Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 123 ĐẠI UYỂN LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

QUYỂN 123 

ĐẠI UYỂN LIỆT TRUYỆN

Sự tích nước Đại Uyển, thấy từ Trương Khiên. Trương Khiên, người ở Hán Trung. Trong niên hiệu Kiến Nguyên, làm quan Lang. Bấy giờ thiên tử hỏi việc người Hung Nô xin hàng, mọi người đều nói Hung Nô phá được Nguyệt Chi vương, lấy đầu làm đồ đựng rượu, người Nguyệt Chi chạy trốn rồi thường oán hận Hung Nô, nhưng không có ai để cùng đánh Hung Nô. Nhà Hán đang muốn tính chuyện diệt Hồ, nghe nói vậy, định sai sứ đến thông hiếu. Đường đến Nguyệt Chi phải qua Hung Nô, bèn tìm người có thể đi sứ. Khiên làm quan Lang ứng mộ, đi sứ Nguyệt Chi, cùng nô bộc người Đường Ấp Thị của Hung Nô là Cam Phủ ra Lũng Tây. Qua Hung Nô, bị Hung Nô bắt được, đưa đến chỗ Thiền vu. Thiền vu giữ lại, hỏi: “Nguyệt Chi ở phía bắc nước ta, nhà Hán sao có thể sai sứ đến đó được? Ta muốn phái sứ giả sang Việt, nhà Hán có chịu cho ta làm thế không?" Rồi giữ Khiên lại hơn mười năm, cho vợ, có con, nhưng phiên giữ phù tiết nhà Hán không để mất.

Ở Hung Nô, ngày càng được lơi lỏng, khiến nhân đó cùng tùy tòng trốn sang Nguyệt Chi. Chạy theo hướng tây mấy chục ngày, đến Đại Uyển. Đại Uyển nghe nói nhà Hán nhiều của, muốn thông sứ mà không được, gặp mặt Khiên, mừng, hỏi rằng: “Ông muốn đi đâu?” Khiên đáp: “Là sứ nhà Hán sang Nguyệt Chi, nhưng bị Hung Nô chặn đường giữ lại, nay bỏ trốn, mong đại vương sai người dẫn đường đưa tôi đi. Nếu đến được, trở về Hán, nhà Hán sẽ tặng của cải cho đại vương, nhiều không kể xiết.” Đại Uyển cho là phải, để Khiên đi, sai người dẫn đường, phiên dịch, đưa đến Khang Cừ. Khang Cừ cho xe đưa đến Đại Nguyệt Chi. Vua Đại Nguyệt Chi đã bị người Hồ giết, lập Thái tử làm vua. Đã thần phục được Đại Hạ rồi ở đó, đất đai màu mỡ, ít có giặc cướp, để chí vào sự an lạc, lại cho mình ở cách xa nhà Hán, không mảy may có lòng báo phục Hồ. Khiên từ Nguyệt Chi đến Đại Hạ, rốt cuộc không được Nguyệt Chi chấp thuận.

Lưu lại hơn một năm, trở về. Men Nam Sơn, muốn từ đất người phương để về, lại bị Hung Nô bắt được. Giữ lại hơn một năm, Thiền vu chết, Tả lộc lãi vương tấn công Thái tử, tự lập làm Thiền vu, trong nước loạn, Khiên cùng vợ người Hồ và Đường Ấp Phủ đều trốn được về Hán. Nhà Hán phong Khiên làm Thái trung đại phu, Đường Ấp Phủ làm Phụng sứ quân.

Khiên là người kiên cường, nghị lực, rộng rãi, tin người, man di rất yêu quý ông. Đường Ấp Phủ vốn là người Hồ, giỏi bắn cung, khi cùng quẫn thì bắn cầm thú làm thức ăn. Ban đầu, lúc Khiên lên đường có hơn trăm người, đi được mười ba năm, chỉ còn hai người trở về.

Khiên từng đích thân đến Đại Uyển, Đại Nguyệt Chi, Đại Hạ, Khang Cừ, còn nghe nói bên cạnh có năm sáu nước lớn, đều nói lại đầy đủ với thiên tử. Rằng:

“Đại Uyển ở phía tây nam Hung Nô, phía tây nhà Hán, cách nhà Hán chừng vạn dặm. Phong tục của họ là định cư, cày ruộng, ruộng trồng lúa mạch. Có rượu nho. Nhiều ngựa tốt, có giống ngựa hãn huyết, tổ tiên của nó là con của loại thiên mã (ngựa trời). Có thành quách, nhà cửa, phòng ốc. Thuộc ấp của Đại Uyển lớn nhỏ gồm trên bảy mươi thành, dân đông mấy chục vạn. Quân lính dùng cung, giáo, cưỡi ngựa bắn cung. Phía bắc Đại Uyển là Khang Cừ, tây là Đại Nguyệt Chi, tây nam là Đại Hạ, đông bắc là Tôn, đông là Hu Di, Vu Điện. Phía tây Vu Điện, các dòng sông đều chảy về tây, đổ vào Tây Hải; các dòng sông phía đông chảy theo hướng đông, đổ vào Diêm Trạch. Diêm Trạch chảy ngầm dưới lòng đất, phía nam Diêm Trạch là đầu nguồn của Hoàng Hà. Nhiều ngọc thạch, sông Hoàng Hà đổ vào Trung nguyên. Còn Lâu Lan, Cô Sư đều có thành quách, gần kề Diêm Trạch. Diêm Trạch cách Trường An độ năm nghìn dặm. Mạn phải của Hung Nô cư trú ở Diêm Trạch về hướng đông, đến Trường thành ở Lũng Tây, phía nam tiếp giáp rợ Khương, cách biệt với đường nhà Hán.

Tôn ở phía đông bắc Đại Uyển chừng hai nghìn dặm, là nước du mục, di chuyển theo đàn súc vật, phong tục giống Hung Nô. Quân cung nỏ có mấy vạn, dũng cảm tác chiến. Trước đây quy phục Hung Nô, đến lúc thịnh, danh nghĩa bị ràng buộc, nhưng không chịu đến triều hội Hung Nô.

Khang Cừ ở tây bắc Đại Uyển chừng hai nghìn dặm, là nước du mục, phong tục phần lớn giống Nguyệt Chi. Quân cung nỏ có tám chín vạn. Là nước lân cận với Đại Uyển. Nước nhỏ, mặt nam chịu ràng buộc và phụng thờ Nguyệt Chi, phía đông chịu ràng buộc và phụng thờ Hung Nô.

Yêm Sái ở phía tây bắc Khang Cừ độ hai nghìn dặm, là nước du mục, phong tục phần lớn giống Khang Cừ. Quân cung nỏ có trên chục vạn. Gần kề đầm lớn, không bờ, đại để chính là Bắc Hải vậy.

Đại Nguyệt Chi ở phía tây Đại Uyển chừng hai ba nghìn dặm, nằm ở phía bắc Quy Thủy. Phía nam là Đại Hạ, tây là An Tức, bắc là Khang Cừ. Là nước du mục, dời chuyển theo đàn vật nuôi, phong tục giống Hung Nô. Quân cung nỏ có một hai chục vạn. Trước đây hùng mạnh, coi khinh Hung Nô. Đến khi Mặc Đốn lên ngôi, đánh phá Nguyệt Chi. Đến Lão Thượng thiền vu của Hung Nô, giết vua Nguyệt Chi, lấy đầu làm đồ đựng rượu uống. Ban đầu Nguyệt Chi ở khoảng Đôn Hoàng, Kỳ Liên, đến khi bị Hung Nô đánh bại, bèn rời đi xa, qua đất Uyển, sang phía tây đánh Đại Hạ rồi thần phục được Đại Hạ, bèn đóng đô ở phía bắc Quy Thủy, lấy làm vương đình. Ngoài ra một bộ phận nhỏ không thể đi được, ở lại giữ Sơn Nam Khương, hiệu là Tiểu Nguyệt Chi.

An Tức ở phía tây Đại Nguyệt Chi độ mấy nghìn dặm. Phong tục An Tức định cư, cày ruộng, ruộng trồng lúa mạch, có rượu nho. Thành ấp giống như Đại Uyển. Phụ thuộc An Tức lớn nhỏ gồm mấy trăm thành, đất vuông mấy nghìn dặm, là nước lớn nhất. Gần kề Quy Thủy, có chợ búa, dân buôn bán dùng xe và thuyền, đi đến các nước lân cận có khi xa đến mấy nghìn dặm. Lấy bạc làm tiền, tiền đúc theo mặt vua nước đó, vua chết liền đổi tiền, tiền đúc theo mặt nhà vua. Vẽ các ký tự theo hàng trên tấm da coi là văn tự ghi chép. Phía tây An Tức là Điều Chi, phía bắc là Yêm Sái, Lê Hiên.

Điều Chi ở phía tây An Tức chừng mấy nghìn dặm, gần kề Tây Hải. Nóng và ẩm thấp. Cày ruộng, ruộng trồng lúa tẻ. Có giống chim lớn, trứng to như chiếc vò. Dân chúng rất đông, thường có tiểu quân trưởng, nhưng bị phụ thuộc vào An Tức, bị coi là phên giậu bên ngoài. Nước ấy giỏi quỷ thuật. Trưởng lão ở An Tức nói rằng Điều Chi có sông Nhược Thủy, Tây Vương Mẫu, nhưng chưa từng thấy.

Đại Hạ ở phía tây nam Đại Uyển độ hai nghìn dặm, ở phía nam Quy Thủy. Phong tục định cư, có thành và phòng ốc, phong tục giống Đại Uyển. Không có đại [quân] trưởng, thông thường thành ấp thiết đặt tiểu trưởng. Quân Đại Hạ yếu, sợ đánh nhau. Giỏi buôn bán. Đến khi Đại Nguyệt Chi rời sang phía tây, đánh bại Đại Hạ, khiến Đại Hạ phải thần phục. Đại Hạ dân đông, chừng trên trăm vạn. Kinh đô là thành Lam Thị, có chợ mua bán vật phẩm. Phía đông nam có nước Quyên Độc”.

Khiên nói: “Lúc thần ở Đại Hạ, thấy gậy trúc của đất Cung, vải vóc của đất Thục, bèn hỏi: 'Sao có những thứ này?' người nước Đại Hạ đáp: 'Thương nhân nước tôi mua ở Quyên Độc. Quyên Độc ở phía đông nam Đại Hạ chừng mấy nghìn dặm. Phong tục định cư, phần lớn giống Đại Hạ, nhưng trũng ẩm nóng nực. Dân nơi đó cưỡi voi để đánh trận. Nước đó gần bên sông lớn.' Theo phỏng đoán của Khiên, Đại Hạ cách nhà Hán chừng một vạn hai nghìn dặm, ở phía tây nam sông Hán. Nay nước Quyên Độc lại ở phía đông nam Đại Hạ chừng mấy nghìn dặm, có sản vật của đất Thục, thế thì họ cách đất Thục không xa. Nay đi sứ sang Đại Hạ, từ đất Khương, hiểm trở, người Khương không thích việc đó; hơi chếch lên phía bắc, thì bị Hung Nô bắt; từ đất Thục đi theo đường thẳng, lại không bị giặc cướp.” Sau khi thiên tử nghe nói về Đại Uyển cùng các nước như Đại Hạ, An Tức, đều là nước lớn, nhiều sản vật lạ, sống định cư, rất giống nghề nghiệp ở Trung nguyên, mà quân binh lại yếu, ham thích của cải nhà Hán; phía bắc có Đại Nguyệt Chi, Khang Cừ, quân mạnh, có thể tặng họ của cải, nguồn lợi để họ vào chầu. Thêm nữa nếu có thể dùng đạo nghĩa khiến họ quy thuộc, thì có thể mở rộng đất đai vạn dặm, qua nhiều lần phiên dịch, chiêu tập cả những người có phong tục khác lạ, uy đức lan khắp bốn biển. Thiên tử vui mừng, cho lời Khiên nói phải lẽ, bèn lệnh Khiên nhân đất Thục và đất Kiền, bí mật sai sứ giả đi, bốn đường cùng xuất phát: từ đất Mang, từ đất Nhiễm, từ đất Tư, từ đất Cung và Bắc, mỗi nơi đều đi một hai nghìn dặm. Phía bắc bị đất Để, đất Tạc ngăn cách; phía nam bị đất Tây, đất Côn Minh ngăn cách. Các đất thuộc Côn Minh không có quân trưởng, giỏi trộm cướp, liền cướp giết sử nhà Hán, cuối cùng sử Hán không thể đi qua. Nhưng nghe nói phía tây Côn Minh chừng hơn nghìn dặm có nước cưỡi voi, tên là Điền Việt, thương nhân đất Thục lén đem hàng hóa ra ngoài có người đến đất này, thế là nhà Hán tìm đường Đại Hạ để thông số đến nước Điền. Ban đầu, nhà Hán định mở đường đến tây nam di, tốn phí nhiều, đường không thông, liền bãi bỏ. Đến khi Trương Khiên nói có thể thông đến Đại Hạ, liền đề cập lại việc mở đường đến tây nam di.

Khiên lấy thân phận Hiệu úy theo đại tướng quân đi đánh Hung Nô, biết chỗ có nước và cỏ, quân binh nhờ đó không bị thiếu thốn, bèn phong phiên làm Bác Vọng hầu. Đó là năm Nguyên Sóc thứ sáu. Năm sau, Khiên làm Vệ úy, cùng tướng quân Lý Quảng ra Hữu Bắc Bình đánh Hung Nô. Hung Nô bao vây Lý tướng quân, quân tổn thất và thương vong nhiều, còn Khiên sau đáng tội chém, được chuộc tội làm dân thường. Năm này, nhà Hán sai Phiêu kỵ tướng quân đánh phá được mấy vạn Tây Vực của Hung Nô, tiến quân đến núi Kỳ Liên. Năm sau, Hồn Da vương dẫn dân đến hàng nhà Hán, từ Kim Thành, Hà Tây sang phía tây và từ Nam Sơn đến thẳng Diêm Trạch một dải đều không còn Hung Nô. Bấy giờ có lúc Hung Nô sai quân đến dò xét, nhưng rất ít. Hai năm sau, nhà Hán đánh Thiền vu chạy về phía bắc sa mạc.

Sau đó, thiên tử hỏi Khiên về các việc ở Đại Hạ. Khiên đã mất tước hầu, nhân đó nói: “Thần ở nước Hung Nô, nghe nói vua nước Ô Tôn hiệu là Côn Mạc, cha của Côn Mạc là vua nước nhỏ biên giới phía tây Hung Nô. Hung Nô tấn công giết cha vua Ô Tôn, còn Côn Mạc khi sinh ra, bị vứt ngoài đồng. Quạ ngậm thịt bay trên đầu, sói đến cho bú. Thiền vu lấy làm lạ, cho là thần, đem về nuôi lớn. Đến tuổi tráng niên, sai cầm quân, nhiều lần lập công, Thiền vu lại đem dân của cha Côn Mạc giao cho, sai giữ mãi ở Tây Vực. Côn Mạc thu dưỡng dân mình, tấn công các cấp nhỏ lân cận, quân cung nỏ có mấy vạn, quen việc chiến trận. Thiền vu chết, Côn Mạc liền cầm quân rời đến nơi xa, đứng trung lập, không chịu vào chầu Hung Nô. Hung Nô đem kỳ binh đến đánh, không thắng, cho là thần nên tránh xa, nhân đó ràng buộc khiến phải thần phục, không đem đại quân tiến đánh. Nay Thiền vu mới bị nhà Hán làm cho nguy khốn, còn đất cũ của Hồn Da không có người. Tục lệ của man di tham của cải nhà Hán, nay nếu nhân lúc này đem nhiều của cải tặng Ô Tôn, chiêu dụ họ sang phía đông, ở đất cũ của Hồn Da, kết làm anh em với nhà Hán, thế của họ ắt phải nghe, nghe thì cánh tay phải của Hung Nô bị đứt vậy. Đã liên kết được với Ô Tôn, các tộc thuộc Đại Hạ ở phía tây Ô Tôn đều có thể vời đến, khiến họ thành bề tôi của thuộc quốc.” Thiên tử cho là phải, phong Khiên làm Trung lang tướng, mang theo ba trăm người, mỗi người hai ngựa, trâu dê hàng vạn con, mang tiền vàng, lụa trắng đến mấy nghìn vạn, nhiều người cầm phù tiết Phó sứ, đường nào có thể đi sứ được, liền phái đến các nước lân cận khác.

Sau khi Khiên đến Ô Tôn, vua Ô Tôn là Côn Mạc tiếp kiến sứ nhà Hán dùng lễ như đối với Thiền vu. Khiên cả thẹn, biết man di tham lam, bèn nói: “Thiên tử ban tặng, đại vương không vái tạ, thì xin đem tặng phẩm về.” Côn Mạc dậy vái tạ tặng thưởng, các lễ khác vẫn như cũ. Khiên nói mục đích đi sứ rằng: “Ô Tôn có thể sang đông cư trú ở đất của Hồn Da vương, nhà Hán sẽ sai ông chúa[1] đến làm Côn Mạc phu nhân.” Nước Ô Tôn bị phân tách, quốc vương đã già, lại xa nhà Hán, chưa rõ Hán lớn hay nhỏ, vốn thần phục Hung Nô đã lâu, hơn nữa lại gần Hung Nô, các đại thần đều sợ người Hồ, không muốn rời đi, quốc vương không thể tự ý quyết định. Khiên không nắm được điểm yếu của họ. Côn Mạc có hơn mười người con, con hàng giữa là Đại Lộc, mạnh mẽ, giỏi chỉ huy bộ chúng, đem bộ chúng ra ở chỗ riêng, có hơn vạn kỵ binh. Anh của Đại Lộc làm Thái tử, Thái tử có con là Sầm Thú, còn Thái tử lại chết sớm. Lúc sắp chết nói với cha là Côn Mạc rằng: “Nhất định phải lấy Sầm Thú làm Thái tử, đừng để người khác lên thay.” Côn Mạc xót thương nên đồng ý, rốt cuộc lấy Sầm Thú làm Thái tử. Đại Lộc giận vì mình không được thay làm Thái tử, bèn tập hợp anh em lại, thống lãnh bộ chúng làm phản, tính kế tấn công Sầm Thú và Côn Mạc. Côn Mạc tuổi cao, thường sợ Đại Lộc giết Sầm Thú, bèn cho Sầm Thú hơn vạn quân kỵ ra ở chỗ riêng, còn Côn Mạc có hơn vạn quân kỵ để tự vệ, bộ chúng trong nước chia làm ba, đại thể quy thuộc Côn Mạc, Côn Mạc cũng vì thế nên không dám tự ước định với Khiên.

Khiên nhân đó phái các Phó sứ đi sứ đến Đại Uyển, Khang Cừ, Đại Nguyệt Chi, Đại Hạ, An Tức, Quyên Độc, Vu Điện, Hu Di cùng các nước lân cận. Ô Tôn phái người dẫn đường và phiên dịch đưa Khiên trở về, Khiên cùng Ô Tôn phái mấy chục sứ giả, mấy chục con ngựa, đến nhà Hán để đáp tạ, nhân đó khiến họ coi xét nhà Hán, biết nhà Hán rộng lớn ra sao.

Khiên về đến triều đình, được phong làm Đại Hành, liệt vào hàng cửu khanh. Hơn một năm sau, Khiên chết.

Sau khi sứ giả Ô Tôn thấy người Hán đông đảo, giàu có sung túc, về nước báo lại, họ ngày càng coi trọng nhà Hán. Hơn một năm sau, các Phó sứ do Khiên phái đến các nước ở Đại Hạ phần lớn đều về cùng người của nước đó, vì thế các nước phía tây bắc bắt đầu qua lại với nhà Hán. Trương Khiên là người mở đầu cho việc thông số, các sứ giả về sau đều xưng là Bác Vọng hầu, lấy đó làm tin với các nước bên ngoài, các nước bên ngoài do đó tin tưởng họ.

Sau khi Bác Vọng hầu Trương Khiên chết, Hung Nô nghe tin nhà Hán qua lại với Ô Tôn, tức giận, muốn đánh Ô Tôn. Khi sứ nhà Hán sang Ô Tôn, họ đi theo phía nam, đến các nước như Đại Uyển, Đại Nguyệt Chi, Ô Tôn sợ, sai sứ dâng ngựa cho nhà Hán, xin được lấy ông chúa, kết làm nước anh em. Thiên tử hỏi ý kiến quần thần, đều nói: “Nhất định phải nộp sính lễ trước, sau mới phái ông chúa đi.” Ban đầu, thiên tử mở Kinh Dịch xem, lời quẻ viết: “Ngựa thần từ hướng tây bắc đến.” Được ngựa tốt của Tôn, gọi là “Thiên mã”. Đến khi được ngựa Hãn huyết của Đại Uyển, càng mạnh, đổi tên ngựa của Ô Tôn thành “Tây cực”, đặt tên ngựa của Đại Uyển là “Thiên mã”. Còn nhà Hán bắt đầu đắp thành từ Lệnh Cư về phía tây, mới đặt ra quận Tửu Tuyền để kết thông các nước phía tây bắc. Nhân đó, càng tăng cường phái sứ giả đến An Tức, Yêm Sái, Lê Hiên, Điều Chi, Quyên Độc. Còn thiên tử thích ngựa của Đại Uyển, sứ giả gặp nhau trên đường[2]. Một đoàn đi sứ sang nước lớn thì mấy trăm người, nhỏ thì trên trăm người, các đồ mang theo đại để giống thời Bác Vọng hầu. Về sau, ngày càng quen việc đi sứ, nhưng số người giảm bớt. Trong một năm nhà Hán nhiều thì phái hơn chục đoàn đi sứ, ít thì dăm sáu đoàn. Đi xa thì tám chín năm, gần thì mấy năm rồi về.

Bấy giờ nhà Hán đã diệt Nam Việt, đất Thục và tây nam di đều rúng động, xin thiết lập quan lại và được vào chầu. Thế là liền đặt các quận Ích Châu, Việt Tây, Tang Kha, Thẩm Lê, Vấn Sơn, muốn đất đai tiếp liền về trước thông đến Đại Hạ. Bèn sai bọn sứ giả Bách Thủy Xương, Lã Việt Nhân, một năm hơn mười đoàn, xuất phát từ các quận mới lập đến thẳng Đại Hạ, nhưng đều bị ngăn trở ở Côn Minh, bị giết, cướp tiền của, cuối cùng không thể thông sứ đến Đại Hạ. Thế rồi nhà Hán huy động tội nhân Tam phụ[3], thêm mấy vạn quân sĩ đất Ba và đất Thục, sai hai tướng là Quách Xương và Vệ Quảng đến đánh bọn chặn sứ nhà Hán ở Côn Minh, bắt chém mấy vạn người rồi rút về. Sau đó sai sứ giả đi, Côn Minh lại cướp bóc, trước sau vẫn không thể thông sứ. Còn mạn bắc qua Tửu Tuyền đến Đại Hạ, sứ giả đã đi nhiều lần, các nước bên ngoài ngày càng chán tiền của nhà Hán, không coi trọng của cải nữa.

Từ Bác Vọng hầu mở đường đến các nước bên ngoài rồi được tôn quý, về sau, quan quân theo đi sứ đua nhau dâng thư, nói về các điều lạ cùng việc lợi hại ở các nước bên ngoài, xin được đi sứ. Thiên tử cho là quá xa, không phải chỗ người ta thích đến, nghe họ nói, liền ban sứ tiết, chiêu mộ quan lại dân chúng, không cần biết họ đến đâu, chuẩn bị cho họ đủ người rồi phái đi, để rộng đường lưu thông với nước ngoài. Đi hay về, dù bị cướp mất tiền của, hay sứ giả làm trái ý chỉ, thiên tử để họ quen dần, rồi xét kỹ án trạng để khép vào trọng tội, rồi khích nộ khiến họ chuộc tội, lại xin đi sứ. Đầu mối của việc đi sứ khôn cùng, mà dễ phạm pháp. Các quan lại sĩ tốt cũng ra sức đề cao sản vật ở nước ngoài, ai nói mạnh thì ban cho sứ tiết, ai nói ít thì cho làm Phó sứ, cho nên những kẻ nói xằng, không có đức hạnh đều tranh nhau bắt chước. Các sứ giả đều là con em nhà nghèo, lấy của cải huyện quan ban tặng làm của riêng, muốn mua hàng giá thấp ở nước ngoài để làm lợi. Nước ngoài cũng chán sứ giả nhà Hán, vì ai nấy đều nói nặng nói nhẹ không thực, liệu thấy quân Hán ở xa không thể đến được, rồi cấm cung cấp đồ ăn khiến sứ Hán phải khổ sở. Sứ nhà Hán thiếu thốn rồi sinh oán, đến nỗi đánh nhau. Còn Lâu Lan, Cô Sư là nước nhỏ, ở chỗ qua lại quan trọng, đánh cướp đoàn sứ nhà Hán là Vương Khôi mạnh nhất. Còn kỳ binh của Hung Nô thường chặn đánh sứ giả sang các nước phía tây. Sử giả tranh nhau nói những điểm yếu hại của nước ngoài, cho là họ có thành ấp, quân yếu dễ đánh. Vì thế thiên tử sai Tòng Phiêu hầu Triệu Phá Nô đem quân kỵ của thuộc quốc cùng mấy vạn quân các quận kéo đến Hung Hà Thủy, định đánh người Hồ, người Hồ đều rút hết. Năm sau, đánh nước Cô Sư, Triệu Phá Nô cùng trên bảy trăm quân khinh kỵ đến trước, bắt sống Lâu Lan vương, rồi phá nước Cô Sư. Nhân đem binh uy vây khốn các nước Ô Tôn, Đại Uyển. Trở về, phong Phá Nô làm Trác Dã hầu. Vương Khôi nhiều lần đi sứ, bị Lâu Lan làm cho khốn khổ, nói với thiên tử, thiên tử phát binh sai Khôi giúp Phá Nô đánh phá Lâu Lan, phong Khôi làm Hạo hầu. Thế rồi quận Tửu Tuyền xây dựng các trạm, lũy đến tận Ngọc Môn quan.

Tôn đem nghìn con ngựa làm sính lễ cầu hôn ông chúa nhà Hán, nhà Hán sai con gái trong tông thất là ông chúa của Giang Đô vương gả cho Ô Tôn, quốc vương Ô Tôn là Côn Mạc cho làm Hữu phu nhân. Hung Nô cũng đưa con gái sang gả cho Côn Mạc, Côn Mạc cho làm Tả phu nhân. Côn Mạc nói: “Ta già rồi.” Bèn sai cháu nội là Sầm Thú lấy ông chúa làm vợ. Ô Tôn có nhiều ngựa, người giàu có đến bốn năm nghìn con.

Hồi đầu, sứ giả nhà Hán đến An Tức, An Tức vương sai đem hai vạn kỵ binh nghinh đón ở biên giới phía đông. Biên giới phía đông cách vương đô mấy nghìn dặm. Đi đến nơi, qua mấy chục tòa thành, dân chúng ở các thành rất đông. Sứ nhà Hán trở về, rồi sau An Tức sai sứ theo sứ nhà Hán đến xem lãnh thổ rộng lớn của nhà Hán, dùng trứng chim lớn cùng những người giỏi phép thuật ở Lê Hiên dâng lên nhà Hán. Đến như các nước nhỏ phía tây đất Uyển như Hoan Tiềm, Đại Ích; ở phía đông đất Uyển như Cô Sư, Hu Di, Tô Giới, đều theo sứ nhà Hán dâng tiến lên thiên tử. Thiên tử cả mừng.

Rồi sứ nhà Hán đến tận đầu nguồn sông Hoàng Hà, nguồn sông Hoàng Hà chảy từ Vu Điện, núi đó nhiều ngọc thạch, lấy mang về, thiên tử tra xét trong sách cổ, tên núi, nơi phát nguyên sông Hoàng Hà là núi Côn Lôn.

Bấy giờ Hoàng thượng đang nhiều lần tuần thú ven biển, mỗi lần đều cho hết thảy khách nước ngoài đi theo, đi qua đô thành lớn đông người, phát tán của cải lụa là để ban thưởng, dùng cỗ thật hậu để cấp đãi, nhằm tỏ ra nhà Hán giàu có. Thế rồi cử hành cuộc đấu vật lớn, bày trò chơi lạ, cùng các vật hiếm thấy, tụ tập nhiều người đến xem, tiến hành ban thưởng, rượu như ao, thịt như rừng, lệnh khách nước ngoài xem hết lượt đồ tích trữ trong kho đụn, để thấy sự rộng lớn của nhà Hán, khiến họ vô cùng kinh ngạc. Đến việc tăng thêm người diễn trò ma thuật, còn đấu vật, trò chơi lạ, mỗi năm đều thay đổi, ngày càng hưng thịnh, bắt đầu từ đây.

Sứ giả các nước ở phía tây bắc, lúc đến lúc đi. Từ Đại Uyển sang phía tây, đều tự cho mình ở xa, hãy còn kiêu ngạo phóng túng, an nhàn thảnh thơi, chưa thể dùng lễ ràng buộc rồi sai khiến được. Từ Ô Tôn về phía tây đến An Tức, do gần Hung Nô, Hung Nô khiến Nguyệt Chi nguy khốn, sứ giả Hung Nô cầm một bức thư của Thiền vu, thì các nước đều phải dâng đồ ăn, không dám khiến họ lưu lại chịu khổ. Còn với sứ giả nhà Hán, không bỏ tiền lụa ra sẽ không được ăn, không mua gia súc ở chợ thì không có gì cưỡi. Sở dĩ như thế, vì ở cách xa nhà Hán, mà nhà Hán nhiều của cải, cho nên phải mua mới được thứ mình muốn, vì thế họ sợ sứ giả Hung Nô hơn sứ giả nhà Hán. Lân cận nước Uyển dùng nho để nấu rượu, người giàu cất trữ hơn vạn thạch rượu, để lâu đến mấy chục năm không hỏng. Phong tục ở đó thích uống rượu, ngựa thích ăn rau mục túc. Sứ nhà Hán lấy hạt mang về, thế rồi thiên tử bắt đầu cho trồng rau mục túc, nho ở chỗ đất màu mỡ. Đến khi có nhiều thiên mã, sứ nước ngoài đến đông, thì cạnh ly cung biệt quan thảy đều trồng nho, mục túc, trông hút tầm mắt. Từ Đại Uyển về phía tây đến An Tức, các nước tuy tiếng nói khác nhau nhưng phong tục cơ bản giống nhau, biết tiếng của nhau. Người ở đó đều mắt sâu, nhiều râu, giỏi buôn bán, tranh nhau kiếm tiền. Phong tục quý trọng phụ nữ, phụ nữ nói gì chồng nhất định làm theo. Đất ở đó không có tơ và sơn, không biết đúc tiền và khí dụng. Đến khi sứ nhà Hán bỏ trốn, quân lính đầu hàng, mới dạy họ đúc kim loại làm binh khí và vật dụng khác. Họ được vàng bạc của nhà Hán liền đúc đồ dùng, không lấy để tiêu.

Sau khi sứ giả nhà Hán nhiều lần đi Tây Vực, người trẻ tuổi cũng đi theo, phần nhiều trình báo rõ tình hình với thiên tử, nói rằng: “Đại Uyển có ngựa tốt ở Nhị Sư Thành, nhưng giấu không chịu giao cho sứ nhà Hán.” Thiên tử đã có ngựa của Đại Uyển, nghe vậy cao hứng, sai bọn tráng sĩ là Xa Lệnh mang nghìn vàng cùng ngựa vàng để đổi lấy ngựa tốt ở Nhị Sư Thành của Đại Uyển vương. Đại Uyển được nhiều tài vật của Hán, cùng bàn tính rằng: “Hán cách ta xa, từng qua Diêm Thủy đến nước ta nhiều lần thất bại, ra theo hướng bắc thì có giặc cướp Hung Nô, đi về hướng nam lại thiếu nước và cỏ. Huống nữa thường phải qua chỗ cách biệt thành ấp, hay bị thiếu lương. Đoàn sứ Hán mấy trăm người đến, còn thường thiếu lương, người chết quá nửa, như thế sao kéo đại quân đến được? Làm gì được ta. Hơn nữa ngựa Nhị Sư là ngựa quý của Đại Uyển vậy.” Rồi không chịu giao ngựa cho sứ giả nhà Hán. Sứ nhà Hán giận, chửi rủa, đập ngựa vàng rồi bỏ đi. Đám bề tôi quyền quý ở Đại Uyển giận nói: “Sứ Hán quá khinh khi chúng ta!" Cho sứ nhà Hán đi, sai nước Úc Thành ở biên giới phía đông chặn đường đánh giết sứ Hán, cướp lấy của cải. Thế là thiên tử cả giận. Những người từng đi sứ Đại Uyển như bọn Diêu Định Hán nói Đại Uyển quân yếu, nếu đem chưa đầy ba nghìn quân Hán, dùng nỏ cứng bắn, có thể cướp phá được Đại Uyển. Thiên tử đã từng sai Trác Dã hầu tấn công Lâu Lan, đem bảy trăm kỵ binh đến trước, bắt sống vua Lâu Lan, nên cho lời bọn Định Hán nói là phải, muốn phong hầu cho người nhà sủng cơ họ Lý, phong Lý Quảng Lợi làm Nhị Sư tướng quân, phát động sáu nghìn kỵ binh thuộc quốc, cùng mấy vạn thanh niên hung tợn ở các quận trong nước, đi chinh phạt Đại Uyển. Vì kỳ vọng đến Nhị Sư Thành để bắt lấy ngựa tốt nên hiệu là “Nhị Sư tướng quân”. Triệu Thủy Thành làm Quân chính, Hạo hầu trước đây là Vương Khôi làm hướng đạo quân đội, còn Lý Xỉ làm Hiệu úy, xử lý các việc trong quân. Năm ấy là năm đầu niên hiệu Thái Sơ. Còn Quan Đông châu chấu nổi lên khắp nơi, bay theo hướng tây đến tận Đôn Hoàng.

Quân của Nhị Sư tướng quân đã sang phía tây, qua Diêm Thủy, các nước nhỏ trên đường đều sợ, giữ vững thành trì, không chịu cấp lương thực. Tấn công họ thì không hạ được. Đánh hạ được thì có lương thảo, nước nào không đánh bại được thì mấy ngày cũng phải bỏ đi. Đến Úc Thành, binh sĩ tới được đây không quả mấy nghìn, đều đói khát mỏi mệt. Tấn công Úc Thành, Úc Thành cả phá quân Hán, giết và làm bị thương rất nhiều. Nhị Sư tướng quân cùng bọn Xỉ, Thủy Thành bàn tính: “Ngay Úc Thành còn không hạ được, huống chi là quốc đô của họ?” Liền dẫn quân về. Đi và về mất hai năm. Về đến Đôn Hoàng, quân sĩ không còn được một hai phần mười. Sai sứ dâng thư nói: “Đường xa, nhiều lần thiếu lương thực, quân sĩ không lo đánh, chỉ lo đói. Người ít, không đủ sức hạ được Đại Uyển. Xin hãy bãi binh, phát động thêm quân rồi lại đi đánh.” Thiên tử nghe vậy, cả giận, rồi sai sứ chặn cửa Ngọc Môn, nói rằng quân binh ai dám vào sẽ chém ngay. Nhị Sư tướng quân sợ, nhân đó ở lại Đôn Hoàng.

Mùa hè năm đó, nhà Hán mất hơn hai vạn quân của Trác Dã hầu tại Hung Nô. Các công khanh cùng đại thần bàn nghị đều xin ngừng việc đánh Đại Uyển, tập trung sức đánh Hung Nô. Thiên tử đã cho quân đánh Đại Uyển, Đại Uyển là nước nhỏ còn không hạ được, thì các nước Đại Hạ sẽ khinh nhà Hán, mà ngựa tốt của Đại Uyển cũng không đưa đến nữa, Ô Tôn và Luân Đầu dễ dàng gây khốn khổ cho sứ nhà Hán, bị các nước bên ngoài chê cười. Bèn xét việc bọn Đặng Quang nói đánh Đại Uyển rất bất lợi, xá miễn tù phạm và võ sĩ dũng mãnh, phát động thêm thanh niên hung tợn đến kỵ binh ở biên giới, hơn một năm mà đem sáu vạn quân ra Đôn Hoàng, không kể số người mang quần áo lương thực đi theo. Trâu mười vạn con, ngựa hơn ba vạn, lừa, la, lạc đà hàng vạn. Đem theo nhiều lương thảo, binh khí, cung nỏ đầy đủ. Thiên hạ rúng động, truyền nhau vâng lệnh đi đánh Đại Uyển, có đến hơn năm mươi Hiệu úy. Trong vương thành Đại Uyển không có giếng, đều phải múc nước từ dòng nước ngoài thành, thế là bèn sai thợ thủy lợi nắn dòng chảy dòng nước dưới thành để trong thành không còn nước. Lại phát động thêm mười tám vạn quân, đến Tửu Tuyền, Trương Dịch ở phía bắc, lập hai huyện Cư Diên và Hưu Đồ để bảo vệ Tửu Tuyền. Rồi phát động bảy hạng người đang bị lưu đày đi tải lương cấp cho Nhị Sư tướng quân. Người chuyển xe lương nối nhau đến tận Đôn Hoàng. Rồi phong hai người am hiểu về ngựa làm Chấp khu Hiệu úy, chuẩn bị sau khi đánh hạ Đại Uyển sẽ chọn lấy ngựa tốt.

Thế rồi Nhị Sư tướng quân lại xuất chinh, quân đông, đi qua nước nhỏ, không nước nào không nghinh đón, mang đồ ăn cấp cho quân. Đến Luân Đầu, Luân Đầu không chịu hàng, tấn công mấy ngày, tàn sát tất cả. Từ đó về tây, hành quân thuận lợi đến Uyển Thành, quân Hán đến nơi có ba vạn. Quân Uyển đón đánh quân Hán, bị quân Hán dùng cung nỏ bắn tan, quân Uyển chạy vào thành, dựa tường để chống giữ. Quân của Nhị Sư tướng quân muốn đi đánh Úc Thành, sợ không hành quân ngay sẽ khiến Đại Uyển thêm gian trá, liền đến Đại Uyển trước, khơi thông đầu nguồn sông, thay đổi dòng chảy, làm thế Đại Uyển sẽ nguy khốn. Vây thành Đại Uyển, đánh hơn bốn chục ngày, phá được thành ngoài, bắt sống dũng tướng quý nhân của Uyển là Tiên Mi. Đại Uyển cả sợ, chạy vào trong thành. Các bậc quý nhân ở Đại Uyển cùng bàn mưu rằng: “Nguyên do Hán đánh Đại Uyển, vì vua Vô Quả giấu ngựa tốt rồi giết sứ nhà Hán. Nay giết vua Vô Quả rồi mang ngựa tốt ra, quân Hán sẽ giải vây. Nếu không giải vây, sẽ ra sức tử chiến cũng chưa muộn vậy.” Các quý nhân ở Đại Uyển đều cho là phải, cùng giết vua Vô Quả, sai quý nhân mang đầu vua sang chỗ Nhị Sư tướng quân, giao ước rằng: “Quân Hán không đánh chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa hết ngựa tốt ra, mặc ý mà lấy, còn cấp lương cho quân Hán. Nếu không chấp thuận, chúng tôi giết hết ngựa tốt, mà quân cứu viện của Khang Cừ cũng sắp tới. Đến nơi, chúng tôi ở trong, Khang Cừ ở ngoài, cùng giao chiến với quân Hán. Quân Hán hãy tính cho kỹ, xem theo cách nào?” Bấy giờ Khang Cừ thám thính quân Hán, thấy quân Hán còn mạnh, không dám tiến. Nhị Sư tướng quân cùng bọn Triệu Thủy Thành, Lý Xỉ tính kế: “Nghe nói trong thành Đại Uyển mới có được người nước Tần, biết đào giếng, mà trong thành lương thực vẫn còn nhiều. Sở dĩ đến đây, là giết kẻ thủ ác Vô Quả. Đầu Vô Quả đã đưa đến, mà không đồng ý giải vây, họ sẽ cố thủ, còn Khang Cừ dò xét thấy quân Hán mỏi mệt sẽ đến cứu Đại Uyển, ắt họ phá được quân Hán.” Quân lại đều cho là phải, đồng ý giao ước với Đại Uyển. Uyển bèn đưa ra ngựa tốt, để cho quân Hán tự chọn, rồi bỏ ra nhiều lương thực cấp cho quân Hán. Quân Hán lấy mấy chục con ngựa tốt, cùng hơn ba nghìn ngựa đực và cái hạng trung trở xuống, rồi lập quý nhân người Uyển vốn đối đãi tốt với sứ giả nhà Hán là Mạt Tát làm Uyển vương, cùng lập minh ước rồi bãi binh. Rốt cuộc không vào được trong thành, bèn bãi binh rồi đưa quân về.

Ban đầu, Nhị Sư tướng quân xuất phát từ phía tây Đôn Hoàng, cho là mình đông quân, các nước trên đường đi không chịu cấp lương thực, bèn chia quân làm mấy cánh, theo hai đường nam bắc. Bọn Hiệu úy Vương Thân Sinh, Hồng lô Hồ Sung Quốc trước đây trên nghìn người, theo đường riêng đến Úc Thành. Thành Úc Thành cố thủ, không chịu cấp lương cho quân Hán. Vương Thân Sinh rời khỏi đại quân hai trăm dặm, cậy có chỗ dựa nên xem thường Úc Thành, trách vấn Úc Thành. Úc Thành không chịu giao lương, nghe ngóng biết quân Thân Sinh ngày một giảm bớt, sáng sớm đem ba nghìn quân tấn công, giết được bọn Thân Sinh, quân bị đánh tan, mấy người trốn thoát, chạy về chỗ Nhị Sư tướng quân. Nhị Sư tướng quân lệnh cho Sưu túc đô uý là Thượng Quan Kiệt đến đánh phá Úc Thành. Úc Thành vương chạy trốn đến Khang Cừ, Kiệt đuổi đến Khang Cừ. Khang Cừ nghe tin quân Hán đã phá được Đại Uyển, bèn đem Úc Thành vương ra trao cho Kiệt, Kiệt sai bốn kỵ sĩ trói lại đưa đến chỗ Đại tướng quân. Bốn người cùng bảo nhau rằng: “Úc Thành vương là người nhà Hán căm hận, nay để sống đưa đi, thình lình trốn thoát, đó là việc lớn.” Định giết, không ai dám ra tay trước. Kỵ sĩ ở Thương Khuê là Triệu Đệ ít tuổi nhất, tuốt kiếm chém Úc Thành vương, mang đầu theo. Bọn Đệ, Kiệt đuổi kịp đại tướng quân.

Ban đầu, Nhị Sư tướng quân xuất quân lần hai, thiên tử sai sứ báo với Ô Tôn, phát đại quân cùng hợp sức đánh Đại Uyển. Ô Tôn phát động hai nghìn kỵ binh đến giúp, nghe ngóng hai bên, không chịu tiến trước. Nhị Sư tướng quân đem quân sang đông, các nước nhỏ trên đường đi qua nghe tin Đại Uyển bị phá, đều sai con em theo quân vào dâng cống, triều kiến thiên tử, rồi ở lại làm con tin. Nhị Sư tướng quân đi chinh phạt Đại Uyển, Quân chính là Triệu Thủy Thành ra sức chiến đấu, công lao nhiều nhất; đến khi Thượng Quan Kiệt dám tiến sâu vào địch, Lý Xỉ vạch kế cho, hơn một vạn quân cùng hơn nghìn chiến mã vào cửa Ngọc Môn. Nhị Sư tướng quân xuất quân lần hai, quân không bị thiếu lương, đánh trận chết không lớn, nhưng tướng lĩnh quan lại tham lam, phần nhiều không xót sĩ tốt, xâm hại đến họ, vì thế người chết rất nhiều. Thiên tử cho là [Nhị Sư tướng quân đem quân] đi muôn dặm để đánh Đại Uyển, nên không ghi lỗi, phong Quảng Lợi làm Hải Tây hầu. Lại phong kỵ sĩ Triệu Đệ, người chém đầu Úc Thành vương, làm Tân Trĩ hầu. Quân chính Triệu Thủy Thành phong làm Quang lộc đại phu, Thượng Quan Kiệt làm Thiếu phủ, Lý Xỉ làm Thái thú Thượng Đảng. Các quan lại trong quân có ba người được làm Cửu khanh, hơn trăm người chư hầu tướng, Quận thú, quan trật hai nghìn thạch, hơn nghìn người được làm quan trật nghìn thạch trở xuống. Những người phấn chấn đi viễn chinh được thăng quan quá cả mong muốn, người nào có tội phải đi đều được lấy công chuộc tội, không tính là có công. Sĩ tốt được ban tặng đến bốn vạn tiền vàng. Chinh phạt Đại Uyển lần hai trở về, cả thảy bốn năm rồi được bãi binh.

Nhà Hán đánh xong Đại Uyển, lập Muội Sái làm Uyển vương rồi rút về. Được hơn một năm, quý nhân ở Đại Uyển cho là Muội Sái giỏi a dua, khiến nước mình bị tàn sát, bèn cùng nhau giết Muội Sái, lập anh em Vô Quả là Thiền Phong làm Uyển vương, rồi sai con trai Thiền Phong vào làm con tin nhà Hán. Nhà Hán nhân đó sai sứ đến ban tặng để vỗ yên họ.

Rồi nhà Hán phái hơn chục sứ đoàn đến các nước nhỏ phía tây Đại Uyển để tìm vật lạ, nhân đó khéo léo khuếch trương uy đức của việc chinh phạt Đại Uyển. Rồi thiết lập chức vô úy Tửu Tuyền tại Đôn Hoàng; phía tây đến Diêm Thủy, các chỗ đều có đình trạm. Còn ở Luân Đầu có mấy trăm lính đóng đồn điền, nhân đó lập sứ giả nhằm bảo vệ đồn điền, tích trữ lương thảo, để cấp cho sứ giả sang nước ngoài.

Thái sử công bàn rằngSách Vũ bản kỷ viết: “Hoàng Hà xuất phát từ núi Côn Lôn. Côn Lôn cao hơn hai nghìn năm trăm dặm, mặt trời mặt trăng cùng ẩn ở đó rồi chiếu sáng. Trên núi có Lễ Tuyền và Dao Trì.” Nay từ sau khi Trương Khiên đi sứ Đại Hạ, đến tận nguồn sông Hoàng Hà, vậy sao còn núi Côn Lôn đề cập trong Bản kỷ nữa? Cho nên nói về núi sông trong chín châu thì Thượng thư gần với sự thực. Còn những vật lạ chép trong Vũ bản kỷ và Sơn hải kinh, ta không dám nói về chúng vậy.

 

Chú thích.

[1] Ông chúa: là con gái của các vua chư hầu.

[2] Ý nói phái rất nhiều đoàn sứ giả đi sứ.

[3] Tam phụ. Các vùng phụ cận kinh đô.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét