Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

HỒI 61. Mở tiệm buôn mới

 

Tranh Đới Đôn Bang

HỒI 61.

Mở tiệm buôn mới

Về phần Kim Liên, trước cái chết của Tố Quan thì trong lòng vui sướng tự đắc lắm, vờ mắng a hoàn rằng:

– Con tiểu dâm phụ kia, tao đã nói mà mày tưởng là mày ghê gớm lắm, ngờ đâu cũng có ngày hôm nay. Bây giờ mày đã hết cậy thần thế hống hách? Mày bây giờ cũng như con mụ chủ chứa mà không có con điếm nào dưới tay, không nơi nương tựa nhờ vả, mày bây giờ cũng đâu có khác gì tao.

Kim Liên cố ý nói lớn. Bình Nhi bên này nghe rõ hết nhưng không dám nói gì, chỉ thấy lòng quặn đau mà nước mắt trào ra.

Từ đó ngày đêm đau khổ buồn phiền, thân thể hao mòn, tinh thần hoảng hốt, đêm nằm thấy toàn ác mộng, cơm cháo biếng ăn. Hai ngày sau đám tang của Tố Quan thì Ngân Nhi cũng xin phép về nhà, Bình Nhi cô đơn không người bầu bạn, càng cảm thấy cuộc sống chán chường, trống vắng.

Cũng mấy ngày sau, Phùng lão đem một đứa a hoàn mười ba tuổi đến bán với giá năm lạng bạc để Tuyết Nga có người sai bảo, đổi lên là Thúy Nhi.

Về phần Bình Nhi, vừa nhớ con, lại vừa buồn giận, bệnh cũ tái phát, huyết bạch ra dầm dề. Tây Môn Khánh lo ngại lắm, vội mời Nhiệm y quan tới coi mạch cho thuốc, nhưng uống bao nhiêu cũng chẳng thấy công hiệu. Chỉ trong vòng nửa tháng, Bình Nhi gầy yếu tiều tụy hẳn đi. Thật là:

Sắc hoa úa héo vì đâu,

Chỉ vì mang bệnh u sầu đó thôi.

Một đêm vào thượng tuần tháng chín, gió vàng hiu hắt, tiết thu lành lạnh, Bình Nhi nằm cô đơn, thấy giường chiếu lạnh lùng, càng nhớ tới con, một mình trằn trọc thở ngắn than dài. Bỗng nghe có tiếng động ngoài cửa sổ, Bình Nhi giật mình gọi a hoàn, nhưng đêm khuya, a hoàn đã ngủ say, không đứa nào lên tiếng. Bình Nhi bèn bước xuống giường, khoác thêm chiếc áo lạnh, xỏ chân vào hài, ra mở cửa, bỗng thấy phảng phất như Hoa Tử Hư đang bồng Tố Quan mà gọi mình, lại bảo:

– Mới tìm được căn nhà mới, nàng đến cùng ở với ta.


Bình Nhi vội bước tới giằng lấy Tố Quan, nhưng bị Tử Hư xô một cái ngã xuống đất. Bình Nhi kêu lên, giật mình tỉnh dậy, thì ra là một giấc mơ, toàn thân lạnh toát mà mồ hôi vã ra như tắm. Lát sau hoàn hồn, lại khóc lóc cho tới sáng.

Hôm sau thuyền hàng của Lai Bảo từ Nam Kinh về tới. Lai Bảo sai Vương Hiển về báo cho Tây Môn Khánh biết để lo nộp thuế. Tây Môn Khánh viết thư, soạn lễ vật hậu hĩ cùng một trăm lạng bạc giao cho Vinh Hải đem tới viên chủ sự coi về thuế má để nhờ giúp đỡ.

Hàng từ thuyền bốc lên cộng tới hai mươi xe lớn, đưa về hết, cất vào kho.

Ngày mồng tám tháng chín, cửa tiệm mới được khai trương, thân bằng quyến thuộc đem lễ lại mừng có tới hơn hai chục người.


Hạ Đề hình cũng sai người đem lễ lại. Kiều đại hộ thì gửi mười hai nhạc công tới giúp vui. Tây Môn Khánh cũng gọi Lý Minh, Ngô Huệ và Trịnh Xuân tới đàn hát. Hai viên quản lý Hàn, Cam ngồi trong quầy hàng, bắt đầu bán hàng, có Thôi Bản phụ giúp.

Tây Môn Khánh mặc áo đại hồng, đội mũ đeo đai, tự tay thắp hương đốt vàng.

Thân bằng quyến thuộc tề tựu đông đủ tại sảnh đường, ngồi suốt mười lăm bàn tiệc thịnh soạn. Khách dự tiệc gồm có Kiều đại hộ, Ngô Đại cữu, Ngô nhị cữu, Hoa đại cữu, Trầm di phu, Hàn di phu, Ngô Đạo quan, Nghê tú tài, Ôn tú tài, Ứng Bá Tước, Tạ Hy Đại, Thường Trĩ Tiết, lại có cả Lý Tam, Hoàng Tử, Phó quản lý, các bạn hàng vẫn thường giao dịch và cả mấy người hàng xóm nữa.

Ca nhạc vang lừng, chuyện trò vui vẻ. Rượu được vài tuần, Tây Môn Khánh đích thân đứng dậy rót rượu mời thực khách, kế đó là Bá Tước và Hy Đại. Buổi tiệc kéo dài tới chiều mới tan.

Khách khứa ra về hết. Tây Môn Khánh mời Ngô Đại cữu, Trầm di phu, Hàn di phu, Ôn tú tài, Bá Tước và Hy Đại ở lại, sai dọn tiệc mới chung vui.

Ngày khai trương đó, các quản lý bán được hơn năm trăm lạng bạc hàng hóa. Tây Môn Khánh vui mừng lắm. Tối hôm đó đóng cửa hàng xong, cho mời các quản lý Cam, Hàn, Phó, Hoàng Tứ, Thôi Bản và Kính Tế dự tiệc nghe hát.

Bá Tước ăn uống suốt một ngày, quá no say, bước ra hành lang cho tỉnh táo, đoạn gọi Lý Minh ra hỏi:

– Tên ca công mặt mũi thanh tuấn, mặc cái áo tía kia là người ở đâu vậy?

Lý Minh đáp:

– Nhị gia không biết đâu, người đó là Trịnh Xuân, em của Trịnh Phụng và Trịnh Ái Nguyệt.

Bá Tước nói:

– Hèn gì, đám tang hôm nọ cũng có nó đấy.

Đoạn bước vào bàn tiệc bảo Tây Môn Khánh:

– Hôm nay là ngày vui vẻ của đại ca, hèn gì có cả cậu em đây tới.

Tây Môn Khánh cười:

– Đồ quỷ, làm gì có cậu em nào ở đây, chỉ ăn nói vớ vẩn.

Đoạn gọi Vương Kinh lại bảo:

– Tới rót rượu cho nhị gia, rót một chung lớn cho ta.

Bá Tước quay sang bảo Ngô Đại cữu:

– Đại cữu xem, đại ca phạt tôi một chung lớn thế này quả là không có danh nghĩa gì cả.

Tây Môn Khánh cười:

– Phạt về tội ăn nói bừa bãi, sao lại bảo không có danh nghĩa?

Bá Tước cười ha hả:

– Được rồi, tôi uống có say tới chết cũng vẫn nói như thường. Bây giờ đại ca phải bảo Trình Xuân tới gần đây hát hầu tôi một khúc, tôi mới chịu thôi.

Ba ca công nghe vậy, cùng bước tới định đàn hát nhưng Bá Tước bảo:

– Lý Minh và Ngô Huệ không phải hát, ta chỉ cần Trịnh Xuân đàn hát một khúc ngắn cho ta uống chén rượu phạt này mà thôi.

Hy Đại phụ họa:

– Trịnh Xuân đâu, tới đây hát mau, có nghe Ứng nhị gia nói gì không?

Tây Môn Khánh bảo:

– Được rồi, uống một chung rượu phạt, nhưng nghe một khúc hát lại uống thêm một chung nữa.

Nói xong bảo Đại An rót thêm một chung nữa, đặt trước mặt Bá Tước, Trịnh Xuân xích gần bàn tiệc, vừa đánh đàn tranh vừa hát rằng:

“Nàng vừa đôi tám xuân xanh,

Nhìn đôi bướm lượn trên cành lả lơi.

Lệ châu lã chã tuôn rơi,

Nhờ người đuổi bướm đi nơi khác giùm.”

Trịnh Xuân hát xong, bước tới cầm chung rượu mà mời, Bá Tước mới chịu uống. Đại An thấy vậy vội bước tới rót chung khác. Bá Tước đẩy chung rượu qua Hy Đại mà bảo:

– Tôi không uống được nữa đâu, uống hai chung này là gần chết rồi đây.

Hy Đại bảo:

– Đồ quỷ, uống không được rồi đẩy qua người ta sao? Bộ tôi là mán mà uống giùm nhị ca hay sao?

Bá Tước bảo:

– Đồ ngốc, nay mai tôi làm quan, thì cũng uống giùm tôi được không?

Tây Môn Khánh cười:

– Nay mai Ứng nhị ca làm tới Thượng thư đó.

Bá Tước cũng cười:

– Tôi làm Thượng thư thì cho đại ca làm quan huyện được không?

Tây Môn Khánh cười, bảo Đại An:

– Đem bình rượu tới đây, để ta cho nhị gia gục luôn.

Hy Đại bảo:

– Có Ôn tiên sinh ở đây mà Ứng nhị ca ăn nói chẳng giữ gìn gì cả.

Nói xong cốc vào đầu Bá Tước một cái. Bá Tước vừa né tránh vừa nói:

– Ôn tiên sinh là bậc văn nhân quảng đại, đâu có chấp nhất.

Ôn tú tài điềm đạm nói:

– Nhị vị đây là chỗ thân tình với quan nhân, chúng tôi đâu dám vô lễ. Vả lại nếu không thế thì tiệc lại không vui. Hỷ tại tâm, lạc tại ngoại, có tự nhiên mới là vui.

Trầm di phu nói với Tây Môn Khánh:

– Hay là bây giờ mình dùng tửu lệnh, hoặc theo lối gieo súc sắc, hoặc theo lối chuyền cành hoa, hoặc theo lối dùng quân bài, như vậy uống rượu được nhiều, vừa vui mà tiệc không loạn. Ta nên mời Ngô Đại cữu đây làm lệnh chủ.

Tây Môn Khánh nói:

– Di phu nói rất đúng.

Đoạn rót một chung rượu, mời Ngô Đại cữu làm lệnh chủ.

Ngô Đại cữu uống rượu rồi nói:

– Bây giờ cho lấy súc sắc ra, mỗi người gieo một lần, tùy theo số mà nói tên một loài hoa rồi phải đọc một câu có tên hoa đó, bất cứ là thi ca từ phú gì cũng được.

Nói xong tự mình gieo trước, gieo được mặt nhất, bèn đọc:

“Gieo thành một điềm hồng tươi,

Hoa bạch mai lại muốn cười hồng mai.”

Mọi người vỗ tay tán thưởng, cùng nâng chung uống. Đến lượt Trầm Di Phu gieo được mặt nhị, bèn đọc:

“Một cánh hai đóa sen,

Trông như ương với uyên.”

Mọi người lại nâng chung uống. Đến lượt Hàn di phu gieo được mặt tam, bèn đọc:

“Tam xuân qua vườn lý cũ,

Đi qua không nên sửa mũ.”

Mọi người nâng chung uống. Đến lượt Bá Tước gieo súc sắc, gieo xong chẳng cần biết là gì, vì là người dốt nát nên đọc càn:

“Con chó lông trắng như hoa,

Chỉ chực cắn người đi qua,

Một người đi tới, bị chó đuổi

Vung tay xua chó,

Bị chó cắn vào tay.”

Tây Môn Khánh cười:

– Thật là đồ ngốc, ai lại lấy tay cản chó bao giờ, thảo nào chẳng bị chó cắn vào tay.

Bá Tước gân cổ:

– Ai bảo hắn ta không lấy cây gậy mà xua chó?

Hy Đại bảo:

– Đại ca xem, vậy mà ai chê Ứng nhị gia là khùng, thì lại không phịu.

Tây Môn Khánh bảo:

– Phạt Ứng nhị ca một chung rượu lớn là xong. Tạ Ca thi hành lệnh phạt giùm đi.

Hy Đại rót rượu ép Bá Tước uống, hai người xô đẩy ồn ào một hồi mới yên. Đến lượt Đạo Quốc, Đạo Quốc nói:

– Gia gia chưa gieo, tôi đâu dám vô lễ gieo trước.

Tây Môn Khánh bảo:

– Cứ lần lượt theo chỗ ngồi, cần gì thứ tự tôn ty.

Đạo Quốc gieo xong đọc:

“Hoa mai tháng chạp,

Nhìn hoa như gặp thần tiên.”

Đến lượt Tây Môn Khánh, Tây Môn Khánh gieo được mặt lục liền đọc:

“Sáu ngôi sao sáng bơ vơ,

Lung linh chiếu xuống mặt hồ nước xanh.”

Bá Tước bảo:

– Đại ca gieo được mặt lục như vậy là hên lắm, nay mai tất có tin mừng thăng quan tiến chức.

Nói xong rót một chung rượu lớn mà mời. Tây Môn Khánh uống xong, sai thưởng tiền cho mười hai nhạc công do Kiều đại hộ gửi đến, rồi cho về, chỉ giữ lại ba ca công. Ba người này tiếp tục đàn hát. Tiệc kéo dài tới quá canh một mới tan.

Sau khi đưa khách ra về, Tây Môn Khánh cắt đặt Hàn quản lý, Cam quản lý, Thôi Bản và Lai Bảo thay phiên nhau lần lượt ngủ lại cửa tiệm mới để coi hàng.

Hôm sau, Bá Tước dẫn Lý Tam và Hoàng Tứ đến trả tiền Tây Môn Khánh, hai người nói:

– Hiện chúng tôi còn món tiền một ngàn bốn trăm năm chục lạng, nhưng kẹt chưa lấy được, nay tạm đưa trước lão gia ba trăm năm chục lạng, lúc có tiền chúng tôi xin đem tới trả hết, không dám chậm trễ.

Bá Tước nói thêm:

– Thôi thì đại ca cũng thương tình cho họ.

Tây Môn Khánh gọi Kính Tế ra nhận bạc, làm giấy tờ, sau đó đưa hai người ra về.

Kính Tế gói bạc lại, để trên bàn trước mặt Tây Môn Khánh.

Tây Môn Khánh bảo:

– Hôm nọ Thường nhị ca tới đây báo tin là đã tìm được nhà rồi, bốn gian gọn gàng xinh xắn lắm mà giá chỉ có ba mươi lăm lạng. Nhưng hôm Thường nhị ca tới đây thì đúng lúc ca nhi tôi đang đau nặng, tôi bấn loạn cả lên, chẳng còn lòng dạ nào tính chuyện tiền bạc. Chẳng hay nhị ca có biết chuyện đó chưa? Thường nhị ca có nói không?

Bá Tước đáp:

– Thường nhị ca có nói với tôi, tôi cũng bảo là đại ca đang lo cho ca nhi còn lòng dạ nào tính chuyện gì khác. Tôi có dặn là Thường nhị ca cứ bảo chủ nhà chờ ít ngày, để tôi sẽ nói giùm với đại ca cho. Hôm nay nhân đại ca hỏi nên tôi mới nói.

Tây Môn Khánh bảo:

– Được rồi nhị ca ở đây ăn cơm, lát nữa tôi nhờ nhị ca đem năm chục lạng tới đưa cho Thường nhị ca để lo mua nhà cho xong, còn thừa thì bảo mở một cửa tiệm buôn bán lăng nhăng tại nhà mà tháng tháng kiếm ít tiền lời, có thể giúp vợ chồng sống được.

Bá Tước bảo:

– Như vậy tức là đại ca thương Thường nhị ca quá rồi còn gì.

Lát sau gia nhân dọn cơm rượu ra. Cơm xong Tây Môn Khánh bảo:

– Thôi, bây giờ tôi cũng chẳng giữ nhị ca làm gì, nhị ca mau cầm bạc tới đưa cho Thường nhị ca, giúp lo việc cho xong đi.

Bá Tước bảo:

– Đại ca có cần sai người nào cùng đi với tôi không?

Tây Môn Khánh đáp:

– Thôi, khỏi cần, một mình nhị ca lo là được rồi. Hôm nay ngày tốt, nhị ca lo giúp Thường nhị ca ngay hôm nay đi.

Bá trước nói:

– Chẳng giấu gì đại ca, hôm nay là ngày sinh nhật của một người em họ tôi, hôm qua tôi đã cho đem lễ tới rồi, chú em họ lại sai người mời tôi chiều nay tới chợ, bây giờ đại ca sai tôi chuyện này nhưng xin cho một người đi theo, để công việc xong xuôi còn trở về báo cho đại ca hay.

Tây Môn Khánh bảo:

– Nếu vậy thì để bảo Vương Kinh nó theo nhị ca vậy.

Nói xong cho gọi Vương Kinh tới, bảo theo Bá Tước. Bá Tước đứng dậy cáo từ, dắt Vương Kinh tới nhà Thường Trĩ Tiết.

Trĩ Tiết ở nhà đang nóng lòng chờ đợi tin tức của Tây Môn Khánh, thấy Bá Tước đến thì mừng lắm, đon đả mời vào. Bá Tước vào nhà, đặt số bạc lên bàn mà bảo:

– Đại ca nhờ tôi đem tiền đến cho nhị ca đây, bảo là hôm nay tốt ngày, tôi giúp nhị ca lo cho xong chuyện nhà cửa. Hôm nay tôi không rảnh vì còn phải đi dự tiệc sinh nhật của một người trong họ, nhưng dù sao tôi cũng phải lo cho xong chuyện này rồi mới đi được.

Trĩ Tiết mừng quýnh, vội gọi vợ đem trà ra rồi bảo:

– Thì nhị ca cứ ngồi đây uống chén trà đã, cám ơn nhị ca nhiều lắm. Việc cũng chẳng có gì, chỉ cần mời chủ nhà tới đây trao tiền, lập văn tự bán nhà là xong.

Bá Tước uống trà ngồi đợi. Chủ nhà tới, lập văn tự, nhận tiền xong xuôi, Bá Tước mới sai Vương Kinh về thưa lại cho Tây Môn Khánh rõ, rồi cáo từ mà đi. Trĩ Tiết nhờ Vương Kinh đem văn tự nhà về cho Tây Môn Khánh coi. Tây Môn Khánh coi xong lại sai Vương Kinh đem trả Trĩ Tiết. Vợ chồng Trĩ Tiết vừa có nhà, vừa có tiền, vui mừng khôn xiết.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét