Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 117 TƯ MÃ TƯƠNG NHƯ LIỆT TRUYỆN (phần 1)

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

QUYỂN 117 

TƯ MÃ TƯƠNG NHƯ LIỆT TRUYỆN (phần 1)

Tư Mã Tương Như, người Thành Đô của Thục Quận, tự là Trường Khanh. Thuở nhỏ thích đọc sách, học đánh kiếm, cho nên cha mẹ đặt tên là Khuyển Tử. Sau khi học nghiệp đã thành, do hâm mộ người như Lận Tương Như, bèn đổi tên thành Tương Như. Nhờ có của cải, được làm quan Lang, thờ Hiếu Cảnh đế, làm Vũ kỵ thường thị, không phải chức mình thích. Gặp đúng thời Cảnh đế không thích từ phú[1], bấy giờ Lương Hiếu vương vào chầu, đi theo là đám kẻ sĩ du thuyết: Trâu Dương người Tề, Mai Thặng người Hoài Âm, Trang Kỵ người Ngô, Tương Như gặp thì thích họ, nhân có bệnh xin nghỉ quan, du ngoạn làm khách nước Lương. Lương Hiếu vương cho ở cùng quan khách các nho sinh, Tương Như được ở cùng nho sinh và kẻ sĩ du thuyết trong mấy năm, rồi viết bài phú “Tử Hư”.

Khi Lương Hiếu vương chết, Tương Như trở về, nhưng nhà nghèo, không lấy gì tự lập nghiệp. Vốn có quan hệ tốt với Huyện lệnh Lâm Cung là Vương Cát, Cát nói: “Trường Khanh từ lâu du ngoạn để cầu quan mà không thỏa chí, hãy đến chỗ tôi.” Thế là Tương Như đến, trú tại đô đình dưới thành Lâm Cung. Huyện lệnh Lâm Cung vờ cung kính, hằng ngày đến bái kiến Tương Như. Tương Như ban đầu còn gặp Cát, sau thác bệnh, sai người đi theo từ chối Cát, Cát càng thêm kính cẩn. Trong thành Lâm Cung có nhiều nhà giàu, như nhà Trác Vương Tôn có tám trăm tôi tớ, Trình Trịnh cũng có mấy trăm. Hai nhà bảo nhau rằng: “Huyện lệnh có khách quý, hãy chuẩn bị tiệc chiêu đãi ông ta.” Lại mời cả Huyện lệnh. Huyện lệnh đến, khách của họ Trác đến hàng trăm người. Tới trưa, đến bái yết Tư Mã Trường Khanh, Trường Khanh thác bệnh không thể tới được, Huyện lệnh Lâm Cung không dám ăn, đích thân đến đón Tương Như. Tương Như bất đắc dĩ, phải miễn cưỡng đi, cử tọa thảy đều mến mộ. Rượu ngà ngà, Huyện lệnh Lâm Cung mang đàn đến trước mặt Tương Như, nói: “Trộm nghe Trường Khanh thích đàn, xin đánh đàn để chung vui.” Tương Như từ tạ, rồi gảy một hai bài. Bấy giờ Trác Vương Tôn có người con gái mới góa chồng là Văn Quân, thích âm nhạc, cho nên Tương Như vờ tỏ ý tôn trọng Huyện lệnh, rồi dùng tiếng đàn dẫn dụ nàng. Tương Như đến Lâm Cung, ngựa xe đi theo, thung dung nhàn nhã, rất anh tuấn; khi dự tiệc nhà họ Trác, đánh đàn, Văn Quân từ trong cửa trộm nhòm Tương Như, trong lòng yêu thích, chỉ sợ không xứng đôi. Tiệc tan, Tương Như liền sai người tặng hậu cho người hầu của Văn Quân để tỏ bày tình ý. Ban đêm, Văn Quân trốn theo Tương Như, Tương Như liền cùng nàng ngồi xe về Thành Đô. Nhà chỉ có bốn bức tường. Trác Vương Tôn cả giận nói: “Con gái không nên nết, ta không nỡ giết, một cắc cũng không chia cho.” Có người khuyên Vương Tôn, trước sau vẫn không nghe. Lâu sau, Văn Quân không vui, nói: “Trường Khanh chỉ cần cùng thiếp đến Lâm Cung, tạm vay mượn anh em cũng đủ sống, đâu đến nỗi cực khổ thế này?” Tương Như cùng nàng đến Lâm Cung, bán hết ngựa xe, mua một quán bán rượu, rồi để Văn Quân hâm rượu bán. Tương Như mặc quần cộc, làm việc cùng người làm mướn, rửa đồ trong chợ. Trác Vương Tôn hay chuyện thì lấy làm sỉ nhục, đóng cửa không ra ngoài. Các anh em trưởng bối lại khuyên Vương Tôn rằng: “Có một trai hai gái, chẳng qua không có của cải thôi. Nay Văn Quân đã thất tiết với Tư Mã Trường Khanh, Trường Khanh vốn mỏi mệt vì việc du ngoạn cầu quan, dẫu nghèo, nhưng tài đủ để nương cậy, huống chi lại là khách của Huyện lệnh, sao phải khinh nhục như thế!” Trác Vương Tôn bất đắc dĩ, chia cho Văn Quân trăm người hầu, trăm vạn tiền, cùng chăn áo của cải lúc đi lấy chồng. Văn Quân bèn cùng Tương Như về Thành Đô, tậu ruộng vườn nhà cửa, thành người giàu có.

Một thời gian sau, Dương Đắc Ý người Thục làm Cẩu giám[2], hầu cận Hoàng thượng. Hoàng thượng đọc “Tử Hư phú”, rất thích, nói: “Riêng trẫm không được sống cùng thời với người này!” Đắc Ý tâu: “Người cùng ấp với thần là Tư Mã Tương Như tự xưng bài phú này do ông ấy viết ra.” Hoàng thượng kinh ngạc, liền triệu Tương Như vào hỏi. Tương Như thưa: “Có việc đó. Nhưng bài này nói việc của chư hầu, chưa đáng để xem vậy. Xin làm bài phú nói về việc thiên tử đi săn, xong sẽ dâng lên.” Hoàng thượng đồng ý, sai Thượng thư cấp bút và thẻ[3]. Tương Như dùng nhân vật “Tử Hư”, nghĩa là “nói khoa trương lên”, để xưng tụng cái đẹp của Sở; dùng nhân vật “Ô Hữu tiên sinh”, nghĩa là “đâu có việc ấy” để vặn hỏi giúp người Tề; dùng nhân vật “Vô Thị Công” [4], nghĩa là “không có người ấy”, để làm sáng nghĩa của thiên tử. Cho nên dựa vào ba người không có thực để đặt lời, đặng suy tôn vườn thượng uyển của thiên tử và chư hầu. Kết bài quy về chỗ tiết kiệm, dùng để phúng giản. Bài phú được dâng lên, thiên tử cả mừng. Lời phú như sau:

“Nước Sở sai Tử Hư đi sứ Tề, Tề vương phát lệnh cho hết thảy binh sĩ trong nước, bày đủ xe ngựa, cùng sứ giả đi săn. Đi săn xong, Tử Hư qua bái phỏng Ô Hữu tiên sinh, Vô Thị công cũng có mặt. An tọa xong, Ô Hữu tiên sinh hỏi: 'Nay đi săn vui chăng?' Tử Hư đáp: 'Vui.' Hỏi: 'Săn được nhiều không?' Đáp: 'Ít.' Hỏi: 'Vậy sao lại vui?' Đáp: 'Tôi vui vì Tề vương muốn khoe với tôi về ngựa xe đông đúc, còn tôi lại nói về việc ở Vân Mộng vậy.' Hỏi: 'Có thể cho nghe chăng?'

Tử Hư đáp: 'Được. Tề vương đóng nghìn cỗ xe, tuyển vạn quân bộ quân kỵ, đi săn ở bãi biển. Sĩ tốt dàn hàng khắp đầm, bủa lưới giăng đầy núi, bắt thỏ đuổi hươu, bắn nai rượt lân. Phóng xe ở ruộng muối, cắt thịt tươi mà máu nhuốm bánh xe. Bắn trúng, săn được nhiều, kiêu rồi tự khoe công. Quay lại bảo tôi rằng: 'Nước Sở có chỗ đồng bằng chằm rộng để đi săn vui như thế này chăng? Sở vương đi săn so với quả nhân thế nào?' Tôi xuống xe đáp rằng: 'Thần là kẻ quê mùa nước Sở, may được làm Túc vệ hơn chục năm, thường theo đi săn, săn ở hậu viên, lúc trông lúc không, vẫn chưa thể nào nhìn ngắm khắp lượt, đâu đủ để nói về chằm lớn bên ngoài!' Tề vương nói: 'Dẫu vậy, hãy nói sơ về những gì ông đã thấy.' Tôi đáp rằng: 'Vâng vâng. Thần nghe nước Sở có bảy chằm lớn, từng thấy được một, chưa thấy cái khác. Cái mà thần thấy, cũng chỉ là một cái nho nhỏ thôi, gọi là chằm Vân Mộng. Vân Mộng rộng chín trăm dặm vuông, trong chằm có núi. Núi đó uốn lượn khuất khúc, cao vời hiểm trở, vách ngọn lô nhô, che ánh nhật nguyệt; đan xen vào nhau, trên chạm mây xanh; nghiêng chếch thoải dần, dưới liền sông nước. Đất núi thì son, xanh, đỏ, trắng, thư hoàng[5], đá vôi, thiếc, ngọc bích, vàng, bạc, muôn màu lấp lóa, chiếu sáng như vảy rồng. Đá núi thì ngọc đỏ, mai côi[6], lâm mân[7], côn ngô[8], giam lặc[9], huyền lệ[10], nhuyễn thạch[11], vũ phu[12]. Phía đông thì có vườn huệ, hành[13], lan, chỉ, nhược[14], xạ can[15], khung cùng[16], xương bồ[17], giang ly, mi vu[18], cùng mía, chuối. Phía nam thì có đồng bằng chằm rộng, lên xuống dàn trải, chỗ lõm chỗ bằng, sông lớn ấp ôm, ngăn bởi Vu Sơn. Chỗ khô ráo thì sinh cỏ châm, tư, bao, lệ, cùng tiết sa, thanh phiền. Chỗ thấp ẩm thì sinh các loại tàng, lương, kiêm gia[19], đông sắc, ly hồ, ngó sen, cô lô, am lư, hiên vu, các loài cây đều sống đó, không sao kể xiết. Phía tây thì có suối chảy ao trong, nước tung vọt rồi tuôn chảy, bên ngoài có hoa ấu hoa sen, chìm ẩn dưới nước có đá to cát trắng. Trong chằm thì có rùa thần, giao long, đồi mồi, ba ba, giải lớn. Phía bắc có rừng rậm cây lớn, cây tiện, cây chò, dự chương, quế, tiêu, mộc lan, hoàng bá, lê núi, chu dương, sơn tra, lê, lật, bưởi ngọt, quýt thơm. Bên trên có vượn đỏ, khỉ lớn, phượng non, công, loan, thú đằng viễn, cáo sạ can. Phía dưới có hổ trắng, báo đen, chồn, âu can[20], tê giác, voi, dã tê, cùng kỳ[21], man diên[22].

Thế là bèn sai hạng dũng sĩ như Chuyên Chư[23], ra tay giết các loài thú ấy. Sở vương liền đóng xe kéo bằng bốn ngựa quý đã thuần, ngồi xe nạm ngọc, dùng ria cá để trang trí trên cán cờ, phất cờ điểm xuyết bằng ngọc Minh nguyệt, dựng kích sắc của Can Tương[24], bên trái là cung Ô cao[25] chạm khắc, bên phải đầy mũi tên cứng Hạ Nghệ[26]; Dương tử[27] ngồi bên mé trái xe, Tiêm A[28] làm người điều khiển; ghìm cương chưa thả, đã lướt đạp trên các loài thú tinh ranh. Giẫm cung cung, đạp cự hư[29], dùng đầu trục xe tấn công ngựa hoang, đánh giết đào dư[30], cưỡi di phong[31] mà bắn du kỳ[32]; mau chóng mạnh mẽ, như sấm rền gió thổi đến, như sao bay sét đánh, cũng chẳng bắn suông, ắt trúng vào mắt, xuyên bụng thấu nách, rách tim đứt tạng, bắt được dã thú nhiều như mưa sa, như cỏ che trên mặt đất. Thế rồi Sở vương bèn cầm cương thủng thẳng, thung dung tự đắc, du lãm trong rừng rậm, xem vẻ hung tợn giận dữ của tráng sĩ, cùng sự sợ sệt của mãnh thú, bắt hết các con thú mỏi mệt kiệt sức đó, ngắm trọn mọi vẻ đổi thay của muôn vật.

Thế rồi các mỹ nữ nước Trịnh, những hầu thiếp da mịn, khoác y thường lụa mượt, váy dài the nõn, xen tơ lụa mỏng như sương mù, y phục nhẹ nhàng buông rủ; nếp váy hoa văn mềm mại khuất khúc, như suối như hang; tha tha thướt thướt, phất ống tay áo, đường cắt may như sát với thân hình, dải áo tung bay, tóc rủ đuôi én; áo quần mềm mại, dải váy phất phơ, phát tiếng lật phật, phía dưới chạm nhau như hoa lan hoa huệ, phía trên phơ phất như lọng lông vũ, đan xen bằng vẻ đẹp của phỉ thúy, vấn quanh bằng ngọc đẹp; thấp tha thấp thoáng, phiêu hốt tựa thần tiên.

Thế rồi [Sở vương ban đêm] cùng [các mỹ nữ] đi săn trong vườn huệ, khoan thai tiến bước, lên con đê vàng, vây bắt chim phỉ thúy, trĩ đỏ, bắn bằng mũi tên bé, kéo bằng sợi dây nhỏ. Bắn chim bạch hộc, bắt chim giá nga, hai con hạc xám rơi, lại hạ thêm hạc đen. Sau khi đi săn đã mệt, du ngoạn ở đầm trong; thả thuyền sặc sỡ vẽ hình chim nghịch[33], khua mái chèo quế, giương rèm thúy, che lọng bằng lông vũ, giăng lưới bắt đồi mồi, câu loài tử bối[34], khua trống vàng, thổi tiêu dài, phu thuyền hát, tiếng vang lên, cá tôm dưới nước kinh hãi, sóng sục sôi, suối tung vọt, lớp lớp dồn về, cuốn đá xô đập vào nhau, lát chát rào rào, hệt như tiếng sấm, vọng ngoài trăm dặm.

Sắp dừng cuộc săn, đánh linh cổ[35], nổi lửa đài canh, xe đi theo hàng, ngựa bày thành đội, trước sau san sát, nối nhau không dứt. Thế rồi Sở vương bèn lên đài Dương Vân[36], thảnh thơi vô sự, giữ vẻ thanh tĩnh, phối đủ năm vị sau đó mới dùng. Chẳng giống vị đại vương suốt ngày rong ruổi không xuống khỏi xe, cắt thịt bên xe nướng ăn, tự lấy việc đó làm vui. Thần trộm nhìn xem, Tề vương chẳng thể vui bằng.' Thế là Tề vương lẳng lặng không trả lời.

Hữu tiên sinh bảo: 'Sao lại nói quá đến thế! Túc hạ không quản nghìn dặm, mà đến nước Tề, Tề vương phát động binh sĩ toàn cõi, chuẩn bị ngựa xe đông đúc, ra ngoài đi săn, là muốn dốc sức săn bắn dã thú, để tả hữu được vui, sao cho thế là khoa trương vậy! Hỏi Sở có chỗ săn bắn rộng hay không, là muốn nghe phong tục và sự nghiệp của đại quốc, muốn biết sự quảng bác của tiên sinh vậy. Nay túc hạ không xưng tụng ân đức cao dày của Sở vương, mà đề cao chằm Vân Mộng, lời nói chìm đắm trong niềm vui mà tỏ rõ sự xa hoa mỹ lệ, trộm cho là túc hạ không nên nói những điều đó vậy. Như những lời túc hạ nói, đó vốn không phải vẻ đẹp của Sở vậy. Nếu có thực mà nói ra, ấy là bêu cái xấu của vua; nếu không có mà nói có, là làm tổn hại uy tín của túc hạ. Bêu cái xấu của vua mà làm tổn hại đến uy tín riêng, hai điều đó không điều nào khả thủ, vậy mà tiên sinh lại làm, ít bị Tề xem thường mà tội lụy đến Sở vậy. Huống nữa nước Tề phía đông có biển lớn, phía nam có núi Lang Da[37], ngắm cảnh thì lên Thành Sơn[38], săn bắn thì đến Chi Phù, thả thuyền ở vùng biển Bột Hải, ngao du ở chằm Mạnh Chư[39], mặt bên lấy Túc Thận làm láng giềng, bên hữu lấy Thang Cốc[40] làm ranh giới, mùa thu đi săn ở Thanh Khâu[41], bồi hồi ngoài biển, nuốt trôi tám chín chằm Vân Mộng, mà trong bụng không hề mảy may vướng mắc. Còn các thứ lạ kỳ đẹp đẽ, khác chốn khác loài, chim quý thú kỳ, muôn mối tụ lại như vảy cá, đầy ứ ở đó, không sao kể xiết, đến vua Vũ[42] cũng không gọi được tên, đến ông Tiết[43] cũng không sao đếm xuể. Nhưng là địa vị chư hầu, không dám nói về niềm vui du ngoạn cùng vườn săn rộng lớn; tiên sinh lại là tân khách, nên Tề vương mới nhún nhường mà không đáp lại, đâu phải không biết đáp thế nào!'[44]

Vô Thị công nghe vậy thì cười nói: 'Sở thì sai rồi, Tề cũng chưa phải là đúng vậy. Xét lẽ, khiến chư hầu vào cống nạp, không phải vì của tiền, mà là để chư hầu tỏ bày chức phận vậy; phân rõ cương giới không phải để phòng giữ, mà nhằm ngăn cấm vượt phận phóng túng. Nay Tề là nước phên giậu phía đông, thế mà ngoài thì quan hệ riêng với Túc Thận[45], rời khỏi đất nước, vượt qua ranh giới, ra ngoài biển săn bắt[46], về đạo nghĩa vốn dĩ không được rồi. Hơn nữa sự luận bàn của hai vị, không trọng việc làm sáng nghĩa vua tôi để chỉ chính lễ của chư hầu, toàn đua luận về niềm vui du ngoạn săn bắn, sự rộng lớn của vườn uyển, muốn coi xa xỉ là thắng, hoang dâm là hơn, như thế không thể dùng để phát dương danh dự, mà chỉ đủ để hạ thấp quân vương tổn hại riêng mình thôi. Huống nữa việc của Tề, Sở đâu đủ để nói đến! Các ngài chưa thấy chỗ to đẹp, riêng các ngài chưa biết vườn Thượng lâm của thiên tử ư?

Bên trái có Thương Ngô[47], bên phải có Tây Cực[48], Đan Thủy[49] lại chảy phía nam, Tử Uyên[50] qua phía bắc; cuối và đầu thì có sông Bá sông Sản[51], chảy vào chảy ra thì có sông Kinh[52] sông Vị; các sông Phong, Hạo, Lạo, Quyết[53], uốn lượn quanh co, chảy ngay trong vườn. Mênh mang chờ tám sông chia dòng, dựa lưng vào nhau mà khác vẻ. Đông tây nam bắc, lại qua cuồn cuộn, ra từ cửa Tiêu Khâu, chảy theo bãi Châu Ú, qua khoảng giữa Quế Lâm, vượt cánh đồng rộng lớn vô bờ. Tuôn chảy dào dạt, men gò núi lớn rồi chảy xuống, đến cửa ra nhỏ hẹp. Đập vào các tảng đá lớn, xối vào các bờ khúc khuỷu, sùng sục điên cuồng, ào ạt xối xả, nhanh mạnh cuồn cuộn, tung sóng mênh mông, đang chảy ngang chợt quặt lại, lật sóng xô nhau, sục sôi gào thét, lớp lớp như mây, quanh co như rắn, sóng rập vào nhau, xối xả đổ xuống bãi cạn, đập vào chân đế, tung vọt lên cao, chảy đến các gò bãi rồi trút vào các khe lạch, từ cao rót xuống, sâu thẳm dạt dào, ầm ầm ào ào, tung bọt trắng xóa, như nước sôi trong vạc, sóng lùa bọt tung, nước xiết phăng phăng, chảy lan ra xa, lặng tờ không tiếng, rồi trở lại yên bình. Sau đó, mênh mông vô bờ, lững lờ uốn lượn, ánh sáng lấp lóa, đến phía đông đổ vào Thái Hồ[54], dâng tràn các bờ các ao. Thế rồi thuồng luồng, xích ly[55], căng măng, tiệm ly, ngung, dung, kiến, thác, ngung ngung, hư nạp[56], giương vây quẫy đuôi, dựng vảy tung cánh[57], chìm náu trong vách sâu; cá, ba ba nhung nhúc, muôn loài đông đủ, ngọc báu minh nguyệt, lấp lóa bờ sông Trường Giang, đá Thục[58], nhuyễn vàng[59], ngọc thủy tinh chồng chất, màu tươi lấp loáng, hắt lên ánh sáng rực rỡ, đều dồn về cả trong đó. Chim hồng hộc[60], túc[61], bảo[62], gia nga[63], chúc ngọc[64], giao tinh[65], hoàn mục[66], phiền vụ[67], dung cừ[68], châm tư[69], hao lô[70], đều tụ tập thành bày bơi lội ở đó. Bồng bồng bềnh bềnh, theo gió chao liệng, cùng sóng dập dềnh, nghỉ đậu trên bãi cỏ, ngậm ăn ngọn tảo ngọn rong, cắn mổ củ sen củ ấu.

Thế rồi lại có núi dựng sừng sững, đỉnh cao chót vót, rừng sâu cây lớn, cao thấp nhấp nhô, núi Cửu Tông, Tiệt Tiết, Nam Sơn cao vút, hốc núi sườn núi, như chõ như nồi, hiểm trở gập ghềnh, khơi dòng thông hang, khe lạch quanh co, hang trống u tịch, thành gò như các đảo, cao vút, địa thế cao thấp, ngọn ngọn nối tiếp, lên xuống nhấp nhô, nước chảy chầm chậm ở các suối khe, dềnh lên bình nguyên, ngàn dặm đồng bằng, không chỗ nào không được san phẳng. Nơi đó có huệ xanh che, trùm phủ bằng giang ly, xen với mi vu, lẫn cả lưu d[71]. Kết thành từng đám, nào bụi liệt sa, kiết xa, đỗ hành, cỏ lan, cảo bản, xạ can, sài khương, nhương hà, châm đăng, đỗ nhược, tôn thảo, tiên chi, hoàng lịch, tương, trữ, thanh phiền[72], mọc khắp đầm lớn, bò lan đến bình nguyên rộng lớn, nối dài không dứt, lan rộng ra mãi, gió thổi dạt theo, tỏa mùi thơm nồng, ngọt ngọt ngào ngào, các mùi đua hương, tỏa lan bốn phía, không đâu không thơm phức.

Thế rồi thưởng lãm khắp chốn, tầm mắt mở rộng, nhưng vẫn mơ mơ màng màng, nhìn mà không rõ đầu mối, ngó nghiêng mà như vô bờ. Mặt trời lên từ ao phía đông, lặn ở ao phía tây. Phía nam thì dẫu cuối mùa đông cây cỏ vẫn mọc, sóng nước tung vọt; thú thì có các loài: dung, mao, mạc, mao ngưu, trâu nước[73], hươu nai, xích thủ[74], viên đề[75], cùng kỳ[76], voi, tê giác. Phía bắc thì giữa mùa hè trời đất vẫn lạnh cóng, có thể vén y phục mà đi qua sông băng; thú có kỳ lân, giác đoan[77], đào đồ[78], lạc đà, cung cung[79], đan khê[80], quyết đề[81], lừa, la.

Rồi là ly cung biệt quán, khắp núi băng hang, hành lang cao xung quanh bốn phía, hai tầng lầu phòng gác nối liền, cột hoa tường ngọc, đường xe đi nối tiếp, liên hồi, đi trên hành lang, đường dài, giữa đường phải dừng lại nghỉ chân. Bạt núi làm nhà, đài cao tầng tầng, trong phòng hun hút, cúi trông mịt mờ không nhìn thấy mặt đất, ngẩng lên vịn xà thì chạm đến tận trời, sao bay qua cửa, cầu vồng bắc mé hiên. Rồng xanh uốn khúc bên mái đông, xe voi kéo chạy ở chỗ sạch sẽ bên mái phía tây, Linh Ngữ[82] thành thơi ở quán thanh nhàn, hạng Ác Thuyên[83] dãi nắng ở mái phía nam, suối nước ngọt tuôn từ ngôi nhà thanh tịnh, các dòng sông chảy qua giữa sân. Đá lớn xếp thành bậc bên bờ, nghiêng nghiêng chếch chếch, sừng sững chót vót, cắt gọt chênh vênh, các loại châu ngọc và đá tốt như mân khôi, bích lâm, san hô mọc từng đám; mân ngọc, bàng đường, lốm đốm như vảy lân, màu ngọc đỏ đan xen, lẫn ở khoảng đó, ngọc thuỳ tuy, uyển diễm, hay ngọc họ Hòa sản sinh từ đấy.

Rồi các loại quả như lô quất, hạ thục, cam vàng, cam, dẻ, tỳ bà, nhiên, hồng, đình, nại, hậu phác, sính táo, dương mai, anh đào, nho, ẩn phu, uất lý, tháp đạp, vải, mọc đầy phía sau cung, thành hàng ở vườn phía bắc. Kéo dài tận đồi gò, xuống dưới bình nguyên, giương lá biếc, phô cọng tía, trổ hoa hồng, rạng rỡ tốt tươi, lấp lánh rạng ngời, chiếu rọi cánh đồng rộng lớn. Các loài cây: sa đường, lịch, chư[84], hoa, tỵ, tích, lô, thạch lựu, dừa, cau, thốt nốt, gỗ đàn, mộc lan, dự chương, nữ trinh, trải hàng nghìn nhận[85], lớn mấy người ôm, cành dài buông rủ, lá quả sum suê, mọc thành cụm dựa vào nhau, cành đan xen chằng chịt, hoa rụng bay bay, gốc cành vẫn um tùm, đung đưa theo gió, gió mạnh thổi đến phát tiếng kêu như tiếng vang tiếng đá, như âm thanh của tiếng sáo tiếng sênh. Lô nhô bao quanh phía sau cung, đan xen nhiều loài cây, phủ núi men hang, theo triền núi xuống chỗ trũng ẩm, nhìn mà không biết đầu mối ở đâu, tìm xét càng thấy khôn cùng.

Rồi lại có vượn đực màu đen, vượn cái màu trắng, vượn đuôi dài, đười ươi, chồn bay, chất[86], chu[87], quắc nhu[88], tiệm hồ[89], hộc[90], quỷ[91], nghỉ ngơi trong đó; hú dài, tiếng kêu buồn bã, nhảy nhót qua lại, lủng lẳng trên cành, hoặc nằm ngồi trên ngọn cây. Rồi những chỗ không có cầu bắc sang, chúng nhảy nhót trên các đám cây lạ, tay bám vào các cành cây rủ xuống, phóng mình trong đám cây lưa thưa, lúc tản ra lúc tụ lại, hoặc chạy tán loạn tít tận chỗ xa.

Những chỗ tương tự có đến hàng trăm hàng nghìn. Ngao du qua lại, ngủ lại ở ly cung hoặc ở biệt quán, không cần chuyển bếp núc đến, không cần dời cung tần trong hậu cung đến, trăm quan đã tề tựu đông đủ.

Thế rồi từ cuối thu đến đầu đông, thiên tử quây rào săn thú. Ngồi xe trang sức bằng ngà voi, đóng sáu tuấn mã trang trí bằng ngọc đẹp, mang cờ trang điểm như cầu vồng, cờ quạt như mây, phía trước là xe bọc da, phía sau là đạo xa và du xa[92]; Tôn Thúc[93] cầm cương, Vệ công[94] làm tham thừa[95], thị tòng đi theo hàng ngang, ra săn trong chỗ bốn đội thị tòng. Gióng trống trong chỗ nghi trượng nghiêm cẩn, ra sức săn bắn, lấy sông Giang sông Hà làm vòng vây, lấy Thái Sơn làm lầu trông, ngựa xe như sấm động, rợp trời chuyển đất, chia đội trước sau, tản để truy đuổi, chạy qua chạy lại, men theo gò đống, xông vọt ra đầm, như mây giăng mưa trút.

Bắt sống con tỳ[96] con báo, tóm cổ con sói con lang, tay giết con gấu con bi, chân đạp dã dương, đội mũ lông chim hạt[97], mặc quần vẽ hổ trắng, khoác áo da báo gấm, cưỡi ngựa khỏe. Lên ba tầng núi chênh vênh, xuống những sườn non khấp khểnh; qua đỉnh cao, vượt hiểm nguy, băng suối vượt sông. Đánh giết con phỉ liêm[98], đùa chơi với con giải trãi[99], giết con hạ cáp[100], đâm con mãnh thị[101], quây lưới bắt con yểu niểu[102], bắn chết con lợn nòi. Tên bắn đúng chỗ hiểm, rách cổ xuyên óc; cung không bắn bừa, theo tiếng dây bật thì thú vật ngã nhào. Thế rồi xe ngự kim cương, nhẹ nhàng qua lại, ngước trong đội ngũ tiến lui, nhìn xem thần thái thay đổi của tướng soái. Sau đó dần dần phóng nhanh, phút chốc đến tận nơi xa, quây bắt các loài chim, chân đạp trên loài thú khôn lanh, trục xe giết con hươu trắng, mau chóng tóm con thỏ tinh ranh, xe lướt như ánh chớp đỏ, vệt sáng rớt lại phía sau, đuổi theo loài thú lạ, phóng khỏi vòng vũ trụ, giương cung phồn nhược[103], kéo hết tầm của mũi tên đuôi làm bằng lông trắng, bắn con kiêu dương[104], giết con phỉ cư[105], chọn con thịt béo để bắn trước, thoạt đầu nói chỗ ra lệnh bắn vào, sau đó theo lời để bắn, tên bay khỏi cánh cung, cầm thú liền trúng tên ngã nhào.

Tiếp đó giương cờ tiết lên trời, qua cuồng phong, vượt gió táp, phóng xe trên tầng không, tựa như thần tiên, đạp trên lưng hạc đen, xua loạn bày côn kê[106], đuổi theo chim công chim loan, bắt con trĩ đỏ, vụt con ế điểu[107], đập con phượng hoàng, bắt con uyên sồ[108], tóm con tiêu minh[109].

Cùng đường kịch lối, quay xe mà về. Tiêu diêu ở chốn tự tại, giáng hạ nghỉ ngơi ở miền cực bắc, phía trước thẳng dong, thinh linh chuyển hướng. Lên quán Thạch Quan, qua quán Phong Loan, đến quán Chi Thước, ngắm quán Lộ Hàn[110], xuống cung Đường Lê, nghỉ cung Nghi Xuân[111], theo phía tây phóng ngựa đến cung Tuyên Khúc[112], thả thuyền ở ao Ngưu Thủ[113], lên quán Long Đài[114], nghỉ ở quán Tế Liễu[115], xem xét sự cần mẫn và trí lược của sĩ đại phu, so sánh những thứ mỗi người đã săn được. Con thì bị lính giẫm xe nghiền, con thì bị xe ngựa xéo qua, con bị chúng dân đạp phải, cùng những con mỏi mệt cùng cực, kinh khiếp phủ phục, không bị đâm chém mà chết, la la liệt liệt, chất đầy hang hốc, nằm kín ruộng đầm.

Thế rồi sau khi du ngoạn vui vẻ đã thấm mệt, bày tiệc rượu trên đài cao tận trời xanh, biện nhạc ở điện vũ giữa khoảng không rộng vắng; gióng chuông ngăn thạch, treo lên trên giá vạn thạch[116]; cắm cờ thúy hoa[117], dựng trống linh đà[118]. Tấu điệu múa của Đào Đường thị[119], nghe lời ca của Cát Thiên thị[120], nghìn người hát, vạn người họa, núi non vì thế chuyển rung, khe hốc theo đó dậy sóng. Điệu múa Ba du của đất Tống đất Sái, khúc nhạc Vu già của miền Hoài Nam, khúc ca của đất Văn Thành đất Điên, tập hợp nhau lại để lần lượt diễn tấu, trống vàng lần lượt vang lên, véo von tùng tùng, vang tai thấu dạ. Tiếng nhạc của các nước Kinh, Ngô, Trịnh, Vệ, khúc nhạc Thiều[121], Hoạch[122], Vũ[123], Tượng[124], những thanh âm ủy mị phóng túng, những điệu múa quay cuồng của đất Yên đất Dĩnh[125], những khúc ca réo rắt của Khách Sở[126], cùng diễn trò, người lùn, con hát Địch Đề[127], dùng để làm vui cho tai mắt mà sảng khoái trong lòng, nên phía trước thì đẹp đẽ ưa nhìn, phía sau thì mịn màng xinh đẹp.

Giống như những Thanh Cầm[128], Phục Phi[129], tuyệt xinh khác tục, đẹp đẽ tao nhã, chì phấn điểm tô, đầu tóc chải chuốt, thanh tân uyển chuyển, mềm mại thướt tha, kiều mị nhẹ mềm, kéo lê tay áo cắt bằng tơ nước Thục, y phục buông dài đẹp đẽ, dìu dặt trong điệu múa, khác xa thế tục; mùi thơm sực nức, ngào ngạt nồng nàn; răng đều trắng đẹp, nụ cười sáng tươi; mày dài cong nhỏ, ánh mắt sáng trong; sắc đẹp mê hồn, say lòng kề cận.

Thế rồi giữa chừng cuộc rượu khi nhạc đang say, thiên tử mơ màng trầm tư, dường quên điều gì. Nói: 'Ôi chao, thế này thực xa xỉ! Trẫm nhân lúc rảnh rang chính sự, nhàn nhã vô sự, bỏ phí ngày giờ, thuận theo đạo trời để săn bắn, thường ngơi nghỉ ở đây, e đời sau xa hoa, đua theo mà không biết quay đầu lại, đó không phải cách để kế nối cơ nghiệp, truyền lại khuôn pháp vậy.' Thế là bèn bãi tiệc ngừng săn, rồi mệnh cho quan hữu ti rằng: 'Có thể mở rộng khai khẩn đất trong vườn, thảy làm đồng ruộng, cấp cho dân chúng không có ruộng đất; bạt tường lấp khe, khiến dân vùng đầm núi được đến đây. Thả nuôi đầy núi đầy hồ mà không cấm đánh bắt, để trống cung quán mà không cho vào ở. Mở kho lẫm cứu tế người nghèo khổ khốn cùng, giúp người thiếu thốn, chẩn cấp người góa vợ góa chồng, bảo bọc người côi cút cô độc. Ban hành hiệu lệnh ơn đức, giảm bớt hình phạt, cải chế độ, thay sắc phục, đổi chính sóc, cùng thiên hạ đổi mới từ đầu.'

Thế rồi lựa ngày tốt để trai giới, mặc triều phục, ngồi pháp giá[130], cắm cờ hoa mỹ, chuông loan leng keng, du ngoạn ở khu vườn Lục nghệ[131], lướt đi trên đường nhân nghĩa, thưởng lãm ở rừng Xuân thu[132], bắn con Ly thủ[133], cùng con Trâu ngu[134], bắn con hạc đen, dựng lá chắn và búa[135], chở lưới chở cờ, giăng bắt các loại Nhã[136], buồn với bài Phạt đàn[137], vui với thiên Lạc tư[138], chỉnh dung nghi ở vườn Lễ[139], lướt bay ở vườn Thư[140], thuật lại con đường của Dịch[141], thả con thú lạ, lên nhà Minh đường[142], ngồi ở Thanh miếu[143], cho quần thần được thỏa lòng trình tâu việc được mất, trong bốn biển không đâu không nhận được ân huệ. Vào lúc này, thiên hạ cả mừng, theo gió mà nghe, theo dòng mà giáo hóa, bỗng đạo hưng khởi mà theo về nẻo nghĩa, phế bỏ hình phạt không cần dùng, đức thịnh hơn cả Tam hoàng[144], công nhiều hơn cả Ngũ đế[145]. Được như thế, săn bắn mới gọi là vui vậy.

Ví phỏng suốt ngày dãi nắng dầm sương rong ruổi, lao khổ tinh thần, võ vàng hình vóc, ngựa xe mỏi mệt, sĩ tốt hao tổn tinh lực, tiêu chí của cải trong kho, mà không có ân đức cao dày, chỉ chuộng một mình hưởng lạc, không đoái hoài đến chúng dân, quên cả chính sự quốc gia, mà tham săn trĩ thỏ, người có đức nhân không làm như thế. Từ đó mà xét, việc của Tề Sở, há chẳng đáng buồn ư? Đất rộng không quá nghìn dặm, mà vườn uyển chiếm chín trăm dặm, như thế cây cỏ không có chỗ để khai khẩn mở mang, còn dân chúng không có cái mà ăn vậy. Nước chư hầu nhỏ mà hưởng lạc xa xỉ như nước vạn cỗ xe, tôi e trăm họ sẽ phải khốn khổ vậy.

Thế là hai tiên sinh tiu nghỉu biến sắc, buồn bã như đánh mất vật gì, lui lại khỏi chiếu, nói: 'Bỉ nhân thực nông cạn, không biết kiêng tránh, nay được chỉ giáo, xin kính cẩn nghe theo lời dạy'.”

Bài phú được dâng lên, thiên tử cho [Tương Như] làm quan Lang. Vô Thị công nói về sự rộng lớn vườn Thượng lâm của thiên tử, núi khe sông suối muôn vật, cho đến việc Tử Hà nói về sản vật phong phú trong đầm Vân Mộng của Sở, khoa trương quá với sự thực, huống nữa lại không cùng chuộng nghĩa lý, cho nên cắt bỏ chỉ lấy phần quan trọng, quy về chính đạo để luận bàn.

 (còn tiếp phần 2)

Chú thích. (phần1)

[1] Từ phú: dạng thức của thể phú giai đoạn thời Hán về trước, cách luật chưa chặt chẽ như kiểu phú của thời Đường về sau.

[2] Chức quan thời Hán, phụ trách việc trông chó săn của nhà vua.

[3] Nguyên là "trát”, nghĩa là cái thẻ gỗ. Xưa, do chưa có giấy, khi cần biên chép gì thì viết hoặc khắc vào thẻ gỗ hoặc thẻ tre.

[4] Tử Hư, Ô Hữu tiên sinh, Vô Thị công: đều là các nhân vật hư cấu trong bài Tử Hư phú của Tư Mã Tương Như. Cách đặt tên nhân vật giống với cách đặt tên một số nhân vật hư cấu trong sách Nam Hoa kinh của Trang từ thời Chiến quốc.

[5] Thư hoàng: một loại khoáng vật màu vàng chanh, người xưa thường dùng để phết, sửa những chỗ viết sai.

[6] Một thứ đá quý màu tía.

[7] Một loại đá, kém hơn ngọc.

[8] Một loại đá đẹp.

[9] Một loại đá nổi tiếng, đứng sau ngọc.

[10] Một loại đá màu đen.

[12] Một loại đá tốt, kém hơn ngọc.

[12] Một loại đá đẹp, kém hơn ngọc.

[13] Hành: tức đỗ hành, một thứ cỏ thơm.

[14] Bạch chỉ và đỗ nhược, là hai thứ cỏ thơm.

[15] Một loài cây sắc vàng tươi, có thể dùng làm thuốc.

[16] Cũng gọi là xuyên khung, một loài cây có thể dùng làm thuốc.

[17] Một loại cây có thể dùng làm thuốc.

[18] Giang ly, mi vu: hai loại cỏ thơm.

[19] Một loại cỏ lau.

[20] Một loài mãnh thú.

[21] Cùng kỳ: một loài quái thú.

[22] Một loài sói.

[23] Chuyên Chư: dũng sĩ, thích khách nổi tiếng của nước Ngô thời Xuân thu.

[24] Can Tương: người thợ giỏi về đúc kiếm người nước Sở thời Xuân thu.

[25] Có chỗ chép là Ô hào, Ô hiệu, là tên một loại cung nỏ cứng.

[26] Nguyên là "Hạ phục", chỉ một loại tên cứng, cũng có thuyết cho là mũi tên của Hạ Hậu Nghệ, một nhân vật giỏi bắn cung trong truyền thuyết.

[27] Dương tử: chỉ Bá Nhạc, một người giỏi xem tướng ngựa thời cổ.

[28] Tiêm A: tương truyền là một người giỏi về đánh xe ngựa.

[29] Cung cung và cự hư đều là các loài thú trong truyền thuyết.

[30] Một loài ngựa hoang lông màu xanh.

[31] Di phong: một loại thiên lý mã.

[32] Du kỳ: theo truyền thuyết là một loại thú trên trời.

[33] Một loài chim không sợ gió, thường được vẽ hình ở đầu mũi thuyền để mong thuyền đi được an toàn.

[34] Một loài nhuyễn thể ngoài biển.

[35] Một loại trống sáu mặt.

[36] Đài ở phía dưới Vu Sơn, phía nam đầm Vân Mộng.

[37] Núi ở bên biển, phía đông nam tỉnh Sơn Đông.

[38] Núi ở phía đông bắc Sơn Đông.

[39] Đầm lớn thời cổ, nay thuộc phía đông bắc Thương Khâu, Hà Nam.

[40] Cũng gọi là Dương Cốc, chỉ vùng đất phía đông, nơi mặt trời mọc.

[41] Tên nước, tương truyền rộng ba trăm dặm, ở phía đông biển lớn.

[42] Tức vua mở đầu nhà Hạ.

[43] Bề tôi của vua Thuấn, thủy tổ của nhà Thương.

[44] Phần này được hậu thế định danh là bài phú "Tử Hư” Tử Hư Phú, phần tiếp sau được định danh là phú Thượng lâm (Thượng lâm phú). Phú của Tư Mã Tương Như khoa trương tột độ, ngôn từ cổ kính, dùng nhiều chữ vô cùng hiểm hóc, rất khó để có thể dịch thật sát nghĩa, đặc biệt là các từ chỉ các loài cây cỏ, cầm thú... đa phần không có trong tiếng Việt. Các bài phú trong phần này, chúng tôi tham khảo các bản chú cổ và các bản dịch tiếng Trung hiện đại để dịch, tuy nhiên nhiều chỗ cũng chỉ là dịch đại thể theo ý mà thôi.

[45] Túc Thận: tên một nước thời cổ, nay thuộc phía bắc núi Trường Bạch đến khu vực Hắc Long giang.

[46] Đoạn trên có nhắc việc mùa thu đi săn ở Thanh Khưu. Thanh Khưu tương truyền là nước nằm ngoài biển. Do đó ở đây tác giả mới nói việc ra ngoài biển săn bắt.

[47] Thương Ngô: tên quận thời Hán, thời cổ có lúc thuộc Giao Châu, trụ sở nay thuộc huyện Thương Ngô, tỉnh Quảng Tây.

[48] Tây cực: chỉ đất Mân, ở phía tây bắc của Trường An.

[49] Đan Thủy: tên sông, ở núi Trung Linh tại phía tây bắc thành phố Thường Châu, tỉnh Thiểm Tây, chảy theo hướng đông nam rồi đổ vào Hà Nam.

[50] Tử Uyên: dòng sông ở phía bắc vườn Thượng Lâm.

[51] Sông Bá và sông Sản đều là các nhánh của sông Vị.

[52] Sông Kinh: phát nguyên từ sườn đông núi Lục Bàn, thuộc phía nam Ninh Hạ, chảy qua tỉnh Cam Túc, đến huyện Cao Lăng của tỉnh Thiểm Tây thì đổ vào sông Vị.

[53] Các sông này đều nằm trên địa bàn tỉnh Thiểm Tây ngày nay.

[54] Hồ thuộc tỉnh Giang Tô.

[55] Một loại giao long, không có sừng.

[56] Đều là các loài cá.

[57] Ý nói cá giương vảy phóng lên, như chim vươn cánh.

[58] Một loại đá tốt, kém ngọc.

[59] Nhuyễn: cũng là một loại đá tốt, kém hơn ngọc.

[60] Một loài chim lớn, bay cao.

[61] Một loại nhạn, lông màu xanh lục.

[62] Loài chim giống chim nhạn, nhưng lớn hơn.

[63] Gia nga: một loài nhạn, giống vịt nhưng lớn hơn, mỏ nhỏ.

[64] Một loài chim nước, giống chim nhạn nhưng lớn hơn.

[65] Một loài chim nước.

[66] Giống loài cò, đuôi ngắn.

[67] Giống vật nhưng nhỏ hơn.

[68] Tục gọi là loài gà nước, tựa vịt nhưng chân giống gà.

[69] Một loài chim nước.

[70] Tục gọi là loài "thủy lão nha" (quạ già dưới nước).

[71] Huệ xanh (lục huệ), giang ly, mi vụ, lưu di, đều là các loài cỏ thơm.

[72] Phần lớn là các loại cỏ thơm và cây thuốc.

[73] Đều là các loài bộ móng guốc, như trâu, bò, bò tót...

[74] Một loài thú trong truyền thuyết.

[75] Cũng là một loài thú trong truyền thuyết, tương truyền loài này sống ở phương nam.

[76] Một loài quái thú trong truyền thuyết, có thể ăn thịt người.

[77] Một loài thú, gần giống loài gấu, có sừng phía trên mũi.

[78] Một loài thú, giống ngựa.

[79] Một loài thú, giống ngựa, màu trắng.

[80] Một loài ngựa hoang.

[81] Một loài tuấn mã.

[82] Chỉ các vị tiên nói chung.

[83] Tên một vị tiên thời cổ.

[84] Tên một loài cây cao, lá nhỏ dài, đầu lá nhọn, gỗ rất cứng, dùng để chế tạo vật dụng.

[85] Nhận: đơn vị đo khoảng cách thời cổ.

[86] Một loại thú biết bay trong truyền thuyết, có bốn cánh.

[87] Một loài thú trong truyền thuyết, lớn như lừa, hình dáng như khỉ, giỏi leo cây.

[88] Một loài linh trưởng.

[89] Một loài thú giống khỉ.

[90] Một loài cáo trắng.

[91] Một loài khỉ.

[92] Các loại xe dùng khi thiên tử xuất hành. Thời cổ đại, thiên tử xuất hành, dùng năm cỗ đạo xa, chín cỗ gụ xa.

[93] Một người giỏi đánh xe thời cổ. Có thuyết cho là Công Tôn Hạ, một quan Thái bộc thời Hán Vũ đế.

[94] Chỉ người giỏi đánh xe thời cổ. Có thuyết cho là đại tướng quân Vệ Thanh thời Hán Vũ đế.

[95] Tham thừa: ngồi hộ vệ bên phải xe.

[96] Tỳ: một loại mãnh thú.

[97] Hạt: tức hạt kê, một giống chim giống chim trĩ, nhưng lớn hơn, lông màu đỏ, đầu có lông mao, tính mạnh tợn, hay đánh nhau, chết không chịu lùi, vì thế nên mũ của các quan võ ngày xưa đều cắm lông loài chim này, gọi là mũ chim hạt (hạt quan).

[98] Phỉ Liêm: một loài thú mình chim đầu hươu.

[99] Giải trãi: một loài linh thú, tương truyền giống con hươu nhưng có một sừng.

[100] Hạ cáp: một loài mãnh thú.

[101] Mãnh thị: loài thú giống gấu nhưng hơn, lông ngắn.

[102] Yểu niểu: một loại thần mã.

[103] Tên một loại cung tốt của Hậu Nghệ.

[104] Nguyên văn là Du kiêu: một loài thú.

[105] Một loài Linh thú, đầu hươu mình rồng.

[106] Côn kê: loài chim giống hạc, mỏ đỏ, cổ dài, toàn thân màu vàng nhạt.

[107] Ế điểu: một loài chim lớn trong truyền thuyết, lông năm màu.

[108] Uyên sồ: một loài phượng hoàng.

[109] Tiêu minh: cũng là một loài chim thuộc giống phượng hoàng.

[110] Bốn quán xây dựng thời Hán Vũ đế.

[111] Ở mạn phía động huyện Đỗ, tỉnh Thiểm Tây.

[112] Ở phía tây Côn Minh trì (nay là phía tây nam thành phố Tây An, Thiểm Tây).

[113] Ao ở phía tây vườn thượng uyển.

[114] Ở phía đông bắc huyện Hộ, tỉnh Thiểm Tây ngày nay, gần sông Vị Thủy.

[115] Ở phía nam Côn Minh trì.

[116] Thạch: đơn vị tính trọng lượng thời cổ, một thạch nặng 120 cân.

[117] Cờ trang điểm bằng lông chim trả.

[118] Trống bưng bằng da loài cá sấu lớn.

[119] Đào Đường thị: chỉ đế Nghiêu, triều đại đế Nghiêu, Đường Nghiêu.

[120] Cát Thiên thị: một thủ lĩnh bộ lạc thời cổ, cùng Vô Hoài thị, đều là những thời đại được coi là thái bình thịnh trị, tương tự như thời Đế Nghiêu Đế Thuấn.

[121] Thiều: nhạc của thời Ngu Thuấn.

[122] Hoạch: nhạc của thời Thành Thang nhà Thương.

[123] Vũ: chỉ nhạc của Vũ vương thời nhà Chu.

[124] Tượng: nhạc của Chu công Đán thời Chu.

[125] Đều là các đất thuộc nước Sở ở phương nam.

[126] Cũng thuộc nước Sở.

[127] Địch Đề: một bộ tộc ở phía tây.

[128] Một nữ thần trong truyền thuyết.

[129] Tương truyền là con gái của Phục Hi, chết đuối ở sông Lạc, rồi làm nữ thần sông Lạc.

[130] Một loại xe thường dùng của thiên tử.

[131] Lục nghệ: chỉ sáu kinh điển của Nho gia: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân thu.

[132] Theo nghĩa hẹp là Kinh Xuân thu do Khổng tử trước tác. Nhưng xưa, sử thường viết theo lối biên niên, nên Xuân thu cũng chỉ các bộ sử (bản thân Kinh Xuân thu của Khổng tử cũng là một bộ sử nước Lỗ).

[133] Ly thủ: tên một bài thơ thời cổ.

[134] Trâu ngu: tên một bài thơ trong phần "Thiệu Nam" của Kinh Thi.

[135] Nguyên là "can thích", nghĩa là tấm thuẫn và búa. Tương truyền vua Thuấn chỉ múa lá chắn và búa ở triều đình mà người Hữu Miêu ở phương nam phải thần phục. Đây ý nói chỉ sửa sang văn đức, không cần dùng sức mạnh quân sự mà có thể khuất phục được cả những tộc ở tận nơi xa xôi.

[136] Nhã: Có lẽ chỉ Kinh Thi. Có sách cho là chỉ những kẻ sĩ hiền năng, thu nạp người tài năng để giúp rập trong trị lí quốc gia.

[137] Phạt đàn; tức bài "Phạt đàn" trong phần "Ngụy phong" của Kinh Thi, vốn là bài thơ nói về người hiền năng nhưng không gặp được minh chúa.

[138] Lạc tư: chỉ bài "Tang hộ" trong phần "Tiểu nha" của Kinh Thi, trong bài có câu: "Thiên tử lạc tư, Thụ thiên chi hựu", ý nói nhà vua vui vẻ vì có bề tôi tài trí giúp đỡ, biết về văn chương, người hiền năng được đặt đúng vị trí, ai nấy tận tụy với chức vụ của mình, chính trị hài hòa, chúng dân yên ổn, trời sẽ ban cho điều phúc lành.

[139] Lễ: đây chỉ Lễ ký, tức Kinh Lễ.

[140] Tức Kinh Thư.

[141] Tức Kinh Dịch.

[142] Minh đường: nơi thiên tử triều kiến chư hầu, cũng chỉ nơi để giải quyết chính sự, triều kiến các đại thần.

[143] Thanh miếu: tức thái miếu, tông miếu. Đây ý nói thiên tử đi tế lễ ở miếu thờ tổ tiên.

[144] Tam hoàng: có nhiều thuyết khác nhau. Tam hoàng có thể là Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng, ở đây theo thuyết Tam hoàng là: Phục Hy, Thần Nông và Nữ Oa.

[145] Ngũ đế: có nhiều thuyết khác nhau, theo Sử ký (Ngũ đế bản kỷ) thì gồm: Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu và Thuấn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét