Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 115 TRIỀU TIÊN LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

QUYỂN 115 

TRIỀU TIÊN LIỆT TRUYỆN

Triều Tiên vương tên là Mãn[1], người nước Yên xưa. Từ thời nước Yên còn thịnh trị, từng chiếm lấy Chân Phan và Triều Tiên, đặt quan lại, xây thành trì phòng vệ biên ải. Tần diệt Yên, các đất này quy thuộc, trở thành vùng ngoại biên quận Liêu Đông. Nhà Hán hưng khởi, cho là vùng xa khó giữ, lại sửa biên ải cũ ở Liêu Đông, đến Bái Thủy, lấy làm ranh giới, thuộc nước Yên. Yên vương Lư Oản làm phản, trốn vào Hung Nô, Mãn phải lưu vong, tụ tập bè đảng hơn nghìn người, búi tóc chuy kế, mặc trang phục man di, chạy ra biên tái phía đông, vượt sông Bái Thủy, sống ở vùng đất phía trên và dưới các thành lũy vốn hoang vắng thời Tần, dần dần nô dịch, khiến người man di ở Chân Phan, Triều Tiên cho đến bách tính lưu vong nước Yên, Tề cũ quy thuộc, lên làm vua, đóng đô ở Vương Hiểm.

Đến thời Hiếu Huệ đế, Cao hậu, thiên hạ mới yên định, Thái thú Liêu Đông ước định cho Mãn làm bề tôi cõi ngoài, bảo vệ man di ở ngoài quan ải, không để họ trộm cướp ở vùng biên; các tộc trưởng man di muốn vào triều kiến thiên tử, không được ngăn cấm. Ước định được báo lên, Hoàng thượng chấp thuận, vì thể Mãn được binh quyền, của cải, xâm chiếm và hàng phục các thành ấp nhỏ lân cận, Chân Phan, Lâm Đồn đều đến hàng phục, [khiến đất của Mãn] rộng đến mấy nghìn dặm vuông.

Mãn truyền cho con, đến cháu nội Hữu Cừ, chiêu dụ được rất nhiều lưu dân nhà Hán, lại chưa từng vào chầu; các nước bên cạnh Chân Phan định dâng thư, triều kiến thiên tử, nhưng vì cách trở không đến được. Năm Nguyên Phong thứ hai, nhà Hán sai Thiệp Hà đến trách lỗi và hiểu dụ Hữu Cừ, nhưng rốt cuộc vẫn không chịu vâng chiếu. Hà đi đến đầu địa giới, tới Bái Thủy, sai người đánh xe giết Tỳ vương Triều Tiên đi tiễn Hà là Trường, kíp vượt sông, phóng vào biên ải, rồi về báo với thiên tử rằng mình đã “giết tướng Triều Tiên”. Hoàng thượng cho Hà có danh tiếng tốt, không hỏi đến, phong Hà làm Đô úy vùng phía đông quận Liêu Đông. Triều Tiên oán Hà, phát binh đánh úp, giết chết Hà.

Thiên tử chiêu mộ tội nhân đi đánh Triều Tiên. Mùa thu năm ấy, sai Lâu thuyền tướng quân Dương Bốc xuất phát từ Tề, theo biển Bột Hải, quân có năm vạn; Tả tướng quân Tuân Trệ đem quân ra Liêu Đông, thảo phạt Hữu Cừ. Hữu Cừ phát binh giữ chỗ hiểm chống cự. Tên lính của Tả tướng quân tên là Đa chỉ huy quân Liêu Đông tiến đánh địch trước, thua trận, quân tan vỡ, Đa cũng bỏ trốn, phạm pháp, bị chém. Lâu thuyền tướng quân đem bảy nghìn quân Tề đến Vương Hiểm. Hữu Cừ dựa thành chống giữ, dò xét thấy quân của Lâu thuyền ít, liền ra thành giao chiến, quân của Lâu thuyền tướng quân thua chạy. Tướng quân Dương Bộc bị mất quân, trốn trong núi hơn chục ngày, dần dần tìm thu lại các quân sĩ tản mác, tụ hợp. Tả tướng quân đánh cánh quân phía tây Bái Thủy của Triều Tiên, chưa thể đánh phá từ trước mặt địch.

Thiên tử cho rằng hai tướng đều chưa thủ thắng, bèn sai Vệ Sơn dựa vào uy tín trong quân sang hiểu dụ Hữu Cừ. Hữu Cừ gặp sứ giả, dập đầu tạ tội: “Xin đầu hàng, chỉ sợ hai tướng lừa gạt rồi giết thần; nay thấy phù tiết xác tín, thần xin hàng phục.” Rồi sai Thái tử vào triều tạ tội, dâng năm nghìn con ngựa cùng quân lương. Hơn vạn người Triều Tiên đều cầm binh khí, đang sắp vượt Bái Thủy, sứ giả và Tả tướng quân ngờ họ gây biến, bảo Thái tử đã hàng phục, nên sai người không được cầm vũ khí. Thái tử cũng ngờ sứ giả và Tả tướng quân gian dối rồi giết mình, liền không chịu vượt Bái Thủy, lại dẫn quân về. Vệ Sơn về báo với thiên tử, thiên tử giết Sơn.

Tả tướng quân phá được quân trên Bái Thủy, bèn tiến quân, đến dưới thành, bao vây phía tây bắc. Lâu thuyền cũng đến hội quân, đóng ở phía nam thành. Hữu Cừ liền giữ thành thật vững, mấy tháng [quân Hán] vẫn chưa đánh hạ được.

Tả tướng quân vốn làm Thị trung, được sủng, chỉ huy quân Yên, Đại, hung tợn, thừa thắng, quân phần nhiều sinh kiêu. Lâu thuyền tướng quân chỉ huy quân Tề, vượt biển, vốn đã nhiều người thua chạy; trước tiên giao chiến với Hữu Cừ, bị khốn, chịu nhục, mất quân, sĩ tốt đều sợ, tướng quân hổ thẹn, khi bao vây Hữu Cừ, thường giữ khoan hòa. Tả tướng quân tấn công gắt gao, đại thần Triều Tiên bèn ngầm phái người đến ước hàng riêng với Lâu thuyền tướng quân, qua lại bàn định, vẫn chưa chịu quyết. Tả tưởng quân nhiều lần cùng Lâu thuyền tướng quân hẹn kỳ tấn công, Lâu thuyền muốn mau chóng ước định, không được; Tả tướng quân cũng sai người tìm thời cơ để hàng phục Triều Tiên, Triều Tiên không chịu, trong lòng đã quy phụ Lâu thuyền, vì thế hai tướng không phục nhau. Tả tướng quân có ý cho Lâu thuyền tướng quân trước có tội để mất quân, nay có giao du riêng với Triều Tiên mà họ không chịu hàng, nghi ngờ Lâu thuyền tướng quân âm mưu tạo phản, nhưng chưa dám tố cáo. Thiên tử cho rằng, tướng lĩnh vô năng, trước đã phái Vệ Sơn đi du hàng Hữu Cừ, Hữu Cừ sai Thái tử vào chầu, Vệ Sơn không biết quyết đoán, cùng Tả tướng quân tính kế đều sai, rốt cuộc làm hỏng ước định. Nay hai tướng vây thành, lại khác ý nhau, cho nên dùng dằng mãi chưa xong. Sai Thái thú Tế Nam là Công Tôn Toại đến chấn chỉnh họ, nếu tiện thì được tùy nghi hành sự. Toại đến, Tả tướng quân nói: “Đáng lẽ hạ được Triều Tiên lâu rồi, không hạ được là có nguyên do.” Nói Lâu thuyền tướng quân nhiều lần ước hẹn mà không đến, bèn đem ý mình nghĩ nói với Toại, rằng: “Nay đã như thế mà không bắt lấy, e sẽ thành nguy hại lớn, không chỉ riêng quân Lâu thuyền tướng quân, e sẽ hợp với Triều Tiên, tiêu diệt quân ta.” Toại cũng cho là phải, rồi dùng phù tiết triệu Lâu thuyền tướng quân vào quân doanh Tả tướng quân bàn kế, lập tức sai thuộc hạ dưới trướng Tả tướng quân bắt Lâu thuyền tướng quân, thu hết quân, rồi báo cho thiên tử. Thiên tử giết Toại.

Tả tướng quân đã gộp hai cánh quân, tức tốc tấn công Triều Tiên. Tướng quốc Triều Tiên là Lộ Nhân, Tướng quốc Hàn Âm, Tướng quốc Ni Khê là Tham, cùng tướng quân Vương Hiệp bàn mưu rằng: “Ban đầu định hàng Lâu thuyền, nay Lâu thuyền bị bắt, một mình Tả tướng quân chỉ huy hai cánh quân, đánh càng rát, sợ không thể đối địch được, đại vương lại không chịu hàng.” Âm, Hiệp, Lộ Nhân đều trốn sang hàng nhà Hán. Lộ Nhân chết trên đường đi. Mùa hạ năm Nguyên Phong thứ ba, Tướng quốc Ni Khê là Tham bèn sai người giết Triều Tiên vương Hữu Cừ rồi đến hàng. Thành Vương Hiểm vẫn chưa bị hạ, cho nên đại thần của Hữu Cừ là Thành Tỵ vẫn làm phản, tấn công các quan lại khác. Tả tướng quân sai con của Hữu Cừ là Trường Giang, con trai Tướng quốc Lộ Nhân là Tối dụ bảo dân chúng, giết Thành Tỵ, vì thế bình định được Triều Tiên, lập thành bốn quận. Phong cho Tham làm Hoạch Thanh hầu, phong Âm làm Địch Tư hầu, phong Hiệp làm Bình Châu hầu, Trường Giang làm Cơ hầu. Tối vì cha chết, có nhiều công lao, được làm Ôn Dương hầu.

Tả tướng quân bị triệu đến, nhân vì ganh ghét tranh công, làm trái kế hoạch, bị chém ngoài chợ. Lâu thuyền tướng quân cũng vì đem quân đến Liệt Khẩu, đáng lẽ phải đợi quân của Tả tướng quân, nhưng tự ý tiến đánh trước, tổn thất nhiều quân, đáng tội chết, được chuộc tội làm dân thường.

Thái sử công bàn rằngHữu Cừ cậy thành kiên cố, nước bị tuyệt tự. Thiệp Hà lừa dối để được công, phát binh đầu tiên. Lâu thuyền tướng quân hẹp hòi, gặp phải nguy nan lầm lỗi. Hối hận vì mất Phiên Ngung, rồi trái lại bị nghi ngờ. Tuân Trệ tranh công, cùng loại đều bị giết. Hai quân đều chịu nhục, tướng cầm quân không ai được phong hầu.

 

Chú thích.

[1] Tức Vệ Mãn.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét