SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)
Phạm Văn Ánh dịch
QUYỂN 122
KHỐC LẠI LIỆT TRUYỆN
Khổng tử nói: “Dùng chính lệnh để dẫn dắt, dùng
hình pháp để ước thúc, dân tránh được tội nhưng không biết xấu hổ. Dùng đức để
dẫn dắt, dùng lễ để ước thúc, dân biết xấu hổ mà theo khuôn phép.”[1] Lão thị nói: “Đức cao mà không tỏ ra
như có đức, cho nên có đức; đức thấp mà tỏ ra như có đức, cho nên không có đức.
Pháp lệnh càng nghiêm, trộm cắp càng nhiều." [2]
Thái sử công bàn rằng: Lời ấy đáng tin thay! Pháp lệnh
là công cụ của chính trị, nhưng không phải căn nguyên việc cai trị trong hay đục.
Trước đây, lưới pháp của thiên hạ rất dày, nhưng tuồng gian ngụy vẫn không ngừng
nổi lên, khi đến cực độ khiến trên dưới lừa nhau, đến mức không thể chấn chỉnh.
Bấy giờ, phép trị của quan lại giống như mang củi đi chữa cháy, mang nước nóng
chữa nước sôi, nếu không mạnh mẽ nghiêm ngặt, làm sao đảm đương được chức vị mà
vui vẻ được. Kẻ nói về đạo đức, ắt sẽ mất chức vị. Cho nên nói: “Thẩm xét ngục
tụng, ta cũng như người khác thôi, ắt muốn khiến không còn ngục tụng nữa.” [3] “Kẻ ngu tối nghe đạo thì cả cười.” [4] Đó không phải những lời nói suông. Triều
Hán hàng khởi, đổi vuông làm tròn, bỏ lối điêu chuốt thành giản phác[5], lưới pháp như có thể lọt cả cá lớn nuốt được
thuyền, còn quan lại cai trị thì thuần hậu, không xảy ra chuyện gian trá, dân
chúng được yên. Từ đó mà xét, trị lý quốc gia ở chỗ đạo đức khoan nhân chứ
không phải ở hình phạt tàn khốc.
Thời Cao hậu, quan lại tàn khốc chỉ có
Hầu Phong, hà khắc chèn ép tông thất, xúc phạm khinh nhục công thần. Lã hậu bại
vong, bèn giết cả nhà Hầu Phong. Thời Hiếu Cảnh đế, Triều Thố tính tình hà khắc,
lại dùng quyền thuật trợ giúp tài năng của mình, rồi xảy ra loạn bảy nước, hướng
sự căm giận vào Thố, sau rốt Thố bị giết[6]. Rồi sau có bọn Chất Đô, Ninh Thành.
Chất Đô
Chất Đô người huyện Dương, lấy thân phận quan Lang phụng
sự Hiếu Văn đế. Thời Hiếu Cảnh đế, Đô làm Trung lang tướng, dám can gián thẳng,
bắt bẻ đại thần ngay tại triều đường. Từng theo hoàng thượng vào vườn Thượng
lâm, Giả Cơ đi nhà xí, con lợn rừng thình lình xông vào. Hoàng thượng nhìn ra
hiệu cho Đô, Đô không đi cứu. Hoàng thượng định cầm binh khí cứu Giả Cơ, Đô quỳ
mọc trước hoàng thượng nói: “Mất một mỹ nhân lại được dâng tiến một mỹ
nhân, thiên hạ há thiếu người như Giả Cơ ư? Nếu bệ hạ tự xem nhẹ mình, tông miếu
và Thái hậu sẽ ra sao?” Hoàng thượng quay về, con lợn ấy cũng bỏ đi.
Thái hậu biết chuyện đó, ban cho Đô trăm cân vàng, từ đó coi trọng Chất Đô.
Người họ Nhàn ở Tế Nam có trên trăm nhà, hoành hành gian
giảo, quan hàng hai nghìn thạch[7] cũng
không ai trị được, thế rồi Cảnh đế bèn phong Đô làm Thái thú Tế Nam. Đô đến
nơi, giết cả nhà tên đầu trò tội ác họ Nhàn, số còn lại đều khiếp vía. Được hơn
một năm, trong quận không nhặt của rơi. Hơn chục Thái thú các quận bên cạnh sợ
Đô như sợ quan trên.
Đô là người dũng cảm, có khí lực, công bằng liêm chính,
không mở xem thư riêng tư, không nhận lễ vật dâng tặng, không nghe những lời gửi
gắm. Thường tự nói rằng: “Đã quay lưng với cha mẹ để làm quan, bản thân
nên dốc sức phụng chức, giữ vững tiết tháo cho đến chết, trước sau không đoái đến
vợ con.”
Chất Đô được thăng làm Trung úy. Thừa tướng Điều hầu[8] là người tôn quý song ngạo mạn, Đô chỉ vái
chào Thừa tướng. Bấy giờ dân chúng chất phác, sợ tội nên luôn thận trọng, còn
riêng Đô nghiêm khắc trước, đến khi thi hành pháp lệnh, không nể hoàng thân quý
thích, liệt hầu cùng người trong tổng thất gặp Đô đều không dám nhìn thẳng, gọi
Đô là “Chim ưng xanh”.
Lâm Giang vương bị triệu đến phủ Trung úy để thẩm vấn[9], Lâm Giang vương muốn viết thư tạ tội dâng lên
hoàng thượng, nhưng Đô cấm thuộc lại, không cho. Ngụy Kỳ hầu sai người lén đưa
bút mực cho Lâm Giang vương. Lâm Giang vương viết thư tạ tội dâng lên hoàng thượng,
rồi tự sát. Đậu thái hậu nghe chuyện, tức giận, dùng phép hà khắc trách tội Đô,
Đô bị bãi quan về nhà. Hiếu Cảnh đế bèn sai sứ cầm phù tiết đến phong Đô làm
Thái thú Nhạn Môn, cho được thuận tiện lên đường nhận chức[10],
tùy nghi hành sự. Hung Nô từng nghe tiết tháo của Chất Đô, Đô ở biên giới, Hung
Nô dẫn binh tránh xa, khi Chất Đô chết vẫn không tới gần Nhạn Môn. Thậm chí
Hung Nô còn làm người gỗ giống hệt Chất Đô, sai kỵ mã bắn tên, không ai bắn
trúng, Hung Nô sợ Đô đến thế đấy. Hung Nô lo lắng việc Chất Đô đến Nhạn Môn làm
Thái thú. Sau rốt Đậu Thái hậu dùng pháp lệnh nhà Hán để hại Đô. Cảnh để
nói: “Đô là tôi trung.” Định thả ra. Đậu thái hậu nói: “Riêng
Lâm Giang vương không phải tôi trung ư?” Thế rồi bèn xử chém Chất Đô.
Ninh Thành
Ninh Thành người đất Nhương. Làm quan Lang, Yết giả, phụng
sự Cảnh đế. Háo thắng, làm tiểu lại cho người nhất định sẽ khinh khi trưởng
quan; làm cấp trên người khác, ắt khống chế cấp dưới như bó bó củi ướt[11]. Giảo hoạt, hung tàn, mặc sức ra oai. Dần được
thăng đến chức vô úy Tế Nam, còn Chất Đô làm Thái thú. Ban đầu, mấy viên Đô úy
trước đây đều đi bộ vào phủ Thái thú, thông qua viên lại yết kiến Thái thú, giống
như các viên Huyện lệnh, họ sợ Chất Đô như thế. Khi Ninh Thành đến, tới thẳng
chỗ Đô, ngồi lên thượng tọa. Đô vốn nghe danh Ninh Thành, nên đối đãi tốt, cùng
kết bạn thân. Lâu sau, Chất Đô chết, nhiều tông thất lân cận Trường An bạo ngược
phạm pháp, hoàng thượng liền triệu Ninh Thành về phong làm Trung úy. Ninh Thành
bắt chước cách trị lý của Chất Đô, không liêm khiết bằng, song tông thất và hào
cường ai nấy đều sợ.
Vũ đế lên ngôi, chuyển Ninh Thành làm Nội sử. Ngoại thích
phần lớn hủy báng khuyết điểm của Thành, đến mức bị tội gọt đầu, đeo vòng sắt
vào cổ. Bấy giờ quan cửu khanh bị tội chết liền xử tử, ít bị dùng hình, còn
Ninh Thành bị cực hình, tự cho là không được thu dụng nữa, thế là tháo bỏ hình
cụ, khắc giả văn thư thông hành[12] ra
khỏi quan ải trở về nhà. Ninh Thành nói: “Làm quan không đến trật hai
nghìn thạch, buôn bán không tranh được giá ngàn vạn, sao có thể so với người
khác?" Bèn mượn tiền mua hơn ngàn khoảnh ruộng, cấp cho dân
nghèo, sai khiến mấy ngàn nhà. Được mấy năm, gặp đợt đại xá. Tài sản đã có đến
mấy nghìn vàng, vốn hành hiệp trượng nghĩa, nắm giữ sở trường sở đoản của quan
lại, khi xuất hành có mấy chục kỵ mã theo sau. Ninh Thành sai khiến dân còn
nghiêm hơn cả Thái thú trong quận.
Chu Dương Do
Chu Dương Do, có cha là Triệu Kiêm, vì là cậu của Hoài
Nam vương nên được phong Chu Dương hầu, bèn đổi thành họ Chu Dương. Do là ngoại
thích nên được làm quan Lang, thờ Hiếu Văn đế và Cảnh đế. Thời Cảnh đế, Do làm
Quận thú. Vũ đế lên ngôi, quan lại cai trị chuộng sự thuận lương, cẩn trọng, Do
tuy trật quan hai nghìn thạch, nhưng hết sức tàn khốc bạo ngược, kiêu căng
phóng túng. Người được yêu, Do làm trái pháp lệnh cho được sống, kẻ bị ghét, Do
bẻ cong pháp lệnh để giết đi. Làm quan ở quận, nhất định diệt hết hào cường ở
đó. Làm Thái thú, coi Đô úy như Huyện lệnh. Làm Đô úy ắt coi thường Thái thú,
cướp quyền cai trị. Do giống Cấp Ảm đều cương ngạnh cố chấp. Tư Mã An khéo dùng
luật lệnh hại người, cũng được liệt vào trật quan hai nghìn thạch, khi ngồi
chung xe với Do, không bao giờ dám ngồi ngang hàng.
Sau, Do làm Đô uý Hà Đông, bấy giờ Do tranh quyền với
Thái thú trong quận là Thắng Đồ Công, cáo giác tội trạng của nhau. Thắng Đồ
Công bị phán có tội, vì nghĩa không chịu hình phạt, tự sát, còn Do bị chém
ngoài chợ thị chúng.
Từ Ninh Thành, Chu Dương Do trở đi, việc ngục tụng ngày một
nhiều, dân khéo tìm cách đối phó pháp lệnh, đại để sự cai trị của quan lại
tương tự bọn Thành, Do vậy.
Triệu Vũ và Trương Thang
Triệu Vũ người huyện Thai, từ chức Tá sử được bổ làm quan
kinh đô, do liêm khiết nên được làm Lệnh sử, phụng sự Thái úy Á Phu. Á Phu làm
Thừa tướng, Vũ làm Thừa tướng sử, trong phủ đều khen liêm khiết công bằng.
Nhưng Á Phu không trọng dụng, nói: “Ta rất rõ Vũ tài không ai bì, nhưng
chấp pháp quá hà khắc, không thể làm quan to được.” Thời đương kim
hoàng thượng, Vũ từ thư lại, tích dần công lao, dần thăng lên làm Ngự sử. Hoàng
thượng cho có năng lực, giao làm Thái trung đại phu. Triệu Vũ cùng Trương Thang
luận bàn luật lệnh, chế ra quy định xử lý việc quan bao che tội nhân, các quan
lại được giám sát lẫn nhau. Pháp lệnh quy định ngày càng hà khắc, đại khái bắt
đầu từ đây.
Trương Thang, người huyện Đỗ. Cha làm Huyện thừa Trường
An, ra ngoài, Thang còn nhỏ ở nhà trông nhà. Trở về thì chuột tha mất thịt, người
cha giận, đánh đòn Thang. Thang đào hang chuột, bắt được con chuột trộm thịt và
thịt thừa, tố cáo tội trạng, tra khảo thẩm vấn con chuột, ghi chép quá trình thẩm
vấn, khảo xét đi khảo xét lại, rồi báo lên, lại đem con chuột và thịt ra, chuẩn
bị đầy đủ chứng cớ, phán tội phanh thây con chuột ở ngay dưới nhà. Người cha thấy
vậy, xem văn từ ngục tụng của Trương Thang như của pháp quan lão luyện, hết sức
kinh ngạc, bèn sai học việc văn thư ngục tụng. Sau khi cha chết, Thang làm quan
sử Trường An trong thời gian dài.
Khi Chu Dương hầu[13] bắt
đầu làm quan khanh, từng bị giam ở Trường An, Thang dốc sức giúp đỡ. Đến khi
Chu Dương hầu ra khỏi ngục, được phong tước hầu, giao du với Thang rất thân thiết,
cho Thang được yết kiến khắp lượt nhân vật quyền quý. Thang đảm nhiệm chức Nội
sử, làm thuộc quan cho Ninh Thành, do tài năng của Thang không ai theo kịp, được
tiến cử lên đại phủ[14], điều
làm Mậu Lăng úy, phụ trách việc xây dựng lăng[15].
Vũ An hầu[16] làm
Thừa tướng, trưng dụng Thang làm Nội sử, thường tiến cử lên thiên tử, bổ làm Ngự
sử, sai phụ trách tra án. Xử lý vụ dùng bùa chú và thuốc độc của Trần hoàng hậu[17], tra kỹ đến các đồng đảng. Thế rồi hoàng thượng
cho có tài năng, dần thăng đến Thái trung đại phu. Thang và Triệu Vũ cùng chế định
các luật lệnh, chuộng các quy định nghiêm khắc, ước thúc quan viên đang tại chức.
Sau, Triệu Vũ được thăng làm Trung uý, rồi chuyển làm Thiếu phủ, còn Trương
Thang làm Đình úy, hai người giao hảo, Thang đối với Vũ như bậc huynh trưởng.
Vũ vốn liêm khiết nhưng ngạo mạn, từ khi làm quan đến nay, trong nhà không có
thực khách. Các công khanh đến bái phỏng, Vũ trước sau không đáp lễ, cốt đoạn
tuyệt mọi thỉnh cầu của bạn quen và tân khách, chỉ theo ý riêng mình thôi. Cứ
theo quy định pháp lệnh mà làm, không thẩm xét lại, ngầm truy cứu tội lỗi của
quan thuộc. Thang là người rất xảo trá, cậy trí tuệ của mình để áp chế người
khác. Ban đầu làm tiểu lại, cướp trắng tài sản của người, tư giao với bọn phú
thương Điền Giáp, Ngư Ông Thúc ở Trường An. Đến khi làm cửu khanh, thu nhận các
sĩ đại phu nổi tiếng trong thiên hạ, trong lòng tuy không ưa, nhưng bề ngoài tỏ
ta mến mộ.
Bấy giờ, hoàng thượng đang theo văn học[18], Thang xử lý các vụ án lớn, muốn phụ thêm vào
nghĩa lý kinh điển, bèn đề nghị các Bác sĩ đệ tử nghiên cứu Thượng thư, Xuân
thu, mình làm Đình úy sử, bàn nghị các pháp lệnh chưa sáng tỏ. Tâu lên những
việc in đáng ngờ, ắt phân tích nguyên nhân sự việc trước khi đưa lên hoàng thượng,
hoàng thượng cho là phải, tiếp thu rồi chép thành khuôn phép cho việc xử án, lấy
danh nghĩa Đình úy công bố, phát dương sự anh minh của hoàng thượng. Việc tâu
lên nếu bị trách phạt, Thang nhận sai, tạ tội, rồi thuận theo ý hoàng thượng, ắt
dẫn các viên Chính, Giám, Duyện lại hiền năng, nói: “Họ vốn đã kiến nghị
với thần, nếu hoàng thượng trách tội thần, thần không tiếp thu, thực là ngu muội.” Thang
có tội thường được miễn. Có lúc tâu việc, hoàng thượng khen ngợi, thì
nói: “Thần đâu biết tấu bày những điều này, do các viên Chính, Giám,
Duyện lại nọ kia viết ra thôi.” Trương Thang muốn tiến cử quan lại,
khen cái giỏi của người, che lỗi lầm của người tương tự như vậy. Xử vụ án nào
hoàng thượng có ý muốn trị tội, sẽ giao các viên Giám sử hà khắc xử lý; nếu
hoàng thượng có ý muốn xá miễn, sẽ giao các viên Giám sử chấp pháp nhẹ nhàng
hài hòa xử lý. Nếu xử trị hàng hào cường, ắt khéo léo lợi dụng luật lệnh để vu
tội; nếu xử hạng bình dân yếu thế, thường chỉ nói miệng với hoàng thượng, dẫu
phán theo luật lệnh cũng đề nghị hoàng thượng minh xét quyết định. Thế rồi
hoàng thượng thường xá miễn theo lời Thang. Thang làm đến đại quan, đều do bản
thân tu dưỡng. Giao du ăn uống khắp hạng tân khách, với con em của bạn bè được
làm quan và anh em nghèo khó, đều giúp đỡ tận tình. Trương Thang đến bái phỏng
bậc công khanh, không nề ngày nóng ngày lạnh. Thế nên Thang chấp pháp nghiêm khắc,
có lòng đố kỵ, không thường giữ mực công bình nhưng lại được tiếng tốt. Còn đám
quan lại chấp pháp hà khắc phần nhiều được dùng làm nanh vuốt, nương dựa các sĩ
nhân có học vấn. Thừa tướng Công Tôn Hoằng nhiều lần khen đức tốt của Trương
Thang. Đến khi Thang xử vụ án mưu phản của Hoài Nam vương, Hành Sơn vương,
Giang Đô vương, đều truy xét đến cùng. Hoàng thượng định xá miễn cho Nghiêm Trợ
và Ngũ Bị, Thang can rằng: “Ngũ Bị vốn chính là kẻ hoạch định mưu phản,
còn Trợ là bề tôi nanh vuốt được sủng ái, ra vào cung cấm, ngâm qua lại với chư
hầu như thế, nếu không giết, sau không thể trị được kẻ khác.” Hoàng
thượng bèn đồng ý với phán quyết của Trương. Trương Thang xử án, đè nén đại thần,
tự nhận công lao, phần nhiều tương tự như thế. Thế rồi Thang ngày càng được tôn
quý, tín nhiệm, thăng lên làm Ngự sử đại phu.
Gặp khi bọn Hồn Da vương đến hàng, nhà Hán huy động đại
binh chinh phạt Hung Nô, Sơn Đông hạn hán, dân nghèo phiêu tán, đều ngửa trông
cứu trợ từ phủ quan, kho của phủ quan trống không. Thế rồi Thang nương theo ý
chỉ hoàng thượng, xin đúc tiền bạc và tiền ngũ thù, thao túng quyền buôn bán muối
và sắt, áp chế các phú thương, ra các lệnh trung thu thuế và cáo giác kẻ trốn
thuế, dẹp bỏ thế lực hào cường, lợi dụng luật lệnh vu và họ để phụ trợ cho việc
thi hành luật lệnh. Mỗi khi Thang vào triều tâu việc, bàn chuyện chi dùng quốc
gia, nói đến xế chiều, thiên tử quên ăn. Thừa tướng chỉ lấy cho đủ chức, việc
trong thiên hạ đều do Thang quyết. Trăm họ không được sống yên, phát sinh động
loạn, việc do phủ quan khởi xướng, chưa được lợi ích, quan lại gian tham đều
chiếm tài sản, thế nên dùng hình tàn khốc để trị. Từ công khanh xuống đến dân
thường đều chỉ trích Thang. Thang từng bị bệnh, hoàng thượng đích thân tới
thăm, tôn quý đến như thế đấy.
Hung Nô đến xin hòa thân, quần thần thượng nghị trước mặt
hoàng thượng. Bác sĩ Địch Sơn nói: “Hòa thân có lợi.” Hoàng
thượng hỏi lợi chỗ nào, Sơn đáp: “Việc binh là hung khí, không nên xem
thường sử dụng nhiều lần. Cao đế muốn đánh Hung Nô, bị vây khốn ở Bình Thành,
bèn kết hòa thân. Thời Hiếu Huệ đế, Cao hậu, thiên hạ an lạc. Đến Hiếu Vũ đế muốn
đối phó Hung Nô, biên giới phía bắc nhiễu nhương, khốn khổ vì binh đao. Thời Cảnh
đế, Ngô, Sở bảy nước làm phản, Cảnh đế qua lại giữa hai cung[19], lòng đau đáu lo toan mấy tháng. Ngô, Sở đã bị
phá, cuối cùng Cảnh đế không bàn việc dụng binh nữa, thiên hạ giàu có sung túc.
Nay bệ hạ cất quân đánh Hung Nô, trong nước trống không, dân biên giới cực kỳ
khốn quẫn. Từ đó mà xét, chẳng bằng hòa thân.” Hoàng thượng hỏi Thang,
Thang nói: “Đó là nhà nho ngu xuẩn, không biết gì.” Địch Sơn
nói: “Thần vốn ngu trung, còn Ngự sử đại phu Thang là trá trung. Như việc
Thang xử án Hoài Nam vương, Giang Đô vương, dùng luật nghiêm ngặt để vu tội chư
hầu, chia rẽ cốt nhục, khiến phiên thần thấy không được yên. Thần vốn biết sự
trung thành giả hiệu của Thang.” Thế là hoàng thượng giận biến sắc
nói: “Ta sai ngươi giữ một quận, có thể khiến Hung Nô không vào cướp
chăng?" Đáp: “Không thể.” Hoàng thượng hỏi: “Thế
một huyện?” Đáp rằng: “Không thể.” Lại hỏi: “Thế
một thành nhỏ ở biên giới?” Sơn tự xét không biện luận được sẽ bị giao
cho pháp quan, bèn nói: “Được.” Thế là hoàng thượng phái Sơn
giữ thành biên tái. Đến đó hơn tháng, Hung Nô chém đầu Sơn rồi rút về. Từ đó về
sau, quần thần đều kinh hãi.
Tân khách của Thang là Điền Giáp, tuy là thương nhân
nhưng hiền lương, tiết tháo. Ban đầu, khi Thang còn làm tiểu lại, dùng tiền qua
lại với nhau, đến khi Thang làm quan lớn, Giáp trách lỗi về phẩm hạnh và đạo nghĩa
của Thang, cũng có phong thái kẻ sĩ trung liệt.
Thang làm Ngự sử đại phu được bảy năm, thất bại.
Hiếu Văn người ở Hà Đông từng có hiềm khích với Thang,
sau làm Ngự sử trung thừa, oán hận, nhiều lần phát hiện nội dung văn thư trong
cung có thể làm hại Thang, không để cho Thang đường lui. Có viên thuộc lại được
Thang yêu quý là Lỗ Yết Cư, biết Thang bất bình, sai người báo lên hoàng thượng
về những việc gian dối của Văn. Việc được giao cho Thang, Thang xử Văn tội chết,
nhưng trong lòng Thang biết là Yết Cư làm. Hoàng thượng hỏi: “Nói việc
cấp bách, nguyên ủy từ đâu?” Thang vờ kinh ngạc nói: “Có lẽ
người thân quen thù oán gì với Văn.” Yết Cư ốm nằm ở nhà tại quê,
Thang đích thân đến thăm hỏi, bóp chân cho Yết Cư. Người nước Triệu lấy rèn đúc
làm nghề, Triệu vương nhiều lần kiện quan phụ trách luyện sắt[20], Thang thường
bài xích Triệu vương. Triệu vương điều tra những việc bí mật của Thang. Yết Cư
từng khám xét Triệu vương, Triệu vương oán, dâng thư lên hoàng thượng tố cáo cả
hai: “Thang là đại thần, thuộc lại là Yết Cư có bệnh, Thang đến nhà bóp
chân cho, ngờ hai người có mưu gian rất lớn.” Việc được giao cho Đình
úy. Yết Cư ốm chết, việc liên lụy đến em trai, em trai Yết Cư bị bắt giam ở đạo
quan[21]. Thang cũng đến đạo quan xử
lý phạm nhân khác, thấy em của Yết Cư, định ngầm giúp đỡ, nhưng vờ không thấy.
Em trai Yết Cư không biết ý, oán Thang, sai người dâng thư tố cáo âm mưu của
Thang và Yết Cư, đồng thời giấu tên tố cáo Lý Văn. Việc được giao cho Giảm
Tuyên xử trí. Tuyên từng có hiềm khích với Thang, đến khi được giao xử lý vụ
án, ráo riết truy xét sự tình, nhưng chưa tâu lên. Gặp khi có tên trộm tiền tuẫn
táng tại lăng Hiếu Văn đế, Thừa tướng Thanh Địch vào chầu, hẹn Thang cùng vào tạ
tội, đến trước hoàng thượng, Thang nghĩ một mình Thừa tướng bốn mùa tuần xét
lăng mộ, phải tạ tội, Thang không liên quan, không tạ tội. Thừa tướng tạ tội,
hoàng thượng sai Ngự sử tra xét sự việc. Thang muốn dựa vào luật lệnh để phán
Thừa tướng có tội biết chuyện những dung túng, Thừa tướng rất lo lắng. Ba Trưởng
sử đều cho Thang là kẻ nguy hiểm, muốn hãm hại Thang.
Thoạt đầu, Trưởng sử Chu Mãi Thần, người ở Cối Kê, đọc
sách Xuân thu. Trang Trợ sai người tiến cử Mãi Thần, Mãi Thần nhờ
tinh thông Sở từ cùng Trợ đều được sủng ái, làm Thị trung, rồi
Thái trung đại phu, được nắm quyền. Còn Thang là tiểu lại, quỳ mọi trước mặt bọn
Mãi Thần để nghe sai khiến. Thế rồi Thang làm Đình uý, xử lý vụ án Hoài Nam
vương, chèn ép Trang Trợ, Mãi Thần vốn đã oán hận. Đến khi Thang làm Ngự sử đại
phu, Mãi Thần từ chức vị Thái thú Cối Kê lên làm Chủ tước đô uý, liệt vào hàng
cửu khanh. Mấy năm sau, phạm pháp bị giáng chức, làm Trưởng sử, bái yết Thang,
Thang ngồi trên giường, các Thừa sử gặp Mãi Thần không thèm hành lễ. Mãi Thần
là kẻ sĩ nước Sở, oán hận sâu cay, thường muốn giết Thang. Vương Triều người nước
Tề, nhờ giỏi nho thuật làm đến Hữu nội sử. Biên Thông, theo học thuyết Tung
hoành gia, là người cương cường bạo liệt, hai lần làm Thừa tướng cho Hoài Nam
vương. Họ vốn đều là quan trên của Thang, nhưng đã bị giáng chức, làm Trưởng sử,
phải hành lễ quỳ lạy Thang. Thang nhiều lần giải quyết sự vụ của Thừa tướng, biết
ba Trưởng sử này vốn tôn quý, thường lăng nhục, coi thường họ. Vì thế ba Trưởng
sử cùng bàn mưu rằng: “Ban đầu Thang hẹn cùng vào tạ tội, thế rồi bán đứng
ông; nay Thang muốn đem việc tông miếu hạch tội ông, đó là muốn thay ông vậy.
Tôi biết những việc bí mật của Thang.” Liền sai thuộc lại bắt và thẩm
xét thân tín của Thang là bọn Điền Tín, nói Thang sắp tâu trình việc gì, Tín đều
biết trước việc đó, đầu cơ hàng hóa rồi thành cự phú, cùng Thang chia chác, và
nhiều việc gian trá khác. Lời khai đều được tấu lên hoàng thượng. Hoàng thượng
hỏi Thang: “Việc ta định làm mà thương nhân lại biết trước, đầu cơ hàng
hóa, cứ như có người bàn bạc với ta rồi báo cho chúng biết vậy.” Thang
không tạ tội, lại vờ kinh ngạc: “Đúng là có việc đó.” Giảm
Tuyên cũng tâu việc của bọn Yết Cư. Thiên tử quả nhiên cho Thang trong bụng
gian trá, ngoài mặt dối lừa, sai tám sứ giả dựa vào ghi chép để thẩm vấn Thang.
Thang khai rằng mình không làm những việc đó, không phục. Thế là hoàng thượng
sai Triệu Vũ thẩm vấn Thang. Vũ đến, trách Thang rằng: “Sao ông không
biết phận mình? Ông xử án đã diệt tộc những ai? Nay người ta tố cáo ông đều có
chứng cứ, thiên tử khó xử lý vụ án của ông, muốn ông tư liệu, sao rườm lời đối
chứng làm gì?” Thang bèn viết thư tạ tội: “Thang chẳng có chút
công lao nào, xuất thân là kẻ thư lại, bệ hạ sủng ái, làm đến tam công, không
thể chối tội. Nhưng kẻ mưu hại Thang mắc tội, là ba Trưởng sử vậy.” Rồi
tự sát.
Thang chết, gia sản trị giá không quá năm trăm vàng, đều
là bổng lộc được ban tặng, không có sản nghiệp khác. Anh em và các con muốn hậu
táng Thang, mẹ Thang nói: “Thang là đại thần của thiên tử, bị những lời
gièm xấu xa hãm hại mà chết, hậu táng làm gì?” Dùng xe trâu chở, táng
chỉ có quan, không có quách. Thiên tử nghe chuyện đó, nói: “Không có mẹ
ấy thì không sinh được con ấy.” Bèn truy xét vụ án đến cùng, giết ba
Trưởng sử. Thừa tướng Thanh Địch tự sát. Thả Điền Tín. Hoàng thượng thương tiếc
Thang, dần cất nhắc con trai Thang là An Thế.
Triệu Vũ giữa chừng bị bãi quan, rồi lại làm Đình úy. Ban
đầu Điều hầu cho là Vũ tàn khốc, độc ác, không trọng dụng. Đến khi Vũ làm Thiếu
phủ, sánh ngang cửu khanh. Vũ tàn khốc, nóng nảy, đến khi già, việc càng nhiều,
quan lại chuộng dùng hình pháp nghiêm, còn Vũ xử án thêm phần giảm nhẹ, nên được
tiếng là ôn hòa. Bọn Vương Ôn Thư kế sau, xử án ngặt nghèo hơn Vũ. Vũ vì tuổi
già, được chuyển làm Tướng quốc nước Yên. Được mấy năm, vì phạm tội làm loạn
phép công, bị bãi chức cho về. Sau khi Thang chết hơn chục năm sau, vì tuổi cao
chết tại nhà.
Nghĩa Túng
Nghĩa Túng người Hà Đông. Thuở thiếu thời, từng cùng Trương
Thứ Công đi làm trộm cướp. Túng có chị là Hu, nhờ giỏi nghề y nên được Vương
thái hậu tin yêu. Vương thái hậu hỏi: “Ngươi có anh em nào có thể làm
quan không?” Người chị đáp: “Có em trai mất nết, không làm được.” Thái
hậu bèn nói với hoàng thượng, phong cho em Nghĩa Hu là Tùng làm Trung lang, sau
bổ làm Huyện lệnh ở quận Thượng Đảng. Làm việc dám quyết, ít khoan nhượng,
trong huyện không việc gì trễ nải, được tiến cử là huyện đứng đầu. Thăng làm
Huyện lệnh Trường Lăng rồi Trường An, cứ theo luật lệnh cai trị, không tránh né
quyền quý quốc thích. Do bắt thẩm vấn cháu ngoại Thái hậu là Trọng, con trai Tu
Thành quân, hoàng thượng cho là có năng lực, thăng làm Đô úy Hà Nội. Đến đó, diệt
gia tộc hào cường trong quận là họ Nhương, người Hà Nội đi đường không nhặt của
rơi. Còn Trương Thứ Công cũng làm quan Lang, vì dũng cảm hung tợn nên được tòng
quân, dám thâm nhập quân địch, có công, được phong Ngạn Đầu hầu.
Ninh Thành ở nhà, hoàng thượng muốn cho làm Quận thú. Ngự
sử đại phu Công Tôn Hoằng nói: “Lúc thần làm tiểu lại ở Sơn Đông, Ninh
Thành làm Đô úy Tế Nam, trị dân như lang sói lùa đàn dê. Không thể để Thành trị
dân được.” Hoàng thượng bèn phong Thành làm Quan đô úy. Được hơn năm,
thuộc quan ở Quan Đông cùng quan lại các quận trong nước ra vào cửa quan đều
khác nhau: “Thà gặp hổ đang cho con bú, chớ gặp cơn giận của Ninh
Thành.” Nghĩa Túng từ Hà Nội được thăng làm Thái thú Nam Dương, nghe
nói Ninh Thành nhà ở Nam Dương, tới khi Túng đến cửa quan, Ninh Thành đi cạnh
đưa đón, nhưng Túng vốn ngạo nghễ, không chịu hành lễ. Đến quận, liền xét án họ
Ninh, phá hết nhà cửa. Thành bị kết tội, cùng bọn họ Khổng họ Bạo đều chạy trốn,
quan dân Nam Dương sợ rúm một chỗ. Rồi Chu Cương, Đỗ Diễn, Đỗ Chu người huyện
Bình Thị làm thuộc lại móng vuốt của Tùng, được trọng dụng, thăng làm Đinh lại.
Quân nhiều lần kéo ra Định Tương, quan dân ở Định Tương náo loạn không yên, thế
nên điều chuyển Túng làm Thái thú Định Tương. Túng đến nơi, tra ra hơn hai trăm
tội nhân tội nặng phạt nhẹ trong ngục Định Tương, cùng hơn hai trăm tân khách anh
em ngầm vào thăm tù. Túng bắt hết, quy vào tội “Giải cứu tử tội”. Hôm
ấy giết hơn bốn trăm người. Sau đấy, trong quận không rét mà run, đám dân giảo
hoạt cũng giúp quan lại trong việc cai trị.
Bấy giờ Triệu Vũ, Trương Thang nhờ chấp pháp nghiêm khắc
nên được làm cửu khanh, nhưng họ cai trị còn khoan hòa, dùng luật lệnh phụ trợ
để thi hành chính sự, còn Túng cai trị như chim ưng săn mồi. Sau gặp lúc tiền
ngũ thù, tiền bạc được dùng, dân làm giả, ở kinh sư càng nhiều, bèn lấy Túng
làm Hữu nội sử, Vương Ôn Thư làm Trung úy. Ôn Thư cực ác, làm việc gì không nói
trước với Túng, ắt bị Túng tức khí lăng nhục, phá hỏng công việc. Ôn Thư trị
lý, giết rất nhiều người, nhưng hiệu quả thấp, gian tà ngày càng không thể khống
chế được, việc trực tiếp đặc phái quan lại bắt đầu từ đây. Việc cai trị của
quan lại lấy chém giết bắt bớ là chính, Diêm Phụng vì hung ác nên được dùng.
Túng vốn liêm khiết, cách cai trị phỏng theo Chất Đô. Hoàng thượng tuần du đến
Đỉnh Hồ, bị bệnh đã lâu, bệnh khỏi, thình lình đến cung Cam Tuyền, đường đi phần
nhiều không được tu sửa. Hoàng thượng giận nói: “Túng cho là trẫm không
đi lại đường này ư?” Trong lòng hận Túng. Đến mùa đông, Dương Khả đang
phụ trách việc tố cáo người trốn thuế khóa, Túng cho là làm thế khiến dân loạn,
sai thuộc quan bắt những người do Khả sai đi. Thiên tử nghe tin, sai Đỗ Thức xử
lý, cho là bỏ lễ kính vua, phá hỏng đại sự, chém đứng ngoài chợ thị chúng. Một
năm sau, Trương Thang cũng chết.
Vương Ôn Thư, Doãn Tề,
Dương Bộc
Vương Ôn Thư người Dương Lăng. Thời trẻ làm nghề trộm mả.
Sau được bổ làm thử chức Đình trưởng trong huyện, nhiều lần bị bãi. Làm quan,
nhờ giỏi xử án được làm đến Đình lại. Phụng sự Trương Thang, thăng làm Ngự sử.
Đốc sát việc bắt trộm cướp, giết và làm bị thương nhiều người, dần thăng đến Đô
úy Quảng Bình. Chọn hơn chục quan lại hung tợn quả cảm trong quận làm nanh vuốt,
đều nắm tội lỗi nghiêm trọng, bí mật của họ, rồi sai đốc thúc việc bắt trộm cướp.
Bắt được ai mà Thư muốn bắt, khiến Thư khoái chí, người đấy dù có trăm tội cũng
không bị xử lý; nếu lẩn tránh sẽ dựa vào tội mà giết, đồng thời diệt cả gia tộc.
Vì thế, trộm cắp ngoài thành nước Tề nước Triệu không dám bén mảng đến gần Quảng
Bình, Quảng Bình có tiếng là đi đường không nhặt của rơi. Hoàng thượng nghe vậy,
thăng Thư làm Thái thú Hà Nội.
Lúc ở Quảng Bình, Thư biết hết nhà hào cường gian trá ở
Hà Nội, đến khi đi, tháng Chín mới tới. Lệnh cho quân chuẩn bị đủ năm mươi con
ngựa tư gia, để làm trạm dịch từ Hà Nội đến Trường An, thủ hạ dùng cách như đã
dùng ở Quảng Bình, bắt các hào cường gian hoạt trong quận, hào cường gian hoạt
trong quận phạm tội liên lụy nhau đến trên nghìn nhà. Dâng thư lên triều đình đề
nghị, kẻ nào tội lớn giết cả nhà, tội nhỏ sẽ xử chết, gia sản bị tịch thu hết.
Tấu chương gửi đi chưa đầy hai ba hôm, được phép hành sự[22].
Phán tội rồi trình báo lên, đến mức máu chảy hơn chục dặm. Người ở Hà Nội đều lấy
làm lạ về tấu chương của Thư, cho là thần tốc. Hết tháng Mười hai, trong quận
không dám bàn tán, không dám đi đêm, ngoài đồng không còn trộm cắp làm chó sủa.
Còn ít tội phạm chưa bị bắt, phải trốn đến quận khác trong nước, truy bắt về
thì đã mùa xuân, Ôn Thư giậm chân than rằng: “Ôi chao! Khiến mùa đông
dài thêm một tháng thì đủ để ta hoàn thành công việc rồi.” [23] Thư thích chém giết ra oai, không tiếc mạng
người thế đấy. Thiên tử biết việc đó, cho là được việc, thăng làm Trung úy. Thư
trị lý, lại theo cách làm ở Hà Nội, chuyển những quan lại tàn hại, gian giảo đến
giúp việc, như bọn Dương Giai, Ma Mậu ở Hà Nội, bọn Dương Cống, Thành Tín ở
Quan Trung. Nghĩa Túng làm Nội sử, Thư sợ chưa dám tùy tiện hành sự. Đến khi
Túng chết và sau khi Trương Thang thất bại, Thư được chuyển làm Đình úy, còn
Doãn Tề làm Trung úy.
Doãn Tề người ở Trì Bình, Đông Quận. Nhờ tài văn thư dần
được thăng đến Ngự sử. Phụng sự Trương Thang, Trương Thang nhiều lần khen là
liêm khiết, vũ dũng, sai đi đốc sát việc bắt trộm cướp, chém giết không kiêng
tránh quyền quý, quốc thích. Thăng làm Quan nội đô úy, tiếng tăm vượt xa Ninh
Thành, Hoàng thượng cho là có năng lực, thăng làm Trung úy, quan dân càng thêm
khốn khổ. Doãn Tề cứng nhắc, ít trọng văn vẻ, quan lại hào cường hung ác ẩn
tránh còn quan lại giỏi không được làm việc, cho nên nhiều việc bị bỏ bê, mắc tội.
Hoàng thượng lại chuyển Ôn Thư làm Trung úy, còn Dương Bộc vì chấp pháp tàn khốc
nên làm Chủ tước đô uý.
Dương Bộc người ở Nghi Dương. Lấy thân phận Thiên phu[24]làm tiểu lại. Thái thú Hà Nam khảo xét tiến cử người
có năng lực, thăng làm Ngự sử, sai đốc sát việc bắt trộm cướp ở Quan Đông. Cai
trị phỏng theo cách của Doãn Tề, được cho là quả cảm hung mãnh. Dần thăng đến
chức Chủ tước đô úy, liệt vào hàng cửu khanh. Thiên tử cho Dương Bộc có tài
năng. Nam Việt làm phản, được phong làm Lâu thuyền tướng quân, có công, phong
tước Tương Lương hầu. Bị Tuân Trệ bắt trói. Lâu sau, ốm chết[25].
Còn Ôn Thư lại làm Trung úy. Thư là người thiếu khuyết
văn nghĩa, ở triều đình thì u u mê mê, không giỏi biện bác, khi làm Trung úy
tâm trí mới mở mang. Đốc sát việc bắt trộm cướp, vốn quen thói ở Quan Trung, biết
đám quan lại hào cường hung ác, đám đó đều được phục dụng, giúp Thư vạch kế
sách. Quan lại giám sát ngặt nghèo, với trộm cướp và bọn thiếu niên hung ác thì
cho thư cáo giác vào lọ[26], mua tin
cáo giác, lập trưởng thôn làng phụ trách việc giám sát bọn gian tà trộm cướp.
Ôn Thư là người xu nịnh, giỏi cấu kết với người quyền thế; với người không có
quyền thế, xem như nô bộc. Nhà nào có quyền, dẫu việc gian chất như núi, cũng
không phạm đến; không có quyền thế, dẫu hoàng thân quý thích cũng đụng chạm,
lăng nhục. Lạm dụng luật lệnh để vu vạ dân thường giảo hoạt, để chèn ép hào cường
có thế lớn. Ôn Thư làm Trung úy theo cách đó. Với đám gian hoạt thì truy cứu tận
cùng, phần lớn đều chết rũ trong ngục, phán tội, không kẻ nào thoát khỏi ngục.
Nanh vuốt của Thư như hổ dữ đội mũ. Thế là trong đám thuộc lại của Trung úy bọn
giảo hoạt tầm trung trở xuống đều lẩn trốn, người có thế lực đều đề cao danh tiếng
Thư, khen cai trị tốt. Trị lý được mấy năm, thuộc lại của Thư phần lớn đều nhờ
quyền mà giàu có.
Ôn Thư đi đánh Đông Việt trở về, bàn nghị không trúng ý
thiên tử, vướng vào việc nhỏ không đúng luật lệnh, bị tội bãi quan. Bấy giờ
thiên tử đang muốn làm Thông Thiên đài nhưng chưa có người, Ôn Thư đề nghị tra
xét binh sĩ thuộc hạ của Trung úy trốn tránh binh dịch, được mấy vạn người làm.
Hoàng thượng mừng, phong Ôn Thư làm Thiếu phủ. Rồi điều chuyển làm Hữu nội sử,
cai trị như trước, bọn gian tà dần bị cấm. Phạm pháp bị bãi quan. Lại được làm
Hữu phụ[27], nắm quyền giải quyết việc của Trung
úy, lại theo cách cũ.
Hơn năm sau, gặp lúc xuất quân đánh Đại Uyển, thiên tử hạ
chiếu trưng dụng quan lại hào cường, Ôn Thư che giấu thuộc lại là Hoa Thành, đến
khi có người tố cáo Ôn Thư nhận tiền của kỵ binh, cùng việc gian dối kiếm lợi
khác, tội lây cả họ, tự sát. Bấy giờ hai em trai Ôn Thư và hai họ thông gia đều
liên quan đến tội của Ôn Thư, bị giết cả họ. Quang lộc Từ Tự Vi nói: “Buồn
thay! Ôi, thời xưa có việc giết ba họ, nay Vương Ôn Thư phạm tội đến mức cùng
lúc năm họ bị giết!”
Ôn Thư chết, gia sản đáng giá nghìn vàng. Mấy năm sau,
Doãn Tề bệnh chết khi đang làm Đô uý Hoài Dương, gia sản chưa đến năm mươi cân
vàng. Nhiều người ở Hoài Dương bị Doãn Tề giết, đến khi chết, các gia tộc có
thù muốn đốt xác Doãn Tề, người nhà phải lén đưa xác về an táng.
Từ bọn Ôn Thư dùng thủ đoạn tàn ác cai trị, rồi các Quận
thú, Đô úy, quan trật hai nghìn thạch của chư hầu muốn cai trị, đại để đều phỏng
theo cách của Ôn Thư, còn thuộc lại và dân chúng ngày càng khinh nhờn, phạm
pháp, đạo tặc ngày càng nổi lên. Ở Nam Dương có bọn Mai Miễn, Bạch Chính; ở đất
Sở có Ân Trung, Đỗ Thiếu; ở đất Tề có Từ Bột; ở vùng Yên, Triệu có Kiên Lư, Phạm
Sinh. Đám đông lên đến mấy nghìn người, tự lập danh hiệu, đánh các thành ấp,
chiếm kho vũ khí, giải thoát tử tội, giam cầm làm nhục Thái thú, Đô úy các quận,
giết quan viên trật hai nghìn thạch, làm hịch bố cáo các huyện chuẩn bị lương
thực; đám nhỏ hàng trăm người, kẻ cướp bóc ở hương thôn, nhiều không kể xiết.
Thế là thiên tử bắt đầu sai Ngự sử trung thừa, Thừa tướng trưởng sử đốc sát việc
đó. Vẫn chưa thể ngăn cấm được, bèn sai Quang lộc đại phu Phạm Côn, các quan phụ
giúp Đô uý và bọn cửu khanh trước đây là Trương Đức mặc áo vóc, cầm phù tiết, hổ
phù phát động quân binh đến đánh, đám đông bị chém trên vạn thủ cấp, cho đến kẻ
cung cấp lương thực đều bị giết theo luật lệnh, những kẻ liên quan ở các quận,
chỗ đông lên đến mấy nghìn người. Mấy năm sau, mới dần bắt được bọn cầm đầu. Sĩ
tốt chạy trốn tản mác, lại tụ tập bè đảng dựa vào chỗ hiểm yếu để chống giữ,
thường tập trung một chỗ, triều đình không biết làm sao. Thế rồi triều đình ban
“trầm mệnh pháp” [pháp lệnh xử trí kẻ phạm tội trốn tránh], quy định: trộm cướp
nổi lên mà quan lại không phát hiện được, hoặc phát hiện được mà không bắt được
đủ số, từ quan trật hai nghìn thạch xuống hàng tiểu lại phụ trách đều bị tội chết.
Về sau, tiểu lại sợ bị giết, dẫu bị trộm cũng không dám trình báo, sợ không bắt
được, mắc tội, liên lụy quan trên, quan phủ cũng bảo họ không trình báo. Cho
nên trộm cướp ngày càng nhiều, trên dưới che giấu cho nhau, dùng văn từ để trốn
tránh luật lệnh.
Giảm Tuyên
Giảm Tuyên người huyện Dương, do làm Tá sử[28] năng lực không ai bằng, được làm ở phủ quan
Thái thú Hà Đông. Tướng quân Vệ Thanh sai đi mua ngựa ở Hà Đông, thấy Tuyên làm
việc không ai bằng, tâu lên hoàng thượng, được trưng dụng làm Đại cứu thừa. Giỏi
việc quan, dần thăng đến Ngự sử rồi Trung thừa. Được sai xét xử vụ án làm phản
của Chủ Phụ Yển và Hoài Nam vương, sử dụng luật lệnh một cách tinh vi để kết tội,
nhiều người bị giết, được khen là dám phán quyết vụ án phức tạp. Nhiều lần bị
bãi chức rồi nhiều lần được tái dụng, làm Ngự sử rồi Trung thừa gần hai mươi
năm. Vương Ôn Thư bị bãi chức Trung úy, còn Tuyên được làm Tả nội sử. Giảm
Tuyên phụ trách gạo, muối, việc lớn việc nhỏ đều qua tay, tự xếp đặt của cải, vật
dụng các nha trong huyện, các quan lại như Huyện lệnh, Huyện thừa cũng không được
tự ý thay đổi, thậm chí còn dùng luật lệnh ngặt nghèo để chế ước. Làm quan được
mấy năm, chỉ giải quyết được một số việc nhỏ trong quận, còn riêng Tuyên giải
quyết từ việc nhỏ đến việc lớn. Giỏi dựa vào thế lực để thi hành công việc, khó
có thể lấy làm khuôn phép. Nửa chừng bị bãi, làm Hữu phù phong[29]. Do oán Thành Tín, Tín trốn trong vườn Thượng
lâm, Tuyên sai Huyện lệnh huyện Mi giết Tín, khi quan binh giết Tín, bắn trúng
cổng vườn Thượng lâm, Tuyên bị giao cho pháp quan trị tội, cho là đại nghịch,
đáng giết cả họ, tự sát. Rồi Đỗ Chu được trọng dụng
Đỗ Chu
Đỗ Chu người ở Đỗ Diễn, Nam Dương, Nghĩa Tùng làm Thái
thú Nam Dương, Chu làm nanh vuốt, được cất nhắc làm Đình úy sử. Phụng sự Trương
Thang, Thang nhiều lần nói Đỗ Chu năng lực xuất sắc, được làm đến Ngự sử. Sai
đi điều tra việc binh lính biên giới bỏ trốn, luận tội và giết rất nhiều. Tâu
việc đúng ý hoàng thượng, được tin dùng, tiếp liền sau Giảm Tuyên, đổi làm
Trung thừa hơn chục năm.
Cách trị lý của Chu tương tự cách của Tuyên, nhưng thận
trọng, quyết đoán chậm, bề ngoài tỏ ra nương nhẹ, bên trong lại hà khắc đến tận
xương tủy. Tuyên làm Tả nội sở, Chu làm Đình uý, cách làm việc phần nhiều phỏng
theo Trương Thang nhưng khéo dò ý hoàng thượng. Hoàng thượng muốn kiềm chế ai,
nhân đó để hãm hại; Hoàng thượng muốn tha ai, sẽ giam lâu ngày chờ thẩm vấn rồi
hé lộ oan tình của họ. Môn khách có người trách Chu: “Ngài giúp thiên tử
xử án công bằng nhưng không theo luật lệnh, chuyên theo ý chúa để xử án. Pháp
quan vốn dĩ phải như thế ư?" Chu đáp: “Pháp luật từ đâu
mà ra? Điều các vị vua trước cho là đúng, viết ra thành luật, các vị vua sau
cho là đúng, giải thích thành lệnh, hợp với đương thời là đúng, sao cứ phải
theo phép xưa?”
Đến khi Chu làm Đình úy, hoàng thượng hạ chiếu sai xử án
ngày càng nhiều. Quan trật hai nghìn thạch bị giam, mới cũ kế tiếp, không dưới
trên trăm người. Quan lại các quận và quan trên chuyển đến cho Đình úy, một năm
đến hơn nghìn tấu chương. Tấu chương vụ án lớn người liên quan bị bắt làm chứng
đến mấy trăm, vụ nhỏ đến mấy chục; xa thì mấy nghìn dặm, gần thì mấy trăm dặm.
Đến khi xét án, quan lại căn cứ tội trạng ghi trong tấu chương để xét hỏi,
không nhận tội, sẽ đánh đòn để định án. Thế là những người nghe tin sẽ bị bắt đều
bỏ trốn. Vụ nào lâu thậm chí qua mấy lần xá miễn, hơn chục năm trời mà còn tố
cáo, đa số đều bị tội đại nghịch bất đạo trở lên. Đình uý cho đến Trung đô quan
vâng chiếu xử lý bắt bớ đến sáu bảy vạn người, thuộc lại tăng hơn chục vạn.
Đỗ Chu giữa chừng bị bãi chức, sau làm Chấp kim ngô, truy
bắt trộm cắp, bắt xử Tang Hoằng Dương cùng con của người anh em với Vệ hoàng hậu,
rất gắt gao, thiên tử cho là tận lực không thiên tư, thăng làm Ngự sử đại phu.
Nhà có hai con, làm Thái thú hai bên sông Hoàng Hà. Đỗ Chu làm việc bạo liệt
tàn khốc hơn cả bọn Vương Ôn Thư. Ban đầu Đỗ Chu được trưng dụng làm Đình sử,
có một con ngựa, không đủ dùng; đến khi bản thân làm quan lâu ngày, lên tới
hàng tam công, con cháu được làm quan cao, gia sản tích trữ đến mấy vạn.
Thái sử công bàn rằng: Từ Chất Đô, Đỗ Chu gồm mười
người, họ đều nổi tiếng nhờ sự nghiêm khắc bạo liệt. Nhưng Chất Đô cương liệt
chính trực, dẫn lẽ phải trái, tranh biện việc lớn lao trong thiên hạ. Trương
Thang nhờ biết quan sát nét mặt nhà vua để hành sự, phối hợp giữa hoàng thượng
và trên dưới, đương thời nhiều lần biện bác lẽ được mất, quốc gia nhờ ông ta mà
được lợi. Triệu Vũ thường dựa vào luật lệnh để giữ chính nghĩa. Đỗ Chu a dua,
coi trọng việc kiếm lời. Từ sau khi Trương Thang chết, lưới pháp ngày một chặt
chẽ, đa số buộc tội nghiêm ngặt, việc quan dần sa sút suy bại. Các quan cửu
khanh chỉ chăm chăm giữ chức của mình, mong sửa lỗi còn không xong, đâu rảnh
bàn việc gì vượt ra ngoài quy định? Nhưng trong số mười người này, người liêm
khiết đủ để làm gương, kẻ ô trọc đủ để răn người, họ đưa ra phương sách, dạy bảo
dẫn dắt người, ngăn cấm gian tà, đều đủ văn võ[30].
Dẫu tàn khốc cũng xứng với chức vị. Còn như Thái thú đất Thục là Phùng Đương
hung bạo hại người, Lý Trinh ở Quảng Hán tự ý phanh thây người, Di Bộc ở Đông
Quận cưa cổ người ta, Lạc Bích ở Thiên Thủy bức cung định án, Chử Quảng ở Đông
Quận giết bừa phạm nhân, Vô Kỵ ở Kinh Triệu và Ân Chu ở Phùng Dực độc địa tàn
khốc, Thủy hành Diêm Phụng dùng gậy đánh để bức người, dùng tiền đút lót để được
khoan miễn, đâu đáng để nói, đâu đáng để nói!
Chú thích.
[1] Đoạn này lấy từ thiên
"Vi chính" sách Luận ngữ.
[2] Đoạn này lấy ý từ
chương ba mươi tám sách Lão tử (Đạo đức kinh).
[3] Đoạn này trích từ
thiên “Nhan Uyên", sách Luận ngữ.
[4] Câu này trích từ
chương bốn mươi mốt sách Lão tử.
[5] Ý nói có thay đổi lớn
so với thời Tần trước đó, bỏ những hình pháp tàn khốc, phức tạp, thay vào đó là
đường lối cai trị khoan nhân, giản dị, không trọng hình thức.
[6] Xem ở phần "Ngô
vương Tỵ liệt truyện".
[7] Quan trật hai nghìn
thạch tương đương với chức Thái thú. Đây ý nói Thái thú trong quận không làm gì
được, cho nên sau đó sai Đô làm Thái thú đến trị nhậm.
[8] Tức Thừa tướng Chu Á
Phu.
[9] Lâm Giang vương là
thái tử của Cảnh đế, tên là Lưu Vinh, sau nhân mẹ bị thất sủng, bị phế ngôi
thái tử, phong làm Lâm Giang vương, sau bị khép tội xâm chiếm tông miếu, bị triệu
đến phủ Trung úy để thẩm vấn, liền tự sát.
[10] Ý nói có thể lên đường
đi thẳng đến nơi nhận chức, không cần phải vào triều tạ ơn.
[11] Ý nói tùy tiện, muốn
làm gì thì làm.
[12] Bấy giờ văn thư thông
quan được khắc vào gỗ.
[13] Chu Dương hầu: tức Điền Thắng, em
khác cha với Hán Cảnh đế.
[14] Đại phủ: đây chỉ phủ Thừa tướng.
[15] Mậu Lăng: tức lăng mộ của Hán
Vũ đế. Thời Hán, lăng mộ do các Hoàng đế cho xây dựng trước khi mất gọi là
"Phượng trung".
[16] Tức Điền Phần.
[17] Trần hoàng hậu: vợ Hán Vũ đế, rất
được sủng ái. Sau, bị thất sủng, bèn triệu đồng cốt vào cũng dùng vu thuật nguyền
rủa Vũ đế. Việc bị phát giác, Vũ đế sại pháp quan truy cứu, xử lý vụ việc.
[18] Văn học: chỉ nho học. Hán Vũ
đế sùng chuộng nho học, bãi truất bách gia.
[19] Hai cung: chỉ cung Vị Ương và
cung Trường Lạc.
[20] Triệu vương là con
trai của Cảnh đế, anh của Vũ đế, tên là Lưu Bành Tổ, từng có tranh chấp với
quan viên do triều đình phải đến quản lý việc chế tạo đồ sắt ở nước Triệu.
[21] Đạo quan: chỗ tạm giam phạm
nhân để chờ thẩm xét.
[22] Ý nói thiên tử phê
chuẩn cách làm của Vương Ôn Thư.
[23] Theo pháp luật nhà
Hán, việc xử quyết phạm nhân phải làm trong mùa đông, sang mùa xuân tạm thời
không xử quyết nữa.
[24] Thiên phu: một chức quan võ cấp
thấp.
[25] Năm Nguyên Phong thứ
ba thời Hán Vũ đế, Dương Bộc cùng Tả tướng quân Tuân Trệ đem quân đi đánh Triều
Tiên, thua trận, tranh công nhau, bị Tuân Trệ bắt trói. Tuân Trệ vì tội tranh
công sau bị chém ngoài chợ để thì chúng. Dương Bộc sau khi trở về do có tội nên
bị bãi chức cho làm dân thường.
[26] Thời cổ, đơn từ bí mật
được cho vào một loại bình/lọ, cổ cao, nhỏ, chỉ cho được đơn thư vào mà không lấy
được ra.
[27] Hữu phụ: thời Hán, quan Kinh
Triệu doãn, Tả phùng dực, Hữu phù phong gọi là "Tam phụ". Nhân địa
bàn ở phía tây Kinh Triệu doãn nên gọi là "Hữu phụ".
[28] Tá sử: một chức tiểu lại thời
Hán.
[29] Hữu phù phong. Chức
quan phụ trách các công việc hành chính ở các khu vực phụ cận kinh thành.
[30] Ý nói có ân có uy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét