HỒI 78.
Thèm của lạ
Khi Ôn Tú tài hổ thẹn dọn nhà về nơi ở cũ thì Tây Môn Khánh cho sửa sang thư phòng của Ôn Tú tài làm thêm nơi tiếp khách.
Một hôm Thượng Cử nhân tới chào Tây
Môn Khánh để lên đường tới kinh dự kỳ thi hội, Tây Môn Khánh nhân đó nói:
– Hai thân thích của tôi là Kiều Đại hộ
và Vân Lý Thử, người thì được chức hàm, người thì được kế tập quan chức của tổ
tiên, các quan ở đây muốn có hai áng văn chúc mừng, phiền tiên sinh múa bút viết
giùm, sẽ lễ hậu để tạ ơn, chẳng hay tiên sinh nghĩ sao?
Thượng Cử nhân cười:
– Lão gia nói gì tới lễ với ơn, có điều
vãn sinh bận rộn, hiện vãn sinh có người bạn đồng song họ Nhiếp, tài học hơn
vãn sinh rất nhiều, để vãn sinh nói với ông ta viết văn chúc mừng hầu lão gia.
Tây Môn Khánh hết lời cảm tạ. Sau vài
tuần trà, Thượng Cử nhân ra về. Tiễn khách xong, Tây Môn Khánh sai lấy ít lụa
và năm tiền, sai Cầm Đồng đem tới nhà Thượng Cử nhân gọi là tiền giấy bút.
Hai hôm sau thì Thượng Cử nhân nhờ người
viết xong, hai áng văn chúc mừng được viết trên lụa, văn chương bóng bẩy, nét
chữ như rồng bay phượng múa, Tây Môn Khánh cho treo trên tường thư phòng mà ngắm,
trong lòng vui vẻ lắm.
Lát sau Bá Tước tới hỏi thăm:
– Việc vui mừng của Kiều Đại hộ và Vân
chỉ huy tính thế nào đây? Văn chúc mừng đã có chưa? Còn Ôn tiên sinh đâu, sao mấy
hôm nay không thấy?
Tây Môn Khánh bảo:
– Còn nhắc tới Ôn tiên sinh làm gì nữa
cho thêm phiền, thật là mặt người dạ thú.
Rồi kể hết chuyện bậy bạ của Ôn tiên
sinh cho Bá Tước nghe, Bá Tước nghe xong bảo:
– Tôi biết ngay mà, Ôn tiên sinh là
người ăn nói ba hoa, tính tình phóng lãng, may mà đại ca biết chứ không thì hắn
phá hoại nhà này rồi. Nhưng còn văn chúc mừng nhị vị tân quan thì nhờ ai làm
bây giờ?
Tây Môn Khánh đáp:
– Hôm kia Thượng Cử nhân có tới chào
tôi để tới kinh thi hội, tôi có nói chuyện này thì Thượng Cử nhân nói là có người
bạn họ Nhiếp rất giỏi văn chương, do đó nhờ Nhiếp tiên sinh làm giùm. Hiện hai
áng văn đã làm xong, để nhị ca coi thử xem thế nào.
Nói xong dẫn Bá Tước vào thư phòng, chỉ
cho xem hai bài văn viết trên lụa treo ở tường. Bá Tước vừa ngắm nhìn vừa khen
tặng luôn miệng, đoạn nói:
– Như vậy thì tốt đẹp lắm rồi, đại ca
nên cho người đem đến Kiều Đại hộ và Vân chỉ huy ngay cho họ mừng.
Tây Môn Khánh nói:
– Ngày mai tốt ngày, sẽ cho đem đi.
Đang nói chuyện, thì Cầm Đồng vào
thưa:
– Có con trai của Hạ lão gia tới chào
từ biệt để mồng sáu này lên đường về kinh. Tôi nói là gia gia vắng nhà, nên đã
gửi thiếp lại.
Nói xong đưa thiếp lên. Tây Môn Khánh
cầm xem, thấy viết: “Vãn sinh Hạ Thừa Ân cúi đầu lạy chào từ biệt”. Xem
xong bảo Cầm Đồng:
– Nói với cậu Kính Tế viết thiếp rồi
mua ngay lễ vật đem tới nhà Hạ lão gia.
Đoạn giữ Bá Tước ở lại thư phòng ăn
cơm. Bỗng thấy Bình An tất tả chạy vào trình ba tấm thiếp rồi thưa:
– Các lão gia Uông Gia Nghị, Lôi Binh
bị và An Lang trung tới.
Tây Môn Khánh liếc mắt, thấy các tấm
thiếp ghi: “Uông Bá Nhan, Lôi Khải Nguyên và An Thầm kính bái”, vội
mặc áo đội mũ đeo đai chuẩn bị nghênh tiếp. Bá Tước thấy vậy nói:
– Thôi, đại ca bận rộn, để tôi về.
Tây Môn Khánh gật đầu:
– Ngày mai mình gặp nhau vậy.
Nói xong bước ra nghênh tiếp ba vị đại
quan lên đại sảnh thi lễ. Mọi người uống trà nói chuyện. An Lạng trung nói:
– Hôm nay chúng tôi tới đây là để làm
phiền đại nhân. Nguyên là Triệu Đại doãn ở Chiết Giang vừa được thăng Đại lý Tự
thừa, chúng tôi muốn nhờ đại nhân đãi tiệc giùm, tiệc định vào ngày mồng chín
này, cả chủ lẫn khách cộng chừng năm bàn, đoàn hát thì vãn sinh sẽ gọi tới, chẳng
hay tôn ý thế nào.
Tây Môn Khánh đáp:
– Các đại nhân đã dạy thì vãn sinh xin
quét dọn nhà cửa để đón chờ.
An Lạng trung mừng lắm, sai thư lại
đưa lên ba lạng bạc, gọi là phần đóng góp của ba người. Tây Môn Khánh sai gia
nhân thâu nhận. Chuyện trò một lát, ba người cáo từ. Tây Môn Khánh tiễn ra. Lúc
sắp về, Lôi Binh bị hỏi Tây Môn Khánh:
– Hôm trước, nhận được thư của Tiền
lão gia, nói cha con họ Tôn là người của đại nhân, nên tôi đã cho thả ra ngay,
chẳng hay họ đã thưa lại chuyện đó chưa?
Tây Môn Khánh đáp:
– Dạ đã, cảm tạ đại nhân phí tâm lo
cho, ngày khác xin tới tạ.
Lôi Binh bị nói:
– Đại nhân và tôi là chỗ tương giao,
sao lại nói vậy?
Nói xong cùng An, Uông, hai người vái
chào Tây Môn Khánh, lên kiệu mà về.
Nói về bữa tiệc trước, đáng lẽ Ngọc
Lâu đứng ra lo liệu, nhưng lại để cho Kim Liên lo. Kim Liên nắm tiền bạc trong
tay, phân phát cho gia nhân mua bán. Gia nhân mua xong, tiền dư đưa lại, nhưng
Kim Liên không đếm, lại để cho Xuân Mai đếm. Chẳng hiểu Xuân Mai đếm thừa thiếu
thế nào mà bị một gia nhân mắng cho như tát nước vào mặt. Xuân Mai làm ầm lên,
và gia nhân này bị Tây Môn Khánh đánh đòn. Do đó các gia nhân trong nhà oán Kim
Liên và ghét Xuân Mai lắm, thường bảo nhau:
– Việc tiền bạc chỉ có Tam nương là
đàng hoàng.
Nay lại nói, hôm sau, sau khi ở nha
môn ra, Tây Môn Khánh hỏi, Hà Thiên hộ đáp:
– Thưa vâng, hôm qua bên đó đã cho người
tới nói rồi, vãn sinh cũng đã cho gia nhân tới coi nhà.
Tây Môn Khánh bảo:
– Nếu vậy thì quan anh cùng tôi qua
bên đó coi lại nhà cửa xem sao.
Nói xong cùng Hà Thiên hộ cưỡi ngựa tới
nhà Hạ chỉ huy. Người và đồ đạc trong nhà đã đi hết. Vài gia nhân chạy ra lạy
chào. Hai người xuống ngựa tiến vào đại sảnh, sau đó Tây Môn Khánh dẫn Hà Thiên
hộ đi xem xét một vòng trong ngoài khu nhà, rồi vòng ra phía trước nơi có vườn
và nhà mát nhưng khung cảnh xác xơ. Tây Môn Khánh bảo:
– Sau này rồi quan anh cũng nên cho trồng
hoa cỏ cho tươi tốt và sửa sang lại ngôi nhà mát này, như vậy là đẹp ngay.
Hà Thiên hộ nói:
– Nhất định là vậy rồi, ngoài ra vãn
sinh sẽ cho làm thêm ba gian nhà mát nữa. Ra giêng sẽ khởi sự, xong xuôi là phải
thỉnh đại nhân tới khánh thành.
Hai người xem xét một hồi nữa rồi Tây
Môn Khánh cáo từ. Hà Thiên hộ dặn dò gia nhân quét dọn trong ngoài sạch sẽ đóng
các cổng ngõ, rồi trở về nha môn, viết thư cho gia đình ở kinh. Hôm sau thì Hà
Thiên hộ sai dọn hành lý về nhà ở trước.
Tây Môn Khánh về tới nhà thì đã thấy
Hà Cửu đem lễ vật tới tạ ơn, gồm một xấp lụa, bốn món đồ ăn, và một vò rượu.
Lưu Thái giám cũng sai người đem lễ tới, gồm chục cân nếp tốt, ít trầm hương, một
vò rượu nhà làm và một con lợn. Gia nhân họ Lưu lạy chào mà thưa:
– Công công chúng tôi nói là có chút lễ
mọn này để lão gia thưởng cho người dưới.
Tây Môn Khánh nói:
– Thật quấy rầy lão công quá.
Đoạn sai Cầm Đồng đem rượu ra mời gia
nhân họ Lưu, lại thưởng cho năm tiền và bảo đem hồi thiếp về. Gia nhân họ Lưu uống
rượu, nhận tiền và thiếp rồi lạy chào ra về.
Đến lượt Hà Cửu bước lên thềm đại sảnh
lạy chào mà thưa:
– Nhờ ơn trời biển của lão gia, thằng
em tôi được cứu sống, ơn đó chúng tôi nguyện ghi khắc không quên, nay có chút lễ
mọn để tỏ lòng tri ân, xin lão gia nhận cho.
Nói xong lại bước tới gần, xin được lạy
tạ ơn, nhưng Tây Môn Khánh đã nâng dậy mà bảo:
– Lão Cửu à, lão chẳng gì cũng là người
cũ của ta, chẳng nên làm vậy.
Nói xong mời ngồi. Hà Cửu đứng chắp
tay thưa:
– Chúng tôi là người hèn mạt, đâu dám
vô lễ như vậy, xin lão gia cho đứng thế này là tốt rồi.
Tây Môn Khánh cũng đứng, bảo gia nhân
rót trà mời rồi nói:
– Lão phí tâm đem lễ lại như thế này,
ta thật không bằng lòng đâu, thôi để ta xin vò rượu vậy, còn lụa và đồ ăn thì
lão đem về.
Hà Cửu tạ ơn một hồi rồi lạy chào, đem
lễ vật còn thừa về.
Tây Môn Khánh sai soạn lễ vật, rồi bảo
Đại An đem lễ và văn chúc mừng đến cho Kiều Đại hộ và Vương Kinh đem đến cho
Vân chỉ huy.
Lát sau Đại An về thưa là được Kiều Đại
hộ thưởng năm tiền. Vương Kinh về thưa là được Vân chỉ huy cho uống trà và thưởng
một xấp vải xanh, một đôi hài vải, đoạn đưa thiếp của Vân chỉ huy lên mà nói:
– Vân chỉ huy cảm tạ gia gia, và nói rằng
ngày khác sẽ thỉnh gia gia tới dùng tiệc.
Tây Môn Khánh hài lòng lắm, quay vào
phòng Nguyệt nương ăn cơm, nhân đó nói với vợ:
– Bôn Tứ đi rồi, Ngô Nhị cữu hiện đang
trông nom việc bán hàng tại cửa tiệm ở đường Sư Tử. Hôm nay tôi cũng rảnh rang,
lát nữa tôi tới đó xem sao.
Nguyệt nương bảo:
– Chàng ra tiệm, nếu cần rượu và món
ăn thì sai gia nhân về lấy.
Tây Môn Khánh đáp:
– Được rồi, có gì tôi sẽ cho gia nhân
về.
Nói xong ngồi xuống ăn cơm. Sau đó sai
chuẩn bị ngựa, rồi mặc áo lam, đi hài phấn, đội khăn trung tĩnh, tới cửa tiệm ở
đường Sư Tử. Đại An và Cầm Đồng theo hầu.
Tới nơi, thấy Ngô Nhị cữu và Lai Chiêu
đang bán hàng túi bụi, nhân buổi cuối năm, người ra vào mua bán tấp nập, hai
người chẳng lúc nào ngừng tay. Tây Môn Khánh xuống ngựa, đi thẳng vào phòng
trong. Ngô Nhị cữu bước vào vái chào rồi nói:
– Như thế này thì một ngày lời ít ra
là ba chục lạng.
Tây Môn Khánh gọi Lai Chiêu vào bảo:
– Phải có riêng một thằng nhỏ lo việc
cơm nước cho Nhị cữu tử tế, không được sơ sót.
Lai Chiêu gọi vợ vào chào Tây Môn
Khánh, Vợ Lai Chiêu thưa:
– Việc cơm nước của Nhị cữu do chính
tôi lo, quả là không dám lơ là sơ sót.
Tây Môn Khánh nhìn ra ngoài trời, thấy
âm u, mây đen kéo về, gió lạnh nổi lên, làm như sắp có tuyết, tự nhiên muốn đến
với Ái Nguyệt, bèn hỏi Cầm Đồng:
– Mau về nhà thưa với Đại nương là cho
đem rượu và đồ ăn tới cho Nhị cữu, rồi đem cái áo cừu tới cho ta.
Cầm Đồng lên ngựa về nhà. Lát sau đem
áo trở lại, hai gia nhân khác cũng đem rượu thịt tới. Tây Môn Khánh ngồi xuống
với em vợ vài chén rượu, rồi đứng lên bảo:
– Nhị cữu đêm nay nghỉ lại đây cho tiện,
cần cái gì thì bảo chúng nó, bây giờ thì tôi về nhà.
Nói xong lên ngựa cùng hai gia nhân tới
nhà Ái Nguyệt. Ra tới ngoài thì trời bắt đầu xuống tuyết, những bông tuyết bay
lả tả trên không. Tây Môn Khánh đội tuyết mà đi.
Tới nơi, Tây Môn Khánh xuống ngựa
ngoài cổng. Một a hoàn chạy vào báo:
– Lão gia tới.
Nói xong chạy ra mở cổng. Trịnh bà hoảng
lên, vội bước ra nghênh tiếp vào phòng khách thi lễ, đoạn nói:
– Hôm trước, tiện nữ đã được trọng thưởng,
lão gia còn cho quà nữa. Tiện nữ cũng khoe là được Đại nương và Tam nương thưởng
khăn tay.
Tây Môn Khánh nói:
– Tôi cũng quấy rầy Nguyệt Thư nhiều lắm
chứ.
Nói xong ngồi xuống ghế, gọi Đại An
vào bảo:
– Đem ngựa buộc vào ở đằng sau.
Trịnh bà nói:
– Ái Nguyệt nó tưởng là lão gia tới
hôm qua nên cứ ra vào chờ đợi suốt cả ngày, đến đêm buồn phiền không ngủ được
nên dậy trễ, cả ngày hôm nay nó cũng ngủ, nghe nói lão gia tới nên vội thức dậy,
hiện đang chải đầu. Xin thỉnh lão gia vào trong cho đỡ lạnh.
Tây Môn Khánh theo Trịnh bà vào phòng
trong. Không khí ấm áp hẳn lên nhờ lò sưởi và nhờ cách bài trí ấm cúng trong
phòng. Ái Hương bước ra lạy chào và mời trà. Lát sau Ái Nguyệt mới ra, trang điểm
lộng lẫy, tươi cười lạy chào rồi nói:
– Hôm nọ Đại nương giữ lại lâu quá, về
tới nhà thì đã canh ba.
Tây Môn Khánh cũng cười:
– Hôm đó nàng làm gì mà cùng Quế Thư tấn
công Ứng nhị gia quá vậy?
Ái Nguyệt cong cớn:
– Ai bảo ông ta cứ trêu chọc chúng
tôi, giữa bữa tiệc mà cứ đùa giỡn làm tổn thương người ta. Hôm đó Chúc gia đã
say quá, lại bắt chước Ứng gia trêu chọc chúng tôi nữa chứ.
Tây Môn Khánh nói:
– Nhắc tới Chúc gia ta mới nhớ, ta
nghe nói là hôm qua Chúc gia lại họp mặt với Vương Tam, mời Vinh Kiều tới vui
chơi phải không?
Ái Nguyệt nói:
– Đâu dám gọi Vinh Kiều về nhà, mà là
tới nhà Vinh Kiều ở suốt ngày đêm, hôm nay thì nghe đâu là đang ở nhà Trần Ngọc
Chi.
Qua vài tuần trà, Ái Nguyệt nói:
– Ngoài này vẫn còn lạnh lắm, thỉnh
gia gia vào phòng tôi cho ấm.
Nói xong dẫn Tây Môn Khánh vào phòng
riêng, cởi áo cừu cho Tây Môn Khánh rồi chuốc rượu.
ảnh 78a
Uống thêm vài chung nữa, Tây Môn Khánh
nói:
– Thôi, ta uống nhiều quá rồi, hồi nãy
đang uống rượu ngoài tiệm, thấy trời lạnh nhớ nàng mà đến thăm. Vừa ra tới đường
thì tuyết xuống.
Ái Nguyệt nói:
– Gia gia tới chẳng hẹn trước gì cả,
tôi cứ tưởng hôm qua gia gia tới chứ, nào ngờ chờ cả một ngày không thấy, hôm
nay không thèm chờ nữa thì gia gia lại tới.
Tây Môn Khánh cười:
– Hôm qua có mấy vị quan tới thăm, bận
quá, làm sao đến được.
Ái Nguyệt bảo:
– Tôi hỏi gia gia nhé, gia gia xem đâu
có lông điêu, mua cho tôi để tôi cài mũ đi.
Tây Môn Khánh nói:
– May quá vừa rồi có người cho ta ít
lông điêu thứ sản xuất tận Liêu Đông, các nương nương ở nhà người nào cũng có
mũ lông điêu, để ta bảo làm một cái tặng nàng.
Ái Hương ở ngoài bước vào nghe vậy liền
nói:
– Cái gì gia gia cũng chỉ lo cho nó,
còn tôi thì chẳng có gì.
Tây Môn Khánh cười:
– Nếu vậy thì hai chị em mỗi người một
cái.
Hai chị em vội đứng dậy vái tạ rồi ngồi
xuống. Tây Môn Khánh dặn:
– Nhưng mà đừng nói lại với Quế Thư và
Ngân Thư làm gì.
Ái Hương đáp:
– Chúng tôi biết rồi, gia gia khỏi dặn.
Hôm nọ chúng tôi tới hát hầu gia gia mà Quế Thư cũng biết, sau đó hỏi tôi. Tôi
không giấu, nói rằng hôm đó bốn người chúng tôi được gọi, nhưng vì trong tiệc
có Vương Tam nên gia gia không tiện cho gọi thư thư. Nghe tôi nói xong, Quế Thư
im lặng.
Tây Môn Khánh bảo:
– Nàng trả lời như vậy là tốt lắm.
Cũng như Lý Minh đó, ta có cho gọi đâu, sau phải nhờ Ứng nhị gia tới nói khó với
ta, ta mới cho gọi đấy chứ. Còn Quế Thư thì ta cứ mặc kệ. Mãi tới hôm sinh nhật
Tam nương, Quế Thư mới đem lễ tới, rồi khóc lóc xin lỗi ta, lại nhờ các nương
nương nói giùm. Ta cho lui tới nhưng không hậu đãi như trước nữa. Hôm nọ ta giữ
Ngân Nhi ở lại một đêm rồi hôm sau trọng thưởng để cho Quế Thư nó mở mắt ra.
Ái Nguyệt nói:
– Chết không, tôi không được biết sinh
nhật của Tam nương thành thử không tới lạy mừng được.
Tây Môn Khánh bảo:
– Không biết thì có gì đáng trách. Hôm
nào ta đãi tiệc thì nàng nhớ gọi Ngân Nhi cùng đến.
Ái Nguyệt đáp:
– Gia gia dặn, tôi xin nhớ.
Nói xong bày bài ra, ba người đánh bài
giải trí trong khi đó a hoàn bày rượu thịt. Tiệc bày xong, hai chị em ngồi hai
bên lả lơi chuốc rượu cho Tây Môn Khánh. Rồi sau đó hai chị em thay phiên nhau
kẻ chuốc rượu người đàn hát, thanh sắc nồng nàn khiến Tây Môn Khánh cảm thấy ngất
ngây. Bỗng Tây Môn Khánh chú ý tới bức tranh mỹ nhân treo gần giường Ái Nguyệt,
trên đó có đề mấy câu:
“Ngọc tuyết tinh thần như Trọng Diễm,
Quỳnh Lâm tài mạo vượt Văn Quân.”
Bên dưới đề mấy chữ “Tam Tuyền
chủ nhân tùy bút”, Tây Môn Khánh đọc xong cau mày hỏi:
– Tam Tuyền là hiệu của Vương Tam phải
không?
Ái Nguyệt thất sắc, vội nói chữa:
– Thưa không, mấy câu thơ này là do Vương
Tam làm từ lâu lắm rồi, bây giờ Vương Tam không lấy hiệu là Tam Tuyền nữa, mà lấy
hiệu là Tiểu Hiên. Vương Tam nói cho mọi người biết rằng, hiệu của gia gia là Tứ
Tuyền, nên hắn không dám lấy hiệu là Tam Tuyền nữa, sợ xúc phạm tới gia gia, do
đó mới đổi là Tiểu Hiên.
Nói xong đứng dậy lấy bút xóa mấy chữ
“Tam Tuyền tùy bút” đi. Tây Môn Khánh hài lòng lắm, cười bảo:
– Vậy mà ta chưa biết chuyện hắn đổi
hiệu đấy.
Ái Nguyệt nói:
– Thì tôi cũng nghe người ta nói lại
nên mới biết đấy chứ. Nghe nói phụ thân hắn hiệu là Dật Hiên, nên hắn đổi hiệu
là Tiểu Hiên.
Nói vài câu nữa thì Ái Hương kiếm cớ
ra ngoài để một mình Ái Nguyệt tiếp Tây Môn Khánh, hai người kề vai áp má uống
rượu trò chuyện. Tây Môn Khánh nói:
– Hôm trước Lâm thái thái bày tiệc mời
ta tới rồi gọi Vương Tam vào, bảo lạy ta, nhận ta làm nghĩa phụ. Vương Tam lạy
xong, Lâm thái thái còn khẩn khoản nhờ ta dạy dỗ Vương Tam nữa.
Ái Nguyệt vỗ tay cười:
– Như vậy là gia gia đã chiếm được Lâm
thái thái rồi phải không? Toàn là công lao của tôi cả đấy nhé, tôi nói có sai
đâu. Rồi nay mai vợ Vương Tam cũng thuộc về gia gia cho mà coi.
Tây Môn Khánh bảo:
– Để hôm nào ta cũng phải có lễ tạ Lâm
thái thái mới được. Rồi ra giêng sẽ mời Lâm thái thái và vợ Vương Tam tới nhà
ta xem đèn thưởng tiết Nguyên Tiêu, để xem vợ Vương Tam có chịu đi hay không.
Ái Nguyệt nói:
– Chịu chứ sao không, gia gia chưa thấy
đó thôi, vợ Vương Tam quả là trang sắc nước hương trời, muôn phần kiều diễm yểu
điệu, năm nay mới mười chín tuổi mà sống trong nhà như một bà goá, bởi vì Vương
Tam có bao giờ ở nhà đâu. Gia gia chịu khó bỏ công phu thì thế nào cũng chiếm
được.
Uống rượu chuyện trò một lúc nữa, Tây
Môn Khánh gọi Đại An vào hỏi:
– Đã có đèn và dù chưa?
Đại An thưa:
– Cầm Đồng đã về nhà lấy rồi.
Tây Môn Khánh đứng dậy cáo từ. Ái Nguyệt
nũng nịu nắm tay dẫn ra ngoài. Tây Môn Khánh lên ngựa. Cầm Đồng cầm đèn, Đại An
che dù. Ái Nguyệt dặn:
– Lúc nào gia gia nhớ tôi thì cứ đến
nhé.
Tây Môn Khánh đáp:
– Biết rồi, khỏi dặn.
Nói xong, chủ tớ ra về. Tới nhà, gặp
Nguyệt nương, Tây Môn Khánh nói dối là uống rượu với Ngô Nhị cữu tại tiệm, bây
giờ mới về. Đêm đó Tây Môn Khánh nghỉ lại với Nguyệt nương.
Hôm sau là ngày mồng tám, Tây Môn
Khánh nghe nói là Hà Thiên hộ đã đem hành lý về nhà mới, liền sai gia nhân đem
bốn quả đựng thực phẩm và trà lại tặng.
Lát sau, thì Bá Tước đội tuyết mò đến.
Tây Môn Khánh thấy trời gió lớn lạnh quá, bèn giữ Bá Tước ở lại ăn cháo uống rượu.
Hai người trò chuyện bên lò sưởi, Tây Môn Khánh bảo:
– Lễ mừng Kiều thân gia và Vân chỉ huy
hôm qua tôi đã cho đem đi rồi, tôi lại lo luôn cho phần của nhị ca, như vậy nhị
ca khỏi phải lo gì nữa, cứ đợi ngày được mời đi dự tiệc mà thôi.
Bá Tước hết lời cảm tạ rồi hỏi:
– Hôm qua An đại nhân tới đây có chuyện
gì vậy? Hai vị quan cùng đi là ai thế?
Tây Môn Khánh đáp:
– Hai người cùng đi với An đại nhân
thì một người là quan Binh bị họ Lôi, một người là quan Tham nghị họ Uông, đều
là người Chiết Giang. Ba người tới đây là để nhờ tôi bày tiệc khoản đãi vị Tri
phủ họ Triệu ở Hàng Châu vừa được thăng chức Đại lý Tự thừa và đổi về kinh. An
đại nhân nhờ vả chẳng lẽ tôi không nhận lời, nhưng họ đưa tiền làm tiệc mà chỉ
có ba lạng bạc.
Bá Tước nói:
– Mấy ông quan văn mà chẳng lẽ lại
nghèo thế hay sao? Ba lạng thì sao đủ, đại ca chắc là phải bù thêm nhiều lắm.
Tây Môn Khánh nói:
– Lôi Binh bị lại là vị quan đã thả
cha vợ và em vợ Hoàng Tứ lúc trước, hôm qua ông ta cũng nhắc tới chuyện đó, bảo
là không ghép tội gì cả.
Bá Tước nói:
– Chỗ quen biết giúp đỡ như vậy thì đại
ca cũng nên bày tiệc giúp lại họ.
Nói chuyện một lúc thì Bá Tước gọi gia
nhân của mình:
– Ứng Bảo, ngươi bảo người đó tới lạy
chào lão gia đây đi.
Tây Môn Khánh ngạc nhiên:
– Người nào vậy?
Bá Tước đáp:
– À, thằng nhỏ này trước kia cũng là
con nhà tử tế, nhưng cha mẹ mất sớm, từ nhỏ ở trong nhà Vương Hoàng thân làm việc
lặt vặt, nó cũng đã có vợ nhưng vừa có chuyện bất hòa với đám gia nhân họ Vương
nên đã xin ra. Hiện nó thất nghiệp, chẳng có công ăn việc làm gì cả, nó lại là
bạn của thằng Ứng Bảo bên tôi, nên mới nhờ Ứng Bảo tìm cho việc làm. Ứng Bảo
thưa với tôi là để xin cho bạn nó và hầu hạ đại ca bên này, nhưng tôi có nói là
chẳng hiểu đại ca có dùng hay không.
Đoạn quay ra hỏi Ứng Bảo:
– Bạn mày nó tên gì?
Ứng Bảo đáp:
– Nó là Lai Hữu.
Nói xong ra gọi Lai Hữu vào. Lai Hữu lạy
chào Tây Môn Khánh rồi lui ra một bên chắp tay đứng chờ đợi. Bá Tước chỉ Lai Hữu
nói:
– Đại ca thấy người ngợm nó cũng được
đấy chứ.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Ngươi bao nhiêu tuổi?
Lai Hữu đáp:
– Thưa, tôi hai mươi.
Tây Môn Khánh lại hỏi:
– Mày có vợ nhưng đã có con chưa?
Lai Hữu đáp:
– Chúng tôi chỉ có hai vợ chồng.
Ứng Bảo đứng bên nói vào:
– Chẳng giấu gì lão gia, vợ nó mới mười
chín tuổi, người có nhan sắc mà vá may nấu nướng cái gì cũng giỏi.
Tây Môn Khánh nhìn Lai Hữu một hồi, thấy
có vẻ chất phát thật thà bèn hỏi:
– Nhị gia đây đã thương ngươi mà nói với
ta thì ngươi nên hết lòng hầu hạ ta. Thôi, để chờ ngày tốt, tới làm giấy rồi vợ
chồng ngươi dọn tới đây mà ở.
Lai Hữu vội sụp lạy bốn lạy. Tây Môn
Khánh bảo Cầm Đồng:
– Ngươi dẫn Lai Hữu vào trong cho nó lạy
chào Đại nương và các nương nương.
Sau khi Lai Hữu vào lạy chào, Nguyệt
nương cho vợ chồng Lai Hữu ngụ tại căn nhà của vợ chồng Lai Vượng trước.
Ngoài này, Bá Tước ngồi một lúc nữa rồi
cáo từ.
Lai Hữu làm giấy đầu thân có Ứng Bảo đứng
ra bảo lãnh rồi giao giấy cho Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh đổi tên Lai Hữu
thành Lai Tước.
Lại nói về đám gia nhân được Tây Môn
Khánh tin dùng như Đại An, Bình An, Họa Đồng, Cầm Đồng thường được vợ Bôn Tứ mời
tới nhà uống trà uống rượu, lâu dần thành quen, những khi Bôn Tứ ở ngoài tiệm về,
thấy vậy cũng chẳng nói gì. Thời gian Bôn Tứ đi vắng, nhiều hôm đám gia nhân
này tới nhà Bôn Tứ uống rượu đến đêm. Trong khi chén chú chén anh, chuyện gì
cũng được đem ra nói, kể cả những chuyện kín trong nhà, do đó chuyện nhà Tây
Môn Khánh lọt ra ngoài rất nhiều.
Hôm sau là ngày mồng chín, Tây Môn
Khánh bận rộn bày tiệc để cho An Lang trung, Lôi Binh bị và Uông Tham nghị khoản
đãi Triệu tri phủ.
Cũng hôm đó, ngay từ sáng sớm, vợ chồng
Lai Tước đã dọn đồ đạc tới. Vợ Lai Tước vào thượng phòng lạy chào Nguyệt nương
và các tiểu nương. Vợ Lai Tước mặc chiếc áo tía, chiếc quần vải xanh, vóc người
thon nhỏ, khuôn mặt đẹp, da trắng, chân tay xinh nhỏ. Nguyệt nương hỏi chuyện
may vá bếp núc thì thấy biết nhiều, bèn đổi tên là Huệ Nguyên, để cùng Huệ Tú,
Huệ Tường lo việc nấu nướng.
Mấy hôm sau thì Dương cô nương qua đời,
An Đồng từ ngoại thành hớt hải vào báo tang. Tây Môn Khánh sai đem năm lạng bạc
và rất nhiều lễ vật thực phẩm tới điếu tang. Nguyệt nương và các tiểu nương, trừ
Tuyết Nga ở nhà coi nhà, đều tới giúp việc ma chay. Cầm Đồng, Kỳ Đồng, Lai Tước,
Lai An đi theo.
Tây Môn Khánh sang cửa tiệm tơ lụa ở
trước nhà, chọn mấy cái mũ lông điêu, sai Đại An đem tới cho chị em Ái Nguyệt,
lại gói mười lạng bạc để Ái Nguyệt ăn tết.
Đại An được Ái Nguyệt giữ lại uống rượu
và tặng ba tiền.
Đại An về thưa với chủ:
– Nguyệt di nói là đa tạ gia gia, rồi
cho tôi ăn uống và tặng ba tiền.
Tây Môn Khánh bảo:
– Ừ thì giữ lấy mà tiêu.
Chợt nhớ ra điều gì, bèn hỏi:
– Mà này, Bôn Tứ không có nhà, mày đến
nhà Bôn Tứ làm gì vậy? Hồi sáng tao thấy mày ở đó ra mà.
Đại An vội thưa:
– Từ ngày con gái lớn Bôn Tứ lấy chồng
thì trong nhà không có ai làm đỡ công việc, nên vợ Bôn Tứ thường nhờ anh em
chúng tôi làm giúp chuyện này chuyện kia, hoặc mua bán giùm thứ này thứ kia.
Tây Môn Khánh gật đầu:
– Nếu vậy thì vợ Bôn Tứ nhờ vả gì, các
ngươi nhớ giúp cho tử tế.
Đoạn thấp giọng bảo:
– Này, mày thử tới nói là gia gia muốn
tới thăm xem vợ Bôn Tứ nói sao. Nếu chịu thì mày bảo đưa cái khăn tay, mang về
cho ta tin.
Đại An gật đầu đáp nhỏ:
– Thưa tôi hiểu rồi.
Nói xong đi ngay.
Tây Môn Khánh về nhà, Vương Kinh đã ra
tiệm kim hoàn lấy mấy cây trâm và ít nữ trang về đưa cho chủ. Tây Môn Khánh để
bốn cây trâm bạc lại, còn bao nhiêu thì bỏ vào tay áo, rồi xuống phòng Bình
Nhi, cho Như Ý một đôi trâm và ít nữ trang. Nghênh Xuân cũng được một đôi trâm
bạc. Hai người lạy tạ, Như Ý bảo Nghênh Xuân đem cơm lên, Tây Môn Khánh ăn
xong, trở lên thư phòng.
Lát sau Đại An về, nghe nói chủ ở thư
phòng, bèn bước vào, nhưng thấy có Vương Kinh nên cứ im lặng, không nói gì. Tây
Môn Khánh biết ý, sai Vương Kinh vào nhà sau lo pha trà, Đại An vội bước tới
ghé tai chủ nói nhỏ:
– Tôi đem lời gia gia dặn, nói với vợ
Bôn Tứ thì vợ Bôn Tứ cười rồi hẹn là tối nay thỉnh gia gia tới, lại đưa cho tôi
cái khăn tay này đây.
Nói xong đưa chiếc khăn tay nhỏ bằng gấm
thêu, xông mùi thơm ngát. Tây Môn Khánh mừng lắm, bỏ ngay vào trong tay áo, thì
vừa lúc Vương Kinh đem trà lên. Tây Môn Khánh uống trà rồi sang căn nhà đối diện
coi thợ sửa sang lại phòng ốc. Lát sau gia nhân tới thưa:
– Hoa Đại cữu tới.
Tây Môn Khánh bảo:
– Mời sang bên này.
Nói xong vào thư phòng đợi. Hoa Tử Do
bước vào vái chào, cảm tạ về bữa tiệc hôm nọ, Họa Đồng đem trà ra, hai người uống
trà nói chuyện, Hoa Tử Do nói:
– Ở ngoại thành có người khách buôn cần
bán gấp năm trăm bao gạo thứ thượng đẳng, tôi nghĩ là dượng nên mua thì được
giá hời.
Tây Môn Khánh bảo:
– Hiện đường sông đang bị nghẽn, gạo đắt
lắm, mấy hôm nữa đi lại thông thương, giá gạo sẽ sụt, mua bây giờ để chịu lỗ
hay sao? Vả lại trong nhà hiện cũng không dư tiền.
Đoạn quay lại bảo Đại An:
– Dọn bàn ra, rồi về nhà lấy rượu thịt
sang đây cho đại cữu dùng.
Lại bảo Cầm Đồng:
– Ngươi nhờ Ứng Nhị gia tới đây hầu rượu
đại cữu.
Lát sau, Bá Tước đến. Ba người uống rượu
trò chuyện. Lại có đồ đệ của Ngô Đạo quan đem lễ vật và sớ cúng đến. Tây Môn
Khánh cũng mời ngồi uống rượu, rồi đưa tiền để chuẩn bị cho lễ trăm ngày của
Bình Nhi.
Tới chiều thì Hoa Đại cữu và đồ đệ Ngô
Đạo quan cáo từ. Tây Môn Khánh sai gia nhân ra tiệm, bảo Cam quản lý đóng cửa
tiệm, về uống rượu nói chuyện.
Tới gần tối thì Nguyệt nương và các tiểu
nương về tới nhà. Lai An tới báo, Bá Tước hỏi:
– Các tẩu tẩu hôm nay đi đâu vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
– Dương cô nương mất rồi, các nương
nương tôi tới đó lo ma chay, tôi cũng đã gửi lễ tới điếu rồi.
Bá Tước lại hỏi:
– Chẳng hay lão nhân gia thọ bao nhiêu
tuổi?
Tây Môn Khánh đáp:
– Cũng bảy nhăm bảy sáu gì đó, nhưng
con trai con gái cũng không có, chỉ nhờ mấy người cháu. Mấy năm nay tôi cũng
giúp đỡ nhiều lắm.
Bá Tước bảo:
– Thế là lão nhân gia có phúc lắm đấy
chứ. Gia gia giúp đỡ như vậy cũng là làm được điều ân đức.
Qua vài tuần rượu nữa, Bá Tước và Cam
quản lý cáo từ. Tây Môn Khánh đứng dậy dặn gia nhân Vương Hiển đóng cổng rồi về
nhà, nhưng nhân lúc vắng người, liền vòng ra sau, vào phòng Bôn Tứ.
Vợ Bôn Tứ trang điểm sẵn, ngồi đợi từ
lâu, thấy một bóng đen từ trong tối bước ra thì biết ngay là Tây Môn Khánh, vội
mở cửa, Tây Môn Khánh bước vào, vợ Bôn Tứ đóng cửa lại rồi nói:
– Thỉnh gia gia vào trong này ngồi cho
đỡ lạnh.
Nói xong dẫn Tây Môn Khánh vào gian buồng
nhỏ bên trong, nơi đây đèn nến sáng trưng, xếp dọn ngăn nắp. Vợ Bôn Tứ đem trà
ra, hai tay nâng mời rồi nói nhỏ:
– Chỉ sợ Hàn tẩu ở ngay sát vách biết
thôi.
Tây Môn Khánh bảo:
– Không biết được đâu.
Nói xong đưa cho vợ Bôn Tứ một đôi
trâm bạc và một gói bạc vụn chừng năm sáu lạng. Vợ Bôn Tứ mừng quýnh, rối rít
cám ơn. Tây Môn Khánh bảo:
– Để mua nữ trang đến tết mà đeo.
Nói xong thổi bớt nến trên bàn rồi kéo
vợ Bôn Tứ xuống chiếc giường cạnh đó...
ảnh
78b
Vợ Bôn Tứ đã không còn trẻ trung gì,
nhan sắc cũng chỉ trung bình, không có điểm nào hơn người, vậy mà không hiểu
sao Tây Môn Khánh lại thích, có lẽ chỉ là ý thích trong giây lát mà thôi.
Sau cuộc mây mưa vụng trộm và ngắn ngủi,
vợ Bôn Tứ đưa Tây Môn Khánh ra. Đại An đã chờ sẵn bên ngoài, đưa chủ vào nhà.
Chủ tớ cho là không ai hay biết.
Sau đó, Tây Môn Khánh còn đi lại với vợ
Bôn Tứ mấy lần nữa.
Thật là:
Đã chẳng ai hay biết
Chuyện gì lại không làm.
Ngờ đâu chuyện kín không lọt khỏi con
mắt của Hàn tẩu ở ngay phòng sát vách. Hàn tẩu nói cho Xuân Mai, Xuân Mai kể lại
cho Kim Liên. Kim Liên không nói gì.
Ít hôm sau, vào ngày rằm tháng chạp,
do lời mời của Kiều Đại hộ, Tây Môn Khánh, Ngô Đại cữu và Bá Tước đều tới uống
rượu nghe hát. Tiệc đến canh hai mới vãn.
Hôm sau, Kiều Đại hộ lại sai gia nhân
đem lễ tới cảm ơn...
Nay nói về Thôi Bản, sau khi mua hai
ngàn lạng hàng hóa ở Hồ Châu gồm vải lụa tơ sợi, thượng tuần tháng chạp chở
thuyền hàng về. Tới bến Lâm Thanh, Thôi Bản sai Vinh Hải coi thuyền hàng còn
mình thì lên bộ để lo thuế má, rồi trở về nhà Tây Môn Khánh.
Cầm Đồng thấy Thôi Bản thì reo lên:
– Thôi đại ca đã về, thỉnh đại ca lên
ngồi ở đại sảnh, gia gia hiện đang ở nhà đối diện, để tôi đi mời về.
Nói xong đi ngay, tới nơi, chẳng thấy
chủ đâu, Cầm Đồng bèn hỏi Bình An, Bình An đáp:
– Có lẽ gia gia ở hậu phòng chăng.
Cầm Đồng bèn vào hỏi Nguyệt nương,
Nguyệt nương bảo:
– Ơ hay, thằng khốn này, gia gia mày
đi đâu chứ có ở đây đâu.
Cầm Đồng đi hỏi khắp lượt các phòng
các bà chủ, lại vào cả thư phòng trong hoa viên, cũng chẳng thấy đâu. Cầm Đồng
tìm mãi không thấy, đứng ngay giữa sân màn nói lớn:
– Lạ quá nhỉ, gia gia ở nhà chứ có đi
đâu, mà ban ngày ban mặt tìm khắp nơi trong nhà cũng không thấy. Thôi đại ca chở
hàng về rồi, đang ngồi chờ gia gia kia kìa...
Đại An đứng gần đó, nghe vậy cũng chẳng
nói gì.
Bỗng thấy Tây Môn Khánh từ phía sau tới,
mấy gia nhân giật cả mình. Thì ra Tây Môn Khánh đang ở trong phòng vợ Bôn Tứ,
nghe nói là Thôi Bản về nên vội bước ra. Đại An đưa chủ vào đại sảnh.
Tây Môn Khánh vào trong rồi, Bình An
chỉ tay vào mặt Cầm Đồng mà bảo:
– Ai bảo mày lo cho Thôi đại ca quá vậy?
Này, nhanh nhẩu đoảng có bữa ăn đòn đó em ạ.
Tây Môn Khánh bước lên đại sảnh, Thôi
Bản sụp xuống lạy chào, giao sổ sách rồi nói:
– Hàng đã về tới bến, chỉ còn chờ đóng
thuế là bốc lên xe, ngày mồng một tháng chạp vừa rồi thì tôi lên đường về, tới
Dương Châu thì chia tay với mấy người kia, họ đi Hàng Châu, còn tôi thì tới nhà
Miêu Thanh nghỉ lại hai ngày. Miêu Thanh lúc nào cũng nhớ ơn gia gia, nên đã bỏ
ra mười lạng bạc, mua một thiếu nữ người Dương Châu, mới mười sáu tuổi, tên là
Sở Vân, thôi thì da trắng như tuyết, mặt đẹp như ngọc, mắt phượng mày ngài, môi
son má phấn, đôi chân nhỏ đúng ba tấc, rõ là trang sắc nước hương trời, có cái
vẻ cá lặn nhạn sa, hoa nhường nguyệt thẹn, lại giỏi đàn ca, thuộc tới hơn ba
ngàn khúc hát lớn nhỏ. Hiện Miêu Thanh còn giữ tại nhà để chuẩn bị hành lý quần
áo, sang xuân khi có thuyền của Lai Bảo và Hàn quản lý ghé đó, sẽ đưa nàng Sở
Vân về để gia gia tiêu sầu giải muộn.
Tây Môn Khánh nghe xong mừng lắm, bảo:
– Dưới thuyền ngươi không có vải vóc lụa
là hay sao, mà ta ở đây không có nữ trang quần áo hay sao, mà phải phiền Miêu
Thanh như vậy, sao không đưa ngay theo thuyền ngươi về đây có được không. Ta thật
giận không có phép đằng vân để bay ngay tới Dương Châu chiêm ngưỡng dung nhan
người ngọc.
Nói xong sai gia nhân dọn rượu thịt
ra, tự tay rót rượu mời Thôi Bản. Sau đó lấy ra năm mươi lạng bạc, viết một
phong thư cho Tiền chủ sự, nhờ lo giùm việc thuế má.
Thôi Bản ăn uống no nê, nhận thư và bạc
rồi cáo từ để về bên Kiều Đại hộ thưa chuyện buôn bán.
Bên ngoài, Cầm Đồng hiểu chuyện, lo sợ
lắm, yên trí rằng phen này không thoát khỏi cực hình đòn vọt. Bình An thấy mãi
Tây Môn Khánh không cho gọi Cầm Đồng thì dí ngón tay vào trán Cầm Đồng mà bảo:
– Phúc bảy mươi đời nhà mày đấy em ạ,
không hiểu sao hôm nay gia gia có chuyện gì vui mừng mà quên hẳn tội mày, chứ
không thì cứ gọi là ốm đòn.
Cầm Đồng nghe vậy mừng lắm, cười bảo:
– Thật chỉ có anh là rõ tính gia gia
mà thôi.
Thôi Bản cho xe chở hàng lên chất tại
cửa tiệm ở đường Sư Tử xong thì cũng tới hạ tuần tháng chạp. Tây Môn Khánh bận
rộn lo gửi lễ vật chúc tết các quan và thân bằng quyến thuộc.
Bỗng có gia nhân của Kinh Đô giám đem
thiếp tới, trong thiếp viết:
“Tống Ngự sử đã gửi bản tâu trình về
kinh lâu rồi, chắc đã có nói về vụ thăng thưởng cuối năm, phiền đại nhân cho
người tới Sát viện hỏi Tống công giùm họ.”
Tây Môn Khánh sai ngay mấy viên Tiết cấp
tới phủ giám sát ngự sử hỏi thăm tin tức, thì quả nhiên đã có văn thư gửi lên
kinh rồi, mấy viên Tiết cấp sao lại văn thư đó đem về trình Tây Môn Khánh. Văn
thư viết như sau:
“Sơn Đông tuần án giám sát ngự sử, có
nhiệm vụ tiến cử hoặc đàn hặc các quan văn võ địa phương để khuyến khích người
đức độ hiền tài, trừng phạt kẻ bất tài tham nhũng, hầu biểu dương thánh đức cho
địa phương yên ổn, dân gian an lạc. Do đó hằng lưu tâm đến tất cả các quan lại
địa phương rồi cứ theo sự thật mà tâu trần không dám mảy may giấu giếm. Thấy rằng,
Sơn Đông Tả Bố chính Trần Tứ Châm là người tiết tháo trung trinh, thanh liên
cương trực, được dân tình ca tụng. Đề học phó sứ Trần Chính Vị học hạnh kiêm
toàn, một lòng lo nhiệm vụ. Binh bị phó sự Lôi Khải Nguyên được quân dân cảm phục
ân uy. Tế Nam Tri phủ Trương Thúc Dạ có tài kinh tế giúp cho dân no ấm. Đông
Bình Tri phủ Hồ Sư Văn thanh liêm cẩn thận, biết thương dân. Mấy người này cần
được nâng đỡ thăng thưởng. Lại được biết, Tả Tham nghị Phùng Đình Học gian tham
lộng quyền, Đông Xương tri phủ Từ Hùng ăn hối lộ, thao túng công đường. Hai người
này nên bãi chức. Lại được biết Tả quan viện Kiểm sự Thủ bị Chu Tú tài ba lão
luyện đức độ được quân dân mến phục, giặc cướp xa gần khiếp vía. Tế Châu binh
mã Đô giám Kính Trung tuổi trẻ tài cao, xuất thân Võ Cử, xứng tài làm tướng, chỉ
huy cực nghiêm minh. Hai người này xứng đáng được thăng chức. Thanh Hà huyện
Thiên hộ Ngô Khải tài giỏi đức độ, lo việc binh rất trung kiên, nay lo việc kho
đụn khiến quân lính được no đủ, khiến tinh thần quân lính lên cao, rất đáng được
thăng thưởng...”
Sau đó là mấy câu văn ca tụng thánh
triều và bày tỏ lòng vô tư công bằng của Tống Ngự sử.
Tây Môn Khánh xem xong vui lắm, cầm bản
sao văn thư vào bảo vợ:
– Tống Ngự sử đã tâu trình, xin thăng
thưởng cho đại ca của nàng đây này. Cả Chu Thủ bị và Kinh Đô giám cũng được đề
nghị nữa. Bây giờ phải cho mời Đại cữu tới để báo tin mới được.
Nguyệt nương đáp:
– Chàng bảo chúng nó mời đi, tôi lo dọn
rượu thịt để anh em ăn uống. Tôi nghĩ là trong vụ thăng thưởng này, thế nào
cũng phải tốn kém.
Tây Môn Khánh bảo:
– Không sao, có gì thì tôi cho mượn chứ
lo gì.
Nói xong trở ra đại sảnh. Lát sau Ngô
Đại cữu tới, Tây Môn Khánh mời ngồi rồi đưa bản sao văn thư tâu trình của Tống
Ngự sử. Ngô Đại cữu xem xong mừng lắm, đứng dậy vái tạ:
– Thật là nhờ dượng hết lòng lo cho,
ơn này tôi xin ghi khắc.
Tây Môn Khánh bảo:
– Chỗ anh em trong nhà, sao Đại cữu lại
nói vậy. Tiệc tùng mừng thăng chức có tôi lo liệu cho, Đại cữu không phải lo gì
cả.
Ngô Đại cữu lại vái tạ, rồi vào thăm
Nguyệt nương. Lát sau Ngô Đại cữu ăn uống vui vẻ với em gái và em rể.
Tây Môn Khánh lại sai Đại An đem thiếp
tới báo tin mừng cho Chu Thủ bị và Kinh Đô giám.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét