SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)
Phạm Văn Ánh dịch
QUYỂN 118
HOÀI NAM, HÀNH SƠN LIỆT
TRUYỆN
Hoài Nam Lệ vương Lưu
Trường
Hoài Nam Lệ vương
Trường là con nhỏ của Cao tổ, mẹ vốn là mỹ nhân của Triệu vương Trương Ngao.
Cao tổ năm thứ tám, Cao tổ từ Đông Viên qua nước Triệu, Triệu vương đem mỹ nhân
dâng hiến. Mẹ của Lệ vương được sủng ái, rồi có mang. Triệu vương Ngao không
dám nạp nàng vào cung, mà dựng cung thất bên ngoài cung cho nàng ở. Đến khi bọn
Quản Cao mưu phản ở Bách Nhân, bị phát giác, Triệu vương cũng bị bắt trị tội, mẹ,
anh em, mỹ nhân của Triệu vương đều bị bắt trói, giải đến Hà Nội. Mẹ của Lệ
vương cũng bị trói, nói với ngục quan rằng: “Ta được hoàng thượng sủng
ái, đang có mang.” Ngục quan đem việc ấy tâu lên, hoàng thượng đang giận
Triệu vương, chưa xử lý đến việc của mẹ Lệ vương. Em trai mẹ Triệu vương là Triệu
Kiếm thông qua Tịch Dương hầu nói với Lã hậu, Lã hậu đố kỵ, không chịu làm rõ sự
việc, Tịch Dương hầu cũng không dám cố nài. Khi mẹ Lệ vương sinh Lệ vương, phẫn
uất rồi tự sát. Ngục quan dâng Lệ vương lên cho hoàng thượng, hoàng thượng hối
hận, sai Lã hậu làm mẹ, rồi táng mẹ Lệ vương ở Chân Định. Chân Định là quê nhà
của mẹ Lệ vương, cũng là huyện đời đời tổ phụ ở đó.
Tháng Bảy, Cao tổ
năm thứ mười một, Hoài Nam vương là Kình Bố làm phản, Cao tổ lập con là Trường
làm Hoài Nam vương, làm vua ở đất cũ của Kình Bố, gồm bốn quận. Hoàng thượng
đích thân cầm quân đến diệt Bố, Lệ vương liền lên ngôi. Lệ vương sớm mất mẹ,
thường dựa vào Lã hậu, vì thế thời Hiếu Huệ đế và Lã hậu được sủng ái, không bị
tai họa, song trong lòng luôn oán Tịch Dương hầu, nhưng không dám thể hiện. Đến
khi Hiếu Văn đế mới lên ngôi, Hoài Nam vương tự cho mình là người thân thiết nhất,
kiêu căng bất phục, nhiều lần không theo pháp luật. Hoàng thượng cho là chỗ
thân tình, thường khoan dung miễn xá cho. Năm Văn đế thứ ba, vào kinh triều kiến,
rất kiêu căng. Theo hoàng thượng vào ngự uyển săn bắn, ngồi cùng xe hoàng thượng,
thường gọi hoàng thượng là “đại huynh”. Lệ vương có tài năng và dũng lực, sức
nhấc nổi đỉnh, rồi đến bái kiến Tịch Dương hầu. Tịch Dương hầu ra gặp, liền
dùng chùy sắt giấu trong ống tay áo đánh Tịch Dương hầu, lệnh cho tùy tòng là
Ngụy Kính cắt đầu. Lệ vương liền phi ngựa đến dưới cửa khuyết, cởi trần tạ tội
rằng: “Mẹ thần không liên quan đến việc Triệu vương phản nghịch, bấy giờ
Tịch Dương hầu có thể khiến Lã hậu nghe theo, lại không chịu khuyên nhủ, đó là
một tội. Mẹ con Triệu vương Như Ý vô tội, Lã hậu giết đi, Tịch Dương hầu không
can ngăn, đó là hai tội. Lã hậu phong vương cho người họ Lã, muốn làm nguy hại
đến họ Lưu, Tịch Dương hầu không can ngăn, đó là ba tội. Thần kính cẩn vì thiên
hạ giết tặc thần Tịch Dương hầu, báo thù cho mẹ, xin kính cần quỳ dưới cửa khuyết
để thỉnh tội.” Hiếu Văn đế cảm thương trước tâm trí của Lệ vương lại
vì là người thân, không trị tội, xá miễn cho Lệ vương. Bấy giờ, Bạc thái hậu
cùng thái tử và các đại thần đều sợ Lệ vương, vì thế Lệ vương về nước càng thêm
kiêu căng càn rỡ, không theo pháp luật nhà Hán, ra vào đều cấm đường, mệnh lệnh
ban ra đều xưng “chế”, tự lập pháp lệnh riêng, sánh ngang thiên tử.
Văn đế năm thứ
sáu, [Lệ vương] sai con trai là bọn Đãn gồm bảy chục người cùng thái tử của Cức
Bồ hầu Sài Vũ tên là Kỳ bàn mưu, đem bốn chục cỗ xe làm phản ở Cốc Khẩu, sai
người đi sứ Mân Việt, Hung Nô. Việc bị phát giác, triều đình truy cứu, sai sứ
triệu Hoài Nam vương. Hoài Nam vương về Trường An.
“Thần, Thừa tướng
Trương Thương, thần Điển khách Phòng Kính, thần Hành ngự sử đại phu sự Tông
chính là Dật, thần Đình úy là Hạ, thần Bị đạo tặc trung úy là Phúc liều chết
dâng lời: Hoài Nam vương là Trường phế bỏ pháp lệnh của tiên đế, không nghe chiếu
chỉ của thiên tử, cư xử không có pháp độ, làm xe che lọng vàng, ra vào giống
như thiên tử, tự ý chế định pháp lệnh, không theo quy pháp nhà Hán. Đến việc
thiết đặt quan lại, lấy Lang trung của mình là Xuân làm Thừa tướng, tụ tập, thu
nhận chư hầu nhà Hán cùng đám phạm tội bỏ trốn, lén lút cho ở cùng, giúp cai quản
nhà cửa, ban cho của cải, tước lộc, điền trạch, tước có người lên đến Quan nội
hầu, bổng lên đến ba nghìn thạch, điều không được làm mà vẫn muốn làm. Bọn đại
phu là Đãn, Sĩ ngũ là Khai Chương bảy mươi người, cùng thái tử của Cức Bồ hầu
là Kỳ mưu phản, suýt nguy cho tông miếu xã tắc. Họ sai Khai Chương ngầm báo với
Trường, cùng bàn mưu khiến Mân Việt và Hung Nô phát binh. Khai Chương đến Hoài
Nam gặp Trường, Trường nhiều lần cùng ngồi nói chuyện, ăn uống, cấp nhà cửa, lấy
vợ cho, dùng bổng lộc của quan hai nghìn thạch để tôn phụng Trường. Khai Chương
sai người báo với Đãn, đã nói với Hoài Nam vương. Xuân sai sứ đến báo cho bọn
Đãn. Quan lại phát hiện được, sai bọn Huyện úy ở Trường An là Kỳ đến bắt Khai
Chương. Trường giấu không cho bắt, cùng viên Trung úy trước đây là Gian Kỵ bàn
mưu, giết người bịt miệng. Chuẩn bị quan quách áo chăn, táng họ ở ấp Phì Lăng,
lừa dối các quan lại rằng: 'Không biết ở đâu.' Lại vờ đắp đất, dựng bia ở trên,
ghi là: 'Khai Chương chết, chôn dưới chỗ này.' Còn Trường tự tay giết một người
vô tội; sai quan lại khép tội giết sáu người vô tội; để xóa tội cho tội nhân bỏ
trốn phải chém ngoài chợ liền giả bắt người không bỏ trốn nhằm thay thế; tự ý định
tội người khác, định tội mà không báo triều đình, bắt rồi xử mười bốn người vào
mức thành đán thung[1] trở lên; xá
miễn cho tội nhân, xá cho mười tám tử tội, năm mươi tám người ở mức thành đán
thung trở xuống; ban tước Quan nội hầu trở xuống cho chín mươi tư người. Ngày
trước Trường có bệnh, bệ hạ lo lắng buồn phiền, sai sứ ban cho sách và táo khô.
Trường không muốn nhận, không chịu gặp sứ giả. Dân Nam Hải ở trong địa giới Lô
Giang làm phản, quan binh Hà Nam đến đánh. Bệ hạ cho là dân Hoài Nam nghèo khổ,
sai sứ ban cho Trường năm nghìn xấp lụa trắng, để thưởng cho quan quân đã chịu
vất vả. Trường không muốn nhận, nói dối rằng: 'Không ai vất vả.' Dân Nam Hải là
Vương Chức dâng thư muốn hiến ngọc bích lên Hoàng đế, Gian Kỵ tự ý đốt thư,
không tâu lên. Quan lại xin triệu Kỵ đến trị tội, Trường không cho đi, nói dối
rằng: 'Kỵ ốm.’ Xuân lại thỉnh cầu Trường, muốn vào triều kiến, Trường giận nói:
'Ngươi muốn rời ta, tự mình quy phụ triều Hán.' Trường đáng tội chém ngoài chợ,
chúng thần xin hãy xử theo pháp chế.”
Hoàng thượng hạ
chế rằng: “Trẫm không nỡ dùng pháp luật xử Hoài Nam vương, hãy cùng liệt
hầu và hạng quan hai nghìn thạch thượng nghị.”
“Thần là Thương,
thần là Kính, thần là Dật, thần là Phúc, thần là Hạ liều chết dâng lời: Chúng
thần kính cận cùng liệt hầu và các quan hạng hai nghìn thạch là bọn Anh gồm bốn
mươi ba người bàn định, đều nói: 'Trường không theo pháp độ, không tuân chiếu của
thiên tử, lại ngầm kết bè đảng cùng bọn mưu phản, hậu dưỡng bọn trốn tránh, âm
mưu hành sự.' Bọn thần bàn luận, xin xử theo phép.”
Ban chế rằng: “Trẫm
không nỡ dùng pháp với Hoài Nam vương, hãy xá tội chết cho Trường, phế bỏ tước
vương.”
“Bọn thần là
Thương liều chết dâng lời: Trường có tội lớn, đáng chết, bệ hạ không nỡ xử theo
phép nước, gia ơn xá miễn, phế bỏ tước vương. Bọn thần xin đày Trường an trí ở
dịch trạm Cung tại Nghiêm Đạo, Thục Quận, sai vợ con theo ra, huyện đó sẽ dựng
nhà cửa, kho lương sẽ cấp lương thực, củi, rau, muối, đậu, nồi niêu, chiếu nệm.
Bọn thần liều chết thỉnh cầu, xin bố cáo thiên hạ biết.”
Ban chế rằng: “Cấp
cho Trường mỗi ngày năm cân thịt, hai đấu rượu. Cho mười mỹ nhân, tài nhân được
sủng ái theo đến ở đó. Các việc khác đều chấp nhận.”
Giết hết những kẻ
tham gia mưu phản. Thế rồi sai Hoài Nam vương đi, chở bằng xe lớn, lệnh các huyện
lần lượt chuyển đi. Bấy giờ Viên Áng can hoàng thượng rằng: “Hoàng thượng
vốn để Hoài Nam vương kiêu căng, không lập Thái phó, Thừa tướng nghiêm khắc phù
tá, cho nên mới đến nỗi này. Vả Hoài Nam vương là người cương cường, nay bỗng bị
chế áp, thần e rốt cuộc gặp bệnh sương gió mà chết, bệ hạ mang tiếng giết em, vậy
phải làm sao?” Hoàng thượng nói: “Ta rất khổ tâm về việc đó,
nay cho gọi về.” Các huyện thay nhau đưa Hoài Nam vương đi đều không
dám bỏ niêm phong xe. Hoài Nam vương liền nói với người hầu: “Ai bảo
ông mày đây dũng mãnh? Ta sao mà dũng mãnh được! Ta vì kiêu căng, không chịu
nghe ai nên mới đến nỗi này. Người ta sống một đời, sao có thể bí bức thế này?” Rồi
tuyệt thực mà chết. Đến huyện Ung, Huyện lệnh huyện Ung mở niêm phong, báo việc
lên triều đình. Hoàng thượng khóc lóc thảm thiết, bảo Viên Áng rằng: “Ta
không nghe lời ông, rốt cuộc khiến Hoài Nam vương phải chết.” Áng
nói: “Biết làm sao được, xin bệ hạ bớt đau buồn.” Hoàng thượng
nói: “Biết làm sao đây?” Áng đáp: “Chỉ có cách chém Thừa
tướng, Ngự sử để tạ tội với thiên hạ thôi.” Hoàng thượng liền lệnh cho
Thừa tướng, Ngự sử khảo tra người các huyện phụ trách việc đưa Hoài Nam vương
đi đã không mở niêm phong và cấp đồ ăn, đều đưa ra chém ngoài chợ. Rồi dùng lễ
dành cho liệt hầu táng Hoài Nam vương ở huyện Ung, cho ba mươi hộ trông giữ phần
mộ.
Văn đế năm thứ
tám, hoàng thượng thương Hoài Nam vương, Hoài Nam vương có bốn người con, đều bảy
tám tuổi, bèn phong con là An làm Phụ Lăng hầu, con là Bột làm An Dương hầu,
con là Tứ làm Dương Chu hầu, con là Lương làm Đông Thành hầu.
Hiếu Văn đế năm
thứ mười hai, người dân làm bài ca về Hoài Nam Lệ vương rằng: “Một thước
vải, có thể vá; một đấu thóc, có thể giã. Anh em hai người không thể dung
nhau.” Hoàng thượng nghe bài đó, bèn than rằng: “Nghiêu, Thuấn
lưu đày cốt nhục, Chu công giết Quản Thúc, Sái Thúc, thiên hạ khen là bậc
thánh. Tại sao vậy? Do không vì chuyện riêng mà hại đến việc công. Thiên hạ há
cho ta tham đất của Hoài Nam vương ư?” Bèn chuyển Thành Dương hầu làm
vương ở đất cũ của Hoài Nam vương rồi truy tôn thụy hiệu Hoài Nam vương là Lệ
vương, thiết đặt lăng mộ theo nghi thức cho chư hầu.
Hiếu Văn đế năm
thứ mười sáu, dời Hoài Nam vương là Hỷ về đất cũ của Thành Dương Vương. Hoàng
thượng thương Hoài Nam vương phế bỏ pháp lệnh, toan việc không theo khuôn phép,
tự khiến nước mất, chết sớm, bèn lập ba người con của Hoài Nam vương: Phụ Lăng
hầu là An làm Hoài Nam vương, An Dương hầu là Bột làm Hành Sơn vương, Dương Chu
hầu là Tứ làm Lô Lăng vương, đều được trở lại đất phong thời Lệ vương, chia
nhau cai trị. Đông Thành hầu là Lương mất từ trước, không người nối dõi.
Hiếu Cảnh đế năm
thứ ba, bảy nước vùng Ngô, Sở làm phản, nước Ngô sai sứ đến Hoài Nam, Hoài Nam
vương muốn phát binh hưởng ứng. Tướng của Hoài Nam vương nói: “Đại
vương ắt muốn phát binh hưởng ứng nước Ngô, thần xin làm tướng.” Hoài
Nam vương liền giao quân cho. Tướng quốc của Hoài Nam vương đã nắm quân đội, liền
giữ chắc thành trì, không nghe Hoài Nam vương mà theo nhà Hán; nhà Hán cũng sai
Khúc Thành hầu đem quân cứu viện Hoài Nam: Hoài Nam vì thế được vẹn toàn. Sử
Ngô đến Lô Giang, Lô Giang vương không theo, phái sứ giả qua lại nước Việt. Sứ
Ngô đến Hành Sơn, Hành Sơn vương giữ chắc không hai lòng. Hiếu Cảnh đế năm thứ
tư, Ngô, Sở bị phá, Hành Sơn vương vào chầu, hoàng thượng cho là kiên trinh thủ
tín, liền uý lạo rằng: “Phương nam là nơi ẩm thấp.” Dời Hành
Sơn vương đến làm vương ở Tế Bắc để khen thưởng. Đến khi mất, liền ban thụy là
Trinh vương. Lô Giang vương giáp biên nước Việt, nhiều lần sai sứ sang nhau,
cho nên dời Hành Sơn vương làm vương ở Giang Bắc. Hoài Nam vương vẫn giữ như
cũ.
Hoài Nam vương
Lưu An
Hoài Nam vương
Lưu An là người thích đọc sách, đánh đàn cầm, không thích rong ruổi săn bắn,
chơi cùng chó ngựa; cũng muốn ngầm thi ân đức vỗ về trăm họ, khiến thanh danh
lưu truyền thiên hạ. Thường oán trách về cái chết của Lệ vương, luôn muốn bội
nghịch, chỉ chưa có cớ. Đến năm Kiến Nguyên thứ nhất, Hoài Nam vương vào chầu.
Vốn thân với Vũ An hầu, bấy giờ Vũ An hầu làm Thái úy, Thái úy bèn đến Bái Thượng
đón Hoài Nam vương, nói với Hoài Nam vương rằng: “Nay hoàng thượng
không có thái tử, đại vương vốn là cháu nội của Cao hoàng đế, thi hành nhân
nghĩa, thiên hạ không ai không biết. Nếu xe trong cung một sớm không ra[2], không đại vương thì ai lên ngôi.” Hoài
Nam vương cả mừng, tặng nhiều vàng bạc của cải cho Vũ An hầu. Ngầm giao kết tân
khách, vỗ về trăm họ, làm việc bội nghịch. Năm Kiến Nguyên thứ sáu, sao chổi xuất
hiện, Hoài Nam vương trong lòng lấy làm lạ. Có người nói với Hoài Nam
vương: “Trước đây, lúc quân Ngô nổi dậy, sao chổi xuất hiện dài mấy thước,
thế mà còn máu chảy ngàn dặm. Nay sao chổi dài ngang bầu trời, thiên hạ sẽ xảy
ra một cuộc đại chiến.” Hoài Nam vương cho là hoàng thượng không có
thái tử, thiên hạ có biến, chư hầu sẽ tranh đoạt, lại càng chuẩn bị khí giới
chiến cụ, tích tiền vàng hối lộ các du sĩ kỳ tài ở các quận trong nước và chư hầu.
Các biện sĩ vạch phương sách, dấy lời yêu hoặc, nịnh bợ Hoài Nam vương, vương mừng,
càng thưởng nhiều tiền vàng, rồi ngày càng muốn mưu phản.
Hoài Nam vương có
người con gái tên là Lăng, thông tuệ, có tài biện bác. Hoài Nam vương cưng yêu
Lăng, thường ban nhiều tiền vàng, cho vào Trường An thám thính, kết nối cận thần
bên cạnh hoàng thượng. Năm Nguyên Sóc thứ ba, hoàng thượng ban cho Hoài Nam
vương mấy cây gậy, cho phép không cần vào chầu. Vương hậu của Hoài Nam vương là
Đồ, được vương sủng ái. Vương hậu sinh thái tử là Thiên, Thiên lấy con gái Tu
Thành quân, cháu ngoại Vương hoàng thái hậu làm phi. Hoài Nam vương âm mưu chuẩn
bị làm phản, sợ thái tử phi biết rồi tiết lộ chuyện ra ngoài, bèn bàn với thái
tử, sai vờ không sủng ái, ba tháng không chung chiếu. Hoài Nam vương bèn vờ giận
thái tử, đóng cửa cung thái tử, bắt ở chung thái tử phi ba tháng, trước sau
thái tử vẫn không gần gũi thái tử phi. Thái tử phi xin đi, Hoài Nam vương dâng
thư tạ lỗi rồi cho về. Vương hậu là Đồ, thái tử là Thiên cùng con gái là Lăng
được Hoài Nam vương sủng ái, thao túng quyền hành trong nước, chiếm đoạt điền
trạch của dân, tự tiện giam cầm người khác.
Năm Nguyên Sóc thứ năm, thái tử học dùng kiếm, tự cho
không ai theo kịp, nghe nói Lang trung Lôi Bị kiếm thuật tinh xảo, bèn triệu đến
đấu chơi. Lôi Bị một hai lần nhường nhịn, rồi lỡ tay đánh trúng thái tử. Thái tử
giận, Bị sợ. Bấy giờ ai muốn tòng quân thì lên kinh đô, Bị xin ra sức đi đánh
Hung Nô. Thái tử Thiên nhiều lần nói xấu Bị với Hoài Nam vương, vương sai Lang
trung lệnh bãi chức Bị, muốn cấm đoán người sau, Bị liền trốn đến Trường An,
dâng thư tự bạch. Hoàng thượng hạ chiếu cho Đình úy và quận Hà Nam xử lý vụ việc.
Quận Hà Nam tra xét, bắt thái tử của Hoài Nam vương, vương và vương hậu tính kế
không muốn cho thái tử đi, liền dấy binh làm phản, kế còn do dự, hơn chục ngày
vẫn chưa quyết. Đúng lúc có chiếu, lập tức thẩm vấn thái tử. Bấy giờ, Tướng quốc
Hoài Nam giận huyện thừa Thọ Xuân, giữ thái tử lại, không cho bắt đi, đàn hặc về
tội bất kính. Hoài Nam vương đề nghị với Tướng quốc, Tướng quốc không nghe.
Vương sai sử dâng thư vu khống Tướng quốc, việc được giao cho Đình úy phân xử.
Có rất nhiều việc liên quan đến Hoài Nam vương, vương sai người nghe ngóng các
công khanh nhà Hán, các công khanh yêu cầu bắt trị tội Hoài Nam vương. Hoài Nam
vương sợ việc bại lộ, thái tử Thiên bàn mưu rằng: “Nếu sứ nhà Hán đến bắt
đại vương, đại vương sai người mặc đồ vệ sĩ, cầm kích đứng trong triều, bên cạnh
đại vương, nếu xảy chuyện thị phi, thì hãy giết sứ giả, thần cũng sai người giết
Trung úy Hoài Nam, rồi cất quân, cũng chưa muộn.” Bấy giờ hoàng thượng
không đồng ý trước đề nghị của công khanh, mà sai Trung úy nhà Hán là Hoành kíp
đến thẩm vấn, tra xét Hoài Nam vương. Hoài Nam vương nghe tin sứ Hán đến, liền
theo kế của thái tử. Quan Trung úy nhà Hán đến, Hoài Nam vương thấy nét mặt sứ
giả khoan hòa, hỏi vương về việc Lôi Bị tố cáo, vương tự cho là không có việc
gì, không ra tay. Trung úy về báo lại mọi việc. Các công khanh xử lý vụ việc
nói: “Hoài Nam vương là An ngăn trở ý nguyện đánh Hung Nô của những người
như Lôi Bị, phế bỏ cả minh chiếu, đáng chém ở ngoài chợ.” Hoàng đế hạ
chiếu không cho. Công khanh xin phế bỏ tước vương, hạ chiếu không đồng ý. Công
khanh xin tước bớt năm huyện phong, Hoàng đế hạ chiếu cho tước hai huyện. Sai
Trung úy là Hoành đến xá tội cho Hoài Nam vương, chỉ phạt cắt đất. Trung uý vào
địa giới Hoài Nam, tuyên bố xá tội cho Hoài Nam vương. Ban đầu Hoài Nam vương
nghe các công khanh nhà Hán đề nghị giết mình, chưa biết là chỉ bị cắt đất,
nghe tin sứ giả đến, sợ sứ đến bắt mình, bèn cùng thái tử mưu giết sứ như kế hoạch
trước đây. Trung úy đến, liền chúc mừng Hoài Nam vương, vương vì thế không ra
tay. Sau đó tự thương cảm nói: “Ta thi hành nhân nghĩa mà bị tước bớt đất
phong, thực quá nhục nhã.” Hoài Nam vương sau khi bị tước đất, càng muốn
mưu phản. Các sứ giả từ Trường An đến, nói lời xằng bậy, cho là hoàng thượng
không có con trai, nhà Hán không được yên trị, Hoài Nam vương liền mừng; nếu
nói triều đình nhà Hán yên trị, có con trai thì vương giận, cho là nói xằng,
không đúng.
Hoài Nam vương ngày đêm cùng bọn Ngũ Bị, Tả Ngô tra xem địa
đồ, tính toán xem quân vào từ chỗ nào. Hoài Nam vương nói: “Hoàng thượng
không có thái tử, nếu xe trong cung một sớm không ra, triều thần ắt đón Giao
Đông vương về, nếu không sẽ là Thường Sơn vương, chư hầu tranh giành, ta có thể
không phòng bị ư? Vả lại ta là cháu nội Cao tổ, đích thân thi hành nhân nghĩa,
bệ hạ đãi ngộ với ta rất hậu, ta có thể nhẫn nhịn việc đó; sau khi bệ hạ băng
hà, ta há có thể quay mặt về bắc xưng thần phụng sự đứa trẻ ranh ư!”
Hoài Nam vương ngồi ở đông cung, triệu Ngũ Bị vào cùng
bàn mưu, nói: “Tướng quân hãy lên điện.” Ngũ Bị buồn bã nói: “Hoàng
thượng khoan thứ cho đại vương, sao đại vương lại thốt ra những lời mất nước
như thế! Thần nghe nói Tử Tư can Ngô vương, Ngô vương không nghe, bèn nói: 'Nay
thần thấy hươu nai đùa chơi ở đài Cô Tô đó.' Nay thần cũng thấy
trong cung mọc gai góc, sương móc thấm ướt áo vậy.” [3] Hoài
Nam vương giận, bắt trói cha mẹ Ngũ Bị, bỏ tù ba tháng. Lại triệu Ngũ Bị vào hỏi: “Tướng
quân có đồng ý với quả nhân không?” Bị đáp: “Không, chỉ muốn đến
trù tính cho đại vương thôi. Thần nghe người thông minh nghe ở chỗ không thanh
âm, người sáng suốt thấy ở chỗ chưa thành hình, cho nên thánh nhân làm muôn việc
thì muôn việc đều thành công. Xưa Văn vương một lần ra tay mà công lao tỏ rạng
nghìn đời, được liệt vào hàng Tam đại, đó gọi là dựa vào lòng trời để hành động
vậy, cho nên bốn bể chẳng hẹn mà cùng theo. Đó là việc ngàn năm còn thấy. Xét,
nước Tần trăm năm trước, đời gần như Ngô và Sở, cũng đủ để nói rõ lẽ tồn vong của
quốc gia. Thần không dám tránh kết cục như Ngũ Tử Tư, xin đại vương đừng như
Ngô vương, không nghe lời can gián. Xưa, nhà Tần đoạn tuyệt với đạo của thánh
nhân, giết thuật sĩ, đốt Thi, Thư, bỏ lễ nghĩa, chuộng dối trá, ưa
bạo lực, trọng dùng hình, chuyển thóc lúa vùng ven biển đến Tây Hà. Bấy giờ con
trai vất vả cày cấy mà không đủ tấm cám mà ăn, con gái tết sợi dệt vải mà không
đủ để che thân. Sai Mông Điềm đắp Trường thành, từ đông sang tây mấy nghìn dặm,
mấy chục vạn quân thường phải dãi nắng dầm sương, người chết nhiều không kể xiết,
phơi thây nghìn dặm, máu chảy muôn khoảnh mẫu, trăm họ kiệt sức, trong mười nhà
thì có đến năm nhà muốn làm loạn. Lại sai Từ Phúc ra biển tìm vật lạ của thần
tiên, Phúc về nói xằng là: 'Thần thấy thần lớn ngoài biển nói: 'Ngươi là sứ giả
của Hoàng đế ở phương tây phải không?' Thần đáp rằng: 'Phải.' Hỏi: 'Ngươi cần
tìm gì?' Đáp: 'Xin thuốc để kéo dài tuổi thọ.' Thần nói: 'Lễ của Tần vương
ngươi quá bạc, chỉ được xem mà không được lấy.' Rồi cho thần theo hướng đông
nam, tới núi Bồng Lai, thấy cung khuyết làm bằng linh chi, có sứ giả mặt như đồng,
dáng tựa rồng, ánh sáng chiếu lên tận trời. Thế rồi thần lại bái lạy hỏi rằng:
'Phải dùng lễ vật gì dâng hiến?' Hải thần đáp: 'Hãy lấy con trai con gái nhà
lành, cùng sản phẩm của trăm nghề, thì được lấy.' Tần hoàng đế cả mừng, sai đưa
ba nghìn nam nữ, ban cho các giống ngũ cốc, cùng sản phẩm trăm nghề rồi sai đi.
Từ Phúc tìm được đồng bằng đầm lớn, dừng lại xưng vương không đi. Thế là trăm họ
đau buồn nhớ nhung, chục nhà có đến sáu nhà muốn làm loạn. Lại sai Úy Đà vượt
Ngũ Lĩnh tấn công Bách Việt. Úy Đà biết Trung nguyên đã quá mỏi mệt, dừng lại
xưng vương không đi nữa, sai người dâng thư lên, xin ba vạn phụ nữ không chồng,
để may vá quần áo cho binh sĩ. Hoàng đế nhà Tần cho một vạn năm nghìn người. Thế
rồi lòng trăm họ ly tán như ngói xô, trong mười nhà có đến bảy nhà muốn làm loạn.
Môn khách nói với Cao hoàng đế rằng: 'Đến lúc rồi.' Cao hoàng đế nói: 'Đợi đã,
thánh nhân đang dấy phía đông nam.' Không đầy một năm, Trần Thắng, Ngô Quảng
phát binh. Cao hoàng đế bắt đầu ở đất Phong-Bái, một phen khởi xướng mà thiên hạ
không hẹn đều hưởng ứng, nhiều không kể xiết. Đó gọi là đợi kẽ hở thời cơ, nhân
lúc Tần sắp diệt vong mà khởi sự vậy. Trăm họ mong chờ, như nắng hạn trông mưa,
cho nên dấy từ trong chiến trận mà lên làm thiên tử, công cao vượt Tam vương,
đức truyền đến vô cùng. Nay đại vương thấy Cao hoàng đế dễ dàng thu được thiên
hạ, riêng không xem Ngô, Sở đời gần đây ư? Xét, Ngô vương được ban hiệu là Tế tửu
của họ Lưu, lại không phải vào chầu, làm vương dân chúng bốn quận, đất mấy
nghìn dặm vuông, bên trong thì nấu đồng đúc tiền, phía đông thì nấu nước biển
làm muối, trên thì lấy gỗ ở Giang Lăng làm thuyền, một thuyền chở được mấy chục
chiếc xe của Trung nguyên, nước giàu dân đông. Dùng châu ngọc vàng lụa lót tay chư
hầu, tông thất, đại thần, chỉ không cho họ Đậu. Định mưu tính kế xong, cất quân
kéo sang tây. Bị đánh tan ở Đại Lương, thua trận ở Hồ Phụ, chạy sang đông, đến
Đan Đồ, bị người Việt bắt sống, bản thân bị chết, không được tế tự, bị thiên hạ
chê cười. Xét, Ngô, Sở đông mà không thành công là vì sao? Do trái đạo trời và
không biết thời thế vậy. Nay quân binh của đại vương không bằng một phần mười của
Ngô, Sở, thiên hạ yên ổn gấp vạn lần thời Tần, xin đại vương hãy theo kế của thần.
Đại vương không nghe kế của thần, thần thấy việc đại vương làm nhất định không
thành và chỉ ra trước rồi. Thần nghe nói Vi Tử qua nước cũ mà đau buồn, liền
làm bài Mạch tú chi ca, đó là nỗi đau vì vua Trụ không nghe lời vương tử Tỷ Can
vậy. Cho nên sách Mạnh tử viết: 'Vua Trụ là thiên tử cao quý mà chết không bằng
kẻ thất phu.' Ấy vì từ trước vua Trụ đã tự để mất thiên hạ lâu rồi, không phải
đến lúc chết mới bị thiên hạ bỏ rơi. Nay thần cũng trộm buồn vì đại vương vứt bỏ
ngôi vị vua của nước nghìn cỗ xe, nhất định sẽ ban thư tuyệt mệnh, trước mặt quần
thần, chết ở đông cung vậy." Thế rồi oán khí kết lại không tan,
nước mắt lưng tròng, đứng dậy, xuống thềm ra đi.
Hoài Nam vương có con ngành thứ là Lưu Bất Hại, lớn tuổi
nhất, không được yêu quý, vương, vương hậu, thái tử đều không coi là con cái,
anh em. Bất Hại có con là Kiến, tài cao có chí khí, thường oán trách thái tử
không ngó ngàng đến cha mình; lại oán bấy giờ con em chư hầu đều được phân
phong tước hầu, Hoài Nam vương chỉ có hai con trai, một làm thái tử, riêng cho
Kiến không được phong hầu. Kiến ngầm kết giao, muốn tố cáo lật đổ thái tử để
cha mình lên thay. Thái tử biết việc đó, nhiều lần bắt Kiến, dùng đòn tra khảo.
Kiến biết rõ mưu của thái tử muốn giết quan Trung úy nhà Hán, năm Nguyên Sóc thứ
sáu, liền phái bạn thân là Trang Chỉ ở Thọ Xuân dâng thư lên thiên tử nói rằng: “Thuốc
tốt đắng miệng nhưng lại cho trị bệnh, lời trung trái tai nhưng lại cho việc
làm. Nay cháu nội của Hoài Nam vương là Kiến, tài năng vượt trội, vương hậu của
Hoài Nam vương là Đồ và con của Đồ là thái tử Thiên thường ganh ghét làm hại Kiến.
Cha Kiến là Bất Hại không có tội mà nhiều lần bị bắt giam, định giết hại. Nay
Kiến còn đấy, có thể triệu đến hỏi, sẽ biết rõ những việc ngầm của Hoài Nam
vương.” Thư tấu lên, Hoàng thượng giao việc xuống cho Đình úy, Đình úy
giao cho quận Hà Nam xử trí. Bấy giờ cháu nội của Tịch Dương hầu khi trước là
Thẩm Khanh thân thiết với Thừa tướng Công Tôn Hoằng, oán Hoài Nam Lệ vương giết
cha ông mình, bèn ra sức nói việc của Hoài Nam vương với Hoằng, Hoằng bèn ngờ
Hoài Nam vương đang ủ mưu tạo phản, tra xét thật kỹ vụ án. Quận Hoài Nam thẩm
xét Kiến, Kiến liền khai việc liên quan đến thái tử của Hoài Nam vương và chuyện
bè đảng. Hoài Nam vương lo lắng, định khởi sự, hỏi Ngũ Bị rằng: “Triều
đình nhà Hán trị hay loạn?” Ngũ Bị đáp: “Thiên hạ yên trị.” Hoài
Nam vương tỏ ý không vui, bảo Ngũ Bị rằng: “Ông dựa vào đâu mà nói
thiên hạ yên trị” Bị đáp: “Bị trộm xem, chính sự triều đình, đạo
nghĩa vua tôi, thân tình cha con, biện biệt chồng vợ, thứ bậc lớn nhỏ, đều thuận
đạt lý, hoàng thượng làm việc tuân theo đạo cổ, phong tục kỷ cương không chỗ
nào thiếu khuyết. Phú thương chở đầy hàng hóa, đi khắp thiên hạ, đường không chỗ
nào không thông, nên việc trao đổi qua lại được thực thi. Nam Việt làm tân
khách đến thần phục, người Khương người đức vào dâng hiến, Đông Âu vào xin
hàng, mở rộng ải Trường Du, khai mở quận Sóc Phương, Hung Nô tróc vây gãy cánh,
mất chỗ cứu trợ không chấn khởi được. Dẫu chưa theo kịp thời thái bình thuở
xưa, cũng vẫn là một thời yên trị vậy.” Hoài Nam vương tức giận, Bị
xin lấy cái chết tạ tội. Hoài Nam vương bảo Bị rằng: “Phía đông Hào Sơn
nếu có quân đến, nhà Hán ắt sai đại tướng quân đến khống chế phía đông Hào Sơn,
ông cho đại tướng quân là người thế nào?” Bị đáp: “Bạn thân của
Bộ là Hoàng Nghĩa, theo đại tướng quân đi đánh Hung Nô, trở về, nói với Bị rằng:
'Đại tướng quân dùng lễ đối đãi sĩ đại phu, có ơn với quân sĩ, mọi người đều
vui khi được dùng. Cưỡi ngựa lên xuống núi nhanh như bay, tài cán hơn người.' Bị
cho là tài năng như thế, nhiều lần làm tướng luyện quân, chưa dễ gì chống được.
Cả Yết giả Tào Lương đi sứ Trường An về, nói đại tướng quân hiệu lệnh nghiêm
minh, đánh địch dũng cảm, thường tiến lên trước quân lính. Nghỉ ở quân doanh,
đào giếng chưa xong, quân lính thảy đều có nước uống, đại tướng quân mới dám uống.
Khi bãi binh, quân lính qua sông Hà hết, đại tướng quân mới qua sông. Được
Hoàng thái hậu tặng vàng lụa, đem chia hết cho tiểu lại trong quân. Dẫu các
danh tướng thời xưa cũng không hơn được vậy.” Hoài Nam vương im lặng.
Hoài Nam vương thấy Lưu Kiến được triệu đi tra khảo, sợ
âm mưu trong nước bị phát giác, định hành động, Bị cho là khó, bèn hỏi lại Bị rằng: “Ông
cho nước Ngô dấy binh là đúng hay sai?" Bị đáp: “Cho là
sai vậy. Ngô vương giàu sang tột cùng, làm việc không chính đáng, đến nỗi chết ở
Đan Đồ, đầu một nơi chân một nẻo, con cháu chẳng còn một ai. Thần nghe Ngô
vương vô cùng hối hận. Xin đại vương suy nghĩ kỹ việc đó, đừng để phải hối hận
như Ngô vương.” Hoài Nam vương nói: “Nam nhi chết chỉ vì một
câu nói thôi. Huống hồ Ngô vương đâu biết làm phản, một ngày tướng nhà Hán qua
Thành Cao đến hơn bốn mươi người. Nay ta lệnh cho Lâu Hoãn cắt đứt cửa khẩu
Thành Cao trước; sai Chu Bị hạ Dĩnh Xuyên, quân binh chặn đường Hoàn Viên, Y
Khuyết; sai Trần Định phát binh Nam Dương giữ Vũ Quan. Thái thú Hà Nam chỉ có Lạc
Dương thôi, đâu đáng lo. Như thế, mạn bắc còn có cửa quan Lâm Tấn, quận Hà
Đông, quận Thượng Đảng, quận Hà Nội và nước Triệu. Người ta nói: 'Cắt đứt cửa
khẩu Thành Cao, thiên hạ không thể đi qua.' Dựa vào sự hiểm yếu của Tam Xuyên,
chiêu tập quân binh phía đông Hào Sơn, hành động như thế, ông thấy thế
nào?" Bị đáp: “Thần chỉ thấy họa, chưa thấy điều phúc.” Hoài
Nam vương hỏi: “Tả Ngô, Triệu Hiền, Chu Kiêu Như đều cho là có phúc, mười
phần thì chín phần thành công, riêng ông cho là chỉ họa không phúc, tại sao?” Bị
đáp: “Trong các bề tôi được đại vương gần gũi tin yêu, người có thể sai
sử được quần chúng, đều bị hạ ngục từ trước, còn lại đều không dùng được.” Hoài
Nam vương hỏi: “Trần Thắng, Ngô Quảng không tấc đất cắm dùi, tụ họp được
nghìn người, dấy lên từ đầm lớn, vung tay hô lớn mà thiên hạ ứng theo, kéo sang
tây đến đất Hý mà quân đông đến trăm hai mươi vạn. Nay nước ta tuy nhỏ, nhưng
người có thể sung vào lính cũng hơn chục vạn, không chỉ những kẻ lưu đày, làm lính
thú, tay cầm cung nỏ, cán kích, sao ông cho là chỉ có họa mà không có phúc?” Bị
đáp: “Trước đây, triều Tần vô đạo, tàn hại thiên hạ. Phát động muôn cỗ
xe xuất hành, dựng cung A Phòng, thu thuế quá nửa nguồn thu của bách tính, khiến
người nghèo khổ đi làm lính thú, cha không thể khiến con an lành, anh không thể
làm em yên ổn, chính trị hà khắc, hình phạt tàn khốc, thiên hạ nháo nhác như bị
rang khô, dân đều ngỏng cổ mà trông, lắng tai mà nghe, ngẩng lên trời mà gào
khóc, vỗ ngực mà oán người trên, cho nên Trần Thắng hô lớn, thiên hạ hưởng ứng.
Nay bệ hạ cai trị thiên hạ, bốn bể quy về một mối, yêu khắp chúng dân, ban đức
thi ân. Miệng tuy chưa nói, âm thanh đã như sấm rền, hiệu lệnh dẫu chưa ban ra,
đức hóa đã lan như thần, trong lòng có điều suy nghĩ, uy động muôn dặm, người
dưới nghe theo người trên, như bóng theo hình vậy. Còn đại tướng quân tài năng
không chỉ như bọn Chương Hàm, Dương Hùng. Đại vương lấy Trần Thắng, Ngô Quảng
ra so sánh, Bị cho là nhầm vậy.” Hoài Nam vương hỏi: “Như lời
ông nói thì không thể cầu may chăng?" Bị đáp: “Bị có ngu
kế.” Hoài Nam vương hỏi: “Kế thế nào?" Bị
đáp: “Ngày nay chư hầu không có bụng khác, trăm họ không có lòng oán.
Quận Sóc Phương ruộng đất rộng, nước nhiều cỏ tốt, dân dời đến không đủ để lấp
đầy đất đó. Ngu kế của thần, có thể ngụy tạo thư của Thừa tướng và Ngự sử, dời
các bậc hào kiệt, hào hiệp ở các quận trong nước cho đến những kẻ có tội phải
chịu hình trở lên, xá miễn của họ, ai có gia sản từ năm mươi vạn trở lên, đều
chuyển gia thuộc đến quận Sóc Phương, phái giáp sĩ đốc thúc họ đến đúng hạn. Lại
ngụy tạo văn thư ngục tụng của Tả, Hữu tư không, Đô ty không, cùng các quan
trong Thượng lâm, truy bắt các thái tử và bề tôi sủng ái của chư hầu. Như thế
thì dân oán, chư hầu sợ, liền sai biện sĩ theo đó du thuyết, họa chẳng cầu may
được một phần mười chăng?" Hoài Nam vương nói: “Thế cũng
được. Có điều, ta cho là không đến nỗi thế.” Thế rồi Hoài Nam vương
sai đám nô lệ của quan phủ vào cung, làm ngọc tỷ của Hoàng đế, làm ấn tín của
Thừa tướng, Ngự sử, đại tướng quân, quân lại, Trúng nhị thiên thạch, Đô quan lệnh,
Thừa, cùng ấn tín của các Thái thú, Đô úy những quận kề bên, làm cờ tiết mũ mạo
nhà Hán, muốn theo kế của Ngũ Bị. Sai người vờ phạm tội chạy sang tây, phụng sự
đại tướng quân, Thừa tướng; một ngày kia phát binh, sai người giết đại tướng
quân Vệ Thanh, rồi thuyết Thừa tướng quy hàng, việc đó dễ như xòe chiếc lọng vậy.
Hoài Nam vương định phát động quân trong nước, sợ Tướng
quốc và các quan hàng hai nghìn thạch không nghe. Vương liền bàn mưu với Ngũ Bị,
trước tiên giết Tướng quốc, các quan hàng hai nghìn thạch; vờ trong cung có
cháy, Tướng quốc và các quan hàng hai nghìn thạch đến chữa cháy, đến sẽ giết
ngay. Bàn tính chưa quyết, lại định sai người mặc quần áo quân sĩ bắt trộm, cầm
bịch báo nguy cấp, từ phương đông đến, hô lên rằng: “Quân Nam Việt xâm
phạm biên giới”, muốn nhân đó để phát binh. Bèn sai người đến Lô
Giang, Cối Kê đi bắt trộm, chưa phát binh. Hoài Nam vương hỏi Ngũ Bị: “Ta
cất quân sang tây, chư hầu ắt có người hưởng ứng theo; nếu không theo thì phải
làm sao?” Bị đáp: “Phía nam thu lấy Hành Sơn để đánh vào Lô
Giang, chiếm thuyền ở Tầm Dương, phòng thủ thành Hạ Trĩ, giữ bến Cửu Giang, chặn
cửa Dự Chương, mang nỏ cứng đến Trường Giang phòng giữ, để quân Nam Quận xuôi
xuống, phía đông thu lấy Giang Đô, Cối Kê, phía nam liên kết với Nam Việt quân
mạnh, cố thủ ở khoảng Trường Giang và sông Hoài, có thể kéo dài được một thời
gian.” Hoài Nam vương nói: “Tốt, không cần thay đổi gì nữa. Nếu
nguy cấp thì chạy sang Nam Việt.”
Thế rồi Đình úy đem những lời của Kiến, cháu nội Hoài Nam
vương liên quan đến thái tử Thiên của Hoài Nam vương tâu lên triều đình. Hoàng
thượng sai Đình úy giám nhân đó bái kiến Trung úy Hoài Nam, đến bắt thái tử.
Đình úy giám đến Hoài Nam, Hoài Nam vương biết tin, cùng thái tử bàn mưu triệu
Tướng quốc và các quan hàng hai nghìn thạch, định giết rồi phát binh. Triệu Tướng
quốc, Tướng quốc đến; quan Nội sử đã ra ngoài. Trung úy nói: “Thần nhận
chiếu làm sứ giả, không thể đi yết kiến vương được.” Hoài Nam vương
nghĩ chỉ giết Tướng quốc còn quan Nội sử và Trung úy không đến thì cũng vô ích,
liền để Tướng quốc đi. Hoài Nam vương còn do dự, kế hoạch chưa quyết. Thái tử
nghĩ tội phạm phải là mưu sát quan Trung úy nhà Hán, người mưu tính với mình đã
chết, không còn ai để đối chất, bèn nói với Hoài Nam vương: “Quần thần,
người có thể dùng được đều bị bắt giam từ trước, nay không còn ai đủ khả năng
khởi sự nữa. Đại vương phát binh không đúng lúc chỉ e không thành công, thần
xin đến cho họ bắt.” Hoài Nam vương cũng muốn dừng mọi chuyện, liền đồng
ý với thái tử. Thái tử liền cắt cổ chết, không ai bị giết. Ngũ Bị tự đến chỗ
quan, nhân đó khai toàn bộ chuyện liên quan đến việc mưu phản với Hoài Nam
vương.
Đám quan lại nhân đó bắt thái tử, vương hậu, bao vây
vương cung, lùng bắt hết các tân khách trong nước cùng mưu phản với Hoài Nam
vương, tìm được đồ dùng để mưu phản, tâu lên triều đình. Hoàng thượng giao cho
các công khanh xử trí; các liệt hầu, quan viên hàng hai nghìn thạch, cùng hào
kiệt liên đới đến việc mưu phản của Hoài Nam vương lên tới mấy nghìn người, đều
luận theo tội nặng nhẹ để xử lý. Hành Sơn vương Tử, là em trai của Hoài Nam
vương đáng bị bắt, hữu ty xin bắt Hành Sơn vương. Thiên tử nói: “Chư hầu
ai nấy lấy nước phong làm gốc, không đáng xử liên lụy. Hãy cùng các chư hầu
vương, liệt hầu cùng Thừa tướng và các bề tôi bàn nghị.” Bọn Triệu
vương là Bành Tổ, liệt hầu là Nhượng gồm bốn mươi ba người bàn bạc, đều
nói: “Hoài Nam vương là An thực đại nghịch vô đạo, mưu phản đã rõ, đáng
tội chết.” Giao Tây vương là Đoan bàn rằng: “Hoài Nam vương là
An, phế bỏ pháp chế, làm điều gian tà, mang lòng dối trá, làm loạn thiên hạ, mê
hoặc trăm họ, phản bội tông miếu, nói điều xằng bậy. Sách Xuân
thu viết: Bề tôi không được phản nghịch, phản nghịch thì giết.' Tội
của An nặng hơn phản nghịch, việc mưu phản đã định rõ. Thần là Đoan thấy văn
thư, phù tiết, ấn tỷ, địa đồ công việc phản nghịch vô đạo của y, tra xét rõ
ràng, thật là đại nghịch vô đạo, đáng xử theo phép nước. Còn luận đến quan viên
hàng hai trăm thạch trở lên trong nước phong của Hoài Nam vương, bề tôi được gần
gũi tin yêu trong tông thất không bị xử theo pháp chế, nhưng không bảo ban được
nhau, đáng bị bãi quan, cắt bỏ tước phong, phạt xuống làm lính, không được làm
quan nữa. Người không phải quan lại, sẽ phải nộp hai cân tám lạng vàng để chuộc
tội chết. Cần tỏ rõ tội trạng của An, khiến thiên hạ biết rõ đạo thần tử, không
dám có ý gian tà bội bạn nữa.” Bọn Thừa tướng là Hoằng, Đình úy là
Thang tâu lên, Thiên tử sai quan Tông chính đem phù tiết đến trị tội Hoài Nam
vương. Chưa đến nơi, Hoài Nam vương đã cắt cổ chết. Vương hậu là Đồ, thái tử là
Thiên cùng những người tham dự âm mưu làm phản đều bị giết cả họ. Do Ngũ Bị nhiều
lần dẫn chính giáo tốt đẹp của nhà Hán nên thiên tử không muốn giết. Đình úy là
Thang nói: “Bị vạch mưu làm phản cho Hoài Nam vương đầu tiên, tội không
thể tha.” Bèn giết Bị. Nước phong của Hoài Nam vương bị phế thành quận
Cửu Giang.
Hành Sơn vương Lưu Tứ
Hành Sơn vương là Tứ, vương hậu Thừa Thư sinh được ba người
con, trưởng nam là Sảng làm thái tử, thứ nam là Hiếu, con gái út là Vô Thái. Lại
có người thiếp là Từ Lai sinh được con trai con gái bốn người, mỹ nhân Quyết Cơ
sinh được hai người con. Anh em Hành Sơn vương, Hoài Nam vương dùng lễ tiết
trách cứ nhau, đôi bên xa cách, không thể hòa hợp. Hành Sơn vương nghe nói Hoài
Nam vương chuẩn bị làm việc phản nghịch, trong lòng cũng muốn kết giao tân
khách để ứng phó, sợ bị thôn tính.
Năm Nguyên Quang thứ sáu, Hành Sơn vương vào triều, Yết
giả là Vệ Khánh có phương thuật, muốn dâng thư xin phụng sự thiên tử, Hành Sơn
vương giận, cố ý đàn hặc Vệ Khánh tội chết, ra sức đánh đòn bắt Khánh nhận tội.
Quan Nội sử của Hành Sơn vương cho việc đó không đúng, không chịu xử lý vụ ngục
tụng đó, Hành Sơn vương sai người dâng thư tố cáo Nội sử, Nội sử xử lý vụ án,
nói vương không công bằng. Hành Sơn vương lại nhiều lần xâm chiếm ruộng của người,
hủy hoại mồ mả người ta để làm ruộng. Hữu ty đề nghị bắt xử Hành Sơn vương.
Thiên tử không chấp thuận, thiết đặt các quan lại hàng hai trăm thạch trở lên.
Hành Sơn vương vì thế oán hận, cùng bàn mưu với Hề Từ, Trương Quảng Xương, tìm
người giỏi binh pháp, xem tinh tượng, thông tường khí hậu, ngày đêm xúi giục
Hành Sơn vương bí mật bàn mưu làm phản.
Vương hậu Thừa Thư chết, lập Từ Lai làm vương hậu. Quyết
Cơ cũng được sủng ái. Hai người đố kỵ nhau, Quyết Cơ liền nói xấu vương hậu Từ
Lai với thái tử rằng: “Từ Lai sai tỳ nữ dùng thuốc độc giết mẹ của thái
tử.” Thái tử trong lòng oán Từ Lai. Anh trai Từ Lai đến Hành Sơn, thái
tử cùng uống rượu, dùng dao đâm anh trai vương hậu bị thương. Vương hậu oán giận,
nhiều lần nói xấu thái tử với Hành Sơn vương. Em gái thái tử là Vô Thái, sau
khi xuất giá bỏ nhà chồng về, thông gian với nô bộc, lại thông gian với tân
khách. Thái tử nhiều lần trách mắng Vô Thái, Vô Thái giận, không qua lại với
thái tử. Vương hậu biết việc đó, liền đối xử tốt với Vô Thái. Vô Thái cùng anh
giữa là Hiếu từ nhỏ mất mẹ, nương cậy vương hậu, vương hậu bày kế yêu quý họ, để
cùng hủy báng thái tử, Hành Sơn vương vì thế nhiều lần đánh đòn thái tử. Trong
năm Nguyên Sóc thứ tư, có người làm dưỡng mẫu của vương hậu bị thương, Hành Sơn
vương ngờ thái tử sai người làm việc đó, đánh đòn thái tử. Sau, vương bị ốm, bấy
giờ thái tử thác bệnh không hầu hạ. Hiếu cùng vương hậu và Vô Thái nói xấu thái
tử: “Thái tử thực ra không bị bệnh, tự thác bệnh, nét mặt có vẻ vui mừng.” Vương
cả giận, định phế thái tử, lập em thái tử là Hiếu lên thay. Vương hậu biết
vương quyết ý phế truất thái tử, lại muốn phế luôn cả Hiếu. Vương hậu có con hầu,
giỏi múa, vương sủng ái, vương hậu muốn sai con hầu dâm loạn với Hiếu để bôi nhọ,
định phế luôn cả anh em rồi lập con mình là Quảng thay làm thái tử. Thái tử Sảng
biết việc đó, nghĩ vương hậu nhiều lần nói xấu mình, muốn dâm loạn với vương hậu
để bịt miệng. Vương hậu uống rượu, thái tử tiến đến trước mặt chúc thọ, nhân đó
rờ đùi vương hậu, xin ngủ với vương hậu. Vương hậu giận, tố cáo với Hành Sơn
vương. Vương bèn triệu thái tử đến, muốn trói lại đánh đòn. Thái tử biết vương
luôn muốn phế mình để lập em mình là Hiếu lên thay, liền nói với vương rằng: “Hiếu
thông gian với thị nữ của đại vương, Vô Thái thông gian với nô bộc, đại vương gắng
ăn uống, xin được dâng thư lên triều đình.” Rồi quay lưng bỏ đi. Vương
sai người ngăn lại, không ai cản được, bèn đích thân ngồi xe ngựa đuổi bắt thái
tử. Thái tử nói lời hủy báng, bị Hành Sơn vương đóng cùm giam trong cung. Hiếu
ngày càng được gần gũi sủng ái. Hành Sơn vương cho Hiếu có tài lạ, bèn ban
vương ấn, hiệu là tướng quân, sai ở nhà phía ngoài cung, cấp cho nhiều tiền
vàng, được chiêu tập tân khách. Tân khách đến, lờ mờ biết Hoài Nam vương và
Hành Sơn vương có mưu làm phản, ngày đêm xúi giục kích động. Hành Sơn vương bèn
sai tân khách của Hiếu là Cứu Hách và Trần Hỷ người Giang Đô chế tạo chiến xa,
tên sắt, khắc ngọc tỷ thiên tử, cùng ấn tín tướng võ tướng văn, các quan trong
quân. Hành Sơn vương ngày đêm cầu tìm tráng sĩ như bọn Chu Khâu[4], nhiều lần vạch kế thời Ngô, Sở làm phản để ước
thúc thuộc hạ. Hành Sơn vương không dám bắt chước Hoài Nam vương mong được lên
ngôi thiên tử, sợ Hoài Nam vương nổi dậy chiếm nước phong của mình, cho là sau
khi Hoài Nam vương kéo sang tây, sẽ phát binh bình định chiếm vùng Giang Hoài,
chỉ mong như thế.
Mùa thu năm Nguyên Sóc thứ năm, đáng lẽ Hành Sơn vương phải
vào triều, qua Hoài Nam, Hoài Nam vương bèn nói chuyện anh em, trừ bỏ hiềm
khích trước đây, hẹn chuẩn bị mọi thứ để làm phản. Hành Sơn vương liền dâng thư
thác bệnh, hoàng thượng ban thư không phải vào chầu.
Trong năm Nguyên Sóc thứ sáu, Hành Sơn vương sai người
dâng thư xin phế thái tử Sảng, lập Hiếu lên thay. Sảng hay tin, liền phái bạn
thân là Bạch Doanh đi Trường An dâng thư, nói Hiếu làm chiến xa, tên sắt, thông
gian với thị nữ của Hành Sơn vương, muốn Hiếu phải thân bại danh liệt. Bạch
Doanh đến Trường An, chưa kịp dâng thư, quan lại bắt Doanh, cho là có liên quan
đến việc mưu phản của Hoài Nam vương. Hành Sơn vương nghe tin Sảng phái Bạch
Doanh dâng thư lên triều đình, sợ y nói những việc ngầm trong nước phong, liền
dâng thư tố ngược thái tử Sảng có tội đại nghịch bất đạo đáng chém ngoài chợ thị
chúng. Việc giao xuống cho quận Bái xử lý. Mùa đông năm đầu niên hiệu Nguyên
Thú, quan công khanh ở hữu ty giao cho quận Bái tìm bắt những kẻ mưu phản với
Hoài Nam vương chưa bị bắt, bắt được Trần Hỷ ở nhà Hiếu, con trai Hành Sơn
vương. Quan lại hạch tội Hiếu che giấu Hỷ. Hiếu cho là Trần Hỷ đã nhiều lần
cùng Hành Sơn vương tính mưu làm phản, sợp cáo giác mình, nghe nói theo luật tự
thú trước sẽ được miễn tội, lại ngờ thái tử sai Bạch Doanh dâng thư các giác
chuyện mưu phản, liền tự thú trước, cáo giác những kẻ tham gia mưu phản là bọn
Cứu Hách, Trần Hỷ. Đình úy tra án, các công khanh đề nghị bắt Hành Sơn vương trị
tội. Thiên tử nói: “Chớ bắt.” Sai quan Trung úy là An, quan Đại
hành là Tức kíp đến hỏi Hành Sơn vương, vương đem tình thực nói lại tất cả.
Quan lại bao vây vương cung rồi phòng giữ. Trung úy và Đại hành trở về triều
báo tin, các công khanh đề nghị sai quan Tông chính, Đại hành cùng quận Bái
tham gia xử lý vụ việc của Hành Sơn vương. Hành Sơn vương nghe tin, liền cắt cổ
tự sát. Hiếu đầu thú trước việc mưu phản, được miễn tội; nhưng liên quan đến việc
thông gian với thị nữ của Hành Sơn vương, bị chém ngoài chợ thị chúng. Vương hậu
Từ Lai cũng liên quan đến việc hạ độc giết vương hậu trước đây là Thừa Thư,
thái tử Sảng bị Hành Sơn vương tố cáo tội bất hiếu, cũng bị chém ngoài chợ thị
chúng. Những người mưu phản cùng Hành Sơn vương đều bị giết cả họ. Nước phong bị
phế, thành quận Hành Sơn.
Thái sử công bàn rằng: Điều Kinh Thi ghi: “Phải
đánh Nhung, Địch; trừng trị Kinh, Thư[5], lời ấy
đáng tin thay! Hoài Nam vương và Hành Sơn vương tình thân cốt nhục, đất đai
ngàn dặm, liệt hàng chư hầu, không chuộng noi chức phận của phiên thần đặng phụ
giúp thiên tử, mà lại chăm chăm tính kế gian tà, mưu toan phản nghịch, cha con
hai lần mất nước, ai nấy đều không có kết cục tốt, bị thiên hạ chê cười. Đó
không chỉ là lỗi lầm của vua, mà còn do phong tục mỏng bạc, đám bề tôi dần bị
nhiễm, khiến nên như vậy. Xét, người Kinh Sở dũng mãnh hung tợn, thích làm loạn,
từ xưa đã ghi thế rồi.
Chú thích.
[1] Thành đán thung: một dạng hình phạt
thời Tần-Hán, thường ở mức bị sung làm nô, hoặc phải đi lao dịch.
[2] Ý nói thiên tử băng
hà.
[3] Ý nói nếu làm phản sẽ
bị diệt quốc, cung khuyết phồn hoa sẽ biến thành chỗ đổ nát hoang vu.
[4] Chu Khâu: một viên tướng của
nước Ngô, người ở Hạ Phì, dốc sức giúp Ngô vương làm phản, lập được chiến công.
Quân Ngô thất bại, Chu Khâu cầm quân về Hạ Phì, chưa đến nơi thì ốm chết.
[5] Phải đánh Nhung, Địch; trừng trị Kinh, Thư Hai câu này trích dẫn từ bài “Bí cung"
trong phần "Lỗ tụng" của Kinh Thi. Nhung: chỉ những tộc
người thiểu phía tây; Địch: chỉ những tộc người thiểu số ở phía bắc; Kinh: nước
Kinh, tức nước Sở; Thư: nước Thư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét