SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)
Phạm Văn Ánh dịch
QUYỂN 121
NHO LÂM LIỆT TRUYỆN
Thái sử công bàn rằng: Ta đọc quy định về khảo hạch,
đến chỗ nói về việc khích lệ, mở đường cho người học làm quan, chưa từng không
buông sách mà than. Nói: Ôi chao! Xét lẽ, nhà Chu suy yếu mà thơ “Quan thư”[1] xuất hiện, Chu U vương, Chu Lệ vương suy
vi mà lễ nhạc hỏng nát, chư hầu hoành hành, chính lệnh do nước mạnh ban ra[2]. Cho nên Khổng tử đau xót vì vương đạo bị phế bỏ
còn tà đạo lại dấy lên, thế mới chỉnh lý biên định Thi, Thư, sửa
sang lễ nhạc. Khổng tử sang Tề nghe nhạc Thiều[3],
ba tháng không biết mùi thịt. Từ nước Vệ trở về Lỗ, rồi sau đính chính lại nhạc,
“Nhã” “Tụng” [4] đều
được đặt đúng vị trí. Đương thời hỗn loạn, ô trọc, không ai có thể dùng được,
do đó Trọng Ni thuyết phục hơn bảy mươi vua mà không ai thi hành, mới nói: “Nếu
có ai dùng ta, chỉ cần đầy năm thôi.” Phía tây đi săn, bắt được con lân[5], Khổng tử nói: “Đạo ta cùng rồi.” [6] Cho nên ghi chép lịch sử, làm sách Xuân
thu[7], đặng thể hiện vương pháp của
thiên tử. Dùng văn từ thâm sâu mà ý nghĩa rộng lớn, học giả đời sau nhiều người
truyền nhau chép lại.
Từ sau khi Khổng tử mất, bảy mươi học
trò xuất sắc chia nhau du thuyết chư hầu, lớn thì làm sư phó, khanh tướng; nhỏ
thì kết giao sĩ đại phu, có người ẩn cư không xuất hiện. Cho nên Tử Lộ ở Vệ, Tử
Trương ở Trần, Đạm Đài Tử Vũ ở Sở, Tử Hạ ở Tây Hà, Tử Cống trọn đời ở Tề. Như
các vị Điện Tử Phương, Đoàn Can Mộc, Ngô Khởi, Cầm Hoạt Ly, đều theo học những
người như Tử Hạ, làm thầy vua chư hầu. Bấy giờ, chỉ riêng Ngụy Văn hầu thích học
Nho gia. Về sau, nho học dần suy, đến Tần Thủy hoàng, thiên hạ trong cảnh các
nước thôn tính lẫn nhau, nho thuật bị truất, nhưng ở khoảng nước Tề và nước Lỗ,
người đi học vẫn không bỏ. Đến thời Tề Uy vương, Tề Tuyên vương, những người
như Mạnh tử, Tuấn Khanh, đều noi sự nghiệp của phu tử mà phát huy thêm, dùng học
vấn để hiển danh ở đời.
Đến cuối thời Tần, đốt sách Thi, Thư, chôn sống nho
sĩ, Lục nghệ từ đó bị tàn khuyết. Trần Thiệp xưng vương, các nho sinh nước Lỗ
giữ lễ khí[8] của
họ Khổng về theo Trần vương. Thế rồi Khổng Giáp làm quan Bác sĩ cho Trần Thiệp,
rốt cuộc chết cùng Thiệp. Trần Thiệp khởi lên từ kẻ thất phu, cầm đầu bọn người
tụ tập như ngói[9] bị
đày đi làm lính thú, xưng vương ở Sở được dăm bữa nửa tháng, chưa đầy nửa năm rốt
cuộc bị diệt, sự nghiệp của Trần Thiệp quá mịt mờ nông cạn, nhưng đám nho sinh
lại mang lễ khí của Khổng tử đến nương mình làm bề tôi, tại sao vậy? Vì nhà Tần
đốt kinh điển của họ, họ tích oán muốn thông qua Trần vương để phát tiết nỗi phẫn
uất.
Tới khi Cao hoàng đế giết Hạng Tịch, cất
quân bao vây nước Lỗ, các nho sĩ trong nước Lỗ hãy còn giảng tập lễ nhạc, tiếng
đàn ca không dứt, há chẳng phải giáo hóa của thánh nhân còn sót lại, là nước
ham thích lễ nhạc ư? Trước đây, Khổng tử ở Trần, nói: “Về thôi! Về thôi! Các
môn sinh ở quê ta có chí lớn nhưng viển vông, có văn thái rõ ràng nhưng không
biết chế ước bản thân.” Xét lẽ, khoảng nước Tề nước Lỗ, đối với văn chương học
vấn, vốn giữ từ xưa đến nay, đó là tính trời vậy. Cho nên nhà Hán hưng khởi,
sau đó chư nho mới được nghiên cứu kinh thuật, giảng tập các lễ đại xạ, hương ẩm[10]. Thúc Tôn Thông chế tác lễ nghi cho
nhà Hán, nhân đó được làm Thái thường, các học trò cùng chế định lễ nghi, đều
được tuyển chọn trước tiên, thế rồi ai nấy đều cảm khái về sự hưng khởi của nho
học. Nhưng do còn có can qua, bình định bốn biển, nên chưa rảnh để quan tâm việc
ở trường học. Thời Hiếu Huệ đế, Lã hậu, công khanh đều là bề tôi dựa vào võ lực
để lập công. Thời Hiếu Văn đế, trưng dụng rộng rãi, còn Hiếu Văn đế vốn thích
thuyết Hình danh[11]. Đến Hiếu Cảnh đế, không trọng dụng
nhà nho, còn Đậu thái hậu lại thích đạo Hoàng-Lão, cho nên các bác sĩ có đủ vị
trí chờ được hỏi đến, nhưng chưa ai được tiến dụng[12].
Đến đương kim hoàng thượng lên ngôi, bọn
Triệu Oản, Vương Tang hiểu rõ nho học, hoàng thượng cũng hướng về nho thuật, thế
nên chiêu tập kẻ sĩ phường chính, hiền năng, giỏi văn chương học vấn. Từ đó về
sau, giảng Thi ở
Lỗ thì có Thân Bồi công, ở Tề thì có Viên Cố sinh, ở Yên thì có Hàn thái phó.
Giảng Thượng thư, vốn gốc từ Phục Sinh ở Tế Nam. Giảng Lễ,
vốn gốc Cao Đường Sinh nước Lỗ. Giảng Dịch, vốn gốc từ Điền Sinh ở
Truy Xuyên. Giảng Xuân thu ở Tề và Lỗ thì gốc từ Hồ Vô Sinh, ở
Triệu thì gốc từ Đổng Trọng Thư. Đến khi Đậu thái hậu băng hà, Vũ An hầu Điền
Phần làm Thừa tướng, bãi truất bách gia như đạo Hoàng-Lão, thuyết Hình danh,
đón mời mấy trăm nhà nho, rồi Công Tôn Hoằng nhờ giỏi Xuân thu, từ
bình dân áo trắng lên làm tam công[13] của
thiên tử, được phong Bình Tân hầu. Kẻ đi học trong thiên hạ tựa rạp theo gió thổi[14].
Công Tôn Hoằng
Công Tôn Hoằng là học quan, lo sợ sự trì trệ của đạo học,
bèn đề nghị rằng:
“Thừa tướng Ngự sử nói: Thánh chế viết:
'Từng nghe: Dẫn dắt dân dùng lễ, cảm hóa dân bằng nhạc. Hôn nhân là luân lý lớn
của người sống trong nhà[15]. Nay, lễ nhạc băng hoại, trẫm rất lo
lắng. Cho nên mời khắp kẻ sĩ chính trực, hiểu biết rộng trong thiên hạ, đều lên
triều đường. Lệnh cho quan phụ trách lễ khuyến khích việc học, giảng giải nghị
bàn, mở rộng kiến thức, chấn hưng lễ nghi, lấy đó là việc làm trước tiên của
thiên hạ. Thái thường bàn nghị, cùng các bác sĩ đệ tử[16], đề cao sự giáo hóa nơi hương lý[17], để mở rộng người hiền tài.' Thần
kính cẩn cùng bọn Thái thường là Tang, Bác sĩ[18] là Bình bàn nghị rằng: Nghe nói đạo thời Tam đại, ở
các hương lý có chỗ dạy học, nhà Hạ gọi là Hiệu, nhà Ân gọi là Tự, nhà Chu gọi
là Tường. Khuyến khích làm thiện, khiến họ được vinh hiển chốn triều đình; răn
chưng điều ác, bằng cách tăng thêm hình phạt. Cho nên thi hành giáo hóa, trước
tiên phải thực hiện từ kinh đô, từ trong ra ngoài. Nay bệ hạ tỏ rõ đức cao tột
bậc, thi triển chính trị khai sáng, phối cùng trời đất, gốc nhân luân, khuyến
khích việc học, sửa sang lễ chế, sùng chuộng giáo hóa, khích lệ hiền năng, để cảm
hóa bốn phương, là gốc của thái bình vậy. Thời xưa, chính giáo chưa hài hòa, lễ
nghi không đầy đủ, xin dựa các quan cũ để chấn hưng. Cho phép quan Bác sĩ lập
năm mươi Bác sĩ đệ tử, miễn trừ lao dịch. Quan Thái thường chọn con em trong
dân mười tám tuổi trở lên, dáng vẻ dung mạo đoan chính, bổ làm Bác sĩ đệ tử.
Các quận, quốc, huyện, đạo, ấp, có ai hiếu học, tôn kính bậc trưởng thượng,
tuân thủ nghiêm chính giáo, hòa thuận với hương lý, ra vào không làm trái điều
đã được học, các chức Huyện lệnh, tướng của chư hầu, Huyện trưởng, Huyền thừa
báo lên danh sách quan hàng hai nghìn thạch, cẩn trọng khảo xét quan hàng hai
nghìn thạch, người nào đích đáng, cùng viên lại phụ trách thống kê lên quan
Thái thường, sung vào cho thụ nghiệp như đệ tử. Mỗi năm thi một lần, có thể
thông hiểu một kinh trở lên, bổ vào vị trí phụ trách văn học còn thiếu; xuất sắc
có thể bổ làm Lang trung, Thái thường lập danh sách rồi tấu lên. Nếu ai có tài
vượt bậc, lập tức báo danh. Ai không chịu học hoặc tài năng thấp kém, không thể
thông nổi một kinh, liền bãi truất ngay, rồi trừng trị quan lại tiến cử người
không xứng chức vị. Thần kính cẩn xét các chiếu thư luật lệnh bệ hạ ban xuống,
biện biệt rõ quan hệ giữa đạo trời việc người, thông suốt nghĩa lý cổ kim, văn
chương tao nhã chính đáng, lời dạy sâu xa thâm hậu, thi ân trạch rất hoàn mỹ.
Thần, kẻ tiểu lại kiến văn nông cạn, không thể suy sét sâu sắc để phát dương,
không có cách nào hiểu dụ rõ ràng xuống dưới. Các quan phụ trách về lễ, quan
Chưởng cố[19], nhờ văn chương học vấn, lễ nghĩa làm
quan, nhưng thăng tiến chậm. Xin tuyển chọn quan viên trật từ hàng hai trăm thạch
trở lên, cho đến viên lại trật trăm thạch tinh thông một kinh trở lên, bổ làm Tả
hữu nội sử, Tốt lại cho quan Đại hành; hàng trật trăm thạch trở xuống, bổ làm Tốt
lại cho quan Thái thú ở quận. Mỗi quận chọn hai người, quận vùng biên chọn một
người. Trước hết chọn người giảng nhiều kinh điển, nếu không đủ số, sẽ chọn Chưởng
cố bổ làm thuộc hạ của quan trật hai nghìn thạch, chọn chức Văn học chưởng cố bổ
làm quan thuộc các quận, bổ đủ số người. Xin ghi việc này vào quy định khảo hạch
học quan. Việc khác vẫn theo luật lệnh.”
Thánh chế phê: “Được.” Từ đấy trở đi, Công
khanh đại phu cùng sĩ lại phần nhiều đều là nho sĩ văn chương văn chất đầy đủ.
Thân Công
Thân Công người nước Lỗ. Cao tổ qua nước Lỗ, Thân Công lấy
thân phận học trò theo thầy vào yết kiến Cao tổ tại nam cung nước Lỗ. Thời Lã
thái hậu, Thân Công du học Trường An, học chung thầy với Lưu Dĩnh. Thế rồi Dĩnh
làm Sở vương, cho Thân Công làm thầy của thái tử Lưu Mậu. Mậu không thích học,
ghét Thân Công. Đến khi Sở vương Dĩnh chết, Mậu lên làm Sở vương, cấm cố Thân
Công. Thân Công nhục nhã về việc đó, trở về nước Lỗ, dạy học ở nhà, trọn đời
không ra khỏi cổng, lại tuyệt giao tân khách, chỉ khi nào có lệnh vua triệu mới
đi. Đệ tử từ phương xa đến theo học có hơn trăm người. [21]
Lan Lăng Vương là Tang sau khi thụ giáo Kinh Thi,
phụng sự Hiếu Cảnh đế, làm Thái tử thiếu phó, bị bãi chức, bỏ đi. Đương kim
hoàng thượng mới lên ngôi, Tang bèn dâng thư xin làm Túc vệ, được thăng dần,
trong một năm lên làm Trung lang lệnh. Triệu Oản người nước Đại cũng từng học Kinh
Thi chỗ Thân Công, Oản làm đến Ngự sử đại phu. Oản và Tang thỉnh cầu với
Thiên tử, muốn dựng Minh đường[22] để
triệu tập chư hầu vào chầu, nhưng không làm được, bèn nói với thầy là Thân
Công. Thế là Thiên tử sai sử dụng một bó lụa[23] và
ngọc bạch làm lễ vật, chuẩn bị xe tứ mã thật êm để nghinh đón Thân Công, hai học
trò ngồi xe nhỏ đi theo. Đến nơi, bái kiến thiên tử. Thiên tử hỏi về việc trị
loạn, Thân Công bấy giờ đã hơn tám mươi tuổi, già cả, đáp rằng: “Người
làm chính trị không cốt ở nhiều lời, cốt ra sức làm như thế nào thôi.” Bấy
giờ thiên tử đang thích văn từ, nghe Thân Công đáp như vậy, yên lặng không nói.
Nhưng đã trót vời đến nên cho làm Thái trung đại phu, cho ở công quán của Lỗ
vương tại kinh thành, bàn nghị việc dựng Minh đường. Thái hoàng Đậu thái hậu[24] thích đạo Hoàng-Lão, không thích nho thuật,
tìm được lỗi của Triệu Oản, Vương Tang để trách với hoàng thượng hoàng thượng
nhân đấy bỏ ý định dựng Minh đường, giao Triệu Oản và Vương Tang cho pháp quan
xử trí, sau cả hai đều tự sát. Thân Công cũng ốm, từ chức trở về, được mấy năm
thì chết.
Học trò của Thần Công hơn chục người làm bác sĩ, Khổng An
Quốc làm đến chức Thái thú Lâm Hoài, Chu Bá làm đến Nội sử Giao Tây, Hạ Khoan
làm đến Nội sử Thành Dương, Lỗ Tứ người huyện Đãng làm đến chức Thái thú Đông Hải,
Mậu Sinh ở Lan Lăng làm Nội sử Trường Sa, Từ Yến làm Trung úy Giao Tây, Khuyết
Môn Khánh Kỵ người đất Trâu làm Nội sử Giao Đông. Họ cai trị quan dân đều tiết
tháo thanh liêm, được khen là hiếu học. Đệ tử của các học quan phẩm hạnh tuy
không được trọn vẹn, nhưng hàng trăm người làm đến đại phu, Lang trung, Chưởng
cố. Họ giảng Kinh Thi tuy khác nhau, nhưng phần lớn đều lấy gốc
Thân Công.
Viên Cố sinh
Thái phó của Thanh Hà vương là Viên Cố sinh, người nước Tề,
nhà nghiên cứu Kinh Thi, thời Hiếu Cảnh đế được làm Bác sĩ. Cùng
Hoàng Sinh tranh luận trước mặt Cảnh đế. Hoàng Sinh nói: “Thành Thang,
Vũ vương không nhận mệnh trời, mà giết vua của mình.” Viên Cố sinh
nói: “Không phải thế. Xét lẽ, Kiệt, Trụ tàn ngược dâm loạn, lòng thiên
hạ đều hướng về Thành Thang, Vũ vương; Thành Thang, Vũ vương thể theo tâm nguyện
của thiên hạ mà diệt Kiệt, Trụ, dân của Kiệt, Trụ không cần sai sử mà đều theo
Thang, Vũ; Thang, Vũ bất đắc dĩ mà lên ngôi, không phải là nhận mệnh trời ư?” Hoàng
Sinh nói: “Mũ tuy nát, ắt đội trên đầu; dép tuy mới, ắt đi dưới chân.
Sao vậy? Đó là sự phân chia trên dưới. Nay Kiệt, Trụ tuy vô đạo, nhưng là quân
thượng; Thang, Vũ dẫu là thánh, vẫn là bề tôi dưới. Xét, chúa có lỗi lầm, bề
tôi không thể dùng lời ngay thẳng giúp chúa sửa lỗi đặng tôn thiên tử, trái lại
nhân lỗi đó mà giết chúa, rồi thay mà quay mặt về hướng nam[25], không giết vua thì là gì?” Viên Cố
sinh đáp: “Cứ lời ông nói, vậy Cao đế thay nhà Tần lên ngôi thiên tử,
là sai chăng?” Thế rồi Cảnh đế nói: “Ăn thịt mà không ăn gan
ngựa, không phải do không biết vị; người bàn luận học vấn mà không nói việc
Thang, Vũ nhận mệnh trời, đó không phải ngu.” Rồi dừng cuộc tranh luận.
Sau đó kẻ học không ai dám nói rõ việc Thang Vũ nhận mệnh trời, đuổi giết Kiệt,
Trụ nữa.
Đậu thái hậu thích sách Lão tử, triệu Viên Cố sinh đến hỏi
về sách Lão tử. Viên Cổ sinh đáp: “Đó là lời của đám hạ nhân trong nhà
nói thôi.” Thái hậu giận hỏi: “Làm thế nào mới có sách của
quan quản giám tội nhân?” [26] Bèn
sai Viên Cố sinh vào chuồng giết lợn. Cảnh đế biết Thái hậu giận, còn Viên Cố
sinh nói thẳng, không có tội, bèn mượn binh khí sắc nhọn của Viên Cố sinh, vào
chuồng đâm lợn, đâm đúng tim, một nhát, lợn liền ngã ngay. Thái hậu không nói
gì, không viện được cớ gì để bắt tội, liền tha cho. Được một thời gian, Cảnh đế
cho Cố là người ngay thẳng, thanh liêm, phong làm Thái phó cho Thanh Hà vương.
Lâu sau, Cố ốm nên miễn quan.
Đương kim hoàng thượng mới lên ngôi, lấy danh nghĩa dùng
người hiền lương trưng dụng Cố. Các nho sinh hay a dua phần nhiều ganh ghét hủy
báng Cố, nói: “Cố già rồi.” Liền bị bãi miễn cho về. Bấy giờ Cố
đã hơn chín mươi tuổi. Lúc Cố được trưng dụng, Công Tôn Hoằng người đất Tiết
cũng được trưng dụng, Hoằng liếc mắt nhìn Cố. Cố nói: “Công Tôn tiên
sinh, hãy chuộng dùng chính học để dâng lời, chớ dùng cái học cong vạy a dua
theo thói đời!” Từ đó về sau, giảng Kinh Thi ở Tề đều
gốc ở Viên Cố sinh vậy. Những người Tề nhờ Kinh Thi mà được hiển
quý, đều là học trò của Cố.
Hàn Anh
Hàn sinh người nước Yên. Thời Hiếu Văn đế, làm Bác sĩ. Thời
Cảnh đế, làm Thái phó cho Thường Sơn vương. Hàn sinh phát huy ý nghĩa của Kinh
Thi, rồi làm phần nội ngoại truyện gồm mấy vạn lời, biện giải rất khác so với
cách hiểu Kinh Thi ở Tề và Lỗ, nhưng chung quy ý nghĩa chỉ là
một. Phí sinh ở Hoài Nam theo học Hàn Anh. Từ đó về sau, người giảng luận Kinh
Thi ở Yên và Triệu đều từ Hàn sinh. Cháu nội Hàn sinh là Thương, nay
làm Bác sĩ.
Phục Thắng, Nghệ Khoan
Phục sinh người ở Tế Nam, trước từng làm quan Bác sĩ nhà
Tần. Thời Hiếu Văn đế, triều đình muốn tìm người thông tường Thượng
thư, thiên hạ không có ai. Nghe nói Phục sinh tinh thông, muốn triệu đến.
Bấy giờ Phục sinh đã hơn chín mươi tuổi, già yếu, không thể đi được, liền hạ
chiếu cho Thái thường sai viên Chưởng cố là Triều Thố đến thụ giáo. Thời nhà Tần
đốt sách, Phục sinh giấu sách trong bức vách. Về sau binh hỏa khắp nơi, phải
lưu vong. Nhà Hán bình định thiên hạ, Phục sinh tìm lại sách, bị mất mấy chục thiên,
chỉ còn hai mươi chín thiên, liền đem sách đó truyền dạy ở vùng Tề và Lỗ. Từ đó
kẻ học đều có thể bàn luận về Thượng thư, các bậc đại sư ở
phía đông Hào Sơn không ai không tham khảo Thượng thư để giảng
dạy.
Phục sinh dạy Trương sinh và Âu Dương sinh ở Tế Nam, Âu
Dương sinh dạy Nghề Khoan người ở Thiên Thặng. Sau khi Nghệ Khoan tinh
thông Thượng thư, dùng văn học tham gia thi quận, đến thụ nghiệp
quan Bác sĩ, theo học Khổng An Quốc[27]. Nghệ
Khoan nhà nghèo, không có của cải chi dùng, hay làm đầu bếp cho các học trò
khác, lại thường lẻn ra làm mướn, để lo cái ăn cái mặc. Khi đi thường mang kinh
sách, lúc nghỉ thì tụng đọc, ôn luyện. Dựa vào thứ bậc trong khảo thí, được bổ
làm Đình úy sử. Bấy giờ Trương Thang đang chuộng nho học, cho làm Tấu nghiệt
duyện[28], dựa vào phép cổ để thẩm bàn,
phán quyết đại án khó xử lý, Trương Thang nhân đó sủng ái Khoan. Khoan là người
ôn hòa thiện lương, thanh liêm, sáng láng, biết tự ước thúc, lại giỏi viết thư,
thư tấu, thông tuệ văn chương, nhưng miệng lại không sao diễn đạt được rõ ràng.
Thang cho là bậc trưởng giả, nhiều lần khen ngợi. Đến khi Thang làm Ngự sử đại
phu, lấy Nghề Khoan làm thuộc quan, tiến cử lên thiên tử. Thiên tử triệu kiến hỏi
han, rất thích Khoan. Trương Thang chết được sáu năm, Nghệ Khoan lên đến Ngự sử
đại phu. Được chín năm, chết khi đang tại chức. Khoan ở ngôi tam công, ôn hòa
thiện lương thuận theo ý của hoàng thượng, khéo xử lý công việc nên được giữ chức
lâu, nhưng không khuyên can giúp vua sửa lỗi. Với việc quan, thuộc quan dưới
quyền coi thường Nghệ Khoan, không dốc sức vì ông ta. Trương sinh cũng làm Bác
sĩ. Còn cháu nội của Phục sinh nhờ tinh thông Thượng thư nên
được trưng dụng, lại không thể phát huy Thượng thư một cách
sáng rõ.
Từ đó về sau, Chu Bá, Khổng An Quốc nước Lỗ, Giả Gia ở Lạc
Dương đều thông tường nội dung Thượng thư. Họ Khổng có Thượng
thư cổ văn[29], còn An
Quốc dùng văn tự ngày nay để đọc Thượng thư[30],
nhân đó sáng lập ra học phái riêng. Thượng thư thất truyền tìm lại được hơn mười
thiên, đại để từ đó, số thiên Thượng thư ngày một tăng thêm.
Cao Đường Sinh
Nhiều học giả giảng bàn Kinh Lễ, nhưng Cao Đường
Sinh nước Lỗ là gần với bản gốc nhất. Kinh Lễ vốn có từ Khổng
tử, nhưng kinh này không đầy đủ, đến khi nhà Tần đốt sách, sách thất tán càng
nhiều, đến nay chỉ có bản Sĩ lễ[31], Cao Đường
Sinh Có thể giảng sách này.
Bọn Từ Sinh
Còn Từ Sinh nước Lỗ, giỏi diễn tập lễ nghi. Thời Hiếu Văn
đế, Từ Sinh nhờ giỏi diễn tập lễ nghi, được làm Lễ quan đại phu. Truyền từ con
đến cháu là Từ Diên, Từ Tương. Tương, trời sinh ra đã giỏi diễn tập lễ nghi,
nhưng không thông hiểu Kinh Lễ; Diên giỏi Kinh Lễ,
nhưng chưa thực tinh tường. Tương nhờ giỏi diễn tập lễ nghi, nhà Hán phong làm
Lễ quan đại phu, thăng đến Nội sử Quảng Lăng. Diên cùng đệ tử họ Từ là Công Hộ
Mãn Ý, Hoàn Sinh, Thiện Thứ, đều từng làm Lễ quan đại phu nhà Hán. Còn Hà Khâu,
Tiêu Phấn nhờ giỏi Kinh Lễ nên được làm Thái thú Hoài Dương. Về
sau, người giỏi giảng luận Kinh Lễ và diễn tập lễ nghi, đều gốc
họ Từ vậy.
Bọn Thương Cù
Từ Thương Cù nước Lỗ được học Dịch từ Khổng tử, Khổng tử
chết, Thương Cù truyền Kinh Dịch, được sáu đời đến Điền Hà người Tề, tự Tử
Trang, rồi nhà Hán hưng khởi. Điền Hà truyền cho Vương Đồng Tử Trọng người Đông
Vũ, Tử Trọng truyền cho Dương Hà người Truy Xuyên, Hà nhờ tinh thông Dịch,
năm đầu niên hiệu Nguyên Quang được trưng dụng, làm quan đến chức Trung đại
phu. Tức Mặc Thành người nước Tề nhờ tinh thông Dịch nên làm đến
Quốc tướng Thành Dương. Mạnh Đãn người Quảng Xuyên nhờ Dịch nên
được làm thái tử môn đại phu. Chu Ba người nước Lỗ, Hành Hồ người đất Cử, Chủ
Phụ Yển người Lâm Truy, đều nhờ tinh thông Kinh Dịch làm quan
đến trật hai nghìn thạch. Nhưng nói về Kinh Dịch vốn là từ
Dương Hà.
Đổng Trọng Thư
Đổng Trọng Thư người Quảng Xuyên, nhà nghiên cứu sách
Xuân thu, được làm Bác sĩ thời Hiếu Cảnh đế. Đổng Trọng Thư buông màn dạy học,
học trò vào học lâu hay mau theo thứ tự truyền thụ cho nhau, có học trò chưa từng
thấy mặt thầy. Đại để ba năm Đổng Trọng Thư không ra ngoài vườn, chuyên tâm đến
thế đấy. Tiến, lui, dung mạo, cử chỉ, không hợp lễ không làm, học giả đều tôn
kính ông như thầy. Đương kim hoàng thượng lên ngôi, Đổng Trọng Thư làm Giang Đô
tướng. Dựa theo biến hóa của các việc tai dị trong sách Xuân thu để
suy nghiệm sự rối loạn của âm dương, nên cầu mưa thì đóng hết các sự vật mang
tính dương, mở cho khí âm ra, cầu tạnh mưa thì làm ngược lại. Thi hành trong một
nước, chưa từng không đạt kết quả như ý. Giữa chừng bị phế làm Trung đại phu, ở
nhà, viết sách Tai dị chi ký [Ghi chép về việc tai dị]. Bấy giờ
miếu Cao tổ ở Liêu Đông bị hỏa tai, Chủ Phụ Yển ghét Đổng Trọng Thư, đem sách của
Thư tâu lên thiên tử. Thiên tử triệu các nho sinh cho xem sách ấy, thấy có nội
dung chỉ trích, chúng thích. Học trò Đổng Trọng Thư là Lã Bộ Thư không biết
sách đó của thầy mình, cho là của hạng hạ ngu. Thế rồi giao Đổng Trọng Thư cho
pháp quan, xử đáng tội chết, thiên tử hạ chiếu xá miễn. Từ đấy Đổng Trọng Thư
không dám nói về việc tại dị nữa.
Đổng Trọng Thư là người
liêm khiết, chính trực. Bấy giờ đang chinh phạt Tứ di bên ngoài, Công Tôn Hoằng
nghiên cứu sách Xuân thu không bằng Đổng Trọng Thư, nhưng Hoằng
theo thế tục xử lý công việc, ngôi vị đến công khanh. Đổng Trọng Thư cho Hoằng
là hạng a dua. Hoằng ghét Thư, bèn nói với hoàng thượng: “Riêng có Đổng
Trọng Thư có thể sai đi làm Tướng quốc cho Giao Tây vương được.” [32] Giao Tây vương vốn nghe nói Đổng Trọng Thư
có đức hạnh, cũng đãi ngộ tốt. Đổng Trọng Thư sợ lâu ngày mắc tội, cáo ốm từ chức
về nhà. Đến lúc chết, cũng không chăm lo sản nghiệp, lấy nghiên cứu học vấn và
viết sách làm công việc. Cho nên khi nhà Hán hứng khởi đến đời thứ năm, chỉ có
Đổng Trọng Thư là nổi danh nhờ sách Xuân thu, ông truyền thụ cho
Công Dương thị[33].
Hồ Vô Sinh
Hồ Vô Sinh, người nước Tề. Thời Hiếu Cảnh để làm Bác sĩ,
vì tuổi già nên về dạy học. Người bàn sách Xuân thu ở Tề phần
lớn học từ Hồ Vô Sinh, Công Tôn Hoằng cũng học rất nhiều từ ông.
Giang Sinh
Giang Sinh ở Hà Khưu nghiên cứu sách Xuân thu[34] của Cốc Lương. Từ Công Tôn Hoằng được trọng
dụng, từng tập trung so sánh nghĩa lý các bản, cuối cùng theo cách giải thích của
Đổng Trọng Thư.
Chử Đại, Ân Trung, Lã Bộ
Thư
Học trò của Trọng Thư, người được thỏa chí thành danh có
Chử Đại ở Lan Lăng, Ân Trung ở Quảng Xuyên, Lã Bộ Thư ở đất Ôn. Chử Đại làm đến
tướng nước Lương. Bộ Thư làm đến Trưởng sử, cầm phù tiết đi sứ xử lý việc ngục
tụng ở Hoài Nam, tự quyết đoán với chư hầu, không báo triều đình, dùng nghĩa lý
sách Xuân thu để xử án chính đáng, thiên tử đều cho là phải. Học
trò người thông đạt làm đến đại phu; người làm quan Lang, Yết giả, Chưởng cố có
đến hàng trăm người. Còn con, cháu của Đổng Trọng Thư đều nhờ học hành, làm đến
đại quan.
Chú thích.
[1] Tức bài “Quan
thư" trong phần "Chu Nam" của Kinh Thi. Phần này vốn
thuộc dân gian, song đến đầu thời Hán, học giả truyền thụ Kinh Thi cho
đây là phần do các đại thần nhà Chu làm ra để chỉ trích thói dâm dật, thích hưởng
lạc của Chu Khang vương.
[2] Theo quan điểm của Khổng
tử: "Thiên hạ có đạo thì lễ nhạc chinh phạt xuất phát từ thiên tử; thiên hạ
vô đạo thì lễ nhạc chính lệnh xuất phát từ chư hầu" (Luận ngữ - Quý thị).
[3] Nhạc Thiều: tương truyền là
khúc nhạc của thời Đế Thuấn, tụng ca đức tốt của Đế Thuấn, được Khổng tử cho là
tận thiện tận mỹ.
[4] Nhã, Tụng: đều là các phần
trong Kinh Thi.
[5] Chỉ việc người ở ngoại
thành phía đông nước Lỗ đi săn bắt được con lân vào năm Lỗ Ai công thứ 14 (năm
481 Tr.CN).
[6] Lân là vật tượng
trưng cho điềm lành, đời thịnh. Đương thời là đời loạn, chính sự rối ren, nhưng
lân lại xuất hiện để rồi bị người ta săn được. Khổng tử cho là điềm gở.
[7] Xuân thu: là cuốn sử biên
niên của nước Lỗ do Khổng tử trước tác, trong đó thể hiện tinh thần chính danh,
ngụ ý khen, chê. Sau, sách này được nhà nho coi là kinh điển.
[8] Chỉ các vật dụng dùng
trong các nghi thức tế tự, tang ma...
[9] Ý nói tụ tập nhất thời
nhưng dễ tan rã.
[10] Đại xạ: chỉ việc tế từ trước
khi cử hành nghi lễ bắn cung thời Chu.
[11] Hương ẩm: lễ uống rượu ở quê.
Bậc hương học thời cổ, ba năm thì học xong, qua sát hạch để chọn người có đức hạnh
và tài năng, tiến cử lên vua, trước khi đi, trong hương làm lễ để tiễn chân,
nghi lễ đó gọi là "hương ẩm".
[12] Hình danh: học phái thuộc hệ
thống pháp gia thời tiên Tần, nhân vật tiêu biểu là Thân Bất Hại.
[13] Ba chức quan lớn nhất
trong triều đình nhà Hán là Thừa tướng, Thái úy và Ngự sử đại phu.
[14] Ý nói nho học đến lúc
này thành phong khí của thời đại, người đi học cứ thế học theo.
[15] Chỉ mối quan hệ giữa
chồng và vợ trong gia đình.
[16] Các nho sinh do các
quan Bác sĩ đào tạo, nhằm truyền thừa, phát huy kinh điển nho gia.
[17] Tức địa phương. Theo
quy định thời Chu thì hai mươi lăm nhà là một lý, một vạn hai nghìn năm trăm
nhà là một hương.
[18]. Bác Sĩ: học quan thời cổ. Đời
Hán, quan Bác sĩ phụ trách việc nghiên cứu, giảng dạy các kinh điển nho gia.
[19] Chức quan thời Hán,
phụ trách lễ nhạc.
[20] Huấn: phần giải thích
nghĩa chữ của kinh điển.
[21] Truyện: phần phát huy văn
nghĩa kinh điển.
[22] Nhà để làm chỗ thiên
tử tuyên dương chính giáo, cũng là nơi tiến hành các điển lễ lớn của triều đình
như tế tự, khánh hạ, chọn kẻ sĩ…
[23] Nguyên là "thúc
bạch". Năm xấp lụa là một "thúc".
[24] Tức bà nội của thiên
tử.
[25] Ý nói lên làm vua.
[26] Câu này châm biếm
sách vở nho gia, coi đó như sách về hình pháp của quan coi việc ngục tụng.
[27]. Khổng An Quốc: người Khúc Phụ, nước
Lỗ, tinh thông kinh học, là cháu đời thứ mười của Khổng tử.
[28] Thuộc quan, phụ trách
việc trình báo tội án.
[29] Thượng thư cổ văn viết bằng
chữ cổ trước thời Tần-Hán. Bản do Phục sinh truyền thụ dưới thời Hán là bản kim
văn, viết bằng Lệ thư. Hai bản này có một số điểm như câu chữ, số thiên...
không tương đồng. Tương truyền dưới thời Hán, khi phá vách nhà Khổng tử, phát
hiện bản Thượng thư cổ văn gồm bốn mươi lăm thiên, so với bản
hai mươi chín thiên do Phục sinh truyền thụ, nhiều hơn mười sáu thiên.
[30] Do bản cổ văn Thượng
thư viết theo lối chữ cổ, người đương thời không đọc hiểu được, Khổng
An Quốc bèn dùng chữ Lệ thư thông dụng đương thời để viết lại, đồng thời thêm một
số giải thích, mở đầu cho phái Cổ văn Thượng thư.
[31]. Sĩ lễ: cũng gọi là
sách Nghi lễ, bảo tồn được một phần nội dung Kinh Lễ của
thời Tiên Tần.
[32] Giao Tây vương là Lưu Đoan tính tình độc ác, hay làm loạn,
nhiều bề tôi nhà Hán được phái đến làm Tướng quốc hoặc phụ tá từng bị giết, hoặc
làm bị thương. Do đó, Công Tôn Hoằng đẩy Đổng Trọng Thư đến phò tá Giao Tây
vương, ý muốn mượn tay Giao Tây vương giết đi.
[33] Tức bản Xuân thu Công Dương truyện của
Công Dương Cao người nước Tề thời Chiến quốc.
[34] Tức bản Xuân thu Cốc Lương truyện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét