SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)
Phạm Văn Ánh dịch
QUYỂN 117
TƯ MÃ TƯƠNG NHƯ LIỆT
TRUYỆN (phần 2)
Tương Như làm quan Lang được mấy năm, gặp khi Đường Mông
được sai đi đánh, thông đường từ Dạ Lang đến đất Bắc ở phía tây, phát động
nghìn quan lại sĩ tốt Ba-Thục, quận cũng phát động hơn vạn người vận lương theo
đường thủy bộ, dùng quân pháp để giết người cầm đầu phản đối, khiến dân Ba-Thục
khiếp sợ. Hoàng thượng nghe việc đó, liền sai Tương Như đến trách Đường Mông,
nhân đó hiểu dụ dân Ba-Thục rằng đó không phải chủ ý của Hoàng thượng. Lời hịch
như sau:
“Báo cho Thái thú Ba-Thục biết: Man di
tự tung tự tác, từ lâu không bị thảo phạt, thường hay xâm phạm biên cương, khiến
tướng sĩ phải vất vả. Bệ hạ lên ngôi, vỗ về thiên hạ, giữ yên Trung nguyên. Sau
đó huy động quân binh, bắc phạt Hung Nô, Thiền vu sợ hãi, chắp tay thần phục,
quỳ gối xin hòa. Khang Cư, Tây Vực, qua nhiều lần thông dịch xin vào chầu, dập
đầu dâng cống. Dời quân trỏ sang đông, Mân Việt cùng bị giết. Rồi đến Phiên
Ngung, Thái tử vào chầu. Vua các nước nam di, tộc trưởng Tây Cức, thường ra sức
dâng cống, không dám bỏ bê, nghển cổ kiễng chân, khao khát tranh nhau theo về
điều nghĩa, muốn làm thần tử, đường sá xa xôi, non sông cách trở, không thể
đích thân đến tỏ thành ý. Xét lẽ, kẻ không thuận theo đã bị giết, còn người làm
điều thiện chưa được ban thưởng, cho nên sai Trung lang tướng đến sai vào chầu,
phát động quân dân Ba-Thục, mỗi nơi năm trăm người, để cung phụng tiền lụa, bảo
vệ sứ giả, đề phòng bất trắc, không có việc binh đao, nỗi lo chinh chiến. Nay
nghe Trung lang tướng hưng binh dấy pháp, khiến con em trăm họ kinh sợ, bậc trưởng
lão lo lắng, quận cũng tự ý chuyển vận lương thảo, đều không phải chú ý của bệ
hạ. Người đáng phải làm thì hoặc bỏ trốn hay tự sát, đó cũng không phải tiết
tháo của bề tôi vậy.
Phàm binh sĩ ở quận vùng biên, thấy lửa
hiệu nổi lên, đều giương cung phi ngựa, vác binh khí xông lên, mồ hôi đầm đìa,
chỉ sợ đi sau, mình đụng mũi giáo, đầu đội mưa tên, vì nghĩa không ngước nhìn lại,
không nghĩ đến chuyện quay gót, người người lòng đầy khí giận, như báo thù
riêng. Những người kia há thích chết ghét sống, không phải dân được biên chép
trong hộ tịch, không cùng chúa với dân Ba-Thục ư? Họ suy nghĩ sâu xa, cứu cấp
nguy nan của đất nước, vui trọn đạo của kẻ làm tôi. Cho nên có người được chẻ lệnh
phù để phong tặng, chia tặng ngọc khuê để ban tước, địa vị liệt hầu, được ở nhà
tốt phía đông thành, khi chết để danh hiển cho đời sau, truyền đất đai cho con
cháu, hành sự hết sức trung thành kính cẩn, làm quan rất mực yên ổn thảnh thơi,
thanh danh truyền mãi vô cùng, công tích rạng ngời bất diệt. Thế nên hiền nhân
quân tử, dẫu gan óc lầy đất Trung nguyên, máu tưới cỏ nội cũng không từ. Nay phụng
lệnh mang tiền lụa đến nam di, liền tự giết nhau, có kẻ trốn tránh để rồi bị giết,
thân chết mà không tên tuổi, chết còn bị coi là chí ngu, nhục lấy cả cha mẹ, bị
thiên hạ chê cười. Khi độ của con người ta, vượt nhau há chẳng xa ư? Dầu thế,
đây không chỉ là tội của người được trưng dụng, còn là lỗi cha anh dạy bảo
không chu đáo, không làm gương cẩn trọng cho con em; kém phần liêm sỉ, mà phong
tục rất kém thuần hậu. Họ chịu hình phạt, chẳng cũng đúng sao!
Bệ hạ lo sứ giả và hữu ti cũng như thế,
dân ngu kém cỏi đáng thương cũng sẽ như vậy, nên sai tín sứ hiểu dụ trăm họ về
việc phát động quân sĩ, nhân đó trách tội những người bất trung đáng chết,
trách lỗi Tam lão[146] và quan viên phụ trách không chịu
dạy bảo hiếu đễ. Nay đương lúc việc ruộng đồng bận rộn, lại phiền đến trăm họ,
đích thân báo cho người ở huyện gần, sợ dân ở suối hang núi chằm xa xôi không
được biết, hịch truyền đến, kíp phát xuống huyện, đạo, khiến thảy đều biết ý của
bệ hạ, chớ có xem nhẹ.”
Tương Như về triều báo lại. Đường Mông đã đánh chiếm,
khai thông đường đến Dạ Lang, nhân đó mở đường đến các tộc di ở phía tây nam,
phát động quân ở đất Ba, Thục, Quảng Hàn, được mấy vạn người. Làm đường hai
năm, chưa làm xong đường, quân sĩ nhiều người chết, phí tổn hàng vạn. Dân Thục
cho đến quan chức nhà Hán, nhiều người nói việc đó không có lợi. Bấy giờ quân
trưởng các đất Cung và Tạc nghe tin nam di qua lại với nhà Hán, được ban thưởng
hậu, nhiều lần muốn xin làm tôi thần nội phụ, xin lập quan lại, như với nam di.
Hoàng thượng hỏi Tương Như, Tương Như đáp: “Các đất Cung, Tạc, Nhiễm,
Mang gần Thục Quận, đường sá dễ khai thông, thời Tần từng khai thông đến, lập
thành quận huyện, khi nhà Hán hưng khởi thì bãi bỏ. Nay nếu thực muốn khai
thông trở lại, lập thành quận huyện, cần kíp hơn vùng nam di.” Hoàng
thượng cho là phải, bèn phong Tương Như làm Trung lang tướng, mang phù tiết đi
sứ. Phó sử Vương Nhiên Vu, Hồ Sung Quốc, Lã Việt Nhân dùng bốn cỗ xe trạm dịch,
thông qua quan lại ở Ba-Thục, mang tiền của hối lộ tây di. Đến Thục Quận, Thái
thú Thục Quận cho đến thuộc hạ ra tận ngoài thành nghênh đón, Huyện lệnh đeo
tên nỏ đi trước, người Thục cho là vinh dự. Thế rồi Trác Vương Tôn, các quan ở
Lâm Cung đều đến dưới cửa dâng bò rượu để kết giao. Trác Vương Tôn bùi ngùi
than thở, cho là con gái lấy Tư Mã Tương Như quá muộn, rồi chia hậu hĩnh cho
con gái mình, ngang bằng chia cho con trai. Tư Mã Trường Khanh bèn bình định
tây di, quân trưởng các đất Cung, Tạc, Nhiễm, Mang, Tư Du đều xin làm bề tôi nội
phụ. Bỏ quan ải biên giới, mở rộng cửa quan, phía tây đến đất Muội, Nhược Thủy,
phía nam đến Tang Kha làm biên giới, thông đường đến Linh Quan, làm cầu ở Tôn
Thủy, để thông đến Củng Đô. Tương Như về báo với Hoàng thượng, Hoàng thượng cả
mừng.
Khi Tương Như đi sứ, trưởng lão đất Thục nhiều người nói
khai thông mạn tây nam di không có lợi, ngay đại thần cũng cho là như vậy.
Tương Như định can ngăn, nhưng trước đã kiến nghị việc đó, không dám nói, liền
viết thư, mượn lời các phụ lão đất Thục, rồi tự mình chất vấn, để phúng gián
thiên tử, lại nhân đó tuyên bố ý đồ của sứ giả, khiến trăm họ biết tâm ý của
thiên tử. Lời thư rằng:
“Nhà Hán hưng khởi bảy mươi tám năm,
thịnh đức đã truyền sáu đời[147], uy vũ lớn lao, ân đức sâu rộng,
chúng dân thấm nhuần ơn trạch, mênh mang truyền tận cõi ngoài. Thế rồi bèn hạ lệnh
sứ giả sang tây, theo dòng thẳng tới, phong hóa bao trùm, không đâu không rạp
theo. Nhân đó người đất Nhiễm vào chầu, người đất Mang thần phục, bình định đất
Tạc, vỗ về đất Củng, đánh chiếm Tư Du, chiếm lấy Bao Mãn, ngựa xe nối đuôi trở
về, hướng về phía đông hồi báo, đến đô thành Thục Quận.
Hai mươi bảy vị kỳ lão, sĩ đại phu,
quan chức, tiên sinh, nghiêm trang đến bái phỏng. Hỏi han xong, nhân tiến đến
nói: 'Từng nghe thiên tử đối với di địch, chỉ muốn ràng buộc không dứt mà thôi.
Nay muốn sai quân sĩ ba quận mỏi mệt, khai thông đường Dạ Lang, ba năm mà việc
chưa xong, sĩ tốt vất vả khó khăn, muôn dân không được đủ đầy, nay lại tiếp tục
khai thông đường đến tây di, trăm họ kiệt sức, chỉ e không thể hoàn thành công
việc, đó cũng là mối lụy của sứ giả vậy, trộm lo thay cho ngài. Huống nữa đất
Cung, Tạc, Tây Cức sánh cùng Trung nguyên, tới nay trải nhiều năm, không thể nhớ
nổi nữa. Người có lòng nhân không dùng đức để chiêu dụ, người mạnh không dùng sức
để chiếm lấy, xem ra không thể nói rõ được! Nay cắt bớt của bách tính để
giúp phường di địch, khiến trăm họ mỏi mệt, cung phụng cho chỗ vô dụng[148], kẻ thô bỉ này vốn thiển lậu, không biết phải nói
thế nào.'
Sứ giả nói: 'Sao lại nói thế? Nếu như
lời các vị nói, đất Thục không cần thay đổi trang phục, mà đất Ba không phải
thay đổi phong tục vậy. Tôi thường không thích nghe những điều đó. Nhưng việc
này trọng đại, vốn không phải là điều người bàng quan có thể thấy được. Hành
trình của tôi gấp gáp, không thể nghe nói một cách tỉ mỉ, xin vì các vị trình
bày đại thể.
Phàm ở đời ắt có người phi thường, sau
đó mới có sự việc phi thường; có việc phi thường, sau đó mới có công lao phi
thường. Điều phi thường vốn là điều người thường cho là lạ vậy. Cho nên nói khởi
đầu phi thường, chúng dân sợ hãi; đến khi thành công, thiên hạ được thanh bình
an lạc.
Xưa, nước lụt cuồn cuộn, lan tràn khắp
nơi, dân chúng lên xuống chuyển dời, nhấp nhổm không yên. Họ Hạ Hậu[149] lo
lắng về việc đó, bèn lấp chặn nước lụt, khơi thông sống lạch, phân dòng nước
sâu, cứu giúp người bị thủy tai, nước lụt theo hướng đông đổ ra biển, mà thiên
hạ được yên ổn mãi mãi. Chịu nỗi vất vả đó, há chỉ có dân chúng thôi sao? Trong
lòng ưu phiền còn thân thì vất vả mà làm, tay chân phồng rộp, gầy đét, da không
mọc được lông. Cho nên công lao tốt đẹp rạng rỡ vô cùng, danh tiếng còn được
truyền tụng đến nay.
Vả lại bậc vua hiền lên ngôi, há chỉ lặt
vặt hẹp hòi, câu chấp vào văn từ, bị lôi kéo bởi thế tục, noi theo thói cũ, cốt
làm vui lòng người đời thôi sao! Nhất định phải bàn luận những điều cao xa,
sáng lập cơ nghiệp, truyền lại mối rường, làm khuôn mẫu cho muôn đời. Cho nên
ruổi rong qua lại, dung nạp gồm thâu; rồi suy nghĩ đắn đo, sánh cùng trời đất.
Vả Kinh Thi chẳng có viết ư: 'Khắp dưới gầm trời, đâu chẳng phải đất của vua;
men các vùng đất ven bờ, có ai không phải bề tôi của vua[150]. Vậy
nên, trong lục hợp[151], ngoài tám phương[152],
dần dà thấm sâu, vật nào loài nào không thấm nhuần ân trạch, bậc vua hiền coi
đó là điều hổ nhục. Nay trong lãnh thổ, hàng mũ đai[153] đều
được tốt đẹp, phúc lành, không có điều gì thiếu sót. Còn di địch là nước có
phong tục khác, là tộc sống ở vùng xa xôi cách trở, xe thuyền không thông, ít
người lui tới, chính giáo chưa thi hành đến, phong hóa còn mờ nhạt. Thu nạp thì
tại biên cảnh xâm phạm lễ nghĩa, cự tuyệt thì ngạo ngược hoành hành, đuổi giết
vua mình. Vua tôi đổi chỗ, cao thấp không có thứ tự, cha anh vô tội mà bị giết,
trẻ nhỏ con côi bị làm nô bộc, người bị hệ lụy gào khóc, lòng hướng về triều
Hán mà oán thán, nói: 'Từng nghe Trung nguyên có bậc chí nhân, ân đức rộng khắp,
không vật gì không đúng vị trí của mình, nay sao riêng ta bị bỏ rơi?' Kiễng gót
chân lên, hết lòng mến mộ, giống như cây hạn trông mưa. Kẻ hung bạo cũng vì thế
nhỏ lệ, huống hồ là bậc thượng thánh, sao có thể ngừng được[154].
Cho nên phía bắc thì xuất quân thảo phạt Hung Nô hùng mạnh, phía nam sai sứ khiển
trách Nam Việt cương cường. Bốn mặt bao trùm đức hóa, vua của hai phương[155] xếp
hàng như vảy cá ngưỡng trông, muôn vàn người mong được phong hiệu. Thế rồi lấy
đất Muội đất Nhược làm quan ải, lấy đất Tang Kha làm biên giới, đục thông đường
Linh Sơn, bắc cầu ở Tôn Nguyên. Khai mở con đường đạo đức, truyền lại rường mối
nghĩa nhân. Muốn mở rộng ơn đức, vỗ về phương xa, chế ngự lâu dài, khiến nơi xa
xôi không bị đóng kín, nơi cách trở tối tăm được sáng soi rạng tỏ, để chốn này
dứt hết chiến tranh, nơi nọ không còn chinh phạt. Gần xa một thể, trong ngoài
yên ổn hạnh phúc, chẳng cũng an lạc lắm sao? Xét lẽ, cứu vớt dân khỏi đắm chìm,
noi đức tốt đấng chí tôn, đảo ngược hỏng nát của đời suy vi, kế thừa nghiệp đã
dứt của nhà Chu, đó là việc làm cấp bách của thiên tử vậy. Trăm họ dẫu vất vả,
nhưng sao có thể ngưng được?
Vả lại, phàm nghiệp của đế vương không
việc gì khởi đầu không lo toan khó nhọc, nhưng cuối cùng được an lạc. Vậy thì
điềm lành nhận mệnh từ trời, chính hợp với việc này vậy. Đang muốn thêm lễ ở
núi Thái Sơn, tăng việc ở núi Lương Phủ[156], chuông ngựa reo vang, nhạc vui réo rắt,
trên ngang Ngũ đế, dưới vượt Tam vương. Người nhìn không thấy chủ ý, người nghe
không thấy thanh âm, như con tiêu minh[157] đã bay liệng trên tầng không
thăm thẳm, mà người giăng lưới còn nhìn ở ao đầm. Buồn thay!
Thế rồi các vị đại phu mơ mơ màng
màng, quên hết những điều chất chứa, cùng những lời muốn tiến dâng, đều bùi
ngùi xưng tụng: 'Đáng tin thay đức của nhà Hán, đó là những điều bọn bỉ nhân
này muốn được nghe vậy. Trăm họ dẫu mỏi mệt, cũng xin đem thân mình làm gương
trước.' Nói xong buồn bã thoái lui, nấn ná giây lát, từ biệt ra đi.”
Về sau, có người dâng thư lên Hoàng thượng nói khi đi sứ
Tương Như nhận vàng, [thế là Tương Như] bị bãi quan. Được hơn một năm, lại được
triệu làm quan Lang.
Tương Như miệng nói lắp nhưng giỏi viết văn. Thường có bệnh
tiêu khát[158].
Kết hôn với con gái họ Trác, nhiều của cải. Tương Như ra làm quan, chưa từng muốn
cùng bàn quốc sự với hàng công khanh, thác bệnh để được sống nhàn, không chuộng
quan tước. Từng theo Hoàng thượng đi săn ở Trường Dương[159], bấy giờ thiên
tử đang muốn tự tay giết con bi và con lợn rừng, cưỡi ngựa rượt đuổi dã thú,
Tương Như dâng sớ can ngăn. Lời sớ như sau:
“Thần từng nghe, vật có cùng loài
nhưng khả năng lại khác, nên về sức vóc thì khen Ô Hoạch[160],
về nhanh nhạy thì nói Khánh Kỵ[161], về dũng mãnh thì mong như Mạnh Bôn,
Hạ Dục. Thần ngu muội, trộm cho con người như vậy, loài thú cũng thế. Nay bệ hạ
thích lên nơi hiểm yếu, bắn mãnh thú, thình lình gặp loài thú quá nhanh, trong
lúc không đề phòng ngựa giật mình kinh sợ, phạm đến xa giá và xe tùy tòng, xe
không kịp quay đầu, người không kịp giở khéo, lúc đó dẫu có thuật như Ô Hoạch,
Phùng Mông[162], sức ấy cũng không thể đem dùng được,
cây khô gốc mục đều trở nên nguy hiểm. Vậy mà người Hồ người Việt dấy lên ngay
dưới bánh xe, còn người Khương người Di tiếp bên trục xe, há không nguy ư? Dẫu
vạn toàn không xảy điều gì lo lắng, nhưng đây vốn không phải chỗ thiên tử nên đến
gần.
Vả lại, dẹp đường rồi mới đi, đánh xe
đi giữa đường, còn xảy ra việc làm thiết ngựa hỏng, đòn xe bị long, huống chi
băng chỗ đồng hoang, ruổi nơi gò đống, phía trước có niềm vui săn được thú, mà
trong lòng không để ý sự biến, vậy thì tai họa cũng chẳng khó gì! Xét lẽ, coi
nhẹ sức nặng của ngôi vua vạn thặng, không lấy sự yên ổn làm vui, lại coi chỗ
nguy hiểm trong muôn một làm vui, thần trộm cho bệ hạ không nên theo cách ấy.
Đại để, người sáng suốt thấy việc từ
khi chưa manh nha, người trí tuệ tránh nguy từ khi chưa hình thành, họa vốn phần
nhiều náu ở chỗ ẩn vị mà phát ra ở nơi người ta xem thường vậy. Cho nên ngạn ngữ
dân gian có câu: 'Nhà có ngàn vàng, không ngồi dưới mái hiên’ [163].
Lời ấy tuy nhỏ nhặt, có thể dùng ví dụ việc lớn. Thần xin bệ hạ lưu tâm xét kỹ.”
Hoàng thượng khen lời sớ. Trở về qua cung Nghi Xuân, Tương
Như tấu bài phú để tỏ đau thương về những việc lầm lỡ của Tần Nhị thế. Lời phú
như sau[164]:
“Lên sườn non dài chênh chênh chừ,
Một con đường vào cung điện tầng tầng
chót vót.
Đến bờ bãi sông Khúc Giang chừ,
Xa trông núi nam lô nhô.
Núi thẳm cao vời lại quạnh quẽ chừ,
Hang thông rộng lớn chừ trống trải.
Dòng nước chảy xiết đến miền xa chừ,
Đổ vào đồng, ao rộng phẳng.
Xem muôn cây đầy tươi tốt chừ,
Ngó rừng trúc xanh từng lùm.
Ruổi ngựa sang ngọn núi đất phía đông
chừ,
Phía bắc xốc áo đến dòng nước tuôn trên
đá.
Giong cương chầm chậm chừ,
Điếu viếng Nhị thế.
Giữ mình bất cẩn chừ,
Thất thế, mất nước.
Tin lời gièm không tỉnh ngộ chừ,
Tông miếu đổ nát.
Than ôi xót thay!
Đức hạnh không trọn chừ,
Mộ phần hoang vu không được tu sửa chừ,
Hồn không chỗ về cũng chẳng được ăn.
Càng xa xôi thì càng không ai nhớ đến,
Càng lâu dài thì càng bị lãng quên.
Tinh linh dật dờ bay cao chừ,
Hãy bay lên chín tầng trời rồi đi mãi.
Than ôi xót thay!”
Tương Như được giao làm quan nhỏ trông coi lăng mộ Hiếu
Văn đế. Sau việc thiên tử khen ngợi bài phú “Tử Hư”, Tương Như thấy Hoàng thượng
thích đạo tiên, nhân đó nói: “Bài phú vườn Thượng lâm chưa đủ coi là đẹp,
còn bài hoa mỹ hơn nữa. Thần từng làm bài Đại nhân phú, chưa xong, xin cho thần
viết xong sē trình lên.” Tương Như cho rằng theo truyền thuyết các vị
tiên ở vùng núi đầm, hình dung gầy guộc, đó không phải ý của đế vương về đạo
tiên, thế rồi hoàn thành bài “Đại nhân phú” [165], lời phú rằng:
Trên đời có bậc đại nhân[166] chừ,
ở tại Trung châu. [167]
Nhà khắp muôn dặm chừ, mà chưa đủ để ở
lại.
Buồn vì sự bức bách, chật chội của thế
tục chừ, bèn nhẹ bước viễn du.
Cưỡi trên cầu vồng có lá cờ đỏ, chở
hơi mây mà bồng bềnh phía trên.
Dựng khí sao Cách Trạch như cây sào
dài chừ, gom ánh sáng thành lá cờ sặc sỡ.
Treo rủ sao Tuần Thủy để làm tua cờ chừ,
kéo sao chổi làm lông vũ trên cờ.
Theo gió tung bay mềm mại chừ, lại phấp
pha phấp phới.
Hái Sao Sâm Thương làm cờ chừ, lấy từng
đoạn cầu vồng làm vải quấn cán cờ.
Ánh sáng màu hồng xa mờ lóa mắt chừ,
gió lớn thổi rồi mây trôi bồng bềnh.
Cưỡi rồng thiêng[168] ,
xe voi như sâu đo nghiêng nghiêng tiến về trước chừ, cưỡi ly[169] đỏ,
cù[170] xanh uốn lượn mà đi.
Lúc thấp lúc cao, lúc co lúc duỗi, nghển
cổ mặc ý ruổi rong chừ, lúc gồng mình, lúc lại uốn khúc.
Có lúc lắc đầu nghển cổ tiến lên, có
lúc ngẩng đầu không tiến chừ, có lúc tự theo ý mình, dáng vẻ sừng sững.
Chợt tiến chợt lui, đảo mắt lè lưỡi,
thảnh thơi chuyển mình chừ, như cánh chim trái phải theo nhau, như thỏ giật
mình phóng chạy, như rường cột dựa nhau.
Có lúc quây quanh, ồn ã nện bước trên
đường xa chừ, như bay như nhảy, phóng vun vút về phía trước.
Hoặc bay vút, hoặc rượt đuổi theo nhau
như chớp lóe qua chừ, bỗng chốc mù tan mây dạt.
Vượt sang tận cùng phía đông rồi lên tận
cùng phía bắc chừ, cùng giao du với bậc chân nhân.
Quặt rẽ đến những chốn xa xôi rồi chuyển
hướng sang phải chừ, ngang dòng Phi Tuyền để hướng về chính đông.
Triệu hết các vị tiên rồi lựa chọn chừ,
để bồi tiếp các vị thần sao Dao Quang.
Khiến Ngũ đế dẫn đường phía trước chừ,
khiến thần Thái Nhất trở về, tiên Lăng Dương ở phía sau.
Bên trái là thần Huyền Minh, bên phải
là thần Hàm Lôi chừ, phía trước là thần Lục Ly còn sau là thần Quyết Hoàng.
Sai sử các vị tiên Chinh Bá Kiều và Tiện
Môn chừ, dặn dò Thái y Chi Bá về các phương thuốc.
Hỏa thần Chúc Dung kinh sợ mà dẹp đường
chừ, trừ bỏ hết ác khí rồi đi phía sau.
Tập hợp muôn cỗ xe của ta chừ, gom mây
làm lọng rồi dựng cờ hoa lệ.
Khiến mộc thần Câu Mang theo cùng chừ,
ta muốn đi du ngoạn ở phương nam.
Đến Sùng Sơn thăm Đường Nghiêu chừ[171],
qua Cửu Nghi viếng Ngu Thuấn[172].
Ngựa xe dọc ngang kin kịt chừ, đang
chen nhau cùng rong ruổi.
Rối ren hỗn loạn chừ, mưa lớn tràn trề
nước tuôn khắp.
Các ngọn núi tụ về giăng khắp, cây cối
um tùm chừ, rồi lan ra chỗ thấp chỗ cao.
Thẳng tới dòng Lôi Thất[173] thâm
u hiểm trở chừ, xuyên qua hang Quỷ Cốc[174] nhấp nhô.
Du lãm tám hướng rồi ngắm bốn phương
xa xôi chừ, vượt Cửu Giang[175] rồi qua Ngũ Hà[176].
Qua lại núi Viêm Hỏa rồi bồng bềnh ở
Nhược Thủy chừ, ngồi thuyền qua bãi sông rồi vượt dòng Lưu Sa.
Chợt nghỉ ngơi ở núi Tổng Cực, vui đùa
trên dòng sông bềnh bồng chừ, sai Linh Oa[178] gảy đàn sắt, Phùng Di[177] nhảy
múa.
Trời chợt âm âm u u chừ, triệu thần sấm
Bình Ế, giết thần gió Phong Bá rồi bắt tội thần mưa.
Trông về phía tây núi Côn Lôn thấp
thoáng chừ, ruổi ngựa thẳng đến núi Tam Nguy.
Mở cửa trời Xương Hạp rồi vào cung điện
của Thượng đế chừ, chở Ngọc nữ rồi cùng nàng trở về.
Lên núi Lang Phong rồi dừng lại nghỉ
ngơi chừ, giống chim bay cao rồi đậu xuống.
Sà xuống Âm Sơn bay liệng qua lại chừ,
đến hôm nay ta mới trông thấy mái đầu trắng phau của Tây Vương Mẫu.
Vương Mẫu mang ngọc thắng, ngồi trong
hang chừ, cũng may có chim ba chân để sai khiến[179].
Nếu được trường sinh bất tử như Vương
Mẫu chừ, thì dẫu trải muôn đời cũng không đủ để vui.
Quay xe trở về chừ, núi Bất Chu không
có đường đi, tụ hội lại để dùng bữa ở U Đô.
Hít thở hơi sương chừ ăn sáng sớm, nhấm
nuốt hoa linh chi chừ, ăn chút hoa quỳnh.
Ngẩng đầu trông rồi dần dần lên cao chừ,
rồi bỗng bay vút lên trời.
Xuyên qua nơi ánh chớp lòe chừ, vượt
nơi của Phong Long[180] nước lênh láng.
Phóng xe du ngoạn và xe dẫn đường từ
trên cao xuống chừ, rẽ mây mù rồi đi đến chốn xa.
Bức bối vì sự chật chội của thế gian
chừ, từ từ chạy ra vùng cực bắc.
Để quan Đồn kỵ[181] ở
lại núi Huyền Khuyết chừ, dẫn đường đi trước vượt Hàn Môn.
Phía dưới chênh vênh không thấy đất chừ,
phía trên trống trải không thấy trời.
Trông nhòe tối mà chẳng thấy chừ, nghe
loáng thoáng mà chẳng hay.
Cưỡi trên tầng không mà bay lên chốn cực
cao chừ, vượt qua hư vô mà riêng mình tồn tại.”
Sau khi Tư Mã Tương Như tâu lên bài “Đại nhân chi tụng” [182],
thiên tử cả mừng, thấy nhẹ nhàng như khí vút lên mây, tựa đang du ngoạn trong
vòng trời đất.
Tương Như nhân có bệnh nên miễn chức, nhà ở Mậu Lăng.
Thiên tử nói: “Tư Mã Tương Như bệnh rất nặng, nên đến lấy hết sách vở của
ông ta; bằng không, sau sẽ mất mát.” Sai Sở Trung đến, Tương Như đã chết,
trong nhà không có sách. Hỏi vợ Tương Như, đáp rằng: “Trường Khanh vốn
chưa từng có sách. Thường hay viết sách, viết xong người ta lại lấy mang đi,
cho nên trong nhà trống trơ. Lúc Trường Khanh chưa mất, có viết một bức thư,
nói nếu có sứ giả đến tìm sách, đem tâu lên. Chứ không có sách vở nào khác.” Bức
thư của ông nói về việc tế Phong thiện, đưa cho Sở Trung. Sở Trung dâng bức thư
lên, Hoàng thượng lấy làm lạ. Thư ấy viết rằng:
“Đầu thời thượng cổ, từ trời cao sinh
dân, qua vua chúa các đời, cho đến nhà Tần. Với những vị gần đây có thể theo dấu
chân, với những vị cách xa chỉ còn nghe dư âm thôi. Rối ren thất tán, việc bị
vùi lấp không còn được nghe nhiều không sao kể xiết. Nối theo nhạc Thiều, nhạc
Hạ[183], sùng mộ thụy, hiệu của tiên vương, đại
lược có bảy mươi hai vị vua đáng được xưng tụng. Chẳng thể có chuyện thuận nói
điều thiện mà không hưng thịnh, làm điều trái ngược thất đức mà có thể tồn tại
ư?
Trước đời Hiên Viên[184],
thời xa xôi, việc mờ khuất, không còn được nghe tường tận chuyện thời đó nữa.
Những ghi chép về Ngũ đế, Tam vương cho đến Lục kinh, dựa vào sách vở còn lưu
truyền lại, cũng có thể thấy được chút di phong. Kinh Thư viết: 'Nhà vua sáng
láng thay, bề tôi hiền lương thay.' Nhân đó mà nói, vua chúa không vị nào thịnh
trị hơn Đường Nghiêu, bề tôi chẳng người nào hiền năng hơn Hậu Tắc. Hậu Tắc
sáng nghiệp ở đất Đường, Công Lưu phát tích từ Tây Nhung, Văn vương thay đổi chế
độ, đến thời Chu thì hưng thịnh, đạo lớn trị nước được xác lập, nhưng sau dần
chuyển suy vi, nghìn năm không còn tiếng vang, há chẳng tốt đẹp từ đầu đến cuối
ư? Nhưng không nhờ mối lạ nào đâu, chỉ vì thận trọng lúc sáng nghiệp ban đầu, cẩn
thận việc giáo hóa đời sau thôi. Cho nên khuôn mẫu bình dị thì dễ noi theo, ân
đức sâu dày thì dễ làm thêm viên mãn, pháp độ rõ ràng thì dễ lấy làm khuôn
phép, truyền rường mối thuận theo lý thì dễ kế tục. Vì thế sự nghiệp thịnh vượng
ngay khi trong tã địu[185] mà lên đến cực thịnh vào thời
hai vua[186]. Xét từ khởi đầu đến sau rốt, không
có gì đặc biệt trác tuyệt có thể so với hiện nay vậy. Thế nhưng riêng việc tế
trời trên núi Lương Phủ và Thái Sơn, đã kiến lập tên hiệu rạng rỡ, xác định
danh hiệu tôn quý. Đức nhà đại Hán, như suối nguồn lai láng, cuồn cuộn tuôn
trào, bàng bạc bốn bề biên tái, như mây tỏa mù lan, trên đến chín tầng trời, dưới
tràn lan tám cõi. Muôn loài đều gội nhuần ơn đức, hòa khí tuôn chảy, uy võ bay
đến phương xa, người gần thì nhuần thấm từ đầu nguồn, người xa thì gọi tắm cuối
dòng, kẻ đại ác bị tận số, người u tối được rạng ngời, côn trùng động vật sướng
vui, quay đầu hướng về. Sau đó, trong vườn nuôi cầm quý của quan Trâu ngu, chặn
bắt loài thú lạ như hươu nai, trong bếp chọn gạo từ lúa tốt một nhánh sáu bông,
đưa thú thần hai sừng đến làm vật hy sinh, bắt được rùa quý còn lại của nhà Chu
ở Chi Sơn, vòi rồng thần màu vàng biếc của Hoàng Đế ở trong ao. Quỷ thần tiếp
thông chư thần ở Linh Ngữ, làm khách ở quán lớn. Các vật lạ kỳ, biến hóa trăm
chiều. Kính thay, điềm lành đều đến nơi này, thế mà nhận là đức mỏng, không dám
nói việc Phong thiện. Đại để thời Chu, cá nhảy vào thuyền, bèn nổi lửa nướng[187],
đó chỉ là điềm nhỏ bé, nhân đó lên tế trời trên núi Thái Sơn, như thế chẳng phải
là đáng xấu hổ ư? [Nhà Hán] theo đạo khiêm nhượng, chẳng phải rất khác nhà Chu
ư?
Thế là Đại tư mã tiến lên nói: 'Bệ hạ
dùng nhân để nuôi dưỡng chúng dân, dùng nghĩa để chinh phạt kẻ không quy thuận,
các nước Hoa Hạ vui vẻ vào cống, trăm tộc man mang lễ vào chầu, đức độ sánh
ngang thời xưa, công lao có một không hai, sự nghiệp tốt đẹp thấm khắp thiên hạ,
muôn điềm lành khác nhau, ứng kỳ nối nhau đến, đâu phải chỉ xuất hiện lúc đầu
thôi. Ý chừng dân ở Thái Sơn, Lương Phủ thiết lập đàn tràng, trông mong bệ hạ
giá lâm, gia thêm tôn hiệu, vẻ vang hơn đời trước, thượng đế giáng ân huệ, tích
phúc lành, ban cho khi đại lễ cáo thành, lẽ nào bệ hạ khiêm nhượng không chịu
xuất phát. Cự tuyệt lòng yêu của ba bậc thần[188], khiến nghi lễ của vương đạo thiếu
khuyết, quần thần lấy làm tủi hổ thay. Và có người cho là đạo trời mờ tối khó
biết, các điểm trân quý xuất hiện, không thể nào từ chối được; còn nếu từ chối
các điểm đó, thì núi Thái Sơn không có gì để chép lại, đàn tràng trên núi Lương
Phủ cũng không có cơ hội được tế tự. Thảy là việc làm vẻ vang cho đương thời,
thời đại đã qua thì không còn ý nghĩa nữa, người thuật thuyết biết lấy gì đặng
xưng tụng với đời sau, huống chi nói về bảy mươi hai vua thời xưa? Phàm tu đức
là để được ban điềm lành, phụng theo điềm lành là để hành sự, không thể coi là
tiến vượt. Cho nên thánh vương không bỏ lễ Phong thiện, rồi sửa lễ tế thần đất,
dốc lòng thành kính các tế thiên thần, khắc đá ghi công ở Trung Nhạc[189],
đặng rạng tỏ địa vị chí tôn, mở rộng thịnh đức, ban hiệu rạng rỡ, nhận phúc dồi
dào, để ân trạch thấm xuống dân đen vậy. Việc này thực lớn lao lắm thay! Cảnh
tượng hùng vĩ của thiên hạ, sự nghiệp lớn lao của vương giả, không thể để thiếu
khuyết được. Xin bệ hạ hãy thành toàn việc này. Sau đó tập hợp những đạo thuật,
phương sách do các tiên sinh có chức sắc dâng tiến, khiến họ được nhận ánh rạng
rỡ của dư quang nhật nguyệt, để làm sáng rạng sự nghiệp, đồng thời chính thiên
thời, bày nhân sự, tỏ đại nghĩa của việc Phong thiện, tô sức nghi tiết, làm
thành cuốn kinh Xuân thu, theo sáu kinh cũ làm thành bảy kinh, truyền tụng vô
cùng, khiến muôn đời được khơi dòng trong xanh, dấy từ sóng nhỏ, thanh danh tốt
đẹp, kết quả lẫy lừng. Bậc thánh trước đây sở dĩ mãi giữ được danh tiếng lớn
lao mà thường được xưng tụng hàng đầu chính là vì thế, nên hạ lệnh cho quan Chưởng
cố phụ trách lễ nhạc, chế độ, tâu trình cặn kẽ để người ngự lãm.”
Thế rồi thiên tử hết sức cảm động, thay đổi thần sắc,
nói: “Tốt lắm, trẫm phải làm thử mới được!” Bèn thay đổi cách
nghĩ, tổng hợp các kiến nghị của công khanh, hỏi han về việc Phong thiện, ca vịnh
độ lớn của đầm rộng, đến sự phong phú của các điềm lành. Bèn làm bài tụng rằng:
[Phiên âm]
Tự ngã thiên phú,
Vân chi
du du. Cam lộ thời vũ,
Quyết nhưỡng
khả du.
Tư dịch
sâm lộc,
Hà sinh bất
dục;
Gia cốc lục
huệ,
Ngã sắc hạt
súc.
***
Phi duy
vũ chi,
Hựu nhuận
trạch chi;
Phi duy
nhu chi,
Phiếm
chuyên hoạch chi.
Vạn vật
hi hi,
Hoài nhi
mộ ti.
Danh sơn
hiển vị,
Vọng quân chi lai.
Quân hồ quân hồ,
Hầu bất mại tai!
***
Ban ban chi thú,
Lạc ngã quân hựu;
Bạch chất hắc chương,
Kỳ nghi khả hỉ;
Mân mân mục mục,
Quân tử chi năng.
Cái văn kỳ thanh,
Kim quan kỳ lai.
Quyết đồ phỉ tông,
Thiên thụy chi trưng.
Tư diệc ư Thuấn,
Ngu thị dĩ hưng.
***
Trạc trực chi lân,
Du bỉ linh chỉ.
Mạnh đông thập nguyệt,
Quân trở giao tự.
Trì ngã quân dư,
Đế dĩ hưởng chỉ.
Tam đại chi tiền,
Cái vị thường hữu.
***
Uyển uyển hoàng long,
Hưng đức nhi thăng.
Thái sắc huyễn diệu,
Hoàng bính huy hoàng.
Chính dương hiển hiện,
Giác ngụ lê chưng.
U truyện tái chi,
Vân thụ mệnh sở thừa.
***
Quyết chi hữu chương,
Bất tất truân truân,
Y loại thác ngụ,
Dụ dĩ phong loan.
***
Phi nghệ quan chi, thiên nhân chi tế dĩ giao, thượng hạ tương phát doãn
đáp. Thánh Vương chi đức, căng căng dực dực dã. Cố viết: “Hưng tất lư suy, an tất
tư nguy.” Thị dĩ Thang Vũ chí tôn nghiêm, bất thất túc chỉ; Thuấn tại giả điển,
cố tỉnh quyết di, thử chi vị dã”
[Dịch
nghĩa]
Trời kia
che phủ,
Mây trôi
bồng bềnh.
Sương ngọt,
mưa thuận,
Đất - nước
tràn dâng.
Nhuần thấm
xuống dưới,
Nuôi dưỡng
muôn vật.
Lúa tốt
sáu bông,
Ta gặt ta
cất.
***
Nào chỉ
mưa thôi,
Còn thấm
còn nhuần;
Nào chỉ
ngấm đầy,
Còn lan
nơi nơi.
Muôn vật
hớn hở,
Cảm mộ
khôn nguôi.
Danh sơn
rạng vẻ,
Mong vua
đến nơi.
Chúa thượng,
chúa thượng,
Chẳng mau
tới thôi!
***
Thú lông
lốm đốm,
Vui vườn
vua ta;
Vằn đen,
chất trắng,
Dáng vẻ
đáng ưa.
Hài hòa đẹp
đẽ,
Quân tử
nào thua.
Vốn chỉ
nghe tiếng,
Nay được
nhìn qua[190].
Đường dài
không dấu,
Điềm lành
trời ban.
Khác nào
thời Thuấn,
Nhờ đó dấy
lên[191].
***
Kỳ lân mập
to,
Đến nơi
đàn tế[192].
Giữa đông
tháng Mười,
Vua đi
hành lễ.
Đến trước
xe vua,
Trời ban
điều phúc.
Trước đời
Tam đại,
Việc chưa
từng có[193].
***
Rồng vàng
uốn khúc,
Đức thịnh
bay lên.
Sắc màu rực
rỡ,
Chói lóa,
rạng ngời.
Chính
dương hiển hiện[194],
Cảm hóa
chúng dân.
Kinh truyện
ghi chép,
Nói là
loài để người nhận mệnh cưỡi.
***
Mệnh trời
hiển hiện,
Nào phải
nhọc lòng.
Theo loài
ngụ ý,
Rõ việc tế
phong.
***
Mở xem kinh sách,
khoảng trời người đã giao nhau, trên dưới cùng hợp ý trời. Đức của bậc thánh vượng,
luôn nơm nớp kính sợ vậy. Cho nên nói: “Lúc hưng ắt lo lúc suy, lúc yên ắt sợ
lúc nguy.” Do đó vua Thang vua Vũ địa vị cực tôn nghiêm mà không nguôi cung
kính; vua Thuấn quan sát thiên văn mà tự xét bản thân, không để có điều thiếu
sót: Đó là nói việc này vậy”.
Tư Mã Tương Như
chết được năm năm, thiên tử mới tế thần Hậu thổ[195],. Được tám năm,
trước tiên hành lễ ở núi Trung Nhạc, tế Phong ở Thái Sơn, rồi đến núi Lương Phủ,
tế Thiện ở núi Túc Nhiên[196].
Các trước tác
khác của Tương Như, như các thiên Di Bình Lăng hầu thư, Dữ ngũ công tử
tương nan, Thảo mộc thư, không được thu thập, lại chọn ghi những tác
phẩm xuất sắc của ông ở chỗ các bậc công khanh.
Thái sử công bàn
rằng: Kinh Xuân thu suy luận và kiến giải vô cùng sâu
kín, Kinh Dịch gốc vốn sâu kín mà thể hiện lại rõ ràng, thơ Đại
nhã nói về các bậc vương công đại nhân mà đức lan đến dân chúng, thơ Tiểu
nhã giải tỏ chuyện được mất của người có địa vị thấp hèn mà truyền đến
tận người trên. Lời nói ra dẫu bề ngoài khác nhau, nhưng quy về đạo đức lại chỉ
là một vậy. Tương Như tuy nhiều lời sáo rỗng, lắm thuyết viển vông, nhưng yếu
lĩnh quy về chỗ tiết kiệm, điều ấy đâu khác cách dùng ngôn từ ngụ ý khuyên ngăn
của Kinh Thi. Dương Hùng[197], cho là những bài phú hoa
lệ, khuyến khích hàng trăm, khuyên ngăn chỉ một, cũng như diễn tấu những thanh
âm của nước Trịnh nước Vệ[198],, đến khi kết thúc mới diễn tấu
nhã nhạc, như thế chẳng phải đã thiên lệch sao? Tôi chọn những lời đáng bàn của
ông chép vào đây.
Chú thích. (phần2)
[146] Tam lão: chức quan phụ trách
việc giáo hóa.
[147] Chỉ các đời từ Hán
Cao tổ, qua Huệ đế, Lã hậu, Văn đế, Cảnh đế đến Hán Vũ đế.
[148] Chỉ người di địch.
[149] Hạ Hậu: tức vua Vũ của nhà
Hạ, một ông vua có công tích trong việc trị thủy cứu dân.
[150] Trích từ bài "Bắc
sơn" trong phần "Tiểu nhã" của Kinh Thi.
[151] Lục hợp: chỉ trời đất và bốn
phương.
[152] Tức tám hướng: đông,
tây, nam, bắc, đông nam, đông bắc, tây nam, tây bắc.
[153] Ý nói các quan chức.
[154] Ý nói việc mở đường đến các tộc người di.
[155] Chỉ tây di và nam di.
[156] Xưa, thiên tử cử hành điển lễ tế trời ở núi Thái Sơn, gọi
là tế Phong; tế đất ở núi Lương Phủ gọi là tế Thiện.
[157] Một loài chim lớn, giống phượng hoàng.
[158] Tiêu khát: tức bệnh tiểu đường.
[159] Tức cung Trường Dương, nay ở tỉnh Thiểm Tây.
[160] Ô Hoạch: một đại lực sĩ của nước Tần thời
Chiến quốc.
[161] Khánh Kỵ: con trai Ngô vương Liêu thời Xuân
thu, rất giỏi bắn cung.
[162] Phùng Mông: một người giỏi bắn tên
thời nhà Hạ.
[163] Ý nói đề phòng cột gãy, ngói đổ, gây nguy hiểm.
[164] Bài này thường được gọi là "Ai Tần Nhị thế
phú".
[165] Cũng gọi là bài "Đại nhân chi tụng".
[166] Đại nhân: chỉ Hoàng đế.
[167] Trung châu: cũng như nói Trung
nguyên.
[168] Nguyên là Ứng long, một
loại rồng có cánh hai bên.
[169] Ly: một loài vật giống
như loài rồng.
[170] Cù: tương truyền là
loài rồng nhỏ có sừng.
[171] Sùng Sơn: tức Địch Sơn, tương
truyền là nơi an táng vua Nghiêu.
[172] Cửu Nghi: tên núi, cũng gọi
là núi Thượng Ngô, là nơi an táng vua Thuấn.
[173] Tên một dòng sông
trong thần thoại.
[174] Hang Quỷ Cốc: chỗ ở của
các loài quỷ.
[175] Cửu Giang: có thuyết cho là
chín nhánh của sông Trường Giang.
[176] Dòng sông năm màu ở
cõi tiên.
[177] Tức Nữ Oa. Truyền
thuyết xưa cho là Phục Hy làm ra đàn, rồi sai Nữ Oa gảy đàn.
[178] Phùng Di: thủy thần
Hoàng Hà.
[179] Tương truyền Tây
Vương Mẫu có loài chim ba chân kiếm thức ăn cho.
[180] Phong Long: thần mây.
[181] Quan cai quản các kỵ
sĩ.
[182] Đại nhân chi tụng: Lời ca tụng của bậc
đại nhân, ý nói bài "Đại nhân phú”.
[183] Nhạc Thiếu của vua
Thuấn, nhạc Hạ của Đại Vũ.
[184] Hiên Viên tức Hoàng Đế.
Tương truyền Hoàng Đế sinh ở gò Hiên Viên nên gọi là Hiên Viên thị.
[185] Ý nói Chu Thành vương
lên ngôi khi còn thơ dại.
[186] Ý nói đến thời Văn
vương, Vũ vương.
[187] Thời Chu, Chu Vũ
vương đem quân đi đánh vua Trụ, có con cá trắng nhảy vào trong thuyền, Vũ vương
cho đó là điềm lành, bèn bắt để tế trời.
[188] Ba bậc thần: chỉ các thần trời,
đất và sơn thần.
[189] Trung Nhạc: tức Tung Sơn, một
trong năm núi thuộc Ngũ Nhạc.
[190] Ý nói những loài thú
lạ trong vườn Thượng uyển của nhà vua trước chỉ được nghe, nay mới được nhìn tận
mắt.
[191] Ý nói các loài thú lạ
này từng xuất hiện thời vua Thuấn, triều đại nhà Ngu ứng với điềm lành đó mà
hưng khởi.
[192] Đàn tế: nguyên là
"linh chỉ", đàn thiêng dùng tế trời đất và Ngũ đế.
[193] Đoạn này nhắc việc
Hán Vũ để đi tế ở đất Ung, bắt được con lân trắng, Vũ đế dùng lân đó dâng tế.
[194] Rồng được coi là loài
thuộc dương, ứng với nhà vua, cho nên nói "chính dương hiển hiện" (hiển
hiện của chính dương).
[195] Hậu thổ: thần đất.
[196] Túc Nhiên Một ngọn núi nhỏ ở phía đông bắc chân núi
Thái Sơn.
[197] Dương Hùng Nhà triết học, nhà
văn thời Hán.
[198] những thanh âm của nước Trịnh nước Vệ. Ý nói thứ âm nhạc dâm bôn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét