Nhà sư cùng đạo sĩ trò chuyện với hòn đá trên núi Thanh Ngạnh. |
Hồi
41.
Am
Lũng Thúy, Bảo Ngọc thưởng trà ngon;
Viện
Di Hồng, già Lưu say rượu ngủ.
Già Lưu xoa tay nói: Đến khi hoa rụng
lại là quả dưa.
Mọi người cười ầm lên. Già Lưu uống
chén rượu rồi nói đùa:
Hôm nay xin nói thực: Tôi chân tay thô kệch, lại uống nhiều rượu không cẩn thận lỡ đánh vỡ chén sứ thì không tiện. Xin cho tôi một cái chén gỗ, có đánh rơi xuống đất cũng không can gì.
Mọi người lại cười. Phượng Thư nói:
Bà muốn dùng chén gỗ à? Tôi sẽ lấy
cho. Nhưng có điều này phải nói trước: chén gỗ không như chén sứ đâu, nó có từng
bộ một, phải uống hết mới được.
Già Lưu trong bụng ngần ngừ: “Vừa rồi
chẳng qua ta nói đùa cho vui đấy thôi, biết đâu họ lại có thực. Ta thường đến
ăn tiệc ở các nhà thân hào trong làng, trông thấy chén vàng chén bạc, chứ có
chén gỗ bao giờ: A! Đúng rồi! chắc là thứ bát gỗ của trẻ con dùng. Họ làm thế,
chẳng qua lừa ta uống thêm vài bát đó thôi. Nhưng không sao, rượu ngọt như nước
đường, uống thêm một ít cũng chẳng hại gì”. Nghĩ vậy già liền nói:
Cứ mang lại đây tôi sẽ liệu. Phượng Thư
liền bảo Phong Nhi:
Lấy bộ chén gốc trúc mười cái để trên
giá sách trước mặt lại đây. Phong Nhi định đi, Uyên Ương cười nói:
Tôi biết rồi. Nhưng mười cái chén ấy
hãy còn bé. Vả chăng mợ vừa bảo lấy chén gỗ, bây giờ lại lấy chén gốc trúc, như
thế thì khó coi. Chi bằng lấy bộ mười cái chạm bằng rễ cây hoàng dương, đem đến
đây, dốc hết cả cho bà ấy.
Phượng Thư cười nói: “Càng tốt”.
Uyên Ương sai người mang đến. Già Lưu
trông thấy vừa sợ vừa mừng: sợ là phải uống mười chén lớn nhỏ một lúc, cái lớn
vừa bằng cái chậu, cái nhỏ nhất cũng to gấp đôi cái chén mình cầm trên tay; mừng
là thấy những chén chạm trổ rất đẹp, một màu non nước, cỏ cây và người, lại có
đề chữ đóng dấu, liền nói:
Đem cái chén nhỏ đến đây thôi. Phượng
Thư cười nói:
Ở đây sức rượu kém cả, nên không ai
dám dùng bộ chén ấy. Vì bà thích, tôi phải đi tìm mãi mới thấy, nhất định là bà
phải lần lượt uống hết mười chén mới được.
Già Lưu sợ hãi vội nói:
Không dám đâu, xin mợ tha cho.
Giả mẫu, Tiết phu nhân và Vương phu
nhân biết già Lưu đã có tuổi, không uống nổi, liền cười nói:
Nói thế cho vui đấy thôi, bà không nên
uống nhiều. Uống một chén đầu là đủ. Già Lưu nói:
A Di Đà Phật! Tôi xin uống chén nhỏ,
còn chén nhớn thì cất đi, để tôi mang về nhà uống dần.
Mọi người lại cười ầm lên.
Uyên Ương không làm thế nào được, đành
phải sai người rót một chén lớn. Già Lưu bưng lấy định uống. Giả mẫu và Tiết
phu nhân đều nói:
Uống thong thả chứ, không thì sặc đấy.
Tiết phu nhân lại sai Phượng Thư đưa đồ
ăn đến. Phượng Thư cười nói:
Bà muốn ăn món gì, cứ nói, tôi sẽ gắp
cho. Già Lưu nói:
Tôi biết tên món gì mà gọi? Cái gì
cũng ngon cả. Giả mẫu cười nói:
Gắp cà xào cho bà ấy ăn.
Phượng Thư vâng lời, gắp miếng cà xào
đưa vào mồm già Lưu, cười nói:
Ngày nào bà cũng ăn cà, giờ thử nếm
xem món cà ở đây chúng tôi làm có ngon hay không?
Già Lưu cười nói:
Đừng đánh lừa tôi, nếu cà mà ngon thế
này, thì chúng tôi chỉ giồng cà thôi, không cần giồng các thứ ăn khác.
Mọi người cười nói:
Cà thật đấy, chúng tôi không nói dối
bà đâu. Già Lưu lấy làm lạ nói:
Cà thật đấy à? Tôi ăn từ nãy đến giờ,
vẫn không biết mùi gì cả! Mợ gắp ít nữa cho tôi, đến miếng này tôi nhai kỹ xem.
Phượng Thư lại gắp một miếng đưa vào mồm
già Lưu. Nhai một lúc lâu, già Lưu cười nói:
Cũng hơi có mùi cà, nhưng không phải
là cà. Mợ bảo cách cho tôi, khi về tôi cũng học nấu món ăn này.
Phượng Thư cười nói:
Có khó gì đâu cứ đến tháng tư tháng
năm, bà hái cà về gọt vỏ bỏ núm, chỉ lấy ruột thôi, đem thái nhỏ như sợi tóc,
phơi thật khô. Sau đó bắt một con gà mẹ, ninh ra nước và hấp cà lên, xong đem
ra phơi, chín lần phơi, chín lần hấp, lại đem phơi thật khô, rồi bỏ vào trong lọ
sứ bịt thật kín. Khi ăn sẽ lấy một thìa trộn với thịt gà xào mà ăn.
Già Lưu lắc đầu lè lưỡi nói:
Phật tổ ơi! Thế thì phải hết đến non
chục con gà mới nấu được một bát. Chẳng trách ngon là phải!
Già Lưu vừa cười vừa thong thả uống hết
một chén rượu, rồi cứ ngắm nghía mãi cái chén. Phượng Thư cười nói:
Nếu chưa đủ hứng, thì bà uống thêm một
chén nữa. Già Lưu nói:
Không uống được nữa, say chết mất! Tôi
thích cái chén này quá, không biết họ làm bằng gỗ gì!
Uyên Ương cười nói:
Bà uống hết rượu rồi, cũng không biết
cái chén này người ta làm bằng gỗ gì à? Già Lưu nói:
Không trách được các cô không biết là
phải. Các cô ở trong nhà vàng cửa gấm, biết sao được các thứ gỗ? Chúng tôi
quanh năm làm quen với rừng. Khi buồn ngủ lấy gỗ mà gối, lúc mệt lấy gỗ mà nằm
dựa lưng, năm mất mùa đói kém phải ăn đến cả nó. Mắt lúc nào cũng trông thấy gỗ,
tai lúc nào cũng nghe thấy gỗ, miệng lúc nào cũng nói đến gỗ. Vì thế thứ gỗ nào
tốt, xấu, thật, giả, tôi đều biết cả, để tôi thử nhận xem.
Già Lưu vừa nói vừa ngắm nghía cái
chén một lúc nói:
Nhà các người thế này, khi nào có
chăng đồ xấu. Những thứ gỗ xoàng chắc các người chẳng chịu sắm đâu. Tôi cầm thấy
nó nặng chình chịch ấy. Nếu không phải là gỗ dương, cũng là gỗ thông vàng.
Mọi người nghe nói lại cười ầm lên. Một
bà già chạy đến trình Giả mẫu:
Các cô đã đến Ngẫu Hương tạ cả rồi,
xin cụ truyền cho hát ngay hay phải chờ lúc nữa.
Giả mẫu cười nói:
Ta quên khuấy đi mất, bảo chúng nó cứ
hát đi. Bà già vâng lời đi ra.
Một lúc tiếng sênh, tiếng sáo rộn
ràng, đàn địch vang dậy. Lại gặp buổi trời trong gió mát, điệu nhạc văng vẳng
luồn qua khe rừng bến nước vọng lại, làm cho mọi người tâm thần sảng khoái. Bảo
Ngọc không nén nổi lòng, liền cầm cái hồ rót một chén rượu uống hết. Đang định
uống thêm chén nữa, bỗng thấy Vương phu nhân cũng sai người đi lấy rượu ấm, Bảo
Ngọc vội mang ngay chén rượu của mình đưa đến tận miệng Vương phu nhân. Vương
phu nhân uống hai hớp.
Điệu Ngọc mời trà. |
Một lúc, rượu ấm mang đến, Bảo Ngọc lại về chỗ cũ. Vương phu nhân cầm lấy hồ rượu, nói: “Mời bà dì mày ngồi. Ai ở đâu về đấy”. Vương phu nhân mới đưa cái hồ cho Phượng Thư, rồi tự mình ngồi xuống. Giả mẫu cười nói:
Hôm nay thú quá, mọi người đều uống
hai chén.
Rồi cầm chén mời Tiết phu nhân, lại bảo
Tương Vân và Bảo Thoa:
Hai chị em mày mỗi người phải uống một
chén. Em Lâm mày không uống được nhiều cũng bắt phải uống.
Giả mẫu tự mình uống cạn chén trước,
Tương Vân, Bảo Thoa, Đại Ngọc cũng đều uống cả.
Già Lưu nghe nhạc vui tai, lại có rượu
mừng quá, múa chân múa tay lên. Bảo Ngọc liền đến cười bảo Đại Ngọc:
Em xem già Lưu kìa.
Đại Ngọc cười nói:
Ngày trước nhạc nhà vua vừa nổi lên,
thì trăm muông nhảy múa. Bây giờ mới chỉ có một con trâu thôi.
Chị em đều cười.
Một lúc nhạc im. Tiết phu nhân cười
nói:
Mọi người uống rượu cả rồi, xin ra
ngoài chơi một lúc.
Giả mẫu cũng thích ra chơi. Thế là cả
nhà đều theo ra ngoài ngắm cảnh. Giả mẫu muốn đưa già Lưu đi dạo chơi, liền kéo
già đến trước núi, dưới cây, quanh quẩn một lúc, bảo cho già biết cây này tên
là gì, đá này tên là gì, hoa này tên là gì. Già Lưu đều ghi nhớ cẩn thận, nói:
Ngờ đâu ở trong thành này, không những
người, đến cả giống chim sẻ cũng sang trọng. Giống chim sẻ được ở trong nhà cụ
cũng sinh khôn ra, và cũng biết nói.
Mọi người không hiểu, hỏi:
Chim sẻ nào sinh khôn và biết nói?
Con chim có lông xanh, mỏ đỏ đậu ở cái
cầu vàng ngoài hiên kia là con vẹt tôi đã biết rồi. Còn con quạ đen đầu có mào
đang ở trong lồng kia cũng biết nói đấy.
Mọi người lại cười ầm lên.
Bọn a hoàn đem món điểm tâm đến. Giả mẫu
nói:
Mới uống vài chén rượu, chưa đói. Thôi
cứ mang đến đây, ai muốn ăn gì thì ăn.
A hoàn khiêng đến hai kỷ, bày hai cái
hộp nhỏ. Mở ra, mỗi hộp đựng hai thứ. Một hộp đựng hai món hấp: bánh hấp ngọt bột
ngó sen có mùi hoa quế, và bánh cuốn mỡ ngỗng. Còn hộp nữa đựng hai thứ bánh
rán: một thứ là bánh miến hấp, lớn độ một tấc. Giả mẫu hỏi:
Bánh nhân gì đấy? Bà già thưa:
Nhân cua đấy ạ. Giả mẫu cau mày nói:
Bây giờ ngấy mỡ lắm rồi, ai ăn được
món ấy nữa.
Lại trông thấy món mì xào với mỡ, Giả
mẫu cũng không thích, liền mời Tiết phu nhân ăn. Tiết phu nhân cầm một miếng
bánh hấp ngọt. Giả mẫu cầm một cái bánh cuốn, nếm một miếng, còn thừa một nửa gọi
cho a hoàn.
Già Lưu thấy bánh mỳ hấp trong suốt,
lóng lánh, đủ màu đủ vẻ, lại cầm một cái bánh kiểu hoa mẫu đơn, cười nói:
Các cô gái khéo nhất ở làng tôi cũng
không cắt được cái hoa đẹp như thế này! Tôi muốn ăn nhưng lại tiếc, gói đưa về
nhà để cho họ bắt chước cắt hoa thì tốt hơn.
Mọi người đều cười, Giả mẫu cười nói:
Khi về tôi sẽ cho bà một vò mang về.
Bây giờ bánh còn nóng, bà hãy ăn đi. Mọi người chỉ lấy một vài cái nào mình
thích ăn thôi.
Già Lưu xưa nay chưa từng được ăn những
thứ này bao giờ, vả bánh làm lại khéo léo, xinh xắn, nên cùng thằng Bản ăn mỗi
thứ mấy cái, đã vơi mất nửa mâm. Còn thừa, Phượng Thư sai dồn lại hai mâm và một
hộp cho bọn Văn Quan ăn.
Bỗng vú em ẵm cháu Đại Thư đến. Mọi
người đùa với nó một lúc, Đại Thư đương ôm quả bưởi chơi, thấy thằng Bản ôm quả
phật thủ, nó đòi ngay. A hoàn dỗ đi lấy quả khác, nó chờ không được, khóc ầm
lên. Mọi người lấy quả bưởi đưa cho thằng Bản rồi lấy quả phật thủ của thằng Bản
đưa cho nó. Thằng Bản chơi quả phật thủ đã lâu rồi, lúc ấy hai tay lại đương cầm
bánh ăn, trông thấy quả bưởi vừa thơm, vừa tròn, lại càng thích, định làm quả cầu
để đá, nên không lấy quả phật thủ nữa.
Giả mẫu uống nước xong, dẫn già Lưu đến
am Lũng Thúy. Diệu Ngọc đón chào. Mọi người vào đến sân, thấy hoa tươi cây tốt,
Giả mẫu cười nói:
Bọn họ tu hành rỗi việc, hay sửa sang,
trông đẹp hơn các nơi nhiều.
Vừa nói vừa đi lên thiền đường bên
đông. Diệu Ngọc cười mời vào trong nhà, Giả mẫu nói:
Chúng tôi vừa uống rượu, ăn thịt xong,
trong nhà thờ Phật vào sợ mắc tội; ngồi ở đây thôi. Người cứ mang trà ngon ra,
chúng tôi uống một chén rồi đi.
Bảo Ngọc để ý xem cách tiếp đãi của Diệu
Ngọc như thế nào, thấy Diệu Ngọc mang cái khay nhỏ kiểu hoa hải đường, sơn bốn
chữ vàng “vân long hiến thọ”, trong đặt một cái chén sứ Châu Thành năm màu dâng
lên. Giả mẫu nói:
Tôi không uống trà Lục An đâu.
Tôi đã biết rồi. Đây là trà “Lão quân
my”1 đấy.
Pha bằng nước gì?
Nước mưa năm ngoái đấy.
Giả mẫu uống nửa chén rồi đưa cho già
Lưu, nói:
Bà thử nếm trà này xem.
Già Lưu uống một hơi, cười nói:
Ngon có ngon, nhưng hơi nhạt. Pha đặc
một tí thì hơn.
Giả mẫu và mọi người cười ầm lên. Sau
đều uống trà rót vào bát trắng có nắp.
Diệu Ngọc kéo áo Bảo Thoa và Đại Ngọc
đi ra. Bảo Ngọc cũng khe khẽ đi theo. Diệu Ngọc mời hai người vào buồng bên cạnh.
Bảo Thoa ngồi ở trên giường, Đại Ngọc ngồi ở chiếu tụng kinh của Diệu Ngọc. Diệu
Ngọc lấy bếp lò đun nước, pha một ấm trà khác.
Bảo Ngọc khẽ chạy đến, cười nói: Các
cô uống trà riêng đấy à?
Hai người đều cười nói:
Anh lại đến uống gạ! Đây không có trà
cho anh uống đâu. Diệu Ngọc đang định ra lấy chén, thấy bà già đã thu dọn ấm
chén ở ngoài sân. Diệu Ngọc vội nói:
Đừng cất cái chén sứ Châu Thành vội,
hãy để ở ngoài ấy.
Bảo Ngọc hiểu ý, biết là già Lưu uống
chén ấy, sợ bẩn nên cô ta không dùng nữa. Sau Diệu Ngọc lại mang hai cái chén
khác ra, một cái có quai, trên khắc ba chữ lệ “cô kiều trác”2, bên cạnh có một
hàng chữ nhỏ, viết chân phương “Vương Khải trân ngoạn”3; lại có một
hàng chữ nhỏ nữa viết "Tống Nguyên Phong ngũ niên tứ nguyệt My Sơn Tô Thức
kiến ư bí phủ"4. Diệu Ngọc rót một chén đưa cho Bảo Thoa. Còn một
chén dáng như cái bát nhưng mà nhỏ, cũng có ba chữ "điểm tế kiều”5 khắc
lối triện. Diệu Ngọc pha trà vào chén và đưa mời Đại Ngọc, rồi lấy cái chén ngọc
xanh của mình thường dùng pha cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc cười nói:
Người ta thường nói “thế pháp bình đẳng”6,
sao hai cô được dùng đồ cổ quý, mà tôi lại phải dùng đồ tục này?
Diệu Ngọc nói: Thế là đồ tục à? Không
phải tôi nói liều đâu, nhà cậu chưa chắc đã tìm ra được cái đồ tục này!
Tục ngữ nói “Vào làng phải theo làng”,
đến đây thì những đồ vàng ngọc châu báu đều cho là tục cả.
Diệu Ngọc nghe nói thích lắm, lại lấy
ra một cái chén lớn làm bằng gốc trúc chạm rồng cuộn ngoằn ngoèo nhiều khúc, cười
nói:
Chỉ còn có một cái chén nhớn này thôi,
cậu có thể uống hết được không?
Uống hết được.
Dù uống hết, cũng chẳng phí trà đâu
cho cậu uống. Cậu không nghe người ta nói: “Uống chén thứ nhất là để thưởng thức
mùi vị trà, chén thứ hai là phường ngu xuẩn uống cho khỏi khát, đến chén thứ ba
là con trâu con lừa uống rồi”. Bây giờ cậu uống cả một chén lớn này còn ra cái
gì nữa.
Bảo Thoa, Đại Ngọc và Bảo Ngọc nghe
xong đều cười ầm lên. Diệu Ngọc cầm bình nước chỉ rót độ một chén con vào chén
lớn, Bảo Ngọc nhấm nháp từng tí, thấy hương vị mát nhẹ, khen ngợi không ngớt.
Diệu Ngọc nghiêm nét mặt nói: Cậu nhờ phúc của hai cô mới được uống trà này, chứ
một mình cậu thì tôi không mời đâu.
Bảo Ngọc cười nói:
Tôi biết lắm, vì thế tôi không cảm ơn
người, chỉ cảm ơn hai cô thôi. Diệu Ngọc nói: “Đúng đấy”.
Đại Ngọc hỏi: Đây cũng là nước mưa năm
ngoái phải không? Diệu Ngọc cười nhạt:
Cô mà lại là người rất tục, ngay nước
uống cũng không biết nếm. Đó là tuyết ở trên hoa mai mà năm năm về trước tôi lấy
ở chùa Huyền Mộ Bàn Hương đấy, chỉ chứa được đầy một lọ hoa màu xanh thôi. Tôi
chôn xuống đất để dành mãi, không uống, đến hè năm nay mới đào lên. Tôi chỉ uống
một lần, nay là lần thứ hai cô nếm cũng không biết à? Nước mưa năm ngoái làm gì
có hương vị mát dịu như thế? Uống thế nào được? Bảo Thoa biết Diệu Ngọc có tính
dở hơi, không thích nói nhiều, cũng không thích ngồi lâu; uống nước xong, rủ Đại
Ngọc đi ra. Bảo Ngọc nói với Diệu Ngọc:
Cái chén bà già uống lúc nãy, tuy bẩn,
nhưng vất đi thật đáng tiếc! Cứ ý tôi, nên cho bà già nghèo ấy đem bán cũng có
thể sống qua ngày. Người thấy có được không?
Diệu Ngọc nghĩ một lúc gật đầu nói:
Thôi được. May tôi chưa uống đến cái
chén ấy bao giờ. Đã uống rồi thì tôi đập đi, không khi nào đem cho bà ấy. Cậu
muốn cho bà ấy, xin mang ngay đi.
Như thế là phải. Khi nào người lại
thèm nói chuyện với bà ấy? Nếu nói chuyện với bà ta thì người cũng bị bẩn lây.
Cứ đưa cho tôi là được.
Diệu Ngọc sai người mang cái chén đưa
cho Bảo Ngọc, Bảo Ngọc cầm lấy rồi nói:
Khi chúng tôi ra về, sẽ bảo mấy đứa hầu
nhỏ ra sông gánh mấy thùng nước rửa nhà, có được không?
Thế thì tốt. Nhưng cậu dặn họ, gánh nước
về cứ để ở chân tường ngoài cửa thôi, đừng mang vào đây.
Đúng thế.
Rồi Bảo Ngọc cầm lấy cái chén đưa cho
người nhà Giả mẫu và bảo:
Ngày mai già Lưu về, mày đưa cái này
cho già ấy.
Ngay lúc đó, Giả mẫu đã ra, muốn về.
Diệu Ngọc cũng không giữ lại, đưa Giả mẫu ra đến cửa ngoài, rồi quay lại đóng cửa.
Giả mẫu thấy người mệt, liền bảo Vương
phu nhân và chị em Nghênh Xuân mời Tiết phu nhân uống rượu, còn mình vào nằm
nghỉ ở Đạo Hương thôn. Phượng Thư sai người mang cái ghế trúc nhỏ đến, Giả mẫu
ngồi vào đó, bảo hai bà già kiệu đi. Phượng Thư, Lý Hoàn và bọn a hoàn theo
sau.
Tiết phu nhân cũng cáo từ ra về. Vương
phu nhân cho bọn Văn Quan về, rồi phân phát những hộp bánh còn lại cho đám a
hoàn ăn. Còn mình nhân tiện cũng nằm ngả xuống giường của Giả mẫu vừa ngồi, sai
một đứa hầu nhỏ bỏ rèm xuống, bóp chân và dặn:
Cụ có gọi gì thì bảo ta ngay. Nói xong
lăn ra ngủ.
Bảo Ngọc, Tương Vân trông thấy bọn a
hoàn để những hộp bánh ở trên hòn đá, có đứa ngồi trên hòn đá, có đứa ngồi dưới
đất, có đứa dựa vào cây, có đứa ngồi trên bờ hồ, rất là thỏa thích. Một lúc,
Uyên Ương đến dắt già Lưu, mọi người lại đều theo đi dạo chơi. Đi đến dưới bức
hoành có bốn chữ “Tinh thân biệt thự”7, già Lưu nói:
Úi chà! Có ngôi đền lớn thế này kia à!
Già liền cúi đầu lạy. Mọi người cười
ngặt nghẹo. Già Lưu hỏi:
Cười cái gì thế? Những chữ ở trên bức
hoành này tôi đọc được cả. Ở nhà quê chúng tôi có nhiều đền miếu, cũng có bức
hoành như thế này. Chữ này là tên cái đền đây.
Mọi người cười hỏi:
Bà biết đây là đền gì?
Già Lưu ngẩng đầu lên trỏ vào chữ nói:
Đây không phải là “Ngọc Hoàng bảo điện”
à!
Mọi người vỗ tay cười ầm lên. Họ đương
định làm trò cười nữa. Nhưng già Lưu thấy bụng sôi sùng sục, vội kéo một a hoàn
nhỏ, bảo lấy vài tờ giấy rồi cởi quần ra. Mọi người vừa cười vừa quát:
Chỗ này không đi được đâu!
Liền sai một bà già đưa già Lưu đi về
phía đông bắc. Bà già trỏ chỗ cho già Lưu, rồi lẩn đi một nơi.
Già Lưu uống nhiều rượu, không hợp với
tỳ vị, lại ăn nhiều đồ mỡ, đâm khát, uống nhiều nước trà nên đi lỏng, phải ngồi
mất lúc lâu. Khi ở nhà xí ra, lại bị gió. Hơn nữa, tuổi già, nên vừa đứng dậy,
bà đã mắt hoa đầu váng, không nhận được lối đi. Nhìn chung quanh chỗ nào cũng
cây cối um tùm, nhà cửa san sát, bà không tìm ra lối về, đành lững thững đi
theo con đường đá. Khi đến trước một căn nhà, bà nghĩ bụng: “Ở đây cũng có giàn
đậu à?” Liền theo hàng rào hoa đi vào một cái cửa tròn, thấy trước mặt có cái
ao, bờ xây đá, rộng độ bảy tám thước, sông biếc nước trong, trên có cái cầu đá
trắng bắc ngang.
Già Lưu trèo lên cầu, đi theo đường
đá, quanh mấy vòng đến một ngôi nhà, liền đi vào, thấy một em gái bé đứng đó, hớn
hở cười. Già Lưu vội cười nói:
Các cô bỏ tôi để tôi lần mò mãi mới đến
đây.
Em bé chẳng trả lời gì cả. Già Lưu chạy
lại nắm lấy tay nó, “chát” một tiếng, bà vấp phải bức ván, bươu cả đầu. Nhìn kỹ
hóa ra một bức vẽ. Già Lưu nghĩ bụng: “Bức vẽ sao lại nổi lên thế này?” Liền sờ
tay thấy phẳng lì. Già Lưu gật đầu thở dài một tiếng rồi quay người đi đến một
cái cửa nhỏ, trên treo rèm lụa màu xanh cải hoa. Già Lưu vén rèm đi vào, ngẩng
đầu nhìn, bốn bên tường vách lộng lẫy, đàn, gươm, lư hương, bình hương, đều đặt
vào lòng tường; lồng gấm, chao lụa, vàng ngọc sáng choang, cả gạch lát cũng đều
chạm hoa xanh làm hoa cả mắt. Già Lưu lần cửa đi ra, nhưng nào có thấy? Bên
trái đặt giá sách, bên phải đặt bình phong. Lần sau bình phong mới thấy một cái
cửa, có một bà già ở trước mặt đi tới. Già Lưu lấy làm lạ, trong bụng hoảng lên
đoán chừng: “Có lẽ là bà thông gia chăng?” Liền hỏi: "Bà cũng đến đấy à?
Chắc thấy tôi đi mấy hôm nay không về, nên phiền bà phải đi tìm! Cô nào dẫn bà
đến đây thế?" Thấy bà già ấy chỉ cười mỉm, già Lưu cười nói: “Bà thật chả
ra ngoài bao giờ, thấy vườn đây có hoa đẹp, là cố sống cố chết cắm đầy cả đầu”.
Bà già vẫn không nói câu gì. Già Lưu
nghĩ ngay: “Thường nghe nói các nhà giàu sang có tấm gương để mặc áo, có lẽ
mình đứng ở trước gương hay sao đây?” Liền giơ tay ra sờ, và nhìn kỹ thì chính
là bức vách chạm bóng bốn mặt và lắp gương giữa. Già Lưu bỗng cười lên rồi nói:
“Thế này thì đi ra thế nào được?”
Cái gương này có nút bấm, có thể đóng
mở được, không ngờ già Lưu sờ đúng vào chỗ bấm, cái gương gạt sang một bên, hé
ra một cái cửa.
Già Lưu mừng mừng sợ sợ, chạy ra. Chợt
thấy một cái giường rất lịch sự đặt đó. Lúc này già Lưu hãy còn say rượu, đi
mãi đã mệt, liền ngồi thịch xuống giường, định nghỉ một lát, không ngờ mệt quá,
hai mắt lim dim, hễ mở ra là nó díp lại, vừa ngả người xuống, bà đã ngủ thiếp
ngay trên giường.
Mọi người chờ mãi không thấy già Lưu về,
thằng Bản cứ khóc ầm lên. Ai nấy đều cười nói:
Hay bà ấy rơi vào trong chuồng xí rồi?
Phải sai người đi tìm xem.
Hai bà già đi tìm về nói: “Không thấy
đâu cả”. Mọi người đều chia các ngả đi tìm. Tập Nhân nói:
Chắc là bà ấy say rượu, đi lạc đường.
Nếu theo con đường này bà ấy sẽ lạc vào nhà sau đến giàn hoa, lần theo cửa sau,
thế nào đám hầu nhỏ cũng biết, không đi theo lối giàn hoa, lại đi về phía tây
nam, bà ấy quanh ra thì chớ, bằng không sẽ vẫn lẩn quẩn ở đấy! Tôi phải đi tìm
xem sao?
Tập Nhân trở về viện Di Hồng, gọi bọn
hầu nhỏ, chúng đều lẻn đi chơi cả.
Già Lưu sau rượu ngủ nhầm phòng Bảo Ngọc |
Tập Nhân đi vào cửa buồng, vòng qua bức ngăn bằng gấm, nghe tiếng gáy khò khò, vội chạy lại, ngửi thấy hơi rượu sặc sụa. Nhìn vào nhà, thấy già Lưu đương dang tay, ruỗi chân nằm ngủ trên giường. Tập Nhân sợ quá, chạy vào lay lấy lay để. Già Lưu giật mình tỉnh dậy, trố mắt nhìn, thấy Tập Nhân, liền loạng choạng bò dậy nói:
Cô ơi! Tôi đáng chết! May chưa làm bẩn
giường. Rồi lấy tay phẩy giường.
Tập Nhân sợ Bảo Ngọc biết, xua tay bảo
già Lưu không được nói, vội lấy ba bốn nắm hương bách hợp bỏ vào cái đỉnh gần đấy
rồi đậy nắp lại. May mà già Lưu không nôn ra đấy. Tập Nhân khẽ cười bảo:
Không việc gì đâu, có tôi đây. Già
theo tôi ra ngoài này.
Ra đến buồng bọn hầu trẻ. Tập Nhân bảo
già Lưu ngồi đấy rồi dặn:
Bà cứ nói là say rượu, nằm ngủ gật
trên hòn đá, thế là được.
Già Lưu vâng lời. Tập Nhân lại cho uống
hai chén nước trà, già Lưu mới tỉnh rượu, liền hỏi:
Chỗ ấy là buồng thêu của cô nào mà lịch
sự thế? Khác nào được lên trời vậy! Tập Nhân mỉm cười nói:
Buồng ấy à? Là buồng ngủ của cậu Bảo đấy.
Già Lưu sợ quá không dám nói nữa. Tập
Nhân đưa già Lưu đi ra đằng trước, gặp mọi người chỉ nói: “Bà ấy ngủ ở trên bãi
cỏ, tôi đưa về đây”.
Mọi người đều không để ý đến.
Chú
thích.
[←1]
Lông
mày ông già, tức là trà búp trắng như tuyết.
[←2]
Chén
hình quả bầu.
[←3]
Đồ
chơi quý của Vương Khải ngày xưa.
[←4]
Tháng
tư năm Nguyên phong thứ năm đời Tống, ông Tô Thức người ở My Sơn tìm thấy trong
bí phủ.
[←5]
Có
tâm linh thông cảm với nhau. Kiều: một thứ chén xưa hơi lớn hơn cái chén uống
rượu.
[←6]
Chữ
trong kinh phật, nghĩa là: tăng tục đều bình đẳng với nhau.
[←7]
Xem
chú thích hồi 17.
[←8]
Nguyên
văn là “Khả xảo”, già Lưu nghe vậy mới đặt tên là “Xảo Thư”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét