HỒI 30.
Cả nhà xem tướng
Hôm sau, Kim Liên đem hộp kim chỉ và đồ
khâu ra hiên Phỉ Thúy để may một đôi hài. Vừa vẽ trên lụa để cắt, Kim Liên vừa
bảo Xuân Mai mời Bình Nhi tới. Bình Nhi tới, thấy Kim Liên đang lúi húi vẽ kiểu
thì hỏi:
– Thư thư định may gì vậy?
Kim Liên ngẩng lên cười đáp:
– Đang tính làm một đôi hài bằng lụa hồng,
mũi hài thêu hình “Anh Vũ trích đào”.
Bình Nhi bảo:
– Tôi cũng có ít gấm hồng, để tôi cũng
làm một đôi, ngồi đây làm chung với thư thư cho vui.
Nói xong sai a hoàn về phòng đem gấm
và hộp kim chỉ tới. Kim Liên vẽ kiểu xong, đứng dậy bảo:
– Thư thư cứ ngồi vẽ kiểu đi, để tôi
vào gọi Tam thư thư ra đây cùng làm cho vui. Hôm qua Tam thư thư cũng nói là muốn
làm một đôi hài.
Nói xong bước ra, Ngọc Lâu cũng đang sửa
soạn vật dụng để làm hài, thấy Kim Liên tới thì hỏi:
– Đi đâu sớm vậy?
Kim Liên đáp:
– Hôm nay tôi dậy sớm lắm, gia gia
cũng ra ngoại thành có việc rồi. Tôi rủ Bình Nhi ra hiên Phỉ Thúy làm đôi hài,
bây giờ tới rủ thư thư cùng ra đó làm cho vui. Thư thư cũng đang định làm hài
đó phải không? Định chọn màu gì vậy?
Ngọc Lâu đáp:
– Như hôm qua tôi nói đó, tôi cũng phải
làm thêm một đôi, lần này tôi định làm một đôi hài bằng đoạn màu huyền.
Kim Liên hỏi:
– Phải thêu hoa chứ gì?
Ngọc Lâu đáp:
– Tôi thì không trẻ trung như các thư
thư nên chỉ thêu hoa đứng đắn, chứ không thể xanh xanh đỏ đỏ được. Tuy nhiên
tôi sẽ viền xung quanh bằng sa màu xanh. Vậy có được không?
Kim Liên bảo:
– Vậy cũng được, thôi thư thư xếp đồ
đi, Bình Nhi đang đợi chúng mình.
Ngọc Lâu bảo:
– Thì cứ ngồi đây uống chung trà đã.
Kim Liên nói:
– Cho đem trà ra đó uống có phải hơn
không?
Ngọc Lâu dặn Lan Hương pha trà đem ra
hoa viên rồi cùng Kim Liên bước ra. Nguyệt nương ngồi trước cửa phòng nhìn ra
thấy hai người hỏi:
– Hai người đi đâu vậy?
Kim Liên cười đáp:
– Hai chúng tôi cùng Bình Nhi rủ nhau
làm hài mà mang.
Nói xong cùng Ngọc Lâu đi thẳng. Tới
nơi, ba người cùng ngồi khâu hài, trò chuyện vui vẻ. Lát sau Ngọc Lâu hỏi:
– Ngũ thư thư à, khi không tự nhiên
chúng mình lại có ý định cùng nhau làm hài một ngày thế này?
Kim Liên đáp:
– Hôm qua vì đôi hài của tôi bị thằng
gia nhân ăn cắp nên gia gia bảo tôi làm thêm một đôi nữa, mà phải là màu hồng mới
được.
Ngọc Lâu nói:
– Ờ, nói chuyện mất hài tôi mới nhớ,
cũng vì chuyện đó mà hôm qua gia gia đánh tên gia nhân ngất đi, sặc cả máu mồm
máu mũi. Mẹ nó ra đằng sau cứ chửi là con dâm phụ, con khốn nạn nào gây nên
chuyện đó, thôi thì đủ thứ. Tôi nghe mà không biết là chửi mắng ai. Sau đó tên
gia nhân vào, Đại nương mới hỏi: “Hôm qua tại sao gia gia lại đánh ngươi?” Tên gia
nhân mới nói là nó lượm được đôi hài trong vườn, rồi đổi cho Trần hiền tế lấy
cái vòng bạc, vậy mà không hiểu ai nói cho gia gia biết mà đánh nó thừa sống
thiếu chết. Nó đáp xong rồi bỏ đi tìm Trần hiền tế để đòi cái vòng.
Kim Liên hỏi:
– Đại nương không nói gì hay sao?
Ngọc Lâu đáp:
– Có chứ, Đại nương nói nhiều lắm. Nói
là gia gia làm quá, mới đây vì chuyện Lai Vượng mà khiến Huệ Liên phải chết
oan, bây giờ vì một đôi hài mà làm loạn nhà lên. Đại nương lại bảo là hài thì
mang ở chân, làm sao tên gia nhân có thể nhặt được, chắc là uống rượu say rồi
đùa nhau nên mới tuột ra được. Như vậy đã không biết xấu hổ lại còn gây chuyện
nữa.
Kim Liên sa sầm nét mặt lại bảo:
– Chuyện thằng Lai Vượng mưu cầm dao
giết chủ không đáng nói hay sao? Hôm thằng Lai Hưng tới báo tin thì có cả Tam
thư thư. Ở đó, đã nghe rõ hết. Chuyện như vậy mà không nói sao được? Không nói
để rồi gia nhân giết chủ hay sao. Gia gia đuổi thằng Lai Vượng đi xa mới là
yên. Con vợ nó nhớ thương chồng, nó muốn chết thì cho nó chết, có liên can gì tới
ai. Vậy mà người nào cũng bảo là tại tôi nên nó chết. Rồi bây giờ chuyện thằng
gia nhân bị đòn, cũng bảo là tại tôi nữa. Mọi chuyện xảy ra trong nhà này đều tại
tôi cả hay sao?
Ngọc Lâu thấy Kim Liên mặt mũi đỏ bừng
thì biết là Kim Liên đang tức giận lắm, bên bảo:
– Thư thư à, tôi với thư thư là chỗ chị
em, nên nghe được chuyện gì là tôi nói lại cho thư thư nghe. Nhưng thư thư nghe
xong thì nên để bụng, đừng nói ra làm gì.
Kim Liên im lặng.
Chiều hôm đó, Tây Môn Khánh về, Kim
Liên kể lại mọi chuyện rồi nói:
– Vợ Lai Chiêu nó chửi gia gia về vụ
con nó bị đòn đó. Nó nói gia gia đủ điều, tôi không dám nhắc lại.
Tây Môn Khánh lập tức lên phòng khách,
cho gọi vợ chồng Lai Chiêu và đứa con tới, mắng cho một trận và trục xuất ra khỏi
nhà. Nguyệt nương phải chạy ra can gián hết lời, Tây Môn Khánh mới chịu để cho
vợ chồng Lai Chiêu và đứa con ra coi sóc căn nhà của Bình Nhi ở đường Sư Tử, và
cấm từ nay không được đặt chân về nhà.
Nguyệt nương biết chuyện này cũng do
Kim Liên thì giận ghét Kim Liên lắm.
Một hôm, Tây Môn Khánh đang ngồi ở tại
phòng khách thì Bình An vào thưa:
– Chu gia ở phủ Thủ Bị có sai người
đưa một vị thầy tướng tới, tên là Ngô Thần tiên, hiện đang đứng chờ ở ngoài.
Nói xong đưa tấm thiếp của họ Chu lên,
Tây Môn Khánh xem xong bảo:
– Cho mời vào.
Ngô Thần tiên, khăn áo đạo màu xanh,
chân đi dép cỏ, tay phe phẩy quạt, phiêu diêu đi vào. Họ Ngô trạc ngoại tứ tuần,
có cốt cách thần tiên, thân như cây tùng, tiếng nói như chuông, lúc ngồi thì
như cây cung, còn khi đi thì nhẹ như gió lướt, lại giỏi thiên văn địa lý, thông
thạo khoa âm dương tướng số. Tây Môn Khánh thấy Ngô Thần tiên vào, vội bước ra
ngoài thềm nghênh tiếp. Ngô Thần tiên cũng vái dài. Hai người vào phòng khách
an tọa, gia nhân đem trà ra. Tây Môn Khánh hỏi:
– Chẳng hay tiên sinh cao danh quý
tính là gì, quý quán tại nơi nào, và làm sao quen biết với Chu đại nhân.
Ngô Thần tiên nghiêng mình đáp:
– Bần đạo họ Ngô tên Thích, đạo hiệu
là Thủ Chân, nguyên quán là huyện Tiên Du tỉnh Chiết Giang, từ nhỏ đã xuất gia
theo thầy học đạo tại Tử Hư Quan ở Thiên Đài Sơn. Gần đây tôi vân du các nơi, rồi
muốn đến tìm đạo tại Đại Sơn, nên ghé ngang đây, tới chữa bệnh mắt cho phu nhân
của Chu Tướng công, rồi nhân đó Chu Tướng công giới thiệu tôi tới quý phủ đây.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Chẳng hay lão tiên thông hiểu những
phái âm dương tướng pháp nào?
Ngô Thần tiên đáp:
– Bần đạo tinh thông về Ma y tướng
pháp và Lục Nhâm thần khóa, lại thường cho thuốc cứu người, nhưng không màng tiền
bạc thế gian.
Tây Môn Khánh lấy làm kính trọng lắm,
nói:
– Như vậy mới là thần tiên.
Đoạn quay lại sai gia nhân dọn bàn đãi
tiệc chay.
Ngô Thần tiên bảo:
– Bần đạo chưa đoán được câu gì, đâu
dám nhận tiệc chay.
Tây Môn Khánh cười:
– Lão tiên từ xa tới đây, bổn phận
chúng tôi là phải thiết đãi, thỉnh lão tiên dùng qua rồi coi cho tôi sau cũng
không muộn.
Nói xong mời Ngô Thần tiên sang bàn tiệc
chay, tự mình ngồi thù tiếp. Lát sau, mời qua bàn trên dùng trà, rồi bảo gia
nhân đem bút nghiên ra. Ngô Thần tiên bảo:
– Bây giờ, xin đại nhân cho biết ngày
sinh tháng đẻ, rồi sau đó tôi sẽ xin coi tướng.
Tây Môn Khánh viết ra giấy, Ngô Thần
tiên xem xong, tính toán một hồi rồi nói:
– Quan nhân đây tuổi Mậu Dần, sinh vào
giờ Bính Ngọ, ngày Nhâm Ngọ, tháng Tân Dậu, như vậy là có Thượng quan cách,
sách dạy rằng “Thượng quan cách tận phục sinh tài, Tài vương sinh quan phúc
chuyển lai”, theo bần đạo thì mệnh của quan nhân đây vượng lắm, không quý thì
cũng vinh, sau này tất nắm giữ quyền chức lớn lao, một đời vinh hoa phú quý,
sau này lại sinh quý tử nữa. Quan nhân là người giỏi giang, tính tình ôn hòa mà
cương trực, lúc vui thì ôn hòa như gió xuân, nhưng lúc giận thì ầm ầm như sấm
sét, nhiều vợ nhiều của, lúc chết thì có hai con trai đưa đám. Năm nay là năm
Đinh Mùi, Đinh Nhâm tương hợp, nhất định là có chuyện mừng thăng quan tiến lộc,
lại có Hồng loan Thiên Hỷ, tất có tin mừng, chỉ vào khoảng tháng bảy là thấy,
nhưng trong đời thế nào cũng có một lần gặp tai họa lớn và bệnh tật nguy hiểm.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Trong năm nay thì như thế nào?
Ngô Thần tiên nói:
– Năm nay thì trong nhà có chuyện buồn
bực, nhưng chưa phải là tai ách.
Tây Môn Khánh lại hỏi:
– Còn mệnh thì thế nào?
Ngô Thần tiên đáp:
– Vững như bàn thạch.
Tây Môn Khánh mừng lắm, lại bảo:
– Lão tiên thấy tướng tôi thế nào?
Ngô Thần tiên bảo:
– Xin quan nhân ngồi thẳng, day mặt[61] thẳng về tôi đây.
Tây Môn Khánh ngồi ngay ngắn lại, xoay
mặt thẳng về Ngô Thần tiên. Ngô Thần tiên nhìn một lúc rồi nói:
– Sách tướng dạy rằng hữu tâm vô tướng
thì tướng trục tâm sinh, mà hữu tướng vô tâm thì tướng tùy tâm vãng. Tôi coi tướng
quan nhân, đầu tròn cổ ngắn, tức là người có phúc. Thể chất tráng kiện thì đúng
là tướng anh hào. Thiên đình cao vút thì hưởng lộc suốt đời. Đó là những điểm tốt,
nhưng cũng có vài điểm xấu bần đạo không dám nói.
Tây Môn Khánh bảo:
– Xin lão tiên cứ nói, không hại gì cả.
Ngô Thần tiên bảo:
– Xin quan nhân đi vài bước cho tôi
coi.
Tây Môn Khánh đứng dậy đi mấy bước rồi
trở lại ngồi xuống. Ngô Thần tiên bảo:
– Tướng quan nhân thế này là nhiều vợ,
mà lại xung khắc với vợ, nhưng cũng phải như vậy thì mới tốt, không hại đến
thân. Ít nhất quan nhân cũng qua một đời vợ rồi, rõ là tướng sát thê.
Tây Môn Khánh gật đầu:
– Quả đã có một đời vợ trước rồi.
Ngô Thần tiên bảo:
– Xin quan nhân cho tôi coi tay.
Tây Môn Khánh chìa tay ra. Ngô Thần
tiên coi một lát bảo:
– Sướng khổ trí ngu là ở lòng bàn tay.
Bàn tay của quan nhân là bàn tay của người có lộc. Nhưng đôi mắt thư hùng thì lại
cho thấy là tính tình gian trá. Xét gần thì chỉ ít ngày nữa là có tin gia tăng
phú quý, còn hồng sắc ở chỗ tam dương thì cho thấy chỉ nội năm nay sinh quý tử.
Còn điều này nữa, tôi cũng xin nói luôn, đó là quan nhân cũng tham lam vinh hoa
lắm lắm.
Nói xong thì ngâm:
“Bình sinh sướng khổ là do mệnh,
Tướng số cơ trời khó nói ra.”
Tây Môn Khánh nói:
– Xin lão tiên coi giùm luôn cho cả tiện
nội.
Đoạn quay lại bảo gia nhân:
– Vào mời Đại nương ra đây.
Lát sau, Nguyệt nương bước ra, có đủ cả
mấy người thiếp đi theo, nhưng lại núp sau bình phong mà nghe. Ngô Thần tiên thấy
Nguyệt nương ra thì vội đứng dậy vái chào. Tây Môn Khánh mời ngồi để coi tướng,
nhưng Ngô Thần tiên xin được đứng. Coi một hồi rồi nói:
– Đại nương đây mặt như vầng trăng thì
gia đạo được hưng long. Môi như sen hồng thì tiền bạc trong nhà được phong phú,
mà lại có con trai. Tiếng nói trong thì ích phu phát lộc. Xin Đại nương cho tôi
được coi tay.
Nguyệt nương rụt rè chìa tay ra, Ngô
Thần tiên coi một lát thì nói:
– Bàn tay như gừng khô tức là người giỏi
quán xuyến gia đình, đó là những điều tốt, còn những điều xấu, xin đừng chê là
bần đạo nói thẳng.
Tây Môn Khánh bảo:
– Xin tiên trưởng cứ dạy.
Ngô Thần tiên nói:
– Tướng này nếu không có tật thì phải
sát phu.
Đoạn đọc mấy câu thơ:
“Dung mạo trông đoan chính mọi phần,
Dáng đi chậm rãi, nhẹ đôi chân,
Nhẹ nhàng tiết độ trong lời nhân,
Thật đúng nghi dung vợ quý nhân.”
Ngô Thần tiên đọc xong, Nguyệt nương
lui vào, Tây Môn Khánh nói:
– Hãy còn một đám tiểu thiếp, xin tiên
trưởng vui lòng coi sơ qua chút đỉnh.
Kiều Nhi nghe vậy bước ra. Ngô Thần
tiên nhìn một lúc rồi nói:
– Nương nương đây trán nhọn mũi nhỏ, nếu
không làm trắc thất thì cũng phải ba đời chồng. Thân mập thịt nhiều tức là dư
ăn dư mặc mà được hưởng yên ổn suốt đời. Xin đi thử vài bước.
Kiều Nhi bước mấy bước rồi đứng lại.
Ngô Thần tiên nói:
– Tướng đi như rắn, tức là tuổi nhỏ gặp
lắm phong trần, nếu không phải thuộc hàng ca xướng thì cũng đã từng là một a
hoàn.
Tây Môn Khánh khen đúng rồi bảo Kiều
Nhi vào. Nguyệt nương đứng trong bảo Ngọc Lâu:
– Nên ra coi thử xem sao.
Ngọc Lâu bước ra, Ngô Thần tiên coi một
lát rồi bảo:
– Nương nương đây có tiền bạc, sức khỏe
tốt, ít bệnh tật, sau này vinh hoa phú quý, tới già cũng không có tai họa gì.
Xin nương nương bước thử vài bước.
Ngọc Lâu bước mấy bước rồi đứng lại,
Ngô Thần Tiên bảo:
– Miệng như chữ “Tứ” là có tinh thần
thanh cao, tính tình ôn nhu hồn hậu, sau này dồi dào tài lộc, nhưng ít nhất
cũng ba đời chồng.
Ngọc Lâu lui vào, Kim Liên bước ra,
nhưng không hiểu sao lại mỉm cười quay vào, Nguyệt nương giục:
– Việc gì mà ngại, ra thử coi.
Giục hai ba lần, Kim Liên mới bước ra hẳn.
Ngô Thần tiên ngẩng đầu coi tướng rồi nói ngay:
– Nương nương đây tóc dài mà rậm, mắt
nhìn ngang là tướng đa dâm, trán có hắc khí tức là tướng sát phu, nhân trung ngắn
là tướng chết yểu.
Nói xong đọc mấy câu thơ:
“Cử chỉ xem qua biết tính dâm.
Mắt nhìn ngang dọc phá nhân luân.
Nhà cao cửa rộng nhưng không thọ,
Nhan sắc xinh tươi ngó chắc lầm.”
Kim Liên nghe xong tức giận quay vào.
Tây Môn Khánh gọi Bình Nhi ra. Ngô Thần tiên nhìn một lúc rồi nói:
– Nương nương đây da mịn mà trắng, đó
là tướng phú quý, dung mạo đoan trang là người có đức, vai tròn là sinh quý tử,
mắt nhìn như say là được chồng yêu, nhưng lại hay bệnh tật. Tuy nhiên, năm Dậu
năm Tuất là phải cẩn thận lắm. Nói tổng quát thì mặt tươi như hoa sáng như
trăng là tướng phú quý.
Bình Nhi trở vào. Nguyệt nương giục
Tuyết Nga ra. Ngô Thần tiên ngó kỹ rồi nói:
– Nương nương này tuy đẹp đẽ nhưng tướng
tầm thường, lại là người lãnh đạm vô tình, có cơ mưu, ngoài ra còn phải bốn điều
kỵ, cái môi thế kia là tướng nghèo hèn, cái tai thế kia là hành động vô luân,
cái mắt thế kia là không có thần, cái mũi thế kia là tính tình bất chánh.
Đoạn đọc mấy câu thơ:
“Lưng ong mình dẹp ấy bần nhân,
Xảo trá nhìn trong ánh mắt gần,
Thường thấy bâng khuâng như tính toán,
Không làm tỳ thiếp ắt phong trần.”
Tuyết Nga vào, Nguyệt nương giục Tây
Môn Đại thư ra. Ngô Thần tiên coi một lúc rồi nói:
– Tiểu thư đây có tướng tàn phá cơ
nghiệp gia đình, tiếng nói như xé lụa thì gia tư tất sẽ tiêu tán, mệnh cũng
không thọ. Lớn nhỏ được nhờ cha mẹ, nhưng lớn lên thì làm hại nhà chồng.
Đại thư buồn rầu quay vào. Nguyệt
nương lại bảo Xuân Mai ra. Xuân Mai ăn mặc đẹp đẽ, bước ra vái chào. Ngô Thần
tiên coi một lúc rồi bảo:
– Cô nương đây ngũ quan đoan chính cốt
cách thanh kỳ, tóc nhỏ mày rậm nhưng mắt tròn trán thấp là người nóng nảy, nhưng
gặp chồng quý, sinh con quý. Dáng đi như tiên bay, tiếng nói trong trẻo là tướng
ích phu đắc lộc. Nhưng mắt to mắt nhỏ là xung khắc với cha mẹ.
Đám đàn bà con gái coi tướng sơ qua xong, nói với nhau là Ngô Thần tiên quả là tay thần tướng.[62]
Tây Môn Khánh sai gói năm lạng bạc để
tạ ơn, lại thưởng cho gia nhân của phủ Thủ Bị năm tiền, đồng thời viết thiếp
sang cảm ơn. Ngô Thần tiên mấy lần từ chối, nói:
– Bần đạo vân du bốn phương, ăn trong
gió ngủ trong sương, đâu cần tới vật này, cho nên không cần thì không dám nhận.
Tây Môn Khánh kính phục lắm, lấy ra một
xấp vải mà bảo:
– Nếu vậy thì tiên trưởng nhận xấp vải
này để may áo mặc được chăng?
Ngô Thần tiên nhận vải rồi cảm ơn,
cùng tiểu đồng quay ra. Tây Môn Khánh thân tiễn tới cổng. Trở vào phòng khách,
Tây Môn Khánh hỏi mọi người về vụ xem tướng vừa rồi. Nguyệt nương nói:
– Phần lớn đều đúng, nhưng có ba người
chắc là sai.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Những ai vậy?
Nguyệt nương đáp:
– Bảo Lục nương có bệnh là sai, bảo đại
thư nhà mình gặp tai ách là sai, làm gì mà có thể gặp tai ách được, rồi lại bảo
Xuân Mai sinh quý tử và hưởng quyền quý. Chẳng lẽ sau này chồng nó làm quan rồi
nó có mũ có ngọc mà đội hay sao? Hay là chàng thu nạp nó làm thiếp đi cho đúng
số.
Tây Môn Khánh cười bảo:
– Thì như tôi đây mà còn bảo là sắp có
tin vui bình địa đăng vân, gia quan tiến lộc nay mai, mà tôi thì làm quan sao
được. Ông ta thấy Xuân Mai và nàng đứng cạnh nhau, lại cùng ăn mặc sang trọng
thì tưởng đâu rằng Xuân Mai là con gái của ta với nàng, cho nên mới đoán là
Xuân Mai sau này gặp chồng sang, sinh con quý. Còn lạ gì xưa nay chuyện tướng số
ít khi đúng, nhưng mà do Chu đại nhân giới thiệu tới chẳng lẽ mình từ chối nên
mới bảo xem qua vài người mà thôi.
Nói xong cầm quạt phe phẩy bước ra hoa
viên. Lúc đó vào khoảng gần trưa. Tây Môn Khánh vào Tụ Cảnh Đường nghỉ ngơi,
xung quanh buông mành thúy, bên ngoài hoa cỏ xinh tươi, bóng cây râm mát, tiếng
ve sầu rỉ rả, thỉnh thoảng vài ngọn gió nhẹ đưa, hương hoa thơm ngát một vùng.
Thật là:
“Cây xanh bóng mát ngày dài,
Hồ gương in bóng lâu đài rung rinh,
Gió hè xao động nước xanh,
Tường vi một khóm bên đình đưa hương.”
Tây Môn Khánh ngồi dựa trên ghế hóng
mát, thấy Lai An và Họa Đồng ra giếng trong hoa viên lấy nước, bèn gọi:
– Một đứa lại đây ta bảo.
Lai An vội vàng chạy tới. Tây Môn
Khánh bảo:
– Chạy vào nói với Xuân Mai xem có
canh thì bảo múc cho ta một bát.
Lai An vâng lời đi ngay. Lát sau xuân
Mai tay bưng tô canh, bước tới cười hỏi:
– Gia gia đã ăn cơm chưa?
Tây Môn Khánh đáp:
– Ta ăn rồi.
Xuân Mai nói:
– Để tôi quạt canh cho nguội rồi gia
gia húp cho khỏe.
Tây Môn Khánh gật đầu, Xuân Mai để bát
canh xuống bàn, cầm cái quạt ba tiêu mà quạt, vừa quạt vừa hỏi:
– Hồi nãy gia gia và Đại nương nói
chuyện gì vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
– Nói chuyện về vụ Ông Ngô đạo sĩ xem
tướng ấy mà.
Xuân Mai nói:
– Đạo sĩ bảo là tôi có tướng phú quý,
nhưng hồi nãy tôi nghe Đại nương nói là phú quý đâu đến thứ tôi. Tôi cho vậy là
đúng, vì tục ngữ có câu “nước bể khó lường, làm sao biết tướng”, cho nên không
thể biết trước chuyện tương lai, riêng tôi suốt đời làm kẻ ăn người ở cho gia
gia mà thôi.
Tây Môn Khánh bảo:
– Đừng nói vớ vẩn, người ta cũng có số
chứ, ngươi không nghe câu “đàn ông quan tắt thì chầy, đàn bà quan tắt một ngày
nên quan” hay sao? Biết đâu ngày mai ngươi gặp người chồng vinh hoa phú quý thì
sao? Đại nương cũng làm sao mà biết được. À mà nương nương của ngươi đâu, sao
không thấy?
Xuân Mai đáp:
– Ngũ nương ở trong phòng, sai Thu Cúc
lấy nước tắm, nhưng nằm chờ trên giường rồi ngủ mất.
Tây Môn Khánh bảo:
– Để ta ăn canh xong sẽ tới đó nghỉ
trưa.
Xuân Mai đưa canh lên, Tây Môn Khánh
ăn xong, thấy người khoan khoái, rồi cùng Xuân Mai tới phòng Kim Liên, thấy Kim
Liên đang nằm ngủ trên cái giường khảm xà cừ mới mua. Nguyên Bình Nhi có một
cái giường khảm xà cừ rất đẹp, nên đòi Tây Môn Khánh bỏ ra sáu chục lạng mua một
cái như thế. Tây Môn Khánh nhẹ nhàng tới gần, Kim Liên mở mắt cười bảo:
– Đồ quỷ, người ta đang ngủ ngon thì
bước vào, làm người ta hết hồn tưởng là trộm.
Tây Môn Khánh cười:
– Ta vào thì nàng không biết, nhưng có
chàng nào vào chẳng lẽ nàng cũng không biết hay sao?
Kim Liên nói:
– Ăn nói hồ đồ vậy mà nghe được, phòng
này chỉ có chàng vào mà thôi, tôi không bao giờ cho người khác bén mảng tới.
Tây Môn Khánh không nói gì, nằm xuống
ôm Kim Liên mà ngủ. Kim Liên nằm quay mặt vào trong.
Lát sau Tây Môn Khánh xoay cho Kim
Liên quay lại với mình. Hôm trước núp sau hiên Phỉ Thúy, Kim Liên nghe được lời
khen của Tây Môn Khánh, bảo là da Bình Nhi rất trắng, do đó sợ Bình Nhi chiếm
đoạt lòng yêu của Tây Môn Khánh, bèn về phòng lấy nhị hoa mạt lỵ, hàng ngày chà
sát trên thân thể, khiến cho da dẻ thêm trắng và có hương thơm rất quyến rũ.
Tây Môn Khánh thấy toàn thân Kim Liên trắng như tuyết, hai bàn chân nhỏ lại
mang cặp hài đại hồng mới làm, thì cứ ngẩn ngơ nhìn ngắm. Kim Liên bảo:
– Da dẻ tôi đâu trắng được như Bình
Nhi mà nhìn làm gì. Người ta lại sắp sinh quý tử, chúng tôi làm sao sánh được.
Thật chúng tôi vô phúc quá.
Tây Môn Khánh lảng sang chuyện khác:
– Sao bảo là nàng đang định đi tắm?
Kim Liên hỏi lại:
– Làm sao chàng biết?
Tây Môn Khánh đáp:
– Xuân Mai nói.
Kim Liên bảo:
– Chàng có tắm không, để tôi bảo Xuân
Mai nó lo nước tắm luôn.
Tây Môn Khánh gật đầu. Kim Liên gọi Xuân Mai chuẩn bị nước tắm.
Lát sau hai người tắm xong, Kim Liên mặc quần mỏng áo ngắn trở vào giường, bảo Xuân Mai dọn hoa quả và rượu, lại gọi:
– Thu Cúc, dọn bàn ra. Xuân Mai nó đưa
rượu thì đem ra.
Lát sau, hai người ra bàn ngồi, Kim
Liên cầm bình rượu rót một chung, định đưa cho Tây Môn Khánh, nhưng thấy rượu lạnh
ngắt, liền hất ngay chung rượu vào Thu Cúc, ướt từ đầu tới chân mà quát:
– Con khốn, ra ngoài quỳ mau.
Xuân Mai bảo Thu Cúc:
– Mày thật đoảng, sao không hâm rượu
lên?
Thu Cúc ấm ức:
– Bây giờ mùa hè nóng nực, gia gia và
nương nương toàn uống rượu lạnh, ai biết là hôm nay phải hâm rượu đâu.
Kim Liên rít lên:
– Con voi dày ngựa xé kia, mày nói gì
vậy? Xuân Mai vả vào miệng nó cho ta.
Xuân Mai lườm Thu Cúc:
– Nó là đồ mặt dày, đánh chỉ thêm bẩn
tay mà thôi. Nương nương chỉ nên bảo nó đội đá mà quỳ là hơn.
Thu Cúc khóc lóc bước ra.
Xuân Mai hâm rượu đem ra. Kim Liên chuốc
rượu cho Tây Môn Khánh.
Tối hôm đó Tây Môn Khánh nghỉ lại với
Kim Liên.
Chú
thích.
[61] Quay
mặt qua trái hoặc phải
[62] Độc
giả hãy lưu ý lời xem bói của Ngô Thần tiên, đây đều là những câu báo trước số
phận của các nhân vật trong truyện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét