Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

HỒI 62. Bệnh tật tai ương

 

 

Tranh Đới Đôn Bang

HỒI 62.

Bệnh tật tai ương

Một hôm Hàn Đạo Quốc từ cửa tiệm về nhà, vợ là Vương thị nói:

– Vợ chồng mình đây nhờ quan nhân mà ngày nay có miếng ăn, lại ngày thêm khá giả, chuyến đi vừa rồi, mình cũng kiếm được ít nhiều, vậy mình nên soạn một bữa tiệc thỉnh quan nhân tới dùng chén rượu, vừa để tỏ lòng biết ơn, vừa để giải khuây cho gia gia trong thời gian gia gia đang buồn rầu vì ca nhi chết. Vả lại gia gia đối với mình cũng tốt, mình nên giữ mãi cái tình đó để còn làm ăn về lâu về dài sau này.

Đạo Quốc bảo:

– Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng ngày mai mồng năm ngày xấu, để ngày kia mồng sáu mình làm tiệc, gọi ca nữ tới, rồi tôi sẽ đích thân thỉnh quan nhân. Nhưng tối thì tôi phải vào ngủ tại tiệm để coi hàng.

Vương thị nói:

– Gọi ca nữ làm gì cho phiền hà mà lại thêm tốn, nhà bên cạnh mình đây, Lạc đại tẩu có người quen là Thân Nhị thư, rất trẻ, hát cũng hay, thường đến chơi luôn, mình nên mời tới hát. Có điều là Thân Nhị thư không phải là ca nữ, nhưng cũng chẳng sao, hát hay thì thôi chứ gì.

Đạo Quốc gật đầu:

– Vậy cũng được.

Hôm sau, Đạo Quốc nhờ Ôn tú tài viết một tấm thiếp mời long trọng, rồi tới thưa với Tây Môn Khánh:

– Ngày mai vợ chồng tôi có chén rượu nhạt, gia gia rảnh rang thì xin quá bộ giáng lâm tới chứng kiến cho.

Nói xong đưa tấm thiếp lên. Tây Môn Khánh đọc xong bảo:

– Vợ chồng ngươi việc gì phải bày vẽ như vậy? Ngày mai ta cũng không bận gì, khi ở nha môn về, ta sẽ tới.

Đạo Quốc mừng lắm, vái chào lui ra.

Hôm sau, Đạo Quốc đưa tiền cho đàn em là Hồ Tú bảo đi mua các thứ rượu thịt về cho Vương thị cùng các a hoàn làm tiệc. Lại sai kiệu đón Thân Nhị thư tới.

Quá trưa, trà nước rượu thịt sẵn sàng thì thấy Cầm Đồng đem một vò rượu Bồ Đào tới trước, lát sau thì Tây Môn Khánh đến, có Đại An và Vương Kinh đi theo. Tới cổng, Tây Môn Khánh xuống kiệu. Đạo Quốc vội chạy ra nghênh tiếp vào nhà. Mời Tây Môn Khánh ngồi xong, Đạo Quốc vái tạ mà nói:

– Đa tạ lão gia cho rượu.

Vương thị trang điểm lộng lẫy bước ra lạy chào bốn lạy rồi lui vào lo việc. Vương Kinh đem trà ra, Đạo Quốc hai tay nâng chung trà mời Tây Môn Khánh, rồi cũng cầm một chung ngồi ghé một bên mà tiếp. Sau tuần trà, Đạo Quốc nói:

– Chúng tôi chịu ơn lão gia rất nhiều. Trong lúc tôi lo việc ở xa, lão gia lại sai người săn sóc giúp đỡ cho tiện nội. Thằng em Vương Kinh lại được lão gia thương mà cho hầu hạ trong nhà. Ơn ấy quả là chẳng biết lấy chi đền đáp. Hôm trước ca nhi thất lộc, tôi thì chưa về, còn tiện nội thì đau nên không tới phân ưu được, chỉ sợ lão gia giận ghét. Hôm nay vợ chồng tôi có chén rượu nhạt, thỉnh lão gia chiếu cố, trước là để xin lão gia tha tội sau là để lão gia khuây khỏa đôi phần.

Tây Môn Khánh cười:

– Vợ chồng ngươi thật nghĩ xa quá, lại bày vẽ nữa.

Vương thị bước ra, ngồi khép nép một bèn hỏi chồng:

– Chàng đã thưa với gia gia chuyện đó chưa?

Đạo Quốc đáp:

– Chưa.

Tây Môn Khánh hỏi:

– Chuyện gì vậy?

Vương thị đáp:

– Hôm nay chồng tôi định mời mấy ca nữ tới hát hầu gia gia, nhưng tôi thấy bất tiện nên không mời. Tại nhà họ Lạc ngay cạnh đây, có người quen thường hay tới chơi là Thân Nhị thư, giỏi hát các điệu các bài. Tôi lúc trước có dịp nghe Úc Đại thư hát, nhưng vẫn chưa hay bằng Thân Nhị thư này. Cho nên hôm nay tôi mời Thân Nhị thư tới hát hầu gia gia, chẳng hay gia gia có vui chăng. Nếu hôm nay Thân Nhị thư hát nghe được thì hôm nào để gọi vào hát cho các nương nương nghe.

Tây Môn Khánh bảo:

– Vậy thì tốt lắm, cho gọi người đó ra ta coi.

Vương thị vâng lời bước vào. Đạo Quốc bảo Đại An giúp Tây Môn Khánh cởi áo ngoài, rồi mời vào tiệc. Hồ Tú rót rượu ra. Đạo Quốc hai tay nâng chung mời Tây Môn Khánh.

Vương thị dắt Thân Nhị thư ra. Tây Môn Khánh chú mục nhìn, thấy tóc đẹp như mây, đôi mày xanh như núi mùa xuân, má hồng da phấn. Thân Nhị thư sụp lạy bốn lạy. Tây Môn Khánh bảo:

– Nàng cứ tự nhiên, năm nay thanh xuân chừng bao nhiêu?

Thân Nhị thư đáp:

– Tiện nữ năm nay hai mươi mốt tuổi.

Tây Môn Khánh lại hỏi:

– Nàng biết nhiều điệu hát không?

Thân Nhị thư đáp:

– Cũng biết được ít nhiều, các khúc hát thì thuộc được chừng hơn trăm khúc.

Tây Môn Khánh bảo Đạo Quốc:

– Mời nàng ta ngồi xuống đây.

Đạo Quốc kéo ghế mời ngồi. Nhị thư vái tạ rồi ngồi xuống.

Mọi người nhập tiệc. Nhị thư đánh đàn tranh mà hát. Tây Môn Khánh vừa lòng lắm. Qua vài tuần rượu, Tây Môn Khánh bảo:

– Đem đàn tỳ bà lại để Nhị thư hát vài từ khúc cho ta nghe.

Nhị thư nắn cung tỳ bà, hát lên một bài từ. Bài hát dứt. Đạo Quốc bảo vợ rót rượu mời Tây Môn Khánh. Vương thị chuốc rượu cho Tây Môn Khánh xong, quay sang bảo Nhị thư:

– Thư Thư có nhớ khúc “Tỏa Nam Chi” thì hát hầu Đại quan nhân đây.

Nhị thư nắn phím hát rằng:

“Lúc mới gặp nhau

Đã nhận ngay ra ý trung nhân

Tuổi còn thanh xuân

Tóc như mây nổi

Má đào môi thắm đẹp muôn phần

Một đóa hoa tươi mơn mởn

Vẻ yêu kiều chưa gặp một lần

Chỉ tiếc nàng không phải dòng cao quý

Nên không thể đem về nhà làm vợ cho phỉ nguyện ái ân.

Lúc mới gặp nhau

Nhìn nhan sắc như nguyệt như hoa

Tiếc là gặp cảnh phong trần

Trong lòng trăm nỗi phân vân

Nghĩ vừa buồn vừa giận

Nhìn nhau đủ no mà chẳng được gần nhau

Nàng hát lên như tỏ nỗi u sầu

Sầu kia chưa quên được,

Buồn này lại đến mau.”

Tây Môn Khánh nghe xong, nhớ lại cuộc gặp gỡ của mình với Ái Nguyệt vừa rồi, thì thấy đúng như lời hát, cứ say sưa khen tặng không thôi. Vương thị thấy vậy mừng lắm, rót đầy một chung rượu lớn, chuốc cho Tây Môn Khánh mà nói:

– Xin gia gia cạn chung này, vừa rồi mới chỉ là vài khúc mà thôi. Nhị thư đây còn thuộc nhiều khúc hát rất hay nữa, để hôm nào rảnh rang, Nhị thư sẽ xin tới hát hầu các nương nương. Quả là Nhị thư đây hát hay hơn Úc Đại thư nhiều.

Tây Môn Khánh hỏi Thân Nhị thư:

– Tiết Trùng Dương này, tôi cho người tới rước, nàng chịu đi chăng?

Nhị thư đáp:

– Sao lão gia lại dạy vậy? Lão gia sai bảo một tiếng là tiện nữ đâu dám trái lệnh.

Tây Môn Khánh thấy Nhị thư biết ăn nói thì hài lòng lắm.

Bữa tiệc lại tiếp tục. Lát sau tiệc tàn. Vương thị bảo chồng:

– Nhờ Đại An đưa Nhị thư qua nghỉ bên Lạc Đại tẩu đi.

Thân Nhị thư đứng dậy vái chào. Tây Môn Khánh thưởng cho ba tiền mà bảo:

– Để nàng mua dây đàn.

Nhị thư lạy tạ. Tây Môn Khánh dặn:

– Mồng tám là ta cho người tới rước nàng đó.

Vương thị nói:

– Gia gia cứ sai Vương Kinh tới bảo tôi, tôi sẽ mời Nhị thư cho.

Nói xong nhờ Đại An đưa Nhị thư sang nhà họ Lạc ở bên cạnh.

Đạo Quốc đứng dậy xin phép ra tiệm coi hàng. Chỉ còn lại Tây Môn Khánh và Vương thị. Vương thị chuốc rượu cho Tây Môn Khánh một hồi nữa rồi hai người kéo nhau vào phòng trong.

Vương Kinh dọn rượu tại phòng ngoài cùng, mời Đại An và Cầm Đồng.

Hồ Tú sau khi dọn dẹp tại nhà bếp, bỗng nghe trong phòng Vương thị có tiếng trò chuyện, thì tưởng là Tây Môn Khánh đã ra về, và Đạo Quốc đang chuyện trò với vợ, bèn ghé mắt qua cửa sổ nhìn vào, không ngờ Tây Môn Khánh đang cùng Vương thị đầu gối tay ấp nhỏ to.


Vương thị nói:

– Chúng tôi được gia gia giúp đỡ nhiều quá, ơn lớn đó quả là không thể báo đáp được. Nhờ gia gia cho chồng tôi đi buôn bán mà lúc về cũng có được ít nhiều vốn riêng. Gia đình tôi thật khá hơn trước gấp bội, mà chồng tôi buôn bán quen, cũng khá hơn trước nhiều lắm.

Tây Môn Khánh bảo:

– Ơn huệ đó kể làm gì, tôi là bậc hào phú bậc nhất trong huyện Thanh Hà này, người nhờ vả tôi thiếu gì, làm sao kể hết. Nhưng Đạo Quốc được tôi tin cẩn như vậy, lý do tại sao thì nàng cũng biết. Chỉ sợ nay mai khá giả có tiền thì sinh lòng kia khác mà thôi.

Vương thị vội nói:

– Làm gì có chuyện đó, chồng tôi có to gan lớn mật tới đâu cũng chẳng bao giờ dám đổi dạ thay lòng với gia gia. Không có gia gia rồi biết nhờ vả vào ai?

Tây Môn Khánh bảo:

– Nếu vậy thì tốt, mà nếu nàng cũng hết lòng với ta thì để lần này ta sai Đạo Quốc cùng Lai Bảo đi Nam, rồi cho ở luôn đó lo mua bán.

Vương thị nói:

– Thì sai hắn đi chứ để hắn ở nhà làm gì, vả lại chính hắn có nói với tôi là hắn ở ngoài đã quen rồi, cũng muốn mua bán ở ngoài cho tiện. Vả lại như vậy hắn cũng kiếm thêm được ít nhiều, chứ ở nhà thì lấy gì ăn tiêu cho đủ. Xin gia gia giúp cho hắn. Tùy gia gia sai đi nơi nào cũng được.

Tất cả câu chuyện giữa hai người đều bị Hồ Tú nghe hết.

Trong khi đó Đạo Quốc tưởng Hồ Tú đã trở ra tiệm, nhưng tới nơi, hỏi Vương Hiển và Vinh Hải thì biết là Hồ Tú chưa tới, bèn quay về nhà gọi cổng để tìm Hồ Tú. Tại phòng ngoài, Vương Kinh cùng Đại An và Cầm Đồng vẫn đang cùng nhau chén tạc chén thù. Hồ Tú nghe tiếng Đạo Quốc, vội trở xuống nhà dưới vờ nằm ngủ.

Đạo Quốc cầm đèn xuống nhà sau, thấy Hồ Tú nằm ngủ thì đá vào người ngồi dậy mà mắng:

– Đồ khốn, tao đã bảo mày ra tiệm trước rồi ngủ ở đó, vậy mà mày lăn ra ngủ ở đây. Bây giờ không dậy, mà còn nằm đó hay sao?

Hồ Tú lồm cồm ngồi dậy, vờ dụi mắt rồi bước ra đường.

Trong khi Đạo Quốc lớn tiếng ở nhà dưới, thì Tây Môn Khánh đã vội bước ra ngoài. Lúc Đạo Quốc trở lên, Tây Môn Khánh hỏi:

– Ngươi đi đâu vậy?

Đạo Quốc đáp:

– Tôi ra ngoài tiệm để coi sóc mọi việc nên từ nãy tới giờ không ở nhà hầu tiếp gia gia được, xin gia gia tha tội.

Đoạn sai a hoàn hâm rượu và đem thêm đồ ăn lên. Tây Môn Khánh ăn uống qua loa, nói vài câu chuyện rồi đứng dậy cáo từ, dùng ngựa mà về. Ba tên gia nhân theo sau. Về tới nhà cũng đã canh hai. Tây Môn Khánh vào ngay phòng Bình Nhi. Bình Nhi nằm trên giường nhưng chưa ngủ, thấy Tây Môn Khánh bước vào, có vẻ say, liền hỏi:

– Chàng uống rượu ở đâu về vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

– Đạo Quốc thấy tôi buồn phiền nên hôm nay làm tiệc mời tôi đến uống rượu giải muộn. Đạo Quốc lại gọi được một nàng cũng còn nhỏ tuổi là Thân Nhị thư tới hát, nàng này hát hay hơn Úc Đại thư. Tiết Trùng dương này tôi sẽ cho gọi Nhị thư tới đây hát cho nàng nghe để nàng giải muộn. Nàng cũng đừng nên thương nhớ sầu khổ quá, nàng đang yếu, phải tĩnh dưỡng nhiều mới được.

Nói xong gọi Nghênh Xuân định sai cởi áo để nghỉ lại với Bình Nhi, nhưng Bình Nhi nói:

– Tôi khó ngủ, cứ trằn trọc, một đêm thức dậy mấy lần, Nghênh Xuân lại sắc thuốc để tôi uống đêm, chàng nghỉ ở đây sợ không ngủ yên được đâu. Chàng nên đi nơi khác mà nghỉ thì hơn. Chàng không thấy tôi gầy yếu xấu xí hay sao? Tôi buồn lắm, nhưng không nói ra mà thôi.

Tây Môn Khánh ôn tồn:

– Nàng đang bệnh, cần có người bầu bạn, tôi đến đây với nàng cho nàng vui, tôi đối với nàng thế nào nàng không biết hay sao mà lại nói như vậy?

Bình Nhi cười khẩy:

– Ai mà tin được lời chàng? Ngày mai tôi chết có khi chàng cũng không cần, chàng chỉ cần người ta mà thôi.

Tây Môn Khánh im lặng một lúc rồi bảo:

– Thôi, nếu nàng không muốn tôi ngủ đây thì để tôi sang phòng Kim Liên vậy.

Bình Nhi nói:

– Tôi cũng mong chàng qua trên đó, người ta đang chờ đợi chàng đang nóng lòng sốt ruột, chàng không sang với người ta mà cứ ở bên này thì chỉ khổ cho tôi mà thôi.

Tây Môn Khánh cười:

– Nếu nàng nói vậy thì tôi không sang đó nữa.

Bình Nhi mỉm cười:

– Không sao đâu, chàng cứ qua bên đó đi.

Nói xong đứng dậy tiễn Tây Môn Khánh ra cửa rồi trở vào ngồi trên giường. Nghênh Xuân đem thuốc đến Bình Nhi uống thuốc xong, tự nhiên nước mắt lại tuôn rơi. Lát sau mới nằm xuống mà nghỉ.

Trong khi đó Kim Liên đang định đi ngủ sớm thì bỗng thấy Tây Môn Khánh đẩy cửa bước vào cười hỏi:

– Đi ngủ sớm vậy?

Kim Liên ngạc nhiên mừng rỡ hỏi:

– Đâu ngờ chàng tới. Hôm nay chàng uống rượu ở nhà ai?

Tây Môn Khánh đáp:

– Đạo Quốc mới về ở Nam về, thấy tôi mới mất con nên làm tiệc mời tôi tới giải muộn. Vả lại Đạo Quốc cũng sắp đi xa nữa, nên muốn có tiệc đãi tôi để cảm tạ đã giúp đỡ hắn.

Kim Liên bảo:

– Hắn đi xa để chàng ở đây chiếu cố vợ hắn phải không?

Tây Môn Khánh bảo:

– Làm gì có chuyện đó, vợ chồng hắn cũng như gia nhân của tôi mà.

Kim Liên nói:

– Là gì thì là chứ, chàng muốn mà lại không được hay sao? Chàng đừng có lừa dối chúng tôi, chúng tôi đã biết hết cả rồi. Sinh nhật của chàng, con dâm phụ đó không thèm tới đây chúc thọ, nhưng sinh nhật của nó thì chàng lại lấy cái trâm vàng có chữ “Thọ” của Bình Nhi cho tôi để đem tặng nó. Chàng nỡ muối mặt làm như vậy sao? Con đó dù nó có đẹp đến chừng nào chăng nữa thì nó cũng chỉ là loài dâm phụ, chàng say mê nó ở chỗ nào? Lại còn dùng em trai nó làm gia nhân trong nhà nữa chứ. Tôi biết con dâm phụ đưa em vào dây chỉ là để thông tin với chàng mà thôi.

Tây Môn Khánh nhất định chối, bèn cười bảo:

– Lạ thật, ăn nói hồ đồ như vậy hay sao? Làm gì có chuyện đó. Nói thật cho nàng biết, trong tiệc hôm nay chỉ có chồng nó ngồi tiếp tôi mà thôi, tôi có thấy mặt mũi nó đâu.

Kim Liên nói:

– Đừng có cố tình dối gạt tôi, ai chẳng biết thằng chồng nó là đứa chẳng ra gì, nó dùng con vợ lung lạc chàng để chàng tin cậy nó trong việc buôn bán hầu bòn rút tiền bạc của chàng. Chàng có là đồ ngốc thì mới tin thằng chồng nó. Nói thật cho chàng biết, muối thì mặn, dấm thì chua có nói gì cũng không dối được ai đâu.

Tây Môn Khánh muốn cho qua chuyện nên chỉ cười, rồi đánh trống lảng gọi Xuân Mai pha trà. Xuân Mai pha trà đem ra, Tây Môn Khánh yên lặng ngồi uống, nhưng Kim Liên cứ lải nhải đay nghiến mãi, bèn tức giận đứng dậy, tới phòng Nguyệt nương mà nghỉ.

Kim Liên cứ nghĩ rằng Tây Môn Khánh giả vờ, lát nữa thế nào cũng trở vào, nhưng đợi mãi không thấy, bèn sai Xuân Mai ra ngoài dò xem. Xuân Mai đi một lát trở về thưa:

– Gia gia nghỉ tại thượng phòng rồi.

Kim Liên yên lặng suy nghĩ, hối hận vì đã quá lời và vụng về nhưng lại nghĩ rằng:

– Tây Môn Khánh có nhiều người để yêu quý, đâu thèm để ý tới mình.

Do đó tức giận sai Xuân Mai đóng chặt cửa phòng rồi dặn:

– Gia gia có đến gõ cửa, mày không được mở đấy nhé.

Xuân Mai vâng lời, đóng cửa tắt đèn đi ngủ.

Tây Môn Khánh tới phòng Nguyệt nương, nhưng mấy hôm nay vì cái chết của Tố Quan, Nguyệt nương buồn rầu than khóc không thôi nên mang bệnh. Nguyệt nương ngồi một mình trước đèn suy nghĩ vẩn vơ rằng:

– Nay mai còn nhiều bất trắc nữa, rồi biết ra sao.

Đang trầm ngâm tư lự thì Tây Môn Khánh đẩy cửa bước vào, trông sắc mặt giận không ra giận, say chẳng phải say.

Nguyệt nương bèn hỏi:

– Hôm nay nhà nào mời chàng dự tiệc vậy? Sao mãi giờ này mới về? Tôi thấy chàng có vẻ hơi say nhưng cũng có vẻ như đang giận ai, hay là trong tiệc đã có điều tiếng gì với ai chăng?

Tây Môn Khánh ngồi xuống đáp:

– Làm gì có chuyện điều tiếng gì với ai. Hôm nay Hàn Quản lý ở Nam về, nghe tin ca nhi mất biết là tôi đang buồn, mới làm tiệc mời tôi đến uống rượu giải sầu. Tôi từ chối không được nên phải tới Hàn quản lý có mời được một thiếu nữ là Thân Nhị thư ca hát hay lắm. Hàn quản lý thấy tôi hơi vui nên tận tình mời mọc, do đó tôi cũng hơi say.

Nguyệt nương lại hỏi:

– Chàng về nhà, đã tới thăm Lục muội muội chưa?

Tây Môn Khánh đáp:

– Tôi có ghé thăm rồi, nhưng Bình Nhi đang ngủ, a hoàn đang sắc thuốc, nên chỉ ngồi một lát mà thôi.

Nguyệt nương nói:

– Chàng thì phần việc công bọn bề, phần thì bàn chuyện tiệc tùng liên miên nên không để ý chuyện nhà, theo tôi thấy bệnh tình Lục muội cũng có phần nguy kịch chứ không chơi đâu. Nhất là từ khi ca nhi bỏ đi tới giờ Lục muội chỉ ngày đêm than khóc, chẳng nghĩ gì đến thân mình, tôi nghĩ như vậy không nên, nhưng khuyên giải hết lời cũng chẳng hiệu quả. Chàng nên lui tới an ủi Lục muội thì hơn. Khuyên Lục muội là phải nên giữ gìn sức khỏe, ráng quên những chuyện buồn phiền, có thế mới hy vọng mau khỏe được. Tôi biết tính Lục muội tuy ôn nhu hiền hậu, nhưng có tật là điều buồn phiền gì cũng để trong bụng, không chịu nói ra nên không ai an ủi được. Chàng cũng nên để ý tới điều đó.

Tây Môn Khánh nói:

– Như vậy thì để tôi tới an ủi Bình Nhi.

Nguyệt nương bảo:

– Chàng vừa nói là Lục muội đã ngủ, thì bây giờ để khuấy rầy Lục muội làm gì? Vả lại cũng khuya rồi, hôm nay tôi cũng không khỏe, chàng nên tới phòng nào mà nghỉ đi.

Tây Môn Khánh gật đầu, tới phòng Kim Liên, thấy cửa đã đóng chặt, bèn gọi Xuân Mai mở cửa. Kim Liên tuy giận Tây Môn Khánh, nhưng đến lúc nghe tiếng gọi cửa, lại mừng quýnh, lật đật tự chạy ra mở cửa. Đêm đó Kim Liên săn sóc Tây Môn Khánh chu đáo lắm.

Thấm thoát đã tới tiết Trùng dương, Tây Môn Khánh bảo Nguyệt nương:

– Hôm nọ ăn tiệc tại nhà Hàn quản lý, tôi thấy Thân Nhị thư quả là có tài đàn hát, để tôi bảo chúng nó mời tới hát cho các nàng nghe. Nàng cũng nên bảo nhà bếp làm tiệc, bày tại Tụ Cảnh Đường trong hoa viên, gia đình mình uống rượu thưởng tiết Trùng dương.

Đoạn bảo Vương Kinh đem kiệu đón Thân Nhị thư tới.

Lát sau Thân Nhị thư tới, được đưa vào thượng phòng, lạy chào Nguyệt nương và mọi người. Nguyệt nương thấy Nhị thư trẻ tuổi, xinh đẹp, ăn nói dịu dàng, hỏi về các bài hát thì biết nhiều lắm, bèn mời trà rồi bảo hát mấy bài.

Sau đó mọi người kéo ra Tụ Cảnh Đường dự tiệc.

Hôm đó Tây Môn Khánh không ra nha môn làm việc, mà ở nhà suốt ngày để đích thân trông coi việc trồng hoa cúc. Tiệc hôm đó gồm tất cả thê thiếp của Tây Môn Khánh và con gái là Đại thư, Xuân Mai, Ngọc Tiêu, Nghênh Xuân và Lan Hương hầu tiệc. Thân Nhị thư ngồi bên tiệc đàn hát.

Hôm đó Bình Nhi không khỏe, mời mãi mới chịu tới, nhưng chỉ gắng gượng ngồi dự tiệc để làm vui lòng Tây Môn Khánh và mọi người. Mọi người mời rượu, Bình Nhi cũng chỉ uống chút ít.

Nguyệt nương thấy Bình Nhi thân thể gầy gò, dung nhan sầu muộn thì bảo:

– Lục muội nên vui vẻ lên, để bảo Nhị thư hát vài khúc cho Lục muội nghe.

Ngọc Lâu nói:

– Đại nương bảo Nhị thư xem khúc nào hay nhất thì hát trước đi.

Bình Nhi vẫn buồn rầu yên lặng, cùng mọi người nghe hát. Đang uống rượu nghe hát thì thấy Vương Kính vào thưa:

– Có Ứng Nhị gia, Thường Nhị gia tới.

Tây Môn Khánh bảo:

– Mời họ vào đại sảnh, ta ra bây giờ.

Vương Kính lại nói:

– Thường nhị gia có cho đem hai quả đựng đầy lễ vật tới.

Tây Môn Khánh quay sang bảo Nguyệt nương:

– Đây là Thường nhị ca đã dọn tới nhà mới rồi, nên mới tới tạ ơn tôi đó.

Nguyệt nương bảo:

– Thế thì phải có gì khoản đãi người ta, chứ chẳng lẽ để người ta về không. Chàng cứ ra tiếp khách đi, để tôi bảo gia nhân dọn tiệc ở trên đó vậy.

Tây Môn Khánh đứng dậy, lúc bước đi còn dặn Nhị thư:

– Nàng nhớ chọn những khúc hát thật hay để hát cho Lục nương nghe nhé.

Nói xong bước ra.

Trong này, Kim Liên nói:

– Bây giờ Lục thư thư thích khúc hát nào thì để bảo Nhị thư hát khúc đó. Có vậy mới khỏi phụ lòng săn sóc của gia gia. Gia gia gọi Nhị thư tới đây là để hát cho Lục thư thư nghe, sao thư thư không nói gì vậy?

Bình Nhi nghe vậy, không đừng được, đành phải nói:

– Thôi thì Nhị thư hát thử khúc “Tử Mạch đồng Trần” xem.


Nhị thư đáp:

– Vâng, để tôi xin hát hầu nương nương.

Nói xong vừa đánh đàn tranh vừa hát. Khúc hát dứt, Nguyệt nương hỏi:

– Lục muội đã say chưa? Uống thêm chung nữa nhé.

Bình Nhi thật sự không muốn uống rượu chút nào, nhưng không thể chối từ, đành nâng chung rượu lên nhấp một ngụm nhỏ rồi đặt chung xuống. Lát sau thấy trong người hâm hấp rồi, Bình Nhi đứng dậy cáo từ về phòng nằm nghỉ.

Tây Môn Khánh bước ra, thấy Ứng, Thường hai người không ở đại sảnh mà đang ngắm hoa cúc ở gần hiên phỉ Thúy.

Nguyên nơi đây có hai mươi chậu cúc, chậu nào cũng cao tới bảy thước, gồm đủ các loại danh cúc như Đại lượng bào, Trạng nguyên hồng, Tử bào kim đái, Bạch phấn Tây Thi, Mặn Thiên tinh, Túy vương Phi, Ngọc Mẫu đơn, Nga mao cúc, Uyên nương cúc v.v... Tây Môn Khánh thấy hai người thì vái chào. Trĩ Tiết vái lại rồi gọi gia nhân đem lễ vật tới. Tây Môn Khánh mời hai người vào ngồi lại hiên Phỉ Thúy rồi hỏi:

– Cái gì thế này?

Bá Tước nói:

– Thường nhị ca nhờ đại ca nay đã có nhà cửa, chẳng biết lấy gì tỏ lòng biết ơn, nên mới bảo Thường nhị tẩu làm ít cua và vịt quay đem lại tạ ơn đại ca.

Tây Môn Khánh nói:

– Thường nhị ca bày vẽ thế này làm gì, thật phí tâm quá.

Bá Tước nói:

– Tôi cũng bảo nhị ca đây như vậy, nhưng nhị ca đây nhất định lựa mấy thứ này tới kính biếu đại ca.

Tây Môn Khánh gọi gia nhân mang hai quả lễ vật lại, sai mở ra thì thấy một quả gồm bốn chục con cua thật lớn nhồi thịt và các gia vị rồi nướng lên, bốc mùi thơm nức. Một quả là cặp vịt quay béo vàng trông thật ngon mắt. Tây Môn Khánh coi xong sai Xuân Hồng và Vương Kinh đem vào trong rồi lại sai Đại An lấy tiền thưởng cho mấy người bưng lễ vật. Rồi quay sang vái tạ Trĩ Tiết. Bá Tước hết lời khen mấy chậu cúc rồi hỏi:

– Đại ca tìm ở đâu mà có những giống cúc quý quá vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

– Tìm gì đâu, đó là do Lưu thái giám sai đem tới biếu.

Bá Tước nói:

– Hoa đã là một chuyện, còn những cái bồn hoa mới là đáng nói, trông chẳng khác gì đồ gốm Tô Châu, những thứ này bây giờ tìm đâu có.

Gia nhân đem trà ra, Tây Môn Khánh mời hai người uống trà rồi hỏi:

– Thường nhị ca hôm nào dọn nhà vậy?

Bá Tước lại đáp thay:

– Sau khi chồng tiền làm giấy được ba hôm thì dọn nhà, đồ đạc cũng mua đầy đủ cả rồi. Hiện Thường nhị tẩu đã dùng số tiền dư mở tiệm tạp, nhờ người em đứng trông coi giùm.

Tây Môn Khánh bảo Bá Tước:

– Vậy thì hôm nào chúng mình phải có ít lễ vật tới mừng tân gia của Thường Nhị ca chứ. Chỉ lên mời vài ba người thôi. Thường Nhị ca khỏi phải chuẩn bị gì cả, tôi sẽ bảo người nhà làm đồ ăn sẵn rồi mang tới, cũng gọi thêm hai kỹ nữ tới giúp vai, chúng mình vui vẻ một ngày.

Trĩ Tiết nói:

– Tôi cũng tính là phải có chén rượu nhạt thỉnh đại ca tới, nhưng cứ do dự không dám vì nhà cửa chật chội, chỉ sợ làm phiền lòng đại ca.

Tây Môn Khánh bảo:

– Nhị ca chớ lo vớ vẩn. Chỗ anh em mà, để tôi bảo gọi Tạ đại ca tới nói cho biết.

Đoạn quay lại bảo Cầm Đồng đi mời Tạ Hy Đại. Bá Tước hỏi:

– Hôm đó đại ca định cho gọi những ca nữ nào?

Tây Môn Khánh cười:

– Thì lại gọi Ái Nguyệt và Hồng Tú vậy.

Bá Tước hỏi:

– Hôm nọ đại ca cho gọi Ái Nguyệt mà không nói nên tôi không biết, theo đại ca thì Ái Nguyệt và Quế Thư hơn kém như thế nào?

Tây Môn Khánh đáp:

– Thì đại khái tài sắc cũng như nhau.

Bá Tước nói:

– Hôm nọ sinh nhật của đại ca, sao Ái Nguyệt nó không nói gì hết vậy? Con đó coi vậy mà có vẻ ghê lắm đó.

Tây Môn Khánh bảo:

– Để hôm nào tôi tới nhà Ái Nguyệt sẽ mời nhị ca cùng đi. Nhị ca đánh cờ giỏi thử đánh với Ái Nguyệt xem sao?

Bá Tước hăng hái:

– Được rồi, để hôm nào theo đại ca đi, tôi phá cho con nhỏ một trận mới được.

Tây Môn Khánh bảo:

– Nhị ca chỉ được cái làm yêu làm quỷ là không ai bằng, phá gì thì phá, nhưng đừng làm người ta buồn mới được.

Đang nói chuyện thì Hy Đại tới. Hy Đại vái chào ba người rồi ngồi xuống. Tây Môn Khánh bảo Hy Đại:

– Thường nhị ca có nhà mới, chúng mình tùy tâm góp phần làm việc mừng tân gia đừng để Thường Nhị ca đứng ra tổ chức làm gì cho tốn kém. Riêng tôi thì lo chuẩn bị thức ăn rồi sai đem tới, tôi cũng mời hai ca nữ nữa, Tạ ca tính sao?

Hy Đại đáp:

– Đại ca dạy rất phải, nhưng đại ca ấn định chúng tôi phải góp bao nhiêu, xin cho biết. Mà đại ca tính mời những ai nữa không?

Tây Môn Khánh nói:

– Đóng góp thì tùy tâm, còn người dự tiệc thì chỉ mình anh em mình mà thôi.

Bá Tước nói:

– Vả lại nhà chật chội, mời nhiều cũng không được.

Đang nói chuyện thì Cầm Đồng vào thưa:

– Có Ngô Đại cữu tới.

Tây Môn Khánh bảo:

– Mời đại cữu vào đây.

Cầm Đồng chạy ra. Lát sau Ngô Đại cữu vào, vái chào mọi người rồi ngồi xuống. Tây Môn Khánh mời dùng trà. Ngô Đại cữu uống trà, nói vài câu chuyện xã giao rồi đứng dậy nói:

– Xin lỗi quý vị, tôi muốn mời dượng đây vào trong có câu chuyện riêng muốn nói.

Tây Môn Khánh vội đứng dậy mời Ngô Đại cữu vào thượng phòng, tức phòng Nguyệt nương. Nguyệt nương đang dự tiệc tại Tụ Cảnh Đường trong hoa viên, nghe tin anh mình tới vội trở về phòng chào hỏi, rồi mời ngồi, gọi Tiểu Ngọc đem trà ra. Ngô Đại cữu lấy trong tay áo ra mười lạng bạc, đưa cho Nguyệt nương mà bảo:

– Tôi mới lãnh được ít bạc này, cô và dượng tạm cầm mười lạng này, hôm nào có thêm tiền, tôi sẽ xin trả nốt.

Tây Môn Khánh bảo:

– Đại cữu việc gì phải vội, lúc nào trả không được, thật đại cữu cẩn thận quá.

Ngô Đại cữu đáp:

– Tôi chỉ sợ chậm trễ để dượng phải chờ mà thôi.

Tây Môn Khánh hỏi:

– Kho chứa đã sửa soạn tu bổ tới đâu rồi?

Ngộ đại cữu đáp:

– Chừng một tháng nữa thì hoàn tất.

Tây Môn Khánh bảo:

– Công việc xong xuôi nhất định đại cữu sẽ được quan trên khen thưởng.

Ngô Đại cữu nói:

– Năm nay có vụ khảo tuyển quân chính, nhờ dượng nói với quan Tuần án một câu giùm tôi.

Tây Môn Khánh bảo:

– Công việc của đại cữu, tôi lúc nào cũng coi như việc của tôi, xin đại cữu cứ yên tâm.

Nguyệt nương bảo:

– Bây giờ mời đại cữu ra ngoài ngồi chơi.

Ngô Đại cữu nói:

– Được rồi để tôi ra, nhưng chỉ sợ ba vị khách có chuyện gì đang cần nói hay không?

Tây Môn Khánh bảo:

– Có chuyện gì đâu, Thường nhị ca vay tiền tôi để mua nhà, nay đã dọn tới nhà mới nên đem lễ vật đến tạ ơn, tôi mời ngồi lại đấy mà.

Ngô Đại cữu theo Tây Môn Khánh ra hiên Phỉ Thúy.

Nguyệt nương vào bếp sai làm thêm đồ ăn. Cầm Đồng, Vương Kinh bày bàn dọn tiệc.

Tây Môn Khánh sai Cầm Đồng vào kho lấy vò rượu Cúc Hoa do Hạ Đề hình biếu ra, lại sai Vương Kinh lấy mấy cái chung vàng để rót rượu. Rượu này còn ngon hơn cả rượu Bồ Đào. Tây Môn Khánh mời Ngô Đại cữu và mọi người thưởng thức. Tất cả đều khen ngợi không tiếc lời. Mọi người nhập tiệc.

Trên bàn tiệc có cả món cua và vịt của Trĩ Tiết. Hy Đại ăn món cua rồi nói:

– Không biết món cua này làm như thế nào mà ngon quá.

Tây Môn Khánh nói:

– Món này với món vịt đây là do Thường Nhị ca đem tới cho tôi đó.

Ngô Đại cữu nói:

– Tôi năm nay đã năm mươi hai tuổi rồi, ăn miếng ngon đã nhiều, mà chưa từng ăn món cua như thế này bao giờ, ngon thật.

Bá Tước hỏi:

– Các tẩu tẩu đã thưởng thức món này hay chưa?

Tây Môn Khánh đáp:

– Chắc là có chứ.

Bá Tước nói:

– Thế mới biết Thường Nhị tẩu làm đồ ăn khéo thật.

Trĩ Tiết cười:

– Tiện nội thì chỉ sợ là làm chẳng ra gì, rồi các vị cười cho.

Mọi người ăn uống trò chuyện vui vẻ. Cầm đồng và Vương Kinh hầu tiệc.

Tây Môn Khánh gọi Thư Đồng và Xuân Hồng tới hát mua vui.

Lát sau Bá Tước nghe văng vẳng tiếng đàn tranh và tiếng con gái hát bèn hỏi:

– Quế Thư ở đây hay sao mà có tiếng đàn tranh và tiếng hát?

Tây Môn Khánh bảo:

– Nhị ca thử nghe kỹ lại xem có phải giọng hát Quế Thư không?

Bá Tước nói:

– Không Quế Thư thì Ngân Nhi chứ gì?

Tây Môn Khánh cười:

– Chỉ giỏi đoán mò.

Bá Tước lại nói:

– Hay là Úc Đại thư?

Tây Môn Khánh lắc đầu:

– Sai hết, đó là Thân Nhị thư, ca hát giỏi lắm, còn hơn cả Úc Đại thư nữa.

Bá Tước nôn nóng:

– Vậy thì sao đại ca không gọi ra đây cho chúng tôi xem mặt rồi nghe hát.

Tây Môn Khánh cười:

– Gọi sao được, đám thê thiếp của tôi hôm nay làm tiệc trong hoa viên để thưởng tiết Trùng dương nên mời Nhị thư tới hát đó.

Bá Tước nói:

– Tôi cũng biết nghe hát lắm chứ.

Hy Đại bảo:

– Tai Ứng Nhị ca là tai trâu mà bảo là biết nghe hát.

Hai người cười giỡn châm chọc nhau một hồi. Lát sau Bá Tước lại giục:

– Xin đại ca cho gọi Thân Nhị thư ra đây một chút, chúng tôi coi mặt một chút mà thôi. Nếu như đại ca không đếm xỉa gì đến chúng tôi thì đại ca cũng phải gọi ra đây hát hầu đại cữu chứ, sao đại ca cố chấp thế?

Tây Môn Khánh biết từ chối không được, bèn quay lại sai Vương Kinh dẫn Nhị thư ra. Nhị thư tới trước bàn tiệc lạy chào rồi ngồi tại một cái đôn gần đó. Bá Tước hỏi:

– Chẳng hay thanh xuân nàng bao nhiêu?

Nhị thư đáp:

– Tôi tuổi Sửu, năm nay hai mươi mốt.

Bá Tước lại hỏi:

– Nàng biết nhiều ca khúc không?

Nhị thư đáp:

– Cũng thuộc được hơn trăm ca khúc.

Bá Tước gật gù:

– Như vậy là nhiều đấy chứ.

Tây Môn Khánh bảo:

– Phiền nàng đánh một khúc tỳ bà và hát khúc “Tứ mộng bát không” cho Đại cữu đây nghe.

Nhị thư ôm đàn mà hát, mọi người vừa uống rượu vừa thưởng thức tiếng đàn ca thánh thót du dương.

Nói về Bình Nhi, khi về tới phòng, tự nhiên huyết trắng ra rất nhiều, mắt hoa đầu váng, ngã quỵ xuống ngay bậc cửa, đầu đập vào bậc cửa, bất tỉnh nhân sự. Nghênh Xuân và nhũ mẫu Như Ý vội vực vào cứu chữa, nhưng Bình Nhi vẫn không tỉnh. Nghênh Xuân hoảng quá, vội bảo Tú Xuân lên báo cho Nguyệt nương biết, Tú Xuân vào Tụ Cảnh Đường trong hoa viên báo tin dữ. Nguyệt nương cùng mọi người đều giật mình, bỏ cả tiệc mà tới phòng thăm. Thấy Bình Nhi nằm mê man trên giường, Nghênh Xuân và Như Ý ngồi hai bên săn sóc, bèn hỏi:

– Sao thế này? Vừa rồi còn đi đứng ăn uống được cơ mà?

Nghênh Xuân không nói gì, khẽ chỉ vào quần Bình Nhi, Nguyệt nương thấy ống quần ướt đẫm thì hoảng sợ nói:

– Chắc là hồi nãy uống rượu nên huyết vượng mà thành ra như thế.

Kim Liên nói:

– Có uống được bao nhiêu đâu.

Nguyệt nương vội sai nấu nước gừng đổ cho Bình Nhi, lát sau thì dần dần tỉnh lại, Nguyệt nương hỏi:

– Lục muội thấy trong người thế nào? Sao lại đến nỗi này.

Bình Nhi đáp yếu ớt:

– Tôi cũng chẳng biết tại sao, tự nhiên tối tăm mày mặt, đầu óc choáng váng rồi ngã xuống, không biết trời đất gì nữa.

Nguyệt nương quay lại bảo Lai An:

– Ngươi chạy lên thưa với gia gia, để xem gia gia có cho mời Nhiệm quan tới coi bệnh cho Lục nương hay mời người khác.

Bình Nhi gạt đi:

– Thôi, không nên làm kinh động tới gia gia, để gia gia uống rượu.

Nguyệt nương nghe vậy lại thôi, chỉ dặn Nghênh Xuân săn sóc Bình Nhi cẩn thận rồi cùng mọi người vào hậu phòng, sai dọn dẹp tiệc, vì Nguyệt nương không còn lòng dạ nào ăn uống nữa.

Mãi tới chiều tối, Tây Môn Khánh mới tiễn khách ra về rồi vào phòng Nguyệt nương. Nguyệt nương kể lại việc Bình Nhi ngã xuống và ngất đi. Tây Môn Khánh vội tới thăm, thấy Bình Nhi nằm thiêm thiếp trên giường, sắc mặt nhợt nhạt như tờ giấy bạch. Bình Nhi mở mắt thấy Tây Môn Khánh đứng cạnh giường thì chỉ nắm áo Tây Môn Khánh mà khóc. Tây Môn Khánh hỏi nguyên do thì Bình Nhi đáp:

– Tôi về tới cửa phòng thì tự nhiên huyết trắng tuôn ra như suối, rồi xây xẩm mặt mày, choáng váng đầu óc mà ngã xuống, không biết gì nữa.

Tây Môn Khánh thấy trán Bình Nhi u lên tím bầm vì ngã thì hỏi:

– Các a hoàn đâu, sao không săn sóc nàng mà để nàng ngã như vậy?

Bình Nhi đáp:

– Có chứ sao không, có Nghênh Xuân và Như Ý kịp thời tới đỡ dậy chứ không thì không biết ra sao.

Tây Môn Khánh bảo:

– Để sáng sớm mai tôi cho người mời Nhiệm y quan lại coi bệnh cho nàng.

Tối hôm đó Tây Môn Khánh nghỉ tại phòng Bình Nhi.

Sáng sớm hôm sau, trước khi ra nha môn làm việc, Tây Môn Khánh sai Họa Đồng đi mời Nhiệm y quan. Nhưng Nhiệm y quan vắng nhà, tới trưa, lúc Tây Môn Khánh ở nha môn về, Nhiệm y quan mới tới. Tây Môn Khánh mời vào đại sảnh uống trà nói chuyện, rồi khi gia nhân a hoàn dọn dẹp phòng Bình Nhi sạch sẽ xong xuôi, mới mời Nhiệm y quan tới coi mạch cho Bình Nhi.

Nhiệm y quan coi mạch xong, trở lên đại sảnh nói với Tây Môn Khánh:

– Cứ như mạch của phu nhân thì bệnh tình lần này đã gia tăng trầm trọng, ấy là vì sầu thương bi cảm quá mà tổn tới gan, hỏa trong phế lại vượng quá, cho nên mộc vượng thổ hư mà huyết trắng huyết đỏ tuôn ra như sơn băng khó lòng cầm giữ. Nếu là huyết trắng không thôi, hoặc huyết bầm thì dễ, đằng này phu nhân lại ra huyết tươi. Thật là khó lắm. Tuy nhiên để vãn sinh cố làm thuốc, uống vào mà cầm được thì mới có hy vọng qua khỏi, còn nếu không thì vãn sinh cũng chẳng biết làm sao.

Tây Môn Khánh nói:

– Xin tiên sinh gia tâm cứu cho. Chúng tôi sẽ xin hậu tạ.

Nhiệm y quan nói:

– Sao quan nhân lại dạy vậy. Dù thế nào thì vãn sinh cũng phải tận tâm tận lực.

Sau vài tuần trà, Nhiệm y quan cáo từ mà về. Tây Môn Khánh sai lấy một xấp lụa và hai lạng bạc cho Cầm Đồng đem tới nhà Nhiệm y quan để lấy thuốc về. Thuốc lấy về có tên là Quy tỳ thang, được sắc lên ngay cho Bình Nhi uống. Nhưng thuốc uống xong, huyết tươi lại ra như suối. Tây Môn Khánh hoảng lên, vội sai mời Hồ thái y tới.

Hồ thái y tới coi rồi nói:

– Đây là khí xung huyết quản, nhiệt nhập huyết thất, nếu cứ uống thuốc mãi vào thì e làm cho huyết ra nhiều thêm mà thôi.

Nguyệt nương bận rộn lo cho Bình Nhi nên chỉ giữ Thân Nhị thư có một đêm rồi cho ít khăn lụa năm tiền và vài món quà khác rồi sai lấy kiệu đưa về.

Hoa đại gia thì từ hôm ăn mừng cửa tiệm khai trương không thấy tới thăm, mãi khi nghe Bình Nhi đau nặng mới sai Hoa Đại tẩu đem lễ vật tới. Hoa Đại tẩu thấy Bình Nhi đau nặng, thân thể tiều tụy thì ngồi khóc mãi. Sau đó lên thượng phòng uống trà nói chuyện với Nguyệt nương rồi cáo từ mà về.

Lại có Hàn Đạo Quốc tới nói:

– Ở ngoại thành phía đông có Triệu thái y chuẩn về bệnh đàn bà, trị liệu như thần. Năm ngoái tiện nội bệnh nặng cũng nhờ Triệu thái y chữa khỏi, lão gia nên cho người mời tới trị bệnh cho Lục nương.

Tây Môn Khánh nghe lời, vội sai Cầm Đồng và Vượng Kinh cưỡi ngựa ra ngoại thành mời Triệu thái y rồi lại cho mời Bá Tước tới bảo:

– Đệ lục phòng của tôi bệnh tình trọng quá, làm thế nào bây giờ?

Bá Tước giật mình hỏi lại:

– Nghe nói lục tẩu tẩu đã khá rồi cơ mà sao lại trầm trọng?

Tây Môn Khánh đáp:

– Trước thì có khá hơn chút đỉnh, nhưng từ khi ca nhi bỏ đi thì cứ sầu thương bi thảm mà bệnh tình ngày thêm trầm trọng hơn lên. Hôm kia nhân tiết Trùng dương, tôi cho làm tiệc rồi mời Thân Nhị thư tới hát, những mong giải muộn, nhưng Bình Nhi không chịu ăn uống, giữa tiệc bỏ về phòng nghỉ. Nào ngờ về tới phòng thì huyết ra như suối, ngã xuống mà ngất đi. Nhiệm y quan tới coi mạch, cho biết là bệnh tình trầm trọng lắm. Đến khi uống thuốc vào thì huyết lại ra nhiều hơn. Thế có nguy không cơ chứ.

Bá Tước nói:

– Đại ca thử mời Hồ thái y lại coi xem nói sao.

Tây Môn Khánh đáp:

– Cũng cho mời tới rồi. Hồ Thái y bảo là khí xung huyết quản khó chữa lắm, rồi sau đó không nhận chữa. Hôm nay thì Hàn quản lý bảo là Triệu thái y ở ngoại thành chuyên về bệnh đàn bà, tôi vừa mới cho gia nhân đi mời. Thật khổ hết sức, vừa đám tang con thì lại gặp chuyện này. Bình Nhi thương con quá độ, ai khuyên giải cũng không được nên mới ra nông nỗi này. Bây giờ tôi chẳng biết làm sao.

Đang nói chuyện thì Bình An vào thưa:

– Có Kiều Đại gia tới thăm.

Kiều Đại hộ bước lên đại sảnh vái chào Tây Môn Khánh và Bá Tước rồi nói:

– Nghe Lục nương thân gia đau nặng nên tới thăm.

Tây Môn Khánh nói:

– Đa tạ thân gia phí tâm. Cũng vì ca nhi mất đi mà bệnh tình mới như vậy.

Kiều Đại hộ hỏi:

– Đã có mời lang y tới coi mạch cho thuốc chưa?

Tây Môn Khánh đáp:

– Thường thì vẫn dùng thuốc của Nhiệm y quan, nhưng lần này thuốc uống vào cũng vô hiệu. Tôi lại vừa mới cho người đi mời Triệu thái y ở ngoại thành, nghe nói là chuyên về bệnh đàn bà. Chắc cũng sắp tới.

Kiều đại hộ nói:

– Trong huyện mình có Hà lão nhân, tinh thông y lý, người con là Hà Trĩ Hiên, hiện được nâng lên hàng quan đái y sĩ, sao thân gia không cho mời tới xem sao.

Tây Môn Khánh bảo:

– Nếu vậy thì cứ để chờ Triệu thái y tới xem sao đã, cần thì mời Hà lão nhân tới sau.

Kiều đại hộ nói:

– Theo ngu ý của tôi thì cứ mời Hà lão nhân tới trước là hơn, đồng thời cũng cho mời luôn cả Triệu thái y tới để cả hai cùng nghiên cứu bệnh tình mà bàn luận kê đơn bốc thuốc, như vậy tất phải công hiệu.

Tây Môn Khánh bảo:

– Thân gia dạy rất chí lý.

Nói xong sai Đại An đem thiếp, cùng đi với gia nhân của Kiều đại hộ là Kiều Thông tới mời Hà lão nhân.

Một lúc lâu sau, Hà lão nhân tới, vái chào Tây Môn Khánh và Kiều đại hộ. Tây Môn Khánh mời ngồi dùng trà rồi chắp tay nói:

– Mấy năm nay không được diện kiến lão nhân, không ngờ râu tóc đã bạc phơ cả rồi.

Kiều đại hộ cũng hỏi thăm:

– Công việc của lệnh lang y sĩ vẫn đều đặn đấy chứ?

Hà lão nhân đáp:

– Tiện nam thường được trong huyện gọi luôn nên không được nhàn, do đó tôi mới phải đi thăm bệnh.

Bá Tước nói:

– Lão nhân cao thọ như thế này mà trông còn tráng kiện quá.

Hà lão nhân đáp:

– Thưa vâng, tôi đã tám mươi mốt tuổi.

Chủ khách uống trà nói chuyện. Tây Môn Khánh sai gia nhân vào báo trước, sau đó mời Hà lão nhân tới phòng Bình Nhi coi mạch.

Hà Lão nhân coi mạch Bình Nhi xong trở lên đại sảnh nói với Tây Môn Khánh:

– Nương tử đây tinh xung huyết quản, lại thêm khí não buồn phiền, khí huyết tương đoàn nên huyết xuất như băng.

Tây Môn Khánh nói:

– Quả đúng là vì chuyện buồn phiền nên bệnh mới trầm trọng như vậy.

Đang nói chuyện thì Cầm Đồng và Vương Kinh vào thưa là Triệu thái y tới. Hà lão nhân hỏi:

– Người đó là ai vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

– Đó là Triệu thái y ở ngoại thành, do một viên quản lý giới thiệu cho tôi. Xin lão nhân cứ làm như không biết, rồi đợi Triệu Thái y coi mạch xong, lão nhân sẽ bàn luận với Triệu thái y để kê đơn cho thuốc.

Triệu y quan bước vào, Tây Môn Khánh đứng dậy thi lễ.

Triệu y quan thi lễ cùng mọi người rồi ngồi xuống uống trà nói chuyện.

Lát sau Triệu thái y hỏi:

– Dám xin cho biết quý tính của liệt vị chư tôn đây.

Kiều đại hộ đáp:

– Lão nhân đây họ Hà, còn chúng tôi họ Kiều.

Bá Tước tiếp lời:

– Còn tại hạ họ Ứng, dám hỏi có phải Triệu tiên sinh đó chăng?

Triệu thái y đáp:

– Dạ chính chúng tôi, tiện hiệu là Long Cương. Các sách y khoa như Hoàng đế sách văn, Nạn kinh, Hoạt nhân thư. Đan khê gia yếu, Đan Khê tâm pháp, Gia giảm thập tam phương, Thiên Kim đô hiệu lương phương, Thọ vực thần phương, Hải thần phương... Sách nào cũng có đọc qua. Thuốc thì chúng tôi dùng hung trung hoạt pháp, mạch lý thì chỉ rõ huyền cơ, coi mạch mà biết được lục khí tứ thời, định được tiêu cách âm dương, nói rõ được nặng nhẹ quan hệ thế nào. Các chứng phong, hư, hàn, nhiệt thảy đều trị giỏi. Mạch lý huyền, hồng, trì số, cái gì cũng thông hiểu. Tôi nói năng vụng về nên một lúc không thể kể hết được.

Hà lão nhân nghe xong bèn hỏi:

– Dám hỏi tiên sinh khi coi bệnh thì lấy gì làm trước?

Triệu thái y đáp:

– Cổ nhân nói: vọng, văn, vấn, thiết, thần thánh công xảo. Vãn sinh thì hỏi bệnh, sau mới coi mạch, rồi mới xem khí sắc, trăm lần chẳng một lần sai.

Tây Môn Khánh sốt ruột:

– Nếu vậy thì để thỉnh tiên sinh vào coi giùm cho.

Nói xong đích thân dẫn Triệu thái y vào phòng Bình Nhi.

Bình Nhi vừa mới ngủ được chốc lát đã phải thức dậy, a hoàn đỡ ngồi tựa vào gối.

Triệu thái y hỏi sơ bệnh tình rồi bắt mạch đủ hai tay, sau đó bảo:

– Xin phu nhân ngẩng đầu lên để tôi được coi khí sắc.

Bình Nhi từ từ ngẩng đầu lên. Triệu thái y nhìn qua rồi quay lại bảo Tây Môn Khánh:

– Xin lão gia hỏi phu nhân đây xem tôi là ai.

Tây Môn Khánh hơi ngạc nhiên, nhưng cũng làm theo lời, bèn hỏi Bình Nhi:

– Nàng có biết vị này là ai không?

Bình Nhi đáp:

– Vị này là thái y chứ ai, nghe nói là Triệu tiên sinh.

Triệu thái y quay lại nói với Tây Môn Khánh:

– Xin lão gia cứ yên tâm. Không hại gì cả, vì còn nhận ra được người này người nọ.

Tây Môn Khánh nói:

– Xin tiên sinh hết lòng giùm cho, chúng tôi sẽ xin hậu tạ.

Triệu thái y coi mạch lại một lần nữa rồi nói:

– Bệnh của phu nhân đây, tôi nói thật, cứ theo mạch và thần sắc thì nếu không phải thương hàn thì cũng chỉ là tạp chứng, nếu không phải là hậu sản thì cũng là sắp có thai.

Tây Môn Khánh nói:

– Không phải như vậy đâu. Xin tiên sinh coi kỹ lại giùm cho.

Triệu thái y ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:

– Nếu không thì tại sao mặt lại trắng bệch ra. Chắc là tại kinh nguyệt không đều rồi.

Tây Môn Khánh nói:

– Thưa thật với tiên sinh, bệnh của tiểu thiếp tôi đây hiện là huyết ra không ngừng, do đó mới trầm trọng như thế này. Nếu tiên sinh có thuốc gì chữa được thì chúng tôi đền ơn thật hậu.

Triệu thái y reo lên:

– Đấy tôi nói có sai đâu, kinh nguyệt bất điều mà. Không sao tôi đã có thuốc.

Tây Môn Khánh mời Triệu thái y trở lên đại sảnh. Kiều đại hộ hỏi ngay:

– Nguyên do bệnh tình là thế nào vậy, thưa tiên sinh?

Triệu thái y ngồi xuống đáp:

– Cứ theo vãn sinh thì nguyên do là kinh nguyệt bất điều nên sinh ra chứng hạ huyết như vậy.

Hà lão nhân hỏi:

– Như vậy phải dùng thuốc thế nào?

Triệu thái y đáp:

– Tôi đã có một phương thuốc rất hiệu nghiệm, chỉ cần ít vị thuốc uống vào là hết ngay. Xin nghe tôi đây:

“Cam thảo cam toại với Cương sa,

Lê lư, Ba đậu, lại thêm Nguyên hoa.

Gừng sông thái ra chừng năm bảy lát,

Lại thêm Ô đầu, hạnh nhân, bệnh ấy tiêu ma.”

“Các vị thuốc chuẩn bị xong thì luyện thành thuốc hoàn, sáng sớm uống với nước nóng là khỏi.”

Hà lão nhân bảo:

– Thuốc đó e rằng quá độc, không dùng được đâu.

Triệu thái y nói:

– Từ xưa độc dược đắng miệng nhưng khỏi bệnh sao lại không uống được?

Tây Môn Khánh thấy giọng điệu ba hoa của Triệu thái y thì đã phát ngán từ đầu, nhưng do Hàn quản lý giới thiệu, chẳng lẽ lại không mời coi mạch.

Trở vào đại sảnh, Tây Môn Khánh bảo Kiều đại hộ:

– Triệu thái y thật chẳng biết gì.

Hà lão nhân nói:

– Tôi biết người này lắm, nhưng không dám nói ra. Hắn ở ngoại ô phía đông, có hỗn danh là Triệu bịp quỷ, vì chỉ tài nói khoác để lừa bịp những người bệnh qua lại địa phương đó mà thôi. Hắn làm sao hiểu nổi mạch tức bệnh nguyên. Bệnh tình của phu nhân như vậy là tôi đã rõ, để tôi về làm thuốc cho đem lại nếu hợp duyên thì uống vào bệnh sẽ thuyên giảm ngay, vì dù sao cũng có câu “phước chủ lộc thầy” còn nếu huyết vẫn ra thì thật khó lòng lắm.

Nói xong đứng dậy cáo từ. Tây Môn Khánh tặng một lạng bạc rồi sai Đại An đi theo để mang thuốc về.

Thuốc mang về được sắc ngay cho Bình Nhi uống. Uống xong cũng chẳng thấy động tĩnh gì. Nguyệt nương bảo Tây Môn Khánh:

– Cứ uống thuốc mãi như thế này mà không thấy bớt thì chỉ thêm mệt người mà thôi. Lúc trước Ngô thần tiên có đoán là năm hai mươi bảy tuổi thì Lục muội có tai nạn huyết quang, năm nay là đúng hai mươi bảy. Chàng nên cho mời Ngô thần tiên xem sao. Vả lại biết đâu chẳng phạm vào thần thánh nào mà sinh ra thế. Mình sẽ nói để Ngô thần tiên cúng vái cho.

Tây Môn Khánh nghe theo, sai gia nhân đem thiếp sang phủ Chu Thủ bị hỏi thăm xem Ngô thần tiên hiện ở đâu. Gia nhân về thưa rằng:

– Chu đại nhân nói là Ngô thần tiên vân du bốn phương, đi về bất định, trước thì hay đi về miếu Thổ địa ở phía nam ngoại thành, nhưng từ bốn tháng nay thì nghe nói là đã tới núi Vũ Đương rồi. Nếu cần người xem số đoán mệnh thì ở miếu Chân Vũ có Hoàng tiên sinh tướng số giỏi lắm. Xem một người chỉ lấy ba tiền, chuyên xem cho các gia đình giàu có, đoán mệnh như thần.

Tây Môn Khánh bèn sai Kính Tế ra phía bắc ngoại thành, tới miếu Chân Vũ, thấy ngoài cổng có treo một tấm bảng đề “Diệu toán tiên tiên dịch số, mỗi quẻ ba tiền”. Kính Tế bước vào vái chào Hoàng tiên sinh, đưa tiền lên rồi nói:

– Phiền tiên sinh đoán giùm cho một người.

Đoạn lấy ra tấm thiếp viết sẵn như sau:

“Nữ mệnh, hai mươi bảy tuổi, sinh giờ Ngọ ngày rằm tháng giêng”.

Hoàng tiên sinh xem xong, lẩm nhẩm tính một hồi rồi nói:

– Mệnh này sinh vào giờ Giáp Ngọ, ngày Tân Mão, tháng canh Dần, năm Tân Mão. Năm nay là năm Đinh Dậu, nên có sao Kế Đô chiếu mệnh, lại phạm vào Tang môn Ngũ quỷ, nên có tai ách lớn. Sao Kế Đô là sao tối tăm, hình thể nó như một mối tơ rối rít, biến dị khôn lường, chủ về bệnh tật tai ương tang tóc, lại bị tiểu nhân ganh ghét làm hại, cũng có điều khẩu thiệt thị phi. Mệnh này năm nay bất lợi lắm.

Nói xong viết những lời đoán vào giấy. Kính Tế cầm đem về cho Tây Môn Khánh.

Tây Môn Khánh đang ngồi nói chuyện với Ứng Bá Tước và Ôn tú tài, cầm tờ đoán mệnh xem rồi đem vào giảng cho Nguyệt nương nghe rồi bảo:

– Cứ như lời đoán này thì hung nhiều cát ít.

Bất giác:

Nói xong mặt ủ mày chau,

Trong lòng lặng một mối sầu ngàn cân.

Đoạn nói thêm:

– Số mệnh đã bắt phải chịu tai ương bệnh tật như thế này thì cũng chẳng biết làm sao.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét