Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

HỒI 12. Sóng gió trong nhà

 

Tranh Đới Đôn Bang

HỒI 12.

Sóng gió trong nhà

Kim Liên được Tây Môn Khánh yêu quý thì sinh kiêu căng, không nể nang ai, muốn làm gì là làm, nhưng lại có tính đa nghi và ghét những người thiếp khác, nhất là Tôn Tuyết Nga.

Một hôm, gặp chuyện trái ý, mắng Xuân Mai mấy câu, Xuân Mai tuy không buồn giận gì, nhưng cũng tạm lánh ra sau vườn mà ngồi. Tôn Tuyết Nga đi ngang nói đùa:

– Tương tư chàng nào vậy, có phải tương tư gia gia không? Nếu vậy thì tới chỗ khác mà tương tư chứ sao lại ngồi đây?

Xuân Mai nghĩ là Tuyết Nga biết chuyện Tây Môn Khánh để ý mình nên ghen tức, bèn vùng vằng nói:

– Tôi làm gì kệ tôi, tôi ngồi đâu kệ tôi.

Tuyết Nga thấy Xuân Mai ăn nói khó nghe thì lặng lẽ bỏ đi.

Xuân Mai liền trở vào nhà nói với Kim Liên:

– Tứ nương nói là nương tử xúi gia gia thâu nạp tôi để làm bè cánh cho nương tử.

Kim Liên giận lắm nhưng không nói gì, nhân trong người mệt mỏi, bèn nằm ngủ. Lát sau ngủ dậy, mang đồ khâu ra ngôi đình trong hoa viên mà khâu.

Đang khâu thì Mạnh Ngọc Lâu tới cười hỏi:

– Sao thư thư[42] coi có vẻ sầu muộn vậy?

Kim Liên đáp:

– Hôm nay không hiểu sao trong người thấy mệt mỏi.

Đoạn hỏi:

– Thư thư từ đâu tới đây vậy?

Ngọc Lâu đáp:

– Thì cũng đi loanh quanh thăm các chị em, tôi vừa ở đằng Tứ thư thư lại.

Kim Liên hỏi:

– Tứ thư thư có nói gì không?

Ngọc Lâu đáp:

– Chẳng nói gì cả.

Kim Liên rủ Ngọc Lâu trở về phòng mình đánh cờ. Hai người đang đánh cờ thì gia nhân vào báo:

– Gia gia tới.

Hai người vội dẹp bàn cờ, đứng dậy đón tiếp. Tây Môn Khánh bước vào, thấy Kim Liên và Ngọc Lâu đều thập phần xinh đẹp, hai người đứng cạnh nhau mà không lấn át nhau, trái lại mỗi người có một vẻ đẹp riêng, bèn đứng sững trong giây lát mà ngắm, rồi cười bảo:

– Thật chẳng khác gì hai nàng tiên.

Kim Liên bảo:

– Chúng tôi đâu phải là tiên, trong nhà này đã có tiên rồi.

Ngọc Lâu biết Kim Liên có chuyện bực mình tức trong lòng, bên bước ra cửa định về phòng mình, nhưng Tây Môn Khánh đã nắm lại bảo:

– Nàng định đi đâu vậy? Ta vào đây, nàng lại bỏ đi là thế nào? Ta hỏi thật trong lúc ta vắng nhà, hai nàng làm gì ở đây?

Kim Liên nói:

– Chàng vắng nhà thì hai chúng ta ngồi đánh cờ cho đỡ buồn chứ có làm giặc trong nhà này đâu mà phải tra hỏi. Mà sao chàng về sớm vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

– Ồn ào đông đúc quá, ta không chịu nổi nên về trước.

Nguyên hôm đó vợ chồng Tây Môn Khánh phải dự đám tang của người quen. Kim Liên lại hỏi:

– Còn Đại nương sao chưa về?

Tây Môn Khánh đáp:

– Đi kiệu về sau, ta cũng có để gia nhân và a hoàn theo hầu rồi.

Nói xong nhìn vào bàn cờ rồi bảo:

– Hai người ở nhà cờ bạc chứ gì?

Kim Liên nói:

– Đánh cờ là đấu trí giải buồn, sao lại bảo là cờ bạc được?

Tây Môn Khánh bảo:

– Bây giờ ta đánh cờ với hai nàng, ai thua thì phải bỏ ra một lạng.

Kim Liên nói:

– Chúng tôi không có tiền.

Tây Môn Khánh bảo:

– Không có tiền thì lấy trâm, thoa hay đồ trang sức mà thế cũng được.

Nói xong bày bàn cờ ra. Tây Môn Khánh một bên, Kim Liên và Ngọc Lâu một bên. Tây Môn Khánh được, Kim Liên lấy tay xóa bàn cờ rồi cười mà bỏ chạy vào trong. Tây Môn Khánh đuổi theo, nắm tay cười bảo:

– Bây giờ thua rồi bỏ chạy phải không?

Kim Liên cười bảo:

– Tam thư thư cũng thua, sao chàng không đòi mà lại đòi tôi?

Nói xong cười ngặt nghẽo. Tây Môn Khánh ôm lấy Kim Liên mà đùa giỡn. Bỗng Ngọc Lâu chạy vào bảo:

– Đại nương tới kia kìa.

Kim Liên vội buông Tây Môn Khánh ra, cùng Ngọc Lâu bước ra chào hỏi Nguyệt nương. Nguyệt nương hỏi:

– Mấy người vui cười chuyện gì vậy?

Ngọc Lâu đáp:

– Ngũ thư đánh cờ với gia gia, thua một lạng bạc nhưng không chịu trả.

Nguyệt nương chỉ cười. Ngồi nói chuyện một lúc thì Nguyệt nương và Ngọc Lâu về phòng, Tây Môn Khánh ở lại với Kim Liên Trong nhà, tuy Nguyệt nương là chính thất, nhưng hay bệnh tật đau yếu nên không đích thân quán xuyến việc nhà. Mọi việc thuộc về tiền bạc trong nhà đều do Lý Kiều Nhi. Tôn Tuyết Nga thì cai quản toàn thể gia nhân và lo điều khiển việc bếp nước, cung cấp bữa ăn cho các phòng. Tuyết Nga thường xuyên có mặt tại nhà bếp để chỉ dẫn gia nhân.

Tối hôm đó, Tây Môn Khánh cùng Kim Liên uống vài chén rượu rồi sai Xuân Mai xuống bảo nhà bếp nấu nước tắm. Kim Liên bảo:

– Chàng đừng sai nó, có người nói là tôi xui chàng thâu nạp nó làm thiếp để về phe với tôi mà mê hoặc chàng đó. Bây giờ cái gì chàng cũng sai nó tức là tin cẩn nó rồi, người ta lại càng được thể mà nói này kia.

Xuân Mai vẫn đứng yên. Tây Môn Khánh hỏi:

– Ai nói vậy?

Kim Liên bảo:

– Chàng không phải hỏi làm gì. Có việc gì cần nhờ tới nhà bếp thì đừng có sai nó, sai con Thu Cúc là được rồi.

Tây Môn Khánh bèn sai Thu Cúc xuống nhà bếp nói với Tuyết Nga, xin cho đun nước tắm. Thu Cúc đi lâu quá không thấy trở lên, Tây Môn Khánh sai Xuân Mai:

– Ngươi thử xuống đó coi tại sao nó đi mất tăm mất tích vậy?

Xuân Mai có ý không bằng lòng, vùng vằng đi xuống nhà bếp, thấy Thu Cúc đang ở đó thì mắng:

– Con khốn kia, sao mày đi mất tăm mất tích vậy? Sai mày xuống bảo nấu nồi nước tắm mà mày cũng để gia gia phải đợi, rồi lại làm phiền đến cả tao phải xuống giục mày nữa.

Tuyết Nga đang có mặt tại nhà bếp, thấy Xuân Mai ăn nói không giữ gìn, giận lắm, mắng rằng:

– Mày mới là con khốn, có tao ở đây mà mày ăn nói như vậy sao? Mày nói với nó hay mày nói với tao vậy? Dưới này bao nhiêu việc, có gì cũng phải chờ chứ đòi thì có ngay sao được?

Xuân Mai tức lắm, nói:

– Tôi nói con Thu Cúc kia kìa.

Đoạn quay sang Thu Cúc nói:

– Mày lên nhà rồi khắc biết.

Nói xong hầm hầm bỏ lên nhà. Kim Liên thấy Xuân Mai sắc giận hầm hầm thì hỏi:

– Sao vậy?

Xuân Mai đáp:

– Tôi xuống thì thấy Thu Cúc nó đang đứng chờ dưới đó, mới hỏi nó là sao chậm trễ vậy. Tứ nương liền mắng tôi như tát nước, gọi là đồ này đồ kia, lại bảo là gia gia và nương nương chỉ giỏi đòi này đòi kia mà thôi, dưới đó bận nhiều chuyện, không phải cần gì cũng có ngay được.

Kim Liên bảo:

– Đó, tôi đã nói là đừng sai nó xuống bếp, nhiều chuyện bực mình lắm. Người ta thấy nó là đã ghét rồi mà. Người ta vẫn bảo là tôi với nó mê hoặc chàng đó.

Tây Môn Khánh nổi giận, bước thẳng xuống bếp, không nói không rằng giơ tay đánh Tuyết Nga túi bụi rồi mắng:

– Con ác phụ, ta sai nó xuống, sao ngươi đặt điều mắng nó? Ngươi thử coi lại xem ngươi có hơn nó cái gì không?


Tuyết Nga bị đánh mắng, giận lắm nhưng không dám nói gì. Tây Môn Khánh hầm hầm bỏ đi. Lúc đó Tuyết Nga mới nói với đám a hoàn:

– Đó, các ngươi thấy không? Mình ở đây biết bao nhiêu việc mà không ai biết cho mình cả. Con khốn Xuân Mai nó ỷ thế chủ, không coi ai ra gì. Ngũ nương với nó tính làm chủ cái nhà này đó.

Không ngờ Tây Môn Khánh đi chưa xa, nghe được bèn qua lại đánh đá Tuyết Nga mà mắng:

– Con ác phụ, mày còn chối nữa thôi. Chính tai ta nghe mà nói xấu người khác. Mày mới là người định làm giặc ở nhà này đó.

Mắng xong lại đánh. Chán tay mới bỏ đi. Tuyết Nga bị đánh quá đau, khóc lớn lên, kể lể thảm thiết. Nguyệt nương ở nhà trên nghe được, hỏi a hoàn Tiểu Ngọc:

– Dưới nhà bếp có chuyện gì mà ồn ào vậy?

Tiểu Ngọc thưa:

– Không biết gia gia sai Xuân Mai xuống bếp bảo làm chuyện gì đó, nhưng Tứ nương lại mắng Xuân Mai. Gia gia nghe được, bèn đánh mắng, nên Tứ nương kêu khóc đó.

Nguyệt nương bảo:

– Gia gia cần gì thì ráng làm cho mau có hơn không, việc gì lại mắng a hoàn của người ta để sinh chuyện như vậy.

Đoạn sai Tiểu Ngọc xuống bếp an ủi Tuyết Nga và đám gia nhân nhà bếp. Tuyết Nga tức lắm, theo Tiểu Ngọc lên thuật lại chuyện vừa rồi cho Nguyệt nương nghe. Nhưng không ngờ Kim Liên cũng đang tình cờ tới đó, thấy Tuyết Nga tới trước, bèn đứng ngoài cửa sổ mà rình nghe. Tuyết Nga thuật chuyện xong thì nói thêm:

– Nó được gia gia tin yêu nên không coi ai ra gì. Con dâm phụ đó ghê gớm lắm, không chuyện gì là nó không dám làm đâu. Đại nương không biết đấy thôi, nó đã dùng thuốc độc, đầu độc chồng để được gia gia đem về đây đó. Về đây, nó nhìn ai cũng bằng nửa con mắt, coi Đại nương và chị em chúng tôi như không có.

Nguyệt nương bảo:

– Mà cũng không ai như dì, người ta đã sai a hoàn xuống, người ta cần gì thì bảo chúng nó làm ngay đi có phải yên chuyện không. Sao lại mắng a hoàn của người ta làm gì cho sinh chuyện.

Tuyết Nga đáp:

– Tôi đâu muốn sinh chuyện, nhưng cái con a hoàn đó cậy thế chủ, hỗn láo không chịu nổi, làm như mắng thẳng vào mặt tôi vậy. Nó làm như nó là chủ mà tôi là đầy tớ vậy. Ấy cũng là Ngũ nương được yêu quý rồi sinh kiêu căng, nên a hoàn cũng bắt chước mà thôi.

Tiểu Ngọc từ ngoài bước vào bảo:

– Ngũ nương đang đứng ở ngoài đó.

Kim Liên nghe vậy liền bước vào bảo Tôn Tuyết Nga:

– Này giả dụ như tôi lúc trước quả có giết chồng thật, thì sao chị không ngăn cản gia gia, để gia gia cưới tôi về đây làm gì? Bây giờ lại bảo là tôi mê hoặc gia gia, rồi được gia gia yêu quý mà sinh kiêu căng? Còn Xuân Mai thì nó đâu phải là a hoàn của tôi, nếu chị không ưa nó thì để nó trở về hầu hạ Đại nương đây, như vậy đỡ sinh chuyện. Phần tôi thì xấu xa độc ác như chị nói đó, để gia gia về đây, tôi xin gia gia làm cho tôi tờ giấy, tôi đi là xong, có gì phải nhiều chuyện.

Nguyệt nương bảo:

– Tôi không biết chuyện của các dì ra sao, nhưng theo tôi thì mỗi người nên bớt lời đi một chút cho nhà cửa yên vui là hơn.

Tuyết Nga nói:

– Đại nương xem mồm miệng của người ta lem lém như vậy thì ai nói lại được. Mồm miệng như thế cho nên ngày đêm ỏn thót với gia gia mà nói xấu người khác.

Đoạn quay sang Kim Liên:

– Cứ như chị nói thì trừ Đại nương đây, chúng tôi phải đi hết để cho một mình chị ở đây hay sao?

Thế là Tuyết Nga và Kim Liên mỗi người một câu, không ai chịu nhường ai. Người nào cũng tìm những lời độc địa để hạ nhục người kia. Nguyệt nương thấy quá ồn ào bèn sai Tiểu Ngọc dẫn Tuyết Nga về phòng. Kim Liên cũng tức giận về phòng, nằm ra giường mà khóc. Khóc một lúc thì mắt sưng lên đỏ mọng, mặt hoa khổ não, mày liễu ủ ê. Tây Môn Khánh trở vào thấy vậy liền hỏi:

– Sao vậy?

Kim Liên ngồi dậy òa khóc mà nói:

– Tôi theo chàng về đây không phải là ham tiền tài của chàng mà chỉ vì tình vì nghĩa, vậy mà hôm nay người ta khinh bỉ mắng chửi tôi đủ điều. Lại nói tôi là người giết chồng, như vậy tôi còn mặt mũi nào ở đây, gia nhân đày tớ trong nhà còn coi tôi ra gì nữa.

Nói xong nằng nặc đòi Tây Môn Khánh làm giấy thôi nhau. Tây Môn Khánh nổi giận đùng đùng, tới ngay phòng Tuyết Nga nắm tóc, lấy roi mà đánh. Vừa đánh vừa chửi mắng ầm ĩ. Tuyết Nga kêu khóc không thôi. Nguyệt nương thấy vậy phải chạy xuống can. Kim Liên thấy Tuyết Nga bị đòn thì hài lòng lắm.

***

Một hôm Hoa Tử Hư bày tiệc linh đình mời đông đủ bạn bè tới dự. Mọi người đã đủ mặt, nhưng Tây Môn Khánh có việc bận chưa tới, nên đều đứng đợi, không dám tự tiện. Lát sau Tây Môn Khánh tới thì Hoa Tử Hư mời Tây Môn Khánh ngồi chỗ danh dự để chủ tọa. Tây Môn Khánh từ chối mấy lần rồi mới ngồi xuống. Đám bạn bè phân ngôi thứ mà ngồi. Bữa tiệc khởi đầu trong ồn ào vui vẻ. Hoa Tử Hư lại gọi hai ca nữ tới đàn hát mua vui. Sau mấy tuần rượu, ca nữ đàn hát được vài bài thì bước tới trước mặt Tây Môn Khánh sụp lạy, chúc câu vạn phúc. Tây Môn Khánh lại gọi Đại An tới lấy tiền thưởng cho, rồi quay sang hỏi Hoa Tử Hư:

– Chẳng hay thư nhi đây là ai vậy?

Hoa Tử Hư chưa kịp đáp thì Ứng Bá Tước đã nói:

– Đại quan nhân mau quên thật. Đại quan nhân quả không nhận ra hay sao? Đây này, người đánh đàn tranh là Ngô Ngân Nhi, còn người đàn tỳ bà là Lý Quế Thư, con gái của Lý tam ma, em của Lý Quế Khanh đó. Còn nhị tẩu ở nhà chính là cô của Quế Thư, vậy mà đại ca không nhận ra thì thôi.

Tây Môn Khánh cười bảo:

– Thì ra vậy. Cũng tại lâu không gặp, nên không ngờ là đẹp ra và lớn lên đến nỗi nhận không ra.

Mọi người đều cười. Lát sau, Ngân Nhi và Quế Thư ân cần tình tứ đi chuốc rượu một vòng. Tây Môn Khánh hỏi:

– Tam ma và Quế Khanh hồi này ở nhà làm gì? Sao không thấy đến nhà tôi để thăm cô của nàng?

Quế Thư đáp:

– Mẹ tôi hồi này trông người không khỏe, lại thêm bệnh tê chân, đi đâu cũng phải có người để vịn. Còn chị tôi thì từ nửa năm nay có một vị khách ở Hoài Thượng mời đi luôn, có khi đi mấy ngày không được về nhà. Cho nên hồi này trong nhà neo người quá, chỉ có mình tôi mà phải lo mọi chuyện. Tôi cũng nhớ cô tôi lắm nhưng quả là không có thời giờ mà tới thăm được. Lúc nào rảnh, mời quan nhân tới tệ xá vui chơi, nhân tiện cho cô tôi về thăm mẹ tôi thì tốt quá.

Tây Môn Khánh thấy Quế Thư thập phần xinh đẹp, ăn nói lại dịu dàng thì để ý lắm, bèn ướm lời:

– Lát nữa tôi và một hai người bạn theo nàng về nhà được không?

Quế Thư cười:

– Chỉ sợ quan nhân không thèm đặt chân tới tệ xá mà thôi.

Tây Môn Khánh bảo:

– Sao nàng lại nói vậy!

Đoạn cởi dây lưng đưa cho Quế Thư làm tin. Quế Thư đưa tay nhận mà nói:

– Đa tạ quan nhân, như vậy thì quý hóa quá. Để tôi nhờ người về báo cho ở nhà biết trước để còn chuẩn bị tiếp rước quan nhân.

Tây Môn Khánh nhắc lại:

– Lát nữa tiệc xong, chúng tôi sẽ tới.

Bữa tiệc lại tiếp tục, đến lúc chạng vạng tối mới tan. Tây Môn Khánh cùng Ứng Bá Tước và Tạ Hy Đại cưỡi ngựa theo Quế Thư về nhà. Khi kiệu của Quế Thư vào tới cổng thì Quế Khanh đã chạy ra đón tiếp mọi người.

Vào trong nhà, Tây Môn Khánh xin được diện kiến Lý tam ma. Quế Khanh vào trong dìu Lý tam ma ra. Lý tam ma thấy Tây Môn Khánh thì chúc câu vạn phúc rồi bảo:

– Trời đất ơi, quan nhân đấy ư, dượng đấy ư? Từ hồi Hoa nhị gia náo loạn đến nay sao không thấy tới đây? Không ngờ hôm nay lại quang lâm như thế này thật quý hóa quá.

Tây Môn Khánh cười đáp:

– Bận rộn nhiều chuyện quá nên không tới được, lão ma đừng phiền.

Lý tam ma lại quay sang Ứng Bá Tước và Tạ Hy Đại:

– Còn nhị vị đây nữa, sao lâu quá cũng không thấy lại?

Ứng Bá Tước cười đáp:

– Hồi này anh em chúng tôi cũng không rảnh. Nhân hôm nay ăn tiệc tại nhà Hoa Nhị ca rồi gặp Quế Thư, cho nên chúng tôi mới theo Tây Môn Đại quan nhân đưa nàng về, nhân tiện vào thăm lão ma luôn. Bây giờ thì rượu đâu đem ra cho chúng tôi uống vài chén chứ.

Lát sau tiệc rượu chỉnh tề, ba người ngồi ăn uống. Quế Thư trang điểm lại, thay xiêm y đẹp rồi bước ra tiếp rượu. Quế Khanh cũng có mặt, cùng em ca hát mua vui cho khách. Rượu ngon thịt béo, đàn ngọt hát hay, tất cả làm cho ba người say mê vui thích. Tây Môn Khánh bảo Quế Thư:

– Hôm nay có hai bạn tôi đây, chúng tôi thường nghe nói nàng giỏi hát những khúc hát miền Nam, sao không hát lên một vài khúc cho tôi và hai bạn tôi đây cùng thưởng thức?

Ứng Bá Tước nói thêm:

– Hai chúng tôi hôm nay nhờ Đại quan nhân mà được tới đây, vậy xin rửa tai mà nghe, nàng đừng từ chối.


Tây Môn Khánh dồn tất cả chú ý vào Quế Thư. Mấy mẹ con họ Lý giàu kinh nghiệm, thấy vậy biết liền. Quế Thư thì biết rõ hơn ai hết, nhưng chỉ ngồi cười. Quế Khanh nói:

– Em Quế Thư tôi đây như quan nhân thấy, thật muôn phần xinh đẹp, lại có tài, cho nên muốn nghe nó hát, nhất là hát những khúc hát miền Nam thì không phải dễ đâu.

Mọi người cùng cười. Tây Môn Khánh hiểu ý, gọi Đại An vào, bảo lấy ra năm lạng bạc để lên bàn rồi nói:

– Chỗ này chả đáng bao nhiêu, nhưng cũng xin tặng để Quế Thư mua son phấn, bữa khác sẽ xin tặng thêm để may quần áo.

Quế Thư vội đứng dậy tạ ơn, rồi bảo a hoàn cất đi, sau đó ngồi xuống hát. Quế Thư tuy còn ít tuổi, nhưng nhan sắc và tài nghệ quả hơn người, nàng ngồi hát dáng điệu phong lưu thanh nhã, cử chỉ dịu dàng tự nhiên, giọng hát thoảng như hơi gió tiếng ca như bay vút lên tận ngàn mây, khiến người ngồi nghe như ngây như dại, có cảm tưởng như đang chập chờn trong giấc mộng, hay lạc tới chốn thần tiên.

Tây Môn Khánh gọi Đại An vào bảo đem ngựa về nhà, nói rằng đêm nay không về.

Sáng hôm sau, Tây Môn Khánh lại sai Đại An về nhà, bảo Kiều Nhi lấy năm mươi lạng bạc và mấy xấp lụa quý tới tặng Quế Thư, Lý Kiều Nhi biết là Tây Môn Khánh say mê cháu mình thì mừng lắm, lấy ngay ra đưa cho Đại An mang đi. Tây Môn Khánh lại bỏ tiền ra tổ chức tiệc rượu vui liền trong mấy ngày đêm. Ứng Bá Tước và Tạ Hy Đại lại gọi thêm Tôn Quả Chủy, Chúc Thật Niệm và Thường Trĩ Tiết tới, mỗi người góp vào ít tiền để gọi là chung vui, nhưng sự thật, lợi dụng có mặt của Tây Môn Khánh để được ăn chơi không tốn tiền.

Liền trong mấy ngày đêm, trong nhà họ Lý, tiếng cười nói tiếng đàn ca vang lên không ngớt.

 

Chú thích.

[42] Chị, chị gái

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét