SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)
Phạm Văn Ánh dịch
QUYỂN 116
TÂY NAM DI LIỆT TRUYỆN
Người di ở phía tây nam có đến hàng chục tộc trưởng, Dạ
Lang là lớn nhất; các tộc thuộc của Mị Mạc ở phía tây Dạ Lang cũng có đến hàng
chục, tộc Điên là lớn nhất; từ tộc Điên về phía bắc có hàng chục trưởng tộc,
trong đó tộc Cung Đô là lớn nhất. Các tộc này đều búi tóc chuy kế, làm ruộng, tụ
lại thành ấp. Ngoài ra, phía tây từ Đồng Sư sang phía đông, phía bắc đến Diệp
Du, gọi là Tủy, Côn Minh, đều tết tóc, di chuyển theo đàn súc vật, không có chỗ
ở cố định, không có tộc trưởng, đất rộng mấy nghìn dặm vuông. Từ đất Tủy về hướng
đông bắc, có hàng chục tộc trưởng, trong đó tộc Tư và Tạc Đô là lớn nhất; từ tộc
Tạc về phía đông bắc, có hàng chục tộc trưởng, tộc Nhiễm Mang là lớn nhất. Tục
lệ các tộc đó, hoặc định cư, hoặc di chuyển không cố định, đều ở phía tây đất
Thục. Từ tộc Nhiễm Mang về phía đông bắc, có hàng chục tộc trưởng lớn nhất là tộc
Bạch Mã, đều là đồng loại của tộc người Đê. Các tộc này đều là man di ở mé
ngoài phía tây nam đất Ba Thục vậy.
Ban đầu, thời Sở Uy vương, từng sai tướng quân Trang Cược
đem quân men phía trên Trường Giang, chiếm phía tây đất Ba, Kiềm Trung. Trang Cược
là con cháu Sở Trang vương khi trước. Cược đến Điền Trì, đất vuông ba trăm dặm,
bên cạnh là đồng bằng phì nhiêu, rộng mấy nghìn dặm, Cược dùng sức quân bình định
khiến họ quy phục Sở. Muốn về báo, gặp lúc Tần đánh chiếm các quận Ba, Kiếm
Trung của Sở, chặn mất đường, không đi được, nhân đó trở lại, dựa vào quân đội
làm vua đất Điền, thay đổi trang phục, theo phong tục cũ, làm tộc trưởng. Thời
Tần, Thường An chiếm đất rồi khai thông sạn đạo rộng năm thước, các nước ở đây
thiết lập quan lại. Hơn chục năm sau, Tần bị diệt vong. Nhà Hán hưng khởi, bỏ
các nước này mà khai mở vùng biên cũ của đất Thục. Dân đất Ba-Thục có người lén
ra khỏi quan ải để buôn bán, trao đổi ngựa của đất Tạc, nô bộc và bò lông bờm của
người Bặc, nhờ thế Ba-Thục trở nên giàu có.
Năm Kiến Nguyên
thứ sáu, Đại hành Vương Khôi đánh Đông Việt, Đông Việt giết Vương Dĩnh rồi đến
báo. Khôi dựa vào uy thế quân đội sai Huyện lệnh Bà Dương là Đường Mông nhân đó
hiểu dụ Nam Việt Nam Việt đãi Đường Mông món Củ tương[1] đất Thục,
Mông hỏi món tương đó làm ở đâu, nói: “Theo đường Tang Kha phía tây bắc
mang đến, vùng sông Tang Kha rộng mấy dặm, chảy ra từ chân thành Phiên Ngung.” Mông
về đến Trường An, hỏi thương nhân người Thục, thương nhân đó nói: “Chỉ
đất Thục mới làm ra Củ tương, nhiều người lén đem ra chợ ở Dạ Lang. Dạ Lang gần
sông Tang Kha, sông rộng trên trăm bộ, đủ để di chuyển bằng thuyền. Nam Việt cậy
có của cải, muốn Dạ Lang quy thuộc, phía tây đến Đồng Sư, nhưng cũng không thể
khiến họ thần phục.” Mông bèn dâng thư nói với Hoàng thượng rằng: “Nam
Việt vương ngồi xe hoàng ốc cắm cờ bên trái, đất từ đông sang tây rộng hơn vạn
dặm, danh nghĩa là bề tôi cõi ngoài, thực chất là bá chủ một châu vậy. Nay theo
Trường Sa, Dự Chương đến đó, đường thủy nhiều chỗ đứt đoạn, khó đi. Trộm nghe Dạ
Lang có tinh binh, được độ trên mười vạn. Thả thuyền theo sông Tang Kha, nhằm
chỗ địch không để ý, đó là kế lạ để chế phục Nam Việt. Nếu dựa vào sự hùng mạnh
của nhà Hán, sự phì nhiêu của Ba-Thục, khai thông đường Dạ Lang, đặt quan lại,
thực dễ lắm.” Hoàng thượng đồng ý. Bèn phong Mông làm Lang trung tướng,
đem nghìn quân, hơn vạn người phụ trách tải lương, từ Ba-Thục, Tạc Quan tiến
vào, rồi gặp Dạ Lang hầu Đa Đồng. Mông tặng hậu hĩnh, dùng uy đức để khuyên dụ,
ước định thiết lập quan lại, cho con của Đa Đồng làm Huyện lệnh. Các ấp nhỏ bên
cạnh Dạ Lang đều tham tơ lụa nhà Hán, cho là quân Hán đến đây đường sá hiểm trở,
sẽ không thể chiếm cứ được, bèn tạm theo ước định của Mông. Về triều báo tin,
[nhà Hán] bèn đem lập quận Kiền Vi. Phát binh Ba-Thục đi làm đường, từ đất Bắc
đến thẳng sông Tang Kha. Tư Mã Tương Như người Thục cũng nói tây di là tộc Cung
và Tạc có thể lập quận. Sai Tương Như lấy thân phận Lang trung tướng đi khuyên
dụ, đều như các tộc nam di, đặt một viên Đô uý, lập thành hơn mười huyện, đều
thuộc đất Thục.
Lúc bấy giờ, bốn
quận ở Ba-Thục làm đường thông đến tây nam di để chuyển quân lương. Được mấy
năm, đường chưa được thông, quân sĩ mỏi mệt đói khát, gặp khí ẩm thấp, rất nhiều
người chết; tây nam di lại nhiều lần làm phản, dấy binh đến đánh khiến nhà Hán
tổn phí mà không được công gì. Hoàng thượng lo lắng việc đó, sai Công Tôn Hoằng
đến xem xét. Công Tôn Hoằng về báo, cho không có lợi. Đến khi Hoằng làm Ngự sử
đại phu, lúc ấy đang đắp thành Sóc Phương, đến chiếm Hoàng Hà nhằm đuổi người Hồ,
Hoằng nhân nhiều lần nói họa hại của vùng tây nam di, cho là nên bỏ, dồn sức lo
đối phó Hung Nô. Hoàng thượng bãi bỏ quan chức tây di, chỉ lập Dạ Lang ở nam di
thành hai huyện, đặt một Đô úy, dần sai Kiền Vi tự giữ.
Đến niên hiệu
Nguyên Thú năm thứ nhất, Bác Vọng hầu Trương Khiên đi sứ Đại Hạ về, nói khi ở Đại
Hạ thấy vải của đất Thục, gậy trúc của đất Cung, sứ thần hỏi các thứ ấy từ đầu
đến, họ nói: “Từ nước Quyên Đốc ở hướng đông nam, cách mấy nghìn dặm,
được thương nhân đất Thục mua về.” Lại nghe nói phía tây đất Cung độ
hai nghìn dặm có nước Quyên Đốc. Khiên nhân hết lời nói rằng Đại Hạ ở tây nam
nhà Hán, hâm mộ Trung nguyên, sợ Hung Nô ngăn đường đi, muốn khai thông đến đất
Thục, đường nước Quyên Đốc thuận tiện và gần, chỉ có lợi mà không hại. Thế là
thiên tử liền lệnh cho bọn Vương Nhiên Vu, Bách Thủy Xương, Lã Việt Nhân, sai
theo đường nhỏ ra phía tây của tây đi tìm nước Quyên Đốc. Đến đất Điền, Điền
vương là Thường Khương liền giữ lại, để tìm hơn mười người khai thông đường
sang tây. Hơn một năm, đều bị Côn Minh ngăn trở, không ai đến được nước Quyên Đốc.
Điền vương nói với
sứ giả nhà Hán rằng: “Hán so với ta, nước nào lớn hơn?” Đến Dạ
Lang, Dạ Lang hầu cũng hỏi tương tự[2]. Vì đường không thông, mỗi người tự
làm bá chủ một châu, không biết nhà Hán rộng lớn thế nào. Sứ giả trở về, nhân
đó nói về sự rộng lớn của nước Điền, đáng để khiến họ kết thân quy phụ. Thiên tử
cũng rất lưu ý việc đó.
Đến khi Nam Việt
làm phản, Hoàng thượng sai Trì Nghĩa hầu thông qua quận Kiền Vi phát binh nam
di. Thư Lan quân sự đi xa, nước bên cạnh sẽ vào cướp già trẻ trong đất mình,
bèn cùng quân chúng làm phản, giết sứ giả cùng Thái thú Kiền Vi. Nhà Hán bèn
phát động tội nhân ở Ba-Thục giao cho tám Hiệu úy từng đánh Nam Việt đi đánh
phá Thư Lan. Gặp lúc Nam Việt đã bị phá, tám Hiệu úy nhà Hán không đem quân xuống
nữa, liền dẫn quân về, trên đường đi giết Đầu Lan[3]. Đầu Lan thường
chặn đường thông nhà Hán đến đất Điền. Đã bình định được Đầu Lan, liền bình định
nam di lập thành quận Tang Kha. Dạ Lang hầu ban đầu dựa vào Nam Việt, Nam Việt
đã bị diệt vong, gặp khi nhà Hán hỏi tội nước làm phản, Dạ Lang Điền vào chầu.
Hoàng thượng cho làm Dạ Lang vương.
Sau khi Nam Việt
bị phá, khi nhà Hán giết trưởng các tộc Thư Lan, Cung, lại giết Tạc hầu, tộc
Nhiễm Mang đều kinh động, thảy xin thần phục, thiết đặt quan lại. Bèn lấy Cung
Đô lập thành quận Việt Tuyên, Tạc Đô lập thành quận Thẩm Lê, Nhiễm Mang lập
thành quận Vấn Sơn, Bạch Mã ở phía tây Quảng Hán lập thành quận Vũ Đô.
Hoàng thượng sai Vương Nhiên Vu đem việc Nam Việt bị phá
cùng uy phong của quân đội trong việc tiêu diệt nam di hiểu dụ Điền vương vào
chầu. Điền vương có mấy vạn quân, bên cạnh và phía đông bắc có các tộc Lao Tẩm,
Mị Mạc, đều là các vùng cung chung nguồn gốc, tương trợ lẫn nhau, chưa hẳn nghe
theo. Lao Tẩm, Mị Mạc nhiều lần xâm phạm sứ giả, quan lại, sĩ tốt nhà Hán. Năm
Nguyên Phong thứ hai, thiên tử phát binh Ba-Thục đánh diệt Lao Tẩm, Mị Mạc, đem
quân đến đất Điền. Điền vương từ đầu đã có thiện ý, nên không bị giết. Điền
vương thoát nạn tây nam di, đem cả nước đầu hàng, xin lập quan lại và vào chầu.
Thế là lập thành quận Ích Châu, ban vương án cho Điền vương, lại cho làm quân
trưởng của dân mình.
Quân trưởng các tộc tây nam di có đến hàng trăm, riêng Dạ
Lang và Điền được nhận vương ấn. Điền có thành ấp nhỏ, lại được sủng ái nhất.
Thái sử công bàn rằng: Tổ tiên nước Sở há được lộc
trời chăng? Thời nhà Chu làm thầy Văn vương, được phong ở Sở. Đến khi nhà Chu
suy, đất rộng năm nghìn dặm. Tần diệt các chư hầu, chỉ riêng hậu duệ nước Sở là
còn, đó là Điền vương. Nhà Hán diệt tây nam di, nhiều nước bị diệt, chỉ có Điền
vương là được sủng ái. Nhưng đầu mối của nam di là có người thấy món Củ tương ở
Phiên Ngung, thấy gậy trúc đất Cung ở Đại Hạ. Tây di sau bị chia làm hai
phương, cuối cùng lập thành bảy quận.
Chú thích.
[1] Củ tương: thân cây giống như cây lúa, lá giống
như lá cây dâu, dùng lá để làm tương chua, rất ngon, người Thục cho đó là hương
vị trân quý.
[2] Ý nói các nước này nhỏ bé, do không tiếp xúc rộng với các
nước bên ngoài nên không biết nhà Hán rộng lớn ra sao, chỉ đinh ninh rằng mình
là nước lớn nên không có ý định nội phụ nhà Hán; sau, trong thành ngữ có câu:
"Dạ Lang tự đại (Nước Dạ Lang tự cho mình là lớn).
[3] Đầu Lan: tức Thư
Lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét