SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)
Phạm Văn Ánh dịch
QUYỂN 114
ĐÔNG VIỆT LIỆT TRUYỆN
Mân Việt vương Vô Chư cùng Việt Đông Hải vương Dao, tiên
tổ đều là hậu duệ của Việt vương Câu Tiễn, họ Trâu. Sau khi Tần thôn tính được
thiên hạ, đều bị phế làm đầu lĩnh, lấy đất của họ lập quận Mân Trung. Đến khi
chư hầu phản Tần, Vô Chư và Dao thống lãnh nước Việt theo Huyện lệnh Bà Dương
là Ngô Nhuế, tức Bà quân, theo chư hầu diệt Tần. Bấy giờ Hạng Tịch là người ra
hiệu lệnh, không phong cho làm vương, vì thế không theo Sở. Hán đánh Hạng Tịch,
Vô Chư và Dao thống lãnh người Việt giúp Hán. Nhà Hán năm thứ năm, lại lập Vô
Chư làm Mân Việt vương, làm vua ở đất cũ Mân Trung, đóng đô ở Đông Dã. Hiếu Huệ
đế năm thứ ba, đề cử công của nước Việt thời Cao đế, cho rằng quân trưởng đất
Mân là Dao có nhiều công lao, dân chúng thuận lòng quy phụ, bèn lập Dao làm
Đông Hải vương, đóng đô ở Đông Âu, thế tục gọi là Đông Âu vương.
Mấy đời sau, đến Cảnh đế năm thứ ba, Ngô vương Tự làm phản,
định lôi kéo Mân Việt, nhưng Mân Việt không chịu, chỉ riêng Đông Âu theo Ngô. Đến
khi Ngô bị phá, Đông Việt nhận tiền của nhà Hán, liền giết Ngô vương Đan Đồ, vì
thế đều không bị giết, cho về nước.
Con của Ngô vương là Tử Câu trốn đến Mân Việt, oán Đông
Âu giết cha mình, thường xúi Mân Việt đánh Đông Âu. Đến năm Kiến Nguyên thứ ba,
Mân Việt phát binh bao vây Đông Âu. Đông Âu hết lương, nguy khốn, sắp hàng, bèn
sai người cáo cấp với thiên tử. Thiên tử hỏi Thái úy Điền Phần, Phần đáp rằng: “Người
Việt đánh lẫn nhau, đó là chuyện thường, lại nhiều lần phản phúc, không đủ để
phiền Trung nguyên phải đến cứu. Từ thời Tần đã bỏ rơi họ, không xem là đất nội
thuộc.” Trung đại phu Trang Trợ liền vặn hỏi Phần rằng: “Chỉ
lo sức không thể cứu, đức không đủ để che chở; nếu có thể, sao lại bỏ rơi? Vả lại
nhà Tần, ngay Hàm Dương còn bỏ, nói gì nước Việt! Nay nước nhỏ vì khốn cùng mà
đến cấp báo thiên tử, thiên tử không giúp, kẻ kia biết cấp báo với ai? Sao có
thể bảo vệ cho muôn nước được?” Hoàng thượng nói: “Không thể
tính kế với Thái úy được. Ta mới lên ngôi, không muốn đem hổ phù để phát động
quân đội các quận trong nước.” Bèn sai Trang Trợ đem phù tiết phát động
quân ở Cối Kê. Thái thú Cối Kê định chống lệnh, không phát binh, Trợ liền chém
một viên Tư mã, tuyên dụ ý chỉ, rồi phát binh theo đường biển đến cứu Đông Âu. Chưa
đến nơi, Mân Việt đã dẫn quân về. Đông Âu xin đem cả nước dời vào Trung nguyên,
bèn đưa hết dân chúng đi, đến ở tại vùng Giang, Hoài.
Năm Kiến Nguyên thứ sáu, Mân Việt đánh Nam Việt. Nam Việt
tuân theo ước định với thiên tử, không dám tự ý phát binh đánh lại, mà báo lên
triều đình. Hoàng thượng sai quan Đại hành Vương Khôi đem quân ra Dự Chương,
quan Đại nông Hàn An Quốc đem quân ra Cối Kê, đều làm tướng quân. Quân chưa vượt
núi, Mân Việt vương là Dĩnh đã phát binh chiếm chỗ hiểm chống trả. Em của Dĩnh
là Dư Thiện cùng Thừa tướng và tông tộc bàn mưu rằng: “Vương tự ý phát
binh đánh Nam Việt, không thỉnh mệnh, cho nên thiên tử đem quân đến hỏi tội.
Nay quân Hán đông mạnh, nếu may mắn thắng được, sau càng đến đông hơn, rốt cuộc
diệt quốc mới thôi. Nay giết vương để tạ tội với thiên tử. Thiên tử chấp nhận,
sẽ bãi binh, cố nhiên cả nước vẹn nguyên; nếu không chấp nhận, bèn ra sức đánh;
không thắng thì trốn hết ra biển.” Thảy đều nói: “Phải.” Bèn
đâm chết quốc vương, sai sứ đem đầu đến dâng Đại hành Vương Khôi. Đại hành
nói: “Sở dĩ kéo quân đến là để giết quốc vương. Nay đầu quốc vương đã đến,
tỏ ý tạ tội, không đánh mà diệt được, còn gì lợi hơn nữa.” Bèn tự ý án
binh rồi báo với quân của Đại nông Hàn An Quốc, sai sứ mang đầu Mân Việt vương
phi ngựa về báo thiên tử. [Thiên tử] xuống chiếu cho hai tướng bãi binh,
nói: “Bọn Dĩnh đầu xỏ tội ác, chỉ riêng cháu nội Vô Chư là Diêu quân
tên Sửu không dự mưu đó thôi.” Bèn sai Lang trung tướng lập Sửu làm Việt
Diêu vương, phụng thờ tế tự tiên tổ Mân Việt.
Dư Thiện sau khi giết Dĩnh, uy chấn cả nước, dân trong nước
phần nhiều theo về, trộm tự lập làm vương. Diêu vương không thể uốn nắn được
dân chúng. Thiên tử nghe tin, cho là Dư Thiện không đáng để dấy binh,
nói: “Dư Thiện nhiều lần cùng Dĩnh âm mưu làm loạn, nhưng sau là người
đầu tiên giết Dĩnh, quân triều đình không phải vất vả.” Nhân đó lập Dư
Thiện làm Đông Việt vương, ở chung với Diêu vương.
Đến năm Nguyên Đỉnh thứ năm, Nam Việt làm phản, Đông Việt
vương Dư Thiện dâng thư, xin đem tám nghìn quân theo Lâu thuyền tướng quân đánh
bọn Lã Gia. Quân đến Yết Dương, lấy cớ biển gió to sóng lớn, không đi nữa, tính
nước đôi, ngầm sai sứ tới Nam Việt. Đến khi nhà Hán phá được Phiên Ngung, vẫn
không tới. Bấy giờ Lâu thuyền tướng quân Dương Bộc sai sứ dâng thư, xin được
tùy ý dẫn quân đánh Đông Việt. Hoàng thượng nói sĩ tốt vất vả mỏi mệt, không
cho, rồi bãi binh, hạ lệnh các Hiệu úy đóng đồn ở Mai Lĩnh thuộc Dự Chương đợi
lệnh.
Mùa thu năm Nguyên Đỉnh thứ sáu, Dư Thiện nghe tin Lâu
thuyền tướng quân xin thảo phạt mình, quân Hán đến biên cảnh, sắp sang, liền
làm phản, phát binh chặn đường tiến của quân Hán. Kêu gọi bọn tướng quân Trâu Lực
hãy “nuốt tướng quân Hán”, tấn công vào Bạch Sa, Vũ Lâm, Mai
Lĩnh, giết ba viên Hiệu úy nhà Hán. Bấy giờ nhà Hán sai Đại nông Trương Thành
và Sơn Châu hầu trước đây là Xỉ làm tướng đóng đồn, không dám đánh, rút đến chỗ
thuận tiện, đều mắc tội sợ địch, bị giết.
Dư Thiện khắc ngọc tỷ hai chữ “Vũ đế”, tự lập làm Hoàng đế,
gạt dân mình, nói lời giả dối. Thiên tử sai Hoành hải tướng quân Hàn Duyệt ra
Câu Chương, vượt biển từ phía đông tiến đến; Lâu thuyền tướng quân Dương Bộc
đem quân ra Vũ Lâm; Trung úy Vương Ôn Thư đem quân ra Mai Lĩnh; Việt hầu làm
Qua thuyền [tướng quân], Hạ lại tướng quân, đem quân ra Nhược Da và Bạc Sa. Mùa
đông niên hiệu Nguyên Phong năm thứ nhất, kéo vào Đông Việt. Đông Việt vốn đã
phát binh giữ chỗ hiểm để chống trả, sai Tuẫn bắc tướng quân giữ Vũ Lâm, đánh bại
mấy Hiệu úy của Lâu thuyền tướng quân, giết trưởng lại. Lâu thuyền tướng quân
thống lĩnh Viên Chung Cổ người ở Tiền Đường chém Tuẫn bắc tướng quân, được
phong làm Ngự Nhi hầu. Quân do Lâu thuyền tướng quân thống lãnh chưa đến.
Việt Diễn hầu trước đây là Ngô Dương khi trước ở Hán, Hán
sai về hiểu dụ Dư Thiện, Dư Thiện không nghe. Đến khi Hoành hải tướng quân đến
trước, Việt Diễn hầu Ngô Dương đem bảy trăm người trong ấp làm phản, tấn công
quân Việt ở Hán Dương Kiến Thành hầu là Ngao, cùng quân binh và Diêu vương Cư Cổ
bàn mưu rằng: “Dư Thiên đứng đầu việc ác, kìm giữ bọn ta. Nay quân Hán
đến, quân đông và mạnh, nếu tính kế giết Dư Thiện, tự động quy hàng tướng Hán,
may ra được thoát tội." Bèn cùng giết Dư Thiện, đem quân hàng
Hoành hải tướng quân, nên nhà Hán phong Diêu vương Cư Cổ làm Đông Thành hầu, hưởng
vạn hộ; phong Kiến Thành hầu là Ngao làm Khai Lăng hầu; phong Việt Diễn hầu Ngô
Dương làm Bắc Thạch hầu; phong Hoành hải tướng quân là Duyệt làm Án Đạo hầu;
phong Hiệu uý của Hoành hải tướng quân là Phúc làm Liêu Oanh hầu. Phúc là con của
Thành Dương Công vương, vốn là Hải Thường hầu, phạm pháp nên mất tước hầu. Trước
tòng quân nhưng không có công, nhờ tông tộc nên được phong hầu. Các tướng đều
không có công, không ai được phong. Tướng Đông Việt là Đa Quân, khi quân Hán đến,
bỏ quân xin hàng, được phong Vô Tích hầu.
Thế rồi thiên tử cho Đông Việt vừa hẹp vừa hiểm trở, Mân
Việt hung hãn, nhiều lần phản phúc, hạ chiếu cho quân lại đều đem dân mình dời
đến ở vùng Giang, Hoài. Đông Việt bèn thành đất không người.
Thái sử công bàn rằng: Việt tuy là đất man di, tiên
tổ họ há từng có công đức lớn với dân chăng? Sao được lâu dài đến thế! Trải mấy
đời thường làm quân vương, Câu Tiễn một phen xưng bá. Nhưng Dư Thiện đại nghịch
bất đạo, diệt nước chuyển dân, hậu duệ của tổ tiên họ là bọn Diêu vương Cư Cổ
còn được phong tước hầu, thực ấp vạn hộ, từ đó biết được nước Việt đời đời làm
công hầu vậy. Ấy là nhờ huấn nghiệp còn sót lại của Hạ Vũ vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét