Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

QUYỂN 105 BIỂN THƯỚC, THƯƠNG CÔNG LIỆT TRUYỆN

 SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

 

Biển Thước (401-310 TCN)

QUYỂN 105

BIỂN THƯỚC, THƯƠNG CÔNG LIỆT TRUYỆN

 

Biển Thước Tân Việt Nhân

Biển Thước, người đất Trịnh ở quận Bột Hải, họ Tần, tên là Việt Nhân. Thiếu thời, làm phụ trách quán trọ cho người ta. Có người khách Trường Tang quân trú ở quán, riêng Biển Thước thấy ông ta kỳ lạ, tiếp đãi cẩn thận. Trường Tang quân cũng biết Biển Thước không phải người thường. Ra vào hơn chục năm, rồi gọi Biển Thước ngồi riêng, nói rằng: “Ta có phương thuốc bí truyền, tuổi đã cao, muốn truyền cho ông, ông chớ tiết lộ.” Biển Thước đáp: “Kính vâng.” Bèn lấy thuốc trong người đưa cho Biển Thước, nói: “Uống thuốc này có thể đứng trên mặt ao, ba mươi ngày sau hiểu thấu muôn vật.” Bèn đem hết phương thuốc bí truyền viết ra trao cho Biển Thước. Bỗng không thấy nữa, dường không phải người thường. Biển Thước theo lời uống thuốc được ba mươi ngày, liền nhìn thấu tường nhà bên. Dùng để xem bệnh, thấy hết chứng bệnh trong ngũ tạng, nhưng chỉ nói bắt mạch chẩn đoán.

Biển Thước chữa bệnh khi ở Tề, lúc ở Triệu. Ở Triệu, lấy tên là Biển Thước.

Thời Tấn Chiêu công, các đại phu mạnh còn tông tộc vua yếu, Triệu Giản tử làm đại phu, chuyên quyền quốc sự. Giản tử mắc bệnh, bất tỉnh năm ngày, đại phu đều sợ, thế rồi triệu Biển Thước. Biển Thước vào xem bệnh, đi ra, Đổng An Vu hỏi, Biển Thước đáp: “Huyết mạch bình thường, kinh ngạc làm gì! Xưa, Tần Mục công từng như thế, bảy ngày mới tỉnh. Hôm tỉnh lại, bảo Công Tôn Chi và Tử Dư rằng: “Ta đến chỗ thiên đế rất vui. Ta sở dĩ ở lâu, vì có điều cần học. Thượng đế bảo ta: “Nước Tấn sẽ có đại loạn, năm đời không yên. Sau làm bá chủ, chưa già đã chết. Con của bá chủ sẽ khiến nam nữ trong nước không phân biệt.” Công Tôn Chi viết ra rồi cất đi, sử sách nhà Tần xuất phát từ đó. Xét lẽ, loạn thời Hiến công, xưng bá thời Văn công, còn Tương công đánh bại quân Tần ở Hào Sơn trở về buông thả dâm dục, là điều ngài đã biết. Nay bệnh của chúa ngài giống Tần Mục công, không quá ba ngày ắt khỏi, khỏi rồi ắt có điều muốn nói.”

Được hai ngày rưỡi, Giản tử tỉnh dậy, nói với các đại phu: “Ta đến chỗ thiên đế rất vui, cùng bách thần ngao du giữa trời, nhạc tiến tấu chín khúc, múa muôn điệu, không giống nhạc thời Tam đại, âm thanh lay động lòng người. Có con gấu chực kéo ta, thượng đế lệnh ta bắn nó, trúng gấu, gấu chết. Có con bi[1] xông đến, ta lại bắn nó, trúng bi, bi chết. Thượng đế rất vui, ban cho ta hai rương tre, đều có hạng nhì. Ta thấy con ta cạnh thượng đế, thượng đế trao ta một con chó Địch[2], nói: “Đến khi con trai ông lớn hãy ban cho nó.” Thượng đế bảo ta: “Nước Tấn mỗi đời mỗi suy, bảy đời thì mất.” Họ Doanh sẽ đánh bại người Chu ở phía tây Phạm Khôi, rồi cũng không có được đâu." Đồng An Vu nghe lời đó, viết lại rồi cất. Đem lời Biển Thước kể cho Giản tử, Giản tử tặng Biển Thước bốn vạn mẫu ruộng.

Về sau Biển Thước sang nước Quốc. Thái tử nước Quốc chết, Biển Thước đến dưới của cung nước Quắc, hỏi Trung thứ tử thích phương thuật rằng: “Thái tử bệnh gì, sao người trong nước cầu đảo hơn các việc khác?” Trung thứ tử đáp: “Thái tử bị bệnh khí huyết không đều, rối loạn mà không thể bài tiết, bộc phát ra ngoài, hẳn có thương hại bên trong. Tinh thần không ngăn nổi tà khí, tà khí chất chứa không phát tiết được, do đó mạch dương chậm mạch âm gấp, cho nên đột quỵ mà chết.” Biển Thước hỏi: “Thái tử chết lúc nào?" Đáp: “Gà gáy đến giờ.” Hỏi: “Liệm chưa?” Đáp: “Chưa, Thái tử chết chưa được nửa ngày.” Biển Thước nói: “Nói tôi là Tần Việt Nhân ở Bột Hải nước Tề, nhà ở đất Thịnh, chưa từng hầu trước mặt, thấy thần thái rạng rỡ nhà vua. Nghe nói Thái tử chẳng may qua đời, tôi có thể khiến Thái tử sống lại.” Trung thứ tử nói: “Tiên sinh không lừa tôi chứ? Sao lại bảo Thái tử có thể sống lại! Tôi nghe thời thượng cổ, có lang y Du Phụ, trị bệnh không cần sắc thuốc, rượu thuốc, châm cứu, xoa bóp, chườm thuốc, vừa chạm vào biết bệnh ngay, dựa vào sự di chuyển [kinh mạch] trong ngũ tạng, bèn rạch da mổ thịt, dẫn mạch nối gân, chữa trị tủy não, giữ phần dưới tim, cơ hoành, rửa ruột và dạ dày, làm sạch ngũ tạng, luyện tinh khí đổi hình dạng. Phương pháp của tiên sinh nếu được thế, Thái tử có thể sống lại, không làm được thế mà muốn cứu sống Thái tử, làm trò cười cho trẻ con cũng không xong.” Cả ngày, Biển Thước ngẩng mặt lên trời than rằng: “Xét cách ngài nói, như lấy ống trúc nhìn trời, từ mảnh vá xem hoa văn. Cách trị của Việt Nhân không đợi bắt mạch, chỉ xem vẻ mặt, nghe tiếng nói, trông dáng hình cũng biết được bệnh đâu. Coi vẻ bên ngoài biết bệnh bên trong, nghe bệnh bên trong biết biểu hiện bên ngoài. Bệnh sẽ lộ ra bên ngoài, không cần đi xa ngàn dặm, có nhiều cách đoán, không nói tường tận được. Nếu ngài cho lời tôi không đáng tin, xin thử chẩn đoán cho Thái tử, tai đương nghe được tiếng động, mũi vẫn đang thở, từ hai bên đùi đến hạ bộ, vẫn còn ấm đấy.”

Trung thứ tử nghe Biển Thước nói vậy, mắt mở trừng, miệng há hốc, bèn đem lời Biển Thước vào tâu Quắc quân. Quắc quân nghe vậy vô cùng kinh ngạc, ra tận cửa cung đón tiếp Biển Thước, nói: “Trộm nghe nghĩa khí cao vời từ lâu, chưa được bái kiến trước mặt. Tiên sinh qua tiểu quốc, may được cứu giúp, thực vinh hạnh cho quả nhân ở nước xa xôi. Có tiên sinh thì sống, không có tiên sinh thì đem vứt ra ngòi rãnh, sẽ chết vĩnh viễn, không còn sống lại được nữa.” Nói chưa dứt lời, đã nghẹn ngào sa nước mắt, tinh thần hoảng hốt, dòng lệ tuôn dài, không sao kìm nổi, mặt mày biến sắc. Biển Thước nói: “Như bệnh Thái tử, gọi là đột quỵ[3]. Xét dương vào trong âm, khiến dạ dày xung động, kinh mạch tổn thương, lạc mạch trở ngại, chia ra tam tiêu[4] và bàng quang, do đó mạch dương hạ xuống, mạch âm tranh lên, chỗ hội khí bị tắc không thông, khí âm ngược lên còn khí dương vận hành bên trong và hạ bộ xung động không lên được, khí dương bên ngoài và bên trên đứt đoạn, không hòa được với khí âm, khiến khí dương ở trên không lên được, khí âm phía hạ bộ bị xung phá, âm khí xung phá, dương khí đứt đoạn, vẻ mặt thay đổi, kinh mạch bị loạn, cho nên thân thể bất động như người chết. Thái tử chưa chết đâu. Xét lẽ, khí dương xâm nhập vào chỗ âm trong kinh mạch phủ tạng nên còn sống, nếu khí âm xâm nhập vào chỗ dương trong kinh mạch phủ tạng thì chết. Phàm những tình trạng này, đều do ngũ tạng bị bức phát ra thôi. Thầy giỏi thì trị được, thầy vụng thì nghi sợ.”

Biển Thước bèn sai đệ tử Tử Dương mài kim, để châm vào huyệt tam dương ngũ hội. Lát sau, Thái tử sống lại. Lại sai Tử Báo chuẩn bị toa ngũ nhân để chườm, dùng phương thuốc bát giảm nấu lên, chườm phía dưới hai bên sườn. Thái tử ngồi dậy được. Lại điều hòa âm dương, chỉ uống thuốc trong hai mươi ngày là bình phục như cũ. Vì thế thiên hạ thảy đều cho Biển Thước có thể làm người chết sống lại. Biển Thước nói: “Việt Nhân không thể lành người chết sống lại, là người đó tự sống lại thôi, Việt Nhân này có thể giúp người đó khôi phục thôi.”

Biển Thước sang Tề, Tề Hoàn hầu coi như khách. Biển Thước vào triều kiến, nói: “Ngài có bệnh ở da, không chữa bệnh sẽ thêm nặng.” Hoàn hầu nói: “Quả nhân không có bệnh.” Biển Thước đi khỏi, Hoàn hầu bảo tả hữu rằng: “Thầy thuốc hám lợi, định lấy người không bệnh ra chữa để kể công.” Năm ngày sau, Biển Thước lại vào yết kiến, nói: “Ngài có bệnh ở mạch máu, không chữa e càng thêm nặng.” Hoàn hầu nói: “Quả nhân không có bệnh.” Biển Thước ra về, Hoàn hầu không vui. Năm ngày sau, Biển Thước lại vào, nói: “Ngài có bệnh ở ruột và dạ dày, không trị bệnh sẽ nặng thêm.” Hoàn hầu không đáp. Biển Thước ra về, Hoàn hầu không vui. Năm ngày sau, Biển Thước lại vào gặp, vừa thấy Hoàn hầu liền bỏ chạy. Hoàn hầu sai người hỏi nguyên do, Biển Thước nói: “Bệnh ở da, dùng thuốc chườm còn kịp; vào đến mạch máu, dùng kim châm còn kịp; vào đến ruột, dạ dày, dùng rượu thuốc còn kịp; vào đến xương tủy, dẫu quan Tư mệnh[5] cũng không làm gì nổi. Nay bệnh đã vào đến xương tủy, thần không xin được chữa nữa.” Năm ngày sau, Hoàn hầu đổ bệnh, sai người triệu Biển Thước, Biển Thước đã trốn đi. Thế rồi Hoàn hầu liền chết.

Giả sử thánh nhân đoán trước được bệnh, có thể sai thầy giỏi chữa trị sớm, bệnh sẽ qua khỏi, giữ được mạng sống. Người ta có điều tức tối, nên bệnh tật nhiều; Còn thầy thuốc có điều tức tối, cách chữa bệnh ít. Đo đó bệnh có sáu dạng không chữa được: kiêu ngạo phóng túng không bàn đạo lý, là bệnh thứ nhất không chữa được; coi nhẹ thân mình xem trọng của cải, là bệnh thứ hai không chữa được; ăn uống vô độ không có chừng mực, là bệnh thứ ba không chữa được; âm dương hỗn loạn khí tạng bất ổn, là bệnh thứ tư không chữa được; thân mình gầy yếu không dùng nổi thuốc, là bệnh thứ năm không chữa được; tin vào đồng cốt, không tin thầy thuốc, là bệnh thứ sáu không chữa được. Có một trong các chứng đó, thì vô cùng khó chữa.

Biển Thước nổi danh thiên hạ. Biển Thước qua Hàm Đan, nghe nói nơi đây coi trọng phụ nữ, bèn làm thầy chữa phụ khoa; qua Lạc Đương, nghe nói người Chu kính bậc già cả, liền làm thầy chữa tai, mắt và chứng tê liệt; vào Hàm Dương, nghe nói người Tần yêu quý trẻ nhỏ, liền làm thầy chữa cho trẻ con; tùy tập tục mà thay đổi. Thái y lệnh nước Tần là Lý Ê tự biết y thuật không bằng Biển Thước, liền sai người đâm chết Biển Thước. Đến nay thiên hạ nói về xem mạch, đều từ Biển Thước vậy.

 

Thái Thương công Thuần Vu Ý

Thái Thương công là trưởng quan nắm giữ kho lương nước Tề, người Lâm Truy, họ Thuần Vu, tên là Ý. Thuở nhỏ, thích y thuật. Cao hậu năm thứ tám, theo học thầy Công thừa[6] Dương Khánh người cùng quận Nguyên Lý. Khánh hơn bảy mươi tuổi, không con, sai Ý bỏ hết cách chữa bệnh vốn có, rồi đem toàn bộ phương thuốc bí truyền chỉ dạy cho, truyền cả sách xem mạch của Hoàng Đế, Biển Thước, dựa vào năm kiểu khí sắc[7] chẩn bệnh, biết được sống chết, quyết đoán hiềm nghi, xác định cách chữa, cho tới việc luận bàn về thuốc, rất đỗi tinh thâm. Theo học ba năm, chữa bệnh cho người, xác định sống chết, phần nhiều linh nghiệm. Thế nhưng ông thường du ngoạn, chữa bệnh khắp chư hầu, không coi như là nhà, có khi không trị bệnh cho người, gia đình bệnh nhân nhiều người oán ông.

Văn đế năm thứ tư, có người dâng thư vu khống Ý, theo hình luật bị tội phải ngồi xe tù ra phía tây Trường An. Ý có năm con gái, đi theo khóc lóc. Ý giận, mắng rằng: “Không đẻ được con trai, lúc nguy cấp không được tích sự gì?” Do đó con gái út Đề Oanh cảm thương lời cha nói, bèn theo cha sang tây. Dâng thư nói: “Cha thiếp làm lại, nước Tề khen là liêm chính công bằng, nay phạm pháp bị hình phạt. Thiếp đau đớn vì lẽ người chết không thể sống lại, người chịu hình không thể trở lại như trước, dẫu muốn sửa lỗi lầm, cũng không còn cơ hội, cuối cùng chẳng thể làm gì. Thiếp xin đem thân này làm nô tỳ trong phủ, để chuộc tội cho cha, khiến cho được sửa đổi lỗi lầm vậy.” Thư trình lên, Hoàng thượng thương cảm tấm lòng của Đề Oanh, trong năm ấy cũng bỏ phép dùng nhục hình.

Ý về ở nhà, [Hoàng thượng] hạ chiếu hỏi Ý trong khi trị bệnh, đoán định sống chết chuẩn xác được bao nhiêu người, tên là gì.

Chiếu hỏi trưởng kho thóc trước đây là Thuần Vu ý rằng:

“Y thuật sở trường ngón gì, giỏi trị bệnh gì? Có sách hay không? Đều học từ ai? Học trong bao nhiêu năm? Từng có kinh nghiệm gì, chữa cho người làng huyện nào? Bệnh gì? Sau khi uống thuốc, bệnh trạng người đó thế nào? Hãy trả lời đầy đủ.” 

Thuần Vu Ý trả lời rằng:

“Ý thuở thiếu thời đã thích y dược, thử các phương thuốc y chữa bệnh, phần nhiều không công hiệu. Đến năm Cao hậu thứ tám, được gặp thầy là Công thừa Dương Khánh người Nguyên Lý đất Lâm Truy. Thầy Khánh tuổi trên bảy mươi, Ý được gặp và phụng thờ. Thầy bảo Ý rằng: “Hãy bỏ hết sách của ngươi, không đúng đâu. Ta có sách xem mạch của tiền bối thời xưa là Hoàng Đế và Biển Thước, dựa vào năm kiểu khí sắc chẩn bệnh, biết người sống hay chết, quyết đoán hiềm nghi, xác định cách chữa, cùng sách bàn về thuốc, rất tinh thâm. Nhà ta sung túc, trong lòng thích ngươi, muốn đem sách về phương thuật bí truyền để dạy hết cho ngươi.” Ý liền nói: “May mắn thay, đó chẳng phải điều Ý dám trông mong vậy.” Ý vội rời khỏi chiếu quỳ vái hai lần, được nhận các sách bí truyền gồm thượng kinh và hạ kinh để xem mạch, cách chẩn đoán theo năm khí sắc, thuật kỳ khái, xem sự biến đổi ra bên ngoài của khí âm dương, luận về thuốc, thần hiệu của đá, tiếp dẫn âm dương, nhận sách rồi đọc, luận giải, chứng nghiệm, mất độ một năm. Sang năm sau thì kiểm chứng, thấy có linh nghiệm, nhưng còn chưa tinh tường. Thờ thầy ba năm, từng trị cho người, chẩn bệnh, đoán định chết sống, có hiệu nghiệm, y thuật đã giỏi. Nay thầy Khánh đã chết được mười năm, Ý theo học xong ba năm, hiện ba mươi chín tuổi.

Thị ngự sử nước Tề tên là Thành tự nói mình có bệnh đau đầu, Ý chẩn mạch, rồi bảo rằng: “Bệnh của ông rất nặng, không thể nói hết được.” Liền ra, nói riêng với em của Thành tên là Xương rằng: Đây là bệnh u nhọt, bên trong đã phát ra ở ruột và dạ dày, năm ngày sau thì phù nề, tám ngày sau thì nôn ra mủ mà chết.” Thành bị bệnh là do uống rượu. Thế rồi Thành chết đúng như kỳ hạn. Sở dĩ biết được bệnh của Thành, là do Ý bắt mạch của ông ta, biết được mạch khí của gan. Mạch khí của gan đục mà tĩnh, là bệnh bên trong. Phép chẩn mạch có dạy: “Mạch dài mà như dây cung, không thể theo sự đắp đổi của bốn mùa, bệnh đó chính là ở gan. Điều hòa đều đặn là kinh lạc có bệnh, loạn nhịp là mạch lạc có bệnh.” Kinh mạch của gan có bệnh mà tượng mạch điều hòa, thì bệnh từ trong gân cốt. Mạch loạn chừng như đứt đoạn rồi lại trỗi lên, đó là bệnh do rượu. Cho nên biết sau năm ngày thì ông ta bị phù nề, tám ngày thì nôn ra mủ mà chết, lúc bắt mạch, mạch ở thiếu dương bắt đầu loạn. Loạn tức là kinh mạch có bệnh, bệnh lan toàn thân thì người chết. Mạch lạc có bệnh, lúc ấy thiếu dương mới mở một phần, cho nên trong nóng mà mủ chưa vỡ, khi mở được năm phần, thì đến giới hạn của thiếu dương, đến ngày thứ tám thì nôn ra mủ mà chết, cho nên lên đến hai phân thì mủ vỡ, đến giới hạn thì phù nề, tiết hết ra thì chết. Khí nóng xông lên thì thiêu đốt mạch dương minh, nướng chín mạch lạc, mạch lạc động thì chỗ liên kết các mạch lạc phát bệnh, chỗ liên kết các mạch lạc phát bệnh thì dẫn đến rữa nát, cho nên mạch lạc giao nhau. Khí nóng đã bốc lên trên, đến đầu rồi xung động, cho nên đau ở đầu.

Con trai của người con thứ hai của Tề vương [cháu nội Tề vương] bị bệnh, triệu Ý đến xem mạch, nói rằng: “Bệnh do khí bị ngăn trở. Bệnh này khiến người bệnh phiền muộn, ăn không được, thường nhỏ dãi. Bệnh do trong lòng lo buồn, hay chán ăn uống.” Ý bèn cho uống thang thuốc hạ khí, một ngày thì khí hạ, hai ngày thì ăn được, ba ngày liền khỏi bệnh. Sở dĩ biết bệnh của đứa trẻ ấy là do khi bắt mạch, thấy mạch khí của tâm bệnh, mạch đục, vội mà nổi, ấy là bệnh của mạch lạc dương. Phép chẩn mạch dạy: Mạch đến nhảy gấp mà đi khó khăn, không đều nhau, đó là bệnh trong tâm.” Toàn thân nóng, mạch thịnh là trùng dương. Trùng dương thì nhiều động tâm thần. Cho nên buồn chán, ăn không được thì mạch lạc tổn hại, mạch lạc tổn hại thì máu xông lên, máu xông lên thì chết. Đó là do tâm đau buồn mà sinh bệnh, bệnh là do lo nghĩ.

Lang trung lệnh nước Tề là Tuần bị bệnh, các thầy thuốc đều cho là bí bách bên trong, rồi dùng kim châm. Ý chẩn bệnh cho ông ta, nói rằng: “Chứng sán khí bốc lên, khiến người bệnh không tiểu tiện đại tiện được.” Tuần nói: “Tôi không tiểu tiện đại tiện được ba ngày rồi.” Ý cho uống thang hỏa tễ, uống một lần tiểu tiện được ngay, lần thứ hai đại tiện thông suốt, uống lần thứ ba bệnh liền khỏi. Bệnh này từ bên trong. Sở dĩ biết bệnh của Tuần là vì khi xem mạch, mạch thốn khẩu bên tay phải gấp gáp, không thấy bệnh khí của ngũ tạng, mạch thốn khẩu bên tay phải lớn và nhiều. Mạch nhiều là phần giữa và dưới bị nóng rồi bốc lên, bên trái hạ xuống, bên phải bốc lên, đều không có phản ứng của ngũ tạng. Cho nên nói là chứng sán khí bốc lên. Trong nóng, cho nên nước tiểu có màu đỏ.

Trung ngự phủ trưởng nước Tề là Tín bị bệnh, Ý vào chẩn mạch, nói rằng: “Mạch khí bị nóng vậy. Nhưng do trời nóng khiến toát mồ hôi, mạch hơi suy, không chết.” Lại nói: “Bệnh này bị lúc tắm gội trong dòng nước chảy quá lạnh, rồi phát sốt.” Tín nói: “Đúng, đúng thế! Mùa đông mới đây, làm sứ giả nhà vua đến Sở, tới sông Dương Chu ở huyện Cử, cây cầu ở đây đã hư hỏng nặng, Tín kìm xe lại chưa muốn sang sông, ngựa sợ lồng lên, Tín liền bị rơi xuống sông, suýt chết, tiểu lại vội đến cứu Tín, kéo lên khỏi mặt nước, quần áo ướt sũng, một lát thì thấy lạnh, rồi nóng như lửa đốt, đến nay không biết lạnh nữa.” Ý liền cắt cho thang hỏa tễ để giảm nhiệt, uống xong mồ hôi tiết ra hết, lại uống để giải nóng, uống lần thứ ba bệnh liền thuyên giảm. Dặn uống thuốc trong vòng hai mươi ngày, hoàn toàn hết bệnh. Sở dĩ biết được bệnh của Tín là vì khi xem mạch, mạch đều là âm. Phép chẩn mạch nói: “Bệnh nóng mà mạch âm mạch dương giao nhau thì chết.” Xem mạch thấy mạch là âm. Đều là mạch âm, âm mạch dương không giao nhau, đều mạch thuận dùng lối thanh lọc thì khỏi, nội nhiệt vẫn chưa hết hẳn, cho nên còn sống. Khí của thận có lúc xen đục, mạch ở thái âm có thể thấy nhưng rời rạc, là khí mạch của thủy. Thận vốn chủ về thủy, cho nên qua đó biết được bệnh. Nhất thời trị không đúng, liền chuyển thành bệnh hàn nhiệt.

Thái hậu của Tề vương bị bệnh, triệu Ý vào xem mạch, nói: “Phong nhiệt xâm nhập vào bàng quang, đại tiểu tiện khó, nước tiểu màu đỏ.” Ý cho uống thang hỏa tễ, vừa uống đã đại tiểu tiện được, uống lần nữa thì bệnh bớt, nước tiểu trở lại bình thường. Bệnh này do đổ mồ hôi. Mồ hôi tiết ra, thay quần áo đi, mồ hôi trên da khô lại. Sở dĩ biết được bệnh của Thái hậu của Tề vương là vì khi Ý chẩn mạch, thấy mạch thái âm, cảm thấy rất ẩm ướt, chứng tỏ bị phong nhiệt. Phép chẩn mạch cho rằng: “Mạch chìm mà lớn và chắc, mạch nổi mà lớn và gấp, bệnh ở thận.” Xem mạch thận thì trái ngược lại, mạch lớn và nẩy. Mạch lớn là khí mạch của bàng quang, mạch nẩy là do nhiệt mà nước tiểu màu đỏ.

Tao Sơn Phù ở làng Chương Vũ nước Tề bị bệnh, Ý chẩn mạch cho ông ta, nói: “Bị chứng lao phổi, lại thêm bị hàn nhiệt.” Rồi nói với ông ta: “Chết, không chữa được. Dù cung dưỡng ta bao nhiêu, bệnh này cũng không ai chữa được.” Phép chẩn mạch nói: “Bệnh ba ngày thì phát cuồng, dậy đi vô cớ, chực chạy, năm ngày sau thì chết.” Rồi chết đúng như kỳ hạn. Bệnh của Sơn Phù là do tức giận quá mức rồi gần gũi thê thiếp. Sở dĩ biết bệnh của Sơn Phù là vì khi Ý chẩn mạch, thấy mạch khí của phổi nóng. Phép chẩn mạch nói: “Mạch không bình không nẩy, hình thể suy bại.” Đó là ngũ tạng từ trên xuống dưới đều bị bệnh, cho nên lúc xem mạch thấy không bình mà loạn nhịp. Không bình là do máu không về gan; loạn nhịp là có lúc cùng đến công phá, chợt xao động chợt to lớn vậy. Đó là hai mạch lạc đã đứt, cho nên chết, không chữa được. Lại bị thêm hàn nhiệt, ý chỉ bệnh nhân bị cướp mất xác. Cướp mất xác là hình thể suy bại, hình thể suy bại thì không cần châm đốt hay uống thuốc mạnh để trị. Lúc này Ý chưa đến chẩn bệnh, Thái у nước Tề chẩn bệnh cho Sơn Phù trước, cho châm đốt vào mạch thiếu dương ở chân, rồi cho uống viên bán hạ, người bệnh thải những thứ bên trong ra, bụng trống rỗng; lại châm đốt vào mạch thiếu âm, thế là làm tổn hại sâu đến gan, làm vậy lại hại đến nguyên khí của bệnh nhân, nên bị thêm chứng hàn nhiệt. Sở dĩ ba ngày sau thì phát cuồng, là vì đường lạc mạch của gan đi xuống liên kết với kinh mạch dương minh ở dưới vú, cho nên mạch lạc bị đứt, mạch dương minh mở, mạch dương minh tổn thương, nên phát cuồng mà chạy. Sau năm ngày chết, gan và tim cách nhau năm phân, cho nên nói năm ngày thì hết, hết tức là chết vậy.

Quan Trung úy nước Tề là Phan Mãn Như bị hơi đau ở bụng dưới, Ý chẩn bệnh, nói: “Do tích tụ những cục bón vậy.” Ý liền bảo quan Thái bộc nước Tề là Nhiêu, Nội sử là Diêu rằng: “Trung úy nếu không dừng việc gần gũi phụ nữ, thì ba mươi ngày nữa sẽ chết.” Hơn hai mươi ngày sau, đi tiểu ra máu mà chết. Bị bệnh do tửu sắc. Sở dĩ biết bệnh của Phan Mãn Như là vì Ý bắt mạch thấy mạch sâu, nhỏ, yếu, thốt nhiên kết hợp, đó là khí của lá lách. Khí bên mạch tay phải đến gấp mà nhỏ, thấy là khí mạch của bệnh bón. Theo thứ tự, cho nên ba mươi ngày thì chết. Ba âm mạch đều xuất hiện, như phép chẩn mạch đã nói, nếu không đồng thời xuất hiện, đoán được vào lúc cấp bách, lại xem thêm một mạch loạn, tức là gần chết. Cho nên ba âm mạch cùng xuất hiện, tiểu tiện ra máu như đã nói ở trên, chết.

Thừa tướng Dương Hư hầu là Triệu Chương bị bệnh, triệu Ý đến. Các thầy thuốc đều cho là bị khí lạnh xâm nhập, Ý chẩn mạch của ông ta, nói: “Bị trúng gió tà.” Người bị trúng gió tà, ăn uống vào liền nôn ra ngay, không hấp thụ được. Phép chẩn mạch có nói: “Năm ngày thì chết.” Rồi sau, người bệnh mười ngày thì chết. Bệnh này là do rượu. Sở dĩ biết bệnh của Triệu Chương là vì khi Ý bắt mạch, mạch đến trơn tru, là khí mạch của chứng trúng gió. Ăn uống vào liền nôn ra, không hấp thụ được, theo phép chẩn mạch năm ngày thì chết, đều là cách đã nói ở trước. Mười ngày sau mới chết, nguyên nhân quá kỳ hạn, vì người này thích ăn cháo, cho nên đầy bụng, đầy trong bụng nên quá hạn. Thầy của Ý có nói: “Chứa được ngũ cốc sẽ quá kỳ hạn, không chứa được ngũ cốc thì không đến kỳ hạn.”

Tế Bắc vương bị bệnh, triệu Ý đến chẩn mạch, nói: “Ngã gió, đầy bụng.” Cho uống rượu thuốc, uống hết ba thạch, bệnh khỏi. Bệnh này do khi ra mồ hôi lại nằm dưới đất. Sở dĩ biết được bệnh của Tế Bắc vương vì lúc thần bắt mạch, thấy mạch khí của gió, tâm mạch đục. Phép đoán bệnh nói: “Nhập vào mạch dương, khí dương hết thì khí âm xâm nhập.” Khí âm xâm nhập khiến bụng căng, rồi khí lạnh xông lên còn khí nóng đi xuống, cho nên đầy bụng. Đổ mồ hôi mà nằm trên mặt đất, khi xem mạch, thấy khí âm. Khí âm, bệnh ắt xâm nhập vào người, phải đổ được mồ hôi ra.

Phu nhân của Tư không bắc cung nước Tề là Xuất Ư bị bệnh, các thầy thuốc đều cho là gió độc xâm nhập, bệnh chủ ở phổi, châm vào mạch thiếu dương ở chân. Ý chẩn mạch của bệnh nhân, nói: “Mắc chứng sán khí, ảnh hưởng đến bàng quang, khó đại tiểu tiện, nước tiểu có màu đỏ. Bệnh gặp hàn khí thì vãi tiểu, khiến bụng người bệnh bị trướng.” Xuất Ư bị bệnh muốn tiểu mà không tiểu được, nhân đó lại quan hệ giường chiếu. Sở dĩ biết được bệnh của Xuất Ư là vì khi bắt mạch thấy mạch lớn mà thực, mạch đến thì khó, là do xung động của mạch quyết âm. Mạch đến khó khăn, do khí bị trở ngại ảnh hưởng đến bàng quang vậy. Nguyên nhân khiến bụng bị trướng, là do mạch quyết âm kết lại ở bụng dưới. Mạch quyết âm bị tổn thương thì chỗ mạch kết lại xung động, xung động thì bụng trướng lên. Ý liền dùng ngải châm đốt vào mạch quyết âm ở chân bệnh nhân, bên trái và bên phải mỗi bên một lần, liền không vãi tiểu, rồi nước tiểu trong, bụng dưới hết đau. Lại dùng thang hỏa tễ cho uống, ba ngày thì chứng sán khí tan, liền khỏi bệnh.

Trước đây, nhũ mẫu của Tế Bắc vương từng tự nói rằng chân nóng và thấy buồn, Ý bảo: “Chứng nhiệt quyết đấy.” Rồi châm vào ba chỗ trong lòng bàn chân, ấn vào chỗ châm kim không chảy máu, bệnh mau chóng hồi phục. Bệnh này do uống rượu quá say.

Tế Bắc vương triệu Ý đến chẩn mạch cho các thị nữ, chẩn đoán đến thị nữ tên là Thụ, Thụ không có bệnh. Ý nói trưởng quan phụ trách hậu cung rằng: “Thụ bị tổn thương lá lách, không thể làm được việc nặng, theo lẽ thường, mùa xuân sẽ nôn ra máu mà chết.” Ý hỏi Tế Bắc vương rằng: “Tài nhân là Thụ có tài năng gì?” Vương đáp: “Cô ta thích phương kỹ, giỏi nhiều thứ, thường xét theo cách thức cũ để làm ra trò mới, năm trước được cô ta ở trong dân gian, mất bốn trăm bảy mươi vạn tiền, mua được bốn người.” Vương hỏi: “Có thể chữa khỏi được không?” Ý đáp: “Thụ bệnh nặng, là chứng bệnh chết.” Vương triệu Thụ đến coi, vẻ mặt không hề thay đổi, cho là không bị bệnh, không bán cô ta cho chư hầu. Đến mùa xuân, Thụ cầm kiếm theo Tế Bắc vương đi nhà xí, vương đi rồi, Thụ theo sau, vương sai người gọi, thấy ngã trong nhà xí, nôn ra máu mà chết. Bệnh này do đổ mồ hôi. Đổ mồ hôi, theo quy luật là bệnh nặng bên trong, lông tóc, vẻ mặt ướt át, mạch không suy, đây cũng là bệnh ở trong người vậy.

Trung đại phu nước Tề bị sâu răng, Ý châm đốt tại mạch dương minh ở tay trái người bệnh nhân, liền cho dùng thang thuốc khổ sâm[8], ngày ngậm ba thăng, trước sau khoảng năm sáu ngày, bệnh khỏi. Bệnh này do bị gió, khi nằm ngủ mở miệng, ăn mà không súc miệng.

Mỹ nhân của Truy Xuyên vương mang thai nhưng khó đẻ, đến triệu Ý. Ý tới, cho uống một nhúm thuốc lang đãng[9], lấy rượu cho uống, chẳng bao lâu thì đẻ được. Ý lại chẩn mạch, thấy mạch nẩy mạnh. Mạch nẩy tức bệnh chưa khỏi hẳn, liền cho uống một toa tiêu thạch, máu chảy ra, máu vón như hạt đậu chừng năm sáu сục.

Nô bộc của xá nhân Thừa tướng nước Tề theo chủ vào chầu trong cung, Ý thấy y ăn đồ ăn bên ngoài cửa nách hoàng cung, trông sắc mặt có bệnh khí. Ý liền nói với hoạn quan tên là Bình. Bình thích xem mạch, theo học Ý, Ý liền cho xem bệnh tên nô bộc của xá nhân ấy, nói với Ý rằng: “Đó là khí sắc lá lách tổn thương, đến mùa xuân bị ách tắc không thông, không ăn uống được, theo quy luật tới mùa hè sẽ rỉ máu mà chết.” Hoạn quan là Bình liền đến nói với Thừa tướng rằng: “Nô bộc của xá nhân ngài có bệnh, bệnh nặng, cách ngày chết không còn xa.” Thừa tướng hỏi: “Sao ông biết?” Đáp: “Lúc ngài từ buổi chầu vào cung, nô bộc của xá nhân ngài ăn đồ ăn ngoài cửa nách hoàng cung, Bình và Thương công đứng đấy, Thương công trỏ vào Bình và nói: “Bệnh như thế này thì chết.” Thừa tướng liền triệu viên xá nhân vào hỏi rằng: “Nô bộc của ông có bệnh không?” Xá nhân đáp: “Hắn không có bệnh, trên người không chỗ nào bị đau.” Đến mùa xuân quả nhiên đổ bệnh, đến tháng Tư, rỉ máu mà chết. Sở dĩ biết được bệnh ấy là vì, khí từ lá lách đã chạy khắp ngũ tạng, từ chỗ tổn thương lan tới chỗ khác, cho nên hiện ra khí sắc lá lách tổn thương, trông xa thấy màu vàng, xem kỹ như có thêm màu xanh sẫm chết chóc. Các thầy thuốc không biết, cho là bị nhiều giun, không biết lá lách tổn thương. Sở dĩ đến mùa xuân người bệnh chết, vì khí sắc của dạ dày màu vàng, vàng là khí sắc của hành thổ vậy, thổ không thắng mộc, cho nên đến mùa xuân thì chết. Sở dĩ đến mùa hè chết, theo phép chẩn mạch nói: “Bệnh nặng mà mạch thuận và trong là bệnh trong nội quan.” Bệnh trong nội quan, người bệnh không biết đau ở đâu, trong lòng buồn bã nhưng không đau đớn. Nếu thêm một bệnh khác, sẽ chết vào giữa mùa xuân; nếu thấy mạch rất thuận thì kéo dài thêm một quý. Nguyên nhân người đó tháng Tư mới chết, khi chẩn mạch thấy mạch rất thuận. Mạch rất thuận, người còn béo tốt. Bệnh của tên nô bộc ấy là vì nhiều lần đổ mồ hôi, bị hỏa thiêu đốt rồi bị phong hàn nặng vậy.

Truy Xuyên vương bị bệnh, triệu Ý đến chẩn mạch, Ý nói: “Khí chạy ngược lên trên, bệnh nặng, đầu đau mình nóng, làm cho người bệnh buồn phiền.” Ý liền lấy nước lạnh vã lên đầu bệnh nhân, châm vào mạch dương minh ở chân, trái phải mỗi chân châm ba chỗ, bệnh mau chóng hồi phục. Bệnh này do gội đầu tóc chưa khô đã đi nằm. Chẩn bệnh như trên, nguyên nhân của hiện tượng này là do nhiệt từ đầu lan xuống vai.

Nhà anh trai nàng Hoàng Cơ của Tề vương là Hoàng trưởng khanh chuẩn bị rượu, mời khách đến, triệu cả thần là Ý. Mời khách ngồi, chưa kịp mang đồ ăn lên, Ý thấy em trai vương hậu là Tống Kiến, bèn nói rằng: “Ngài có bệnh, qua bốn năm ngày nữa, hai bên sườn của ngài đau không thể ngẩng lên cúi xuống, cũng không thể tiểu tiện được. Không trị ngay, bệnh sẽ xâm nhập vào thận. Nhân khi bệnh chưa lan đến ngũ tạng, phải trị ngay đi. Nay bệnh đang xâm nhập vào thận, đó là chứng “liệt thận” vậy.” Tống Kiến nói: “Phải, Kiến vốn có chứng đau ở mạng sườn. Bốn năm hôm trước, trời mưa, các con rể nhà họ Hoàng thấy dưới nhà Kiến có tảng đá, liền nhấc thử, Kiến cũng muốn bắt chước, nhưng bắt chước không nổi, liền đặt lại chỗ cũ. Chiều tối, hai bên thắt lưng đau, không đi tiểu được, đến nay chưa khỏi.” Bệnh của Kiến là vì nhấc vật nặng. Sở dĩ biết được bệnh của Kiến, vì Ý trông khí sắc, khí sắc thái dương khô ráo, từ thận trở lên, từ eo trở xuống có bốn chỗ khô, cho nên biết bệnh đã phát tác từ bốn năm ngày trước. Ý liền cho uống thang thuốc nhu, mười tám ngày thì bệnh khỏi.

Người hầu của Tế Bắc vương là Hàn Nữ bị đau ở thắt lưng, lúc lạnh lúc nóng, các thầy thuốc đều cho là bị hàn nhiệt. Ý chẩn mạch, nói: “Lạnh trong, kinh nguyệt không thoát ra được.” Liền dùng thuốc xông, không lâu sau kinh nguyệt thoát ra được, bệnh khỏi. Bệnh này do muốn đàn ông mà không được. Sở dĩ biết bệnh của Hàn Nữ là vì khi chẩn mạch, thấy mạch khí của thận, mạch kém mà không liên tục. Mạch kém mà không liên tục, mạch tới khó khăn, vững, cho nên mới nói kinh nguyệt không thoát được. Mạch gan như dây cung, thể hiện ở tay trái, cho nên nói muốn đàn ở ông mà không được vậy.

Người con gái ở huyện Phàm Lý, Lâm Truy là Bạc Ngô bị bệnh nặng, các thầy thuốc đều cho là bị hàn nhiệt, rất nguy kịch, nhất định chết, không chữa được. Ý đến chẩn mạch, nói: “Bệnh táo bón do giun sán.” Giun sán gây táo bón thành bệnh, bụng to, trên da thô vàng, ấn vào rất khó chịu. Ý cho uống một nhúm thuốc chế từ cây nguyên hoa[10], liền thải ra mấy thăng giun sán, bệnh bớt, ba mươi ngày thì bình phục như trước. Bệnh giun sán là do bị lạnh và ẩm, khí lạnh và ẩm tích chứa không thoát ra được, hóa thành giun. Ý sở dĩ biết bệnh của Bạc Ngô là vì khi bắt mạch, xem tuần tự từng thước, từng thước da khô kháo, còn lông thì đẹp, cho đến tận tóc, đó là biểu hiện của giun sán. Sắc mặt người bệnh trơn ướt, trong tạng phủ không có tà khí và bệnh nặng.

Thuần Vu tư mã nước Tề bị bệnh, Ý bắt mạch, nói: “Đây là chứng động phong. Triệu chứng là ăn uống vào liền bị đi ngoài.” Bệnh do ăn no rồi chạy nhanh. Thuần Vu tư mã nói: “Tôi đến nhà vương gia ăn gan ngựa, ăn no quá, thấy rượu đến, liền chạy về, phóng ngựa thật nhanh về nhà, liền đi tả mấy chục lần.” Ý nói với ông ta: “Dùng toa hỏa tễ với nước gạo để uống, bảy tám ngày thì khỏi.” Lúc ấy thầy thuốc là Tần Tín ở bên, Ý đi ra, Tín hỏi tả hữu là các Đô úy rằng: “Ý cho bệnh của Thuần Vu tư mã ra sao?” Đáp: “Cho là chứng động phong, có thể chữa được.” Tín liền cười nói: “Là ông ta không biết đấy thôi, bệnh của Thuần Vu tư mã, theo quy luật chín ngày sau sẽ chết.” Chín ngày sau không chết, người nhà lại triệu Ý đến. Ý đến hỏi han, thảy đúng như Ý đã chẩn. Thần liền cho uống một thang hỏa tễ và nước gạo, bảy tám hôm sau bệnh khỏi. Sở dĩ biết bệnh đó, là khi chẩn mạch, bắt mạch thấy đúng như quy luật. Bệnh của ông ta mạch thuận, cho nên không chết được.

Trung lang nước Tề là Phá Thạch bị bệnh, Ý chẩn mạch cho ông ta, nói: “Gan bị tổn thương, không chữa được, sau mười ngày nữa là ngày Đinh Hợi, tiểu ra máu mà chết.” Mười một ngày sau, tiểu ra máu mà chết. Bệnh của Phá Thạch là do ngã từ trên ngựa vào tảng đá. Sở dĩ biết bệnh của Phá Thạch vì khi bắt mạch, thấy có khí âm của gan, mạch đến tản mác, nhiều lần mạch đến không giống nhau. Sắc mặt cũng thể hiện triệu chứng đó. Sở dĩ biết ông ta ngã ngựa là vì khi bắt mạch thấy mạch âm đi ngược. Mạch âm đi ngược vào chỗ hư, công phá mạch của gan. Mạch của gan loạn, cho nên sắc mặt cũng thể hiện điều đó. Nguyên nhân không chết đúng thời gian, vì như thầy của Ý nói: “Người bệnh ăn được ngũ cốc thì quá hạn, không ăn được ngũ cốc thì chưa đến hạn.” Người này thích ăn cơm nếp, cơm nếp chủ về gan, cho nên quá hạn. Nguyên nhân tiểu ra máu, theo phép chẩn mạch nói: “Bệnh nhân thích yên tĩnh thì khí thuận rồi chết, thích hoạt động thì khí ngược rồi chết.” Bệnh nhân này thích yên tĩnh, không nóng nảy, lại ngồi yên lâu, nằm phục xuống ghế mà ngủ, cho nên máu tiết ra từ hạ bộ.

Thầy thuốc của Tề vương là Toại bị bệnh, tự chế ngũ thạch[11] để uống. Ý qua thăm, Toại bảo Ý rằng: “Kẻ hèn này có bệnh, mong ông chẩn cho Toại.” Ý liền chẩn bệnh cho, bảo: “Ông bị nóng trong. Luận về bệnh: “Nóng trong không tiểu được, không thể uống ngũ thạch.” Đá dùng làm thuốc thì tinh mà bạo, ông uống thứ đó càng không tiểu tiện được, chớ uống nữa. Trông sắc mặt ông, thì chỗ bị nóng sắp sưng lên rồi.” Toại nói: “Biển Thước bảo: “Âm thạch để chữa âm bệnh, dương thạch để chữa dương bệnh.” Xét lẽ, thuốc chữa bệnh có phân các toa âm, dương, thủy, hỏa, cho nên nóng trong liền lấy toa âm thạch nhu tễ để chữa; lạnh trong liền dùng toa dương thạch cường tễ để chữa.” Ý nói: “Điều ông bàn quá sai rồi. Biển Thước tuy nói thế, nhưng nhất định phải chẩn đoán tỉ mỉ, rồi tính liều lượng, lập chừng mức để trị liệu, kết hợp giữa sắc mặt và khí mạch, giữa trong và ngoài, có thừa hay không đủ, thuận hay ngược, xem thêm bệnh nhân hoạt động hay tĩnh dưỡng và ngơi nghỉ có triệu chứng tương ứng hay không, mới có thể luận bàn được. Luận về cách trị bệnh có nói: “Bệnh dương ở trong, biểu hiện ra ngoài là âm thì không được thêm thuốc bạo liệt và châm cứu.” Xét lẽ, thuốc bạo liệt uống vào bên trong, sẽ khiến tà khí hoành hành và tà khí càng vào sâu. Phép chẩn bệnh có nói: “Hai khí âm biểu hiện ra ngoài, một khí dương tiếp ứng bên trong, không thể dùng thuốc cương để chữa.” Thuốc cương uống vào thì động dương, âm bệnh càng suy, dương bệnh càng mạnh, tà khí lưu hành, càng thêm nguy khốn cho các huyệt mạch, rồi bộc phát thành ung nhọt.” Sau khi Ý nói với ông ta hơn trăm ngày, quả nhiên ung nhọt phát ở trên vú, xâm nhập lên trên xương quai xanh, rồi chết. Đó là bàn một cách đại thể, ắt có nguyên tắc. Thầy thuốc vụng hay giỏi đều có chỗ chưa học, khiến trật tự, âm dương không được chính đáng nữa.

Tề vương khi còn là Dương Hư hầu mắc bệnh rất nặng, các thầy thuốc đều cho là bị tà khí xông ngược lên. Ý vào chẩn mạch, cho là bị tê liệt, gốc bệnh ở dưới sườn phải, to như cái chén úp, khiến người bị hen suyễn, khí ngược lên nên không ăn được. Ý liền cho dùng toa hỏa tễ, húp cháo, được sáu hôm thì khí hạ; liền cho uống thêm thuốc viên, độ sáu ngày thì bệnh khỏi. Bệnh này do việc phòng the. Lúc chẩn bệnh không thể biết được kinh mạch thế nào, chỉ biết đại khái bệnh ở đâu mà thôi.

Ý từng chẩn bệnh cho Thành Khai Phương ở Vũ Đô Lý thuộc đất An Dương, Khai Phương tự cho là mình không có bệnh, Ý bảo ông ta bị bệnh trúng gió làm cho khổ sở, ba năm sau thì tứ chi không thể tự cử động được, khiến người bị câm, câm là chết. Nay nghe nói tứ chi đã không cử động được, câm nhưng chưa chết. Bệnh này do nhiều lần uống rượu rồi gặp gió lớn. Sở dĩ biết bệnh của Thành Khai Phương là vì khi chẩn mạch, mạch tượng theo thuật kỳ khái nói là “Khí mạch của ngũ tạng trái nhau là chết.” Xem mạch ông ta, thấy khí của thận trái ngược khí của gan, theo quy luật thì “ba năm sau sẽ chết.”

Quan Công thừa Hạng Xử ở Phản Lý đất An Lăng bị bệnh, Ý đến chẩn mạch, nói: “Chứng mẫu sán[12].  Chứng mẫu sán xuất hiện dưới cơ hoành cách, liền lên đến phổi. Bệnh này do quan hệ phòng the. Ý nói với bệnh nhân: “Cẩn thận, chớ làm việc gì lao lực, làm việc lao lực thì nhất định nôn ra máu mà chết.” Sau đó Xử chơi đá bóng, eo bị khí lạnh xâm nhập, đổ nhiều mồ hôi, liền nôn ra máu. Ý lại đến chẩn bệnh, nói: “Chiều tối mai thì chết.” Rồi chết. Bệnh này do phòng the vô độ. Sở dĩ biết bệnh của Hạng Xử vì khi bắt mạch, thấy mạch dương bị ngược. Dương ngược vào chỗ hư, Xử hai hôm là chết. Một là ngược, hai là ngang, đó là chứng mẫu sán.

Ý nói: “Rất nhiều trường hợp khác được Ý chẩn bệnh, đoán định thời gian, quyết đoán sống chết cùng cách trị khỏi, nhưng lâu rồi nên quên, không thể nhớ hết được, cho nên không dám trả lời.

Hỏi Ý rằng: “Việc chẩn trị bệnh, tên bệnh phần nhiều giống nhau nhưng chẩn đoán lại khác, có người chết, có người không chết, tại sao vậy?"

Xin trả lời: “Bệnh có nhiều tên nhưng cùng loại, không thể biết hết, cho nên thánh nhân xưa chế định phép chẩn mạch, để xác định liều lượng, xác lập chuẩn tắc, cân nhắc lợi hại, xét theo chuẩn mực, điều hòa âm dương, biện biệt kiểu mạch, mỗi kiểu một cách định danh, tương ứng với trời đất, tham chiếu ở con người, cho nên phân biệt ra trăm thứ bệnh khác nhau, người xem nhiều có thể phân biệt được, người xem ít thì đánh đồng làm một. Nhưng phép chẩn mạch không thể đúng cả, chẩn cho người bệnh cần dựa pháp độ để phân biệt, có thể biện biệt các bệnh cùng tên, chỉ ra gốc bệnh ở đâu. Nay thần là Ý chẩn bệnh, đều dựa vào sách chẩn đoán. Sở dĩ có thể biện biệt được bệnh, là do Ý học được từ thầy, thầy mất, đem những cách chẩn bệnh thầy đã ghi lại trong sách để đoán định sống chết, xem chỗ đúng chỗ sai có hợp với phép chẩn mạch không, cho nên đến nay mới biết rõ được.”

Hỏi ý rằng: "Đoán định thời gian phát bệnh, kỳ hạn chết sống, có lúc không đúng như dự đoán, là cớ tại sao?"

Trả lời rằng: "Đều do ăn uống, vui giận không có tiết chế, có khi do không uống thuốc, có khi do không châm cứu, do đó chết không đúng như thời gian dự liệu.”

Hỏi ý rằng: “Ý có thể biết bệnh chứng là chết hay sống, luận việc dùng thuốc sao cho thích hợp, các vua chư hầu và bề tôi có từng hỏi ý không? Đến khi Tề Văn vương bị bệnh, không tìm Ý chẩn trị, tại sao vậy?"

Xin trả lời rằng: “Triệu vương, Giao Tây vương, Tế Nam vương, Ngô vương đều sai người đến triệu Ý, Ý không dám đi. Lúc Tề Văn vương bị bệnh, Ý nhà nghèo, muốn chữa bệnh cho người để kiếm sống, thực sự sợ làm quan sẽ bó buộc Ý, cho nên chuyển đến nhà người quen, không lo việc gây dựng gia sản, đi du học các nơi trong nước, tìm người giỏi y thuật để học tập trong thời gian dài, từng theo học mấy thầy, thảy học được sở trường, hiểu hết nghĩa trong sách y thuật, cho đến luận giải về bệnh của họ. Thân ở nước của Dương Hư hầu, nhân đó phụng sự Dương Hư hầu. Hầu vào triều, Ý theo đến Trường An, vì thế được chẩn bệnh cho những người như Hạng Xử ở An Lăng.”

Hỏi Ý rằng: "Có biết nguyên nhân bệnh Tề Văn vương không khỏi chăng?"

Ý xin đáp: "Không thăm bệnh cho Tề Văn vương, nhưng trộm nghe Văn vương bị suyễn, đầu đau, mắt mờ. Ý trong lòng suy đoán, cho đó không phải bệnh. Cho là do béo phì mà tích chứa nhiều tinh lực, thân thể không được vận động, thịt nhiều nên xương không đỡ nổi, vì thế bị suyễn, không cần chữa trị. Phép chẩn mạch có nói: “Hai mươi tuổi mạch khi đang vượng, ba mươi tuổi đi lại nhanh nhẹn, bốn mươi tuổi phải ngồi cho yên, năm mươi tuổi phải nằm cho yên, sáu mươi tuổi trở lên phải khiến nguyên khí ẩn tàng bên trong.” Văn vương tuổi chưa đầy hai mươi, đương khi mạch khí vượng mà lại ít vận động, không thuận ứng theo bốn mùa của đạo trời. Sau nghe nói ngự y châm đốt các huyệt, bệnh liền thêm nặng, đó là luận đoán sai bệnh vậy. Ý luận bệnh của Tề Văn vương, cho là do thần khí trong người xông lên rồi tà khí xâm nhập, đó là bệnh ở tuổi trẻ không thể khôi phục được, cho nên chết. Cái gọi là khí mạch, cần điều chỉnh cách ăn uống, chọn ngày trong tạnh, đi xe hoặc tản bộ ra ngoài để rộng mở tâm trí, khiến gân cốt, thớ thịt, huyết mạch được thích ứng, để tiết khí ra. Cho nên hai mươi tuổi, được gọi là thời kỳ khí huyết đầy đủ, theo quy luật không nên dùng cách châm cứu, châm cứu sẽ khiến khí chạy không yên.”

Hỏi Ý rằng: “Thầy Khánh học y thuật ở đâu? Nghe nói là ở у chư hầu nước Tề có phải không?"

Đáp rằng: "Không biết thầy Khánh học từ thầy nào. Thầy Khánh nhà giàu có, giỏi làm nghề y, không chịu trị bệnh cho người, vì thế không ai biết tiếng. Thầy Khánh lại nói với Ý rằng: “Cẩn thận, chớ để con cháu ta biết ngươi học nghề y từ ta.””

Hỏi ý rằng: “Thầy Khánh sao lại gặp Ý rồi quý Ý, muốn truyền Ý dạy toàn bộ phương thuật cho Ý?"

Đáp rằng: "Ý không nghe nói thầy Khánh giỏi trị bệnh. Sở dĩ Ý biết thầy Khánh là do Ý lúc trẻ thích cách trị bệnh của các nhà, Ý thử phương thuật của các nhà, phần nhiều điều kinh nghiệm, tinh diệu. Ý nghe nói Công Tôn Quang ở Đường Lý đất Truy Xuyên giỏi phương thức chữa bệnh từ thời cổ truyền lại, Ý liền đến yết kiến. Được gặp và phụng thờ ông, rồi được truyền cho cách điều hòa âm dương và khẩu truyền cho phương pháp trị bệnh, Ý tiếp thu hết thảy, ghi chép lại. Ý muốn học hết các phương thức trị bệnh tinh diệu của ông. Công Tôn Quang nói: “Các phương thức chữa bệnh của ta đã truyền cả rồi, không tiếc gì mà không truyền cho ông. Ta đã già yếu, không cần phụng sự ta nữa. Đó là các phương thuật thần diệu ta học được hồi còn trẻ, thảy đã truyền cho ông, chớ đem truyền cho người khác.” Ý thưa: “Được gặp và phụng sự thầy, được học hết các phương thuốc bí truyền, thực là may mắn. Ý dẫu chết cũng không dám khinh suất truyền cho người khác.” Được một thời gian, Công Tôn Quang nhân khi rảnh rỗi, Ý bàn sâu về các cách chữa bệnh, nói chỗ tinh yếu trong cách trị bệnh của trăm đời, thầy Quang mừng nói: “Ông ắt sẽ thành thầy thuốc giỏi trong nước. Ta có chỗ sở trường thì đều bỏ bê cả, ta có người anh em ruột ở Lâm Truy, giỏi về y thuật, ta không bằng, cách chẩn trị của ông ấy rất kỳ lạ, không phải điều người đời từng biết. Ta lúc đến tuổi trung niên, từng muốn học phương thuật của ông ấy, Dương Trung Thiến[13] không chịu, nói ông không phải người để truyền thụ. Ta sẽ đi cùng ông đến gặp ông ấy, để biết là ông thích học cách chữa bệnh. Ông ấy cũng già rồi, gia đình lại giàu có.” Lúc ấy chưa đi, đúng khi con trai thầy Khánh là Ân đến dâng ngựa, thông qua thầy Quang để dâng ngựa đó cho Tề vương, Ý vì thế được thân thiết với Ân. Thầy Quang lại dặn Ân về việc của Ý rằng: “Ý thích у thuật, người phải đối đãi ông ta cẩn thận, người này là bậc thánh nho đó.” Liền viết thư giới thiệu Ý cho thầy Dương Khánh, vì thế Ý mới biết thầy Khánh. Ý thờ thầy Khánh rất cẩn thận, cho nên thầy yêu quý Ý vậy.”

Hỏi Ý rằng: "Quan lại, thường dân từng có ai theo học nghề y của Ý, đồng thời đã học hết các phương thuật trị bệnh của Ý chưa? Là người ở làng nào, huyện nào?"

Đáp rằng: “Là Tống Ấp người ở Lâm Truy. Ấp theo học, Ý dạy cho năm cách chẩn đoán, mất hơn một năm. Tế Bắc vương sai Thái y là Cao Kỳ, Vương Vũ đến học, Ý dạy sự cao hay thấp của kinh mạch cùng sự giao kết của kỳ kinh, lạc mạch, đang luận về vị trí các huyệt đạo cùng khí lên xuống, ra vào, tà chính, nghịch thuận, để dùng kim đá cho phù hợp, xác định vị trí cần châm đốt, mất hơn một năm. Bấy giờ Truy Xuyên vương sai viên trưởng quan coi ngựa kho Thái thương đến xin học y thuật, Ý dạy cách xoa bóp thuận nghịch, bàn cách dùng thuốc, xác định năm vị cùng cách điều hòa các thang, toa thuốc. Chủ quản việc nhà của Cao Vĩnh hầu là Đỗ Tín thích xem mạch, đến xin học, Ý dạy kinh mạch trên dưới và năm cách chẩn, mất hơn hai năm. Đường An ở Triệu Lý đất Lâm Truy đến học, Ý dạy năm cách chẩn đoán và kinh mạch trên dưới, thuật kỳ khái, điểm quan trọng trong sự ứng thuận giữa âm dương với bốn mùa, chưa học xong, đã được làm ngự y cho Tề vương.”

Hỏi ý rằng: "Chẩn trị bệnh, đoán định chết hay sống, có thể Ý hoàn toàn không sai lầm chăng?"

Ý trả lời: “Ý chữa bệnh cho người, trước hết phải bắt mạch, rồi mới trị bệnh. Người nào mạch tượng suy bại, nghịch chuyển thì không thể chữa được; người nào mạch thuận thì chữa cho. Trong lòng không tinh tường cách xem mạch, dự đoán thời gian sống chết, mà cho là trị được, luôn luôn sai lầm, Ý không thể hoàn toàn đảm bảo được.”

Thái sử công bàn rằngPhụ nữ bất luận đẹp xấu, hễ vào cung thì bị đố kỵ; kẻ sĩ không cứ hiện năng hay kém cỏi, hễ vào triều là bị nghi kỵ. Cho nên Biển Thước vì tài y thuật của mình mà gặp tai ương, Thương công bèn tự giấu tung tích mà vẫn bị tội hình. Đề Oanh dâng thư lên, cha nàng sau mới được bình yên. Cho nên Lão tử nói: “Vật gì đẹp là thứ đồ vật không may mắn," há để nói những người như Biển Thước chăng? Người như Thương công, có thể nói là gần giống vậy.

 

Chú thích.

[1] Bi: tương truyền cũng thuộc loài gấu nhưng lớn hơn, lông vàng phớt, cổ vàng, chân cao, có thể đứng như người.

[2] Chó Địch: một loài chó lớn sinh trưởng ở phương bắc.

[3] Nguyên là "thi quệ", một chứng bệnh đột nhiên ngã quỵ, bất tỉnh nhân sự, giống như người đã chết.

[4] Tam tiêu: trung tâm điều hòa hoạt động của lục phủ ngũ tạng. Thượng tiêu có tâm và phế; trung tiêu có tỳ và vị, hạ tiêu có can và thận.

[5] Tư mệnh: vị thần quản về sinh mệnh của con người.

[6] Công thừa: tước thứ tám trong số hai mươi tước phong của triều Hán.

[7] Gồm xanh là màu của gan, đỏ là màu của tim, vàng là màu của lá lách, trắng là màu của phổi, đen là màu của thận.

[8] Khổ sâm: cây thuốc, còn gọi là dã hòe, hảo há chi, khổ cốc, địa cốt, bắc hòe, địa hòe, sơn hòe tử...

[9] Lang đãng: tên khác là thiên tiên tử.

[10] Một loài cây lá có độc tố.

[11] Ngũ thạch: năm loại đá để luyện đan.

[12] Mẫu sán: một thứ bệnh thuộc về sán khí.

[13] Cũng là một danh y thời cổ, bạn với Công Tôn Quang.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét