Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 124 DU HIỆP LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

QUYỂN 124 

DU HIỆP LIỆT TRUYỆN

Hàn Phi tử nói: “Nho gia dùng văn làm loạn pháp lệnh, còn kẻ du hiệp dựa vào võ phạm vào cấm lệnh.” Cả hai đều bị chê bai, nhưng học sĩ[1] phần nhiều được người đời khen ngợi. Đến như dùng thuật để được làm Tể tướng, khanh đại phu, phụ giúp cho chúa, công danh rạng rỡ trong sử sách, vốn không có gì để nói nữa. Còn như Quý Thứ, Nguyên Hiến, người nơi xóm ngõ, đọc sách, riêng mang hoài bão thi hành đức của quân tử, vì nghĩa không chịu a dua đương thời, người đương thời cũng cười họ. Cho nên Quý Thứ, Nguyên Hiến trọn đời sống trong nhà trống, cổng làm bằng cỏ bồng, mặc áo vải thô, ăn rau không biết chán. Chết rồi mà hơn bốn trăm năm sau học trò còn nhung nhớ khôn nguôi. Nay đám du hiệp, đức hạnh tuy không hợp với chính nghĩa, nhưng lời nói ra ắt thủ tín, đã làm ắt đạt kết quả, đã hứa ắt thành tâm làm, không tiếc thân mình, cứu người trong nguy khốn, đã khiến kẻ mất lại còn, kẻ chết được sống, mà không cốt khoe tài năng, lấy việc kể ân đức làm thẹn, đại để cũng đủ khiến người ta khen ngợi.

Hơn nữa nguy cấp là điều người ta thường gặp vậy.

Thái sử công bàn rằng: Xưa kia, Ngu Thuấn cùng quẫn ở giếng ở kho[2], Y Doãn vác vạc vác thớt[3], Phó Duyệt náu mình ở Phó Hiểm[4], Lã Thượng nguy khốn ở Cức Tân[5], Di Ngô phải mang gông[6], Bách Lý Hề chăn trâu[7], Trọng Ni sợ hãi ở đất Khuông, bị đói đất Trần đất Sái[8]. Đó đều là những người được đám học sĩ cho là có đạo có nhân, mà vẫn gặp những nguy nan như thế, huống chi tài năng bậc trung mà sống vào cuối đời loạn, gặp nguy nan nói sao cho xiết!

Người nơi thôn dã có câu rằng: “Đâu hay nhân nghĩa, chỉ cần được lợi thì là có đức.” Cho nên Bá Di hổ thẹn về nhà Chu, chết đói trên núi Thú Dương, nhưng Văn vương, Vũ vương không vì thế mà mất thanh danh của bậc vương giả[9]; Đạo Chích, Trang Cược hung bạo, tàn nhẫn, nhưng đồ đảng vẫn ca tụng nghĩa khí không thôi. Từ đó mà xét, “Trộm cái móc dây lưng thì bị giết, trộm cả một nước lại được phong hầu, cổng nhà công hầu ở đâu nhân nghĩa ở đấy.” Đó chẳng phải lời nói suông vậy.

Nay, hoặc câu nệ vì sở học, hoặc câu nệ vì nghĩa lý ngắn độ tấc gang, sẽ mãi cô độc ở đời, há bằng hạ thấp ngôn luận xuống ngang hàng thế tục, chìm nổi với đời để được vinh hoa, danh tiếng! Còn bọn áo vải, coi trọng việc lấy và bỏ, xem trọng lời hứa, ngàn dặm vẫn ca tụng chính nghĩa, dẫu chết vẫn không màng đến đời, vậy cũng là có sở trường, không phải tùy tiện mà làm. Cho nên kẻ sĩ gặp cảnh cùng quẫn thì có chỗ gửi gắm vận mệnh, đó há không phải những kẻ được người ta gọi là hiền nhân, hào hiệp ư? Nếu để những kẻ nghĩa hiệp nơi làng xóm so quyền thế, năng lực với Quý Thứ, Nguyên Hiến, về sự cống hiến với đời, không thể so được. Còn đem việc thu tín ra mà so thì đạo nghĩa của hiệp khách đầu phải là kém!

Những hiệp khách áo vải thời xưa không còn được nghe nữa. Gần đây bọn Diên Lăng, Mạnh Thường, Xuân Thân, Bình Nguyên, Tín Lăng[10], đều nhờ là thân thuộc của vương giả, dựa vào đất phong và sự giàu sang của ngôi khanh tướng, chiêu tập hiền tài trong thiên hạ, hiển danh với chư hầu, không thể nói là họ không giỏi. Cũng giống thuận chiều gió mà hô, tiếng hô không nhanh thêm, mà theo hướng gió đưa đi xa vậy. Đến như những hiệp khách nơi xóm làng, tu dưỡng phẩm hạnh, rèn giữ danh tiết, thanh danh lan khắp thiên hạ, không ai không khen hiền năng, thế mới là khó. Thế nhưng Nho gia Mặc gia đều gạt không chép. Từ Tần về trước, hạng thất phu mà làm hiệp khách, mai một không còn thấy đâu, ta rất tiếc về việc đó. Theo những điều ta được nghe, nhà Hán hưng khởi có bọn Chu Gia, Điền Trọng, Vương Công, Kịch Mạnh, Quách Giải, dẫu thường phạm vào lưới pháp đương thời, nhưng cá nhân họ nghĩa khí, liêm khiết, khiêm nhượng, đủ để khen ngợi. Danh tiếng không phải tự nhiên được dựng, kẻ sĩ không phải vô cớ theo họ. Còn như bọn hào cường cậy phe dựa cánh, cấu kết với nhau, dùng tiền của để sai khiến những người nghèo khó, cậy thế lực mà khinh người sức yếu thế cô, phóng túng tự đắc, kẻ du hiệp cũng hổ thẹn vì họ. Ta đau xót vì thói đời không xét chí hướng của họ, mà đánh đồng bọn Chu Gia, Quách Giải với đám cường bạo mà cười chê họ.


Chu Gia

Chu Gia người nước Lỗ, cùng thời với Cao tổ. Người nước Lỗ đều dùng đạo nho để dạy, nhưng Chu Gia lại nhờ hành hiệp mà nổi danh. Chu Gia giấu và cứu sống hàng trăm hào kiệt kẻ sĩ, ngoài ra những hạng tầm thường, không sao kể xiết. Nhưng rốt cuộc không khoe tài hay tự thỏa mãn với ân đức của mình. Thi ơn cho những ai, chỉ lo gặp lại họ. Cứu giúp người thiếu thốn, bắt đầu từ những người nghèo hèn. Nhà không có của dư, quần áo không lành lặn, ăn không hai món, đi lại chỉ bằng xe trâu. Chuyên giúp người lúc nguy cấp, coi trọng hơn việc của mình. Từng ngầm cứu thoát tướng quân Quý Bố trong cảnh nguy hiểm, đến khi Bố được tôn quý, trọn đời không gặp lại nữa. Từ Hàm Cốc quan sang phía đông, không ai không rướn cổ mong được kết giao.

Điền Trọng người nước Sở, nổi danh nhờ hành hiệp, thích kiếm, thờ Chu Gia như cha, tự cho việc mình làm không theo kịp. Sau khi Điền Trọng chết, ở Lạc Dương có Kịch Mạnh. Người đất Chu sống dựa vào buôn bán, còn Kịch Mạnh nhờ hành hiệp mà nổi danh chư hầu. Khi Ngô Sở làm phản, Điều hầu làm Thái úy, ngồi xe dịch trạm kíp đến Hà Nam, tìm được Kịch Mạnh, mừng nói: “Ngô, Sở dấy đại sự mà không tìm Mạnh, ta biết rằng họ không làm được trò trống gì.” Thiên hạ rúng động, Tể tướng được Kịch Mạnh như hạ được một nước địch vậy. Kịch Mạnh hành sự đại khái giống Chu Gia, nhưng thích đánh bạc, hay chơi những trò của bọn thiếu niên. Sau, mẹ Kịch Mạnh chết, có đến mấy nghìn xe từ phương xa đến viếng tang. Đến khi Kịch Mạnh chết, của nả trong nhà không còn đến mười lạng vàng. Còn Vương Mạnh người Phù Ly cũng nổi tiếng hành hiệp ở vùng sông Giang sông Hoài.

Bấy giờ, ở Tế Nam có họ Nhàn, ở đất Trần có Chu Dung cũng nổi tiếng về hào hiệp, Cảnh đế nghe tiếng sai sứ giết hết bọn họ. Sau đó, ở đất Đại có những người họ Bạch, ở đất Lương có Hàn Vô Tỵ, ở Dương Địch có Tiết Huống, ở đất Thiểm có Hàn Nhụ lại đua nhau xuất hiện.


Quách Giải

Quách Giải người đất Chỉ, tự Ông Bá, là cháu ngoại của Hứa Phụ, người giỏi xem tướng. Cha của Giải do hành hiệp, bị giết thời Hiếu Văn đế. Giải người thấp bé, tinh tường, hung hãn, không uống rượu. Lúc trẻ âm hiểm tàn ác, khi trong lòng phẫn uất, không vừa ý, ra tay giết rất nhiều người. Không tiếc thân mình báo thù cho bạn, trốn tránh để làm việc gian manh, cướp bóc, lúc rảnh rang thì đúc trộm tiền, đào trộm mả, nhiều không kể xiết. Được trời che chở, lúc quẫn bách thường đào thoát, hoặc được ân xá. Đến khi Giải trưởng thành, lại thay tính đổi nết, biết kiềm chế, dùng đức báo oán, thi ân nhiều mà ít mong báo đáp. Bản thân Giải càng thích làm việc nghĩa hiệp hơn trước. Đã cứu mạng người khác, sẽ không khoe công mình, trong lòng vẫn âm hiểm, tàn ác, cuối cùng vẫn phát tiết ở những thù oán nhỏ nhoi như cũ. Rồi những người trẻ tuổi hâm mộ việc làm của Giải, liền báo thù cho ngay, không cho Giải biết. Con trai của chị gái Giải cậy thế cậu, uống rượu với người khác, bắt phải cạn chén. Người đó không uống nổi, ép uống bằng hết. Người đó nổi giận, tuốt kiếm giết cháu Giải rồi bỏ trốn. Chị gái Giải giận nói: “Với nghĩa khí của Ông Bá, người ta giết con tôi, mà không bắt được hung thủ.” Vứt xác con ngoài đường, không chôn, muốn làm nhục Giải. Giải sai người tìm, ngầm biết chỗ hung thủ. Hung thủ quẫn quá đành tự quay về, nói lại sự thực với Giải. Giải nói: “Ông giết nó là phải, cháu tôi không đúng.” Bèn tha cho hung thủ, quy tội con người chị, rồi thu xác đem chôn. Mọi người nghe chuyện đó, đều khen ngợi nghĩa khí của Giải, càng theo đông hơn.

Giải đi hay về, người ta đều tránh. Riêng có một người ngồi xổm mà nhìn, Giải sai người hỏi họ tên. Môn khách của Giải muốn giết kẻ đó, Giải nói: “Ở quê quán mà không được người ta tôn kính, là do tôi không tu dưỡng đức hạnh, người ta có tội gì đâu!” Bèn ngầm dặn viên Uý sử rằng: “Người này, tôi rất quan tâm, đến phiên lao dịch hãy miễn cho anh ta.” Mỗi khi đến dịp lao dịch, tới phiên anh ta, quan lại không bắt phải đi. Người đó thấy lạ, hỏi nguyên do, mới hay Giải sai miễn cho. Y bèn để trần đến xin tạ tội. Những người trẻ nghe việc đó, càng hâm mộ đức hạnh của Giải.

Ở Lạc Dương có người thù oán nhau, các bậc hiền năng hào kiệt trong ấp đã hòa giải cho hai bên hàng chục lần, trước sau họ đều không nghe. Môn khách bàn đến gặp Giải. Giải đang đêm đến nhà có thù oán kia, họ chịu nhún nghe theo lời giải. Giải bèn nói với nhà có thù ấy rằng: “Tôi nghe nói các vị ở Lạc Dương đã đến hòa giải nhiều lần nhưng không nghe. Nay may ông nghe lời Giải này, Giải sao có thể từ huyện khác đến cướp quyền các bậc hiền năng đại phu trong ấp được?” Bèn đang đêm ra đi, không cho ai biết, nói: “Tạm thời đừng làm gì, đợi tôi đi đã, để hào kiệt Lạc Dương hòa giải đã, rồi hãy nghe theo.”

Giải giữ lòng cung kính, không dám ngồi xe vào thẳng sân huyện nha. Giải đến các quận lân cận để thỉnh cầu cho người khác việc gì, việc có thể giải quyết được thì giải quyết; không giải quyết được sẽ khiến các bên đều hài lòng, sau đó mới dám ăn cơm uống rượu. Mọi người vì thế càng tôn trọng Giải, tranh nhau ra sức giúp đỡ. Các thiếu niên trong ấp cùng các bậc hiền hào ở huyện lân cận, nửa đêm qua cửa thường hơn chục xe, xin đưa môn khách của Giải về nhà mình cung dưỡng.

Đến khi dời các nhà hào phủ đến Mậu Lăng, Giải nhà nghèo, của cải không đủ số, quan lại sợ, không thể không bắt Giải dời đi[11] Tướng quân Vệ Thanh nói đỡ rằng: “Quách Giải nhà nghèo, không vào diện di dời.” Hoàng thượng nói: “Kẻ áo vải mà quyền đến mức khiến tướng quân phải nói đỡ, như thế nhà y không phải là nghèo.” Gia đình Giải liền di dời. Mọi người bỏ ra hơn nghìn vạn tiền để đưa tiễn. Con trai của Dương Quý Chủ người huyện Chỉ làm thư lại trong huyện, đưa Giải vào diện di dời. Con người anh của Giải chém đầu y. Từ đó, họ Dương và họ Quách thành cừu thù.

Giải vào Quan Trung, các bậc hiền năng hào kiệt ở Quan Trung biết hay không biết Giải, nghe danh đều tranh nhau đến kết giao. Giải thấp bé, không uống rượu, ra ngoài chưa từng cưỡi ngựa. Sau, xảy ra việc giết Dương Quý Chủ, người nhà Dương Quý Chủ dâng thư lên hoàng thượng, lại có người giết kẻ dâng thư ngay dưới cửa cung khuyết. Hoàng thượng biết chuyện, bèn hạ lệnh cho quan lại truy bắt Giải. Giải trốn, để mẹ ở Hạ Dương, còn mình đến Lâm Tấn. Tịch Thiếu công ở Lâm Tấn vốn không biết Giải, Giải mạo danh, nhân xin ra khỏi Quan Trung. Tịch Thiếu công cho Giải đi, Giải lại vào Thái Nguyên, qua nhà nào đều nói với chủ nhà. Quan lại truy bắt Giải, lần theo dấu vết đến Tịch Thiếu công. Tịch Thiếu công tự sát, mất người khai báo. Lâu sau mới bắt được Giải. Truy xét kỹ các tội đã phạm, những người bị Giải giết đều trước khi được ân xá. Có nho sinh ở huyện Chỉ đứng hầu vị quan được sai đến xét xử Giải, có người khách khen Quách Giải, nho sinh nói: “Quách Giải chuyên làm việc gian trá phạm quốc pháp, sao nói là người hiền?” Môn khách của Giải biết, giết nho sinh ấy, cắt lưỡi. Quan lại lấy việc đó trách hỏi Giải, Giải không biết hung thủ là ai. Kẻ giết người cũng trốn biệt, không biết là ai. Quan lại tâu Giải vô tội. Ngự sử đại phu Công Tôn Hoằng bàn rằng: “Giải là kẻ áo vải, hành hiệp lộng quyền, chỉ thù oán cỏn con mà giết người, tuy Giải không biết, nhưng tội ấy còn nặng hơn là đích thân Giải giết. Đáng tội đại nghịch vô đạo.” Giết cả họ Quách Giải Ông Bá.

Từ đấy về sau, nhiều người hành hiệp, nhưng đều ngạo mạn, không đáng nhắc đến. Ở Quan Trung, Trường An có Phan Trọng Tử, ở Hòe Lý có Triệu vương tôn, ở Trường Lăng có Cao Công tử, Tây Hà có Quách Công Trọng, ở Thái Nguyên có Lỗ Công Nhụ, Lâm Hoài có Nhi Trường Khanh, ở Đông Dương có Điền Quân Nhụ, tuy hành hiệp nhưng đều có phong thái cẩn thận khiêm cung của quân tử. Đến như bọn họ Diêu ở bắc đạo, cánh họ Đỗ ở tây đạo, Cừu Cảnh ở nam đạo, Triệu Thay Vũ công tử ở đông đạo, Triệu Điều ở Nam Dương, đó chỉ là Đạo Chích ở dân gian thôi, sao đủ để nói! Bọn họ là nỗi hổ thẹn của những người như Chu Gia trước đây vậy.


Thái sử công bàn rằng: Ta xem Quách Giải, tướng mạo không bằng người bình thường, lời nói không có gì đáng xét, nhưng trong thiên hạ, bất kể hiền năng hay kém cỏi, biết hay không biết, đều hâm mộ danh tiếng, nói về hành hiệp đều dẫn tên tuổi Quách Giải. Ngạn ngữ nói: “Người ta lấy thanh danh làm tướng mạo, há hết được ư?” Ô hô, tiếc thay!

 

Chú thích.

[1] Học sĩ: đây chỉ các nhà nho.

[2] Ngu Thuấn: là vị đế vương thời cổ, nổi tiếng đức độ, được các nhà nho về sau ca tụng, coi như bậc thánh đế, dùng đức mà cảm hóa thiên hạ. Khi Thuấn chưa lên ngôi Hoàng đế, còn là một nông dân ở thôn dã, nhiều lần bị cha là Cổ Tẩu và em là Tượng hãm hại. Thuấn sửa kho, cha rút thang, đốt kho, muốn thiêu Thuấn chết. Thuấn đào giếng, đang ở dưới giếng thì em là Tượng lấp giếng, định chôn sống Thuấn.

[3] Y Doãn: là hiền thần đời nhà Thương. Khi còn hàn vi, ông từng phải tìm cơ hội làm đầu bếp cho vua Thành Thang, muốn thông qua việc chế biến món ăn để thể hiện tài năng trị lý quốc gia, sau được Thành Thang trọng dụng, lập được đại công.

[4] Phó Duyệt: vốn là một phạm nhân lao động khổ sai ở Phó Hiểm (cũng gọi là Phó Nham), sau được vua Vũ Đinh nhận ra là người tài năng, trọng dụng, khiến nhà Thương thịnh trị.

[5] Lã Thượng: tức Khương Tử Nha, Lã Vọng. Lã Thượng bảy mươi tuổi nhưng chưa được thỏa chí, phải bán quán cơm nhỏ ở Cức Tân.

[6] Di Ngô: tức Quản Trọng thời Xuân thu. Quản Trọng vốn là bề tôi của công tử Củ, công tử Củ tranh ngôi với công tử Tiểu Bạch (sau là Hoàn công), thất bại, trốn sang nước Lỗ, Hoàn công sai người nước Lỗ giết công tử Củ, bắt Quản Trọng đóng gông áp giải về nước Tề.

[7] Bách Lý Hề: Bách Lý Hề lúc trẻ tự bán mình làm nô lệ, chăn trâu cho người, rồi tìm cơ hội để được Tần Mục công trọng dụng. Sau khi được trọng dụng, Bách Lý Hề giúp Tần Mục công dựng đại nghiệp của nước Tần.

[8] Trọng Ni: tức Khổng tử. Khổng tử từng chu du nhiều nước để truyền bá học thuyết của mình, hy vọng được các vua chư hầu đương thời tin dùng. Từ nước Vệ sang nước Trần, khi qua vùng đất Khuông của nước Vệ, người Khuông thấy ông giống Dương Hổ, một người mà họ oán hận, bèn vây khốn, suýt nguy đến tính mạng. Khổng tử qua nước Trần và nước Sái, giữa đường không có lương ăn, bị đói, gầy gò vàng võ.

[9] Văn vương là bề tôi của vua Trụ nhà Ân Thương, dùng đức để thu phục thiên hạ, đến con là Vũ vương đem quân đánh vua Trụ, Bá Di và Thúc Tề cho là bề tôi mà đánh vua là bất trung, ngăn cản, Vũ vương không nghe, hai người vì thế đi ở ẩn trên núi Thú Dương, không ăn thóc gạo của nhà Chu, chỉ ăn rau vi trên núi, sau chết đói, được nhà nho coi là bậc thánh chí thanh.

[10]             Diên Lăng: tức công tử Quý Trát ở nước Ngô thời Xuân thu, do được phong ở Diên Lăng nên gọi là Diên Lăng Quý tử.

Mạnh Thường: tức Mạnh Thường quân Điền Văn ở nước Tề;

Xuân Thân: tức Xuân Thân quân Hoàng Yết ở nước Sở;

Bình Nguyên: tức Bình Nguyên quân Triệu Thắng ở nước Triệu;

Tín Lăng: tức Tín Lăng quân Vô Kỵ ở nước Ngụy. Các nhân vật này đều có liệt truyện trong Sử ký.

[11] Mậu Lăng: lăng mộ của Hán Vũ đế. Năm Kiến Nguyên thứ hai thời Hán Vũ đế, nhà Hán tăng thêm số người để tu sửa Mậu Lăng, quyết định dời các gia đình có của cải từ ba trăm vạn trở lên trong cả nước đến sống ở Mậu Lăng. Đến năm Nguyên Sóc thứ hai, lại dời các nhà phú hào tại các quận trong nước đến Mậu Lăng, Quách Giải cũng bị di dời đến Mậu Lăng trong đợt này.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét