Tranh Đới Đôn Bang. |
HỒI 46.
Vớ được món hời
Hôm sau nhân tiết Nguyên tiêu nghỉ việc công, Tây Môn Khánh nhàn hạ, tự mình đứng coi soạn hai quả đựng lễ vật để biếu Kiều ngũ thái thái, một quả đựng lễ vật để biếu Kiều Đại nương, lễ vật gồm toàn bánh kẹo hoa quả để ăn trong tiết Nguyên tiêu. Đại An được sai đem lễ vật đi. Kiều thái thái thưởng cho Đại An ba tấm khăn tay và ba tiền, Kiều Đại nương thưởng cho một xấp lụa xanh.
***
Lại nói về Ứng Bá Tước, khi từ biệt
Tây Môn Khánh thì tới nhà Hoàng Tứ, Hoàng Tứ gói mười lạng bạc tạ ơn và nói:
– Đại quan nhân cho nợ lại năm trăm lạng,
qua tiết Nguyên tiêu này mới phải trả, nhưng quả thật là bây giờ tôi cũng túng
lắm.
Bá Tước nói:
– Coi vậy chứ huynh cũng còn đầy đủ
chán.
Hoàng Tứ nói:
– Đủ gì mà đủ, tôi đang tính mượn
thêm, Lý tam ca thì tính mượn của viên nội thần trong huyện, nhưng mượn ở đó
thì tiền lời cũng là năm phân mà không dễ chịu bằng mượn của đại quan nhân, cho
nên tôi định nói với huynh là huynh làm sao mượn giùm Đại quan nhân cho chúng
tôi năm trăm lạng nữa là một ngàn, tiền lời vẫn như cũ, đúng hạn chúng tôi xin
hoàn cả vốn lẫn lời, không dám sai chạy.
Bá Tước ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:
– Kể thì cũng được, nhưng nếu tôi lo
giùm thì huynh tính thưởng cho tôi bao nhiêu?
Hoàng Tứ đáp:
– Để tôi nói với Lý tam ca là xin tặng
huynh năm lạng.
Bá Tước bảo:
– Được rồi, vậy thì tôi tính thế này,
hôm nay vợ tôi nó về bên ngoại nên tôi không đi được, ngày mai Tây Môn đại nhân
mời tôi tới uống rượu ngắm đèn, các huynh nên mua một ít lễ vật, tôi sẽ đem tới,
các huynh cũng đi theo, tôi sẽ đưa lễ vật vào, Đại quan nhân thế nào cũng mời
các huynh để nói chuyện, lúc đó tôi sẽ vì các huynh mà nói cho thành. Sau đó
làm hợp đồng là mượn một ngàn lạng tất cả, tiền lời năm phân. Tôi nói thật, mượn
tiền của Đại quan nhân có thể nhờ được phần nào cái quyền thế của Đại quan
nhân.
Hoàng Tứ nói:
– Chính vì vậy mà chúng tôi phải phiền
tới huynh, huynh dạy như vậy quả là chí lý.
Hai người bàn tính thêm vài chuyện nữa
rồi Bá Tước ra về.
Trong khi đó Lý, Hoàng hai người lo đi
mua lễ vật, có cả một vò rượu Kim Hoa, đem đến nhà Bá Tước. Bá Tước sai gia
nhân đem đến nhà Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh đang lo tính toán lễ vật đem đi
biếu các nơi thì Bá Tước đến. Bá Tước bước vào sảnh đường vái chào rồi nói:
– Cảm tạ các nương nương đã có lòng
đãi Ngô tiện nội, hôm qua tiện nội về tới nhà cũng trễ, nói là Đại nương lưu giữ
mãi mới cho về.
Tây Môn Khánh nói:
– Hôm qua tôi dự tiệc tại nhà Chu đại
nhân, về tới nhà cũng hơi muộn nên khách khứa đã về hết rồi, do đó không được
chào nhị tẩu. Hôm nay tuy nghỉ việc quan nhưng tôi bận lo chuyện nhà nên cũng
không đi đâu cả.
Nói xong mời Bá Tước ngồi dùng trà. Bá
Tước vẫy tên gia nhân đứng thập thò ngoài thềm:
– Ngươi mau đem lễ vật vào đây để dâng
Đại quan nhân.
Tây Môn Khánh ngạc nhiên chưa kịp hỏi
thì hai tên gia nhân đã bưng mấy quả đựng đầy lễ vật vào, Bá Tước nói ngay:
– Lý tam ca và Hoàng Tứ ca nói rằng gặp
buổi giai tiết mà không biết lấy gì tạ ơn nên mới có chút lễ mọn này năn nỉ tôi
đem tới để đại ca thưởng cho người dưới.
Hai tên gia nhân đặt lễ vật lên bàn rồi
sụp lạy. Tây Môn Khánh cười:
– Họ nhờ đem lễ vật tới làm gì? Tôi
không nhận đâu, bảo hai đứa này nó mang về đi.
Bá Tước nói:
– Đại ca không nhận tức là chối bỏ cả
lòng tri ân của họ mà còn làm cho họ sợ nữa. Họ định gọi cả ca nữ tới để hát hầu
đại ca nữa nhưng tôi gạt đi, nói là tại quý phủ ở đây có cả một ban ca nữ rồi,
họ lại gọi sáu tên nhạc công, đang đứng hầu đợi lệnh ở ngoài kia. Đối với họ,
ơn của đại ca lớn lắm.
Tây Môn Khánh ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:
– Nếu quả họ đã có lòng như vậy thì
tôi cũng không thể lãnh đạm, để tôi cho mời hai người tới uống chén rượu nhạt.
Bá Tước chỉ đợi có bấy nhiêu, vội quay
lại dặn gia nhân của mình:
– Ngươi tới ngay nhà Hoàng gia nói là
Đại quan nhân đã thương mà chịu nhận lễ vật rồi, Đại quan nhân lại cho lệnh đòi
Hoàng gia và Lý gia tới hầu, xin hai vị tới cho mau, đừng chậm trễ để Đại quan
nhân phải phiền lòng chờ.
Tây Môn Khánh sai Đại An thâu nhận lễ
vật rồi thưởng cho tên gia nhân của Bá Tước hai tiền. Tên gia nhân lạy tạ rồi
lui ra. Tây Môn Khánh lại mời Bá Tước vào thư phòng cạnh đại sảnh uống trà nói
chuyện. Tây Môn Khánh hỏi:
– Hôm nay nhị ca có gặp Tạ ca chưa?
Bá Tước đáp:
– Hôm nay tôi vừa thức dậy thì Lý tam
ca và Hoàng tứ ca tới nhờ đem lễ vật nên chưa rảnh để gặp Tạ ca.
Tây Môn Khánh quay lại bảo Kỳ Đồng:
– Đi mời Tạ gia lại đây ngay cho ta.
Kỳ Đồng vâng lời đi ngay, Thư Đồng đem
rượu và thức ăn ra, chủ khách chén thù chén tạc. Bá Tước gợi chuyện:
– Lý, Hoàng hai người còn thiếu đại ca
bao nhiêu?
Tây Môn Khánh đáp:
– Thì như nhị ca biết đấy, hôm nọ trả
một ngàn lạng rồi, văn tự cũ bỏ đi, làm văn tự mới là vay năm trăm lạng.
Bá Tước nói:
– Vậy cũng được, nhưng theo tôi nghĩ
thì sao đại ca không cho họ vay thêm năm trăm lạng nữa là một nghìn lạng, tiền
lời cũng nhiều hơn mà lại gọn gàng dễ tính toán hơn. À thế nào? Mấy đĩnh vàng
đó, đại ca thích không? Nếu không thì đưa lại cho họ rồi thêm ít trăm lạng nữa
thôi.
Tây Môn Khánh gật gù:
– Nhị ca nói cũng đúng, giữ vàng trong
nhà cũng chẳng làm gì mà chỉ thêm lôi thôi, vậy thì để tôi đưa lại cho họ bốn
đĩnh vàng, trị giá một trăm năm chục lạng chứ gì, và đưa thêm ba trăm năm chục
lạng nữa là năm trăm lạng, cộng với số nợ cũ cả thảy là một ngàn lạng chẵn.
Nói xong lại mời Bá Tước nâng chung.
Bá Tước mừng thầm trong bụng, vừa uống rượu vừa tâng bốc Tây Môn Khánh. Bỗng Đại
An vào thưa:
– Có chú Bôn Tứ đem rất nhiều đồ quý
như bình phong, trống đồng... nói là của Bạch Hoàng thân, muốn cầm với giá ba
chục lạng, Bôn Tứ sai tôi vào trình xem gia gia có chịu cầm hay không.
Tây Môn Khánh bảo:
– Gọi Bôn Tứ đem vào đây ta coi.
Đại An bước ra cùng Bôn Tứ đem các đồ
vật đó khiêng lên thềm đại sảnh. Tây Môn Khánh và Bá Tước bước ra coi, thấy có
một tấm bình phong khảm xà cừ và cẩm đá Thạch Lý, rộng ba thước, cao năm thước,
một bộ chiêng trống bằng đồng vàng chói, điêu khắc tuyệt đẹp. Tây Môn Khánh hỏi:
– Nhị ca thấy thế nào?
Bá Tước nói:
– Không kể giàn chiêng trống này thì riêng tấm bình phong cũng đáng giá năm chục lạng mà sợ mua không có, đại ca nên cầm cho họ đi.
Tây Môn Khánh nói:
– Không biết sau này người ta có chuộc
lại chăng?
Bá Tước nói:
– Chuộc gì nổi mà chuộc, đã đem cầm thế
đi như thế này là khó lòng mà chuộc lại, vả chăng có chuộc lại thì đại ca cũng
đã một vốn bốn lời, đi đâu mà thiệt.
Tây Môn Khánh nói:
– Thôi được, cầm cho họ vậy.
Đoạn bảo Bôn Tứ:
– Ra tiệm thuốc bảo cậu Kính Tế xuất
ra ba chục lạng đem đến cho người ta.
Nói xong sai Đại An gọi gia nhân lau
chùi sạch sẽ tấm bình phong, cho khiêng lên đặt tại chính diện đại sảnh, rồi ngắm
nghía kỹ lưỡng, thấy quả là đồ quý, trong lòng vui thích lắm. Còn giàn chiêng
trống thì sai cất vào kho.
Tây Môn Khánh chợt nhớ tới đám nhạc
công do Lý, Hoàng phái tới, bèn hỏi gia nhân:
– Gọi họ vào chưa? Cho họ ăn uống gì
chưa?
Cầm Đồng thưa:
– Họ đang ăn uống tại nhà dưới.
Tây Môn Khánh bảo:
– Cho họ ăn uống xong thì gọi họ lên
đây trình diễn ta nghe.
Lát sau, đám nhạc công được dẫn lên đại
sảnh tấu nhạc, tiếng nhạc réo rắt chơi vơi, Tây Môn Khánh và Bá Tước chú ý ngồi
nghe. Đang nghe thì Tạ Hy Đại tới, bước lên đại sảnh vái chào. Tây Môn Khánh
đáp lễ rồi bảo:
– Tạ ca thử coi tấm bình phong kia rồi
đánh giá coi chừng bao nhiêu lạng.
Hy Đại bước tới gần tấm bình phong xem
xét kỹ càng trên dưới, vừa xem vừa lẩm bẩm khen tặng rồi quay lại nói:
– Tấm bình phong này quả là vật quý, cứ
thời giá bây giờ thì một trăm lạng cũng chưa chắc mua được.
Bá Tước cười:
– Vậy mà tính luôn cả giàn chiêng trống
bằng đồng, điêu khắc tinh xảo, tất cả chỉ có ba chục lạng mà thôi.
Hy Đại ngẩn người vỗ tay nói:
– Sao lại có chuyện lạ vậy, tấm bình
phong này cũng gấp mấy lần cái ba chục lạng rồi.
Bá Tước cười:
– Còn giàn chiêng trống thì ít nhất
cũng bốn chục cân đồng tốt, kỹ thuật rập khuôn kiểu vua chúa, chế tạo thật công
phu, nét khắc cực tinh xảo. Cho hay đại ca mình đây thật là có phúc lớn, vật
quý tự nhiên tìm đến quý nhân là vậy.
Ba người bàn tán một hồi, Ứng, Tạ thi
nhau tâng bốc. Tây Môn Khánh mời hai người vào thư phòng uống rượu. Lát sau thì
Lý, Hoàng hai người tới, chào hỏi xong, Tây Môn Khánh bảo:
– Hai người việc gì phải phí tâm đem lễ
vật cho tôi, chẳng lẽ tôi lại không nhận.
Lý, Hoàng cùng nói:
– Quan nhân dạy như vậy làm chúng tôi
sợ, chúng tôi không biết lấy gì tạ ơn lớn nên chỉ có chút lễ mọn để quan nhân
thưởng cho kẻ dưới mà thôi. Cúi xin quan nhân nhận giùm cho chúng tôi được yên
lòng.
Nói xong khép nép ngồi xuống. Họa Đồng
đem thêm thức ăn lên, mọi người vui vẻ ăn uống. Lát sau Đại An lên hỏi:
– Thưa gia gia định cho bày bàn dọn tiệc
lớn tại đâu?
Tây Môn Khánh bảo:
– Thì cứ dọn tại đại sảnh.
Lát sau, tiệc dọn xong xuôi, Tây Môn
Khánh mời đám khách trở ra đại sảnh nhập tiệc, đám nhạc công tấu nhạc rộn ràng.
Lại gọi Ngân Nhi ra rót rượu và ca hát.
***
Trong khi đó các a hoàn của Quế Thư và
Ngân Nhi là Bảo Nhi và Lạp Mai ngồi kiệu tới đón. Quế Thư nghe nói Bảo Nhi tới
thì vội vàng chạy ra, chủ tớ thầm thì hồi lâu, Quế Thư trở vào cáo từ xin về.
Nguyệt nương bảo:
– Việc gì mà vội? Hôm nay chúng ta đều
tới nhà Ngô Đại cữu, đem cả các thư thư đi theo cho vui. Chừng nào tan tiệc thì
về nhà cũng được chứ gì? Ra bảo kiệu nó về đi.
Quế Thư khẩn khoản:
– Nương nương không biết, ở nhà con
bây giờ chỉ có mình mẫu thân con, thư thư con thì vắng nhà, bây giờ bên Ngũ di
ma con mời ăn tiệc, mẫu thân con cuống lên, không biết soạn lễ vật thế nào nên
phải sai Bảo Nhi đem kiệu tới gọi con về. Nương nương cho con về, hôm khác
nương nương muốn con ở đây bao nhiêu ngày, con cũng xin vâng.
Nguyệt nương đành cho Quế Thư một lạng
bạc, lại sai Ngọc Tiêu soạn hai quả đựng bánh trái đem ra kiệu, rồi cho Quế Thư
về. Quế Thư lạy tạ Nguyệt nương rồi tới lạy chào các tiểu nương, sau đó được cô
là Kiều Nhi dẫn tới ngoài đại sảnh. Quế Thư nhờ Đại An mời Tây Môn Khánh ra. Đại
An nhẹ bước vào bàn tiệc, ghé tai chủ nói nhỏ:
– Quế Thư xin về, thỉnh gia gia ra
ngoài.
Bá Tước bảo:
– Thì ra con khốn suốt mấy hôm nay vẫn
ở lì tại đây không chịu về.
Tây Môn Khánh bảo:
– Thì hôm nay nó về đấy.
Nói xong bước ra. Quế Thư vội bước lên
thềm, sụp lạy mà nói:
– Đội ơn gia gia và nương nương mấy
hôm nay, bây giờ con xin về.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Ngày mai về không được sao?
Quế Thư quỳ nói:
– Gia cảnh neo người, mẫu thân con sai
Bảo Nhi đem kiệu tới gọi, xin gia gia cho con về. Trước khi về, con có điều này
muốn thưa cùng gia gia, đó là chuyện con a hoàn Hạ Hoa của cô con đây, cô con
đã đánh mắng dạy dỗ nó suốt đêm qua. Nói cho ngay, nó cũng còn nhỏ quá, chưa biết
gì con cũng dạy nó một hồi, nó nguyện là xin hối cải và xin được ở lại để hầu hạ
gia gia và cô con. Vả lại đang trong lúc giai tiết bận rộn, cô con cũng không
có người để sai bảo, đuổi nó đi thì mệt cho cô con lắm. Nên con xin gia gia niệm
tình con và cô con mà hồi tâm tha cho nó. Tục ngữ có câu “đánh kẻ chạy đi,
không ai đánh kẻ chạy lại”, xin gia gia mở lượng khoan hồng, sinh phúc cho nó.
Tây Môn Khánh mỉm cười:
– Nếu thư thư đã nói vậy thì ta cũng
tha cho nó làm phúc.
Đoạn quay sang bảo Đại An:
– Vào thưa với Đại nương rằng ta dặn
là để con Hạ Hoa ở lại, đừng gọi người bán nó nữa.
Đại An thấy Họa Đồng đang ôm mấy quả
bánh trái của Quế Thư thì bảo:
– Để tao ôm cho, mày vào thưa với Đại
nương đi.
Họa Đồng trao mấy quả bánh trái cho Đại
An rồi vào trong. Quế Thư lạy tạ Tây Môn Khánh rồi đứng dậy nói vọng vào:
– Tên họ Ứng kia ơi, ta không thèm
chào đâu, ta về đây.
Bá Tước la lên:
– Bắt con dâm phụ đó lại cho tôi, lôi
nó vào đây bắt hát một bài đã.
Quế Thư nói:
– Được rồi, chừng nào cô nương rảnh,
cô nương hát cho nghe.
Bá Tước nói lớn:
– Con ngựa trăm thằng mà dám ăn nói hỗn
láo với ông nội vậy sao?
Quế Thư bảo:
– Cô nương không thèm nói với thằng
gian tà dịch vật đâu.
Nói xong cười khanh khách mà lên kiệu.
Đại An để mấy cái quả lên kiệu cho Quế Thư. Kiệu từ từ đi ra.
Tây Môn Khánh vào nhà trong thay áo.
Ngoài này, Bá Tước bảo Hy Đại:
– Con dâm phụ đó lạ thật, trong lúc
giai tiết như thế này mà nó cứ ở lì tại đây là thế nào? Nó bỏ biết bao nhiêu mối,
ở nhà nó đó, khách khứa ngồi chờ nó cả đám, ngày nào cũng đông nghẹt mà chẳng
thấy nó về.
Tạ Hy Đại bảo:
– Nhị ca không biết đâu.
Đoạn ghé tai Bá Tước thầm thì mấy câu.
Bá Tước vỗ đùi bảo:
– Tạ ca nói rất đúng.
Đang nói thì Tây Môn Khánh bước ra.
Hai người im bặt. Bá Tước kéo Ngân Nhi tới ngồi cạnh mình rồi giả lả:
– Con gái nuôi thế này mới là ngoan chứ,
có đâu như con dâm phụ Quế Thư.
Ngân Nhi cười:
– Nhị gia sao lại nói vậy? Nhị gia nói
sao thì tôi cũng chỉ biết nghe, có điều là trăm người thì cũng có người hay người
dở, gia gia nói vậy không sợ Quế Thư giận hay sao? Đừng nên bao giờ so sánh người
này với người khác.
Tây Môn Khánh bảo Bá Tước:
– Nhị ca chỉ được cái ăn nói bậy bạ là
giỏi.
Bá Tước cười:
– Đại ca cứ mặc tôi nói chuyện với con
gái nuôi của tôi đây.
Đoạn quay sang Ngân Nhi:
– Bây giờ con gái nuôi đàn hát cho mọi
người nghe đi.
Ngân Nhi uyển chuyển đứng dậy ôm cây tỳ
bà, tay ngọc thoăn thoắt đường tơ, phím ngà chập chờn buông bắt, rồi cất giọng
oanh hát khúc du dương.
***
Trong lúc đó, tại hậu phòng, Nguyệt
nương đang trò chuyện với mọi người, trong đó có cả một vị ni cô. Thấy bọn Họa
Đồng thập thò ngoài cửa thì bảo:
– Đứa nào ngoài đó? Đi gọi Phùng lão tới
đây để đem con Hạ Hoa đi bán cho ta.
Họa Đồng bước vào chắp tay nói:
– Gia gia sai tôi vào thưa với Đại
nương là đừng bán con Hạ Hoa nữa, gia gia tha cho nó rồi.
Nguyệt nương bảo:
– Chính gia gia bảo ta phải bán nó,
bây giờ lại cũng gia gia tha nó. Ta hỏi, ngươi phải nói thật, ai đã tới xin với
gia gia vậy?
Họa Đồng đáp:
– Hồi nãy Quế Thư về, có ra đại sảnh
cáo từ gia gia rồi xin gia gia tha cho Hạ Hoa. Gia gia sai Đại An vào thưa với
Đại nương, nhưng Đại An không chịu đi mà bảo tôi đi.
Nguyệt nương nghe xong trong lòng hơi
bất mãn, bèn mắng Đại An:
– Thằng khốn đó bây giờ gớm lắm rồi,
nó khinh ta không thèm vào thưa nên mới phải sai lại mày chứ gì? Được rồi, để
nó vào đây xem nó ăn nói với ta thế nào.
Đang nói thì Ngân Nhi từ phòng khách
trở vào, Nguyệt nương bảo:
– Con Lạp Mai nó đem kiệu tới chờ thư
thư từ nãy tới giờ, thư thư không về sao? Quế Thư cũng về rồi đó.
Ngân Nhi cúi mình thưa:
– Nương nương đã giữ con, con đâu dám
về để mang tội bất kính.
Nguyệt nương lại cho gọi Lạp Mai vào.
Ngân Nhi hỏi:
– Mày đến đây làm gì?
Lạp Mai đáp:
– Bà ở nhà sai tôi tới thăm cô nương.
Ngân Nhi hỏi:
– Nhà có chuyện gì không?
Lạp Mai đáp:
– Cũng bình thường, không có gì lạ cả.
Ngân Nhi bảo:
– Nhà đã không có chuyện gì thì mày đến
đây làm gì? Về đi, Đại nương đây giữ tao, tao còn phải theo Đại nhân và các
nương nương đi ăn tiệc tại nhà Ngô đại nhân, chừng nào xong thì ta về nhà.
Nguyệt nương bảo:
– Để ta thưởng cho nó ít tiền.
Nói xong bảo Ngọc Tiêu lấy ít tiền cho
Lạp Mai. Lạp Mai cúi lạy tạ ơn. Ngân Nhi hỏi:
– Đại nương cho mày tiền đó, về đi,
thưa với bà rằng không phải cho kiệu tới đón tao nữa, chiều tối thì tao về. À,
mà Ngô Huệ đâu? Sao không thấy tới đây?
Lạp Mai đáp:
– Ngô cữu đau mắt, không đi đâu được.
Nguyệt nương sai Ngọc Tiêu dẫn Lạp Mai
xuống nhà dưới cho ăn uống, lại sai Tiểu Ngọc lấy một cái quả lớn, xếp các thứ
bánh trái Nguyên tiêu để Lạp Mai đem về cho mẹ Ngân Nhi. Ngân Nhi lại sai Lạp
Mai tới lấy xiêm y đã thay ra, để ở phòng Bình Nhi, đem về giặt, Bình Nhi sai
Nghênh Xuân bỏ một lạng bạc vào đám xiêm y rồi gói lại đưa cho Lạp Mai. Lại tặng
Ngân Nhi một cái áo lụa bạch ngọc thêu kim tuyến.
Lạp Mai mang đến, Ngân Nhi vội tạ ơn
Bình Nhi:
– Cảm tạ nương nương, quả là con chưa có một cái áo bạch ngọc nào cả, được nương nương cho thật quý. Nhưng cái áo này mới tinh, chắc là nương nương may riêng cho con, con không thích, con muốn xin một cái áo bạch ngọc nào nương nương đang mặc cơ.
Bình Nhi bảo:
– Áo của tôi rộng lắm, thư thư làm sao
mặc được.
Ngân Nhi nói:
– Nhưng là áo của nương nương mới quý.
Bình Nhi đành sai Nghênh Xuân đem chìa
khóa mở tủ áo tìm một cái áo lụa bạch ngọc để cho Ngân Nhi. Nghênh Xuân cầm áo
ra, Bình Nhi đưa cho Ngân Nhi mà bảo:
– Thư thư cầm áo này về nói với lão bà
theo thế mà may cho thư thư vài cái nữa, à mà thư thư thích áo hoa hay áo trơn?
Ngân Nhi đáp:
– Mặc áo trơn như nương nương nhã hơn,
con thích áo trơn.
Đoạn quay sang bảo Nghênh Xuân:
– Đa tạ thư thư, để hôm nào tôi sẽ tới
hát tạ ơn thư thư.
Bình Nhi lại sai Nghênh Xuân lên lầu lấy
xuống một xấp lụa bạch ngọc trơn mà cho Ngân Nhi.
Ngân Nhi vội sụp lạy tạ ơn, lạy bốn lạy
xong lại đứng dậy vái Nghênh Xuân bốn vái. Bình Nhi bảo:
– Thứ này thư thư nên may xiêm y dự tiệc,
nhã lắm.
Ngân Nhi lại lạy tạ.
Lạp Mai vào lạy chào xin về.
Bình Nhi lại bảo Ngân Nhi:
– Tôi tặng thư thư, nhớ đừng nói lại với
Quế Thư, chỉ thêm phiền mà thôi. À mà sao mấy hôm nay tôi thấy Quế Thư có vẻ
như nóng lòng sốt ruột chuyện gì ấy, đàn hát cũng không chú tâm đàn hát nữa, chỉ
đòi về, không hiểu ở nhà có chuyện gì mà gấp vậy? Lúc a hoàn đem kiệu tới đón
thì tất tả về ngày, chẳng kịp ăn uống gì cả.
Ngân Nhi thưa:
– Lục nương nương dặn, con xin nhớ.
Còn Quế Thư, thì chẳng hiểu bận chuyện gì mà gấp quá, nhưng dù sao nó cũng còn
nhỏ tuổi, xin nương nương đừng chấp làm gì, nó có hiểu biết gì đâu.
Đang nói chuyện thì có gia nhân của
Ngô Đại cữu mẫu tới thưa:
– Nương nương chúng tôi sai mời nhị cô
nương và các cô nương thế nào cũng tới, lại xin mời cả Tuyết Nga cô nương và Quế
Thư, Ngân Thư nữa.
Bình Nhi bảo:
– Ngươi về thưa với Ngô nương nương rằng
chúng ta đang sửa soạn sắp đi đây. Hôm nay Nhị nương ở đây không khỏe nên không
đi được chắc là ở coi nhà. Cậu Kính Tế bận việc vắng nhà nên Đại thư cũng phải ở
nhà. Quế Thư thì về nhà rồi, thành ra chỉ có mấy người chúng ta đi mà thôi. Thế
nào chúng ta cũng tới mà, nương nương ngươi việc gì phải sai người tới nhắc.
Hôm nay nương nương ngươi cho gọi ai tới hát vậy?
Gia nhân họ Ngô đáp:
– Có Úc Đại thư và mấy người nữa.
Nói xong cáo từ mà về.
Sau đó Nguyệt nương và đám tiểu thiếp
chuẩn bị lên kiệu. Bình Nhi dặn nhũ mẫu săn sóc Tố Quan.
Nguyệt nương, Ngọc Lâu, Kim Liên, Bình
Nhi, Đại thư và Ngân Nhi, sáu người lên sáu cái kiệu. Ba gia nhân là Đại An,
Lai An và Kỳ Đồng đi theo cùng với bốn tên lính hầu. Đoàn kiệu trực chỉ nhà họ
Ngô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét