HỒI 18.
Tình đời thay đổi
Ngày hai mươi tháng năm là sinh nhật của Chu Thủ bị ở Soái phủ. Tây Môn Khánh cho soạn lễ vật hậu hĩ, rồi cưỡi con bạch mã, dẫn theo bốn đứa gia nhân, tới nhà họ Chu chúc thọ. Tây Môn Khánh được mời ở lại dùng tiệc. Trong tiệc có quan Đề hình họ Hạ, quan Đoàn luyện họ Trương, các quan Thiên hộ họ Kinh họ Hạ và đông đủ các võ quan. Tiếng cười nói ồn ào, tiếng ca hát vang lừng, lại có cả một phường tuồng được gọi tới diễn mua vui, khung cảnh thật tưng bừng không sao kể xiết.
Đại An đưa chủ tới nhà họ Chu thì quay
về. Tới chiều mới dẫn ngựa lại rước. Khi tới đường Tây Nhai thì gặp Phùng ma
ma, bèn hỏi:
– Ma ma đi đâu vậy?
Phùng ma ma đáp:
– Nhị nương sai tôi đến mời gia gia tới
nói chuyện.
Đại An đáp:
– Gia gia tôi hiện đang dự tiệc sinh
nhật tại nhà Chu lão gia, tôi đang tới đón về đây, để tôi thưa lại cho.
Phùng ma ma bảo:
– Nhớ nói giùm nhé, Nhị nương chờ lắm
đó.
Đại An tới Thủ Bị phủ thì buổi tiệc vẫn
còn đang tiếp diễn, liền tới chỗ Tây Môn Khánh kề tai nói nhỏ:
– Tôi đi đường gặp Phùng ma ma. Nhị
nương sai ma ma tới thỉnh gia gia, có chuyện muốn nói.
Tây Môn Khánh nghe xong, định đứng dậy
cáo từ, nhưng Chu Thủ bị không chịu, thân rót rượu tới mời. Tây Môn Khánh nói:
– Mong ơn đại nhân cho tôi về, ở nhà
có chút việc cần. Hôm nay không thể ở lâu, xin đại nhân thứ tội.
Nói xong nâng chung uống cạn rồi cáo từ
mà lên ngựa tới thẳng nhà Bình Nhi, rồi cho Đại An về, dặn là hôm sau tới đón.
Bình Nhi ra đón vào, rót trà mời rồi bàn tính chuyện sống chung. Hai người thỏa
thuận là ngày hai mươi bốn làm lễ rồi mồng bốn tháng sáu sẽ rước Bình Nhi. Bàn
tính xong xuôi, Bình Nhi vui mừng lắm, sai Nghênh Xuân dọn tiệc rượu, rồi cùng
Tây Môn Khánh kề vai ăn uống. Rượu được vài tuần, Tây Môn Khánh thấy đau lưng,
đau bụng dữ dội, mặt tái mét, ngồi không vững. Bình Nhi rất đỗi hoảng sợ không
biết làm sao. Tây Môn Khánh nén đau, kể lại cho Bình Nhi nghe về bệnh đau lưng
sẵn có, lại thêm lúc trước leo tường bị ngã, lang y tới chẩn mạch cho thuốc khỏi,
nhưng không hiểu sao hôm nay tự nhiên trở bệnh. Bình Nhi nghe xong bảo:
– Nếu vậy thì để tôi bảo Phùng ma ma tới
mời vị lang y đó ngay.
Tây Môn Khánh nói:
– Chỉ sợ không khỏi.
Bình Nhi bảo:
– Nếu vậy thì bảo mời vị lang y nào
danh tiếng ở đây tới gấp.
Tây Môn Khánh đau quá không nói được
chỉ gật đầu. Bình Nhi vội sai Phùng ma ma đi mời ngay danh y Tương Trúc Sơn tới.
Chỉ lát sau, Tương Trúc Sơn mang túi thuốc tới. Lang y Tương Trúc Sơn này tuổi
chưa quá ba mươi, có diện mạo khôi ngô, my thanh mục tú, cốt cách phong lưu.
Lúc đó Tây Môn Khánh đã vào giường nằm. Tương Trúc Sơn bước vào, Bình Nhi tạm
lánh mặt vào trong, nhưng lại ghé mắt nhìn ra. Tương Trúc Sơn cầm tay Tây Môn
Khánh bắt mạch, lát sau nói:
– Bệnh này của đại nhân phần là do thọ
thương lúc trước, phần là do dương khí suy mà sinh ra.
Nói xong kê đơn, dặn cắt mười thang.
Bình Nhi sai Nghênh Xuân gói ít bạc đem ra. Tương Trúc Sơn nhận bạc rồi về,
hoàn toàn không biết là đã chữa bệnh cho Tây Môn Khánh.
Tây Môn Khánh về nhà, sai sắc thuốc uống
liền trong mấy ngày, cảm thấy hết đau, bèn trở lại thăm Bình Nhi. Mới ngồi xuống
đã nghe bên ngoài có tiếng gọi cổng, Phùng ma ma ra mở cổng. Đại An bước vào.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Ta đã dặn là ngày mai hãy tới đón, vậy
mà vừa tới đây là ngươi đã tới theo, có chuyện gì vậy?
Đại An sợ hãi đứng ngoài rèm thưa:
– Cô và cậu không hiểu sao trở về nhà
thình lình, đem theo cả đồ đạc hòm xiểng nữa.
Tây Môn Khánh ngạc nhiên, không hiểu
chuyện gì, vội lên ngựa về nhà. Bước vào đã thấy con gái, con rể chạy ra. Trong
nhà hòm xiểng giường tủ chở tới ngổn ngang. Tây Môn Khánh lo lắng hỏi nguyên
do.
Con rể là Kính Tế quỳ xuống khóc mà
thưa:
– Đề đốc tại triều bị các quan đồng
triều hặc tội, thánh thượng ra lệnh giam lại chờ trị tội. Gia quyến trong nhà đều
bị phát vãng làm lính thú. Một chức việc trong phủ vội tới báo tin cho cha con hay,
cha con sợ quá vội bảo đem vợ con và đồ đạc về nương nhờ nhạc gia tạm trong ít
ngày. Cha con hiện tới nhà cô con ở Đông Kinh dò xét tình hình. Sau này chuyện
dàn xếp yên thì cha con xin tạ ơn nhạc gia.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Phụ thân ngươi có thư từ gì cho ta
không?
Trần Kính Tế thưa:
– Dạ có.
Nói xong rút lá thư trong tay áo ra.
Tây Môn Khánh cầm lấy coi, lá thư viết như sau:
“Vùng biên giới có chuyện bất an, giặc
xâm phạm địa giới Hùng Châu. Vương Thượng thư ở Binh bộ không chịu phát binh tới
cứu, quan binh địa phương thất trận, cho nên liên lụy tới Dương Đề đốc. Đề đốc
bị đàn hặc[49], thánh thượng nổi giận, hạ lệnh tống
giam, chờ đem ra thẩm vấn tại Tam Pháp ty. Các thuộc cấp cùng gia quyến họ hàng
đều bị phát vãng làm lính thú. Tôi được tin, chân tay rụng rời, không biết tính
sao, bèn cho vợ chồng nó đem đồ đạc về nương nhờ thân gia ít ngày. Còn tôi thì
sẽ tới kinh ngay, tới nhà em rể tôi là Trương Thế Liêm để dò tin tức. Nếu chuyện
yên, tôi sẽ gọi vợ chồng nó về và sẽ tạ ơn thân gia. Tôi cũng có cho vợ chồng
nó đem đến năm trăm lạng để thân gia tùy nghi coi sóc cho. Thư bất tận ngôn. Trần
Hồng”.
Tây Môn Khánh đọc xong lo sợ lắm,
nhưng vẫn tỏ ra bình tĩnh, bảo Nguyệt nương cho dọn tiệc khoản đãi con gái và rể,
rồi sai gia nhân dọn dẹp ba gian nhà phía đông, chuyển hòm xiểng đồ đạc tới cho
con gái và rể ở. Trần Kính Tế lại lấy ra năm trăm lạng đưa cho Tây Môn Khánh.
Tây Môn Khánh bảo Nguyệt nương cất giữ, rồi lấy ra năm lạng, đưa cho gia nhân
thân tín, tới nhờ người quen trong phủ, nhân đêm tối, nhờ chép lại văn thư triều
đình sức cho các địa phương về vụ Dương Đề đốc. Gia nhân mang bản sao về, Tây
Môn Khánh mở ra, thấy chép như sau:
“Bình Khoa Cấm Sự Trung họ Vũ tâu
trình về nạn quyền gian làm hỏng chuyện quốc sự, hầu chấn chỉnh triều cương, diệt
mối lo về biên giới. Thầm trộm nghĩ rằng vùng biên cảnh vẫn là mối lo từ ngàn
xưa, những vùng như Thái Nguyên đời Chu, Âm Sơn đời Hán, Hà Đông đời Đường, từ
trước cho tới thời Ngũ Đại không một ngày được yên. Đến khi bản triều lập quốc
thì bốn phương biên cảnh lại càng đáng ngại, việc can qua không một ngày ngưng
nghỉ. Nhưng lại cũng nghe rằng, nếu trong triều không có những phường sâu mọt
thì cũng không có mối họa bên ngoài. Sách có nói, sương xuống thì hoa hải đường
nở thắm, mưa xuống thì hoa quế tốt tươi, việc lành tới thì việc dữ đi. Cái nó
là như thế. Lại tỷ như một người bị bệnh, bệnh đã lâu ngày, nguyên khí đã hết
mà phong hàn lại nhập, lục phủ ngũ tạng cái gì cũng bị bệnh thì dù có chạy chữa
thế nào cũng khó sống lâu. Nay thiên hạ mệt mỏi đau khổ, khác nào người bệnh,
nguyên khí là các đại thần mà lục phủ ngũ tạng là bá quan văn võ. Nếu bách quan
hết lòng trong chức vụ của mình thì triều đình đâu đến nỗi như ngày nay. Xét
cho kỹ thì kẻ mang lại họa binh đao không ai khác quan Đại Học sĩ Thái Kinh
trong Sùng Chính điện. Kinh vốn người nham hiểm gian xảo, thường làm những chuyện
vô sỉ vô lương. Trên thì không giúp được vua làm tỏ mệnh trời, dưới thì không
yêu thương gìn giữ cho dân, mà chỉ biết có lợi lộc, xu nịnh thánh thượng để củng
cố địa vị, rồi kéo bè lập đảng che mắt thánh quân, hãm hại người hiền. Sĩ phu
trong ngoài những luống căm gan, bách tính bốn phương không ngừng ta thán. Việc
lớn việc nhỏ, không làm nổi việc gì, đã thua thiệt trong vụ Hà Hoàng, chủ
trương chinh đông, rồi cắt ba quận bên trong, kế đó quân họ Quách làm phản, lại
đến Kim quốc bội hứa, gây ra hai lần bất hòa, đó toàn là những lỗi lầm lớn do sự
không tròn chức phận mà ra. Còn Vương Phủ thì tham lam lười biếng, hành động lộng
quyền, nhờ Kinh tiến dẫn mà được ở vào địa vị của đại thần trong Nội các, tính
ham công lớn nhưng lại cầu an. Nay thấy nội địa bị xâm phạm thì vội đem vợ con
gia quyến về Nam làm kế tự toàn. Tội đó há không đáng chém hay sao? Còn Dương
Tiễn thì nhờ công lao tổ tiên mà được nắm giữ binh quyền, nhưng tính tham lam
cùng cực, khiếp nhược vô song, lại làm ra vẻ trung thực che mắt thế gian. Ba
người đó cố kết trong ngoài với nhau mê hoặc thánh hoàng, để trở thành bọn sâu
mọt của triều đình. Mấy năm gần đây, gây nên cảnh khó khăn, hao binh tốn của mà
làm lợi cho giặc, khiến sinh linh đồ thán xã hội phân ly, giặc cướp nổi lên như
ong. Mối giềng thiên hạ do vậy mà hư, kỷ cương triều đình vì thế mà hỏng. Dù có
chém đầu cũng chưa đáng tội. Bọn thần ở chức phận can gián, trước mắt thấy kẻ
gian thần mà không chịu nói thì tức là trên phụ ơn vua, dưới phụ công cha, mà
còn uổng cả cái sở học bình sinh nữa. Cho nên cúi xin đem bè đảng của Kinh ra
trị tội, nặng thì tru diệt, nhẹ thì phát vãng đi xa, để cho lòng trời ngó lại,
lòng dân vui sướng, cho phép nước được tôn trọng, cho mối lo giặc giã không
còn”.
Bên dưới lại thấy chép lời ngự phê như
sau:
“Giao bọn Thái, Dương, Vương cho Tam
Pháp ty tra vấn”.
Sau cùng có lời phê của Tam Pháp ty
như sau:
“Bọn Vương phủ, Dương Tiễn không chịu phát binh, để cho quan binh địa phương hao tốn, dân chúng bị giặc tràn vào giết hại, đất đai bị mất. Chiếu luật thì phải xử trảm, đám thuộc quan bè đảng gia nhân như Đổng Thăng, Lư Hổ, Dương Thịnh, Bằng Tuyên, Hàn Tông Nhân, Trần Hồng, Hoàng Ngọc, Lưu Thịnh, Triệu Hoằng Đạo thì sau khi tra vấn xong, xin cho phát vãng làm lính thú”.
Tây Môn Khánh đọc xong thì chân tay rụng
rời, đứng lặng hồi lâu, đoạn vào phòng soạn kim ngân tiền bạc, gọi gia nhân
thân tín là Lai Vượng vào, dặn dò đầu cuối, sai ngày đêm đem vàng bạc tới Đông
Kinh. Lại cho cả Lai Bảo đi theo, rồi dặn hai người rằng:
– Hai đứa tới nơi thì khéo léo dò hỏi
tin tức, không được lai vãng tới nhà họ Trần, cũng không được rượu chè trai
gái, phải cẩn thận hỏi tin, rồi gửi thư về cấp báo.
Canh năm hôm đó, hai người lên đường
ngay.
Sau một đêm thức trắng, Tây Môn Khánh
trở dậy cho ngừng lại việc xây nhà, làm hoa viên, đuổi hết thợ đi, cổng ngõ
đóng im ỉm. Tây Môn Khánh suốt ngày ở nhà, quanh quẩn lo âu, quên cả bệnh đau
lưng, quên cả việc cưới Bình Nhi. Nguyệt nương thấy chồng quá lo buồn thì nói:
– Dầu sao thì việc này cũng là của bên
Trần thân gia chắc cũng chẳng ăn nhằm gì tới mình, thiết tưởng không nên quá lo
âu.
Tây Môn Khánh bảo:
– Nàng là đàn bà thì biết gì mà nói.
Trần thân gia gia, là thông gia của mình, vợ chồng thằng nghiệt chướng Kinh Tế
lại đang nương náu ở đây, hàng xóm láng giềng đều biết, lỡ có đứa tiểu nhân nào
đi báo thì thử hỏi nàng và tôi có giữ được thân hay không.
Tình trạng của Tây Môn Khánh hiện tại
quả là đúng như câu tục ngữ “đóng cửa ngồi nhà vẫn sợ họa trên trời giáng xuống”.
Từ đó ngày đêm mất ăn mất ngủ. Về phần Bình Nhi chờ ngày một ngày hai chẳng thấy
động tĩnh, Tây Môn Khánh thì biệt dạng biệt tăm, bèn sai Phùng ma ma tới hỏi.
Nhưng Phùng ma ma tới chỉ thấy cổng ngõ trong ngoài đóng kín, không một tiếng
chó sủa chim kêu, đứng chờ cả ngày cả buổi cũng không thấy bóng dáng một ai.
Phùng ma ma mới đầu tưởng là Tây Môn Khánh bị bệnh, nhưng dò hỏi thì biết là
không bệnh tật gì cả, bèn về nói lại với Bình Nhi. Bình Nhi cũng hơi yên tâm. Đến
ngày hai mươi bốn, Bình Nhi lại sai Phùng ma ma tới nhà Tây Môn Khánh để mời lại
bàn tính. Phùng ma ma tới, cũng quanh quẩn đợi chờ như lần trước, nhưng chẳng lẽ
lại quay về, bèn vòng ra phía hàng rào nhìn vào trong. Mãi sau mới thấy Đại An
bước ra cho ngựa uống nước, bèn cuống quít gọi. Đại An ngẩng lên hỏi:
– Phùng ma ma đấy à, tới có chuyện gì
vậy?
Phùng ma ma nói:
– Sao hôm nay mà chưa thấy động tĩnh
gì nên Nhị nương sai tôi tới thỉnh gia gia lại nói chuyện.
Đại An bảo:
– Gia gia tôi mấy hôm nay có nhiều
chuyện quan trọng nên không rảnh. Nhưng thôi, để tôi cho ngựa uống nước xong sẽ
vào thưa xem sao.
Phùng ma ma mừng rỡ nói:
– Thế thì tôi đứng đợi ở ngoài này
nhé, Nhị nương đang chờ tin lắm đó.
Đại An cho ngựa uống nước xong thì
quay vào, lúc lâu sau mới trở ra nói:
– Tôi thưa rồi, nhưng gia gia tôi nói
rằng ma ma cứ về thưa với Nhị nương là gia gia tôi đang mắc nhiều chuyện quan
trọng, chưa thể tính gì trong lúc này được, để hôm khác gia gia tôi sẽ tới gặp
Nhị nương nói chuyện.
Phùng ma ma ngẩn người ra rồi tê tái
chạy về thưa lại với Bình Nhi. Bình Nhi buồn rầu lắm, không hiểu có chuyện gì
ngăn cản, nhưng cũng cố đợi. Ngày giờ buồn bã trôi qua, tháng năm đã sắp hết mà
chẳng thấy tin tức gì của Tây Môn Khánh. Bình Nhi cảm thấy rã rượi, biếng ăn biếng
ngủ, đêm nằm trằn trọc không yên, chợp mắt đi lại nằm mơ thấy Tây Môn Khánh tới
gọi cổng. Từ đó trong người hoảng hốt, tinh thần suy bại. Một hôm vào khoảng
canh năm, khi gà gáy vang, trời sắp sáng, bỗng Bình Nhi nằm trên giường thảng
thốt kêu la, Phùng ma ma hoảng sợ chạy vào hỏi thì Bình Nhi bảo:
– Tây Môn quan nhân vừa ở đây ra, ma
ma có đóng cổng kỹ không?
Phùng ma ma nói:
– Chắc Nhị nương nằm mê rồi, quan nhân
lâu nay có thấy bóng dáng đâu mà bảo lại đây.
Từ đó Bình Nhi thường mê sảng nằm mơ
toàn thấy ma quỷ. Thân hình dần tiều tụy võ vàng, nằm liệt tại giường, cơm cháo
chẳng chịu ăn. Phùng ma ma bảo:
– Hay là tôi lại mời Tương Lang y tới
nhé.
Bình Nhi hôm nọ thấy Tương Trúc Sơn là
người đẹp đẽ thanh lịch thì bằng lòng lắm. Phùng ma ma đi, lát sau mời được
Tương Trúc Sơn tới, dẫn thẳng vào phòng, lấy một chiếc ghế để bên giường để bắt
mạch. Tương Trúc Sơn vừa bắt mạch vừa ngắm nhan sắc Bình Nhi, lát sau nói:
– Nguồn bệnh này là ở gan, do lục dục
thất tình[50] mà có, âm dương giao tranh, nóng
lạnh xung khắc, tựa như là có điều gì bất như ý uất kết trong lòng khiến cho bệnh
không hẳn là bệnh, mà tinh thần mệt mỏi, đêm nằm không yên, ăn uống không được,
lại thường mê thấy ma quái. Bệnh này mà không trị sớm thì sinh biến chứng nguy
nan. Tiếc thay, tiếc thay...
Bình Nhi hơi sợ:
– Xin tiên sinh tận lực cứu giùm, sau
này khỏi bệnh xin đền đáp xứng đáng.
Trúc Sơn nói:
– Tất nhiên là tôi phải hết lòng.
Nương tử dùng thuốc của tôi thì quý thể sẽ được an toàn, không có gì phải lo.
Nói xong kê đơn rồi về. Phùng ma ma cắt
thuốc sắc ngay. Bình Nhi uống xong đêm đó ngủ được thẳng giấc. Tiếp tục dùng
thì dần dần tỉnh táo, ăn uống được, vài hôm sau thì khỏe lại như cũ. Bình Nhi
cho dọn tiệc, sai Phùng ma ma tới mời Tương Trúc Sơn tới dự tiệc để tạ ơn. Trúc
Sơn từ hôm chẩn mạch cho Bình Nhi thì ngày đêm tơ tưởng khôn nguôi, nay nghe mời
thì vội ăn mặc chải chuốt mà tới. Bình Nhi trang điểm lộng lẫy tươi cười tiếp
rước vào nhà dự tiệc. Rượu được vài tuần, a hoàn Tú Xuân bước ra, tay bưng cái
hộp mở nắp sẵn, trong đựng ba lạng bạc sáng ngời. Bình Nhi đứng dậy tươi cười
nói:
– Hôm nọ tôi có chuyện buồn sinh bệnh,
nhờ tiên sinh cho thuốc thần mà khỏi, nay có chén rượu nhạt và món tiền mọn, gọi
là đền ơn.
Trúc Sơn cũng vội đứng dậy vòng tay
thưa:
– Trị bệnh là phận sự của tôi, có gì
là ơn với nghĩa.
Đoạn chỉ vào mấy lạng bạc mà nói:
– Còn thứ này thì làm sao tôi dám nhận.
Bình Nhi nói:
– Lễ này quả là chẳng đáng gì, chỉ khiến
tiên sinh cười mà thôi, nhưng xin tiên sinh nhận giùm cho.
Trúc Sơn từ chối mấy lần rồi mới chịu
nhận bạc. Hai người lại ngồi xuống. Bình Nhi lại tự tay rót rượu mời. Trúc Sơn
vừa ăn uống vừa say mê nhìn ngắm Bình Nhi, lát sau hỏi:
– Tiểu nhân này xin tha tội đường đột,
dám hỏi nương tử xuân xanh bao nhiêu?
Bình Nhi cúi đầu cười đáp:
– Tôi năm nay đã hai mươi bốn tuổi rồi.
Trúc Sơn lân la:
– Nương tử đang thời xuân sắc, lại
sinh vào chốn thâm khuê, thiết tưởng còn có điều gì phật ý, vậy mà sao hôm nọ lại
buồn phiền mà sinh bệnh?
Bình Nhi ngỏ lời:
– Tôi nhân nhà tôi bất hạnh từ trần,
trong nhà trống vắng, chuyện nhà đa đoan, không buồn phiền sao được.
Trúc Sơn hỏi:
– Chẳng hay gia gia đây thất lộc đã được
bao lâu?
Bình Nhi nói:
– Nhà tôi bị bệnh từ trần vào tháng mười
một năm ngoái, đến nay đã tám tháng rồi.
Trúc Sơn lại hỏi:
– Hồi đó gia gia uống thuốc của ai vậy?
Bình Nhi đáp:
– Hồi đó nhà tôi dùng thuốc của Hồ
tiên sinh.
Trúc Sơn nói:
– Thì ra lão lang băm họ Hồ, thuê nhà
của Lưu Thái giám ở bên đường Đông Nhai, hắn ta có phải xuất thân từ y viện của
chúng tôi đâu, cho nên có biết gì về y lý, sao nương tử lại mời hắn?
Bình Nhi đáp:
– Thì cũng là người quen giới thiệu.
Nhà tôi chết, ông ta cũng chẳng can gì.
Trúc Sơn lại hỏi:
– Chẳng hay nương tử được mấy các cô
các cậu?
– Chúng tôi chưa được cháu nào.
Trúc Sơn than:
– Tiếc thay cho một người khuê các
thanh xuân mà một mình vò võ không người bầu bạn, hèn gì chẳng buồn phiền thành
bệnh.
Bình Nhi cười:
– Cũng chỉ là tạm thời mà thôi, chuyện
vui mừng của tôi đã xong rồi, chỉ còn đợi ngày tốt mà thôi.
Trúc Sơn giật mình:
– Dám hỏi nương tử kết bạn với ai?
Bình Nhi đáp:
– Đó là Tây Môn quan nhân, người có tiệm
thuốc ở huyện này đó.
Trúc Sơn bảo:
– Khổ chưa, sao nương tử lại kết thân
với người đó? Cả huyện nay ai không biết người đó ỷ thế cậy tiền hiếp đáp mọi
người, trong nhà a hoàn không biết bao nhiêu, nhưng thê thiếp thì cũng năm sáu
người. Lại tàn nhẫn đánh đập các người thiếp, lúc nào chán thì gọi mai mối tới
gả bán lại cho người khác. Kẻ đó nổi danh bạc tình hiếu sắc, nương tử không suy
nghĩ kỹ e sau này hối không kịp. Nương tử lọt vào tay hắn thì có khác gì nhảy
vào nước lửa, sớm muộn gì cũng uổng tấm thân mà thôi. Vả lại, người thông gia của
Tây Môn Khánh đang bị liên lụy trong vụ án lớn tại triều đình, cho nên mấy hôm
nay hắn đóng cửa nằm nhà, không dám đi đâu. Nhà cửa đang xây dở cũng dẹp bỏ, đuổi
hết thợ về. Văn thư triều đình hiện về tới phủ, hắn sợ sẽ liên can rồi bị tịch
biên gia sản nên không dám bỏ tiền ra làm nhà nữa. Nương tử không dò xét cho kỹ,
lấy hắn làm gì cho khổ sau này?
Những lời nói của Trúc Sơn như gáo nước
lạnh, Bình Nhi sững sờ nghĩ tới bao nhiêu vàng bạc của cải đang gửi Tây Môn
Khánh giữ giùm, lại nghĩ tới mấy lần cho mời mà Tây Môn Khánh không chịu tới.
Nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói:
– Cảm tạ tiên sinh đã có lòng chỉ
giáo, nhưng bây giờ tôi quả không biết nương tựa vào đâu.
Trúc Sơn thừa cơ mà hỏi:
– Nếu vậy thì nương tử lựa chọn người
như thế nào, tôi có thể làm mối giùm được chăng?
Bình Nhi đáp:
– Người như thế nào cũng được nhưng nếu
được như tiên sinh đây thì hân hạnh lắm.
Trúc Sơn nghe nói mừng cuống lên, vội
bước khỏi bàn tiệc, quỳ ngay xuống trước mặt Bình Nhi mà nói:
– Chẳng giấu gì nương tử, tiện nội đã
sớm thất lộc, nhà chẳng có ai, tôi ở một mình đã lâu, con cái lại không có. Nay
nếu được nương tử rủ lòng thương đến mà thuận kết duyên đẹp Tấn Tần thì đó là
may mắn nhất cho đời tôi. Ơn ấy tôi xin kết cỏ ngậm vành, chẳng bao giờ dám
quên.
Bình Nhi cười, đưa tay đỡ Trúc Sơn dậy
mà bảo:
– Xin tiên sinh cứ đứng dậy đã, có gì
thì cũng phải nhờ người tới bàn tính chứ vội vàng đâu được. Mà chẳng hay tiên
sinh năm nay bao nhiêu tuổi?
Trúc Sơn vừa đứng lên, nghe hỏi vậy, lại
quỳ xuống mà nói:
– Tôi sinh giờ Mão ngày hai mươi bảy
tháng giêng, năm nay hai mươi chín tuổi. Tiện nội năm ngoái từ trần, trong nhà
thiếu thốn, tôi lại vốn cảnh hàn vi, nay được nương tử đoái hoài, thiết tưởng cần
gì phải mối manh.
Bình Nhi cười:
– Nếu chàng không có tiền nhờ mai mối
thì trong nhà tôi sẵn có Phùng ma ma, vẫn làm mối cho nhiều người, ma ma sẽ
giúp chàng lo liệu. Vậy chàng cứ chọn ngày giờ tốt lành tới đây làm lễ cho có.
Chẳng hay ý chàng thế nào.
Trúc Sơn đang quỳ, nghe vậy thì sụp lạy
mà nói:
– Ơn của nương tử đối với tôi thật lớn như ơn cha mẹ, quả là tôi tu ba kiếp mới được cái diễm phúc ngày nay.
Bình Nhi đỡ dậy, cùng nhau tiếp tục uống
rượu, mắt đi mày lại kề vai sát má nói cười. Buổi tiệc tới gần tối mới xong.
Trúc Sơn cáo từ mà về.
Bình Nhi gọi Phùng ma ma mà bảo:
– Tây Môn Khánh đã như vậy, tai họa
không biết lúc nào xảy tới. Tôi ở đây thì vắng vẻ lạnh lùng quá, chi bằng về
làm vợ Tương tiên sinh.
Phùng ma ma khen phải.
Hôm sau, Bình Nhi sai Phùng ma ma tới
hẹn với Trúc Sơn là ngày mười tám tháng sáu tốt ngày sẽ làm lễ thành hôn. Hai
người trở thành vợ chồng, Bình Nhi đưa cho Trúc Sơn ba trăm lạng bạc để mua nhà
mới lịch sự mà ở. Trúc Sơn lại mua một con ngựa để dùng đi thăm bệnh trong huyện,
không còn phải đi bộ như trước nữa.
Chú
thích.
[49] 1.
Buộc tội 2. Khiển trách
[50] Thất
tình: bảy trạng thái tâm lý gồm hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục (mừng, giận,
thương, ghét, buồn, vui, muốn).
Lục dục: sáu ham muốn của con người gồm:
ham muốn sắc đẹp, ham muốn âm thanh hay, ham muốn hương thơm, ham muốn vị ngon,
ham muốn xúc chạm thân xác và ham muốn ý nghĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét