Toàn cảnh Đại Quan Viên. Tranh Tôn Ôn đời Thanh. |
Hồi
42.
Giải
mối ngờ, Bảo Thoa ngỏ lời thân thiết;
Thêm
vui chuyện, Đại Ngọc nói ý xa xôi.
Một lúc, Giả mẫu tỉnh dậy, cơm chiều
đã dọn ra ở Đạo Hương thôn. Nhân người mệt, Giả mẫu không muốn ăn, liền ngồi
vào ghế trúc nhỏ sai người kiệu về phòng nghỉ và cho Phượng Thư đi ăn cơm. Các
chị em lại trở về trong vườn. Ăn cơm xong, ai về nhà nấy. Già Lưu dắt thằng Bản
đến nói với Phượng Thư:
Sáng sớm mai tôi phải về. Tôi ở chơi đây mới vài ba hôm, nhưng những cái xưa nay chưa từng nghe, chưa từng thấy, chưa từng ăn, giờ đã đều được qua cả. Từ cụ đến các mợ, các cô, ngay cả các chị a hoàn cũng thương tôi là người già nghèo khổ. Tôi về, không biết lấy gì tạ ơn, chỉ định ngày ngày thắp hương niệm phật, khấn người phù hộ cho cụ cùng các mợ, các cô sống lâu trăm tuổi, để tỏ lòng thành kính của tôi.
Phượng Thư cười nói: Bà đừng mừng vội,
vì bà mà cụ tôi bị cảm, khó ở; cả cháu Đại Thư nhà tôi cũng bị cảm siết đấy.
Già Lưu thở dài: Cụ già rồi, không
quen khó nhọc!
Phượng Thư nói: Xưa nay cụ tôi chưa từng
cao hứng như thế bao giờ. Thỉnh thoảng người có đến chơi vườn, chẳng qua tới một
vài chỗ, ngồi một lúc rồi về ngay. Hôm qua vì bà ở đây, muốn cho bà đi chơi khắp
nơi, thành ra người đi quá nửa vườn. Lúc tôi đi tìm bà, ở nhà bà Hai cho cháu Đại
Thư ăn miếng bánh, ngờ đâu nó đứng ở chỗ gió thành ra bị sốt.
Già Lưu nói: Chị bé nhà không quen ra
vườn, chứ các cháu nhà tôi khi mới biết đi, bệ mả nào mà nó chẳng trèo lên? Có
lẽ cảm gió đấy. Tôi sợ chị ấy người xinh xắn, con mắt sáng sủa, hoặc đi gặp phải
ma chăng. Cứ ý tôi, nên giở quyển sách bói ra xem có phải gặp ma không.
Phượng Thư chợt nhớ ngay ra, sai ngay
Bình Nhi mang quyển Ngọc Hạp và bảo Thái Minh đọc. Thái Minh giở một lúc rồi đọc:
“Ngày 25 tháng 8, bệnh nhân mắc bệnh ở phía đông nam, gặp phải thần hoa. Lấy bốn
mươi tờ giấy tiền ngũ sắc, tống tiễn ra khỏi nhà độ mươi bước về phía đông nam,
bệnh sẽ khỏi”.
Phượng Thư cười nói: Đúng lắm, trong
vườn này làm gì mà chẳng có thần hoa? Chỉ sợ cụ cũng lại gặp ma thôi.
Rồi sai người đi lấy hai tập giấy tiền,
gọi hai người đến tiễn ma cho Giả mẫu và cháu Đại Thư. Quả nhiên cháu ngủ yên.
Phượng Thư cười nói: Các bà đã có tuổi
nên kinh nghiệm nhiều, con bé cháu nhà tôi bị bệnh luôn, không biết vì duyên cớ
gì?
Già Lưu nói: Cái ấy cũng có lẽ. Trẻ
con nhà giàu sang, khi mới đẻ ra đều yếu ớt cả, nên hay đau ốm luôn. Vả lại trẻ
con mà nâng giấc quá không nên. Từ giờ trở đi, mợ cũng nên ít chiều chuộng chị ấy
thì hơn.
Phượng Thư nói:
Cũng có lẽ đấy. Giờ tôi sực nhớ đến,
cháu chưa có tên, xin bà đặt tên cho cháu để cháu nhờ lộc của bà. Vả lại, tôi
nói bà đừng giận, bà là người nhà quê bị nghèo khổ, được người nghèo khổ đặt
tên cho nó thì mới đáng đầu đáng số.
Già Lưu nghĩ một lúc cười nói: Chị ấy
đẻ bao giờ?
Ngày sinh nó chả lấy gì làm tốt, nó đẻ
“đúng vào”8 ngày mồng 7 tháng 7.
Như thế tốt lắm, cứ đặt tên cho chị ấy
là Xảo Thư là được. Thế gọi là “lấy độc trị độc, lấy lửa trị lửa” đấy. Mợ cứ
theo cái tên của tôi đặt cho, thì thế nào chị ấy cũng sống lâu trăm tuổi. Sau
này lớn lên, sinh cơ lập nghiệp, hoặc có lúc gặp việc không may cũng tai qua nạn
khỏi, gặp dữ hóa lành, đó đều nhờ chữ “Xảo” cả.
Phượng Thư mừng lắm, cảm tạ và nói: Chỉ
cần cho nó được như lời bà nói là tốt rồi. Liền gọi Bình Nhi đến dặn:
Ngày mai chúng ta có việc bận. Bây giờ
nhân lúc rỗi, chị sửa soạn sẵn những thứ biếu già Lưu để sáng mai bà ấy về lúc
nào thì về.
Liền gọi Bình Nhi đến dặn: Ngày mai chúng ta có việc bận. Bây giờ nhân lúc rỗi, chị sửa soạn sẵn những thứ biếu già Lưu để sáng mai bà ấy về lúc nào thì về. |
Già Lưu nói: Tôi không dám nhận nhiều đâu. Đã đến quấy quả mấy hôm nay lại mang nhiều thứ về, trong bụng tôi không đành tí nào!
Không có gì đâu, chẳng qua những đồ
thường thôi. Xấu hay tốt bà cứ mang về để cho làng xóm nhìn vào, càng thêm vui
vẻ thế mới bõ công ra tỉnh chứ! Một lát, Bình Nhi lại nói: Bà lại đây mà xem.
Già Lưu theo Bình Nhi vào trong nhà,
thấy các món chất đầy nửa giường. Bình Nhi trỏ từng thứ cho già Lưu xem, rồi
nói:
Đây là tấm lụa xanh mà bà thích hôm
trước, mợ tôi còn cho riêng bà tấm lụa nguyệt bạch dày để may kép. Đây là hai tấm
trừu bằng tơ, may quần áo đều đẹp cả. Còn gói này có hai tấm trừu để cuối năm
may quần áo mặc tết. Cái này là hộp đựng các thứ bánh có thứ bà ăn rồi, có thứ
bà chưa ăn, đem về bày ra đĩa mời mọi người, ngon hơn bánh mua nhiều. Hai cái
túi này là của bà mang đến hôm nọ, bây giờ một túi tôi đựng hai đấu gạo tám ngự,
đem nấu cháo thì quý lắm; còn túi này đựng các thứ quả tươi và khô hái ở vườn
nhà. Cái bọc này có tám lạng bạc là của mợ tôi biếu riêng bà. Hai bọc này, mỗi
bọc năm mươi lạng, cộng tất cả là một trăm lạng, là của bà Hai biếu bà mang về
hoặc làm vốn buôn nhỏ, hoặc mua mấy mẫu ruộng để sau này khỏi phải vay mượn bà
con bạn hữu.
Bình Nhi khẽ cười nói:
Hai cáo áo và hai cái quần, cùng bốn
cái khăn chít đầu, một bọc nhung, là của tôi biếu riêng bà. Những quần áo này
đã cũ nên tôi cũng không mặc mấy. Nếu bà chê xấu thì tôi không dám biếu nữa.
Bình Nhi nói một câu, già Lưu lại niệm
Phật một câu, kể ra đã niệm đến mấy nghìn câu. Lại thấy Bình Nhi biếu riêng mấy
thứ và tỏ ra khiêm tốn, già Lưu cười nói:
Sao cô lại nói thế? Những thứ này cũng
rất đẹp, tôi dám chê vào đâu? Tôi có tiền cũng chưa chắc đã mua được. Thật khó
nghĩ quá: nhận thì ra người tham, không nhận thì phụ lòng cô.
Bà đừng nói khách sáo nữa, chỗ người
nhà với nhau, nên tôi mới dám xử thế. Bà cứ yên tâm nhận lấy, tôi còn có cái muốn
xin bà nữa đấy. Đến cuối năm, bà mang ra cho chúng tôi ít rau, đậu, cá, bầu, vừa
khô vừa tươi, ở đây chúng tôi ai cũng thích ăn những thứ ấy. Thế là đủ rồi. Các
thứ khác không cần, bà đừng bận lòng nghĩ ngợi.
Già Lưu cảm ơn luôn miệng và nhận lời,
Bình Nhi nói:
Thôi, bà đi ngủ đi, tôi sẽ thu xếp hộ,
để sẵn cả đây. Sáng mai tôi bảo đứa hầu bé thuê xe chở đi, bà không phải bận
lòng.
Già Lưu cảm động lắm, cảm ơn không ngớt
lời, rồi mới cáo từ Phượng Thư, sang nhà Giả mẫu. Sáng hôm sau dậy rửa mặt, chải
đầu xong, định ra về.
Lúc này Giả mẫu khó ở, mọi người đều đến
hỏi thăm, rồi ra bảo đi mời thày thuốc. Một lúc bà già trình: “Thày thuốc đã đến”.
Bà già mời Giả mẫu vào ngồi trong màn, Giả mẫu nói:
Ta già thế này, không đẻ được ra nó
hay sao. Lại sợ nó à? Chẳng cần phải buông màn nữa, ta cứ ngồi ở đây cho nó
xem.
Bọn bà già lấy một cái bàn nhỏ, đặt
cái gối lên, rồi sai người mời thày thuốc vào.
Một lúc, Giả Trân, Giả Liễn, Giả Dung
đưa thày thuốc họ Vương vào. Thày thuốc không dám đi đường giữa, chỉ đi bên cạnh,
theo Giả Trân bước lên thềm, có hai bà già đứng hai bên vén rèm, hai bà già nữa
dẫn vào. Bảo Ngọc ra đón. Giả mẫu mặc chiếc áo khoác bằng da dê trắng, trong
lót nhiễu xanh, ngồi trên sập. Hai bên có bốn a hoàn bé chưa để tóc, cầm phất
trần, ống nhổ đứng hầu; lại có năm, sáu bà già đứng xếp hàng hai bên; đằng sau
cái tủ bích sa, thấp thoáng có nhiều người mặc đồ xanh đỏ và đeo vàng ngọc.
Thày thuốc không dám ngẩng đầu lên, chạy lại cúi chào.
Giả mẫu thấy ông ta mặc áo lục phẩm,
biết ngay là thày thuốc trong cung, mỉm cười hỏi: Quan cung phụng khỏe chứ?
Rồi hỏi Giả Trân: Quan cung phụng họ
gì?
Họ Vương.
Ngày trước ở thái y viện có ông Vương
Quân Hiệu xem mạch rất giỏi. Vương thái y liền cúi đầu mỉm cười nói: Đó là ông
chú của vãn sinh. Giả mẫu cười nói: Nếu thế cũng là người quen từ lâu.
Giả mẫu từ từ để tay lên trên gối. Bà
già cầm một ghế nhỏ để chếch trước cái bàn. Vương thái y ngồi ghé xuống một
bên, nghiêng đầu xem mạch tay này một lúc, rồi đến tay kia. Xem xong đứng dậy
cúi đầu đi ra. Giả mẫu cười nói:
Phiền người quá. Anh Trân mời thái y
ra ngồi chơi xơi nước.
Giả Trân, Giả Liễn vâng lời, mời Vương
thái y ra ngoài thư phòng. Vương thái y nói:
Cụ không có bệnh gì khác, chỉ cảm
phong hàn qua loa thôi. Không cần phải uống thuốc, chỉ ăn uống thanh đạm một tí
và giữ người cho ấm là được. Giờ tôi kê đơn, người thích uống thì uống một
thang, không thích thì thôi.
Ông ta uống nước, rồi kê đơn, đương định
cáo từ ra về, chợt vú em bế cháu Đại Thư đến, cười nói: Nhờ người xem cho cô bé
nhà tôi.
Vương thái y đứng dậy đến gần vú em,
tay trái cầm tay cháu Đại Thư, tay phải bắt mạch, lại sờ đầu, bảo cháu thè lưỡi
ra xem, cười nói:
Tôi nói thì cô bé sẽ mắng tôi: cứ cho
nhịn ăn hai bữa là khỏi, không cần phải thuốc thang gì. Tôi đưa cho viên thuốc,
trước khi ngủ mài với nước gừng cho cô bé uống là khỏi.
Nói xong cáo từ ra về. Bọn Giả Trân
mang đơn thuốc vào trình Giả mẫu, để ở trên án rồi đi ra.
Vương phu nhân và chị em Lý Hoàn, Phượng
Thư, Bảo Thoa thấy thầy thuốc đã về, mới ở sau tủ đi ra. Vương phu nhân ngồi một
lúc rồi về buồng.
Già Lưu thấy rỗi, mới đứng dậy cáo từ
Giả mẫu, xin về. Giả mẫu nói:
Khi nào rỗi, bà lại ra chơi.
Lại bảo Uyên Ương đi tiễn chân già
Lưu: “Ta không được khỏe không đi tiễn được”. Già Lưu tạ ơn cáo từ, cùng Uyên
Ương đi ra. Đến buồng dưới, Uyên Ương trỏ một bọc để ở trên giường nói:
Đây là mấy bộ quần áo của cụ, ngày
sinh nhật năm ngoái, người ta dâng người đấy. Người xưa nay không mặc quần áo
may ở ngoài bao giờ, bỏ đấy phí của. Người chưa mặc lần nào. Hôm qua bảo tôi
mang hai bộ ra đưa cho bà đem về, bà mặc hay cho ai tùy ý. Trong hộp này đựng
những bánh mà bà thích ăn. Hộp trong bao này là những thứ thuốc bà xin hôm nọ
đây: mai hoa điểm thiệt đan, tứ kim đĩnh, hoạt lạc đan, thôi sinh bảo mệnh đan,
thứ gì cũng có. Mỗi thứ có một cái đơn bọc ngoài, tôi gói chung vào một gói.
Còn đây là hai túi đựng đồ chơi.
Uyên Ương lại cởi nút lấy hai thoi bút
đĩnh như ý đưa cho già Lưu xem, rồi cười nói: Bà mang cái túi về, còn cái này để
lại cho tôi nhé.
Già Lưu mừng quá không ngờ lại được
như thế, cứ niệm Phật luôn mồm, vội nói: “Cô cứ để lại mà dùng”.
Uyên Ương vừa cười vừa gói vào cho già
Lưu và nói:
Nói đùa bà thế thôi, chứ tôi có cái đẹp
hơn kia. Thôi, bà mang về để đến cuối năm cho đám trẻ con.
Lúc đó lại thấy a hoàn nhỏ đem cái
chén sứ Châu Thành đến đưa cho già Lưu và nói: “Cậu Bảo cho bà đây”.
Già Lưu cầm lấy, nói:
Sao lại có chuyện như thế. Tôi tu từ
kiếp nào mà được như thế này! Uyên Ương nói:
Hôm nọ tôi bảo bà đi tắm rửa, quần áo
đưa cho bà thay là của tôi đấy. Nếu bà không chê xấu, tôi còn mấy cái nữa, cũng
xin biếu bà.
Già Lưu cảm ơn. Uyên Ương vào lấy ngay
mấy cái quần áo ra, bọc cẩn thận. Già Lưu lại muốn vào trong vườn từ tạ Vương
phu nhân, Bảo Ngọc và các cô, Uyên Ương nói:
Không cần phải vào nữa. Hôm nay họ
không tiếp ai đâu, để sau tôi nói hộ bà cũng được. Khi nào rỗi, bà lại chơi
nhé. Uyên Ương gọi một bà già dặn:
Ra cửa ngoài gọi hai đứa hầu bé đến
đây mang những cái này ra hộ bà ấy.
Bà già vâng lời. Uyên Ương lại cùng
già Lưu đến nhà Phượng Thư lấy các đồ để ở góc cửa, sai bọn hầu nhỏ khuân ra, rồi
đưa già Lưu lên xe.
Bọn Bảo Thoa ăn cơm sáng xong, đến hỏi
thăm Giả mẫu. Khi về vườn đến chỗ rẽ, Bảo Thoa gọi Đại Ngọc: “Cô Tần, theo ta
vào đây, có câu chuyện muốn hỏi”.
Đại Ngọc cười, theo Bảo Thoa đến Hành
Vu Uyển. Vào phòng, Bảo Thoa ngồi xuống cười bảo: “Sao mày không quỳ xuống? Ta
định tra xét một việc!”
Đại Ngọc không hiểu tại sao, cười nói:
Xem kìa, con Bảo này điên rồi! Ta có
việc gì mà mày tra xét?
Gớm thật, cô tiểu thư nghìn vàng ơi!
Cô gái cấm cung ơi! Miệng cô đã nói những câu gì? Thôi hãy nói thực ra đi.
Đại Ngọc không hiểu, chỉ cười, nhưng
trong bụng cũng có ý ngờ ngợ và nói:
Nào tôi có nói gì đâu? Chẳng qua chị bắt
nọn tôi đấy thôi. Có điều gì sai chị hãy nói cho tôi nghe nào.
Cô lại còn giả vờ à! Trong cuộc tửu lệnh
hôm nọ, cô nói gì thế? Tôi không biết những câu ấy ở đâu ra à?
Đại Ngọc nghĩ mãi mới nhớ hôm nọ mình
không giữ gìn, có đọc hai câu trong chuyện “Mẫu Đơn Đình” và "Tây Sương
Ký"9, tự nhiên mặt đỏ lên, liền chạy lại ôm lấy Bảo Thoa cười
nói:
Chị ơi! Vì em quên đi, buột miệng đọc
ra, chị bảo mới rõ. Từ giờ trở đi em không dám đọc những câu ấy nữa!
Tôi cũng không hiểu, nghe thấy cô đọc
hay quá, nên bây giờ hỏi lại cô.
Chị ơi! Xin chị đừng nói với người
khác, từ nay em không đọc những câu ấy nữa! Bảo Thoa thấy Đại Ngọc thẹn đỏ mặt
lên, cứ van xin mãi, nên cũng không hỏi vặn nữa, liền kéo Đại Ngọc ngồi xuống uống
nước trà, và ân cần khuyên bảo:
Cô cho tôi là người thế nào? Xưa nay
tôi vốn bướng bỉnh. Từ khi bảy, tám tuổi, tôi đã làm rầy rà người ta. Nhà tôi vốn
là nhà nho, ông cha cũng rất thích chứa sách. Khi trước nhà đông người, anh chị
em tôi cùng ở một nơi, không ai thích xem sách đứng đắn cả. Có người thích thơ,
có người thích từ, như "Tây sương", "Tỳ bà", "Nguyên
nhân bách chủng", bộ gì cũng có. Họ cứ xem giấu chúng tôi, chúng tôi cũng
xem giấu họ. Sau thầy tôi biết, đứa bị đánh, đứa bị mắng, sách lại bị đốt bị xé
mất hết. Vì thế bọn con gái chúng ta không biết chữ càng tốt. Đám con trai học
không hiểu nghĩa lý thì thà không học còn hơn; huống chi là tôi với cô? Ngay đến
việc làm thơ, viết chữ, đã không phải là phận sự chị em mình, mà cũng không phải
là phận sự của bọn con trai nữa. Người con trai đọc sách phải hiểu nghĩa lý để
ra giúp nước trị dân mới đúng. Bây giờ không thấy những người như thế nữa, càng
đọc sách bao nhiêu họ càng hư hỏng bấy nhiêu. Đó không phải là sách làm hư hỏng
họ, tiếc rằng chính họ đã bôi nhọ sách. Bởi thế không bằng đi cày, đi buôn còn
hơn. Còn bọn chúng ta, chỉ nên biết việc thêu thùa may vá mới phải, thế mà còn
học đòi mấy chữ. Đã trót biết chữ thì nên chọn sách đứng đắn mà xem, chứ xem loại
sách nhảm, sẽ đổi hẳn tâm tính đi, không thể sửa lại được.
Đại Ngọc cứ ngồi im cúi đầu uống nước,
trong bụng thầm phục Bảo Thoa, chỉ trả lời một câu “phải” mà thôi.
Chợt thấy Tố Vân đến nói:
Mợ tôi mời hai cô đến bàn việc cần. Cô
Hai, cô Ba, cô Tư, cô Sử, cậu Bảo cũng đương chờ đấy. Bảo Thoa hỏi:
Lại có việc gì?
Đại Ngọc nói:
Chúng ta đến đấy sẽ biết.
Đại Ngọc, Bảo Thoa sang Đạo Hương
thôn. Mọi người đã ở cả đấy.
Lý Hoàn trông thấy hai người đến, cười
bảo: Thi xã chưa mở đã có người chực trốn việc rồi. Cô Tư xin nghỉ một năm đấy!
Đại Ngọc cười nói: Chỉ vì hôm nọ cụ
nói một câu, bảo cô ta phải vẽ một bức tranh trong vườn, thành ra cô ta vịn cớ
xin nghỉ.
Thám Xuân cười nói: Đừng trách cụ,
cũng chỉ vì một câu nói của già Lưu đấy thôi. Đại Ngọc cười nói: Đúng đấy! Đúng
là vì câu nói của bà ấy đấy. Không biết bà ta là bà già nhà nào? Cứ gọi bà ta
là “con cào cào mẹ” mới phải!
Mọi người cười ầm lên. Bảo Thoa cười
nói:
Tất cả chuyện trên đời này, hễ đến miệng
chị Phượng là xong hết. Nhưng may chị ấy không thông chữ lắm, nên những câu nói
của chị ấy đều là tục, chỉ để cười đùa thôi. Con Tần này miệng lưỡi mới là quỷ
quái. Nó dùng lối bút pháp kinh xuân thu, nhặt những tiếng tục ở nơi đầu đường
xó chợ rút ra những lời chủ chốt, bớt chỗ rườm rà, rồi tô điểm thêm lên, nên
nói câu nào ra câu ấy. Ba chữ “cào cào mẹ” đủ vẽ ra được cái hình ảnh hôm nọ. Kể
ra nó nghĩ cũng nhanh đấy!
Mọi người đều cười nói: Lời giảng giải
của cô cũng chẳng kém gì hai cô kia.
Lý Hoàn nói: Tôi mời chị em đến đây để
bàn xem nên cho cô ấy nghỉ bao nhiêu ngày? Tôi cho cô ấy nghỉ một tháng, nhưng
cô ấy kêu ít, thế thì các cô định thế nào?
Đại Ngọc nói: Cứ lẽ ra thì một năm
cũng chẳng lấy gì làm nhiều, cái vườn này một năm mới xây dựng xong. Bây giờ muốn
vẽ cũng phải mất hai năm, vì còn phải mài mực dầm bút, trải giấy, tô màu, lại
còn phải…
Nói đến đây, Đại Ngọc không nhịn được,
lại cười nói: Lại còn phải theo đúng kiểu, thong thả vẽ, thế mà không đến hai
năm à.
Mọi người nghe nói đều vỗ tay cười ầm
lên. Bảo Thoa cười nói:
Câu cuối cùng “lại còn phải theo đúng
kiểu, thong thả vẽ” hay lắm. Vì thế, những câu nói đùa hôm nọ tuy buồn cười thật,
nhưng nghĩ lại chẳng có gì là thú. Chúng ta nghĩ kỹ xem, mấy câu nói của cô Tần
tuy chẳng có gì cả, nhưng lại có nhiều ý vị làm cho tôi cười lăn ra được!
Tích Xuân nói:
Vì chị Bảo khen nó, nên nó càng làm bộ,
giờ lại mang tôi ra làm trò cười.
Đại Ngọc kéo Tích Xuân, cười nói: Tôi
hãy hỏi cô, giờ chỉ vẽ cái vườn thôi, hay là vẽ cả mọi người chúng tôi ở trong
vườn ấy?
Trước chỉ định vẽ cái vườn không thôi,
nhưng hôm nọ cụ lại bảo, vẽ cái vườn không, thành ra vẽ kiểu nhà mất. Người bảo
tôi phải vẽ cả người nữa, như là bức tranh hành lạc mới đẹp. Tôi cũng không biết
vẽ tỉ mỉ những lâu đài và nhân vật, nhưng không dám trái lời, vì thế khó nghĩ
quá.
Đại Ngọc nói: Vẽ nhân vật thì còn dễ,
chứ sâu bọ thì không vẽ nổi đâu.
Lý Hoàn nói: Cô nói câu ấy lại không
thông rồi. Trong ấy làm gì phải vẽ đến sâu bọ? Hoặc chỉ tô điểm một vài con
chim thôi.
Đại Ngọc cười nói: Sâu khác chẳng vẽ
thì thôi, chứ con “cào cào mẹ” hôm nọ, không vẽ thì thiếu mất điển tích đấy.
Mọi người nghe nói đều cười ầm lên. Đại
Ngọc vừa ôm bụng cười vừa nói:
Thôi cô cứ vẽ đi, tôi đã có sẵn cả chữ
đề rồi. Tôi sẽ đặt tên bức tranh là “Huề hoàng đại tước đồ”10.
Mọi người nghe nói càng cười ngặt nghẹo.
“Thình” một tiếng, không biết là cái gì đổ, mọi người vội nhìn thì ra Tương Vân
ngồi ngả người về đằng sau cười sặc sụa, không dè chừng, ghế chệch chân nghiêng
về một bên, cả người lẫn ghế đều lăn ra. May có ván vách giữ lại, nên không ngã
xuống đất. Mọi người trông thấy càng cười rộ lên.
Bảo Ngọc vội đến đỡ dậy, mới dần dần bớt
cười.
Bảo Ngọc đưa mắt cho Đại Ngọc, Đại Ngọc
hiểu ý, chạy vào nhà trong bỏ cái khăn che gương ra soi, thấy hai bên mái tóc
hơi xõa, liền mở hộp trang sức của Lý Hoàn lấy cái lược ra, soi gương chải lại
đầu, xong chạy ra chỉ vào Lý Hoàn nói:
Tưởng chị bảo chúng tôi học thêu thùa,
học điều hay lẽ phải, ai ngờ chị lại gọi chúng tôi đến để cười đùa ầm ĩ thế này
à?
Lý Hoàn cười nói:
Các cô xem cô ta nói điêu thế kia.
Chính cô ta làm đầu têu cho người ta cười, lại đổ lỗi cho tôi! Giận quá! Tôi chỉ
mong sau này cô vớ phải một bà mẹ chồng cay nghiệt và mấy cô chị em chồng đanh
ác, xem cô còn điêu được như thế nữa hay không?
Đại Ngọc đỏ mặt lên, kéo Bảo Thoa nói:
Thôi chúng ta cho cô ấy nghỉ một năm. Bảo Thoa nói:
Tôi cứ công bằng mà nói, các chị nghe
xem sao: con bé Ngẫu Tạ tuy biết vẽ, nhưng cũng chỉ vẽ được mấy nét tả ý thôi.
Bây giờ vẽ cái vườn, nếu trong bụng không có một hiểu biết rộng thì vẽ sao nổi.
Cái vườn này cũng giống như bức tranh, nào là đá núi, cây cối, nào là lâu đài
nhà cửa, gần xa, thưa nhặt, đừng ít quá cũng đừng nhiều quá mà phải đúng mức. Nếu
cứ theo thế vẽ lên trên giấy thì đẹp làm sao được. Phải xem khuôn khổ tờ giấy,
nên để xa gần, nhiều ít thế nào, nên chia phần chính phần phụ ra sao, chỗ nào
đáng thêm thì thêm, chỗ nào đáng bỏ, đáng bớt thì bỏ đi, bớt đi, cái gì đáng để
lộ mới để lộ. Bắt đầu phải vẽ phác rồi ngắm nghía tính toán cẩn thận, mới thành
công được bức vẽ. Điều thứ hai là, lâu đài nhà cửa phải chia giới hạn, sơ ý một
tí là bao lan cũng lệch, cột cũng nghiêng, cửa sổ sẽ dựng ngược lên, thềm cũng
không đúng chỗ, thậm chí bàn ghế cũng chen lên tường, chậu hoa bày ở trên màn.
Như thế chẳng phải là vẽ ra một bức tranh để cười ư? Điều thứ ba là, phải xếp đặt
nhân vật thưa hay nhặt, cao hay thấp, đều cho đúng chỗ. Nếp quần, dây lưng,
ngón tay, bước chân cũng rất quan trọng; nếu sai một nét, không sưng tay cũng
hóa kiễng chân, đến như bộ mặt mái tóc chỉ là việc nhỏ. Cứ như ý tôi, vẽ bức
tranh này khó lắm đấy. Cho phép một năm thì nhiều quá, một tháng thì ít quá, cứ
cho nghỉ nửa năm, lại giao cậu Bảo phải đến giúp đỡ cô ấy. Không phải vì cậu Bảo
biết vẽ mà đến dạy cô ấy đâu. Như vậy lại càng hỏng việc. Chỉ cần chỗ nào cô ấy
không biết hay xếp đặt lúng túng, cậu Bảo sẽ mang ra hỏi các vị họa sư bên
ngoài, cho dễ làm việc.
Bảo Ngọc mừng lắm nói:
Câu đó rất đúng. Ông Thiềm Tử Lượng vẽ
lâu đài rất đẹp, ông Trình Nhật Nhưng vẽ mỹ nhân càng tuyệt, tôi sẽ đi hỏi hai
ông ấy.
Bảo Thoa nói:
Tôi đã bảo anh là người không có việc
mà lại bận rộn. Vừa mới nói thế anh đã chực đi hỏi người ta rồi. Để bàn tính đã
rồi hãy đi. Trước hết nên vẽ bằng giấy gì? Bảo Ngọc nói: Ở nhà có giấy tuyết
lãng, vừa rộng khổ, vừa ăn mực.
Giờ tôi kê hộ cái đơn, cô theo đơn đó xin với cụ mua cho. Các chị em chưa chắc đã biết hết đâu, tôi đọc cho cậu Bảo viết. |
Bảo Thoa cười nhạt:
Anh thật là vô dụng! Giấy tuyết lãng để
viết chữ, để vẽ bức họa tả ý, hoặc để người biết vẽ sơn thủy vẽ tranh sơn thủy
nhà Nam Tống, giấy vừa ăn mực mà lại không nhăn nhòe. Nếu vẽ vườn này bằng giấy
ấy thì không ăn màu, lại khó khô, vẽ cũng không đẹp, phí cả giấy. Tôi bảo anh
cách này: trước khi xây dựng cái vườn đã có một bức bản đồ vẽ tỉ mỉ rồi. Tuy là
thợ vẽ vẽ ra, nhưng khuôn khổ, phương hướng đều rất đúng cả. Anh vào xin bà Hai
bức vẽ ấy, đem ra xem rộng hẹp thế nào, rồi bảo chị Phượng cho một mảnh lụa,
mang ra bên ngoài cho các họa sư bảo họ cứ theo khuôn khổ bức vẽ ấy, thêm bớt
thành một bức vẽ, sau thêm nhân vật vào là được. Ngay đến pha màu thanh lục,
màu kim nhũ, ngân nhũ, cũng phải nhờ họ pha cho. Còn phải có một cái lò, chuẩn
bị nấu keo, lấy keo ra rửa bút, rồi kê một cái bàn sơn dầu rải thảm lên trên.
Ngay đĩa và bút của nhà cũng không đủ, phải sắm một ít mới được.
Tích Xuân nói:
Tôi làm gì có đồ vẽ? Chẳng qua vẽ bằng
bút thường thôi. Còn màu sắc thì chỉ có màu đỏ, màu xanh, màu vàng, màu son.
Bút cũng chỉ có hai cái để tô màu.
Bảo Thoa nói:
Sao cô không bảo trước? Những thứ ấy
bên tôi có, chỉ sợ cô không dùng đến, cho cũng phí thôi. Tôi vẫn cất đi, khi
nào cô dùng, tôi sẽ đưa cho. Những thứ ấy chỉ để vẽ quạt thôi, nếu vẽ bức to
thì cũng đáng tiếc. Giờ tôi kê hộ cái đơn, cô theo đơn đó xin với cụ mua cho.
Các chị em chưa chắc đã biết hết đâu, tôi đọc cho cậu Bảo viết.
Bảo Ngọc đã sắp sẵn bút mực để ghi, sợ
không nhớ hết, giờ thấy Bảo Thoa nói thế, mừng lắm, liền cầm bút lắng tai nghe.
Bảo Thoa đọc:
Bút quét loại nhất bốn chiếc, loại nhì
bốn chiếc, loại ba bốn chiếc; bút chấm loại lớn bốn chiếc, loại vừa bốn chiếc,
loại nhỏ bốn chiếc; bút vắt ngòi lớn mười chiếc, vắt ngòi nhỏ mười chiếc; bút kẻ
mày mười chiếc, bút tô màu loại lớn hai mươi chiếc, loại nhỏ hai mươi chiếc;
bút vẽ mặt mười chiếc, bút cành liễu hai mươi chiếc; son nhọn đầu, son nam, thạch
hoàng, thạch thanh, thạch lục, quản hoàng, mỗi thứ bốn lạng; quảng hoa tám lạng,
bột chì bốn hộp, phấn yên chi mười hai thếp; bột đỏ, bột lá mạ mỗi thứ hai trăm
thếp; keo quảng quân, phèn lọc mỗi thứ bốn lạng. Keo phèn để quét lụa không kể,
cứ đưa lụa cho họ để họ quét lấy. Những thuốc pha màu ấy, chúng ta phải nghiền
nhỏ lọc sạch. Như thế vừa chơi vừa dùng, cô có thể dùng trọn đời cũng đủ. Lại
phải lấy vợt lụa mau bốn cái, vợt lụa thưa hai cái; gác bút bốn cái, bát nghiền
to nhỏ bốn cái, bát sành lớn hai mươi cái, đĩa to năm tấc mười cái, đĩa sành trắng
hai mươi cái, lò hai cái, nồi đất lớn nhỏ bốn cái, vại mới hai cái, thùng đựng
nước mới hai cái, túi vải trắng dài một thước bốn cái, than xốp hai mươi cân,
than gỗ liễu vài cân, hòm ba ngăn một cái, lụa dày một trượng, gừng sống hai lạng,
tương nửa cân.
Đại Ngọc cười nói: Chảo một cái, bàn sản
một cái. Bảo Thoa nói: Để làm gì?
Chị bảo cần có gừng sống và tương thì
tôi bảo lấy chảo hộ chị để nấu những thứ màu ấy mà ăn.
Mọi người đều cười ầm lên. Bảo Thoa cười
nói:
Cô thì biết cái gì? Những cái đĩa sành
ấy không chịu được lửa, nếu không lấy nước gừng và tương xát dưới đáy trước mà
đem đốt, gặp lửa một cái là nó nổ ngay.
Mọi người đều nói: “Phải đấy”.
Đại Ngọc xem đơn một lượt, kéo Thám
Xuân khẽ nói:
Cô xem vẽ một bức vẽ mà phải dùng đến
vại và hòm, thực là lẩn thẩn. Chắc cái đơn này sắm cả đồ cưới của cô ấy đấy.
Thám Xuân không nhịn cười được, nói:
Chị Bảo sao không véo mồm nó một cái?
Nó đang đặt chuyện để chế giễu chị đấy. Bảo Thoa cười nói: Không phải hỏi, mồm
chó làm gì có ngà voi?
Vừa nói, vừa chạy đến vật Đại Ngọc xuống
giường, định véo vào mặt. Đại Ngọc cười rồi van lạy:
Chị ơi, tha cho em! Em trẻ người non dạ,
nói không biết cân nhắc, làm chị thì phải dạy bảo em chứ? Chị không tha cho em
thì em còn cầu cứu ai được nữa?
Mọi người không biết câu nói có ý, đều
cười nói:
Câu nói đáng thương thực! Ngay chúng
tôi cũng động lòng, thôi tha cho nó.
Bảo Thoa nguyên chỉ định đùa Đại Ngọc
thôi, nhưng sau nghe Đại Ngọc nhắc lại câu chuyện lần trước về việc xem sách nhảm,
nên không tiện đùa nữa, liền buông ra. Đại Ngọc cười nói:
Đấy là chị đấy, chứ phải em thì em
không tha đâu!
Bảo Thoa cười, trỏ Đại Ngọc nói: Không
trách cụ thương cô, mọi người yêu cô tinh lanh, ngay tôi cũng phải thương cô. Đến
đây tôi sửa lại tóc cho.
Đại Ngọc quay người lại, Bảo Thoa lấy
tay sửa hộ tóc. Bảo Ngọc ngồi ở bên cạnh nhìn, thấy càng đẹp, bất giác hối hận:
“Không nên để Bảo Thoa vuốt tóc cho Đại Ngọc, cứ để thế rồi mình đến vuốt ve
cho thì hơn”. Đương nghĩ vớ vẩn, thấy Bảo Thoa nói:
Viết xong rồi, ngày mai vào trình cụ.
Thứ gì trong nhà có rồi thì thôi, thứ gì chưa có, xin tiền đi mua, tôi sẽ pha hộ.
Bảo Ngọc vội cất đơn đi. Mọi người lại
nói phiếm một lúc nữa, sau bữa cơm chiều lại đến buồng Giả mẫu hỏi thăm. Giả mẫu
nguyên không có bệnh gì, chỉ vì mệt, lại hơi cảm một tí, nghỉ ngơi một ngày, uống
một vài chén thuốc phát tán, đến chiều lại khỏe như thường.
Chú
thích.
[←8]
Nguyên
văn là “Khả xảo”, già Lưu nghe vậy mới đặt tên là “Xảo Thư”.
[←9]
Khi
Uyên Ương đọc “tửu lệnh”, Đại Ngọc theo lệnh hai câu thơ lấy trong “Mẫu Đơn
Đình” và “Tây Sương Ký”: “Ngày vui cảnh đẹp tự giời biết sao” và “song the nào
thấy ả Hồng báo tin” (xem hồi 40).
[←10]
Bức
tranh vẽ mang con cào cào đi cắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét