Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 120 CẤP TRỊNH LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

QUYỂN 120 

CẤP TRỊNH LIỆT TRUYỆN

Cấp Ảm

Cấp Ảm tự Trường Nhụ, người ở Bộc Dương. Tổ tiên ông từng được Vệ quân sủng ái. Đến Ảm là bảy đời, đời đời làm khanh đại phu. Ảm nhờ cha tiến cử nên được nhậm chức, thời Hiếu Cảnh đế làm thái tử tẩy mã[1], do trang nghiêm nên người sợ. Hiếu Cảnh đế băng hà, thái tử lên ngôi, Ảm làm Yết giả. Đông Việt[2] đánh nhau, hoàng thượng sai Ảm đến xem xét. Không đến, tới Ngô rồi về, báo rằng: “Người Việt đánh nhau, vốn tập tục họ như thế, không đủ để nhục nhằn đến sứ giả của thiên tử.” Hà Nội bị hỏa tai, cháy lan hơn nghìn nhà, hoàng thượng sai Ảm đến xem xét tình hình. Về báo rằng: “Nhà dân hỏa hoạn, cháy lan các nhà lân cận, không đáng lo, Thần qua Hà Nam, người nghèo ở Hà Nam bị hạn hán làm khốn khó đến trên vạn nhà, có nhà cha con ăn thịt nhau, thần cẩn trọng xử lý linh hoạt, mang phí tiết mở kho thóc Hà Nam để chẩn phát cho dân nghèo. Thần xin trả lại phù tiết, chịu tội giả truyền chiếu chỉ.” Hoàng thượng cho là hiền năng nên tha tội, điều đi làm Huyện lệnh Huỳnh Dương. Ảm thấy nhục vì làm Huyện lệnh, thác bệnh về quê. Hoàng thượng biết chuyện, bèn triệu về phong làm Trung đại phu. Vì nhiều lần ra sức can gián, không được ở lâu trong triều, điều chuyển làm Thái thú Đông Hải. Ảm học theo đạo Hoàng-Lão, làm việc quan, xử lý việc dân, thích thanh tĩnh, bèn chọn quan Thừa sử[3] rồi ủy thác việc cho. Ảm coi chính sự chỉ xét các việc lớn thôi, không chú ý đến việc nhỏ. Ảm nhiều bệnh, nằm trong phòng nghỉ không ra ngoài. Được hơn năm, Đông Hải vô cùng yên trị. Mọi người khen Ảm. Hoàng thượng biết chuyện, triệu về giao làm Chủ tước đô úy, liệt vào hàng cửu khanh. Cấp Ảm cai trị chuộng ở vô vi[4] mà thôi, phát dương đại thể, không câu nệ định chế pháp độ.

Ẩm tính tình ngạo mạn, ít chú trọng lễ tiết, hay bắt bẻ người khác, không thể chấp nhận lỗi lầm của người khác. Ai hợp mình thì đối đãi tốt, ai không hợp mình thì không chịu gặp, kẻ sĩ cũng vì thế không nương dựa ông ta. Nhưng ham học, thích hành hiệp, trọng chí khí và tiết tháo, ở nhà thì đoan chính, liêm khiết, thích can gián thẳng thắn, nhiều lần mạo phạm chúa, hâm mộ những người như Phó Bách[5] và Viên Áng. Là bạn thân của Quán Phu, Trịnh Đường Thời và quan Tông chính Lưu Khí. Cũng vì nhiều lần can gián thẳng thắn, không được giữ chức vị lâu.

Bấy giờ, em trai Thái hậu, Vũ An hầu là Phần làm Thừa tướng, quan viên bậc Trúng nhị thiên thạch[6] đến bái yết, Phần không đáp lễ. Nhưng Ảm gặp Phần chưa từng bái lạy, chỉ vái chào. Thiên tử đang chiêu tập nhà nho có văn chương học vấn, hoàng thượng nói ta muốn thế này, thế này... Ảm đáp rằng: “Bệ hạ trong thì nhiều ham muốn còn ngoài thì thi hành nhân nghĩa, muốn bắt chước cách cai trị của Đường Ngu sao được?” Hoàng thượng lặng thinh, giận biến sắc rồi bãi triều. Công khanh đều sợ thay cho Ảm. Hoàng thượng thoái triều, bảo tả hữu rằng: “Cấp Ảm thẳng thắn quá đáng!" Quần thần có người trách Ảm, Ảm nói: “Thiên tử đặt ra bề tôi công khanh phụ bật, chẳng lẽ bắt họ a dua theo mình, rồi hãm chúa vào chỗ bất nghĩa ư? Huống hồ đã ở địa vị của mình, nếu tiếc thân, nhục cho triều đình thì sao?”

Ảm nhiều bệnh, ốm gần ba tháng, hoàng thượng từng nhiều lần ban cho được nghỉ, cuối cùng vẫn không khỏi. Lần cuối cùng phát bệnh, Trang Trợ xin cho nghỉ ngơi. Hoàng thượng nói: “Cấp Ảm là người thế nào?” Trợ đáp: “Sai Ảm nhận chức làm quan, không có chỗ nào hơn người. Nhưng nói đến việc phò trợ chúa nhỏ, giữ thành rất vững[7], vời cũng không đến, vẫy cũng không đi, dẫu tự ví như Mạnh Bôn, Hạ Dục[8] cũng không thể làm cho thay đổi vậy.” Hoàng thượng nói: “Phải. Bề tôi xã tắc thuở xưa, đến như Ảm, gần theo kịp họ rồi.”

Đại tướng quân Vệ Thanh hầu trong cung, hoàng thượng ngồi xổm bên giường triệu kiến. Thừa tướng Công Tôn Hoằng vào yết kiến riêng, hoàng thượng có lúc không đội mũ. Còn Cấp Ảm vào yết kiến, hoàng thượng không đội mũ thì không tiếp kiến. Hoàng thượng từng ngồi trong trướng võ, Ảm tâu việc ở phía trước, do hoàng thượng không đội mũ, trông thấy Ảm từ xa, liền tránh vào trong trướng, sai người khác nhận tấu chương. Ảm được kính lễ đến như thế đấy.

Trương Thang mới đổi định luật lệnh, được làm Đình úy, Ảm nhiều lần vặn hỏi Thang trước mặt hoàng thượng, nói: “Ông là chính khanh, trên không thể phát dương công nghiệp của tiên đế, dưới không thể kiềm chế lòng tà vạy của thiên hạ, giữ yên đất nước, làm giàu cho dân, khiến ngục tù trống vắng, hai việc đó không làm được một. Lại làm việc không liên quan, tùy tiện phá bỏ luật lệnh cũ để lập công, sao lại lấy luật lệnh của Cao hoàng đế sửa đổi loạn lên làm gì? Ông vì việc ấy sẽ không còn dòng giống nữa đâu.” Bấy giờ Ảm cùng Thang tranh biện, khi tranh biện Trường Thang thường đi sâu vào điều khoản tiểu tiết, còn Cấp Ảm thì cứng rắn, giữ chí khí cao, không chịu nhún nhường, tức giận chửi rằng: “Thiên hạ bảo bọn văn thư tiểu lại không thể làm công khanh, quả là thế. Cứ như Thang sẽ khiến thiên hạ nhón chân mà đứng, nghiêng mắt mà nhìn thôi!”

Bấy giờ, nhà Hán đang chinh phạt Hung Nô, vỗ về Tứ di. Ảm chuộng ít việc, thừa lúc hoàng thượng rảnh rỗi, thường nói việc hòa thân với người Hồ, đừng dấy binh. Hoàng thượng đang hướng về nho thuật nên tôn sùng Công Tôn Hoằng. Đến khi việc ngày càng nhiều, quan dân khéo léo trốn tránh pháp luật. Hoàng thượng tăng thêm một số điều luật, bọn Trương Thang nhiều lần tấu trình cách thức phán quyết định án, được sủng ái. Còn Ảm thường hủy báng nhà nho, trực tiếp xúc phạm bọn Hoằng, cho là trong lòng dối trá bề ngoài tỏ ra sáng láng, a dua lấy lòng vua, bọn văn thư tiểu lại chuyên đi sâu vào điều khoản luật lệnh, khéo léo hủy báng, hãm người ta vào tội, khiến không thể khôi phục được chân tướng, coi thắng được người là công lao. Hoàng thượng ngày càng quý trọng Công Tôn Hoằng và Trương Thang, Hoằng và Thang trong bụng ghét Ảm, ngay thiên tử cũng không thích, muốn viện cớ để giết đi. Hoằng làm Thừa tướng, bèn nói với hoàng thượng rằng: “Khu vực Hữu nội sử phụ trách có nhiều quý nhân trong tông thất, khó trị lý, không phải bậc trọng thần thì không thể gánh vác được, xin chuyển Ảm làm Hữu nội sử.” Ảm làm Hữu nội sử được mấy năm, việc quan không bị bỏ bê.

Đại tướng quân Vệ Thanh sau khi đã được tôn quý, chị làm Hoàng hậu, nhưng Ảm giữ lễ ngang hàng. Có người nói với Ảm: “Từ khi thiên tử muốn quần thần khiêm hạ với đại tướng quân, đại tướng quân được tôn trọng và ngày càng hiển quý, ngài không thể không vái lạy.” Ảm nói: “Đại tướng quân được khách chắp tay hành lễ, nay lại không muốn được kính trọng nữa ư?” Đại tướng quân nghe nói việc đó, càng cho Ảm là hiền năng, nhiều lần hỏi ý kiến về các việc nan giải của triều đình quốc gia, đãi ngộ với Ảm hơn người khác.

Hoài Nam vương mưu phản, sợ Ảm, nói: “Thích can gián thẳng, giữ tiết tháo, chết vì nghĩa, khó lòng dùng điều sai trá mê hoặc được. Còn nói đến Thừa tướng Công Tôn Hoằng, chỉ như xòe lọng ra che, lay cây rụng lá thôi.”

Thiên tử nhiều lần chinh phạt Hung Nô, lập nên công tích, lời Ảm nói ngày càng không nghe.

Ban đầu Ảm được liệt vào hàng cửu khanh, còn Công Tôn Hoằng, Trương Thang làm tiểu lại. Đến khi Hoằng, Thang dần được hiển quý, chức vị ngang Ảm, Ảm lại hủy báng gièm pha bọn Hoằng, Thang. Thế rồi Hoằng làm đến Thừa tướng, được phong tước hầu; Thang làm đến Ngự sử đại phu; các viên thừa, sử là thuộc lại của Ảm trước đây đều được thăng ngang hàng Ảm, có người còn được trọng dụng hơn. Ảm lòng dạ hẹp hòi, không thể không có lòng oán, tiếp kiến hoàng thượng, tiến lên trước nói: “Bệ hạ dùng quần thần như tích củi vậy, người đến sau thì ở trên.” Hoàng thượng lặng thinh. Lát sau, Ảm lui rồi, hoàng thượng nói: “Người ta không thể không học[9], xét lời của Ảm ngày càng quá đáng.”

Không lâu sau, Hồn Da vương ở Hung Nô đem bộ chúng đến hàng, nhà Hán phát động hai vạn chiến xa đón. Huyện quan không tiền, phải mượn ngựa của dân. Dân có người giấu ngựa đi, ngựa không đủ số. Hoàng thượng giận, định chém Huyện lệnh Trường An. Ảm nói: “Huyện lệnh Trường An vô tội, chém một mình Ảm, dân sẽ chịu giao ngựa ra. Vả lại Hung Nô phản chúa mình để hàng nhà Hán, nhà Hán thư thả lần lượt theo các huyện đưa họ đi, làm gì đến mức khiến cho thiên hạ xao động, khiến Trung nguyên mỏi mệt để phụng sự cho di địch ư?” Hoàng thượng lặng thinh. Đến khi Hồn Da tới, thương nhân buôn bán với người Hung Nô trên năm trăm người bị khép tội chết. Cấp Ảm xin gặp hoàng thượng, yết kiến tại điện Cao Môn[10], nói: “Xét, Hung Nô tấn công các đường quan ải, cắt đứt minh ước hòa thân, Trung nguyên dấy binh diệt chúng, thương vong không sao kể xiết, phí tổn đến hàng trăm vạn. Thần ngu muội cho là bệ hạ thu được người Hồ, đều đem làm nô tỳ ban cho các nhà có người tòng quân chết trận; của cải thu được cũng ban cho họ, để bù đắp nỗi nhọc nhằn của thiên hạ, thỏa tâm nguyện của trăm họ. Nay nếu không thể làm vậy, Hồn Da đem mấy vạn bộ chúng đến hàng, vét hết kho lẫm để ban thưởng, huy động của cải dùng để cấp dưỡng cho lương dân, giống như đem cho con cưng. Dân ngu đâu biết mua bán vật phẩm trong thành Trường An mà cũng bị pháp quan khép tội tự ý mua bán tài vật để đưa khỏi quan ải? Nếu bệ hạ không lấy của cải của Hung Nô để úy lạo thiên hạ, lại dùng điều khoản mập mờ giết hơn năm trăm kẻ vô tri, đó gọi là che cho lá mà làm tổn thương đến cành vậy. Thần trộm vì bệ hạ cho là không thể.” Hoàng thượng im lặng, không đồng ý, nói: “Ta lâu nay không nghe lời Cấp Ảm, nay lại phát ngôn hàm hồ.” Mấy tháng sau, Ảm phạm phải tội nhỏ, gặp dịp đại xá thiên hạ nên bị bãi chức. Thế rồi Ảm ẩn cư với cảnh ruộng vườn.

Được mấy năm, gặp dịp đổi tiền ngũ thù, dân nhiều người đúc trộm tiền, nhiều nhất là đất Sở. Hoàng thượng cho Hoài Dương là vùng ngoài địa giới đất Sở, bèn triệu Ảm phong làm Thái thú Hoài Dương. Ảm lạy tạ không nhận ấn tín, nhiều lần hạ chiếu ép nhận, sau mới vâng chiếu. Hạ chiếu triệu kiến Ảm, Ảm khóc trước mặt hoàng thượng, nói: “Thần tự cho thây này vứt nơi ngòi rãnh, không gặp được bệ hạ nữa, chẳng ngờ bệ hạ lại thu dụng thần. Thần thường có bệnh, sức không gánh được việc ở quận, thần xin làm Trung lang, vào ra nơi cung cấm, để bổ cứu chỗ còn thiếu sót, khiếm khuyết, là tâm nguyện của thần vậy.” Hoàng thượng nói: “Ông xem nhẹ quận Hoài Dương ư? Nay ta đã triệu ông đến. Xét thấy quận Hoài Dương, quan lại dân chúng không hòa được nhau, ta muốn chuyển ông, người có uy vọng, chỉ cần nằm ở phủ để trị lý công việc.” Sau khi Ảm từ biệt lên đường, qua chỗ quan Đại hành Lý Tức, nói: “Ảm bị bỏ ở quận ngoài, không được thương nghị cùng triều đình nữa. Nhưng Ngự sử đại phu Trương Thang, trí tuệ đủ để chống cự lời khuyên ngăn, gian trá đủ để tô điểm chỗ sai lầm, chuộng lời khéo léo nịnh bợ, những lời chỉ trích, không chịu nói lời chính đáng vì thiên hạ, a dua theo ý chúa. Điều gì ý chúa không muốn, nhân đó hủy báng thêm; điều gì ý chúa muốn, nhân đó khen thêm vào. Thích dựng chuyện, bóp méo pháp độ, trong thì ôm lòng dối trá để đón ý chúa, ngoài thì cấu kết quan lại sâu mọt để thêm phần uy thế. Ông là quan cửu khanh, không sớm nói với hoàng thượng, ông và ông ta sẽ đều bị giết đấy.” Tức sợ Thang, rốt cuộc không dám nói. Ảm ở quận, vẫn theo cách trị lý cũ, chính sự ở Hoài Dương được yên bình. Sau, quả nhiên Trương Thang thân bại danh liệt, hoàng thượng biết những lời Ảm nói với Tức, xử tội Tức. Chiếu ban cho Ảm được phẩm trật của quốc tướng chư hầu, vẫn cai trị ở Hoài Dương. Được bảy năm thì chết.

Sau khi chết, hoàng thượng vì việc của Ảm, phong em trai Ảm là Cấp Nhân làm đến cửu khanh, con là Cấp Yển làm đến quốc tướng của chư hầu. Con trai cô họ của Ảm là Tư Mã An lúc trẻ cũng từng làm thái tử tẩy mã với Ảm. An hiểu biết sâu sắc về luật lệnh, khéo làm quan, làm đến cửu khanh, chết khi đang làm Thái thú Hà Nam. Anh em nhờ An, cùng lúc có mười người làm đến hàng quan hai nghìn thạch. Đoàn Hoành ở Bộc Dương ban đầu phụng sự Cái hầu là Tín, Tín nhậm dụng Hoành, Hoành cũng làm đến cửu khanh. Nhưng người ở đất Vệ đều rất sợ Cấp Ảm, chịu hàng dưới ông ta.

Trịnh Trang

Trịnh Đương Thời, tự là Trang, người đất Trần. Tiên tổ là Trịnh Quân từng làm tướng võ cho Hạng Tịch; Tịch chết, Trịnh Quân quy phục nhà Hán. Cao tổ lệnh cho các bề tôi cũ của Hạng Tịch gọi thẳng tên của Tịch[11], riêng Trịnh Quân không vâng chiếu. Hạ chiếu cho những người gọi thẳng tên của Tịch làm đại phu, rồi đuổi Trịnh Quân đi. Trịnh Quân chết thời Hiếu Văn đế.

Trịnh Trang vốn thích hành hiệp, từng cứu Trương Vũ khỏi nguy hiểm, vì thế nổi tiếng ở vùng Lương, Sở. Thời Hiếu Cảnh đế, Trịnh Trang làm Thái tử xá nhân[12]. Cứ năm ngày được nghỉ một ngày, thường chuẩn bị ngựa ở các dịch trạm bên ngoài Trường An, thăm hỏi bè bạn, nghinh đón tân khách, thông đêm đến sáng hôm sau, vẫn lo không được chu tất. Trang thích học thuyết Hoàng-Lão, kính mộ bậc trưởng giả như sợ không được gặp. Tuổi trẻ làm quan nhỏ, nhưng giao du quen biết đều là hàng ông cha và kẻ sĩ có danh tiếng trong thiên hạ. Vũ đế lên ngôi, Trang dần được thăng lên làm Trung úy nước Lỗ, Thái thú Tế Nam, Giang Đô tướng, làm đến cửu khanh giữ chức Hữu nội sử. Do bị Vũ An hầu, Ngụy Kỳ hầu chỉ trích, bị giáng cấp làm Chiêm sự, rồi thăng làm Đại nông lệnh.

Trang làm quan Thái sử, răn môn hạ rằng: “Khách đến, bất kể sang hèn đều không được để họ chờ ngoài cổng.” Khi Trang giữ lễ chủ khách, lấy sự sang quý của mình khiêm hạ với người dưới. Trang thanh liêm, lại không lo vun vén sản nghiệp, dựa vào bổng lộc được ban để cấp cho khách khứa bạn bè. Những thứ mà Trang tặng người khác, chẳng qua là thức ăn đựng trong vật dụng bằng tre. Hằng sáng, nhân cơ hội trình tấu hoàng thượng, chưa từng không nói về bậc trưởng giả trong thiên hạ. Tiến cử kẻ sĩ và thuộc quan thừa, sử, Trang đều nói lời tốt đẹp, thường viện dẫn họ hiền năng hơn mình. Chưa từng gọi thẳng tên thuộc lại, nói chuyện với quan lại dưới quyền, như sợ làm tổn thương họ. Nghe những lời tốt đẹp của người khác, liền tấu lên hoàng thượng, chỉ sợ dây dưa lỡ việc. Kẻ sĩ và trưởng giả ở phía đông Hào Sơn vì thế đều cùng khen ngợi Trịnh Trang.

Trịnh Trang được phải đi thị sát việc vỡ đê sông Hoàng Hà, xin năm ngày chuẩn bị hành trang. Hoàng thượng nói: “Ta nghe Trịnh Trang xuất hành, đi ngàn dặm không mang lương thực, sao lại phải xin chuẩn bị hành trang?" Nhưng ở trong triều, Trịnh Trang thường xu phụ, đón ý vua, không dám nói rõ đúng sai. Đến khi tuổi cao, nhà Hán chinh phạt Hung Nô, chiêu tập Tứ di, thiên hạ tổn phí rất nhiều, của cải chi dùng thiếu thốn. Trong các tân khách do Trang tiến cử có người giúp quan Đại tư nông lo việc vận chuyển, gây thất thoát nhiều. Tư Mã An làm Thái thú Hoài Dương cáo giác việc đó, vì thế Trang mắc tội, được chuộc tội làm dân thường. Không lâu sau, làm Trưởng sử. Hoàng thượng cho Trang đã già, phong Trang làm Thái thú Nhã Nam. Được mấy năm, chết khi đang giữ chức.

Trịnh Trang, Cấp Ảm ban đầu làm cửu khanh, thanh liêm, khi ở nhà giữ mình trong sạch. Hai người giữa chừng bị bãi chức, nhà nghèo, tân khách bỏ đi dần. Lúc làm quan ở quận, sau khi chết trong nhà không có của dư. Anh em con cháu Trang, nhờ Trang mà sáu bảy người làm quan đến hàng hai nghìn thạch.

Thái sử công bàn rằngXét lẽ, dựa vào tài năng của Cấp Ảm, Trịnh Trang, khi có quyền thế thì tân khách đông gấp mười, đến khi hết quyền thế thì chẳng còn ai, huống chi là người bình thường! Địch công ở Hạ Khuê có nói, ban đầu Địch công làm Đình úy, tân khách đầy cổng; tới khi bị bãi chức, ngoài cổng có thể giăng lưới bắt chim sẻ[13]. Địch công được phục chức Đình úy, tân khách muốn đến, Địch công bèn viết lên cổng rằng: “Một chết một sống, mới hay giao tình. Nghèo hèn, giàu có, liền hay thực giả. Một sang một hèn, giao tình hiện rõ.” Cấp Ảm và Trịnh Trang cũng thế, buồn thay!

 

Chú thích.

[1] thái tử tẩy mã Chức quân hầu thái tử.

[2] Tức Âu Việt và Mân Việt.

[3] Theo luật, giúp việc cho các Thái thú, Đô úy... đều có một người giữ chức sử cùng mười Tốt lại, Thư tá, gọi chung là Thừa sử.

[4] Vô vi: tư tưởng của đạo Lão, không có nghĩa là không làm gì, mà là hành sự phải thuận theo quy luật tự nhiên, khi đã thuận theo tự nhiên thì "vô vi" (không làm) mà “vô bất vi" (không gì không làm).

[5] Võ tướng người nước Lương, nổi tiếng là người cương trực.

[6] Tức các quan hàng cửu khanh.

[7] Ý nói giữ vững cơ nghiệp.

[8] Đều là các dũng sĩ thời Chiến quốc.

[9] Ý nói Cấp Ảm không học theo nho thuật cho nên không biết giữ lễ, tôn kính với vua.

[10] Điện trong cung Vị Ương của nhà Hán.

[11] Xưa, tôi thần gọi thẳng tên húy của chúa mình là đại bất kính. Cao tổ Lưu Bang bắt các bề tôi của Hạng Tịch gọi thẳng tên húy của chủ, để họ phải tỏ thái độ với chủ cũ, thần phục nhà Hán.

[12] Một chức quan nhỏ, trật hai trăm thạch, làm nhiệm vụ túc vệ trong cung Thái tử, tương tự như chức Trung lang.

[13] Ý nói không một ai đến nữa.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét