Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 125 NỊNH HẠNH LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

QUYỂN 125 

NỊNH HẠNH LIỆT TRUYỆN

Ngạn ngữ nói: “Ra sức làm ruộng không bằng gặp năm được mùa, giỏi làm quan không bằng hợp ý nhà vua.” Vốn chẳng phải lời nói suông. Không chỉ nữ nhân nhờ nhan sắc [để được sủng ái], ngay quan chức cũng có chuyện tương tự.

Xưa, nhiều người nhờ có nhan sắc nên được sủng ái. Đến khi nhà Hán hưng khởi, Cao tổ rất nóng nảy cương trực, nhưng Tịch Nhụ nhờ nịnh nọt nên được sủng ái; thời Hiếu Huệ đế có Hoành Nhụ. Hai người này không có tài năng, đều nhờ khéo nịnh mà được hiển quý sủng ái, cùng nằm cùng dậy với vua, các công khanh đều thông qua họ để chuyển lời đến hoàng thượng. Cho nên thời Hiếu Huệ đế, quan Lang, Thị trung đều đội mũ lông trĩ đỏ, thắt dây lưng trang sức vỏ sò, thoa phấn, bắt chước thuộc hạ của Hoành và Tịch. Cả hai đều dời nhà đến An Lăng[1].


Đặng Thông

Sủng thần thời Hiếu Văn đế, kẻ sĩ thì có Đặng Thông, quan chức thì có Triệu Đồng, Bắc Cung Bá Tử. Bắc Cung Bá Tử nhờ là bậc trưởng giả yêu người, còn Triệu Đồng nhờ biết xem tinh tượng, thời tiết nên được sủng ái, thường được ngồi chung xe với Văn đế; Đặng Thông không có tài nghệ. Đặng Thông người Nam An thuộc Thục Quận, nhờ biết chèo thuyền nên được làm phu thuyền[2]. Hiếu Văn đế ngủ mơ, muốn lên trời, không lên được, có một phu thuyền từ phía sau đẩy vua lên trời, quay lại nhìn thấy dải thắt lưng áo buộc ở phía sau lưng. Vua tỉnh giấc rồi đến Tiệm Đài[3], nhân việc đã gặp trong mộng, cố nhớ lại hình ảnh khi ấy mong tìm thấy thuyền phu kia, liền thấy Đặng Thông, dải áo buộc phía sau, giống như đã thấy trong mơ. Vua triệu đến hỏi họ tên, xưng là họ Đặng, tên là Thông. Văn đế thích, ngày càng tôn sủng khác thường. Thông cũng thực thà cẩn trọng, không thích qua lại với người ngoài, dẫu được ban cho nghỉ, cũng không muốn ra khỏi cung. Thế rồi Văn đế ban thưởng cho Thông muôn vàn tiền bạc tới hàng chục lần, cho làm quan đến Thượng đại phu. Văn đế thường đến chơi nhà Đặng Thông. Nhưng Đặng Thông không có tài gì, không thể tiến cử được kẻ sĩ nào, chỉ tự giữ mình cẩn trọng để bợ đỡ hoàng thượng mà thôi. Hoàng thượng sai người giỏi xem tướng, xem tướng cho Thông, nói: “Đáng nghèo đến chết đói.” Văn đế nói: “Khiến Thông giàu là do ta, sao lại bảo nghèo?” Thế rồi ban cho Đặng Thông núi đồng ở Nghiêm Đạo thuộc đất Thục, cho được tự đúc tiền, “tiền họ Đặng” lưu hành trong thiên hạ. Đặng Thông giàu đến thế đấy.

Văn đế từng bị ung nhọt, Đặng Thông thường hút mủ cho vua. Văn đế không vui, thủng thẳng hỏi Thông rằng: “Thiên hạ ai là người yêu ta nhất?” Thông đáp: “Chừng không ai bằng thái tử.” Thái tử vào thăm bệnh, Văn đế sai hút mủ, thái tử hút mủ nhưng nét mặt tỏ vẻ khó khăn. Lại nghe Đặng Thông thường hút mủ cho Văn đế, trong lòng hổ thẹn, từ đấy oán Thông. Đến khi Văn đế băng hà, Cảnh đế lên ngôi, Đặng Thông bị bãi chức, ở nhà. Không lâu sau, có người tố cáo Đặng Thông lén ra biên giới đúc tiền, bị giao cho quan lại tra hỏi, quả có việc đó, liền kết án, tịch thu hết gia sản của Đặng Thông, còn bắt đền bù hàng muôn vạn. Trưởng công chúa ban tặng tiền cho Đặng Thông, quan lại liền theo sau tịch thu sung vào kho, trên mình đến cái trâm cũng không còn. Thế rồi Trưởng công chúa bèn sai cấp quần áo, lương thực. Rốt cuộc không còn được đặt tên một loại tiền[4], chết ở nhà người khác.

Thời Hiếu Cảnh đế, trong cung không có sủng thần, chỉ riêng Lang trung lệnh Chu Văn Nhân được sủng ái hơn người khác, nhưng không được sâu dày.


Hàn Yên

Trong các sủng thần của thiên tử ngày nay, kẻ sĩ thì có vương tôn Hàn Yên, quan lại thì có Lý Diên Niên. Yên là cháu dòng thứ của Cung Cao hầu[5]. Khi đương kim hoàng thượng làm Giao Đông vương, Yên và hoàng thượng cùng học thư pháp, rất yêu quý nhau. Đến khi hoàng thượng làm thái tử, càng thân với Yên. Yên giỏi cưỡi ngựa bắn cung, khéo nịnh. Hoàng thượng lên ngôi, muốn dấy binh thảo phạt Hung Nô, còn Yên từ trước đã học cách đánh trận của quân Hồ, vì thế càng được tôn quý, làm quan đến Thượng đại phu, được ban thưởng tương tự Đặng Thông. Bấy giờ, Yên thường cùng ngủ cùng thức với hoàng thượng. Giang Đô vương vào chầu, có chiếu cho được theo hoàng thượng vào săn bắn trong vườn Thượng lâm. Mới quét đường, giới nghiêm, xa giá thiên tử chưa khởi hành nhưng đã sai Yên ngồi xe tùy tòng trước, theo sau là hơn trăm kỵ binh, phóng đi xem chỗ nào có thú vật. Giang Đô vương trông thấy, cho là thiên tử, bước ra khỏi đoàn tùy tùng, phủ phục bên đường bái kiến. Hàn Yên đi qua, Giang Đô vương giận, khóc lóc với Hoàng thái hậu rằng: “Xin được trả lại nước phong, vào cung làm Túc vệ, để được ngang với Hàn Yên.” Từ đó Thái hậu giận Yên. Yên hầu hoàng thượng, ra vào lối ngõ trong cung[6] không bị ngăn cấm, nhân đó gian tình, bị Hoàng thái hậu biết, Hoàng thái hậu giận, sai sứ ban chết cho Yên. Hoàng thượng tạ lỗi, rốt cuộc vẫn không tha, Yên bèn tự sát. Còn An Đạo hầu Hàn Duyệt là em trai Hàn Yên, cũng nhờ nịnh nọt mà được sủng ái.


Lý Diên Niên

Lý Diên Niên người ở Trung Sơn. Cha mẹ, bản thân, anh em, cho đến chị em vốn làm nghề ca múa. Diên Niên phạm pháp bị phạt hủ hình[7], phải vào cung trông coi việc nuôi chó[8]. Công chúa Bình Dương nói em gái Lý Diên Niên giỏi múa, hoàng thượng triệu kiến, trong lòng thích nàng, bèn nạp vào hậu cung, rồi triệu kiến Diên Niên, cho được hiển quý. Diên Niên giỏi hát, viết nhiều khúc nhạc mới, còn hoàng thượng đang cho xây đền thờ trời đất, muốn viết thơ ca để phối nhạc diễn tấu. Diên Niên khéo đón ý, diễn xướng khúc nhạc mới tự viết. Em gái Lý Diên Niên cũng được sủng ái, sinh được con trai. Diên Niên đeo ấn quan trật hai nghìn thạch, gọi là quan Hiệp thanh luật[9]. Cùng ngủ cùng thức với hoàng thượng, rất được hiển quý và sủng ái, sánh ngang Hàn Yên. Lâu sau, dần dà cùng hoạn quan làm loạn, nghênh ngang ra vào cung cấm. Sau khi em gái là Lý phu nhân chết, dần ít được sủng, rồi Diên Niên cùng anh em bị bắt giết.

Từ đó về sau, các đại thần trong cung được sủng đại để đều là ngoại thích của vua, nhưng không đủ để nhắc đến. Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh cũng là ngoại thích được quý sủng, nhưng đều khéo dùng tài năng để tự tiến thân.


Thái sử công bàn rằngĐáng sợ thay lúc yêu lúc ghét! Việc làm của Di Tử Hà[10], đủ thấy kết cục của đám bề tôi xu nịnh được sủng ái đời sau, dẫu trăm năm vẫn có thể thấy được.

 

Chú thích.

[1] An Lăng: lăng ấp của Hán Huệ đế.

[2] Phu thuyền: nguyên là “hoàng đầu lang". Thời Hán, phu thuyền đội khăn màu vàng nên gọi là hoàng đầu lang (chàng đầu vàng).

[3] Tiệm Đài: đài trong cung Vị Ương.

[4] Ý nói không còn tên gọi "tiền họ Đặng" (Đặng thị tiền) nữa.

[5] Cung Cao hầu: tức Hàn Đồi Dương, con trai của Hàn vương là Tín.

[6] Nguyên là "vĩnh hạng”, lối đi dài trong cung, chỉ chỗ ở của các cung tần.

[7] Hủ hình: cũng như cung hình, phạm tội bị thiến.

[8] Thời Hán trong cung có chức quan Cẩu giám, phụ trách việc trông coi, chăm sóc chó săn cho nhà vua.

[9] Tức Hiệp luật đô úy, một chức quan phụ trách việc âm nhạc trong cung đình nhà Hán.

[10] Di Tử Hà được vua nước Vệ sủng ái, Pháp luật nước Vệ quy định, kẻ nào lén ngồi xe của nhà vua sẽ bị chặt chân. Thế rồi, mẹ Di Tử bị bệnh, có người biết, đêm đến báo tin, Di Tử vội lấy xe của nhà vua mà đi. Nhà vua biết chuyện, cho Di Tử là con hiếu, nói: "Hiếu thay! Vì mẹ mà phạm tội chặt chân." Di Tử cùng vua dạo chơi trong vườn, ăn đào thấy ngọt, bèn dâng vua quả đào ăn dở, vua nói: "Yêu quý ta thay, không đành ăn mà nghĩ đến ta." Đến khi nhan sắc Di Tử đã suy, không còn được sủng ái như trước, đắc tội với vua, vua nói: "Kẻ này từng lén đi xe của ta, lại đưa ta ăn quả đào ăn dở."

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét