Hình ở hang Du Lâm số 3, Đôn Hoàng. |
BÂY GIỜ NHỚ LẠI
Giải mã truyện Tây du phát hành vào tháng Tư năm 1993, đến
tháng Bảy cùng năm thì tuyệt bản. Độc giả tiếp tục yêu cầu thêm, nhưng tôi muốn
bản in lần thứ Hai phải tốt hơn, sửa chữa một vài chi tiết về nội dung, bổ sung
một số trang cho phong phú hơn, cải tiến thêm hình thức, gọi là trân trọng với
lòng thành nhằm đáp lại tấm thịnh tình của bạn đọc khắp nơi đã ưu ái dành cho
tác phẩm đầu tay này.
Không ngờ, trong lúc còn chờ thủ tục xuất bản cho hợp lệ, bản in lần đầu đã bị kéo lụa, bày bán với số lượng không ít trong khoảng hơn một năm trời. Phát hiện được cũng nhờ độc giả yêu mến mách giúp cho!
Cuối năm nay, nhờ sự giúp đỡ của ông N.Q.T., nhất là sự quan tâm của ông Nguyễn
Quang Huy, Giám đốc nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Giải mã truyện Tây du mới
được tái bản với phần hiệu đính và tăng bổ. Vì thế, để phân biệt với bản in lần
thứ Nhất, nhan đề bản in kỳ này có thêm hai chữ “Tân biên”.
Trong bản in lần thứ Hai, về phần chữ Hán, tôi nhờ bào đệ Lê Anh Minh giúp tham
khảo thêm bản Tây du ký, do Nhạc lộc thư xã ấn hành tại
Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc, 1987; Tiên học từ điển, của Đái
Nguyên Trường, Chân thiện mỹ xuất bản xã, Đài Bắc, Đài Loan, 1970; Đạo
giáo trường sinh thuật, của Hồng Phi Mô, Chiết Giang cổ tịch xuất bản
xã, Trung Quốc, 1992; Trung Quốc Đạo học thông điển, Ngô Phong
chủ biên, Nam Hải xuất bản công ty, Trung Quốc, 1994, và một vài sách chữ Hán
khác.
Phụ bản minh họa có tăng thêm một ít, dựa theo bản Tây du ký bằng tranh của nhà
xuất bản Mỹ thuật Hà Bắc, Trung Quốc, năm 1988. Nhiều chỗ sơ sót của bản Giải
mã truyện Tây du in năm 1993 đã được sửa chữa rất kỹ. Ngoài ba Phụ lục
trong bản in cũ, tôi bổ sung thêm hai bài mới (Tây du ký có bài Lão tôn
Phật không? và Nói chuyện Trư Bát giới). Cũng vậy, ba bài
báo góp lại trong phần Dư âm Giải mã truyện Tây du, xin tạm gọi là
giao cảm với chút duyên văn cùng bạn đọc.
Kỳ tái bản quyển sách đầu tay này, tôi không khỏi nhớ nghĩ nhiều đến một nhân
duyên đã dẫn dắt tôi vào nghề cầm bút.
Tháng 6 năm 1989, một bạn cũ từ thời sinh viên nhờ tôi về giúp xây dựng Ban Tu
thư-Xuất bản cho Trung tâm Cesais mới thành lập của Đại học Kinh tế. Qua giới
thiệu của cháu gái bà Nguyễn Hiến Lê, tôi mời Trần Văn Chánh (Trần Khuyết Nghi)
về làm tạp chíPhát triển kinh tế của Trường, do Ban Tu thư-Xuất bản
Cesais thực hiện.
Nhờ Chánh, cơ cấu ban đầu của Phát triển kinh tế dần dần định hình. Không muốn
bỏ nghề dạy học, khoảng năm tháng sau tôi rút khỏi Ban Tu thư-Xuất bản, chỉ còn
thỉnh thoảng viết hay dịch bài cho tạp chí của Trường, góp vui cùng anh em.
Qua môi trường làm báo ở Cesais, tôi gặp Nguyễn Quang Thọ. Thoạt đầu, anh nhờ
tôi dịch bài cho Kiến thức trẻ do anh phụ trách, ra mắt tháng
8.1990, thêm số nữa thì chết. Thọ xoay sang làm Kiến thức phổ
thông, ra mắt tháng 12-1990, nhưng sau mấy số lại rút lui, chuyển qua
Văn hóa & Đời sống, ra mắt tháng 3-1991.
Mãi đến lúc đó, thực sự tôi chưa viết gì nhiều cho Thọ, nhưng có gợi ý anh một
ít đề tài về văn hóa Trung Quốc, như thư pháp, hội họa, con triện... và giới
thiệu anh mời em tôi là Lê Anh Minh cộng tác mảng nghiên cứu này. Minh viết cho
Kiến thức trẻ từ số đầu tiên, rồi Kiến thức phổ thông, và Văn hóa
& Đời sống. Rất đều đặn.
Qua những lần chuyện trò, Nguyễn Quang Thọ biết tôi quan tâm ít nhiều đến tư tưởng
Tam giáo và Cao đài. Học văn chương ở Đông Đức về, anh chàng Hà Nội này tỏ ra
thích thú mảng văn hóa Á Đông, cứ xui tôi viết cho báo anh. Tôi vẫn lần lữa.
Mùa Hè năm 1991, Đài Truyền hình Thành phố khởi chiếu bộ phim Tây du
ký hai mươi lăm tập của nữ đạo diễn Trung Quốc Dương Khiết. Một sáng
Chủ nhật giữa tháng 8, Thọ ghé chơi và thuật chuyện con gái đầu lòng của anh,
bé Thùy Dương, thỏ thẻ hỏi: “Các con thú trên trời sướng quá sao lại trốn xuống
trần làm yêu quái chi cho khổ, bị Tề thiên đánh xiểng liểng?” Anh nhờ tôi giải
đáp giúp cháu. Tôi cười, nửa đùa nửa thật: “Cắt nghĩa không khó, nhưng khá dài
dòng. Nếu anh muốn, tôi sẽ viết cho Văn hóa & Đời sống khoảng mười kỳ.” Anh
vui vẻ tán thành.
Bài viết đầu tiên là Bốn biển không yên cơn lửa trẻ. Thọ chuẩn bị
đi bài thì tôi đề nghị gác lại, vì nghĩ nên có một mở đầu theo kiểu “tổng quan”
cho cả loạt bài. Vài hôm sau,Đường tăng! Anh là ai? hoàn tất ngày
26 tháng 8, vừa kịp cho số báo tháng 9.
Tôi đặt tựa chung là Huyền nghĩa truyện Tây du. Thọ gạt phắt, sửa
là Giải mã truyện Tây du. Từ đó, liên tục trong chín tháng,
tôi dấn sâu vào cuộc chơi tình cờ. Cứ như điệp khúc, nhiều phen viết chậm trễ,
Thọ cầm luôn cả xấp bản nhũ của số báo sắp ra, tới hối thúc, bảo rằng chỉ còn
thiếu mỗi bài của tôi nữa thôi. Cứ mỗi tháng phải nghĩ ra một bài. Bài này vừa
giao nộp xong lại phải nghĩ ngay đến bài kế. Mệt cũng lắm, mà vui nhiều.
Trước khi đình bản vào tháng 01-1994, Văn hóa & Đời sống tháng 12-1991 và
tháng 9-1992 đăng thêm cho tôi hai bài về Tam giáo Việt Nam mà sau này được gom
lại cùng các bài khác, in thành cuốn Con đường Tam giáo Việt Nam,
xuất bản tháng 5-1994. Đó là sau khi in thử quyển biên khảo đầu tay, tôi nhìn
thấy tín hiệu tốt và có hứng thú xuất bản. Và đó cũng nhờ làm việc chung với mấy
anh em ở tạp chí Phát triển kinh tế tôi quen dần các công đoạn tỉ mỉ của việc
xuất bản, có thể tự mình đảm đương phần lớn công việc, tự mình “săn sóc” được
sách của mình. Từ nghề dạy học, tôi bước qua một lãnh vực mới.
Năm hai mươi tuổi, tôi tập tễnh khảo luận; Thầy Nguyễn Hiến Lê biên thơ khuyên:“Cháu
cứ tiếp tục đi, phải đọc nhiều, kinh nghiệm nhiều rồi viết mới hay, khoảng bốn
mươi tuổi trở đi, chứ muốn cho sâu sắc ngay thì không được. Ngành biên khảo như
vậy...” Thầy cũng cho rằng phải có duyên mới viết được một cuốn sách,
và cũng phải có duyên mới xuất bản được một cuốn sách. Kinh nghiệm dẫu chưa nhiều,
nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng lời nói ấy.
(Giáng sinh 1994)
Lê Anh
Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét