Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 119 TUẦN LẠI LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

QUYỂN 119 

TUẦN LẠI LIỆT TRUYỆN

Thái sử công bàn rằngPháp lệnh là để dẫn dắt người dân, hình phạt dùng để ngăn cấm gian tà. Văn võ[1] không hoàn bị mà lương dân biết sợ đặng tu thân, là vì quan lại chưa từng làm điều nhiễu loạn. Quan lại nói chức phận, theo sự lý, cũng có thể yên trị, hà tất phải dùng đến sự uy nghiêm?

Tôn Thúc Ngao

Tôn Thúc Ngao là xử sĩ nước Sở. Tướng quốc nước Sở tiến cử Tôn Thúc Ngao với Sở Trang vương để thay mình. Làm Tướng quốc nước Sở được ba tháng, thi hành giáo hóa dẫn dắt chúng dân, trên dưới hòa hợp, phong tục đương thời tốt đẹp, chính lệnh khoan hòa, đã cấm là dứt, quan lại không gian tà, trộm cắp thì yên bặt. Mùa thu mùa đông thì khuyến khích dân lên núi chặt hái, mùa xuân mùa hạ thì nhân nước dâng [vận chuyển gỗ lạt], thảy được tiện lợi, dân chúng đều được an cư lạc nghiệp.

Trang vương cho là tiền đang lưu hành quá nhẹ, đổi tiền nhỏ thành tiền lớn, trăm họ thấy bất tiện, đều bỏ bê nghề nghiệp. Quan Thị lệnh[2] nói với Tướng quốc rằng: “Chợ búa hỗn loạn, dân chẳng ai yên tâm với nghề của mình, hàng thứ không ổn định.” Tướng quốc hỏi: “Như thế bao lâu rồi?” Quan Thị lệnh đáp: “Được ba tháng rồi.” Tướng quốc nói: “Thôi, nay sẽ ra lệnh khôi phục như cũ.” Năm ngày sau, vào triều, Tướng quốc nói với Sở Trang vương: “Độ trước đổi tiền, vì cho là nhẹ. Nay quan Thị lệnh đến nói rằng: 'Chợ búa hỗn loạn, dân chẳng ai yên tâm với nghề của mình, hàng thứ không ổn định.' Thần xin khôi phục như trước.” Sở Trang vương đồng ý, hạ lệnh khôi phục được ba ngày, chợ búa trở lại như cũ.

Tục dân nước Sở thích đi xe thấp, Sở vương cho là xe thấp không tiện khi ngựa chạy, muốn hạ lệnh sai làm cao lên. Tướng quốc nói: “Mệnh lệnh nhiều lần ban xuống, dân chúng không biết theo đâu, không được. Nếu đại vương cứ muốn xe phải cao, thần xin sai làng xóm làm cao cổng lên. Người ngồi xe đều là bậc quân tử, quân tử không thể xuống xe nhiều lần.” Sở vương chấp thuận. Được nửa năm, dân thảy tự làm xe cao lên.

Đó là không dạy mà dân thuận theo giáo hóa, người gần thì nhìn mà bắt chước, kẻ xa thì trông bốn bề mà noi theo. Cho nên nhiều lần được làm tướng mà không mừng, biết tài của mình tự sẽ được làm vậy, nhiều lần bị bãi chức tướng mà không tiếc, biết không phải tội lỗi của mình vậy.

Tử Sản

Tử Sản là đại phu nước Trịnh. Thời Trịnh Chiêu quân, dùng bề tôi sủng ái là Từ Chí làm Tướng quốc, nước rối loạn, trên dưới không thân, cha con bất hòa. Đại Cung Tử Kỳ nói với Trịnh Chiêu quân, dùng Tử Sản làm Tướng quốc. Tử Sản làm Tướng quốc được một năm, đám đầy tớ nhỏ tuổi không dám cợt nhả, người đầu bạc không phải mang vác, trẻ nhỏ không phải cày bừa. Được hai năm, ngoài chợ không thách giá. Được ba năm, cổng đêm không khóa, trên đường không nhặt của rơi. Được bốn năm, nông cụ làm ngoài đồng không phải mang về. Được năm năm, binh sĩ không cần dùng quân pháp triệu tập, khi có quốc tang không cần hạ lệnh mà tang phục đúng quy định. Trị lý ở Trịnh được hai mươi sáu năm thì chết, trang đinh gào khóc, người già sụt sùi tựa con trẻ, đều nói: “Tử Sản bỏ ta mà chết rồi! Dân chúng biết trông cậy vào ai?”

Công Nghi Hưu

Công Nghi Hưu là quan Bác sĩ nước Lỗ, nhờ có tài danh nên được làm Tướng quốc nước Lỗ. Ông giữ phép công, theo lý hành sự, không đổi pháp độ, trăm quan tự giác chính đáng, khiến người được hưởng lộc không được tranh lợi với hạ dân, người được nhận lộc lớn[3] không được lấy lợi nhỏ.

Có người khách đem biếu Tướng quốc con cá, Tướng quốc không nhận. Khách nói: “Nghe nói ngài thích ăn cá, cho nên mang cá đến biếu, cớ sao ngài không nhận?” Tướng quốc đáp: “Vì thích ăn cá, cho nên không nhận. Nay ta làm Tể tướng, có thể tự có cá ăn; nay nhận cá rồi bị bãi chức, còn ai mang cá đến cho ta nữa? Vì thế ta không nhận vậy.”

Ông ăn rau mà thấy như ăn mỹ vị, nên nhổ hết rau quỳ trong vườn vứt đi. Thấy trong nhà mình dệt được vải tốt, liền vội đuổi những phụ nữ dệt vải đi, đốt khung cửi, nói: “Muốn bảo nông phu thợ dệt đến đâu để bán hàng hóa của mình đây?” [4]

Thạch Xa

Thạch Xa làm Tướng quốc cho Sở Chiêu vương. Xa vốn kiên định, thẳng thắn, liêm chính, không a dua, kiêng tránh. Đi tuần các huyện, trên đường có kẻ giết người, Tướng quốc đuổi theo, hóa ra là cha mình. Thả cha mình đi rồi trở về tự trói nhận tội. Sai người nói với Sở Chiêu vương rằng: “Kẻ giết người là cha thần. Xét, trị tội cha để giữ kỷ cương là bất hiếu; bỏ pháp độ, thả người có tội thì không phải là trung; tội của thần đáng chết.” Sở vương nói: “Đuổi theo không kịp, không phải trị tội, ngài hãy đi xử lý công việc.” [5] Thạch Xa nói: “Không thiên vị cha mình thì không phải con hiếu, không tuân theo pháp độ của chúa thì không phải tôi trung. Đại vương xá tội cho thần, đó là ơn trên; chịu theo pháp độ mà chết, là chức phận của thần.” Rồi không nhận lệnh xá miễn, tự cắt cổ chết.

Lý Ly

Lý Ly là ngục quan của Tấn Văn công. Vì nghe và tin lời xằng mà giết nhầm người vô tội, tự khép mình vào tội chết. Văn công nói: “Quan có sang hèn, tội có nhẹ nặng. Quan lại ở dưới có lỗi, không phải tội của khanh.” Lý Ly nói: “Thần là trưởng quan, không nhường chức cho họ lại; nhận lộc nhiều mà không chia lợi cho thuộc hạ. Nay nghe và tin lời xằng mà giết nhầm người, lại đổ tội cho hạ lại, đó không phải điều thần từng nghe.” Tạ từ không nhận lệnh xá miễn. Văn công nói: “Ông tự cho mình có tội, thế thì quả nhân cũng có tội ư?” Lý Ly đáp: “Việc hình ngục có pháp chế, thi hành hình phạt không đúng thì phải chịu hình phạt, xử tử không đúng thì phải chịu chết. Người cho thần có thể nghe được những điều ẩn giấu, phán quyết được những chỗ còn hồ nghi, cho nên sai làm ngực quan. Nay thần nghe lầm mà giết người, tội đáng chết.” Bèn không nhận lệnh xá miễn, dùng kiếm tự sát mà chết.

Thái sử công bàn rằngTôn Thúc Ngao nói ra một lời, chợ Dĩnh Đô trở lại như cũ. Tử Sản bị ốm chết, dân nước Trịnh gào khóc. Công Nghi tử thấy vải tốt mà đuổi những phụ nữ dệt vải trong nhà. Thạch Xa thả cha mà chết, uy danh Sở Chiêu vương được xác lập. Lý Ly giết nhầm người mà tuốt kiếm tự sát, Tấn Văn công nhờ đó chấn chỉnh lại quốc pháp.

 

Chú thích.

[1] Văn Võ: đây chỉ pháp lệnh và hình phạt.

[2] Thị Lệnh: tức quan quản lý chợ.

[3] Ý nói những người có chức vị cao.

[4] Đoạn này ý nói Công Nghi Hưu là Tể tướng, đã được hưởng bổng lớn rồi nên không tranh cái lợi nhỏ với hạ dân nữa.

[5] Đuổi theo không kịp, không phải trị tội, ngài hãy đi xử lý công việc  Ý nói Sở vương xá tội, nói tránh đi là Thạch Xa đã đuổi theo hung thủ để truy bắt, nhưng không đuổi kịp, cho nên không có tội, vẫn được giữ chức như cũ.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét