Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

QUYỂN 104 ĐIỀN THÚC LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

 

QUYỂN 104 

ĐIỀN THÚC LIỆT TRUYỆN

Điền Thúc, người Hình Thành nước Triệu. Tổ tiên là hậu duệ họ Điền nước Tề. Thúc thích kiếm thuật, học thuật Hoàng Lão từ Lạc Cự công. Thúc là người chuộng nghiêm chính liêm khiết, thích du ngoạn cùng tiền bối. Người Triệu tiến cử Điền Thúc cho Tướng quốc nước Triệu là Triệu Ngọ, Ngọ nói với Triệu vương Trương Ngao, Triệu vương cho làm Lang trung. Được mấy năm, hết mực chính trực công bằng, Triệu vương cho là hiền năng, chưa kịp thăng chức.

Đúng lúc Trần Hy làm phản ở đất Đại, nhà Hán năm thứ bảy, Cao tổ sang thảo phạt, qua Triệu, Triệu vương Trương Ngao tự cầm khay dâng đồ ăn, lễ rất cung kính, Cao tổ ngồi xổm mắng ông ta. Bấy giờ, bọn Tướng quốc nước Triệu là Triệu Ngọ mấy chục người đều nổi giận, nói với Trương Vương: “Đại vương thờ Hoàng thượng đã tận lễ, nay lại đối xử với đại vương thế, bọn thần xin làm loạn.” Triệu vương cắn ngón tay chảy máu, nói: “Tiền nhân để mất nước, không có bệ hạ, bọn ta chỉ như dòi bọ chui ra từ thây xác. Sao các ông lại nói thế! Không được nói ra nữa!” Thế rồi bọn Quán Cao nói: “Đại vương là bậc trưởng giả, không phản bội người có đức.” Cuối cùng bàn mưu riêng giết Hoàng thượng. Khi việc bị phát giác, nhà Hán hạ chiếu bắt Triệu vương cùng bề tôi làm phản. Vì thế bọn Triệu Ngọ đều tự sát, chỉ có Quán Cao bị trói. Lúc đó, nhà Hán hạ chiếu thư: “Người Triệu ai dám theo Triệu vương, tội cả ba họ.” Duy có bọn Mạnh Thư, Điền Thúc hơn mười người mặc áo đỏ, gọt tóc, xưng gia nô của Triệu vương, theo Triệu vương Ngao đến Trường An. Quán Cao trình bày rõ việc, Triệu vương Ngao được thả, bị phế làm Tuyên Bình hầu, rồi tiến cử bọn Điền Thúc hơn mười người. Hoàng thượng triệu kiến tất cả, cùng trò chuyện, bề tôi trong triều nhà Hán không ai hơn được họ, Hoàng thượng quý mến, phong hết làm Quận thú hoặc Tướng quốc cho chư hầu. Thúc làm Quận thú Hán Trung hơn mười năm, đúng lúc Cao hậu băng hà, đám họ Lã làm loạn, đại thần chu diệt, lập Hiếu Văn đế.

Sau khi Hiếu Văn đế lên ngôi, triệu Điền Thúc đến hỏi: “Ông biết ai là trưởng giả trong thiên hạ không?” Đáp rằng: “Thần đâu đủ khả năng biết điều ấy?" Hoàng thượng nói: “Ông là trưởng giả, nên biết điều đó.” Thúc dập đầu nói: “Mạnh Thư, Quận thú Vân Trung trước kia là trưởng giả vậy.” Lúc ấy giặc đông kéo vào cướp bóc biên ải, Vân Trung cực kỳ nguy cấp, Mạnh Thư bị bãi chức. Hoàng thượng nói: “Tiên đế sắp đặt Mạnh Thư ra Vân Trung hơn chục năm, giặc vừa vào, Mạnh Thư đã không thể giữ vững, sĩ tốt bất ngờ phải chiến đấu chết đến mấy trăm người. Trưởng giả lại cố ý giết người ư? Sao ông nói Mạnh Thư là trưởng giả?” Thúc khấu đầu đáp: “Chính thế Mạnh Thư mới là trưởng giả vậy. Xét bọn Quán Cao mưu phản, Hoàng thượng hạ chiếu nói rõ, người Triệu ai dám theo Triệu vương, tội cả ba họ. Nhưng Mạnh Thư tự gọt tóc, theo Triệu vương Ngao đến chỗ phải đến, muốn lấy thân mình chết thay, há tự biết sẽ làm Quận thú Vân Trung ư! Hán và Sở chống nhau, sĩ tốt mỏi mệt. Mặc Đốn ở Hung Nô mới hàng phục man di phía bắc, kéo đến xâm hại biên cương, Mạnh Thư biết sĩ tốt mỏi mệt, không nỡ nói ra, quân sĩ tranh lên thành liều chết với địch, như con vì cha, em vì anh, cho nên chết mấy trăm người. Mạnh Thư đâu cố ý xua họ ra đánh! Thế nên mới cho Mạnh Thư là trưởng giả vậy.” Rồi Hoàng thượng nói: “Hiền thay Mạnh Thư!” Lại triệu Mạnh Thư, cho làm Quận thú Vân Trung.

Mấy năm sau, Thúc phạm pháp bị mất chức. Lương Hiếu vương sai người giết Tướng quốc nước Ngô trước đây là Viên Áng, Cảnh đế triệu Điền Thúc tra xét án Lương Vương, nắm rõ sự việc, về báo. Cảnh đế hỏi: “Nước Lương có việc ấy ư?” Thúc đáp rằng: “Tội chết! Có việc đó.” Hoàng thượng hỏi: “Việc ấy thế nào?" Điền Thúc đáp: “Hoàng thượng không cần truy cứu việc nước Lương nữa.” Hoàng thượng hỏi: “Tại sao?" Đáp: “Nay Lương vương không bị giết, luật nhà Hán không thi hành được; nếu xử theo quốc pháp, sẽ khiến Thái hậu ăn không ngon, ngủ không yên, đó là điều bệ hạ lo lắng.” Cảnh đế coi là người hiền năng, cho làm Thừa tướng nước Lỗ.

Thừa tướng mới đến Lỗ, dân tự nói với Thừa tướng, hơn trăm người tố cáo Lỗ Vương chiếm của cải. Điền Thúc bắt giữ hai mươi người trong số họ, một số người bị đánh năm mươi gậy, còn lại đều bị đánh hai mươi gậy, giận nói: “Lỗ vương không phải chúa của các ngươi ư? Sao dám tự ý tố cáo chúa mình?” Lỗ vương nghe vậy rất thẹn, phát tiền trong phủ, sai Thừa tướng đem bồi thường. Thừa tướng nói: “Đại vương tự chiếm đoạt, lại sai Thừa tướng đem trả, ấy là đại vương làm ác mà Thừa tướng làm thiện đấy.” Thừa tướng không dự vào việc bồi thường. Thế rồi Lỗ vương bèn bồi thường hết bọn họ.

Lỗ vương thích săn bắn, Thừa tướng thường theo vào trong vườn, Lỗ Vương cho Thừa tướng đến quán xá nghỉ, Thừa tướng đi khỏi, thường ngồi ngoài trời phía ngoài vườn. Lỗ Vương nhiều lần sai người đề nghị Thừa tướng nghỉ, nhưng quyết không nghỉ, nói: “Vua của ta dầm mưa dãi nắng trong vườn, sao mình ta về quán xá nghỉ được!” Lỗ vương vì thế không năng đi săn nữa.

Mấy năm sau, Thúc chết khi đang tại chức, Lỗ vương đem trăm cân vàng cúng tế, con út ông là Nhân không nhận, nói: “Không vì trăm cân vàng mà tổn hại danh tiếng tiên nhân được.”

Nhân do thân thể tráng kiện được làm Xá nhân cho Vệ tướng quân, nhiều lần theo đánh Hung Nô. Vị tướng quân tiến cử Nhân, Nhân làm Lang trung. Mấy năm sau, làm Thừa tướng trưởng sử hàng quan hai nghìn thạch, lại bị mất chức. Về sau, được sai đi kiểm tra Tam Hà. Hoàng thượng tuần du sang đông, Nhân tâu việc, có văn từ, Hoàng thượng thích, phong làm Kinh phụ đô úy. Được hơn tháng, Hoàng thượng thăng lên Tư trực. Mấy năm sau, phạm tội liên quan đến Thái tử. Bấy giờ, Tả thừa tướng tự cầm quân, sai Tư trực Điền Nhân coi việc đóng cổng thành, vì thả Thái tử đi, giao quan lại luận tội chết. Nhân phát binh, Trường Lăng lệnh Xa Thiên Thu báo về triều đình rằng Nhân làm phản, cả họ đều bị giết. Hình Thành nay ở nước Trung Sơn.

Thái sử công bàn rằngKhổng tử được khen là: “Ở nước nào ắt nghe chính sự nước ấy”[1], là nói đến Điền Thục chăng! Vì nghĩa không quên cất nhắc hiền năng, làm sáng mỹ đức bậc quân chủ để bổ khuyết lỗi lầm. Nhân và ta vốn thân thiết, vì thế ta bàn đến ông ấy.

Chử tiên sinh[2] bàn rằng: Lúc tôi làm quan Lang, nghe nói Điền Nhân vốn thân thiết với Nhâm An. Nhâm An, người Huỳnh Dương, thuở nhỏ mất cha, nghèo khó, đánh xe đến Trường An cho người, ở lại, mong được làm tiểu lại, chưa có cơ hội, nhân đó khai vào sổ hộ tịch. Ở tại Vũ Công, là ấp nhỏ giáp giới phía tây Phù Phong, sạn đạo vào Thục ở Cốc Khẩu kề núi. An cho rằng Vũ Công là ấp nhỏ, không có hào môn, dễ được danh cao, An lưu lại, thay người khác làm sai dịch bắt trộm trong đình[3]. Sau làm Đình trưởng. Dân trong ấp đều ra ngoài săn bắn, Nhâm An thường chia hươu nai thỏ trĩ săn được cho mọi người, sắp đặt người già, trẻ nhỏ, tráng đinh vào chỗ dễ khó phù hợp, ai nấy đều vui, nói: “Không ai bị thiệt, Nhâm thiếu khanh chia thật công bằng, thật có trí lược.” Hôm sau lại tụ họp, tập hợp được mấy trăm người. Nhâm thiếu khanh nói: “Con ông nọ là người này người kia sao không đến?” Mọi người đều kinh ngạc vì thấy ông nhớ quá nhanh. Sau, giao làm Tam lão[4], được khen là gần dân, ra làm quan trưởng hạng ba trăm thạchcai trị dân. Hoàng thượng ra ngoài du ngoạn, không lo chuẩn bị màn trướng, bị bãi chức.

Bèn làm Xá nhân cho Vệ tướng quân, gặp Điền Nhân, cùng làm Xá nhân, trong phủ tướng quân, đồng lòng quý nhau. Hai người nhà nghèo, không có tiền phục dịch quản gia, bị y sai nuôi bầy ngựa dữ cắn người. Hai người ngủ cùng giường, Nhân trộm nói: “Tên quản gia này thực không biết người.” Nhâm An bảo: “Tướng quân còn chả biết người, nói gì đến quản gia!” Vệ tướng quân từ đó cho hai người sang chỗ Công chúa Bình Dương. Người nhà Công chúa bắt hai người cùng ăn với nô bộc hầu ngựa, hai người rút dao chém đứt chiếu ngồi riêng. Người nhà công chúa đều thấy lạ rồi ghét bỏ, nhưng không ai dám quát mắng.

Về sau có chiếu chọn Xá nhân của Vệ tướng quân làm quan Lang, tướng quân chọn những người giàu trong đám Xá nhân, sai họ đóng yên ngựa mặc áo vải đỏ, dùng ngọc trang sức kiếm, muốn vào tâu lên hoàng thượng. Gặp lúc đại phu hiền năng là Thiếu phủ Triệu Vũ qua chỗ Vệ tướng quân, tướng quân gọi các Xá nhân được tiến cử ra mắt Triệu Vũ. Triệu Vũ hỏi theo thứ tự, hơn chục người không ai thạo việc, có trí lược. Triệu Vũ nói: “Tôi nghe, dưới của nhà tướng ắt có tướng tài. Sách truyện nói: 'Không biết vua thì xem sứ giả; không biết ai thì xem bạn họ.' Nay có chiếu cất nhắc Xá nhân của tướng quân, muốn xem tướng quân có hiền năng, có phải kẻ sĩ kiêm tài văn võ hay không. Nay chỉ chọn con em nhà giàu tiến cử, lại chẳng có trí lược, như tượng gỗ khoác quần áo the lụa lên thôi, thế thì được tích sự gì?” Thế rồi Triệu Vũ gọi hết hơn trăm Xá nhân của Vệ tướng quân đếnlần lượt hỏi han, chọn được Điền Nhân và Nhâm An, nói: “Chỉ hai người này được thôi, còn lại đều không dùng được.” Vệ tướng quân thấy hai người nghèo khó, có ý không hài lòng. Triệu Vũ đi rồi, bảo hai người rằng: “Ai nấy tự chuẩn bị yên ngựa, quần áo vải đỏ mới.” Hai người đáp rằng: “Nhà nghèo, không có gì chuẩn bị cả.” Tướng quân nổi giận nói: “Nay hai ông nhà nghèo, sao còn nói những lời thế? Ra chiều bất mãn như ban đức cho ta, thế là thế nào?” Tướng quân bất đắc dĩ, đưa vào sổ trình lên. Có chiếu triệu kiến Xá nhân của Vệ tướng quân, hai người yết kiến trướctriệu kiến hỏi han tài năng mưu lược, cho cùng hạng thứ. Điền Nhân đáp rằng: “Cầm dùi trống đứng cửa quân, khiến sĩ đại phu vui vẻ tử chiến, Nhân không bằng Nhâm An.” Nhâm An đáp: “Quyết đoán chỗ còn hiềm ngờ, phân định đúng sai, biện biệt trăm quan, khiến trăm họ không có lòng oán hận, An không bằng Nhân vậy.” Vũ để cả cười nói: “Tốt.” Sai Nhâm An giám hộ quân phía bắc, sai Điền Nhân giám hộ đồn điền biên giới Hà Thượng. Hai người nổi danh thiên hạ.

Về sau, cất dùng Nhâm An làm Thứ sử Ích Châu, cho Điền Nhân làm Thừa tướng trưởng sử.

Điền Nhân dâng thư nói: “Thái thú các quận trong thiên hạ phần nhiều gian dối hám lợi, Tam Hà nghiêm trọng nhất, thần xin tra xét Tam Hà trước. Thái thú Tam Hà đều dựa bậc quyền quý trong triều, thân thuộc với quan hàng tam công, nên chẳng kiêng sợ, trước cần chấn chỉnh Tam Hà để răn quan lại gian dối khắp thiên hạ.” Bấy giờ Thái thú Hà Nam, Hà Nội đều là cha anh con em của Ngự sử đại phu Đỗ Chu, Thái thú Hà Đông là cháu nội của Thạch thừa tướng. Khi ấy họ Thạch có chín người làm quan hàng hai nghìn thạch, đang lúc quý thịnh. Điền Nhân nhiều lần dâng thư nói việc đó. Đỗ đại phu cùng họ Thạch sai người tạ lỗi, bảo Điền Thiếu khanh rằng: “Chúng tôi không dám nói gì, xin Thiếu khanh đừng vu cáo làm vẩn đục.” Nhân sau khi tra xét Tam Hà, Thái thú Tam Hà bị giao cho pháp quan xử chết. Nhân về tâu lại, Vũ đế mừng, cho Nhân có tài lại không sợ cường bạo, phong Nhân làm Thừa tướng Tư trực, uy chấn thiên hạ.

Về sau, gặp việc Thái tử dấy binh, Thừa tướng đích thân cầm quân, sai Tư trực chủ giữ cổng thành. Tư trực cho thái tử là tình thân cốt nhục, giữa cha con không muốn can thiệp quá sâu, bèn rời cổng thành ra các lăng. Lúc ấy Vũ đế ở cung Cam Tuyền, sai Ngự sử đại phu Bạo Quân xuống trách Thừa tướng: “Tại sao thả Thái tử?” Thừa tướng đáp: “Phái quan Tư trực giữ cổng thành lại mở cho Thái tử.” Dâng thư báo lên, xin bắt trói quan Tư trực. Tư trực bị giao cho pháp quan, tội chết.

Bấy giờ, Nhâm An làm Sứ giả hộ quân của bắc quân, Thái tử dừng xe ngoài cổng nam của bắc quân, triệu Nhâm An, giao phù tiết lệnh phát binh. An vái nhận phù tiết, đi vào, đóng cửa không ra. Vũ đế hay tin, cho là Nhâm An vờ nghe, không dự việc của Thái tử, tại sao vậy? Nhâm An đánh đòn làm nhục tiểu lại phụ trách tiền bạc trong bắc quân, tiểu lại dâng thư nói lên Hoàng thượng, cho rằng Nhâm An nhận phù tiết của Thái tử, nói: “Vinh hạnh thay, ngài giao phù tiết đẹp này cho tôi.” Thư dâng lên, Vũ đế rằng: “Lão lại già này, thấy việc binh dấy, muốn ngồi xem thắng bại, coi ai thắng chực hùa theo, kẻ hai lòng. An có nhiều tội đáng chết, ta từng cho sống, nay mang lòng gian, có dạ bất trung.” Giao An cho pháp quan, xử tử.

Xét lẽ, trăng đầy thì khuyết, vật thịnh ắt suy là lẽ thường của trời đất. Biết tiến mà không biết lui, giàu sang lâu ngày, họa chất thêm cao. Cho nên Phạm Lãi bỏ nước Việt, từ chối không nhận chức quan, danh truyền đời sau, muôn năm không quên, họa há đến chăng! Người mong thăng tiến đời sau xem đó thận trọng răn dè.

 

Chú thích.

[1] Lấy ý từ lời học trò Khổng tử là Tử Cầm hỏi Tử Trường được ghi lại trong sách Luận ngữ: "Phu tử ta đến nước nào thì nhất định sẽ nghe chính sự của nước đó...?”

[2] Chử tiên sinh: tức Chử Thiếu Tôn, nhà văn, nhà sử học cuối thời Tây Hán. Trong các bản Sử ký hiện còn, cuối một số quyển thảng hoặc chép lời bàn của ông.

[3] Đình: một đơn vị hành chính thời Hán.

[4] Tam lão: mười đình có một hương, mỗi hương có một người làm Tam lão, chuyên trách việc giáo hóa.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét