Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

HỒI 47. Tiệc tùng và xem bói

 

Tranh Kim Bình Mai bí hí đồ - Hồ Dã Phật dạ tập.

HỒI 47.

Tiệc tùng và xem bói

Cũng hôm đó, Lý, Hoàng hai người ăn tại nhà Tây Môn Khánh tới chiều tối mới cáo từ. Bá Tước đưa ra ngoài bảo:

– Đó, tôi đã nói cho hai vị rồi đó. Ngày mai Đại quan nhân sẽ cho hai vị mượn thêm năm trăm lạng nữa.

Lý, Hoàng hai người cúi mình vái tạ rồi về. Bá Tước trở lại thư phòng tiếp tục cùng Tây Môn Khánh và Tạ Hy Đại uống rượu chuyện trò.

Bỗng Lý Minh vén mành bước vào. Bá Tước nhìn ra bảo:

– Lý Nhật Tân tới đây này.

Lý Minh phục xuống lạy chào. Tây Môn Khánh hỏi:

– Ngô Huệ đâu, sao không thấy đến?

Lý Minh thưa:

– Ngô Huệ đau mắt, hôm nay cũng không tới phủ Đông Bình được, tôi đã gọi Vương Quế tới thay.

Đoạn quay ra gọi:

– Vương Quế đâu, vào lạy chào gia gia đi.

Vương Quế bước vào sụp lạy ra mắt rồi đứng dậy chắp tay chờ đợi. Bá Tước hỏi Lý Minh:

– Quế Thư nhà ngươi đã về rồi, ngươi biết chưa?

Lý Minh đáp:

– Tôi từ phủ Đông Bình về qua nhà rửa mắt rồi tới đây nên không biết.

Bá Tước quay lại nói với Tây Môn Khánh:

– Chắc hai đứa này nó chưa ăn gì, đại ca bảo gia nhân cho chúng nó ăn cơm.

Thư Đồng đứng bên thưa:

– Để hai anh đây đợi một chút rồi ăn cùng với ban nhạc, cơm cũng đang dọn lên rồi.

Bá Tước sai Thư Đồng dọn mấy đĩa đồ ăn và đem cơm vào nhà dưới cho Lý, Vương hai người ăn rồi bảo Thư Đồng:

– Mày không hiểu gì cả, người ta thường nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, hai đứa này đây tuy là hát xướng nhưng không thể xếp cùng hạng với bọn nhạc công tầm thường được, mà phải biệt đãi, mày như thế là không có mắt. Mày không biết Lý Minh đây là thế nào hay sao?

Tây Môn Khánh cười, đập lên đầu Bá Tước mà bảo:

– Đồ quỷ, chỉ được cái ăn nói vơ vẩn trêu ghẹo người khác.

Bá Tước cười bảo Thư Đồng:

– Mày ngu lắm, mày cũng là người hát xướng mà không biết đến bốn chữ “thương hoa tiếc ngọc”, mấy đứa ca xướng đấy cũng như những cánh hoa tươi, đáng lẽ mày phải biết thương xót quý trọng, thì mày lại ngược đãi.

Tây Môn Khánh cũng cười hỏi Thư Đồng:

– Nhị gia dạy, mày đã hiểu chưa?

Thư Đồng chỉ cười, dẫn Lý, Vương hai người đi ăn cơm.

Lát sau ăn xong trở lại thư phòng, Bá Tước hỏi:

– Hai đứa có thuộc bài “Tuyết nguyệt phong hoa” không?

Lý Minh đáp:

– Dạ, chúng tôi có nhớ.

Nói xong cầm cây tỳ bà lên cùng Vương Quế đánh đàn tranh, hai người vừa đàn vừa hát.

Lúc đó trời đã chạng vạng tối, Tây Môn Khánh sai dọn hai bàn tiệc tại đại sảnh, đốt các thứ đèn lồng trong ngoài rồi gọi Phó Quản lý, Hàn Quản lý, Vân Chủ quản, Bôn Tứ và Kính Tế tới uống rượu xem đèn thưởng xuân.

Tây Môn Khánh cùng Ứng, Tạ ngồi trên, những người khác phân ngôi thứ mà ngồi.

Ngoài sân có giàn pháo bông, xung quanh treo mười hai cái đèn hoa sen. Tây Môn Khánh bảo:

– Để tới lát nữa rồi đốt.

Đoạn cho lệnh sáu nhạc công cùng Lý, Vương cử nhạc. Đèn đuốc trong ngoài rực rỡ, hàng trăm kiểu đèn khoe sắc, tiếng nhạc du dương trầm bổng, khung cảnh đó khiến tất cả những người đi lại ngoài đường đều phải dừng chân ngó vào. Tây Môn Khánh ngất ngưởng ngồi đầu tiệc uống rượu nghe đàn, đầu đội mũ Trung tĩnh, mình mặc áo đoạn bạch, trông thật sang trọng mà lại phong lưu. Lát sau Tây Môn Khánh cho lệnh Đại An và Cầm Đồng ra sân thả đèn hoa, đám lính hầu chia nhau cầm binh khí đứng dọc ngoài cổng, không cho thiên hạ chen lấn vào coi, chỉ cho đứng ngoài mà ngó.

Tối hôm đó trời thật trong sáng, gió xuân nhẹ thổi, vầng trăng trong lơ lửng trên trời, ngoài đường thiên hạ đổ ra chen chúc chơi xuân, thật là cảnh:

Đầu đường vang tiếng nói cười

Tiết Nguyên tiêu rực rỡ nơi Phượng thành.

Thả đèn hoa xong, Tây Môn Khánh cho lệnh đốt các loại pháo bông, pháo thăng thiên và các loại pháo nổ khác. Bọn Xuân Mai bốn đứa nhân lúc Nguyệt nương và các tiểu nương vắng nhà, lại nghe nói Tây Môn Khánh có ban nhạc tới tám người đàn hát, ngoài sân, Đại An lại đốt pháo bông, liền ăn mặc, trang điểm đẹp đẽ rồi rủ nhau ra nấp sau bình phong mà xem.

Thư Đồng cùng Ngọc Tiêu vốn có tình ý với nhau. Thư Đồng thấy Ngọc Tiêu cùng các bạn đứng núp sau bình phong thì cũng mang hạt dưa tới vừa cắn vừa nói chuyện. Bỗng bình rượu để trên lò sưởi, ở cuối đại sảnh bị Thư Đồng đụng ngã xuống, rượu đổ vào lò, lửa phựt lên như một ngọn pháo bông. Ngọc Tiêu cười lên khúc khích rồi bụm miệng lại.

Tây Môn Khánh quay lại hỏi gia nhân:

– Ai cười ở đâu đây vậy?

Xuân Mai thấy Thư Đồng vì đùa với Ngọc Tiêu mà đụng đổ bình rượu thì mắng nhỏ:

– Đồ con gái mất nết, thấy đàn ông con trai thì tít mắt lại mà đùa, đến lúc làm đổ rượu lại còn ở đó mà cười rinh rích, cười cái gì mới được chứ.

Ngọc Tiêu không nói được gì, vội lỉnh ngay ra nhà sau. Còn Thư Đồng thì sợ hãi bước ra thưa với Tây Môn Khánh:

– Tôi lỡ tay đụng phải bình rượu, làm rượu đổ vào lò sưởi, xin gia gia bỏ qua.

Tây Môn Khánh không hỏi gì nữa.

***

Trong khi đó, vợ Bôn Tứ nhân Nguyệt nương vắng nhà, lại biết Xuân Mai, Ngọc Tiêu, Nghênh Xuân và Lan Hương là bốn a hoàn được Tây Môn Khánh quý trọng, có thế lực, bèn dọn một tiệc rượu hoa quả rồi sai con gái mình là Trường Nhi tới mời bốn a hoàn đó. Trường Nhi vào xin phép Kiều Nhi cho bốn a hoàn tới nhà mình uống rượu. Kiều Nhi bảo:

– Ta khó ở trong người, không biết chuyện gì cả.

Trường Nhi lại sang thưa với Tuyết Nga, Tuyết Nga bảo:

– Đại nương đi vắng thì ngươi phải hỏi gia gia, ta làm sao dám cho phép.

Trường Nhi không biết làm thế nào, đành tìm gặp bốn a hoàn ở nhà sau. Ba đứa kia rất muốn đi, chỉ riêng Xuân Mai nói:

– Rõ thật con gái thối thây, chưa ngửi thấy mùi rượu đã tớn tác lên rồi, coi thật không được con mắt chút nào cả. Đi làm sao được mà đi cơ chứ.

Ba đứa kia nôn nóng muốn đi, thấy Xuân Mai nói vậy thì chùn cả lại. Xuân Mai vẫn ngồi yên. Thư Đồng cũng có mặt, thấy vậy bảo:

– Tôi vừa làm lỗi, đang sợ bị gia gia mắng, nhưng thôi, để tôi lên bẩm với gia gia giùm cho các thư thư.

Nói xong bước lên đại sảnh, ghé tai Tây Môn Khánh mà thưa:

– Nhân buổi giai tiết vợ Bôn Tứ có dọn tiệc rượu ở nhà, mời các thư thư tới dự, các thư thư nhờ tôi lên xin phép gia gia có cho đi hay không.

Tây Môn Khánh bảo:

– Nếu vậy thì cho chúng nó đi, nhưng dặn là chúng nó phải về sớm vì nhà không có ai.

Thư Đồng trở ra nhà sau hoa chân múa tay cười bảo:

– Nhờ tôi xin cho các thư thư được gia gia cho phép rồi đó, gia gia dặn là về sớm một chút là được.

Xuân Mai nghe vậy mới từ từ đứng dậy về phòng trang điểm lại rồi cùng ba đứa kia tới nhà Bôn Tứ.

Vợ Bôn Tứ thấy bốn a hoàn tới thì mừng như bắt được của, vội chạy ra tiếp rước. Đôi bên thi lễ, vợ Bôn Tứ gọi Xuân Mai là đại cô, Nghênh Xuân là nhị cô, Ngọc Tiêu là tam cô và Lan Hương là tứ cô. Vợ Bôn Tứ mời cả vợ Hàn Hồi Tử sang tiếp khách giùm mình. Chào hỏi xong xuôi, vợ Bôn Tứ mời mọi người vào tiệc. Con gái là Trường Nhi đứng ngoài rót rượu.

***

Trong khi đó bữa tiệc tại nhà Tây Môn Khánh vẫn tiếp tục. Tây Môn Khánh sai đem rượu Mai Côi ra. Rượu này cực ngon, mọi người mới uống chung đầu đã khen tặng hết lời. Lý Minh và Vương Quế ôm đàn đứng cạnh bàn tiệc mà đàn hát. Lát sau, thấy trời tối đã lâu, Kính Tế đem theo nhiều pháo rồi dẫn Đại An và mấy tên lính hầu tới nhà Ngô Đại cữu để đón Nguyệt nương và đám tiểu nương.

Kính Tế tới nơi, được đón tiếp vào đại sảnh. Tiệc đã tàn nhưng mọi người còn đang uống rượu và ăn bánh trái hoa quả. Ngô nhị cữu sai dọn một bàn để khoản đãi Kính Tế rồi nói:

– Đại cữu hôm nay vắng nhà vì phải lo việc công cho xong.

Đại An cũng bước tới thưa với Nguyệt nương:

– Gia gia sai cậu Kính Tế và tôi tới rước các nương nương, xin các nương nương về sớm.

Nguyệt nương đang ghét Đại An nên không thèm nói gì. Ngô Đại cữu mẫu gọi gia nhân là Lai Định:

– Ngươi dọn rượu mời Đại An chứ.

Lai Định thưa:

– Đã có dọn sẵn rồi.

Nguyệt nương bảo:

– Vậy thì dẫn nó xuống cho nó ăn uống đi, xong thì ra đằng trước đứng hầu, lát nữa chúng ta về, có gì mà vội.

Ngô Đại cữu mẫu nói:

– Phải rồi, chẳng mấy khi các cô nương tới đây xin ngồi lâu nói chuyện, việc gì phải về sớm.

Ngọc Lâu bảo ca nữ Úc Đại thư:

– Hôm nọ sinh nhật của Lục nương mà thư thư không tới Lục nương giận lắm đó.

Úc Đại thư vội bước tới trước mặt Bình Nhi sụp lạy tạ lỗi, lạy bốn lạy rồi nói:

– Sau ngày sinh nhật của Ngũ nương thì tôi không được khỏe, mãi tới hôm qua Ngô nương nương đây mới cho gọi tới, tôi phải gắng mà tới, do đó chưa tới tạ lỗi với Lục nương được.

Kim Liên bảo:

– Chắc là Lục nương còn giận, bây giờ Úc Đại thư hát một khúc thì Lục nương mới hết giận.

Bình Nhi chỉ cười, không nói gì. Ngô Đại cữu mẫu thì giục vợ Ngô Vũ Thần là Trịnh Tam thư rót rượu mời khách.

Úc Đại thư cầm đàn tỳ bà lên, vừa đánh vừa hát bài “Nhất giang phong”, nàng cố ý lựa bài đó.

Đang hát thì Nguyệt nương bảo:

– Bài hát gì mà buồn quá vậy? Nghe thê lương lạnh lùng quá.

Mọi người im lặng nghe hát. Đại An đứng bên thưa với Nguyệt nương:

– Trời đang xuống tuyết, chắc là lạnh lắm.

Ngọc Lâu bảo:

– Vậy mà hôm nay Đại nương không mặc áo ấm, Đại nương dùng cái áo ấm của tôi đây để lát về cho đỡ lạnh.

Nguyệt nương bảo:

– Nếu có tuyết thì sai chúng nó về lấy áo lạnh cho mọi người luôn.

Lai An vội chạy ra bảo Đại An:

– Đại nương bảo về nhà lấy áo ấm cho các nương nương.

Đại An bảo Cầm Đồng:

– Mày về lấy đi, để tao đứng đây hầu.

Cầm Đồng đi ngay.

Trong này, Nguyệt nương chợt nhớ là Kim Liên không có áo ấm, bèn quay hỏi Lai An:

– Đứa nào về lấy áo đó?

Lai An đáp:

– Thưa, Cầm Đồng.

Nguyệt nương bảo:

– Sao không nói với ta một tiếng mà đã vội đi ngay vậy?

Ngọc Lâu nói:

– Quên không dặn nó là Ngũ nương không có áo cừu, bảo nó lấy áo của Đại thư đem tới đây cho Ngũ nương mặc.

Nguyệt nương bảo:

– Không cần, trong nhà có cái áo cừu rất đẹp của người ta mới đem cầm, bảo nó lấy cái đó tới.

Đoạn quay lại hỏi:

– Thằng Đại An đâu, sao nó không đi mà lại phải sai thằng Cầm Đồng? Gọi nó vào đây cho ta.

Lai An vội chạy ra gọi Đại An vào. Nguyệt nương mắng ngay:

– Thằng khốn kiếp chỉ được cái chỉ tay năm ngón, sai hết đứa này tới đứa kia, chứ mày thì chẳng bao giờ nhúng tay làm việc gì cả. Mày sai nó đi mà cũng chẳng thèm nói với tao hay một tiếng. Mày là cái gì mà gớm quá vậy?

Đại An đáp:

– Xin Đại nương bớt giận, nếu Đại nương sai tôi thì tôi đâu dám sai người khác, nhưng lúc nãy Lai An ra chỉ nói là Đại nương sai một người về lấy áo mà thôi.

Nguyệt nương giận lắm:

– Thằng khốn kiếp giỏi chống chế lắm, nhưng khi không thằng Lai An nó dám sai mày hay sao? Nó không bảo ai mà chỉ bảo mày, vậy mà mày không chịu đi, đổ việc cho người khác. Tao hiền lành quá nên bây giờ trong nhà không còn phép tắc gì nữa, mày muốn làm gì thì làm, không cần biết đến ai. Hồi trưa ở nhà cũng vậy, thằng Họa Đồng nó đang bưng quả đồ ăn, gia gia sai mày vào nói với tao là tha cho con Hạ Hoa, sao mày không thèm vào mà lại sai thằng Họa Đồng. Còn gia gia có sai mày đưa con Quế Thư về đâu mà mày lon ton đưa nó về? Như vậy là sai mày thì mày không thèm làm, mày chỉ làm theo ý mày thôi có phải không? Mày còn giữ cái thói đó thì mày biết tao.

Đại An cãi láo:

– Xin Đại nương xét lại, quả không có chuyện đó. Chính gia gia sai tôi đưa Quế Thư về, do đó tôi mới bảo Họa Đồng đưa quả đồ ăn cho tôi, rồi sau đó gia gia mới sai nó vào thưa với Đại nương, chứ không phải tôi đổ việc cho nó.

Nguyệt nương nổi giận mắng:

– Thằng khốn kiếp này gớm thật, tại sao việc mày đã không chịu đi, rồi bây giờ còn đứng cãi tay đôi với tao phải không? Được rồi, ta sẽ nói với gia gia đánh cho mày một trận thừa sống thiếu chết xem sao.

Ngô Đại cữu mẫu bảo:

– Đại An, mày không về lấy áo cho các nương nương hay sao?

Đoạn quay sang Nguyệt nương:

– Bây giờ định lấy áo cừu ở đâu cho Ngũ cô nương mặc thì dặn nó đi.

Kim Liên nói:

– Thôi, để bảo nó lấy áo lạnh của tôi cũng được, việc gì phải mặc áo cừu. Áo cừu của người ta đem cầm, mình mặc cũng kỳ, mà cũng chẳng mặc được lâu, nay mai người ta chuộc lại cũng vậy.

Nguyệt nương nói:

– Thật ra áo cừu đó cũng không hẳn là cầm. Trước đây Lý Tam nợ mười sáu lạng bạc, không có tiền trả nên trả luôn bằng áo đó.

Đoạn quay lại bảo Đại An:

– Áo cừu ở trong tủ phòng tao, mày về bảo Ngọc Tiêu nó lấy chìa khóa mở cửa ra đưa cho.

Đại An vái rồi lui ra.

Lúc đi ngang bàn Kính Tế, Kính Tế hỏi:

– Đi đâu mà lật đật vậy?

Đại An đứng lại đáp:

– Thật bực hết nói, có một việc mà tới hai ba đứa đi, trời khuya lạnh như thế này mà sai về nhà.

Nói xong bước ra.

Đại An về tới nhà thì Tây Môn Khánh hãy còn ngồi uống rượu với Ứng, Tạ và Đạo Quốc. Phó Quản lý và Vân Chủ quản đã về trước rồi.

Tây Môn Khánh thấy Đại An đi ngang thì gọi vào hỏi:

– Các nương nương về chưa?

Đại An dừng lại nói:

– Thưa chưa, còn sai tôi về lấy áo lạnh.

Nói xong vào hậu phòng, tìm Ngọc Tiêu, nhưng chỉ thấy Tiểu Ngọc đang ngồi một mình buồn rầu.

Đại An hỏi áo thì Tiểu Ngọc giận dữ đáp:

– Bốn con khốn đó tới nhà vợ Bôn Tứ uống rượu giờ này cũng chưa thèm dẫn xác về, tôi biết quần áo để đâu mà lấy bây giờ? Muốn tìm gì thì đến nhà vợ Bôn Tứ mà tìm.

Cầm Đồng đứng bên nghe vậy vội ba chân bốn cẳng tới nhà vợ Bôn Tứ, thấy bên trong đèn sáng choang thì đứng ở cửa sổ nhìn vào, thấy vợ Bôn Tứ nói:

– Kìa, đại cô và tam cô, sao từ nãy tới giờ chẳng uống miếng rượu nào, đồ ăn cũng không đụng đũa, hay là chê nhà chúng tôi nghèo nàn, đồ ăn không được ngon chăng?

Xuân Mai nói:

– Đâu phải vậy, vì chúng tôi ăn quá nhiều rồi, không thể kham được nữa, xin Tứ tẩu cứ để chúng tôi được tự nhiên.

Đoạn quay sang vợ Hàn Hồi Tử:

– Chị là hàng xóm của tôi, tôi mời chị sang để tiếp khách giùm tôi, chị phải làm sao mời các cô nương đây chứ, làm sao chị cứ ngồi như là khách vậy?

Lại bảo con:

– Trường Nhi, đem rượu tới rót hầu Tam cô đi con. Chung rượu của Tứ cô cũng vơi quá, mày phải rót thêm vào chứ.

Lan Hương nói:

– Tứ tẩu ơi, tôi không uống thêm được nữa đâu.

Vợ Bôn Tứ nói:

– Hôm nay thế nào các cô nương cũng đói rồi, gia đình chúng tôi nghèo nàn quả là chẳng có gì để khoản đãi các cô nương. Hôm nay nhân buổi giai tiết mới dám mời, lại sợ gia gia biết mà không cho…

Đang nói thì nghe tiếng gõ cửa, mọi người đều yên lặng nghe ngóng.

Trường Nhi hỏi:

– Ai đó?

Cầm Đồng đáp:

– Tôi đây, tôi tới tìm các thư thư có chút việc.

Nói xong đẩy cửa bước vào, Ngọc Tiêu vội hỏi:

– Các nương nương về rồi hay sao?

Cầm Đồng chỉ cười, nhìn mọi người mà không đáp. Ngọc Tiêu bảo:

– Nỡm chửa, hỏi sao không nói? Ai cười với anh mà anh nhe răng ra vậy?

Cầm Đồng nói:

– Các nương nương chưa về, còn uống rượu ở bên đó, nhưng trời có tuyết nên sai tôi về lấy áo cừu rồi mới trở lại rước.

Ngọc Tiêu bảo:

– Áo cừu ở trong rương ấy, bảo Tiểu Ngọc nó lấy cho không được sao?

Cầm Đồng đáp:

– Tiểu Ngọc nói là không biết gì cả, bảo tôi đến hỏi chị.

Ngọc Tiêu bảo:

– Sao lại không biết? Anh tin lời con khốn đó sao?

Xuân Mai bảo:

– Nương nương của các chị có áo cừu thì các chị về lấy đi, nương nương tôi chẳng có áo gì hết thì tôi ngồi đây.

Lan Hương bảo:

– Áo của Tam nương thì bảo Tiểu Loan nó lấy cho.

Nghênh Xuân cũng lấy chìa khóa đưa cho Cầm Đồng mà bảo:

– Anh nói với Tú Xuân lấy chìa khóa này mở rương đưa áo cho anh.

Cầm Đồng trở về, nhờ Tiểu Ngọc, Tiểu Loan và Tú Xuân lấy đầy đủ các áo, nhưng Đại An bảo:

– Còn áo của Ngũ nương đâu?

Cầm Đồng đáp:

– Xuân Mai vừa nói là Ngũ nương làm gì có áo cừu?

Đại An gắt:

– Mày ngu quá, nếu không vì vụ áo của Ngũ nương thì tao về đây làm gì? Đại nương mắng tao một trận rồi sai tao về là vụ của Ngũ nương đó.

Cầm Đồng bảo:

– Bây giờ làm sao?

Đại An nói:

– Mày cứ đứng đây chờ tao, đừng có đi trước, mày đi trước, tới đó không thấy tao, Đại nương lại chửi tao.

Nói xong trở vào, thấy Tiểu Ngọc đang ngồi cắn hạt dưa.

Tiểu Ngọc hỏi:

– Trở lại đây làm gì nữa?

Đại An vò đầu bứt tai:

– Đang tức gần chết đây này, Đại nương mới chửi tôi một trận đó, bây giờ bảo tôi về lấy áo cừu cho Ngũ nương. Đại nương nói là trong tủ có cái áo cừu của Lý Tam đưa tới để trừ nợ, chị lấy ra đưa tôi để tôi đem tới cho Ngũ nương mặc.

Tiểu Ngọc đáp:

– Nếu là trong tủ thì Ngọc Tiêu giữ chìa khóa, nhưng bây giờ mấy bà đó đang say sưa tại nhà Bôn Tứ, tới đó mà hỏi.

Đại An bảo:

– Để chút xíu thằng Cầm Đồng vào đây, tôi bảo nó đi, bây giờ tôi ngồi nghỉ chân, sưởi ấm chút đã, cực quá mà.

Nói xong ngồi xuống cạnh Tiểu Ngọc, hai người sát vai ngồi sưởi trước lò sưởi. Tiểu Ngọc bảo:

– Ở đây còn rượu, để tôi lấy cho anh uống.

Đại An cười:

– Thế thì còn gì bằng, cảm ơn thư thư hạ cố tới tôi.

Tiểu Ngọc đứng dậy lấy rượu rót ra, lại đem tới một đĩa thịt vịt rồi bảo:

– Ca ca uống một chung cho ấm. Rượu này là của tôi đó.

Đại An nhấp một ngụm rồi nói:

– Rượu ngon quá, đừng cho người khác uống, phí lắm.

Đang ăn uống chuyện trò thì Cầm Đồng vào. Đại An bảo:

– Mày ngồi đây uống chung rượu cho ấm bụng rồi đi gọi Ngọc Tiêu về lấy áo cho Ngũ nương.

Cầm Đồng uống xong chung rượu, để gói áo xuống cho Đại An giữ rồi tới nhà Bôn Tử một lần nữa.

Cầm Đồng tới gọi Ngọc Tiêu, Ngọc Tiêu bảo:

– Thằng khốn này lại tới làm gì đây?

Cầm Đồng nói đầu đuôi. Ngọc Tiêu chỉ đưa chìa khóa chứ không chịu về lấy áo. Cầm Đồng đem chùm chìa khóa về đưa cho Tiểu Ngọc mở tủ. Tiểu Ngọc lấy hết chìa nọ tới chia kia mà cũng không mở được. Cầm Đồng đành phải ba chân bốn cẳng chạy lại nhà Bôn Tứ hỏi, Ngọc Tiêu chỉ cho Cầm Đồng chìa khóa nào và cách mở như thế nào. Cầm Đồng trở về nói lại với Tiểu Ngọc. Tiểu Ngọc bảo:

– Con khốn gớm thật, cứ ngồi mà chỉ tay năm ngón, cái gì nó cũng sai tôi.

Nói xong giận dữ mở tủ ra, nhưng trong tủ không có cái áo cừu nào cả. Ba người sững sờ. Cầm Đồng than:

– Thế này thì có chết tôi không cơ chứ, đêm hôm khuya khoắt, lạnh muốn chết mà các bà này làm ăn như vậy thì làm sao tôi chạy đi chạy lại cho nổi.

Đại An dỗ ngọt:

– Thôi mày chịu khó đi lần này nữa đi, Đại nương không mắng các thư thư đâu, mà chỉ mắng tao với mày thôi.

Cầm Đồng lại nhẫn nhục tới nhà Bôn Tứ bảo Ngọc Tiêu:

– Trong tủ chẳng có cái áo cừu nào cả.

Ngọc Tiêu suy nghĩ một chút rồi cười khanh khách:

– Tôi quên, không phải cái tủ đó, áo ở trong tủ lớn kê ở trong cùng cơ.

Cầm Đồng lại long tong chạy về nói với Tiểu Ngọc. Tiểu Ngọc nghiến răng:

– Con khốn nạn không biết say mê thằng phải gió nào mà lú lẫn thế, áo để nơi này lại bảo nơi khác.

Nói xong mở tủ lấy áo đưa cho Cầm Đồng. Đại An và Cầm Đồng tất tả đem cái áo tới nhà Ngô Đại cữu đưa cho Nguyệt nương, Nguyệt nương mắng:

– Các ngươi chết dấm chết dúi ở đâu mà bây giờ mới dẫn xác đến?

Đại An không dám nói gì. Cầm Đồng thưa:

– Áo của các nương nương chúng tôi lấy rất sớm, nhưng chờ các thư thư tìm cái áo cừu lót đoạn xanh này nên mới lâu.

Ngô Đại cữu mẫu cầm cái áo cừu do Lý Tam trừ nợ lên coi rồi nói:

– Sao, bao giờ Đại nương có một cái như thế này thì xin để lại cho tôi.

Nguyệt nương nói:

– Áo này còn mới lắm, chỉ có đường viền kim tuyến hơi sờn, để bảo may lại là đẹp hoàn toàn.

Ngọc Lâu cầm áo đưa cho Kim Liên bảo:

– Hồi nãy thư thư bảo với tôi là áo lông chó, bây giờ thử mặc cái áo lông chó này vào cho Đại nương coi có đẹp không.

Kim Liên lạnh lùng:

– Áo cũ của người khác tôi mặc làm gì, để tôi xin gia gia cho tôi một cái mới, chẳng lẽ gia gia tiếc tôi hay sao.

Ngọc Lâu bảo:

– Người ta mong có một cái áo như thế này mà cũng không được, thư thư ở đó mà chê.

Kim Liên im lặng, Nguyệt nương và mọi người mặc áo cừu vào rồi đứng dậy cáo từ, đồng thời thưởng cho Úc Đại thư ít tiền. Ngân Nhi nói:

– Tôi cũng xin cáo từ Ngô Đại cữu mẫu, Ngô nhị cữu mẫu và các vị nương nương.

Nói xong sụp lạy mọi người. Ngô Đại cữu mẫu thưởng cho Ngân Nhi một phong bao đựng tiền.

Nguyệt nương và Bình Nhi mỗi người cho Ngân Nhi một lạng bạc. Ngân Nhi lại lạy tạ.

Mọi người bước ra, Ngô Đại cữu mẫu, Ngô nhị cữu mẫu và Trịnh Tam thư tiễn khách ra cổng, nhưng tuyết rơi hơi nhiều.

Cầm Đồng nói:

– Tuyết xuống hơi nhiều, sợ các nương nương ướt áo, hay là Đại nương mượn Ngô Đại cữu mấy cái dù cho khỏi ướt.

Ngô nhị cữu mẫu vội quay vào lấy mấy cái dù ra, đám gia nhân và lính hầu cầm dù che cho Nguyệt nương và mọi người lên kiệu.

Kiệu ra khỏi cổng, Kính Tế vừa đi vừa đốt pháo bông, pháo thăng thiên và pháo nổ. Lát sau quay lại bảo Ngân Nhi:

– Ngân thư à, nhà thư thư không xa đây, để chúng tôi đưa thư thư về.


Nguyệt nương hỏi:

– Nhà ở đâu vậy?

Kính Tế đáp:

– Ở ngay dãy phố trước mặt đây có một cái ngõ lớn, đứng ngoài nhìn thẳng vào thấy một ngôi nhà lầu lớn, đó là nhà Ngân Thư.

Ngân Nhi nói:

– Con xin từ biệt các nương nương ở đây thôi.

Nói xong định dừng kiệu bước xuống lạy chào, nhưng Nguyệt nương vội bảo:

– Thôi, đường ướt bẩn lắm, hồi nãy trong nhà đã từ tạ rồi, bây giờ để ta bảo gia nhân đưa thư thư về nhà.

Nói xong gọi:

– Đại An, ngươi đưa thư thư về.

Kính Tế nói:

– Đại nương cho cháu đi cùng với Đại An.

Nguyệt nương bảo:

– Được, hai người cùng đi càng tốt.

Kính Tế và Đại An theo kiệu của Ngân Nhi, gia nhân lính tráng khác đưa Nguyệt nương và mọi người về nhà.

Trên đường, Kim Liên hỏi:

– Đại nương lúc nãy nói là chúng mình đưa Ngân thư về nhà, sao mình không đưa, lại để cho Kính Tế và Đại An đưa về?

Nguyệt nương cười:

– Muội muội dễ tin như con trẻ ấy, đó chỉ là lời nói xã giao, một con ca nữ là người gì mà muội muội hay tôi phải đưa về nhà?

Kim Liên cười:

– Cũng nên đến một lần cho biết nhà. Các bà vợ thường muốn biết nhà các cô ca nữ để tới đó mà tìm chồng.

Nguyệt nương cười:

– Muội muội biết nhà, muội muội thử tới đó tìm chồng coi có được không? Đến đó tìm chồng thì chỉ thêm xấu mình chứ ích lợi gì.

Mải nói chuyện, đoàn kiệu đã tới đường Đông Nhai, gần nhà họ Kiều. Nhà họ Kiều đèn đuốc sáng trưng, Kiều Đại nương và cháu dâu là Đoạn Đại thư đã ra đứng trước cổng, chờ đoàn kiệu của Nguyệt nương tới rồi khẩn khoản mời vào.

Nguyệt nương xuống kiệu từ chối:

– Đa tạ thịnh tình của thân gia, nhưng trời khuya rồi, xin để cho khi khác.

Kiều Đại nương nhất định không chịu:

– Vậy đâu được, chúng tôi đợi tuyết đứng chờ, đâu có phải để cho nhân gia từ chối được.

Nói xong cầm tay Nguyệt nương dẫn vào, đám tiểu thiếp và Đại thư bất đắc dĩ phải vào theo. Mọi người vào phòng khách, nơi đây đèn hoa muôn sắc lung linh. Tiệc đã dọn sẵn, đôi bên phân ngôi chủ khách ngồi uống rượu. Trước tiệc có một ca nữ đàn hát.

***

Trong khi đó bữa tiệc tại nhà Tây Môn Khánh cũng gần tàn. Mọi người đều say sưa. Bá Tước nhân lúc Tây Môn Khánh không để ý, cầm cả một đĩa hoa quả trút hết vào tay áo rồi đứng dậy cáo từ. Hy Đại và Đạo Quốc cũng cáo lui, chỉ còn một mình Bôn Tứ ngồi tiếp rượu Tây Môn Khánh. Lát sau, Tây Môn Khánh đứng dậy thưởng tiền cho đám nhạc công, bảo gia nhân dọn dẹp bàn tiệc rồi vào hậu phòng. Bôn Tứ lo trông coi gia nhân thu dọn. Bình An ba chân bốn cẳng chạy tới nhà Bôn Tứ bảo đám a hoàn:

– Gia gia vào hậu phòng rồi, các thư thư chưa về hay sao?

Đám a hoàn hoảng lên, vội đứng dậy cảm tạ vợ Bôn Tứ rồi cáo từ. Lan Hương hồi nãy cởi giày ra cho dễ chịu, bây giờ hoảng hốt vội vàng, xỏ hài mãi không được. Xuân Mai mắng:

– Đồ con gái thối thây, tới nhà khác mà có cái gì cũng cởi ra, làm sao phải cởi hài ra để bây giờ mang vào không được.

Nói xong cúi xuống giúp Lan Hương. Sau đó cả bọn tất tả về nhà. Nghe nói Tây Môn Khánh đang ở trong phòng Lý Kiều Nhi, cả bọn kéo tới lạy chào. Vị ni cô đang nói chuyện với Kiều Nhi, từ lúc Tây Môn Khánh vào, đã lên phòng Nguyệt nương nói chuyện với Tiểu Ngọc. Ngọc Tiêu bước vào, chào vị ni cô. Tiểu Ngọc nói ngay:

– Hồi nãy Đại nương cho gia nhân về lấy áo, tôi chẳng biết chìa khóa nào với chìa khóa nào, lúc mở ra được thì lại không thấy áo, thư thư để một nơi nói một chỗ ai mà biết được. Vậy mà không chịu về lấy cho mau, còn ngồi ở bên đó uống rượu say sưa, bây giờ mới chịu dẫn xác về.

Ngọc Tiêu uống rượu, mặt hồng lên, nói:

– Á à con khốn, mày ghen tức với chúng tao đấy hả? Người ta không mời mày, sao mày lại trút giận vào tao?

Tiểu Ngọc bĩu môi:

– Tôi mà cần con mẹ đó mời hay sao?

Vị ni cô khuyên:

– Thôi, hai thư thư nên nhịn nhau đi, gia gia ở nhà đó, không lo trà nước gì mà lo cãi nhau hay sao.

Đang nói thì thấy Cầm Đồng bước vào. Ngọc Tiêu hỏi:

– Các nương nương về đấy hả?

Cầm Đồng đáp:

– Các nương nương về ngang nhà Kiều đại gia thì Kiều Đại nương ra tận cổng đón vào mời uống rượu từ nãy tới giờ, chắc cũng sắp về tới.

Tiểu Ngọc và Ngọc Tiêu nghe vậy không dám cãi nhau nữa.

Đoàn kiệu của Nguyệt nương vào tới cổng thì Kính Tế đốt liền mấy đợt pháo bông. Nguyệt nương bước vào phòng, Kiều Nhi và Tuyết Nga tới lạy chào. Mấy người kia cũng vào theo, Nguyệt nương hỏi:

– Gia gia đang ở đâu?

Kiều Nhi đáp:

– Hồi nãy gia gia tới phòng tôi, tôi đã hầu gia gia ngủ rồi.

Bọn Xuân Mai bốn đứa vào lạy chào. Kiều Nhi nói:

– Tối nay vợ Bôn Tứ dọn tiệc mời bốn đứa chúng nó. Chúng nó cũng mới về đó.

Nguyệt nương mắng:

– Mấy con khốn này gớm thật, bây giờ chúng bay thành yêu thành tinh rồi phải không? Chúng bay đi làm gì, mà ai cho chúng bay đi?

Kiều Nhi đáp:

– Chúng nó có thưa với gia gia rồi.

Nguyệt nương giận dữ:

– Gia gia thì có biết gì chuyện nhà cửa, nhà không có ai mà cũng cho mấy con quỷ cái đó đi làm gì?

Vị ni cô nhỏ nhẹ:

– Đang buổi giai tiết, Đại nương không nên nói tới ma quỷ làm gì.

Ngọc Lâu thấy Nguyệt nương không vui, nên bỏ về phòng, Kim Liên và Bình Nhi cũng ra theo.

Nguyệt nương sai Tiểu Ngọc và Ngọc Tiêu dọn chỗ cho vị ni cô ngủ tại phòng mình. Ngoài trời, tuyết rơi tới canh tư mới dứt.

***

Hôm sau, Tây Môn Khánh ra viện làm việc. Vị ni cô cáo từ, Nguyệt nương, Ngọc Lâu và Bình Nhi tiễn ra tới cổng. Đang định quay vào thì Nguyệt nương thấy một bà thầy bói đang đi ngoài đường, bèn sai gia nhân mời vào. Nguyệt nương và mọi người trở vào trong trước. Bà thầy bói được dẫn vào phòng trong, sụp lạy bốn lạy, Nguyệt nương mời ngồi rồi bảo:

– Lão bói giùm tôi một quẻ xem sao.

Bà thầy đặt con linh quy xuống rồi hỏi:

– Xin nãi nãi cho biết niên kỷ.

Nguyệt nương bảo:

– Tôi tuổi con rồng.

Bà thầy nói:

– Nếu rồng lớn thì năm nay bốn mươi hai tuổi, còn rồng nhỏ thì ba mươi tuổi.

Nguyệt nương bảo:

– Tôi ba mươi tuổi, sinh giờ Tý ngày rằm tháng tám.


Bà thầy cầm cái mu rùa xóc xóc, rơi ra một tấm giấy cứng, có hình một người đàn ông và một người đàn bà phú quý, xung quanh gia nhân đày tớ rất nhiều, đằng sau lại có một kho vàng bạc. Bà thầy cầm lên xem rồi nói:

– Cứ như quẻ này thì nãi nãi nhất sinh là người nhân nghĩa, có lòng độ lượng khoan hồng, thích làm điều từ thiện, ưa bố thí, có tài đảm đang quán xuyến gia đình, tuy nhiên tính tình có nhiều khi nóng nẩy, nhưng nóng nẩy mà vô tâm. Nãi nãi coi vậy mà cũng vất vả. Người nào khác thì có thể dậy muộn, nhưng nãi nãi thì luôn phải dậy sớm đốc thúc gia nhân lo việc trong nhà. Tai ách xem ra thì nhiều, nhưng nhờ tính tình nhân từ nên đỡ đi được nhiều lắm. Tuổi thọ của nãi nãi thì ít nhất cũng phải thất tuần.

Ngọc Lâu hỏi:

– Lão coi thử coi vị nãi nãi đây có thể có con không?

Bà thầy bảo:

– Tôi nói thật, đường tử tức của nãi nãi đây vất vả lắm, sau này nằm xuống chỉ có một người con trai đã xuất gia đi đưa đám mà thôi.

Ngọc Lâu quay sang Bình Nhi cười bảo:

– Đúng là đạo sĩ tí hon Ngô Ứng Nguyên rồi.

Nguyệt nương bảo Ngọc Lâu:

– Tam muội cũng nên bói một quẻ xem sao.

Ngọc Lâu bảo bà thầy:

– Lão bói cho tôi đi, tôi ba mươi tư tuổi, sinh giờ Dần ngày hai mươi bảy tháng mười một.

Bà thầy xóc ra một tấm thiếp có hình một người đàn bà và ba người đàn ông. Người đàn ông thứ nhất có vẻ như một lái buôn, người thứ nhì như một ông quan, người thứ ba là một vị tú tài, trong hình cũng vẽ một kho vàng bạc và nhiều gia nhân hầu hạ. Bà thầy xem một lúc rồi nói:

– Vị nãi nãi này tuổi Giáp Tý, mệnh phạm phải Tam hình Lục hại, ít nhất phải qua một đời chồng rồi thì mới tốt.

Ngọc Lâu nói:

– Cũng một lần rồi.

Bà thầy nói tiếp:

– Nãi nãi là người tính tình ôn nhu hòa thuận, vui buồn không lộ ra nét mặt cho người khác thấy, lại được người dưới kính trọng, được chồng sủng ái, tuy nhiên lại bị một số tiểu nhân ghen ghét, nhưng nhờ tâm địa tốt nên tiểu nhân không làm hại được.

Nguyệt nương hỏi:

– Lão coi thử vị nãi nãi này có thể có con không?

Bà thầy đáp:

– Có con gái, nhưng con trai thì không chắc. Còn mệnh thì thọ lắm.

Nguyệt nương nói:

– Bây giờ lão bói cho vị nãi nãi kia đi.

Đoạn quay sang Bình Nhi:

– Lục muội muội nói ngày sinh tháng đẻ đi.

Bình Nhi cười:

– Tôi tuổi Tân Mùi sinh giờ Ngọ ngày rằm tháng giêng.

Bà thấy xóc mu rùa ra được một tấm giấy vẽ một người đàn bà và ba người đàn ông. Người đàn ông thứ nhất mặc áo hồng, người thứ nhì mặc áo xanh lục, người thứ ba mặc áo xanh da trời, người này bồng một đứa con trai đằng sau có một kho vàng bạc, nhưng xung quanh lại có ma quỷ đứng xõa tóc. Bà thầy coi một lát rồi nói:

– Vị nãi nãi này một đời phú quý, có mệnh quý nhân, mang của cải danh vọng về cho chồng, tính tình nhân nghĩa, ít làm mất lòng ai, lại không chú ý tới tiền bạc của cải, người ta lấy thù hận đối với nãi nãi thì nãi nãi lấy ân huệ đáp lại cho người ta. Nãi nãi có con trai, nhưng tôi nói thật, đáng lo lắm.

Bình Nhi vội nói:

– Hiện cháu đã được ký danh làm đạo sĩ rồi.

Bà thầy bảo:

– Nếu đã xuất gia rồi thì cũng không sao. Nhưng xin nãi nãi cẩn thận năm nay sao Kế Đô chiếu mệnh, tháng bảy tháng tám đáng ngại lắm, sợ có chuyện tai ương.

Nguyệt nương, Ngọc Lâu và Bình Nhi, mỗi người đều thưởng tiền cho bà thầy bói rồi sai gia nhân đưa ra cổng. Bà thầy vừa ra thì Kim Liên và Đại thư tới. Kim Liên cười bảo:

– Tôi tưởng các nương nương uống trà ở nhà ngang, nào ngờ tụ cả lại nơi đây.

Nguyệt nương bảo:

– Chúng tôi vừa xem bói xong, bà thầy cũng vừa ra. Giá Ngũ muội tới sớm một chút thì cũng xem được.

Kim Liên lắc đầu:

– Tôi không xem bói đâu, tin làm sao được. Hôm trước ông đạo sĩ bảo tôi đoản mệnh, rồi bao nhiêu sự xấu xa, thật bực cả mình.

Nguyệt nương đứng dậy cùng mọi người xuống nhà ngang uống trà.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét