HỒI 75.
Tình địch làm lành
Sáng hôm sau, hai người đã thức dậy
nhưng còn nằm trên giường, Kim Liên hỏi:
– Ngày hai mươi tám này Ứng nhị gia mời chúng tôi, chàng có cho chúng tôi đi không?
Tây Môn Khánh đáp:
– Đi chứ sao không?
Kim Liên nói:
– Tôi còn một chuyện này muốn nói với
chàng, chẳng biết chàng có chịu không.
Tây Môn Khánh bảo:
– Có chuyện gì thì cứ nói.
Kim Liên ngập ngừng:
– Chàng lấy cái áo cừu của Bình Nhi
cho tôi mặc đi. Ngày mai đi ăn tiệc, ai cũng có áo cừu đẹp, chỉ mình tôi là
không có.
Tây Môn Khánh bảo:
– Thì cái áo cừu của nhà họ Vương đem cầm đó, nàng mặc không được hay sao?
Kim Liên nói:
– Áo người ta đem cầm mà mặc sao coi
được. Thôi, chàng cứ lấy áo của Bình Nhi cho tôi đi, tôi sẽ thêu thêm con hạc bằng
kim tuyến ở tay áo. Chàng cho tôi chứ cho ai đâu mà ngại.
Tây Môn Khánh nói:
– Lạ quá, tôi nói là không được, cái
áo đó trị giá tới sáu chục lạng bạc chứ ít ỏi gì đâu. Nàng chỉ biết lợi cho
nàng mà thôi.
Kim Liên giận dỗi:
– Ăn nói hay nhỉ, chẳng gì thì tôi
cũng là vợ chàng, ăn mặc đẹp thì chàng nở mày nở mặt với người ta chứ sao. Bây
giờ chàng không cho tôi thì để làm gì, hay là để cho con này con kia, nếu vậy
thì chàng cứ cho đi, tôi mà đáng kể gì.
Tây Môn Khánh bảo:
– Nàng thật không biết điều, đã xin xỏ
người ta lại còn ương ngạnh, thật đúng ăn mày mà đòi xôi gấc.
Kim Liên bảo:
– Lạ nhỉ, tôi có phải là a hoàn của
chàng đâu mà phải quỵ lụy van xin này nọ.
Trong này đang nói chuyện thì bên
ngoài, Đại An tới bảo Xuân Mai:
– An Lang trung đem thiếp tới thỉnh
gia gia uống rượu.
Tây Môn Khánh nghe được, vội trở dậy rửa
mặt chải đầu rồi bước ra.
Kim Liên lười biếng, nằm trên giường dặn
với theo:
– Chàng đi uống rượu về chắc cũng còn
sớm, nhớ bảo lấy áo đem lại cho tôi, tôi chờ đấy, đừng có bận rộn mà quên nhé,
sợ rồi chàng lại bận chuyện này chuyện kia cho mà xem.
Tây Môn Khánh biết là không thể từ chối
yêu sách của Kim Liên được, bèn bước sang phòng Bình Nhi. Như Ý dậy sớm, đang
pha trà cúng chủ, thấy Tây Môn Khánh vào thì tươi cười đem trà tới mời, rồi uốn
éo đứng bên.
Tây Môn Khánh ngồi xuống uống trà rồi
bảo Nghênh Xuân:
– Ngươi vào nhà trong lấy chìa khóa
phòng Lục nương cho ta.
Như Ý hỏi:
– Gia gia cần chìa khóa làm gì vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
– Lấy áo cừu cho Ngũ nương mặc.
Như Ý hỏi lại:
– Áo cừu của Lục nương hay sao?
Tây Môn Khánh đáp:
– Đúng vậy, Ngũ nương muốn mặc thì cho
mặc chứ giữ làm gì.
Nghênh Xuân vâng lời đi lấy chìa khóa,
trong khi Như Ý nói:
– Hồi này tôi thấy gia gia đêm nào
cũng chỉ ở với Ngũ nương mà không đến các phòng khác. Ai chứ Ngũ nương bụng dạ
hẹp hòi lắm. Hôm trước gia gia vắng nhà, chỉ vì cái vồ đập áo mà Ngũ nương làm ầm
lên lại còn hành hung tôi nữa, may mà có Hàn tẩu và Tam nương tới khuyên can chứ
không thì chẳng biết sẽ ra sao. Rồi khi gia gia từ Đông Kinh về, chẳng biết ai
nói với Ngũ nương, mà Ngũ nương bảo là tôi quyến rũ gia gia. Ngũ nương chắc hẳn
đã nói với gia gia như vậy rồi phải không?
Tây Môn Khánh gật đầu:
– Ngũ nương có nói, nhưng theo ta thì
ngày mai ngươi nên tới xin lỗi Ngũ nương thì hơn. Ngươi còn lạ gì Ngũ nương nữa,
cứ nói ngọt là xong. Ngũ nương tuy có cái miệng như vậy nhưng bụng dạ chẳng có
gì đâu.
Như Ý nói:
– Hôm trước gia gia về, thì hôm sau
Ngũ nương đã gặp tôi ăn nói hòa dịu rồi, Ngũ nương bảo là gia gia yêu quý Ngũ
nương, các nương nương khác cũng phải nể nang, rồi dặn tôi từ nay phải ăn ở cho
có phép tắc.
Tây Môn Khánh bảo:
– À như vậy thì tốt, Ngũ nương đã có vẻ
làm lành rồi. Hôm qua Ngũ nương cũng có nói là thỉnh thoảng để ta sang bên này
ngủ.
Như Ý bảo:
– Gia gia sang thật nhé, đừng có đánh
lừa tôi đấy.
Tây Môn Khánh cười:
– Ai đánh lừa ngươi làm gì.
Đang nói thì Nghênh Xuân đem chìa khóa
tới, Tây Môn Khánh bảo Nghênh Xuân mở phòng riêng của Bình Nhi, mở tủ ấy áo cừu,
gói kỹ lại rồi sai Như Ý đem sang cho Kim Liên.
Như Ý bước tới gần kề tai Tây Môn
Khánh nói nhỏ:
– Tôi cũng chẳng có quần áo gì coi được,
nhân tiện, gia gia xem Lục nương có quần áo gì thì cho tôi một hai cái tôi mặc.
Tây Môn Khánh vào phòng, lấy một cái
áo bằng đoạn thúy lam, một cái áo lụa màu lam, một cái quần lụa màu vàng và một
đôi tất len, đem ra cho Như Ý. Như Ý nhận quần áo rồi lạy tạ. Tây Môn Khánh
khóa tủ khóa phòng rồi trở ra bảo Như Ý đem áo cừu sang cho Kim Liên. Như Ý hớn
hở đem áo đi.
Kim Liên cũng đã dậy, đang ngồi trên
giường thì Xuân Mai vào thưa:
– Như Ý đem áo cừu tới.
Kim Liên biết ý bảo:
– Ngươi cho nó vào đây.
Như Ý bước vào vái chào Kim Liên hỏi
ngay:
– Gia gia sai ngươi phải không?
Như Ý đáp:
– Thưa vâng, gia gia sai tôi đem áo cừu
tới cho nương nương.
Kim Liên tinh quái hỏi:
– Gia gia có cho ngươi quần áo gì
không?
Như Ý biết là không nên nói dối bèn
đáp:
– Thưa có, gia gia cho tôi hai cái áo,
một cái quần và một đôi tất để mặc trong nhà, gia gia còn bảo tôi sang lạy tạ,
xin lỗi nương nương.
Nói xong sụp lạy bốn lạy rồi đứng qua
một bên. Kim Liên hài lòng bảo:
– Thôi, chỗ trong nhà cả, không phải
làm như vậy. Người ta thường nói “Thuyền nhiều thì mới chật sông, xe nhiều thì
mới chật lộ” ai mà muốn xử ác làm gì.
Như Ý đánh trúng vào tâm lý Kim Liên:
– Thưa nương nương, chủ tôi mất rồi,
tuy trong nhà còn các nương nương khác, nhưng nương nương ở bên này cũng như là
chủ tôi, từ nay xin nương nương thương mà bảo bọc cho. Được vậy thì tôi nguyện
trung thành với nương nương tới chết.
Kim Liên gật đầu rồi bảo:
– Quần áo gia gia mới cho, ngươi cũng
phải thưa qua với Đại nương một câu.
Như Ý đáp:
– Bữa trước tôi có thưa với Đại nương
để xin quần áo mặc, Đại nương có nói là để gia gia rảnh sẽ sai lấy quần áo cho
tôi.
Kim Liên bảo:
– Nếu Đại nương đã nói vậy thì thôi,
khỏi phải thưa lại nữa.
Như Ý vái chào Kim Liên rồi về phòng.
Tây Môn Khánh đã lên đại sảnh.
Như Ý hỏi Nghênh Xuân:
– Hồi nãy mày vào lấy chìa khóa, Đại
nương có hỏi gì không?
Nghênh Xuân đáp:
– Có chứ, Đại nương hỏi là gia gia lấy
chìa khóa làm gì, tôi không nói là gia gia lấy áo cừu cho Ngũ nương mà chỉ nói
là không biết. Đại nương nghe xong không hỏi gì nữa.
Trong lúc đó, Tây Môn Khánh trông coi
gia nhân dọn bàn. Đám kép hát Trương Mỹ, Từ Thuận và Tử Hiếu mang đồ nghề lên.
Bọn ca công Lý Minh gồm bốn người cũng đem nhạc khí tới lạy chào, Tây Môn Khánh
bảo gia nhân dọn cơm cho đám kép hát và ca công ăn. Sau đó dặn bọn Lý Minh ba
người đàn hát tại đại sảnh, còn Tả Thận thì vào đàn hát ở nhà trong cho đám
khách đàn bà nghe.
Hôm nọ vợ Hàn Đạo Quốc là Vương thị
không đến, mà chỉ nhờ Thân Nhị thư mua lễ vật, ngồi kiệu tới chúc thọ Ngọc Lâu.
Vương Kinh nhận lễ vật, dẫn Thân Nhị thư vào trong rồi cho kiệu về hát sau thì
Hàn Đại di và Mạnh Đại cữu mẫu từ ngoại thành tới. Vợ của các quản lý Cam, Phó,
Bôn Tứ và Đoạn Tam thư cũng tới.
Ngoài đại sảnh, Đại An dẫn hai người
đàn bà tới, cả hai mặc áo đoạn lục quần lụa hồng, trang điểm lộng lẫy, nhưng một
người thì trông hao hao giống Trịnh Ái Hương. Tây Môn Khánh hỏi:
– Ai vậy?
Đại An đáp:
– Đó là vợ Hồng Tứ, tức Hoàng Tứ tẩu.
Hai người chào hỏi xong thì lui ra.
Tây Môn Khánh không nói gì, vào phòng Nguyệt nương ăn cháo rồi trả lại chìa
khóa phòng Bình Nhi cho Nguyệt nương. Nguyệt nương hỏi:
– Chàng mở phòng đó làm gì vậy.
Tây Môn Khánh miễn cưỡng đáp:
– Kim Liên nói là sang nhà Ứng nhị ca
ăn tiệc mà không có áo cừu nên muốn mượn tạm áo cừu của Bình Nhi mặc đỡ.
Nguyệt nương lườm chồng mà bảo:
– Thật không hiểu sao chàng lại làm vậy.
Lục nương còn sống được chàng yêu quý biết bao, nay chết đi có cái áo cừu mà
chàng cũng lấy đi cho người khác; chàng phải nên nghĩ tới cái tình một chút chứ.
Tây Môn Khánh im lặng, có vẻ ngượng
ngùng. Bỗng gia nhân vào báo là Lưu Học quan tới trả nợ. Tây Môn Khánh ra đại sảnh
tiếp chuyện Học quan. Lại thấy Đại An đem thiếp vào thưa:
– Bên phủ họ Vương cho người đem lễ lại.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Có những gì vậy?
Đại An đáp:
– Thì có một xấp lụa, một vò rượu và bốn
món đồ ăn.
Tây Môn Khánh sai Vương Kính lấy thiếp
cảm tạ và thưởng cho gia nhân họ Vương năm tiền rồi cho về.
Đại An vừa quay ra thì thấy Lý Quế Thư
đang xuống kiệu ngoài cổng. Theo sau có gia nhân bưng bốn quả lễ vật, vội chạy
ra nói:
– Xin Quế Thư đi vào thẳng hậu phòng,
hiện có Lư Học quan đang ở đại sảnh.
Quế Thư nghe lời, đi vòng vào hậu
phòng, lạy chào Nguyệt nương. Đại An và Lai An đem lễ vật vào theo. Nguyệt
Nương hỏi:
– Gia gia đã biết chưa?
Đại An thưa:
– Gia gia đang tiếp khách nên chưa biết.
Nguyệt nương sai Tiểu Ngọc mở nắp các
quả đựng lễ vật ra, thấy bánh chúc thọ, bánh Mai côi, một cặp vịt quay, mấy vò
rượu quý, tất cả chất đầy bốn cái quả lớn. Nguyệt nương quay lại sang nói chuyện
với Quế Thư. Hôm nay Quế Thư mặc áo đại hồng, quần đoạn lam, tóc giắt đầy châu
ngọc, trang điểm cực kỳ lộng lẫy.
Lát sau, Tây Môn Khánh bước vào, Quế
Thư sụp lạy. Tây Môn Khánh bảo:
– Đến đây là được rồi, còn mua lễ vật
làm gì.
Nguyệt nương đỡ lời:
– Vừa rồi Quế Thư có nói với tôi là sợ
chàng giận ghét về chuyện bữa trước, nhưng thật tình là do lỗi của mẹ nó chứ nó
không can dự gì cả. Bữa đó Quế Thư nó nhức đầu nằm trong phòng mà, chỉ thấy
Vương Tam dẫn một bọn vào. Nguyên bọn Vương Tam đến nhà Tần Ngọc Chi, nhưng ghé
nhà Quế Thư dùng trà. Nhưng vừa mới ngồi được một chút thì bị lính nha môn tới
bắt. Nói cho ngay, Quế Thư nó có ra ngoài trò chuyện hồi lâu.
Tây Môn Khánh cười nhạt:
– Lần trước cũng nói là không ra ngoài
gặp Vương Tam, lần này cũng nói là không ra ngoài trò chuyện với Vương Tam, thì
ra ngươi muốn nói gì thì nói hay sao. Nhưng xét cho cùng, ta cũng chẳng giận
ghét làm gì. Nghề ca nữ thì phải tiếp đón mọi người, miễn người nào có tiền đều
tới được. Ta chẳng để ý gì đâu.
Quế Thư bật khóc quỳ xuống thưa:
– Gia gia giận là rất đúng, nhưng quả
tình mọi chuyện là do lỗi lầm của mẫu thân con hết. Thật chuyện chẳng có gì, mà
mẫu thân con không chịu để ý giữ gìn nên chuyện nhỏ mà thành chuyện lớn, khiến
gia gia phiền giận, con thật khổ tâm lắm.
Nguyệt nương bảo:
– Ngươi đã tới đây thưa rõ như thế này
thì gia gia phiền giận ngươi làm gì.
Tây Môn Khánh cũng bảo:
– Thôi ngươi đứng dậy đi, ta không giận
ghét gì đâu.
Quế Thư lạy tạ rồi ngẩng lên nũng nịu:
– Gia gia phải cười thì con mới đứng dậy.
Nếu không được nhìn gia gia cười thì nhất định còn quỳ mãi đây cho đến trăm
năm.
Kim Liên lúc đó cũng có mặt, thấy vậy
chướng tai gai mắt, bực mình bảo:
– Thôi Quế Thư à, cứ chịu khó quỳ đi.
Hôm nay ngươi quỳ trước mặt gia gia ở đây, thì nay mai gia gia tới nhà ngươi sẽ
quỳ trước mặt ngươi. Lúc đó tha hồ ngươi lên mặt, không thèm để ý tới gia gia.
Vậy có phải hơn không?
Tây Môn Khánh và Nguyệt nương cùng bật
cười. Quế Thư thấy Tây Môn Khánh cười, mới yểu điệu đứng dậy. Mọi người vui vẻ
trò chuyện.
Bỗng thấy Đại An hoảng hốt vào báo:
– Có Tống lão gia và An lão gia tới.
Tây Môn Khánh vội mặc áo đội mũ bước
ra nghênh tiếp.
Trong này Quế Thư nói với Nguyệt
nương:
– Gia gia khó quá, chẳng thương con gì
hết, từ nay con chỉ nguyện làm con gái của Đại nương mà thôi, không cần gia gia
nữa.
Nguyệt nương bảo:
– Ngươi chỉ tài nói láo, ngươi không cần
gia gia, tại sao gia gia cứ tới nhà người hoài vậy.
Quế Thư làm bộ thảng thốt kêu lên:
– Trời ơi, oan cho con quá, làm gì có
chuyện gia gia tới nhà con. Gia gia tới mà con ra nghênh tiếp thì chết con rồi
còn gì. Chắc là Đại nương nghe ai nói lầm đấy thôi. Thật sự là gia gia có tới
nhà Ái Nguyệt hai lần. Con ranh đó gớm lắm, chính nó làm cho gia gia giận ghét
con đó.
Kim Liên ngồi bên bảo:
– Người nào cũng có công ăn việc làm để
kiếm cơm áo nhưng nó đã làm gì để gia gia giận ghét ngươi?
Quế Thư cong môi nói:
– Ngũ nương đâu biết, cùng nghề cùng
nghiệp thì dễ ghét nhau lắm, nó muốn lấy lòng gia gia thì phải nói xấu tôi chứ.
Nguyệt nương bảo:
– Ghét bỏ nhau, nói xấu nhau làm gì,
công việc làm ăn thì phận ai nấy lo, người nào cũng thời vận cả.
Tiểu Ngọc đem trà lên, mọi người uống
trà nói sang chuyện khác.
Trong khi đó Tây Môn Khánh nghênh tiếp
Tống Ngự sử và An Lang trung vào đại sảnh, đôi bên thi lễ rồi phân ngôi chủ
khách mà ngồi. Hai người tặng Tây Môn Khánh hai xấp lụa và sách, rồi thấy bàn
ghế tề chỉnh, đại sảnh trang hoàng rực rỡ thì cảm tạ hết lời. Chủ khách uống
trà nói chuyện. Tống Ngự sử nói:
– Văn sinh còn chuyện này muốn nhờ
quan nhân nữa. Nguyên là Hầu Tuần phủ vừa được thăng chức Thái Thường hành ngày
ba mươi này, hai chúng tôi đãi tiệc tiễn hành để hai tháng sau là Hầu lão gia
lên đường về kinh nhậm chức mới. Vậy lại xin quan nhân vui lòng cho mượn quý phủ
đây để đãi tiệc, chẳng hay quan nhân nghĩ sao?
Tây Môn Khánh đáp:
– Tiên sinh đã dạy như vậy thì vãn
sinh đâu dám trái lệnh, nhưng chừng bao nhiêu bàn tiệc?
Tống Ngự sử nói:
– Vãn sinh có sẵn danh sách những người
đóng góp đãi tiệc, để coi lại xem sao.
Bèn gọi Thư lại để mở sổ ra coi rồi
nói tiếp:
– Cộng tất cả có hai mươi phần, như vậy
thì chỉ cần một bàn tiệc lớn cho Hầu lão gia và sau bàn tiệc nhỏ cho thực khách
mà thôi, cũng nên cho gọi phường hát tới.
Tây Môn Khánh nhận lời rồi mời hai người
ra nhà mát trong hoa viên uống trà ngắm cảnh. Lát sau thì Tiền Chủ sự cũng tới.
Tống Ngự sử thấy dinh cơ Tây Môn Khánh đồ sộ, cảnh trí đẹp mắt, đồ vật trong
nhà toàn là loại quý, rõ ràng là gia đình hưng thịnh. Ngay trước mặt Tống Ngự sử,
gần bức bình phong là một cỗ đỉnh bát tiêu, cao tới mấy thước, chạm trổ cực kỳ
tinh xảo, từ bên trong, khói trầm ngào ngạt tỏa khắp xung quanh. Tống Ngự sử
bèn bước tới coi, khen tặng một hồi rồi hỏi:
– Bộ đỉnh này đẹp quá phải không?
Tây Môn Khánh chỉ cười không đáp. Tống
Ngự sử lại quay sang An Lang trung và Tiền Chủ sự bảo:
– Tôi đã viết thư cho Lưu niên huynh ở
Hoài An từ lâu, nhờ kiếm giùm cho một bộ đỉnh như thế này mà mãi không có, tôi
muốn biếu Thái lão gia ấy mà.
Đoạn hỏi Tây Môn Khánh:
– Tiên sinh làm sao có bộ đỉnh quý thế
này?
Tây Môn Khánh đáp:
– Cũng là do một người quen ở Hoài An
tặng cho vãn sinh đấy.
Mấy vị quan cùng nhau đánh cờ giải
trí. Tây Môn Khánh sai gia nhân đem bánh trái hoa quả trà rượu ra, rồi gọi ca
công tới hát những Nam khúc. Tống Ngự Sử bảo:
– Uống rượu bây giờ bất tiện, khách
chưa tới mà chủ tiệc đã đỏ mặt thì còn ra thể thống gì nữa.
An Lang trung nói:
– Trời lạnh, uống chút đỉnh cho ấm có
hại gì.
Tống Ngự sử gọi gia nhân, bảo đi mời
Thái Cửu. Gia nhân đi một lúc, trở về thưa:
– Đã mời rồi. Thái lão gia hiện đánh cờ
tại nhà Hoàng lão gia, cũng sắp đến.
Tống Ngự sử gật đầu, rồi cùng mọi người
uống rượu. An Lang trung bảo đám ca công:
– Các ngươi hát khúc “Tuyên xuân lệnh”
cho chúng ta nghe.
Ca công đang đàn hát thì gia nhân vào
thưa:
– Thái lão gia và Hoàng lão gia cùng tới.
Mọi người vội xốc lại mũ áo bước ra
nghênh tiếp. Thái Cửu mặc triều phục, cân đai rực rỡ. Tây Môn Khánh bước tới
vái chào, mời lên đại sảnh. An Lang trung chỉ Tây Môn Khánh nói:
– Đây là Tây Môn đại nhân, chủ nhân của
dinh cơ này, đại nhân hiện là Thiên hộ tại đây, lại cũng là môn hạ của lão Thái
sư.
Thái Cửu vái chào Tây Môn Khánh mà
nói:
– Nghe danh đại nhân từ lâu lắm, hôm
nay mới có hân hạnh diện kiến.
Tây Môn Khánh vái lạy mà nói:
– Tiểu nhân không dám.
Đoạn mời mọi người cởi áo ngoài, ngồi
vào tiệc. Thái Cửu ngồi giữa, Tống Ngự sử và An Lang trung, ngồi hai bên, Tây
Môn Khánh ngồi phía dưới.
Gia nhân liên tiếp đem đồ ăn lên. Tống,
An hai người chuốc rượu cho Thái Cữu. Phường hát đưa danh sách tuồng hát lên.
Thái Cữu chọn tuồng “Song trung ký”. Mọi người uống rượu trò chuyện và coi tuồng.
Tuồng hát chấm dứt. Đám ca công bước ra lạy chào và hát giúp vui. Tống Ngự sử bảo
hát khúc “Vung roi ngựa ra khỏi Hoàng đô”. Thái Cữu nghe xong cười bảo:
– Tống Ngự sử cứ làm như tiễn đưa tôi
đi xa lắm không bằng.
An Lang trung tiếp lời:
– Tống huynh hôm nay muốn làm “Giang
Châu tư mã đượm màu áo xanh” ấy mà.
Mọi người cười nói vui vẻ. Tây Môn
Khánh bảo Xuân Hồng hát khúc “Nhà vàng dâng tiệc ngọc”, Tống Ngự sử hài lòng cả
về khúc hát lẫn giọng ca.
Khúc hát chấm dứt, Tống Ngự sử gọi
Xuân Hồng tới, bảo chuốc rượu cho mình rồi thưởng cho ba tiền, đoạn nói:
– Thằng này dễ thương lắm.
Tây Môn Khánh nói:
– Nó nguyên là người Dương Châu đấy.
Xuân Hồng lãnh tiền xong sụp lạy tạ
ơn.
Bữa tiệc kéo dài cho tới chiều thì
Thái Cửu mặc áo cáo từ. Tống Ngự sử và An Lang trung lưu giữ không được, cùng
Tây Môn Khánh tiễn ra cổng lớn.
Thái Cửu lên ngựa, tiền hô hậu ủng mà
đi.
Tống Ngự sử quay vào, sai thư lại đem
rượu thịt ra tận cửa Tân Hà cho Thái Cửu, sau đó cùng An Lang trung cáo từ. Tây
Môn Khánh nói:
– Nhị vị ở lại chút nữa đã.
Tống Ngự sử nói:
– Thôi, xin cho chúng tôi về, hôm khác
sẽ tới tạ ơn tiên sinh, ngày kia chúng tôi tới, lại xin quấy rầy tiên sinh một
ngày.
Tây Môn Khánh tiễn hai người về, rồi
quay vào bảo đám kép hát:
– Ngày kia các ngươi nhớ tới, gọi thêm
vài đứa hát hay nữa. Tống Ngự sử làm tiệc tiễn Hầu Tuần phủ đấy.
Nói xong thưởng tiền. Đám kép hát lạy
tạ rồi ra về.
Tây Môn Khánh cho dọn dẹp để bày tiệc
mới, đoạn bảo Đại An:
– Người sang mời Ôn tiên sinh qua đây.
Lại sai Lai An:
– Ngươi đi mời Ứng nhị gia cho ta.
Lát sau hai người tới, cùng Tây Môn
Khánh nhập tiệc. Ba tên ca công đàn hát và chuốc rượu. Tây Môn Khánh bảo Bá Tước:
– Các nương nương của tôi đều tới mừng
ngày đầy tháng của cháu đông đủ đấy, nhị ca nhớ gọi mấy ca công hát cho vui.
Bá Tước nói:
– Đại ca dạy rất phải, để tôi cho gọi
hai ca nữ tới. Ngày mai thỉnh các tẩu tẩu tới sớm cho.
Ba người ăn uống nghe hát.
Trong khi đó trời gần tối, tại hậu
phòng, Mạnh Đại cữu mẫu và Mạnh Tam cữu mẫu cáo từ về trước vì nhà xa. Sau đó
Dương cô nương cũng muốn về.
Nguyệt nương bảo:
– Xin cô nãi nãi ở lại một ngày nữa.
Tiết Sư phụ đã sai người về lấy kinh, tối nay cô nãi nãi ở lại nghe giảng kinh.
Dương cô nương nói:
– Chẳng giấu Đại nương, không phải là
tôi muốn về, nhưng ngày mai là ngày lo việc hôn nhân cho đứa cháu tôi, tôi phải
có mặt.
Nói xong đứng dậy cáo từ.
Bữa tiệc trong hậu phòng kéo dài tới tối
thì vợ của ba vị quản lý Cam, Phó và Bôn Tứ xin về. Phan bà cũng xuống phòng
Kim Liên nghỉ. Ngô Đại cữu mẫu, Đoạn đại thư, Quế Thư, Nhân Nhi Thư, Úc Đại
thư, ba vị sư bà, cùng Kiều Nhi, Ngọc Lâu, Tuyết Nga, Kim Liên ngồi lại uống
trà với Nguyệt nương.
Lát sau nghe gia nhân nói tiệc ngoài đại
sảnh đã vãn. Ôn tú tài và Bá Tước đã về, Kim Liên vội bước ra.
Tới ngoài, thấy Lai An cầm đèn đi trước,
Tây Môn Khánh chếnh choáng bước sau, có vẻ như xuống phòng Bình Nhi. Nhưng chợt
Tây Môn Khánh thấy Kim Liên, bèn bước lại cầm tay mà về phòng Kim Liên.
Lai An đem đèn trở lên đại sảnh, tiếp
tục dọn dẹp bàn tiệc.
Nguyệt nương nghĩ là Tây Môn Khánh có
thể về hậu phòng nghỉ, bèn bảo khách khứa qua phòng Kiều Nhi, nhưng chờ hoài
không thấy. Lát sau Lai An đi ngang, Nguyệt nương chận lại hỏi:
– Gia gia đâu rồi?
Lai An đáp:
– Gia gia nghỉ tại phòng Ngũ nương rồi.
Nguyệt nương hơi bực mình, quay sang bảo
Ngọc Lâu:
– Thế có chán không, tôi đang định bảo
gia gia tối nay tới phòng muội muội, vậy mà lại tới với Ngũ muội. Hèn gì khi
nãy đang ngồi nói chuyện thì Ngũ muội bỏ ra ngoài mất. Bao đêm nay ở phòng Ngũ
muội rồi mà chưa chán hay sao. Tôi cho là Ngũ muội đã ra đón gia gia về phòng
mình.
Ngọc Lâu nói:
– Thôi, người ta sao mặc kệ, Đại nương
đừng nói gì cả, kẻo lại mang tiếng là tranh giành. Đại sư phụ từng nói đùa thế
mà đúng, cả nhà bây giờ chỉ có Ngũ muội là chiếm được gia gia mà thôi.
Nguyệt nương bĩu môi:
– Hèn gì hồi nãy vừa nghe gia nhân nói
là tiệc ngoài đại sảnh đã vãn là Ngũ muội tất ta tất tưởi chạy ngay ra ngoài.
Đoạn quay hỏi Tiểu Ngọc:
– Cổng trong đã đóng chặt chưa? Rồi mời
mọi người trở lại phòng ta nghe sư phụ giảng kinh.
Chốc lát, mọi người hội họp đông đủ.
Nguyệt nương bảo:
– Tiếc quá, Dương cô nãi nãi lại về mất.
Đoạn sai Ngọc Tiêu pha trà. Ngọc Lai bảo
Kiều Nhi:
– Mình cũng phải bảo a hoàn nó pha trà
chứ lần nào cũng làm phiền Đại nương.
A hoàn các phòng lần lượt đem trà tới. Ba vị sư bà ngồi xếp bằng tròn trên giường, mọi người ngồi xung quanh uống trà, nghe Tiết sư bà mở kinh ra giảng.
Giảng kinh xong, Tiết sư bà đọc mấy
bài kệ, lại hát mấy khúc hát của nhà Phật, lời lẽ khuyên nên làm điều thiện. Cuối
cùng kể sự tích Hoàng thị, Hoàng thị ra đời thế nào, đọc kinh hiểu đạo ra sao,
rồi sau này làm kiếp đàn ông thế nào, được thăng thiên ra sao, nhất nhất thuật
lại đầy đủ. Kể chuyện Hoàng thị xong thì cũng đã canh hai. A hoàn Nguyên Tiêu của
Kiều Nhi đem trà lên. Sau đó a hoàn Lan Hương của Ngọc Lâu đem bánh trái và rượu
tới. Trừ ba vị sư bà, còn mọi người đều uống rượu. Nguyệt nương bảo Ngọc Tiêu
đem bánh ngọt ra để các sư bà uống với trà. Quế Thư nói:
– Nãy giờ ba vị sư phụ giảng kinh nhiều
rồi, bây giờ để tôi xin hát vài khúc.
Nguyệt nương bảo:
– Phải đấy, hát đi cho vui.
Úc Đại thư nói:
– Để tôi hát trước.
Đoạn hỏi Nguyệt nương:
– Đại nương muốn nghe khúc nào?
Nguyệt nương bảo:
– Ngươi hát khúc “Canh khuya yên tĩnh”
đi.
Úc Đại thư vừa đánh đàn tranh vừa hát,
trong khi Quế Thư rót rượu mời mọi người. Sau đó Quế Thư vừa đàn tỳ bà vừa hát.
Quế Thư hát xong, Úc Đại thư cầm cây tỳ bà định đàn hát tiếp thì Thân Nhị thư
bước tới giằng cây đàn mà bảo:
– Để tôi xin hát hầu Đại cữu mẫu, Đại
nương và liệt vị.
Nói xong vừa đàn vừa hát. Ngô Đại cữu
mẫu, thấy đêm đã khuya, không đợi Thân Nhị thư hát xong, vào giường ngủ trước.
Khúc hát chấm dứt, Quế Thư vào phòng
Kiều Nhi, Đoạn Đại thư về phòng Ngọc Lâu, ba vị sư bà về phòng Tuyết Nga, Úc Đại
thư và Thân Nhị thư thì về phòng của Ngọc Tiêu và Tiểu Ngọc.
Nguyệt nương đang có mang, lại thức
khuya uống rượu nên mệt mỏi, đặt mình xuống là ngủ thiếp đi.
Đại phàm, đàn bà có mang thì phải ăn
ngủ điều độ không được ngồi nghiêng, không được nằm xéo, tai chẳng nghe dâm
thanh, mắt chẳng nhìn tà sắc, chỉ nên đọc sách đọc thơ, ngắm nhìn vàng ngọc, có
vậy mới sinh con tốt, thông minh đức hạnh đó là phép dạy con từ trong bụng vậy.
Đằng này Nguyệt nương có mang mà ăn ngủ
thất thường, hay uống rượu nghe hát, lại hay nghe mấy vị sư bà nói chuyện ma
quái chết chóc, do đó sau này đứa con chẳng ra làm sao, khiến cho Tây Môn Khánh
phải tuyệt tự, thật là đáng tiếc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét