Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

QUYỂN 106 NGÔ VƯƠNG TỴ LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

 

QUYỂN 106 

NGÔ VƯƠNG TỴ LIỆT TRUYỆN

Ngô vương Tỵ là con trai của Lưu Trọng, anh trai Cao đế. Sau khi Cao đế bình định thiên hạ được bảy năm, lập Lưu Trọng làm Đại vương. Rồi Hung Nô tấn công đất Đại, Lưu Trọng không thể giữ vững, bỏ nước phong chạy trốn, lén theo đường nhỏ chạy đến Lạc Dương, tự về trình diện thiên tử. Thiên tử vì tình cốt nhục nên không nỡ dùng pháp luật xử tội, phế làm Cáp Dương hầu. Mùa thu năm Cao đế thứ mười một, Hoài Nam vương là Anh Bố làm phản, phía đông chiếm đất Kinh, đoạt lấy quân nước đó, phía tây vượt sông Hoài, đánh vào Sở, Cao đế đích thân cầm quân thảo phạt Anh Bố. Con của Lưu Trọng là Bái hầu Tỵ hai mươi tuổi, có khí lực, lấy thân phận kỵ tướng, phá được quân của Bố ở Cối Chuy, phía tây đất Kỳ, Bố bỏ chạy. Kinh vương Lưu Giả bị Bố giết chết, không người thừa kế. Hoàng thượng lo người Ngô và Cối Kê nóng nảy hung tợn, không vương hầu nào mạnh để sung vào, các con còn nhỏ, bèn lập Tỵ ở đất Bái làm Ngô vương, làm vua ba quận năm mươi ba thành. Sau khi phong tước nhận ấn, Cao đế triệu Tỵ đến xem tướng mạo, bảo rằng: “Mặt ngươi có tướng làm phản.” Trong lòng hối hận, nhưng đã trót phong, nhân đó vỗ vào lưng Tỵ, nói: “Nhà Hán năm mươi năm nữa có kẻ làm loạn ở phía đông nam, có lẽ là ngươi chăng? Nhưng người chung họ trong thiên hạ đều cùng một nhà, thận trọng, chớ có làm phản?” Tỵ dập đầu đáp: “Không dám.”

Đến thời Hiếu Huệ đế, Cao hậu, thiên hạ mới yên định, chư hầu các quận trong nước ai nấy chuộng việc tự vỗ về dân chúng. Nước Ngô có núi đồng ở quận Dự Chương, Tỵ liền chiêu mộ những kẻ vong mạng trong thiên hạ để đúc [trộm] tiền, nấu nước biển làm muối, vì thế không thu thuế, mà của cải chi dùng trong nước đầy đủ.

Thời Hiếu Văn đế, Thái tử nước Ngô vào triều kiến, được hầu Hoàng thái tử uống rượu, đánh bạc. Thầy dạy Thái tử nước Ngô đều là người Sở, nóng nảy hung hăng, lại vốn kiêu ngạo, đánh bạc, tranh giành, không cung kính, Hoàng thái tử cầm bàn chơi bạc ném Thái tử nước Ngô, giết chết. Thế rồi sai đưa ma về táng. Đến nước Ngô, Ngô vương tức giận nói: “Cùng một họ trong thiên hạ, chết ở Trường An thì chôn ở Trường An, sao phải nhất quyết mang về đây chôn!” Lại sai đưa ma về táng ở Trường An. Ngô vương vì thế dần dần bỏ lễ phiên thần, thác bệnh không vào chầu. Triều đình biết ông ta vì việc của con nên thác bệnh không vào chầu, xét hỏi biết thực sự không có bệnh, các sử thần nước Ngô đến, bị bắt trói, trách tội rồi trừng trị. Ngô vương sợ hãi, nghĩ mưu kế chu toàn. Về sau, sai người đi triều kiến vào mùa thu, Hoàng thượng lại trách hỏi sứ nước Ngô, sứ giả thưa rằng: “Ngô vương thực sự không có bệnh, nhà Hán nhiều lần bắt trói trị tội sứ giả, cho nên thác bệnh. Vả lại xét thấy con cá dưới vực, không tốt lành[1]. Nay Ngô vương mới và có bệnh, khi chuyện phát giác, thấy bị trách tội gắt gao, càng phải giữ kín, sợ Hoàng thượng xử tử, nhưng không biết tính thế nào. Chỉ có Hoàng thượng mới bỏ qua cho để bắt đầu lại từ đầu.” Thế là thiên tử bèn xá tội cho sứ giả nước Ngô về, còn ban cho Ngô vương ghế ngồi và gậy chống, cho là tuổi già, không cần vào chầu. Ngô vương được xá tội, mưu kế cũng dần bỏ. Do nước phong của Ngô vương có đồng và muối, trăm họ không phải đóng thuế. Sĩ tốt đến phiên lao dịch, có thể đóng tiền thay thế. Hằng năm còn hỏi han đến người tài năng, ban thưởng cho trăm họ. Quan lại các quận khác muốn đến bắt người bỏ trốn, đều cấm không cho. Cứ thế hơn bốn mươi năm, có thể sai khiến được dân chúng.

Triều Thố làm Thái tử gia lệnh, được Thái tử tin yêu, nhiều lần lựa lúc thong dong nói lỗi lầm của Ngô vương đáng bị tước đất phong. Lại nhiều bận dâng thư nói với Hiếu Văn đế, Văn đế khoan dung, không nỡ trừng phạt, do đó Ngô vương ngày càng ngang ngược. Đến khi Hiếu Cảnh đế lên ngôi, Thố làm Ngự sử đại phu, nói với Hoàng thượng rằng: “Xưa kia Cao đế mới yên định thiên hạ, anh em ít, các con còn non yếu, nên phong nhiều người cùng họ, vì thế con thứ Điệu Huệ vương làm vua hơn bảy mươi thành cấp nước Tề, em thứ Nguyên vương làm vua hơn bốn mươi thành nước Sở, con của anh là Tỵ làm vua hơn năm mươi thành nước Ngô: phong ba người con thuộc ngành thứ, chia nửa thiên hạ. Nay Ngô vương trước có hiềm với Thái tử, vờ có bệnh không vào chầu, theo phép xưa đáng chém, Văn đế không nỡ, nhân đó ban cho ghế ngồi và gậy chống. Đức rất hậu, đáng lẽ nên sửa lỗi tự thay đổi. Thế nhưng lại càng kiêu căng quá đáng, lấy đồng núi để đúc tiền, nấu nước biển làm muối, dụ dỗ kẻ bỏ trốn trong thiên hạ, âm mưu làm loạn. Nay tước đất phong cũng phản, không tước cũng làm phản. Tước bỏ thì nhanh làm phản; không tước bỏ thì phản chậm hơn, mối họa lớn.” Mùa đông năm Cảnh đế thứ ba, Sở vương vào chầu, Triều Thố nhân đó nói việc Sở vương là Mậu năm trước chịu tang Bạc Thái hậu, gian dâm ở nhà chịu tang, xin xử chém. Chiếu xá tội, phạt tước bỏ quận Đông Hải. Nhân đó tước bỏ quận Dự Chương và quận Cối Kê của Ngô vương. Hai năm trước, Triệu vương có tội, bị tước mất quận Hà Gian. Giao Tây vương là Ngang phạm tội bán tước vị, bị tước mất sáu huyện.

Đình thần nhà Hán đang bàn việc tước đất của nước Ngô. Ngô vương Tỵ sợ bị tước bỏ nhiều đất phong, nhân đó âm mưu, muốn khởi sự. Cho rằng chư hầu không nước nào đủ để cùng bàn mưu kế, nghe nói Giao Tây vương dùng lực, thích tranh đua, ưa dụng binh, các nước nhỏ trong đất Tề đều sợ, do đó sai Trung đại phu Ứng Cao lôi kéo Giao Tây vương. Không gửi thư, truyền khẩu báo rằng: “Ngô vương kém cỏi, có nỗi lo sớm tối, không dám tự tiết lộ, phái tôi đến để nói rõ hảo ý.” Giao Tây vương hỏi: “Có điều gì chỉ dạy ta vậy?" Cao nói: “Nay chúa thượng cất nhắc gian thần, tán dương bề tôi tà vạy, thích điều thiện nhỏ, nghe lời sàm tấu của bọn tiện nhân, tự tiện thay đổi luật lệnh, xâm đoạt đất đai chư hầu, chỉ mong ngày càng nhiều thêm, giết và xử tội người thiện lương, ngày càng quá quắt. Trong làng xóm có người nói, “liếm vỏ trấu rồi ăn đến hạt gạo[2]. Ngô với Giao Tây, đều là chư hầu có tiếng, nhất thời bị xét đến, sợ không được yên ổn. Ngô vương có bệnh trong người, không thể vào chầu hơn hai mươi năm, từng lo bị nghi ngờ, không biết tự thanh minh, nay rụt cổ so vai, còn sợ không được tha. Trộm nghe đại vương bị trách tội bán chức tước, bị tước đất phong, mà tôi chưa đến mức ấy, vì thế sợ không chỉ bị tước đất mà thôi.” Giao Tây vương nói: “Phải, có việc đó, ngài nghĩ xem có cách nào không?” Cao nói: “Cùng chung oán ghét thì tương trợ lẫn nhau, cùng chung yêu thích thì phụ họa cho nhau, cùng chung tình ý thì thành toàn cho nhau, cùng chung ham muốn thì truy cầu cho nhau, cùng chung lợi ích thì sống chết có nhau. Nay Ngô vương tự cho mình chung nỗi lo với đại vương, mong thuận thời thế, quên thân trừ họa trong thiên hạ, liệu có được chăng?” Giao Tây vương kinh ngạc nói: “Quả nhân sao dám thế? Nay chúa thượng tuy nóng vội, ta vốn có tội chết, sao dám bất kính?" Cao nói: “Ngự sử đại phu Triều Thố, mê hoặc thiên tử, xâm đoạt chư hầu, che lấp trung lương, cản trở hiền tài, triều đình oán ghét, chư hầu đều có ý bội phản, nhân tình sự lý đã đến cực điểm. Sao chổi và châu chấu nhiều lần xuất hiện, đó là cơ hội muôn đời có một, còn lo sầu lao khổ là nguyên do khiến thành nhân trỗi dậy. Cho nên Ngô vương muốn trong thì lấy danh nghĩa hỏi tội Triều Thố, ngoài thì theo sau xe của đại vương, ruổi rong thiên hạ, hướng về đâu, đó phải hàng, trỏ vào đâu, liền bị hạ, thiên hạ không ai dám không phục. Nếu may mắn được đại vương đồng ý một tiếng, Ngô vương sẽ thống lãnh Sở vương đoạt cửa Hàm Cốc, giữ kho lương Ngao Thương ở Huỳnh Dương, chống nhau với quân Hán. Việc sắp đặt quân doanh, còn chờ đại vương. Nếu may mắn đại vương đến đó thì có thể thôn tính thiên hạ, hai vị chúa chia đôi, chẳng cũng khả dĩ ư?” Giao Tây vương nói: “Phải.” Cao về báo lại Ngô vương, Ngô vương còn sợ Giao Tây vương không theo, bèn đích thân làm sứ giả, đến chỗ Giao Tây vương, gặp mặt kết minh.

Bề tôi của Giao Tây vương có người biết âm mưu, liền can rằng: “Thờ một hoàng đế, rất vui vậy. Nay đại vương cùng Ngô vương hướng sang tây, giả sử việc thành, hai chúa phân tranh, họa dấy từ đấy. Đất đai của chư hầu không bằng hai phần mười các quận nhà Hán, còn làm việc loạn nghịch sẽ khiến Thái hậu lo lắng, không phải kế sách lâu dài vậy.” Giao Tây vương không nghe. Bèn phái sứ giả ước định với Tề, Truy Xuyên, Giao Động, Tế Nam, Tế Bắc, đều đồng ý, rồi nói: “Thành Dương Cảnh vương có nghĩa khí, tấn công người họ Lã, chớ ước định với ông ta, việc xong sẽ chia phần cho.”

Các chư hầu mới bị tước đất phong, xử tội, hết sức kinh sợ, nhiều người oán Triều Thố. Khi văn thư tước bỏ quận Cối Kê và Dự Chương của nước Ngô gửi tới, thì Ngô vương đã khởi binh trước, ngày Bính Ngọ tháng Giêng, Giao Tây vương giết những quan lại nhà Hán trật hai nghìn thạch trở xuống, Giao Đông vương, Truy Xuyên vương, Tế Nam vương, Sở vương, Triệu vương cũng làm tương tự, rồi phát binh kéo sang tây. Tề vương sau đó hối hận, uống thuốc độc tự sát, phản lại minh ước. Tế Bắc vương thành trì hư hại chưa sửa xong, Lang trung lệnh của Tế Bắc vương bắt giữ vua mình, nên không phát binh được. Giao Tây vương làm thủ lĩnh, Giao Đông vương, Truy Xuyên vương, Tế Nam vương cùng tấn công, bao vây Lâm Truy. Triệu vương Toại cũng làm phản, ngầm sai sứ đến Hung Nô liên quân.

Bảy nước chư hầu phát động phản loạn, Ngô vương huy động toàn bộ sĩ tốt, hạ lệnh cho người trong nước: “Quả nhân sáu mươi hai tuổi, đích thân làm tướng. Con út mười bốn tuổi, cũng đi đầu sĩ tốt. Những người, trên từ tuổi quả nhân, dưới xuống đến con trẻ, thảy đều xuất phát.” Phát động hơn hai mươi vạn người. Phía nam phái sứ đến Mân Việt, Đông Việt; Đông Việt cũng phát binh theo.

Hiếu Cảnh đế năm thứ ba, ngày Giáp Tý tháng Giêng, bắt đầu dấy binh ở Quảng Lăng. Phía tây vượt sông Hoài, nhân đó thôn tính quân Sở. Phái sứ đưa thư đến chư hầu rằng: “Ngô vương Lưu Tỵ kính hỏi Giao Tây vương, Giao Đông vương, Truy Xuyên vương, Tế Nam vương, Triệu vương, Sở vương, Hoài Nam vương, Hành Sơn vương, Lô Giang vương cùng con của cố Trường Sa vương: xin chỉ giáo cho quả nhân! Vì nhà Hán có gian thần, không có công với thiên hạ, xâm đoạt đất đai chư hầu, sai quan lại đàn hặc, bắt trói, tra hỏi, trị tội, coi việc khinh nhục chư hầu là giỏi, không dùng lễ dành cho vua chư hầu đối đãi với cốt nhục họ Lưu, tuyệt giao với công thần của tiên đế, tiến cử giao chức cho kẻ gian tà, lừa bịp làm loạn thiên hạ, muốn khiến xã tắc lâm nguy. Bệ hạ nhiều bệnh, thần chí thất thường, không thể xét rõ. Muốn cất quân để giết chúng, xin kính cẩn nghe chỉ giáo. Tệ quốc tuy nhỏ, đất vuông ba nghìn dặm; người tuy ít, tinh binh chỉ có năm mươi vạn. Quả nhân vốn thờ Nam Việt hơn ba mươi năm, quốc vương và quân trưởng nơi đó đều không từ chối, chia quân cho theo quả nhân, cũng được hơn ba mươi vạn. Quả nhân dẫu bất tài, nguyện đem quân này theo chư vương. Đất Việt thẳng tới Trường Sa, do con của Trường Sa vương bình định từ phía bắc Trường Sa sang phía tây đến đất Thục và Hán Trung. Báo cho ba vương là Việt vương, Sở vương, Hoài Nam vương, cùng quả nhân tiến sang tây; các vương ở Tề cùng Triệu vương bình định Hà Gian, Hà Nội, một vào cửa Tấn Dương, một cùng quả nhân hội quân ở Lạc Dương; Yên vương, Triệu vương vốn có ước định với quân Hồ, Yên vương lên phía bắc bình định đất Đại và Vân Trung, thống lãnh quân Hồ kéo vào Tiêu Quan, xông thẳng đến Trường An, khuông phò và chỉ chính cho thiên tử, đặng yên Cao miếu. Xin các vương hãy gắng sức. Con trai Sở Nguyên vương, ba quốc vương ở Hoài Nam có người không tắm gội hơn mười năm, oán tận xương tủy, từ lâu đã muốn có cơ hội phát tiết ra, quả nhân chưa biết ý của chư vương, chưa dám nghe theo. Nay chư vương nếu có thể bảo tồn nước diệt vong, nối lại dòng đã dứt, chấn hưng cho kẻ yếu, thảo phạt kẻ hung bạo, đặng khiến họ Lưu được yên, đó là điều ước muốn của xã tắc vậy. Tệ quốc dẫu nghèo, quả nhân bớt ăn bớt mặc, tích tiền vàng, sửa khí giới, trữ lương thảo, hết đêm lại ngày, hơn ba mươi năm rồi. Phàm các việc ấy đều vì chuyện này, xin chư vương hãy gắng dùng. Ai chém bắt được đại tướng, sẽ ban thưởng năm nghìn cân vàng, phong cho vạn hộ; chém bắt được hàng tướng, được thưởng ba nghìn cân, phong năm nghìn hộ; hàng tỳ tướng được hai nghìn cân, phong hai nghìn hộ; hàng hai nghìn thạch được nghìn cân, phong nghìn hộ; hàng nghìn thạch được năm trăm cân, phong năm trăm hộ: đều được phong liệt hầu. Ai đem quân hay thành ấp đến hàng, nếu đem đến quân lính vạn người hay thành ấp vạn hộ, ban thưởng như chém bắt được đại tướng; quân lính năm nghìn, thành ấp năm nghìn hộ thì như chém bắt được tướng; quân ba nghìn, thành ấp ba nghìn hộ thì như chém bắt được tỳ tướng; quân một nghìn, thành ấp nghìn hộ thì như chém bắt được hạng hai nghìn thạch; dẫu tiểu lại đến hàng cũng xét thứ bậc trao tước hay vàng. Các mức phong tặng khác đều theo quan công mà tăng. Ai có tước hay ấp phong từ trước, càng thưởng thêm, không giữ mức cũ. Xin chư vương nhớ rõ để lệnh sĩ đại phu, không dám dối gạt. Vàng tiền của quả nhân trong thiên hạ đâu đâu cũng có, không nhất nhất phải lấy từ nước Ngô, chư vương ngày đêm sử dụng cũng không hết. Ai đáng được thưởng thì báo với quả nhân, quả nhân sẽ đến thưởng cho. Vậy kính báo.”

Thư làm phản của bảy nước đến tai thiên tử, thiên tử liền sai Thái úy Điều hầu Chu Á Phu đem ba mươi sáu tướng đi đánh Ngô, Sở; sai Khúc Chu hầu Lịch Kỳ đánh Triệu; tướng quân Loan Bố đánh Tề; đại tướng quân Đậu Anh đóng quân ở Huỳnh Dương, giám sát quân Tề và Triệu.

Thư phản của Ngô, Sở đã báo lên, quân chưa xuất phát, Đậu Anh chưa lên đường, nói về nguyên Thừa tướng nước Ngô là Viên Áng. Bấy giờ Áng đang ở nhà, Hoàng thượng hạ chiếu triệu vào tấn kiến. Hoàng thượng đang cùng Triều Thố điều binh và tính toán quân lương, Hoàng thượng hỏi Viên Áng: “Ngài từng làm Thừa tướng nước Ngô, có biết bề tôi nước Ngô là Điền Lộc Bá là người thế nào không? Nay Ngô, Sở làm phản, ngài thấy thế nào?” Áng đáp: “Không đáng lo, sẽ phá được thôi.” Hoàng thượng nói: “Ngô vương nhờ núi có đồng đúc tiền, nấu nước biển làm muối, lôi kéo hào kiệt thiên hạ, bạc đầu rồi mới khởi sự. Do vậy, kế của ông ta không phải vẹn toàn, há có thể phát động ư? Sao lại nói ông ta không làm được gì?” Viên Áng đáp rằng: “Nước Ngô có nguồn đồng và muối, lợi thì có đấy, nhưng sao lôi kéo được hào kiệt! Nếu Ngô có được hào kiệt, cũng sẽ phụ giúp nhà vua thi hành việc nghĩa, không làm phản đâu. Ngô lôi kéo đều là bọn con em vô lại, đám gian tà vong mạng đúc vàng trộm, cho nên kéo nhau làm phản.” Triều Thố nói: “Viên Áng tính rất phải.” Hoàng thượng hỏi: “Vậy phải thi hành kế sách gì?” Áng đáp: “Xin đuổi hết tả hữu ra ngoài.” Hoàng thượng đuổi người bên cạnh ra, chỉ cho Thố ở lại. Áng nói: “Điều thần nói, kẻ làm bề tôi không được biết vậy.” Hoàng thượng bèn đuổi Thố ra. Thố chạy ra lánh ở phòng phía đông, rất giận. Hoàng thượng liền hỏi Áng, Áng đáp: “Ngô, Sở cùng truyền thư, nói: “Cao đế phong vương cho con em, ai nấy đều có đất phong, nay tặc thần là Triều Thố chuyên vạch lỗi chư hầu, tước mất đất phong.” Cho nên lấy danh nghĩa đó để làm phản, kéo sang tây cùng giết Triều Thố, khôi phục đất cũ mà thôi. Nay chỉ có cách chém Thố, sai sứ đến xá tội bảy nước Ngô, Sở, khôi phục đất cũ bị tước, thì vũ khí không dính máu mà đều bãi binh.” Nghe vậy Hoàng thượng trầm ngâm hồi lâu, nói: “Xét thấy thực không biết phải làm sao, ta không thể tiếc một người để tạ lỗi với thiên hạ.” Áng nói: “Thần ngu muội không nghĩ được kế khác, xin bệ hạ xét cho kỹ.” Bèn phong Áng làm Thái thường, phong con người em của Ngô vương là Đức hầu giữ chức Tông chính. Áng chuẩn bị hành trang lên đường. Hơn chục ngày sau, Hoàng thượng sai quan Trung úy triệu Thố, lừa ngồi xe đi ra chợ phía đông. Thố mặc triều phục, bị chém ở chợ đông. Rồi sai Viên Áng phụng ý chỉ của tông miếu, Tông chính vì có quan hệ thân thích, sai đi báo với Ngô vương như kế sách của Áng. Đến Ngô, quân Ngô, Sở đã tấn công doanh lũy đất Lương. Tông chính vì là thân thích, được vào gặp trước, khuyên dụ Ngô vương với nhận chiếu chỉ. Ngô vương nghe nói Viên Áng tới, cũng biết là muốn thuyết phục, cười đáp: “Ta đã là Hoàng đế phía đông, còn phải bái lạy ai nữa?” Không chịu gặp Áng rồi giữ lại trong quân, định ép Áng làm tướng. Áng không chịu, Ngô vương sai người canh giữ, sắp giết Áng, ban đêm Áng lẻn được ra, đi bộ bỏ trốn, chạy đến quân Lương, rồi về triều báo tin.

Điều hầu đem sáu cỗ xe dịch trạm đến hội quân ở Huỳnh Dương. Tới Lạc Dương, gặp Kịch Mạnh, mừng nói: “Bảy nước làm phản, tôi đi xe dịch trạm đến đây, không nghĩ là được an toàn. Lại cho là chư hầu đã lôi kéo được Kịch Mạnh, nay Kịch Mạnh không có động tĩnh gì, tôi chiếm Huỳnh Dương, từ đây về đông không có gì đáng lo nữa.” Tới Hoài Dương, Điều hầu hỏi Đặng Đô úy, môn khách cũ của cha mình là Giáng hầu, rằng: “Phải đưa ra đối sách gì?” Đặng Đô úy đáp: “Quân Ngô cực tinh nhuệ, khó đấu với họ được. Lính Sở nóng vội, không thể giữ lâu. Nay kế sách cho tướng quân, không gì bằng dẫn quân lên đông bắc, lập doanh ở Xương Ấp, bỏ đất Lương cho Ngô, quân Ngô ắt dốc hết quân tinh nhuệ tấn công. Tướng quân dựa vào lũy cao hào sâu, sai khinh binh cắt đứt cửa vào sông Hoài sông Tử, chặn đường tiếp lương của Ngô. Quân Ngô và quân Lương đánh nhau, cùng suy yếu mà lương thực lại hết, ta bèn dốc sức đối phó quân đã suy yếu cực độ, ắt phá được quân Ngô thôi.” Điều hầu nói: “Phải.” Rồi theo kế đó, giữ vững mặt nam của Xương Ấp, khinh binh đi cắt đường tiếp lương của quân Ngô.

Lúc Ngô vương mới phát binh, bề tôi nước Ngô là Điền Lộc Bá làm đại tướng quân. Điền Lộc Bá nói: “Quân binh tập hợp rồi tiến sang tây, không có con đường xuất kỳ chế thắng, khó mà thành công được. Thần xin đem năm vạn người, men đường khác ven sông Trường Giang và sông Hoài rồi đi lên, thu lấy Hoài Nam, Trường Sa, vào Vũ Quan, cùng hội quân với đại vương, đó cũng là một kế lạ vậy.” Thái tử của Ngô vương can rằng: “Vua cha mang danh làm phản, quân đó khó lòng nhờ người khác, nhờ người rồi cũng phản thì làm sao? Vả lại toàn quyền cầm quân mà lại chia cho người khác, nhiều điều lợi hại, không thể biết trước, đó là tự làm mình hao tổn vậy.” Theo đó Ngô vương không chấp nhận đề nghị của Điền Lộc Bá.

Viên tướng trẻ nước Ngô là Hoàn tướng quân nói với Ngô vương: “Nước Ngô có nhiều bộ binh, bộ binh lợi khi đánh vào chỗ hiểm; nhà Hán nhiều quân xa kỵ, xa kỵ lợi khi bình định đất bằng. Xin đại vương qua thành ấp nào đánh không hạ được, bỏ mà đi thẳng, tiến nhanh sang tây chiếm kho vũ khí ở Lạc Dương, thu giữ lương thảo ở kho Ngao Thương, dựa vào sự hiểm trở của núi non và sông Hoàng Hà để lệnh cho chư hầu, dẫu không vào được Quan Trung cũng bình định được thiên hạ rồi. Nếu đại vương tiến chậm, lưu quân đánh hạ thành ấp, quân xa kỵ nhà Hán đến, phóng vào ngoại thành Lương, Sở, việc sẽ thất bại.” Ngô vương nói với các lão tướng, các lão tướng nói: “Lấy đó làm kế tiến công của thanh niên thì được, há đã biết nghĩ tới mưu lớn ư?” Thế là Ngô vương không theo kế của Hoàn tướng quân.

Ngô vương nắm hết quân đội, chưa vượt sông Hoài, tân khách đều được làm tướng quân, Hiệu úy, hầu, Tư mã, riêng có Chu Khâu không được dùng. Chu Khâu, người ở Hạ Phì, trốn chạy đến Ngô, là kẻ bán rượu, không có đức hạnh, Ngô vương Tỵ bạc đãi, không dùng. Chu Khâu yết kiến, khuyên Ngô vương rằng: “Thần vốn bất tài, không được chờ tội trong hàng ngũ. Thần không dám cầu được cầm quân, chỉ xin một phù tiết nhà Hán, ắt có thể báo đáp được đại vương.” Ngô vương bèn cho. Chu Khâu được phù tiết, ban đêm cưỡi ngựa chạy vào Hạ Phì. Bấy giờ Hạ Phì nghe nói Ngô phản, đều giữ chặt thành trì. Chu Khâu đến trạm dịch, triệu Huyện lệnh. Huyện lệnh vào cửa, Chu Khâu sai tùy tòng khép tội rồi chém. Bèn triệu nhà quyền thế cùng quan lại có quan hệ tốt với anh em mình đến, nói: “Quân làm phản của Ngô sắp đến, đến nơi, sẽ làm cỏ Hạ Phì chỉ trong thời gian bữa cơm. Nay đầu hàng trước, nhà cửa ắt được an toàn, ai tài năng sẽ được phong hầu.” Rồi thông báo cho nhau, Hạ Phì đều hàng. Một đêm Chu Khâu có được ba vạn người, sai người báo với Ngô vương, rồi đem quân lên phía bắc đánh chiếm thành ấp. Tiến đến Thành Dương, quân lên tới hơn mười vạn, đánh phá quân của Trung úy ở Thành Dương. Nghe tin Ngô vương thua chạy, Chu Khâu tự xét không có ai cùng mình tạo dựng thành công, liền dẫn quân về Hạ Phì, chưa đến nơi, mọc u trên lưng rồi chết.

Giữa tháng Hai, quân của Ngô vương bị đánh tan, thua chạy, thiên tử ban chế chiếu cho các tướng quân rằng: “Từng nghe: người làm điều lành, trời ban điều phúc; làm điều sai trái, trời giáng tai ương. Cao hoàng đế đích thân biểu dương công đức, dựng lập chư hầu, U vương và Điệu Huệ vương không có người kế tục, Hiếu Văn hoàng đế thương xót gia thêm ân huệ, phong vương cho con của U vương là Toại và con của Điệu Huệ vương là Ngang, sai phụng thờ tông miếu tiên vương, làm nước phên giậu của nhà Hán, đức sánh trời đất, rạng cùng nhật nguyệt. Ngô vương Tỵ bội đức phản nghĩa, dẫn dụ thu nhận tội nhân trốn chạy trong thiên hạ, làm loạn tiền tệ, thác bệnh không vào chầu hơn hai mươi năm, quan hữu ty nhiều lần xin trị tội Tỵ, Hiếu Văn hoàng đế khoan dung, mong ông ta sửa đổi lỗi lầm thành người lương thiện. Nay lại cùng Sở vương là Mậu, Triệu vương là Toại, Giao Tây vương là Ngang, Tế Nam vương là Tích Quang, Truy Xuyên vương là Hiền, Giao Đông vương là Hùng Cừ hẹn nhau làm phản, đại nghịch vô đạo, dấy binh khiến tông miếu nguy hại, tàn sát đại thần cùng sứ giả nhà Hán, cưỡng chế hà hiếp muôn dân, giết người vô tội, đốt rụi nhà dân, quật mộ đào mả, bạo ngược hết mức. Nay bọn Ngang lại càng đại nghịch vô đạo, đốt phá tông miếu, cướp đồ ngự dụng, trẫm rất đau lòng. Trẫm mặc đồ trắng lánh khỏi chính điện, tướng quân hãy khuyến khích sĩ đại phu đánh quân phản tặc. Ai đánh quân phản tặc, thâm nhập vào địch, giết nhiều giặc thì có công, chém đầu giặc, bắt được giặc từ hàng ba trăm thạch trở lên đều giết hết, không được tha. Dám có nghị luận hay không tuân chiếu chỉ đều chém ngang lưng.”

Lúc trước, Ngô vương vượt sông Hoài, cùng Sở vương sang tây đánh bại Cức Bích, thừa thắng tiến lên, đầy nhuệ khí. Lương Hiếu vương sợ, sai sáu tướng đem quân đánh Ngô, quân Ngô lại đánh bại hai tướng của Lương, sĩ tốt đều chạy về Lương. Nước Lương nhiều lần sai sứ cầu cứu Điều hầu, Điều hầu không chịu. Lại sai sứ nói xấu Điều hầu với Hoàng thượng, Hoàng thượng sai người bảo Điều hầu cứu viện Lương, nhưng Điều hầu cậy mình được tùy ý hành động, không chịu đi. Nước Lương sai Hàn An Quốc cùng em của Thừa tướng đã chết vì việc nước Sở là Trương Vũ làm tướng quân, nhiều lần đánh bại quân Ngô. Quân Ngô muốn sang tây, Lương phòng thủ thành trì vững chắc, quân Ngô không dám sang tây, liền xông vào quân của Điều hầu, gặp nhau ở Hạ Ấp. Quân Ngô muốn đánh, Điều hầu giữ thành, không chịu giao chiến. Quân Ngô hết lương, lính đói, nhiều lần khiêu chiến, rồi nhân đêm tối đột kích vào thành của Điều hầu, làm kinh động phía đông nam. Điều hầu sai người phòng bị tây bắc, quân Ngô quả nhiên đánh vào hướng tây bắc. Quân Ngô đại bại, sĩ tốt phần nhiều chết đói, bèn tạo phản rồi bỏ trốn. Thế rồi Ngô vương bèn cùng mấy nghìn tráng sĩ dưới cờ ban đêm trốn đi, vượt sông Trường Giang chạy đến Đan Đồ, giữ Đông Việt. Quân Đông Việt lên đến trên vạn người, bèn sai người thu tập các quân bỏ trốn. Nhà Hán sai người dùng lợi để nhử Đông Việt, Đông Việt liền lừa Ngô vương, Ngô vương ra ngoài úy lạo quân sĩ, liền sai người dùng giáo đâm chết Ngô vương, gói đầu lại, chạy ngựa trạm đến báo tin cho nhà Hán. Con trai Ngô vương là Tử Hoa và Tử Câu chạy trốn đến Mân Việt. Con trai Ngô vương bỏ quân binh mà trốn, quân liền tan vỡ, phần lớn đầu hàng Thái thú và quân Lương. Quân của Sở vương là Mậu thua trận, Sở vương tự sát.

Ba vương bao vây Lâm Truy nước Tề, ba tháng không hạ được. Quân Hán đến, Giao Tây vương, Giao Đông vương và Truy Xuyên vương đều dẫn quân về. Giao Tây vương bèn cởi áo đi chân đất, ngồi chiếu cỏ, uống nước lã, tạ tội với Thái hậu. Thái tử của Giao Tây vương là Lưu Đức nói: “Quân Hán từ xa đến, thần thấy họ đã mệt, có thể tập kích, xin thu tàn quân của đại vương để đánh họ, nếu không thắng, trốn ra biển cũng chưa muộn.” Giao Tây vương nói: “Sĩ tốt của ta đều đã tan nát, không thể dùng được.” Không nghe. Tướng Hán là Cung Cao hầu Đồi Đương gửi thư cho Giao Tây vương nói rằng: “Vâng chiếu giết kẻ bất nghĩa, ai hàng được tha tội, khôi phục như cũ, ai không hàng thì giết. Vương tính thế nào, theo đó mà hành sự.” Giao Tây vương cởi trần dập đầu tại quân doanh nhà Hán, bái yết rồi nói: “Thần là Ngang không tuân nghiêm pháp luật, làm trăm họ kinh sợ, khiến tướng quân vất vả đường xa đến nước khốn cùng này, dám xin chịu tội róc thịt làm tương.” Cung Cao hầu cầm trống vàng tiếp kiến Giao Tây vương, nói: “Vương khổ vì việc quân, xin được nghe nguyên do phát binh.” Giao Tây vương dập đầu lết gối đáp rằng: “Nay, Triều Thố là bề tôi được thiên tử trọng dụng, thay đổi pháp lệnh của Cao hoàng đế, xâm đoạt đất đai chư hầu. Bọn Ngang cho là bất nghĩa, sợ ông ta gây bại hoại, làm loạn thiên hạ, bảy nước dấy binh, định để giết Thố. Nay nghe Thố đã bị giết, bọn Ngang kính cẩn bãi binh trở về.” Tướng quân nói: “Nếu vương cho là Thố bất thiện, sao không báo lên? Chưa có chiếu lệnh và hổ phù, tự ý phát binh đánh nước có nghĩa. Theo đó mà xét, không chỉ có ý giết Thố vậy.” Bèn đem chiếu thư cho Giao Tây vương đọc. Đọc xong, nói: “Vương hãy tự liệu.” Giao Tây vương nói: “Như bọn Ngang chết không hết tội.” Bèn tự sát. Thái hậu, Thái tử đều chết. Giao Đông vương, Truy Xuyên vương, Tế Nam vương đều chết, nước phong bị bãi, nạp về nhà Hán. Lịch tướng quân bao vây Triệu mười tháng thì hạ được, Triệu vương tự sát. Tế Bắc vương do bị ép làm phản nên không bị giết, dời đến làm Truy Xuyên vương.

Ban đầu, Ngô vương làm phản trước, thống lĩnh cả quân Sở, liên kết với Tề, Triệu. Tháng Giêng dấy binh, tháng Ba cùng bị đánh tan, riêng Triệu bị hạ sau cùng. Lại lập con út của Nguyên vương là Bình Lục hầu Lễ làm Sở vương, kế tục Nguyên vương. Dời Nhữ Nam vương là Phi đến làm quốc vương ở đất cũ nước Ngô, xưng là Giang Đô vương.

Thái sử công bàn rằngNgô vương xưng vương, do cha bị cắt đất phong. Biết giảm thuế khóa, sai khiến dân chúng, khai thác nguồn lợi từ núi và biển. Mang tâm nghịch loạn là từ con trai. [Con trai ông ta] vì tranh đua trong trò cờ bạc mà mất mạng; thân nước Việt mà mưu hại tông tộc, rốt cuộc bị diệt. Triều Thố vì nước suy nghĩ sâu xa, lại rước họa vào thân. Viên Áng lộng quyền giỏi biện luận, ban đầu được sủng mà sau chịu nhục. Cho nên, thời xưa, đất của chư hầu không quá trăm dặm, núi cao biển lớn không được phân phong. “Không thân với di địch, để xa lánh thân thuộc" đại để nói về Ngô vương chăng? “Không làm kẻ chủ mưu, ngược lại phải chịu họa” có lẽ nói về Áng và Thố chăng?

 

Chú thích.

 [1] Dẫn theo sách Liệt tử, ý nói thấy được cả tâm ý riêng của người ta thì không phải điều tốt lành.

[2] Ý nói tước đoạt hết đất đai rồi tận diệt đến nước.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét