.

1. Thời Vũ đế, có con hát được sủng ái là Quách cá nhân, nói năng biện bạch tuy không hợp đạo lớn, nhưng khiến nhà vua vui vẻ. Khi Vũ đế còn nhỏ, từng được mẹ Đông Vũ hầu nuôi nấng, khi Vũ đế trưởng thành, gọi bà là “Đại nhũ mẫu”. Mỗi tháng bà vào chầu hai lần. Khi vào chầu, nhà vua hạ chiếu sai sủng thần là Mã Du Khanh đem năm mươi xấp lụa trắng đưa tặng, lại dâng rượu và đồ ăn phụng dưỡng nhũ mẫu. Nhũ mẫu dâng thư nói: “Chỗ nọ có công điền, xin hãy ban cho đám ruộng ấy.” Vũ đế nói: “Nhũ mẫu muốn có công điền ư?” Rồi tặng ruộng ấy cho. Nhũ mẫu nói gì nhà vua cũng chấp nhận. Có chiếu cho nhũ mẫu được ngồi xe đi trên đường dành cho nhà vua. Bấy giờ, các công khanh đại thần đều kính trọng nhũ mẫu. Con cháu, đầy tớ, thị tòng nhà nhũ mẫu hoành hành bạo ngược ở Trường An, giữa đường chặn xe ngựa người ta, cướp lột quần áo người ta. Việc đến tại nhà vua, nhưng nhà vua không nỡ xử theo pháp luật. Quan hữu ty đề nghị đưa gia đình nhũ mẫu ra ở biên giới. Lời tâu được chấp thuận. Nhũ mẫu vào cung gặp Vũ đế từ biệt. Trước khi vào cung, nhũ mẫu gặp rồi khóc lóc với Quách xá nhân. Xá nhân nói: “Khi vào cung từ biệt, hãy đi nhanh rồi ngoái đầu lại nhiều lần.” Nhũ mẫu làm như lời, tạ từ bước ra, đi nhanh nhưng ngoảnh lại nhiều lần. Quách xá nhân vội mắng: “Chà, cái mụ già! Sao không đi nhanh đi! Bệ hạ đã lớn rồi, lẽ đâu cần bà cho bú mới sống ư? Còn ngoái nhìn làm gì?” Thế là nhà vua động lòng, bèn hạ chiếu không đầy nhũ mẫu ra biên giới nữa, phạt lưu đày kẻ đã gièm pha.

2. Thời Vũ đế, có Đông Phương Sóc người nước Tề, thích sử truyện sách vở thời cổ, ham kinh thuật, đọc rộng sách vở các nhà[7]. Sóc mới đến Trường An, đến chỗ công xa[8] dâng thư, thư dùng đến ba nghìn thẻ[9]. Công xa sai hai người cùng cầm nâng thư của Sóc, phải như thế mới nâng nổi. Hoàng thượng ở cung đọc tấu thư của Sóc, dừng chỗ nào thì đánh dấu lại, đọc hai tháng mới xong. Hạ chiếu phong làm quan Lang, thường hầu bên cạnh nhà vua. Nhiều lần được triệu đến bàn chuyện trước mặt nhà vua, vua không lần nào không vui thích. Bấy giờ, có chiếu ban cho được ăn trước mặt vua. Ăn xong, Sóc ôm hết thịt thừa mang đi, làm bẩn cả áo. Nhiều lần được ban tặng lụa là, Sóc vác mang đi. Toàn dùng tiền, lụa được ban tặng, để cưới vợ trẻ đẹp ở Trường An. Cứ lấy vợ được một năm lại bỏ, lấy vợ khác. Tiền tài được ban tặng phát tán hết cho đàn bà con gái. Các quan Lang cận kề nhà vua phân nửa gọi Sóc là “kẻ cuồng”. Nhà vua nghe chuyện, nói: “Nếu Sóc không làm những việc ấy, các ngươi sao theo kịp gã?" Sóc tiến cử con làm quan Lang, lại được thăng làm Yết giả hầu cận nhà vua, thường cầm cờ tiết đi sứ. Sóc đi trong điện, các quan Lang bảo Sóc: “Người ta đều nói tiên sinh là kẻ cuồng.” Sóc đáp: “Như Sóc, được gọi là người trốn đời ở giữa triều đình đấy. Người xưa tránh đời thì vào núi sâu.” Có lúc, dự trong đám tiệc, uống rượu ngà ngà, ngồi trên đất hát rằng: “Ẩn mình trong thế tục, tránh đời ở cửa Kim Mã. Trong cung điện có thể lánh đời giữ trọn thân mình, sao cứ nhất thiết phải vào núi sâu, ở dưới mái tranh.” Cửa Kim Mã là cửa dành cho quan lạ[10]i, cạnh cổng có con ngựa bằng đồng, cho nên gọi là “cửa Kim Mã”.

Bấy giờ triều đình tụ họp các Bác sĩ, tiên sinh trong cung nghị bàn, họ cùng hỏi khó: “Tô Tần, Trương Nghi một lần gặp được vua nước vạn cỗ xe, đều được địa vị khanh tướng, ơn trạch truyền cho đời sau. Nay ông học theo thuật cai trị của tiên vương, hâm mộ đạo nghĩa của thánh nhân, tụng đọc Thi, Thư cùng học thuyết bách gia, nhiều không kể xiết. Khắc vào tre, viết lên lụa, tự cho là thiên hạ vô song, có thể gọi là biết rộng, giỏi biện bác. Tuy dốc sức tận trung phụng sự thánh đế, đến nay đã lâu, qua mấy chục năm, quan chức chẳng qua Thị lang, địa vị chẳng qua cầm kích, xem chừng còn có việc gì thiếu sót chăng? Nguyên do tại đâu?” Đông Phương Sóc đáp: “Đó vốn không phải điều các ông có thể biết được. Xưa là một thời, nay là một thời, há có thể đánh đồng ư? Xét lẽ, thời Trương Nghi, Tô Tần, nhà Chu cực suy, chư hầu không vào chầu, dùng vũ lực để tranh quyền, đem quân binh để cự nhau, thôn tính còn mười hai nước, chưa phân thắng bại, ai được kẻ sĩ mưu trí thì mạnh, không được kẻ sĩ mưu trí thì mất, cho nên nói được nghe, đi là đến, thân ở địa vị tôn quý, ơn trạch truyền cho đời sau, con cháu mãi được vinh hiển. Nay không phải thế. Thánh đế ở trên, đức truyền thiên hạ, chư hầu thần phục vào chầu, oai chấn Tứ di, nối liền ngoài bốn biển như cái chiếu, yên ổn như chậu úp, thiên hạ yên bình, hợp thành một nhà, làm việc gì cũng dễ như trở bàn tay. Người hiền năng và kẻ kém cỏi có khác gì đâu? Nay thiên hạ rộng lớn, sĩ dân đông đúc, những kẻ dốc hết tinh lực du thuyết, cùng ùn ùn kéo đến, nhiều không kể xiết. Hết lòng kính mộ đạo nghĩa, lại bị chuyện cơm áo làm khốn, không tìm được đường tiến thân. Giả sử Trương Nghi, Tô Tần sinh cùng ta vào thời nay, ngay chức Chưởng cố cũng không được, sao dám mong làm đến Thường thị, Thị lang. Truyện viết: 'Thiên hạ không còn mối nguy, dẫu có thánh nhân, cũng chẳng có chỗ thi thố tài năng; trên dưới hòa hợp, dẫu có hiền giả, cũng không có chỗ kiến lập công danh.' Cho nên nói thời khác thì việc cũng khác. Thế nhưng sao có thể không tu thân được? Kinh Thi viết: 'Chuông trống trong cung, tiếng vang ra ngoài', 'Hạc kêu chằm lớn, tiếng vang trên trời.' Nếu có thể tu thân, lo gì không vinh hiển? Thái công[11] đích thân thi hành nhân nghĩa đến bảy mươi hai tuổi mới gặp được Văn vương, thuyết của ông được thi hành, được phong ở Tề, bảy trăm năm không dứt. Đó là lý do để kẻ sĩ ngày đêm miệt mài, tu dưỡng học vấn, thi hành đạo nghĩa, không dám ngơi nghỉ. Kẻ sĩ ẩn dật ngày nay, tuy đương thời không được trọng dụng vẫn hiên ngang, lừng lững một mình, xa thì xem Hứa Do[12], gần xét gương Tiếp Dư[13], kế sách giống như Phạm Lãi, trung thành hợp với Tử Tư, thiên hạ hòa bình, cùng giữ đạo nghĩa, ít bè thiếu bạn, vốn là lẽ thường. Các ông sao lại nghi ngờ tôi?” Thế là các đồng liêu lặng yên không đáp.

Ở lan can hai lớp trên gác sau cung Kiến Chương xuất hiện một con vật, hình dáng giống con nai. Hay tin, Vũ đế đích thân đến xem. Vua hỏi quần thần hiểu biết nhiều điều, tinh thông kinh thuật bên cạnh không ai biết. Hạ chiếu với Đông Phương Sóc đến xem. Sóc nói: “Thần biết con vật này, xin ban mỹ tửu và thức ăn ngon ăn uống một bữa thịnh soạn, thần mới nói.” Hạ chiếu rằng: “Được.” Rồi lại nói: “Chỗ nọ có mấy khoảnh công điện, có ao cá, mọc cỏ bồ cỏ lau, bệ hạ ban cho thần, thần mới nói.” Chiếu ban rằng: “Được.” Thế rồi Sóc mới chịu nói, rằng: “Con này gọi là Sô nha. Phương xa theo về nẻo nghĩa, Sô nha xuất hiện trước. Răng loài này trước sau giống nhau như một, phẳng như không có răng, cho nên gọi là Sô nha.” Sau đó độ một năm, Côn Da vương ở Hung Nô quả nhiên đem mười vạn quân chúng đến hàng nhà Hán. Bèn ban rất nhiều tiền tài cho Đông Phương Sóc.

Về già, lúc Sóc sắp chết, can vua rằng: “Kinh Thi viết: 'Nhặng xanh đông đúc, đậu trên rào. Người quân tử vui vẻ gần gũi với người, không tin lời gièm. Lời gièm khôn cùng, làm rối loạn các nước bốn phương.' Xin bệ hạ tránh xa bọn xảo ngôn xu nịnh.” Vua hỏi: “Nay đến như Đông Phương Sóc cũng nói nhiều lời hay thế ư?” Vua lấy làm lạ. Không lâu sau, Sóc quả nhiên ốm chết. Truyện viết: “Con chim sắp chết, tiếng hót bi ai; con người sắp chết, lời nói cũng tốt”, chính là nói trường hợp này.

3. Thời Vũ đế, đại tướng quân Vệ Thanh là anh của Vệ hoàng hậu, được phong Trường Bình hầu. Đem quân đánh Hung Nô, đến phía trên sông Dư Ngô rồi rút, chém thủ cấp và bắt tù binh, có công trở về, chiếu ban nghìn cân vàng. Tướng quân ra cửa cung, Đông Quách tiên sinh người nước Tề là phương sĩ chờ chiếu chỉ ở công xa, trên đường đi chặn xe Vệ tướng quân, bái yết rồi nói: “Xin bẩm báo một việc.” Tướng quân dừng xe trước mặt, Đông Quách tiên sinh ở bên cạnh xe nói: “Vương phu nhân mới được hoàng thượng sủng ái, nhà nghèo. Nay tướng quân được thưởng nghìn cân vàng, nếu lấy một nửa tặng cho cha mẹ Vương phu nhân, hoàng thượng biết, ắt rất vui. Đó chính là kế lạ và tiện lợi vậy.” Vệ tướng quân cảm tạ rằng: “May được tiên sinh chỉ cho kế sách tiện lợi, xin kính cẩn nghe chỉ giáo.” Thế rồi Vệ tướng quân bèn mang năm trăm cân vàng chúc thọ cha mẹ Vương phu nhân. Vương phu nhân kể với Vũ đế. Vũ đế nói: “Đại tướng quân không biết làm thế đâu.” Hỏi kế sách từ đâu, Vệ tướng quân nói: “Được người chờ chiếu chỉ là Đông Quách tiên sinh hiến cho.” Chiếu triệu Đông Quách tiên sinh đến, phong làm Quận đô úy. Đông Quách tiên sinh đợi chiếu ở công xa đã lâu, nghèo khốn đói rét, áo rách, giày cũng không còn lành. Đi trên tuyết, giày chỉ còn phần trên, không có phần đế dưới, cả bàn chân giẫm trên đất. Người đi đường thấy vậy cười chê, Đông Quách tiên sinh trả lời rằng: “Ai có thể đi giày trên tuyết mà khiến người khác nhìn thấy phía trên là giày, chỗ dưới giày là chân không?” Đến khi được thăng quan trật hai nghìn thạch, Đông Quách tiên sinh đeo dây thao xanh ra khỏi cung, đến từ biệt chủ nhà trọ, người đó vốn cùng chờ chiếu như mình, đứng làm lễ tiễn biệt ngoài cổng đô thành. Đông Quách tiên sinh trên đường vinh hoa, lập danh ở đời. Đó gọi là người mặc áo vải thô mà mang của báu trong mình vậy. Đang lúc nghèo khốn, không ai ngó ngàng; đến khi hiển quý, bèn đua nhau xu phụ. Ngạn ngữ có câu: “Xem ngựa thấy gầy mà nhầm, xem kẻ sĩ thấy nghèo mà nhầm"[14], có lẽ là nói trường hợp này chăng?

4. Vương phu nhân bị bệnh nặng, nhà vua đích thân đến thăm, hỏi rằng: “Con nàng sẽ được phong vương, nàng muốn cho phong ở đâu?” Vương phu nhân đáp: “Xin phong ở Lạc Dương.” Nhà vua nói: “Không được. Lạc Dương có kho vũ khí, kho lương Ngao Thương, là chỗ cửa quan, yết hầu của thiên hạ. Từ thời tiên đế đến nay, truyền đời không phong vương cho ai ở Lạc Dương. Các nước được phong ở vùng Quan Đông, không nước nào lớn bằng Tề, có thể phong cho làm Tề vương.” Vương phu nhân lấy tay vỗ lên đầu, hô: “May mắn quá!” Vương phu nhân chết, được gọi là “Tề Vương thái hậu mất”.

Trước đây, Tề vương sai Thuần Vu Khôn dâng chim hộc cho Sở, ra khỏi cổng thành ấp, trên đường chim hộc bay mất, chỉ còn chiếc lồng không, bèn thêu dệt nên chuyện, đến yết kiến Sở vương, nói: “Tề vương sai thần đến dâng chim hộc, qua sông, không nỡ để chim hộc khát, bèn bỏ ra cho uống nước, chim bỏ thần bay mất. Thần chực đâm bụng, thắt cổ mà chết, nhưng sợ người ta nói nhà vua vì chuyện chim thú khiến kẻ sĩ tự tử. Hộc là giống có lông, có nhiều loài tương tự, thần định mua con khác thay vào, nhưng như thế là không trung thực, lại còn lừa dối nhà vua, định chạy trốn sang nước khác, nhưng đau lòng vì sứ thần hai chúa không qua lại nữa, cho nên đến nhận lỗi, dập đầu nhận tội với đại vương.” Sở vương nói: “Tốt, Tề vương có kẻ sĩ thủ tín như thế ư?” Rồi tặng thưởng hậu hĩnh, tiền tài nhiều gấp đôi giá trị chim hộc.

5. Thời Vũ đế, triệu Thái thú Bắc Hải đến hành cung. Có viên Tốt sử[15] phụ trách văn thư là Vương tiên sinh, xin đi cùng Thái thú, nói: “Tôi sẽ giúp ích cho ngài.” Thái thú đồng ý. Các viên duyên lại, Công tào[16] thưa rằng: “Vương tiên sinh ham rượu, nói nhiều mà ít thực chất, sợ không thể đi cùng ngài.” Thái thú đáp: “Ý tiên sinh muốn đi, không thể trái.” Bèn cùng đi. Đến dưới hành cung, chờ chiếu ở cửa cung phủ. Vương tiên sinh chỉ mang tiền mua rượu uống cùng viên Bộc xạ phụ trách lính bảo vệ, say sưa cả ngày, không gặp Thái thú. Thái thú vào quỳ lạy, Vương tiên sinh bảo viên canh cổng rằng: “Xin gọi giúp Thái thú tôi đến cổng trong để tôi nói vọng mấy lời.” Viên quan Lang canh cổng gọi Thái thú, Thái thú đến, từ xa trông thấy Vương tiên sinh. Vương tiên sinh hỏi: “Nếu thiên tử hỏi ngài cai trị Bắc Hải thế nào mà khiến không còn trộm cướp, ngài sẽ trả lời ra sao?" Đáp rằng: “Chọn lựa hiền tài, thảy giao việc đúng tài năng, thưởng người vượt trội, phạt kẻ kém cỏi.” Vương tiên sinh nói: “Đáp như thế là tự khen, tự khoe công của mình, không được. Xin ngài đáp rằng: 'Không phải sức của thần, thảy là do thần linh uy vũ của bệ hạ mới được như thế vậy'.” Thái thú đáp: “Vâng.” Triệu vào, đến dưới điện, có chiếu hỏi Thái thú rằng: “Sao cai trị ở Bắc Hải mà khiến trộm cắp không dấy lên?” Dập đầu đáp lời: “Không phải sức của thần, thảy là do thần linh uy vũ của bệ hạ mới được như thế vậy.” Vũ đế cả cười, nói: “Ôi! Sao lại có lời của bậc trưởng giả để đáp lại thế? Ngươi tiếp thu từ ai?” Đáp rằng: “Thần tiếp thu từ viên Tốt sử phụ trách văn thư.” Vũ đế hỏi: “Giờ y ở đâu?” Đáp rằng: “Ở ngoài cổng cung phủ.” Có chiếu triệu vào, phong Vương tiên sinh làm Thủy hành thừa, lấy Thái thú Bắc Hải làm Thủy hành đô úy. Truyện nói: “Lời hay có thể đem trao đổi, phẩm hạnh cao có thể nhận thêm từ người khác” [17]“Người quân tử dùng lời nói tặng nhau, kẻ tiểu nhân dùng của cải tặng nhau” [18].

6. Thời Ngụy Văn hầu, Tây Môn Báo làm Huyện lệnh huyện Nghiệp. Báo đến huyện Nghiệp, hội kiến các trưởng lão, hỏi han nỗi khổ cực của dân. Các trưởng lão thưa: “Khổ vì việc cưới vợ cho Hà Bá, cho nên nghèo.” Báo hỏi nguồn cơn, đáp rằng: “Hằng năm quan Tam lão, Đình duyện[19] của huyện Nghiệp thường thu thuế khóa của trăm họ, tiền thu được lên đến mấy trăm vạn, dùng hai ba mươi vạn để lấy vợ cho Hà Bá, cùng đồng cốt chia nhau số tiền thừa mang về. Đến đúng dịp hằng năm, đồng cốt thấy nhà nào có con gái đẹp, bảo: 'Cô này sẽ làm vợ Hà Bá', liền mang sinh lễ đến lấy. Tắm gội cho cô gái đó, mặc y phục lụa là mới, cho ở một mình, trai giới; dựng trai cung bên bờ sông Hoàng Hà, giăng màn màu hồng đào, cho cô gái ở trong. Chuẩn bị cho đủ thịt bò, rượu, cơm nước, làm hơn chục hôm. Cùng nhau son phấn trang điểm, có giường chiếu như gả con gái, cho cô gái ở trên, thả trôi trên sông Hoàng Hà. Ban đầu thì nổi, trôi đi được mấy chục dặm thì chìm. Nhà ai có con gái đẹp, chỉ sợ đồng cốt cưới cho Hà Bá, cho nên phần lớn đem con gái trốn thật xa. Vì thế trong thành ngày càng trống vắng không người, lại nghèo khốn, việc này có từ lâu rồi. Tục ngữ dân gian có câu: 'Nếu không lấy vợ cho Hà Bá, nước lớn tràn dâng, nhấn chìm người dân'.” Tây Môn Báo nói: “Đến lúc cưới vợ cho Hà Bá, mong các Tam lão, đồng cốt, phụ lão đưa tiễn cô gái trên sông Hoàng Hà, đến báo với tôi, tôi cũng đi tiễn cô gái.” Đều đáp: “Vâng.”

Đến kỳ, Tây Môn Báo đến bên sông Hoàng Hà. Các Tam lão, quan thuộc, thân hào trưởng giả, phụ lão trong làng đều có mặt, dân chúng có tới hai ba nghìn người đến xem. Đồng cốt lần này là bà lão đã bảy mươi tuổi. Nữ đệ tử đi theo có mười người, đều mặc áo the mỏng, đứng sau bà đồng. Tây Môn Báo nói: “Gọi vợ Hà Bá ra đây, xem đẹp hay xấu.” Liền đưa cô gái trong màn đến trước mặt. Báo trông xem, quay lại bảo Tam lão, đồng cốt và các phụ lão: “Cô này không đẹp, phiền bà đồng xuống báo với Hà Bá, đổi tìm cô đẹp hơn, ngày sau đưa đi.” Liền sai lại tốt cùng khiêng bà đồng ném xuống sông Hà. Một lát, nói: “Sao bà đồng đi lâu thế? Đệ tử đi báo!" Lại đem một đệ tử bà đồng ném xuống sông. Một lát, nói: “Đệ tử sao đi đâu thế? Sai một người khác đi báo!” Lại ném một đệ tử khác xuống sông. Trước sau ném ba đệ tử. Tây Môn Báo nói: “Đệ tử của bà đồng là con gái, không thể thưa rõ việc, phiền Tam lão đi bẩm báo sự việc.” Lại ném Tam lão xuống sông. Tây Môn Báo cài bút lên đầu, khom mình kính cẩn, hướng ra sông đứng đợi hồi lâu. Các trưởng lão, quan lại đứng bên nhìn đều kinh sợ. Tây Môn Báo quay lại nói: “Bà đồng, Tam lão không về, làm sao bây giờ?” Lại định sai Đình duyện cùng hào trưởng, mỗi chức một người đi báo. Thảy dập đầu, dập đầu sắp vỡ, máu trên trán chảy xuống đất, sắc mặt tái mét như tro nguội. Tây Môn Báo nói: “Ừ, hãy nán lại chờ chốc lát.” Giây lâu, Báo nói: “Đình duyện đứng lên đi! Xem chừng Hà Bá giữ khách lại lâu, các ngươi hãy kết thúc rồi về.” Quan dân huyện Nghiệp kinh sợ bàng hoàng, từ đấy về sau, không dám nói việc lấy vợ cho Hà Bá nữa.

Tây Môn Báo huy động dân đào mười hai con kênh, dẫn nước sông Hoàng Hà vào tưới ruộng của dân, ruộng đều được tưới nước. Bấy giờ, dân đào kênh thấy có chút vất vả nên không muốn làm. Báo nói: “Dân chỉ có thể hưởng niềm vui khi việc đã xong, không thể cùng họ lo tính từ đầu. Nay con em các phụ lão tuy cho ta làm khổ họ, nhưng trăm năm sau con cháu các phụ lão sẽ nhớ đến lời ta.” Đến nay thảy đều được hưởng lợi từ các con kênh, người dân nhờ đó sung túc giàu có. Mười hai con kênh cắt ngang đường xe đi, đến khi nhà Hán thành lập, trưởng lại cho rằng cầu qua mười hai con kênh chặn mất đường xe đi, lại gần nhau, không khả thi. Định hợp nhất các kênh, đến chỗ đường xe đi sẽ hợp ba con kênh làm một cây cầu. Người dân và phụ lão huyện Nghiệp không chịu nghe trưởng lại, cho là các kênh ấy do Tây Môn quân làm, khuôn phép của bậc hiền quân không thể canh cải. Trưởng lại rốt cuộc nghe theo, không sửa đổi nữa. Xưa kia, Tây Môn Báo làm Huyện lệnh huyện Nghiệp, nổi danh thiên hạ, ơn trạch truyền cho đời sau, không lúc nào dứt, há có thể nói không phải đại phu hiền năng ư?

Truyện viết: “Tử Sản cai trị nước Trịnh, dân không thể giả dối; Tử Tiện cai trị Đan Phủ, dân không nỡ giả dối; Tây Môn Báo cai trị đất Nghiệp, dân không dám giả dối.” [20] Tài năng của ba vị đó ai đứng đầu? Người sáng suốt trong việc trị lý có thể phân biệt được.

Chú thích.

[1] Vì một thạch bằng mười đấu.

[2] Các loại gỗ tốt.

[3] Lục súc: sáu loại vật nuôi: ngựa, trâu, dê, lợn, chó, gà.

[4] Thái quan: quan phụ trách việc ăn uống của nhà vua.

[5] Kinh thuật: đây chỉ kinh điển Nho gia.

[6] Nguyên văn ghi là: “Biên chép các truyện đó vào bên trái", vì sách xưa đọc từ phải sang trái.

[7] Ý nói đọc rộng sách vở của các học thuyết khác ngoài kinh điển Nho gia.

[8] Công xa: Cơ quan thời Hán, phụ trách việc tiếp đón các sĩ nhân vào kinh đô tham gia khảo hạch.

[9] Đương thời, chữ được khắc trên thẻ tre.

[10] Cửa Kim Mã: cửa cung Vị Ương, Hán Vũ đế từng sai các học sĩ đợi chiếu chỉ ở đó.

[11] Thái công: tức Khương Tử Nha - Lã Vọng.

[12] Hứa Do: cùng Sào Phủ đều là các ẩn sĩ thời thượng cổ, kiên quyết lánh đời, không muốn tham gia vào công việc của thế tục.

[13] Tiếp Dư: một ẩn sĩ thời Xuân thu.

[14] Ý nói thấy ngựa gầy mà không biết đó là ngựa tốt, thấy kẻ sĩ khốn khó mà không biết là họ giỏi, thảy chỉ dựa vào bề ngoài mà nhầm lẫn.

[15] Một chức quan nhỏ thời Hán, trật một trăm thạch.

[16] Các thuộc quan trong quận.

[17] Đoạn này trích từ chương chín mươi bảy sách Đạo đức kinh, ý nói những lời thâm mỹ, tuyệt diệu thì có thể đổi lấy sự trân trọng của người khác; phẩm hạnh cao khiết thì có thể nhận được thêm phần trân trọng từ người khác.

[18] Đoạn này trích từ thiên "Đại lược", sách Tuân tử.

[19] Thuộc quan ở các châu huyện.

[20] Tư Mã Trinh thời Đường trong Sử ký sách ẩn cho rằng: Tử Sản Làm Tướng quốc nước Trịnh, vừa có lòng nhân, lại vừa sáng suốt nên dân chúng không thể dối gạt được ông; Tử Tiện làm quan ở Đan Phủ (cũng phiên là Đan Phụ), làm chính trị theo lối thanh tịnh vô vi, chỉ so dây đánh đàn, ba năm không bước khỏi nhà mà dân theo giáo hóa, dân không nỡ dối gạt ông; Tây Môn Báo làm Huyện lệnh huyện Nghiệp, cai trị bằng sự uy nghiêm, cho nên dân không dám lừa gạt ông.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét