Tranh Đới Đôn Bang |
HỒI 19.
Qua cơn kinh hãi
Nói về Lai Bảo, Lai Vượng ngày đêm vượt
đường, đội sương đạp tuyết mà đi, tới Đông Kinh thì vào Vạn Thọ môn nghỉ ngơi.
Hôm sau ra đường nghe ngóng thì thấy dân gian bàn tán là vụ án Binh bộ Thương
Thư họ Vương đã xét xong và sau mùa thu, Vương Thượng thư sẽ bị xử quyết. Còn vụ
Dương Đề đốc thì vì đám gia quyến thuộc hạ chưa bị bắt hết nên chưa xét xử định
đoạt. Sau đó hai người tới đường Long Đức, gần phủ họ Thái để dò hỏi tin tức.
Lát sau thấy một người mặc áo xanh từ trong Thái phủ vội vã bước ra, đi về hướng
đông, hai người nhận ra là viên Cán biện họ Dương của phủ Đề đốc liền định gọi
lại hỏi han, nhưng nhớ là Tây Môn Khánh không dặn nên lại thôi. Một lúc lâu
sau, hai người lân la tới cổng phủ, hỏi lính gác cổng:
– Chẳng hay Thái sư có nhà không?
Lính gác đáp:
– Lão gia chỉ bị mất chức Phụ chính mà
thôi, hiện đang ở trong triều nghị sự chưa về. Mấy người hỏi có việc gì?
Lai Bảo nói:
– Cũng có chút việc mọn, xin mời giùm
viên quản gia họ Địch ra đây, chúng tôi cần thưa chuyện.
Lính gác vào hỏi quan giữ cổng rồi trở
ra đáp:
– Địch quản gia không có đây.
Lai Bảo biết là tên này nói dối để làm
tiền, bèn lấy ra một lạng bạc đưa cho lính gác, lính gác cầm lấy rồi hỏi:
– Hai người muốn yết kiến lão gia hay
là Học sĩ đại gia? Nếu muốn yết kiến lão gia thì phải gặp Địch quản gia, còn nếu
muốn yết kiến Học sĩ đại gia thì phải gặp tiểu quản gia Cao An. Hiện giờ thì
lão gia ở triều chưa về, chỉ có Học sĩ đại gia ở nhà thôi. Hai người có chuyện
cần thì để tôi vào bẩm với Cao quản gia, rồi Cao quản gia vào bẩm lại với đại
gia cũng vậy chứ gì?
Lai Bảo nói:
– Tôi là người của Phủ Dương Đề đốc muốn
được yết kiến lão gia.
Lính gác nghe vậy vội chạy vào, lát
sau Cao quản gia bước ra, mời Lai Bảo vào vọng gác trong cổng, Lai Bảo đưa ra
mười lạng bạc rồi thưa:
– Tôi là người của Dương gia, định tới
đây sớm để cùng Dương cán biện hỏi tin tức, nhưng tới nơi trễ thành ra Dương
cán biện đã tới trước rồi.
Cao An nhận bạc rồi nói:
– Dương Cán biện cũng vừa mới ở đây
ra, còn lão gia thì bãi triều, ngươi chịu khó đợi, lát nữa ta sẽ dẫn vào yết kiến
lão gia.
Nói xong dẫn Lai Bảo vào ngồi chờ tại
một ngôi nhà cạnh đại sảnh đường. Ngôi sảnh đường này quay về hướng nam, đồ sộ
nguy nga, vàng son chói lọi, ở giữa treo một bức hoành có bốn chữ “Học
sĩ cầm đường” là ngự bút ban tứ. Nguyên con trai Thái Kinh là Thái Du
cũng là một sủng thần, hiện làm chức Học sĩ tại Tường Hòa điện kiêm Lễ bộ Thượng
thư. Cao An để Lai Bảo ngồi đó rồi vào trong, lát sau trở ra dẫn Lai Bảo lên sảnh
đường. Lai Bảo quỳ ngay tại thềm sảnh đường. Thái Du ăn mặc giản dị ngồi trong
hỏi:
– Ngươi ở đâu tới?
Lai Bảo thưa:
– Tôi là người của Trần gia, thân gia
của Dương gia, định cùng Dương Cán biện tới đây hỏi tin tức, không ngờ Dương
Cán biện tới trước, nên đành mạo muội một mình tới đây.
Nói xong rút trong tay áo tấm thiếp mà
đưa lên, Cao An cầm thiếp đưa cho Thái Du, Thái Du liếc qua rồi bảo:
– Lão gia ta cũng vì chuyện này mà mấy
hôm nay cứ phải tránh mặt, mọi sự thẩm vấn xét xử là ở Tam Pháp ty, do Hữu Thừa
tướng Lý gia phụ trách. Việc của Dương lão gia thì hôm qua đã có tin tức rồi.
Thánh thượng cũng khoan hồng đôi phần, nhưng còn chờ bắt hết gia quyến thuộc hạ
rồi sẽ xét. Bây giờ ngươi cũng nên tới Lý phủ xem sao.
Lai Bảo rập đầu nói:
– Tiểu nhân này không quen biết ai ở
Lý phủ, nguyện xin đại gia thương tình mà giúp cho. Tiểu nhân cũng không biết
Lý phủ chỗ nào nữa.
Thái Du bảo:
– Ngươi cứ tới cầu Thiên Hán hỏi thăm
phủ của Hữu thừa tướng Tư Chính diện Đại học sĩ kiêm lễ bộ Thượng thư Lý Bang
Nhan ở đâu là người ta chỉ cho, kinh đô này ai lại không biết. Nhưng ta cũng
cho người cùng đi với ngươi. Còn ở đây ta sẽ liệu cho.
Nói xong sai Cao An cùng đi, gặp Lý
gia mà nói thay Lai Bảo. Cao An dẫn Lai Bảo ra, cùng Lai Vượng mang lễ vật tới
phủ họ Lý. Lúc đó vừa lúc Bang Nhan từ triều về, còn mặc phẩm phục hốt bạc đai
vàng. Gia nhân vào bẩm là có Cao quản gia do Thái Học sĩ sai tới. Cao An được gọi
vào trước thưa bẩm một hồi rồi trở ra dẫn Lai Bảo, Lai Vượng vào. Hai người quỳ
tại thềm đại sảnh, dâng lễ vật lên. Bang Nhan bảo:
– Thái đại gia với ta là chỗ thân
tình, các ngươi lại là người của bên thân gia Dương lão gia, ta làm sao nhận lễ
này được? Vả lại nhờ thánh thượng hồi tâm nên Dương lão gia chắc cũng vô sự,
bây giờ chỉ cần trừng trị đám gia nhân thuộc hạ để làm gương mà thôi. Nghe đâu
là đám thuộc hạ của Vương phủ gồm Thư biện Đổng Thăng, gia nhân Vương Liêm,
Hoàng Ngọc; đám thuộc hạ gia nhân của Dương lão gia gồm Thư biện Lư Hổ, Cán biện
Dương Thịnh, Hàn Tông Nhân, Triệu Hoằng Đạo, Lưu Thành và bè đảng gồm Trần Hồng,
Tây Môn Khánh và Hồ Tứ, đó là bọn cáo mượn oai hùm, ỷ thế làm lộng, bọn đó hoặc
bị xử quyết hoặc bị phát vãng để làm sáng tỏ phép nước.
Lai Bảo nghe xong thì chân tay rụng rời,
vội rập đầu lạy mà thưa:
– Tiểu nhân xin thưa thật, tiểu nhân chính là gia nhân của Tây Môn Khánh quan nhân, cúi xin lão gia mở ơn cứu tử mà giúp cho.
Cao An cũng quỳ xuống xin giùm cho Lai
Bảo. Bang Nhan nghĩ rằng năm trăm lạng kim ngân rực rỡ sáng chói trên mâm kia
chỉ là để xóa bớt một tên trong danh sách tội nhân thì quá rẻ, bèn sai gia nhân
đem án thư tới, lấy danh sách tội nhân ra, sửa tên Tây Môn Khánh thành ra tên
Giả Liêm, rồi cho Lai Bảo, Lai Vượng lui ra thưởng cho mỗi người, kể cả Cao An,
lại viết thiếp trả lời cho Thái Du. Ra tới đường, sau khi từ giã Cao An, Lai Bảo,
Lai Vượng trở về phòng trọ, trả tiền phòng, thu xếp hành lý, cấp tốc vượt đường
trở về huyện Thanh Hà. Tới nhà, vào gặp Tây Môn Khánh kể lại đầu đuôi. Tây Môn
Khánh nghe xong toát mồ hôi, quay lại bảo Nguyệt nương:
– Cũng may là sớm sai người đi, nếu
không thì đại nguy rồi. Nói xong trọng thưởng cho Lai Bảo, Lai Vượng, rồi hạ lệnh
mở cổng ngõ, gọi thợ tiếp tục dựng hoa viên xây lầu các.
Một hôm, Đại An nhân đi qua đường Sư Tử,
thấy nhà của Lý Bình Nhi bây giờ trở thành tiệm thuốc bề thế, tủ thuốc rình
ràng, quầy hàng chói đỏ, ngoài cửa lại có biển đề tên hiệu, bèn trở về thưa lại
với chủ.
Nhưng chưa biết chuyện Bình Nhi đã trở
thành vợ của lang y Trúc Sơn, nên chỉ nói thêm:
– Nhị nương mở tiệm thuốc lớn lắm,
khách hàng ra vào tấp nập.
Tây Môn Khánh nghe xong bán tín bán
nghi, sai lấy ngựa để tới dò hỏi xem sao. Hôm đó vào khoảng trung tuần tháng bảy,
gió may hiu hắt, sương thu lành lạnh, Tây Môn Khánh cưỡi ngựa ra phố, trước hết
tìm gặp Ứng, Tạ hai người để rủ đi uống rượu nghe hát. Ứng Tước hỏi:
– Lâu nay sao chẳng thấy bóng dáng đại
ca đâu, anh em chúng tôi có tới nhà mấy lần nhưng thấy cổng ngõ trong ngoài
đóng kín nên không dám gọi, muốn gặp mà chẳng biết làm sao. Thế nào, đại ca đã
cưới tẩu tẩu về chưa mà chẳng thấy cho anh em uống rượu gì cả?
Tây Môn Khánh đáp:
– Chuyện nhà rắc rối quá nên tạm đóng
cửa lo liệu ít ngày, chuyện cưới hỏi phải dời lại ngày khác.
Ứng Bá Tước bảo:
– Anh em quả không biết đại ca bận rộn
lo lắng chuyện gì, nay mọi việc chắc đã xong xuôi nên đại ca mới rảnh rang như
thế này. Anh em thỉnh đại ca tới nhà Ngân Nhi uống rượu.
Ba người tới nhà Ngân Nhi uống rượu
nghe hát tới chiều, Tây Môn Khánh mới được hai bạn cho về.
Ra tới đường, Tây Môn Khánh đã ngà ngà
say, cưỡi ngựa về phía đường Đồng Nhai, giữa đường gặp Phùng ma ma đang tất tả
đi, bèn chặn lại hỏi:
– Ma ma đi đâu mà vội vội vàng vàng vậy?
Phùng ma ma đáp:
– Nhị nương sai tôi tới nhà chùa ở ngoại
thành làm lễ cho Hoa nhị gia.
Tây Môn Khánh lúc đó hơi say, muốn về
nhà nghỉ, bèn bảo:
– Nhị nương hồi này mạnh khỏe không? Để
ngày mai tôi sẽ tới nói chuyện.
Phùng ma ma bảo:
– Chờ quan nhân hỏi đến thì đã muộn rồi,
người ta đã yên bề gia thất, còn gì để nói nữa.
Tây Môn Khánh kinh ngạc hỏi:
– Sao lại có chuyện như vậy?
Phùng ma ma đáp:
– Lúc trước Nhị nương mấy lần sai tôi
tới mời quan nhân mà chẳng được gặp, cổng ngõ trong ngoài thì đóng im ỉm, nhờ
được Đại An vào mời thì quan nhân không chịu tới. Quan nhân đã chẳng ngó ngàng
thì người ta phải tính, bây giờ còn hỏi gì nữa.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Nhưng mà lấy ai vậy?
Phùng ma ma đáp:
– Thì Tương tiên sinh chứ còn ai nữa.
Đoạn kể lại đầu đuôi việc Bình Nhi buồn
phiền sinh bệnh. Tương Trúc Sơn tới chữa bệnh rồi hai người thành vợ chồng, rồi
Bình Nhi bỏ tiền cho Trúc Sơn mua nhà, mở tiệm thuốc. Tây Môn Khánh nghe xong vừa
tức vừa buồn, vò đầu bứt tai bảo:
– Khổ không, lấy ai không lấy, sao lại
lấy thằng đó, nó có cái gì đâu.
Nói xong giục ngựa về thẳng nhà. Lúc
đó, Nguyệt nương, Ngọc Lâu, Kim Liên và Tây Môn đại thư đang ngồi đánh bài giải
trí. Thấy Tây Môn Khánh về, mọi người kịp thời lánh vào nhà trong, chỉ còn Kim Liên
đang loay hoay, Tây Môn Khánh mắng:
– Đồ hư hèn, ở nhà vô công rồi nghề
nên giở trò cờ bạc phải không?
Nói xong, sấn tới đánh Kim Liên mấy bạt
tai rồi vào thư phòng mà ngủ. Lát sau thức dậy, la hét a hoàn, đánh đập gia
nhân, làm ầm ĩ nhà cửa. Đám thê thiếp tụ lại hỏi nhau, nhưng không ai hiểu chuyện
gì.
Nguyệt nương trách Kim Liên:
– Đã thấy người ta uống rượu say về
thì phải lánh đi, lại cứ đứng đó mà chọc tức. Chắc vì vậy mà nổi cơn chứ gì.
Ngọc Lâu bảo:
– Mắng chúng mình thì đã đành, nhưng
sao lại mắng cả Đại nương nữa.
Kim Liên tiếp lời:
– Mọi người cùng vui chơi, vậy mà ai
cũng nhanh chân thoát được, tôi chậm chân ở lại còn bị đánh mắng thật bất công.
Nguyệt nương giận bảo:
– Sao lúc đó không xúi gia gia đánh mắng
chúng tôi cho đồng đều? Để bây giờ khỏi phân bì?
Kim Liên biết mình lỡ lời bèn giả lả:
– Đại nương ơi, không phải tôi nói vậy
đâu, tôi trách là trách gia gia buồn giận chuyện gì ở đâu đâu, về nhà lại chỉ
trút lên đầu một mình tôi. Rồi mắng như tát nước, lại còn đánh đập nữa chứ.
Nguyệt nương bảo:
– Ai bảo còn ưỡn ẹo ở đó, người ta
không đánh cô thì người ta đánh chó để bớt giận hay sao?
Ngọc Lâu nói:
– Thư thư nên gọi gia nhân vào hỏi xem
hôm nay gia gia đi chơi những đâu, có chuyện gì xảy ra không mà về nhà làm rầm
rĩ lên như vậy.
Nguyệt nương cho gọi Đại An vào mắng
phủ đầu:
– Thằng khốn kiếp kia, mày không chịu
nói thật thì ta sai đánh mày và thằng Bình An mỗi đứa mười trượng.
Đại An lo sợ thưa:
– Xin Đại nương bớt giận, để tôi xin
nói thật. Hôm nay gia gia cùng Ứng nhị gia và Tạ đại gia uống rượu nghe hát tại
nhà nàng Ngân Nhi. Tiệc xong, gia gia trên đường về nhà thì gặp Phùng ma ma. Ma
ma cho biết là Hoa nhị nương đợi mãi gia gia không thấy nên đã làm vợ lang y họ
Tương rồi. Vì thế mà gia gia buồn bực trong lòng.
Nguyệt nương bảo:
– Con dâm phụ vô liêm sỉ đó làm khổ
chúng mình.
Đại An thêm:
– Tôi đã biết trước chuyện đó, Nhị
nương còn bỏ tiền ra mở tiệm thuốc lớn cho Tương tiên sinh nữa. Tôi có thưa với
gia gia nhưng gia gia không tin.
Ngọc Lâu nói:
– Chồng mới chết chưa hết tang đã lo xòng
xọc lấy chồng mới, chờ người này không được thì vơ càn vơ đại người kia, thật hết
chỗ nói.
Nguyệt nương bảo:
– Ôi dào, cái thứ chồng chết nằm đó đã
vội rượu chè chăn gối với người khác thì có một mình Hoa nhị nương đâu mà
trách. Những cái đồ vô tiết vô nghì đó nhan nhản thiếu gì, hơi đâu mà nói cho
thêm mệt.
Nguyệt nương nói câu đó chủ ý là một
viên đạn bắn hai con chim, vì Ngọc Lâu và Kim Liên đều ở vào trường hợp đó, hai
người vừa giận vừa thẹn mà về phòng riêng.
Đêm đó Tây Môn Khánh ngủ một mình ở thư
phòng. Sáng hôm sau dậy sớm, ra ngôi đình trong hoa viên uống trà rồi gọi con rể
là Trần Kính Tế tới tính toán tiền bạc. Tây Môn Khánh đại thư thì ở trong nhà,
trò chuyện với Nguyệt nương. Bắt đầu từ hôm đó Tây Môn Khánh giao cho Kính Tế
việc coi sóc đám thợ làm nhà, ăn uống đã có gia nhân đem ra, không cho gọi thì
không được vào nhà. Do đó đám thê thiếp của Tây Môn Khánh không bao giờ được gặp
mặt Kính Tế. Một hôm Tây Môn Khánh tới nhà Hạ Đề hình có việc, Nguyệt nương
thương Kính Tế vất vả trông coi công việc bèn bảo Kiều Nhi và Ngọc Lâu:
– Nó ngày ngày vất vả mà mình chẳng có
lấy một bữa tiệc đãi công. Nó thức khuya dậy sớm, ăn ngủ thất thường mà lo việc
cho nhà vợ, mình cũng nên có cái gì an ủi nó chứ.
Ngọc Lâu nói:
– Đại nương có toàn quyền về mọi việc
trong nhà, Đại nương không nói thì ai dám làm.
Nguyệt nương bèn sai gia nhân chuẩn bị
tiệc rượu, tới trưa thì mời Kính Tế vào ăn, gọi là bù đắp công khó nhọc. Kính Tế
dặn dò công việc rồi vào nhà vái chào Nguyệt nương mà ngồi vào bàn tiệc. Nguyệt
nương bảo:
– Hiền tế vất vả hàng ngày, ta vẫn muốn
đãi công cho hiền tế nhưng bận quá, hôm nay gia gia không có nhà, ta mới được rảnh
rang để có chén rượu mời hiền tế dùng cho quên mệt nhọc.
Kính Tế thưa:
– Cảm ơn nhạc nương đã phí tâm lo lắng
cho con.
Nguyệt nương bảo Kính Tế cứ ăn uống tự
nhiên, rồi sai Tiểu Ngọc vào mời Tây Môn đại thư ra tiếp rượu cho chồng. Tiểu
Ngọc đáp:
– Đã mời rồi, đại cô nương cũng sắp
ra.
Bỗng bên trong có tiếng cười nói vui vẻ.
Kính Tế hỏi:
– Chẳng hay trong đó có chuyện gì vui
vẻ vậy?
Nguyệt nương bảo:
– Đại thư và con Ngọc Tiêu đang đánh
bài giải trí đó.
Kính Tế nói:
– Tệ thật, mời thì không ra, tưởng mắc
chuyện gì, hóa ra đánh bài trong đó.
Lát sau vợ Kính Tế mới bước ra cùng chồng
đối ẩm.
Nguyệt nương bảo:
– Hiền tế đây có biết đánh bài không?
Đại thư đáp:
– Cũng biết qua loa.
Nguyệt nương nghĩ rằng Kính Tế quả là
đứa rể hiền lành ngoan ngoãn, có biết đâu là tay ăn chơi từng trải, rượu chè cờ
bạc không gì không biết, ca múa đàn địch cái gì cũng hay, bèn bảo:
– Nếu hiền tế biết đánh bài chút ít
thì lát nữa ăn xong vào trong kia cùng mọi người giải trí cho vui.
Kính Tế đáp:
– Xin nhạc nương và các nương nương miễn
cho, con còn nhiều việc không bỏ được.
Nguyệt nương bảo:
– Hiền tế là chỗ thân tình trong nhà
có gì mà ngại.
Sau bữa tiệc, Nguyệt nương dẫn Kính Tế
vào trong, Ngọc Lâu thấy Kính Tế vào thì đứng dậy định đi nhưng Nguyệt nương bảo:
– Hiền tế đây chứ phải ai xa lạ đâu, cứ
ở đây đi.
Đoạn quay sang bảo Kính Tế:
– Đây là Tam nương.
Kính Tế vội nghiêng mình vái chào, Ngọc
Lâu cũng đáp lễ. Sau đó Nguyệt nương, Ngọc Lâu và Tây Môn đại thư thua luôn mấy
ván liền. Kính Tế vào cầm bài thay vợ. Bỗng Kim Liên vén rèm bước vào, trang điểm
lộng lẫy, cười tươi như hoa mà bảo:
– Tôi lại tưởng ai, hóa ra Trần hiền tế.
Kính Tế giật mình nhìn lại, chợt thấy
lòng dạ xốn xang, tâm thần bất định, thật là:
Mấy đời oan nghiệt, một buổi tương
phùng,
Bao nỗi ái ân, tình cờ tao ngộ.
Nguyệt nương bảo Kính Tế:
– Đây là Ngũ nương, hiền tế chỉ nên lấy
lễ tôn trưởng mà đãi.
Kính Tế đứng vậy vái chào, Kim Liên
cũng vội đáp lễ.
Nguyệt nương lại nói:
– Ngũ nương tới coi bài của tôi đây,
thế này mà không ăn có tức không.
Kim Liên bước tới, tỳ tay vào thành
giường nhìn vào bài của Nguyệt nương rồi cùng thì thầm trong việc ăn quân này
đánh quân kia. Kim Liên bảo:
– Để tôi giúp Đại nương đánh bại Nhị
nương và hiền tế đây mới được.
Mọi người đang vui vẻ thì Đại An hộc tốc
chạy vào thưa:
– Gia gia về rồi đó.
Mọi người hốt hoảng phân tán, Nguyệt
nương sai Tiểu Ngọc đưa Kính Tế theo cửa sau mà ra. Lúc đó Tây Môn Khánh mới về
tới cổng, xuống ngựa, ghé qua coi đám thợ một chút rồi tới phòng Kim Liên.
Kim Liên đã về kịp, vội ra tiếp rước.
Tây Môn Khánh cởi áo ngoài, Kim Liên đỡ lấy mà hỏi:
– Chàng về sớm vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
– Hạ Đề hình được thăng chức, mọi người
tới chúc mừng, mình cũng tới một chút cho có mà thôi.
Kim Liên bảo:
– Chàng uống rượu nhé?
Đoạn sai a hoàn dọn rượu và đồ ăn ra,
hai người đối ẩm. Tây Môn Khánh bàn với Kim Liên về chuyện mở tiệc đãi bạn bè
khi nhà cửa và vườn hoa mới hoàn thành. Trò chuyện một lát thì trời bắt đầu tối,
Xuân Mai thắp đèn mang ra. Kim Liên nói:
– Hôm nọ chàng đi đâu về, thấy mấy người
cùng ngồi đánh bài, sao chàng lại chỉ đánh mắng một mình tôi, để tôi bị người
ta nói này nói nọ, làm nhục tôi đủ điều.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Ai nói nàng vậy?
Kim Liên đáp:
– Thì Đại nương chứ còn ai, nói là tôi
không biết trên dưới gì cả lại còn bới móc chuyện riêng của tôi ra nữa. Mà hôm
đó chàng có chuyện gì buồn bực vậy?
Tây Môn Khánh nói:
– Hôm đó đi uống rượu nghe hát với Ứng
nhị ca và Tạ đại ca, sau khi ở nhà Ngô Ngân Nhi ra, giữa đường tôi gặp con mẹ họ
Phùng, nói là Hoa nhị nương lấy chồng rồi. Tưởng lấy ai, hóa ra lấy cái thằng
lang băm họ Tương. Thằng đó thì có cái gì cơ chứ, vậy mà cho tiền nó làm vốn rồi
lại lấy ngay nhà mình cho nó mở tiệm thuốc, như vậy không bực sao được.
Kim Liên bảo:
– Cái đó là tại chàng, tôi nói là
chàng phải tính ngay, vậy mà chàng cứ lần lữa, bây giờ còn trách ai. Vả lại nói
cho cùng thì cũng là tại Đại nương ngăn cản nên chàng mới không quyết.
Tây Môn Khánh liền quy hết tội cho
Nguyệt nương là làm hỏng chuyện. Từ đó giận ghét Nguyệt nương lắm, không thèm gặp
gỡ hỏi han gì cả. Nguyệt nương thấy vậy cũng mặc kệ, đi muộn về sớm cũng chẳng
thèm hỏi han. Tây Môn Khánh có cần chuyện gì, Nguyệt nương chỉ sai a hoàn làm
thay. Vợ chồng vì vậy trở nên lãnh đạm. Kim Liên thấy vậy lấy làm đắc ý lắm, lại
càng chiều chuộng Tây Môn Khánh hơn lên, nhưng trong lòng lại luôn nghĩ tới
Kính Tế. Kim Liên thấy Kính Tế trẻ trung đẹp đẽ thì tìm cách quyến rũ, nhưng vẫn
còn sợ Tây Môn Khánh, chưa dám hành động lộ liễu.
Một hôm, việc xây cất hoàn thành, bạn
bè tới mừng rất đông đảo, Tây Môn cho mở tiệc khoản đãi khách khứa tại đại sảnh,
ban thưởng cho bọn thợ. Đến quá trưa buổi tiệc mới tan. Tây Môn Khánh uống rượu
hơi nhiều, vào thư phòng ngủ. Kính Tế tìm đến phòng Kim Liên giả vờ xin trà uống.
Kim Liên đang ngồi đánh đàn tỳ bà trong phòng, thấy vậy cười bảo:
– Hôm nay trên đại sảnh đãi tiệc linh
đình, hiền tế không ăn uống gì hay sao mà tới đây hỏi trà hỏi nước?
Kính Tế bảo:
– Cháu nói thật cho Ngũ nương nghe, từ
canh năm tới giờ mệt nhọc lo lắng đủ chuyện, có ăn uống được gì đâu.
Kim Liên hỏi:
– Gia gia đang ở đâu?
Kính Tế đáp:
– Gia gia đang ngủ tại thư phòng.
Kim Liên bảo:
– Nếu hiền tế chưa ăn gì thì để bảo nó
đem ít bánh lên cho mà ăn.
Nói xong bảo Xuân Mai dọn mấy đĩa bánh
lên bàn mời Kính Tế ăn. Kính Tế ngồi xuống, thấy Kim Liên còn ôm đàn liền hỏi:
– Ngũ nương vừa mới đàn khúc gì vậy?
Sao không hát lên?
Kim Liên nguýt Kính Tế rồi cười bảo:
– À, gớm thật, hiền tế là cái gì mà
tôi phải hát cho hiền tế nghe? Để gia gia tới đây, tôi nói lại cho gia gia nghe
mới được.
Kính Tế cười hì hì quỳ xuống thưa:
– Xin Ngũ nương thương cháu, lần sau
không dám ăn nói như vậy nữa.
Kim Liên cười khanh khách không đáp. Từ
đó hai người mắt đi mày lại, thường lén gặp nhau chuyện trò lơi lả. Một hôm vào
khoảng thượng tuần tháng tám, Tây Môn Khánh tới nhà Hạ Đề hình ăn sinh nhật. Ở
nhà, Nguyệt nương cho bày tiệc tại hoa viên mới, gọi mọi người trong nhà tới dự.
Tiệc xong, Nguyệt nương cùng đám đàn bà con gái trong nhà du ngoạn trong hoa
viên, thăm các ngôi nhà mát trong vườn, ngắm hoa nhìn cảnh, đuổi bướm ngắm cá,
khi tới ngôi nhà cao nhất trong hoa viên, gọi là Ngọa Vân đình. Kim Liên cùng
Tuyết Nga và Tây Môn đại thư thì lên Ngọa Hoa Lâu nhìn ngắm cảnh vườn, ngắm từ
khóm mẫu đơn tới đóa hải đường, từ dàn tường vi tới bụi mộc hương, ngắm những
khóm trúc xanh tươi, những thân tùng cao vút. Lát sau, Nguyệt nương lại cho dọn
rượu ngang tại Ngọa Vân đình, gọi mọi người tới uống rượu ngắm rồi bảo:
– Hôm nay tôi quên không mời Hiền tế tới
rồi.
Đoạn quay lại bảo a hoàn đi mời Kính Tế.
Lát sau Kính Tế tới, đầu đội mũ lụa thanh thiên, mình mặc áo đoạn màu tía, chân
đi hài thêu, bước tới vái chào mọi người rồi ngồi xuống, đối diện với vợ. Mọi
người uống rượu, chuyện trò vui vẻ. Sau mấy tuần rượu, Nguyệt nương xoay ra
đánh cờ với Kiều Nhi và Tây Môn đại thư, Tuyết Nga và Ngọc Lâu dắt nhau đi ngoạn
cảnh, Kim Liên một mình dọc theo mấy ngọn giả sơn, mấy ven hồ dùng quạt bắt bướm.
Bỗng nghe tiếng Kính Tế nói sau lưng:
– Ngũ nương không biết bắt bướm đâu,
bướm nó bay lên bay xuống khó bắt lắm, để cháu bắt giùm cho.
Kim Liên quay lại lườm Kính Tế cười bảo:
– Đồ khỉ ở đâu ấy, ai thèm nhờ, có đi
chỗ khác đi không?
Kính Tế cười hì hì bước lại sát Kim
Liên định giật lấy cái quạt nhưng Kim Liên cầm quạt đập nhẹ vào tay Kính Tế. Từ
xa, Ngọc Lâu tình cờ nhìn thấy, bèn gọi lớn:
– Ngũ nương lại đây, tôi có chuyện này
muốn nói.
Kim Liên giật mình, trở lại với Ngọc
Lâu. Kính Tế ngỡ ngàng ở lại với những cánh bướm chập chờn bay liệng xung quanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét