Tranh Đới Đôn Bang |
HỒI 10.
Ngươi tẩu thoát, kẻ chết oan
Hôm sau là ngày mồng bảy, Tây Môn
Khánh bảo Kim Liên dọn tiệc để từ giã Vương bà. Sau đó đem Nghênh Nhi gửi Vương
bà rồi bảo:
– Ngày mai tôi cưới nương tử về nhà,
Võ Tòng có về, xin ma ma hết lòng che chở giùm cho.
Vương bà cười đáp:
– Có tôi đây thì đừng lo, Võ Tòng về, tự nhiên tôi sẽ kiếm cách nói cho êm. Đại quan nhân cứ yên tâm.
Tây Môn Khánh mừng lắm, tạ ơn Vương bà ba lạng bạc. Tối hôm đó, bảo Kim Liên soạn đồ đạc quần áo ra, rồi sai gia nhân đem về nhà trước. Một số quần áo cũ không mặc tới thì đem cho Vương bà. Hôm sau là ngày mồng tám, Tây Môn Khánh cho đem kiệu tới, Kim Liên trang điểm lộng lẫy, ăn mặc xiêm y đẹp lên kiệu mà đi. Vương bà tiễn chân tới cổng nhà Tây Môn Khánh. Mọi gia đình hai bên đường tuy biết chuyện nhưng chỉ đứng trong nhà mà nhìn kiệu Kim Liên đi qua, không dám nói gì vì ai cũng sợ Tây Môn Khánh có tiền bạc thần thế. Sau đó thì xúm nhau bàn tán không ngớt.
Tây Môn Khánh dành cho Kim Liên ba
gian nhà biệt lập trong hoa viên, ra vào bằng một cổng nhỏ độc nhất. Khung cảnh
hữu tình vắng vẻ, không ai lui tới. Trong nhà chưng dọn đồ đạc đẹp đẽ, bên
ngoài có cây, có cảnh. Tây Môn Khánh lại bỏ ra mười sáu lạng bạc mua một cái
giường quý, có màn thúy và rèm lụa hồng. Từ trước, hai a hoàn Xuân Mai[32] và Ngọc Tiêu[33], vẫn hầu hạ vợ lớn Tây Môn Khánh và
Ngô Nguyệt nương, bây giờ Xuân Mai được đem tới hầu hạ Kim Liên. Lại bỏ ra năm
lạng bạc mua thêm một a hoàn tên gọi Tiểu Ngọc để thay Xuân Mai hầu hạ Nguyệt
nương. Rồi lấy sáu lạng bạc mua một a hoàn khác là Thu Cúc[34] để cùng Xuân Mai hầu hạ Kim
Liên. Trước đó thì Tây Môn Khánh đã lấy một người bên nhà họ Trần là Tôn Tuyết
Nga[35], khoảng hai mươi tuổi làm vợ thứ tư,
nên bây giờ liệt Kim Liên vào hàng đệ ngũ phòng[36].
Từ khi đem Kim Liên về nhà thì đêm nào
Tây Môn Khánh cũng ở với Kim Liên, hai người như cá với nước, mặc tình vui thú.
Mấy hôm sau Kim Liên ăn mặc thật đẹp, sai Xuân Mai dẫn tới chào hỏi Nguyệt
nương và các vợ khác của Tây Môn Khánh.
Kim Liên tới phòng Nguyệt nương, được
Nguyệt nương mời ngồi, sau đó ngắm Kim Liên từ đầu tới chân, thấy quả là đẹp
thanh cao lộng lẫy, đầy vẻ quyến rũ. Nguyệt nương nhìn ngắm một hồi rồi nghĩ thầm:
“Mình thường nghe gia nhân nói là vợ Võ Đại đẹp lắm, nhưng quả không ngờ là đẹp
như thế này, hèn gì chồng mình chẳng tìm đủ cách chiếm đoạt cho bằng được”.
Kim Liên sụp xuống lạy Nguyệt nương bốn
lạy, Nguyệt Nương nhận lễ xong, sai a hoàn dẫn Kim Liên sang chào Lý Kiều Nhi,
rồi lần lượt tới Mạnh Ngọc Lâu và Tôn Tuyết Nga. Tại mỗi nơi, Kim Liên đều lấy
phận người dưới mà thăm hỏi. Sau đó trở lại phòng Nguyệt nương. Nguyệt nương mời
ngồi rồi cho gọi các gia nhân tới, giới thiệu Kim Liên với họ, bắt từ nay phải
gọi Kim Liên là Ngũ nương. Kim Liên để ý nhìn Ngô Nguyệt nương, thấy tuổi vào
khoảng gần ba mươi, mặt đầy như mâm bạc, mắt sáng môi hồng, cử chỉ ôn nhu dịu
dàng, nói ít và tỏ ra thận trọng. Lý Kiều Nhi cũng rất xinh đẹp, tuy bảo là phường
ca nữ, nhưng thật ra còn thua Kim Liên về đường phong nguyệt. Gặp Mạnh Ngọc
Lâu, Kim Liên cũng phải nhìn nhận là đẹp không kém mình, chỉ có điều là hơn
mình mấy tuổi mà thôi. Ngọc Lâu cũng có đôi bàn chân nhỏ như Kim Liên. Còn Tôn
Tuyết Nga thì nghe nói là rất giỏi ca vũ, nhan sắc cũng muôn phần thanh lịch.
Bắt đầu từ hôm sau, cứ sáng sớm là Kim
Liên đã có mặt tại phòng Nguyệt nương, giúp Nguyệt nương may vá, sai bảo gia
nhân làm việc nhà, lại xưng hô với Nguyệt nương một điều Đại nương, hai điều Đại
nương, khiến Nguyệt nương hài lòng vô cùng. Từ đó Nguyệt nương rất quý mến Kim
Liên, thường ca tụng nàng hết lời, đến nỗi ăn cùng ăn, nghỉ cùng nghỉ. Bọn Lý
Kiều Nhi thấy vậy giận lắm, thường cùng nhau nói xấu cả Nguyệt nương lẫn Kim
Liên, cho rằng Kim Liên giỏi bợ đỡ, còn Nguyệt nương thì bất công, người cũ thì
ghét mà thương người mới.
***
Lại nói về Võ Tòng, khoảng trung tuần
tháng tám thì về tới huyện Thanh Hà, vào ngay huyện, đưa thư phúc đáp cho Tri
huyện. Tri huyện mừng lắm thưởng cho Võ Tòng mười lạng bạc rồi sai dọn tiệc khoản
đãi. Cơm no rượu say, Võ Tòng trở về phòng riêng thay khăn áo rồi bước ra đường,
tìm tới nhà anh.
Hàng phố thấy Võ Tòng về, thảy đều
kinh ngạc, xì xào bàn tán rằng:
– Thôi, nguy rồi, Võ Đô đầu trở về là
có chuyện rồi. Ai chứ Võ Đô đầu thì đâu chịu thua Tây Môn Khánh.
Võ Tòng tìm tới nhà Võ Đại, vén mành
bước vào gọi cửa, gọi mấy tiếng cũng không thấy ai trả lời.
Đang lúc nghi ngờ thì Nghênh Nhi từ
nhà kế bên, nghe tiếng gọi, chạy ra thấy chú mình thì vô cùng kinh ngạc. Võ
Tòng hỏi, nó cũng không nói được tiếng nào. Võ Tòng nhắc lại:
– Cha mẹ cháu đi đâu rồi?
Nghênh Nhi òa khóc nức nở. Vương bà từ
trong hốt hoảng chạy ra. Võ Tòng hỏi ngay:
– Anh tôi đi đâu vắng nhà? Còn chị tôi
sao cũng chẳng thấy đâu vậy?
Vương bà trấn tĩnh bảo:
– Mời nhị gia quá bộ vào trong này rồi
tôi sẽ nói cho mà nghe.
Nói xong quay vào kéo ghế mời Võ Tòng
ngồi. Võ Tòng im lặng ngồi xuống, trong lòng nghi hoặc vô cùng. Vương bà kể lể:
– Sau khi nhị gia đi khỏi, thì vào khoảng
tháng tư, đại gia thình lình mắc bạo bệnh mà qua đời...
Võ Tòng chặn lời:
– Chẳng hay anh tôi mắc bệnh gì, mà uống
thuốc của ai vậy?
Vương bà đáp:
– Để tôi nhớ lại coi, hôm đó là hai
mươi tháng tư, đại gia tự nhiên đau bụng dữ dội, ở nhà đi lễ rồi xem bói, lại mời
các lang y tới chữa trị, nhưng thuốc gì uống vào cũng không khỏi, đau được tám
chín hôm thì mất.
Võ Tòng chau mày:
– Ca ca tôi từ xưa không hề có bệnh
đó, sao lại tự nhiên đau bụng mà chết được?
Vương bà nói:
– Đô đầu ơi, thì ai mà biết được, trời
cũng có khi mưa nắng bất thường, mà con người cũng có lúc họa phúc không sao biết
trước, đêm nay cởi giầy đi ngủ, không biết ngày mai có còn dậy được mà xỏ giầy
hay không.
Võ Tòng lại hỏi:
– Ca ca tôi hiện đang an táng tại đâu?
Vương bà đáp:
– Lúc đại gia nằm xuống thì trong nhà
thiếu hụt lắm, Đại nương làm gì có tiền mua đất an táng, cũng may là có người
quen biết cũ với đại gia bỏ tiền ra mua cho một cỗ áo quan, lại mời mấy vị tăng
tới cầu siêu trong ba ngày rồi cho hỏa táng.
Võ Tòng hỏi:
– Còn chị dâu tôi bây giờ ở đâu?
Vương bà chép miệng:
– Kể cũng tội nghiệp, Đại nương chịu
khó sống nghèo khổ thủ tang cho đến hết kỳ bách nhật chồng, sau đó bà mẹ tới
khuyên nhủ nên bây giờ đã lấy chồng để tìm nơi nương tựa rồi. Còn cháu nhỏ bạc
phước đây thì gửi lại cho tôi đùm bọc.
Võ Tòng trầm ngâm giây lát rồi cáo từ
Vương bà, trở về huyện, vào phòng riêng, cởi quần áo ngoài ra, sai lính huyện
đi mua cho mình một bộ tang phục cùng các thứ hoa quả nhang đèn. Sau đó mặc đồ
tang, đem lễ vật trở lại nhà của Võ Đại, bày bàn thờ, lập bài vị, đốt đèn thắp
nhang rót rượu mà cúng. Lại sai lính tới làm cơm cúng. Cúng xong, cùng đám lính
và Nghênh Nhi ngồi ăn. Đêm đó ở lại nhà anh, cho đám lính ngủ ở phòng ngoài,
Nghênh Nhi ngủ tại phòng trong, còn mình thì ngủ trước bàn thờ anh.
Tới nửa đêm mà Võ Tòng vẫn trằn trọc
không sao ngủ được bèn ngồi dậy trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn trên bàn thờ
nhìn lên bài vị của anh mà nghĩ thầm: “Anh mình lúc sống thì yếu đuối nhút
nhát, lúc chết lại không được rõ ràng, thật là...”
Còn đang nghĩ ngợi thì bỗng nhiên một
cơn gió lạnh thổi vào, ngọn đèn trên bàn thờ tắt ngấm, Võ Tòng tự nhiên nổi gai
ốc, tóc gáy dựng lên, nhưng cố trấn tĩnh mà nhìn thì thấy một bóng người từ sau
bàn thờ bước ra bảo:
– Em ơi, anh chết khổ chết nhục lắm.
Võ Tòng định cất tiếng hỏi thì tự
nhiên hơi lạnh tan hết mà bóng người cũng chẳng thấy đâu nữa.
Bên ngoài, tiếng trống huyện báo hiệu
canh ba, ba khắc. Võ Tòng kinh sợ nghĩ thầm: “Vừa rồi nhất định không phải là mộng,
anh mình tới than thở, đúng là chết oan chết uổng gì đây”.
Võ Tòng cứ ngồi nghĩ ngợi mà trống điểm
canh năm cũng không hay biết. Đám lính trở dậy, kẻ đun nước nóng cho Võ Tòng rửa
mặt, kẻ pha trà. Lát sau, trời sáng rõ, Võ Tòng gọi Nghênh Nhi dậy, bảo coi nhà
rồi dẫn lính đi. Dọc đường, Võ Tòng ghé vào những nhà lân cận hỏi:
– Anh tôi làm sao mà chết? Còn chị dâu
tôi bây giờ lấy ai?
Nhưng chẳng ai dám nói sự thật vì sợ
Tây Môn Khánh trả thù. Có người nói:
– Đô đầu đừng hỏi chúng tôi, có Vương
bà ở ngay cạnh, biết rõ mọi chuyện, nên hỏi Vương bà thì hơn.
Có người cho biết:
– Đô đầu có thể tìm thằng Vận Ca hoặc
lão Hà Cửu, hai người đó biết rõ chuyện hơn ai hết.
Võ Tòng cám ơn rồi trở lại mấy tiệm nước
trước huyện để tìm Vận Ca. Tới nơi đã thấy Vận Ca thấp thoáng xa xa, bè gọi lại:
– Chú em ơi, lại đây ta bảo cái này.
Vận Ca nhận ra Võ Tòng thì vội chạy lại
mà nói:
– Võ Đô đầu ơi, Đô đầu về chậm quá rồi,
có muốn động thủ cũng khó. Tuy nhiên cha tôi đã lục tuần rồi, chỉ nhờ cậy và một
mình tôi, tôi không thể dính dấp vào vụ này được đâu, rồi lại lên quan lên nha,
phiền phức lắm.
Võ Tòng bảo:
– Thì chú em cứ vào đây với ta đã.
Nói xong dẫn Vận Ca lên một tửu lầu gọi
rượu thịt ra mời Vận Ca ăn uống rồi bảo:
– Chú em à, chú em còn ít tuổi mà đã
hiếu thảo như vậy là hiếm có.
Nói xong lấy ra khoảng năm lạng bạc vụn
đưa cho Vận Ca:
– Chú em cứ tạm cầm lấy số bạc này, để
lão bá ở nhà chi dụng, đợi xong việc ta sẽ tặng chú em mười lạng làm vốn. Bây
giờ thì chú em hãy nói thật cho ta nghe anh ta bị hại như thế nào và chị dâu ta
lấy chồng ra sao, đừng giấu gì hết.
Vận ca đưa tay nhận bạc nghĩ thầm: “Với
số bạc này cha mình có thể sống được dăm ba tháng, mình có mất ngày giờ lên
quan cũng chẳng sao!” Nghĩ xong bèn nói:
– Vậy thì xin Đô đầu nghe tôi nói
đây...
Thế là Vận Ca thuật lại tỉ mỉ từ lúc
có giỏ lê định tìm bán cho Tây Môn Khánh, bị Vương bà đánh chửi, cho tới lúc
bày mưu giúp Võ Đại bắt quả tang vợ ngoại tình, bị Tây Môn Khánh đá trúng nghe
hộc máu, sau đó bị đầu độc, nhất nhất thuật lại không sót chuyện gì. Võ Tòng
nghe xong thấy Vận Ca kể trôi chảy linh động thì tin lắm nhưng cũng hỏi:
– Chú em nói thật chứ?
Vận Ca đáp:
– Tôi bịa chuyện với Đô đầu làm gì?
Võ Tòng hỏi gặng:
– Chú em không dối ta chứ?
Vận ca tức quá đập bàn bảo:
– Dù có đứng trước mặt Huyện quan tôi
cũng chỉ nói bấy nhiêu mà thôi.
Võ Tòng mỉm cười giục Vận Ca ăn uống.
Lát sau trả tiền, dẫn Vận Ca xuống đường bảo:
– Bây giờ thì chú em cứ về nhà đi đã,
đưa bạc cho lão bá rồi nhớ sáng mai tới huyện làm chứng cho ta.
Vận Ca đang định bước đi thì Võ Tòng
chợt nhớ ra điều gì gọi giật lại mà hỏi:
– À, chú em có biết nhà Hà Cửu ở đâu
không nhỉ?
Vận Ca cười:
– Bây giờ Đô đầu còn hỏi Hà Cửu nữa,
lão ta nghe nói là Đô đầu trở về thì sợ quá trốn biệt rồi.
Nói xong cáo từ mà đi. Võ Tòng cũng trở
về phủ.
Sáng sớm hôm sau, Võ Tòng làm đơn
xong, bèn dắt Vận Ca vào huyện, chờ Tri huyện đăng đường, vào quỳ trước án, đưa
lá đơn lên mà kêu oan. Tri huyện thấy là Võ Tòng thì ngạc nhiên lắm, bảo:
– Võ Đô đầu đó à, có chuyện gì vậy? Cứ
nói ta nghe.
Võ Tòng thưa:
– Tên cường hào Tây Môn Khánh thông
gian với chị dâu tôi là Phan thị, anh tôi là Võ Đại tới bắt gian thì bị Tây Môn
Khánh đánh trọng thương. Sau đó, cùng Vương bà bày mưu hãm hại anh tôi. Tên Hà
Cửu được gọi tới tẩm liệm rồi đưa đi hỏa thiêu. Hiện Tây Môn Khánh đã đem Phan
thị về nhà làm thiếp. Có tên Vận Ca làm chứng, xin tướng công soi xét cho tôi
được nhờ.
Tri huyện cầm lá đơn rồi hỏi:
– Hà Cửu đâu, sao không thấy?
Võ Tòng thưa:
– Hà Cửu biết tôi về nên đã trốn biệt
rồi, hiện không biết ở đâu.
Tri huyện đọc đơn xong thì hỏi Vận Ca.
Vận Ca nhất nhất thuật lại từ đầu đến cuối. Tri huyện nghe xong, lui vào trong
cùng Huyện thừa, Chủ bạ và các chức việc bàn tính. Vì Tri huyện cùng các chức
việc đều là phe của Tây Môn Khánh, nên cùng nhau đồng ý là nên thu xếp chuyện
này cho khéo là hơn. Do đó Tri huyện bước ra bảo Võ Tòng:
– Ngươi đã là Đô đầu trong huyện thì
cũng biết rằng chuyện gì cũng phải có chứng cứ mới xét được. Nay thi thể anh
ngươi không còn thì biết làm sao. Vả lại bảo là có chuyện đi bắt vụ thông gian,
nhưng không bắt được thì lấy gì làm bằng? Ngươi chỉ nghe lời một đứa trẻ thì lấy
gì bảo đảm sự chắc chắn, chi bằng sự đã qua rồi, thôi đi là hơn, vì chưa chắc
anh ngươi đã chết oan. Ngươi thử nghĩ kỹ mà xem.
Võ Tòng thưa:
– Bẩm Tướng công, tất cả đều là sự thật,
bây giờ xin tướng công cho đòi Tây Môn Khánh, Phan thị và Vương bà tới đây, lấy
lý mà tra hỏi thì tự khắc rõ sự thật. Nếu có điều gì gian trá tiểu nhân xin
hoàn toàn chịu tội.
Tri huyện bảo:
– Được rồi, ngươi cứ đứng dậy đi, để
ta tính.
Võ Tòng đứng dậy, dẫn Vận Ca về phòng
mình chứ không cho ra ngoài. Trong khi đó thì đã có người đến báo tin cho Tây
Môn Khánh. Tây Môn Khánh hoảng sợ, vội lấy tiền bạc ra, gọi hai gia nhân tâm
phúc là Lai Bảo và Lai Vượng tới, dặn ban đêm đem đến tư dinh Tri huyện.
Sáng hôm sau Võ Tòng lại vào huyện đường
xin Tri huyện cho đòi Tây Môn Khánh, Phan thị và Vương bà tới tra hỏi. Tri huyện
đã nhận hối lộ đêm qua, bèn bảo:
– Võ Đô đầu à, ngươi đừng nghe lời người
ngoài mà sinh chuyện nữa, bây giờ không có gì làm bằng cớ thì sao ta có thể bắt
người tới tra hỏi được? Thánh nhân có nói, chuyện đã qua không lấy gì làm chắc,
lời nói ngoài đường thì chẳng lấy gì đáng tin, cho nên ta khuyên ngươi thôi đi
là hơn. Chẳng gì ngươi cũng là chức việc trong huyện, ngươi phải biết rằng phán
xét một vụ án mạng thì phải có thi hài kẻ xấu số, phải có dấu vết, phải có tang
vật mới xét được. Nay tất cả những thứ đó đều không có thì làm sao ta xét nổi?
Võ Tòng nói:
– Thưa vâng, nếu Tướng công không xét
giùm thì tôi cũng chẳng biết sao, nhưng nỗi oan cừu của anh tôi thì nhất định
phải có ngày sáng tỏ.
Nói xong nhận lá đơn lại, trở ra cho Vận
Ca về nhà, rồi ngửa mặt lên trời ứa lệ than thở, sau đó lại nghiến răng nguyền
rủa loài gian phu dâm phụ, rồi lòng giận bốc lên, đi thẳng tới tiệm dược phẩm,
định tìm Tây Môn Khánh mà đánh. Tới nơi thấy viên quản lý Phó Nhị đang ngồi sau
quầy, bèn hầm hầm bước vào hỏi:
– Chủ ngươi có đây không?
Phó Nhị nhận ra Võ Tòng thì run sợ
nói:
– Đại quan nhân tôi không có đây, Đô đầu
cần gặp có chuyện gì không?
Võ Tòng lạnh lùng:
– Thì ngươi cứ bước ra đây cho ta hỏi
chuyện đã.
Phó Nhị rụt rè bước ra, liền bị Võ Tòng
túm ngay lấy, đập đầu vào tường mà bảo:
– Ngươi muốn sống hay muốn chết?
Phó Nhị líu cả lưỡi:
– Xin Đô đầu xét lại cho, tiểu nhân quả
không có phạm tội gì với Đô đầu, xin bớt giận.
Võ Tòng bảo:
– Nếu ngươi muốn chết thì ta cho chết,
còn nếu muốn sống thì phải nói thật. Thằng Tây Môn Khánh bây giờ đang ở đâu, nó
cưới con Phan thị được bao lâu rồi? Nếu ngươi nói cho rành rẽ thì ta tha cho,
gian dối thì đừng có trách.
Tên quản lý hoảng quá bèn nói:
– Xin Đô đầu bớt nóng, tôi là người
làm công mỗi tháng lãnh hai lạng bạc để trông coi tiệm này nên suốt ngày ở đây
nên chuyện trong nhà chủ tôi quả không biết gì. Chủ tôi thì hồi nãy có đây,
nhưng vừa mới đi rồi, nghe đâu là tới tửu lầu ở đường Sư Tử uống rượu.
Võ Tòng nghe vậy, bèn buông tên quản
lý ra rồi chạy nhanh bay tới tửu lầu ở đường Sư Tử.
Lúc đó Tây Môn Khánh quả đang ngồi uống
rượu tại tửu lầu này với một tên thư lại trong huyện là Lý Ngoại Truyện. Tên
này cực tham lam, lại là tay chân đắc lực của Tri huyện. Phàm có vụ kiện tụng
nào, hắn đều tìm cách ăn được của cả đôi bên. Chuyện gì ở ngoài hắn cũng biết,
do đó các bạn đồng sự trong huyện mới đặt cho cái hỗn danh là Lý Ngoại Truyện[37]. Nguyên hôm đó, sau khi Tri huyện trả
lại đơn cho Võ Tòng thì Lý Ngoại Truyện vội ba chân bốn cẳng tới báo cho Tây
Môn Khánh biết. Tây Môn Khánh bèn tạ ơn năm lạng bạc rồi mời ra tửu lầu uống rượu.
Đang lúc chuyện trò cao hứng, chợt Tây Môn Khánh nhìn qua cửa sổ tửu lầu thấy
Võ Tòng mặt đằng đằng sát khí, đang chạy tới, thì biết là nguy hiểm đã tới,
nhưng muốn xuống lầu mà chạy cũng không kịp, bèn vội thay áo rồi nấp vào phòng
trong.
Võ Tòng chạy xồng xộc lên lầu, chặn một
tửu bảo lại mà hỏi:
– Thằng Tây Môn Khánh đang ở đây phải
không?
Tửu bảo thật tình đáp:
– Tây Môn Đại quan nhân đang uống rượu
với một người quen ở phòng bên.
Võ Tòng quay sang đạp cửa mà vào thì
không thấy Tây Môn Khánh đâu mà chỉ có một người đang ngồi uống rượu, quay mặt
vào trong, Võ Tòng lại gần, nhận ra Lý Ngoại Truyện thì biết là chính tên này
đã tới báo tin cho Tây Môn Khánh, bất giác lửa giận bừng bừng chỉ vào mặt hắn
mà mắng:
– Thằng kia, mày giấu tên Tây Môn
Khánh ở đâu, mau nói ra không thì nát xương bây giờ.
Lý Ngoại Truyện bủn rủn cả chân tay,
không nói được tiếng nào. Võ Tòng thấy Lý Ngoại Truyện im lặng thì như lửa đổ
vào dầu, bèn co chân đạp cái bàn, bát đĩa rơi vỡ loảng xoảng. Lý Ngoại Truyện định
chạy nhưng Võ Tòng đã túm lại được mà bảo:
– Thằng chó chết này, ta hỏi sao không
nói, định chạy đi đâu vậy? Để ta coi mày có chịu nói không.
Dứt lời giáng một trái thôi sơn giữa mặt
Lý Ngoại Truyện Tên này bật ngửa ra sau ôm mặt kêu lên:
– Ôi giời ơi, đau quá, xin để tôi nói.
Tây Môn Khánh mới thay áo rồi trốn vào phía trong kia kìa. Tôi không dính dáng
gì vào chuyện này, xin Đô đầu tha cho tôi, để tôi về.
Võ Tòng bảo:
– Mày muốn về để ta cho mày về.
Nói xong nhấc bổng Lý Ngoại Truyện lên, ném qua cửa sổ tửu lầu. Lý Ngoại Truyện rơi thẳng xuống mặt đường. Võ Tòng xông vào phòng trong của tửu lầu tìm Tây Môn Khánh nhưng trong lúc Võ Tòng đánh Lý Ngoại Truyện thì Tây Môn Khánh đã theo cửa sổ phía sau, chuyền xuống mái nhà kế cận mà trốn mất.
Võ Tòng tìm kiếm một hồi không thấy
thì cho là Lý Ngoại Truyện nói láo, bèn hùng hổ chạy xuống lầu, thấy Lý Ngoại
Truyện đang rên la ngắc ngoải giữa đường, bèn sẵn cơn giận, đạp cho một đạp, Lý
Ngoại Truyện chết ngay. Có người bảo:
– Lý gia nhân đây quả không làm gì đắc
tội với Đô đầu cả sao Đô đầu lại đánh chết?
Võ Tòng đáp:
– Tôi đang tìm Tây Môn Khánh thì tên
này chọc giận tôi, che chở cho thằng Tây Môn Khánh, chúng nó là một bọn với
nhau, không đánh chết thì để làm gì.
Mọi người dần dần phân tán. Trong khi
đó cả huyện Thanh Hà náo động, dân gian bàn tán không ngớt, người thì nói là
Tây Môn Khánh trốn được, kẻ lại bảo là Tây Môn Khánh đã bị Võ Tòng đánh chết.
Chú
thích.
[32] Hoa
mai mùa xuân
[33] Cây
sáo bằng ngọc
[34] Hoa
cúc mùa thu
[35] Tuyết
Nga: con ngài tuyết.
Theo bản tiếng Anh, Tuyết Nga vốn là a
hoàn của Trần thị – vợ cả Tây Môn Khánh, được y nạp làm thiếp (Sau khi Trần thị
chết thì Nguyệt nương trở thành vợ cả). Như độc giả sẽ thấy sau này, địa vị Tuyết
Nga khá thấp kém trong gia đình Tây Môn Khánh.
A hoàn thường không tránh khỏi việc phục
vụ tình dục cho chủ, do đó, các nhân vật vốn là a hoàn (trong tác phẩm này) dù
được cất nhắc lên địa vị cao hơn, họ vẫn bộc lộ bản chất hạ tiện, xuất phát từ
ý thức kém về bản thân trong phần đời trước đó.
[36] Người
thiếp thứ năm
[37] Chuyện
riêng từng người do lời truyền miệng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét