Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

15. Tây du ký có bài Lão tôn Phật không ?

 

TÂY DU KÝ CÓ BÀI LÃO TÔN PHẬT KHÔNG?

 

Thỉnh thoảng cũng không tránh khỏi có người nghĩ rằng: “Trong Tây du ký, Ngô Thừa Ân đã mạnh mẽ bài bác, nhạo báng đạo Lão, đã biến hình thành đạo tu tiên, dưới nhiều hình thức, từ nhẹ nhàng đến sống sượng, thô bạo để đề cao Phật giáo...” [Lý Việt Dũng, báo Người lao động cuối tuần, số 127, ngày 09-7-1993, tr. 19.]

 

Đạo Lão có nhiều trường phái, trong đó không tránh khỏi những biến tướng rơi vào chỗ mất chân truyền hay tông chỉ vô vi thanh tịnh của đạo Lão. Trong Tây du ký, Ngô Thừa Ân nếu có bài bác, chính là bài bác cạnh khía mê tín dị đoan, câu chấp hình danh sắc tướng của các đạo sĩ.

 

Ngô Thừa Ân thực ra rất tôn trọng và hiểu đúng chân truyền nội đơn (tịnh hay thiền) của Lão giáo [Phương Tây có khi dịch là alchemy (Anh), alchimie (Pháp)]. Theo đó, đạo giải thoát phải thực hành từ chính trong thân hành giả, ngoài thân không có đạo giải thoát. Đạo Lão dùng thuật ngữ nội dược (internal elixir) để ám chỉ lý này. Nếu lầm lẫn tưởng rằng có thể bào chế ngoại dược (external elixir) để làm thuốc trường sinh bất tử là rơi vào bàng môn tả đạo.[ Xem lại Phụ lục 3: Lý Chí Thường Trường xuân Chân nhân Tây du ký. Khi Thành cát Tư hãn hỏi Khưu Trường xuân: “Từ phương xa đến đây, khanh đem thuốc trường sinh gì cho trẫm?” Chân nhân đáp: “Thần có thuật trường sinh chứ không có thuốc trường sinh.” Thuốc trường sinh chỉ là ảo tưởng về ngoại dược. Thuật trường sinh là phương pháp tu thiền, tịnh luyện (nội dược). Câu trả lời của Khưu Chân nhân rất sâu sắc.]


Thử nêu thí dụ tiêu biểu, Hồi thứ 44 và 45 kể việc Ngộ không, Bát giới, Sa tăng vào quán Tam thanh, dẹp hết các cốt tượng trên bệ thờ đi; và khi các đạo sĩ mê muội quỳ lạy xin “kim đơn” để được trường sinh bất tử, ba anh em bèn hội ý chớp nhoáng và hào phóng ban cho ngay mấy bình... nước tiểu! [TDK V 1988: 101-110]


Nếu vịn vào sự việc này rồi đề quyết Ngô Thừa Ân báng bổ đạo Lão thì chẳng khác nào mượn cớ Thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên (738-824) đời Đường chẻ tượng Phật nơi chùa Huê lâm, đất Trường An, để kết án Thiền sư hủy báng Phật, phạm tội đại ác nghịch.


Cũng vậy, nếu chấp cứng vô mặt chữ truyện Tây du, thì khi đọc Hồi thứ 16, tới đoạn các sư chùa Quan âm dở trò ma giáo, tự đốt chùa mình vì mong cướp đoạt cà sa báu của Đường tăng [TDK II 1982: 112-134], hay khi đọc Hồi thứ 23, thấy Bát giới tuyên bố với Tề thiên một câu xanh rờn rằng: “Người ta thường nói: Hòa thượng là con ma háo sắc.” [TDK III 1988: 61] thì biết đâu chừng thiên hạ cũng dám chụp mũ Ngô Thừa Ân là bài Phật tôn Lão lắm chứ?!


Cho nên khi đã thấu đáo chỗ nghịch thường này ở truyện Tây du thì cũng tức khắc sẽ hiểu vì sao trong lúc triết gia Đức Friederich Wilhelm Nietzsche (1844(1900) bị chụp mũ là chống Chúa (anti-Christ), chống Ki tô giáo (anti-Christianity), thì một triết gia Đức khác là Karl Theodor Jaspers (1883-1969) vốn một lòng sùng tín Chúa lại quả quyết rằng chỉ có những ai đọc Nietzsche hời hợt ở bề ngoài (only superficial readers) mới dám bảo rằng Nietzche bài xích Chúa.[“I want to show how much of a Christian he is, this ‘Anti-Chirst’ Nietzsche. (...) Only superficial readers blinded by his aggressive extremism can see in him nothing but hostility to all things Christian.” Karl Jaspers, Nietzsche and Christianity, translated by E. B. Ashton, Henry Regnery Co., Gateway Edition, 1963, p. viii.]


Trong Tây du ký, thường thường cứ mở đầu một hồi lại dẫn hai câu thơ đậm nét khẩu quyết hành thiền của đạo Lão. Chẳng hạn:


Ngoại đạo mê chân tính,

Nguyên thần giúp bản tâm.

Hồi thứ 35, [TDK IV 1988: 107].


Trẻ thơ hỏi mẹ tà hay chính,

Kim, mộc thăm dò rõ thực hư.

Hồi thứ 38, [TDK IV 1988: 177].


Trẻ thơ bỡn cợt lòng thiền rối,

Vượn cắp đao về mộc mẫu trơ.

Hồi thứ 40, [TDK IV 1988: 224].


Yêu ma lừa bản tính,

Nhất thể bái chân như. 

Hồi thứ 77, [TDK VIII 1988: 152].


Ngoài ra vẫn có nhiều bài thơ dài mô tả thuật luyện đan (thiền) của đạo Lão. Thí dụ tiêu biểu là chín câu thơ trích trong bài thơ dài ở Hồi thứ 22 như sau:


Nhân thử tài đắc ngộ chân nhân

Dẫn khai Đại đạo kim quang lượng

Tiên tương anh nhi, xá nữ thu

Hậu bả mộc mẫu, kim công phóng

Minh đường thận thủy nhập hoa trì

Trùng lâu can hỏa đầu tâm tạng

Tam thiên công mãn bái thiên nhan

Chí tâm triều lễ Minh hoa hướng

Ngọc hoàng Đại đế tiện gia thăng.

Lê Anh Minh phiên âm, theo bản chữ Hán [TDK 1987: 161].


Bản dịch tiếng Việt còn lại tám câu như sau:

Thế rồi gặp được vị chân nhân,

Đạo lớn truyền cho sáng cõi lòng.

Trước thu anh nhi và xá nữ,

Sau thả mộc mẫu với kim công.

Nước thận từ mi về đầu lưỡi,

Lửa gan từ thận xuống tâm nang.

Ba nghìn công trọn lòng theo lễ,

Lên điện Minh hoa lạy Ngọc hoàng.

[TDK III 1988: 33]


Bài thơ này không thể hiểu theo mặt chữ. Anh nhi, xá lợi, mộc mẫu, kim công, minh đường (mi gian: chỗ giữa hai mi mắt), thận thủy (nước thận), hoa trì, trùng lâu, can hỏa (lửa gan), v.v... đều là thuật ngữ thiền đạo Lão mà những ai đã đọc Thượng thanh Huỳnh đình nội cảnh đều gặp đi gặp lại trong ba mươi sáu chương kinh. Đây là một trong những bài thơ loại “khẩu quyết” luyện kim đơn của đạo gia. 


Câu “Nước thận từ mi về đầu lưỡi" chính là dạy uốn cong đầu lưỡi để tạo ra tân dịch (nước miếng) lúc hành thiền.[Xem lại chiếc cầu vồng trên bến Lăng vân trong bài Nẻo về bên ấy.]


Ngô Thừa Ân rõ ràng rất tôn trọng đạo Lão, coi Lão là chánh pháp ngang hàng với Nho, Phật. Tây du ký kể rằng tại chùa Lôi âm, khi trao kinh Phật cho Đường tăng, Phật tổ Như lai dặn dò: “Cái thử nội hữu thành tiên liễu đạo chi ảo diệu.” Nghĩa là: Trong đó có phép mầu đắc đạo thành tiên. (Lê Anh Minh phiên âm, theo bản chữ Hán [TDK 1987: 752].)


Vì cho Nho, Thích, Lão đồng đẳng, xếp chung một bảng giá trị, nên khi trao kinh cho Đường tăng thì Phật tổ cũng dạy: “Tuy vi ngã môn chi quy giám, thực nãi Tam giáo chi nguyên lưu.” Có nghĩa rằng: Tuy là giới luật của cửa Phật nhưng cũng là nguồn dòng của Tam giáo.( Lê Anh Minh phiên âm, theo bản chữ Hán [TDK 1987: 752].)


Quả thực bao hàm trong Tây du ký là dòng tư tưởng Tam giáo đồng tông hay đồng nguyên. Ngô Thừa Ân và Tây du ký bất hủ là do nhiều yếu tố, nhưng thiết tưởng phần lớn cũng vì tác giả truyện Tây du đã có tư tưởng rất trong sáng, đã siêu vượt lên mọi xu hướng độc tôn về triết giáo.

Tam giáo đồng tông

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét