HỒI 31.
Ai bảo phúc bất trùng lai?
Tây Môn Khánh và Kim Liên uống rượu
xong lại vào giường ngủ. Xuân Mai ngồi ngoài hành lang khâu hài, thấy Cầm Đồng
đứng thập thò ngoài xa bèn hỏi:
– Có chuyện gì không?
Cầm Đồng không đáp, lấy tay chỉ Thu
Cúc đang đội đá quỳ ngoài thềm. Xuân Mai mắng:
– Đồ ôn dịch kia, có chuyện gì thì
nói, sao lại chỉ trỏ huyên thuyên vậy.
Cầm Đồng cười bảo:
– Có Trương An muốn gặp gia gia để
thưa chuyện.
Xuân Mai bảo:
– Trương An thì Trương An chứ sao mày
phải làm ra bộ quan trọng vậy? Gia gia và Ngũ nương đang nghỉ, làm kinh động
thì mày chỉ có nước chết. Cứ bảo Trương An đứng đợi đi.
Cầm Đồng bực mình trở ra, lát sau quay
lại nói:
– Gia gia dậy chưa?
Xuân Mai gắt:
– Thằng khỉ này lạ nhỉ, làm cái gì mà
rối lên vậy, có chuyện gì quan trọng không?
Cầm Đồng đáp:
– Trương An có chuyện cần thưa gấp với
gia gia rồi còn phải trở ra ngoại thành kẻo sợ trời tối.
Xuân Mai bảo:
– Gia gia đang ngủ say ai mà dám gọi,
mày ra bảo Trương An chịu khó đợi một lúc nữa đi, nếu trễ quá thì ở lại, ngày
mai ra ngoại thành cũng được chứ gì.
Tây Môn Khánh nghe tiếng nói chuyện
bèn gọi Xuân Mai vào hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
Xuân Mai đáp:
– Cầm Đồng tới thưa là có Trương An muốn
thưa chuyện.
Tây Môn Khánh nói:
– Đưa áo đây cho ta rồi ra bảo nó đợi
ta.
Xuân Mai lấy áo. Kim Liên hỏi Tây Môn
Khánh:
– Trương An nó tới có chuyện gì vậy?
Tây Môn Khánh nói:
– Ở ngoại thành, ruộng của bà quả phụ
hộ Triệu ở ngay cạnh ruộng đất nhà mình, bà ta muốn bán với giá ba trăm lạng,
tôi trả hai trăm năm chục lạng rồi dặn Trương An tới thương lượng. Nếu bà ta chịu
bán thì mình nhập hai nơi làm một, vừa để trồng trọt, vừa cho làm nhà và hoa
viên để làm nơi nghỉ ngơi giải trí. Có lẽ mình nên thêm ít lạng nữa mà mua cho
xong.
Kim Liên bảo:
– Phải đấy, mình nên mua đi, rồi hôm
nào cho chúng tôi ra đó chơi.
Tây Môn Khánh mặc áo xỏ giầy xong, lên
đại sảnh bàn tính với Trương An. Kim Liên tới gương trang điểm xong. bước ra
ngoài định đánh Thu Cúc, Xuân Mai sai Cầm Đồng lấy roi. Kim Liên bước ra hỏi:
– Thu Cúc, ta bảo đem rượu, sao mày
dám đem rượu lạnh, nói mày thì mày cãi lại, như thế thì còn phép tắc gì nữa.
Đoạn quay lại quát:
– Cầm Đồng, mày đánh cho con tiện tỳ
này hai chục roi thật lực cho ta.
Cầm Đồng bước tới, nhưng mới đánh được
mười roi thì Bình Nhi tình cờ tới, xin cho Thu Cúc mười roi. Kim Liên bắt Thu
Cúc lạy tạ Bình Nhi rồi cho ra. Bình Nhi bảo:
– Phùng ma ma dẫn tới một đứa a hoàn
mười lăm tuổi, Nhị thư đã mua với giá bảy lạng năm tiền, thư thư tới coi chăng.
Kim Liên cùng Bình Nhi tới phòng Kiều
Nhi. Kiều Nhi đổi tên cho a hoàn mới là Hạ Hoa Nhi, giao cho phận sự hầu hạ
trong phòng.
Lại nói về Lai Bảo và Ngô Chủ quản, gặp
thời tiết viêm nhiệt, nên đi đường thật vất vả, nhiều khi đói cơm khát nước. Tới
Đông Kinh, hai người thuê phòng ở Vạn Thọ môn nghỉ ngơi. Hôm sau chở các rương
lễ vật tới đợi ở cổng phủ Thái sư. Lai Bảo dặn Ngô Chủ quản đứng ngoài coi đồ,
rồi vào gặp người giữ cổng. Người này hỏi:
– Ngài ở đâu tới?
Lai Bảo đáp:
– Tôi là gia nhân của Tây Môn Viên ngoại
ở huyện Thanh Hà tỉnh Sơn Đông, đem lễ vật tới chúc thọ lão gia.
Viên chức giữ cổng mắng ngay:
– Đồ quê mùa ngu ngốc đáng tội chết,
sao dám xưng tên tuổi của chủ ngươi tại đây? Đông Môn với Tây Môn gì? Lão gia
ta chỉ ở dưới thiên tử, cho nên vương hầu khanh tướng gì tới đây cũng chẳng bao
giờ dám xưng hô như vậy nữa là ngươi.
Trong đám gia nhân Thái sư có người nhận
ra Lai Bảo, bèn bước ra nói:
– Đây là vị coi cổng mới được phái tới
nên không nhận ra ca ca, xin ca ca đừng buồn. Ca ca muốn yết kiến lão gia, để
tôi mời Địch Quản gia.
Lai Bảo vội lấy ra một lạng bạc đưa cho
gia nhân này. Gia nhân này nhận bạc rồi tươi cười nói:
– Ca ca cũng nên làm quen với vị coi cổng
đây để lần tới anh em còn nhận được nhau.
Lai Bảo lại lấy ra một lạng nữa đưa
cho người coi cổng. Viên chức này tươi cười nhận bạc rồi bảo:
– Thôi để tôi vào gọi Địch Quản gia
cho, ca ca từ huyện Thanh Hà xa xôi tới đây, đâu để ca ca đợi lâu được. Lão gia
cũng mới ở trong cung về, hiện đang nghỉ trong hậu đường.
Nói xong le te vào trong. Lát sau cùng
Địch Quản gia đi ra. Lai Bảo vái chào, Địch Quản gia cùng đáp lễ rồi nói:
– Ngươi tới mừng lễ thọ lão gia đấy à,
thật làm phiền ngươi quá.
Lai Bảo đưa một tấm thiếp ra và một
bao gồm ba chục lạng bạc rồi nói:
– Chủ tôi cảm ơn Địch Quản gia lắm,
nhưng chẳng biết lấy gì tạ ơn, chỉ có lễ mọn này, xin nhận cho để thưởng cho
người dưới. Lần trước, trong vụ thương gia họ Vương, cũng nhờ Địch gia nhiều lắm.
Địch Quản gia nói:
– Đáng lẽ tôi không dám nhận lễ này,
nhưng thôi tôi xin nhận để đáp lại tấm lòng của Tây Môn quan nhân.
Lai Bảo đưa tấm thiếp ghi những lễ vật
chúc thọ. Địch Quản gia xem xong mừng lắm, trả lại tấm thiếp rồi sai người mang
mấy rương lễ vật vào, đồng thời mời Lai Bảo vào phòng khách tạm tại nhị môn uống
trà chờ đợi. Lát sau Địch Quản gia mời Thái sư ra sảnh đường, rồi dẫn Lai Bảo
và Ngô Chủ quản vào quỳ trước thềm yết kiến. Lai Bảo chào mừng xong, đưa tấm
thiếp ghi các lễ vật lên. Địch Quản gia chuyển tấm thiếp cho Thái sư. Gia nhân
khiêng các rương lễ vật để giữa sảnh đường, Lai Bảo rón rén bước lên mở các nắp
rương ra. Thái sư đọc xong tấm thiếp rồi nhìn qua các rương lễ vật, trong lòng
hoan hỉ vô cùng, bèn bảo:
– Lễ vật nhiều quá như thế này, làm sao ta dám nhận, các ngươi nên đem về là hơn.
Lai Bảo hoảng quá rập đầu thưa:
– Chủ tôi là Tây Môn Khánh cũng biết
là lễ này quá nhỏ, nhưng chỉ xin Thái sư nhận giùm để thưởng cho người dưới mà
thôi.
Thái sư cười:
– Nếu vậy thì được.
Bèn truyền cho tả hữu đem lễ vật vào
trong, sau đó bảo:
– Vụ thương gia họ Vương lúc trước, ta
đã dàn xếp xong xuôi, lại sai người viết thư báo cho chủ ngươi, chẳng hay đã nhận
được chưa?
Lai Bảo thưa:
– Mông ân[63] Thái sư, chủ tôi đã nhận được rồi,
các thương gia trong nhóm họ Vương cũng được thả hết rồi.
Thái sư trầm ngâm một lúc rồi bảo:
– Ta được chủ ngươi đối đãi thật chu
đáo, muốn đền ơn nhưng chẳng biết phải làm sao. Chủ ngươi tuy giàu có nhưng đã
có chút danh phận quan gì chưa?
Lai Bảo thưa:
– Chủ tôi tuy vậy mà chỉ là thường
dân, có quan tước danh phận gì đâu.
Thái sư bảo:
– Nếu vậy thì để ta bổ chủ ngươi vào
chức Lý hình Phó Thiên hộ, điền khuyết vào chỗ của Hạ Thiên hộ trong sở Đề hình
tỉnh Sơn Đông. Như vậy được chăng?
Lai Bảo rập đầu thưa:
– Ơn lão gia như trời biển, chủ tớ
chúng tôi có thịt nát xương tan cũng không báo đáp được.
Thái sư sai tả hữu đem án thư ra, tìm
công văn về việc thăng bổ, đề tên Tây Môn Khánh vào rồi bảo:
– Vậy là xong, các ngươi chẳng quản đường
sá xa xôi tới đây thật nhọc nhằn quá, mà người quỳ sau ngươi là ai vậy?
Lai Bảo thưa:
– Đó là viên Kế toán trong nhà.
Ngô chủ quản vội rập đầu nói:
– Tôi là cậu Tây Môn Khánh, tên là Ngô
Điển Ân.
Thái sư ngẫm nghĩ rồi bảo:
– Ngươi đã là cậu của Tây Môn Khánh
thì để ta cho ngươi làm chức Dịch thừa tại Sơn Đông, được chăng?
Ngô Chủ quản lạy tạ như tế sao. Thái
sư lại lấy giấy ra viết tên Ngô Điển Ân, đoạn nói:
– Còn Lai Bảo thì ta cho làm chức Hiệu
úy phủ Vận Vương tại Sơn Đông.
Lai Bảo rập đầu lạy tạ. Thái sư bảo:
– Sáng mai hai ngươi, một tới Lại bộ,
một tới Binh bộ lãnh giấy bổ nhậm.
Đoạn quay bảo Địch quản gia:
– Cho dọn tiệc đãi hai người này.
Lai Bảo và Ngô Chủ quản theo Địch Quản
gia vào trong uống rượu, lúc ra về còn được Thái sư thưởng cho mười lạng bạc
làm lộ phí.
Thế mới biết lúc triều chính suy vong
kỷ cương rối loạn thì quan tham nhũng lại đầy đất mặc sức lộng hành. Bốn tên đại
gian thần tại triều là Cao, Dương, Đồng, Thái kéo bè kết đảng mua quan bán tước,
tự tiện thăng giáng. Người hiền lương thì bị diệt trừ. Hóa cho nên thiên hạ đảo
điên, muôn dân cùng khốn.
Thật là:
Gian nịnh nếu không đường tác quái,
Thì sao dân chúng phải điêu linh.
Lại nói Địch Quản gia mời Lai Bảo và
Ngô Chủ quản vào căn phòng phía Tây dọn tiệc thết đãi. Ba người nâng chung trò
chuyện. Địch Quản gia nói:
– Ta có việc này nhờ chủ ngươi, chẳng
hay chủ ngươi có sẵn lòng giúp cho chăng?
Lai Bảo nói:
– Địch gia gia sao lại dạy vậy? Chủ
tôi được Thái sư hết lòng che chở, được Địch gia hết lòng giúp đỡ, nay có chuyện
gì xin cứ dạy, lẽ nào chủ tôi dám từ nan.
Địch quản gia nói:
– Chẳng nói giấu gì hai ngươi, ta ở
đây được Thái sư tin cậy nên chỉ một mình mà lo mọi việc, nay đã gần bốn mươi
tuổi rồi mà bên mình không có người bầu bạn. Nay nhờ chủ ngươi và các ngươi coi
ở Sơn Đông có thiếu nữ nào tài sắc, tuổi chừng mười lăm mười sáu thì đưa lên
đây cho ta. Cần tốn kém bao nhiêu, ta xin chu toàn hết.
Nói xong đưa một bức thư viết sẵn cho
Lai Bảo, lại thưởng thêm cho hai người năm lạng bạc. Lai Bảo nhất định không nhận
nói:
– Hồi nãy lão gia đã cho mười lạng làm
lộ phí rồi, xin Địch gia đừng bận tâm nữa.
Địch Quản gia bảo:
– Mười lạng đó là của lão gia, năm lạng
này là của ta, xin đừng từ chối.
Lai Bảo bất đắc dĩ phải nhận. Ba người
này tiếp tục ăn uống. Lát sau Địch Quản gia nói:
– Bây giờ hai ngươi cũng là người có
chức phận rồi, để ta sai một Biện sự quan cùng hai ngươi tới hai bộ Lại, Binh
lãnh giấy tờ bổ nhậm cho khỏi bị làm khó dễ, khỏi mất công đi lại. Có người
trong phủ này đi theo thì hai bộ đó không dám chậm trễ giấy tờ đâu.
Nói xong sai một Biện sự quan tới, người
này tên là Lý Trung Hữu. Địch Quản gia bảo Lý Trung Hữu:
– Ngày mai đi cùng với nhị vị đây tới
bộ Lại, bộ Binh lo giấy tờ bổ nhiệm, sau đó thì về cho tôi biết.
Ngô Chủ quản và Lai Bảo đứng dậy vái
chào. Lai Bảo đưa cho viên chức này ba lạng bạc, hẹn ngày mai tới bộ Lại trước
rồi tới bộ Binh sau. Lý Trung Hữu cảm tạ lui ra.
Hai người ăn uống một hồi rồi cáo từ Địch
Quản gia, về nhà trọ nghỉ.
Sáng sớm hôm sau, Lý Trung Hữu tới nơi
hẹn dẫn Ngô chủ quản và Lai Bảo tới các bộ. Nhân viên trong các bộ thấy có người
trong phủ Thái sư tới thì vội lo giấy tờ, không dám chậm trễ. Chu Thái úy trong
Kim Ngô Vệ lo xong thì viết thiếp để Lý Trung Hữu về trình lại Địch quản gia.
Chỉ hai hôm sau là mọi chuyện xong
xuôi, Ngô chủ quản và Lai Bảo vượt đường về huyện Thanh Hà.
***
Thời tiết ngày càng nóng nực, Tây Môn
Khánh suốt ngày hóng mát tại Tụ Cảnh Đường trong hoa viên, uống rượu tránh nắng.
Nguyệt nương cùng đám tiểu thiếp và Đại thư thường ở quanh trò chuyện vui chơi.
Xuân Mai, Lan Hương, Nghênh Xuân và Ngọc Tiêu ngồi bên đàn hát mua vui.
Một hôm, giữa cảnh lá hoa xinh đẹp, mọi
người ngồi uống rượu nghe hát, Nguyệt nương không thấy Bình Nhi bèn hỏi a hoàn
Tú Xuân:
– Nương nương ngươi ở trong phòng làm
gì vậy?
Tú Xuân đáp:
– Nương nương tôi thấy đau bụng nên nằm
nghỉ tại phòng.
Nguyệt nương bảo:
– Vào xem nương nương ngươi bớt chưa,
nếu bớt rồi thì mời ra đây uống rượu nghe hát cho vui, đừng nằm mãi cho mụ người
ra.
Tây Môn Khánh quay lại hỏi:
– Chuyện gì vậy?
Nguyệt nương đáp:
– Lục nương đau bụng nằm tại phòng,
tôi vừa sai a hoàn vào xem bớt chưa thì mời ra đây.
Đoạn quay lại bảo Ngọc Lâu:
– Lục nương không biết đã tới ngày
chưa mà đau bụng vậy.
Kim Liên bảo:
– Đâu mau vậy, ít ra là phải tháng tám
chứ.
Tây Môn Khánh bảo:
– Nếu chưa thì mời ra đây nghe hát cho
vui là phải.
Lát sau Bình Nhi ra tới. Nguyệt nương
bảo:
– Có lẽ muội muội gặp gió đấy, vào đây
uống chung rượu nóng cho ấm bụng là hết đau liền chứ gì.
Mọi người quây quần rót rượu mời nhau.
Tây Môn Khánh bảo Xuân Mai:
– Bọn ngươi hát bài “Nhân giai úy hạ
nhật” ta nghe thử, hồi này ngày hè nóng nực quá, ai cũng sợ hết.
Trong khi bọn Xuân Mai hát thì chỉ thấy
Bình Nhi nhăn nhó vì đau bụng, bài chưa hết đã phải xin phép về phòng. Nguyệt
nương sai Tiểu Ngọc đi theo. Lát sau Tiểu Ngọc hớt hải chạy ra nói:
– Nguy lắm, Lục nương đau bụng dữ dội,
đang lăn lộn trên giường.
Nguyệt nương hoảng hốt bảo:
– Tôi đã nói là tới tháng rồi, mọi người
cứ bảo sớm, bây giờ phải sai gia nhân mời Lý bà tới gấp, mời cả bà đỡ ngay.
Tây Môn Khánh sai Bình An đi tức thì,
rồi cùng mọi người bỏ cả tiệc rượu, kéo tới phòng Bình Nhi.
Nguyệt nương hỏi:
– Muội muội thấy trong người thế nào?
Bình Nhi đáp:
– Đại nương ơi, đau không chịu nổi.
Nguyệt nương bảo:
– Muội muội chịu khó ngồi dậy đi, tôi
đã cho mời bà đỡ, tới bây giờ đó.
Lát sau, Bình Nhi càng đau bụng thêm,
Nguyệt nương lại hỏi:
– Đứa nào mời bà đỡ mà sao giờ này
chưa thấy tới?
Đại An thưa:
– Gia gia sai Bình An đi từ nãy rồi.
Nguyệt nương gắt:
– Mày có đi đón mau không? Chuyện gấp
rút như thế này mà cứ ngồi đây chờ hay sao?
Tây Môn Khánh vội sai Đại An cưỡi ngựa
đi ngay. Kim Liên biết Bình Nhi sắp sinh con thì trong lòng ghen tức lắm, đứng
một lúc rồi kéo Ngọc Lâu ra ngoài hóng mát. Kim Liên cười khẩy:
– Sinh đẻ là chuyện thường mà gia gia
và Đại nương cứ cuống cả lên, làm cho cả nhà náo loạn.
Lát sau Thái lão nương tới, bước vào
phòng hỏi:
– Vị nào là nãi nãi gia chủ?
Kiều Nhi chỉ Nguyệt nương bảo:
– Đại nương chúng tôi đây.
Thái lão nương vội bước tới cúi lạy.
Nguyệt nương bảo:
– Chuyện sinh nở mà cho mời lão, sao
giờ này mới tới? Lão coi giùm nương nương đây xem có phải là tới lúc mãn nguyệt
khai hoa không.
Thái lão nương bước tới giường, thăm bụng
Bình Nhi rồi nói:
– Đúng rồi, Đại nương đã cho chuẩn bị
đầy đủ các thứ chưa.
Nguyệt nương đáp:
– Đầy đủ cả rồi.
Đoạn quay bảo Tiểu Ngọc:
– Ngươi vào phòng ta đem hết các thứ
đã chuẩn bị sẵn tới đây.
Bên ngoài, Ngọc Lâu thấy bà đỡ vào thì
bảo Kim Liên:
– Mình vào trong xem sao.
Kim Liên nói:
– Tôi không vào đâu, thư thư muốn vào
thì vào. Người ta bây giờ có con rồi, người ta có thời vận, mình vào làm gì. Hồi
nãy tôi lỡ lời bảo là đến tháng tám Lục thư thư mới chuyển bụng, xem ra Đại
nương có vẻ khó chịu, cho nên bây giờ tôi cũng chẳng vào làm gì.
Ngọc Lâu bảo:
– Tôi thì tôi nghĩ là đúng ngày đúng
tháng đấy.
Kim Liên nói:
– Người ta thật may mắn, tháng tám năm
ngoái mới về nhà này, lại là người mới nhất, vậy mà được gia gia gần gũi ra sao
không biết, chỉ mới sau một tháng đã mang thai. Tôi thì tôi nghĩ là nếu quả đứa
nhỏ là con gia gia thì không thể sinh sớm như thế này.
Đang nói thì thấy Tiểu Ngọc lễ mễ ôm đồ
đạc tới. Ngọc Lâu nói:
– Những đồ đạc đó là do Đại nương chuẩn
bị từ trước đó, để lúc nào cần kíp là có ngay.
Kim Liên bảo:
– Là vợ nhỏ mà có con thì được vợ lớn
lo lắng như thế đấy, còn chúng mình đây thì như gà mái không trứng, ai người ta
thèm đoái hoài.
Ngọc Lâu hơi khó chịu bảo:
– Sao thư thư lại nói thế.
Kim Liên hơi ngượng nên im lặng. Bỗng
thấy Tuyết Nga từ xa tất tả bước tới, vì tối không rõ đường, vấp phải dây cỏ dưới
đất mà ngã. Kim Liên cười, bảo Ngọc Lâu:
– Thư thư thấy con đó thối không, cứ
làm như là lo lắng cho Lục thư thư lắm.
Đoạn nói to bảo Tuyết Nga:
– Từ từ thôi, việc gì phải vội quá vậy,
ngã đau có phải khổ thân không?
Tuyết Nga không nói gì, lồm cồm đứng dậy
bước vào phòng Bình Nhi.
Lát sau thì trong phòng vang lên tiếng
khóc hài nhi. Kim Liên nghe đau nhói trong lòng. Trong khi đó, tiếng bà đỡ bô
bô:
– Mau báo tin mừng cho Đại gia, Đại
nương hay đi, nương nương đây hạ sinh một vị ca nhi kháu khỉnh lắm.
Nguyệt nương vội báo cho Tây Môn
Khánh, rồi hai vợ chồng tất tả lên nhà trên rửa tay, khăn áo chỉnh tề, làm lễ tạ
ơn trời đất và tổ tiên.
Cả nhà nghe tin Bình Nhi sinh con trai
thì vui mừng náo loạn, đám gia nhân a hoàn thì hoa chân múa tay reo cười. Kim
Liên thấy vậy lại càng ghen tức đau khổ, bỏ về phòng, đóng cửa lên giường nằm
khóc. Hôm đó là ngày hai mươi ba tháng sáu năm Mậu Thân Tuyên Hòa thứ tư.
Thái lão nương rửa tay rồi cho Bình
Nhi uống thuốc định thần. Nguyệt nương lễ bái xong, cho mời Thái lão nương vào
dùng rượu thịt. Lúc ra về, Thái Lão nương được Tây Môn Khánh thưởng năm lạng bạc
và một xấp lụa. Thái Lão nương rập đầu cảm tạ rồi thu xếp đồ đạc ra về. Tây Môn
Khánh vào phòng Bình Nhi, bước tới giường, thấy hài nhi trắng trẻo khôi ngô thì
vui mừng lắm, cho lệnh dọn tiệc ngay phòng ngoài, vừa uống rượu, vừa thỉnh thoảng
chạy vào ngắm hài nhi. Hôm sau, Tây Môn Khánh sai gia nhân báo tin mừng cho khắp
bạn bè thân thích. Ứng Bá Tước và Tạ Hy Đại vội ba chân bốn cẳng tới mừng. Tây
Môn Khánh mời ở lại uống rượu rồi mới cho về. Sau đó Nguyệt nương định sai người
đi tìm vú em, nhưng Tiết tẩu đã dẫn một người đàn bà sạch sẽ tới, nói là người
này có con nhỏ hơn một tháng thì chết, chồng lại đi lính phương xa, hiện không
nơi nương tựa, đem tới bán với giá sáu lạng. Nguyệt nương mừng lắm. Trong nhà
đang náo loạn vì tin mừng thì Bình An vào báo là Lai Bảo và Ngô Chủ quản về tới.
Tây Môn Khánh cho gọi vào hỏi chuyện. Lai Bảo hổn hển kể lại đầu đuôi, rồi đưa
giấy tờ ấn tín lên bàn. Tây Môn Khánh đọc giấy tờ bổ nhậm và xem các ấn tín thì
thấy quả là mình được phong chức Phó Thiên hộ tại sở Đề hình, Lai Bảo được làm
Hiệu úy tay phủ Vận Vương, Ngô Chủ quản được làm Dịch thừa tại huyện, bèn mừng
quýnh mang tất cả vào trong cho Nguyệt nương và mọi người coi rồi bảo:
– Thái sư đỡ đầu, cho ta làm chức Phó Thiên hộ liệt vào hàng ngũ phẩm Đại phu, vậy là nàng trở thành phu nhân. Ngô Chủ quản cũng được làm Dịch thừa tại huyện, Lai Bảo thì làm Hiệu úy tại phủ Vận Vương. Bây giờ mới thấy Ngô Thần Tiên coi tướng quả là hay, sinh quý tử và được làm quan, cả hai việc mới trong vòng nửa tháng đã linh nghiệm. Bình Nhi sinh con trai đúng dịp này là quý lắm, nên gọi tên con là Tố Quan ca nhi.
Dứt lời thì thấy Lai Bảo vào lạy chào,
cùng Nguyệt nương trò chuyện, rồi tới Ngô Chủ quản. Thôi thì tin vui dồn dập,
chuyện mừng không dứt, cả nhà chẳng ai thiết ăn thiết ngủ nữa.
Chỉ trong vòng hôm sau, cả huyện Thanh
Hà đều đồn ào lên vì tin Tây Môn Khánh vừa có con trai, vừa được làm quan, gia
nhân trong nhà cũng hai người có chức phận tại huyện. Thân bằng quyến thuộc nhà
Tây Môn kéo nhau tới chúc mừng và tặng lễ vật, nườm nượp ra vào không dứt.
Chú
thích.
[63] Chịu
ơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét