Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

HỒI 91. Thêm một người đi

 

Tranh Đới Đôn Bang

 

HỒI 91.

Thêm một người đi

Một hôm, nhân Tiết tẩu tới nói chuyện về Tuyết Nga cho Kính Tế nghe, Kính Tế liền nhờ Tiết tẩu tới nói với Nguyệt nương, báo trước ý định của mình.

Tiết tẩu tới gặp Nguyệt nương mà thưa:

– Cậu Kính Tế hiện gặp ai cũng nói rằng cậu đã bỏ Đại thư, không nhận làm vợ nữa, đồng thời làm đơn thưa lên quan Tuần án Tuần phủ, là lúc sinh tiền lão gia đã sang đoạt nhiều rương chứa kim ngân tiền của mà thân phụ cậu ta đã gửi lão gia lúc trước.

Nguyệt nương nghe xong, thấy nhiều chuyện tới dồn dập. Chưa hết buồn giận vì việc Tuyết Nga lấy trộm tiền bạc đồ vật, thì Lai An lại bỏ đi, rồi vợ Lai Hưng là Huệ Tú lại mới chết, vừa mới cho chôn cất xong, trong nhà còn đang ngổn ngang rối loạn. Nay nghe Tiết tẩu nói vậy, Nguyệt nương lại càng lo sợ, vội gọi kiệu cho Đại thư đến với Kính Tế, lại sai Đại An và vài gia nhân khác đem hết giường tủ rương hòm của Đại thư theo.

Kính Tế bảo:

– Những thứ này chỉ là của riêng của Đại thư lúc lấy tôi, còn rương hòm kim ngân mà tôi gửi đâu, sao không thấy đem trả?

Tiết tẩu cũng theo tới, đáp:

– Mẹ kế của vợ cậu nói rằng lúc lão gia sinh tiền, thì chỉ nhận giữ giùm những thứ này mà thôi, không biết đồ đạc rương hòm nào khác.

Kính Tế lại đòi cả a hoàn Nguyên Tiêu. Tiết tẩu và Đại An trở về thưa với Nguyệt nương:

– Cậu Kính Tế đòi cả a hoàn Nguyên Tiêu nữa.

Nguyệt nương không chịu, bảo:

– Nó là a hoàn của Kiều Nhi lúc trước, nay phải ở đây để trông coi ca nhi. Nay ta cho a hoàn Trung Thu đi mà thôi, vì con Trung Thu mua về là để hầu hạ Đại thư.

Tiết tẩu và Đại An lại tới nói với Kính Tế, Kính Tế nhất định đòi Nguyên Tiêu chứ không chịu Trung Thu. Bà mẹ là Trương bà thấy vậy phải nói với Đại An:

– Ngươi về thưa lại với Đại nương là quý phủ nhiều a hoàn đầy tớ, thì cũng chẳng nên tiếc gì một con a hoàn Nguyên Tiêu. Trông coi ca nhi thì sai người nào khác chẳng được. Con trai ta nhất định đòi thì Đại nương giữ lại làm gì.

Đại An trở về thưa lại với chủ. Nguyệt nương không biết làm sao, đành phải cho a hoàn Nguyên Tiêu đến với Kính Tế. Kính Tế mừng lắm, bảo:

– Có thế chứ, chẳng lẽ dám trái ý ta sao.

***

Lại nói về con trai của Lý Tri huyện là Lý Nha Nội, từ dịp thanh minh, được nhìn mặt Nguyệt nương và Ngọc Lâu thì đêm mơ ngày tưởng tới nhan sắc xinh tươi mặn mà của hai người, nhưng Ngọc Lâu được Nha Nội chú ý nhiều hơn.

Nguyên là Nha Nội nhân dịp gia đình có tang nên về nhà ở đã lâu. Trong thời gian đó, thường nhờ mai mối tìm cho mình người vợ, nhưng đã nhiều đám mà chẳng đám nào được Nha Nội vừa ý. Đến khi thấy nhan sắc Ngọc Lâu, trong lòng bồi hồi rung động, thập phần vừa ý, thì lại không có cách gì tới cầu thân, lại không biết là Ngọc Lâu có định lấy chồng nữa hay không.

Nhân có vụ Tuyết Nga trộm tiền bạc đồ vật, Nha Nội suốt ngày cứ quanh quẩn tại công đường, nơi cha làm việc, hy vọng là Nguyệt nương sẽ cho người tới nhận lại các thứ bị trộm. Nhưng Nguyệt nương sợ, không dám cho người tới xin lãnh về.

Nha Nội thất vọng, không biết làm sao, mới bàn với viên Lang lại Hà Bất Vi. Bất Vi đề nghị là sai một bà mối là Đào ma ma tới thẳng nhà Tây Môn Khánh cầu thân. Nha Nội cho gọi ngay Đào ma ma tới, hứa là thưởng năm lạng và nhiều đồ vật khác.

Đào ma mà hí hửng đi ngay.

Tới nơi, thấy Lai Chiêu đang đứng ở cổng, Đào ma ma tươi cười tới vái chào mà nói:

– Xin cảm phiền quản gia cho hỏi một câu. Đây có phải là phủ Tây Môn lão gia chăng?

Lai Chiêu nói:

– Lão ở đâu tới? Lão gia tôi thất lộc rồi, có chuyện gì muốn thưa chăng?

Đào ma ma đáp:

– Phiền quản gia vào bẩm lại rằng tôi là bà mai do tiểu lão gia Lý Nha Nội, con trai của Lý Tri huyện lão gia sai tới. Nghe nói là trong quý phủ có một vị tiểu phu nhân muốn bước đi bước nữa nên cung kính xin tới cầu thân.

Lai Chiêu quát:

– Này, lão bà kia đừng có ăn nói hàm hồ. Lão gia ta mất đi hơn năm nay, trong nhà chỉ còn nhị vị phu nhân thủ tiết. Người ta thường nói, gió mưa sấm chớp cũng chẳng dám tới cửa nhà quả phụ, lão nghĩ thế nào mà dám tới đây nói chuyện cầu thân. Có đi ngay không, kẻo các phu nhân trong nhà biết được thì lão không tránh được khỏi ăn đòn.

Đào ma ma cười xun xoe:

– Quản gia ơi, xin đừng vội nóng. Tôi chỉ là thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, tiểu lão gia tôi không sai bảo, làm sao tôi dám đến. Bây giờ thì dù vị tiểu phu nhân tại quý phủ đây có muốn đi bước nữa hay không thì cũng cứ phiền quản gia vào bẩm giùm cho một tiếng, như vậy tôi mới dám về thưa lại với tiểu lão gia tôi.

Nói xong đưa ra ít tiền, Lai Chiêu dịu giọng:

– Được rồi, giúp người cũng như giúp mình. Để tôi vào thưa giùm lão một tiếng vậy. Nhưng tôi cũng nói cho lão biết, là hai vị phu nhân phủ này thì một vị hiện đã có ca nhi, một vị thì không con, chẳng hiểu có vị nào muốn bước đi bước nữa hay không.

Đào ma ma cười:

– Tiểu lão gia chúng tôi nói rằng có hân hạnh chiêm ngưỡng dung nhan nhị vị phu nhân quý phủ, nhưng trong lòng thì muốn kết thân với vị phu nhân người đậm đà hơn.

Lai Chiêu quay vào thượng phòng thưa với Nguyệt nương:

– Trên huyện sai người mai tới, hiện đang đứng chờ ở ngoài.

Nguyệt nương kinh ngạc hỏi:

– Nhà này có bắn tiếng gì với bên ngoài đâu, sao người mai lại tới được?

Lai Chiêu nói:

– Tiểu lão gia con trai của Tri huyện lão gia bảo là dịp Thanh minh có gặp nhị vị nương nương ở ngoại thành, và muốn xin kết thân với vị nương nương người đậm đà.

Nguyệt nương bảo:

– Thế thì đúng là Mạnh Tam nương rồi, thật không ngờ là Tam nương lại muốn bỏ nhà này mà đi.

Thật là:

Dò sông dò biển dễ dò,

Đố ai lấy thước mà đo lòng người.

Nguyệt nương xăm xăm vào phòng Ngọc Lâu, ngồi xuống hỏi:

– Tam muội à, tôi có chuyện này muốn hỏi thẳng muội muội, hiện có người mai do Lý Nha Nội, con trai Lý Tri huyện sai tới, nói là muội muội có ý bước thêm bước nữa, có phải muội muội định như vậy thật không? Người mai nói là Lý Nha Nội có được gặp muội muội nhân dịp Thanh minh ở ngoại thành bữa nọ đó.

Nguyên là hôm Thanh minh đó, Ngọc Lâu ngồi trên lầu nhìn xuống, thấy Nha Nội tướng mạo khôi ngôi tuấn tú, cũng trạc tuổi mình, lại đeo cung cưỡi ngựa, muôn vẻ hào hùng, gia nhân đầy tớ xung quanh thập phần quý phái, thì cứ yên lặng mà nhìn, có lúc bốn mắt nhìn nhau, hai lòng dường đã có tình có ý. Nhưng Ngọc Lâu không biết là Nha Nội đã có vợ con gì chưa, rồi lại nghĩ bụng:

– Chồng mình đã chết, thân mình không biết nương tựa vào đâu, Đại nương có con trai, nay mai còn được nhờ, mình là người dưng nước lã, không máu mủ ruột thịt, rồi biết ra sao.

Lại thấy Nguyệt nương từ hồi có con trai, cách cư xử thay đổi nhiều, nên nghĩ thầm:

– Chi bằng mình nên bước thêm bước nữa, tìm người tử tế mà nương tựa chứa ở góa mãi trong nhà này làm gì cho uổng phí tuổi thanh xuân.


Đến nay nghe Nguyệt nương hỏi, biết rằng người nhờ mai mối chính là người mình đã nhìn thấy trong ngày Thanh minh ở ngoại thành, thì trong lòng vui lắm, nhưng ngượng ngùng hổ thẹn, mà chỉ đáp:

– Đại nương tin làm gì lời nói hàm hồ của người ta, tôi làm gì có ý đó.

Nói xong, bất giác hai má ửng hồng, cúi mặt xuống lúng túng.

Nguyệt nương thấy vậy bảo:

– Người nào cũng có ý nghĩ riêng, tôi không dám ngăn cản ai cả.

Đoạn quay gọi Lai Chiêu vào bảo:

– Ngươi mời người mai đó vào đây.

Lai Chiêu dẫn Đào ma ma vào, Đào ma ma vái chào cung kính. Nguyệt nương mời ngồi, gọi a hoàn đem trà ra, rồi mở lời:

– Lão bà tới đây có chuyện gì không?

Đào ma ma đáp:

– Tiểu lão gia chúng tôi nói là hôm nọ ngày Thanh minh đã có hân hạnh gặp nhị vị phu nhân, và muốn xin được kết thân với vị phu nhân người đậm đà.

Đoạn quay sang Ngọc Lâu nói tiếp:

– Thưa, chắc là vị phu nhân đây. Quả là tiểu lão gia tôi nhận xét không sai. Phu nhân là trang sắc nước hương trời, quả xứng đáng trở thành chánh thất của tiểu lão gia tôi.

Nguyệt nương im lặng. Ngọc Lâu thì cười bảo:

– Thôi, lão đừng dông dài.

Đoạn hỏi:

– Tiểu lão gia năm nay niên kỷ bao nhiêu, đã có gia thất gì chưa, có chức phận gì chưa, xin lão cứ sự thật mà nói, đừng có dối.

Đào ma ma cười:

– Trời ơi, phu nhân lầm rồi, tôi tuy là người mai mối, nhưng không quen dối trá như những người mai mối khác đâu. Tôi có một thì nói một, có hai thì nói hai, chứ quyết không dối trá thêm bớt. Xin thưa để phu nhân biết rằng, Lý Tri huyện lão gia năm nay ngoài năm mươi tuổi mà chỉ được có một mình tiểu lão gia tôi. Tiểu lão gia tôi năm nay ba mươi mốt tuổi, sinh giờ Thìn ngày hai mươi tháng giêng, hiện chưa có chức phận gì, nhưng đang theo học tại Quốc tử giám, nay mai cũng Cử nhân tiến sĩ, công danh không biết sao nói trước. Tiểu lão gia rành việc cung tên, lại văn chương đầy bụng, tài học hơn người, vậy mà chưa từng có gia thất, nên mới muốn có được người chánh thất về coi sóc việc nhà. Nếu được phu nhân đây ưng thuận thì không còn gì hơn.

Ngọc Lâu lại hỏi:

– Đành là chưa có gia thất, nhưng đã có con cái gì chưa, mà quê quán ở mãi đâu, tôi sợ là xa quá thì không theo được.

Đào ma ma đáp:

– Tiểu lão gia tôi làm gì có mụn con nào, chính vì vậy mà mong sớm lập gia thất. Quê quán thì ở huyện Tảo Cường phủ Chân Định, thuộc Bắc Kinh, qua Hoàng Hà chừng sáu bảy dặm là tới. Tại đó ruộng nương đầy dãy, trâu ngựa từng bầy, gia nhân đầy tớ vô số, của cải không sao kể hết. Nay phu nhân về làm chính thất thì tiền của không thiếu gì, mà mai đây tiểu lão gia tôi thi đậu làm quan thì phu nhân cũng đường đường là bậc mệnh phu, đội mũ Ngũ hoa, ngồi kiệu Thất hương, chẳng nói hết vinh hoa phú quý.

Trong khi hai người nói chuyện thì Nguyệt nương cứ ngồi yên. Ngọc Lâu nghe Đào ma ma nói trong lòng chịu lắm, vội bảo Lan Hương:

– Ngươi dọn bàn, đem rượu thịt ra để ma ma dùng.

Đoạn quay ra bảo:

– Tôi nói câu này ma ma đừng giận, chứ mồm miệng của các bà mai thật khó lòng tin được, tôi chỉ sợ bị dối gạt mà thôi.

Đào ma ma kêu lên:

– Trời đất ơi, phu nhân dạy thế thì chết tôi còn gì. Tôi đã thưa là có sao nói vậy, không dám thêm bớt chút nào, xin đừng nghi ngại. Nếu phu nhân ưng thuận thì xin cho vài chữ để tôi đem về thưa lại với tiểu lão gia.

Ngọc Lâu đứng dậy lấy một vuông đoạn đại hồng, sai Đại An đem ra ngoài tiệm, bảo Phó quản lý viết giùm ngày sinh tháng đẻ của mình.

Nguyệt nương im lặng từ nãy tới giờ mới bảo:

– Lúc trước muội muội về đây là do Tiết tẩu làm mai, bây giờ cũng phải cho mời Tiết tẩu lại nói chuyện, mới là người biết lễ.

Đoạn quay lại bảo Đại An mời Tiết tẩu đến.

Lát sau Tiết tẩu đến. Ngọc Lâu nhờ Tiết tẩu làm bà mai đằng gái, đem vuông lụa viết ngày sinh tháng đẻ của mình tới tư dinh Tri huyện.

Thật là:

Cung Quảng Hằng Nga tìm phối ngẫu,

Vu Sơn thần nữ lấy Tương Vương.

Đào ma ma cũng cáo từ cùng đi với Tiết tẩu. Hai bà mai vừa đi vừa trò chuyện. Đào ma ma hỏi:

– Tẩu tẩu làm mai cho Tam nương về với Tây Môn Khánh lão gia phải không?

Tiết tẩu đáp:

– Đúng vậy.

Đào ma ma hỏi:

– Trước khi về với Tây Môn Khánh lão gia thì Tam nương là con gái ở nhà hay là quả phụ?

Tiết tẩu cứ sự thật thuật lại cho Đào ma ma nghe, đoạn nói:

– Tam nương tuổi thật là ba mươi bảy tuổi, lớn hơn tiểu lão gia tới sáu tuổi, có ngại gì chăng?

Đào ma ma bảo:

– Để mình ghé vào đâu nhờ thầy bói coi tuổi Tam nương có tốt không rồi có gì mình nhờ sửa lại vài tuổi cũng chẳng sao.

Đi một khúc đường thì gặp một tấm bảng vẽ hình bát quái, dưới có mấy hàng chữ:

“Coi người sướng hay khổ

Xem số đoán nghèo giàu

Đặt quẻ xong tất biết

Thật tình không dối đâu.”

Hai bà mai bước vào vái chào. Thầy bói mời ngồi. Tiết tẩu nói:

– Phiền tiên sinh coi giùm một quẻ cho người nhà.

Đoạn lấy ba quan đặt lên bàn mà nói:

– Xin tiên sinh đừng hiềm ít, nhân đi có việc mà ghé đây nên không sẵn đem theo nhiều, tiên sinh nhận giùm cho.

Thầy số bảo:

– Xin cho biết ngày sinh tháng đẻ.

Đào ma ma đưa vuông lụa viết ngày sinh tháng đẻ của Ngọc Lâu ra. Thầy số thấy vậy bảo:

– Thì ra chuyện hôn nhân.

Đoạn coi rồi nhẩm tính trong miệng, lát sau bảo:

– Người này năm nay ba mươi bảy tuổi, sinh giờ Tý ngày hai mươi bảy tháng mười một, tức là giờ Canh Tý, ngày Tân Mão, tháng Giáp Tý, số này nay mai vinh hoa phú quý, có quyền hành của người chính thất phu nhân, số này là số tích phu phát lộc, được chồng sủng ái, nhưng phải qua một hai đời chồng rồi thì mới tốt, chẳng hay có đúng vậy không?

Tiết tẩu gật đầu:

– Đã qua hai đời chồng rồi.

Thầy số bảo:

– Nếu vậy thì tốt lắm, chỉ nay mai là phú quý vinh hoa.

Tiết tẩu hỏi:

– Sau này người đó có con trai không?

Thầy số đáp:

– Số này may lắm, tuy muộn màng, nhưng tới năm bốn mươi mốt tuổi sẽ có con trai.

Đoạn lấy bút viết ngay vào tấm lụa rằng:

“Dung nhan như đóa hoa mai,

Má hồng mày liễu khó ai sánh cùng.

Nhờ con mà lại giúp chồng,

Vinh hoa phú quý thỏa lòng ước mơ.”

Tiết tẩu lại hỏi:

– Phiền tiên sinh có thể giảng rõ hơn chăng? Để chúng tôi còn về thưa lại.

Thầy số nói:

– Nếu người này có chồng tuổi Dần thì tuy được chồng yêu thương, nhưng chỉ là phận lẽ mọn, còn nếu lấy chồng tuổi Ngọ thì tức là gặp quý phu, sẽ được hưởng vinh hoa phú quý, sống tới sáu mươi tám tuổi và có được một con trai. Vợ chồng sống với nhau tới già mà lúc nào cũng ấm êm hòa thuận.

Tiết tẩu nói:

– Tiên sinh quả là thần số, đúng là người này sắp lấy chồng tuổi Ngọ, chỉ hiềm là lớn hơn mấy tuổi, nay cảm phiền tiên sinh sửa giùm năm sanh trong này có được chăng?

Thầy số bảo:

– Nếu vậy thì sửa lại là tuổi Đinh Mão, ba mươi tư tuổi được chăng?

Tiết tẩu hỏi:

– Tuổi Mão với tuổi Ngọ hợp chăng?

Thầy số đáp:

– Đinh thì thuộc hỏa mà Canh thì thuộc kim, kim gặp hỏa thì được luyện thành đại khí, hợp lắm chứ sao không.

Nói xong cầm bút sửa lại cho Ngọc Lâu còn ba mươi tư tuổi.

Hai bà mai hí hửng vái tạ mà đi.

Tới cổng nhà dinh Huyện quan, hai người nhờ lính hầu vào báo, rồi được dẫn vào, lạy chào Lý Nha Nội. Nha Nội chỉ Tiết tẩu mà hỏi:

– Người này ở đâu tới đây?

Đào ma ma vội đáp:

– Đây là người mai của đằng gái.

Rồi kể hết chuyện mai mối vừa thành tựu, đoạn nói tiếp:

– Nương tử bên đó quả là trang sắc nước hương trời, chỉ hiềm niên kỷ hơi lớn một chút nên tôi không dám tự tiện, xin tiểu lão gia cho biết tôn ý, hiện có gửi hôn thiếp theo đây.

Nói xong đưa tấm lụa viết ngày sinh tháng đẻ của Ngọc Lâu lên. Nha Nội cầm xem, thấy viết:

– Ba mươi tư tuổi, sinh giờ Tý ngày hai mươi bảy tháng mười một năm Đinh Mão.

Đoạn bảo:

– Như vậy là hơn tôi ba tuổi.

Tiết tẩu tươi cười nói ngay:

– Bẩm, tiểu lão gia là người lịch duyệt, kiến thức rộng lớn, há chẳng nghe câu nói từ thời cổ là “Vợ hơn hai tuổi vàng bạc đầy nhà, vợ hơn ba tuổi trọn đời vinh hoa” hay sao. Huống chi nương tử chúng tôi nhan sắc hơn người, tính tình nhu thuận, chữ nghĩa cũng đủ hiểu được Chư tử bách gia. Mong tiểu lão gia nghĩ cho kỹ.

Nha Nội bảo:

– Ta đã được chiêm ngưỡng dung nhan rồi, bất tất phải nói nhiều, bây giờ hãy chọn ngày tốt, đem lễ qua là được.

Đào ma ma hỏi:

– Còn chúng tôi thì bao giờ phải tới hầu tiểu lão gia?

Nha Nội bảo:

– Có lẽ chẳng nên để lâu lắc làm gì, ngày mai hai ngươi tới đây, rồi sang bên đó nói chuyện.

Nói xong thưởng cho mỗi người một lạng bạc. Hai người hoan hỷ lạy tạ ra về.

Về phần Nha Nội, thấy chuyện hôn nhân thành tựu thì vui mừng lắm, cho gọi viên Lang lại Hà Bất Vi tới bàn tính, rồi một mặt thưa với cha là Lý Tri huyện, một mặt mời thầy âm dương chọn ngày.

Thầy âm dương định ngày mồng tám tháng tư thì làm lễ hỏi, ngày rằm tháng tư thì cưới về.

Nha Nội xuất bạc đưa cho Hà Bất Vi và Trương Nhàn mua sắm lễ vật, chuẩn bị các thứ. Trong dinh Trinh huyện tấp nập bận rộn chuẩn bị đám cưới của tiểu chủ.

Hôm sau, hai bà mai tới, được Nha Nội cho biết ngày giờ, rồi rủ nhau qua nhà Tây Môn Khánh, thưa lại với Nguyệt nương và Ngọc Lâu.

Thật là:

Hôn nhân cũng có tiền duyên,

Như người trồng ngọc Lam Điền lúc xưa.

***

Ngày giờ qua mau, tới ngày mồng tám tháng tư, Nha Nội cho soạn mười sáu mâm hoa quả bánh trái, một cái mũ kim ty, một cặp kiềng vàng, một cái đai mã não cùng với nhiều nữ trang vàng bạc khác, lại có bốn xấp gấm đại hồng, bốn bộ quần áo lụa quý, và ba mươi lạng bạc. Hà Bất Vi cùng hai chục gia nhân đội mâm lễ tới nhà Tây Môn Khánh, hai bà mai cũng đi theo. Tới nơi, giao lễ, hẹn ngày đón dâu, Nguyệt nương đãi trà chu đáo.

Đến ngày mười lăm, Nha Nội đã cho lính hầu và gia nhân tới trước đem rương hòm quần áo và các đồ đạc của Ngọc Lâu. Nguyệt nương cho Ngọc Lâu đem theo tất cả những đồ đạc vật dụng có từ trước. Ngọc Lâu chỉ xin đem theo a hoàn Lan Hương đi theo, còn để a hoàn Tiểu Loan lại giúp Nguyệt nương trông coi Hiếu ca nhi, nhưng Nguyệt nương không chịu, bảo:

– A hoàn của muội muội thì muội muội cứ đem đi, sao tôi lại giữ được. Trông nom ca nhi thì đã có các a hoàn Trung Thu, Tú Xuân và nhũ mẫu Như Ý là đủ rồi.

Ngọc Lâu để lại một cặp bình bằng bạc, bảo là để tặng ca nhi cho ca nhi chơi làm kỷ niệm.

Tới chiều thì một cỗ đại kiệu bốn người khiêng, tám cỗ đèn hoa, tám tên quân hầu tới đón. Ngọc Lâu đội mũ kim lương, mặc áo đại hồng, vàng đeo ngọc giắt đầy người, vào lạy từ trước bàn thờ Tây Môn Khánh, rồi trở ra lạy chào Nguyệt nương. Nguyệt nương bảo:

– Tam muội à, tam muội ác lắm, bây giờ bỏ đi để tôi ở lại một mình, không ai bầu bạn.

Nói xong thì khóc, Ngọc Lâu cũng khóc. Lát sau, Nguyệt nương tiễn Ngọc Lâu ra cửa. Hai bà mai đưa Ngọc Lâu lên kiệu, che rèm mà đi. Nguyệt nương là quả phụ, không thể đưa Ngọc Lâu tới nhà chồng, phải nhờ một người chị đi giùm.

Kiệu ra tới đường, đôi bên hàng phố xầm xì:

– Đây là người thiếp thứ ba của Tây Môn lão gia, bây giờ lấy công tử Nha Nội, con trai Tri huyện tướng công, hôm nay tốt ngày nên cho rước về.

Có người lại nói:

– Lúc xưa Tây Môn lão gia sinh tiền, nhà cửa hưng thịnh biết bao, thê thiếp đầy nhà, gia nhân đầy tớ rộn rịp, vậy mà bây giờ chỉ còn một mình Đại nương có con trai là ở lại thủ tiết, còn bao nhiêu thì tan tác hết. Gia nhân a hoàn cũng chỉ còn lèo tèo vài người.

Dân chúng trong huyện cứ xôn xao bàn tán, mỗi người một phách.

Có người lại chỉ vào kiệu của Ngọc Lâu mà nói nhỏ:

– Vợ nhỏ của Tây Môn Khánh bây giờ bỏ đi lấy người khác đó. Tên Khánh lúc sống chuyên làm những chuyện hại người, lại tham tiền hiếu sắc, gian dâm với vợ người, bây giờ chết đi, đám tiểu thiếp, người thì trộm đồ vật tiền bạc, người thì theo trai, người thì lấy chồng khác, mới biết quả báo nhãn tiền là thế.

Kiệu của Ngọc Lâu đi giữa muôn lời bàn tán chê khen đó.

Tới nơi, thấy tư dinh huyện quan trang hoàng rực rỡ, đèn nến sáng trưng. Nha Nội cùng đám gia nhân ra rước vào, mở tiệc khoản đãi. Tiệc xong, người chị Ngọc Lâu cáo từ mà về. Hai bà mai thì được thưởng mỗi người năm lạng bạc, một xấp đoạn hoa.

Đêm đó, Nha Nội và Ngọc Lâu vào phòng riêng uống rượu hợp cẩn rồi thành thân. Đôi bên tình ý dạt dào không sao nói hết.

Hôm sau, Nguyệt nương, Mạnh Đại cữu, Mạnh Nhị cữu mẫu và Mạnh Đại di đều sai người đem lễ tới huyện. Nha Nội viết thiếp mời mọi người đằng gái tới dự tiệc “tam nhật”.

Bữa tiệc đó được chuẩn bị linh đình, ca công kỹ nữ và cả một đoàn hát được gọi tới giúp vui.

Hôm đó Nguyệt nương mặc áo đại hồng, quần bách hoa, thắt dây lưng vàng, ngồi kiệu lớn tới dự tiệc.

Vì là bữa tiệc khoản đãi các nữ thân quyến bên gái nên được tổ chức tại hậu sảnh. Tri huyện phu nhân ngồi ghế chủ tiệc, thân rót rượu mời mọi người. Xong tiệc, Nguyệt nương về đến nhà, âm thầm vào phòng, chợt nghĩ tới ngày trước Tây Môn Khánh lúc còn sống, mỗi lần Nguyệt nương đi đâu về thì các tiểu thiếp và a hoàn chạy tới lạy chào, mọi người đông đúc vui vẻ, nay thì vắng lặng lạnh lùng quá.

Nghĩ tới đó thì bất giác thương tâm, chạy vào bàn thờ của chồng mà khóc. Tiểu Ngọc phải khuyên lơn mãi mới thôi. Từ đó, Nguyệt nương lúc nào cũng sầu muộn không vui.

***

Về phần Nha Nội và Ngọc Lâu, từ ngày sống với nhau thì như cá gặp nước, khắng khít như keo sơn, ra vào một bước cũng chẳng rời nhau. Nha Nội phần thì vui mừng vì Ngọc Lâu có nhan sắc hơn người, phần thì vui mừng vì Ngọc Lâu có hai a hoàn, Lan Hương mười tám tuổi, giỏi đàn hát, Tiểu Loan mười lăm tuổi cũng xinh đẹp ngoan ngoãn.

Nguyên Nha Nội lúc trước đã có một đời vợ. Người vợ trước này có một a hoàn, hiện đã ba mươi tuổi và còn ở lại hầu hạ trong nhà, tên là Ngọc Trâm. Ngọc Trâm ở với chủ đã lâu nên thường làm lộng, coi rẻ mọi người, lại ăn mặc diêm dúa, trang điểm lòe loẹt. Lúc Nha Nội chưa cưới Ngọc Lâu thì Ngọc Trâm hàng ngày lo hầu hạ Nha Nội trong việc ăn uống nằm ngồi, lúc nào cũng hết lòng. Nhưng từ khi Ngọc Lâu về làm vợ Nha Nội thì Ngọc Trâm buồn khổ ghen tức trước sự gắn bó của hai người.

Một hôm, Nha Nội đang ngồi đọc sách tại thư phòng, Ngọc Trâm pha trà thơm, để vào khay, hai tay bưng tới, miệng cười toe toét đứng chờ. Không ngờ Nha Nội đọc sách mỏi mệt rồi gục ngay xuống án thư mà ngủ. Ngọc Trâm gọi mà bảo:

– Gia gia, tôi đem trà đến mà gia gia không thèm uống, lại ngủ hay sao? Suốt ngày suốt đêm gia gia ngủ với người ta trong chăn êm đệm ấm chưa chán hay sao mà bây giờ phải ngồi đâu ngủ đó?

Không thấy Nha Nội thức dậy, Ngọc Trâm sầm mặt bảo:

– Đồ bạc nghĩa, chẳng hiểu đêm qua thức làm những gì trong phòng mà bây giờ mệt mỏi ngủ vùi ngủ dập như thế này.

Đoạn nói lớn:

– Dậy mà uống trà.

Nha Nội giật mình tỉnh dậy quát:

– Con khốn, đem trà tới thì để đó cho ta, làm gì gào lên vậy? Có cút vào trong không?

Ngọc Trâm vừa thẹn vừa giận, mặt mũi đỏ bừng, đặt mạnh khay trà xuống bàn, rồi bỏ đi, vừa đi vừa lầm bầm:

– Thật là người không biết điều, lại chẳng biết ơn biết nghĩa, người đem trà đến cho mà uống mà nỡ nào nạt nộ như thế bao giờ. Bây giờ có mới thì nới cũ ra, mới để trong nhà cũ để ngoài sân. Vậy mà lúc trước đi lại với người ta thì nói năng ôn tồn nhỏ nhẹ, rắn trong lỗ cũng phải bò ra.

Không ngờ Nha Nội nghe được, vội chạy theo đạp cho một đạp.

Từ đó Ngọc Trâm ngày càng lộng, không thèm lo trà nước cho Nha Nội nữa. Gặp Ngọc Lâu cũng không thèm gọi là nương nương, mà chỉ xưng hô trống không hoặc vô lễ. Vào phòng riêng thì có khi ngồi lên cả giường Ngọc Lâu. Ngọc Lâu cũng không thèm chấp.

Ngọc Trâm lại hay bắt nạt Lan Hương và Tiểu Loan, bảo:

– Hai đứa bay không được kêu tao bằng thư thư, mà phải kêu bằng di nương, tao và nương nương của chúng bay chỉ là người lớn người nhỏ thôi. Tao không có ngang hàng với chúng bay đâu.

Nhưng lại dặn thêm:

– Trước mặt gia gia thì đừng gọi tao là di nương, chúng bay khôn hồn thì nghe lời tao, còn không thì coi chừng ăn đòn đấy.

Nha Nội cũng chẳng thèm để ý. Ngọc Trâm thấy vậy càng coi thường. Sáng ra thì ngủ tới nửa buổi chưa chịu dậy, nhà không chịu quét, cơm nước không chịu làm.

Ngọc Lâu phải dặn Lan Hương và Tiểu Loan:

– Hai ngươi đừng nhờ cậy gì Ngọc Trâm hết, hãy xuống bếp làm cơm để gia gia và ta dùng.

Hai a hoàn nghe lời chủ, xuống bếp làm cơm pha trà. Ngọc Trâm thấy vậy càng tức, thường mắng mèo quèo chó, mắng Lan Hương, đánh đập Tiểu Loan.

Một hôm Ngọc Trâm kiếm chuyện rồi mắng Lan Hương và Tiểu Loan rằng:

– Hai đứa bay không biết trước sau là thế nào hay sao? Tao với chủ mày, ai là trước, ai là sau? Chính chủ mày tới đây chiếm chỗ của tao mà còn phách lối. Đến nay vị nương nương lúc trước cũng chẳng bao giờ gọi thẳng tên tao, vậy mà bây giờ chủ mày một điều Ngọc Trâm, hai điều Ngọc Trâm. Mới vào được mấy ngày trong nhà này mà đã gọi tên gọi họ tao ra như vậy hay sao? Tao đâu phải kẻ ăn người ở của ai đâu. Cho chúng mày biết là lúc trước tao với gia gia là ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu, chung chăn chung gối đấy. Nhưng từ ngày có chủ mày về đây, tao mới bị bạc đãi như thế này, mà cũng khiến cho đường nhân duyên của tao phải tan nát. Bao ngày nay tao phải sống lạnh lùng buồn khổ biết bao. Chủ mày ở nhà Tây Môn Khánh chỉ là tiểu thiếp thứ ba chứ là cái gì mà về đây lên mặt lên mũi hô hoán người nọ sai bảo người kia, chủ mày mua được gia nhân nào mà hô hoán sai bảo như thế? Gia nhân nhà này có ai dưới quyền chủ mày đâu.

Lan Hương và Tiểu Loan không trả lời, chỉ yên lặng cho qua. Ngọc Trâm có ý nói lớn tiếng. Ngọc Lâu trong phòng nghe được, giận uất lên, nhưng cũng không nói lại với chồng.

Một hôm, nhân lúc trời nóng bức, Nha Nội sai lấy nước và chuẩn bị vật dụng để hai vợ chồng tắm chung. Ngọc Lâu bảo chồng:

– Để gọi Lan Hương bảo nó làm, đừng sai Ngọc Trâm làm gì.

Nha Nội bảo:

– Ngọc Trâm nó hầu hạ tôi quen rồi, để bảo nó làm.

Nói xong sai Ngọc Trâm chuẩn bị nước tắm để tắm ngay trong phòng. Ngọc Trâm nghe nói hai người tắm chung, mà mình lại phải đi lấy nước tắm thì giận lắm, đem cái bồn tắm vào phòng, liệng mạnh xuống đất, rồi vừa đi ra vừa lẩm bẩm:

– Con dâm phụ này gớm thật, cứ làm như là chủ mình không bằng, tự nhiên lại bày đặt ra trò quái quỷ tắm chung, làm phiền tới lão nương này. Thật là trò tồi bại quá lắm.

Nha Nội và Ngọc Lâu đều nghe rõ. Ngọc Lâu không nói gì, nhưng Nha Nội thì giận lắm, nhất định đòi đuổi Ngọc Trâm ra khỏi nhà. Ngọc Lâu ngăn lại mà bảo:

– Nó nói gì mặc nó, chàng đừng chấp làm gì.

Nha Nội không chịu, bảo:

– Nàng cứ để tôi trị cho con nô tài vô lễ này một trận.

Nói xong gọi Ngọc Trâm vào, túm ngay lấy tóc, đánh đá như mưa. Ngọc Lâu can ngăn thế nào cũng không được. Ngọc Trâm bị đánh đau quá, hoảng quá quỳ ngay xuống khóc nói:

– Xin gia gia đừng đánh tôi nữa, nếu gia gia không dung được tôi thì xin bán tôi cho nhà khác, tôi cũng không cần ở đây nữa đâu.


Nha Nội lại càng thêm giận, nhảy tới đánh đá. Ngọc Lâu phải ôm lại mà bảo:

– Nó đã muốn ra khỏi nhà này thì chàng cũng không nên giận dữ đánh đập làm gì.

Nha Nội nghe vậy mới chịu thôi, rồi cho gọi Đào ma ma lại ngay, lãnh Ngọc Trâm đem bán cho nhà khác.

Thật là:

Có mồm thì cắp, có nắp thì đậy,

Cổ nhân đã dạy, chẳng chỗ nào sai.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét